Bộ đội tên lửa đã lập nhiều công lớn bắn hạ hàng trăm loại máy bay hiện đại của địch, đặc biệt là “pháo đài bay” B-52 tạo nên chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”.
>> Kỳ 1: Đạn pháo đan lưới lửa
>> Kỳ 2: “Mắt thần” canh giữ bầu trời
(ĐVO) Kỳ 3: Rồng lửa SA-2 – Nỗi kinh hoàng của giặc trời
Thiếu tá Hải quân John McCain.
Hạ “chim ưng” trên vùng cấm
Trưa ngày 26/10/1967, tại trận địa Dương Tế, tiểu đoàn tên lửa 61 phát sóng bắt được một tốp máy bay địch ở phương vị 360, cự ly 23km, độ cao 4.600m. Khi các đơn vị khác phát hiện mục tiêu, cự ly đã quá gần không còn khả năng xạ kích (phóng tên lửa).
Duy nhất chỉ có tiểu đoàn 61 đủ khả năng đánh nhưng mục tiêu lại bay trong vùng cấm bắn (góc cấm bắn để bảo đảm an toàn cho mặt đất). Đối với các cán bộ chiến sĩ, đánh hay không là quyết định rất táo bạo và chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc với trách nhiệm rất cao.
Vì trong phạm vi xác xuất nhỏ bé nào đó, tên lửa không có điều khiển hoặc khi phóng tên lửa lên đúng mục tiêu bổ nhào, đạn rơi xuống đất giữa lòng Hà Nội có thể gây tổn thất khó lường.
Nhưng nếu không đánh để địch vào Hà Nội, ném bom nhà máy điện Yên Phụ – nguồn cung cấp điện cả thành phố, hậu quả và trách nhiệm của đơn vị với thủ đô rất lớn.
Đồng chí chính ủy Nguyễn Ly Sơn ngồi trong xe điều khiển đã hạ lệnh cho tiểu đoàn tiêu diệt tốp mục tiêu này.
Ngay lập tức, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lan chỉ huy, sĩ quan điều khiển Nguyễn Xuân Đài, trắc thủ góc tà Trịnh Văn Hưng, trắc thủ phương vị Nguyễn Trọng Vinh, trắc thủ cự ly Lê Quang Khánh tập trung cao độ vào nhiệm vụ phóng và lái quả đạn tới mục tiêu.
A-4E “Chim ưng nhà trời” mang loại bom điều khiển bằng vô tuyến truyền hình Valley đã chiếm được đỉnh cao bổ nhào lao xuống nhà máy điện Yên Phụ.
Chiếc A-4E xuống độ cao 1.800m thì tên lửa gặp nổ, mục tiêu bị tiêu diệt và rơi xuống bãi xi măng nhà máy điện lúc 11h57 khi chưa kịp thả bom. Viên phi công – Thiếu tá Jonh McCain bị bắt sống.
Vít cổ “kẻ phá đám” A-6A
22h1 ngày 24/3/1967, dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn trưởng 77 Nguyễn Ngọc Điền và kíp điều khiển (gồm sĩ quan điều khiển Đinh Thế Văn, trắc thủ góc tà Nguyễn Văn Cư, trắc thủ cự ly Kiều Thanh tịnh, trắc thủ phương vị Nguyễn Văn Đức) đã bắn rơi tại chỗ một chiếc A-6A ở đồng Đông sân bay Kép. Đây là chiếc A-6A bị bắn rơi tại chỗ đầu tiên của đơn vị.
Chiếc thắng ngày 24/3/1967 của tiểu đoàn 77 góp phần cùng lực lượng phòng không đánh thắng thủ đoạn bay thấp, đánh lén ban đêm của địch.
Từ năm 1966 tới 1972, tiểu đoàn 77 còn bắn rơi thêm 18 máy bay Mỹ các loại. Ngày 3/9/1973, tiểu đoàn được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Rồng lửa bắt ‘bóng ma’ AC-130
Trong kháng chiến chống Mỹ, tuyến đường Trường Sơn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong con đường vận tải vũ khí – hàng hóa từ Bắc vào Nam. Không quân Mỹ đã tìm mọi cách, dùng nhiều chiến thuật, huy động các loại phương tiện cực kỳ hiện đại nhằm ngăn chặn tuyến đường này.
