Thư viện

Điện Biên Phủ trên không: Phục dựng hình ảnh B-52, SAM-2, MiG-21

B-52, MiG-21 và tên lửa SAM-2 là các vũ khí chủ lực của Mỹ và Việt Nam tham chiến trong trận Điện Biên Phủ trên không, tháng 12/1972.

(ĐVO) Dưới đây là hình ảnh đồ họa và thông tin của B-52, MiG-21 và tên lửa SAM-2:

        

>> Điện Biên phủ trên không: Không thiếu đạn, không ‘nối tầng’ SAM-2
>> S-300 sẵn sàng bảo vệ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không

>> Thăm lại xác ‘Pháo đài bay B-52′ trong bảo tàng Hà Nội
>> Phòng không Việt Nam và xu hướng thế giới

>> Đảm bảo tác chiến điện tử cho phòng không – không quân
>> VN phát triển phần mềm mô phỏng tên lửa S-75M3
>> Tiêm kích Su-30MK2V huấn luyện bay đêm
>> Bí quyết khắc chế ‘bóng ma’ AC-130 của Việt Nam
>> Việt Nam biến C-130 thành máy bay ném bom bảo vệ Trường Sa

Đồ họa: Lê Long, Nội dung: Lê Nam, Tuấn Linh, Quốc Tuấn, Trường Sơn
baodatviet.vn

Advertisement

Những ngày quyết tử

QĐND-Tháng 12-1972, Tiểu đoàn tên lửa 77, Trung đoàn 257 được giao nhiệm vụ chốt tại trận địa Chèm bảo vệ hướng Tây-Tây Bắc của Hà Nội. Đây là hướng chủ lực vì địch dùng máy bay từ Thái Lan và các căn cứ ở Nhật Bản đánh sang đều đi theo hướng này tiến vào Hà Nội. Đại tá Đinh Thế Văn lúc đó đang là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 trực tiếp chỉ huy chiến đấu tại trận địa. Ông đã dùng cuốn sổ tay được tặng ngày 2-6-1969 khi đi dự Đại hội Thi đua Quyết thắng lần thứ hai của Quân chủng PK-KQ để ghi lại khoảng thời gian ông cùng đồng đội chiến đấu quyết liệt với kẻ thù trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” để bảo vệ vùng trời Hà Nội. Hơn hai mươi trang nhật ký trong 12 ngày đêm lịch sử của Thủ đô anh hùng không dàn trải nhiều cảm xúc, từng câu từng chữ trong nhật ký là diễn biến của từng ngày chiến sự mà ông trực tiếp tham gia và chứng kiến, là cuộc đấu trí và sức gay go giữa ta và địch…

Ngày 18-12: Công tác chuẩn bị đã khá đầy đủ. Trước đó trên Sư đoàn và Quân chủng đã quán triệt kỹ, các phái đoàn xuống kiểm tra trận địa liên tục. Cả tiểu đoàn đã ở trong tư thế sẵn sàng.

Trước giờ G: Tôi cùng các đồng chí chỉ huy tiểu đoàn triệu tập anh em quán triệt tinh thần một lần nữa. Là những người lính phải đánh cho tốt, chuẩn bị với mọi tình huống. Đặc biệt là đánh B-52. 23 giờ 45 phút ngày 18-12: Khai hỏa.

Chúng tôi đánh được bốn trận thì ba trận nhìn rõ mục tiêu và được trên công nhận bắn rơi tại chỗ một chiếc.

Đêm 19-12 và 20-12: Chúng tôi đều đánh tốt. Đặc biệt đêm 20-12 chúng tôi đã đánh 4 trận đều nhìn rõ mục tiêu. 20 giờ 34 phút, nổ hai quả. 5 giờ 09, nổ hai quả. 7 giờ: nổ hai quả. Chúng tôi được trên công nhận có hai chiếc B-52 rơi tại chỗ.

Ngày 21-12: Kẻ địch đã dùng máy bay chiến thuật đánh vào trận địa chúng tôi. Theo chỉ thị của trên, chúng tôi giữ nguyên trận địa mặc kệ cho địch quần thảo ở trên. Không đánh ban ngày dễ lộ trận địa và để tiết kiệm dành đánh B-52.

Sáng 22-12: Vào khoảng tám, chín giờ cả tiểu đoàn chúng tôi vô cùng sung sướng và cảm động được Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuống thăm. Sung sướng và cảm động vì được Đại tướng xuống động viên, an ủi, cổ vũ ngay sau khi trận địa bị tấn công. Bản thân tôi thì còn lo thêm việc bảo vệ an toàn cho Đại tướng vì trận bom bi và các loại bom địch đánh xung quanh trận địa hôm trước phát hiện chưa hết. “Các đồng chí đánh rất giỏi” – thật vinh dự cho toàn đơn vị khi được Đại tướng khen ngợi.

CCB là chỉ huy các Tiểu đoàn tên lửa: 72, 77, 57 và 93 gặp lại nhau. (Từ trái sang: Nguyễn Long Hiếu, Đinh Thế Văn, Nguyễn Văn Phiệt, Phạm Văn Chắt, Nguyễn Mạnh Hùng). Ảnh: MINH TRƯỜNG

Ngày 24-12: Địch đến ngày càng đông hơn. Hồi hộp quá. Phải đối phó với thủ đoạn phức tạp của địch, đặc biệt là thủ đoạn kỹ thuật vô tuyến điện tử mỗi lần mở máy và thu phát sóng. Nhưng rồi diễn biến càng phức tạp thì chúng tôi càng lo đến trách nhiệm. Anh em chúng tôi trong kíp chiến đấu đồng chí nào cũng tập trung nghĩ đến nhiệm vụ, trách nhiệm bảo vệ nhân dân. Tất cả những kiến thức được học, cách tìm mục tiêu chống nhiễu qua mỗi trận đối địch đều được hồi tưởng và vận dụng tốt.

Ngày 25-12: Chúng tôi đã có những tổn thất hy sinh nhất định. Chúng tôi chưa làm tròn trách nhiệm với Đảng, với nhân dân vì địch còn đánh được nhiều mục tiêu, nhân dân còn bị tổn thất nhiều.

Ngày 26-12: 22 giờ 40 phút, quả một nổ, địch gây nhiễu mờ hệ thống. Không tiêu diệt được địch, để nó chạy mất.

Ngày 27-12: Chúng tôi vẫn nói với nhau: bảo đảm chiến đấu và lập được chiến công còn có sự đóng góp to lớn của nhân dân, cơ quan và các đơn vị bạn xung quanh. Ngay những ngày đầu mở chiến dịch, trong và sau khi địch đánh, các đội tự vệ của Viện Chăn nuôi và xã Thụy Phương đều có mặt cùng chúng tôi chiến đấu và giải quyết hậu quả. Bình thường vào các buổi sáng, các cháu nhỏ mang lá ngụy trang đến trận địa để giúp chúng tôi ngụy trang trận địa che mắt địch. Nhân dân xã Thụy Phương có hẳn một trung đội do đồng chí Liên – phó chủ tịch phụ trách sửa đường, có lúc phải đưa cả giường, ván ra kê lót kéo đạn vào để chúng tôi có đạn để đánh. Nhân dân như thế sao chúng tôi không quyết tâm. Từ những ý nghĩ đó chúng tôi đã dồn sức tập trung, khôi phục sửa chữa vũ khí, khí tài nhanh chóng. Kết quả chúng tôi chỉ bị mất sức chiến đấu một đêm, còn sau đó lại bảo đảm tiếp tục chiến đấu được…

Chiến dịch 12 ngày đêm kết thúc thắng lợi, Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất. Sau đó, ông tiếp tục phục vụ quân đội, đến tháng 10-1989 về nghỉ hưu với quân hàm đại tá. Trở về với cuộc sống đời thường, ông lại cùng với bà con quê hương khôi phục nghề rối nước truyền thống của thôn Đào Thục, Thụy Lâm, Đông Anh khi nó đang có nguy cơ mai một. Đến nay khi đã bước sang tuổi ngoài 70, trên mặt trận mới, người Tiểu đoàn trưởng năm xưa vẫn tiếp tục “xây đời” bằng tâm huyết của người lính.

VĂN PHI – BÍCH TRANG (sưu tầm và biên soạn)
qdnd.vn

Thư viết bên cánh sóng ra-đa

QĐND-Dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, tuy đã nghỉ hưu nhưng Đại tá Nghiêm Đình Tích cũng bận rộn chẳng kém “người Quân chủng”. Ông bảo, ngoài thời gian tiếp phóng viên các báo, đài tới hỏi chuyện và tham gia giao lưu trên truyền hình, ông còn dành nhiều thời gian kiếm tìm, hệ thống lại những kỷ vật từng gắn với cuộc sống quân ngũ và hạnh phúc gia đình ông trong suốt những năm tháng chiến tranh.

Ông có ý định lục tìm “kho ký ức” ấy từ cách đây ít tháng, khi vợ ông – bà Đỗ Thị Tâm – vừa qua đời do lâm bệnh hiểm nghèo… Trong khoảng lặng của cuộc trò chuyện, Đại tá Nghiêm Đình Tích đưa tôi xem những lá thư thời chiến đã sờn mép và nhuốm màu thời gian. Đó là những lá thư hai vợ chồng ông viết cho nhau trong những năm 1969-1973 và vẫn được gia đình ông lưu giữ cẩn thận suốt hàng chục năm qua. Vậy là trước khi được nghe người lính ra-đa “kể tội” B-52, tôi đã cùng ông lật giở những trang thư thời chiến và hiểu thêm phần nào những tháng năm gian khổ mà ông và người bạn đời đã từng phải trải qua.

Anh nhớ thương!

Hai tháng không nhận được thư anh, nhiều lúc em lại tự hỏi: Vì sao anh không biên thư? Rồi nhiều câu hỏi luôn quẩn quanh trong óc em: Hay là anh đã…? Nhận được thư anh, em càng hiểu anh hơn, và tất cả những ý nghĩ vẩn vơ trong em bỗng tan biến, nhường chỗ cho niềm vui và lòng tin từng được thử thách, xây đắp trong suốt 7 năm qua…”. (Thư ngày 2-8-1969)

Cho tới ngày cưới (12-12-1970), Nghiêm Đình Tích cũng chỉ tranh thủ 3 ngày cùng đồng đội về Hà Nội vận chuyển khí tài để tổ chức một đám cưới đạm bạc ở quê nhà – xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Tây-nay là Hà Nội), rồi sau đó lại vội vã bắt xe đơn vị cơ động vào chiến trường Khu 4.

Đã là cái Tết thứ hai anh không được đón xuân ở quê hương, phải xa nhà, xa gia đình, xa em yêu với nỗi nhớ nhung vô hạn. Nỗi nhớ nhung chỉ có những cặp vợ chồng mới cưới, phải xa nhau mới có thể cảm thông. Song cái vui của mùa xuân, của đất nước, của đơn vị đã làm cho niềm vui tâm hồn anh lớn lên và đã gần như choán hết cả tư duy và hành động của anh. Trong anh chỉ còn lại niềm khao khát tin vui đón Tết ở gia đình mình. Không biết năm nay em có được nghỉ và về quê ăn Tết không, tình hình đón Tết ở nhà ra sao?…”. (Thư ngày 27-1-1971)

Cựu chiến binh Nghiêm Đình Tích. Ảnh: QUANG HUY.

Nghiêm Đình Tích còn nhớ như in buổi chiều rét ngọt ngày 6-2-1971, đó là ngày chàng lính trẻ nhận được thư của người vợ mới cưới:

Nhận được thư em trong lúc xuân mới vừa đến và đang lặng lẽ trôi đi, đúng lúc anh đang ngóng chờ một tình cảm rất mới, rất đặc biệt, tình cảm của một cặp vợ chồng trẻ vừa mới cưới đã phải xa nhau và chưa rõ ngày gặp lại. Từng câu, từng chữ hiện lên rõ ràng, thân yêu trên mặt giấy như lời tâm sự, động viên, nhắn nhủ anh. Nhận được thư của Tâm, anh cảm thấy hình như chẳng còn rét nữa, tình cảm trong lá thư đã thực sự sưởi ấm tâm hồn anh…”. (Thư ngày 6-2-1971)

Trong khi ấy, đang công tác ở Ủy ban thống nhất Trung ương tại Hà Nội, người vợ trẻ Đỗ Thị Tâm luôn lo lắng cho sức khỏe và nhiệm vụ của chồng:

Anh thương nhớ của em!

Anh vẫn khỏe chứ, công tác chiến đấu ra sao, có bắt được nhiều mục tiêu không hay lại để bọn chúng “lọt lưới” hết rồi? Em luôn mong chờ tin chiến thắng của anh đấy. Ở nhà thầy, u và gia đình nhắc đến anh luôn, sao dịp Tết vừa qua anh không biên thư về nhà, để u cứ lo anh làm sao…”. (Thư ngày 30-3-1972)

Đại tá Nghiêm Đình Tích kể rằng, do chiến tranh mà có thời điểm 6 tháng liền ông không nhận được một lá thư của vợ, trong khi ở nhà “bà xã” vẫn thường xuyên gửi thư vào chiến trường và thư nào cũng thấy trách “sao em chẳng nhận được thư anh”, để rồi người lính ở tiền tuyến phải động viên, giải thích với người ở hậu phương: “Trong thư, em trách anh nhiều về việc em không nhận được thư anh, song tính đến nay đã hơn 6 tháng rồi, không có một lá thư nào của em đến với anh, trong khi địa chỉ vẫn không có gì thay đổi. Anh vẫn thường xuyên biên thư cho em, mặc dù điều kiện công tác của anh có bận rộn hơn trước. Đâu ngờ chúng ta lại không nhận được thư của nhau, để cho em buồn, thậm chí lại còn ngờ vực anh!”.

Bên cánh sóng ra-đa, Nghiêm Đình Tích đã có dịp trải lòng với những tâm sự lạc quan, tươi trẻ. Trong một lá thư gửi vợ, chàng lính trẻ đã tếu táo coi mình là “mục tiêu” nhỏ bé mà bom Mỹ không dễ dàng sát hại. Lá thư đề ngày 12-12-1972 và khi tới tay người nhận, đơn vị của Nghiêm Đình Tích cũng như quân, dân Thủ đô đã trải qua 12 ngày đêm chống chọi với cuộc tập kích đường không của B-52 Mỹ.

