Thư viện

“Chúng ta muốn hoà bình !”

Ngày 3/1/1947, từ chiến khu, Bác viết thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, đề nghị tìm kiếm hòa bình. Bức thư đã bị phía Pháp ỉm đi.

– Ngày 3/1/1947, Bác đã viết thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, đề nghị  một cuộc gặp mặt. Bức thư đã bị phía Pháp ỉm đi. Đô đốc D’ Argenlieu bình luận đó là thắng lợi đầu tiên…

Từ ngày 19/12/1946, cuộc Kháng chiến Toàn quốc đã bùng nổ. Đọc lại Lời kêu gọi của Bác viết ngay trong đêm hôm đó và được công bố trên  Đài Tiếng nói Việt Nam  và rạng sáng ngày hôm sau, ta thấy câu mở đầu của một lời kêu gọi kháng chiến lại là một khát vọng “Chúng ta muốn hoà bình !…”.

M.Moutet ra đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tại sân bay Le Bourget ở Paris 6/1946.  M.Moutet ra đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tại sân bay Le Bourget ở Paris 6/1946.

Có thể nói trong hơn một năm từ khi thực dân Pháp gây hấn ở Sài Gòn ngay trong Ngày Lễ  Độc lập 2/9/1945, Bác Hồ đã làm tất cả những gì có thể làm. Kể cả sang tận nước Pháp, ở lại đó 4 tháng để vận động cho cuộc chiến tranh không bùng nổ mà nỗ lực cuối cùng là ký được với Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Marius Moutet, một người bạn cũ hội tham gia Đảng Xã hội bản Tạm ước 14/9/1946 ( vào đêm hôm trước ngày Bác rời Paris trở về nước).

Tiếp đó là biết bao nỗ lực để chặn tay những kẻ hiếu chiến trong giới thực dân mà tiêu biểu là Đô độc D’ Argenlieu…

Nhưng cho đến khi quân Pháp ra tối hậu thư đòi các lực lượng quân đội quốc gia của nước Việt Nam độc lập phải nộp vũ khí thì “chúng ta buộc phải cầm vũ khí vi “chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Nhưng ngay trong lúc cầm vũ khí chiến đấu, người lãnh đạo cuộc kháng chiến cũng không bỏ qua bất kỳ một cơ hội nào để vãn hồi hoà bình…

Ngày 3/1/1947, được tin ông M.Moutet đến Hà Nội lúc này đã bị quân Pháp chiếm đóng, từ chiến khu của cuộc kháng chiến, Bác viết thư cho Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại: “Tôi lấy làm vui mừng được biết ngài tới Hà Nội. Xin có lời chào mừng vì ngài vừa là bạn cũ, vừa là đại diện cho nước Pháp mới, là sứ giả của hoà bình. Tôi rất  mong và rất sung sướng được hội kiến với ngài lâu một chút để tỏ rõ ý muốn thành thực hoà bình và cộng tác của chúng tôi và chuyển đệ với  ngài những đề nghị của chúng tôi về việc lập lại sự giao hảo giữa 2 nước chúng ta”.

Bức thư này đã bị phía Pháp ỉm đi .

Sau này, Đô đốc D’ Argenlieu là kẻ chủ mưu gây ra cuộc chiến tranh Pháp – Việt đã bình luận trong thư gửi tướng De Gaulle :”Nhờ ơn Chúa, Moutet đã không có một cuộc tiếp xúc cá nhân nào với nhóm ông Hồ Chí Minh. Đó là một điểm thắng lợi đầu tiên”.

Nhưng cái “thắng lợi đầu tiên” ấy chính là sự khởi đầu cho một thảm bại cuối cùng khi quân Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ sau đó 7 năm!

X&N
Vkyno (st)

Advertisement

Bác Hồ với những tù binh Pháp

Ngày 30/3/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thả 200 tù binh Bắc Phi đã bị quân ta bắt trên các chiến trường.

– Ngày 30/3/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thả 200 tù binh Bắc Phi đã bị quân ta bắt trên các chiến trường để thể hiện thiện chí của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với dân các nước thuộc địa của Pháp.

Cần nói rằng chính sách đối với tù binh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhất quán. Không đầy một tuần sau khi đưa ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” nhiều binh sĩ của quân đội Pháp đã bị bắt làm tù binh. Là người tha thiết không muốn cuộc chiến tranh bùng nổ, chủ trương hoà hiếu nhưng quyết tâm bảo vệ nền độc lập của mình, nhân ngày Thiên Chúa Giáng sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư “gửi các tù binh Pháp” (24/12/1946). Thư viết :

30-3-1959 HCM thăm cơ sở sản xuất vận chuyển than ở vùng mỏ Quảng Ninh.jpg (111KB)Ngày 30/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cơ sở sản xuất vận chuyển than ở vùng mỏ Quảng Ninh

“Các bạn, tôi rất lấy làm phiền lòng vì thấy các người đang ở trong tình trạng như thế này. Tôi coi các người là bạn của tôi. Tôi biết rằng đó không phải là bởi các bạn, nhưng các bạn cũng như chúng tôi, đều là nạn nhân của bọn thực dân Pháp. Bọn này vì quyền lợi ích kỷ riêng của họ, chỉ muốn đi chinh phục nước người khác.

Tôi mong nột ngày gần đây, hai dân tộc Pháp – Việt có thể cùng cộng tác trong vòng hoà bình và thân ái để mưu cầu hạnh phúc chung cho hai dân tộc. Trong khi chờ đợi, các bạn hãy yên lòng và sống dưới sự che chở của chúng tôi, cho đến khi hết chiến tranh, khi đó các bạn sẽ được tự do. Tôi chúc các bạn một ngày Noel vui và một năm tốt đẹp”.

