17 trận đánh độc đáo của bộ đội PK-KQ (kỳ 1)

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bộ đội pháo phòng không luôn là đơn vị mở đầu những chiến công tiêu diệt máy bay địch trên bầu trời Tổ quốc.

Nhân dịp bảo tàng PKKQ tổ chức triển lãm “Một số trận đánh độc đáo của bộ đội PK-KQ”, Đất Việt xin giới thiệu thông tin và hình ảnh về 17 trận đánh tiêu biểu:

(ĐVO) Kỳ 1: Đạn pháo đan lưới lửa

Hạ “giặc 5 đầu” B-24

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Không quân Pháp đưa tới lòng chảo Điên Biên đội hình máy bay hùng hậu hiện đại (B-24, B-25, F-6F, F-8F, SB-20, C-47, C-119,…). Tuy nhiên, chúng đã vấp phải lưới lửa phòng không của bộ đội pháo cao xạ, hầu hết các loại phi cơ này đều bị bắn rơi.

Nhưng có một loại mà mãi tới gần cuối chiến dịch ta vẫn chưa hạ được, máy bay ném bom B-24. Trước tình hình này, Bộ chỉ huy chiến dịch yêu cầu lực lượng phòng không nghiên cứu tìm cách bắn rơi B-24.

B-24 trang bị bốn động cơ cánh quạt, bộ đội ta thường gọi “giặc 5 đầu”, với “ 4 đầu” tương ứng 4 động cơ cánh quạt lắp trên cánh và “một đầu” là mũi máy bay.

Qua quá trình nghiên cứu, phía ta xác định được B-24 thường ném bom ở độ cao 3.000-3.500m, ngoài cự ly bắn hiệu quả của pháo 37mm. Dù vậy, B-24 có điểm yếu “to xác” và đường bay “ổn định”. Vì thế, nếu ta chọn thời cơ bắn chính xác, vị trí đặt pháo trên điểm cao hợp lý thì hoàn toàn có thể tiêu diệt được B-24.

Khoảng 10h ngày 12/4/1954, trinh sát của ta phát hiện “hướng 12! Một B24!”. Khi đó, Đại đội phó đại đội 828 (trung đoàn cao xạ 367) Nguyễn Đỗ Hưu bình tĩnh quan sát, còn trắc thủ liên tục báo cự ly: “6.000!…5.000!…4.000!…3.000!…”

Đúng độ cao hiệu quả, đồng chí Nguyễn Đỗ Hưu ra lệnh bắn, đồng loạt cả bốn khẩu 37mm nổ súng. Loạt 12 viên 37mm đã “chém phăng đầu dài nhất” của B-24. Chiếc B-24 mất điều khiển, từ độ cao 3.000m lao thẳng xuống cánh đồng Bản Kéo.

Đây là chiếc máy bay ném bom đầu tiên bị bắn rơi và cũng là chiếc thứ 59 bị hạ trong chiến dịch góp phần chặn đứt cầu hàng không của Pháp tăng cường cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Với chiến thắng này, Bộ chỉ huy chiến dịch đã tặng thưởng đại đội 828 Huân chương Quân công hạng Nhì.

“Radar giả” lừa máy bay địch

Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, bằng chiến thuật dùng trận địa radar, pháo, tên lửa làm bằng…cót tre, bộ đội phòng không đã đánh lừa, phục kích bắn hạ nhiều máy bay địch.

Lần đầu ta sử dụng chiến thuật này trong trận chiến đấu ngày 26/3/1965 của tiểu đoàn pháo 8 – Trường sỹ quan cao xạ bảo vệ trận địa radar ở Rú Nài (Hà Tĩnh).

Tình hình lúc đó, đầu năm 1965 địch tăng cường không quân đánh phá nhiều trận địa radar ở Vĩnh Linh, Quảng Bình nhằm bịt “con mắt” canh trời miền Bắc. Bộ tư lệnh quân chủng PKKQ đưa ra nhận định, địch sẽ đánh tiếp vào đơn vị đóng ở Rú Nài – Hà Tĩnh.

Đại đội trưởng đại đội 82 và trinh sát viên đang xử lý tình huống chiến đấu.

