Những ngày quyết tử

QĐND-Tháng 12-1972, Tiểu đoàn tên lửa 77, Trung đoàn 257 được giao nhiệm vụ chốt tại trận địa Chèm bảo vệ hướng Tây-Tây Bắc của Hà Nội. Đây là hướng chủ lực vì địch dùng máy bay từ Thái Lan và các căn cứ ở Nhật Bản đánh sang đều đi theo hướng này tiến vào Hà Nội. Đại tá Đinh Thế Văn lúc đó đang là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 trực tiếp chỉ huy chiến đấu tại trận địa. Ông đã dùng cuốn sổ tay được tặng ngày 2-6-1969 khi đi dự Đại hội Thi đua Quyết thắng lần thứ hai của Quân chủng PK-KQ để ghi lại khoảng thời gian ông cùng đồng đội chiến đấu quyết liệt với kẻ thù trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” để bảo vệ vùng trời Hà Nội. Hơn hai mươi trang nhật ký trong 12 ngày đêm lịch sử của Thủ đô anh hùng không dàn trải nhiều cảm xúc, từng câu từng chữ trong nhật ký là diễn biến của từng ngày chiến sự mà ông trực tiếp tham gia và chứng kiến, là cuộc đấu trí và sức gay go giữa ta và địch…

Ngày 18-12: Công tác chuẩn bị đã khá đầy đủ. Trước đó trên Sư đoàn và Quân chủng đã quán triệt kỹ, các phái đoàn xuống kiểm tra trận địa liên tục. Cả tiểu đoàn đã ở trong tư thế sẵn sàng.

Trước giờ G: Tôi cùng các đồng chí chỉ huy tiểu đoàn triệu tập anh em quán triệt tinh thần một lần nữa. Là những người lính phải đánh cho tốt, chuẩn bị với mọi tình huống. Đặc biệt là đánh B-52. 23 giờ 45 phút ngày 18-12: Khai hỏa.

Chúng tôi đánh được bốn trận thì ba trận nhìn rõ mục tiêu và được trên công nhận bắn rơi tại chỗ một chiếc.

Đêm 19-12 và 20-12: Chúng tôi đều đánh tốt. Đặc biệt đêm 20-12 chúng tôi đã đánh 4 trận đều nhìn rõ mục tiêu. 20 giờ 34 phút, nổ hai quả. 5 giờ 09, nổ hai quả. 7 giờ: nổ hai quả. Chúng tôi được trên công nhận có hai chiếc B-52 rơi tại chỗ.

Ngày 21-12: Kẻ địch đã dùng máy bay chiến thuật đánh vào trận địa chúng tôi. Theo chỉ thị của trên, chúng tôi giữ nguyên trận địa mặc kệ cho địch quần thảo ở trên. Không đánh ban ngày dễ lộ trận địa và để tiết kiệm dành đánh B-52.

Sáng 22-12: Vào khoảng tám, chín giờ cả tiểu đoàn chúng tôi vô cùng sung sướng và cảm động được Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuống thăm. Sung sướng và cảm động vì được Đại tướng xuống động viên, an ủi, cổ vũ ngay sau khi trận địa bị tấn công. Bản thân tôi thì còn lo thêm việc bảo vệ an toàn cho Đại tướng vì trận bom bi và các loại bom địch đánh xung quanh trận địa hôm trước phát hiện chưa hết. “Các đồng chí đánh rất giỏi” – thật vinh dự cho toàn đơn vị khi được Đại tướng khen ngợi.

CCB là chỉ huy các Tiểu đoàn tên lửa: 72, 77, 57 và 93 gặp lại nhau. (Từ trái sang: Nguyễn Long Hiếu, Đinh Thế Văn, Nguyễn Văn Phiệt, Phạm Văn Chắt, Nguyễn Mạnh Hùng). Ảnh: MINH TRƯỜNG

Ngày 24-12: Địch đến ngày càng đông hơn. Hồi hộp quá. Phải đối phó với thủ đoạn phức tạp của địch, đặc biệt là thủ đoạn kỹ thuật vô tuyến điện tử mỗi lần mở máy và thu phát sóng. Nhưng rồi diễn biến càng phức tạp thì chúng tôi càng lo đến trách nhiệm. Anh em chúng tôi trong kíp chiến đấu đồng chí nào cũng tập trung nghĩ đến nhiệm vụ, trách nhiệm bảo vệ nhân dân. Tất cả những kiến thức được học, cách tìm mục tiêu chống nhiễu qua mỗi trận đối địch đều được hồi tưởng và vận dụng tốt.

Ngày 25-12: Chúng tôi đã có những tổn thất hy sinh nhất định. Chúng tôi chưa làm tròn trách nhiệm với Đảng, với nhân dân vì địch còn đánh được nhiều mục tiêu, nhân dân còn bị tổn thất nhiều.

Ngày 26-12: 22 giờ 40 phút, quả một nổ, địch gây nhiễu mờ hệ thống. Không tiêu diệt được địch, để nó chạy mất.

Ngày 27-12: Chúng tôi vẫn nói với nhau: bảo đảm chiến đấu và lập được chiến công còn có sự đóng góp to lớn của nhân dân, cơ quan và các đơn vị bạn xung quanh. Ngay những ngày đầu mở chiến dịch, trong và sau khi địch đánh, các đội tự vệ của Viện Chăn nuôi và xã Thụy Phương đều có mặt cùng chúng tôi chiến đấu và giải quyết hậu quả. Bình thường vào các buổi sáng, các cháu nhỏ mang lá ngụy trang đến trận địa để giúp chúng tôi ngụy trang trận địa che mắt địch. Nhân dân xã Thụy Phương có hẳn một trung đội do đồng chí Liên – phó chủ tịch phụ trách sửa đường, có lúc phải đưa cả giường, ván ra kê lót kéo đạn vào để chúng tôi có đạn để đánh. Nhân dân như thế sao chúng tôi không quyết tâm. Từ những ý nghĩ đó chúng tôi đã dồn sức tập trung, khôi phục sửa chữa vũ khí, khí tài nhanh chóng. Kết quả chúng tôi chỉ bị mất sức chiến đấu một đêm, còn sau đó lại bảo đảm tiếp tục chiến đấu được…

Chiến dịch 12 ngày đêm kết thúc thắng lợi, Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất. Sau đó, ông tiếp tục phục vụ quân đội, đến tháng 10-1989 về nghỉ hưu với quân hàm đại tá. Trở về với cuộc sống đời thường, ông lại cùng với bà con quê hương khôi phục nghề rối nước truyền thống của thôn Đào Thục, Thụy Lâm, Đông Anh khi nó đang có nguy cơ mai một. Đến nay khi đã bước sang tuổi ngoài 70, trên mặt trận mới, người Tiểu đoàn trưởng năm xưa vẫn tiếp tục “xây đời” bằng tâm huyết của người lính.

VĂN PHI – BÍCH TRANG (sưu tầm và biên soạn)
qdnd.vn

Advertisement