Trong suốt những năm tháng chiến tranh gian khổ và đầy hy sinh Bác cũng thực hiện một chính sách nhân dân đối với các tù binh của quân đôi Pháp, nuôi dưỡng trong hoàn cảnh chính những chiến sĩ của mình còn đói, rét, thiếu thuốc men… Do chính sách binh vận tốt nên nhiều tù binh Pháp và đoàn quân Lê dương cũng như những lính thuộc địa đã tình nguyện đi theo kháng chiến.

Sau Chiến dịch Biên giới (1950) cả 2 viên đại tá chỉ huy cấp binh đoàn là Lepage và Charton đều bị quân ta bắt sống, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đích thân đến nơi giam giữ để an ủi.

Hồi ức của Đại tá Hoàng Thế Dũng người tháp tùng Bác, kể lại rằng, khi giải thích những khó khăn của tù binh Pháp gặp phải, Bác, trong vai cố vấn chính trị của Mặt trận, nói: “Các ông biết chiến tranh là chiến tranh. Nhưng quân đội Việt Nam chỉ làm chiến tranh trong các trận đánh thôi. Sau trận đánh, đối với quân đội bại trận, quân đội Việt Nam coi binh sĩ của nó như là nhân dân Pháp. Sự thiếu thốn chỉ là vì hoàn cảnh…”.

Và trong một lần thăm tù binh Pháp, Bác đã cởi tấm áo khoác của mình cho một sĩ quan ốm yếu của đối phương mà người nhận không hề biết rằng người nhường tấm áo rét cho mình là người đứng đầu Việt Minh đang tổ chức kháng chiến.

X&N
kienthuc.net.vn

Ngày Bác Hồ bắt tay viết sách

Bác đã gửi “thư cho các đồng chí Liên Xô” nói về ý định sẽ viết một cuốn sách bằng tiếng Việt, giới thiệu về đất nước Xô Viết.

 – Ngày 28/2/1930, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Văn phòng đại diện Đảng Cộng sản Anh tại Quốc tế Cộng sản đề nghị gửi cho mình các tờ báo cánh tả như các tờ “La Vie Ouvrière” (Đời sống công nhân) và tạp chí “Quốc tế Công hội Đỏ”, đồng thời đề nghị gửi cả mấy tờ báo cánh hữu, báo “tư sản”: để che mắt và ứng phó “nếu cảnh sát thấy rằng tôi đã nhận những  tờ báo chí “lật đổ”.

Cùng ngày hôm đó, nhà cách mạng Việt Nam lúc này vẫn đang ở Hồng Kông sau khi đã thông báo với Quốc tế Cộng sản về sự kiện “Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập”, đã gửi “thư cho các đồng chí Liên Xô” nói về ý định sẽ viết một cuốn sách bằng tiếng Việt để giới thiệu về đất nước Xô Viết:

Ngày 28/2/1969, Bác tiếp các anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền BắcNgày 28/2/1969, Bác tiếp các anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc

“Các đồng chí thân mến,

Người An Nam, nhất là những người lao động, muốn biết nước Nga. Nhưng các sạp báo cách mạng đều bị pháp luật hà khắc của đế quốc Pháp nghiêm cấm. Hơn nữa, công nhân và nông dân An Nam, phần lớn không biết chữ. Những người có học chút ít không biết thứ tiếng nào khác ngoài tiếng An Nam.

Nhiệm vụ của cúng tôi là phải nói với họ về Tổ quốc của giai cấp vô sản như thế nào. Để làm viêc này tôi có ý đinh viết một quyển sách, bằng tiếng An Nam, đương nhiên, dưới hình thức “Những kỷ niệm về cuộc du lịch của tôi”. Tôi  mong rằng nó sẽ sinh động, hấp dẫn, dễ đọc và có nhiều mẩu chuyện…”

Bức thư kèm theo một đề cương chi tiết về  nước Nga trước và trong cách mạng và nước Nga ngày nay. Nội dung của nó đề cập tới những thay đổi lịch sử, vai trò của các tầng lớp đối với cách mạng và các tổ chức cách mạng. Về nước Nga sau cách mạng, quyển sách sẽ giới thiệu về tổ chức nhà nước và xã hội của nước Nga mới, đời sống của các tầng lớp xã hội, vấn đề ruộng đất, chính sách “Kinh tế mới”,  các thành tựu về kinh tế giáo dục, văn hoá và y tế cùng  Quốc tế Cộng sản và các tổ chức quốc tế …

Để viết quyển sách này, Nguyễn Ái Quốc đề nghị Quốc tế Cộng sản cung cấp thêm tư liệu gửi qua Đảng Cộng sản Trung Quốc đồng thời cũng nêu khó khăn về in ấn, nhất là thiếu các con chữ la tinh đặc thù của tiếng Việt là có nhiều dấu…

X&N
kienthuc.net.vn

Những bức thư Bác Hồ gửi Tổng thống Mỹ

Chúng tôi yêu cầu Hoa Kỳ với tư cách là người bảo vệ và bênh vực công lý TG, thực hiện bước quyết định ủng hộ nền độc lập của chúng tôi.

 – Ngày 16/2/1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gửi thư tới Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thông báo về sự ra đời của nước Việt Nam độc lập và lên án thực dân Pháp đã tiến hành một cuộc chiến tranh “trái với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế và trái với những cam kết của các nước Đồng minh trong chiến tranh thế giới”.

