Tag Archive | Video

Thơ chúc Tết của Bác Hồ năm 1968 và 1969


Nguồn: I love VN-HCM

THƠ CHÚC TẾT XUÂN MẬU THÂN – 1968 THƠ CHÚC TẾT XUÂN KỶ DẬU – 1969
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà,
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta!
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào.
Bắc – Nam sum họp xuân nào vui hơn./.

Hình ảnh Bác Hồ qua những thước phim tài liệu Việt Nam

Từ những thước phim đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng ra đời vào những năm 1946-1947, ngày15-3-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 147/SL thành lập Doanh nghiệp Quốc doanh Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam. Từ đó ngành điện ảnh cách mạng Việt Nam chính thức ra đời và từng bước phát triển. Tính từ dấu mốc đó đến nay, Điện ảnh Việt Nam cũng đã tròn “60 tuổi”.

Chân dung một con người

Trong rất nhiều đề tài của cuộc sống được điện ảnh khai thác, hình ảnh Bác Hồ là đề tài lớn luôn thôi thúc nhiều nhà làm phim thực hiện. Nhưng để làm phim về Bác lại là chuyện không đơn giản. Bởi cái khó thách thức những nhà làm phim chính là làm sao thể hiện chân thực nhất, sinh động nhất hình tượng giản dị mà rất đỗi cao quý của Người. Trải qua mấy chục năm đến nay, điện ảnh Việt Nam đã có rất nhiều bộ phim về Bác. Một trong đó phải kể đến những bộ phim tài liệu. Những thước phim đó chính là những tư liệu quý giá cho bao lớp thế hệ trẻ sau này cảm nhận được sự giản dị những rất đỗi ấm áp tỏa ra từ Người.

Khởi nguồn từ bộ phim tài liệu chân dung khi Bác Hồ 70 tuổi

Bộ phim tài liệu đầu tiên về chân dung Bác Hồ được quay vào năm 1960 với tựa đề“Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” do đạo diễn Quang Huy thực hiện. Bộ phim được Hãng phim Thời sự và Tài liệu Trung ương xây dựng dựa vào một số tư liệu của Việt Nam và ngoại quốc. Bộ phim kéo dài gần 50 phút đã thể hiện một cách khá hoàn chỉnh thời ấu thơ và con đường hoạt động cách mạng của Người từ khi tìm đường cứu nước đến năm 1960. Bộ phim được thực hiện nhân hai sự kiện đặc biệt là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ ba và kỷ niệm 70 năm năm Ngày sinh của Bác Hồ.

Phim tai lieu 1Hình ảnh Bác Hồ trong bộ phim tài liệu chân dung đầu tiên- Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”

Trước bộ phim tài liệu chân dung đầu tiên về Bác Hồ được xây dựng, những thước phim ở từng giai đoạn hoạt động của Người đã được nhiều người thu lại bao gồm người Việt Nam và người nước ngoài. Theo đó, những hình ảnh khi Bác còn ở chiến khu Việt Bắc hay hình ảnh khi Bác đọc Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2/9/1945), hoặc những hình ảnh khi Bác tham gia chỉ đạo trong cuộc khiến cháng chống Pháp… đã được thu lại ít nhiều. Những hình ảnh ấy đã trở thành tư liệu quý giá, tạo nền tảng cho đạo diễn Quang Huy có thể thực hiện thành công bộ phim tài liệu về Người.

Phim tai lieu 2Hình ảnh đời sống thực trong bộ phim tài liệu đầu tiên về Bác

Thực tế, bộ phim tài liệu chân dung về Người được xây dựng lần đầu tiên nhưng mọi thông tin về việc thực hiện làm phim đều phải đảm bảo việc giấu kín với Người. Đạo diễn Quang Huy khi đó là giám đốc Hãng phim đã nhận nhiệm vụ, đảm trách vai trò vô cùng lớn đảm bảo kế hoạch sẽ được tiến hành một cách thuận lợi. Tuy nhiên, trong quá trình quay những hình ảnh thực tế về cuộc sống của Bác ở nhà sàn, đạo diễn Quang Huy đã bị Bác phát hiện. Rất may, sau khi nhắc nhở đạo diễn, Bác vẫn đồng ý để cho đạo diễn và quay phim tiếp tục thực hiện theo kịch bản phim. Để có thước phim kéo dài gần 50 phút, đạo diễn Quang Huy và những người bạn đồng nghiệp đã phải cố gắng hết sức. Làm phim vốn đã khó nhưng khi làm phim về hình tượng Bác thì gánh nặng trách nhiệm đè lên vai của đoàn làm phim càng lớn hơn.

Bộ phim này đã được Bộ Chính trị và Bác Hồ duyệt cẩn thận. Sau đó, Hãng phim công chiếu cho đông đảo nhân dân miền Bắc theo dõi. Những hình ảnh giản dị về Người đã khiến bao người dân miền Bắc khi đó xúc động. Hơn thế, bộ phim đã mở đường cho việc xây dựng rất nhiều các bộ phim tài liệu chân dung khác về Bác cũng như chân dung về các vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn sau.