Em thương yêu của anh!

Hiện nay anh vẫn khỏe, sinh hoạt và công tác bình thường. Thời kỳ vừa qua địch đánh phá có phần ác liệt, ở ngoài ấy nghe đài hoặc nghe tin đồn kể ra cũng nóng ruột đấy, nhưng thực ra vẫn chưa ác liệt lắm đâu, mặc dù chúng có nhiều đợt B-52 đánh phá. Chỗ bọn anh nhiều lần nhìn thấy B-52, nhiều lần nghe rõ tiếng bom B-52 với âm độ khác nhau, và cũng có lần được “thưởng thức” tiếng bom B-52 cách đỉnh đầu hàng trăm mét, nổ cách chỗ ở 500-600m. Các loại máy bay khác cũng hoạt động mạnh cả ngày lẫn đêm quanh khu ở, có lần chúng bắn tên lửa vào khu công tác, song bọn anh đã khá quen với cuộc sống như vậy rồi.

Em đừng lo cho anh nhé, bởi vì các anh đã có “mắt thần”, dĩ nhiên hầu hết những lần như vậy bọn anh đều biết và làm việc bình thường. Hầm hố ở đây cũng đầy đủ và khá chắc chắn. Hơn nữa em nên nhớ rằng “Nó thấy mà chưa chắc đã đánh được, đánh chưa chắc đã trúng, trúng chưa chắc đã chết” và “mục tiêu” như anh lại vô cùng nhỏ bé. Yên tâm em nhé, đừng quá lo về anh mà già đi đấy!…”. (Thư ngày 12-12-1972)

Những lá thư thời chiến của vợ chồng CCB Nghiêm Đình Tích.

Sau dòng hồi ức gắn với những lá thư kỷ vật, Đại tá Nghiêm Đình Tích đã kể về công việc của những người lính ra-đa Đại đội 45, Trung đoàn 291 trong những ngày cuối tháng 12-1972. Có mặt tại trận địa ra-đa Đồi Si (Đô Lương, Nghệ An) năm ấy, ông đã từng “nóng ran người” khi trực tiếp phát hiện ra “đường bay lạ” của địch.

Khoảng 19 giờ ngày 18-12-1972, Đại đội 45 được lệnh mở máy, mấy phút sau Nghiêm Đình Tích và hai trắc thủ Phạm Hoàng Cầu, Nguyễn Văn Xích đã thấy những dải nhiễu B-52 ở đúng tọa độ mà trắc thủ máy đo cao Tô Trọng Huy đã thông báo. Mọi người trong kíp vẫn bình tĩnh vì họ đã quá quen với những tốp B-52 cất cánh từ căn cứ U-ta-pao vào đánh phá các mục tiêu ở Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng trên đất Lào. Trước đó, Nghiêm Đình Tích và đồng đội đã có hơn 3 năm rời Hà Nội vào bám trụ, lăn lộn ở chiến trường Khu 4, vì thế trong buổi tối 18-12, các anh đã phát hiện ra sự “bất thường” của không quân địch: B-52 đã đến phương vị 300 độ mà chưa đổi hướng. “Thường thì cứ đến các phương vị 270, 280 và 290 độ là chúng rẽ trái, tiến vào đất Lào, nhưng lần này nó bay qua phương vị 300. Người tôi nóng ran, vậy là chỉ còn mỗi đường là nó bay vào miền Bắc”, Đại tá Nghiêm Đình Tích nhớ lại.

Trong khoảng thời gian tính bằng giây quan sát trên màn hiện sóng, các trắc thủ của Đại đội 45 đã coi “Phương vị 300” như một ngã ba đường, và họ đã nhận ra lối rẽ của lũ giặc trời. Khi báo cáo lên trên, cả Đại đội và Trung đoàn đều hỏi lại: “Có đúng B-52 không?”, thậm chí khi Trung đoàn báo về Sở chỉ huy trung tâm, chính Tham mưu phó Binh chủng Hứa Mạnh Tài còn lặp lại câu hỏi ấy tới hai lần.

Có sự thận trọng trước khi báo cáo cấp trên là do trước đây đã từng xảy ra chuyện hoang báo tin B-52, sự thận trọng ấy đã làm cho tôi và hai trắc thủ: Xích, Cầu – những người con Hà Nội – thêm lo lắng, sốt ruột khi nghĩ tới người thân ở hậu phương. Lúc ấy, tôi chỉ muốn hét thật to cho cả nước cùng nghe: B-52 đang bay vào Hà Nội”, Đại tá Nghiêm Đình Tích kể lại, giọng xúc động.

19 giờ ngày 18-12-1972, tại trận địa ra-đa ở Đồi Si (Đô Lương, Nghệ An), Đại đội 45 (Trung đoàn Ra-đa 291) đã phát hiện một đường bay lạ của B-52 Mỹ. Ngay lập tức, thông tin “B-52 đang hướng vào Hà Nội” được báo cáo lên trên. Ít phút sau, từ Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không-Không quân, mệnh lệnh báo động B-52 toàn miền Bắc được phát ra. Do lập công đầu trong Chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972, tập thể Đại đội 45, Trung đoàn 291 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; Đài trưởng ra-đa Nghiêm Đình Tích được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì. S.T.

BÙI VŨ MINH
qdnd.vn

Khâm Thiên tiếng gọi nhớ đời…

QĐND-Khoảng năm 1994, một cựu binh Mỹ đến xin gặp tôi, với mảnh giấy giới thiệu của ngành ngoại giao ta: “Ông James G. Zumwalt (Giêm), nguyên Trung tá thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, đã từng tham chiến ở Việt Nam – nay là luật sư, và là nhà văn, muốn tìm hiểu tư liệu để viết một cuốn sách về thời kỳ Mỹ gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam”.

Tôi nói với Giêm: “Nếu ông làm được chuyện đó để giúp nhân dân Mỹ hiểu Việt Nam, thì tôi sẵn sàng giúp ông với tất cả hiểu biết và khả năng của mình”.

Giêm tỏ vẻ vui mừng. Suốt ba giờ liền ông ta ngồi hỏi, tôi trả lời. Với cuốn sổ tay và cây bút, Giêm ghi chép liên tục. Hỏi đủ thứ chuyện thời tôi là bộ đội đánh Pháp, đến thời đánh Mỹ, tôi trở thành nhà báo, nhà văn sống ở vùng đất lửa Quảng Bình – Vĩnh Linh… Giêm chăm chú lắng nghe với vẻ mặt xúc động, ngạc nhiên. Ông ta hỏi tôi có biết địa điểm Khâm Thiên ở Hà Nội không?

Cấp cứu người bị thương ở phố Khâm Thiên. Ảnh chụp lại tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace.

Tôi kể cho Giêm nghe Khâm Thiên là một khu phố đông đúc của thủ đô Hà Nội. Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam cũng ở gần đấy. Nơi đó có ngõ Văn Chương, có một nhà thơ nữ tên là Anh Thơ mà chúng tôi quý mến như người chị. Đến ngày Chủ nhật chị thường hay làm bún chả, gọi chúng tôi đến ăn. Khâm Thiên đầy ắp trong tôi những câu chuyện tình lãng mạn và những giọng hát “ả đào” mà nhà văn Nguyễn Tuân thường kể lại cho chúng tôi nghe.

Giêm lại hỏi: “12 ngày đêm Hoa Kỳ sử dụng pháo đài bay B-52 ném bom Hà Nội, ông có mặt ở Hà Nội không?”. Tôi cho Giêm biết suốt từ ngày 18 đến 29-12-1972, tôi không chỉ có mặt ở Hà Nội, chứng kiến từ đầu đến cuối cuộc ném bom vào Thủ đô mà còn có mặt ở phố Khâm Thiên lúc Mỹ trút bom xuống đó.

Giọng Giêm trở nên dè dặt đầy vẻ rụt rè hỏi:

– Có thật Hoa Kỳ đã ném bom vào khu dân cư ở Khâm Thiên hay không?

Tôi nói cho Giêm biết cái đêm 26-12 ấy, Mỹ không chỉ dùng B-52 rải bom hủy diệt phố Khâm Thiên phá hủy 2000 ngôi nhà, giết hại và làm bị thương 473 ông bà già, phụ nữ và trẻ em, mà còn rải bom xuống Bệnh viện Bạch Mai, khu dân cư Nghĩa Đô, An Dương và nhiều nơi khác ở Hà Nội, giết hại rất nhiều dân thường.

Thấy vẻ mặt hoài nghi của Giêm vì ông cho rằng, không lực Mỹ hiện đại nhất thế giới không thể đánh trật các mục tiêu là căn cứ quân sự của đối phương, khu dân cư ở Khâm Thiên bị bom chẳng qua là sự sai lạc chút ít trong kỹ thuật của phi công… Tôi nói: “Khi ra Hà Nội, ông nên đến Khâm Thiên để tìm hiểu cụ thể sự thật”…

Cuối buổi gặp, Giêm vẫn năn nỉ xin tôi cho ông ta biết những ý nghĩ và ấn tượng của tôi về Khâm Thiên hồi Hà Nội bị đánh bom. Tôi ngồi nhìn dáng người Giêm cao lớn nhưng có gương mặt hiền lành, chân thật. Mắt ông ta nhìn đầy vẻ cam chịu và ẩn chứa một nỗi đau nào đó làm tôi động lòng thương hại. Tôi kể cho ông ta nghe về cái đêm Khâm Thiên năm ấy…

Toàn bộ 6 khối phố Khâm Thiên hầu như bị xóa sạch trong đêm 26-12-1972. Bom Mỹ đã giết 287 người, trong đó có 40 cụ già và 55 em nhỏ. Nhiều gia đình không còn ai sống sót. Ảnh chụp lại tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace.

… Sau một đợt đi công tác ở mặt trận B5 ở miền Nam, tôi được Hội Nhà văn gọi ra Hà Nội ngồi viết sách. Viết chưa xong cuốn sách thì Ních-xơn trì hoãn và lật lọng ở Hội nghị Pa-ri, trở lại ném bom miền Bắc. Ở Vĩnh Linh – Quảng Bình bắt đầu bị Mỹ dùng máy bay B-52 ném bom hủy diệt. Ở Hà Nội cũng đang sơ tán. Trại sáng tác ngưng hoạt động, các nhà văn miền Nam trở lại chiến trường. Tôi đang chuẩn bị tìm xe trở về Quảng Bình thì vợ tôi đem hai con nhỏ ra Hà Nội giao cho tôi rồi quay trở lại bám trụ vùng đất lửa để dạy học. Được đồng nghiệp giúp đỡ, tôi mang hai con về sống tạm tại căn hộ của nhà văn Hoàng Lại Giang ở 52 Trần Nhân Tông. Bước vào tháng 12-1972, cả Hà Nội sơ tán chuẩn bị chiến đấu. Giang vác tất cả các thùng sách chất lên cái bàn viết và xếp quanh bàn làm cho bố con tôi cái hầm trú ẩn phòng máy bay oanh tạc. Cả khu phố Trần Nhân Tông đi sơ tán hết. Bạn bè ở Hội Nhà văn và các nhà xuất bản giúp bố con tôi tiền bạc và thực phẩm để tạm sống ở Hà Nội chờ xin xe quân sự để trở về Quảng Bình. Những ngày đó, tôi ngồi xem lại và sửa chữa những trang viết. Ngọc Lan, con gái tôi tám tuổi chơi quanh quẩn bên căn hầm sách với em gái Thúy Vinh hai tuổi. Hễ nghe còi báo động rú lên là Lan bế em chui vào cái hầm sách gầm bàn. Còn tôi ra hào giao thông trước nhà để xem các cô cậu tự vệ bắn máy bay Mỹ bay tầm thấp bằng súng trường.

Những ngày đó, Hà Nội thực sự là một mặt trận. Tiếng còi báo động rú lên cùng với tiếng loa phóng thanh hướng dẫn ẩn nấp và chỉ huy chiến đấu khi máy bay Mỹ bay đến. Bắt đầu từ đêm 18-12, hàng đợt máy bay B-52 Mỹ đến ném bom Hà Nội. Tiếng bom rung chuyển mặt đất. Bầu trời rực sáng những đường bay của tên lửa và đạn cao xạ của bộ đội phòng không. Chốc chốc thấy B-52 bị trúng đạn bùng lên những khối lửa nổ tung và rơi lả tả giữa trời đêm. Vài đêm sau, Mỹ đánh sập nhà ga Hàng Cỏ và chúng đang nhằm vào các đê đập và các cây cầu. Người Hà Nội vẫn bình tĩnh làm việc và chiến đấu. Tôi nhớ mãi ngày thứ chín, B-52 Mỹ đánh dữ dội vào Hà Nội nhằm vào đúng sau đêm Giáng sinh. Ngoài trời mưa phùn gió bấc, rét căm căm. Tôi lấy thêm chăn đắp cho con, ngồi lo lắng nghe tiếng máy bay gầm rú và bom đạn vang rền rất gần chỗ tôi. Nửa đêm nghe tiếng chân người chạy và tiếng loa gọi hướng vào nhà: “Khâm Thiên bị bom bà con ơi! Nhanh lên đi cứu Khâm Thiên đồng bào ơi!”. Tôi dặn Lan: “Ở trong hầm trông em để ba đi cứu người”. Từ chỗ tôi qua phố Khâm Thiên chỉ mấy trăm mét đường. Phố Khâm Thiên như một bãi đất đá ngổn ngang đầy người đào bới các dãy nhà và hầm hố bị sập để cứu người bị thương và kéo người chết ra xếp đầy bên đường phố. Tôi cùng một số nhà văn, nhà báo có mặt cùng mọi người lao vào đào bới. Nữ diễn viên điện ảnh Mỹ Giên Phôn-đa vừa lau nước mắt, vừa đưa máy lên ghi hình ảnh đau thương…

Nghe tôi kể đến đó, Giêm vội hỏi: “Bây giờ hai cô gái con ông đang ở đâu?”.

