Tag Archive | Tin tức

Tư tưởng nhân văn sâu sắc trong Di chúc của Bác Hồ

Trên thế giới có nhiều nhà lãnh đạo thiên tài, kiệt xuất, nhưng có lẽ ít ai trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng đã để lại bản Di chúc lịch sử cụ thể, chu đáo và cẩn trọng như Bác Hồ. Di chúc của Bác khiến lòng ta xúc động, trước hết vì tư tưởng nhân văn sâu sắc của vị lãnh tụ vô cùng kính yêu mà hình ảnh và sự nghiệp vĩ đại của Người mãi mãi không thể phai mờ trong trái tim của người đương thời cũng như của bao thế hệ nối tiếp. Đó còn là muôn vàn tình thương yêu Bác để lại cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng…

Trên thế giới có nhiều nhà lãnh đạo thiên tài, kiệt xuất, nhưng có lẽ ít ai trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng đã để lại bản Di chúc lịch sử cụ thể, chu đáo và cẩn trọng như Bác Hồ. Di chúc của Bác khiến lòng ta xúc động, trước hết vì tư tưởng nhân văn sâu sắc của vị lãnh tụ vô cùng kính yêu mà hình ảnh và sự nghiệp vĩ đại của Người mãi mãi không thể phai mờ trong trái tim của người đương thời cũng như của bao thế hệ nối tiếp. Đó còn là muôn vàn tình thương yêu Bác để lại cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng…

Trong bản Di chúc, Bác dành tình cảm đặc biệt cho thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công

Ngày 19/5/1968, sau khi tiếp khách đến chúc thọ, Bác Hồ thấy cần phải “viết thêm mấy điểm không đi sâu vào chi tiết” vào Di chúc. Trong mấy điểm ấy, Bác nhấn mạnh: Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con thương binh, liệt sỹ mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét. Những lời căn dặn cuối cùng của Bác đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng thắm đượm sâu sắc truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Đảng vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân

Trong Di chúc, “Trước hết nói về Đảng”, Bác dặn: Việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi Chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Đối với Bác điều tâm nguyện và hệ trọng bậc nhất là việc xây dựng Đảng. Phải giữ gìn khối đoàn kết nhất trí trong Đảng, giữ gìn Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh để xứng đáng “là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Điều căn dặn cốt tử nhất trong Di chúc của Bác là giữ gìn, phát huy truyền thống đoàn kết và tình đồng chí thương yêu lẫn nhau trong Đảng. Bác đòi hỏi ở mọi đảng viên, nghĩa vụ, trách nhiệm và tình thương, vì mục tiêu và lý tưởng cao cả của Đảng.

Bác khẳng định vai trò, vị trí của Đảng trong việc lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Bác muốn củng cố lòng tin của nhân dân ta đối với Đảng. Bác nhấn mạnh: Đảng là người trung thành nhất với lợi ích của giai cấp, nhân dân và Tổ quốc. “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Bác chỉ rõ trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Bác chỉ ra rằng, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, việc phải làm là mau chóng hàn gắn vết thương chiến tranh. Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng,chu đáo để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm. Bác thông cảm và thương yêu vô bờ bến “nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến thực dân áp bức, bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh”. Người ca ngợi: “Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn đi theo Đảng”. “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng củng cố nâng cao đời sống của nhân dân”.

Bác luôn quan tâm đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là nông dân

Bác trăn trở nhiều đến nông dân, Bác nói: “Trong bao năm chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm nhiều phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”. Dân tộc ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ nền độc lập dân tộc. Sau mỗi lần chiến thắng, ông cha ta lại có kế sách để bồi dưỡng sức dân, tăng cường lực lượng. Di chúc của Bác đã kế thừa truyền thống lâu đời đó của dân tộc ta. Tình thương bao la của Bác còn tỏa sáng đến một lớp người của xã hội cũ để lại. Bác dặn chúng ta: Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu… thì Nhà nước vừa dùng giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lương thiện”.

Bác chú trọng đến việc vạch kế hoạch xây dựng lại thành phố, làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng “to đẹp sáng trời Đông”. Theo Bác, phải khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập, nửa ngày lao động… nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Trong muôn vàn tình thương yêu để lại cho toàn dân, toàn Đảng, Bác không bỏ sót một ai. Lòng nhân ái của Bác thật rộng rãi bao la, như một nhà văn đã viết: “Hồ Chí Minh là con Người của chủ nghĩa nhân đạo theo ý nghĩa đầy đủ nhất”.

“Về việc riêng…”, cũng là suốt đời phục vụ nhân dân, đất nước

“Về việc riêng…”, Bác không nói “cá nhân” hay “bản thân”, mà nói riêng, việc riêng. Bởi vì, suốt đời Bác phấn đấu cho hạnh phúc chung của toàn dân. Cái riêng của Bác hòa trong cái chung của dân tộc. Suốt đời Bác vì dân vì Đảng cho nên hầu như không có lúc nào nghĩ đến bản thân mình. Vì thế mà trước lúc đi xa Bác “không có điều gì phải hối hận”. Bác đã phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân hết lòng. Bình sinh cho đến trọn đời, Bác đã không làm bất cứ điều gì để phải ân hận, hối tiếc. Bác chẳng tiếc gì cho bản thân mình, hy sinh tất cả cho dân, cho nước. Chỉ riêng có một điều tiếc duy nhất – một điều thật cơ bản, đáng nói hơn cả, là “không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” cho nhân dân, đất nước.

Trong ý định của Bác, việc đầu tiên sau ngày đất nước toàn thắng là đi chúc mừng đồng bào và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão và các cháu thanh, thiếu niên, nhi đồng yêu quý khắp hai miền Nam Bắc. Riêng với miền Nam thương nhớ, kể từ buổi ra đi trên bến cảng Sài Gòn, ròng rã mấy mươi năm, Bác chưa một lần trở lại, thì đây là một cuộc hành hương có một không hai. Bác còn thay mặt nhân dân ta đi thăm các nước anh em, thăm hỏi bạn bè quốc tế đã từng hết lòng giúp đỡ và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Đọc Di chúc, chúng ta ai cũng đau lòng xúc động, vì ao ước đó của Bác đã không kịp thực hiện.

