QĐND-Trước khi dùng B-52 rải bom ở chiến trường miền Nam Việt Nam, giới quân sự Mỹ đã tuyên truyền khá ầm ĩ cho loại máy bay chiến lược được mệnh danh là pháo đài bay này. Pháo đài chỉ sự kiên cố, vững chắc. Bay để chỉ sự cơ động. Hoa Kỳ quảng cáo rằng, với chiều dài 48,5m, sải cánh 34m, có sức chở hơn 27 tấn bom đạn, độ cao có thể lên tới 17km, B-52 loại tất cả các tầm đạn pháo cao xạ của đối phương dưới tầm bay.
Dạo ấy hình dáng B-52 như thế nào, ở chiến trường lính ta không được biết, nhưng nhận dạng B-52 qua bãi bom. Hàng trăm quả bom được ném theo tọa độ, với bề rộng ngót trăm thước, chiều dài có khi kéo dài hơn một cây số. Đó là bãi bom hủy diệt, vì kẻ giết người đã nghiên cứu pha trộn các loại bom theo phương án tối ưu, nhằm phá sạch, giết sạch những gì nằm trên diện tích rộng lớn mà ít tốn kém nhất. Có một điều giới quân sự Mỹ thời ấy không ngờ tới, là lính ta không chỉ nhận biết B-52 từ bãi bom, mà trong khá nhiều trường hợp, còn nhận ra những tọa độ nào B-52 sắp ném bom, bởi thế bom B-52 đào đất, phá rừng thì nhiều, chứ mấy khi chụp được đội hình bộ đội hành quân hoặc khu vực đóng quân. Giới quân sự Mỹ lại đổ cho vì địa hình rừng núi quá rộng, quá phức tạp nên hiệu quả tiêu diệt đối phương của B-52 còn hạn chế, nếu như ở thành phố thì khác.
Bộ đội ta bắt sống giặc lái B-52 trong trận “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972. Ảnh: Cảnh trong phim “Hà Nội – Bản hùng ca” của Điện ảnh Quân đội.
Trước mùa đông năm 1972, người Hà Nội chưa một ai nhìn thấy hình dạng B-52. Và trong thâm tâm, nhiều người nghĩ rằng, sự tàn ác của kẻ thù cũng chỉ có giới hạn và không tin chúng có thể đem loại máy bay chiến lược đó để rải bom vào Thủ đô của một nước. Nhưng ý nghĩ đó đã hoàn toàn sai lầm. Khoảng tám giờ tối ngày 18-12-1972, anh em lớp Bồi dưỡng sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam đang ngồi đàm đạo thì nghe những âm thanh lạ như tiếng đá lăn ở phía chân trời. Mọi người hỏi nhau đó là tiếng gì? Nhà thơ Cảnh Trà, công tác ở tuyến lửa Vĩnh Linh, người đã nhập học chậm hơn một tháng trời vì phải đi bộ từ Vĩnh Linh ra Hà Nội khi tất cả các nhịp cầu đã bị phá sạch, nói:
– Theo mình thì đó là tiếng B-52!
Liền sau đó là tiếng còi báo động, tất cả vội vàng chạy ra hầm. Tôi nhớ đêm đó còi báo động Nhà hát Lớn thành phố rú lên 5 lần, anh em 5 lần tung chăn vùng dậy chạy ra hầm trú ẩn. Học viên nói chung còn trẻ, phản ứng khá nhanh nên khi còi báo động vừa rú lên là ra ngay được hầm, chỉ có nhà thơ Hoàng Cát, người đã bị cưa một chân trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 ở miền Nam, mỗi lần nghe còi báo động là phải ngồi dậy lắp chân gỗ vào. Mà động tác này đâu phải đơn giản, thường là mất 4-5 phút. Có khi còi báo yên, Hoàng Cát vừa mới vào giường, tháo chân gỗ ra chưa kịp nằm xuống thì đã nghe còi báo động. Đêm ấy cả lớp coi như thức trắng, nhưng chưa một ai biết chắc chắn B-52 đã ném bom Hà Nội, bởi trường viết văn ở Quảng Bá, cách trung tâm thành phố khá xa.
Pháo đài bay B-52. Ảnh chụp lại tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace.