– Một đứa đang dạy ở Trường Đại học Văn hóa, một đứa đang dạy đàn dương cầm ở Nhạc viện TP Hồ Chí Minh

gần đây…

Tháng 5-2010, bạn tôi ở Washington D.C. gửi cho tôi cuốn sách “Chân trần chí thép” của Giêm vừa xuất bản ở Mỹ. Cuốn sách đã làm xôn xao dư luận Mỹ và gây không ít phản ứng của các thế lực cầm quyền. Cuốn sách đã phần nào giúp dân chúng Mỹ bước đầu hiểu rõ ý chí gang thép của người Việt Nam. Ý chí đó với đôi chân trần đã vượt qua tất cả để làm nên một Điện Biên Phủ dưới mặt đất, tống cổ thực dân Pháp ra khỏi Việt Nam. Và cũng với ý chí gang thép đó, Việt Nam lập nên một chiến công huyền thoại Điện Biên Phủ trên bầu trời đánh bại thần tượng pháo đài bay B-52, góp phần quan trọng giành lại hòa bình cho nhân dân và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước Việt Nam.

Có một điều tôi chưa bằng lòng với cuốn sách là ông ta trích nhiều đoạn nhật ký của tôi nhưng thật sự chưa hiểu hết sự diễn đạt của tôi, cũng như ông ta né tránh kể lại chuyện con gái tôi phải bò trong đám xác người đẫm máu để đi tìm bố. Tuy vậy, ông ta đã phải thừa nhận không lực Hoa Kỳ ném bom vào dân thường ở Khâm Thiên, mặc dầu vẫn dùng cụm từ: “tổn thương bên lề và hệ quả không may trong chiến tranh”(!?)

Cho đến bây giờ, hai tiếng Khâm Thiên là tiếng gọi đau thương để lại ấn tượng nặng nề trong lòng tôi.

Trong cuộc tập kích đường không chiến lược tháng 12-1972, Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B-52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 100.000 tấn bom đạn xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác, phá hủy nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, trường học, bệnh viện, nhà ga, giết hại 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác. ST.

Nhà văn TRẦN CÔNG TẤN
qdnd.vn

“Cẩm nang bìa đỏ” cuốn sách nhỏ, chiến công lớn

QĐND-Trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, Quân chủng Phòng không-Không quân có một thứ “bảo bối” rất quan trọng, hỗ trợ tác chiến góp phần tạo nên chiến thắng. Đó là cuốn “Cách đánh B-52 của Bộ đội tên lửa” hay còn gọi là “Cẩm nang bìa đỏ”.

Cuốn sách dày 30 trang đánh máy, in rô-nê-ô trên những tờ giấy giang đen sạm, thô sơ với một tờ bìa màu đỏ bọc ngoài. Hình thức tuy đơn giản nhưng nó là một công trình khoa học tập thể, là kết tinh một quá trình chiến đấu của nhiều đơn vị trong nhiều năm chiến đấu với B-52 và các thủ đoạn của không quân Mỹ để chuẩn bị cho trận đánh lớn với “pháo đài bay B-52” trên bầu trời Thủ đô.

“Hội nghị tháng 10” và một “Gánh hát rong”

Trong suốt nhiều năm trước khi Mỹ sử dụng B-52 không kích Hà Nội, đồng thời với công tác chiến đấu, việc nghiên cứu cách “đối phó” với “pháo đài bay” của Mỹ được bộ phận tham mưu tác chiến của Quân chủng Phòng không-Không quân làm việc liên tục và chi tiết. Những đoàn cán bộ giỏi, lặn lội vào các chiến trường ác liệt nhất: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh, đường Trường Sơn, đến với các trận địa ra-đa, tên lửa, vào buồng máy ngồi cạnh các trắc thủ, sĩ quan điều khiển để cùng nghiên cứu trên “thực địa”. Mỗi lần đối đầu với B-52 dù thành công hay không đều được phổ biến ngay cho các đơn vị phòng không, không quân toàn miền Bắc vận dụng. Đồng thời, tất cả những điều rút ra từ thực tế chiến trường về cách đánh máy bay các loại của địch được phân tích, tổng kết, viết thành tài liệu.

Đại tá Nguyễn Xuân Minh trao đổi với phóng viên về cuốn “Cẩm nang bìa đỏ” mà ông từng tham gia biên soạn và trực tiếp xuống đơn vị luyện tập. Ảnh: Tuấn Tú.

Đến đầu năm 1972, những sĩ quan có trình độ kỹ-chiến thuật giỏi, dày dạn trong chiến đấu như: Nguyễn Sinh Huy, Tô Ngội, La Văn Sàng, Vũ Lai Trường, Nguyễn Xuân Minh, Quách Hải Lượng, Trần Xanh, Hoàng Bảo… được yêu cầu phải gấp rút hoàn chỉnh tài liệu về cách đánh B-52 cho bộ đội tên lửa. Đại tá Nguyễn Xuân Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật Phòng không-Không quân kể: “Cuối tháng 10-1972, Tư lệnh Lê Văn Tri sau khi gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thông báo tình hình hết sức khẩn trương, phải gác lại mọi vấn đề để tập trung vào nghiên cứu và thống nhất cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa. Lúc này nội dung cách đánh B-52 đã được nhóm nghiên cứu chúng tôi tổng hợp thành tập tài liệu”.

Ngày 31-10-1972, tập tài liệu đã được đưa ra bàn bạc kỹ lưỡng tại một hội nghị hết sức quan trọng (sau này gọi là Hội nghị tháng 10). Đại tá Nguyễn Xuân Minh là người đại diện cho nhóm tác giả đọc báo cáo trung tâm. Dự hội nghị hôm đó, ngoài các cán bộ cấp quân chủng, sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn và các cơ quan còn có nhiều trắc thủ, sĩ quan điều khiển thuộc các kíp chiến đấu của các tiểu đoàn hỏa lực. Với kinh nghiệm chiến đấu thực tiễn, họ đã có nhiều ý kiến bổ sung hết sức quý báu. Hội nghị tháng 10 thống nhất cách đánh B-52 cho bộ đội tên lửa và lập tức được đưa đi in thành sách để phổ biến xuống đơn vị. Vậy là kể từ tháng 11-1972, cẩm nang Cách đánh B-52 của Bộ đội tên lửa đã hoàn chỉnh và chính thức phổ biến đến tất cả các tiểu đoàn tên lửa để nghiên cứu, tập luyện phương án đánh B-52.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng tiếp theo là tổ chức cho bộ đội luyện tập theo phương án đã được thông qua, tiếp tục theo dõi âm mưu địch, phát động quần chúng tìm cách đánh địch tốt hơn, trên cơ sở đó bổ sung cho phương án ngày càng hoàn chỉnh. Một “gánh hát rong” xuất hiện. Đó không phải đoàn văn công hay những đội văn nghệ quần chúng đi ca hát phục vụ mà là các đội huấn luyện lưu động do Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không-Không quân và Bộ tư lệnh Phòng không Hà Nội thành lập. Thành viên phần lớn là các sĩ quan đã từng tham gia biên soạn cuốn sách. Họ giống như những người thầy đến với các tiểu đoàn tên lửa ở Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng… để trực tiếp truyền đạt, hướng dẫn cách đánh B-52 cho các kíp chiến đấu. “Gánh hát rong” là cách gọi vui của bộ đội tên lửa dành cho đội huấn luyện vì họ di chuyển liên tục, hết đơn vị này đến đơn vị khác.

Bìa cuốn “Cách đánh B-52 của Bộ đội tên lửa” đang được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không-Không quân. Ảnh: Đặng Bích.

Chính nhờ cuốn “Cẩm nang bìa đỏ” và “Gánh hát rong” mà đêm 22-11-1972, Trung đoàn tên lửa 263 ở Nghệ An đã khắc phục được nhiễu, bắn hạ một chiếc B-52, rơi ở Na-khon Pha-nom, Thái Lan. Sự kiện này buộc Mỹ phải thừa nhận B-52 của họ bị SAM2 Việt Nam bắn rơi. Đối với chúng ta, chiến công này đã khẳng định giá trị thực tiễn của cuốn sách “Cẩm nang bìa đỏ”, đồng thời khẳng định khả năng: “Tên lửa SAM2 của ta có đủ điều kiện bắn rơi tại chỗ B-52 của Mỹ”.

Cuốn sách “nhỏ”, chiến công lớn

Chiếc máy bay B-52 đầu tiên bị bắn rơi bởi tên lửa SAM2 cho thấy hiệu quả khi vận dụng kỹ-chiến thuật được nêu trong sách đỏ. Bộ đội tên lửa của ta thêm tin tưởng vào khả năng đánh thắng B-52. Đại tá Nguyễn Xuân Minh sau này đã tìm và lưu giữ toàn bộ tài liệu ghi trong “Cẩm nang bìa đỏ” và trao tặng Bảo tàng Phòng không-Không quân. Hiện nay, bìa của cuốn sách đang được trưng bày tại đây. Trong cuốn sách, tập thể tác giả đã chỉ rõ để bắn trúng B-52 quan trọng nhất là tìm trong dải nhiễu tín hiệu của B-52. Khái niệm này bộ đội ta vẫn gọi là “vạch nhiễu tìm thù”. B-52 không phải là hoàn toàn vô hình, nếu tinh mắt vẫn có thể phát hiện được mục tiêu một cách gián tiếp. Đó là các đám nhiễu tín hiệu mịn trôi dần theo tốc độ di chuyển của B-52. Tuy các đám nhiễu này kích thước to nhưng không hiển thị rõ rệt để có thể xác định mục tiêu và điều khiển tên lửa chính xác nhưng cẩm nang đã đề ra biện pháp bắn theo xác suất: Bắn một loạt các quả đạn tên lửa vào đám nhiễu theo cự ly giãn cách nhất định sẽ có xác suất tiêu diệt mục tiêu khá cao, phương án bắn xác suất này được cẩm nang gọi là “phương án P”. Khi mục tiêu B-52 đi thẳng vào, đài phát cường độ nhiễu sẽ tăng lên, mục tiêu sẽ hiển thị khá rõ nét. Đây là thời cơ có thể bắn điều khiển tên lửa chính xác, chỉ cần 1 đến 2 quả tên lửa, B-52 sẽ phải rơi tại chỗ. Cẩm nang gọi là phương án T. Đồng thời trong “cẩm nang” cũng đề ra các hướng dẫn cụ thể cho các cấp chỉ huy các tiểu đoàn tên lửa về công tác chỉ huy, cách chọn dải nhiễu, chọn thời cơ phát sóng, cự ly phóng đạn, phương pháp bắn, phương pháp bám sát mục tiêu trong nhiễu.

Ông Sàng “chống nhiễu” – Đại tá La Văn Sàng, nguyên Trưởng ban Tác chiến điện tử Quân chủng Phòng không-Không quân, cũng là một thành viên của “Gánh hát rong”. Trong chiến dịch, ông cơ động ở trận địa của Tiểu đoàn 79, Trung đoàn 257 cũng khẳng định: “Bộ đội tên lửa được huấn luyện cách vạch dải nhiễu tìm B-52 ghi trong cẩm nang nên khi B-52 vào Hà Nội, yếu tố bất ngờ dùng thủ đoạn nhiễu tổng hợp bảo vệ không còn. Đồng thời, cường độ gây nhiễu của B-52 cũng đã bị phân tán. Trên nền nhiễu dù ở hướng nào, các đơn vị tên lửa đều có thể phát hiện được B-52. Vì vậy, ta đã bố trí đội hình tên lửa đánh bọc lót cho nhau, sử dụng phương pháp bắn 3 điểm và linh hoạt sử dụng phương pháp bắn đón nửa góc khi thấy mục tiêu rất hiệu quả”.

Đại tá Nguyễn Xuân Minh còn nhớ trận đánh diễn ra lúc 20 giờ ngày 20-12-1972, khi ông là trợ lý của Phòng Tác huấn tên lửa quân chủng được phân công xuống Tiểu đoàn 93 theo dõi, lập ra các bài tập đã có sẵn trong giáo án để kíp chiến đấu của đơn vị tập luyện và chiến đấu với B-52: “Hôm ấy địch bay vào từ hướng Tam Đảo. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ra lệnh ngay cho sĩ quan điều khiển Hoàng Đức Vĩnh phát sóng tìm mục tiêu, khi kíp trắc thủ bám sát chính giữa vào dải nhiễu sáng nhất của máy bay B-52 thì anh ra lệnh: Phóng 2 quả, điều khiển bằng phương pháp T! Sĩ quan điều khiển Vĩnh thực hiện ngay. Hai tiếng nổ liên tiếp vang lên. Theo dõi ít lâu sau thấy 2 quả đạn vượt mục tiêu tự hủy. Giữa lúc này kíp trắc thủ báo cáo phát hiện thấy tín hiệu mục tiêu đang bay trong dải nhiễu, Tiểu đoàn trưởng thấy trường hợp này xảy ra đúng như phương án đã chuẩn bị trước. Anh ra lệnh cho sĩ quan điều khiển phóng tiếp bằng phương pháp P hai quả đạn nữa vào mục tiêu. Đạn nổ! Mục tiêu bị tiêu diệt”. Đây chính là cách đánh tiếp vào mục tiêu B-52 khi vừa đánh xong nhưng chưa tiêu diệt được, thuật ngữ quân sự gọi là “đánh bồi, đánh nhồi”.

Việc vận dụng những nội dung ghi trong “Cẩm nang bìa đỏ” cộng với sự mưu trí, quả cảm, bộ đội tên lửa Việt Nam đã thành công trong việc tìm và diệt B-52, góp phần làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”.

Sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, một tổ cán bộ tham mưu của Quân chủng Phòng không-Không quân lên báo cáo với Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp về thành tích bắn rơi B-52. Nghe xong báo cáo, Đại tướng hỏi về kinh nghiệm đánh B-52 của Trung đoàn 257 và 261 trước chiến dịch. Trưởng phòng Tác huấn tên lửa Nguyễn Sinh Huy đưa cho Đại tướng xem cuốn “Cẩm nang bìa đỏ” và báo cáo hai trung đoàn này đã vận dụng cách đánh được ghi trong sách kết hợp với sự linh hoạt trong chiến đấu chứ chưa từng đánh B-52. Sau một thoáng suy nghĩ, Đại tướng đã nêu lên một nhận xét rất quan trọng:

– Như vậy là không nhất thiết cứ phải đã trải qua chiến đấu bộ đội ta mới đánh thắng được kẻ địch. Một trong những yếu tố quyết định để chiến thắng là phải có cách đánh tốt và được huấn luyện chu đáo.

Mấy hôm sau, ở hội trường Quân chủng Phòng không-Không quân, trước đông đảo cán bộ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giơ cao cuốn “Cẩm nang bìa đỏ” và nói: Chúng ta thắng được B-52 Mỹ là do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đóng góp hết sức quan trọng của cuốn sách này.

(“Điện Biên Phủ trên không” chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam – NXB Quân đội, 2002).

SONG THANH
qdnd.vn

SAM2 đã quật đổ B-52 như thế nào

QĐND-Câu chuyện tên lửa SAM2 bắn hạ B-52 đã được Anh hùng LLVT nhân dân, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Phó tư lệnh về chính trị Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 261, Sư đoàn 361, kể nhiều lần. Giờ ông đã 75 tuổi, thời gian đã đủ để những “bí mật quân sự” ngày ấy được phép công khai, minh chứng về sự sáng tạo, mưu trí, dũng cảm của một thế hệ Việt Nam trong cuộc chiến tranh vệ quốc.

Phóng viên (PV): Thưa Trung tướng, trước đây trên các phương tiện truyền thông đại chúng hay trong các cuốn sử truyền thống của Quân chủng PK-KQ mô tả việc bắn B-52 theo phương pháp “T” và “P”, thực chất của phương pháp này là thế nào?

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Ngày đó, chúng tôi đang từ đơn vị pháo cao xạ được chuyển sang sử dụng tên lửa đất đối không SAM2. Mỗi khi chuyển loại vũ khí như vậy đều được chuyên gia Liên Xô huấn luyện về lý thuyết cũng như thực hành một cách bài bản, kỹ càng. Hai phương pháp ấy là lấy chữ đầu phiên từ tiếng Nga sang. “T” là phương pháp bắn 3 điểm, khi đánh trong nhiễu không bắt được mục tiêu chỉ ước lượng cự ly và độ cao; còn “P” là phương pháp bắn đón nửa góc, khi nhìn thấy tín hiệu mục tiêu trên màn hiện sóng, như vậy đã xác định được cự ly và độ cao của máy bay rồi.

– SAM2 có được cải tiến để bắn B-52?

– Trước khi trận “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 diễn ra, dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Quân chủng PK-KQ đã có nhiều hội thảo chuyên đề về cách đánh B-52 cho bộ đội tên lửa. Chẳng hạn, cuộc họp từ ngày 30-10 đến 3-11-1972 tại Bộ chỉ huy Sư đoàn phòng không Hà Nội (F361) đóng tại Hòa Mục (Đống Đa, Hà Nội) do Tư lệnh Quân chủng, Đại tá Lê Văn Tri chủ trì, đã sôi nổi thảo luận xung quanh các vấn đề: phương pháp tổ chức chỉ huy; chọn dải nhiễu; chọn thời cơ phát sóng; cự ly phóng đạn; phương pháp bắn; phương pháp bám sát mục tiêu; cách chống tên lửa Sơ-rai… Sau hội nghị, Phòng Khoa học quân sự, Phòng Tác huấn Bộ Tổng tham mưu đã ban hành nội bộ tài liệu “Cách đánh B-52”. Việc cải tiến tên lửa SAM2 ngày đó đã được tiến hành tới 3-4 lần, do những cuộc thảo luận chung giữa cán bộ kỹ thuật Việt Nam và chuyên gia Liên Xô xuất phát từ thực tiễn huấn luyện và chiến đấu, nhắm vào việc nâng cao hiệu quả diệt địch, đã có một số cải tiến được tiến hành từ kết cấu lại cái càng kéo tên lửa đến thành phần bên trong quả đạn hay hệ thống điện tử điều khiển.

Thượng úy Nguyễn Văn Phiệt (ngoài cùng, bên phải), Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa 57 (E261, F361), rút kinh nghiệm đánh địch sau một trận chiến đấu cuối năm 1972. Ảnh tư liệu.

– Trở lại phương pháp T và P. Như vậy, hiệu quả bắn B-52 phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm chiến đấu sau khi vũ khí đã được cải tiến?

– Đúng thế! SAM2 bắn hiệu quả ở độ cao 27km; cự ly gần 7-12km, xa nhất 34km. Trước hết, phải quan sát nhiễu trên màn hiện sóng cho tinh tường, chuẩn xác, điều này luôn được các đơn vị tên lửa kịp thời rút kinh nghiệm sau từng trận đánh. Chẳng hạn, chúng tôi đã nhận biết một cách chắc chắn sự khác nhau giữa nhiễu B-52 với nhiễu máy bay tiêm kích bảo vệ vòng ngoài F4, F111. Dải nhiễu B-52 mịn, phẳng, thắt cổ bồng; còn nhiễu các máy bay chiến thuật kia thì đi như quấn thừng, không ổn định. Mỗi khi chúng tôi có động tác đánh lừa địch, phát sóng RPK giả thì nhiễu của các máy bay bảo vệ vòng ngoài nhấp nháy, chạy lung tung, còn của B-52 vẫn ổn định, chạy thẳng vào. Chọn thời cơ bắn đón cũng là điều rất quan trọng. Chẳng hạn đánh theo phương pháp P, nhìn thấy mục tiêu ở cự ly 20-25km là phóng, nếu để nó đến gần quá là quá tải, gãy đạn…

– Gãy đạn là thế nào, thưa ông?

– Thường phải đưa quả đạn tên lửa hướng bắn đón về phía trước, song do máy bay địch lao tới với tốc độ cao (1.800km/giờ), xử trí chậm là nó đến gần quá, quả đạn phóng lên bị hút về phía sau, nhiều trường hợp rơi bật ngửa ngay gần trận địa. Uổng phí quả đạn đó.

Đường bay của B-52 từ Gu-am và máy bay tiếp dầu từ Ô-ki-na-oa đến đánh phá Hà Nội, Hải Phòng. Ảnh chụp lại tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace.

– Không phải cứ mỗi quả tên lửa là diệt một máy bay…

– Lý thuyết thì cứ 3 quả đạn mới hạ được 1 máy bay, tức xác suất diệt mục tiêu đạt 96%. Những ngày mở đầu chiến dịch, sư đoàn tôi bắn nhiều mà hiệu quả diệt B-52 còn thấp, sau đó rút kinh nghiệm kịp thời, có lúc chỉ một quả đạn mà lại hạ được một B-52, mà hạ tại chỗ. Chẳng hạn, rạng sáng 21-12-1972 có ba tốp B-52 đánh vào sân bay Gia Lâm, trung đoàn ra lệnh tập trung hỏa lực của 4 tiểu đoàn, đã bắn cháy được mấy chiếc. Đến khi cơ số đạn các tiểu đoàn bạn đã hết, tiểu đoàn tôi chỉ còn hai quả. Đúng lúc đó, có 9 chiếc B-52 từ hướng tây bắc lao vào. Thấy kíp trắc thủ vẫn luôn tinh tường bám sát tín hiệu B-52, tôi ra lệnh cho sĩ quan điều khiển lần lượt phóng hai quả đạn, thế là hai B-52 bốc cháy tại chỗ.

– Ông có nhớ cả chiến dịch, ta dùng hết bao nhiêu đạn tên lửa?

– Nhớ chứ. Toàn chiến dịch bắn rơi 81 máy bay trong đó có 34 B-52, riêng sư đoàn tôi bắn rơi 25 B-52, trong đó 16 chiếc rơi tại chỗ; 9 máy bay chiến thuật thì có 2 chiếc rơi tại chỗ. Cả chiến dịch sử dụng hết 334 quả tên lửa, riêng Sư đoàn phòng không Hà Nội đã phóng lên 254 quả, đơn vị tôi 31 quả.

– Nghe nói, sau chiến dịch 12 ngày đêm diệt B-52, kho tên lửa SAM2 của ta đã cạn?

– Đâu có! Sau chiến dịch ta còn vài trăm quả dự trữ nữa. Tất nhiên, sau này tên lửa phòng không đã chuyển sang loại khác, hiện đại hơn. SAM2 đã đi vào lịch sử, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình. Nên nhớ “SAM2” là theo tên gọi của phương Tây, chứ đúng xuất xứ tên lửa do Liên Xô chế tạo đều lấy tên một dòng sông nào đó trên đất bạn. SAM2 có tên nguyên bản là “Đờ-vi-na” tức con sông Đờ-nhép; sau Đờ-vi-na là Pê-trô-va, là Vôn-ga…

– Xin cảm ơn ông!

Lúc Mỹ khởi đầu ném bom năm 1965, Bắc Việt Nam không có máy bay phản lực, có rất ít sân bay, không có tên lửa, không có tới 20 giàn ra-đa, chỉ có một số ít súng phòng không lỗi thời. Năm 1967, các phi công Mỹ đã phải bay qua lưới phòng không kinh khủng hơn nhiều so với lưới lửa gặp phải ở Đức năm 1944. Tên lửa đất đối không lần đầu tiên hạ một máy bay phản lực F-40 ngày 24-7-1965. Cuối năm đó, đã có khoảng 60 vị trí SAM ở miền Bắc. Máy bay MiG-17 và MiG-19 cũng đã có mặt trong năm đó và bắn rơi 2 máy bay F-105 ngày 4-4. Tổn thất của Mỹ về máy bay và về phi công đã gia tăng tỷ lệ thuận với mức độ phát triển hệ thống phòng không của Hà Nội (tướng 1 sao Đê-vơ Ri-sác Pan-mơ (Dave Richard Palmer). Trong cuốn “Tiếng kèn gọi quân”, Novato, Presidio Press, 1978).

PHẠM QUANG ĐẨU (Thực hiện)
qdnd.vn

Nhận dạng B-52

QĐND-Trước khi dùng B-52 rải bom ở chiến trường miền Nam Việt Nam, giới quân sự Mỹ đã tuyên truyền khá ầm ĩ cho loại máy bay chiến lược được mệnh danh là pháo đài bay này. Pháo đài chỉ sự kiên cố, vững chắc. Bay để chỉ sự cơ động. Hoa Kỳ quảng cáo rằng, với chiều dài 48,5m, sải cánh 34m, có sức chở hơn 27 tấn bom đạn, độ cao có thể lên tới 17km, B-52 loại tất cả các tầm đạn pháo cao xạ của đối phương dưới tầm bay.

Dạo ấy hình dáng B-52 như thế nào, ở chiến trường lính ta không được biết, nhưng nhận dạng B-52 qua bãi bom. Hàng trăm quả bom được ném theo tọa độ, với bề rộng ngót trăm thước, chiều dài có khi kéo dài hơn một cây số. Đó là bãi bom hủy diệt, vì kẻ giết người đã nghiên cứu pha trộn các loại bom theo phương án tối ưu, nhằm phá sạch, giết sạch những gì nằm trên diện tích rộng lớn mà ít tốn kém nhất. Có một điều giới quân sự Mỹ thời ấy không ngờ tới, là lính ta không chỉ nhận biết B-52 từ bãi bom, mà trong khá nhiều trường hợp, còn nhận ra những tọa độ nào B-52 sắp ném bom, bởi thế bom B-52 đào đất, phá rừng thì nhiều, chứ mấy khi chụp được đội hình bộ đội hành quân hoặc khu vực đóng quân. Giới quân sự Mỹ lại đổ cho vì địa hình rừng núi quá rộng, quá phức tạp nên hiệu quả tiêu diệt đối phương của B-52 còn hạn chế, nếu như ở thành phố thì khác.

Bộ đội ta bắt sống giặc lái B-52 trong trận “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972. Ảnh: Cảnh trong phim “Hà Nội – Bản hùng ca” của Điện ảnh Quân đội.

Trước mùa đông năm 1972, người Hà Nội chưa một ai nhìn thấy hình dạng B-52. Và trong thâm tâm, nhiều người nghĩ rằng, sự tàn ác của kẻ thù cũng chỉ có giới hạn và không tin chúng có thể đem loại máy bay chiến lược đó để rải bom vào Thủ đô của một nước. Nhưng ý nghĩ đó đã hoàn toàn sai lầm. Khoảng tám giờ tối ngày 18-12-1972, anh em lớp Bồi dưỡng sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam đang ngồi đàm đạo thì nghe những âm thanh lạ như tiếng đá lăn ở phía chân trời. Mọi người hỏi nhau đó là tiếng gì? Nhà thơ Cảnh Trà, công tác ở tuyến lửa Vĩnh Linh, người đã nhập học chậm hơn một tháng trời vì phải đi bộ từ Vĩnh Linh ra Hà Nội khi tất cả các nhịp cầu đã bị phá sạch, nói:

– Theo mình thì đó là tiếng B-52!

Liền sau đó là tiếng còi báo động, tất cả vội vàng chạy ra hầm. Tôi nhớ đêm đó còi báo động Nhà hát Lớn thành phố rú lên 5 lần, anh em 5 lần tung chăn vùng dậy chạy ra hầm trú ẩn. Học viên nói chung còn trẻ, phản ứng khá nhanh nên khi còi báo động vừa rú lên là ra ngay được hầm, chỉ có nhà thơ Hoàng Cát, người đã bị cưa một chân trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 ở miền Nam, mỗi lần nghe còi báo động là phải ngồi dậy lắp chân gỗ vào. Mà động tác này đâu phải đơn giản, thường là mất 4-5 phút. Có khi còi báo yên, Hoàng Cát vừa mới vào giường, tháo chân gỗ ra chưa kịp nằm xuống thì đã nghe còi báo động. Đêm ấy cả lớp coi như thức trắng, nhưng chưa một ai biết chắc chắn B-52 đã ném bom Hà Nội, bởi trường viết văn ở Quảng Bá, cách trung tâm thành phố khá xa.

