Trong chiến dịch Linebacker II, Mỹ đã đưa lượng lớn “pháo đài bay” B-52, được coi là “thần tượng của không lực Mỹ” có tầm bay xa, mang nhiều bom, với sức hủy diệt lớn.
>> Cán cân quân sự trong chiến dịch ĐBP trên không (kỳ 1)
B-52 Stratofortress (Pháo đài bay) là máy bay ném bom chiến lược tầm xa của không quân Mỹ. Đi vào hoạt động năm 1955, B-52 đã trở thành niềm tự hào của ngành công nghiệp quốc phòng của siêu cường này.
Với chiều dài gần 50m, cao 12,4m, sải cánh 56,4m, trọng lượng cất cánh tối đa trên 200 tấn. B-52 được xem là máy bay ném bom lớn nhất trên thế giới lúc đó.
Hình dáng của B-52 khá giống với mẫu máy bay ném bom chiến lược B-47 Stratojet. Tất cả bộ phận cánh, vị trí đặt động cơ, bộ phận bánh đáp đều gợi cho người ta nhớ tới những chiếc B-47. Tuy nhiên, xét trên mọi mặt, B-52 vẫn to lớn hơn và nặng hơn “người tiền nhiệm”.
Để nâng “con quái vật” này lên bầu trời, Boeing đã trang bị cho nó 8 động cơ phản lực cánh quạt đẩy Pratt & Whiteney TF33-P-3/103 giúp B-52 đạt tốc độ 1.000km/h, tầm hoạt động 12.000km, trần bay 15.000m.
“Ngáo ộp” B-52 trang bị tám động cơ TF-33, chiều dài máy bay gần 50m, chiều cao 12,4m, sải cánh 56,4m.
B-52 được điều khiển bởi một kíp lái 6 người gồm: chỉ huy, phi công, sĩ quan phụ trách radar, sĩ quan dẫn đường, sĩ quan tác chiến điện tử và một xạ thủ súng máy ở phía đuôi máy bay.
Mỗi chiếc B-52 có thể chứa khoảng 100 quả bom đặt trong khoang bom và giá treo trên cánh. Số lượng đó tương đương với 30 tấn. Ngoài ra, còn có tháp pháo đuôi trang bị pháo M 61 “Thần lửa” cỡ 20mm dùng để bắn máy bay hoặc tên lửa.
Tháp pháo đuôi của B-52
Tất cả những điều trên đã làm cho B-52 trở thành “thần tượng của không lực Mỹ”. Vì thế, với tham vọng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Từ năm 1965, Mỹ đã đem B-52 tới Việt Nam tham chiến. Hầu hết các máy bay B-52 đều cất cánh từ hai sân bay Utapao (Thái Lan) và Anderson (Guam).
Trong chiến dịch Linebacker II năm 1972, bên cạnh các loại máy bay chiến đấu chiến thuật thì B-52 chính là “quân át chủ bài” mà Tổng thống Nixon tung ra hòng “đưa miền bắc Việt Nam về thời kỳ đồ đá”, tạo thế thuận lợi trên bàn đàm phán hiệp định Paris. Để thực hiện mưu đồ này, chúng đã huy động 193 chiếc B-52D/G (chiếm gần 50% số B-52 mà Mỹ có).
Trong đó:
– Phiên bản B-52D không có quá nhiều sự thay đổi, ngoài việc nó đã được cải tiến để mang được một lượng bom lớn hơn thông thường phục vụ cho các chiến dịch ném bom rải thảm.
B-52D ném bom rải thảm.
– Phiên bản B-52G có hai sự thay đổi lớn nhất là: trọng lượng tăng thêm từ 200 tấn lên 221 tấn và thay thế động cơ mới Pratt & Whiteney J57-P-43W.
Ngoài ra, có một số điểm thay đổi là thiết kế lại phần cánh cung cấp thêm giá treo bên ngoài cho hai thùng nhiên liệu 2.650 lít; phần đầu máy bay chứa radar được mở rộng. Đối với hệ thống điện tử trên máy bay, ngoài các thiết bị tiêu chuẩn thì nó trang bị mới radar điều khiển hỏa lực AN/ASG-15, cải tiến công nghệ gây nhiễu điện tử.