Chan chứa muôn vàn tình thương yêu

Cuối cùng, trong bản Di chúc “Bác để lại muôn vàn tình thương yêu” cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cho các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng… Có lẽ đây là tình cảm lắng động, gây xúc động mạnh nhất. Như trước đây, Bác thường “gửi nhiều cái hôn thân ái” đến chiến sĩ và các cháu nhi đồng, lần này Bác gửi lại, để lại “muôn vàn tình thân yêu”. Và lời này của Bác đã là đề tài phong phú cho văn học nghệ thuật về tấm lòng của bác đối với nhân dân. “Để lại muôn vàn tình thân yêu”, cách nói sao mà nghe thân thuộc, tha thiết, cháy bỏng. Bác ra đi, không đem theo gì cho mình; tất cả, Bác để lại trọn vẹn cho đồng chí, đồng bào, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng: Cuộc sống và tình yêu, lý tưởng và ước nguyện, ham muốn tột bậc đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành…

Học tập và làm theo tư tưởng nhân văn trong Di chúc của Bác

Tư tưởng nhân văn của Bác là chân lý cách mạng của thời đại. Học tập tư tưởng nhân văn của Bác là để giác ngộ cách mạng, trau dồi tính nhân văn xã hội chủ nghĩa. Bác đến với chủ nghĩa Mác – Lênin bắt đầu từ lòng yêu nước, từ tình cảm cách mạng. Ngày nay, nghiên cứu tư tưởng nhân văn của Bác, chúng ta có toàn bộ những lời kêu gọi và những trước tác của Bác, trong đó Di chúc được xem là một kiệt tác tư tưởng nhân văn. Di chúc là sự thể hiện tuyệt vời những tình cảm lớn, tư tưởng lớn của một con Người chỉ có một ham muốn tột bậc là “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Ở đây, tất cả tình cảm, tư tưởng và hoài bão lớn hòa quyện làm một trong Người anh hùng giải phóng dân tộc và chính Người đã làm rạng rỡ non sông ta, đất nước ta.

Từ ngày Bác đi xa đến nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, lấy nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt, kinh tế là trọng tâm với phát triển văn hóa, nền tảng tinh thần xã hội. Qua hơn 25 năm đổi mới, nền kinh tế nước ta đã vượt qua giai đoạn suy giảm tốc độ tăng trưởng, đạt mức tăng trưởng khá cao; chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của một số lĩnh vực và sản phẩm có chuyển biến.

Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) của Đảng đang nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình nhằm xây dựng Đảng trong sạch trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng. Qua thực hiện cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này cho thấy, phần lớn cán bộ, đảng viên đều tin tưởng vào công cuộc đổi mới và sự lãnh đạo của Đảng. Thực hiện Di chúc của Bác, cán bộ, đảng viên chúng ta càng luôn luôn nhớ tới lời Bác căn dặn, phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Đồng thời, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường tư tưởng kiên định và có tầm cao trí tuệ để “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

TS. Chu Thái Thành
Theo Tạp chí Tài nguyên và Môi trường

Thu Hiền (st)
bqllang.gov.vn

Qùa Bác tặng miền Nam

bác hồ với các anh hùng và chiến sĩ thi đua miền Nam ảnh Tư liệu Bác Hồ với các anh hùng và chiến sĩ thi đua miền Nam (Ảnh tư liệu)

Năm 1962, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu Đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc. Bác Hồ đã tổ chức đón tiếp ngay hôm Đoàn đến Hà Nội, tại vườn hoa sau Phủ Chủ tịch – nơi Người thường đọc báo vào các buổi chiều. Thấy đoàn xe chở đoàn miền Nam vừa vào khỏi cổng cơ quan Phủ Chủ tịch, Bác liền rảo bước ra đón. Mọi người xuống xe, quây tròn chung quanh Bác, nhưng không có một tiếng, một lời nào. Các đồng chí trong Đoàn quá xúc động không kìm giữ được đã bật khóc thành tiếng. Qua phút gặp gỡ ban đầu, Bác hỏi thăm tình hình sức khoẻ mọi người. Bác hỏi cặn kẽ về tình hình miền Nam. Bác đặc biệt quan tâm hỏi tỉ mỉ về đời sống, tinh thần chiến đấu của đồng bào và lực lượng vũ trang giải phóng. Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu thay mặt Đoàn báo cáo Bác tất cả và đầy đủ để Bác nghe. Đồng chí cũng đã thưa lên Bác ước mơ, nguyện vọng của đồng bào, chiến sĩ miền Nam đang mong chờ ngày thắng lợi, nước nhà thống nhất để đón Bác vào thăm. Cuối cùng đồng chí Hiếu thay mặt đồng bào và chiến sĩ miền Nam dâng lên Bác gói quà với giọng nghẹn ngào: “Thưa Bác, đây là tấm lòng của đồng bào chiến sĩ miền Nam tặng Bác…!”, Bác cảm động ôm hôn đồng chí Hiếu. Quà của miền Nam tặng Bác là một bình cắm hoa bằng vỏ đạn pháo cỡ lớn của quân giải phóng và một cái gạt tàn thuốc lá bằng xác máy bay giặc Mỹ bị ta bắn rơi. Nhìn gói quà tặng, đồng chí Xuân Thủy quay về phía Bác nói: “Thưa Bác, Bác có quà tặng đồng bào chiến sỹ miền Nam không ạ?”. Nghe câu hỏi, tất cả mọi người nhìn đồng chí Xuân Thủy như có ý trách và nhìn Bác chờ đợi. Bác nhìn các đồng chí trong đoàn miền Nam một lượt, rồi chậm rãi nói: “Có, Bác có quà tặng đồng bào và chiến sỹ miền Nam đây!”. Nói xong, Bác dùng ngón tay trỏ chỉ vào trái tim của mình. Đồng chí Hiếu quá cảm động, ôm chầm lấy Bác, giọng nói đứt quãng trong tiếng nấc: “Thưa Bác… thưa Bác… thưa Bác…!”.

Theo ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Kim Yến (st)
bqllang.gov.vn

Trả lời điện phỏng vấn của ông Oantơ Brit (3-1949)

1. Hỏi: Với điều kiện gì thì Cụ nhận Liên hợp quốc can thiệp vào việc Việt Nam?

Trả lời: Tôi tiếc rằng chúng ta không gặp nhau, sau đây là trả lời cho những câu hỏi của ông:

– Độc lập và thống nhất thật sự của Việt Nam.

2. Hỏi: Cụ có nói rằng Việt Nam sẽ ở trong khối Liên hiệp Pháp. Điều này sẽ có những nhân nhượng gì trong sự hoàn toàn độc lập.

Trả lời : Phải…Nhưng không phải Liên hiệp Pháp trong hình thức thiên lệch của nó hiện nay, và với điều kiện là không hại đến sự hoàn toàn độc lập.

3. Hỏi: Cụ có phải là một người cộng sản nữa không?

Trả lời: Tôi luôn luôn là một người yêu nước, tranh đấu cho độc lập và thống nhất thật sự của Tổ quốc tôi.

4. Hỏi: Việt Nam công khai tuyên bố rằng trong 24 vị trong Chính phủ, 4 vị là cộng sản. Thế thì 4 vị ấy có ảnh hưởng đặc biệt, hay là cũng như các vị khác?

Trả lời : Tất cả các Bộ trưởng Chính phủ Việt Nam đều cộng đồng phụ trách và ảnh hưởng quân bình.

5. Hỏi: Một khi độc lập đã thành công, về mặt quốc tế, Cụ sẽ đưa Việt Nam đứng với Nga và các nước đồng minh của Nga hay là với dân chủ phương Tây, hay là theo chính sách độc lập của mình?

Trả lời : Một khi đã độc lập, Việt Nam sẽ đứng với tất cả các nước bầu bạn.

6. Hỏi: ở Việt Nam có tự do, ngôn luận không (ngoài những ngôn luận phản quốc và thân thực dân Pháp)?

Trả lời : Có.