Pháo đài bay B-52. Ảnh chụp lại tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace.

Đêm 19-12, chúng tôi thức đón trận chiến chống B-52. Lúc đầu nghe còi báo động thì còn xuống hầm, nhưng khi nghe tiếng người hò reo vì B-52 cháy thì không ai có thể ngồi yên trong hầm được, bởi ánh sáng của đám cháy giữa trời cao đã chiếu sáng đến mọi ngóc ngách hầm trú ẩn. Lần đầu tiên, tôi được nhận dạng B-52 như thế này đây: Tôi đứng cùng nhiều học viên khác trên nóc hầm trú ẩn ở góc trường Quảng Bá, nhìn chênh chếch về phía Đông Anh, phía bên kia bến Chèm. Trong vô vàn tiếng nổ của các cỡ súng cao xạ, có một tiếng nổ to hơn, đó là tên lửa ta bắt đầu phóng. Đường đi của quả tên lửa vẽ lên nền trời đêm màu sáng rực, trông rất rõ. Lúc đầu vệt sáng đó chạy chênh chênh một đoạn khá dài, sau đó nó bay ngược lên theo chiều gần như thẳng đứng. Cuối chiều thẳng đứng đó tên lửa nổ, một quầng sáng nhỏ bung ra rồi tắt lặng. Chỉ chừng vài giây sau, phía trên chỗ tên lửa vừa nổ, phát ra một tiếng nổ lớn, ánh sáng bùng lên mãnh liệt, làm sáng đỏ cả bầu trời. Đấy là tiếng nổ của chiếc B-52 đã lĩnh đủ mảnh của quả tên lửa nổ cách nó không xa. Lúc này người Hà Nội không ai nghĩ là mình đang tránh bom, mà nhảy lên, reo lên để theo dõi cái bó đuốc khổng lồ đó vừa cháy, vừa rơi, lúc đầu còn rơi thẳng, sau đó vừa rơi vừa quay cho tận khi cắm xuống đất.

Lớp học còn ở lại Hà Nội qua đêm 20-12. Đó là đêm thứ ba, chúng tôi như đã quen với B-52, không chỉ leo nên nóc hầm xem B-52 cháy mà còn rủ nhau theo dân quân đi bắt phi công. Sáng 21 thì được lệnh của nhà trường phải đi sơ tán, đúng hơn là chia nhỏ lớp ra để đi thực tế đến các trận địa phòng không ở vùng ngoại vi thành phố.

Tôi theo một đơn vị dân quân của xã Liên Hà, huyện Đan Phượng với những khẩu pháo 37mm trực trên bãi Nổi giữa sông Hồng. Nhiệm vụ của đơn vị này là đón đánh những chiếc máy bay tầm thấp trước khi chúng lẻn vào đánh phá Hà Nội. Tại trận địa này, tôi đã nhìn thấy hình dạng B-52 khi nó đang bay trên bầu trời: Sau hồi còi báo động, nghe tiếng động cơ nặng nề, ngước mắt lên bầu trời đêm mùa đông ù ù những cơn gió lạnh, tôi bắt gặp những bóng đèn nhấp nháy trên cao. Chỉ một lúc sau, từ phía Hà Nội, ánh sáng của những quả đạn tên lửa đã vạch sáng nền trời.

Sau mười hai ngày đêm, sáng ngày 1-1-1973, dù chưa có lệnh của nhà trường, nhưng học viên từ các hướng khác nhau đã trở lại Hà Nội. Sau khi đi dọc phố Khâm Thiên đổ nát, có nhiều người chít khăn xô trắng đào bới trong gạch vụn, tôi tìm về vườn Bách Thảo cùng bao người khác. Tới Bách Thảo không phải để xem thú, xem cây mà là vì xác những chiếc B-52 đã được mang về chất đống trên khoảng đất rộng phía trong cổng. Đây là lần thứ ba tôi được nhận dạng B-52, khi nó chỉ còn là những mảnh vụn rời rạc. Tôi ngạc nhiên về bề rộng của sải cánh và chi chít những u cục nổi lên dọc những đường hàn tiếp nối. Biểu tượng “Bàn tay nắm giữ tia sét” trên một mảng cánh đã bị mảnh tên lửa của ta xé ra làm hai nửa. Thì ra tên lửa của ta còn mạnh hơn những tia sét của trời, làm cho không lực Hoa Kỳ không thể nào nắm giữ nổi!

Bên xác máy bay B-52, tôi đã sáng tác ngay một bài thơ, vài ngày sau đăng trên Báo Nhân Dân. Nhân dịp này, mời các bạn đọc lại bài thơ này trong không khí cả nước long trọng kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” của thủ đô Hà Nội anh hùng.

CHÚNG TÔI HIỂU B-52
(Lời một người Hà Nội)

B-52 chở được bao nhiêu tấn bom?
Điều đó chúng tôi không rõ
Chỉ biết chúng san bằng từ đầu đến
cuối phố
Như Khâm Thiên.
Bệnh viện Bạch Mai
Khu lao động An Dương
Nằm gọn trong tầm bom nổ.

B-52 bay cao bao nhiêu cây số?
Điều đó chúng tôi không rõ
Chỉ biết chúng bốc cháy từ rất cao
Chiếc nào cũng giống nhau
Mắt chỉ thấy khi đã bừng sắc lửa
Rồi ánh chớp lóe lên
Rực sáng tận từng góc phố.

Không biết chúng dài bao nhiêu thước
Vì chẳng gặp chiếc nào vẹn nguyên
Chỉ thấy từng mảng sạm đen
Từng mảng quăn queo, rách nát
Với hàng vạn mũi đinh
Như những vết đen ghi tội ác.

Chúng tôi hiểu B-52
Không phải qua sách báo Hoa Kỳ quảng cáo
Mà qua xương máu
Của đồng đội, bà con
Qua bàn tay run rẩy xin hàng
Của những tên giặc lái.

VƯƠNG TRỌNG
qdnd.vn

Gặp phi công đầu tiên bắn rơi máy bay phản lực Mỹ (kỳ 3)

Khai thác tối đa trang bị hiện có, đối đầu với máy bay hiện đại địch. Phạm Ngọc Lan cùng đồng đội xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ đánh chặn, tiêu diệt địch từ trận đầu.

(ĐVO) Kỳ 3: Người bắn rơi máy bay phản lực Mỹ đầu tiên

Bám thắt lưng địch mà đánh

Ngày 3/4/1965, hàng chục chiếc chiến đấu cơ Hải quân Mỹ cất cánh vào đánh phá cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa – điểm huyết mạch trên tuyến đường từ Bắc vào Nam mà Mỹ gọi là khu vực “cán xoong”.

Khi phát hiện địch, cấp trên ra lệnh biên đội 4 chiếc tiêm kích MiG-17 do Phạm Ngọc Lan (bay số 1) chỉ huy cùng các anh Phan Văn Túc (số 2), Hồ Văn Quỳ (số 3), Trần Minh Phương (số 4) cất cánh từ sân bay Nội Bài lên đánh chặn.

“Hướng phía đông có địch, cách 30km, độ cao 3.000m,” biên đội nhận được lệnh dẫn đường rành rọt từ mặt đất. Ngay lập tức, biên đội trưởng Phạm Ngọc Lan ra lệnh “triển khai đội hình chiến đấu”. “Địch đối đầu mình rất nhanh, tôi phát hiện địch ở phía Tây Hàm Rồng cách khoảng 20km, tôi hô phát hiện địch ở hướng đông và lệnh vứt thùng dầu phụ”.

“Trên mỗi chiếc MiG-17 mang 2 thùng dầu phụ, khi cất cánh tiêu hao 2 thùng dầu này trước. Khi nào hết thì ném bỏ để máy bay cơ động tốt hơn,” ông giải thích.

Biên đội MiG-17 đánh trận ngày 3/4/1965 (từ trái qua): Phạm Ngọc Lan – Phan Văn Túc – Hồ Văn Quỳ – Trần Minh Phương.

 

Nếu xét về khía cạnh kỹ thuật, MiG-17 có một vài điểm kém hơn so với địch. MiG-17 không có radar mà chỉ có kính ngắm (mắt tinh nhìn được 15km trong điều kiện ban ngày trời quang mây) và trang bị một pháo 30mm (cơ số 80 viên) cùng hai pháo 23mm (cơ số 160 viên), tốc độ cận âm 1.010km/h. Trong khi, tiêm kích F-8U hộ tống đội máy bay ném bom A-4 của Mỹ có tên lửa đối không, radar, bay với tốc độ siêu âm.

Nhưng với quyết tâm, lòng dũng cảm, khai thác tối đa vũ khí, Phạm Ngọc Lan cùng biên đội lấy thế tấn công tiêu diệt địch. Do tầm bắn hiệu quả nhất của pháo trên MiG-17 chỉ đạt 400m nên biên đội ta quyết tâm phải vào tầm rất gần mới khai hỏa.

Từ trên cao chiếc MiG của Phạm Ngọc Lan bay đầu, còn  số 2 – Phan Văn Túc yểm trợ vào công kích địch. “Anh Phan Văn Túc bắn trước ở cự ly xa 800m nên chưa trúng. Cũng vì thế, quân địch phát hiện nhưng chúng cũng rối loạn đội hình.

Chớp thời cơ, Phạm Ngọc Lan bay vào đánh ngay chiếc F-8U đi đầu bảo vệ đội hình. Ở tầm 400m, tôi bóp cò lần thứ nhất chưa trúng, lần hai cũng vậy và tới lần ba thì chiếc F-8U trúng đạn, bùng cháy trên bầu trời Hàm Rồng,” ông nhớ lại giây phút lịch sử. Biên đội đồng loạt hô “cháy rồi, rơi rồi”, tất cả đều vui sướng khi “giặc lái” đền tội.

Xét về khía cạnh kỹ thuật ta kém địch nhưng bằng sự sáng tạo, dũng cảm, khai thác tối đa trang bị hiện có. Không quân ta, trực tiếp là Phạm Ngọc Lan cùng đồng đội đã giáng cho kẻ thù một đòn bất ngờ, buộc chúng từ nay không còn dám “ngông nghênh” xâm phạm vùng trời miền Bắc Việt Nam. Giờ đây, chúng không chỉ phải đối phó với mạng lưới phòng không tầng tầng lớp lớp mà còn phải lo những cú đột kích bất ngờ của MiG-17 và sau này là MiG-21.

Hạ cánh ngoạn mục

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chặn đánh địch cùng lực lượng phòng không, Phạm Ngọc Lan lệnh cho đồng đội trở về. Tuy nhiên, do phát hiện một chiếc F-8U tách đội hình vòng lại, ông liền đuổi theo công kích yểm trợ cho biên đội rút lui an toàn. Ông đuổi máy bay địch ra tới biển và bắn bị thương chiếc F-8U. Khi đó, ông mới nhận ra rằng máy bay đã gần hết nhiên liệu (dự tính còn khoảng 300 lít, chỉ  đủ bay dưới 10 phút).

Ông nhanh chóng kéo cần lái từ độ cao 500m kéo vòng 180 độ lên 1.500m về đất liền. Thấy bờ, nhưng ông không thể xác định được nên bay theo hướng nào vì trục la bàn điện tử bị cong không chỉ chính xác được phương hướng do thực hiện nhiều động tác ngoặt gấp khi đuổi địch.  Lúc này, sở chỉ huy mặt đất tính toán hết nhiên liệu, ra lệnh cho ông nhảy dù.

“Tôi nghĩ máy bay cùng với mình vừa xuất kích, rất thân thương, nhà nước mình còn nghèo, nó vừa lập công nên phải cố giữ cho bằng được máy bay,” ông nói. Dù sở chỉ huy lệnh ba lần nhảy dù, ông vẫn quyết tâm xin phép cho hạ cánh bắt buộc.

Phi công Phạm Ngọc Lan trong buồng lái MiG-17.

Vốn thông thạo địa hình, ông tính toán tìm đến cửa sông Thái Bình, bay thẳng về phía Tây Bắc là sông Hồng, và sau đó là Gia Lâm, Hà Nội, Nội Bài. “Tôi nghĩ trong trường hợp hết nhiên liệu giữa chừng, ở hai bên Sông Hồng bao giờ cũng có bãi cát dài. Và đó là điều kiện thuận lợi để tôi chọn bãi hạ cánh bắt buộc, để bảo đảm giữ vẹn toàn cho phi công và chiếc MiG thân yêu”.

Nghĩ là làm, ông liền bay bám theo sông Hồng về Hà Nội, nhưng do hết nhiên liệu nên ông quyết định hạ cánh bãi rộng hơn nằm ven sông Đuống. Tính huống khó khăn lại nảy sinh, do tốc độ bay lớn nên đã không thể đáp được xuống bãi, nếu vòng trở lại thì…rơi mất. “Tôi dùng kỹ thuật ngoặt gấp 180 độ ngược lại, lợi dung tốc độ thừa hạ cánh bằng bụng máy bay, không thả càng, bánh xe,” ông nhớ lại.

Khi hạ xuống, ông vận dụng hết tất cả các kỹ thuật bay để vừa thăng bằng máy bay, vừa giảm tốc nhanh. Tất cả đều phải đảm bảo sự hài hòa. Cuối cùng, chiếc máy bay hạ bụng xuống, lướt trên mặt đất khoảng 800m thì dừng sát triền đê sông Đuống.

Có thể nói, việc hạ cánh bằng thân máy bay trên mặt đất là một tình huống cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt trong điều kiện bãi đáp không biết trước, không có phương tiện cứu hộ. Với bản lĩnh, kỹ thuật tốt và một chút may mắn, Phạm Ngọc Lan đã hạ cánh thành công.

Thấm đượm tình quân dân

Việc hạ cánh trong điều kiện như thế, ông cũng bị thương ở trán do đầu đập vào máy ngắm nên mất 2-3 phút mới tỉnh. “Khi tôi tỉnh dậy, thấy hơi lơ mơ, hai chân vẫn đạp được, hai tay cựa được. Nhìn dọc triền đê thấy người lố nhố, đầu nhấp nhô, khí thế đằng đằng dường như nghĩ tôi là phi công địch nên cũng hơi hoảng,” ông nói. Rất bình tĩnh, ông đứng dậy mở khoang lái, gỡ mũ bay, đứng cao lên mở thắt lưng đeo súng bỏ lại trong khoang lái và bước ra ngoài.