Mỗi bộ phim về Bác đều gửi trọn tình yêu của người dân Việt Nam

Sau sự thành công của bộ phim đầu tiên, các nhà làm phim đã nuôi ý tưởng để thực hiện một bộ phim tài liệu nhân kỷ niệm 80 năm năm Ngày sinh của Bác Hồ. Tuy nhiên, ý tưởng chưa kịp hoàn thành, Bác đột ngột ra đi. Đau xót trước sự ra đi của Người, những người làm phim đã nhanh chóng hoàn thành bộ phim “Lễ tang Hồ Chủ Tịch”. Bộ phim là một câu chuyện xúc động về Bác Hồ- một con người suốt đời vì sự nghiệp cách mạng, vì Đảng vì nhân dân lao động.

Sau khi hoàn thành, bộ phim đã được in ra thành nhiều bản, chiếu ở khắp mọi miền của Tổ quốc để toàn thể đồng bào ta được nhìn được cảm nhận. Những hình ảnh từ bộ phim chính là động lực thúc đẩy con đường cách mạng còn nhiều gian truân của dân tộc ta.

Phim tai lieu 3Hình ảnh chụp từ bộ phim tài liệu “ Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ”(đạo diễn Phạm Quốc Vinh).

Mỗi đạo diễn khi thực hiện những bộ phim tài liệu về Người đều mang trong mình những xúc cảm vô cùng. Và mỗi tác phẩm khi được hoàn thành đều trở thành dấu ấn không thể phai mờ trong sự nghiệp. Như đạo diễn Phạm Quốc Vinh, hai tác phẩm “Những giờ phút cuối đời Bác Hồ”và “Bác đi chiến dịch” là những bộ phim đáng nhớ nhất trong suốt gần 50 năm làm phim của ông.

Bộ phim tài liệu “Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh” do đạo diễn Phạm Kỳ Nam bắt đầu thực hiện vào năm 1974. Bộ phim được Xưởng phim thời sự tài liệu Trung ương xây dựng nhằm kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam (1930-1975), kỷ niệm 85 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1975), kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1945-1975).

Phim tai lieu 4Hình ảnh một người đồng nghiệp của Bác tại Pháp-  trong bộ phim tài liệu “Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh”.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác (19/5/1980- 19/5/1990), Hãng phim Ngọc Khánh đã thực hiện bộ phim tài liệu mang tên “Hồ Chí Minh- chân dung một con người”. Từ hơn 30.000 mét phim lưu trữ, các nhà làm phim lựa chọn để xây dựng nên một bộ phim tài liệu chân dung về vị lãnh tụ của dân tộc. Bộ phim đã khắc họa nhân cách lớn lao của Bác từ những trăn trở, suy nghĩ, tâm tư, sự hết lòng với sự nghiệp cách mạng gian khó của dân tộc ta. Bộ phim kéo dài 58 phút, mỗi giây mỗi phút đều là những hình ảnh vô cùng xúc động về con người giản dị mà vĩ đại- Hồ Chí Minh.

Phim tai lieu 5Hình ảnh Bác Hồ trong bộ phim “Hồ Chí Minh- chân dung một con người”( đạo diễn NSND Bùi Đình Hạc và Lê Mạnh Thích).

Bộ phim “Hồ Chí Minh- chân dung một con người” đã tập hợp rất nhiều tư liệu quý giá về Bác. Đặc biệt trong số đó có nhiều hình ảnh chưa được sử dụng trước đó, ví dụ như Bác cởi trần tắm suối, tự giặt quần áo rồi phơi lên cây sào… Mỗi hình ảnh về cuộc sống được các nhà làm phim sử dụng đều nhằm khắc họa một cách chân thực, mộc mạc nhất con người giản dị, luôn một lòng hướng đến cách mạng, đến giải phóng đất nước.

Ngoài những bộ phim nói trên thì cũng cần kể đến một số phim tài liệu khác như: “Bác Hồ sống mãi” (Xưởng phim Quân đội và Thời sự tài liệu Trung ương), “Mùa sen nhớ Bác”,  “Bác Hồ với nông dân”, Chúng con nhớ Bác”… Mỗi tác phẩm điện ảnh này không chỉ khắc họa được hình ảnh giản dị, gần gũi của lãnh tụ Hồ Chí Minh mà còn thể hiện được tình yêu vô bờ bến của những người con Việt Nam dành cho Bác. Mỗi chi tiết được sử dụng đều khiến người xem cảm động.

Bên cạnh những thước phim đen trắng, có một vài bộ phim tài liệu màu được thực hiện như bộ phim ghi lại thời khắc Bác chúc tết năm 1968 mang tên “Tiếng gọi mùa xuân” (đạo diễn Hồng Nghi); hay như bộ phim ghi lại tình cảm của Bác Hồ  với thiếu nhi trong ngày 1/6/1969 với tựa đề “Bác Hồ của chúng em”….

