Tag Archive | Tập 5 (1947 – 1949)

Hồ Chí Minh toàn tập – Lời giới thiệu tập 5

Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 5 gồm những tác phẩm, bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ đầu nǎm 1947 đến cuối nǎm 1949, phản ánh sâu sắc tư tưởng, đường lối chiến lược, sách lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Với bản chất xâm lược và hiếu chiến, kẻ thù đã láo xược gửi 3 tối hậu thư trong hai ngày, đòi chúng ta phải hạ vũ khí; chúng đã buộc nhân dân ta phải cầm súng đứng lên bảo vệ nền độc lập và danh dự của mình. Cả nước vâng theo và tin theo lời kêu gọi của lãnh tụ tối cao, hùng dũng đi vào cuộc kháng chiến thần thánh với tinh thần “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh!”.

Mặc dù súng đã nổ, máu đã chảy, nhiều nhà cửa, đường sá, cầu cống, làng mạc… đã bị thiêu huỷ, nhưng trên tinh thần thiết tha với nhân đạo và hoà bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã liên tục gửi hàng chục bức thư và lời kêu gọi đến Tổng thống, Thủ tướng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Pháp, thể hiện ý muốn thành thực hoà bình của ta, kêu gọi họ hãy chấm dứt chiến tranh, lập lại sự giao hảo giữa hai nước. Người viết: “Mong quốc dân Pháp hiểu rằng chúng tôi không hằn thù gì dân tộc Pháp. Chúng tôi bắt buộc phải chiến đấu chống bọn thực dân phản động đang mưu mô xẻ cắt Tổ quốc chúng tôi, đưa chúng tôi vào vòng nô lệ và gieo rắc sự chia rẽ giữa hai dân tộc Pháp và Việt. Nhưng chúng tôi không chiến đấu chống lại nước Pháp mới và quốc dân Pháp, chúng tôi lại còn muốn hợp tác thân ái” (tr.3). Người nêu cao nguyện vọng hoà bình và thân thiện của nhân dân ta, “một nền hoà bình hợp công lý và xứng đáng, thuận tiện cho hai dân tộc”. “Chính phủ và nhân dân Pháp chỉ cần có một cử chỉ công nhận độc lập và thống nhất của nước Việt Nam là chấm dứt được những tai biến này, hoà bình và trật tự sẽ trở lại ngay tức khắc” (tr.12).

Nhưng bọn thực dân xâm lược ngoan cố, với bom đạn và sắt thép trong tay, tưởng rằng chỉ cần vài tuần, vài tháng là đủ đè bẹp sức chiến đấu của nhân dân ta nên chúng đã cự tuyệt mọi cuộc gặp gỡ và dàn xếp. Nhân dân ta không có con đường nào khác là phải đánh, “đánh cho đến thắng lợi hoàn toàn, đánh cho đến độc lập và thống nhất thật sự” (tr.720).

Vận dụng bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, kết hợp với truyền thống đánh giặc, giữ nước của cha ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối, phương châm kháng chiến linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Đó là đường lối toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến với phương châm lâu dài và dựa vào sức mình là chính.

Người chỉ rõ: “Địch muốn dùng cách đánh mau, thắng mau. Nếu chiến tranh kéo dài, hao binh tổn tướng, chúng sẽ thất bại.

Vậy ta dùng chiến lược trường kỳ kháng chiến, để phát triển lực lượng, tǎng thêm kinh nghiệm…

Thế địch như lửa. Thế ta như nước. Nước nhất định thắng lửa” (tr.151).

Để kháng chiến toàn dân, Người chủ trương nhất thiết phải động viên và tổ chức toàn dân: “Mỗi công dân là một chiến sĩ. Mỗi làng là một chiến hào” (tr.151). Chiến tranh nhân dân sẽ đưa kẻ thù vào “thiên la, địa võng”, không có sự phân biệt tiền tuyến, hậu phương, trước mặt, sau lưng, bất cứ ở đâu và lúc nào chúng cũng có thể bị tiến công và tiêu diệt. Người phân tích: địch có tàu bay, tàu bò, tàu thuỷ; ta có thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Địch đánh ban ngày, ta lại đánh ban đêm. Nó dùng vũ khí tối tân thì ta đánh du kích. Nó trên trời, ta dưới đất. Nó muốn làm cho chóng, ta chủ trương trường kỳ. Nó muốn thắng nên ra sức chia rẽ lương – giáo, chia rẽ Bắc – Nam; ta kiên trì thực hiện đại đoàn kết.

