SAM2 đã quật đổ B-52 như thế nào

QĐND-Câu chuyện tên lửa SAM2 bắn hạ B-52 đã được Anh hùng LLVT nhân dân, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Phó tư lệnh về chính trị Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 261, Sư đoàn 361, kể nhiều lần. Giờ ông đã 75 tuổi, thời gian đã đủ để những “bí mật quân sự” ngày ấy được phép công khai, minh chứng về sự sáng tạo, mưu trí, dũng cảm của một thế hệ Việt Nam trong cuộc chiến tranh vệ quốc.

Phóng viên (PV): Thưa Trung tướng, trước đây trên các phương tiện truyền thông đại chúng hay trong các cuốn sử truyền thống của Quân chủng PK-KQ mô tả việc bắn B-52 theo phương pháp “T” và “P”, thực chất của phương pháp này là thế nào?

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Ngày đó, chúng tôi đang từ đơn vị pháo cao xạ được chuyển sang sử dụng tên lửa đất đối không SAM2. Mỗi khi chuyển loại vũ khí như vậy đều được chuyên gia Liên Xô huấn luyện về lý thuyết cũng như thực hành một cách bài bản, kỹ càng. Hai phương pháp ấy là lấy chữ đầu phiên từ tiếng Nga sang. “T” là phương pháp bắn 3 điểm, khi đánh trong nhiễu không bắt được mục tiêu chỉ ước lượng cự ly và độ cao; còn “P” là phương pháp bắn đón nửa góc, khi nhìn thấy tín hiệu mục tiêu trên màn hiện sóng, như vậy đã xác định được cự ly và độ cao của máy bay rồi.

– SAM2 có được cải tiến để bắn B-52?

– Trước khi trận “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 diễn ra, dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Quân chủng PK-KQ đã có nhiều hội thảo chuyên đề về cách đánh B-52 cho bộ đội tên lửa. Chẳng hạn, cuộc họp từ ngày 30-10 đến 3-11-1972 tại Bộ chỉ huy Sư đoàn phòng không Hà Nội (F361) đóng tại Hòa Mục (Đống Đa, Hà Nội) do Tư lệnh Quân chủng, Đại tá Lê Văn Tri chủ trì, đã sôi nổi thảo luận xung quanh các vấn đề: phương pháp tổ chức chỉ huy; chọn dải nhiễu; chọn thời cơ phát sóng; cự ly phóng đạn; phương pháp bắn; phương pháp bám sát mục tiêu; cách chống tên lửa Sơ-rai… Sau hội nghị, Phòng Khoa học quân sự, Phòng Tác huấn Bộ Tổng tham mưu đã ban hành nội bộ tài liệu “Cách đánh B-52”. Việc cải tiến tên lửa SAM2 ngày đó đã được tiến hành tới 3-4 lần, do những cuộc thảo luận chung giữa cán bộ kỹ thuật Việt Nam và chuyên gia Liên Xô xuất phát từ thực tiễn huấn luyện và chiến đấu, nhắm vào việc nâng cao hiệu quả diệt địch, đã có một số cải tiến được tiến hành từ kết cấu lại cái càng kéo tên lửa đến thành phần bên trong quả đạn hay hệ thống điện tử điều khiển.

Thượng úy Nguyễn Văn Phiệt (ngoài cùng, bên phải), Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa 57 (E261, F361), rút kinh nghiệm đánh địch sau một trận chiến đấu cuối năm 1972. Ảnh tư liệu.

– Trở lại phương pháp T và P. Như vậy, hiệu quả bắn B-52 phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm chiến đấu sau khi vũ khí đã được cải tiến?

– Đúng thế! SAM2 bắn hiệu quả ở độ cao 27km; cự ly gần 7-12km, xa nhất 34km. Trước hết, phải quan sát nhiễu trên màn hiện sóng cho tinh tường, chuẩn xác, điều này luôn được các đơn vị tên lửa kịp thời rút kinh nghiệm sau từng trận đánh. Chẳng hạn, chúng tôi đã nhận biết một cách chắc chắn sự khác nhau giữa nhiễu B-52 với nhiễu máy bay tiêm kích bảo vệ vòng ngoài F4, F111. Dải nhiễu B-52 mịn, phẳng, thắt cổ bồng; còn nhiễu các máy bay chiến thuật kia thì đi như quấn thừng, không ổn định. Mỗi khi chúng tôi có động tác đánh lừa địch, phát sóng RPK giả thì nhiễu của các máy bay bảo vệ vòng ngoài nhấp nháy, chạy lung tung, còn của B-52 vẫn ổn định, chạy thẳng vào. Chọn thời cơ bắn đón cũng là điều rất quan trọng. Chẳng hạn đánh theo phương pháp P, nhìn thấy mục tiêu ở cự ly 20-25km là phóng, nếu để nó đến gần quá là quá tải, gãy đạn…

– Gãy đạn là thế nào, thưa ông?