Trải qua 60 năm hình thành phát triển, điện ảnh Việt Nam đã có không ít những tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau khắc họa hình ảnh của Bác. Mỗi tác phẩm có những thành công riêng để lại dấu ấn trong lòng người xem. Tuy nhiên, hình ảnh Bác mãi là một thử thách không nhỏ cho những nhà làm phim… Mỗi tác phẩm khi được hoàn thành sẽ chính là những tư liệu quý giá mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với không chỉ nhân dân Việt Nam mà còn với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới./

Thanh Huyền (tổng hợp)
bqllang.gov.vn

Những mùa xuân năm Tỵ của Bác Hồ

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Ðảng quyết định mở chiến dịch Ðiện Biên Phủ. ( Ảnh: Ảnh tư liệu )

Trong suốt 79 mùa xuân của cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trải qua bảy lần đón những mùa xuân năm Tỵ với những dấu ấn đặc biệt.

Khi là cậu bé ba tuổi với tên gọi Nguyễn Sinh Cung, Người đã đón Xuân Quý Tỵ (1893) đầu tiên trong vòng tay yêu thương của người mẹ, trong sự ấm áp của quê hương xứ Nghệ. Cũng năm này, chỉ vài tháng sau Tết, Người chịu nỗi đau đầu tiên: Ông ngoại Hoàng Xuân Ðường qua đời (22-5-1893).

12 năm sau, Người đón Xuân Ất Tỵ (1905) trên quê hương Nam Ðàn, Nghệ An. Thời gian này, Người được theo cha đến các vùng trong tỉnh và một số tỉnh khác. Những chuyến đi này giúp Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành mở rộng thêm tầm nhìn và tầm nghĩ trước cảnh thống khổ của nhân dân. Ðặc biệt (tháng 9-1905, khi cha cho theo học Trường tiểu học Pháp – bản xứ Vinh) chính trong năm này, lần đầu tiên Người tiếp xúc với khẩu hiệu: Tự do – Bình đẳng – Bác ái của cách mạng Pháp, khẩu hiệu đó đã thôi thúc Người đi tìm hiểu thực chất điều gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy, để về cứu giúp đồng bào.

Kể từ khi rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước, ngày 5-6-1911, năm Tỵ đầu tiên mà Người đón Xuân trong nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương da diết là Tết Ðinh Tỵ -1917. Xuân năm đó, Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh đang sống và hoạt động trên xứ sở đảo quốc sương mù, như Người nói “để học tiếng Anh và xem nước tự nhận là “Mặt trời không bao giờ lặn trên đất nước của mình hiện tình ra sao“. Ðể có tiền sống, khảo sát và tìm hiểu, Nguyễn Tất Thành đã phải làm rất nhiều nghề, có nghề rất nặng nhọc: quét tuyết cho một trường học, làm thợ đốt lò ở trung tâm sưởi ấm của Luân Ðôn, rửa bát đĩa, rồi làm bánh tại khách sạn Carlton ở Thủ đô Luân Ðôn… Những năm tháng sống ở nước Anh, Nguyễn Tất Thành đã tích lũy được thêm những hiểu biết về chế độ chính trị của xã hội tư sản, về đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, giữa chính quốc và thuộc địa của một nước tư bản chủ nghĩa sớm phát triển, nhất là trang bị cho mình một trình độ kiến thức khá vững vàng về tiếng Anh – công cụ giao tiếp rất quan trọng trong sinh hoạt và đấu tranh chính trị.

Xuân Kỷ Tỵ (1929), Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đang hoạt động ở vùng Ðông Bắc Thái-lan, nơi mà một đêm nghe một bà mẹ hát ru con bằng tiếng Việt, sáng ra Người đã thốt lên “Xa nhà chốc mấy mươi niên/Ðêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con“. Những vần thơ đưa về ký ức tuổi thơ với những tình cảm sâu nặng nơi quê nhà. Ở thời điểm này, với tên gọi Thầu Chín, Nguyễn Ái Quốc tích cực xây dựng cơ sở, lực lượng cách mạng trong Việt kiều yêu nước, để từ đó tuyên truyền yêu nước và phong trào đấu tranh cách mạng về trong nước. Xuân Kỷ Tỵ này cũng khởi đầu cho những khó khăn, nỗi đau riêng: Ngày 11-11-1929, theo lệnh thực dân Pháp, tòa án Nam Triều ở Vinh đã kết án tử hình bảy người Việt Nam yêu nước, trong đó Nguyễn Ái Quốc bị kết án tử hình vắng mặt. Nửa tháng sau đó, ngày 27-11-1929, người cha thân yêu – Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã qua đời (thọ 66 tuổi) tại Cao Lãnh, Ðồng Tháp. Nhưng đây cũng là năm Nguyễn Ái Quốc và những đồng chí tiên phong truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin về trong nước, soi đường cho phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta phát triển, đòi hỏi sự lãnh đạo của một chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân: cuối năm 1929, ba tổ chức cộng sản Việt Nam được thành lập. Nhận thức được tầm quan trọng nguy cơ chia rẽ phân liệt của phong trào đấu tranh cách mạng, cuối năm 1929, Nguyễn Ái Quốc đã gấp rút từ Thái-lan về Hồng Công (Trung Quốc) gặp gỡ bàn việc hợp nhất các tổ chức cộng sản. Mùa Xuân năm 1930, Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam ở thế kỷ 20.

Tròn 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, ngày Bác trở về Tổ quốc giữa thời khắc cả nước đón Tết Tân Tỵ (ngày 28-1-1941 là ngày mùng 2 Tết), Người đã đưa về cho cả dân tộc ta mùa xuân mới tràn ngập những niềm vui hạnh phúc.