Đó là cuộc kháng chiến toàn diện, diễn ra trên tất cả các lĩnh vực. Người nói: “Nó lấy vũ lực, ta không sợ. Nó lấy chính trị, ta không mắc mưu. Nó lấy kinh tế phong toả, thì ta lấy kinh tế ta đánh nó. Ta tǎng gia sản xuất. Ta lợi hơn nó là nó không thể kéo dài được, mà ta thì có thể kéo dài” (tr.58). Người viết lời kêu gọi Thi đua ái quốc: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Vǎn hoá. Thực hiện khẩu hiệu:

Toàn dân kháng chiến,

Toàn diện kháng chiến,

… vừa kháng chiến,

Vừa kiến quốc” (tr.444 – 445).

Sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân chỉ có thể phát huy được đầy đủ khi xây dựng được một lực lượng vũ trang hùng mạnh của nhân dân. Bước vào cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh không lúc nào ngừng chǎm lo xây dựng quân đội ta thành một quân đội anh hùng, bách chiến bách thắng. Người đặc biệt coi trọng việc giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ và chiến sĩ, nhắc nhở họ phải luôn luôn nắm vững nguồn gốc, bản chất, mục tiêu chiến đấu của quân đội ta: “Vệ quốc quân là quân đội của nhân dân, để bảo vệ đồng bào, giữ gìn Tổ quốc” (tr.115). Người đề ra cho quân đội 12 điều rǎn cũng là để làm sao cho bộ đội được “dân tin, dân phục, dân yêu”, xứng đáng với 6 chữ “Trung với nước, hiếu với dân”. Người biểu dương tinh thần “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” của các anh hùng, liệt sĩ. Người trao cờ quyết chiến, quyết thắng cho những đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Người chǎm lo xây dựng truyền thống yêu nước, kiên cường, dũng cảm, quyết tâm chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc cho quân đội ta.

Đối với cán bộ chỉ huy, Người yêu cầu: “một người cán bộ tốt phải có đạo đức cách mạng. Quân sự giỏi song nếu không có đạo đức cách mạng thì khó thành công. Muốn có đạo đức cách mạng phải có 5 điều sau đây: Trí – Tín – Nhân – Dũng – Liêm” (tr.223). Người yêu cầu: “Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn” (tr.392). Đặc biệt, Người nhắc nhở cán bộ và chiến sĩ phải luôn luôn ghi nhớ: quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, “nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”, vì vậy “Phải làm sao cho bộ đội được dân tin, dân phục, dân yêu” (tr.393), đó là nguồn gốc của thắng lợi.

Tóm lại, cùng với những tư tưởng chỉ đạo về chiến lược, chiến thuật quân sự, những chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang, về bồi dưỡng ý chí quyết chiến, quyết thắng, về đạo đức và phẩm chất của người chỉ huy, v.v. là những chǎm lo cụ thể, sâu sắc, thiết thực của Người đối với lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, vừa trên cương vị Tổng tư lệnh tối cao, vừa với tình cảm của người cha thân yêu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân, là ngọn cờ của đại đoàn kết dân tộc, Người đã phấn đấu không mệt mỏi cho sự củng cố khối đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo, nhằm tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp, mọi đảng phái, mọi tôn giáo, dân tộc… tạo thành lưới sắt bao vây, cô lập kẻ thù, phá tan chính sách chia rẽ của chúng, để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Người đã gửi nhiều thư và điện đến các vị giám mục, linh mục để động viên tinh thần yêu nước của đồng bào công giáo; Người cũng gửi thư đến các ông lang đạo, biểu dương công trạng và tinh thần hǎng hái tham gia kháng chiến của đồng bào miền núi tỉnh Hoà Bình. Người quan tâm giúp đỡ các Đảng Xã hội, Đảng Dân chủ để phát huy tốt vai trò của các tổ chức này trong việc động viên các nhân sĩ, trí thức, các nhà công thương… hǎng hái tham gia kháng chiến và thực hiện đại đoàn kết. Người nhắc nhở: “Hiện nay, tất cả các đảng chỉ có một đường chính trị chung: kiên quyết trường kỳ kháng chiến, để tranh lấy thống nhất và độc lập cho Tổ quốc…, chỉ có một chính sách là đại đoàn kết” (tr.166).

Kháng chiến gắn liền với kiến quốc, phá hoại đi đôi với xây dựng, điều đó như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, không có gì trái nhau mà có quan hệ biện chứng với nhau. Theo tư tưởng của Người: “Kháng chiến khắp mọi mặt, kiến thiết khắp mọi mặt” (tr.59). Nhân đến thǎm tỉnh Thanh Hoá, nói về việc xây dựng Thanh Hoá thành tỉnh kiểu mẫu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra những tư tưởng lớn chỉ đạo công cuộc kháng chiến, kiến quốc về mọi mặt.