– Thường phải đưa quả đạn tên lửa hướng bắn đón về phía trước, song do máy bay địch lao tới với tốc độ cao (1.800km/giờ), xử trí chậm là nó đến gần quá, quả đạn phóng lên bị hút về phía sau, nhiều trường hợp rơi bật ngửa ngay gần trận địa. Uổng phí quả đạn đó.

Đường bay của B-52 từ Gu-am và máy bay tiếp dầu từ Ô-ki-na-oa đến đánh phá Hà Nội, Hải Phòng. Ảnh chụp lại tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace.

– Không phải cứ mỗi quả tên lửa là diệt một máy bay…

– Lý thuyết thì cứ 3 quả đạn mới hạ được 1 máy bay, tức xác suất diệt mục tiêu đạt 96%. Những ngày mở đầu chiến dịch, sư đoàn tôi bắn nhiều mà hiệu quả diệt B-52 còn thấp, sau đó rút kinh nghiệm kịp thời, có lúc chỉ một quả đạn mà lại hạ được một B-52, mà hạ tại chỗ. Chẳng hạn, rạng sáng 21-12-1972 có ba tốp B-52 đánh vào sân bay Gia Lâm, trung đoàn ra lệnh tập trung hỏa lực của 4 tiểu đoàn, đã bắn cháy được mấy chiếc. Đến khi cơ số đạn các tiểu đoàn bạn đã hết, tiểu đoàn tôi chỉ còn hai quả. Đúng lúc đó, có 9 chiếc B-52 từ hướng tây bắc lao vào. Thấy kíp trắc thủ vẫn luôn tinh tường bám sát tín hiệu B-52, tôi ra lệnh cho sĩ quan điều khiển lần lượt phóng hai quả đạn, thế là hai B-52 bốc cháy tại chỗ.

– Ông có nhớ cả chiến dịch, ta dùng hết bao nhiêu đạn tên lửa?

– Nhớ chứ. Toàn chiến dịch bắn rơi 81 máy bay trong đó có 34 B-52, riêng sư đoàn tôi bắn rơi 25 B-52, trong đó 16 chiếc rơi tại chỗ; 9 máy bay chiến thuật thì có 2 chiếc rơi tại chỗ. Cả chiến dịch sử dụng hết 334 quả tên lửa, riêng Sư đoàn phòng không Hà Nội đã phóng lên 254 quả, đơn vị tôi 31 quả.

– Nghe nói, sau chiến dịch 12 ngày đêm diệt B-52, kho tên lửa SAM2 của ta đã cạn?

– Đâu có! Sau chiến dịch ta còn vài trăm quả dự trữ nữa. Tất nhiên, sau này tên lửa phòng không đã chuyển sang loại khác, hiện đại hơn. SAM2 đã đi vào lịch sử, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình. Nên nhớ “SAM2” là theo tên gọi của phương Tây, chứ đúng xuất xứ tên lửa do Liên Xô chế tạo đều lấy tên một dòng sông nào đó trên đất bạn. SAM2 có tên nguyên bản là “Đờ-vi-na” tức con sông Đờ-nhép; sau Đờ-vi-na là Pê-trô-va, là Vôn-ga…

– Xin cảm ơn ông!

Lúc Mỹ khởi đầu ném bom năm 1965, Bắc Việt Nam không có máy bay phản lực, có rất ít sân bay, không có tên lửa, không có tới 20 giàn ra-đa, chỉ có một số ít súng phòng không lỗi thời. Năm 1967, các phi công Mỹ đã phải bay qua lưới phòng không kinh khủng hơn nhiều so với lưới lửa gặp phải ở Đức năm 1944. Tên lửa đất đối không lần đầu tiên hạ một máy bay phản lực F-40 ngày 24-7-1965. Cuối năm đó, đã có khoảng 60 vị trí SAM ở miền Bắc. Máy bay MiG-17 và MiG-19 cũng đã có mặt trong năm đó và bắn rơi 2 máy bay F-105 ngày 4-4. Tổn thất của Mỹ về máy bay và về phi công đã gia tăng tỷ lệ thuận với mức độ phát triển hệ thống phòng không của Hà Nội (tướng 1 sao Đê-vơ Ri-sác Pan-mơ (Dave Richard Palmer). Trong cuốn “Tiếng kèn gọi quân”, Novato, Presidio Press, 1978).

PHẠM QUANG ĐẨU (Thực hiện)
qdnd.vn

Advertisement