Sau đó, ông hô to “ở đây có ai là chỉ huy cao nhất cho tôi xin gặp,” tới lần thứ ba thì một đồng chí mang xà cột, mũ cối đi hai bên có hai anh dân quân bước tới. Đứng cách 5-6m, ông dõng dạc nói: “tôi là phi công Việt Nam, cất cánh từ sân bay Nội Bài, về đây máy bay hỏng hóc xin hạ cánh nhờ”. Ông còn chỉ lên áo có đính cờ đỏ sao vàng năm cánh, máy bay mang phù hiệu cờ đỏ sao vàng. “Mọi hiểu lầm được giải tỏa” nhiều người dân chạy tới ôm chầm lấy ông, bao quanh máy bay.

Ông tiếp tục kêu gọi “máy bay tôi hạ cánh nhờ đồng bào giúp đỡ ngụy trang máy bay,” chỉ vài phút đã xong. Thế mới biết, tình quân dân như cá gặp nước, máy bay hạ cánh làm ruộng ngô hỏng gần hết nhưng nhân dân vẫn không tiếc mùa màng giúp đỡ khi bộ đội cần.

Sau đó, trực thăng của quân chủng đã tới và đưa Phạm Ngọc Lan về sân bay trung đoàn, các anh Túc – Quỳ – Phương đứng chờ, rồi ôm chầm lấy nhau, tất cả mừng mừng tủi tủi.

Biên đội MiG-17 đánh thắng trận đầu ngày 3/4/1965 có một điều đặc biệt, Phạm Ngọc Lan – Phan Văn Túc – Hồ Văn Quỳ – Trần Minh Phương đều sinh năm 1934. Sau này, các anh Phan Văn Túc và Trần Minh Phương đã anh dũng hi sinh trong các trận đánh khác. Phạm Ngọc Lan và Phan Văn Túc vinh dự được Đảng và Nhà Nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Chiến thắng 3/4/1965 trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Không quân Nhân dân Việt Nam. Các anh ra đi và trở về trọn vẹn.

Không quân Nhân dân Việt Nam đã thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị của bác Hồ: “Mở mặt trận trên không thắng lợi”. Đồng thời chấp hành nghiêm nghị quyết của Quân ủy Trung Ương và chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Phải đánh thắng trận đầu”.

Vỵ Nam
baodatviet.vn

Nói về trận đánh B-52 khiến BBC ‘im bặt’

Tình hình cuối năm 1971 đang vào giai đoạn gấp rút chuẩn bị chiến dịch Quảng Trị 1972, vì vậy cán bộ chiến sĩ B8 phải khẩn trương, nhanh chóng tìm ra phương án đánh B-52

(ĐVO) Cuối năm 1971, phía ta chuẩn bị mở chiến dịch Quảng Trị 1972 nên việc chuyển khí tài trang bị, bộ đội đang diễn ra hết sức khẩn trương. Trong bối cảnh đó, địch tăng cường đánh phá ác liệt các tuyến đường vận chuyển của ta.

Những điều này buộc B8 phải tập trung, nhanh chóng tìm ra phương án đánh hạ B-52 mới đủ sức răn đe buộc địch hạn chế hoặc ngừng ném bom tạo điều kiện cho bộ đội ta vận chuyển vũ khí.

Muốn thắng phải mạo hiểm

Sau trận đánh ngày 4/10 việc tiếp cận B-52 vốn dĩ đã khó nay càng khó hơn khi địch đã có sự đề phòng, cảnh giác cao. B-52 ngoài các đơn vị tiêm kích F-4 hộ tống, còn có các radar từ tàu khu trục của Hạm đội 7 liên tục giám sát, theo dõi nên việc tiếp cận tiêu diệt B-52 là rất khó. “Máy bay ta chỉ lên cao 1.500-2.000m địch có thể phát hiện, lên 6.000 – 7.000m tiêm kích F-4 xông ra đánh chặn ngay,” Đại tá Nguyễn Văn Chuyên nói.

Dưới sự chỉ huy trực tiếp của hai đồng chí phó tư lệnh, B8 suy nghĩ tìm ra phương án tối ưu nhất cho trận đánh sắp tới. Các đồng chí cán bộ chỉ huy tỏa ra xuống các đại đội radar rút kinh nghiệm bàn bạc tìm cách khử nhiễu, kết hợp tốt hơn giữa đài radar P35 – PRV11 để xác định vị trí chính xác của B-52 trong nhiễu.

“Ở đơn vị radar dẫn đường, có hai loại radar cảnh giới nhìn vòng P-35 quét 360 độ và một đài PRV-11 đo cao xác định trần bay mục tiêu. Muốn bắt chính xác mục tiêu, khi P-35 bắt mục tiêu thì PRV-11 cũng phải quay về hướng đó. Vì đài PRV-11 có công suất mạnh gấp 3 P-35, cường độ mạnh hơn nhiều, độ chính xác cũng tốt hơn,” ông giải thích.

Đài radar cảnh giới P-35 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Để trạm radar địch không thể phát hiện máy bay ta, B8 quyết định muốn đánh B-52 phải chấp nhận mạo hiểm, phi công sẽ bay ở độ cao rất thấp trên quãng đường dài 120km ban đêm.

Sau khi MiG cất cánh từ Anh Sơn sẽ bay thấp đoạn Đô Lương (Nghệ An), dọc đường 7 rồi đường 15 vào khu Tân Ấp (Hà Tĩnh) gần đèo Mụ Dạ, đường bay có núi cao hai bên (một bên là dãy núi Đại Huệ, một bên là dãy Trường Sơn). Việc tự bay thấp ban đêm rất nguy hiểm đòi hỏi phi công chuẩn bị kỹ lưỡng, dũng cảm trong khi làm nhiệm vụ.

Trước trận đánh, trong phương án nghiên cứu đề xuất thông tin liên lạc giữa sở chỉ huy B8 và các đài trạm radar đều phải thay đổi mật ngữ bằng số. “Trước mật ngữ có thể nói lóng “hướng bay Hồng Hà, độ cao Ba Vì” nhưng giờ phải đổi. Bí mật thông tin liên lạc với cấp trên, dưới, đài, trạm, sân bay, hạn chế thông tin liên lạc và không được nói rõ kể cả nói lóng,” ông nhớ lại. Ngoài ra, ta cũng tổ chức nghi binh thu hút sự chú ý của địch trước trận đánh.

Khi việc tính toán tổ chức xong phương án, ngày 18/11 B8 cho triển khai thêm đài radar dẫn bổ trợ ở Tân Ấp, do MiG-21 khi cất cánh bay rất thấp và không liên lạc với sở chỉ huy nhằm tránh bị địch thu tín hiệu nên cần đài bổ trợ để nghe tiếng máy bay sẽ báo về B8. Tối 19/11, công tác chuẩn bị cơ bản đã hoàn thành, B8 đề nghị với Quân Chủng cho phép đánh B-52 và được chấp thuận.

Có thể nói, đây là trận đánh quan trọng, tổ chức công phu.

Phi công MiG-21 Vũ Đình Rạng.

Giây phút nghẹt thở

Trong trận này, dẫn đường ở bàn tiêu đồ sở chỉ huy B8 là đồng chí Nguyễn Văn Chuyên dẫn chính, số 2 Tạ Quốc Hưng ghi khẩu lệnh và Trần Hồng Hà chỉ thị radar dẫn. “Nguyên tắc khi dẫn đường, trong bàn tròn những trận quan trọng phải có 3 người, người chính cầm ống nói dẫn, số 2 có ống nói nhưng dự bị, người còn lại chỉ thị radar cần tập trung hướng nào, địch ở đâu,” ông giải thích.

Ngày 20/11, theo đúng phương án đã vạch sẵn, ta triển khai hai MiG-21 trực ở sân bay Vinh và Anh Sơn. Phi công Hoàng Điểu trực ở Vinh làm nhiệm vụ nghi binh, thu hút địch còn Vũ Đình Rạng ở Anh Sơn trực tiếp đánh B-52.

“Tới 19h30, phi công Hoàng Điểu cất cánh ở Vinh bay vào Tân Ấp, đèo Mụ Dạ trên độ cao 8.000 – 10.000m nhưng sau đó vòng ra hạ cánh tại Nội Bài. Với cách này, ta đánh lừa được radar hạm tàu Mỹ làm chúng mất cảnh giác cho rằng MiG-21 không còn nằm ở khu 4.

20h tối 20/11, sở chỉ huy B8 nhận tin tình báo chiến lược quan trọng cho biết 20h45 sẽ có B-52 hoạt động cách Sê Pôn 60km. Sau khi nhận tin, tư lệnh Trần Mạnh thống nhất với đồng chí Trần Hanh lệnh vào chiến đấu cấp 1.

Tới 20h15, đồng chí Nguyễn Văn Chuyên cho các đài radar đại đội 41, 47 và 45 mở radar. Tuy nhiên, một tình huống đã phát sinh, ICO (màn hiện sóng radar) của đại đội 41 bị chập và đồng chí đại đội trưởng đề nghị xin chưa đánh trận này.

Sau khi cân nhắc, với điều kiện thuận lợi đồng chí Chuyên lệnh cho đại đội 41 vừa mở vừa sửa máy. Nếu sửa được thì dẫn chính không thì giao cho các đơn vị còn lại. Tới 20h21, đại đội 41 báo cáo mở máy xong, 20h25 đại đội báo ICO điều chỉnh tốt, chiến đấu được.

Lúc 20h37, đại đội 41 thông báo phát hiện B-52 ở Tây Savanakhet (Lào) 100km. Sở chỉ huy lệnh cho xác minh lại mục tiêu, đơn vị báo cáo xác định chính xác tốp 3 B-52 ở độ cao 13.000m (chưa chính xác vì thông thường B-52 chỉ bay ở độ cao 9.000-10.000m).

Ngay lập tức, B8 lệnh cho phi công Rạng cất cánh bay theo phương án đã định. 20h41 Vũ Đình Rạng cùng MiG-21 cất cánh xong và “im lặng” bay từ Anh Sơn vào Tân Ấp.

8 phút sau, sĩ quan dẫn chính Nguyễn Văn Chuyên bắt đầu liên lạc với phi công Rạng ra khẩu lệnh đầu tiên “hướng 230 độ, độ cao 3.000”, máy bay từ đất ta vượt sang Lào.

Sĩ quan dẫn đường Nguyễn Văn Chuyên (đầu bên phải) bên bàn tiêu đồ.

20h52, đài radar thông báo B-52 phía trước 100km. 40 giây sau, dẫn chính Nguyễn Văn Chuyên ra lệnh vứt thùng dầu phụ, tốc độ đạt 950km/h. Tới 20h54, đồng chí Chuyên lệnh cho phi công tăng lực đưa máy bay lên độ cao 10.000m.

Từ đây, đồng chí Lê Thiếu Hùng – đại đội C41 bắt đầu lên tiếng cho hướng bay 130 độ. Ông liên tục ra khẩu lệnh “hướng 140 độ, mục tiêu cách 45km, thấp hơn 2.000m…mục tiêu còn 35km, thấp hơn 1.000m… mục tiêu bên phải phía trước cách 25km…hướng bay 90 độ, thấp hơn 500m…mục tiêu phía trước cách 18km.

20h56p15 khi còn cách mục tiêu 15km đồng chí Chuyên cho phi công Rạng mở radar trên máy  bay. Việc mở radar thời điểm nào là rất quan trọng, vì nếu mở radar quá sớm địch phát hiện và đối phó, mở muộn thì người lái không đủ thời gian thao tác phóng tên lửa.

Không đầy một phút sau, 20h57 phi công Vũ Đình Rạng thông báo phát hiện mục tiêu phía trước cách 11km bằng radar – giờ phút này cả sở chỉ huy im phăng phắc vì sung sướng và xúc động.

Sĩ quan dẫn chính Nguyễn Văn Chuyên lệnh cho phi công nâng tốc độ 1.400km/h nhanh chóng vào tiếp cận phóng tên lửa diệt B-52. Tới 20h58 đồng chí Rạng báo cáo đã thoát ly (nghĩa là đã phóng tên lửa đánh B-52 nhưng việc này chỉ xảy ra trong vài giây phi công nhanh chóng rút lui nên không thể báo cáo chi tiết). Tới 21h15 phi công Vũ Đình Rạng về hạ cánh an toàn trong niềm vui sướng các đồng chí,” Đại tá Nguyễn Văn Chuyên hồi tưởng lại những giây phút nghẹt thở.

“Các ông bắn rơi ba chiếc”

Sau đó, phi công Vũ Đình Rạng đã tường trình lại diễn biễn trận đánh: “…khi đồng chí Chuyên cho mở radar trên máy bay, sau 45 giây radar làm việc. Trên màn hình hiện sóng, tôi phát hiện tốp 3 chiếc B-52 bay theo đội hình bàn tay xòe, chiếc đi đầu cách 11km, chiếc cuối cách 6km, lúc đó máy bay ta thấp hơn 500m.

Vì vậy, tôi quyết định bắn chiếc đi đầu để có đủ thời gian lấy bằng độ cao mục tiêu và điều chỉnh đường ngắm phóng tên lửa tốt hơn. Thời điểm đó, tôi nghe khẩu lệnh đồng chí Trần Hanh, tôi tăng tốc 1.400 – 1.500km/h tiếp cận mục tiêu ở cự ly 5km, bám sát và ở dưới 2km thì phóng tên lửa. Khi tên lửa rời bệ, tôi làm động tác thoát ly lên cao.

Song tôi phát hiện thêm một B-52 khác trên lưng có đèn nhấp nháy, tôi bổ nhào đặt máy ngắm quang học, ở cự ly 2km tôi phóng nốt quả tên lửa còn lại rồi về sân bay hạ cánh.”