Văn kiện này đưa ra thông điệp: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi sau quá nhiều năm chịu sự cướp bóc và tàn phá, mới chỉ đang bắt đầu công cuộc xây dựng. Cần phải có an ninh và quyền tự do, trước hết là để đạt được sự phồn vinh và phúc lợi trong nước, và sau đó là góp phần nhỏ của mình vào việc xây dựng lại thế giới. An ninh và tự do chỉ có thể được đảm bảo bằng sự độc lập của chúng ta đối với bất kỳ một cường quốc thực dân nào và bằng sự hợp tác tự nguyện của chúng ta với tất cả các cường quốc khác. Chính với niềm tin vững chắc này mà chúng tôi yêu cầu Hợp Chủng quốc với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định ủng hộ nền độc lập của chúng tôi”.

Đây là văn kiện mang tính nhà nước thể hiện rõ quan điểm đối ngoại của Việt Nam và quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ.

Ngày từ tháng 5/1945 sau khi tiếp xúc với cơ quan tình báo chiến lược OSS của Mỹ tại Côn Minh, Hồ Chí Minh đã nhờ người đứng đầu tổ chức này là A. Patti chuyển văn bản tới Phái đoàn Mỹ tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi ủng hộ nền độc lập của Việt Nam sau khi tiêu diệt được chủ nghĩa phát xít.

Giữa tháng đó, Bác còn đề nghị chuyển một tài liệu về nạn đói ở Bắc Kỳ tới Sứ quán Mỹ ở Trùng Khánh.

16/2/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫy tay chào cán bộ và đồng bào Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây khi Người về thăm, chúc tết 16/2/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫy tay chào cán bộ và đồng bào Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây khi Người về thăm, chúc Tết

Ngay sau khi Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào (16/8/1945) với tư cách người đứng đầu Uỷ ban Dân tộc Giải phóng, Bác đề nghị “nhà cầm quyền Hoa Kỳ thông báo với Liên Hiệp Quốc rằng: chúng tôi đã đứng về phía Liên Hiệp Quốc chống lại bọn Nhật” và “yêu cầu Liên Hiệp Quốc thực hiện lời hứa long trọng của mình là tất cả các dân tộc đều được hưởng dân chủ và độc lập…”.

Ngày 29/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Tổng thống Mỹ chia buồn về việc Đại tá Piter Dewey chỉ huy OSS tại Sài Gòn bị tử nạn.

Ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Tổng thống Mỹ đề nghị để Việt Nam tham gia Hội đồng Tư vấn về Viễn Đông.

Ngày 22/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại viết thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đề nghị Liên Hiệp Quốc quan tâm đến việc Pháp gây hấn và cử phái đoàn điều tra đến Đông Dương.

Ngày 1/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư đến Quốc vụ khanh Mỹ thay mặt Hội Văn hoá Việt Nam gửi 50 thanh niên sang học tập các lĩnh vực kỹ thuật và thành lập mối quan hệ văn hoá hữu nghị với thanh niên Mỹ….

Ngày 8/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Tổng thống Mỹ và Thống chế Tưởng Giới Thạch trình bày tình hình quân Pháp đang tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Ngày 23/11/1945, Chủ tịch nước Việt Nam gửi thư tới Tổng thống Mỹ và Tổng giám đốc Cơ quan Cứu tế Mỹ (UNRRA) kêu gọi giúp Việt Nam chống nạn đói.

Đầu năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới các ngoại trưởng Liên Xô, Mỹ và Trung Hoa Dân quốc tha thiết yêu cầu đưa vấn đề Việt Nam ra Liên Hiệp Quốc và “yêu cầu nhận Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc”.

Ngày 18/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại gửi thư cho Tổng thống Mỹ và chỉ huy quân Mỹ ở Thái Bình Dương, tướng Marshall yêu cầu có giải pháp hoà bình ở Việt Nam.

Và tiếp sau lá thư ngày 17/2/1946, ngày 18/2, với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao, Bác lại viết thư gửi các Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, Mỹ, Liên Xô và Anh đề nghị “hãy làm tất cả để ngăn chặn cuộc chiến tranh đẫm máu ở Việt Nam” và tuyên bố : “đặt vấn đề Đông Dương trước Liên Hiệp Quốc, chúng tôi chỉ đòi hỏi độc lập hoàn toàn. Nền độc lập ấy thực tế không còn xa nữa và có thể giúp đỡ chúng tôi hợp tác với các dân tộc khác trong việc xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn và một nền hoà bình lâu dài – những nguyện vọng chính đáng cần phải được bảo vệ”.

X&N
kienthuc.net.vn

Thư gửi Khải Định (9-8-1922)

Kính gửi: Hoàng thượng Khải Định An Nam Hoàng đế
Vĩnh biệt V.V.C.

Ngài đã đến – hay nói cho đúng hơn là người ta đã đưa Ngài đến, coi như một món hàng thuộc địa và có thể trưng bày ở Hội chợ. Người ta định đem Ngài bày ít nhất là vài ba tháng trong tủ kính xinh xẻo, nhưng mỏng manh và có thể bị huỷ hoại. Thế mà Ngài lại ra đi, hay nói cho đúng hơn, là người ta đã buộc Ngài phải cuốn gói ra đi. Được ǎn ở sang trọng tại phố Uđinô, được ru êm ấm trong tay của điện hạ Xarô – ông Hoàng An Nam và Bộ trưởng Bộ Thuộc địa- như trên tay một người cha, thế mà Ngài vẫn kêu là còn rét. Nếu tất cả đồng bào của Ngài – những người đã từng dấn thân trong bùn lầy, sương tuyết và dưới làn mưa đạn trên chiến trường ở nước Pháp, những người đã và đang bị đày đoạ dưới tiết trời rét như cắt da cắt thịt, đã và đang bị đe doạ bởi những kẻ mà họ tấn công, – nếu tất cả những người đó đều nói như Ngài đã vội ch…uồn ngay, chớ chẳng chịu liều mạng – cố nhiên là liều cái mạng không đế vương bằng, nhưng dẫu sao cũng quý báu – thì Ngài có thể lấy đâu ra được để tỏ cái lòng trung quân dễ kiếm và lòng trung thành rẻ rúng để làm vừa ý cái ông chủ của Ngài, như Ngài đã từng tỏ ra ở Nôgiǎng hay ở những nơi khác?

