Khai thác tối đa trang bị hiện có, đối đầu với máy bay hiện đại địch. Phạm Ngọc Lan cùng đồng đội xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ đánh chặn, tiêu diệt địch từ trận đầu.
(ĐVO) Kỳ 3: Người bắn rơi máy bay phản lực Mỹ đầu tiên
Bám thắt lưng địch mà đánh
Ngày 3/4/1965, hàng chục chiếc chiến đấu cơ Hải quân Mỹ cất cánh vào đánh phá cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa – điểm huyết mạch trên tuyến đường từ Bắc vào Nam mà Mỹ gọi là khu vực “cán xoong”.
Khi phát hiện địch, cấp trên ra lệnh biên đội 4 chiếc tiêm kích MiG-17 do Phạm Ngọc Lan (bay số 1) chỉ huy cùng các anh Phan Văn Túc (số 2), Hồ Văn Quỳ (số 3), Trần Minh Phương (số 4) cất cánh từ sân bay Nội Bài lên đánh chặn.
“Hướng phía đông có địch, cách 30km, độ cao 3.000m,” biên đội nhận được lệnh dẫn đường rành rọt từ mặt đất. Ngay lập tức, biên đội trưởng Phạm Ngọc Lan ra lệnh “triển khai đội hình chiến đấu”. “Địch đối đầu mình rất nhanh, tôi phát hiện địch ở phía Tây Hàm Rồng cách khoảng 20km, tôi hô phát hiện địch ở hướng đông và lệnh vứt thùng dầu phụ”.
“Trên mỗi chiếc MiG-17 mang 2 thùng dầu phụ, khi cất cánh tiêu hao 2 thùng dầu này trước. Khi nào hết thì ném bỏ để máy bay cơ động tốt hơn,” ông giải thích.
Biên đội MiG-17 đánh trận ngày 3/4/1965 (từ trái qua): Phạm Ngọc Lan – Phan Văn Túc – Hồ Văn Quỳ – Trần Minh Phương.
Nếu xét về khía cạnh kỹ thuật, MiG-17 có một vài điểm kém hơn so với địch. MiG-17 không có radar mà chỉ có kính ngắm (mắt tinh nhìn được 15km trong điều kiện ban ngày trời quang mây) và trang bị một pháo 30mm (cơ số 80 viên) cùng hai pháo 23mm (cơ số 160 viên), tốc độ cận âm 1.010km/h. Trong khi, tiêm kích F-8U hộ tống đội máy bay ném bom A-4 của Mỹ có tên lửa đối không, radar, bay với tốc độ siêu âm.
Nhưng với quyết tâm, lòng dũng cảm, khai thác tối đa vũ khí, Phạm Ngọc Lan cùng biên đội lấy thế tấn công tiêu diệt địch. Do tầm bắn hiệu quả nhất của pháo trên MiG-17 chỉ đạt 400m nên biên đội ta quyết tâm phải vào tầm rất gần mới khai hỏa.
Từ trên cao chiếc MiG của Phạm Ngọc Lan bay đầu, còn số 2 – Phan Văn Túc yểm trợ vào công kích địch. “Anh Phan Văn Túc bắn trước ở cự ly xa 800m nên chưa trúng. Cũng vì thế, quân địch phát hiện nhưng chúng cũng rối loạn đội hình.
Chớp thời cơ, Phạm Ngọc Lan bay vào đánh ngay chiếc F-8U đi đầu bảo vệ đội hình. Ở tầm 400m, tôi bóp cò lần thứ nhất chưa trúng, lần hai cũng vậy và tới lần ba thì chiếc F-8U trúng đạn, bùng cháy trên bầu trời Hàm Rồng,” ông nhớ lại giây phút lịch sử. Biên đội đồng loạt hô “cháy rồi, rơi rồi”, tất cả đều vui sướng khi “giặc lái” đền tội.
Xét về khía cạnh kỹ thuật ta kém địch nhưng bằng sự sáng tạo, dũng cảm, khai thác tối đa trang bị hiện có. Không quân ta, trực tiếp là Phạm Ngọc Lan cùng đồng đội đã giáng cho kẻ thù một đòn bất ngờ, buộc chúng từ nay không còn dám “ngông nghênh” xâm phạm vùng trời miền Bắc Việt Nam. Giờ đây, chúng không chỉ phải đối phó với mạng lưới phòng không tầng tầng lớp lớp mà còn phải lo những cú đột kích bất ngờ của MiG-17 và sau này là MiG-21.
Hạ cánh ngoạn mục
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chặn đánh địch cùng lực lượng phòng không, Phạm Ngọc Lan lệnh cho đồng đội trở về. Tuy nhiên, do phát hiện một chiếc F-8U tách đội hình vòng lại, ông liền đuổi theo công kích yểm trợ cho biên đội rút lui an toàn. Ông đuổi máy bay địch ra tới biển và bắn bị thương chiếc F-8U. Khi đó, ông mới nhận ra rằng máy bay đã gần hết nhiên liệu (dự tính còn khoảng 300 lít, chỉ đủ bay dưới 10 phút).
Ông nhanh chóng kéo cần lái từ độ cao 500m kéo vòng 180 độ lên 1.500m về đất liền. Thấy bờ, nhưng ông không thể xác định được nên bay theo hướng nào vì trục la bàn điện tử bị cong không chỉ chính xác được phương hướng do thực hiện nhiều động tác ngoặt gấp khi đuổi địch. Lúc này, sở chỉ huy mặt đất tính toán hết nhiên liệu, ra lệnh cho ông nhảy dù.