Vì vậy, phía ta quyết định tổ chức trận phục kích nhử địch tiêu diệt chúng. Khoảng 17h30 ngày 25/3, đại đội radar 13 cơ động về vị trí dự bị, còn ở Rú Nài cho dựng trận địa radar giả lằm bằng cót, tre.

Tới 13h ngày 26/3, đại đội radar 13 phát hiện địch và thông báo “mục tiêu bay từ hướng 34 về hướng số 4 cự ly 50km”, ngay lập tức sở chỉ huy lệnh cho tiểu đoàn 8 vào vị trí chiến đấu. Ở cự ly 26km, kính TZK phát hiện nhiều tốp mục tiêu bay từ hướng 4 và 14 gồm các loại phản lực F8U, F4H vào đến tầm 20km.

Mục tiêu hướng 14 chia làm hai đường bay với 8 chiếc F8U bay thẳng vào, ba tốp bay về hướng 1. Tiểu đoàn 8 hạ lênh, “toàn tiểu đoàn tiêu diệt mục tiêu hướng 14”. Lúc này, máy bay địch theo đội hình bàn tay xòe, rồi chuyển sang đội hình so le đôi, lấy mũi Sót làm điểm kiểm tra bay vào nâng độ cao chiếm đỉnh, bổ nhào đánh trận địa giả ở Rú Nài.

Khi mục tiêu bổ nhào đến cự ly hiệu quả, đại đội 82/83 đồng loạt nổ súng bắn trúng 2 chiếc F-8U, cả hai bốc cháy lao nhanh ra biển thoát thân.

Trên hướng số 1 có hai chiếc F-8U và hai F4H ở độ cao 4.000m bay vào nhằm thu hút hỏa lực và phát hiện pháo phòng không của ta. Tốp thứ 2 địch phát hiện hỏa lực phòng không, chúng tách tốp hai chiếc bổ nhào đánh đại đội 82, còn lại đánh đại đội 27.

Trận đánh ngày càng ác liệt, hỏa lực tiểu đoàn bắn lên mãnh liệt diệt chiếc đi đầu sau khi đã cắt bom, chiếc này trúng đạn lao ra rơi ngoài biển. Ba khẩu pháo đại đội 37 bị đất đá bắn vào, máy nạp đạn bị tắc.

Trên cao, một tốp AD-6 độ cao 1.000m từ hướng 34, chếch hướng 4 bay vào, đại đội 27 phát hiện mục tiêu bay thấp hướng 34, cự ly 7.000m. Sau khi khôi phục 3 khẩu pháo, đại đội nổ súng hạ chiếc AD-6.

Còn một tốp F-4H bay thấp vào từ cửa Sót trinh sát kết quả sau trận đánh, đại đội 82/83 đã kịp thời phát hiện nổ súng bắn rơi chiếc đi đầu. Trận đánh kết thúc lúc 13h56, bộ đội ta xuất sắc bắn rơi 5 máy bay địch.

Tên lửa…cót, tre trổ tài

Ngày 24/7/1965, tiểu đoàn tên lửa 63/64 đã phóng 4 quả SA-2 bắn rơi một máy bay F-4H của Không quân Mỹ tại khu vực Suối Hai – Trung Hà (Sơn Tây). Đòn đánh này làm giặc Mỹ choáng váng, không kịp phản ứng. Ở Mỹ, Tổng thống Johnson phải bỏ dở kỳ nghỉ để về Nhà Trắng.

Đoán chắc, địch sẽ tìm mọi cách để tấn công, phá hủy các trận địa tên lửa. Phía ta đã nhanh chóng tìm ra cách đối phó “độc đáo”. Ngày trong đêm ngày 24/7, tiểu đoàn 63/64 cơ động triển khai trận địa dã chiến ở Kim Đái và Thượng Thụy.

Thay vào hai trận địa Chùa Ghề và Võ Khuy là bộ khí tài tên lửa giả làm bằng cót, tre nhằm “nhử địch” tấn công tạo điều kiện cho lưới đạn phòng không tiêu diệt.