Ngoài vấn đề tình cảm ra, và ngoài mấy con ngựa cái ở trường đua Lôngsǎng cùng những vẻ đẹp cổ đại ở nhà hát Ôpera ra thì Ngài đã thấy gì trong suốt thời gian “tham quan” của Ngài ở cái nước Pháp lạc thú này?

Ngài có thấy được nguyện vọng thiết tha mong muốn công lý, tự do và lao động của quần chúng rộng rãi của dân tộc Pháp này không? Ngài có thấy được tình cảm cao cả yêu chuộng hoà bình và hữu nghị đang làm rung động trái tim của quần chúng đó, – số quần chúng mà, qua những cuộc cách mạng giải phóng, giờ đây đã giải phóng mình khỏi ách của bọn vua chúa, để trở thành kẻ tự mình làm chủ mình đó không?

Qua những lời tán tụng hèn hạ trong những bài diễn vǎn của mấy nhà đương cục và trong những bài báo được trợ cấp tiền của mấy tờ báo “lương thiện” ra, Ngài còn có nghe thấy gì nữa không? Ngài có được nghe người ta nói đến Paxtơ hay Vônte, Víchto Huygô hay Annatôn Phrǎngxơ không? Ngài có được nghe người ta nói đến bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền không? Ngài có được nghe người ta kể lại lịch sử của cuộc cách mạng bất diệt không?

Sau những xúc động mạnh mẽ khi xem những đại bác, xe tǎng hoà bình diễu qua, thì trong cái đầu chít khǎn của Ngài đã vội chớm nở nỗi nhớ nhà, thế là Ngài vội vã cuốn gói ra đi! Ngày mai đây, Ngài sẽ xuống tàu, và Ngài sẽ lại trông thấy những biển cả ven theo đất nước của người Ai Cập và người ấn Độ. Hoà lẫn với tiếng sóng gầm vang, những tiếng thét dữ dội của nhân dân bị áp bức ở các nước này, cũng như của nhân dân nước Ngài, sẽ xé tan bầu không khí yên tĩnh bên tai Ngài. Và nếu như Ngài có đôi chút óc tưởng tượng, Ngài sẽ thấy rằng ý chí của nhân dân – một ý chí đã được hun đúc trong nghèo đói và khổ cực – một ý chí còn mạnh hơn và dẻo dai hơn sóng cả, cuối cùng sẽ khoét hổng dần và đánh bật cái tảng đá bề ngoài có vẻ vững chắc là sự áp bức và bóc lột kia đi. Có thể Ngài sẽ tự nhủ rằng cái mà Ngài trông thấy đấy là một chút của nước Pháp đó.

Vĩnh biệt… người đồng hương! Một khi mà những đợt sóng biển vô tình đã lấp kín vết đi của con tàu Ngài ngồi thì nước Pháp sẽ quên Ngài, cũng như Ngài sẽ không còn nhớ chút gì về những người Pháp nữa.

Để giữ kỷ niệm của một nền vǎn minh hiện đại và lớn lao, Ngài mang theo về cung điện của Ngài một chiếc dương cầm, vài cái nhẫn và cả mấy chiếc bật lửa mà Ngài đã đổi được bằng chút ít uy tín mà Ngài để mất mát đi trong trái tim nhân dân của Ngài. Và khi Ngài lại trở về sống giữa đám phi tần và nội thị của Ngài, giữa những sọt giấy lộn và tẩu thuốc phiện của Ngài, thì một vài tên ký lục già sẽ thêu dệt thay Ngài và hộ Ngài để gửi cho nước Pháp mà Ngài không hề hiểu biết một vài câu nịnh hót hay một vài vần thơ lủng củng, dưới đó, những ngón tay đầy nhẫn của Ngài sẽ cầm bút ký cái chữ ký của một vị đế vương là nghệ sĩ và vǎn nhân (!).

Thế là cái ý nguyện bình sinh lớn của Ngài đã được thoả mãn. Và như vậy là hạnh phúc và ấm no của nhân dân An Nam cũng sẽ được xây dựng và củng cố rồi đấy!

