Thư viện

“Tân binh” làm nên kỳ tích

QĐND-Trước Chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, hai Trung đoàn Tên lửa 261, 257 (Sư đoàn 361) làm nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội đều chưa một lần đối mặt với B-52, nhưng khi chiến dịch này diễn ra, các kíp chiến đấu của họ – những người từng bị coi là “tân binh” của lực lượng phòng không Thủ đô – đã làm nên kỳ tích bắn rơi hơn 20 “siêu pháo đài bay”…

Đại tá Hoàng Bảo, nguyên Trưởng ban Tác huấn Sư đoàn 361 kể: “Trước khi diễn ra Chiến dịch 12 ngày đêm, hai Trung đoàn 261 và 257 đều ở Hà Nội và chưa hề “chạm trán” B-52. Nhưng, sau rất nhiều cuộc tập huấn, thục luyện, sư đoàn đã có những kíp chiến đấu giỏi với những trắc thủ điêu luyện như: Luyến-Ấp-Đức-Hiền; Thuận-Tứ-Linh-Độ; Kiên-Lịch-Thi-Đài…”.

Đêm 18-12-1972, Tiểu đoàn 78 của Trung đoàn 257 phóng quả tên lửa đầu tiên vào đội hình B-52 địch. Máy bay không rơi, nhưng đó là một sự mở đầu nhiều ý nghĩa. Đêm ấy, các trắc thủ đã phát sóng để bắt mục tiêu. Phát sóng, nghĩa là họ sẵn sàng đối mặt với tên lửa sơ-rai lao vào trận địa từ máy bay địch, và các anh đã phát hiện ra dải nhiễu “na ná” hình dải nhiễu mà các đồng đội ở chiến trường Khu 4 gửi ra. Vậy là điểm yếu của “siêu pháo đài bay” đã bộc lộ.

Đại tá Hoàng Bảo (ngoài cùng, bên phải) và các đồng đội Sư đoàn 361. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Đại tá Nguyễn Đình Kiên, nguyên sĩ quan điều khiển Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 261 – kể lại thời điểm kíp chiến đấu của Tiểu đoàn đã lập nên kỳ tích từ những “quả đạn cuối”. Đó là khi phương án tiết kiệm đạn được đặt ra, các thành viên kíp chiến đấu tự nhận thấy: Nếu trắc thủ thao tác tốt, chọn thời cơ phóng thích hợp thì có thể giảm số lượng đạn trong loạt bắn xuống từ 1 đến 2 quả mà vẫn tiêu diệt được mục tiêu. “Tiểu đoàn tôi lúc đó có rất nhiều cán bộ kỹ thuật được đào tạo cơ bản ở các trường đại học và trung cấp kỹ thuật, họ có trình độ và kiến thức khá vững. Trong hơn 3 năm sát cánh, chúng tôi đã hiểu rõ năng lực của nhau nên công tác phối hợp chiến đấu của tiểu đoàn thường tiến hành thuận lợi”.

Được bổ nhiệm là Đại đội phó Đại đội 1 từ tháng 7-1972, nhưng do yêu cầu chiến đấu nên Chuẩn úy Nguyễn Đình Kiên vẫn được cấp trên giao nhiệm vụ sẵn sàng thay thế vị trí sĩ quan điều khiển kíp 1. Cấp trên hiểu rất rõ năng lực của Kiên, một người lính từng gác bút nghiên lên đường nhập ngũ từ giảng đường của Trường Đại học Nông nghiệp 1 và đã có 5 năm đảm nhiệm vị trí sĩ quan điều khiển. “Lần đầu tiên tôi nhìn thấy đồng đội mình đổ máu, đó là buổi trưa ngày 4-9-1972 khi trận địa của tiểu đoàn bị dính tên lửa sơ-rai của địch làm gần chục người có mặt trên xe điều khiển bị thương, riêng Nguyễn Văn Nhận bị thương nặng và hy sinh”, Đại tá Nguyễn Đình Kiên nhớ lại.

Sau sự cố thương vong ngày 4-9-1972, Hạ sĩ, Trắc thủ góc tà Ngô Ngọc Lịch mới tròn 20 tuổi được lựa chọn đưa từ kíp 2 lên kíp 1, anh đã tiếp thu kinh nghiệm của lớp đàn anh và nhanh chóng trưởng thành. Trắc thủ cự ly Mè Văn Thi là một người ít nói nhưng cẩn thận, tỉ mỉ, đức tính khiêm nhường của anh làm mọi người trong kíp đều quý mến. Trong số 3 trắc thủ thì Nguyễn Xuân Đài – Trắc thủ phương vị – là người có kinh nghiệm chiến đấu dày dạn. Từng nhập ngũ cùng năm và chiến đấu nhiều trận với Nguyễn Đình Kiên, Đài rất am hiểu tính tình và cách đánh của người sĩ quan điều khiển. Với Nguyễn Đình Kiên, ở vị trí sĩ quan điều khiển, anh nhận thấy bất kể lúc nào 3 trắc thủ và mình đều phải ăn ý, bốn người như một.

Nhớ lại kỷ niệm sâu đậm trong 12 ngày đêm chiến đấu với B-52, các thành viên kíp chiến đấu Tiểu đoàn 57 đều nhắc nhiều tới hai trận đánh diễn ra vào rạng sáng ngày 21-12 tại trận địa Đại Đồng (Thuận Thành, Bắc Ninh). Đó là những trận chiến đấu lập nên kỷ lục mới của bộ đội tên lửa: Với hai quả đạn cuối cùng, Tiểu đoàn 57 đã lập nên kỳ tích với nhiều cái “nhất”: Hiệu suất chiến đấu cao nhất (10 phút bắn rơi 2 B-52); xác suất diệt mục tiêu lớn nhất (mỗi quả đạn bắn rơi 1 máy bay B-52); đơn vị bắn đạn tiết kiệm nhất… Tiểu đoàn 57 còn trở thành tiểu đoàn tên lửa duy nhất có hai cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, đó là Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt và Sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên.

Đầu tháng 10-2012, các cựu chiến binh thuộc 10 tiểu đoàn tên lửa từng trực tiếp hạ gục B-52 trong Chiến dịch 12 ngày đêm đã có mặt tại Sở chỉ huy Sư đoàn 361 để làm rõ thời gian, địa điểm, danh sách kíp chiến đấu… Một cuốn kỷ yếu nêu rõ thành tích, diễn biến của những trận đánh hạ gục 25 B-52 đã được biên soạn, trở thành “cẩm nang” giúp thế hệ trẻ sư đoàn học tập, rèn luyện.

Ít ai biết rằng, trước khi bước vào Chiến dịch 12 ngày đêm, những kíp chiến đấu ấy vẫn từng bị coi là những “tân binh” trong cuộc chiến với “siêu pháo đài bay”.

VŨ MINH
qdnd.vn

Advertisement

Lai-nơ-bếch-cơ II qua nhật ký, hồi ký của giới chóp bu Nhà Trắng

QĐND-Ních-xơn (Nixon) quyết định ném bom dịp Lễ Giáng sinh bất chấp phản ứng của một số nhân vật chủ chốt khác. Lý do là Ních-xơn sợ rằng, khi nhóm họp trở lại vào tháng 1 năm 1973, Quốc hội mới của Mỹ sẽ ra các đạo luật đưa nước Mỹ ra khỏi cuộc chiến tranh ở Việt Nam (to legislate the United State out of the war)(*), không đoái hoài đến các lợi ích gây chiến của chính quyền Ních-xơn và chế độ Thiệu.

Dưới đây là một ghi chép từng ngày các sự kiện ở Nhà Trắng thời kỳ Lai-nơ-bếch-cơ II dựa trên nhật ký, hồi ký… của các nhân vật chóp bu trong chính quyền Mỹ.

13-12-1972

Bộ trưởng Quốc phòng Men-vin Le-đơ (Melvin Laird) gửi một công hàm cho Ních-xơn phản đối sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết bế tắc trên bàn đàm phán. Le-đơ cho hay, ông ta được Đại sứ Rát-sơ (Rush) và Mua-rơ (Moorer) (Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân) ủng hộ. Điều này hẳn đã dẫn đến sự thiếu tin tưởng của Ních-xơn đối với chóp bu quân sự Mỹ trong tiến trình Lai-nơ-bếch-cơ II.

14-12

Hồi ký Ních-xơn, NXB Grát-xét en Đan-láp (Grosset and Dunlap), năm 1978, trang 734: “Ngày 14-12, tôi phát lệnh, có hiệu lực trong ba ngày, về rải mìn trở lại cảng Hải Phòng, tái phát động các chuyến bay do thám bằng đường không, và chuẩn bị các phi vụ B-52 không kích khu vực Hà Nội – Hải Phòng”.

Tổng thống Ních-xơn (đứng) và cố vấn an ninh Kít-xinh-giơ (bên phải) trong ngày 14-12-1972. Ảnh: Lưu trữ Nhà nước Hoa Kỳ.

Theo Hồi ký Kít-xinh-giơ (Kissinger) “Những năm ở Nhà Trắng, NXB Lít-tơn, Brao-nơ và Com-pa-ni (Little, Brown and Company), năm 1979, trang 1448, Ních-xơn, Kít-xinh-giơ và Hai-gơ (Haig) (phó cho Kít-xinh-giơ) họp trong phòng Bầu dục. Kít-xinh-giơ chủ trương dùng máy bay tiêm kích đánh bom các vùng đông dân cư, nhưng Hai-gơ chủ trương dùng B-52 trong một “cú sốc ồ ạt”, và được Ních-xơn đồng thuận.

16-12

Theo hai chỉ thị chi tiết của Ních-xơn, Kít-xinh-giơ họp báo, cáo buộc phía Việt Nam làm đình đốn đàm phán để mở đường cho cuộc tập kích bằng B-52 đánh vào Hà Nội – Hải Phòng và nhiều vùng dân cư ở miền Bắc (Hồi ký Kít-xinh-giơ trang 1450).

17-12

Ních-xơn viết trong Hồi ký (trang 735): “Vào sáng sớm ngày Chủ nhật, 17-12, máy bay Mỹ tiếp tục rải mìn tại cảng Hải Phòng. Trong vòng 24 giờ tới, 129 chiếc B-52 tham gia không kích miền Bắc

Việt Nam”.

18-12

Nhật ký Ních-xơn: “Quyết định chơi rắn (tough) đã được đưa ra, và đang được thực hiện… Tôi vừa nghe tin 1 chiếc B-52 bị bắn rơi. Henry (Kít-xinh-giơ) nói Lầu Năm Góc đang chờ tin có tới 3 chiếc bị bắn rụng. Dĩ nhiên, sẽ còn phải tiến hành hai, hoặc ba đợt đánh phá nữa, nhưng Lầu Năm Góc đang trông đợi trong đợt thứ hai, hoặc thứ ba, toàn bộ sức mạnh đề kháng của SAM sẽ bị đánh gục, hoặc chí ít bị chế áp. Ít nhất, chúng ta chỉ có thể cầu nguyện là mọi sự sẽ an bài như thế, và hy vọng rằng mọi thứ sẽ xảy ra như thế”.

Trong hồi ký, Ních-xơn chú thích ở dưới đoạn trích nhật ký trên (trang 735), “trong ngày hôm đó, thêm 2 chiếc B-52 nữa bị bắn rơi”.

Nghiền ngẫm về tổn thất, Ních-xơn viết tiếp trong Nhật ký: “… Trong mọi trường hợp, đã ra quyết định rồi thì không thể quay ngược lại. Kít-xinh-giơ thì tinh thần lúc lên, lúc xuống, điều này dễ hiểu thôi. Chẳng hạn sáng nay, tinh thần của ông ta xuống hơn là lên. Tôi vừa gọi điện cho Mua-rơ (Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ-ND) để chắc chắn rằng đã củng cố được tư tưởng cho ông ta là nhất thiết phải theo đuổi đòn không kích đến cùng. Tôi e chúng tôi đã gây sức ép quá mạnh lên Mua-rơ, nhưng tôi ngờ rằng vì Không quân và Hải quân Mỹ đã quá thận trọng nhiều lần trong quá khứ nên các mục tiêu chính trị của chúng ta đã không đạt được. Chúng ta phải biết chịu tổn thất nếu muốn hoàn thành các mục tiêu”.

19-12

Hồi ký Ních-xơn (trang 734): “Tôi nghĩ mình đã gây sốc cho Đô đốc (Mua-rơ) khi tôi chỉ thị cho ông ta: “… Đây (cuộc tập kích chiến lược đường không) là dịp để các ngài sử dụng sức mạnh quân sự một cách hiệu quả để đánh thắng cuộc chiến tranh này. Còn nếu không, tôi coi như các ngài phải chịu trách nhiệm”.

Thời báo Niu Y-oóc (NY) đưa tin, khi Men-vin Le-đơ thông báo với báo giới về việc bàn giao chức trách Bộ trưởng Quốc phòng cho En-li-ốt Ri-sác-xơn (Elliot Richardson), phóng viên NY hỏi ông ta về vụ việc ném bom ồ ạt Hà Nội, Hải Phòng… “sau khi tìm cách tránh câu hỏi”, NY viết, Le-đơ cho hay: “Lúc này, chiến dịch không kích toàn miền Bắc đang diễn ra”. Le-đơ từ chối không bình luận thêm vụ việc này, nói là tránh gây nguy hại cho tính mạng những người lái Mỹ.

20-12

Ních-xơn viết trong Hồi ký (trang 737): “20-12 là ngày thứ ba của cuộc không kích Bắc Việt Nam. 90 chiếc B-52 tham gia ba đợt đánh phá 11 mục tiêu, sáu chiếc B-52 bị bắn rơi”.

Chánh văn phòng Nhà Trắng Haldeman viết trong Nhật ký: “P (Tổng thống Ních-xơn) lại quay lại với thiệt hại về B-52, và tỏ ra thực sự phiền muộn, cứ hỏi xem liệu còn cách gì xoay xở. K (Kít-xinh-giơ) đáp, chả còn cách gì. Rằng đây là cuộc không kích quy mô lớn cuối cùng. K lại tiếp tục rủa bọn Thiệu là “chó đẻ” (SOB), là lũ tâm thần bệnh hoạn (maniac). Cả hai đều nhất trí rằng, chúng ta không được để lộ là Hai-gơ (được Ních-xơn cử sang Sài Gòn cùng kỳ để “thuyết khách” Thiệu) đã bị Thiệu cự tuyệt. Chúng ta cần tiếp tục ném bom miền Bắc, nhưng ở quy mô kém ồ ạt hơn. Chúng ta cần giảm bớt đòn không kích vào Hà Nội, để tránh những tổn thất quá lớn”.

21-12

Ních-xơn viết trong Hồi ký (trang 737): “21-12 có 30 lượt B-52 xuất kích đánh ba mục tiêu mới, hai chiếc B-52 bị bắn rơi”.

22-12

Hồi ký Ních-xơn, trang 737: “Trong tuần đầu của chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II, mối lo âu của tôi không phải là những phê phán quyết liệt trong và ngoài nước Mỹ, mà là tổn thất vô cùng nặng nề của B-52”.

23-12

Ních-xơn viết Nhật ký: “Tôi đã phát khùng về chuyện các phi đội B-52 cứ bay mãi trên những mục tiêu ấy vào đúng những giờ ấy. Chính vì thế, tôi không ngạc nhiên, cho dù thất vọng một cách sâu sắc, khi chúng ta mất 5 chiếc B-52 vào ngày thứ hai, hoặc thứ ba …”.

24-12

Báo Bưu điện Oa-sinh-tơn đăng tải tin về vụ ném bom rải thảm Bệnh viện Bạch Mai.