7. Hỏi: Vì kết quả cộng sản thắng lợi ở Tàu, Cụ có kế hoạch hoặc đang chuẩn bị kế hoạch gì về sự cộng tác với Chính phủ mới sẽ thành lập ở Tàu không?

Trả lời : Luôn luôn có sự cộng tác giữa nhân dân Tàu và Việt, bất kể Chính phủ Tàu theo hình thức nào.

Trả lời tháng 3-1949.

Báo Cứu quốc, số 1198,
ngày 23-3-1949.
cpv.org.vn

Người 30 năm sưu tầm kỷ vật về Bác Hồ

Ông là Nguyễn Đình Sơn, nguyên cán bộ Công an Thanh Hóa đã về hưu, là người duy nhất tại Thanh Hóa lập Bảo tàng Bác Hồ ngay tại nhà. Ông cũng là người chủ nhiệm đề tài lịch sử 2253 – NVTH “Bác Hồ với Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Thanh Hóa”. Hiện ông trú tại số nhà 14/42 phố Lam Sơn 1, phường Tân Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Đình Sơn có 10 năm được sống và làm việc gần Bác khi phục vụ trong đội cận vệ bảo vệ Bác Hồ, tại Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an). Vì hoàn cảnh gia đình nên ông đã chuyển công tác về tỉnh Thanh Hóa. Với tình cảm kính yêu đặc biệt dành cho Bác, sau khi nghỉ hưu, gần 30 năm qua, ông đã sưu tầm hàng nghìn bức tranh, ảnh, di vật, bút tích và bài viết về Bác Hồ rồi lưu giữ cẩn thận và coi đó như những tài sản quý giá của mình.

Ông Sơn kể: “Năm 1952, tôi lên ATK làm chiến sĩ bảo vệ Bác Hồ và Trung ương Đảng. Đây cũng là thời gian tôi vinh dự được nhiều lần trò chuyện với Bác. Tôi còn nhớ có lần đang tập võ thuật cùng ông Vũ Kỳ, thì Bác xuất hiện, cùng tập võ, khiến anh em rất cảm động. Những năm tháng làm chiến sĩ cận vệ cho Bác và Trung ương Đảng, tôi đã 4 lần vinh dự được tặng Huy hiệu Bác Hồ”.

30 nam suu tam ky vat ve BacNơi cất giữ những tài liệu quan trọng liên quan tới Bác Hồ tại gia đình ông Sơn.

Năm 1963, khi ông Sơn vừa tốt nghiệp lớp đại học thí điểm đầu tiên của ngành Công an, thì người vợ ở quê qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Ông đã xin chuyển về Ty Công an Thanh Hóa làm việc để tiện chăm sóc các con, đến năm 1982 thì nghỉ hưu. Nhớ lại những hình ảnh cao đẹp của Bác, ông Sơn nung nấu trong lòng ý định lập một “Bảo tàng Bác Hồ” ngay tại nhà mình. Hằng ngày, trên chiếc xe đạp cũ, ông cần mẫn đi tìm các kỷ vật, bút tích, tranh ảnh về Bác Hồ… Nhiều khi ông phải lặn lội ra tận Hà Nội để gặp các nhân chứng lịch sử như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Vũ Kỳ, các đồng chí lãnh đạo ngành công an, lãnh đạo tỉnh đã về hưu. Nghe tin nơi nào có tư liệu, hay bút tích của Bác, là ông Sơn tìm tới ngay để xin lại, những thông tin còn mập mờ, ông đi tìm nhân chứng để xác minh rõ nguồn gốc.

Gần 30 năm đi tìm kỷ vật về Bác Hồ, ông Sơn đã có hàng nghìn bức tranh, ảnh, di vật, bút tích và bài viết về Bác Hồ, tất cả đều được ông lưu giữ cẩn thận và coi đó như những tài sản quý giá của mình. Mỗi lần các báo, tạp chí đăng thông tin về Bác Hồ, ông đều cắt, ép plastic để bảo quản được lâu. Tường nhà tầng một của ông Sơn không còn chỗ treo và trưng bày những kỷ vật về Bác. Ông đã di chuyển một phần bảo tàng của mình lên căn phòng tầng hai. Tại đây, ông Sơn phân ra nhiều mảng trưng bày. Bên phải từ cửa vào là những hình ảnh Bác Hồ với phụ nữ Việt Nam; bên trái là Bác Hồ với lực lượng Công an nhân dân; chính diện cửa vào là Bác Hồ với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa… cùng hai tủ sách nói về Bác Hồ và Lê-nin, Các Mác.

Giờ đây, ngôi nhà của ông Sơn đã trở thành bảo tàng về Bác Hồ lưu giữ nhiều tư liệu thông tin quý giá về Bác. Cũng chẳng biết tự lúc nào, các nhà nghiên cứu, người dân và đặc biệt là đông đảo các cháu học sinh đã đến nhà ông Sơn tìm hiểu và tham quan Bảo tàng về Bác Hồ của ông Sơn. Đây cũng là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao, tiếp thêm sức lực để ông Sơn tiếp tục tìm kiếm, gìn giữ các hiện vật, tư liệu quý về Bác Hồ.

TheoHoàng Đình Văn/www. qdnd.vn
Kim Yến (st)
bqllang.gov.vn

Kỷ niệm về Bác Hồ: “Các cô có bị chồng đánh không?”

Cụ Mượt, người may mắn được hai lần gặp Bác Hồ vẫn nhớ như in những khoảnh khắc ở bên Bác, những câu hỏi han ân cần và rất đỗi giản dị của Bác: “Các cô có bị chồng đánh không?”

Lần đầu tiên cụ Đỗ Thị Mượt (sinh năm 1941, trú ở thôn An Cư Nam, xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) gặp Bác Hồ là vào tháng 2 năm 1962. Lúc bấy giờ, Bác Hồ về Nam Cường nhân dịp Đại hội “Chiến sỹ thi đua” của tỉnh.

cac co co bi chong danh khong a1
Cô gái Mượt (ngoài cùng bên phải) trong lần được Bác Hồ gắn Huy hiệu
Chiến sỹ thi đua. (Ảnh chụp lại)

Cô Mượt tuổi đôi mươi, lòng đầy nhiệt huyết, chính là người sáng tạo, cải tiến ra nông cụ xe cút kít để thay đôi vai nặng trĩu cho các chàng trai, cô gái, bộ đội gánh bên người.

Bác Hồ mặc bộ quần áo lụa. Trông Bác rất giản dị”, cụ Mượt nhớ lại.

Cụ Mượt còn nhớ rất rõ, ngoài cụ ra đón Bác Hồ còn có Bí thư Tỉnh ủy Ngô Duy Đông, Phó Chủ tịch tỉnh Phạm Văn Tuyên và một số cán bộ chủ chốt khác của tỉnh lúc bấy giờ.

Bản thân cô Mượt đang là Bí thư Chi Đoàn xã Thái Học, Chấp hành Huyện đoàn huyện Thái Thụy, Xã đội phó Dân quân và là thành viên của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa III.