Một trong những phương tiện nguy hiểm mà Mỹ sử dụng, AC-130 – máy bay vận tải quân sự được cải tiến thành máy bay trinh sát vũ trang.
AC-130 trang bị hệ thống quan sát hồng ngoại và khuyếch đại ánh sáng mờ tới 4 vạn lần, nên nó phát hiện mục tiêu dưới đất rất chính xác. AC-130 có hỏa lực mạnh: pháo bắn thẳng cỡ nòng 40mm và đại liên 6 nòng cỡ 20mm.
Loại máy bay này đã gây cho ta rất nhiều thiệt hại. Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh đoàn 559 và Bộ tư lệnh phòng không – Không quân chỉ thị cho sư đoàn phòng không 377 nghiên cứu tiêu diệt AC-130 nhằm đảm bảo luôn thông suốt tuyến đường vận chuyển chiến lược.
AC-130 đền tội trên con đường huyền thoại Trường Sơn.
Tiểu đoàn 67, trung đoàn tên lửa 275 hành quân vào chiến trường đưa “rồng lửa” SA-2 lùng diệt AC-130. Trên đường đi, tiểu đoàn 67 bị không quân địch phát hiện và đánh hư hỏng một vài phương tiện, khí tài nhưng với tinh thần quyết tâm các chiến sĩ vẫn thiết lập trận địa sẵn sàng đón tiêu diệt địch.
2h10 ngày 29/10/1972, đài radar phát hiện một tốp máy bay ở cự ly 28km, phương vị 220 độ, kíp trắc thủ xác định đây là AC-130. Trắc thủ số 2 qua đường dây thông tin đọc phần tử của mục tiêu cho nhân viên tiêu đồ đánh dấu đường bay lên bảng tiêu đồ hỏa lực 5×5. Đài 2 đã sẵn sàng, ba rãnh, hai bệ, hai đạn.
Tới 2h50, tình huống khó đã phát sinh khi hỏng đường truyền tín hiệu từ đài P12 sang đài điều khiển, tiểu đoàn phó Nguyễn Lành quyết định đánh theo phần tử của tiêu đồ hỏa lực 5×5, khi mục tiêu vào đến cự ly 20km, đài 2 nâng cao thế, chuẩn bị liên tục 2 đạn và đồng bộ.
Mục tiêu vào tới 15km, kíp điều khiển (gồm sĩ quan điều khiển Hà Viết Bá, trắc thủ góc tà Nguyễn Đăng Dương, trắc thủ phương vị Ngô Văn Bằng, trắc thủ cự ly Ngô Văn Chàng) mở công tắc ăng ten phát hiện AC-130 ở cự ly 14km, phương vị 192 độ, độ cao 3km. Dù trên màn hình sóng có nhiễu râu, nhiễu tích cực song các chiến sĩ vẫn thấy mục tiêu.
Tiểu đoàn phó Nguyễn Lành ra lệnh: “tiêu diệt tốp số 1, phương pháp điều khiển K, hai quả, ngòi nổ vô tuyến, cự ly phóng 13km, phương vị 192 độ, giãn cách 6 giây”. Ngay tức khắc, sĩ quan điều khiển ấn nút phóng hai quả đạn, “rồng lửa” rời bệ lao về phía “bóng ma” AC-130.
Đạn điều khiển gặp mục tiêu ở cự ly 11km, phương vị 193 độ, độ cao 3km. Chiếc AC-130 bốc cháy rơi tại chỗ ở bản Nopo cách trận địa 6km lúc 3h.
Đây là trận đánh thực hiện phóng hai quả đạn tên lửa bắn rơi tại chỗ một chiếc AC-130 đầu tiên của trung đoàn và là chiếc rơi tại chỗ đầu tiên trong mùa khô 1971-1972.
Chiến thắng đã buộc AC-130 phải ngừng hoạt động một thời gian ở khu vực này, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch vận chuyển Quang Trung giành thắng lợi.
5 phút hai B-52
Trong chiến dịch bảo vệ vùng trời miền Bắc tháng 12/1972 trước cuộc tập kích đường không tàn bạo của Đế quốc Mỹ. Bộ đội tên lửa lập nhiều chiến công, điển hình là những trận tiêu diệt máy bay ném bom chiến lược B-52 – niềm tự hào của Không quân Mỹ.