Sau này, Người kể lại: “Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động…” (*). Ngày 8-2-1941, với tên gọi Già Thu, Bác Hồ về sống và làm việc tại hang Cốc Bó (theo tiếng Nùng có nghĩa là đầu nguồn), một hang núi kín đáo ở thôn Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Nơi núi rừng hùng vĩ, chan chứa xúc cảm gợi nguồn thi hứng, Người đã làm bài thơ tả cảnh Pác Bó hùng vĩ:

Non xa xa, nước xa xa,/Nào phải thênh thang mới gọi là./Ðây suối Lê nin, kia núi  Mác,/Hai tay xây dựng một sơn hà.

Tháng 5-1945, tại đây Bác Hồ đã chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 để quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng Việt Nam, chuẩn bị lực lượng và phương pháp lãnh đạo toàn dân đấu tranh đi tới thắng lợi của Cách mạng Tháng  Tám – 1945, giành độc lập dân tộc.

Bác Hồ cùng cả dân tộc đón Xuân Quý Tỵ 1953, khi cuộc kháng chiến của chúng ta bước sang năm thứ bảy, với những thắng lợi lớn trên các mặt trận quân sự, ngoại giao, trong phát triển lực lượng. Thơ chúc Tết xuân này, Người viết:

Mừng năm Thìn vừa qua,/Mừng xuân Tỵ đã tới./Mừng phát động nông dân,/Mừng hậu phương phấn khởi./Mừng tiền tuyến toàn quân/ Thi đua chiến thắng mới./Mừng toàn dân kết đoàn,/Mừng kháng chiến thắng lợi./Mừng năm mới, nhiệm vụ mới,/Lực lượng mới, thành công mới/Mừng toàn thể chiến sĩ và đồng bào,/Mừng phe dân chủ hòa bình thế giới.

Những vần thơ Tết của Bác Hồ đã thấm sâu trong tình cảm của người dân nước Việt Nam ta.

Năm 1954, niềm tin vào Bác Hồ và Ðảng đã đưa dân tộc ta đoàn kết đi tới thắng lợi Ðiện Biên Phủ lẫy lừng năm châu, kết thúc chín năm kháng chiến gian khổ để bước vào  cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài, khó khăn, gian khổ nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, khi đế quốc Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền nam Việt Nam, đồng thời mở rộng chiến tranh đánh phá miền bắc nước ta bằng không quân và hải quân. Ðã có lúc, không ít bạn bè quốc tế bi quan về thắng lợi của nhân dân ta trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước, bởi sự khốc liệt của nó, do sự tàn bạo của đế quốc Mỹ gây ra…

Nhưng toàn dân ta thêm vững lòng tin khi được nghe giọng nói trầm ấm, thiết tha của Bác Hồ đọc thơ chúc Tết mỗi độ Xuân về. Lời thơ chúc Tết của Bác những năm tháng này như tiếng kèn xung trận vang dậy khắp non sông… với những vần thơ hào hùng, tràn ngập niềm tin tất thắng.

Tết Ất Tỵ 1965 là Tết năm Tỵ cuối cùng “Trước khi từ biệt thế giới này”, Bác Hồ làm thơ Xuân tặng đồng bào và chiến sĩ cả nước:

Chào mừng Ất Tỵ xuân năm mới,
Nhà nước ta vừa tuổi hai mươi,
Miền Bắc xây dựng đời sống mới vui tươi,
Miền Nam kháng chiến ngày càng tiến tới,
Ðồng bào hai miền thi đua sôi nổi,
Ðấu tranh anh dũng, cả nước một lòng,
Chủ nghĩa xã hội nhất định thắng lợi!
Hòa bình thống nhất ắt hẳn thành công!

Những vần thơ xuân của Bác luôn thấm đẫm tư tưởng cách mạng, ngôn từ không cao siêu mà giản dị dễ hiểu, bao la tình nhân ái, ấm áp như mùa xuân, lay động lòng người và có sức thuyết phục lớn.

Trong ngày đầu năm 1-1-1965, Báo Nhân Dân số 3928 đã đăng bài báo Bác viết về Tết trồng cây với hai câu thơ mở đầu“Mùa Xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân“. Những vần thơ như nỗi lòng Bác lo cho tương lai của đất nước, của dân tộc, khi Người đã bước sang tuổi 75 và đã bắt đầu nghĩ tới việc viết Di chúc để lại cho đời sau. Nhiều xuân Tỵ đã đi qua, nhân dân Việt Nam đã và đang phấn đấu thực hiện trọn vẹn di huấn của Người. Hôm nay, dù còn gặp nhiều khó khăn trở ngại, song ánh sáng tư tưởng, đạo đức của Người đang dẫn dắt chúng ta đi tới đích trong sự nghiệp xây dựng “đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, như Người hằng mong ước.

Ðã bốn mùa Xuân của những năm Tỵ không được nghe thơ mới của Bác, nhưng những vần thơ Xuân của Người vẫn sống mãi với dân tộc, sống mãi với thời gian.

(*) T.Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb CTQG, Hà Nội, 2009, tr.82.