Ních-xơn đã không thể tiếp tục xem thường “những phê phán quyết liệt” của công luận Mỹ và thế giới. Theo Hồi ký Ních-xơn (trang 738), bài xã luận trên Bưu điện Oa-sinh-tơn cho rằng, Lai-nơ-bếch-cơ II đã làm “hàng triệu người Mỹ phải rúm người lại vì xấu hổ, và vì phải nghi ngờ sự sáng suốt của tổng thống Mỹ”; biên tập viên chính của Thời báo Niu Y-oóc A.Lơ-uýt (A. Lewis) cho rằng “tôi (Ních-xơn), hành động như một tên bạo chúa điên” – Ních-xơn viết trong hồi ký.

25-12

Hồi ký của Kít-xinh-giơ cũng dành tới gần 5 trang (từ 1451 đến 1456) để mô tả phản ứng trong nước và quốc tế, trên truyền thông và cả trên chính trường về vụ ném bom dịp Lễ Giáng sinh.

Thay cho những lời chúc nhân dịp Giáng sinh, Kít-xinh-giơ nhận được những bức thư cay đắng đến kinh ngạc của những người bạn cũ, và của “những công dân thịnh nộ”, “những lời buộc tội vô đạo đức, lừa đảo”, “dã man”, là những gì Kít-xinh-giơ phải nghe nhiều vô kể trong dịp này (Hồi ký Kít-xinh-giơ, trang 1453).

Nhưng Ních-xơn vẫn trơ trẽn tiếp tục bài “đạo đức giả”, ông ta viết: “chúng ta được hưởng hòa bình trong một ngày” (Hồi ký Ních-xơn, trang 740).

26-12

Dù một số thành viên của Nhà Trắng đề nghị kéo dài ngừng bắn nhân dịp Giáng sinh, nhưng Ních-xơn dấn tới, ra lệnh tiến hành cuộc không kích lớn nhất từ trước đến nay: 116 lượt chiếc B-52 bắn phá vùng Hà Nội, Hải Phòng (Hồi ký Ních-xơn, trang 741).

Nhà Trắng và Lầu Năm Góc hay tin Đại úy Mai-cơn Hếch (Michael Heck), 30 tuổi, lái trưởng của một kíp bay B-52 đã chống lại lệnh điều đi ném bom miền Bắc Việt Nam. Trước đó, ngày 18-12-1972, Đại úy Đoai-tơ I-van-xơ (Dwight Evans), 26 tuổi, lái F4, thuộc phi đội chiến thuật số 34 đóng tại Thái Lan, cũng bị đưa ra tòa án binh do chống lệnh trên, không tham gia chiến dịch ném bom ồ ạt Hà Nội, Hải Phòng. Một số phi công khác bị buộc giải ngũ vì phản chiến. 9 chuyến bay B-52 bị đình chỉ đêm 26 rạng ngày 27-12, theo báo cáo là do “trục trặc kỹ thuật”…

28-12

Sau khi Bộ chỉ huy Mỹ ở Sài Gòn thông báo danh sách các mục tiêu tại miền Bắc bị Mỹ không kích, người phát ngôn Lầu Năm Góc Gie-ri Phrít-hem (Jerry Friedheim) vẫn tiếp tục tỏ ra vụng về, khi trả lời báo chí về các thiệt hại dân sự mà cuộc ném bom gây ra, rằng Lầu Năm Góc không thể loại trừ những “hủy hoại mà dân thường phải gánh chịu”. (Báo Bưu điện Oa-sinh-tơn, 28-12).

29-12

7 giờ sáng giờ Oa-sinh-tơn, phía Mỹ thông báo đình chỉ ném bom miền Bắc kể từ Bắc vĩ tuyến 20 (Hồi ký Ních-xơn, trang 741).

30-12

Phía Mỹ tuyên bố hội đàm Pa-ri sẽ được nhóm họp trở lại, và Kít-xinh-giơ sẽ lên đường sang Pa-ri gặp Lê Đức Thọ vào ngày 8-1-1973 (Hồi ký Ních-xơn, trang 741).

———

(*) Gió ngang: Triển khai lực lượng không quân Mỹ ở Việt Nam (Crosswind: The Air Force’s setup in Vietnam, của E. Tilford NXB Texas A & M University Press, 1993, tr. 161).

LÊ ĐỖ HUY (Tổng hợp)
qdnd.vn

Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không: Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam

Đại Tá TS Nguyễn Thành Hữu
Đêm 20 rạng ngày 21/12/1972, đế quốc Mỹ tung hàng loạt máy bay B-52 oanh tạc tàn phá Hà Nội. Với ý chí quyết chiến quyết thắng, ta thắng lớn, bắn rơi 19 máy bay địch, trong đó có 7 chiếc B-52. Chỉ trong 9 phút của đợt đầu, ta đã bắn rơi 3 máy bay B-52, trong đó có 2 chiếc rơi tại chỗ, trong 20 phút của đợt 3 ta đã bắn rơi 4 máy bay B-52, trong đó có 3 chiếc rơi tại chỗ. Pháo đài bay Mỹ hạ gục trước ý chí, trí tuệ của người Hà Nội.

Hẳn nhiều người biết, từ 19h20 ngày 21/12/1972, đế quốc Mỹ tập trung 93 lần chiếc B-52 cùng 151 lần chiếc không quân chiến thuật tổ chức tập kích ba trận vào Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên. Tại Hà Nội, địch đánh các đầu mối giao thông, chân hàng ở Bắc ngoại thành, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, sân bay Nội Bài, Khu tập thể An Dương. Xen kẽ giữa các trận đánh của B-52, địch tăng cường 25 chiếc F-111 hoạt động…

Sau hai đêm, địch thay đổi thủ đoạn và quy luật đánh phá, nhận ra đối thủ chính của chúng là tên lửa. Do đó, trước khi đưa B-52 vào, ngoài việc đánh phá các sân bay của F-111, chúng đưa F4 và F-105 lùng sục các trận địa tên lửa của ta để dọn đường; tăng cường nhiễu các loại; tăng cường sử dụng các tốp B-52 giả.

Bộ đội rada vẫn đĩnh đạc phát hiện và thông báo các tốp B-52 cho chiến dịch. Không quân ta khắc phục khó khăn do các sân bay bị địch đánh phá và khống chế liên tục, sửa chữa không kịp, cất cánh từ đường lăn lên đánh B-52. 19h27, hai tốp MIG cất cánh lên hướng Việt Trì, Phú Thọ và Mộc Châu, Suối Rút.

Từ 19h41 đến 19h55, nhiều tốp B-52 giả vào khu vực hỏa lực. Bộ đội ta nhanh chóng nhận dạng tín hiệu B-52 giả, nên không một tiểu đoàn tên lửa nào đánh nhầm. Đây là một thành công lớn trong cuộc đấu trí với địch. 20h5, 2 tốp B-52 vào đánh khu vực Gia Lâm. Tiểu đoàn 93 Trung đoàn tên lửa 261 Quân chủng Phòng không – Không quân (PKKQ) xử trí nhanh sau khi phóng 2 quả thấy tín hiệu mục tiêu trong nhiễu đã phóng bồi quả thứ 3 diệt một B-52 rơi tại Yên Thượng, Yên Viên cách trung tâm Hà Nội 10km.

Trận đánh thắng đầu tiên trong đêm 20/12 của Tiểu đoàn 93 đã giải tỏa được những căng thẳng sau đêm 19 không bắn rơi tại chỗ được B-52. Các tiểu đoàn khác tiếp tục đánh các tốp B-52 đi sau đội hình.

Xác pháo đài bay B52 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự. Ảnh: Duy Hiển.

20h34, Tiểu đoàn 77 Trung đoàn tên lửa 257 lợi dụng thuận lợi của một trận địa chốt, phát sóng bắn trúng 1 máy bay B-52 rơi xuống xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, Hà Tây. Sau thắng lợi giòn giã ngay từ đợt đầu, khí thế chiến đấu của bộ đội thay đổi hẳn. Kinh nghiệm của các tiểu đoàn 93, 77 Quân chủng PKKQ được nhanh chóng phổ biến đến các đơn vị. Tiếp đó, 20h36, Tiểu đoàn 94 Trung đoàn tên lửa 261 nỗ lực đánh tập trung bắn trúng 1 máy bay B-52 rơi tại biên giới Thái Lan – Lào. Tiểu đoàn 76 Trung đoàn tên lửa 257 cũng vận dụng phương pháp phát sóng gần bắt mục tiêu. Nhưng do thao tác không hợp lý, không đúng thời cơ nên bị tốp hộ tống B-52 phóng tên lửa tự dẫn vào trận địa làm đơn vị tạm thời mất sức chiến đấu. 

Phối hợp chiến đấu, hỏa lực pháo súng phòng không tầng thấp của ta đánh rất mãnh liệt chặn đánh F-111. Lúc 21h, phòng không dân quân tự vệ ở trận địa Vân Đồn đã bắn rơi 1 chiếc F-111.

Tại Hải Phòng, lúc 22h22, Tiểu đoàn 72 Trung đoàn tên lửa 285 bắn rơi 1 máy bay F4; lúc 0h10 ngày 21-12, Tiểu đoàn 83 Trung đoàn tên lửa 238 cùng pháo phòng không khu vực bắn rơi một F4 nữa.

Tại Thái Nguyên, từ 23h30 đến 0h45, B-52 đánh vào Nhà máy Điện Cao Ngạn và Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ.

Tại Hà Nội, máy bay F-111 vào đánh xen kẽ. Các tốp máy bay cường kích chiến thuật săn tìm trận địa tên lửa, bay lởn vởn vòng ngoài hỏa lực làm mồi nhử cho tên lửa đánh để khi B-52 vào thì tên lửa không còn đạn, đồng thời nhử cho ta phát sóng tự bộc lộ đội hình để đánh trả bằng tên lửa tự dẫn. Các tiểu đoàn tên lửa đã dày dạn với thủ đoạn nghi binh của địch nên không bị đánh lừa.

4h10 ngày 21/12, địch lại tổ chức trận tập kích thứ ba vào Hà Nội với 45 lần chiếc B-52. Lúc này, đạn tên lửa ở các trận địa của ta còn rất ít. Tình huống hết sức khó khăn, Bộ Tư lệnh chiến dịch, Quân chủng và Sư đoàn Phòng không Hà Nội chỉ thị các đơn vị tích cực đánh bằng phương pháp hiệu quả nhất, đánh tiết kiệm đạn, đánh chắc thắng, tiếp tục bắn rơi tại chỗ B-52; đồng thời chỉ thị cho Cục Kỹ thuật tìm mọi cách tăng nhanh số lượng đạn ở các tiểu đoàn hỏa lực; các lực lượng pháo cao xạ tích cực đánh bảo vệ trận địa tên lửa…

Cán bộ, chiến sĩ bảo đảm kĩ thuật làm việc liên tục, lắp ráp, vận chuyển tiếp đạn tên lửa với tinh thần tất cả vì chiến thắng, cho đến gần sáng ngày 21, đạn đã được bổ sung tương đối đầy đủ cho các trận địa hỏa lực.

Tên lửa ta sẵn sàng cho trận quyết chiến chiến lược 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972.

Sau các trận đánh tập trung, khi đạn bảo đảm chưa kịp, các đơn vị phải cân nhắc tính toán sử dụng trong từng trận và chọn phương pháp điều khiển thích hợp. Lúc 5h9, Tiểu đoàn 77 bắn trúng một B-52 rơi xuống Phúc Yên, Tiểu đoàn 57 Trung đoàn tên lửa 261 bắn rơi 1 máy bay B-52 khác. Năm phút sau, Tiểu đoàn 79 Trung đoàn tên lửa 257 lại bắn rơi 1 máy bay B-52 tại khu vực Phả Lại. Với cự li đánh và phương pháp điều khiển thích hợp, với trình độ bám sát điêu luyện của kíp chiến đấu, chỉ 13 phút sau, bằng một quả đạn, Tiểu đoàn 57 Trung đoàn tên lửa 261 bắn 1 chiếc B-52 rơi xuống khu vực chợ Thá – Núi Đôi. Đó là trận đánh cuối cùng kết thúc chiến đấu đêm 20 rạng sáng 21/12 và cũng là trận đánh hết sức điển hình về tài nghệ chiến đấu của bộ đội tên lửa.

Trận đánh đêm 20 rạng ngày 21/12 thực sự là một trận đánh then chốt tiêu diệt lớn B-52 của địch trong chiến dịch, làm thay đổi lớn về kế hoạch sử dụng lực lượng và cách đánh cả của địch và của ta. Trận đánh đêm 20 đã phá vỡ kế hoạch ban đầu của cuộc tập kích chiến lược. Níchxơn cho rằng chỉ cần ba ngày cũng đủ làm cho ta phải khuất phục. Nhưng thực tế trong ba ngày, 30 máy bay bị bắn rơi, trong đó có 11 chiếc B-52 kể cả 1 chiếc do tên lửa ta ở Nghệ An bắn rơi, tỉ lệ máy bay B-52 bị bắn rơi ngày càng tăng.

Đối với ta, trận then chốt tiêu diệt lớn B-52 đêm 20 có ý nghĩa lớn về xây dựng quyết tâm và phát triển cách đánh chiến dịch, càng khẳng định vai trò của từng lực lượng trong tác chiến chiến dịch, tạo điều kiện cho cách đánh tập trung của tên lửa có hiệu quả, phát huy được mọi cách đánh của tiểu đoàn hỏa lực tên lửa. Chưa bao giờ truyền thống anh hùng của QĐND Việt Nam được phát huy cao độ trong chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” với niềm tự hào khôn tả

N.T.H.
cand.com.vn

Gặp người bắn rơi chiếc máy bay Mỹ cuối cùng trong trận chiến lịch sử

40 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”:

Trong trận “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972, Không quân Việt Nam đã lập những chiến công giòn giã, góp phần vào thắng lợi vang dội của dân tộc: 24 lần xuất kích đã bắn rơi 7 chiếc máy bay, trong đó, có 2 chiếc B52. Các biên đội không quân 8 lần phá vỡ đội hình bay chiến đấu của địch, tạo điều kiện cho tên lửa và các lực lượng phòng không đánh thắng. Cùng với Anh hùng Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều, Trần Việt, Hoàng Tam Hùng…, phi công Bùi Doãn Độ cũng bắn cháy một máy bay Mỹ vào đêm cuối của cuộc không kích, 29/12/1972.

Chiến công này đặc biệt, bởi đây là chiếc F-4 đầu tiên bị Không quân ta bắn rơi vào ban đêm, bằng máy bay MiG-21, lại là chiếc máy bay cuối cùng của địch bị bắn rơi trong 12 ngày đêm máu lửa. Đây cũng là máy bay Mỹ cuối cùng do Không quân ta bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. Vì chỉ vài tiếng sau, 7h sáng 30/12/1972, Tổng thống Mỹ Nich-xơn tuyên bố ngừng ném bom và chấp nhận quay lại bàn đàm phán. 

Sau tròn 40 năm, chúng tôi tìm gặp lại người đã hạ gục tên “giặc trời”, “khóa đuôi” chiến dịch lừng lẫy đó. Chàng trai trẻ nhất Phi đội đánh đêm 40 năm trước giờ đã là vị đại tá nghỉ hưu hiền lành, nhỏ nhẹ và khiêm nhường. Trong ngôi nhà rộng lớn bên đường Lê Trọng Tấn (Hà Nội), Đại tá Bùi Doãn Độ cùng chúng tôi ôn lại chuyện xưa.

Vượt qua những đợt kiểm tra nghiêm ngặt về sức khỏe, Bùi Doãn Độ nhập ngũ ở tuổi 16, rồi được sang Liên Xô học lái máy bay MIC-21. Tốt nghiệp năm 1970, tròn 20 tuổi, anh về nước nhận nhiệm vụ ở Phi đội 5, cùng Trung đội với Anh hùng Phạm Tuân.