Về kinh tế, Người đề nghị phải đẩy mạnh tǎng gia sản xuất đi liền với tiết kiệm. “Làm cho nhiều, tiêu thì ít, làm chóng tiêu chậm, tức là đủ”. Nhờ đó mà “Nghèo trở nên đủ, đủ trở nên giàu, giàu thì giàu thêm” (tr.62).

Về vǎn hoá, Người ra kỳ hạn “trong một nǎm phải thanh toán cho xong nạn mù chữ”, “phải học đạo đức công dân, phổ thông chính trị”, “để trả lời cho thế giới biết nước ta là nước vǎn minh”(tr.59-60). Vǎn hoá gắn liền với xây dựng đời sống mới. Cũng thời gian này, Người viết tác phẩm Đời sống mới, kêu gọi thực hành đời sống mới trong mỗi lĩnh vực, mỗi tầng lớp và trong từng con người. Trong tác phẩm này, Người đã nêu lên những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo việc bỏ cũ, làm mới: “Đời sống mới không phải là cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới.

Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ…

Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý…

Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm…

Cái gì mới mà hay thì ta phải làm” (tr.94-95).

Về hành chính, tư pháp cũng phải đổi mới. Người nói: “Chính phủ Cộng hoà Dân chủ là gì? Là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thǎng quan, phát tài” (tr.60). Gửi thư cho Hội nghị tư pháp toàn quốc, Người nhắc nhở: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo” (tr.382) .

Để lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến của toàn dân đi tới thắng lợi hoàn toàn, công tác xây dựng đảng luôn luôn là nhiệm vụ then chốt. “Đảng ví như cái máy phát điện…, máy phát mạnh thì đèn sáng” (tr.551-552). Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng chǎm lo xây dựng Đảng ta thành một đảng mácxít-lêninnít đoàn kết, thống nhất, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đồng thời Người cũng không coi nhẹ bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên về phương pháp công tác và lề lối làm việc. Những bức thư Người gửi các đồng chí Bắc Bộ và Trung Bộ đầu nǎm 1947, nhất là tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” là những vǎn kiện quan trọng về xây dựng đảng. Người đã nghiêm khắc chỉ ra và phê phán những sai lầm, khuyết điểm của một số cán bộ, đảng viên có hại cho sự nghiệp kháng chiến, như đầu óc bè phái, địa phương, hẹp hòi, quân phiệt, vô tổ chức, vô kỷ luật, v.v.. Người đặc biệt chú trọng giáo dục cán bộ, đảng viên về tư cách đạo đức cách mạng, về phương pháp, cách thức vận động quần chúng, nhất là về tinh thần tự phê bình và phê bình. Người chỉ rõ: “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (tr. 261).

Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai thác, tận dụng mọi khả nǎng và lực lượng nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn để đánh thắng kẻ thù. Ngay từ những ngày đầu kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều thư gửi đến nhân dân Pháp tỏ rõ sự hiểu biết và tình thân thiện giữa hai dân tộc, phân biệt rõ nhân dân Pháp yêu chuộng công lý và hoà bình với bọn thực dân xâm lược, phân biệt thực dân phản động và thực dân không phản động, tức là “những người tài chính và kinh tế Pháp muốn kinh doanh ở xứ ta” (tr.7). Người cũng tranh thủ những dịp trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài để nêu cao tính chất chính nghĩa và kêu gọi sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc kháng chiến vì tự do, độc lập của nhân dân ta. Khẳng định chính sách ngoại giao hoà bình và thân thiện với tất cả các nước, Người tuyên bố: Việt Nam muốn “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai” (tr.220). “Thái độ nước Việt Nam đối với những nước á châu là một thái độ anh em, đối với ngũ cường 1 là một thái độ bạn bè” (tr.136). Đầu nǎm 1948, Người đã chủ động phá thế bao vây của kẻ thù, cử một đoàn cán bộ ngoại giao đầu tiên của ta sang các nước Thái Lan, Miến Điện, Trung Hoa, Tiệp Khắc để tuyên truyền về cuộc kháng chiến anh dũng, chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Nhờ những hoạt động ngoại giao không mệt mỏi đó, cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã được nhiều nước trên thế giới biết đến và tỏ thái độ đồng tình, ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của chúng ta.