TS CHU ĐỨC TÍNH, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh.
nhandan.com.vn


Phim tài liệu: Những mùa xuân năm Tỵ của Bác Hồ

JAMAIS (không bao giờ)

Video Phỏng vấn chủ tịch Hồ Chí Minh – Tháng 6/1964

Và đây là đối thoại của cuộc phỏng vấn được dịch ra tiếng Việt:

“- Thưa Ngài chủ tịch, Ngài có thể cho biết liệu có một giải pháp quân sự nào cho chiến sự tại miền Nam Việt Nam?

– Không. Bởi vì như cô biết đấy, “Dân tộc Việt Nam là một, đất nước Việt Nam là một”. Người Mỹ đã vô cớ gây chiến tranh. Cô cũng biết rằng, như trên các mặt báo đã đưa, nếu chiến tranh càng kéo dài, người Mỹ sẽ càng sa lầy và sẽ càng chuốc lấy thất bại. Chiến tranh không thể kéo dài mãi mãi được, tôi cũng vui mừng là các nhà chính trị Pháp cũng đã biết rõ điều này.

– Liệu Ngài có nghĩ rằng tướng De Gaule có thể sẽ có biện pháp nào đó phân định (arbitrer) sự xung đột này.

– Không biết cô hiểu thế nào về từ phân định (arbitrer), chúng tôi đâu có phải là một đội bóng đâu (cười).

– Nhưng nếu tôi không nhầm thì ngoài Hiệp định Genève, tướng De Gaule có nói về một ý tưởng về sự thống nhất tất cả các nước ở khu vực Đông Nam Á, Ngài nghĩ sao về điều này?

– Như tôi đã nói một lần rồi, đây là một ý tưởng khá hấp dẫn. Nhưng nó còn phụ thuộc vào sự ủng hộ của từng nước, phụ thuộc vào cách chúng ta thực hiện nó nữa, đó là một câu hỏi lớn. Tôi không nói là tôi phản đối hay tán thành ý kiến này. Lấy ví dụ về HOA, có rất nhiều loại hoa: hoa trắng, hoa đỏ, hoa vàng … có loài hoa đẹp nhưng cũng có loài không đẹp, nhưng chúng ta vẫn gọi chung là HOA.

– Thưa Ngài Chủ tịch, trong chuyến đi miền Bắc Việt Nam này chúng tôi nhận thấy rằng sự ảnh hưởng của Pháp dường như không còn tồn tại ở đây nữa, độ tuổi dưới 25 giờ đã không còn biết đến tiếng Pháp. Tôi tự hỏi là, với suy nghĩ của Ngài, liệu rằng chúng ta có thể gây dựng lại mối quan hệ này, rằng nước Pháp sẽ giữ vai trò nào đó trong mối quan hệ … văn hóa giữ hai nước?

– Với nước Pháp nói riêng và các nước khác nói chung, chúng tôi luôn muốn có một mối quan hệ hợp tác hữu nghị về văn hóa, kinh tế … Nhưng tôi không nghĩ rằng cô muốn nói tới sự ảnh hưởng của Pháp như họ đã từng gây sự ảnh hưởng với Việt Nam trước đây, đó là một chuyện hoàn toàn khác.

– Oui, thời kì đó đã qua rồi.

– Một mối quan hệ hữu hảo về văn hoá, kinh tế … hay như thể thao chẳng hạn. Chúng tôi hoàn toàn hưởng ứng.

– Nếu như chiến tranh tiếp tục leo thang tại miền Nam Việt Nam trong một vài năm tới, liệu ngài có nghĩ rằng kinh tế của miền Bắc Việt Nam có thể duy trì được như bây giờ?

– Tôi chắc chắn rằng nó không những chỉ duy trì mà còn phát triển. Cô cũng thấy rằng là ở đây, chúng tôi lao động rất hăng say, cần cù, với sự hy sinh và lòng nhiệt huyết, và chủ yếu đều xuất phát từ nội lực của chúng tôi. Bên cạnh đó chúng tôi còn có sự giúp đỡ anh em từ các nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Tất cả đều thể hiện qua những tiến bộ hàng ngày, và chắc chắn là cả trong tương lai nữa.

– Ngài có nhắc tới các nước Xã Hội Chủ Nghĩa, vậy thì sự giúp đỡ này có bắt nguồn sau những xung đột về ý thức hệ (conflit idiologique) giữa Nga và Trung Quốc?

– Không, …….. (không nghe rõ ) …….. Nhưng những sự giúp đỡ giữa các nước anh em thì vẫn tiếp diễn, và chúng rất quý giá với chúng tôi.

– Hiện có một vài tư tưởng cho rằng miền Bắc Việt Nam đang ở trong hoàn cảnh khá cô lập và trên quan điểm chính trị, khó có thể tránh khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc (thành vệ tinh của Trung Quốc). Chúng ta có thể trả lời câu hỏi này ra sao?

– JAMAIS (không bao giờ).”