Cuối năm 1972, tiên đoán khả năng Mỹ sẽ huy động B-52 đánh phá miền Bắc, Quân chủng Phòng không – không quân đã khẩn trương tổ chức huấn luyện bay đêm cho Phi đội 5. Gần 10 phi công bay giỏi, kỹ thuật tốt, bản lĩnh vững vàng được lựa chọn để tập luyện cất cánh với tên lửa bổ trợ, bay chặn kích máy bay B-52 bằng rada và kết hợp bằng mắt. Vì đánh đêm khó khăn hơn đánh ban ngày rất nhiều: không thể quan sát địch trực tiếp bằng mắt, mà phải dựa vào rada, trong khi địch luôn gây nhiễu sóng rada nên khó xác định được mục tiêu và cũng khó theo kịp nếu máy bay địch cơ động. Mà thời cơ phát hiện mục tiêu chỉ 10-15 giây.

Hơn nữa, các phi công đánh đêm còn hiểu rất rõ, cuộc chiến trên không vô cùng nguy hiểm, khi vừa phải đối mặt trực tiếp với kẻ thù, vừa có cả rủi ro từ chính các trận địa pháo cao xạ, pháo phòng không dày đặc ở mặt đất, vì có lúc, lệnh xuất kích của máy bay ta không thể thông báo kịp đến các đơn vị. Chính anh Bùi Doãn Độ trong một lần bay qua Việt Trì, cũng từng bị pháo cao xạ của ta bắn vì tưởng máy bay địch. Chúng tôi hỏi khi đó, anh có sợ không, Đại tá Bùi Doãn Độ cười hiền: “Chiến tranh là thế, có gì mà phải sợ! Khi đó, chúng tôi đều khao khát được trực tiếp chiến đấu, được tự mình bắn rơi máy bay địch để trả thù cho nhân dân Thủ đô, cho đồng đội, không ai nghĩ đến sự hi sinh.”

Đại tá Bùi Doãn Độ bên chiếc máy bay MIG21 từng tham chiến trong trận “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972.

Được chuẩn bị kỹ càng về kỹ-chiến thuật đánh B-52 cũng như tinh thần, nên toàn bộ Phi đội 5 bước vào chiến dịch 12 ngày đêm với khí thế hừng hực và quyết tâm cao: có điều kiện là kiên quyết tiêu diệt bằng được, dù đó là “thần sấm” B-52 hay các loại máy bay khác.

12h ngày 18/12/1972, cuộc chiến 12 ngày đêm bắt đầu. Trong suốt chiến dịch, anh Độ được xuất kích 4 lần: Ngày 21/12 sau khi cất cánh ở Sân bay Miếu Môn, anh gặp được B-52, nhưng vì độ cao chênh lệch quá lớn, không đủ điều kiện phóng tên lửa. Hai lần sau, anh xuất kích từ Sân bay Nội Bài nhưng lại không gặp địch. Đến ngày 29/12, cuộc chiến càng ác liệt. Địch đánh phá dữ dội Sân bay Miếu Môn, khiến các phi công phải đi ôtô về Sân bay Hòa Lạc, rồi mới đi máy bay trực thăng lên sân bay Nội Bài để lấy máy bay về Sân bay Kép trực chiến.

Trọn 1 ngày vất vả, căng thẳng. Đêm, bọn “giặc trời” F111 điên cuồng đánh phá, thì anh Độ được lệnh cất cánh. Lúc đó khoảng 23h. Nhưng không “săn” được B-52, anh Độ quay về, thì lại được Sở chỉ huy thông báo có địch. Ngay khi phát hiện địch, anh liền tăng tốc đuổi theo. Đúng lúc này, anh lại nhận thông báo phía sau cũng có địch và yêu cầu anh nhanh chóng công kích. Một giây cân nhắc, anh quyết tâm truy kích đến cùng chiếc F4 phía trước. Khi chọn được khoảng cách thích hợp, anh phóng 2 quả tên lửa cùng lúc, rồi nhanh chóng thoát ly theo lệnh của Sở chỉ huy.

Anh nhớ lại: Khi lật sang trái thoát ly, tôi thấy máy bay F4 của địch đang bốc cháy dữ dội và cắm xuống 1 góc khoảng 30 độ, bụng máy bay lật ngửa. Khoảng cách giữa máy bay của tôi và chiếc F4 chỉ chừng 100m, nên tôi có thể nhìn rõ từng chiếc đinh tán trên thân máy bay đang cháy. Niềm vui ngập tràn, vì đã được tham gia chiến đấu, lại bắn rơi máy bay địch. Trở về đơn vị, dù rất mệt nhưng tôi vẫn thao thức đến sáng với niềm hân hoan vô bờ.

Với chiến công đó, anh Bùi Doãn Độ đã vinh dự được tặng Huy hiệu Bác Hồ và Huân chương Chiến công hạng Ba.

Kết thúc chiến tranh, anh tiếp tục đi học ở Liên Xô, rồi trở thành chuyên gia cho nước bạn Campuchia, sau đó lại đi Pháp học trước khi trở thành Cơ trưởng loại máy bay ATR-72 của Hàng không Việt Nam, rồi về hưu năm 2010. Năm tháng trôi qua, Đại tá Bùi Doãn Độ cũng trải qua nhiều cương vị khác nhau, nhưng ký ức về những ngày được trực tiếp chiến đấu và lập công trong những ngày bảo vệ Thủ đô năm 1972 chưa bao giờ nguôi quên trong anh.

Vào những ngày này, khi cả nước hân hoan kỷ niệm 40 năm chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”, Đại tá Bùi Doãn Độ càng thêm tự hào vì được sống lại giữa những cảm xúc hào hùng của ngày tháng lịch sử ấy, được gặp gỡ bao đồng đội yêu thương, gắn bó và nhất là, cảm nhận thật rõ rằng, sự cống hiến của mình đã không bị lãng quên!

Thanh Hằng
cand.com.vn

Có những giá trị của quá khứ lại đang ở phía trước

Kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”

QĐND-40 năm đã trôi qua kể từ 12 ngày đêm khói lửa chiến đấu với cuộc tấn công điên cuồng của không quân Mỹ vào thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng đang bị phong tỏa bởi thủy lôi. Nhằm hủy diệt không phải chỉ là những gì dưới mặt đất, bằng bom đạn, mà quan trọng hơn là hủy diệt được ý chí chiến đấu và quyết thắng của một dân tộc, buộc đối phương phải chấp nhận những điều kiện như kẻ bại trận trong một Hiệp định Pa-ri đã được hai bên ký tắt.

Đế quốc Mỹ muốn thoát ra khỏi cuộc Chiến tranh Việt Nam trong danh dự và với tư thế của kẻ thắng trận. Cuộc giội bom này là cơ hội để họ thực hiện lời đe dọa “đưa miền Bắc Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá” như những kẻ hiếu chiến và hiếu thắng đã từng tuyên bố ngay từ những ngày đầu tiến hành cuộc Chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc nước ta, sau khi đã mạo dựng “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” (8-1964) để làm cái cớ phát động cuộc chiến. Và với việc huy động những khí tài chiến tranh thuộc loại hiện đại hàng đầu nằm trong lực lượng chiến lược của quân đội Mỹ và với một quy mô có thể nói là lớn nhất sau cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ hai. Tối ngày 18-12-1972, Ních-xơn bất ngờ khởi động Chiến dịch mang mật danh quân sự là Lai-nơ-bếch-cơ 2 (Linebacker II), còn với mọi người lương thiện lấy định vị thời gian thì gọi đó là cuộc giội bom vào Lễ Giáng sinh 1972 để thấy rõ hơn cái dã tâm của những kẻ chủ trương. Người đứng đầu Nhà Trắng là Tổng thống Ních-xơn khi đó hoàn toàn tin vào chiến thắng cuối cùng thuộc về mình vì vừa mới trúng cử thêm một nhiệm kỳ nữa.

Nhưng tất cả những gì đã diễn ra trong hai tuần cuối cùng của năm 1972 ấy đã làm tổn thất không chỉ là số lượng khí tài mà là uy thế quân sự, đặc biệt là của lực lượng không quân chiến lược Mỹ trước con mắt của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới. Hà Nội, Hải Phòng và hậu phương miền Bắc vẫn trụ vững sau trận đánh, khí thế quân dân ta vẫn kiên cường và lạc quan hướng tới chặng đường cuối cùng để thực hiện cái nguyên lý của Bác Hồ đã để lại như một cẩm nang cho chiến thắng: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” đã hoàn thành trọn vẹn chỉ hơn hai năm sau đó (4-1975).

Bác Hồ đến thăm Quân chủng PK-KQ (ngày 19-7-1965). Ảnh: XUÂN MAI.

40 năm đã trôi qua, những người trực tiếp tham chiến của cả hai bên đều đã tổng kết trận đánh. Với Mỹ là chiến dịch tập kích chiến lược bằng B-52, còn với ta là cuộc phòng thủ kiên cường nhưng lại mang tên gọi của một trận công kiên diễn ra 18 năm trước đó: “Điện Biên Phủ” nhưng lại ở “trên không” và ở ngay giữa lòng Thủ đô của đất nước, đúng như lời tiên đoán của Bác Hồ về một trận quyết chiến chiến lược sẽ diễn ra trên bầu trời Hà Nội, cũng như Mỹ sẽ sử dụng B-52.

40 năm đã trôi qua, nhiều vị tướng lĩnh trụ cột và những chiến sĩ kỳ cựu tham gia chỉ huy và trực tiếp tham dự trận chiến ấy không còn nữa, những người trẻ đều đã bước vào tuổi lão niên. Nhiều hiện vật đã được đưa vào bảo tàng, nhiều pho sử tổng kết chiến tranh đã được ghi lại. Bên cạnh những con số thống kê như những biểu tượng chiến thắng, như số lượng những chiếc máy bay của địch, đặc biệt là những “pháo đài bay” B-52, loại máy bay mà cho đến nay chưa từng bị bất cứ đối phương nào trên thế giới bắn hạ lại bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội và miền Bắc trong 12 ngày đêm 40 năm trước, cho đến số lượng các phi công Mỹ bị bắt sống và đưa vào giam ở “Hin-tơn Hà Nội”. Còn có cả các tượng đài, bia ký ghi lại những trận đánh hủy diệt cuộc sống của người dân, những con số bộ đội ta hy sinh trong trận chiến đấu đúng với tinh thần truyền thống của Thủ đô từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”…

Nhưng còn những pho sử chỉ là ký ức của những người chứng kiến, những người dân hay người lính có mặt trong những ngày diễn ra trận “Điện Biên Phủ trên không” ấy thì biết bao mà kể. Chỉ lật mấy trang báo của những ngày hào hùng ấy đã thấy biết bao nhiêu sử liệu không kém chất hào hùng: Ngay trong đêm đầu tiên máy bay Mỹ ào vào bắn phá, đêm 18-12-1972, nhà thơ Huy Cận đã làm ngay bài thơ mang tên “Sẵn sàng” rồi mang đến Báo Nhân Dân để sớm 20-12 kịp xuất hiện trên trang báo giữa mùi thuốc súng, khói bom trong trận đánh. Rồi bài xã luận của số báo đó mang tựa đề: “Hà Nội, Thủ đô của phẩm giá con người” có nhắc nhiều chi tiết mang tính thời sự, như câu chuyện một nhân viên phục vụ trong khách sạn Thống Nhất (vốn là Métropole Hà Nội) khi được hỏi “Bom B-52 ném xuống Hà Nội thì ra sao?”. Và câu trả lời khiến nhà báo nước ngoài thán phục và chép lại: “Nhà cửa có thể sập nhưng có một thứ không sập được, đó là ý chí của con người”. Một nhà báo Pháp mô tả về Hà Nội trong những ngày chiến tranh khốc liệt ấy vẫn là “một thành phố luôn sôi động và hài hòa, tài giỏi và bình thản”. Còn Neo Sin-han (Neil Sheenhan) nhà văn Mỹ trong bài tựa cho cuốn sách viết về chiến tranh của không quân Mỹ ở Đông Dương của Đại học Coóc-neo (Corneil) đã đánh giá: “Thắng lợi của người Việt Nam là một thí dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ trước máy móc”…

Trên trang báo số ra ngày 29-12-1972, tức là chỉ vài ngày sau khi Mỹ đã rải thảm xuống Khâm Thiên và Bệnh viện Bạch Mai làm hàng trăm dân thường thiệt mạng đã xuất hiện mẩu phóng sự của nhà văn Nguyễn Tuân “Bên ụ súng Hà Nội một đám cưới pháo thủ” thuật lại lễ kết hôn của hai công nhân Nhà máy cơ khí Hà Nội, chú rể Vũ Đình Hán và cô dâu Lưu Thị Hảo diễn ra trên một không gian giữa 7 ụ súng phòng không tầm cao vừa diễn ra trước đó một ngày (28-12).

Rồi trên trang báo ra trong ngày cuối cùng của năm, 31-12-1972, khi Hà Nội vừa im tiếng súng, Mỹ đã chấm dứt bắn phá và chấp nhận bước vào cuộc họp cuối cùng để ký Hiệp định Pa-ri, lại thấy nhà văn Bùi Hiển xuất hiện với phóng sự ngắn “Khâm Thiên, tội ác và trừng phạt” và cả ông thầy khảo cổ của tôi, Giáo sư Trần Quốc Vượng với bài ký “Tình người Hà Nội ngát hoa lan”.

Cũng trên những trang báo của những ngày chiến tranh khốc liệt ấy, người ta còn đọc được những mẩu thông báo bằng lời lẽ mộc mạc nhưng có thể các bạn trẻ ngày nay chưa hiểu hết được, tựa như: “Để nhân dân mua lương thực được thuận tiện, Bộ Lương thực và Thực phẩm chủ trương bán lương thực theo sổ “Sơ tán PK (phòng không)”, các cửa hàng phải tổ chức tốt việc bán hàng không để nhân dân đợi lâu… Sơ tán đến đâu mua hàng ở đó. Gia hạn tem phiếu năm 1972”…

Hà Nội 40 năm trước là thế đó. Trong hồi ức của mình, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Trân tự phê bình rằng, lãnh đạo Hà Nội có khuyết điểm là chủ quan nên để đồng bào Hà Nội ở những nơi sơ tán trở về nhân ngày Giáng sinh năm 1972 đông quá. Mất cảnh giác, không lường hết sự tàn bạo của giặc Mỹ ném bom dữ dội, rải thảm B-52 vào khu dân cư trung tâm Hà Nội, chỉ một ngày sau làm mấy trăm con người thiệt mạng… Do vậy, từ ngày 27-12, lệnh sơ tán triệt để được phát ra và đêm hôm ấy, những ai được chứng kiến đều thấy cái hào hùng của dòng người Hà Nội lặng lẽ tỏa đi ra khỏi thành phố trên những phương tiện rất thô sơ của mình, và những chiếc ô tô cũ rích mà chính quyền huy động được. Chừng 50 vạn người trên tổng số 60 vạn cư dân Thủ đô đã hoàn thành việc sơ tán chỉ trong một đêm, một ngày.