*

*      *

Trên đây là những nội dung cơ bản về tư tưởng và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phản ánh trong Tập 5 của bộ Hồ Chí Minh Toàn tập, từ 1947 đến 1949. So với lần xuất bản thứ nhất, lần này tập sách đã bổ sung hơn 100 bài mới sưu tầm được, trong đó có hơn 30 bài lần đầu tiên được công bố. Chúng tôi cũng đưa vào phần Phụ lục danh mục các sắc lệnh do Người ký từ 1947 đến 1949 để bạn đọc tiện tham khảo và tra cứu.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song do hạn chế về thời gian và nǎng lực, chắc chắn rằng tập sách này không tránh khỏi còn thiếu sót. Chúng tôi mong nhận được sự chỉ bảo của bạn đọc gần xa.

VIỆN NGHIÊN CỨU MÁC – LÊNIN VÀ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

cpv.org.vn


Bạn muốn download trọn bộ Hồ Chí Minh toàn tập
Tập 5 (1953 – 1955) hãy nhấn vào đây Down load

Lời kêu gọi đầu nǎm mới (1947) (1-1-1947)

Hỡi toàn thể đồng bào Nam, Trung, Bắc!

Hôm nay mồng 1 tháng Giêng nǎm 1947, tôi thay mặt Chính phủ chúc toàn thể đồng bào, và kiều bào ở hải ngoại,

Chúc các bộ đội, tự vệ và dân quân,

Chúc các em thanh niên, phụ nữ và các cháu thiếu nhi, nǎm mới, một nǎm mới đoàn kết, một nǎm mới kiên quyết kháng chiến, một nǎm mới thắng lợi.

Đến nǎm nay, thực dân Pháp cướp nước ta đã 85 nǎm trường. Trong 85 nǎm sỉ nhục đó, đồng bào ta cha truyền con nối đã chịu biết bao nhiêu nỗi đắng cay.

Trong 85 nǎm đó, thực dân Pháp làm chết dân ta ít nhất cũng đến 7, 8 triệu người, chết vì chúng hãm đói, chết vì chúng khủng bố, chết vì chúng đem đi chiến trường. Nǎm ngoái chỉ ở Bắc Bộ và miền Bắc Trung Bộ đã hơn 2 triệu đồng bào chết đói. Người bị chúng làm chết đã rồi, còn những người sống thì lầm than dưới ách nô lệ, thân ngựa mình trâu!

Từ nǎm nay trở đi, đồng bào ta, con cháu Hai Bà Trưng, con cháu Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Nùng Trí Cao, có chịu để nước non Hồng Lạc cho thực dân Pháp giày xéo, có chịu để nòi giống Rồng Tiên cho thực dân Pháp giày đạp nữa không?

Không, quyết không!

Chúng ta đem lực lượng của 20 triệu đồng bào, chống lại mấy vạn thực dân Pháp. Chúng ta nhất định thắng lợi.

Dù ta cần phải hy sinh 4 triệu hay 8 triệu người, mà nước ta được độc lập, dân ta được tự do, tổ tiên ta được vẻ vang, con cháu ta được hạnh phúc, cũng còn hơn chịu cúi đầu mà làm nô lệ cho thực dân Pháp muôn đời.

Hỡi toàn thể đồng bào!

Hỡi nam nữ chiến sĩ!

Tôi xin thay mặt toàn quốc gửi lời chào nǎm mới cho nhân dân Pháp, là bạn của nhân dân ta.

Hỡi toàn thể đồng bào, toàn thể chiến sĩ!

Nǎm mới chúng ta phải đem lực lượng mới, quyết tâm mới để giành lấy thắng lợi mới, để xây dựng một đời sống mới, một nước non mới.

Việt Nam độc lập, thống nhất muôn nǎm!
Kháng chiến thắng lợi muôn nǎm!

Ngày 1 tháng 1 nǎm 1947

Sách Lời Hồ Chủ tịch,
Nha Thông tin Việt Nam,
1948, t.1, tr.13-14.
cpv.org.vn

Thư gửi Chính phủ và nhân dân Pháp nhân dịp đầu nǎm mới (1-1-1947)

Nhân danh Chính phủ và quốc dân Việt Nam và riêng tôi, tôi chúc Chính phủ và quốc dân Pháp, một nǎm mới tốt đẹp.

Mong quốc dân Pháp hiểu rằng chúng tôi không thù hằn gì dân tộc Pháp. Chúng tôi bắt buộc phải chiến đấu, chống bọn thực dân phản động đang mưu mô xẻ cắt Tổ quốc chúng tôi, đưa chúng tôi vào vòng nô lệ và gieo rắc sự chia rẽ giữa hai dân tộc Pháp và Việt. Nhưng chúng tôi không chiến đấu chống nước Pháp mới và quốc dân Pháp, chúng tôi lại còn muốn hợp tác thân ái.

