Cán cân quân sự trong chiến dịch ĐBP trên không (kỳ 4)

Bên cạnh súng phòng không và pháo cao xạ, “én bạc” MiG-21 và “rồng lửa Thăng long” SA-2 là hai loại vũ khí chủ lực đập tan niềm tự hào của không lực Mỹ, làm nên chiến thắng vang dội địa cầu.

>> Cán cân quân sự trong chiến dịch ĐBP trên không (kỳ 1)
>> Cán cân quân sự trong chiến dịch ĐBP trên không (kỳ 2)
>> Cán cân quân sự trong chiến dịch ĐBP trên không (kỳ 3)

Tiêm kích đánh chặn MiG-21

MiG-21 là máy bay tiêm kích phản lực siêu âm do Liên Xô thiết kế phát triển vào những năm 1950. Vào thời điểm bấy giờ, MiG-21 là một trong những tiêm kích cơ hiện đại nhất thế giới. Chúng đã tham gia phục vụ ở gần 50 quốc gia trên thế giới, cho tới ngày nay vẫn có nhiều nước tiếp tục sử dụng MiG-21 như Việt Nam, Ấn Độ, Cu ba, Trung Quốc (biến thể J-7 do Trung Quốc tự sản xuất).

Liên Xô viện trợ loại tiêm kích này cho Việt Nam vào năm 1966, khi cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại miền bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ đang ở giai đoạn rất quyết liệt.

Tiêm kích MiG-21 của không quân nhân dân Việt Nam. Ảnh: Tuấn Linh

Tiêm kích MiG-21 thiết kế theo kiểu cánh tam giác, có hình dáng gần giống một mũi tên, được trang bị hệ thống điện tử khá đơn giản bao gồm:

– Thiết bị nhận diện bạn và thù (identification, friend or foe – IFF) dùng để nhận biết các loại máy bay, xe cộ thuộc quân ta hay đối phương. IFF xác định vị trí khoảng cách. MiG-21 hầu hết trang bị IFF SRZO-2 “Khrom-Nikel”.

– Thiết bị thông tin liên lạc RSIU-5, trừ một số phiên bản đời đầu như MiG-21F-13 trang bị R-802.

– Radar cảnh báo trên MiG-21 chủ yếu là SPO-2.

– Kính ngắm cho súng máy ASP-5 (phiên bản đời đầu MiG-21F-13, MiG-12F), PKI cho các bản tiếp sau.

Ngoài ra, một thiết bị không thể thiếu trên máy bay chiến đấu là radar điều khiển hỏa lực. Các máy bay MiG ngoài các mẫu đời đầu, thường được trang bị radar RP-21 “Saphir”. Trên lý thuyết loại radar này phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 20km và khóa mục tiêu ở cực ly 10 km. Tuy nhiên, thực tế con số này lần lượt ở mức 13 km và 7 km.

Các phiên bản MiG-21 trang bị vũ khí chủ yếu là hai tên lửa không đối không tầm nhiệt Vympel K-13 có tầm bắn khoảng 8 km. Vũ khí phụ là pháo 23 hoặc 30 mm.

MiG-21 sử dụng động cơ phản lực đốt nhiên liệu hai lần Tumansky R-11-300, cho phép tiêm kích này đạt tốc độ lên tới 2.500 km/h (Mach 2,5), tầm hoạt động khoảng 1.500 km, trần bay gần 20.000m.

Không quân nhân dân Việt Nam lúc đó được viện trợ các loại MiG-21F-13/PF/PFM/MF. Trong chiến dịch Linebacker II, không quân Việt Nam đã lập nên kỳ tích bắn rơi hai pháo đài bay B-52. Một “kỷ lục” mà cho tới tận ngày nay vẫn chưa có quốc gia nào trên thế giới làm được.

MiG-21 số hiệu 5121 do phi công Phạm Tuân lái bắn rơi “Pháo đài bay” B-52.
Ảnh: Tuấn Linh

Hai người anh hùng đó là phi công Phạm Tuân lái một chiếc Mig-21MF (trang bị radar RP-22) bắn rơi B-52 vào đêm 27/12/1972. Phạm Tuân sau này đã trở thành người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên vũ trụ cùng với nhà du hành vũ trụ Gorbatko trên con tàu Soyuz 37.

Người phi công thứ hai là Vũ Xuân Thiều, bắn hạ một chiếc B-52 đêm 28. Anh anh dũng hy sinh khi dùng máy bay làm “viên đạn thứ ba” đâm thẳng vào B-52, sau khi bắn hai tên lửa mà chưa tiêu diệt được địch.

