Phi công đầu tiên nhìn thấy B-52

Trong chiến công bắn hạ B-52 của phi công tiêm kích MiG-21 Vũ Xuân Thiều, Phạm Tuân, Vũ Đình Rạng,… người đầu tiên nhìn thấy B-52 bằng mắt thường là phi công Đinh Tôn.

Cách đây 40 năm, ngày 20/11/1971, phi công MiG-21 Vũ Đình Rạng bất ngờ, tiếp cận, phóng tên lửa đánh trúng pháo đài bay B-52 – niềm tự hào Không quân Mỹ. Để có chiến công này, cán bộ chiến sĩ Quân chủng Phòng không – Không quân tập trung, chuẩn bị công phu trong thời gian 3 tháng về mọi mặt.

Đất Việt xin giới thiệu về quá trình chuẩn bị, tiến hành trận đánh, qua lời kể của Đại tá Nguyễn Văn Chuyên – sĩ quan trực tiếp dẫn đường cho phi công lái tiêm kích MiG-21 :

(ĐVO) Lời tiên đoán của Bác Hồ

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã huy động nhiều phương tiện khí tài cực kỳ hiện đại nhằm buộc nhân dân ta phải khuất phục. Một trong những loại vũ khí có sức tàn phá khủng khiếp mà Mỹ sử dụng ở Việt Nam là máy bay ném bom hạng nặng B-52.

B-52 ra đời từ những năm 1950, ban đầu chúng được dùng để mang bom nguyên tử. Tới cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã cải tiến biến B-52 thành máy bay ném bom thông thường mang khối lượng bom lớn nhất thế giới (hơn 30 tấn) có sức tàn phá mạnh.

Lần đầu tiên Mỹ dùng B-52 trực tiếp uy hiếp Việt Nam, vào ngày 18/6/1965 30 chiếc B-52 từ Guam vượt 8.500km trong hơn 10h bay liên tục ném bom Tây Bắc Sài Gòn. Tới 12/4/1966, Mỹ đưa B-52 ra miền Bắc đánh vào khu vực Mụ Dạ, Hà Tĩnh.

“Ngay từ năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán Mỹ sẽ dùng B-52 đánh vào Hà Nội – Hải Phòng trong trận cuối cùng trước khi nó thua ta. Bác đã căn dặn bộ đội Phòng không – Không quân phải chú ý theo dõi tìm cách đánh B-52 từ giai đoạn 1965-1966,” Đại tá Nguyễn Văn Chuyên nói.

Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, Binh chủng Không quân tổ chức nghiên cứu đánh B-52, đưa phi công MiG-21 và đơn vị dẫn đường, quân báo vào đèo Mụ Dạ.

Vì lúc này, từ 30/3/1968, Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố xuống thang ném bom hạn chế từ vĩ tuyến 19 trở vào, tập trung “vùng cán xoong” Quân khu 4. Ngày 2/1/1968, Johnson tuyên bố ngừng ném bom vô điều kiện miền Bắc Việt Nam, dù vậy chúng vẫn dùng B-52 đánh phá trục đường vận chuyển của ta đoạn Mụ Dạ, đường 12, đường 10, đường Sê Pôn…

“Ban ngày, quân ta dùng kính TZK theo dõi đội hình máy bay địch đi thế nào, độ cao ra sao, cách thức như thế nào. Mặt khác, ta tổ chức đại đội radar dẫn đường (đại đội 47) vào Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh để nghiên cứu. Tuy nhiên, mấy tháng trời mở máy nhiễu nặng, không phát hiện được nên cuối cùng phải rút ra,” ông nói.

Phi công lái MiG-21 Đinh Tôn (Đinh Văn Tôn) tham gia trận đánh B-52 đêm 4/10/1971.

Phi công đầu tiên nhìn thấy B-52

Tới năm 1971, nhận lệnh từ Bộ tư lệnh Quân chủng, Binh chủng Không quân tổ chức sở chỉ huy tiền phương (ký hiệu B8) hành quân vào Quảng Bình với quyết tâm phải đánh hạ B-52.

Không như lần trước, lần này sở chỉ huy B8 được tổ chức chặt chẽ, công phu nằm dưới sự điều khiển của hai Phó tư lệnh Không quân Trần Mạnh và Trần Hanh cùng nhiều sĩ quan tác chiến, dẫn đường, quân báo, thông tin, radar giàu kinh nghiệm tham gia.