Nguồn YouTube

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Thăm Bảo tàng Chiến thắng B-52 (xem Clip)

QĐND Online – “…Chúc Bảo tàng Chiến thắng B-52 tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình để góp phần làm cho ý chí quật cường, sáng tạo và sự bình tĩnh của nhân dân Thủ đô trước những thách thức khốc liệt nhất, trở thành tài sản văn hóa của mỗi người Việt Nam”. Đó là lời chúc của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dành tặng Bảo tàng Chiến thắng B-52 trong chuyến thăm chiều 27-12.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tham quan phần trưng bày ngoài trời

Bảo tàng Chiến thắng B-52 và Khu di tích Hồ Hữu Tiệp đã được nâng cấp, cải tạo và hoàn thành trước khi đón khách tham quan vào đúng dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”- cuộc chiến đấu 12 ngày đêm thể hiện tầm cao trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam.

Nội dung trưng bày sau khi được nâng cấp, cải tạo đã đảm bảo tính kế thừa, tính lịch sử và phát triển. Bảo tàng trưng bày hơn 7.115 hiện vật, 300 ảnh tư liệu. Phần trưng bày gồm các vũ khí, khí tài lập công trong 12 ngày đêm tháng 12-1972; xác máy bay B-52 của Mỹ bị quân và dân Thủ đô Hà Nội bắn rơi trên đường Hoàng Hoa Thám ngày 27-12-1972 bằng nhiều mảnh ghép lại, mô phỏng để người xem dễ hình dung ra chiếc máy bay B-52; trưng bày khái quát quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của LLVT Thủ đô Hà Nội qua các thời kỳ, đặc biệt trưng bày về 12 ngày đêm chiến đấu, chiến thắng B-52…

Nghe giới thiệu về khí tài tên lửa đã từng được sử dụng trong Chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”

Phó Thủ tướng trao đổi với nhân viên bảo tàng bên xác chiếc máy bay B-52.

Phó Thủ tướng bên bức tranh ghi lại tội ác của đế quốc Mỹ trong trận ném bom Bệnh viện Bạch Mai.

Sau khi chính thức mở cửa trở lại (ngày 5-12-2012), bảo tàng đã đón 63 đoàn đến tham quan, với 11.673 lượt người, trong đó có 617 khách nước ngoài.

Tham quan bảo tàng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân biểu dương nỗ lực của cán bộ, công nhân viên bảo tàng trong việc hoàn thiện, nâng cấp bảo tàng để đón tiếp nhân dân và khách nước ngoài; mang đến giá trị tinh thần to lớn và góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ sau. Phó Thủ tướng đề nghị bảo tàng cần có thêm nhiều cải tiến, giúp du khách và đặc biệt là khách nước ngoài cảm nhận rõ ý nghĩa lịch sử của chiến dịch.

Phó Thủ tướng ghi lưu bút tại Bảo tàng Chiến thắng B-52.

Phó Thủ tướng đã để lại những dòng lưu bút, trong đó nhấn mạnh: “Những người đã sinh ra và trưởng thành trong thời kỳ này, những thanh niên Việt Nam ngày nay mãi mãi không bao giờ quên chiến thắng lịch sử Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không tháng 12 năm 1972, sẽ sống, chiến đấu và làm việc xứng đáng với truyền thống hào hùng của Thủ đô Hà Nội và của dân tộc…”.

Hoạt động của Phó Thủ tướng trong chuyến thăm Bảo tàng Chiến thắng B-52:

Thực hiện: THU HÀ – VIỆT CƯỜNG
qdnd.vn

Về nơi siêu pháo đài bay B-52 phơi xác (xem clip)

QĐND Online – Trên thế giới không hiếm các hình thức bảo tàng, nhưng chỉ ở Việt Nam mới có Bảo tàng Chiến thắng B-52. Nằm trên phố Đội Cấn, quận Ba Đình (Hà Nội), bảo tàng là nơi lưu giữ những hiện vật từ cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh, thành phố lớn của miền Bắc nước ta trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972. Đó là đài ra đa P-35 phát hiện, thông báo sớm B-52 bay vào Hà Nội; là đài điều khiển tên lửa hạ gục chiếc B-52 đầu tiên trên bầu trời Thủ đô; là đống xác của các siêu pháo đài bay B-52 – “Niềm kiêu hãnh của không lực Hoa Kỳ” bị quân, dân miền Bắc quật cổ…cùng nhiều hiện vật khác.

Bộ đội tên lửa đã tiêu diệt 29 máy bay B-52 trong 12 ngày đêm tháng 12-1972.

Hướng tới kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không”, Bảo tàng Chiến thắng B-52 đã tiến hành tu sửa, nâng cấp để phục vụ tốt nhất khách tham quan. Trong những ngày này, Bảo tàng thu hút đông đảo khách du lịch tới tham quan mỗi ngày. Trong đó phần lớn là các cựu chiến binh, thanh niên, học sinh. Khách tham đều có chung cảm xúc tự hào trước chiến công oanh liệt quả quân và dân Hà Nội trong 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972.