Tại hội trường hôm đó, Bác Hồ đã trò chuyện thân mật với mọi người. Sau cuộc trò chuyện rôm rả,  Bác Hồ  đã làm nhiều người cảm động khi ân cần hỏi mọi người câu hỏi rất đỗi giản dị, đời thường nhưng chan chứa tình yêu thương: “Các cô có bị chồng đánh không? Rồi Bác hỏi thêm: Các chú có đánh vợ không?”. Tất cả mọi người trong hội trường đều đồng thanh đáp lớn rằng: “Không ạ!”

Cũng tại hội trường, cô Mượt là một trong bốn người được Bác Hồ đích thân trao tặng Huy hiệu chiến sỹ thi đua và dặn dò, thăm hỏi. “Các cháu phải cố gắng vì nước, vì dân. Tất cả đều phải vì dân phục vụ. Gánh vác, hoàn thành nhiệm vụ của Đảng giao phó”, cụ Mượt nhớ lại lời dặn dò của Bác.

cac co co bi chong danh khong a2
Cụ Mượt vẫn còn nhớ như in những giây phút được gặp Bác Hồ .

Lần thứ hai, cụ Mượt được gặp Bác ở trường Nguyễn Ái Quốc vào tháng 5 năm 1962, nhân dịp gặp mặt các chiến sỹ thi đua cả nước.

Lần thứ hai được gặp Bác Hồ, có sự tham gia của rất nhiều người. Phần lớn trong đó là những chiến sỹ thi đua, những người có đóng góp và thành tích to lớn trong cuộc kháng chiến trường kỳ.

Đúng 2 giờ chiều hôm đó, trong không khí háo hức của hội trường, Bác Hồ tiến vào phía trong hội trường, trên người mặc bộ quần áo kaki màu trắng. Được nhìn thấy Bác lần thứ hai, cô Mượt cảm thấy hạnh phúc vô cùng.

“Bác dặn dò tất cả các đồng chí, anh em chiến sỹ trong hội trường và nói: Tất cả mọi người hôm nay, có mặt tại đây, đều làm tròn trách nhiệm của Đảng, của dân giao phó”, cụ Mượt kể lại.

Rồi Bác căn dặn: Làm gì cũng phải nghĩ đến dân. Tuyệt đối trung thành với Đảng, với dân. Phải xem dân là gốc. Cuộc kháng chiến trường kỳ còn gian nan, còn vất vả. Tất cả mọi người phải đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.

Đến hôm nay, mặc dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” song cụ Mượt vẫn sống làm việc và học tập theo lời căn dặn của Bác.

Theo Phan Mạnh – Quang Tùng/VCTNews
Kim Yến (st)
bqllang.gov.vn

Thư gửi Hội nghị cán bộ dân quân (31-5-1949)

Gửi Hội nghị dân quân toàn quốc,

Các đại biểu,

Tôi gửi lời thân ái chúc các chú mạnh khoẻ và hǎng hái làm việc. Sau đây là vài ý kiến của tôi về vấn đề dân quân:

1. Trong giai đoạn tích cực cầm cự và chuẩn bị tổng phản công này, du kích chiến là chính. Vì vậy, dân quân phải phát triển mạnh, nhất là trong vùng địch tạm chiếm.

2. Kháng chiến của ta là nhân dân chiến tranh. Vì vậy dân quân du kích cần phải hoạt động mạnh, phát triển mạnh, và phối hợp chặt chẽ với Vệ quốc quân.

3. Hội nghị cần phải giải quyết vấn đề tổ chức dân quân và sự liên hệ với Vệ quốc quân để tránh mọi sự không hợp lý.

Nǎm ngoái dân quân đã cố gắng và đã có thành tích khá. Nǎm nay dân quân cần phải cố gắng thi đua, để tranh lấy thành tích to lớn hơn nữa, vẻ vang hơn nữa. Cứ trong ngoài 3 tháng, các đội báo cáo thành tích lên Chính phủ một lần. Tôi và Chính phủ sẽ có giải thưởng cho đội nào có chiến công to nhất.

Tôi đặc biệt gửi lời khuyến khích và khen ngợi các đội lão thành du kích, phụ nữ du kích, và các cháu nhi đồng giúp việc trong các đội du kích.

Chào thân ái và quyết thắng
HỒ CHÍ MINH

Báo Quân du kích, số 16-17,
ngày 31-5-1949.
cpv.org.vn

Chùm ảnh đẹp về ao cá Bác Hồ

 

Trong những ngày đầu hè, khách thập phương về viếng Lăng Bác rất đông. Mọi người đều ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của ao cá Bác Hồ.

ao ca 1

Trước kia, sau giờ làm việc, ngày nào Bác cũng ra cầu ao gọi cá cho ăn. Những con trắm, con chép, con mè… dần quen với những tiếng vỗ tay của Bác.

ao ca 2

Ao cá có diện tích 3.320m², sâu 3m, với nhiều loài cá được thả tại đây. Ao cá có khoảng 5 tấn cá các loại.

ao ca 3

Ao cá Bác Hồ hiện có 20 loài cá sinh sống. Chiếm đa số là loại chép vàng, cá mè…

ao ca 4

Cây Bụt mọc quanh ao cá cũng tạo được ấn tượng và sự tò mò với nhiều người khi mới tới đây lần đầu.

ao ca 5

Những cây liễu mùa đơm hoa đang rủ xuống mặt nước làm cho ao cá càng trở lên đẹp và thơ mộng hơn.

ao ca 6

Ao cá Bác Hồ đang là một trong những địa điểm thu hút được rất đông khách du lịch tới thăm. Tới đây khách du lịch tìm được nét thanh bình và thích thú với những đàn cá trong ao.

ao ca 7

ao ca 8

TheoTrần Kháng /giaoduc.net
Kim Yến(st)
bqllang.gov.vn

 

Thắt lưng của Bác

Trong suốt cuộc đời hi sinh vì dân vì nước, Bác đã gần như quên đi những gì thuộc về bản thân mình. Chúng ta, và cả người nước ngoài, đã biết tới đôi dép cao su, những chiếc áo, chiếc quạt, viên gạch sưởi lưng… vô cùng giản dị của Bác.

Nhân đọc một tư liệu lịch sử mới xuất bản của Trung Quốc (Chu Ân Lai và Hội nghị Geneve, Nhà Xuất bản Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc) có một tình tiết mới rất cảm động về chuyện riêng của Bác Hồ mà lâu nay chúng ta chưa biết. Chuyện xoay quanh chiếc thắt lưng.

Thời kỳ đó là tháng 6 năm 1954. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tới Geneve để đàm phán. Hội nghị kéo dài được gần một tháng thì các bên tạm nghỉ để về nước báo cáo lập trường các bên cho chính phủ mình.

Phía Trung Quốc đã mời phái đoàn Việt Nam sang Trung Quốc để trao đổi. Phái đoàn Việt Nam do Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu.

