Tag Archive | Sự kiện – Nhân chứng

Những ngày quyết tử

QĐND-Tháng 12-1972, Tiểu đoàn tên lửa 77, Trung đoàn 257 được giao nhiệm vụ chốt tại trận địa Chèm bảo vệ hướng Tây-Tây Bắc của Hà Nội. Đây là hướng chủ lực vì địch dùng máy bay từ Thái Lan và các căn cứ ở Nhật Bản đánh sang đều đi theo hướng này tiến vào Hà Nội. Đại tá Đinh Thế Văn lúc đó đang là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 trực tiếp chỉ huy chiến đấu tại trận địa. Ông đã dùng cuốn sổ tay được tặng ngày 2-6-1969 khi đi dự Đại hội Thi đua Quyết thắng lần thứ hai của Quân chủng PK-KQ để ghi lại khoảng thời gian ông cùng đồng đội chiến đấu quyết liệt với kẻ thù trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” để bảo vệ vùng trời Hà Nội. Hơn hai mươi trang nhật ký trong 12 ngày đêm lịch sử của Thủ đô anh hùng không dàn trải nhiều cảm xúc, từng câu từng chữ trong nhật ký là diễn biến của từng ngày chiến sự mà ông trực tiếp tham gia và chứng kiến, là cuộc đấu trí và sức gay go giữa ta và địch…

Ngày 18-12: Công tác chuẩn bị đã khá đầy đủ. Trước đó trên Sư đoàn và Quân chủng đã quán triệt kỹ, các phái đoàn xuống kiểm tra trận địa liên tục. Cả tiểu đoàn đã ở trong tư thế sẵn sàng.

Trước giờ G: Tôi cùng các đồng chí chỉ huy tiểu đoàn triệu tập anh em quán triệt tinh thần một lần nữa. Là những người lính phải đánh cho tốt, chuẩn bị với mọi tình huống. Đặc biệt là đánh B-52. 23 giờ 45 phút ngày 18-12: Khai hỏa.

Chúng tôi đánh được bốn trận thì ba trận nhìn rõ mục tiêu và được trên công nhận bắn rơi tại chỗ một chiếc.

Đêm 19-12 và 20-12: Chúng tôi đều đánh tốt. Đặc biệt đêm 20-12 chúng tôi đã đánh 4 trận đều nhìn rõ mục tiêu. 20 giờ 34 phút, nổ hai quả. 5 giờ 09, nổ hai quả. 7 giờ: nổ hai quả. Chúng tôi được trên công nhận có hai chiếc B-52 rơi tại chỗ.

Ngày 21-12: Kẻ địch đã dùng máy bay chiến thuật đánh vào trận địa chúng tôi. Theo chỉ thị của trên, chúng tôi giữ nguyên trận địa mặc kệ cho địch quần thảo ở trên. Không đánh ban ngày dễ lộ trận địa và để tiết kiệm dành đánh B-52.

Sáng 22-12: Vào khoảng tám, chín giờ cả tiểu đoàn chúng tôi vô cùng sung sướng và cảm động được Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuống thăm. Sung sướng và cảm động vì được Đại tướng xuống động viên, an ủi, cổ vũ ngay sau khi trận địa bị tấn công. Bản thân tôi thì còn lo thêm việc bảo vệ an toàn cho Đại tướng vì trận bom bi và các loại bom địch đánh xung quanh trận địa hôm trước phát hiện chưa hết. “Các đồng chí đánh rất giỏi” – thật vinh dự cho toàn đơn vị khi được Đại tướng khen ngợi.

CCB là chỉ huy các Tiểu đoàn tên lửa: 72, 77, 57 và 93 gặp lại nhau. (Từ trái sang: Nguyễn Long Hiếu, Đinh Thế Văn, Nguyễn Văn Phiệt, Phạm Văn Chắt, Nguyễn Mạnh Hùng). Ảnh: MINH TRƯỜNG

Ngày 24-12: Địch đến ngày càng đông hơn. Hồi hộp quá. Phải đối phó với thủ đoạn phức tạp của địch, đặc biệt là thủ đoạn kỹ thuật vô tuyến điện tử mỗi lần mở máy và thu phát sóng. Nhưng rồi diễn biến càng phức tạp thì chúng tôi càng lo đến trách nhiệm. Anh em chúng tôi trong kíp chiến đấu đồng chí nào cũng tập trung nghĩ đến nhiệm vụ, trách nhiệm bảo vệ nhân dân. Tất cả những kiến thức được học, cách tìm mục tiêu chống nhiễu qua mỗi trận đối địch đều được hồi tưởng và vận dụng tốt.

Ngày 25-12: Chúng tôi đã có những tổn thất hy sinh nhất định. Chúng tôi chưa làm tròn trách nhiệm với Đảng, với nhân dân vì địch còn đánh được nhiều mục tiêu, nhân dân còn bị tổn thất nhiều.

Ngày 26-12: 22 giờ 40 phút, quả một nổ, địch gây nhiễu mờ hệ thống. Không tiêu diệt được địch, để nó chạy mất.

Ngày 27-12: Chúng tôi vẫn nói với nhau: bảo đảm chiến đấu và lập được chiến công còn có sự đóng góp to lớn của nhân dân, cơ quan và các đơn vị bạn xung quanh. Ngay những ngày đầu mở chiến dịch, trong và sau khi địch đánh, các đội tự vệ của Viện Chăn nuôi và xã Thụy Phương đều có mặt cùng chúng tôi chiến đấu và giải quyết hậu quả. Bình thường vào các buổi sáng, các cháu nhỏ mang lá ngụy trang đến trận địa để giúp chúng tôi ngụy trang trận địa che mắt địch. Nhân dân xã Thụy Phương có hẳn một trung đội do đồng chí Liên – phó chủ tịch phụ trách sửa đường, có lúc phải đưa cả giường, ván ra kê lót kéo đạn vào để chúng tôi có đạn để đánh. Nhân dân như thế sao chúng tôi không quyết tâm. Từ những ý nghĩ đó chúng tôi đã dồn sức tập trung, khôi phục sửa chữa vũ khí, khí tài nhanh chóng. Kết quả chúng tôi chỉ bị mất sức chiến đấu một đêm, còn sau đó lại bảo đảm tiếp tục chiến đấu được…