Trong những ngày cuối tháng 12 năm 1972, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới lo lắng hướng về Hà Nội- nơi sẽ trở thành “túi bom” hứng chịu các đợt rải thảm bằng B-52 của không quân Mỹ. Và cả thế giới đã kinh ngạc khi biết nhiều “siêu pháo đài bay” B-52 đã bị bắn rơi tại chỗ. Trong những ngày này, nhiều du khách nước ngoài đã tìm đến Bảo tàng Chiến thắng B-52 để được hiểu rõ hơn về chiến thắng của đất nước Việt Nam cách đây đúng 40 năm. Một du khách người Canada cho biết: “Nếu chỉ đọc sách và xem ti-vi sẽ không thể hình dung ra sự hủy diệt và sự tàn khốc của cuộc chiến. Tôi nghĩ người Việt Nam rất mạnh mẽ và có tình cảm chân thành. Thành thật mà nói tôi không hiểu nhiều về những gì đã xảy ra ở đây, nhưng những hiện vật này cho tôi cảm nhận về ý chí của người Việt Nam trong cuộc chiến năm xưa”.

Những mảnh xác máy bay B-52 được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng B-52.

Sử dụng hàng trăm lần chiếc B-52 rải hàng ngàn tấn bom xuống Thủ đô Hà Nội và nhiều vùng lân cận, song đế quốc Mỹ đã thất bại cay đắng. Quân và dân Hà Nội đã làm nên một trận Điện Biên Phủ trên không lừng lẫy.

Hoạt động của Bảng tàng Chiến thắng B-52 trong dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không”:

Thực hiện: HOÀNG HÀ-THU HÀ
qdnd.vn

Phim tài liệu về 12 ngày đêm lịch sử

Nhân kỷ niệm 40 năm quân dân thủ đô đập tan cuộc tập kích bằng đường không của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự – Đài THVN đã thực hiện bộ phim tài liệu lịch sử dài 5 tập Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không.

Khẩu đội pháo cao xạ bảo vệ bầu trời Hà Nội

5 tập phim Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không là bức tranh toàn cảnh về trận chiến từng gây chấn động lịch sử Việt Nam. Bộ phim đề cập đến lời tiên tri của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mỹ sẽ dùng B52 để đánh Hà Nội và chỉ chịu thua khi thua trên bầu trời Hà Nội”; những bí mật của bộ đội tên lửa và những chiếc Mic 21 để đánh bại “siêu pháo đài bay” B52 của Mỹ; sự giúp đỡ chí tình của các chuyên gia Liên Xô để quân Việt Nam có thể đánh trả không quân Mỹ. Mỗi tập phim sẽ có thời lượng khoảng 30 phút, riêng tập 5, cũng là tập cuối sẽ có thời lượng 55 phút. Từ tháng 7.2012, êkíp làm phim đã gặp gỡ các nhân chứng ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên và TP Hồ Chí Minh triển khai ghi hình. Sau 4 tháng, bộ phim đã được hoàn thành và phát sóng từ ngày 17.12 trên VTV1.

VTV
daibieunhandan.vn


Trọn bộ 5 tập:

Ký ức đau thương ở phố Khâm Thiên

Sau hồi báo động, từng đợt mưa bom rải xuống Khâm Thiên (Hà Nội). Cả phố bị san phẳng, tường sập, nhà bay, dấu vết còn lại của sự hủy diệt chỉ là những hố bom lổn nhổn gạch đất.

‘Mắt thần’ truy tìm B52Anh hùng Phạm Tuân và giây phút hạ gục ‘pháo đài bay’Tên lửa SAM2 – ‘khắc tinh của B52’ trên bầu trời Hà Nội

Trong guồng quay của kế hoạch đưa Hà Nội về thời kỳ đồ đá, ngoài khu quân sự, Mỹ còn cho B52 trải thảm xuống các bệnh viện, khu dân cư. Khâm Thiên ngày 26/12/1972 chìm trong biển lửa và sau một đêm trở thành đống đổ nát.

Ông Nguyễn Văn Cầu (ngõ Sân Quần, Khâm Thiên) nhớ lại, được tin báo địch có thể đánh Hà Nội nên trước khi đến nhà máy in Hà Nội Mới để làm việc, ông dặn vợ con nhớ xuống hầm. 22hh45 còi báo động vang lên, ông được lệnh lên nhà số 75 Hàng Bồ, nơi có hai phân xưởng in của báo.

Một góc phố Khâm Thiên sau trận trải thảm của B52. Ảnh tư liệu.

Đến nơi, ông Cầu thấy súng bắn bốn phía sáng lòa. Dứt đợt bom rơi, đài báo an, ông xin phép về nhà xem tình hình. “Đến đầu phố, lòng tôi rối bời khi thấy nhà cửa đổ nát. Chạy vội vào ngõ nhà mình, tôi thắt ruột khi mọi thứ tiêu điều. Căn hầm tập thể bị địch ném bom, hàng trăm người chết không toàn thây”, ông Cầu nghẹn giọng.

Trong số 41 người chết khi đang trú ẩn ở căn hầm ấy, có vợ và con trai ông Cầu. Nhà chị gái ông mất hai người con, em trai ông là dân quân tự vệ cũng qua đời. Quá đau đớn vì một lúc mất đi 5 người thân, ông Cầu lao vào đống đổ nát bới tìm thi thể họ.

“Vợ tôi chỉ còn nửa người trên, con trai còn một cái chân, tôi nhận ra vì nó có cái sẹo bỏng ngày xưa, còn em trai thì không tìm thấy. Tôi chỉ biết nhặt nhạnh phần còn lại của người thân cho vào túi nylon”, ông Cầu xót xa.