Người Hà Nội ra đi nhẹ nhàng, vì nhà cửa và tài sản bên trong có thể giao phó cho những người hàng xóm hay chính quyền có trách nhiệm ở lại; họ có thể giao con cái của mình cho những người không mấy thân thích nhưng cùng cảnh ngộ hay được xã hội phân công; họ đến đâu cũng được những chủ nhà vốn là những người nông dân mộc mạc sẵn sàng nhường những chỗ ở tốt nhất với câu nói cửa miệng không hề khách sáo mà lại chan chứa tình nghĩa: “Các bác vì nước, vì dân, (đôi khi còn nói: Vì thằng Mỹ)… mới phải về đây với chúng em”… Hồi ấy, rất ít thấy nói đến trộm cắp, cướp của, giết người… Phải chăng, khi mọi người cùng chung ý chí, cùng chia sẻ cảnh ngộ, cùng mong đến ngày thắng lợi với ước mơ thanh bình thì xã hội trở nên trong sạch, ngay trong khói đạn của chiến tranh và nghèo khó?…

Mới cách đây không lâu, cả thế giới được chứng kiến với lòng thông cảm đối với nhân dân Nhật Bản đã hứng chịu những thảm họa khủng khiếp của thiên nhiên, như động đất, sóng thần cùng với vụ nổ ở nhà máy điện nguyên tử… và cũng được chứng kiến với lòng thán phục cách ứng xử, đối phó với thử thách của nhân dân Nhật Bản để khắc phục những mất mát to lớn với tinh thần Nhật Bản thể hiện qua ý chí kiên cường, tinh thần kỷ luật, sức chịu đựng và nghĩa đồng bào giúp đỡ lẫn nhau cùng chính phủ vượt qua thử thách…

Chạnh nghĩ, những phẩm chất ấy cũng từng nhiều lần xuất hiện trong đời sống xã hội nước ta qua những thử thách trong quá khứ lịch sử mà những ngày diễn ra “Điện Biên Phủ trên không” là một bằng chứng sống động… Lại chạnh nghĩ, vì sao những phẩm chất ấy dường như đã phai nhạt, thậm chí đang diễn ra trái ngược trong đời sống xã hội trên đất nước ta ngày hôm nay…

Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” với niềm tự hào về quá khứ, không thể không nghĩ đến chuyện khơi lại những truyền thống, những phẩm chất vốn tiềm ẩn trong con người Việt Nam chúng ta, từng phát huy trong quá khứ, vì sao không thể trở lại trong phẩm chất con người Việt Nam ngày hôm nay, và mai sau?!

Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC
qdnd.vn

“Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” – Tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam

(Chinhphu.vn) – Đây là chủ đề của Hội thảo khoa học cấp nhà nước về chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” tổ chức sáng 28/11 tại Hà Nội.

Hội thảo khoa học cấp nhà nước “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” –  tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam. – Ảnh: VGP/Việt Hà

Hội thảo do Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức.

Cách đây 40 năm (tháng 12/1972), đế quốc Mỹ  đã mở cuộc tập kích chiến lược bằng không quân vào Hà Nội và các thành phố lớn ở miền Bắc với ý đồ làm xoay chuyển tình thế trên bàn đàm phán Hiệp định Paris.

Với ý chí  quyết chiến, quyết thắng, quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược này, bắn rơi nhiều máy bay, trong đó có trên 30 máy bay B52, giáng cho Mỹ một đòn chí mạng, buộc chúng phải ký Hiệp định Paris, rút hết quân viễn chinh về nước, làm thay đổi cục diện chiến tranh có lợi cho cuộc kháng chiến của ta. Chiến thắng B52 trên bầu trời Thủ đô đã trở thành trận quyết chiến lịch sử, được mệnh danh là “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo khẳng định chiến thắng 12 ngày đêm “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

66 tham luận tập trung khẳng định và làm sáng tỏ thêm bối cảnh, âm mưu, thủ đoạn mới của đế quốc Mỹ trước khi ký Hiệp định Paris; sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam – nhân tố quyết định thắng lợi của chiến dịch 12 ngày đêm, tinh thần chiến đấu kiên cường, mưu trí, dũng cảm, sự linh hoạt, sáng tạo của bộ đội phòng không – không quân, của quân và dân miền Bắc, trực tiếp là quân và dân Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác…

Hội thảo góp thêm tiếng nói khẳng định tầm vóc, ý nghĩa,  những kinh nghiệm và bài học lịch sử của Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, vận dụng và phát huy những bài học kinh nghiệm vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Trung tướng Mai Quang Phấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ  nhiệm Tổng cục Chính trị  khẳng định, chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là một mốc son chói lọi, là biểu tượng của ý chí kiên cường, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam. Đây là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, của “thế trận phòng không nhân dân”, kế thừa và phát triển truyên thống nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại mới.

Dấu tích một thời bom đạn có thể bị phai mờ theo quy luật của thời gian, nhưng tầm vóc và ý nghĩa của “Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vẫn mãi âm vang trong tâm trí của mỗi con người Việt Nam nói riêng và nhân loại tiến bộ nói chung. Những bài học kinh nghiệm được rút ra từ đây vẫn nguyên vẹn giá trị để nghiên cứu, vận dụng cho sự nghiệp xây dựng lực lượng và thế trận chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Việt Hà
chinhphu.vn

Ra mắt cuốn sách “Đối mặt với B.52”

(Chinhphu.vn) – Nhân dịp kỉ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, ngày 4/12, NXB Trẻ và công ty Tomorrow Media đã tổ chức ra mắt cuốn sách “Đối mặt với B.52”.

Trong khoảng thời gian từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2012, nhóm tác giả biên soạn cuốn sách đã tiến hành các cuộc gặp gỡ, ghi lại hồi ức của 116 nhân chứng về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trên không. Đó là chân dung của một Hà Nội đối mặt với B -52, những đau thương mất mát, những cách thích ứng khó tin của người Hà Nội…

Với 3 phần, cuốn sách đi theo mạch thời gian từ thời điểm miền Bắc chống chiến tranh phá hoại, dựng lại bối cảnh sống của người Hà Nội những năm 1966-1972 và quá trình Quân chủng Phòng không-Không quân nghiên cứu cách đánh B.52.

Tiếp theo là quãng thời gian 12 ngày đêm không quên của những người dân ở lại Thủ đô Hà Nội trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không.

Phần III là câu chuyện của Hiệp định Paris dưới tác động của Điện Biên Phủ trên không cũng như điểm quá trình đàm phán gần 5 năm của cuộc chiến ngoại giao gian khổ, lâu dài hiếm có để có được hòa bình lập lại trên miền Bắc.

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, nhờ cách làm sáng tạo của nhóm tác giả, đây là cuốn sách thú vị và sinh động viết về lịch sử.

Minh Anh
chinhphu.vn

Điện Biên Phủ trên không: Gặp phi công mở màn chiến thắng

(ĐVO)- Chiều ngày 23/12/1972, phi công Nguyễn Văn Nghĩa là người đã bắn hạ chiếc F-4 đầu tiên của Không quân Mỹ trong chiến dịch. Chiến công này có ý nghĩa khai thông thế bế tắc, giải quyết vấn đề tâm lý cho không quân sau 5 ngày không bắn hạ được chiếc máy bay nào.

Sau sự kiện đó, Không quân Nhân Dân Việt Nam liên tiếp lập được nhiều chiến công bắn hạ nhiều máy bay Mỹ trong đó có 2 chiếc B-52.

 Phi công Nguyễn Văn Nghĩa.

Phi công Nguyễn Văn Nghĩa.

Dù đã ở tuổi 66 nhưng người phi công anh hùng năm xưa vẫn còn rất phong độ, trông ông không già đi nhiều so với 40 năm trước. Tuy vậy, phi công Nguyễn Văn Nghĩa vẫn còn nhớ như in những ngày tháng chiến tranh vô cùng ác liệt và đối với những người như ông đó là những năm tháng không thể nào quên.

Kể về trận chiến lịch sử của mình, Đại tá phi công Nguyễn Văn Nghĩa nhớ lại, đêm ngày 18/12/1972 khi Mỹ mở màn chiến dịch Linebacker-II, phi công cất cánh làm nhiệm vụ đánh B-52 đầu tiên là Trần Cung nhưng không phát hiện được B-52. Tiếp đó đến phi công Phạm Tuân, Vũ Đình Rạng lần lượt cất cánh những cũng không tiếp cận được B-52.

Từ ngày 18-22/12/1972 đã 5 ngày trôi qua nhưng không quân không bắn được chiếc máy bay nào của Mỹ lại phải chịu tổn thất 1 máy bay. (Trong cả chiến dịch, Không quân Nhân dân Việt Nam tổn thất 3 máy bay, 2 phi công hy sinh – PV).

“Toàn bộ không quân chúng tôi rất nóng ruột, bộ đội phòng không đã bắn rơi rất nhiều máy bay Mỹ trong khi bộ đội không quân chưa lập được chiến công nào”, phi công Nguyễn Văn Nghĩa chia sẻ cảm xúc lúc đó.

Chớp thời cơ diệt địch

Ngày 23/12/1972, đến lượt ông được lệnh cất cánh, bay ở vị trí phi đội trưởng. Bay cùng có phi công Lê Văn Kiền. Khi đó, đài chỉ huy mặt đất thông báo có 4 tốp F-4 ở xung quanh, khoảng 24 chiếc ở cự ly khoảng 40km.

“Ý định của chúng là muốn dồn các tiêm kích MiG-21 của ta vào ở giữa để tiêu diệt. Tôi nhanh chóng lấy tốc độ và tiếp cận tốp F-4 phía bên phải, phi công số 2 tiếp cận tốp bên trái. Ngay lập tức, tốp F-4 phía sau cũng nhanh chóng ập đến. Trong thâm tâm tôi đã xác định trước tình huống này sẽ rất kịch tính, cả đôi bên đều ở rất gần nhau, ai bóp cò nhanh hơn người đó sẽ thắng”, Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa hồi tưởng.

Bằng kỹ thuật và kinh nghiệm, ông đưa được một chiếc F-4 vào tầm ngắm bằng máy ngắm cơ học. “Thời gian ở đây chỉ có thể tính bằng giây, mình phải vừa chuẩn bị tấn công cũng vừa phải chuẩn bị để phòng thủ”, ông bồi hồi nhớ lại.

Khi ông đưa chiếc F-4 phía trước vào tầm ngắm thì chiếc F-4 phía sau cũng nhanh chóng tiếp cận để ngắm bắn. Do đó, khi chiếc F-4 phía trước ở cự ly khoảng 1.200-1.300 mét, tương đối tốt đối với tên lửa K-13, ông lập tức phóng tên lửa về phía chiếc F-4 thì khoảng vài giây sau đó 2 quả tên lửa từ chiếc F-4 phía sau cũng lao đến.

“Nhanh chóng tôi thực hiện một động tác ngoặt đột ngột để thoát ra khỏi đường ngắm của tên lửa. Phi công số 2 bay cùng tôi hô lớn trên radio “cháy rồi” chiếc F-4 bốc cháy và rơi xuống khu vực Lào Cai”, Đại tá Nghĩa kể lại.

Khi thực hiện động tác ngoặt đột ngột thoát khỏi tầm ngắm  tên lửa của F-4, ông cũng ngắm được một chiếc F-4 khác ở phía trước nhưng do ở cự ly quá gần nên không xác định được điểm nổ. Trong khi đó, đài chỉ huy mặt đất ra lệnh “đánh nhanh rút nhanh” nên ông cùng phi công số 2 lập tức thoát khỏi đội hình F-4 và bay về hướng sân bay Đa Phúc.

Hạ cánh an toàn trong “mưa đạn” của F-4

Tuy nhiên, các sân bay xung quanh như Đa Phúc, Gia Lâm, Kép đều bị Không quân Mỹ phong tỏa triệt để. Đài chỉ huy thông báo cho tôi và phi công số 2 bay ra khu vực Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc ở độ cao thấp và thoát ra bằng dù.

Lúc đó trong thâm tâm tôi suy nghĩ, máy bay của mình không bị bắn hay bị trục trặc gì, tại sao mình phải từ bỏ nó? Bên cạnh đó, việc thoát ra bằng dù cũng chưa chắc đã an toàn bởi Mỹ có thể bắn vào dù. (Chính sách vô nhân đạo này của Không quân Mỹ nhằm tiêu hao lực lượng phi công tinh hoa nhưng ít ỏi của Không quân Nhân dân Việt Nam – PV).

Chưa hết, nếu tiếp đất bằng dù an toàn thì cơ hội tiếp tục chiến đấu trong 12 ngày đêm gần như bằng 0, bởi các phi công khi thoát ra ngoài bằng dù đều phải trải qua quá trình phục hồi sức khỏe từ 3-4 tháng.

Khi đó, ông liên lạc về sở chỉ huy và hỏi xem đường lăn của sân bay cũng như ụ chứa máy bay có bị đánh phá hay không, sở chỉ huy thông báo đường lăn không bị đánh phá. Vì vậy, ông quyết định hạ cánh trên đường lăn, một là thành công để tiếp tục được chiến đấu, hai là chấp nhận hy sinh trong trường hợp máy bay gặp sự cố hoặc bị bắn trong quá trình tiếp đất.

“Tôi thông báo trên radio cho sở chỉ huy và cả số 2 của tôi là “số 1 sẽ hạ cánh trên đường lăn”, còn số 2 có hạ cánh theo hay không là tùy thuộc vào đồng chí ấy. Rất may mắn là tôi đã hạ cánh an toàn, máy bay không gặp bất kỳ trục trặc nào”, ông kể lại.

Sau khi hạ cánh hạ cánh thành công, trên đường lăn ông gọi trên radio, “số 1 gọi số 2”, phía bên kia trả lời, “số 2 nghe tốt”. “Nghe tốt” có nghĩa là an toàn. “Trong thâm tâm tôi rất vui sướng, phi công số 2 cũng hạ cánh an toàn trên đường lăn, mặc dù các tốp F-4 phía sau vẫn bắn phá ác liệt bằng pháo 20 mm nhưng cả 2 máy bay đều được đưa về căn cứ an toàn”, Đại tá Nghĩa kể lại..

Chiến công nối tiếp chiến công

Đối với ông đó là một kỷ niệm không thể nào quên, là niềm vinh dự, tự hào lớn nhất trong cuộc đời, đó là đã khai thông được thế bế tắc cho không quân trong 12 ngày đêm. Ngày sau đó, cũng ngày 23/12/1972, phi công Trần Việt – nay là Phó Tư lệnh quân chủng Phòng không -Không quân – cất cánh bắn hạ thêm một chiếc F-4 khác.

Đến ngày 27/12/1972 biên đội bay của phi công Đỗ Bá Lanh và Dương Bá Khá cất cánh bắn hạ thêm một chiếc F-4. Đến đêm 27 rạng sáng ngày 28/12/1972 phi công Phạm Tuân bắn rơi tại chổ một chiếc B-52. Chiều 28/12/1972 biên đội bay Lê Văn Kiều và Hoàng Tam Hùng bắn rơi một chiếc F-4.

Đêm 28/12/1972 phi công Vũ Xuân Thiều bắn rơi thêm một chiếc B-52 khác, đêm 29/12/1972 phi công Bùi Doãn Độ bắn rơi thêm một chiếc F-4 và đây là chiếc cuối cùng do không quân bắn hạ trong 12 ngày đêm.

Trong 12 ngày đêm, Không quân Nhân dân Việt Nam bắn hạ được 7 máy bay, trong đó có 2 chiếc B-52, cùng với bộ đội phòng không và toàn quân, toàn dân ta bẽ gãy cuộc tập kích đường không quy mô lớn nhất của Mỹ từ sau chiến tranh thế giới thứ 2.

Với quy mô chiến dịch lớn như vậy nhưng chỉ kết thúc trong 12 ngày đêm, theo cá nhân tôi đó là một “kỳ tích” của toàn quân và toàn dân ta. Phòng không không quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bắn rơi 81 máy bay các loại trong đó có 34 chiếc B-52.

Phi công Nguyễn Văn Nghĩa và đồng đội (người thứ hai, từ trái qua phải, hàng sau).Phi công Nguyễn Văn Nghĩa và đồng đội (người thứ hai, từ trái qua phải, hàng sau).

Đại tá phi công Nguyễn văn Nghĩa sinh ngày 3/5/1946 tại Quảng Ngãi.

Ngày 1/7/1965, ông trúng tuyển phi công tiêm kích. Từ tháng 9/1956-4/1968, ông học lái MiG-21 tại Liên Xô.

Sau khi tốt nghiệp, ông về nước nhận nhiệm vụ tại đại đội 2 Trung đoàn tiêm kích 921 đoàn Sao Đỏ.