Chiến dịch 12 ngày đêm kết thúc thắng lợi, Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất. Sau đó, ông tiếp tục phục vụ quân đội, đến tháng 10-1989 về nghỉ hưu với quân hàm đại tá. Trở về với cuộc sống đời thường, ông lại cùng với bà con quê hương khôi phục nghề rối nước truyền thống của thôn Đào Thục, Thụy Lâm, Đông Anh khi nó đang có nguy cơ mai một. Đến nay khi đã bước sang tuổi ngoài 70, trên mặt trận mới, người Tiểu đoàn trưởng năm xưa vẫn tiếp tục “xây đời” bằng tâm huyết của người lính.

VĂN PHI – BÍCH TRANG (sưu tầm và biên soạn)
qdnd.vn

Advertisement

Thư viết bên cánh sóng ra-đa

QĐND-Dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, tuy đã nghỉ hưu nhưng Đại tá Nghiêm Đình Tích cũng bận rộn chẳng kém “người Quân chủng”. Ông bảo, ngoài thời gian tiếp phóng viên các báo, đài tới hỏi chuyện và tham gia giao lưu trên truyền hình, ông còn dành nhiều thời gian kiếm tìm, hệ thống lại những kỷ vật từng gắn với cuộc sống quân ngũ và hạnh phúc gia đình ông trong suốt những năm tháng chiến tranh.

Ông có ý định lục tìm “kho ký ức” ấy từ cách đây ít tháng, khi vợ ông – bà Đỗ Thị Tâm – vừa qua đời do lâm bệnh hiểm nghèo… Trong khoảng lặng của cuộc trò chuyện, Đại tá Nghiêm Đình Tích đưa tôi xem những lá thư thời chiến đã sờn mép và nhuốm màu thời gian. Đó là những lá thư hai vợ chồng ông viết cho nhau trong những năm 1969-1973 và vẫn được gia đình ông lưu giữ cẩn thận suốt hàng chục năm qua. Vậy là trước khi được nghe người lính ra-đa “kể tội” B-52, tôi đã cùng ông lật giở những trang thư thời chiến và hiểu thêm phần nào những tháng năm gian khổ mà ông và người bạn đời đã từng phải trải qua.

Anh nhớ thương!

Hai tháng không nhận được thư anh, nhiều lúc em lại tự hỏi: Vì sao anh không biên thư? Rồi nhiều câu hỏi luôn quẩn quanh trong óc em: Hay là anh đã…? Nhận được thư anh, em càng hiểu anh hơn, và tất cả những ý nghĩ vẩn vơ trong em bỗng tan biến, nhường chỗ cho niềm vui và lòng tin từng được thử thách, xây đắp trong suốt 7 năm qua…”. (Thư ngày 2-8-1969)

Cho tới ngày cưới (12-12-1970), Nghiêm Đình Tích cũng chỉ tranh thủ 3 ngày cùng đồng đội về Hà Nội vận chuyển khí tài để tổ chức một đám cưới đạm bạc ở quê nhà – xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Tây-nay là Hà Nội), rồi sau đó lại vội vã bắt xe đơn vị cơ động vào chiến trường Khu 4.

Đã là cái Tết thứ hai anh không được đón xuân ở quê hương, phải xa nhà, xa gia đình, xa em yêu với nỗi nhớ nhung vô hạn. Nỗi nhớ nhung chỉ có những cặp vợ chồng mới cưới, phải xa nhau mới có thể cảm thông. Song cái vui của mùa xuân, của đất nước, của đơn vị đã làm cho niềm vui tâm hồn anh lớn lên và đã gần như choán hết cả tư duy và hành động của anh. Trong anh chỉ còn lại niềm khao khát tin vui đón Tết ở gia đình mình. Không biết năm nay em có được nghỉ và về quê ăn Tết không, tình hình đón Tết ở nhà ra sao?…”. (Thư ngày 27-1-1971)

Cựu chiến binh Nghiêm Đình Tích. Ảnh: QUANG HUY.

Nghiêm Đình Tích còn nhớ như in buổi chiều rét ngọt ngày 6-2-1971, đó là ngày chàng lính trẻ nhận được thư của người vợ mới cưới:

Nhận được thư em trong lúc xuân mới vừa đến và đang lặng lẽ trôi đi, đúng lúc anh đang ngóng chờ một tình cảm rất mới, rất đặc biệt, tình cảm của một cặp vợ chồng trẻ vừa mới cưới đã phải xa nhau và chưa rõ ngày gặp lại. Từng câu, từng chữ hiện lên rõ ràng, thân yêu trên mặt giấy như lời tâm sự, động viên, nhắn nhủ anh. Nhận được thư của Tâm, anh cảm thấy hình như chẳng còn rét nữa, tình cảm trong lá thư đã thực sự sưởi ấm tâm hồn anh…”. (Thư ngày 6-2-1971)

Trong khi ấy, đang công tác ở Ủy ban thống nhất Trung ương tại Hà Nội, người vợ trẻ Đỗ Thị Tâm luôn lo lắng cho sức khỏe và nhiệm vụ của chồng:

Anh thương nhớ của em!