Ngoài ra, trước đó, phi công Vũ Đình Rạng từng bắn bị thương một B-52 vào ngày 20/11/1971. Tổng kết sau 12 ngày đêm, không quân MiG-21 đã xuất kích 24 lần bắn rơi 7 máy bay địch (trong đó có hai B-52)

Hệ thống tên lửa đất đối không SA-2

SA-2 (theo tiếng Nga gọi là C-75) là hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung, tầm cao do Liên Xô phát triển từ những năm 50. SA-2 được triển khai chủ yếu ở các quốc gia thuộc khối Đông Âu, Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới.

Tên lửa đất đối không SA-2. Ảnh: Tuấn Linh

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Việt Nam được Liên Xô viện trợ cho loại tên lửa này. Ngày 24/7/1965, bộ đội tên lửa Việt Nam đã tham gia đánh thắng trận đầu bắn rơi một chiếc F-4 trên bầu trời miền Bắc.

Từ đó tới chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, tên lửa phòng không Việt Nam tham gia bắn hạ hàng trăm máy Mĩ.

Hệ thống tên lửa đất đối không SA-2 bao gồm các thành phần:

-Tên lửa V-750 là loại tên lửa hai tầng gồm một tầng phóng chứa nhiên liệu rắn và một tầng chứa nhiên liệu lỏng. Bộ phận phóng hoạt động trong khoảng 4-5 giây, động cơ chính vào khoảng 22 giây. V-750 lắp một đầu đạn 200 kg HE-phá mảnh. Khi cách mục tiêu khoảng 60m thì đầu đạn tự nổ bung ra 12.000 mảnh vụn. Tên lửa có tầm bắn 45km, độ cao bay trên 20 km.

– Radar điều khiển hỏa lực FAN SONG, tầm phát hiện mục tiêu khoảng 60 –120km đối với phiên bản A/B và 75-145km (phiên bản E/F/D). Radar có khả năng quét theo dõi đồng thời sáu mục tiêu cùng lúc. Radar FAN SONG kết hợp với hệ thống tên lửa SA-2 và radar bắt mục tiêu SPOON REST.

– Radar bắt mục tiêu và cảnh báo SPOON REST có tầm hoạt động khoảng 275 km.

– Radar đo độ cao SIDE NET, độ cao tìm kiếm từ 28 – 32 km.

– Radar cảnh báo sớm KNIFE REST, tầm hoạt động khoảng 250 km. Loại này chỉ được trang bị ở một số phiên bản đời đầu của hệ thống SA-2.

Tên lửa SAM-2 Radar điều khiển hỏa lực FAN SONG. Ảnh: Tuấn Linh

Radar bắt mục tiêu và cảnh báo SPOON REST. Ảnh: Tuấn Linh

Radar đo độ cao SIDE NET. Ảnh: Tuấn Linh

Radar cảnh báo sớm KNIFE REST.

Một tiểu đoàn tên lửa SA-2 thường được bố trí theo kiểu hình hoa, 6 bệ phóng bố trí ở xung quanh các hệ thống radar điều khiển và dẫn đường.

Một điểm đáng lưu ý nữa, có một số nguồn tin lâu nay cho rằng tên lửa SA-2 trong chiến tranh Việt Nam đã được cải tiến nối tầng nâng tầm bắn. Nhưng thực tế hoàn toàn không phải, bởi tên lửa SA-2 có thể hạ mục tiêu ở độ cao trên 20.000m trong khi trần bay tối đa của B-52 chỉ là 15.000 – 17.000m (khi bay ném bom độ cao bay 10.000m). Trên thực tế, chất bộ đội ta đã cải tiến các thiết bị radar để “vạch nhiễu tìm thù” bắt B-52 đền tội.

Xác B-52 rơi tại hồ Hữu Tiệp, làng Ngọc Hà (Hà Nội). Ảnh: Tuấn Linh

Trong chiến dịch cuối năm 1972, tên lửa SA-2 đã bắn rơi được 29 chiếc B-52, riêng Hà Nội bắn rơi 25 chiếc. Đây là một “cú sốc” đối với không lực Mỹ, bởi chúng coi B-52 là pháo đài bay không thể xâm phạm, được bảo vệ bởi nhiều loại máy bay gây nhiễu chủ động, bị động.

Với ý chí kiên cường, sáng tạo, anh dũng, quân và dân Thủ đô đã hạ đo ván con “ngáo ộp” này trên bầu trời miền Bắc Việt Nam. Buộc đế quốc Mỹ phải quay trở lại bàn đám phán ở Paris để ký kết hiệp định lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Lê Nam (tổng hợp)
baodatviet.vn

Advertisement