Từ năm 1973-1975 ông là phi đội trưởng các phi đội 3, 9, 11 Trung đoàn tiêm kích 927, đoàn Lam Sơn.

Ông là phi công Việt Nam đầu tiên lái máy bay MiG-21 số hiệu 5033 hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng vào năm 1975.

Ông cũng là phi công Bắc Việt Nam đầu tiên cất cánh trên tiêm kích F-5 của Mỹ thu được sau chiến tranh, sau đó ông đã huấn luyện cho một số phi công khác sử dụng máy bay F-5 tham gia trong chiến dịch biên giới Tây Nam.

Từ năm 198,2 ông chuyển lên làm cán bộ Sư đoàn Không quân 370 với cương vị bí thư Đảng ủy. Từ năm 1992 ông giữ chức Hiệu trưởng Trường Hàng Không Việt Nam, ông là người có công lớn trong việc xây dựng Học viện hàng không Việt Nam và cũng là giám đốc đầu tiên của học viện.

Từ tháng 4/2007, ông nghỉ hưu. Tháng 8/2007, ông được bầu giữ chức Chủ tịch Câu lạc bộ Hàng không Việt Nam cho đến nay.

Quốc Việt
baodatviet.vn

“Đã đánh là nhất định thắng”

Tròn 40 năm đã trôi qua kể từ ngày quân và dân ta lập nên Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng này một lần nữa cho thấy tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, một trong những yếu tố đóng vai trò then chốt làm nên thắng lợi rực rỡ của cách mạng nước nhà.

Ngày 16-4-1952, trước trận “Điện Biên Phủ trên không” hai mươi năm, nước Mỹ cho bay thử thành công chiếc máy bay B.52 đầu tiên do hãng Boeing sản xuất và tuyên truyền rùm beng cho loại “siêu pháo đài bay bất khả xâm phạm”. Sau 20 năm, năm 1972, B.52 đã được qua 8 lần cải tiến từ B.52A đến B.52G, B.52H. Mỗi chiếc B.52G hoặc H (loại bị bắn rơi tại Hà Nội tháng 12-1972) có thể mang trên dưới 100 quả bom với trọng lượng từ 17 đến 30 tấn cùng nổ chỉ trong phạm vi 3 đến 10 giây đồng hồ. Đi kèm B.52 là một lực lượng máy bay F4 hộ tống tạo thành mộthàng rào không thể chọc phá”. Nhưng điều chủ yếu nhất, nguy hiểm nhất và gây nhiều khó khăn nhất cho đối phương là hệ thống gây nhiễu điện tử cực mạnh tạo thành chiếc áo giáp điện tửche giấu toàn bộ lực lượng tiến công, biến mỗi chiếc B.52 thành một máy bay tàng hình”. Hoa Kỳ cho rằng “Đối phương không thể có cách chống đỡ và không còn một sinh vật nào tồn tại nổi dưới những trận mưa bom kinh khủng của loại B.52 bất khả xâm phạm”.

da danh nhat dinh thang 1Máy bay B.52 thực sự là kho bom đạn bay trên không.
(Ảnh Tư liệu – Internet)

Ngày 18-6-1965, đế quốc Mỹ cho 30 chiếc B.52 từ đảo Gu-am giữa Thái Bình Dương bay vào “rải thảm” khu căn cứ Long Nguyên của ta ở huyện Bến Cát. Đây là lần đầu tiên B.52 được sử dụng ở Việt Nam. Giặc Mỹ muốn dùng “con ngáo ộp” B.52 để hăm dọa chúng ta.

Nhưng chỉ một tháng sau, ngày 19-7-1965, trong chuyến thăm Trung đoàn 324, bộ đội Phòng không – Không quân đóng tại Tam Đảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt nhân dân Việt Nam đã lên tiếng trả lời bọn xâm lược: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B57, B.52 hay “Bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”.

Lời khẳng định ấy của Bác, cùng chỉ thị của Bộ Chính trị và mệnh lệnh Bộ Quốc phòng sau này, đã trở thành niềm tin và động lực để quân và dân ta tạo nên chiến thắng lịch sử của trận Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội cuối năm 1972.

“Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B57, B.52 hay “Bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng” – Thể hiện quyết tâm của Bác, cũng là quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong cuộc chiến chống trả đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ miền Bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng thời, câu nói này cũng thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của một nhà chiến lược tài tình.

Riêng đối với Quân chủng Phòng không – Không quân, lời dạy của Bác đã củng cố lòng tin và tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ chiến sĩ trong toàn quân chủng nỗ lực vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đánh thắng những bước leo thang chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta. Hơn thế nữa, lời dạy của Bác thực sự đã đặt nền móng cho tư tưởng chỉ đạo tác chiến phòng không, nghệ thuật tác chiến phòng không của chúng ta. Ngay sau khi Bác đến thăm, theo chỉ thị của Đảng ủy Quân chủng, Cục Chính trị Quân chủng đã hướng dẫn các đơn vị phát động toàn thể cán bộ, chiến sĩ học tập và làm theo lời dạy của bác, thi đua lập công, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Bản chỉ thị nêu rõ những yêu cầu của đợt phát động: 1) Nêu cao quyết tâm chiến đấu, kiên định vững vàng, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dũng cảm chiến đấu, đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. 2) Quán triệt tư tưởng chỉ đạo tác chiến “Đánh thắng trận đầu, đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng”, phát huy quân sự dân chủ, tăng cường rèn luyện năng lực chỉ huy, trình độ kĩ thuật để bắn trúng ngay từ loạt đạn đầu, bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay địch, tiết kiệm đạn, trước mắt nhanh chóng đưa số máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc lên 400 chiếc.

Dù kẻ địch có huy động lực lượng đông đảo quân lính với những vũ khí tối tân để tấn công, “Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa”, có đông hơn nữa thì “ta cũng đánh”. “Ta cũng đánh” là lời khẳng định chắc như đinh đóng cột của Bác kính yêu. Sở dĩ Người có thể khẳng định mạnh mẽ như vậy là xuất phát từ sự thấu hiểu sâu sắc truyền thống yêu nước quý báu đã có từ hàng nghìn năm nay của dân tộc ta; thấu hiểu ý chí quật cường, tinh thần anh dũng, quả cảm, không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược của những người con mang dòng máu Lạc Hồng. Đó là quyết tâm của Bác, quyết tâm của Đảng cũng như của nhân dân ta, dù thế nào “ta cũng đánh” và “đã đánh là nhất định thắng”.

“Phải đánh thắng B.52” là mối quan tâm đặc biệt của Bác và cũng là quyết tâm của quân dân ta. Năm 1962, mười năm sau khi chiếc B.52 đầu tiên ra đời, trong lần gặp đồng chí Phùng Thế Tài nhân dịp đồng chí được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân chủng Phòng không, Bác hỏi:

Bây giờ chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú biết gì về B.52 chưa?

Thấy đồng chí Tài lúng túng, Bác cười độ lượng:

Nói thế thôi, chú có biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay trên cao mười cây số mà trong tay chú hiện nay mới chỉ có cao xạ thôi. Nhưng ngay từ nay, là Tư lệnh Phòng không, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến thằng B.52 này”.

Để có vũ khí trừng trị được B.52, Bác đặt vấn đề với Liên Xô chi viện cho Việt Nam vũ khí tên lửa phòng không. Dưới sự giúp đỡ của nước bạn, Trung đoàn tên lửa phòng không SAM-2 đầu tiên mang phiên hiệu H36 ra đời.

Tháng 4-1965, Mỹ quyết định dùng Sư đoàn Không quân chiến lược số 3 đóng ở đảo Guam tiến hành chiến dịch ném bom mang tên “Cung sáng” vào miền Nam Việt Nam để yểm trợ cho bộ binh Mỹ trong các cuộc hành quân trên bộ. Ngày 18-6-1965, 30 máy bay B.52 cất cánh từ Guam ở trung tâm Thái Bình Dương vượt gần 9.000 km với 16 giờ bay liên tục, thực hiện cuộc ném bom “rải thảm” lần đầu tiên trên thế giới vào căn cứ Long Nguyên của ta ở huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương (phía Tây Bắc Sài Gòn). Cùng với bom là những tờ truyền đơn in hình chiếc B.52 với đủ kích thước, tính năng của nó và đã gây tác dụng tâm lý nhất định. Một số cán bộ ở miền Nam ra công tác miền Bắc khi kể về những trận rải thảm của B.52 đã tỏ ra phân vân, lo lắng. Vì, chỉ cần 10 chiếc B.52 lọt vào Hà Nội cũng đủ gây tổn thất nặng nề không lường hết được. Chính vì vậy mà Bác Hồ đã đặc biệt quan tâm đến loại máy bay này. Việc xây dựng quyết tâm dám đánh và quyết thắng B.52 được đặt ra ngay từ khi đế quốc Mỹ bắt đầu sử dụng máy bay B.52 đánh phá ở chiến trường miền Nam.

Ngày 24-7-1965, Trung đoàn tên lửa H36 ra quân đánh thắng trận đầu, bắn rơi tại chỗ chiếc F4C trên bầu trời Hà Tây. Một ngày sau, ngày 25-7-1965, hạ tại chỗ thêm một máy bay trinh sát không người lái BQM34A ở độ cao 19 km. Hai chiến công đầu của bộ đội tên lửa Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt: Nó khẳng định khả năng tên lửa Việt Nam trị được B.52 đã ở trong tầm tay. Bác Hồ đã gửi thư khen quân và dân Hà Tây và ký lệnh thưởng 2 Huân chương Quân công hạng Ba cho 2 Tiểu đoàn 63 và 64 đã trực tiếp lập công. Ngày 12-4-1966, máy bay B.52 lần đầu tiên ném bom đèo Mụ Giạ ở Tây Nam Quảng Bình, mở đầu việc đánh phá của B.52 ở miền Bắc nước ta. Ít lâu sau, B.52 đánh rộng đến Vĩnh Linh, phía bắc giới tuyến 17 với mức độ ngày càng dữ dội. Bác mời đồng chí Đặng Tính, Chính uỷ Quân chủng Phòng không – Không quân lên báo cáo tình hình và trực tiếp giao nhiệm vụ cho quân chủng: “Máy bay B.52 Mỹ đã ném bom miền Bắc. Phải tìm cách đánh cho được B.52. Nhiệm vụ này Bác giao cho các chú Phòng không- Không quân”.da danh nhat dinh thang 2Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm các chiến sĩ lực lượng phòng không bảo vệ thủ đô năm 1966. (Ảnh Tư liệu – Internet)

Các đồng chí trong Quân uỷ Phòng không – Không quân báo cáo Bác ý định đưa lực lượng tên lửa, ra-đa vào chiến trường phía Nam tìm cách bắn rơi máy bay B.52, để củng cố ý chí quyết thắng và xây dựng niềm tin đánh thắng B.52 cho bộ đội. Người suy nghĩ rồi thong thả nói: “Đúng, muốn bắt cọp phải vào tận hang”. Tháng 5-1966, một số đơn vị tên lửa, ra-đa và những cán bộ có kinh nghiệm của quân chủng đã được cấp tốc đưa vào chiến trường. Trung đoàn tên lửa H38 (biệt danh Đoàn Hạ Long) – đơn vị hoả lực đầu tiên nhận trọng trách lớn lao này, đã kịp thời cơ động từ đồng bằng Bắc Bộ, vượt qua nhiều chặng đường hiểm trở đầy ác liệt của bom đạn Mỹ để tới Vĩnh Linh vào đầu năm 1967. Các chiến sĩ đã anh dũng nằm ngay trong tầm đạn pháo mặt đất, pháo biển của địch phục kích bắn B.52. Một số đơn vị ra-đa đã vượt qua muôn vàn gian khổ, khó khăn đưa máy lên tận đỉnh Trường Sơn để nghiên cứu phát hiện B.52. Đưa tên lửa vào Vĩnh Linh là chặng đường đầu tiên trên con đường dài đi đến chiến thắng B.52. Nghe tin 1 trung đoàn tên lửa SAM-2 của ta vào Vĩnh Linh, Lầu năm góc hoảng sợ và quyết tiêu diệt những bệ phóng của ta bằng mọi giá. Các khí tài của ta bị bom, đạn Mỹ đánh hỏng nặng. Biết đơn vị gặp khó khăn, Bác thường xuyên quan tâm thăm hỏi xem có biện pháp khắc phục chưa.da danh nhat dinh thang 3Ngày 09-02-1967, Bác Hồ thăm bộ đội Không quân nhân dân Việt Nam.
(Ảnh Tư liệu – Internet)

Ngày 17-9-1967, Phân đội tên lửa 84, Đoàn H38 lần đầu tiên chỉ trong vòng ba mươi phút đã kịp thời phát hiện và bắn rơi 2 chiếc B.52 trên bầu trời Vĩnh Linh. Nhận được tin vui từ Vĩnh Linh ra, các đồng chí lãnh đạo Quân chủng Phòng không – Không quân muốn báo tin ngay đến Bác vì Người đã cho phép gọi điện thoại trực tiếp đến bất cứ lúc nào cần thiết. Trời đã khuya, sợ Bác thức giấc, đồng chí Tư lệnh đã gọi cho đồng chí Vũ Kỳ (thư ký của Bác) thì được biết Bác vẫn chưa ngủ. Đồng chí quay số 01 (mật danh điện thoại của Bác), Bác nhận ra giọng đồng chí Phùng Thế Tài và hỏi ngay: “Chú Tài đấy à? Có việc gì thế? Bắn rơi B.52 rồi phải không?”

Việc Bác đoán trước đã bắn rơi B.52 là xuất phát từ niềm tin tuyệt đối của Người vào lòng dũng cảm, trí tuệ, khả năng sáng tạo của bộ đội ta. Từ ngôi nhà sàn, Bác đã tự tay viết thư khen quân và dân Vĩnh Linh anh hùng và ký Lệnh thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì cho Tiểu đoàn 84 thuộc Trung đoàn tên lửa H38 là đơn vị trực tiếp đã lập công.

Bước leo thang của Mỹ đã lên đến đỉnh. Chúng tổ chức những chiến dịch không quân liên tục đánh phá quyết liệt Thủ đô. Bộ Tư lệnh Phòng không -Không quân được giao nhiệm vụ chuẩn bị phương án chiến đấu bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng trong tình huống địch sử dụng B.52. Vào một buổi tối mùa Xuân năm 1968, tại ngôi nhà sàn, Bác Hồ nói với đồng chí Phùng Thế Tài, lúc này là Phó Tổng tham mưu trưởng lời dự báo về một cuộc chiến căng thẳng, khốc liệt sắp diễn ra: “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Chú nên nhớ trước khi đến Bàn Môn Điếm ký hiệp định đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ đã cho không quân hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội. Vì vậy nhiệm vụ cuả chú rất nặng nề”.

Đúng như lời dự đoán của Bác, ngày 17-12-1972, Ních-xơn chính thức ra lệnh mở Chiến dịch Lai-nơ-bêch-cơ II, sử dụng không quân chiến lược B.52, tập kích với quy mô hủy diệt vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc.

Trong suốt 12 ngày đêm vần vũ trên bầu trời Hà Nội, đế quốc Mỹ đã huy động một lực lượng lớn chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai (tính đến tháng 12/1972) cho cuộc tập kích này: gần 1/2 số máy bay chiến lược B.52 của toàn nước Mỹ (193 chiếc trên tổng số 400 chiếc), gần 1/3 số máy bay chiến thuật của toàn nước Mỹ (1.077 chiếc trên tổng số 3041 chiếc) cùng nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại khác. Chúng đã huỷ diệt nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga, giết hại 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác. Tờ báo lớn nhất của Anh, the Daily Mirror đã bình luận rằng: “Việc Mỹ quay lại ném bom Bắc Việt Nam đã làm cho cả thế giới lùi lại vì ghê sợ”.