Phiên bản cải tiến B-52G mang một vài điểm cải tiến mới.
Về trang bị vũ khí, ngoài khối lượng bom thông thường, những chiếc B-52G được trang bị một động cơ phản lực Pratt & Whiteney J52, sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính và mang thêm loại tên lửa hành trình không đối đất AGM-28 Hound Dog (chó săn).
Nếu AGM-28 bay tầm cao ở tốc độ siêu âm thì tầm bắn lên tới 800km, còn bay ở tầm thấp và tốc độ cận âm thì tầm bắn giảm xuống còn trên 300km. Tên lửa AGM-28 có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân.
Tên lửa hành trình không đối đất AGM-28.
Lớp hỏa mù che đậy hành tung B-52
B-52G mang được bốn quả tên lửa “mồi bẫy” ADM-20 Quail (chim cút). Đây là loại vũ khí có khả năng đánh lừa được radar địch, thu hút tên lửa tầm nhiệt K-13 của MiG-21 về phía mình bảo vệ cho B-52G. Tên lửa sử dụng một động cơ phản lực Pratt & Whiteney J85, tầm bắn khoảng 700km, tốc độ Mach 0.9.
Tên lửa “mồi bẫy” AMD-20
B-52 đang thả tên lửa “mồi bẫy” AMD-20
Tuy nhiên, những trang bị trên chưa đủ để B-52 vượt qua được lưới lửa phòng không miền Bắc hay “rồng lửa” SAM-2. Không quân Mỹ đã trang bị thêm cho “con ngáo ộp” này 16 máy gây nhiễu điện tử tích cực, hai máy gây nhiễu tiêu cực và hai máy thu tần số radar đối phương.
Toàn bộ hệ thống máy gây nhiễu điện tử tích cực của B-52 đều do sĩ quan tác chiến điện tử phụ trách, các thiết bị này sẽ tự động thu và phân tích tần số sóng radar đối phương, sau đó sĩ quan phụ trách sẽ lựa chọn phát tần số sóng để chế áp đài radar đối phương.
Bên cạnh đó, B-52 còn nhận được sự hỗ trợ từ các máy bay trinh sát điện tử EA-6A, EB-66, EC-121 và kể cả từ các chiến đấu cơ F-4, F-105, A-6, A-7 đều được lắp đặt thiết bị gây nhiễu điện tử tích cực.
Ngoài ra, không quân Mỹ còn áp dụng cả phương thức gây nhiễu tiêu cực là các “quả bom” chứa hàng triệu triệu sợi kim loại màu bạc, rất mỏng, nhẹ (mỗi quả bom chứa 450 bó nhiễu). Những sợi nhiễu này còn được thả từ các tốp F-4, khi gặp sóng radar sẽ phản xạ hiển thị trên màn hình theo dõi thành các chấm nhỏ li ti che giấu mục tiêu thật. Tất cả được kỳ vọng sẽ hình thành một hành lang an toàn cho B-52 xâm nhập bầu trời thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn ở miền Bắc Việt Nam.
Đắc ý với những vũ khí siêu hiện đại như vậy, không quân Mỹ hoàn toàn tự tin cho một chiến thắng. Nhưng chúng đã lầm, với ý chí quật cường, lòng quyết tâm cao độ quân dân miền bắc đã bẻ gãy chiến dịch Linebacker II làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không lẫy lừng.
Trong 12 ngày đêm (từ 18 tới 30/12), lực lượng phòng không – không quân miền bắc đã bắn hạ 81 máy bay. Trong đó, có 34 chiếc B-52. Đến nay, Việt Nam là nước đầu tiên và cũng là duy nhất trên thế giới từng bắn hạ pháo đài bay B-52.
(còn tiếp)
Lê Nam
baodatviet.vn