Thời kỳ này, mỗi lần máy bay ta và địch đụng độ đều được đài BBC đưa tin, nhưng riêng trận đêm 20/11 thì BBC không đưa tin. Đồng thời, mọi thông tin từ Mỹ cũng đều “im hơi lặng tiếng” nên ta không thể biết kết quả trận đánh.

Tuy vậy, từ sau đêm 20/11, B-52 chỉ còn đánh phá từ đường 9 trở vào nam, phần phía bắc chúng chủ yếu dùng máy bay chiến đấu chiến thuật đánh đêm. Từ đó, phía có thể suy đoán rằng chiếc B-52 chắc chắn xảy ra chuyện gì đó.

Mãi tới đầu năm 1973, phi công B-52 bị ta bắt sống sau chiến thắng 12 ngày đêm mới khai, đêm 20/11/1971 MiG-21 đã bắn bị thương B-52 của chúng ở Nam Lào. Một tổ động cơ trên chiếc đó bị cháy nhưng do đây là loại B-52H đã trải qua nhiều lần cải tiến, các đường ống dẫn dầu đều đi riêng ra từng tổ máy nên tổ lái đã xử lý cắt ống dẫn, dập lửa và đưa máy bay về hạ cánh ở Đông Bắc Thái Lan. Tuy nhiên, chiếc máy bay này cũng không thể sử dụng.

“Khi ta nói Không quân Nhân dân Việt Nam bắn rơi 2 B-52, thì phi công địch bảo lại, các ông đã bắn rơi 3 chiếc. Cuối năm 1971, có một chiếc bị thương nặng về hạ cánh được nhưng cũng bỏ không sử dụng được nữa, coi như rơi,” Đại tá Nguyễn Văn Chuyên nhớ lại.

>> Phi công đầu tiên nhìn thấy B-52

>> Bắn hạ B-52 và F-117A: Hai chiến công, một niềm tự hào
>> 17 trận đánh độc đáo của bộ đội PK-KQ
>> Truyền thống bộ đội PKKQ qua ảnh

 

Lê Nam
baodatviet.vn

Phi công đầu tiên nhìn thấy B-52

Trong chiến công bắn hạ B-52 của phi công tiêm kích MiG-21 Vũ Xuân Thiều, Phạm Tuân, Vũ Đình Rạng,… người đầu tiên nhìn thấy B-52 bằng mắt thường là phi công Đinh Tôn.

Cách đây 40 năm, ngày 20/11/1971, phi công MiG-21 Vũ Đình Rạng bất ngờ, tiếp cận, phóng tên lửa đánh trúng pháo đài bay B-52 – niềm tự hào Không quân Mỹ. Để có chiến công này, cán bộ chiến sĩ Quân chủng Phòng không – Không quân tập trung, chuẩn bị công phu trong thời gian 3 tháng về mọi mặt.

Đất Việt xin giới thiệu về quá trình chuẩn bị, tiến hành trận đánh, qua lời kể của Đại tá Nguyễn Văn Chuyên – sĩ quan trực tiếp dẫn đường cho phi công lái tiêm kích MiG-21 :

(ĐVO) Lời tiên đoán của Bác Hồ

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã huy động nhiều phương tiện khí tài cực kỳ hiện đại nhằm buộc nhân dân ta phải khuất phục. Một trong những loại vũ khí có sức tàn phá khủng khiếp mà Mỹ sử dụng ở Việt Nam là máy bay ném bom hạng nặng B-52.

B-52 ra đời từ những năm 1950, ban đầu chúng được dùng để mang bom nguyên tử. Tới cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã cải tiến biến B-52 thành máy bay ném bom thông thường mang khối lượng bom lớn nhất thế giới (hơn 30 tấn) có sức tàn phá mạnh.

Lần đầu tiên Mỹ dùng B-52 trực tiếp uy hiếp Việt Nam, vào ngày 18/6/1965 30 chiếc B-52 từ Guam vượt 8.500km trong hơn 10h bay liên tục ném bom Tây Bắc Sài Gòn. Tới 12/4/1966, Mỹ đưa B-52 ra miền Bắc đánh vào khu vực Mụ Dạ, Hà Tĩnh.

“Ngay từ năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán Mỹ sẽ dùng B-52 đánh vào Hà Nội – Hải Phòng trong trận cuối cùng trước khi nó thua ta. Bác đã căn dặn bộ đội Phòng không – Không quân phải chú ý theo dõi tìm cách đánh B-52 từ giai đoạn 1965-1966,” Đại tá Nguyễn Văn Chuyên nói.

Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, Binh chủng Không quân tổ chức nghiên cứu đánh B-52, đưa phi công MiG-21 và đơn vị dẫn đường, quân báo vào đèo Mụ Dạ.

Vì lúc này, từ 30/3/1968, Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố xuống thang ném bom hạn chế từ vĩ tuyến 19 trở vào, tập trung “vùng cán xoong” Quân khu 4. Ngày 2/1/1968, Johnson tuyên bố ngừng ném bom vô điều kiện miền Bắc Việt Nam, dù vậy chúng vẫn dùng B-52 đánh phá trục đường vận chuyển của ta đoạn Mụ Dạ, đường 12, đường 10, đường Sê Pôn…

“Ban ngày, quân ta dùng kính TZK theo dõi đội hình máy bay địch đi thế nào, độ cao ra sao, cách thức như thế nào. Mặt khác, ta tổ chức đại đội radar dẫn đường (đại đội 47) vào Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh để nghiên cứu. Tuy nhiên, mấy tháng trời mở máy nhiễu nặng, không phát hiện được nên cuối cùng phải rút ra,” ông nói.

Phi công lái MiG-21 Đinh Tôn (Đinh Văn Tôn) tham gia trận đánh B-52 đêm 4/10/1971.

Phi công đầu tiên nhìn thấy B-52

Tới năm 1971, nhận lệnh từ Bộ tư lệnh Quân chủng, Binh chủng Không quân tổ chức sở chỉ huy tiền phương (ký hiệu B8) hành quân vào Quảng Bình với quyết tâm phải đánh hạ B-52.

Không như lần trước, lần này sở chỉ huy B8 được tổ chức chặt chẽ, công phu nằm dưới sự điều khiển của hai Phó tư lệnh Không quân Trần Mạnh và Trần Hanh cùng nhiều sĩ quan tác chiến, dẫn đường, quân báo, thông tin, radar giàu kinh nghiệm tham gia.

Đầu tháng 8/1971, các đơn vị triển khai xong vị trí chiến đấu, đài radar của 3 đại đội 41 (Ba Đồn), 47 (Vân Đồn) và 45 (Đồi Si) đồng loạt mở máy “bắt” B-52. Nhưng trong tháng đầu tiên, tất cả các đài radar đều không phát hiện được mục tiêu. Không nản chí, sau nhiều lần các đơn vị tổ chức họp rút kinh nghiệm, sang tháng 9 các trạm đài radar tiếp tục mở máy.

Không uổng sự cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, chiến sĩ, đại đội radar 41 bắt đầu phát hiện được B-52 trong nhiễu nhưng không ổn định, có lúc tốc độ thực mục tiêu chỉ 900-950km/h nhưng lại đo lên 3.500km/h, các đài radar cũng chưa thống nhất được đường bay và vị trí B-52.

Gần cuối tháng 9, các đại đội mới phát hiện đường bay B-52 nhưng vẫn chưa rõ. Tới tháng 10/1971, đại đội 41 phát hiện B-52 trong nhiễu tương đối rõ và ổn đinh.

Sau 3 tháng trời nghiên cứu, cùng với việc sân bay dã chiến Đồng Hới sửa xong đủ điều kiện tiếp nhận MiG, Sở chỉ huy B8 đề nghị Quân chủng cho đánh B-52 và được chấp nhận. 17h29  ngày 4/10/1971, phi công Đinh Tôn lái MiG-21 bí mật cất cánh từ sân bay Anh Sơn (Nghệ An) vào hạ cánh ở Đồng Hới (Quảng Bình) lúc 17h55.

Tới 19h13, phi công Đinh Tôn tiếp tục cất cánh từ Đồng Hới vào đánh B-52 ở khu vực đường 20. Nhờ giữ được yếu tố bí mật nên MiG của ta vào gần đến khu vực đánh phá địch cũng không hay biết.

Mọi điều kiện đều rất thuận lợi, tuy nhiên do radar dẫn đường của ta dù có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa bắt chính xác mục tiêu. Do đó, phi công Đinh Tôn ở thế đối đầu với B-52, anh “cưỡi trên lưng con ngáo ộp” và nhìn thấy chúng bằng mắt thường,” Đại tá Nguyễn Văn Chuyên nhớ lại.

Có thể nói, Đinh Tôn là người phi công đầu tiên của Không quân Nhân dân Việt Nam chạm mặt B-52. Sau trận này, chúng ta gặp phải một khó khăn nữa, do địch biết được ý đồ của ta nên chúng cho máy bay đánh phá gây hư hỏng nặng sân bay Đồng Hới, đồng thời khống chế luôn sân bay này.

Việc không thể dùng sân bay Đồng Hới đặt ra cho những người chỉ huy câu hỏi lớn khi đó. Nếu không sử dụng Đồng Hới thì phải dùng sân bay nào, đường bay ra sao để đảm bảo tính bí mật. Một điều nữa, quân Mỹ hiểu được mục đich của ta là đưa MiG vào đánh B-52 nên càng tăng cường cảnh giác.

Đại tá Nguyễn Văn Chuyên. Ảnh: Lê Nam

Đại tá Nguyễn Văn Chuyên sinh năm 1931 tại xã Hoài Hảo (nay là Hoài Phú, Hoài Nhơn, Bình Định).

Năm 1949, ông gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 1950, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, ông tập kết ra miền Bắc.

Năm 1956, ông được đoàn Không quân tuyển và đưa đi học điều phái dẫn đường, điều độ máy bay vận tải.

Từ 1960-1963, ông được đưa đi học ở nước bạn. Sau khi trở về nước, ông trực tiếp tham gia dẫn đường cho máy bay tiêm kích đánh địch và góp công vào nhiều trận đánh bắn hạ máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam.

>> Bắn hạ B-52 và F-117A: Hai chiến công, một niềm tự hào
>> 17 trận đánh độc đáo của bộ đội PK-KQ
>> Truyền thống bộ đội PKKQ qua ảnh

Lê Nam
baodatviet.vn

Ký ức một vị tướng

Tướng Khiupenen A.I. đến thủ đô Hà Nội sáng 15/12/1972, ba ngày trước khi hàng trăm chiếc siêu pháo đài bay B52 của Mỹ thực hiện chiến dịch Linebacker II.

>> ‘Chúng tôi từng chiến đấu ở Việt Nam’
>> Quật đổ siêu pháo đài bay

Kỳ cuối: Ký ức một vị tướng

(Đất Việt) Ngay hôm sau, trong buổi gặp Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Văn Tiến Dũng, ông Khiupenen A.I nhận được thông báo về khả năng có cuộc tập kích lớn của Không quân Mỹ vào miền Bắc Việt Nam.

“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”

Đến ngày 17/12/1972, ta đã xác định rõ thời điểm của đợt tấn công đầu tiên mà Không quân Mỹ tiến hành nhằm thực hiện âm mưu “đưa miền Bắc Việt Nam về thời kỳ đồ đá”. Khoảng 19g ngày 18/12, tiếng còi báo động rền vang đã cắt ngang buổi tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho ông Khiupenen A.I. Chiến dịch Linebacker II chính thức bắt đầu. Lực lượng phòng không – không quân bảo vệ Hà Nội đã sẵn sàng chiến đấu với 62% các tiểu đoàn tên lửa cùng 64% đạn tên lửa cùng các đơn vị pháo cao xạ, máy bay tiêm kích và các tổ, đội bắn máy bay của dân quân.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp đoàn đại biểu quân sự Liên Xô. Thiếu tướng Khiupenen A.I đứng thứ ba từ phải sang, hàng đầu.

Các chuyên gia quân sự Xô-viết về kỹ thuật tên lửa, radar, tác chiến điện tử, không quân tiêm kích cùng chung chiến hào với quân dân Việt Nam. Theo số liệu của Bộ tổng tham mưu Quân đội Xô-viết, từ 11/7/1965 đến 31/12/1974 đã có 6.359 sĩ quan và gần 4.500 hạ sĩ quan, binh sĩ Liên Xô trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện, bảo đảm kỹ thuật và vũ khí trang bị, sát cánh cùng với bộ đội Việt Nam trên chiến trường miền Bắc chống lại Không quân Mỹ. Trong đó nhiều người đã lập công xuất sắc, có người đã dũng cảm hy sinh, bị thương… Hơn 3.000 người được tặng thưởng huân, huy chương của Nhà nước Việt Nam.

Lực lượng chủ yếu để đối phó với B52 khi đó là tên lửa  SAM-2, được thiết kế để bắn mục tiêu trên không tới độ cao 27km. Trong cuộc chiến tháng 6/1967 ở Trung Đông, quân đội Ai Cập đã triển khai 18 tiểu đoàn tên lửa SAM-2, nhưng chỉ phóng được 22 quả, bắn rơi 2 máy bay Mirage của Israel. Trong cuộc chiến tranh này, một số khí tài SAM-2 nguyên vẹn đã rơi vào tay quân đội Israel và được chuyển ngay cho Mỹ nghiên cứu, tìm hiểu.

Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam Văn Tiến Dũng (phải) gặp Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô Khiupenen A.I tháng 1/1973.

Sau 4 tháng “mổ xẻ” SAM-2, Mỹ đã cho ra lò nhiều thiết bị gây nhiễu để đối phó với loại tên lửa này, trong đó có loại nhiễu rất nguy hiểm cho rãnh điều khiển tên lửa (nhiễu rãnh đạn). Từ cuối năm 1967 đầu năm 1968, Mỹ đã trang bị rộng rãi những thiết bị gây nhiễu mới cho các loại máy bay tham chiến ở Việt Nam. “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, Liên Xô sau đó đã thực hiện 3 giai đoạn cải tiến cho SAM-2 để đối phó với các thủ đoạn gây nhiễu và chiến thuật mới của Không quân Mỹ.