ở Việt Nam cũng như ở Pháp, có rất nhiều người Pháp đàn ông và đàn bà yêu chuộng công lý và tự do. Những người đó hiểu và bênh vực những nguyện vọng của chúng tôi. Họ mới thật là những người bênh vực đứng đắn quyền lợi chân chính của nước Pháp và khối Liên hiệp Pháp. Tôi thành thực cảm tạ những người Pháp đó.

Tôi kêu gọi nhân dân Pháp để chấm dứt cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn và nǎm 1947 mang lại nền hoà bình và tình hữu ái giữa nước Pháp và nước Việt Nam.

Ngày 1 tháng 1 nǎm 1947
HỒ CHÍ MINH

Sách Lời Hồ Chủ tịch,
Nha Thông tin Việt Nam,
1948, t.1, tr.15.
cpv.org.vn

Điện vǎn gửi Vệ quốc quân và dân quân tự vệ Trung, Nam, Bắc (1-1-1947)

Tôi vừa nhận được lời chúc tụng của bộ đội và dân quân trong dịp lễ Nguyên đán, tôi rất cảm động. Tôi nghiêng mình trước sự hy sinh lớn lao của các chiến sĩ vệ quốc quân và tự vệ đã tử trận ở khắp các mặt trận trong nǎm vừa qua, tôi rất lấy làm cảm kích nhận thấy toàn thể bộ đội và dân quân cùng một chí cương quyết kháng chiến, cùng một lòng tinh thành đoàn kết và thực hiện quân dân nhất trí.

Tôi tin tưởng vào dân quân và bộ đội để bảo vệ đất nước và đem sự thắng lợi cuối cùng về cho Tổ quốc. Cùng nhau nỗ lực kháng chiến, chúng ta quyết giành độc lập và thống nhất cho nước Việt Nam.

Kháng chiến thắng lợi!

Việt Nam thống nhất, độc lập muôn nǎm!

Tinh thần quân dân nhất trí muôn nǎm!

Chào quyết thắng
Tháng 1 nǎm 1947
HỒ CHÍ MINH

Sách Lời Hồ Chủ tịch,
Nha Thông tin Việt Nam,
1948, t.1, tr.16.
cpv.org.vn

Thư gửi Tướng Lơcléc (1-1-1947)

Kính gửi Đại tướng, thân hữu,

Ngài là một đại quân nhân và một nhà đại ái quốc. Ngài đã chiến thắng và chiến thắng anh dũng kẻ xâm lǎng nước ngài. Đó là một điều mà thiên hạ – trước hết là người Việt Nam – rất khâm phục.

Một nhà ái quốc trọng những người ái quốc nước khác. Một người yêu quê hương mình, trọng quê hương của kẻ khác. Tôi chắc rằng đó cũng là ý kiến của ngài.

Ngài muốn nước Pháp độc lập và thống nhất. Chúng tôi cũng muốn nước Việt Nam độc lập và thống nhất. Ngài và chúng tôi cùng một chí hướng.

Lừng danh với những chiến công, ngài lại đi đánh một dân tộc chỉ muốn độc lập, thống nhất quốc gia, và một nước chỉ muốn hợp tác như anh em với nước ngài sao?

Phải chǎng đó là một công việc bạc bẽo đau đớn?

Giá thử ngài đánh được chúng tôi đi nữa – đấy là một điều viển vông, vì nếu ngài mạnh về vật chất, thì chúng tôi đây, mạnh về tinh thần, với một chí cương quyết chiến đấu cho tự do của chúng tôi – thì những thắng lợi tạm thời kia chẳng những không tǎng thêm mà lại còn làm tổn thương đến uy danh quân nhân và tư cách ái quốc của ngài.

Tôi biết ngài cương trực, thành thực cũng như ngài can đảm. Ngài đã từng tác chiến. Có lẽ ngài có thể tạo được hoà bình, một nền hoà bình hợp công lý và xứng đáng, thuận tiện cho hai dân tộc chúng ta, mặc dầu trong hoàn cảnh do kẻ khác gây ra, mà vẫn không dứt tình hữu nghị.

Chúng tôi đã nhất quyết ở trong khối Liên hiệp Pháp, cộng tác thành thực với nước Pháp và tôn trọng quyền lợi kinh tế, vǎn hóa Pháp trong nước chúng tôi. Nhưng chúng tôi cũng nhất quyết chiến đấu đến cùng cho độc lập và thống nhất quốc gia.

Tuy nhiên, một sự hoà bình hợp công lý còn có thể cứu vãn được tình thế. Nước Pháp sẽ không thu được mối lợi gì trong một cuộc chiến tranh thuộc địa.

Thưa Đại tướng, thân hữu, tôi nói với ngài với một tấm lòng thành thực và đau đớn. Đau đớn vì trông thấy bao nhiêu chiến sĩ thanh niên Pháp và Việt đang tàn sát lẫn nhau. Những thanh niên hy vọng của hai nước chúng ta, và đáng lẽ phải sống cùng nhau như anh em.