NGUYỄN ÁI QUỐC

Báo Le Journal du Peuple, ngày 9-8-1922.
cpv.org.vn

Thư gửi Trung ương Đảng Cộng sản Pháp (7-1923)

Các đồng chí,

Những nghị quyết của Đại hội lần thứ II của Quốc tế (35) về vấn đề thuộc địa đã mang lại hai tác dụng đồng thời nhưng lại hoàn toàn trái ngược nhau. Một mặt, chủ nghĩa đế quốc đi áp bức – ngừa trước những kết quả có thể xảy ra của chính sách đó nếu nó được thi hành nghiêm túc – đã đề phòng và tăng gấp bội những hoạt động tuyên truyền, ngu dân và đàn áp. Mặt khác, nhân dân bị áp bức ở các thuộc địa, được tiếng vang của cách mạng thức tỉnh, đã hướng theo bản năng của họ về Quốc tế của chúng ta, một chính đảng duy nhất mà họ hy vọng là sẽ quan tâm đến họ một cách thân thiết, mà họ hoàn toàn mong mỏi là sẽ mang lại cho họ sự giải phóng. Như vậy, chúng ta sẽ có thể không những đánh đổ uy thế của chủ nghĩa thực dân bóc lột và lay chuyển vị trí của chúng, mà còn có thể biến mối cảm tình thuần tuý tình cảm và thụ động của các dân tộc thuộc địa đối với chúng ta thành mối cảm tình hành động, nếu những nghị quyết của Quốc tế được chấp hành. Khốn nỗi cho đến nay, những nghị quyết ấy chỉ được dùng để tô điểm mặt giấy! Phân bộ Pháp, phân bộ Anh và những phân bộ các nước thực dân khác đã làm gì cho các thuộc địa của chủ nghĩa tư bản nước họ? Những phân bộ ấy đã có một chính sách thuộc địa và một cương lĩnh rõ rệt về thuộc địa, chính xác và liên tục chưa? Những chiến sĩ của các phân bộ ấy có hiểu thuộc địa là gì và tầm quan trọng của thuộc địa là như thế nào không? Người ta có thể trả lời là không.

Đối với các thuộc địa Pháp,

a) một ban nghiên cứu thuộc địa đã được thành lập;

b) một mục viết về thuộc địa đã được mở ra trên báo L’Humanité;

c) những lời tuyên bố ủng hộ dân chúng thuộc địa đã được phát biểu trong các đại hội toàn quốc;

d) hai cuộc hành trình tuyên truyền đã được các đại biểu của Đảng tiến hành.

Sau khi được thành lập ít lâu và khi đã giành được không phải là không chật vật những cột báo trên tờ L’Humanité, Ban nghiên cứu thuộc địa đã hoạt động khá tốt. Những tài liệu và tin tức có giá trị đã bắt đầu được gửi từ các thuộc địa đến Ban. Chiến dịch mà Ban tiến hành trên báo Đảng nhằm chống những nhũng lạm và tội ác của bè lũ thực dân, đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của dân chúng các thuộc địa và mang lại nỗi lo lắng cho chủ nghĩa đế quốc thực dân và báo chí của nó. Nhưng diễn đàn ấy đột nhiên đã bị báo L’Humanité bỏ đi. Bị tước mất phương tiện công tác và hoạt động, Ban lâm vào tình trạng hoàn toàn bị tê liệt. Điều đó đã làm cho giới báo chí to lớn của giai cấp tư sản rất hài lòng, những báo chí này đã dành rất đều đặn hàng bao nhiêu trang cho công tác tuyên truyền thực dân và luôn luôn sợ bị cải chính và lật mặt nạ.

Điều đó đã đặc biệt gây những ấn tượng rất nặng nề cho dân bản xứ. Mặc dầu là hão huyền, những lời tuyên bố trong các đại hội toàn quốc ủng hộ dân chúng các thuộc địa cũng đã góp phần củng cố mối cảm tình mà họ đã có đối với Đảng. Tuy nhiên thật là không thích đáng nếu cứ lắp đi lắp lại mãi một điều mà không làm gì cả. Và những người bị áp bức khốn khổ thấy chúng ta chỉ luôn luôn hứa hẹn nhưng cũng luôn luôn không hành động gì thì bắt đầu tự hỏi rằng không biết thực ra chúng ta là những người đứng đắn hay là những kẻ lừa phỉnh. Cuộc hành trình của các đồng chí Vayăng Cutuyariê và ăngđrê Béctông qua Angiêri và Tuynidi, tiến hành hầu như cùng một lúc với các cuộc dạo chơi đế vương của bọn đại biểu tư sản, đã được dân chúng châu Phi rất hoan nghênh. Nếu những cuộc hành trình cùng một tính chất như thế được tiếp tục trong tất cả các thuộc địa thì chắc chắn là kết quả sẽ đáng mừng.

Nhưng, đáng lẽ phải tăng cường tuyên truyền thì chúng ta lại đã bỏ dở cái việc đã được bắt đầu, và bỏ mất những cơ hội tốt. Bởi thế, chúng ta đã làm rất ít trong khi xảy ra cuộc bãi công đẫm máu ở Máctiních, cảnh chết đói ở Bắc Phi và cuộc nổi dậy ở Đahômây.

Trong trường hợp sau chót này, chúng ta đã có một bộ mặt thiểu não. Nhiều ngày sau tất cả các báo tư sản và mười ngày sau báo L’Oeuvre, báo Đảng mới đăng tin về cuộc nổi dậy. Trong lúc chính phủ thuộc địa đã thiết quân luật, tập trung quân đội, huy động chiến hạm, huy động các bộ máy đàn áp, bắt bớ và kết án các nhà hoạt động từ 5 đến 10 năm tù; trong lúc các báo chí viết thuê đã tiến hành một cách có hệ thống một chiến dịch lừa dối và bưng bít dư luận thì chúng ta chỉ viết có hai hay ba bài báo ngắn, rồi thôi. Không phải là không mỉa mai và không đáng buồn khi trong bóng tối của những ngục tù có tính chất khai hoá, những người anh em Đahômây đau khổ của tôi đọc điều thứ 8, trong số 21 điều kiện, nói rằng: “Mỗi đảng cam đoan tiến hành một công tác cổ động có hệ thống trong quân đội nước mình nhằm chống mọi ách áp bức dân chúng thuộc địa; và mỗi đảng phải ủng hộ, không những bằng lời nói mà cả bằng hành động, phong trào giải phóng của các thuộc địa”.