Ngày 27/7, lúc 14h18 trinh sát cụm A phát hiện tốp 8 chiếc F-105 chia hai hướng đánh vào trận địa tên lửa Chùa Ghề và Ngọc Nhị (Võ Khuy). Chúng bị đại đội 1 trung đoàn 234 bắn hạ một chiếc.

Khẩu đội pháo của tiểu đoàn 1, trung đoàn 234 tham gia phục kích bắn rơi máy bay Mỹ.

Tiếp đó, tốp F-105 khác từ khe núi phía đỉnh Tân Viên, lần lượt hai chiếc một bay thấp bổ nhào đánh trận địa Ngọc Nhị (Võ Khuy). Ngay lập tức, hai đội đội pháo 37mm của trường sĩ quan phòng không phối hợp phân cụm B đánh trả quyết liệt. Tới phút thứ 12, quân ta bắn hạ một chiếc F-105 ở Thanh Sơn, Phú Thọ, tên giặc lái nhảy dù và được trực thăng cứu thoát.

14h25 hai trực thăng cứu nạn có AD-6 yểm trợ bay vào cứu giặc lái ở Ba Trại, trung đoàn 224 đã bắn rơi một AD-6, bắt sống giặc lái. Tuy nhiên, đại đội 1 của trung đoàn 224 trúng bom địch làm 6 chiến sĩ bỏng nặng, 2 hy sinh.

Tới 14h50, 8 chiếc F-105 từ đỉnh Lưỡi Hái xông vào đánh trận địa Chùa Ghề và trận địa pháo phòng không. Pháo 57mm của tiểu đoàn 3 đã hiệp đồng với trận địa khác bắn rơi một F-105 tại trận, bắt sống giặc lái.

14h51 tốp cuối bốn chiếc F-105 xuất hiện từ đỉnh Tản Viên (Ba Vì) lao xuống đánh trận địa Ngọc Nhị (Võ Khuy). Đại đội 2 trung đoàn 234 tiếp tục bắn rơi thêm một F-105 đồng thời bắt sống giặc lái. Trận đánh tới đây kết thúc, ta phục kích bắn hạ liền 4 chiếc F-105 và một chiếc AD-6.

2 phút diệt 5 máy bay

Ngày 17/10/1967, tiểu đoàn pháo phòng không 18 (sư đoàn 365) đã tạo nên chiến thắng “2 phút bắn rơi 5 máy bay địch, trong đó có 4 chiếc rơi tại chỗ” bảo vệ Đáp Cầu (Hà Bắc).

Lúc 10h41, kính TZK của tiểu đoàn bắt được mục tiêu hướng 34 cực ly 35km, đang bay theo trục đường 18. Trong đó, tốp đầu 4 chiếc F-4C bay chếch về hướng Bắc Giang, tốp hai F-105D bay về hướng số 3, 32.

Đến cự ly 10km, địch chuyển từ đội hình bốn chiếc bàn tay xòe thành đội hình so le đôi lần lượt lượn vòng về hướng 32, lấy thị xã Bắc Ninh (tháp nhà thờ) làm điểm bổ nhào đánh cầu.

Đến cự ly hiệu quả, đạn từ trận địa pháo đại đội 10/34/36 lao thẳng vào chiếc thứ 1 và 3. Còn đại đội 8/9 bắn vào chiếc thứ 2 và 4. Mỗi chiếc một điểm xạ, cả tốp F105D đi đầu bị bắn hạ tại chỗ. Giặc lái nhảy dù bị quân dân Hà Bắc bắt sống.

Thấy tốp đầu bị diệt gọn, tốp F-105D bay sau tiếp tục bổ nhào theo đường bay tốp đầu. Hỏa lực của 5 đại đội tiếp tục “bủa lưới” bắn chặn địch, thêm một chiếc F-105D bị hạ. Đội hình địch rối loạn, phi công hốt hoảng ném bom bừa bãi rồi rút chạy. Đây là trận đánh hỏa lực pháo phòng không ôm sát mục tiêu bảo vệ, chỉ trong 2 phút diệt 5 chiếc, bắt sống nhiều phi công địch.

(còn nữa)

>> Truyền thống bộ đội PKKQ qua ảnh (kỳ 1)

Lê Nam
baodatviet.vn

Advertisement