QĐND-Dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, tuy đã nghỉ hưu nhưng Đại tá Nghiêm Đình Tích cũng bận rộn chẳng kém “người Quân chủng”. Ông bảo, ngoài thời gian tiếp phóng viên các báo, đài tới hỏi chuyện và tham gia giao lưu trên truyền hình, ông còn dành nhiều thời gian kiếm tìm, hệ thống lại những kỷ vật từng gắn với cuộc sống quân ngũ và hạnh phúc gia đình ông trong suốt những năm tháng chiến tranh.
Ông có ý định lục tìm “kho ký ức” ấy từ cách đây ít tháng, khi vợ ông – bà Đỗ Thị Tâm – vừa qua đời do lâm bệnh hiểm nghèo… Trong khoảng lặng của cuộc trò chuyện, Đại tá Nghiêm Đình Tích đưa tôi xem những lá thư thời chiến đã sờn mép và nhuốm màu thời gian. Đó là những lá thư hai vợ chồng ông viết cho nhau trong những năm 1969-1973 và vẫn được gia đình ông lưu giữ cẩn thận suốt hàng chục năm qua. Vậy là trước khi được nghe người lính ra-đa “kể tội” B-52, tôi đã cùng ông lật giở những trang thư thời chiến và hiểu thêm phần nào những tháng năm gian khổ mà ông và người bạn đời đã từng phải trải qua.
“Anh nhớ thương!
Hai tháng không nhận được thư anh, nhiều lúc em lại tự hỏi: Vì sao anh không biên thư? Rồi nhiều câu hỏi luôn quẩn quanh trong óc em: Hay là anh đã…? Nhận được thư anh, em càng hiểu anh hơn, và tất cả những ý nghĩ vẩn vơ trong em bỗng tan biến, nhường chỗ cho niềm vui và lòng tin từng được thử thách, xây đắp trong suốt 7 năm qua…”. (Thư ngày 2-8-1969)
Cho tới ngày cưới (12-12-1970), Nghiêm Đình Tích cũng chỉ tranh thủ 3 ngày cùng đồng đội về Hà Nội vận chuyển khí tài để tổ chức một đám cưới đạm bạc ở quê nhà – xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Tây-nay là Hà Nội), rồi sau đó lại vội vã bắt xe đơn vị cơ động vào chiến trường Khu 4.
“Đã là cái Tết thứ hai anh không được đón xuân ở quê hương, phải xa nhà, xa gia đình, xa em yêu với nỗi nhớ nhung vô hạn. Nỗi nhớ nhung chỉ có những cặp vợ chồng mới cưới, phải xa nhau mới có thể cảm thông. Song cái vui của mùa xuân, của đất nước, của đơn vị đã làm cho niềm vui tâm hồn anh lớn lên và đã gần như choán hết cả tư duy và hành động của anh. Trong anh chỉ còn lại niềm khao khát tin vui đón Tết ở gia đình mình. Không biết năm nay em có được nghỉ và về quê ăn Tết không, tình hình đón Tết ở nhà ra sao?…”. (Thư ngày 27-1-1971)
Cựu chiến binh Nghiêm Đình Tích. Ảnh: QUANG HUY.
Nghiêm Đình Tích còn nhớ như in buổi chiều rét ngọt ngày 6-2-1971, đó là ngày chàng lính trẻ nhận được thư của người vợ mới cưới:
“Nhận được thư em trong lúc xuân mới vừa đến và đang lặng lẽ trôi đi, đúng lúc anh đang ngóng chờ một tình cảm rất mới, rất đặc biệt, tình cảm của một cặp vợ chồng trẻ vừa mới cưới đã phải xa nhau và chưa rõ ngày gặp lại. Từng câu, từng chữ hiện lên rõ ràng, thân yêu trên mặt giấy như lời tâm sự, động viên, nhắn nhủ anh. Nhận được thư của Tâm, anh cảm thấy hình như chẳng còn rét nữa, tình cảm trong lá thư đã thực sự sưởi ấm tâm hồn anh…”. (Thư ngày 6-2-1971)
Trong khi ấy, đang công tác ở Ủy ban thống nhất Trung ương tại Hà Nội, người vợ trẻ Đỗ Thị Tâm luôn lo lắng cho sức khỏe và nhiệm vụ của chồng:
“Anh thương nhớ của em!
Anh vẫn khỏe chứ, công tác chiến đấu ra sao, có bắt được nhiều mục tiêu không hay lại để bọn chúng “lọt lưới” hết rồi? Em luôn mong chờ tin chiến thắng của anh đấy. Ở nhà thầy, u và gia đình nhắc đến anh luôn, sao dịp Tết vừa qua anh không biên thư về nhà, để u cứ lo anh làm sao…”. (Thư ngày 30-3-1972)
Đại tá Nghiêm Đình Tích kể rằng, do chiến tranh mà có thời điểm 6 tháng liền ông không nhận được một lá thư của vợ, trong khi ở nhà “bà xã” vẫn thường xuyên gửi thư vào chiến trường và thư nào cũng thấy trách “sao em chẳng nhận được thư anh”, để rồi người lính ở tiền tuyến phải động viên, giải thích với người ở hậu phương: “Trong thư, em trách anh nhiều về việc em không nhận được thư anh, song tính đến nay đã hơn 6 tháng rồi, không có một lá thư nào của em đến với anh, trong khi địa chỉ vẫn không có gì thay đổi. Anh vẫn thường xuyên biên thư cho em, mặc dù điều kiện công tác của anh có bận rộn hơn trước. Đâu ngờ chúng ta lại không nhận được thư của nhau, để cho em buồn, thậm chí lại còn ngờ vực anh!”.