Đế quốc Mỹ toan tính rằng, bằng sự tàn sát dã man của B.52, chúng có thể buộc nhân dân ta phải khuất phục. Nếu đế quốc Mỹ thành công trong cuộc tập kích bằng B.52 thì hậu quả thật khôn lường. Báo Pháp Nhân đạo viết: “Tấn thảm kịch Việt Nam đang trải qua cho ta hương vị của cái mà trái đất chúng ta sẽ nếm trải nếu nước đế quốc mạnh nhất đặt được nền thống trị độc tôn của nó!”. Thế nhưng, “thần tượng B.52” – con át chủ bài trong bộ ba chiến lược của đế quốc Mỹ đã phải sụp đổ trước ý chí kiên cường và trí tuệ thông minh tuyệt vời của dân tộc Việt Nam. Chỉ trong 12 ngày đêm, lưới lửa phòng không dày đặc của ta đã xé tan xác 81 máy bay của giặc Mỹ, trong đó “siêu pháo đài bay” B.52 là 34 chiếc, F111 – 5 chiếc và 42 máy bay chiến thuật khác, bắt sống nhiều giặc lái, trong đó có nhiều giặc lái B.52.

Thông thường trong chiến tranh, ở những trận tập kích đường không lớn, tỷ lệ tổn thất về máy bay của phe tiến công là khoảng 1-2%. Vậy mà trong cuộc tập kích không quân chiến lược cuối tháng 12-1972 này tỷ lệ tổn thất về máy bay của Mỹ đạt kỷ lục cao nhất từ trước tới nay (25%), khiến các nhà quan sát quân sự Mỹ phải thú nhận: “Cứ cái đà mất máy bay, người lái này và nếu Mỹ còn tiếp tục ném bom thì chỉ đến ngày 28 tháng 4 năm 1973 toàn bộ lực lượng không quân chiến lược Mỹ ở vùng Đông Nam Á sẽ hết nhẵn”. Người Mỹ cũng đã phải cay đắng thừa nhận rằng: “B.52 đã được tung ra chiến trường với số lượng lớn chưa từng có, để cuối cùng Tổng thống phải chấp nhận một kết cục bi thảm chưa từng thấy!”. Chính Ních-xơn cũng đã phải cay đắng thừa nhận về thất bại thảm hại này trong hồi ký của mình: “Nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là lo những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B.52 quá nặng nề”.

da danh nhat dinh thang 4 Xác pháo đài bay B.52 chất đống ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. (Ảnh tư liệu – Internet)

Trước sự thất bại liên tiếp trong 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc, 7h sáng ngày 30/12, Tổng thống Mỹ Ních-xơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận họp lại Hội nghị Pari về Việt Nam. Cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B.52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc kéo dài 12 ngày đêm đã bị thất bại hoàn toàn. Ngày 27-01-1973 Hiệp định Pari về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết.

“Phải tin tưởng vững chắc là ta nhất định thắng, Mĩ nhất định thua. Lúc này mà còn phân vân, tàu địch to, tàu ta nhỏ, máy bay địch nhiều, súng ta ít, liệu có đánh được không? Đó là biểu hiện quyết tâm chưa cao. Tuy không dám tự nhận là sợ địch, nhưng chính là sợ địch. Phải khẳng định rằng: Dù đế quốc Mĩ có lắm súng nhiều tiền. Dù chúng có B57, B52 hay “bê” gì đi chăng nữa, ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng… Ta phải có lòng tin sắt đá ở Đảng. Đảng đã nói: “Nhất định đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” là nhất định thắng… Đánh nhau có hi sinh, có gian khổ, nhưng bền gan, vững chí thì cuối cùng ta nhất định thắng, giặc nhất định thua”. Lời của Bác tựa như lời sông núi, thấm sâu vào trái tim mỗi người dân Việt Nam, cổ vũ, thôi thúc quân dân ta vững niềm tin tất thắng kiên cường chống lại kẻ thù xâm lược. Đoàn kết một lòng, quân dân thống nhất, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã kiên cường, dũng cảm, quyết chiến, quyết thắng, làm nên Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên phủ trên không” vang dội, đánh một đòn chí mạng vào kẻ thù xâm lược, khiến chúng phải thua một cách “tâm phục, khẩu phục”.da danh nhat dinh thang 5Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội trao cờ cho các đơn vị lập công xuất sắc trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972.
 (Ảnh tư liệu – Internet)

Đã bốn thập kỷ qua đi nhưng những bài học vô giá về tính chủ động, sáng tạo, tinh thần dám đánh và quyết thắng mà Bác Hồ để lại từ trận “Hà Nội – Điện Biên phủ trên không” vẫn còn vẹn nguyên giá trị và sẽ giúp cho dân tộc ta vững tay lái khi ra biển lớn trong quá trình hội nhập quốc tế hôm nay.

Thu Hiền (Tổng hợp)
bqllang.gov.vn

Công tác tư tưởng trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”

Thực tiễn cho thấy, trong quá trình diễn biến chiến dịch, công tác tư tưởng đã kết hợp chặt chẽ với công tác tổ chức đi sâu vào các mặt cụ thể như lập phương án kế hoạch chiến dịch, chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị hậu cần kỹ thuật bảo đảm tác chiến và mọi yếu tố cần thiết khác, tham gia vào việc rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật; tổ chức các phong trào thi đua nghiên cứu tìm tòi cách đánh; tuyên truyền tin chiến thắng, kinh nghiệm chiến đấu chống không quân địch…Công tác tư tưởng không chỉ là của cấp uỷ, cán bộ chính trị, cơ quan chính trị mà trở thành công tác của mọi người, mọi tổ chức, của cả tập thể quân nhân từ tìm tòi cách đánh đến việc bảo đảm hậu cần kỹ thuật trang bị vũ khí, đạn dược, khí tài, tháo gỡ những khó khăn do điều kiện kinh tế – kỹ thuật quân sự của ta, bảo đảm đến mức cao nhất cho chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” thắng lợi.

cong tac tu tuong trog chien dich DBP tren khong

Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ trên bầu trời miền Bắc cuối tháng 12 năm 1972 đã đi vào lịch sử dân tộc ta như một một kỳ tích của ý chí, trí tuệ và sức sáng tạo Việt Nam. Trong cuộc chiến đấu không cân sức này, bộ đội Phòng không – Không quân nhân dân Việt Nam đã cùng với các lực lượng vũ trang và nhân dân miền Bắc chiến đấu với ý chí quyết tâm “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”; “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Sáng tạo cách đánh, phát huy uy lực của các vũ khí trang bị kỹ thuật mà ta có tạo nên sức mạnh đánh thắng không quân địch trong 12 ngày đêm khốc liệt của bom đạn Mỹ, góp phần đập tan ý chí xâm lược của bọn cuồng chiến trong giới cầm quyền nước Mỹ lúc đó; buộc chúng phải ký kết Hiệp định Pa ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.

Nhìn lại lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, những chiến dịch đường không của đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc từ 1965 đến đầu năm 1972 đã bị quân và dân ta đập tan đều có quy mô lớn và rất dã man tàn bạo, gây cho ta những khó khăn, tổn thất không nhỏ. Nhưng chưa có cuộc tập kích hay chiến dịch đường không nào của địch đánh phá tập trung quy mô lớn và khốc liệt như cuộc tập kích đường không chiến lược bằng “siêu pháo đài bay” B52 trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 vào Hà Nội, Hải Phòng và đường số 1 (mạn Bắc Hà Nội). Với cuộc tập kích này, chúng hy vọng tạo ra sức ép làm nhụt ý chí chiến đấu của quân và dân ta, buộc Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà phải chấp nhận một giải pháp kết thúc chiến tranh có lợi cho Mỹ và Nguỵ quyền Sài Gòn. Để tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược mang tên “Lai nơ Bếch cơ II”, đế quốc Mỹ lập ra bộ chỉ huy lâm thời và sử dụng một lực lượng lớn không quân hỗn hợp gồm: 193 máy bay B52, với 25 tổ bay, chiếm gần 50% không quân chiến lược của nước Mỹ; 48 máy bay F111A; 999 máy bay chiến thuật, một số máy bay tiếp dầu trên không và máy bay bảo đảm chiến đấu khác ở các căn cứ không quân tại Gu am, Thái Lan, Phi líp pin, miền Nam Việt Nam và 6 tàu sân bay trên Biển Đông. Liên tục trong 12 ngày đêm từ ngày 18 đến ngày 30 tháng 12 đế quốc Mỹ đã huy động 663 lần chiếc B52 trong đó có 417 lần chiếc tập trung đánh phá Thủ đô Hà Nội; dội 16.000 tấn bon đạn xuống các vùng đông dân cư trên miền Bắc, trong đó có 9.700 tấn trút xuống huỷ diệt nhiều khu vực ở nội ngoại thành Hà Nội như Khâm Thiên, Bạch Mai, Đại học Bách khoa, Mễ Trì, Gia Lâm, Uy Nỗ, Yên Viên, Đông Anh…

Quân và dân miền Bắc mà nòng cốt là bộ đội Phòng không – Không quân đã anh dũng chiến đấu, chiến thắng oanh liệt, đập tan cuồng vọng của địch. Bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 chiếc B52, chiếm 17% trong tổng số B52 địch sử dụng trong cuộc tập kích; bắn rơi 5 máy bay F111A, bắt sống nhiều giặc lái trong đó có cả giặc lái B52. Bị tổn thất nặng nề, 7 giờ sáng ngày 30 tháng 12 năm 1972, Ních xơn Tổng thống Mỹ lúc đó buộc phải tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược tàn bạo và ngừng ném bom từ bắc vĩ tuyến 20 trở ra, đề nghị cho phía Mỹ gặp đại biểu ta tại Pa ri để bàn về ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh.[1]

Nhân tố nào đã tạo nên động lực, sức mạnh giúp bộ đội Phòng không – Không quân nhân dân Việt Nam vượt qua mọi gian nguy thử thách khốc liệt của bom đạn; sự hạn chế về phương tiện, vũ khí, trang bị để sáng tạo cách đánh, đập tan thần tượng “siêu pháo đài bay” của đế quốc Mỹ.

Thắng lợi to lớn của quân và dân ta trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” là tổng hợp của nhiều nhân tố: Hoạt động lãnh đạo, chỉ huy các cấp từ Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, các cơ quan cấp chiến lược cho đến Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân chủng, Binh chủng và các đơn vị trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu; của vũ khí trang bị kỹ thuật; của công tác đảng, công tác chính trị, công tác quân sự, hậu cần kỹ thuật, của nghệ thuật tác chiến chiến dịch phòng không chống lại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ trên bầu trời miền Bắc. Song ở đây chỉ bàn đến vai trò của công tác tư tưởng đối với việc củng cố, xây dựng nhân tố chính trị – tinh thần, ý chí quyết tâm chiến đấu của các lực lượng tham gia chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”.

1. Tập trung xây dựng ý chí quyết đánh, biết đánh và quyết thắng cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ cho mọi lực lượng tham gia chiến dịch là vấn đề quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”. Quán triệt quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò to lớn của nhân tố chính trị – tinh thần, với tư cách là nhân tố liên kết, tích hợp các nguồn lực tạo nên sức mạnh chiến đấu tổng hợp, hoạt động công tác tư tưởng của cấp uỷ, chỉ huy, cán bộ chính trị và cơ quan chính trị các đơn vị tham gia chiến địch đã đặc biệt coi trọng giáo dục, động viên, giữ vững ý chí chiến đấu kiên cường, bền bỉ của cán bộ, chiến sĩ trong suốt quá trình tác chiến chiến dịch “Điện Biên phủ trên không”.

Thành công lớn của công tác tư tưởng trong chiến dịch “Điện Biên phủ trên không” là đảng uỷ, chỉ huy các đơn vị tham gia chiến dịch đã làm cho bộ đội tiếp tục quán triệt quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B57, B52 hay “bê” gì chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”[2]. Trong quá trình chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu hoạt động công tác tư tưởng ở các đơn vị đã kết hợp chặt chẽ giữa phát huy anh hùng cách mạng với trí tuệ sáng tạo và sự tinh thông về kỹ thuật, chiến thuật, xây dựng ý chí quyết đánh, biết đánh và quyết thắng cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ cho mọi lực lượng tham gia chiến dịch.

Thực tiễn cho thấy, chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” diễn biến cực kỳ phức tạp, tình huống xảy ra bất thường, có lúc rất nghiêm trọng, nhất là địch thay đổi thủ đoạn chiến thuật đã tác động mạnh đến tư tưởng, tâm lý, niềm tin vào khả năng đánh thắng của bộ đội. Trong đợt đánh phủ đầu các tốp B52 vào oanh tạc Hà Nội đêm 18 tháng 12 năm 1972, tên lửa ta đã phóng 11 quả đạn mà chưa hạ được chiếc B52 nào, nhưng máy bay chiến thuật của địch lại phát hiện được, tập trung phóng tên lửa vào các trận địa của ta, làm cho bộ đội căng thẳng, lúng túng, mất bình tĩnh, thiếu tự tin. Trước tình hình đó đã xuất hiện những khuynh hướng tư tưởng không đúng: Một là, cho rằng chỉ có “nhiễu” về tư tưởng, chứ không có “nhiễu” về kỹ thuật, tức là chỉ có giải quyết tư tưởng chứ không đi sâu vào chiến thuật, kỹ thuật quân sự; Hai là, không tin vào vũ khí trang bị kỹ thuật của ta có thể đánh B52 của Mỹ. Công tác tư tưởng đã giải quyết tốt cả hai khuynh hướng tư tưởng không đúng đó. Cấp uỷ, chỉ huy cơ quan chính trị các đơn vị một mặt tìm nguyên nhân, rút kinh nghiệm trận đánh, tổ chức các tổ kỹ thuật nghiên cứu địch, chấn chỉnh khắc phục nhân tố tiêu cực, củng cố ý chí chiến đấu và giải quyết những khó khăn về kỹ thuật. Nhờ đó đã củng cố lòng tin, động viên bộ đội phát huy trí tuệ tìm tòi cách đánh, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo bắn rơi tại chỗ máy bay B52 của không quân Mỹ.

Bài học rút ra từ đây là, hoạt động công tác tư tưởng phải bám sát bộ đội, bám sát nhiệm vụ tác chiến, xử trí linh hoạt kịp thời đúng đắn mọi vấn đề tư tưởng nảy sinh trong tác chiến, giữ vững ý chí quyết tâm chiến đấu của bộ đội. Lúc đánh thắng cũng như lúc gặp khó khăn đều phải tăng cường công tác tư tưởng. Bài học này vẫn còn nguyên giá trị đối với công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, xây dựng củng cố niềm tin; chuẩn bị về tinh thần, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong bất kỳ tình huống, hoàn cảnh nào. Trong tình hình hiện nay, hơn lúc nào hết công tác tư tưởng trong quân đội phải được tiến hành một cách chủ động, toàn diện, định hướng kịp thời tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ trước mọi diễn biến phức tạp của tình hình. Dù tình hình thế giới có phức tạp đến đâu, đất nước có thể còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đứng vững trước mọi khó khăn thử thách, có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực hành động sáng tạo, phẩm chất đạo đức trong sáng lành mạnh.

