Trong Chiến tranh lạnh, tên lửa S-75 (SAM-2) được chế tạo để chống lại B52, bảo vệ bầu trời Liên Xô và các nước Đông Âu.
Thế nhưng, sau nhiều lần được cải tiến, hai “kỳ phùng địch thủ” này lại đối đầu với nhau ở chiến trường Việt Nam, mà đỉnh điểm là 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội và Hải Phòng tháng 12/1972.
>> ‘Chúng tôi từng chiến đấu ở Việt Nam’
Kỳ 2: Quật đổ siêu pháo đài bay
(Đất Việt) Trên bầu trời Hà Nội tháng Chạp năm 1972, các chiến sĩ tên lửa Việt Nam “chỉ với những bệ phóng SAM-2 là loại tên lửa thế hệ 1 chưa có gì ghê gớm” đã quật đổ pháo đài bay B52 – con át chủ bài vũ khí chiến lược của Lầu Năm Góc.
Vũ khí chiến lược làm nhiệm vụ chiến thuật
Máy bay chiến lược B52 được Mỹ sản xuất với mục đích làm nhiệm vụ ném bom hạt nhân trong chiến tranh tổng lực với phe XHCN trên chiến trường chính là châu Âu. Vì bị sa lầy ở Việt Nam, nhằm cứu vãn tình thế, Lầu Năm Góc đành phải sử dụng B52 mang bom thường làm nhiệm vụ yểm trợ chiến thuật. Trong hơn 8 năm tham chiến ở Việt Nam, B52 đã thực hiện 124.532 phi vụ, thả 2.674.745 tấn bom, lớn hơn cả số bom mà không quân Mỹ đã sử dụng trong Thế chiến thứ 2 (2.057.000 tấn).
Cường độ hoạt động cũng tăng dần. Năm 1965, B52 xuất kích 300 phi vụ/tháng thì đến năm 1968 ở Khe Sanh là 1.800 phi vụ/tháng. Năm 1972, Mỹ sử dụng tới 200 chiếc B52 (tức là 48% toàn bộ lực lượng không quân chiến lược Mỹ) và đạt mức hoạt động tối đa vào tháng 5/1972 với 3.150 phi vụ. Tuy vậy, hiệu quả của B52 trong nhiệm vụ chiến thuật thì chính Lầu Năm Góc cũng phải hoài nghi, vì “càng nhiều bom ném xuống rừng rậm, thì những con đường của đối phương càng như dài ra, xuất hiện ở nhiều nơi”.
“Rồng lửa” Thăng Long trong 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không.
Trong chiến dịch tập kích đường không vào Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên… cuối năm 1972 mà giới quân sự Mỹ gọi là “Chiến dịch ném bom 11 ngày” (trừ 1 ngày nghỉ Noel), theo số liệu của Bộ chỉ huy Không quân Chiến lược Mỹ (SAC), toàn bộ số B52 trên chiến trường (gần 200 chiếc) cùng với hơn 1.000 máy bay chiến thuật các loại trên 6 tàu sân bay và 7 căn cứ không quân ở Thái Lan, trong 11 ngày đêm đã thực hiện 4.583 phi vụ, trong đó có 740 phi vụ B52.
Mục đích của Mỹ là “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”, từ đó phải giảm cường độ tấn công trên chiến trường và chấp nhận thỏa hiệp trên bàn đàm phán. Vì thế Mỹ đã không tiếc bom đạn ném xuống miền Bắc. Đây là là một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh. Trong 12 ngày, Mỹ đã thả hơn 36.000 tấn bom, vượt quá khối lượng bom đã ném trong toàn bộ thời kì từ 1969 đến 1971.
Nhưng mục đích ấy không đạt được mà cái giá phải trả của siêu pháo đài bay đã làm Lầu Năm Góc phải nản lòng. Theo chính số liệu thống kê của SAC đã có 31 chiếc B52 bị rơi ở Việt Nam do hỏa lực phòng không đối phương và do “trục trặc kỹ thuật”, hàng chục chiếc khác bị thương, trong đó có 9 chiếc trúng đạn hỏng nặng không thể bay được nữa. Còn theo số liệu của Việt Nam là 68 chiếc B52 bị bắn rơi, cùng với hàng trăm phi công B52 bị chết và bị bắt.