Nhưng thật là vô ích nếu buộc tội quá khứ và tiếc rẻ thì giờ đã mất. Tốt nhất là biết sử dụng tốt thì giờ trong tương lai. Vậy chúng tôi yêu cầu Đảng:

1) chính thức thừa nhận Liên đoàn Máctiních (nhóm Giăng Giôrét);

2) mở lại mục viết về thuộc địa trong báo L’Humanité;

3) yêu cầu Ban nghiên cứu thuộc địa cung cấp tài liệu cho phân bộ thuộc địa và cứ hai hoặc ba tháng một, báo cáo công tác của

mình với phân bộ;

4) ở những nơi đã thành lập phân bộ thuộc địa thì khuyến khích các phân bộ này tăng cường công tác tuyên truyền và tuyển thêm người bản xứ;

5) trên tất cả báo chí của Đảng, mở một mục viết về thuộc địa để làm cho độc giả làm quen với các vấn đề thuộc địa;

6) nói đến các thuộc địa trong hết thảy các đại hội, mít tinh hoặc hội nghị của Đảng;

7) cử các nghị sĩ đi thăm các thuộc địa, mỗi khi nền tài chính của Đảng cho phép;

8) tổ chức những nghiệp đoàn hoặc thành lập các nhóm tương tự ở các thuộc địa.

Mátxcơva, tháng 7 năm 1923
NGUYỄN ÁI QUỐC

Tài liệu viết tay, tiếng Pháp, lưu tại Cục lưu trữ Vǎn phòng Trung ương Đảng.
cpv.org.vn

——————————————-

(35) Đại hội lần thứ II Quốc tế Cộng sản họp vào tháng 8-1920. Tại Đại hội này, Lênin đã nhấn mạnh nhiệm vụ đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội trong phong trào công nhân để giữ vững nguyên tắc mácxít trong các đảng cộng sản. Đại hội đã thông qua 21 điều kiện gia nhập Quốc tế Cộng sản và thông qua bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa do Lênin dự thảo, nhằm vạch ra đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc cho nhân dân các dân tộc bị áp bức. Tr.194.

Thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp (1923)

Các bạn thân mến,

Bao lâu nay chúng ta làm việc với nhau.

Mặc dầu chúng ta là những người khác giống, khác nước, khác tôn giáo, chúng ta đã thân yêu nhau như anh em.

Chúng ta cùng chịu chung một nỗi đau khổ: sự bạo ngược của chế độ thực dân. Chúng ta đấu tranh vì một lý tưởng chung: giải phóng đồng bào chúng ta và giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta.

Trong cuộc chiến đấu của chúng ta, chúng ta không cô độc, vì chúng ta có tất cả dân tộc của chúng ta ủng hộ và vì những người Pháp dân chủ, những người Pháp chân chính, đứng bên cạnh chúng ta.

Công việc chung của chúng ta “Hội Liên hiệp thuộc địa” (34) và tờ báo NGƯỜI CÙNG KHỔ (1) đã có những kết quả tốt. Nó đã làm cho nước Pháp, nước Pháp chân chính hiểu rõ những việc xảy ra trong các thuộc địa. Làm cho nước Pháp hiểu rõ bọn cá mập thực dân đã lợi dụng tên tuổi và danh dự của nước Pháp để gây nên những tội ác không thể tưởng tượng được. Nó đã thức tỉnh đồng bào chúng ta. Đồng thời nó cũng khiến cho đồng bào chúng ta nhận rõ nước Pháp, nước Pháp tự do bình đẳng và bác ái. Nhưng chúng ta còn phải làm nhiều hơn.

Chúng ta phải làm gì ?

Chúng ta không thể đặt vấn đề ấy một cách máy móc.

Điều đó tuỳ hoàn cảnh của mỗi dân tộc chúng ta.

Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập.

Có lẽ một vài người trong các bạn cũng phải và có thể làm như tôi. Còn các bạn khác thì tiếp tục công việc hiện thời của chúng ta: củng cố “Hội liên hiệp thuộc địa” và phát triển tờ báo NGƯỜI CÙNG KHỔ của chúng ta.

Các bạn thân mến,

Tôi từ giã các bạn. Tôi xa các bạn, nhưng lòng tôi luôn luôn gần các bạn.

Các bạn tha lỗi cho tôi không hôn các bạn trước khi đi. Các bạn biết rằng tôi bị theo dõi riết.

Khi các bạn được thư này, Nguyễn của các bạn ít nhất cũng đã xa nước Pháp 24 giờ rồi.

Đại, người đồng hương của tôi, sẽ giao lại cho ông B. thìa khoá của toà báo, giấy tờ và tài liệu của Hội và của tờ báo, cũng như quỹ của tờ báo. Tôi đã trả tiền thuê nhà cho toà báo đến cuối nǎm. Tiền in cũng đã thanh toán. Chúng ta không mắc nợ ai. Sổ thư viện để ở trong ngǎn kéo bên phải. Sách cho mượn đã lấy về, trừ những sách cho những hội viên đi nghỉ mượn.

Nói tóm lại, các việc đều đâu vào đấy trước khi tôi đi.

Tôi sẽ viết thư cho các bạn. Nhưng tôi không dám hứa với các bạn, vì không phải dễ viết thư khi người ta hoạt động bí mật. Dù tôi có viết thư cho các bạn hay không, các bạn hãy tin chắc rằng lòng tôi luôn luôn yêu các bạn. Nhờ các bạn bắt tay những người bạn Pháp của chúng ta.