Đêm 19-12, chúng tôi thức đón trận chiến chống B-52. Lúc đầu nghe còi báo động thì còn xuống hầm, nhưng khi nghe tiếng người hò reo vì B-52 cháy thì không ai có thể ngồi yên trong hầm được, bởi ánh sáng của đám cháy giữa trời cao đã chiếu sáng đến mọi ngóc ngách hầm trú ẩn. Lần đầu tiên, tôi được nhận dạng B-52 như thế này đây: Tôi đứng cùng nhiều học viên khác trên nóc hầm trú ẩn ở góc trường Quảng Bá, nhìn chênh chếch về phía Đông Anh, phía bên kia bến Chèm. Trong vô vàn tiếng nổ của các cỡ súng cao xạ, có một tiếng nổ to hơn, đó là tên lửa ta bắt đầu phóng. Đường đi của quả tên lửa vẽ lên nền trời đêm màu sáng rực, trông rất rõ. Lúc đầu vệt sáng đó chạy chênh chênh một đoạn khá dài, sau đó nó bay ngược lên theo chiều gần như thẳng đứng. Cuối chiều thẳng đứng đó tên lửa nổ, một quầng sáng nhỏ bung ra rồi tắt lặng. Chỉ chừng vài giây sau, phía trên chỗ tên lửa vừa nổ, phát ra một tiếng nổ lớn, ánh sáng bùng lên mãnh liệt, làm sáng đỏ cả bầu trời. Đấy là tiếng nổ của chiếc B-52 đã lĩnh đủ mảnh của quả tên lửa nổ cách nó không xa. Lúc này người Hà Nội không ai nghĩ là mình đang tránh bom, mà nhảy lên, reo lên để theo dõi cái bó đuốc khổng lồ đó vừa cháy, vừa rơi, lúc đầu còn rơi thẳng, sau đó vừa rơi vừa quay cho tận khi cắm xuống đất.
Lớp học còn ở lại Hà Nội qua đêm 20-12. Đó là đêm thứ ba, chúng tôi như đã quen với B-52, không chỉ leo nên nóc hầm xem B-52 cháy mà còn rủ nhau theo dân quân đi bắt phi công. Sáng 21 thì được lệnh của nhà trường phải đi sơ tán, đúng hơn là chia nhỏ lớp ra để đi thực tế đến các trận địa phòng không ở vùng ngoại vi thành phố.
Tôi theo một đơn vị dân quân của xã Liên Hà, huyện Đan Phượng với những khẩu pháo 37mm trực trên bãi Nổi giữa sông Hồng. Nhiệm vụ của đơn vị này là đón đánh những chiếc máy bay tầm thấp trước khi chúng lẻn vào đánh phá Hà Nội. Tại trận địa này, tôi đã nhìn thấy hình dạng B-52 khi nó đang bay trên bầu trời: Sau hồi còi báo động, nghe tiếng động cơ nặng nề, ngước mắt lên bầu trời đêm mùa đông ù ù những cơn gió lạnh, tôi bắt gặp những bóng đèn nhấp nháy trên cao. Chỉ một lúc sau, từ phía Hà Nội, ánh sáng của những quả đạn tên lửa đã vạch sáng nền trời.
Sau mười hai ngày đêm, sáng ngày 1-1-1973, dù chưa có lệnh của nhà trường, nhưng học viên từ các hướng khác nhau đã trở lại Hà Nội. Sau khi đi dọc phố Khâm Thiên đổ nát, có nhiều người chít khăn xô trắng đào bới trong gạch vụn, tôi tìm về vườn Bách Thảo cùng bao người khác. Tới Bách Thảo không phải để xem thú, xem cây mà là vì xác những chiếc B-52 đã được mang về chất đống trên khoảng đất rộng phía trong cổng. Đây là lần thứ ba tôi được nhận dạng B-52, khi nó chỉ còn là những mảnh vụn rời rạc. Tôi ngạc nhiên về bề rộng của sải cánh và chi chít những u cục nổi lên dọc những đường hàn tiếp nối. Biểu tượng “Bàn tay nắm giữ tia sét” trên một mảng cánh đã bị mảnh tên lửa của ta xé ra làm hai nửa. Thì ra tên lửa của ta còn mạnh hơn những tia sét của trời, làm cho không lực Hoa Kỳ không thể nào nắm giữ nổi!
Bên xác máy bay B-52, tôi đã sáng tác ngay một bài thơ, vài ngày sau đăng trên Báo Nhân Dân. Nhân dịp này, mời các bạn đọc lại bài thơ này trong không khí cả nước long trọng kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” của thủ đô Hà Nội anh hùng.
CHÚNG TÔI HIỂU B-52
(Lời một người Hà Nội)
B-52 chở được bao nhiêu tấn bom?
Điều đó chúng tôi không rõ
Chỉ biết chúng san bằng từ đầu đến
cuối phố
Như Khâm Thiên.
Bệnh viện Bạch Mai
Khu lao động An Dương
Nằm gọn trong tầm bom nổ.
B-52 bay cao bao nhiêu cây số?
Điều đó chúng tôi không rõ
Chỉ biết chúng bốc cháy từ rất cao
Chiếc nào cũng giống nhau
Mắt chỉ thấy khi đã bừng sắc lửa
Rồi ánh chớp lóe lên
Rực sáng tận từng góc phố.
Không biết chúng dài bao nhiêu thước
Vì chẳng gặp chiếc nào vẹn nguyên
Chỉ thấy từng mảng sạm đen
Từng mảng quăn queo, rách nát
Với hàng vạn mũi đinh
Như những vết đen ghi tội ác.
Chúng tôi hiểu B-52
Không phải qua sách báo Hoa Kỳ quảng cáo
Mà qua xương máu
Của đồng đội, bà con
Qua bàn tay run rẩy xin hàng
Của những tên giặc lái.
VƯƠNG TRỌNG
qdnd.vn