Ký ức một vị tướng

Tướng Khiupenen A.I. đến thủ đô Hà Nội sáng 15/12/1972, ba ngày trước khi hàng trăm chiếc siêu pháo đài bay B52 của Mỹ thực hiện chiến dịch Linebacker II.

>> ‘Chúng tôi từng chiến đấu ở Việt Nam’
>> Quật đổ siêu pháo đài bay

Kỳ cuối: Ký ức một vị tướng

(Đất Việt) Ngay hôm sau, trong buổi gặp Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Văn Tiến Dũng, ông Khiupenen A.I nhận được thông báo về khả năng có cuộc tập kích lớn của Không quân Mỹ vào miền Bắc Việt Nam.

“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”

Đến ngày 17/12/1972, ta đã xác định rõ thời điểm của đợt tấn công đầu tiên mà Không quân Mỹ tiến hành nhằm thực hiện âm mưu “đưa miền Bắc Việt Nam về thời kỳ đồ đá”. Khoảng 19g ngày 18/12, tiếng còi báo động rền vang đã cắt ngang buổi tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho ông Khiupenen A.I. Chiến dịch Linebacker II chính thức bắt đầu. Lực lượng phòng không – không quân bảo vệ Hà Nội đã sẵn sàng chiến đấu với 62% các tiểu đoàn tên lửa cùng 64% đạn tên lửa cùng các đơn vị pháo cao xạ, máy bay tiêm kích và các tổ, đội bắn máy bay của dân quân.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp đoàn đại biểu quân sự Liên Xô. Thiếu tướng Khiupenen A.I đứng thứ ba từ phải sang, hàng đầu.

Các chuyên gia quân sự Xô-viết về kỹ thuật tên lửa, radar, tác chiến điện tử, không quân tiêm kích cùng chung chiến hào với quân dân Việt Nam. Theo số liệu của Bộ tổng tham mưu Quân đội Xô-viết, từ 11/7/1965 đến 31/12/1974 đã có 6.359 sĩ quan và gần 4.500 hạ sĩ quan, binh sĩ Liên Xô trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện, bảo đảm kỹ thuật và vũ khí trang bị, sát cánh cùng với bộ đội Việt Nam trên chiến trường miền Bắc chống lại Không quân Mỹ. Trong đó nhiều người đã lập công xuất sắc, có người đã dũng cảm hy sinh, bị thương… Hơn 3.000 người được tặng thưởng huân, huy chương của Nhà nước Việt Nam.

Lực lượng chủ yếu để đối phó với B52 khi đó là tên lửa  SAM-2, được thiết kế để bắn mục tiêu trên không tới độ cao 27km. Trong cuộc chiến tháng 6/1967 ở Trung Đông, quân đội Ai Cập đã triển khai 18 tiểu đoàn tên lửa SAM-2, nhưng chỉ phóng được 22 quả, bắn rơi 2 máy bay Mirage của Israel. Trong cuộc chiến tranh này, một số khí tài SAM-2 nguyên vẹn đã rơi vào tay quân đội Israel và được chuyển ngay cho Mỹ nghiên cứu, tìm hiểu.

Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam Văn Tiến Dũng (phải) gặp Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô Khiupenen A.I tháng 1/1973.

Sau 4 tháng “mổ xẻ” SAM-2, Mỹ đã cho ra lò nhiều thiết bị gây nhiễu để đối phó với loại tên lửa này, trong đó có loại nhiễu rất nguy hiểm cho rãnh điều khiển tên lửa (nhiễu rãnh đạn). Từ cuối năm 1967 đầu năm 1968, Mỹ đã trang bị rộng rãi những thiết bị gây nhiễu mới cho các loại máy bay tham chiến ở Việt Nam. “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, Liên Xô sau đó đã thực hiện 3 giai đoạn cải tiến cho SAM-2 để đối phó với các thủ đoạn gây nhiễu và chiến thuật mới của Không quân Mỹ.

Chiến thắng của ý chí quật cường

Cuộc tập kích đường không chiến lược lớn nhất trong toàn bộ cuộc chiến tranh ở Việt Nam được Nhà Trắng chỉ đạo và Bộ chỉ huy Không quân Chiến lược Mỹ tổ chức chặt chẽ theo kế hoạch chung với sự huy động tối đa lực lượng của cả Không quân, Hải quân thuộc Hạm đội 7 cùng các căn cứ quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Đội hình tấn công được triển khai với tốp đầu là các máy bay F4 đi trước 15 phút ở độ cao 6 – 7 km, để đánh phá các sân bay và thả nhiễu tiêu cực. Tốp thứ 2 gồm 4 – 6 chiếc F105 mang tên lửa chống radar bay ở độ cao 3 – 4 km trước khi B52 vào ném bom 1 – 2 phút để chế áp các trận địa tên lửa. Tốp thứ 3 gồm 2 – 4 chiếc F4 chặn máy bay MIG ở độ cao 8 – 9km. Thứ 4 là các tốp B52 với đội hình 3 chiếc một, bay ở độ cao 10,4  – 11,6km làm lực lượng chính ném bom các mục tiêu. Chỉ có 36% Không quân chiến thuật và Hải quân là trực tiếp làm nhiệm vụ đánh phá cùng B52.

