Bộ đội radar không chỉ đóng vai trò “con mắt” canh giữ, mà còn làm nhiệm vụ dẫn đường cho phi công ta tiêu diệt địch trên vùng trời, vùng biển.
>> Kỳ 1: Đạn pháo đan lưới lửa
Kỳ 2: “Mắt thần” canh giữ bầu trời
Tiêm kích đánh biển
Ngày 19/4/1972, bộ đội không quân đã làm nên chiến công xuất sắc dùng máy bay tiêm kích tấn công tàu Mỹ ngoài vùng biển Quảng Bình. Góp công lớn trong trận đánh này là bộ đội radar. Các chiến sĩ phân đội radar 403, trung đoàn 291 (gồm đại đội trưởng Nguyễn Văn Nhàn, đài trưởng Phan Thanh Hài, trắc thủ số 1 Lương Anh Tiễn, trắc thủ số 2 Nguyễn Xuân Hoan) hiệp đồng với biên đội MiG-17 do phi công Nguyễn Văn Bảy B (số 1) và Lê Xuân Dị (số 2) điều khiển.
15h30 ngày 19/4/1972, máy bay địch vào đánh phá sân bay Đồng Hới, tàu chiến địch pháo kích cây đèn biển. Phân đội radar được lệnh chiến đấu, tới 16h01, trắc thủ số 1 phát hiện 6 chiếc tàu địch ở cự ly 15km và 12 chiếc ở cự ly 25km. Đài trưởng radar lệnh cho trắc thủ số 2 nâng ăng ten sục sạo địch trên không, chú ý hướng biển. Sở chỉ huy tiền phương Quân chủng nhắc radar phải bám sát tàu địch liên tục.
Đúng theo phương án đã định, trắc thủ số 2 liên tục thao tác ăng ten và thực hiện bám sát, còn trắc thủ số 1 thông báo phần tử, đài trưởng nhắc trắc thủ chú ý sục sạo và cảnh giới xung quanh máy bay ta.
Các trắc thủ tập trung thao tác và thông báo liên tục phần tử tàu địch và máy bay ta. Khi ra đến biển, độ cao máy bay MiG-17 là 50m, được lệnh công kích, trên màn hiện sóng tín hiệu MiG trùng lên tín hiệu địch.
MiG-17 do phi công Lê Xuân Dị điều khiển đã ném một quả bom 250kg trúng tháp pháo 127mm trên tàu khu trục USS Higbee, còn phi công Nguyễn Văn Bảy đánh trúng tuần dương hạm USS Oklahoma city.
Tranh vẽ minh họa máy bay MiG-17 của Không quân Nhân dân Việt Nam không kích tàu khu trục Mỹ.
Vọng quan sát báo về, một chiếc tàu địch bốc cháy. Máy bay ta vòng về hướng đất liền, đài trưởng tiếp tục nhắc trắc thủ sục sạo phát hiện máy bay địch và chú ý chống tên lửa chống radar AGM-45 Shrike.
Ngay sau khi biên đội MiG-17 về hạ cánh an toàn và được kéo vào vị trí cất giấu, đơn vị radar 403 phát hiện 2 tốp máy bay địch bay từ biển vào. Hai phút sau, địch phóng hai quả tên lửa chống radar Shrike xuống gần trận địa.
Bình tĩnh, các trắc thủ radar mau lẹ thao tác theo quy trình chống Shrike nên trận địa vẫn an toàn, 2 quả tên lửa nổ cách trận địa 1.500m.
Tuy cả 2 tàu địch đều chỉ gặp phải hư hỏng nhỏ nhưng ít nhiều đã làm quân Mỹ hoảng sợ. Lần đầu tiên sau chiến tranh thế giới thứ 2, tàu chiến hạm đội 7 bị không kích. Ngoài ra, trận duy nhất của bộ đội radar đảm bảo cho tiêm kích làm nhiệm vụ cường kích đánh cháy hạm tàu địch trên biển.
“Không để Tổ quốc bị bất ngờ”
Ngày 14/12/1972, Tổng thống Mỹ Nixon ký phê chuẩn kế hoạch mở cuộc tập kích đường không dùng máy bay ném bom B-52 cùng hàng trăm máy bay chiến đấu chiến thuật đánh phá hủy diệt các mục tiêu kinh tế, chính trị, quân sự quan trọng ở Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố lớn.
Với tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao, luôn đề phòng cảnh giác trước mọi âm mưu thâm hiểm của kẻ địch. Quân dân miền Bắc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và chính phủ đã chuẩn bị đầy đủ kế hoạch đối phó với cuộc chiến gian khổ, khó khăn này.
Đóng góp một phần công không nhỏ trong chiến dịch 12 ngày đêm này, bên cạnh các đơn vị pháo phòng không, tên lửa, không quân tiêm kích, bộ đội radar là đơn vị cảnh giới, phát hiện sớm mục tiêu địch, để “Tổ quốc không bị bất ngờ”.