2. Giáo dục, động viên cổ vũ cán bộ, chiến sĩ làm chủ vũ khí trang bị ,phát huy trí tuệ tìm tòi cách đánh mưu trí sáng tạo, chiến đấu dũng cảm kiên cường chống lại các thủ đoạn tác chiến của không quân địch. Ý chí quyết tâm chiến đấu cao là động lực thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, ác liệt của bom đạn của quân thù, kiên cường, xả thân chiến đấu hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ, nhưng còn phải có cách đánh tốt mới biến quyết tâm chiến đấu thành kết quả thực tế; và chiến đấu thắng lợi lại là cơ sở để xây dựng củng cố quyết tâm chiến đấu cao hơn, thực hiện càng đánh càng mạnh. Xuất phát từ đối tượng tác chiến chủ yếu là không quân Mỹ có trang bị vũ khí hiện đại hơn ta, cấp uỷ, chỉ huy, cơ quan chính trị từ Bộ Tư lệnh chiến dịch đến các đơn vị tham gia chiến dịch đã coi trọng tổ chức nghiên cứu địch cả về chiến thuật, chiến dịch, chiến lược và kỹ thuật của không quân Mỹ. Huy động trí tuệ và tài năng sáng tạo của mọi cán bộ, chiến sĩ, mọi cấp, trước hết là cán bộ, đảng viên tìm tòi sáng tạo cách đánh ở mọi cấp, mọi đơn vị; triệt để khai thác tính năng kỹ thuật, chiến thuật của mọi loại vũ khí kỹ thuật có trong tay để chiến đấu chống không quân Mỹ.

Thực tiễn cho thấy, khi dự đoán được âm mưu địch tập trung đánh phá miền Bắc trong thời điểm quyết định của năm 1972, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, các Binh chủng đã liên tiếp mở hội nghị cán bộ chủ chốt, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, kíp chiến đấu của các tiểu đoàn tên lửa, các phi đội máy bay chiến đấu để vừa quán triệt nhiệm vụ, vừa trao đổi kinh nghiệm thực tế, phát động hiến kế lập công sâu rộng trong mọi đơn vị, mọi lực lượng tạo thành cuộc vận động lớn huy động trí lực và tài thao lược của cán bộ, chiến sĩ quyết đánh và biết đánh, biết thắng B52 của đế quốc Mỹ. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao và tính năng kỹ thuật, chiến thuật của từng loại vũ khí khí tài trang bị của các đơn vị, hoạt động công tác tư tưởng của cấp uỷ, chỉ huy, cơ quan chính trị phối hợp với cơ quan tham mưu, kịp thời tổ chức các hội nghị chuyên đề phổ biến quyết tâm của trên, trao đổi kinh nghiệm, dân chủ thảo luận để khắc phục khó khăn thực tế về vũ khí trang bị kỹ thuật của ta, đề xuất cách đánh tốt nhất để chống lại thủ đoạn nham hiểm và vũ khí – kỹ thuật hiện đại của địch.

Trong quá trình thực hành tác chiến chiến dịch, khi địch thay đổi thủ đoạn tác chiến, hoạt động công tác tư tưởng của các đơn vị tham gia chiến dịch đã kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ thi đua tìm tòi cách đánh có hiệu quả. Kết quả cuộc vận động phát huy dân chủ tìm tòi cách đánh B52 và các loại máy bay chiến thuật của đế quốc Mỹ đã cổ vũ lực lượng phòng không của cả ba thứ quân, nhất là bộ đội Phòng không – Không quân đề xuất được cách đánh mưu trí sáng tạo, khôn khéo của từng binh chủng, từng loại vũ khí, trang bị kỹ thuật và đều tiêu diệt hoặc góp phần hạ gục con “át chủ bài” B52 của không quân Mỹ. Điển hình là bộ đội ra đa đã tập trung nghiên cứu phá thủ đoạn gây nhiễu nặng của địch làm “mù” ra đa của ta khi đội hình lớn của máy bay Mỹ đánh phá vào Hà Nội, Hải Phòng, góp phần quyết định vào thành công trong cách đánh chiến dịch. Bộ đội ra đa đã tập trung nghiên cứu, tổ chức hệ thống trạm đài liên hoàn hỗ trợ cho nhau canh trực theo dõi chặt chẽ mọi hành động của địch, phát hiện từ xa chính xác mọi loại máy bay của Mỹ ở các tầng cao, không để bị bất ngờ. Với Binh chủng tên lửa, hoả lực chủ yếu tiêu diệt B52 của địch trong chiến dịch này đã vận dụng cách đánh B52 theo phương pháp phóng đạn tập trung đã được tổng kết để bắn rơi tại chỗ máy bay B52 của địch. Với lực lượng phòng không đã triệt để khai thác tính năng kỹ thuật, chiến thuật của mọi loại vũ khí của thế trận phòng không nhân dân ba thứ quân để đánh loại máy bay F111A hiện đại của Mỹ, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ đánh máy bay chiến thuật, bảo vệ tốt các trận địa tên lửa và các mục tiêu khác cả ban ngày và ban đêm. Bộ đội không quân đã nêu cao ý chí tiến công, vận dụng kinh nghiệm các trận không chiến đã tổng kết, nghiên cứu việc cất cánh, hạ cánh, vượt qua hàng rào máy bay F4 bảo vệ các tốp B52, khắc phục nhiễu làm “mù” ra đa trên máy bay của ta để tiến công tiêu diệt “siêu pháo đài bay” B52 hoàn thành nhiệm vụ trở về căn cứ khi đánh đêm. Với cách đánh phù hợp của lưới lửa phòng không của chiến tranh nhân dân Việt Nam, có tầm thấp, tầm cao, phát hiện và đánh chặn từ xa đến gần, tập trung hoả lực mạnh bảo vệ mục tiêu chủ yếu và vận dụng linh hoạt, phát huy cao nhất tính năng, tác dụng của mọi loại vũ khí mà ta có, lực lượng Phòng không – Không quân nhân dân Việt Nam đã tiêu diệt nhiều máy bay chiến thuật và bắn rơi tại chỗ “siêu pháo đài bay” B52 của Mỹ, giữ quyền chủ động trong quá trình chiến dịch, đập tan cuộc tập kích chiến lược lớn nhất của không quân Mỹ trong 12 ngày đêm của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”.

Bài học công tác tư tưởng rút ra từ đây là, cùng với việc giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâp chiến đấu của bộ đội, công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng phải đề cao dân chủ, động viên cán bộ, chiến sĩ phát huy trí tuệ, ra sức học tập nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật và chuyên môn nghiệp vụ, bảo đảm cho bộ đội vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng vừa tinh thông kỹ, chiến thuật, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Trong điều kiện hiện nay, công tác tư tưởng phải kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục đạo đức, lối sống Bộ đội Cụ Hồ với giáo dục kiến thức văn hoá khoa học kỹ thuật, chiến thuật quân sự. Động viên cán bộ, chiến sĩ tiến quân vào khoa học kỹ thuật quân sự, ra sức học tập nâng cao bản lĩnh chiến đấu, trình độ kỹ, chiến thuật, năng lực chủ vũ khí trang bị hiện đại. Kiên quyết phê phán, khắc phục tư tưởng bảo thủ, không chịu đi sâu vào khoa học – kỹ thuật, không thấy sự đổi mới về trang bị vũ khí, kỹ thuật tác động tới con người, tổ chức và cách đánh. Đồng thời cũng đề phòng khuynh hướng tư tưởng “thần thánh hoá” vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao của địch dẫn đến tự ti, mất lòng tin vào khả năng giành thắng lợi của ta.

3. Kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng, công tác tổ chức, công tác chính sách, phát huy cao nhất sức mạnh, hiệu lực của công tác tư tưởng trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”. Đây là bài học tiến hành công tác tư tưởng trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”. Thực tiễn cho thấy, trong quá trình diễn biến chiến dịch, công tác tư tưởng đã kết hợp chặt chẽ với công tác tổ chức đi sâu vào các mặt cụ thể như lập phương án kế hoạch chiến dịch, chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị hậu cần kỹ thuật bảo đảm tác chiến và mọi yếu tố cần thiết khác, tham gia vào việc rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật; tổ chức các phong trào thi đua nghiên cứu tìm tòi cách đánh; tuyên truyền tin chiến thắng, kinh nghiệm chiến đấu chống không quân địch…Công tác tư tưởng không chỉ là của cấp uỷ, cán bộ chính trị, cơ quan chính trị mà trở thành công tác của mọi người, mọi tổ chức, của cả tập thể quân nhân từ tìm tòi cách đánh đến việc bảo đảm hậu cần kỹ thuật trang bị vũ khí, đạn dược, khí tài, tháo gỡ những khó khăn do điều kiện kinh tế – kỹ thuật quân sự của ta, bảo đảm đến mức cao nhất cho chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” thắng lợi.

Do kết hợp chặt chẽ với công tác tổ chức mọi lúc, mọi nơi, mọi giai đoạn tác chiến chiến dịch, nên trong những tình huống khó khăn, phức tạp đã bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ luôn thông suốt nhiệm vụ, nhất trí và có quyết tâm cao, tin tưởng vào thắng lợi, đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ, chấp hành mệnh lệnh và kỷ luật nghiêm, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo. Đơn vị nào cũng hoàn thành nhiệm vụ, binh chủng nào cũng lập được chiến công.

Bài học này chỉ ra rằng, công tác tư tưởng phải dựa vào các tổ chức, phát huy vai trò của các tổ chức lãnh đạo, chỉ huy, tổ chức quần chúng và bằng nhiều biện pháp để tiến hành giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu của bộ đội. Phải làm công tác tư tưởng với từng người, từng tổ chức, từng đơn vị theo từng nhiệm vụ. Trước hết phải phát huy sức mạnh của tổ chức lãnh đạo, tổ chức chỉ huy trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng, quán triệt nhiệm vụ, xây dựng quyết tâm chiến đấu cho cán bộ, đảng viên; chỉ rõ phương hướng hành động cho cán bộ, đảng viên. Cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp phải luôn chủ động dự kiến tình hình tư tưởng kịp thời phát hiện những vấn đề mới nảy sinh để không bị động bất ngờ về tư tưởng trước những diễn biến nhanh chóng khẩn trương của các hình huống chiến dịch. Phải nắm chắc tình hình tư tưởng của bộ đội, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên về bản lĩnh chính trị, năng lực nắm vững những quan điểm tư tưởng trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, mệnh lệnh của cấp trên, để khi tình hình có diễn biến phức tạp thì vẫn đủ sức chủ động lãnh đạo về mọi mặt, trước hết là lãnh đạo đúng đắn về chính trị – tư tưởng.

Cùng với việc tiến hành công tác tư tưởng trong tổ chức đảng phải lãnh đạo chỉ đạo các tổ chức quần chúng, phát huy đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, vận động quần chúng phát huy sáng kiến ra sức thi đua chiến đấu, thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, chỉ thị mệnh lệnh của cấp trên, củng cố mối liên hệ mật thiết mối liên hệ giữa Đảng với quần chúng. Nhận rõ vai trò xung kích của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các tổ chức Đảng, cơ quan chính trị các đơn vị tham gia chiến dịch đã coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm đoàn thanh niên thường xuyên vững mạnh, làm tốt việc giáo dục, động viên, tổ chức phong trào thành niên phát huy sáng kiến, cải tiến trang bị, vũ khí, tham gia vào việc nghiên cứu đề xuất cách đánh chống lại không quân Mỹ theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Trong chiến dịch này, phong trào thi đua “Vạch nhiễu tìm thù” đã được phát động trong toàn binh chủng ra đa đã hướng vào giải đáp thành công những câu hỏi khó khăn nhất, gay cấn nhất của đơn vị và binh chủng là nâng cao trình độ quan sát, phát hiện sớm máy bay của địch từ xa, phá thủ đoạn gây nhiễu làm “mù”ra đa của ta, không để bị bất ngờ, nhất là khi chúng đánh vào Hà Nội, Hải Phòng.

Thực tiễn chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” đã chứng minh rằng, muốn phát huy sức mạnh, hiệu lực của công tác tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cho bộ đội, trước hết phải làm tốt công tác tư tưởng trong nội bộ tổ chức Đảng, làm từ trong Đảng ra đến các tổ chức quần chúng. Trong cuộc chiến đấu này, ta phải đương đầu với không quân Mỹ có vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại. Chúng ta có nhiều thuận lợi nhưng khó khăn cũng chồng chất. Điều đó đặt ra yêu cầu mới, cách nhìn mới đối với công tác tư tưởng trong xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu của bộ đội. Phải xây dựng đơn vị vững chắc về tư tưởng. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ có phải có quyết tâm chiến đấu cao, không sợ hy sinh, không nề gian khổ để vượt qua mọi khó khăn thử thách. Yếu tố trang bị kỹ thuật và cách đánh rõ ràng là cực kỳ quan trọng trong sức mạnh chiến đấu. Nhưng không vì thế mà coi nhẹ nhân tố chính trị – tinh thần, coi nhẹ công tác tư tưởng. Vũ khí trang bị kỹ thuật ngày càng hiện đaị, càng đòi hỏi cao ở bộ đội về phẩm chất chính tri – tinh thần. Chỉ có trên cơ sở giác ngộ chính trị cao, ý chí quyết đánh, quyết thắng với tinh thần dũng cảm, kiên cường thì mới mưu trí, sáng tạo, tìm ra cách đánh tốt, mới giải quyết tốt các vấn đề về tổ chức, kỹ thuật, nghệ thuật quân sự…bảo đảm giành thắng lợi

Đại tá, TS Trần Ngọc Tuệ
Viện khoa học xã hội nhân văn quân sự – BQP

——————————————————————————–

[1] .Tổng cục Chính trị, Lịch sử công tác đảng, công tác chính trị trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ 1945 – 1975, Nxb QĐND, Hà Nội, 1998,tr.534-535.

[2] . Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG,Hà Nội,1996, tr.465-466

Theo Tạp chí Tuyên giáo
Huyền Trang (st)

bqllang.gov.vn

Linebacker-II: ‘Sai lầm ngay khi mới bắt đầu’

Sai lầm nối tiếp sai lầm khiến Mỹ phải trả giá đắt ở Việt Nam, cho sự liều lĩnh của phe diều hâu trong Nhà Trắng, dưới thời Tổng thống Nixon.

Robert O. Harder

(ĐVO) Trong cuốn hồi ký “Cuộc chiến 11 ngày” của  Robert O. Harder, cựu hoa tiêu dẫn đường trên máy bay ném bom B-52 tham gia chiến dịch Linebacker-II, tác giả thừa nhận và chỉ ra những sai lầm trong việc hoạch định chiến lược cũng như sử dụng B-52 trong chiến dịch không kích quy mô lớn nhất kể từ sau thế chiến thứ 2  này.

Cuốn hồi ký có đoạn: “Sau khi không thể thuyết phục Bắc Việt về bản dự thảo đàm phán hòa bình đầu tháng 10/1972. Tổng thống Richard Nixon đã ra lệnh cho Không quân Mỹ thực hiện cuộc tập kích đường không quy mô lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam nhằm đạt được những lợi thế trên bàn đàm phán”.

“Linebacker-II đã là một sự thất bại ngay khi bắt đầu, nhiều người chúng tôi biết điều đó nhưng buộc phải hành động theo chỉ thị của cấp trên”.

Chỉ thị từ Tổng thống Nixon thực sự là một sự “bất ngờ” lớn đối với Bộ chỉ huy không quân chiến lược Mỹ SAC.

SAC dường như không đủ thời gian để chuẩn bị các kế hoạch dự phòng phù hợp với mục tiêu của chiến dịch Linebacker-II.

SAC đã áp dụng chiến thuật của các hoạt động ném bom hạng nhẹ dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh mà các máy bay B-52 đã thực hiện nhằm ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam trong chiến dịch Linebacker-II.

Tồi tệ hơn, trong gần 8 năm hoạt động ném bom dọc theo dãy Trường Sơn trong môi trường tương đối an toàn SAC đã trở nên tự mãn với những gì mình có và xem nhẹ mối đe dọa từ mặt đất.