Hôm đó, Bác Hồ nghỉ tạm tại nhà nghỉ Đảng bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Quảng Tây. Sáng Bác Hồ đi họp. Ở nhà, một đồng chí của bạn đi kiểm tra phòng Bác xem các đồng chí phục vụ phòng có chu đáo không. Sau khi kiểm tra một lượt, đồng chí này thấy trên sàn nhà một mảnh vải đã cũ, dài khoảng 80cm, rộng khoảng 10cm, màu vàng đã bạc. Đồng chí này cầm lên xem, không hiểu là vật gì. Đoán đây là dây gói tài liệu rớt ra sau khi cầm tài liệu đi, đồng chí này bỏ mảnh vải vào thùng đựng giấy rác.

Bác đi họp về, hỏi: “Thắt lưng của tôi đâu? Tôi thường để sau ghế tựa nên bị rơi xuống đất”. Mọi người tìm và đưa lại cho Bác.

Một chiếc thắt lưng bằng da, bằng dây dù… cũng không đắt hơn một miếng vải là bao. Nhưng vấn đề ở đây: Cái quí báu trong nhân cách của Bác là tính cách luôn hi sinh, cái riêng bao giờ cũng là tối thiểu, cái dành cho sự nghiệp chung bao giờ cũng được ưu tiên tối đa. Phẩm chất trong sáng thể hiện thường trực trong những cử chỉ của Bác, dù nhỏ nhất.

Thời điểm đó, sau chiến dịch Điện Biên Phủ, thắt lưng chiến lợi phẩm thu được rất nhiều, nhưng Bác vẫn chỉ tiếp tục dùng chiếc thắt lưng quen thuộc cũ kỹ của mình.

Nguồn: báo Tuổi Trẻ (DT)
Kim Yến (st)
bqllang.gov.vn

“Các bạn Việt Nam đã may mắn có được một lãnh tụ là Hồ Chí Minh”

Hơn 40 năm Bác đã đi xa, nhưng trong lòng chúng ta không lúc nào vắng Bác. Người đã để lại cho chúng ta một di sản văn hoá to lớn, đó là tư tưởng vĩ đại và tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời!

Nha bao HCMChủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội

Trong bài “Đạo đức và nhân cách đặc điểm số một của tư tưởng Hồ Chí Minh”,Giáo sư Trần Văn Giàu đã nhắc lại ý kiến của đồng chí Phạm Văn Đồng, “Trung với nước, hiếu với dân thuộc về đạo… Còn cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là thuộc về đức”. Đạo là gốc rễ, đức là thân cành, hoa quả. Như vậy có đức thì đạo mới được thực hiện, có đạo thì đức mới nảy sinh và phát huy tác dụng.

Trải qua lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam, là một nước nhỏ luôn phải đối đầu với những kẻ thù lớn hơn mình gấp bội, muốn tồn tại chúng ta không thể chỉ dựa vào số người, mà phải dựa vào những con người chiến đấu, những con người dũng cảm, hy sinh, trung với nước, hiếu với dân.

Từ cái gốc “Trung với nước, hiếu với dân” mà chúng ta sẽ cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, sẽ có lòng nhân ái, yêu thương con người, sống có tình có nghĩa và không chỉ yêu mến nhân dân mình mà còn có lòng yêu thương nhân loại, có tình quốc tế trong sáng.

Bác Hồ thường nói: Cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức cách mạng của con người. Có lúc Bác lại nói đó là bốn thang thuốc cách mạng, để chữa những căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu. Bác nói và Bác đã làm. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư như cuộc đời của Bác vốn thế, chứ không phải chỉ là để làm gương mà thôi.

Nhà thơ Đa-giô (In-đô-nê-xia) khi nói về Bác Hồ của chúng ta, đã viết:

“Người không màng danh dự ghế suy tôn
Ngồi vào đấy, với Người không có nghĩa
Khi đức độ đã ngời như ngọc quý
Thì có nghĩa gì, chiếc ghế phủ nhung êm…”

Yêu nước, yêu dân, cống hiến cả đời mình cho hạnh phúc của nhân dân, cho độc lập của Tổ quốc, đó là cái gốc đạo đức Hồ Chí Minh.

Ngược lại với đạo đức cách mạng là chủ nghĩa cá nhân, và Bác nói: “Chủ nghĩa cá nhân, đó là mẹ đẻ ra tất cả mọi thói hư tật xấu, là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”. Nạn tham ô, lãng phí, quan liêu, sự tha hoá về phẩm chất, lối sống chính là từ chủ nghĩa cá nhân mà ra.

Với sự nhạy cảm chính trị của một nhà lãnh đạo, với trách nhiệm to lớn của một lãnh tụ sáng lập và rèn luyện Đảng ta, trong những ngày lễ lớn của đất nước, Bác thường phát biểu hoặc viết những bài báo, nhằm giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ngày mồng 2 tháng 9 năm 1950, cách đây hơn 60 năm, trên Báo Sự Thật số 140, Bác đã viết bài: “Phải tẩy sạch bệnh quan liêu”. Ngày thành lập Đảng mồng 3 tháng 2 năm 1969, Bác lại viết bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Micheal Houdey, đạo diễn điện ảnh người Anh đã ba lần sang làm phim ở Việt Nam cảm nhận: Điều lạ nhất đối với tôi là ở Việt Nam, dù đó là Hà Nội hay ở Kim Liên, Bến Cảng Sài Gòn… tôi đều thấy không mấy ai gọi ông Hồ là Chủ tịch, mà đều gọi Người là Bác một cách tự nhiên và yêu quý như một người thân thiết trong gia đình mình vậy. Một lần, tôi hỏi một cháu bé về bông hoa nhỏ cài trên ngực áo, cháu phấn khởi trả lời: “Cháu vừa được phần thưởng cháu ngoan Bác Hồ”. Điều đó làm tôi rất xúc động. Một điều nữa đã gây ấn tượng lớn cho tôi, là mặc dù 24 năm liền được trao chức quyền cao nhất, nhưng nếu không phải là duy nhất thì Hồ Chí Minh cũng là một trong số rất hiếm những nguyên thủ quốc gia trên thế giới, chưa từng bị lôi cuốn vào sức mạnh của quyền lực. Đây là một vấn đề có ý nghĩa xã hội và nhân văn lớn lắm. Vì thế, tôi không thể không làm một bộ phim về Người, để giới thiệu rộng rãi với nhân dân Anh.

Khi biết Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tuyên bố: Nước lấy dân làm gốc. Quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân, và Người làm Chủ tịch là làm người đầy tớ trung thành của nhân dân, nhà đạo diễn Anh nói: “Trong lịch sử Đông – Tây, thời nào quyền lực cũng là chiếc gươm thiêng của những người cầm quyền. Chiếc gươm ấy được trao vào tay những người yêu nước, thương nòi sẽ mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Còn nếu nó được trao vào tay những bạo chúa thì đó là một thảm hoạ cho con người…”. Và nhà đạo diễn người Anh ấy nói: “Các bạn Việt Nam đã may mắn có được một lãnh tụ là Hồ Chí Minh!”.

Không phải chỉ có chúng ta, con cháu của Người học tập đạo đức Hồ Chí Minh, mà có những nhà lãnh đạo của các nước khác cũng công khai nói họ muốn học ông Hồ. Nghị sĩ Agienđê, sau này là Tổng thống Chi-lê, khi một nhà báo phỏng vấn: Những phẩm chất nào mà ngài muốn có, và nhà hoạt động chính trị nào mà ngài cho là một tấm gương để noi theo? Ông đã thẳng thắn trả lời: Đó là tính trọn vẹn, lòng nhân đạo và sự khiêm tốn, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh!