Trong 12 ngày đêm chiến dịch, theo thống kê của các chuyên gia quân sự Xô-viết, đã có 81 máy bay Mỹ bị bắn rơi. Trong đó có tới 34 B52 và 3 chiếc F111. Bộ đội tên lửa phòng không đã phóng 321 tên lửa, hạ 54 máy bay, trong đó 244 tên lửa diệt 31 B52, chiếm 91% số B52 bị bắn rơi, bình quân 7,9 tên lửa hạ một B52 và 77 tên lửa diệt 23 máy bay chiến thuật. Nhờ thành tích xuất sắc này, bộ đội tên lửa đã được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Tướng Khiupenen A.I (trái) và phi công Phạm Tuân – người bắn rơi B52 ngày 27/12/1972.

Cùng với bộ đội tên lửa, pháo cao xạ đã bắn rơi 20 máy bay, trong đó có 1 chiếc B52 và 3 chiếc F111. Không quân tiêm kích với 10 trận không chiến đã bắn rơi 7 máy bay, trong đó có 2 chiếc B52. Chiến dịch tập kích đường không Linebacker II là thất bại nặng nề nhất trong lịch sử không chiến của Mỹ. Trong Thế chiến II, cứ 1.000 phi vụ xuất kích thì Không quân Mỹ bị mất 9 máy bay; trong Chiến tranh Triều Tiên là 4 chiếc; còn ở miền Bắc Việt Nam trung bình là 17 chiếc (chỉ riêng trong tháng 12/1972 là 34 chiếc).

Mặc dù Washington vẫn cho rằng, miền Bắc Việt Nam sắp cạn tên lửa, nhưng trên thực tế, với mức thiệt hại cao như vậy, thì điều hiển nhiên là Không quân Mỹ không thể kéo dài chiến dịch lâu hơn nữa. Cuộc đọ sức khốc liệt nhất trên bầu trời đã kết thúc với phần thắng thuộc về lực lượng phòng không – không quân Việt Nam.

Đó là chiến thắng của ý chí quật cường của một dân tộc anh hùng với sự trợ giúp nghĩa tình của bè bạn quốc tế. Cuối cùng, siêu pháo đài bay B52 đã không thể cứu thua cho Mỹ, bởi sự dã man tàn bạo không thể thắng chính nghĩa. Mỹ đã phải ký hiệp định chấm dứt chiến tranh, rút toàn bộ quân ra khỏi Việt Nam, rà phá thuỷ lôi phong toả miền Bắc, trao đổi tù binh trong vòng 2 tháng…

Giáo sư, Tiến sĩ, Thượng tướng Khiupenen A.I. tốt nghiệp Học viện Chỉ huy Pháo binh năm 1961. Ông trưởng thành từ trung đội trưởng tới Tư lệnh binh chủng Tên lửa phòng không quốc gia. Từ tháng 12/1972 đến tháng 1/1975. ông là Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô ở Việt Nam. Ông được tặng thưởng 35 huân, huy chương các loại, trong đó có huân chương Chiến công hạng Nhất của Việt Nam.

>> Những bức ảnh hiếm về Hà Nội 1973

>> 17 trận đánh độc đáo của bộ đội PK-KQ (kỳ 1)
>> 17 trận đánh độc đáo của bộ đội PK-KQ (kỳ 2)
>> 17 trận đánh độc đáo của bộ đội PK-KQ (kỳ 3)
>> 17 trận đánh độc đáo của bộ đội PK-KQ (kỳ 4)

>> Cán cân quân sự trong chiến dịch ĐBP trên không (kỳ 1)
>> Cán cân quân sự trong chiến dịch ĐBP trên không (kỳ 2)
>> Cán cân quân sự trong chiến dịch ĐBP trên không (kỳ 3)
>> Cán cân quân sự trong chiến dịch ĐBP trên không (kỳ 4)

Đại tá, Kỹ sư Nguyễn Thuỵ Anh
baodatviet.vn

Advertisement