Chiến thắng của ý chí quật cường

Cuộc tập kích đường không chiến lược lớn nhất trong toàn bộ cuộc chiến tranh ở Việt Nam được Nhà Trắng chỉ đạo và Bộ chỉ huy Không quân Chiến lược Mỹ tổ chức chặt chẽ theo kế hoạch chung với sự huy động tối đa lực lượng của cả Không quân, Hải quân thuộc Hạm đội 7 cùng các căn cứ quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Đội hình tấn công được triển khai với tốp đầu là các máy bay F4 đi trước 15 phút ở độ cao 6 – 7 km, để đánh phá các sân bay và thả nhiễu tiêu cực. Tốp thứ 2 gồm 4 – 6 chiếc F105 mang tên lửa chống radar bay ở độ cao 3 – 4 km trước khi B52 vào ném bom 1 – 2 phút để chế áp các trận địa tên lửa. Tốp thứ 3 gồm 2 – 4 chiếc F4 chặn máy bay MIG ở độ cao 8 – 9km. Thứ 4 là các tốp B52 với đội hình 3 chiếc một, bay ở độ cao 10,4  – 11,6km làm lực lượng chính ném bom các mục tiêu. Chỉ có 36% Không quân chiến thuật và Hải quân là trực tiếp làm nhiệm vụ đánh phá cùng B52.

Trong 12 ngày đêm chiến dịch, theo thống kê của các chuyên gia quân sự Xô-viết, đã có 81 máy bay Mỹ bị bắn rơi. Trong đó có tới 34 B52 và 3 chiếc F111. Bộ đội tên lửa phòng không đã phóng 321 tên lửa, hạ 54 máy bay, trong đó 244 tên lửa diệt 31 B52, chiếm 91% số B52 bị bắn rơi, bình quân 7,9 tên lửa hạ một B52 và 77 tên lửa diệt 23 máy bay chiến thuật. Nhờ thành tích xuất sắc này, bộ đội tên lửa đã được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Tướng Khiupenen A.I (trái) và phi công Phạm Tuân – người bắn rơi B52 ngày 27/12/1972.

Cùng với bộ đội tên lửa, pháo cao xạ đã bắn rơi 20 máy bay, trong đó có 1 chiếc B52 và 3 chiếc F111. Không quân tiêm kích với 10 trận không chiến đã bắn rơi 7 máy bay, trong đó có 2 chiếc B52. Chiến dịch tập kích đường không Linebacker II là thất bại nặng nề nhất trong lịch sử không chiến của Mỹ. Trong Thế chiến II, cứ 1.000 phi vụ xuất kích thì Không quân Mỹ bị mất 9 máy bay; trong Chiến tranh Triều Tiên là 4 chiếc; còn ở miền Bắc Việt Nam trung bình là 17 chiếc (chỉ riêng trong tháng 12/1972 là 34 chiếc).

Mặc dù Washington vẫn cho rằng, miền Bắc Việt Nam sắp cạn tên lửa, nhưng trên thực tế, với mức thiệt hại cao như vậy, thì điều hiển nhiên là Không quân Mỹ không thể kéo dài chiến dịch lâu hơn nữa. Cuộc đọ sức khốc liệt nhất trên bầu trời đã kết thúc với phần thắng thuộc về lực lượng phòng không – không quân Việt Nam.

Đó là chiến thắng của ý chí quật cường của một dân tộc anh hùng với sự trợ giúp nghĩa tình của bè bạn quốc tế. Cuối cùng, siêu pháo đài bay B52 đã không thể cứu thua cho Mỹ, bởi sự dã man tàn bạo không thể thắng chính nghĩa. Mỹ đã phải ký hiệp định chấm dứt chiến tranh, rút toàn bộ quân ra khỏi Việt Nam, rà phá thuỷ lôi phong toả miền Bắc, trao đổi tù binh trong vòng 2 tháng…

Giáo sư, Tiến sĩ, Thượng tướng Khiupenen A.I. tốt nghiệp Học viện Chỉ huy Pháo binh năm 1961. Ông trưởng thành từ trung đội trưởng tới Tư lệnh binh chủng Tên lửa phòng không quốc gia. Từ tháng 12/1972 đến tháng 1/1975. ông là Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô ở Việt Nam. Ông được tặng thưởng 35 huân, huy chương các loại, trong đó có huân chương Chiến công hạng Nhất của Việt Nam.

>> Những bức ảnh hiếm về Hà Nội 1973

>> 17 trận đánh độc đáo của bộ đội PK-KQ (kỳ 1)
>> 17 trận đánh độc đáo của bộ đội PK-KQ (kỳ 2)
>> 17 trận đánh độc đáo của bộ đội PK-KQ (kỳ 3)
>> 17 trận đánh độc đáo của bộ đội PK-KQ (kỳ 4)

>> Cán cân quân sự trong chiến dịch ĐBP trên không (kỳ 1)
>> Cán cân quân sự trong chiến dịch ĐBP trên không (kỳ 2)
>> Cán cân quân sự trong chiến dịch ĐBP trên không (kỳ 3)
>> Cán cân quân sự trong chiến dịch ĐBP trên không (kỳ 4)

Đại tá, Kỹ sư Nguyễn Thuỵ Anh
baodatviet.vn

Quật đổ siêu pháo đài bay

Trong Chiến tranh lạnh, tên lửa S-75 (SAM-2) được chế tạo để chống lại B52, bảo vệ bầu trời Liên Xô và các nước Đông Âu.

Thế nhưng, sau nhiều lần được cải tiến, hai “kỳ phùng địch thủ” này lại đối đầu với nhau ở chiến trường Việt Nam, mà đỉnh điểm là 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội và Hải Phòng tháng 12/1972.

>> ‘Chúng tôi từng chiến đấu ở Việt Nam’

Kỳ 2: Quật đổ siêu pháo đài bay

(Đất Việt) Trên bầu trời Hà Nội tháng Chạp năm 1972, các chiến sĩ tên lửa Việt Nam “chỉ với những bệ phóng SAM-2 là loại tên lửa thế hệ 1 chưa có gì ghê gớm” đã quật đổ pháo đài bay B52 – con át chủ bài vũ khí chiến lược của Lầu Năm Góc.

Vũ khí chiến lược làm nhiệm vụ chiến thuật

Máy bay chiến lược B52 được Mỹ sản xuất với mục đích làm nhiệm vụ ném bom hạt nhân trong chiến tranh tổng lực với phe XHCN trên chiến trường chính là châu Âu. Vì bị sa lầy ở Việt Nam, nhằm cứu vãn tình thế, Lầu Năm Góc đành phải sử dụng B52 mang bom thường làm nhiệm vụ yểm trợ chiến thuật. Trong hơn 8 năm tham chiến ở Việt Nam, B52 đã thực hiện 124.532 phi vụ, thả 2.674.745 tấn bom, lớn hơn cả số bom mà không quân Mỹ đã sử dụng trong Thế chiến thứ 2 (2.057.000 tấn).

Cường độ hoạt động cũng tăng dần. Năm 1965, B52 xuất kích 300 phi vụ/tháng thì đến năm 1968 ở Khe Sanh là 1.800 phi vụ/tháng. Năm 1972, Mỹ sử dụng tới 200 chiếc B52 (tức là 48% toàn bộ lực lượng không quân chiến lược Mỹ) và đạt mức hoạt động tối đa vào tháng 5/1972 với 3.150 phi vụ. Tuy vậy, hiệu quả của B52 trong nhiệm vụ chiến thuật thì chính Lầu Năm Góc cũng phải hoài nghi, vì “càng nhiều bom ném xuống rừng rậm, thì những con đường của đối phương càng như dài ra, xuất hiện ở nhiều nơi”.

“Rồng lửa” Thăng Long trong 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không.

Trong chiến dịch tập kích đường không vào Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên… cuối năm 1972 mà giới quân sự Mỹ gọi là “Chiến dịch ném bom 11 ngày” (trừ 1 ngày nghỉ Noel), theo số liệu của Bộ chỉ huy Không quân Chiến lược Mỹ (SAC), toàn bộ số B52 trên chiến trường (gần 200 chiếc) cùng với hơn 1.000 máy bay chiến thuật các loại trên 6 tàu sân bay và 7 căn cứ không quân ở Thái Lan, trong 11 ngày đêm đã thực hiện 4.583 phi vụ, trong đó có 740 phi vụ B52.

Mục đích của Mỹ là “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”, từ đó phải giảm cường độ tấn công trên chiến trường và chấp nhận thỏa hiệp trên bàn đàm phán. Vì thế Mỹ đã không tiếc bom đạn ném xuống miền Bắc. Đây là là một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh. Trong 12 ngày, Mỹ đã thả hơn 36.000 tấn bom, vượt quá khối lượng bom đã ném trong toàn bộ thời kì từ 1969 đến 1971.

Nhưng mục đích ấy không đạt được mà cái giá phải trả của siêu pháo đài bay đã làm Lầu Năm Góc phải nản lòng. Theo chính số liệu thống kê của SAC đã có 31 chiếc B52 bị rơi ở Việt Nam do hỏa lực phòng không đối phương và do “trục trặc kỹ thuật”, hàng chục chiếc khác bị thương, trong đó có 9 chiếc trúng đạn hỏng nặng không thể bay được nữa. Còn theo số liệu của Việt Nam là 68 chiếc B52 bị bắn rơi, cùng với hàng trăm phi công B52 bị chết và bị bắt.

Càng cải tiến, càng rụng

Mỹ liên tục cải tiến cho B52 và đã có tới 8 kiểu nối tiếp nhau ra đời từ B52A đến B52H. Lúc đầu B52D chỉ mang được 52 quả bom (12.247 kg), sau cải tiến lên tới 108 quả (27.216 kg). Khi mới tham chiến mỗi B52 chỉ được trang bị 8 máy gây nhiễu, tới năm 1972 đã có 15 máy gây nhiễu tích cực, 2 máy gây nhiễu tiêu cực, thiết bị gây nhiễu hồng ngoại, tên lửa mồi bẫy Quail.

Xác máy bay Mỹ rơi trong chiến dịch tập kích tháng 12/1972.

Đi kèm mỗi B52 trung bình có 7 máy bay các loại để trinh sát, gây nhiễu, chế áp phòng không, chi huy và cảnh giới, hộ tống chặn MIG, tiếp dầu, cứu hộ… Để an toàn hơn cho B52, Mỹ đã gây nhiễu công suất lớn trên các dải tần số làm việc của hệ thống rada cảnh giới và điều khiển hoả lực của ta cũng như của hệ thống thông tin liên lạc, chỉ huy chiến đấu.

Cùng với việc cải tiến B52, Không quân Mỹ suốt ngày đêm đánh phá dữ dội vào lực lượng PK-KQ của ta. Nhằm gây khó khăn rất lớn cho hệ thống phòng không Việt Nam, không quân Mỹ đã bắn tên lửa và ném bom ồ ạt nhiều lần vào 19 trận địa tên lửa, có nơi bị đánh 6 lần, 14 trận địa pháo cao xạ và 8 sân bay. Thế nhưng B52 vẫn rơi.

Sau khi chiến dịch kết thúc, Mỹ ra sức nghiên cứu, tìm hiểu lý do thiệt hại nặng nề của B52 trước đối thủ SAM-2 mà theo họ tính toán thì đã bị vô hiệu hoá, các pháo đài bay chỉ việc “nối đuôi nhau bay đi rồi bay về như đi dạo”. Lý do không thể phủ nhận được chính là sức mạnh của hệ thống phòng không Việt Nam mà Lầu Năm Góc đã tính nhầm. Tuy bị nhiều thiệt hại nhưng lực lượng PK-KQ của ta đã nhanh chóng khắc phục hậu quả, kịp thời rút kinh nghiệm và chiến đấu ngày càng hiệu quả hơn.

Tên lửa SAM-2 kiêu hãnh bảo vệ miền Bắc Việt Nam.

Chính Maicon Macsan, phi công có 26 năm phục vụ trong lực lượng không quân Mỹ, từng lái F4 thực hiện hơn 300 phi vụ chiến đấu ở Việt Nam, sau này tham chiến ở vùng Vịnh, đã thừa nhận: “Tôi trải qua nhiều chiến trường, nhưng phải công nhận hệ thống phòng không và tên lửa SAM-2 của miền Bắc Việt Nam là mạnh nhất, chưa từng có trên thế giới”. Phía Mỹ đã đưa ra con số rất lớn về số lượng tên lửa SAM-2 được phóng lên (hơn 1.200 quả) để biện minh cho sự thiệt hại nặng nề của B52.

Nhưng thực tế, chúng ta không có nhiều SAM-2 đến thế và cũng không bao giờ phung phí một số lượng tên lửa lớn như vậy trong khi cuộc chiến vẫn còn đang tiếp diễn ác liệt. Với lực lượng 13 tiểu đoàn tên lửa SAM-2 bảo vệ Hà Nội ở giai đoạn 2, ngày cao điểm nhất chúng ta cũng chỉ phóng lên 74 quả tên lửa trên tổng số 334 quả trong toàn chiến dịch và trong 3 ngày 23, 24 và 25/12, khi B52 dãn xa ngoài vùng hoả lực tên lửa thì các tiểu đoàn tên lửa của ta đã không phóng một quả đạn nào.

>> Những bức ảnh hiếm về Hà Nội 1973

>> 17 trận đánh độc đáo của bộ đội PK-KQ (kỳ 1)
>> 17 trận đánh độc đáo của bộ đội PK-KQ (kỳ 2)
>> 17 trận đánh độc đáo của bộ đội PK-KQ (kỳ 3)
>> 17 trận đánh độc đáo của bộ đội PK-KQ (kỳ 4)

>> Cán cân quân sự trong chiến dịch ĐBP trên không (kỳ 1)
>> Cán cân quân sự trong chiến dịch ĐBP trên không (kỳ 2)
>> Cán cân quân sự trong chiến dịch ĐBP trên không (kỳ 3)
>> Cán cân quân sự trong chiến dịch ĐBP trên không (kỳ 4)

Đại tá, Kỹ sư Nguyễn Thụy Anh
baodatviet.vn