“Tôi nghĩ máy bay cùng với mình vừa xuất kích, rất thân thương, nhà nước mình còn nghèo, nó vừa lập công nên phải cố giữ cho bằng được máy bay,” ông nói. Dù sở chỉ huy lệnh ba lần nhảy dù, ông vẫn quyết tâm xin phép cho hạ cánh bắt buộc.
Phi công Phạm Ngọc Lan trong buồng lái MiG-17.
Vốn thông thạo địa hình, ông tính toán tìm đến cửa sông Thái Bình, bay thẳng về phía Tây Bắc là sông Hồng, và sau đó là Gia Lâm, Hà Nội, Nội Bài. “Tôi nghĩ trong trường hợp hết nhiên liệu giữa chừng, ở hai bên Sông Hồng bao giờ cũng có bãi cát dài. Và đó là điều kiện thuận lợi để tôi chọn bãi hạ cánh bắt buộc, để bảo đảm giữ vẹn toàn cho phi công và chiếc MiG thân yêu”.
Nghĩ là làm, ông liền bay bám theo sông Hồng về Hà Nội, nhưng do hết nhiên liệu nên ông quyết định hạ cánh bãi rộng hơn nằm ven sông Đuống. Tính huống khó khăn lại nảy sinh, do tốc độ bay lớn nên đã không thể đáp được xuống bãi, nếu vòng trở lại thì…rơi mất. “Tôi dùng kỹ thuật ngoặt gấp 180 độ ngược lại, lợi dung tốc độ thừa hạ cánh bằng bụng máy bay, không thả càng, bánh xe,” ông nhớ lại.
Khi hạ xuống, ông vận dụng hết tất cả các kỹ thuật bay để vừa thăng bằng máy bay, vừa giảm tốc nhanh. Tất cả đều phải đảm bảo sự hài hòa. Cuối cùng, chiếc máy bay hạ bụng xuống, lướt trên mặt đất khoảng 800m thì dừng sát triền đê sông Đuống.
Có thể nói, việc hạ cánh bằng thân máy bay trên mặt đất là một tình huống cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt trong điều kiện bãi đáp không biết trước, không có phương tiện cứu hộ. Với bản lĩnh, kỹ thuật tốt và một chút may mắn, Phạm Ngọc Lan đã hạ cánh thành công.
Thấm đượm tình quân dân
Việc hạ cánh trong điều kiện như thế, ông cũng bị thương ở trán do đầu đập vào máy ngắm nên mất 2-3 phút mới tỉnh. “Khi tôi tỉnh dậy, thấy hơi lơ mơ, hai chân vẫn đạp được, hai tay cựa được. Nhìn dọc triền đê thấy người lố nhố, đầu nhấp nhô, khí thế đằng đằng dường như nghĩ tôi là phi công địch nên cũng hơi hoảng,” ông nói. Rất bình tĩnh, ông đứng dậy mở khoang lái, gỡ mũ bay, đứng cao lên mở thắt lưng đeo súng bỏ lại trong khoang lái và bước ra ngoài.
Sau đó, ông hô to “ở đây có ai là chỉ huy cao nhất cho tôi xin gặp,” tới lần thứ ba thì một đồng chí mang xà cột, mũ cối đi hai bên có hai anh dân quân bước tới. Đứng cách 5-6m, ông dõng dạc nói: “tôi là phi công Việt Nam, cất cánh từ sân bay Nội Bài, về đây máy bay hỏng hóc xin hạ cánh nhờ”. Ông còn chỉ lên áo có đính cờ đỏ sao vàng năm cánh, máy bay mang phù hiệu cờ đỏ sao vàng. “Mọi hiểu lầm được giải tỏa” nhiều người dân chạy tới ôm chầm lấy ông, bao quanh máy bay.
Ông tiếp tục kêu gọi “máy bay tôi hạ cánh nhờ đồng bào giúp đỡ ngụy trang máy bay,” chỉ vài phút đã xong. Thế mới biết, tình quân dân như cá gặp nước, máy bay hạ cánh làm ruộng ngô hỏng gần hết nhưng nhân dân vẫn không tiếc mùa màng giúp đỡ khi bộ đội cần.
Sau đó, trực thăng của quân chủng đã tới và đưa Phạm Ngọc Lan về sân bay trung đoàn, các anh Túc – Quỳ – Phương đứng chờ, rồi ôm chầm lấy nhau, tất cả mừng mừng tủi tủi.
Biên đội MiG-17 đánh thắng trận đầu ngày 3/4/1965 có một điều đặc biệt, Phạm Ngọc Lan – Phan Văn Túc – Hồ Văn Quỳ – Trần Minh Phương đều sinh năm 1934. Sau này, các anh Phan Văn Túc và Trần Minh Phương đã anh dũng hi sinh trong các trận đánh khác. Phạm Ngọc Lan và Phan Văn Túc vinh dự được Đảng và Nhà Nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Chiến thắng 3/4/1965 trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Không quân Nhân dân Việt Nam. Các anh ra đi và trở về trọn vẹn. Không quân Nhân dân Việt Nam đã thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị của bác Hồ: “Mở mặt trận trên không thắng lợi”. Đồng thời chấp hành nghiêm nghị quyết của Quân ủy Trung Ương và chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Phải đánh thắng trận đầu”. |
Vỵ Nam
baodatviet.vn