Sáng ngày 21/12/1972, lúc 4h36 tiểu đoàn 57 (trung đoàn tên lửa 261) được lệnh vào chiến đấu cấp 1, cấp trên giao nhiệm vụ cho đơn vị phải tiêu diệt tốp B-52 số 518.
Tình hình lúc đó, đài radar nhìn vòng P12 bị nhiễu nặng…khi mục tiêu đến cự ly 55km, đài K8-60 bắt được mục tiêu. Đài trưởng radar ra lệnh phóng quả đạn thứ nhất đánh máy bay địch ở “cự ly 55km, phương vị 3300, cao 12km” nhưng đạn tên lửa hỏng.
Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt lệnh phóng tiếp quả thứ 2, cự ly 25km, đạn bay đến mục tiêu, B52 bị tiêu diệt, bốc cháy lúc 5h9.
Trên bệ phóng trận địa tiểu đoàn chỉ còn một quả đạn, đồng chí Nguyễn Văn Phiệt hội ý nhanh với chính trị viên Nguyễn Văn Ưởng quyết tâm bắn rơi tại chỗ máy bay địch, tiêu diệt tốp 532, mục tiêu đã vào cự ly 38km.
Sau khi nâng cao thế kiểm tra không thấy mục tiêu, chỉ có nhiễu, tiểu đoàn trưởng ra lệnh: “hạ cao thế, phương pháp 3 điểm, cự ly 35km, ngòi nổ 11,5 giây chậm”.
Quả đạn duy nhất rời bệ nhằm tốp B-52 lao tới…sĩ quan điều khiển vừa quan sát vừa đọc cự ly bay của đạn: “cự ly 15km, 18km, 20km, 22km, 24km, nổ” B-52 bị tiêu diệt lúc 5h14.
Chỉ sau 5 phút chiến đấu, bằng 2 quả đạn tiểu đoàn 57 đã bắn rơi hai B-52 trong đó có một chiếc rơi tại chỗ ở núi Đôi, Đa Phúc, Vĩnh Phú. Trận đánh khẳng định hiệu quả phương pháp xạ kích, bắn phát một (một quả đạn bắn vào tiêu diệt một B-52).
Bắn rơi “nguyên chiếc” B-52
23h ngày 27/12/1972, tiểu đoàn tên lửa 72 đánh địch từ hướng Đông Nam vào khu vực Văn Điển, Giáp Bát.
Tiểu đoàn 72 gồm: tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chất, sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Dựng, trắc thủ phương vị Trương Đăng Khoa, trắc thủ góc tà Nguyễn Đức Chiêu, Lê Đông Hưởng , chính trị viên Dương Đình Phương, trắc thủ cự ly Nguyễn Văn Tuyền bám sát chính xác giải nhiễu B-52, phát hiện 3 máy bay B-52 ở độ cao 11.000m lao tới, tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt ra lệnh đánh địch bằng phương pháp T, chế độ giãn cách 6 giây.
Hai quả đạn được phóng lên ở cự ly 34, 32 và nổ trúng mục tiêu, máy bay cháy rất lớn. Điểm đặc biệt, chiếc B-52 này còn nguyên bom đạn chưa kịp ném vào mục tiêu. Cả máy bay B-52 rơi xuống quật Ba Đình, một phần xác phơi mình trên đường Hoàng Hoa Thám, cạnh vườn Bách Thảo. Phần khác rơi xuống Hồ Hữu Tiệp, 2 động cơ rơi xuống nhà bà Nguyễn Thị Nề ở tổ 51 Ngọc Hà.
Chiến công bắn rơi tại chỗ máy bay B-52 của địch là chiếc B-52 duy nhất trong tổng số 16 chiếc rơi tại chỗ còn nguyên bom đạn và rơi xuống đường phố thủ đô Hà Nội gần khu vực cơ quan Trung ương của ta làm việc.
>> Truyền thống bộ đội PKKQ qua ảnh (kỳ 1)
>> Truyền thống bộ đội PKKQ qua ảnh (kỳ 2)
Lê Nam
baodatviet.vn