Bây giờ, một vài lời với cháu trai và cháu gái.

Các cháu rất yêu chú và chú cũng rất yêu các cháu, phải không các cháu ? Chú sẽ nói với những người bạn nhỏ Việt Nam là các cháu rất ngoan. Chú sẽ thay mặt các cháu bắt tay các bạn nhỏ Việt Nam.

Có lẽ rất lâu, các cháu sẽ không được thấy chú Nguyễn, không được leo lên đùi, lên lưng chú như các cháu thường làm. Và cũng rất lâu chú sẽ không thấy cô Alítxơ (Alice) và cậu Pôn (Paul) của chú. Khi chú cháu mình gặp nhau, có lẽ chú đã già, các cháu đã lớn bằng ba và má. Điều đó không ngại gì. Chú sẽ luôn luôn nhớ đến các cháu. Các cháu luôn luôn vẫn là cô bé Alítxơ và cậu bé Pôn thân yêu của chú.

Các cháu ngoan. Học thuộc bài. Vâng lời cha mẹ. Đừng đánh con chó nhỏ Mariuýt (Marius) của các cháu. Khi các cháu đã hơi lớn, các cháu sẽ đấu tranh cho Tổ quốc của các cháu cũng như ba má, chú Nguyễn và những chú khác.

Các cháu nhỏ thân yêu của chú, chú hôn các cháu rất kêu. Các cháu hôn mẹ hộ chú.

Chú Nguyễn

In trong sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch,
Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 51-54.
Theo bài in trong sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch
cpv.org.vn

———————————

(34) Hội Liên hiệp thuộc địa: Một tổ chức cách mạng của những người thuộc địa, do Nguyễn Ái Quốc cùng một số người yêu nước của các nước thuộc địa Pháp sáng lập tháng 7-1921, tại Pari. Lúc đầu Hội có 200 hội viên và hai tổ chức người thuộc địa xin gia nhập là Hội những người An Nam yêu nước và Hội đấu tranh cho quyền công dân của người Mađagátxca. Ban thường vụ của Hội gồm 7 người, đứng đầu là Nguyễn Ái Quốc. Cơ quan tuyên truyền của Hội là báo Le Paria. Đến nǎm 1926, Hội ngừng hoạt động. Tr.191.

(1) Ngay sau khi Nguyễn Ái Quốc gửi bản Yêu sách của nhân dân An Nam tới trưởng đoàn các nước dự Hội nghị Vécxây, bọn bồi bút thực dân lồng lộn. Trên tờ Courrier Colonial ra ngày 27-6 có một bài nhan đề Giờ phút nghiêm trọng chỉ trích bản yêu sách : Làm sao một người dân thuộc địa lại có thể dùng bản yêu sách của nhân dân để công kích Chính phủ Pháp. Thật là quá quắt. Cứ theo đà này thì bọn dân thuộc địa sẽ lên ngang hàng với người Pháp chúng ta và sớm trở thành ông chủ của chúng ta. Không được, phải kìm giữ chúng mãi mãi trong vòng nô lệ. Nguyễn Ái Quốc viết bài này là để trả lời bài báo sặc mùi thực dân trên.

Thư gửi Chủ tịch Quốc tế Cộng sản (15-3-1924)

Mátxcơva, ngày 15 tháng 3 năm 1924

Kính gửi đồng chí Dinôviép, Chủ tịch Quốc tế thứ ba,

Đồng chí thân mến,

Đã hơn một tháng nay, tôi xin đồng chí vui lòng tiếp để tôi có thể thảo luận với đồng chí về tình cảnh những thuộc địa của Pháp. Cho tới nay, tôi vẫn chưa được trả lời. Hôm nay, tôi xin mạn phép nhắc lại sự thỉnh cầu đó, và xin đồng chí nhận lời chào cộng sản anh em.

NGUYỄN ÁI QUỐC

Thư đánh máy tiếng Pháp, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.
Phân bộ Pháp, số 33 Quốc tế Cộng sản.

cpv.org.vn

Thư gửi cho một đồng chí ở Quốc tế Cộng sản (5-2-1924)

Đồng chí thân mến,

Tôi quê quán ở Đông Dương và là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Chính với tư cách đó mà tôi mạo muội cảm ơn đồng chí về sự chú ý của đồng chí đến vấn đề thuộc địa tại Đại hội Liông.

Mặt khác, tôi sẽ sung sướng vì được thảo luận với đồng chí về vấn đề thuộc địa nếu đồng chí vui lòng cho gặp.

Do mũi và các ngón tay bị lạnh cóng khi tang lễ đồng chí Lênin, tôi không thể đi làm việc ở Quốc tế Cộng sản, vậy nên tôi sẽ rất cảm ơn, nếu đồng chí vui lòng trực tiếp viết thư cho tôi đến địa chỉ sau:

Khách sạn Luých, số 176

Đồng chí thân mến, xin gửi đồng chí lời chào cộng sản anh em.

————————————-

5/2/24
Thư viết tay, tiếng Pháp, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

cpv.org.vn

Gửi đồng chí Pêtơrốp, Chủ tịch Ban Phương Đông (3-1924)

Các đồng chí thân mến,

Tôi đã nhận được bức tối hậu thư của Sở quản lý nhà giục phải trả 40 rúp 35 côpếch về chỗ ở của tôi, không có thì tôi sẽ bị đưa ra toà.