>> Kéo SAM-2 lên đỉnh Trường Sơn trị AC-130

Các chỉ huy SAC nói với chúng tôi rằng: “B-52 đã được trang bị các thiết bị điện tử hiện đại nhất để miễn nhiễm với SA-2 và MiG-21 của Bắc Việt”. Nhưng ngay khi bước vào chiến dịch đó thực sự là nỗi kinh hoàng của chúng tôi. Stratofortress tỏ ra rất dễ bị tổn thương bởi tên lửa đất đối không dẫn hướng SAM-2.

Các máy bay B-52 tấn công vào Hà Nội đều bay cùng một tuyến đường, độ cao và lịch trình. SAC đã phải trả giá cho 34 B-52 bị bắn hạ tại Việt Nam.

SAC đã lập một kế hoạch “dở tệ” cho một chiến dịch quy mô lớn như Linebacker-II.

Tất cả các máy bay B-52 cất cánh từ căn cứ U-Tapao của Thái Lan hoặc căn cứ Andersen trên đảo Guam đều khởi hành từ cùng một điểm, cùng một kiểu điều hành bay, đội hình kiểu một khối, cùng một độ cao và khoảng cách giữa các đợt tấn công.

Đại úy Don Craig, phi công lái B-52 xuất phát từ căn cứ không quân Andersen đã chia sẻ: “Chúng tôi biết có những sai sót lớn trong kế hoạch, bắt đầu bằng việc các máy bay ném bom  tới từ cùng một địa điểm trên cùng một tuyến đường và nó đi thẳng xuống khu vực “Thud Ridge”(*), giống như con vịt trong trò chơi bắn súng”.

* Thud Ridge là biệt hiệu mà các phi công F-105 của Mỹ thường gọi khu vực Tam Đảo trong các hoạt động áp chế hệ thống phòng không Bắc Việt.

Đại úy Wilton Strickland nhân viên radar dẫn đường trên B-52 cất cánh từ căn cứ U-Tapao, Thái Lan đồng tình với quan điểm của đại úy Craig. “Với khoảng cách xa của chuyến bay, hệ thống phòng không Bắc Việt đã có nhiều thời gian để theo dõi và bắn các máy bay trước khi nó tiến vào khu vực mục tiêu. Họ biết rõ tuyến đường, độ cao, khoảng cách cũng như phương pháp tiếp cận của chúng tôi”. Đại úy Strickland nói

Thống kê B-52 bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội.

Một vấn đề nghiêm trọng khác là các nhà hoạch định kế hoạch của SAC bắt buộc các phi công phải thực hiện một động tác chống phá vỡ bằng cách chao cánh về bên phải sau khi ném hết bom. Đây là động tác được thực hiện sau khi ném bom hạt nhân. Động tác này là vô nghĩa và nó làm cho tốc độ của máy bay bị chậm lại và đặt B-52 vào tình thế nguy hiểm từ hệ thống phòng không của Bắc Việt.

Ngay đêm đầu tiên của chiến dịch, 3 B-52 đã bị bắn hạ (trùng với thống kê của Việt Nam), một tổn thất bất ngờ đối với SAC. Họ đã không thể ngờ được khả năng chống cự của hệ thống phòng không Bắc Việt lại mạnh mẽ như vậy.

SAC cũng không thể ngờ được Hà Nội lại có nhiều tên lửa đến vậy, theo phía Mỹ dự đoán, có khoảng 200 quả đã được bắn lên trong ngày đầu tiên.

Ngày thứ 3 của chiến dịch được coi là một “bi kịch” của SAC, 90 lần B-52 đã được huy động, 6 B-52 bị bắn rơi (phía Việt Nam ghi nhận Mỹ mất 7 máy bay trong ngày này). Sau 3 ngày, 9 B-52 đã bị bắn rơi (Việt Nam ghi nhận là 12 chiếc B-52 bị bắn rơi).

Tỷ lệ tổn thất lên đến 7% quá cao so với dự kiến của SAC. Tuy nhiên, Tướng John C. Meyer, Tư lệnh SAC quyết định tăng cường hơn nữa cường độ của các cuộc không kích và người Mỹ phải trả giá.

Đại úy Captain Strickland là người được giao nhiệm vụ vào ngày thứ 6 của chiến dịch đã may mắn quay trở về căn cứ an toàn. Ông đã tỏ ra rất phẫn nộ trong cuộc họp đánh giá sau đó: “Ai là người đã lập kế hoạch cho một chiến thuật ngu ngốc như thế? Đối phương đang sử dụng kế hoạch của chúng ta, cùng với sự chậm chạp trong triển khai và thu hồi đội hình để theo dõi và bắn chúng ta”

Tướng Glenn Sullivan, Tư lệnh Sư đoàn không quân số 17 đóng quân tại U-Tapao, Thái Lan đã có mặt và lắng nghe ý kiến của các phi hành đoàn nhưng việc thay đổi chiến thuật đã không được thực hiện. SAC đã không có đủ thời gian để khảo sát các tuyến bay mới và việc đó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tuyến đường B-52 đánh vào Hà Nội vẫn được giữ như cũ cho đến hết chiến dịch, chỉ có một thay đổi nhỏ là biến thể B-52G được trang bị hệ thống gây nhiễu mới nhưng điều  đó cũng không giúp SAC giảm số lượng B-52 bị bắn hạ trên bầu trời Hà Nội.

>> Vạch mặt ‘kẻ phá đám’ SAM-2: Chiến công thầm lặng của đơn vị trinh sát nhiễu
>> Giải mật bộ khí tài bắt B-52 lộ diện

Linebacker-II đã kết thúc sau 12 ngày không kích, Việt Nam không hề bị khuất phục. Linebacker-II đã diễn ra với một chiến thuật nghèo nàn và SAC đã phải trả giá đắt khi đánh giá thấp khả năng phòng không của Việt Nam.

>> Phòng không Việt Nam đối đầu với ‘sát thủ radar’ Mỹ
>> Hình ảnh phục dựng B-52, SAM-2, MiG-21
>> Điện Biên Phủ trên không: SAM-3 chưa kịp tham chiến

Quốc Việt
baodatviet.vn

Vạch mặt ‘kẻ phá đám’ SAM-2: Chiến công thầm lặng của đơn vị trinh sát nhiễu

Để có được chiến thắng vang dội trước cuộc tập kích bằng B-52 cuối tháng 12/1972, không thể không kể đến sự đóng góp “thầm lặng” của đơn vị trinh sát nhiễu.

(ĐVO) Nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (12/1972-12/2012), Đất Việt đã có cuộc trò chuyện với Trung tướng Phan Thu – Nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trinh sát nhiễu để hiểu rõ hơn vai trò của người lính trinh sát nhiễu trong kháng chiến Mỹ:

Sự ra đời của “Đội nhiễu”

Từ sau chiến tranh thế giới thứ II, công nghệ radar được ứng dụng rộng rãi trong quân sự, nhằm giúp lực lượng phòng không các nước phát hiện, cảnh báo và đánh trả các cuộc tập kích đường không một cách hiệu quả. Nhìn xa hàng chục, hàng trăm kilomet, báo sớm các cuộc tấn công và chỉ rõ mục tiêu để hỏa lực phòng không tiêu diệt. Do đó, radar được ví với “mắt thần” của phe phòng phủ. Không chịu thua kém, phe tấn công tìm mọi biện pháp để bịt mắt, chọc mù những “đôi mắt” thần này. Một trong những biện pháp đó là hoạt động gây nhiễu.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam. Đế Quốc Mỹ rất coi trọng thủ đoạn gây nhiễu radar của ta. Đặc biệt, từ năm 1965, khi bộ đội phòng không Việt Nam được trang bị tên lửa SAM-2, địch thực hiện các thủ đoạn gây nhiễu một cách quyết liệt hơn.

Tất cả các loại radar của ta đều bị gây nhiễu bằng máy gây nhiễu tích cực và máy gây nhiễu tiêu cực lắp trên các chiến đấu cơ chiến thuật, máy bay ném bom của Không quân Mỹ. Phía ta ghi nhận, nhiều trường hợp thủ đoạn gây nhiễu của địch làm trắng màn hiện sóng radar, không thể xác định được mục tiêu để chỉ điểm cho phòng không đánh trả.

Những thủ đoạn của địch đã làm giảm đi hiệu suất chiến đấu của bộ đội tên lửa, trước tình hình đó đòi hỏi Quân chủng Phòng không – Không quân cần thiết thành lập Đội trinh sát nhiễu làm nhiệm vụ tìm hiểu tính năng kỹ thuật và thủ đoạn chiến thuật gây nhiễu của địch.

Trước tình hình mới, từ năm 1967, Liên Xô có đề nghị đưa sang Việt Nam một số thiết bị trinh sát điện tử và một đoàn cán bộ thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến tranh điện tử làm nhiệm vụ nghiên cứu tìm hiểu phương tiện của Mỹ. Bộ tư lệnh Quân chủng thành lập Đội nhiễu để phối hợp với bạn.

Ngày 10/1/1967, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân ký quyết định thành lập Đội nhiễu (thuộc Bộ Tham mưu Quân chủng) do đồng chí Phan Thu làm đội trưởng. Đội nhiễu ban đầu chỉ có 34 đồng chí là các cán bộ, trắc thủ, thợ sửa chữa radar từ các đơn vị quân chủng điều về.

Trang bị của Đội trinh sát nhiễu gồm có: máy thu sóng m P-313, P-314, P-325; máy thu sóng dm và cm D1K; máy thu tín hiệu radar PC-1, PC-2, PC-3; các máy phân tích phổ của tín hiệu; máy ghi âm để ghi lại tín hiệu thu được và máy quay phim, chụp ảnh.

“Vạch mặt kẻ phá đám” SAM-2

Giai đoạn 1967-1968, để đối phó với đạn tên lửa của ta, máy bay Mỹ sử dụng máy gây nhiễu ALQ-71 mở rộng tần số gây nhiễu sóng 10cm trùm qua rãnh đạn tên lửa, làm cho đạn tên lửa của ta mất điều khiển.

Theo tổng kết, tên lửa của ta gặp phải ba trường hợp: đạn được phóng lên nhưng rơi tại chỗ, đạn không có điều khiển bay vọt lên cao tự nổ hoặc đạn không rời bệ phóng vì không bắt được tín hiệu điều khiển.

Thủ đoạn này của đối phương làm bộ đội tên lửa giảm đáng kể khả năng chiến đấu, đạn bắn lên rơi xuống đất rõ ràng không thể đối phó máy bay địch. Một yêu cầu được đặt ra, cần phải nghiên cứu tỉ mỉ đặc điểm từng loại nhiễu để đề xuất các phương án cải tiến kỹ thuật. Trước tình hình đó, Đội nhiễu khẩn trương vào cuộc nghiên cứu phân tích để tìm ra và khắc phục.

“Thật may, tháng 5/1967 bộ đội tên lửa phòng không đã bắn rơi một chiếc F-4C của Không quân Mỹ và chúng tôi thu được một máy gây nhiễu ALQ-71 khá nguyên vẹn. Đây là một chiến lợi phẩm rất quý, có nó chúng ta có thể giải đáp được nhiều vấn đề về chống nhiễu trong đội hình đối với các loại máy bay chiến thuật của Không quân Mỹ”, Trung tướng Phan Thu kể lại.

“Kẻ phá đám” SAM-2 – máy gây nhiễu rãnh đạn AN/ALQ-71.

Sau đó, cán bộ kỹ thuật quân sự Việt Nam nhanh chóng triển khai công tác nghiên cứu, phân tích kỹ càng máy ALQ-71.

“Chúng tôi đã “mổ xẻ” ALQ-71 để nghiên cứu, phân tích tỉ mỉ. Đèn phát máy ALQ-71 được nối điện theo đúng thông số kỹ thuật của nó để khảo sát tính năng điện của máy gây nhiễu. Sau khi nối điện để đèn phát nhiễu của máy ALQ-71 làm việc, chúng tôi đã đo được dải tần số phát ổn định của nó rất rộng, có thể trùm hết cả rãnh mục tiêu và rãnh đạn của đài điều khiển tên lửa”, Trung tướng Phan Thu nói.

Những thông tin quý giá do Đội nhiễu tìm ra được chuyển lên cấp Bộ Tư lệnh Quân chủng và chuyên gia Liên Xô. Ngay sau đó, thông tin này tiếp tục chuyển sang Moscow để các nhà khoa học Liên Xô cải tiến.

“Các nhà khoa học Liên Xô đã có bước cải tiến cơ bản, vừa điều chỉnh lệch tần số, vừa nâng cao công suất đèn phát tín hiệu trả lời của đạn về đài điều khiển. Nhờ vậy, tín hiệu trả lời của đạn vượt lớn hơn tín hiệu nhiễu, khiến máy gây nhiễu của Mỹ không thể rượt đuổi theo được do bị hạn chế về công suất phát. Từ đó, tất cả đạn tên lửa của ta đều được thay máy phát tín hiệu trả lời có công suất lớn hơn nhiều và nhiễu rãnh đạn bị chấm dứt từ đây”, Trung tướng Phan Thu cho biết.

Có thể nói, việc cải tiến chống nhiễu rãnh đạn cho đạn SAM-2 là một trong những bước cải tiến quan trọng. Việc khắc chế hoàn toàn nhiễu rãnh đạn giúp “rồng lửa Thăng Long” SAM-2 tiếp tục phát huy hiệu quả bắn rơi nhiều máy bay địch, trong đó có “pháo đài bay” B-52.

Tiểu sử Trung tướng Phan Thu

Trung tướng Phan Thu – nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn trinh sát nhiễu.

Trung tướng Phan Thu sinh ngày 16/6/1931 tại tỉnh Thà Khẹt (Lào). Sau Cách mạng tháng 8/1945, ông cùng gia đình trở về Hà Nội. Toàn quốc kháng chiến 1946, ông tản cư về làng và làm nhiệm vụ giúp đỡ bà con, dạy bình dân học vụ, đi tuyên truyền kháng chiến. Ngày 6/1/1949, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 5/1950, ông nhập ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông được cử đi học Lục quân Khóa VI tại trường của ta đặt ở Vân Nam, Trung Quốc. Học xong, ông được giữa lại làm trợ giáo hai khóa 7-8.

Sau 1950, ông cùng đơn vị pháo binh 105mm về tham gia nhiều chiến dịch lớn của quân đội, như chiến dịch Hòa Bình. Năm 1954, ông được chuyển về phòng không, học pháo cao xạ trung cao 88mm của Liên Xô viện trợ tại Thẩm Dương (Trung Quốc).

Từ 1956-1967, ông làm trợ lý radar phòng huấn luyện Sư đoàn phòng không 367. Trong giai đoạn này, ngoài công tác huấn luyện cho bộ đội sẵn sàng chiến đấu, ông cũng có những đề tài nghiên cứu cải tiến radar SON-9A bắt mục tiêu bay thấp, nâng công suất phát radar SON-9A…

Năm 1967, ông được bổ nhiệm làm Phó phòng Khoa học Quân sự rồi làm Đội trưởng Đội trinh sát nhiễu kiêm Phó phòng Quân báo.

Ngày 28/5/1970, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Khi đó, ông đang là Phó phòng Quân báo kiêm Đội trưởng Đội nhiễu và là Trưởng phòng Nghiên cứu Kỹ thuật Quân chủng Phòng không – Không quân.

>> Phòng không Việt Nam đối đầu với ‘sát thủ radar’ Mỹ
>> Những vật dụng ‘xa xỉ’ thời chiến
>> Hình ảnh phục dựng B-52, SAM-2, MiG-21
>> Điện Biên Phủ trên không: Phục dựng hình ảnh B-52, SAM-2, MiG-21
>> SR-71: Trinh sát của Mỹ, ‘chỉ điểm’ của VN
>> Điện Biên Phủ trên không: SAM-3 chưa kịp tham chiến
>> Điện Biên phủ trên không: Không thiếu đạn, không ‘nối tầng’ SAM-2

Phượng Hồng
baodatviet.vn