Anh vẫn khỏe chứ, công tác chiến đấu ra sao, có bắt được nhiều mục tiêu không hay lại để bọn chúng “lọt lưới” hết rồi? Em luôn mong chờ tin chiến thắng của anh đấy. Ở nhà thầy, u và gia đình nhắc đến anh luôn, sao dịp Tết vừa qua anh không biên thư về nhà, để u cứ lo anh làm sao…”. (Thư ngày 30-3-1972)

Đại tá Nghiêm Đình Tích kể rằng, do chiến tranh mà có thời điểm 6 tháng liền ông không nhận được một lá thư của vợ, trong khi ở nhà “bà xã” vẫn thường xuyên gửi thư vào chiến trường và thư nào cũng thấy trách “sao em chẳng nhận được thư anh”, để rồi người lính ở tiền tuyến phải động viên, giải thích với người ở hậu phương: “Trong thư, em trách anh nhiều về việc em không nhận được thư anh, song tính đến nay đã hơn 6 tháng rồi, không có một lá thư nào của em đến với anh, trong khi địa chỉ vẫn không có gì thay đổi. Anh vẫn thường xuyên biên thư cho em, mặc dù điều kiện công tác của anh có bận rộn hơn trước. Đâu ngờ chúng ta lại không nhận được thư của nhau, để cho em buồn, thậm chí lại còn ngờ vực anh!”.

Bên cánh sóng ra-đa, Nghiêm Đình Tích đã có dịp trải lòng với những tâm sự lạc quan, tươi trẻ. Trong một lá thư gửi vợ, chàng lính trẻ đã tếu táo coi mình là “mục tiêu” nhỏ bé mà bom Mỹ không dễ dàng sát hại. Lá thư đề ngày 12-12-1972 và khi tới tay người nhận, đơn vị của Nghiêm Đình Tích cũng như quân, dân Thủ đô đã trải qua 12 ngày đêm chống chọi với cuộc tập kích đường không của B-52 Mỹ.

Em thương yêu của anh!

Hiện nay anh vẫn khỏe, sinh hoạt và công tác bình thường. Thời kỳ vừa qua địch đánh phá có phần ác liệt, ở ngoài ấy nghe đài hoặc nghe tin đồn kể ra cũng nóng ruột đấy, nhưng thực ra vẫn chưa ác liệt lắm đâu, mặc dù chúng có nhiều đợt B-52 đánh phá. Chỗ bọn anh nhiều lần nhìn thấy B-52, nhiều lần nghe rõ tiếng bom B-52 với âm độ khác nhau, và cũng có lần được “thưởng thức” tiếng bom B-52 cách đỉnh đầu hàng trăm mét, nổ cách chỗ ở 500-600m. Các loại máy bay khác cũng hoạt động mạnh cả ngày lẫn đêm quanh khu ở, có lần chúng bắn tên lửa vào khu công tác, song bọn anh đã khá quen với cuộc sống như vậy rồi.

Em đừng lo cho anh nhé, bởi vì các anh đã có “mắt thần”, dĩ nhiên hầu hết những lần như vậy bọn anh đều biết và làm việc bình thường. Hầm hố ở đây cũng đầy đủ và khá chắc chắn. Hơn nữa em nên nhớ rằng “Nó thấy mà chưa chắc đã đánh được, đánh chưa chắc đã trúng, trúng chưa chắc đã chết” và “mục tiêu” như anh lại vô cùng nhỏ bé. Yên tâm em nhé, đừng quá lo về anh mà già đi đấy!…”. (Thư ngày 12-12-1972)

Những lá thư thời chiến của vợ chồng CCB Nghiêm Đình Tích.

Sau dòng hồi ức gắn với những lá thư kỷ vật, Đại tá Nghiêm Đình Tích đã kể về công việc của những người lính ra-đa Đại đội 45, Trung đoàn 291 trong những ngày cuối tháng 12-1972. Có mặt tại trận địa ra-đa Đồi Si (Đô Lương, Nghệ An) năm ấy, ông đã từng “nóng ran người” khi trực tiếp phát hiện ra “đường bay lạ” của địch.

Khoảng 19 giờ ngày 18-12-1972, Đại đội 45 được lệnh mở máy, mấy phút sau Nghiêm Đình Tích và hai trắc thủ Phạm Hoàng Cầu, Nguyễn Văn Xích đã thấy những dải nhiễu B-52 ở đúng tọa độ mà trắc thủ máy đo cao Tô Trọng Huy đã thông báo. Mọi người trong kíp vẫn bình tĩnh vì họ đã quá quen với những tốp B-52 cất cánh từ căn cứ U-ta-pao vào đánh phá các mục tiêu ở Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng trên đất Lào. Trước đó, Nghiêm Đình Tích và đồng đội đã có hơn 3 năm rời Hà Nội vào bám trụ, lăn lộn ở chiến trường Khu 4, vì thế trong buổi tối 18-12, các anh đã phát hiện ra sự “bất thường” của không quân địch: B-52 đã đến phương vị 300 độ mà chưa đổi hướng. “Thường thì cứ đến các phương vị 270, 280 và 290 độ là chúng rẽ trái, tiến vào đất Lào, nhưng lần này nó bay qua phương vị 300. Người tôi nóng ran, vậy là chỉ còn mỗi đường là nó bay vào miền Bắc”, Đại tá Nghiêm Đình Tích nhớ lại.

Trong khoảng thời gian tính bằng giây quan sát trên màn hiện sóng, các trắc thủ của Đại đội 45 đã coi “Phương vị 300” như một ngã ba đường, và họ đã nhận ra lối rẽ của lũ giặc trời. Khi báo cáo lên trên, cả Đại đội và Trung đoàn đều hỏi lại: “Có đúng B-52 không?”, thậm chí khi Trung đoàn báo về Sở chỉ huy trung tâm, chính Tham mưu phó Binh chủng Hứa Mạnh Tài còn lặp lại câu hỏi ấy tới hai lần.

Có sự thận trọng trước khi báo cáo cấp trên là do trước đây đã từng xảy ra chuyện hoang báo tin B-52, sự thận trọng ấy đã làm cho tôi và hai trắc thủ: Xích, Cầu – những người con Hà Nội – thêm lo lắng, sốt ruột khi nghĩ tới người thân ở hậu phương. Lúc ấy, tôi chỉ muốn hét thật to cho cả nước cùng nghe: B-52 đang bay vào Hà Nội”, Đại tá Nghiêm Đình Tích kể lại, giọng xúc động.

