Để đối phó với Linebacker II, quân và dân thủ đô Hà Nội đã thiết lập lưới lửa phòng không để bảo vệ Thủ đô cùng các thành phố lớn ở miền Bắc.
>> Cán cân quân sự trong chiến dịch ĐBP trên không (kỳ 1)
>> Cán cân quân sự trong chiến dịch ĐBP trên không (kỳ 2)
>> Thăm lại xác ‘Pháo đài bay B-52’ trong bảo tàng Hà Nội
Các loại pháo phòng không ta sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không:
Súng máy phòng không tầm thấp (cỡ 12,7mm và 14,5mm)
Ngay từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã được Liên Xô viện trợ cho súng máy phòng không tầm thấp DShK 12,7mm và đã lập chiến công bắn hạ nhiều máy bay quân Pháp ở chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Song, trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 1972, DShK 12,7mm lần nữa tham gia bảo vệ bầu trời Hà Nội chống lại không quân Mỹ.
DShK 12,7mm được Liên Xô phát triển từ cuối những năm 1930, với mục đích tạo ra loại súng có khả năng chống thiết giáp hạng nhẹ và máy bay tầm thấp. Súng máy phòng không 12,7mm hoạt động theo cơ chế trích khí, được làm mát bằng không khí; nặng khoảng 137kg (tính cả giá đỡ ba chân), được điều khiển bởi một tổ ba người và cả ba người này sẽ phụ trách tháo lắp di chuyển từng phần súng khi cần; được lắp một hộp tiếp đạn cỡ 50 viên. Tầm bắn tối đa 2000m tuy nhiên tầm bắn hiệu quả chỉ là 1.000m. Sơ tốc đầu đạn 850 viên/phút, tốc độ bắn 600 viên/phút.
Súng máy phòng không DShK 12,7mm đặt trên giá ba chân.
Kết hợp với các đơn vị trang bị DShK 12,7mm lực lượng phòng không tầm thấp của ta còn được viện trợ loại súng máy phòng không ZPU-1/2/4 sử dụng cỡ nòng 14,5mm.
Tất cả seri ZPU đều được Liên Xô phát triển trong khoảng thời gian 1945-1947, đến đầu năm 1950 chúng được đưa vào biên chế của Hồng Quân. Mặc dù ra đời từ cách đây nửa thế kỉ, nhưng tới tận ngày nay, chúng vẫn nằm trong thành phần trang bị của hàng chục quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Các seri của ZPU bao gồm:
-ZPU-1 được lắp một nòng cỡ 14,5mm
-ZPU-2 được lắp hai nòng cỡ 14,5mm
-ZPU-4 lắp bốn nòng cỡ 14,5mm
Pháo phòng không ZPU-1 14,5mm. Ảnh: Lê Nam
Pháo phòng không ZPU-2 14,5mm (hai nòng). Ảnh: Lê Nam
Pháo phòng không ZPU-4 14,5mm (bốn nòng). Ảnh: Lê Nam
Tất cả các series ZPU trên đều bắn loại đạn API (BS41) trọng lượng 64,4gram. Sơ tốc đầu đạn 1000m/s, tầm bắn tối đa chống máy bay 5000m, tuy nhiên thật sự hiệu quả ở cự ly 1400m. Tốc độ bắn trên lý thuyết 600 viên/phút còn thực tế chỉ là 150 viên/phút.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, DShK 12,7mm kết hợp với các khẩu đội ZPU-1/2/4 với nhiệm vụ chống máy bay địch bay thấp đã phát huy tác dụng bắn rơi nhiều máy bay quân địch, đặc biệt là chiến công bắn hạ 5 máy bay cánh cụp cánh xòe F-111 “con lợn đất”.
Pháo phòng không 37mm M1939 (61-K)
M1939 (61-K) là pháo phòng không cỡ nòng 37mm được Liên Xô phát triển từ cuối những năm 1930 và sử dụng trong suốt cuộc chiến tranh thế giới thứ hai.
Pháo 37mm được thiết kế chủ yếu để chống lại máy bay ném bom bổ nhào, các mục tiêu tầm thấp, tầm trung hoặc chống lại các loại xe thiết giáp hạng nhẹ. Đây là loại pháo nòng dài rãnh xoắn, được đặt trên xe kéo bốn bánh ZU-7l; có tầm bắn chống máy bay 2500m, tốc độ bắn khoảng 180 viên/phút. Khẩu đội bao gồm 8 người. Pháo được ngắm bắn bằng kính ngắm quang học.