Tôi phải cho đồng chí biết rằng:

1- Trong những tháng, tháng mười hai, tháng giêng và tháng hai tôi thuê phòng số 176, ở đây bao giờ cũng có 4 và 5 người thuê. Ban ngày thì tiếng ồn liên tục ngăn trở tôi làm việc. Ban đêm tôi bị rệp ăn thịt, không cho tôi nghỉ ngơi.

Vì vậy tôi không muốn trả 5 rúp về tiền thuê nhà để tỏ sự phản đối.

2- Từ tháng ba, tôi nhận một phòng nhỏ, rất nhỏ. Sở quản lý nhà buộc tôi gánh 13 rúp 74 cho tháng ba, và 11 rúp 61 cho những tháng sau.

So sánh không gian hẹp và trang bị nội thất quá đơn sơ với các phòng khác rộng hơn nhiều, tiện nghi hơn, có nhiều đèn, điện thoại, tủ, ghế bành dài, phòng tắm, v.v. và tiền thuê thoả đáng thì giá mà người ta muốn buộc cho tôi là hoàn toàn đáng công phẫn.

3- Vì vậy tôi xin đồng chí vui lòng làm một cuộc điều tra. Và sau cuộc điều tra đó, với mọi quyết định của mọi toà án, tôi tuân theo tinh thần của đồng chí về công bằng và bình đẳng.

Chào cộng sản.
NGUYỄN ÁI QUỐC

————————-

Thư đánh máy, tiếng Pháp, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.
cpv.org.vn

Thư gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản (11-4-1924)

Các đồng chí,

Những thuộc địa của Pháp nói chung và Đông Dương nói riêng ít được biết đến trong giới vô sản và cộng sản. Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Pháp rất ít được thông tin về những gì xảy ra ở những thuộc địa đó. Cục thông tin của đảng cần phải được thành lập. Còn như ở đây, chúng tôi tuyệt đối không có gì.

Nếu chúng ta muốn hoạt động một cách có ích về vấn đề thuộc địa thì nhất thiết phải bắt liên lạc với các thuộc địa đó.

Về phần Đông Dương, từ lúc tôi tới Mátxcơva đã có quyết định rằng sau 3 tháng lưu lại ở đây, tôi sẽ đi Trung Quốc để tìm cách liên lạc với đất nước tôi. Bây giờ đã là tháng thứ chín tôi lưu lại và tháng thứ sáu tôi chờ đợi, vậy mà việc lên đường của tôi chưa được quyết định.

Tôi nghĩ là không cần thiết phải nói ở đây về những phong trào cách mạng và dân tộc chủ nghĩa, trước kia hoặc gần đây; về sự tồn tại hoặc không tồn tại của các tổ chức công nhân, của những hoạt động khuấy phá của các hội bí mật và các hội thảo, vì tôi không có ý định đệ trình với các đồng chí một luận cương, và chỉ muốn nêu cho thấy sự cần thiết đối với chúng tôi là phải nghiên cứu TẤTCẢ một cách chính xác, và phải tạo ra cái gì đó nếu chưa có gì.

Vậy chuyến đi sẽ là một chuyến đi để khảo sát và nghiên cứu. Tôi sẽ phải cố gắng:

A- Thiết lập những quan hệ giữa Đông Dương và Quốc tế Cộng sản.

B- Thông báo cho Quốc tế Cộng sản về tình hình chính trị, kinh tế và xã hội của thuộc địa này.

C- Tiếp xúc với các tổ chức đang tồn tại ở đó, và

D- Tổ chức một cơ sở thông tin và tuyên truyền.

Tôi hành động thế nào để hoàn thành nhiệm vụ này? Trước hết tôi phải đi Trung Quốc. Tiếp đó hướng sự hoạt động theo những khả năng sẽ xuất hiện.

Số tiền cần thiết cho sự ăn ở của tôi sẽ là bao nhiêu? – Hẳn là tôi sẽ phải đổi chỗ luôn, duy trì những mối liên hệ với các giới khác nhau, trả tiền thư tín, mua những ấn phẩm nói về Đông Dương, tiền ăn và tiền trọ, v.v., v.v.. Tôi tính rằng, sau khi tham khảo ý kiến các đồng chí người Trung Quốc phải có một ngân sách xấp xỉ 100 đôla Mỹ mỗi tháng, không kể hành trình Nga – Trung Quốc (vì tôi không biết giá vé).

Tôi hy vọng rằng những điều trên sẽ có thể dùng làm cơ sở để các đồng chí thảo luận về việc cử tôi đi Viễn Đông.

NGUYỄN

Thư đánh máy, tiếng Pháp, bản chụp lưu lại Viện Hồ Chí Minh.
cpv.org.vn

Thư gửi Tổng thống Mỹ (18-6-1919)

Pari, ngày 18-6-1919

Kính gửi Ngài Tổng thống Cộng hoà Hợp chủng quốc,

Đại biểu ở Hội nghị Hoà bình.

Thưa Ngài,

Nhân dịp chiến thắng của Đồng minh, chúng tôi xin mạn phép gửi đến Ngài, kèm theo đây bản ghi các yêu sách của nhân dân An Nam.

Tin tưởng ở độ lượng cao cả của Ngài, chúng tôi mong Ngài ủng hộ trước những người có thẩm quyền.

Xin Ngài vui lòng nhận sự biểu thị lòng kính trọng sâu sắc của chúng tôi.

Thay mặt nhóm những người yêu nước An Nam
NGUYỄN ÁI QUỐC
56, phố Mơxiơ Lơ Pranhxơ, Pari

————————-

Thư đánh máy, tiếng Pháp, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.
cpv.org.vn