Còn nhà sử học Pháp, Saclơ Phuốc-ni-ô đã viết: “Người mặc bộ quần áo nâu như tất cả mọi nông dân Việt Nam, đầu đội mũ vải và tay chống cây gậy nhỏ. Giọng nói của Người rất tự chủ, lúc nào cũng đi thẳng vào vấn đề, không chút nghi thức. Giờ phút được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh hôm ấy, là một trong những giờ phút đáng ghi nhớ trong đời tôi… Người không tìm cách dạy tôi một bài học về đạo đức hay chính trị, nhưng càng nghe tôi càng thấy Người vừa nói về một vấn đề lớn của đất nước, vừa dạy cho tôi một bài học về luân lý chính trị”.

Đã bao lần đọc những phát biểu, những cảm nhận, những bài viết của các bè bạn nước ngoài về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta không những cảm động về tình cảm kính trọng, yêu quý của bạn bè đối với Việt Nam, với Bác Hồ, mà còn qua đó, ta nhận ra một cách sâu sắc sự vĩ đại của Người, mà nhiều khi đứng gần chân núi ta không nhìn thấy những đỉnh cao.

Ngay những đồng chí đã có hạnh phúc ở gần Bác nhiều năm cũng nói, còn nhiều điều chúng ta chưa thật hiểu hết về Người. Và như một nhà nghiên cứu đã nói, có hiểu được Bác thì ta mới thật sự hiểu được dân tộc mình.

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong những năm qua làm tất cả chúng ta suy nghĩ sâu sắc hơn về những giá trị văn hoá Hồ Chí Minh, về tư tưởng và đạo đức của Người.

Học Bác là chúng ta làm theo một tấm gương suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tuỵ, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị. Học tập đạo đức của Bác cũng chính là chúng ta thực hiện Nghị quyết Trung ương IV về xây dựng Đảng, làm cho Đảng thực sự là đạo đức và văn minh, xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân.

Song tư tưởng và đạo đức là những công việc cần phải rèn luyện thường xuyên và suốt đời, để góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, nó phải trở thành ý thức tự giác của mọi người, làm cho mỗi người Việt Nam trở thành một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta trở thành một rừng hoa đẹp, như lòng mong muốn của Bác kính yêu!

Theo Bùi Công Bính/Báo Nam Định online
Huyền Trang (st)
bqllang.gov.vn

Gặp lại cô bé quàng khăn đỏ cho Bác Hồ

Cô nữ sinh người Dao 14 tuổi năm ấy được gặp Bác Hồ 2 lần trong ngày, được che ô, quàng khăn quàng đỏ lên cổ Bác…

Được gặp Bác 2 lần 

Bac Ho tro chuyen voi cac hoc sinhTấm ảnh ghi lại buổi Bác Hồ trò chuyện với các học sinh Trường Thiếu nhi rẻo cao
khu tự trị Việt Bắc, cô nữ sinh Triệu Thị Kim Tặng (đứng sau vai trái của Bác)
đang hát vang bài ca kết đoàn.

Ngày ấy, cô nữ sinh Triệu Thị Kim Tặng tròn 14 tuổi, cô là một trong ba nữ sinh được cử đi đón Bác Hồ khi Bác lên thăm nhân dân tỉnh Thái Nguyên (năm 1960).

“Sáng hôm đó (13/3/1960) tôi cùng 2 người bạn là Chi Thị Khẩn dân tộc Lô Lô, Đào Thị Lý dân tộc Mông được cử đi đón Bác Hồ ở ngoài sân vận động Thái Nguyên – nơi Bác về trò chuyện với bà con các dân tộc Việt Bắc. Tôi là người được giao nhiệm vụ cầm ô che cho Bác nên được đứng ngay bên cạnh Bác.”

“Tôi còn nhớ rất rõ Bác mặc bộ quần áo “kiểu Tôn Trung Sơn” màu ghi, đằng sau vai áo bên phải có một miếng vá nhưng trong mắt tôi Bác mặc bộ đồ đó rất đẹp, rất giản dị, gần gũi với những người dân ở đây, gần gũi với chúng tôi…”.

Sau khi nhận những bông hoa tươi thắm từ tay các học sinh Trường Thiếu nhi rẻo cao khu tự trị Việt Bắc, Bác Hồ vui vẻ và nhanh nhẹn bước lên khán đài trò chuyện với bà con, “nhìn Bác rất hồng hào” – cô bé che ô cho Bác nhớ lại.

Cô nữ sinh Triệu Thị Kim Tặng không chỉ vinh dự được gặp Bác 1 lần mà ngay chiều hôm đó, Bác vào thăm Trường Thiếu nhi vùng cao, khu tự trị Việt Bắc nơi cô học, cô lại vinh dự được giao nhiệm vụ quàng lên cổ Bác chiếc khăn quàng đỏ.

“Bác hỏi chúng tôi: Các cháu có nhớ nhà không? Có được ăn no không? Bác còn dặn: Các cháu là con em tiêu biểu của các dân tộc nên phải cố gắng chăm học, ngoan ngoãn, nghe lời thầy cô giáo, rèn luyện tốt để thành cháu ngoan Bác Hồ, để sau này làm cán bộ phục vụ cho dân tộc mình”.

Sau đó, “Bác Hồ cũng trò chuyện với các thầy cô giáo và nhân viên trong trường. Rồi Bác bắt nhịp cho chúng tôi hát bài Kết đoàn, rồi Bác rời hội trường trong khi chúng tôi vẫn đang hát…”

Bà Tặng kể, chính lần gặp Bác Hồ đó đã tiếp thêm nghị lực cho cô nữ sinh trẻ vượt qua khó khăn để tiếp tục xây ước mơ trở thành cán bộ phục vụ dân tộc, quê hương mình.

13 tuổi (năm 1959), cô bé Tặng dời bản Dao nghèo Nà Lẹng (ruộng cạn) nằm chon von nơi đỉnh đèo Gió (xã Sỹ Bình, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Thái – nay là Bắc Kạn) về theo học tại Trường Thiếu nhi vùng cao, khu tự trị Việt Bắc (Thái Nguyên).

Ba Trieu Kim Minh Tang Bà Triệu Thị Kim Tặng với tấm hình chụp ảnh Bác Hồ (Ảnh Minh Thúy)

Ôm con đi “xóa mù” ở vùng cao

Bà Tặng theo học ngành sư phạm bởi bà nghĩ ngành này giúp bà mang kiến thức đến cho con em đồng bào dân tộc vùng cao – như nơi bà sinh ra và sống thời thơ ấu. Ngay sau khi ra tốt nghiệp Trường Trung cấp sư phạm Việt Bắc (nay là Đại học Sư phạm Thái Nguyên, năm 1965), bà Tặng về giảng dạy ở trường học của xã Lam Vĩ (huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên).