Pháo phòng không 37mm M1939. Ảnh: Lê Nam
Ngay từ trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, quân đội ta đã được viện trợ loại vũ khí này để chống máy bay quân Pháp ở Điện Biên Phủ.
Năm 1972, pháo 37mm tiếp tục tham gia vào chiến dịch Điện Biên Phủ trên không với vai trò phòng không bảo vệ cầu cống, kho tàng, bến bãi,… và các trận địa tên lửa chống máy bay địch bay tầm thấp.
Pháo phòng không 57mm AZP S-60
57mm AZP S-60 là loại pháo phòng không tầm thấp, tầm trung do Liên Xô phát triển từ những năm 1950.
Cũng giống như pháo 37mm, S-60 được sử dụng để chống lại các loại xe thiết giáp hạng nhẹ và bắn máy bay tầm thấp. Thông thường, 57mm S-60 được kéo bởi một xe Ural-375.
Một sự khác biệt lớn với 37mm M1939 (61-K) trong hệ thống ngắm bắn, 57mm S-60 được triển khai cùng với hệ thống điều khiển với máy chỉ huy PUAZO-6/60 và radar SON-9/9A, hoặc tương tự pháo 57mm cũng sử dụng máy chỉ huy PUAZO-5 và radar SON-4.
Trong tác chiến phòng không, pháo 57mm có tầm bắn 4.000m nếu dùng kính ngắm quang học và 6.000m nếu có radar dẫn đường. Trong một trung đoàn trang bị 57mm thường được bố trí thành bốn khẩu đội. Mỗi khẩu đội gồm 6 pháo, radar điều khiển hỏa lực, máy chỉ huy.
Pháo phòng không 57mm AZP S-60. Ảnh: Lê Nam
Sau này, các chuyên gia còn cải tiến lắp pháo 57mm lên thân xe tăng T-54 để tăng khả năng cơ động. Mẫu cải tiến này được đặt tên là ZSU-57-2 (pháo 57mm hai nòng). Loại này cũng được trang bị cho quân đội nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.
Pháo 57mm AZP S-60 nằm trong thành phần lực lượng phòng không tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trên không.
Pháo phòng không 100mm KS-19
100mm KS-19 là loại pháo phòng không tầm trung, tầm cao của Liên Xô viện trợ cho Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.
Pháo phòng không tầm cao 100mm KS-19. Ảnh: Lê Nam
Pháo 100mm được điều khiển bởi một tổ 15 người, khi cần thiết chúng được di chuyển bởi xe kéo bánh xích hạng trung AT-S và hạng nặng AT-T.
Trong tác chiến chống máy bay, 100mm KS-19 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao 10000m. Các loại đạn sử dụng cho KS-19 bao gồm: đạn HE (thuốc nổ mạnh), đạn HE-nổ mảnh, đạn nổ mảnh.
KS-19 sử dụng kính ngắm quang học hoặc dùng hệ thống điều khiển bảo gồm radar SON-9A và máy chỉ huy PUAZO-6/19 tăng thêm độ chính xác. Tuy nhiên, tốc độ bắn của KS-19 khá chậm (15 viên/phút).
Máy chỉ huy PUAZO-6. Ảnh: Lê Nam
Radar điều khiển SON-9 có thể dùng chung pháo 57mm và 100mm. Ảnh: Lê Nam
Tương tự pháo 37, 57mm, KS-19 cũng được dùng để chống lại xe thiết giáp hạng nhẹ. Chúng có thể xuyên giáp dày 185mm ở khoảng cách 1000m.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, pháo 100mm KS-19 trang bị hạn chế trong các đơn vị pháo cao xạ.
Trong chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử cuối năm 1972, lực lượng phòng không quân ta với trang bị từ súng máy phòng không 12,7mm, ZPU-1/2/4 14,5mm tới pháo 37mm, 57mm, 100mm đã tạo thành lưới lửa tầm thấp, tầm trung, tầm cao phủ khắp miền bắc. Tập trung đánh địch từ mọi hướng, bảo vệ an toàn cho các kho tàng, bến bãi, sân bay, trận địa tên lửa (át chủ bài của nhân dân ta chống “ngáo ộp” B-52)… Tính riêng từ ngày 18 đến 30 tháng 12, bộ đội phòng không đã bắn rơi hàng chục chiếc máy bay hiện đại của quân Mỹ, trong đó có cả loại mới nhất F-111. |
Lê Nam (tổng hợp)
baodatviet.vn