Càng cải tiến, càng rụng
Mỹ liên tục cải tiến cho B52 và đã có tới 8 kiểu nối tiếp nhau ra đời từ B52A đến B52H. Lúc đầu B52D chỉ mang được 52 quả bom (12.247 kg), sau cải tiến lên tới 108 quả (27.216 kg). Khi mới tham chiến mỗi B52 chỉ được trang bị 8 máy gây nhiễu, tới năm 1972 đã có 15 máy gây nhiễu tích cực, 2 máy gây nhiễu tiêu cực, thiết bị gây nhiễu hồng ngoại, tên lửa mồi bẫy Quail.
Xác máy bay Mỹ rơi trong chiến dịch tập kích tháng 12/1972.
Đi kèm mỗi B52 trung bình có 7 máy bay các loại để trinh sát, gây nhiễu, chế áp phòng không, chi huy và cảnh giới, hộ tống chặn MIG, tiếp dầu, cứu hộ… Để an toàn hơn cho B52, Mỹ đã gây nhiễu công suất lớn trên các dải tần số làm việc của hệ thống rada cảnh giới và điều khiển hoả lực của ta cũng như của hệ thống thông tin liên lạc, chỉ huy chiến đấu.
Cùng với việc cải tiến B52, Không quân Mỹ suốt ngày đêm đánh phá dữ dội vào lực lượng PK-KQ của ta. Nhằm gây khó khăn rất lớn cho hệ thống phòng không Việt Nam, không quân Mỹ đã bắn tên lửa và ném bom ồ ạt nhiều lần vào 19 trận địa tên lửa, có nơi bị đánh 6 lần, 14 trận địa pháo cao xạ và 8 sân bay. Thế nhưng B52 vẫn rơi.
Sau khi chiến dịch kết thúc, Mỹ ra sức nghiên cứu, tìm hiểu lý do thiệt hại nặng nề của B52 trước đối thủ SAM-2 mà theo họ tính toán thì đã bị vô hiệu hoá, các pháo đài bay chỉ việc “nối đuôi nhau bay đi rồi bay về như đi dạo”. Lý do không thể phủ nhận được chính là sức mạnh của hệ thống phòng không Việt Nam mà Lầu Năm Góc đã tính nhầm. Tuy bị nhiều thiệt hại nhưng lực lượng PK-KQ của ta đã nhanh chóng khắc phục hậu quả, kịp thời rút kinh nghiệm và chiến đấu ngày càng hiệu quả hơn.
Tên lửa SAM-2 kiêu hãnh bảo vệ miền Bắc Việt Nam.
Chính Maicon Macsan, phi công có 26 năm phục vụ trong lực lượng không quân Mỹ, từng lái F4 thực hiện hơn 300 phi vụ chiến đấu ở Việt Nam, sau này tham chiến ở vùng Vịnh, đã thừa nhận: “Tôi trải qua nhiều chiến trường, nhưng phải công nhận hệ thống phòng không và tên lửa SAM-2 của miền Bắc Việt Nam là mạnh nhất, chưa từng có trên thế giới”. Phía Mỹ đã đưa ra con số rất lớn về số lượng tên lửa SAM-2 được phóng lên (hơn 1.200 quả) để biện minh cho sự thiệt hại nặng nề của B52.
Nhưng thực tế, chúng ta không có nhiều SAM-2 đến thế và cũng không bao giờ phung phí một số lượng tên lửa lớn như vậy trong khi cuộc chiến vẫn còn đang tiếp diễn ác liệt. Với lực lượng 13 tiểu đoàn tên lửa SAM-2 bảo vệ Hà Nội ở giai đoạn 2, ngày cao điểm nhất chúng ta cũng chỉ phóng lên 74 quả tên lửa trên tổng số 334 quả trong toàn chiến dịch và trong 3 ngày 23, 24 và 25/12, khi B52 dãn xa ngoài vùng hoả lực tên lửa thì các tiểu đoàn tên lửa của ta đã không phóng một quả đạn nào.
>> Những bức ảnh hiếm về Hà Nội 1973
>> 17 trận đánh độc đáo của bộ đội PK-KQ (kỳ 1)
>> 17 trận đánh độc đáo của bộ đội PK-KQ (kỳ 2)
>> 17 trận đánh độc đáo của bộ đội PK-KQ (kỳ 3)
>> 17 trận đánh độc đáo của bộ đội PK-KQ (kỳ 4)
>> Cán cân quân sự trong chiến dịch ĐBP trên không (kỳ 1)
>> Cán cân quân sự trong chiến dịch ĐBP trên không (kỳ 2)
>> Cán cân quân sự trong chiến dịch ĐBP trên không (kỳ 3)
>> Cán cân quân sự trong chiến dịch ĐBP trên không (kỳ 4)
Đại tá, Kỹ sư Nguyễn Thụy Anh
baodatviet.vn