Bà nhớ đó là những ngày tháng đầy khó khăn, vất vả bởi bà đang mang thai người con đầu lòng, chồng bà (ông Đặng Văn Lâm, nguyên là Hiệu Trưởng Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên, cũng là bạn học cùng Trường Thiếu nhi vùng cao với bà) lại đang theo học tận Trung Quốc nên bà phải nỗ lực thực hiện tốt nhất công việc của người giáo viên “cắm bản”.

Không chỉ dạy cái chữ cho bà con, bà Tặng cũng tuyên truyền vận động bà con loại bỏ các hủ tục trong cưới xin, ma chay, mê tín dị đoan…

“Cắm bản” ở các xã vùng sâu, vùng xa gần 20 năm, đến  năm 1984, bà Tặng chuyển về công tác tại Phòng Bổ túc văn hoá, Sở Giáo dục – Đào tạo Thái Nguyên, phụ trách mảng xoá mù chữ bậc tiểu học.

Với công việc này, bà đi khắp các bản làng xa xôi của tỉnh, có những lúc đi bộ cả 2 ngày trời, rồi cuộc sống đầy khó khăn, cái bụng chưa no nên nhiều người không muốn học cái chữ – khiến người giáo viên xóa mù chữ như bà Tặng có lúc cảm thấy mệt mỏi. Nhưng chính những lúc mệt mỏi đó, bà Tặng nhớ lời dặn dò của Bác Hồ, bà lại bước tiếp.

Có những thời gian chồng đi xa, một nách 2 con nhỏ, bà Tặng vẫn “cắp con” đi “xóa mù” cùng, những vùng cao ở Đồng Hỷ, Chợ Đồn, Na Rì, Bạch Thông… đều in dấu chân mẹ con cô giáo Tặng. Có những lúc cô giáo Tặng phải ở lại với bà con, ngày đi làm cùng họ, tối về vận động họ học chữ, cách làm này của cô giáo Tặng sau này đã được nhân rộng tại địa phương.

Năm 2001, cô giáo Tặng nghỉ hưu, nhưng “hưu” mà chẳng “nghỉ”, bà Tặng được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Tổ dân phố 13, phường Hoàng Văn Thụ, Thành phố Thái Nguyên. Năm 2002, bà vào Ban Chi ủy phụ trách công tác Mặt trận của phố Gia Bảy. Năm 2003, bà làm Bí thư Chi bộ… Đến năm 2006, bà được bầu làm tổ Trưởng Tổ dân phố 13.

Bà quyết tâm góp phần làm thay đổi bộ mặt khu phố, từ chỗ đi lại trong tổ dân phố trên những lối mòn đất đỏ bà vận động bà con làm đường bê tông, rồi làm đường dẫn nước sạch, làm luôn đường điện áp. Quá trình làm nhiều người ủng hộ, nhiều người… chửi nhưng bà vẫn kiên trì. Và vì đó, bà Tặng cũng được bà con dân phố “phong tặng” danh hiệu “người chịu đựng nhất khu phố”.

Nhờ làm được hạ tầng tốt, giờ đây khu phố của bà Tặng đã thay đổi bộ mặt, xóa hẳn được nhà lá, 100% là nhà xây cao tầng. “Tôi luôn tậm niệm lời Bác dạy suốt chặng đường tôi đi, suốt những việc tôi làm và tôi thấy thành công” – bà Tặng nói với giọng rất nhẹ nhàng, nụ cười tươi cả trong ánh mắt.

Nguồn: vtc.vn
Thúy Hằng (st)
bqllang.gov.vn

Nhà lưu niệm Bác Hồ ở xã Cần Kiệm

Bác Hồ là niềm tự hào của dân tộc. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Bác đã nhiều lần về thăm, về ở và làm việc tại nhiều địa điểm thuộc tỉnh Hà Tây cũ, trong đó có 19 ngày đêm Bác ở và làm việc tại xóm Lài Cài, xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội.

nha luu niem Bac Ho o xa Can kiem
           Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xóm Lài Cài, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Nội

Xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất, Hà Nội) là một xã có truyền thống yêu nước và sớm có phong trào cách mạng. Tháng 3-1945, nơi đây đã hình thành tổ chức Việt Minh và hoạt động mạnh mẽ. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Cần Kiệm đã giành được chính quyền vào ngày 18-8 (trước Thủ đô Hà Nội 1 ngày). Là xã có nhiều phong trào hoạt động cách mạng, tinh thần cách mạng đã ăn sâu, bám rễ trong quần chúng từ lâu. Địa hình của xã được cấu thành bởi 36 quả đồi, âm u và có khả năng giữ được bí mật, đặc biệt xóm Lài Cài có đặc điểm là những quả đồi gắn liền nhau, rất lý tưởng cho những hoạt động cách mạng. Nhà lưu niệm Bác Hồ – nơi Bác ở khi đó, đường đi chỉ như đường bờ ruộng và đặc biệt là không có đường vào, nếu địch có phát hiện thì cũng khó bị tấn công.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất từ ngày 13-1 đến ngày 2-2-1947 trong một lần rời Thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc. Bác ở và làm việc trong ngôi nhà lá của cụ Nguyễn Đình Khuê (hay còn gọi là cụ Qụy Khuể) ở xóm Lài Cài, thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm. Toàn bộ căn nhà được làm bằng tường tre, lợp mái cọ. Ngôi nhà khi đó đang được làm dở, nền đất cũng chưa được đập kỹ và chưa có người ở. Đây là ngôi nhà được cụ Khuê dựng để cho các con của mình và cũng không có đồ dùng gì đặc biệt.

 nha luu niem 2Khách tham quan nghe giới thiệu về Nhà lưu niệm Bác Hồ

Trong 19 ngày đêm Bác ở lại đây, Bác đã sửa, viết lại một số bản thảo tài liệu như “Phép dùng binh của ông Tôn Tử”, “Chiến thuật du kích”, bốn chữ đại từ bằng chữ Hán: “Cung chúc Tân Xuân”… do Bác viết tặng cụ chủ nhà nhân Tết Nguyên đán Đinh Hợi, Thư Bác gửi đồng chí Hoàng Hữu Nam về việc chuẩn bị họp Hội đồng Chính phủ vào ngày 26-1-2947. Ban ngày Bác làm vườn, ban đêm Bác ngồi viết bài, viết lại các cuốn sách cho dễ hiểu nên gia đình cụ Khuê và người dân nơi đây không hề biết đó là Bác Hồ vĩ đại. Dù địa điểm thay đổi nhưng thói quen làm việc đúng giờ của Bác vẫn không hề thay đổi. Ở đâu Bác cũng kê bàn làm việc sát giường và để dùng làm ghế ngồi luôn. Khi Bác ở Cần Kiệm là vào dịp Tết Đinh Hợi, nhưng bữa ăn của Bác vẫn chỉ có cơm độn sắn là chủ yếu. Tối 30 Tết, Bác đi họp Hội đồng Chính phủ ở Quốc Oai và chúc mừng năm mới các thành viên trong Chính phủ. Sau đó Bác rời Quốc Oai đến chùa Trầm (Chương Mỹ) để chúc Tết đồng bào cả nước qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài thơ chúc Tết của Bác trong đêm 30Tết:

“Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng
Tiến lên chiến sĩ, tiến lên đồng bào
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông
Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi
Thống nhất độc lập, nhất định thành công”.