Bên cánh sóng ra-đa, Nghiêm Đình Tích đã có dịp trải lòng với những tâm sự lạc quan, tươi trẻ. Trong một lá thư gửi vợ, chàng lính trẻ đã tếu táo coi mình là “mục tiêu” nhỏ bé mà bom Mỹ không dễ dàng sát hại. Lá thư đề ngày 12-12-1972 và khi tới tay người nhận, đơn vị của Nghiêm Đình Tích cũng như quân, dân Thủ đô đã trải qua 12 ngày đêm chống chọi với cuộc tập kích đường không của B-52 Mỹ.
“Em thương yêu của anh!
Hiện nay anh vẫn khỏe, sinh hoạt và công tác bình thường. Thời kỳ vừa qua địch đánh phá có phần ác liệt, ở ngoài ấy nghe đài hoặc nghe tin đồn kể ra cũng nóng ruột đấy, nhưng thực ra vẫn chưa ác liệt lắm đâu, mặc dù chúng có nhiều đợt B-52 đánh phá. Chỗ bọn anh nhiều lần nhìn thấy B-52, nhiều lần nghe rõ tiếng bom B-52 với âm độ khác nhau, và cũng có lần được “thưởng thức” tiếng bom B-52 cách đỉnh đầu hàng trăm mét, nổ cách chỗ ở 500-600m. Các loại máy bay khác cũng hoạt động mạnh cả ngày lẫn đêm quanh khu ở, có lần chúng bắn tên lửa vào khu công tác, song bọn anh đã khá quen với cuộc sống như vậy rồi.
Em đừng lo cho anh nhé, bởi vì các anh đã có “mắt thần”, dĩ nhiên hầu hết những lần như vậy bọn anh đều biết và làm việc bình thường. Hầm hố ở đây cũng đầy đủ và khá chắc chắn. Hơn nữa em nên nhớ rằng “Nó thấy mà chưa chắc đã đánh được, đánh chưa chắc đã trúng, trúng chưa chắc đã chết” và “mục tiêu” như anh lại vô cùng nhỏ bé. Yên tâm em nhé, đừng quá lo về anh mà già đi đấy!…”. (Thư ngày 12-12-1972)
Những lá thư thời chiến của vợ chồng CCB Nghiêm Đình Tích.
Sau dòng hồi ức gắn với những lá thư kỷ vật, Đại tá Nghiêm Đình Tích đã kể về công việc của những người lính ra-đa Đại đội 45, Trung đoàn 291 trong những ngày cuối tháng 12-1972. Có mặt tại trận địa ra-đa Đồi Si (Đô Lương, Nghệ An) năm ấy, ông đã từng “nóng ran người” khi trực tiếp phát hiện ra “đường bay lạ” của địch.
Khoảng 19 giờ ngày 18-12-1972, Đại đội 45 được lệnh mở máy, mấy phút sau Nghiêm Đình Tích và hai trắc thủ Phạm Hoàng Cầu, Nguyễn Văn Xích đã thấy những dải nhiễu B-52 ở đúng tọa độ mà trắc thủ máy đo cao Tô Trọng Huy đã thông báo. Mọi người trong kíp vẫn bình tĩnh vì họ đã quá quen với những tốp B-52 cất cánh từ căn cứ U-ta-pao vào đánh phá các mục tiêu ở Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng trên đất Lào. Trước đó, Nghiêm Đình Tích và đồng đội đã có hơn 3 năm rời Hà Nội vào bám trụ, lăn lộn ở chiến trường Khu 4, vì thế trong buổi tối 18-12, các anh đã phát hiện ra sự “bất thường” của không quân địch: B-52 đã đến phương vị 300 độ mà chưa đổi hướng. “Thường thì cứ đến các phương vị 270, 280 và 290 độ là chúng rẽ trái, tiến vào đất Lào, nhưng lần này nó bay qua phương vị 300. Người tôi nóng ran, vậy là chỉ còn mỗi đường là nó bay vào miền Bắc”, Đại tá Nghiêm Đình Tích nhớ lại.
Trong khoảng thời gian tính bằng giây quan sát trên màn hiện sóng, các trắc thủ của Đại đội 45 đã coi “Phương vị 300” như một ngã ba đường, và họ đã nhận ra lối rẽ của lũ giặc trời. Khi báo cáo lên trên, cả Đại đội và Trung đoàn đều hỏi lại: “Có đúng B-52 không?”, thậm chí khi Trung đoàn báo về Sở chỉ huy trung tâm, chính Tham mưu phó Binh chủng Hứa Mạnh Tài còn lặp lại câu hỏi ấy tới hai lần.
“Có sự thận trọng trước khi báo cáo cấp trên là do trước đây đã từng xảy ra chuyện hoang báo tin B-52, sự thận trọng ấy đã làm cho tôi và hai trắc thủ: Xích, Cầu – những người con Hà Nội – thêm lo lắng, sốt ruột khi nghĩ tới người thân ở hậu phương. Lúc ấy, tôi chỉ muốn hét thật to cho cả nước cùng nghe: B-52 đang bay vào Hà Nội”, Đại tá Nghiêm Đình Tích kể lại, giọng xúc động.
19 giờ ngày 18-12-1972, tại trận địa ra-đa ở Đồi Si (Đô Lương, Nghệ An), Đại đội 45 (Trung đoàn Ra-đa 291) đã phát hiện một đường bay lạ của B-52 Mỹ. Ngay lập tức, thông tin “B-52 đang hướng vào Hà Nội” được báo cáo lên trên. Ít phút sau, từ Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không-Không quân, mệnh lệnh báo động B-52 toàn miền Bắc được phát ra. Do lập công đầu trong Chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972, tập thể Đại đội 45, Trung đoàn 291 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; Đài trưởng ra-đa Nghiêm Đình Tích được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì. S.T. |
BÙI VŨ MINH
qdnd.vn