19 giờ ngày 18-12-1972, tại trận địa ra-đa ở Đồi Si (Đô Lương, Nghệ An), Đại đội 45 (Trung đoàn Ra-đa 291) đã phát hiện một đường bay lạ của B-52 Mỹ. Ngay lập tức, thông tin “B-52 đang hướng vào Hà Nội” được báo cáo lên trên. Ít phút sau, từ Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không-Không quân, mệnh lệnh báo động B-52 toàn miền Bắc được phát ra. Do lập công đầu trong Chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972, tập thể Đại đội 45, Trung đoàn 291 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; Đài trưởng ra-đa Nghiêm Đình Tích được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì. S.T.

BÙI VŨ MINH
qdnd.vn

Khâm Thiên tiếng gọi nhớ đời…

QĐND-Khoảng năm 1994, một cựu binh Mỹ đến xin gặp tôi, với mảnh giấy giới thiệu của ngành ngoại giao ta: “Ông James G. Zumwalt (Giêm), nguyên Trung tá thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, đã từng tham chiến ở Việt Nam – nay là luật sư, và là nhà văn, muốn tìm hiểu tư liệu để viết một cuốn sách về thời kỳ Mỹ gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam”.

Tôi nói với Giêm: “Nếu ông làm được chuyện đó để giúp nhân dân Mỹ hiểu Việt Nam, thì tôi sẵn sàng giúp ông với tất cả hiểu biết và khả năng của mình”.

Giêm tỏ vẻ vui mừng. Suốt ba giờ liền ông ta ngồi hỏi, tôi trả lời. Với cuốn sổ tay và cây bút, Giêm ghi chép liên tục. Hỏi đủ thứ chuyện thời tôi là bộ đội đánh Pháp, đến thời đánh Mỹ, tôi trở thành nhà báo, nhà văn sống ở vùng đất lửa Quảng Bình – Vĩnh Linh… Giêm chăm chú lắng nghe với vẻ mặt xúc động, ngạc nhiên. Ông ta hỏi tôi có biết địa điểm Khâm Thiên ở Hà Nội không?

Cấp cứu người bị thương ở phố Khâm Thiên. Ảnh chụp lại tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace.

Tôi kể cho Giêm nghe Khâm Thiên là một khu phố đông đúc của thủ đô Hà Nội. Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam cũng ở gần đấy. Nơi đó có ngõ Văn Chương, có một nhà thơ nữ tên là Anh Thơ mà chúng tôi quý mến như người chị. Đến ngày Chủ nhật chị thường hay làm bún chả, gọi chúng tôi đến ăn. Khâm Thiên đầy ắp trong tôi những câu chuyện tình lãng mạn và những giọng hát “ả đào” mà nhà văn Nguyễn Tuân thường kể lại cho chúng tôi nghe.

Giêm lại hỏi: “12 ngày đêm Hoa Kỳ sử dụng pháo đài bay B-52 ném bom Hà Nội, ông có mặt ở Hà Nội không?”. Tôi cho Giêm biết suốt từ ngày 18 đến 29-12-1972, tôi không chỉ có mặt ở Hà Nội, chứng kiến từ đầu đến cuối cuộc ném bom vào Thủ đô mà còn có mặt ở phố Khâm Thiên lúc Mỹ trút bom xuống đó.

Giọng Giêm trở nên dè dặt đầy vẻ rụt rè hỏi:

– Có thật Hoa Kỳ đã ném bom vào khu dân cư ở Khâm Thiên hay không?

Tôi nói cho Giêm biết cái đêm 26-12 ấy, Mỹ không chỉ dùng B-52 rải bom hủy diệt phố Khâm Thiên phá hủy 2000 ngôi nhà, giết hại và làm bị thương 473 ông bà già, phụ nữ và trẻ em, mà còn rải bom xuống Bệnh viện Bạch Mai, khu dân cư Nghĩa Đô, An Dương và nhiều nơi khác ở Hà Nội, giết hại rất nhiều dân thường.

Thấy vẻ mặt hoài nghi của Giêm vì ông cho rằng, không lực Mỹ hiện đại nhất thế giới không thể đánh trật các mục tiêu là căn cứ quân sự của đối phương, khu dân cư ở Khâm Thiên bị bom chẳng qua là sự sai lạc chút ít trong kỹ thuật của phi công… Tôi nói: “Khi ra Hà Nội, ông nên đến Khâm Thiên để tìm hiểu cụ thể sự thật”…

Cuối buổi gặp, Giêm vẫn năn nỉ xin tôi cho ông ta biết những ý nghĩ và ấn tượng của tôi về Khâm Thiên hồi Hà Nội bị đánh bom. Tôi ngồi nhìn dáng người Giêm cao lớn nhưng có gương mặt hiền lành, chân thật. Mắt ông ta nhìn đầy vẻ cam chịu và ẩn chứa một nỗi đau nào đó làm tôi động lòng thương hại. Tôi kể cho ông ta nghe về cái đêm Khâm Thiên năm ấy…

Toàn bộ 6 khối phố Khâm Thiên hầu như bị xóa sạch trong đêm 26-12-1972. Bom Mỹ đã giết 287 người, trong đó có 40 cụ già và 55 em nhỏ. Nhiều gia đình không còn ai sống sót. Ảnh chụp lại tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace.