Chiến tranh đã lùi xa, ngôi Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xã Cần Kiệm hiện nay vẫn được giữ nguyên trạng so với trước kia, gian giữa là nơi đặt tượng Bác, đỉnh trầm, bát hương để người dân trong vùng và khách tham quan có thể thắp hương tưởng niệm Người. Các gian còn lại được dùng để trưng bày các tài liệu, kỷ vật lúc Bác đã từng ở, những bức ảnh chụp… Ngày 13-5-1993, Bộ Văn hoá – Thông tin đã cấp bằng công nhận Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xã Cần Kiệm là di tích lịch sử cách mạng. Hiện Nhà lưu niệm Bác Hồ vẫn được bảo tồn để phục vụ nhân dân đến viếng thăm mỗi khi Tết đến hoặc kỷ niệm Ngày sinh của Bác.

Theo Nguyễn Minh – Văn Hinh/Báo Đại Đoàn kết
Huyền Trang (st)
bqllang.gov.vn

Họa sĩ trình bày báo Nguyễn Ái Quốc

Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là lãnh tụ cách mạng thiên tài, danh nhân văn hoá thế giới, anh hùng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Bài này chỉ đề cập một lĩnh vực nhỏ trong sự nghiệp vĩ đại của Người.

Thế hệ làm báo cách mạng Việt Nam, gần một thế kỷ được thừa hưởng những bài học, nghệ thuật sáng tạo tác phẩm báo chí xuất sắc, tiêu biểu, độc đáo của Nhà báo số một Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh không chỉ ở cách hòa nhập hiện thực đời sống, chắt lọc sự kiện, thể hiện nội dung thông tin sinh động, hấp dẫn, có sức thuyết phục mà còn tiếp nhận từ Người phương pháp trình bày mặt báo sao cho lôi cuốn bạn đọc.

Các tờ báo như: Người cùng khổ, Tạp chí Quốc tế Nông dân, Thanh niên, Việt Nam hồn, Thân ái, Lính cách mệnh, Việt Nam độc lập, Cứu quốc… do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và tổ chức quy trình xuất bản in đậm dấu ấn phong cách trình bày độc đáo, sát hợp yêu cầu người đọc và hoàn cảnh cụ thể.

Tờ Người cùng khổ xuất bản tại Pa-ri in chữ Pháp dành cho bạn đọc có trình độ nhất định, đặc biệt là các nhà hoạt động chính trị, hoạt động xã hội, tầng lớp trí thức tiến bộ Pháp những năm 1922, 1923 nên bố cục mặt báo từ trang một đến trang bốn theo phong cách phương Tây. Những thông tin chính luận, cập nhật, có ảnh hưởng rộng đều được sắp xếp ở vị trí quan trọng, nhiều cột báo với tít in đậm hơn.

Để tạo ấn tượng mạnh, buộc người đọc quan tâm ngay khi cầm tờ báo, ngoài tên bài được in chữ to, chạy suốt trang còn có tít phụ, giúp người đọc nắm bắt nhanh “cái thần”, “cái hồn” của bài báo. Ngay trong một bài, cần thu hút bạn đọc, nhà báo Nguyễn Ái Quốc cho sắp một kiểu chữ in nghiêng. Báo Người cùng khổ in kỹ thuật ty-pô, sắp chữ chì, in khuôn đúc trên máy lăn ngang, chưa phải hiện đại nên bố trí nhiều kiểu chữ rất phức tạp, nhưng với năng lực làm báo thành thạo, nhà báo Nguyễn Ái Quốc còn bố trí in cả tranh châm biến, tranh đả kích. Từ năm 1922 đến năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đã cho in trên tờ Người cùng khổ gần 30 bức tranh đả kích, châm biếm, điển hình là các bức “Mau lên! Đi”, “Tố cáo những kẻ gây ra vụ đàn áp ở Tu-lan-ca-mon”, “Xe xích sắt một ngày kia sẽ thay những con lạc đà, nhưng chúng vẫn còn khá nhiều. Bằng chứng ư?”, “Văn minh bề trên”, “Chủ nghĩa tư bản”. Trang một Báo Người cùng khổ được bố trí đậm đặc các bài, tin quan trọng, nhiều bài chỉ trình bày tít rồi cho tiếp sang trang sau.

Cách trình bày khái quát các chủ đề tập trung của số báo nổi bật lên trang một của nhà báo Nguyễn Ái Quốc từ năm 1922 đã có ảnh hưởng quyết định tới việc chỉ đạo tổ chức xuất bản các tờ báo: Tranh đấu (1930), Cờ vô sản (1930.), Tiền phong (1937), Dân chúng (1937), Tiếng nói của chúng ta (1938), Cờ giải phóng (1942) Cứu quốc (1942), Sự thật (1945), Nhân Dân (l951). Đặc biệt là hệ thống báo Đảng sau này đều căn cứ tôn chỉ, mục đích, đối tượng bạn đọc mà có hình thức trình bày hợp lý.

Khi xuất bản Báo Thanh niên, in chữ Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc), nhà báo Nguyễn Ái Quốc không rập khuôn cách trình bày như báo Người cùng khổ. Người xác định đối tượng Báo Thanh niên là các tầng lớp yêu nước, học sinh, sinh viên, trí thức, người lao động không biết chữ nên việc sắp xếp tin, bài ngắn gọn, từng cột báo có phi-lê dọc phi-lê ngang cho người đọc dễ dàng tiếp nhận.

Điều kiện hoạt động bí mật, tài chính nghèo nàn nên Báo “Thanh niên” không thể in ty-pô (in máy). Nhà báo Nguyễn Ái Quốc đã khắc phục khó khăn bằng cách dùng bút sắt viết từng cột báo, kể cả măng-sét (tên Báo Thanh niên) trên giấy sáp để tạo khuôn rồi quay rô-nê-ô, mỗi khuôn in độ 200 bản. Để tạo cảm xúc vui cho bạn đọc, Nguyễn Ái Quốc trực tiếp vẽ tranh biếm họa, đả kích, tranh cổ động lên mặt khuôn, điển hình là bức “Lênin với vấn đề giải phóng dân tộc” in số 68 ngày 7-11- 1926 kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga. Từ ngày 21-6-1925 đến đầu tháng 5-1927, nhà báo Nguyễn Ái Quốc đã sử dụng ngòi bút sắt trình bày ma-két 88 số Báo Thanh niên để có gần 170.000 bản báo gửi về Việt Nam, sang Thái Lan, góp phần thức tỉnh, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí giành độc lập dân tộc và là tài liệu hướng dẫn, huấn luyện cán bộ, chỉ rõ đường lối đấu tranh, phương pháp tổ chức đoàn thể quần chúng cách mạng trước lúc Đảng ta ra đời ngày 3-2-1930./.

Theo Văn Khải/ Tạp chí Xây dựng Đảng
Tâm Trang (st)
bqllang.gov.vn