Trân trọng chúc mừng ngài trong dịp đầu nǎm.

Ngày 1 tháng 1 nǎm 1947
HỒ CHÍ MINH

Sách Lời Hồ Chủ tịch,
Nha Thông tin Việt Nam,
1948, t.1, tr.17-18.
cpv.org.vn

Trả lời các nhà báo (2-1-1947)

Hỏi: Thưa Chủ tịch, Bộ trưởng Mutê sẽ ra gặp Chủ tịch không?

– Đáp: Xin anh em hỏi Bộ trưởng Mutê thì rõ hơn. Dù sao, tôi với Bộ trưởng là bạn cũ. Tôi sẽ rất hoan nghênh gặp người bạn tôi.

Hỏi: Xin Chủ tịch cho biết ý nghĩa của cuộc chiến tranh này?

– Đáp: 1. Việt Nam không chiến tranh chống nước Pháp và dân Pháp vì ta muốn hai dân tộc Việt – Pháp cộng tác thật thà.

2. Nhưng tự do độc lập là quyền trời cho của mỗi dân tộc. Bọn thực dân phản động dùng vũ lực phá hoại quyền thống nhất và độc lập của dân ta, cho nên dân ta phải kháng chiến để giữ gìn đất nước.

– Hỏi: Thực dân phản động và thực dân không phản động khác nhau chỗ nào?

– Đáp: Có những người tài chính và kinh tế Pháp muốn kinh doanh ở xứ ta. Họ hiểu rằng muốn kinh doanh sinh lợi, thì phải thật thà cộng tác với ta. Muốn cộng tác, thì phải để ta độc lập và thống nhất. Đó là hạng thực dân không phản động. Còn những bọn cứ muốn dùng âm mưu hoặc vũ lực để dìm ta xuống, đó là thực dân phản động.

– Hỏi: Cuộc kháng chiến sẽ kết liễu thế nào?

– Đáp: Lịch sử thế giới và lịch sử nước ta tỏ cho ta biết rằng:

1. Hễ một dân tộc đã đứng lên kiên quyết tranh đấu cho Tổ quốc họ thì không ai, không lực lượng gì chiến thắng được họ. Dân Việt Nam muốn hoà bình, nhưng vì vận mệnh của Tổ quốc, của giống nòi, thì sẽ kháng chiến đến cùng, kháng chiến đến thắng lợi.

2. Chúng ta hiểu biết và kính trọng dân tộc Pháp. Nếu Chính phủ và nhân dân Pháp không để bọn thực dân phản động phá hoại hoà bình, phá hoại lợi ích và danh dự Pháp, phá hoại tình thân thiện giữa hai dân tộc Việt – Pháp, nếu Chính phủ Pháp dàn xếp theo cách hoà bình, tôn trọng chủ quyền của ta, thì ta vẫn sẵn sàng đàm phán.

3. Mỹ đã nhận Phi Luật Tân độc lập, Anh đã hứa ấn Độ độc lập. Không lẽ một nước tiền tiến như nước Pháp, vì bọn thực dân phản động, mà cam chịu tiếng bất nhân không công nhận Việt Nam độc lập.

Trả lời ngày 2-1-1947.

Sách Lời Hồ Chủ tịch,
Nha Thông tin Việt Nam,
1948, t.1, tr.19-20.
cpv.org.vn

Thư gửi Bộ trưởng Mutê (3-1-1947)

Kính gửi Bộ trưởng Mutê,

Uỷ viên của Chính phủ Pháp,

Tôi lấy làm vui mừng được biết ngài tới Hà Nội. Xin có lời chào mừng ngài, vì ngài vừa là bạn cũ, vừa là đại diện cho nước Pháp mới, vừa là sứ giả của hoà bình.

Tôi rất mong và rất sung sướng được hội kiến với ngài lâu một chút để tỏ rõ ý muốn thành thực hoà bình và cộng tác của chúng tôi, và để chuyển đệ với ngài những đề nghị của chúng tôi về việc lập lại sự giao hảo giữa hai nước chúng ta.

Tôi mong được trả lời, và xin gửi ngài lời chào thân ái.

Xin ngài chuyển những ý nghĩ thân ái của tôi cho ông Guýtxtavơ (1) .

Ngày 3 tháng 1 nǎm 1947
HỒ CHÍ MINH

Sách Lời Hồ Chủ tịch,
Nha Thông tin Việt Nam,
1948, t.1, tr.21.
cpv.org.vn

———————————

(1) Tạm ước 14-9-1946: Tên thường gọi của thoả hiệp tạm thời (Modus vivendi) giữa Việt Nam và Pháp, do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng M.Mutê ký ngày 14-9-1946, tại Pari.