… Sau một đợt đi công tác ở mặt trận B5 ở miền Nam, tôi được Hội Nhà văn gọi ra Hà Nội ngồi viết sách. Viết chưa xong cuốn sách thì Ních-xơn trì hoãn và lật lọng ở Hội nghị Pa-ri, trở lại ném bom miền Bắc. Ở Vĩnh Linh – Quảng Bình bắt đầu bị Mỹ dùng máy bay B-52 ném bom hủy diệt. Ở Hà Nội cũng đang sơ tán. Trại sáng tác ngưng hoạt động, các nhà văn miền Nam trở lại chiến trường. Tôi đang chuẩn bị tìm xe trở về Quảng Bình thì vợ tôi đem hai con nhỏ ra Hà Nội giao cho tôi rồi quay trở lại bám trụ vùng đất lửa để dạy học. Được đồng nghiệp giúp đỡ, tôi mang hai con về sống tạm tại căn hộ của nhà văn Hoàng Lại Giang ở 52 Trần Nhân Tông. Bước vào tháng 12-1972, cả Hà Nội sơ tán chuẩn bị chiến đấu. Giang vác tất cả các thùng sách chất lên cái bàn viết và xếp quanh bàn làm cho bố con tôi cái hầm trú ẩn phòng máy bay oanh tạc. Cả khu phố Trần Nhân Tông đi sơ tán hết. Bạn bè ở Hội Nhà văn và các nhà xuất bản giúp bố con tôi tiền bạc và thực phẩm để tạm sống ở Hà Nội chờ xin xe quân sự để trở về Quảng Bình. Những ngày đó, tôi ngồi xem lại và sửa chữa những trang viết. Ngọc Lan, con gái tôi tám tuổi chơi quanh quẩn bên căn hầm sách với em gái Thúy Vinh hai tuổi. Hễ nghe còi báo động rú lên là Lan bế em chui vào cái hầm sách gầm bàn. Còn tôi ra hào giao thông trước nhà để xem các cô cậu tự vệ bắn máy bay Mỹ bay tầm thấp bằng súng trường.

Những ngày đó, Hà Nội thực sự là một mặt trận. Tiếng còi báo động rú lên cùng với tiếng loa phóng thanh hướng dẫn ẩn nấp và chỉ huy chiến đấu khi máy bay Mỹ bay đến. Bắt đầu từ đêm 18-12, hàng đợt máy bay B-52 Mỹ đến ném bom Hà Nội. Tiếng bom rung chuyển mặt đất. Bầu trời rực sáng những đường bay của tên lửa và đạn cao xạ của bộ đội phòng không. Chốc chốc thấy B-52 bị trúng đạn bùng lên những khối lửa nổ tung và rơi lả tả giữa trời đêm. Vài đêm sau, Mỹ đánh sập nhà ga Hàng Cỏ và chúng đang nhằm vào các đê đập và các cây cầu. Người Hà Nội vẫn bình tĩnh làm việc và chiến đấu. Tôi nhớ mãi ngày thứ chín, B-52 Mỹ đánh dữ dội vào Hà Nội nhằm vào đúng sau đêm Giáng sinh. Ngoài trời mưa phùn gió bấc, rét căm căm. Tôi lấy thêm chăn đắp cho con, ngồi lo lắng nghe tiếng máy bay gầm rú và bom đạn vang rền rất gần chỗ tôi. Nửa đêm nghe tiếng chân người chạy và tiếng loa gọi hướng vào nhà: “Khâm Thiên bị bom bà con ơi! Nhanh lên đi cứu Khâm Thiên đồng bào ơi!”. Tôi dặn Lan: “Ở trong hầm trông em để ba đi cứu người”. Từ chỗ tôi qua phố Khâm Thiên chỉ mấy trăm mét đường. Phố Khâm Thiên như một bãi đất đá ngổn ngang đầy người đào bới các dãy nhà và hầm hố bị sập để cứu người bị thương và kéo người chết ra xếp đầy bên đường phố. Tôi cùng một số nhà văn, nhà báo có mặt cùng mọi người lao vào đào bới. Nữ diễn viên điện ảnh Mỹ Giên Phôn-đa vừa lau nước mắt, vừa đưa máy lên ghi hình ảnh đau thương…

Nghe tôi kể đến đó, Giêm vội hỏi: “Bây giờ hai cô gái con ông đang ở đâu?”.

– Một đứa đang dạy ở Trường Đại học Văn hóa, một đứa đang dạy đàn dương cầm ở Nhạc viện TP Hồ Chí Minh

gần đây…

Tháng 5-2010, bạn tôi ở Washington D.C. gửi cho tôi cuốn sách “Chân trần chí thép” của Giêm vừa xuất bản ở Mỹ. Cuốn sách đã làm xôn xao dư luận Mỹ và gây không ít phản ứng của các thế lực cầm quyền. Cuốn sách đã phần nào giúp dân chúng Mỹ bước đầu hiểu rõ ý chí gang thép của người Việt Nam. Ý chí đó với đôi chân trần đã vượt qua tất cả để làm nên một Điện Biên Phủ dưới mặt đất, tống cổ thực dân Pháp ra khỏi Việt Nam. Và cũng với ý chí gang thép đó, Việt Nam lập nên một chiến công huyền thoại Điện Biên Phủ trên bầu trời đánh bại thần tượng pháo đài bay B-52, góp phần quan trọng giành lại hòa bình cho nhân dân và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước Việt Nam.

Có một điều tôi chưa bằng lòng với cuốn sách là ông ta trích nhiều đoạn nhật ký của tôi nhưng thật sự chưa hiểu hết sự diễn đạt của tôi, cũng như ông ta né tránh kể lại chuyện con gái tôi phải bò trong đám xác người đẫm máu để đi tìm bố. Tuy vậy, ông ta đã phải thừa nhận không lực Hoa Kỳ ném bom vào dân thường ở Khâm Thiên, mặc dầu vẫn dùng cụm từ: “tổn thương bên lề và hệ quả không may trong chiến tranh”(!?)

Cho đến bây giờ, hai tiếng Khâm Thiên là tiếng gọi đau thương để lại ấn tượng nặng nề trong lòng tôi.

Trong cuộc tập kích đường không chiến lược tháng 12-1972, Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B-52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 100.000 tấn bom đạn xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác, phá hủy nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, trường học, bệnh viện, nhà ga, giết hại 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác. ST.