Ngay trong đêm đầu tiên của chiến dịch (ngày 18/12), các chiến sĩ đại đội radar 45 (trung đoàn 291) đã phát hiện sớm B-52 vào đánh phá miền bắc trước 35 phút. Lúc 18h14 sở chi huy trung tâm báo động mạng radar cảnh giới. Tới 19h, đại đội 45 nằm ở phía Tây Trường Sơn phát hiện tốp máy bay từ Mường Phín (Hạ Lào) bay lên phía bắc, một phút sau đại đội 16 của trung đoàn báo cáo có nhiễu B-52.
Mặc dù mục tiêu chưa hiện rõ, nhiễu tạp lại dày, nhưng bằng kinh nghiệm đã tích lỹ được, trắc thủ đo cao Tô Trọng Huy mạnh dạn quả đoán B-52 ở tọa độ X. Nhận báo cáo, trung đoàn trưởng Đỗ Năm lệnh cho đại đội 45 mở máy.
Đại đội trưởng Đinh Hữu Thuần nhanh chóng lệnh cho các trắc thủ, chỉ ít phút sau đài trưởng Nghiêm Đình Tích và các trắc thủ Phạm Hoàng Cầu, Nguyễn Văn Xích đã thấy ba dải nhiễu B-52 ở đúng tọa độ mà Tô Trọng Huy thông báo, đài radar đại đội 45 bình thường đã bắt được những tốp B-52 đi ném bom Cánh Đồng Chum Xiêng Khoảng (Thượng Lào).
Hình sóng B-52 trên các loại radar của ta.
Những tốp B-52 này thường cất cánh từ Utapao (Thái Lan) bay qua sông Mekong ngược lên phía bắc, thường đến phương vị 270, 280,290 độ là chúng rẽ trái. Vì vậy, tọa độ trở nên quen thuộc với các trắc thủ.
Nhưng lần này, chúng vượt qua phương vị 290 mà vẫn chưa đổi hướng bay, mục tiêu vào đến phương vị 300, ý nghĩ lóe lên trong đầu Nghiêm Đình Tích: B-52 bay vào miền Bắc. Ông báo cáo lên đại đội trưởng Đinh Hữu Thuần giọng rành rọt: “Đúng B-52! Mục tiêu sắp bay vào vùng trời miền Bắc”.
Từ sở chỉ huy trung đoàn 291 ở Nghệ An, các phần tử của đại đội 45 được phát thẳng về trung tâm và báo cáo ngay với Tư lênh Quân chủng. Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu báo cao lên Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, đồng thời lệnh báo động B-52 toàn miền bắc lúc 19h45.
Những tin báo đó đã bảo đảm cho Bộ tư lệnh Quân chủng nắm chắc địch, hạ quyết tâm sử dụng lực lượng và bảo đảm cho các đơn vị phòng không ba thứ quân chuyển cấp chiến đấu sớm 35 phút. Ngay trong đêm đầu bắn rơi 8 máy bay địch, trong đó có 3 chiếc B-52 (2 chiếc rơi tại chỗ).
Nhỏ, thấp cũng không thoát
Trong chiến tranh Việt Nam, Không quân Mỹ sử dụng rất nhiều loại máy bay trinh thám tầm cao SR-71, U-2 tới máy bay không người lái BQM-34A. Ở tầm thấp, chúng dùng loại UAV 147 khá nguy hiểm.
Đây là loại UAV có hình dáng nhỏ nhưng có tốc độ bay nhanh (250m/giây), tầm bay thấp (dưới 1.000 m hoặc 200-300 m). Nó thường được vận tải cơ C-130 thả ở vị trí địa hình đồi núi, lợi dụng lòng sông khe núi bay vào tìm kiếm các trận địa bố phòng của ta.
Đối với loại này, bộ đội pháo cao xạ khó bắn, còn tên lửa thì càng khó hơn. Vì vậy, bộ đội radar quyết tâm tìm mọi phương án “bắt” loại UAV này lộ diện, tạo điều kiện cho bộ đội phòng không bắn hạ.
Lúc 4h15 ngày 6/8/1969, đài radar của đại đội 19 và 46 đang làm nhiệm vụ cảnh giới thì phát hiện tín hiệu một vận tải cơ C-130 cách bờ biển 130km.
Chỉ huy trung đoàn ra lệnh mở máy tăng cường đài radar P15 của đại đội 25, ngay khi chiếc UAV 147SRE-16 vừa phóng khỏi C-130 liền bị các trắc thủ Lê Đỗ Ngoạn (đại đội 46) và Nguyễn Văn Giằng (đại đội 25) phát hiện thông báo kịp thời.
Từng mũi đường bay không người lái được kéo nhanh trên bàn đánh dấu, các trắc thủ bám sát liên tục. Những tin báo của trung đoàn đã giúp hai trung đoàn tên lửa 236 và 257 chuyển cấp chiến chiến đấu nhanh chóng xác định chính xác vị trí mục tiêu địch.
Tới 4h26, tiểu đoàn tên lửa 61 (trung đoàn 236) đã bắn rơi tại chỗ một chiếc 147SRE-16 của Mỹ.
Lê Nam
baodatviet.vn