Tạm ước gồm 11 điều khoản. Nội dung của các điều khoản thể hiện những thoả thuận tạm thời về một số vấn đề bức thiết có tính chất bộ phận: Chính phủ Pháp thi hành các quyền tự do, dân chủ và ngừng bắn ở Nam Bộ; Chính phủ Việt Nam nhân nhượng với Pháp một số quyền lợi về kinh tế và vǎn hoá của Pháp ở Việt Nam; quy định thời gian tiếp tục cuộc đàm phán Việt – Pháp vào tháng 1-1947.

Việc ký Tạm ước 14-9 là một thắng lợi trong sách lược ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhân dân ta có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài. Tr.12.

Thư gửi ông Cù Huy Cận (5-1-1947)

Chú Cận,

Đã lâu không gặp chú, nhớ lắm.

Nay có việc cần. Chú phải về ngay. Về đến thì tìm gặp Nam gấp.

Công việc trong đó, giao lại cho chú Nhân.

Tôi gửi lời thǎm tất cả đồng bào trong ấy.

Chờ chú.

Chào thân ái và quyết thắng
Ngày 5 tháng 1 nǎm 1947
HỒ CHÍ MINH

Bản gốc lưu tại Trung tâm
lưu trữ Quốc gia I, bản chụp
lưu tại Viện Hồ Chí Minh.
cpv.org.vn

Thư gửi Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp (7-1-1947)

Kính gửi Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp,

Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi trịnh trọng tuyên bố cùng nước Pháp rằng:

1. Nhân dân Việt Nam không tranh đấu chống nước Pháp và nhân dân Pháp. Đối với nước Pháp và nhân dân Pháp, nhân dân Việt Nam vẫn thân thiện, tin cậy và khâm phục.

2. Nhân dân Việt Nam thành thực muốn cộng tác với nhân dân Pháp như anh em trên một cǎn bản tín nghĩa và bình đẳng.

3. Nhân dân Việt Nam chỉ đòi độc lập và thống nhất quốc gia trong khối Liên hiệp Pháp, một khối liên hiệp do sự tự do thoả thuận tạo nên.

4. Nhân dân Việt Nam chỉ muốn có hoà bình, một nền hoà bình thực sự, để kiến thiết quốc gia với sự cộng tác của những người bạn Pháp chân chính.

5. Nhân dân Việt Nam cam kết không những tôn trọng những quyền lợi kinh tế và vǎn hoá Pháp ở Việt Nam, mà còn giúp cho những quyền lợi đó phát triển thêm để ích lợi chung cho cả hai nước.

6. Nhân dân Việt Nam đã bị chính sách vũ lực, chính sách xâm lǎng của một vài người đại diện Pháp ở Đông Dương xô đẩy vào một cuộc chiến tranh tự vệ thảm khốc. Những người đại diện đó tìm mọi cách để chia rẽ dân tộc chúng tôi, cắt xén Tổ quốc chúng tôi, xâm phạm chủ quyền quốc gia của chúng tôi, ngǎn cản không cho chúng tôi độc lập và phá hoại sự hợp tác thành thực của hai dân tộc Việt- Pháp.

7. Muốn lập lại hoà bình, chỉ cần:

a) Trở lại tình trạng trước ngày 20-11 và 17-12-1946, đình chỉ ngay và đình chỉ thực sự những cuộc xung đột trong toàn cõi Việt Nam (Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ).

b) Làm xúc tiến ngay công việc của các Uỷ ban đã dự định đặt ra để thi hành Tạm ước 14-9-1946 1 , các Uỷ ban này phải họp ở Sài Gòn và Hà Nội, nhưng không ở Đà Lạt.

c) Tiếp tục ngay những cuộc điều đình ở Phôngtennơblô để giải quyết một cách vĩnh cửu vấn đề giao thiệp giữa hai nước Pháp, Việt.

Nhiều thành thị, làng mạc đã bị tàn phá, hàng vạn đàn bà, trẻ con và người già cả Việt Nam đã bị phi pháo tàn sát. Và đã nhiều binh lính trai trẻ Pháp và Việt chết hoặc bị thương.

Bao nhiêu đổ nát đã chồng chất lên nhau, máu chảy cũng đã nhiều.

Chính phủ và nhân dân Pháp chỉ cần có một cử chỉ công nhận độc lập và thống nhất của nước Việt Nam là chấm dứt được những tai biến này; hoà bình và trật tự sẽ trở lại ngay tức khắc. Dân tộc Việt Nam đang chờ đợi cử chỉ đó.