Nhà văn TRẦN CÔNG TẤN
qdnd.vn

Gặp phi công đầu tiên bắn rơi máy bay phản lực Mỹ (kỳ 3)

Khai thác tối đa trang bị hiện có, đối đầu với máy bay hiện đại địch. Phạm Ngọc Lan cùng đồng đội xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ đánh chặn, tiêu diệt địch từ trận đầu.

(ĐVO) Kỳ 3: Người bắn rơi máy bay phản lực Mỹ đầu tiên

Bám thắt lưng địch mà đánh

Ngày 3/4/1965, hàng chục chiếc chiến đấu cơ Hải quân Mỹ cất cánh vào đánh phá cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa – điểm huyết mạch trên tuyến đường từ Bắc vào Nam mà Mỹ gọi là khu vực “cán xoong”.

Khi phát hiện địch, cấp trên ra lệnh biên đội 4 chiếc tiêm kích MiG-17 do Phạm Ngọc Lan (bay số 1) chỉ huy cùng các anh Phan Văn Túc (số 2), Hồ Văn Quỳ (số 3), Trần Minh Phương (số 4) cất cánh từ sân bay Nội Bài lên đánh chặn.

“Hướng phía đông có địch, cách 30km, độ cao 3.000m,” biên đội nhận được lệnh dẫn đường rành rọt từ mặt đất. Ngay lập tức, biên đội trưởng Phạm Ngọc Lan ra lệnh “triển khai đội hình chiến đấu”. “Địch đối đầu mình rất nhanh, tôi phát hiện địch ở phía Tây Hàm Rồng cách khoảng 20km, tôi hô phát hiện địch ở hướng đông và lệnh vứt thùng dầu phụ”.

“Trên mỗi chiếc MiG-17 mang 2 thùng dầu phụ, khi cất cánh tiêu hao 2 thùng dầu này trước. Khi nào hết thì ném bỏ để máy bay cơ động tốt hơn,” ông giải thích.

Biên đội MiG-17 đánh trận ngày 3/4/1965 (từ trái qua): Phạm Ngọc Lan – Phan Văn Túc – Hồ Văn Quỳ – Trần Minh Phương.

 

Nếu xét về khía cạnh kỹ thuật, MiG-17 có một vài điểm kém hơn so với địch. MiG-17 không có radar mà chỉ có kính ngắm (mắt tinh nhìn được 15km trong điều kiện ban ngày trời quang mây) và trang bị một pháo 30mm (cơ số 80 viên) cùng hai pháo 23mm (cơ số 160 viên), tốc độ cận âm 1.010km/h. Trong khi, tiêm kích F-8U hộ tống đội máy bay ném bom A-4 của Mỹ có tên lửa đối không, radar, bay với tốc độ siêu âm.

Nhưng với quyết tâm, lòng dũng cảm, khai thác tối đa vũ khí, Phạm Ngọc Lan cùng biên đội lấy thế tấn công tiêu diệt địch. Do tầm bắn hiệu quả nhất của pháo trên MiG-17 chỉ đạt 400m nên biên đội ta quyết tâm phải vào tầm rất gần mới khai hỏa.

Từ trên cao chiếc MiG của Phạm Ngọc Lan bay đầu, còn  số 2 – Phan Văn Túc yểm trợ vào công kích địch. “Anh Phan Văn Túc bắn trước ở cự ly xa 800m nên chưa trúng. Cũng vì thế, quân địch phát hiện nhưng chúng cũng rối loạn đội hình.

Chớp thời cơ, Phạm Ngọc Lan bay vào đánh ngay chiếc F-8U đi đầu bảo vệ đội hình. Ở tầm 400m, tôi bóp cò lần thứ nhất chưa trúng, lần hai cũng vậy và tới lần ba thì chiếc F-8U trúng đạn, bùng cháy trên bầu trời Hàm Rồng,” ông nhớ lại giây phút lịch sử. Biên đội đồng loạt hô “cháy rồi, rơi rồi”, tất cả đều vui sướng khi “giặc lái” đền tội.

Xét về khía cạnh kỹ thuật ta kém địch nhưng bằng sự sáng tạo, dũng cảm, khai thác tối đa trang bị hiện có. Không quân ta, trực tiếp là Phạm Ngọc Lan cùng đồng đội đã giáng cho kẻ thù một đòn bất ngờ, buộc chúng từ nay không còn dám “ngông nghênh” xâm phạm vùng trời miền Bắc Việt Nam. Giờ đây, chúng không chỉ phải đối phó với mạng lưới phòng không tầng tầng lớp lớp mà còn phải lo những cú đột kích bất ngờ của MiG-17 và sau này là MiG-21.

Hạ cánh ngoạn mục

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chặn đánh địch cùng lực lượng phòng không, Phạm Ngọc Lan lệnh cho đồng đội trở về. Tuy nhiên, do phát hiện một chiếc F-8U tách đội hình vòng lại, ông liền đuổi theo công kích yểm trợ cho biên đội rút lui an toàn. Ông đuổi máy bay địch ra tới biển và bắn bị thương chiếc F-8U. Khi đó, ông mới nhận ra rằng máy bay đã gần hết nhiên liệu (dự tính còn khoảng 300 lít, chỉ  đủ bay dưới 10 phút).

Ông nhanh chóng kéo cần lái từ độ cao 500m kéo vòng 180 độ lên 1.500m về đất liền. Thấy bờ, nhưng ông không thể xác định được nên bay theo hướng nào vì trục la bàn điện tử bị cong không chỉ chính xác được phương hướng do thực hiện nhiều động tác ngoặt gấp khi đuổi địch.  Lúc này, sở chỉ huy mặt đất tính toán hết nhiên liệu, ra lệnh cho ông nhảy dù.

“Tôi nghĩ máy bay cùng với mình vừa xuất kích, rất thân thương, nhà nước mình còn nghèo, nó vừa lập công nên phải cố giữ cho bằng được máy bay,” ông nói. Dù sở chỉ huy lệnh ba lần nhảy dù, ông vẫn quyết tâm xin phép cho hạ cánh bắt buộc.