Đầu tháng 8/1971, các đơn vị triển khai xong vị trí chiến đấu, đài radar của 3 đại đội 41 (Ba Đồn), 47 (Vân Đồn) và 45 (Đồi Si) đồng loạt mở máy “bắt” B-52. Nhưng trong tháng đầu tiên, tất cả các đài radar đều không phát hiện được mục tiêu. Không nản chí, sau nhiều lần các đơn vị tổ chức họp rút kinh nghiệm, sang tháng 9 các trạm đài radar tiếp tục mở máy.

Không uổng sự cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, chiến sĩ, đại đội radar 41 bắt đầu phát hiện được B-52 trong nhiễu nhưng không ổn định, có lúc tốc độ thực mục tiêu chỉ 900-950km/h nhưng lại đo lên 3.500km/h, các đài radar cũng chưa thống nhất được đường bay và vị trí B-52.

Gần cuối tháng 9, các đại đội mới phát hiện đường bay B-52 nhưng vẫn chưa rõ. Tới tháng 10/1971, đại đội 41 phát hiện B-52 trong nhiễu tương đối rõ và ổn đinh.

Sau 3 tháng trời nghiên cứu, cùng với việc sân bay dã chiến Đồng Hới sửa xong đủ điều kiện tiếp nhận MiG, Sở chỉ huy B8 đề nghị Quân chủng cho đánh B-52 và được chấp nhận. 17h29  ngày 4/10/1971, phi công Đinh Tôn lái MiG-21 bí mật cất cánh từ sân bay Anh Sơn (Nghệ An) vào hạ cánh ở Đồng Hới (Quảng Bình) lúc 17h55.

Tới 19h13, phi công Đinh Tôn tiếp tục cất cánh từ Đồng Hới vào đánh B-52 ở khu vực đường 20. Nhờ giữ được yếu tố bí mật nên MiG của ta vào gần đến khu vực đánh phá địch cũng không hay biết.

Mọi điều kiện đều rất thuận lợi, tuy nhiên do radar dẫn đường của ta dù có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa bắt chính xác mục tiêu. Do đó, phi công Đinh Tôn ở thế đối đầu với B-52, anh “cưỡi trên lưng con ngáo ộp” và nhìn thấy chúng bằng mắt thường,” Đại tá Nguyễn Văn Chuyên nhớ lại.

Có thể nói, Đinh Tôn là người phi công đầu tiên của Không quân Nhân dân Việt Nam chạm mặt B-52. Sau trận này, chúng ta gặp phải một khó khăn nữa, do địch biết được ý đồ của ta nên chúng cho máy bay đánh phá gây hư hỏng nặng sân bay Đồng Hới, đồng thời khống chế luôn sân bay này.

Việc không thể dùng sân bay Đồng Hới đặt ra cho những người chỉ huy câu hỏi lớn khi đó. Nếu không sử dụng Đồng Hới thì phải dùng sân bay nào, đường bay ra sao để đảm bảo tính bí mật. Một điều nữa, quân Mỹ hiểu được mục đich của ta là đưa MiG vào đánh B-52 nên càng tăng cường cảnh giác.

Đại tá Nguyễn Văn Chuyên. Ảnh: Lê Nam

Đại tá Nguyễn Văn Chuyên sinh năm 1931 tại xã Hoài Hảo (nay là Hoài Phú, Hoài Nhơn, Bình Định).

Năm 1949, ông gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 1950, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, ông tập kết ra miền Bắc.

Năm 1956, ông được đoàn Không quân tuyển và đưa đi học điều phái dẫn đường, điều độ máy bay vận tải.

Từ 1960-1963, ông được đưa đi học ở nước bạn. Sau khi trở về nước, ông trực tiếp tham gia dẫn đường cho máy bay tiêm kích đánh địch và góp công vào nhiều trận đánh bắn hạ máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam.

>> Bắn hạ B-52 và F-117A: Hai chiến công, một niềm tự hào
>> 17 trận đánh độc đáo của bộ đội PK-KQ
>> Truyền thống bộ đội PKKQ qua ảnh

Lê Nam
baodatviet.vn

Advertisement