Nước Pháp mới muôn nǎm!
Nước Việt Nam độc lập và thống nhất muôn nǎm!
Tình thân thiện Pháp Việt muôn nǎm!

Ngày 7 tháng 1 nǎm 1947
HỒ CHÍ MINH

Sách Lời Hồ Chủ tịch,
Nha Thông tin Việt Nam,
1948, t.1, tr.22-23.
cpv.org.vn

Thư khen ngợi các chiến sĩ bị thương và sự tận tâm của các y sĩ, khán hộ, cứu thương (8-1-1947)

Cùng các nam nữ chiến sĩ bị thương ,

Tôi tiếp được nhiều thơ nam nữ chiến sĩ bị thương, hǎng hái hứa với tôi rằng: hễ vết thương khỏi, thì lại xin ra mặt trận.

Lòng yêu nước, chí kiên quyết của các chiến sĩ thật là đáng quý!

Các chiến sĩ đã hy sinh máu mủ để giữ gìn đất nước. Nay đã bị thương mà còn mong mỏi ra sát địch ở trận tiền. Các chiến sĩ thật xứng đáng với Tổ quốc, và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế.

Tôi thay mặt Chính phủ hỏi thǎm và chúc anh chị em mau lành mạnh.

Các anh em thầy thuốc và chị em khán hộ, cứu thương,

Tôi được báo cáo rằng: Các thầy thuốc và khán hộ đều hết lòng sǎn sóc thương binh một cách rất chu đáo. Thế là các bạn cũng trực tiếp tham gia kháng chiến cứu quốc.

Tôi thay mặt anh em thương binh, cảm ơn các bạn, và khuyên các bạn gắng sức.

Tôi gửi cho tất cả mọi người trong nhà thương lời chào thân ái và quyết thắng.

Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
HỒ CHÍ MINH

Viết ngày 8-1-1947.
Bản gốc lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I.
cpv.org.vn

 

 

 

Thơ gửi tặng báo Độc lập nhân mùa Xuân kháng chiến đầu tiên (8-1-1947)

Nǎm mới thế cho nǎm đã cũ.
Báo “Độc lập” của Đảng Dân chủ 2 .
Kêu gọi toàn thể dân Việt Nam,
Đoàn kết và thắt chặt hàng ngũ,
Kiên quyết kháng chiến đến kỳ cùng,
Để giữ chủ quyền và lãnh thổ.
Chờ ngày độc lập đã thành công.
Tết ấy tha hồ bàn với cỗ.

Ngày 8 tháng 1 nǎm 1947
Báo Độc lập, số 1024,
ngày 27-11-1974.
cpv.org.vn

Lời kêu gọi nhân ngày Tết Nguyên đán nǎm 1947 (8-1-1947)

Tết đã gần đến.

Theo tục lệ thường, thì đồng bào từ Nam chí Bắc, từ thành thị đến thôn quê, ai cũng sắm sửa ǎn Tết.

Song Tết nǎm nay, phải là một Tết kháng chiến. Chiến sĩ ở tiền phương đang chịu đói chịu rét, xông pha bom đạn, đem xương máu để giữ gìn Tổ quốc, để bảo vệ cho đồng bào hậu phương được an toàn.

Đồng bào các chiến khu thì nhà tan của mất, lưu lạc, tản cư, ǎn đói mặc rét, cực khổ điêu linh.

Trước tình trạng đó, đồng bào các nơi khác có nỡ lòng ǎn Tết linh đình không?

Chắc là không!

Vậy tôi kêu gọi toàn thể đồng bào:

1. Phải hết sức tiết kiệm, để dành tiền bạc, cơm gạo, cho cuộc kháng chiến lâu dài.

2. Nhân dịp Tết kháng chiến, mọi người thi nhau đào hầm trú ẩn và làm những việc cần kíp, để phòng trước bọn địch tấn công.

3. Ra sức thi nhau tǎng gia sản xuất.

4. Rủ nhau gửi đồ uý lạo cho chiến sĩ ở tiền phương, có gì gửi nấy, quà bánh và thư từ, để tỏ tình thân ái. Nhất là phụ nữ, thanh niên và thiếu nhi, nên phụ trách tổ chức việc này.

Chúng ta phải làm sao cho Tết này thật là một Tết kháng chiến.

Bao giờ kháng chiến thắng lợi, độc lập thành công, chúng ta sẽ cùng nhau ǎn Tết linh đình.

Ngày 8 tháng 1 nǎm 1947
HỒ CHÍ MINH

Sách Lời Hồ Chủ tịch,
Nha Thông tin Việt Nam,
1948, t.1, tr.24.
cpv.org.vn