Phi công Phạm Ngọc Lan trong buồng lái MiG-17.

Vốn thông thạo địa hình, ông tính toán tìm đến cửa sông Thái Bình, bay thẳng về phía Tây Bắc là sông Hồng, và sau đó là Gia Lâm, Hà Nội, Nội Bài. “Tôi nghĩ trong trường hợp hết nhiên liệu giữa chừng, ở hai bên Sông Hồng bao giờ cũng có bãi cát dài. Và đó là điều kiện thuận lợi để tôi chọn bãi hạ cánh bắt buộc, để bảo đảm giữ vẹn toàn cho phi công và chiếc MiG thân yêu”.

Nghĩ là làm, ông liền bay bám theo sông Hồng về Hà Nội, nhưng do hết nhiên liệu nên ông quyết định hạ cánh bãi rộng hơn nằm ven sông Đuống. Tính huống khó khăn lại nảy sinh, do tốc độ bay lớn nên đã không thể đáp được xuống bãi, nếu vòng trở lại thì…rơi mất. “Tôi dùng kỹ thuật ngoặt gấp 180 độ ngược lại, lợi dung tốc độ thừa hạ cánh bằng bụng máy bay, không thả càng, bánh xe,” ông nhớ lại.

Khi hạ xuống, ông vận dụng hết tất cả các kỹ thuật bay để vừa thăng bằng máy bay, vừa giảm tốc nhanh. Tất cả đều phải đảm bảo sự hài hòa. Cuối cùng, chiếc máy bay hạ bụng xuống, lướt trên mặt đất khoảng 800m thì dừng sát triền đê sông Đuống.

Có thể nói, việc hạ cánh bằng thân máy bay trên mặt đất là một tình huống cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt trong điều kiện bãi đáp không biết trước, không có phương tiện cứu hộ. Với bản lĩnh, kỹ thuật tốt và một chút may mắn, Phạm Ngọc Lan đã hạ cánh thành công.

Thấm đượm tình quân dân

Việc hạ cánh trong điều kiện như thế, ông cũng bị thương ở trán do đầu đập vào máy ngắm nên mất 2-3 phút mới tỉnh. “Khi tôi tỉnh dậy, thấy hơi lơ mơ, hai chân vẫn đạp được, hai tay cựa được. Nhìn dọc triền đê thấy người lố nhố, đầu nhấp nhô, khí thế đằng đằng dường như nghĩ tôi là phi công địch nên cũng hơi hoảng,” ông nói. Rất bình tĩnh, ông đứng dậy mở khoang lái, gỡ mũ bay, đứng cao lên mở thắt lưng đeo súng bỏ lại trong khoang lái và bước ra ngoài.

Sau đó, ông hô to “ở đây có ai là chỉ huy cao nhất cho tôi xin gặp,” tới lần thứ ba thì một đồng chí mang xà cột, mũ cối đi hai bên có hai anh dân quân bước tới. Đứng cách 5-6m, ông dõng dạc nói: “tôi là phi công Việt Nam, cất cánh từ sân bay Nội Bài, về đây máy bay hỏng hóc xin hạ cánh nhờ”. Ông còn chỉ lên áo có đính cờ đỏ sao vàng năm cánh, máy bay mang phù hiệu cờ đỏ sao vàng. “Mọi hiểu lầm được giải tỏa” nhiều người dân chạy tới ôm chầm lấy ông, bao quanh máy bay.

Ông tiếp tục kêu gọi “máy bay tôi hạ cánh nhờ đồng bào giúp đỡ ngụy trang máy bay,” chỉ vài phút đã xong. Thế mới biết, tình quân dân như cá gặp nước, máy bay hạ cánh làm ruộng ngô hỏng gần hết nhưng nhân dân vẫn không tiếc mùa màng giúp đỡ khi bộ đội cần.

Sau đó, trực thăng của quân chủng đã tới và đưa Phạm Ngọc Lan về sân bay trung đoàn, các anh Túc – Quỳ – Phương đứng chờ, rồi ôm chầm lấy nhau, tất cả mừng mừng tủi tủi.

Biên đội MiG-17 đánh thắng trận đầu ngày 3/4/1965 có một điều đặc biệt, Phạm Ngọc Lan – Phan Văn Túc – Hồ Văn Quỳ – Trần Minh Phương đều sinh năm 1934. Sau này, các anh Phan Văn Túc và Trần Minh Phương đã anh dũng hi sinh trong các trận đánh khác. Phạm Ngọc Lan và Phan Văn Túc vinh dự được Đảng và Nhà Nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Chiến thắng 3/4/1965 trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Không quân Nhân dân Việt Nam. Các anh ra đi và trở về trọn vẹn.

Không quân Nhân dân Việt Nam đã thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị của bác Hồ: “Mở mặt trận trên không thắng lợi”. Đồng thời chấp hành nghiêm nghị quyết của Quân ủy Trung Ương và chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Phải đánh thắng trận đầu”.

Vỵ Nam
baodatviet.vn

Bác Hồ phê bình: Thế này là “vua liêu” rồi…

QĐND -Trường Bổ túc văn hóa Công nông Trung ương (gọi tắt là Trường Bổ túc Công nông) ra đời vào tháng 11-1955. Bác Hồ 3 lần về kiểm tra trường. Sự sâu sát tình hình và những nhận xét phê bình của Người vẫn nguyên vẹn tính thời sự hôm nay, không chỉ riêng cho ngành giáo dục.

Ðôi dòng sử trường

Sau năm 1954, tại khu cỏ hoang làng Giáp Bát gần kề Quốc lộ 1 Hà Nội mọc lên khu nhà tạm Trường Bổ túc Công nông. Trường Phổ thông Lao động Trung ương do Bác Hồ đặt tên mở tại Tuyên Quang từ năm 1951 cũng được chuyển về sáp nhập (tách ra năm 1961, tồn tại tới năm 1977, 10.000 học sinh ra trường). Trường Bổ túc Công nông hoạt động đến năm 1964 thì giải thể, 7000 học viên tốt nghiệp cấp ba thi vào đại học ở trong và ngoài nước. Hè năm 1958, trường mở lớp “học vượt” – hai tháng học chương trình cấp ba để kịp thi vào đại học năm sau. Trong số này có nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Từ mái trường công nông, hàng trăm, rồi hàng nghìn, hàng vạn thầy giáo, cô giáo kế nghiệp.

Nhưng, chớ vì thế mà…

Bác Hồ thăm Trường Bổ túc văn hóa Công nông Trung ương ngày 4-10-1957. Ảnh tư liệu

“Lỗ mũi to bằng quả cà chua”

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm theo dõi việc ăn ở, dạy và học của trường. Ba năm liền về thăm (1956, 1957, 1958), nói đúng hơn, Người về kiểm tra.

Trong tập Hồi ký “Mái trường Công nông thuở ấy” (NXB Lao động, 1996), tác giả Trần Ngọc Trác kể lại: Sáng thứ sáu ngày 4-10-1957, hai cán bộ Phủ Chủ tịch về trường gặp lãnh đạo bàn việc bảo vệ Bác buổi chiều về thăm. Bí mật bị bại lộ. Nhà trường ra lệnh bỏ nghỉ trưa, dồn mọi lực lượng sửa sang, tổng vệ sinh trong ngoài nơi ăn ở, đi lại. Hai giờ chiều, 4000 thầy trò, cán bộ, công nhân viên đã “cấm trại” tại khu hội trường. Bác không vào nơi xếp hàng đón tiếp mà đi tắt ra nhà bếp, khu vệ sinh, mấy lớp học, nhà ở, nhà tắm, bể nước, các vòi nước công cộng dọc lối đi đều trơ vòi không… nước – cuộc họp nào của Ðảng bộ, lãnh đạo nhà trường cũng phải bàn mà không giải quyết được. Mấy “cụ học viên” là cán bộ trung cao cấp gay gắt phê phán cả lãnh đạo Bộ, thành phố “đem con bỏ chợ”… Thứ trưởng Hà Huy Giáp vốn “dị ứng” với căn bệnh thành tích đã “khai thật” với Bác…

Vào hội trường, Bác bước lên bục giảng, hai tay ra hiệu im lặng, ngồi xuống giữa tiếng hô vang: Hồ Chủ tịch muôn năm… Muôn năm… Người hỏi:

– Ở đây cô chú nào nhiều tuổi và hoạt động lâu năm nhất?

Ðây đó, chỗ nọ chỗ kia thấy có mấy “cụ” tóc muối tiêu nhìn ngó, ý như thăm dò (có thể nghĩ được Bác “tuyên dương” chăng?). Một “cụ” ở khối phổ thông lao động phấn khởi đứng lên:

– Thưa Bác, cháu ạ!

– Chú hoạt động cách mạng được bao lâu?

– Thưa Bác, từ năm 1930 ạ!

– Vậy, chú hoạt động có lâu năm hơn Bác không?

“Cụ” nọ hiểu ra, không kịp… chui xuống đất. Cả hội trường im phăng phắc. Bác đưa tay để “người bệnh công thần” ngồi xuống, nhẹ nhàng nói:

– Làm cách mạng là làm việc cho dân, cho nước. Nếu làm mà kể công thì ông Mác, ông Lê-nin lỗ mũi phải to bằng quả cà chua. Bác đưa tay lên mũi: To như thế này này!

Cả hội trường suy ngẫm, im lặng. Lãnh đạo thì hiểu thói kể công của mấy ông từ chiến trường ra đã đến tai Bác làm Người phiền lòng. Bác lại hỏi: “Trong trường có bao nhiêu học viên?”. Hiệu trưởng nắm con số chiêu sinh đầu năm học thì thưa: 3.700. Hiệu phó Tổ chức ghi sổ sĩ số “đầu vào” lại báo cáo: 3.600. Hiệu phó phụ trách chuyên môn “nắm chắc” con số từng khối, lớp thì khẳng định chính xác phải là 3.550. Thế nhưng, Trưởng phòng Hành chính quản trị lại đứng lên báo cáo con số chấm cơm là 3.512 học viên.

Bác chăm chú nghe, nghiêm nét mặt: “Các con số đá nhau. Thế này là “vua liêu rồi chứ chẳng còn là quan liêu nữa!”. Cả hội trường ngỡ ngàng, lãnh đạo trường lúng túng. Bác đột ngột hỏi: “Các cô, các chú có thể đào cho Bác mỗi người một mét khối đất được không?”.

– Dạ, có ạ! Có ạ! – Cả hội trường nhất loạt đồng thanh thưa với Bác. Ai cũng nghĩ Bác kêu gọi làm thủy lợi vì trường vừa mới được Chính phủ khen về thành tích đắp đê Mai Lâm? – Không! Thì ra ý Bác: Mỗi người đào một mét khối đất. Cả trường sẽ đào được 3.500m3. Tại sao không đào giếng lấy nước mà dùng, lại cứ ngồi mà kêu ca trách móc Ðảng bộ với cấp trên?

Thật có một không hai cách phê bình ví von, dí dỏm mà sâu sắc, nhiều ý nghĩa, vui vẻ cả, nhưng mỗi người đều nhận ra một phần lỗi ở mình. Cuối cùng, Bác tươi cười hỏi:

– Các cô, các chú, các cháu có đồng ý như Bác phê bình không? Ai thật lòng đồng ý để sửa chữa thì giơ tay nào?

Tất cả đều giơ tay – Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Tiêu trong Ban liên lạc Trường Bổ túc Công nông nhớ lại không khí tràn ngập niềm vui, hạnh phúc và lưu luyến tiễn Bác ra về.

TRỊNH TỐ LONG
qdnd.vn