Ngay sau đó thành phố cho người đem áo quan đến Khâm Thiên, hôm sau đưa người bị nạn xuống Văn Điển. Thi thể em trai Nguyễn Văn Vũ của ông Cầu đúng hai tháng sau mới được tìm thấy, đầu vẫn đội mũ cối gắn sao tự vệ.

Ông Nguyễn Văn Cầu không bao giờ quên được nỗi đau mất vợ, con trai, em trai và hai người cháu đêm 26/12. Ảnh: Hoàng Thùy.

Còn bà Nguyễn Thị Lan (Khâm Thiên) thì không thể quên giây phút trở về nhà từ nơi sơ tán. Cán bộ ĐH Y nơi chồng bà làm việc về tận quê đón bà nói là có việc gấp. Trên đường đi, họ dần cho bà hay ông qua đời vì đợt rải thảm của B52.

“Mặt phố Khâm Thiên đổ nát, có nhà bay hết tường, có nhà còn lại nham nhở. Tôi về đến ngõ Chợ nhưng không còn nhận ra đâu là nhà mình vì tất cả chỉ còn là những hố bom, lổn nhổn gạch, đất”, bà Lan kể.

Giọng nghẹn ngào, bà cho hay lúc ấy chồng bà vừa làm nghiên cứu sinh ở Tiệp Khắc về. Nếu không làm luận án tiến sĩ sớm thì thời gian về nước đúng thời hạn của ông là tháng 1/1973. Hôm Mỹ ném bom, ông ở lại Hà Nội vì cơ quan nhận một số máy móc thiết bị mới.

“Dưới những đợt mưa bom của B52, mẹ tôi, chồng và em gái đã chết vì sức ép của bom”, bà Lan đau xót nói.

Clip: Khâm Thiên hoang tàn sau loạt bom B52

Không chỉ Khâm Thiên mà Bệnh viện Bạch Mai, khu tập thể 8/3 … cũng bị B52 tàn phá. Hàng trăm người phải chịu nỗi đau mất người thân. Nữ dân quân tự vệ của nhà máy cơ khí Mai Động Phạm Thị Viễn mất mẹ, mất cha, một mình nuôi 5 đứa em khi mới 16 tuổi.

Phạm Thị Viễn đầu quấn khăn tang bắn rơi máy bay Mỹ trả thù cho bố, mẹ. Ảnh tư liệu.Phạm Thị Viễn đầu quấn khăn tang bắn rơi máy bay Mỹ trả thù cho bố, mẹ. Ảnh tư liệu.

Mẹ Phạm Thị Viễn, người đàn bà tần tảo trên đường đi chợ bán rau đã gặp trận trải thảm của địch. Bà vội chui xuống hầm Linh Ứng (Tương Mai) trú ẩn. Hầm chật, người đông, một cháu bé xuống sau khóc nấc, bà vội tránh lên miệng hầm nhường chỗ cho bé. Địch ném bom, một viên bom bi bắn vào sọ cướp đi tính mạng của bà. Viễn đi giúp đồng nghiệp làm nhà, hôm sau trở về thì mẹ đã được mai táng.

Phạm Thị Viễn khai tăng tuổi để đi làm tự vệ. Đêm 21/12 địch điên cuồng ném bom, sáng 22/12 cô vào khu tập thể nhà máy đưa những người bị nạn ra ngoài. Cũng hôm ấy, bố Viễn đưa ba em trai đi sơ tán, ông và hai người em gái ở lại làm việc tại các xí nghiệp. Đến đêm, bom rơi trúng hầm của ông, ông và hai anh họ chết, 3 ngày sau mới tìm được một phần thi thể.

Nén nỗi đau gia đình, người con gái ấy chít khăn tang trực trên mâm pháo. Chị dồn sự căm tức lên đầu ngọn súng và đã bắn rơi một máy bay Mỹ. Nhà thơ Tố Hữu khi đến thăm trận địa của đội tự vệ, thấy Phạm Thị Viễn ngồi trực trên mâm pháo, đầu quấn khăn tang đã xúc động viết 4 câu thơ về chị trong bài “Việt Nam máu và hoa”:Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu/ Hỡi em gái mất cha mất mẹ/ Nước mắt em làm nhòa mặt quân thù/ Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ…

Tượng đài tưởng niệm những nạn nhân bom B52 ở phố Khâm Thiên. Ảnh: Hoàng Thùy.

40 năm trôi qua, từ những đống đổ nát, từ hố bom sâu, Khâm Thiên đã thay áo mới. Những nhà cao tầng mọc lên san sát, dấu tích tội ác của Mỹ chỉ còn lại ở đài tưởng niệm Khâm Thiên, ghi nhớ ngày giỗ chung của hàng trăm người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Văn Cầu sau đó đã tìm được một phụ nữ hiền lành cùng ông nuôi các con. Hiện ông có 5 người con với 9 đứa cháu ngoan ngoãn. Là bí thư chi bộ khu dân cư số 3 phường Khâm Thiên, ông thường nhắc thanh niên phải biết ghi nhớ những ngày tháng chiến đấu hào hùng của quân dân Hà Nội, cố gắng học tập để dựng xây đất nước.

Còn cô gái Phạm Thị Viễn năm nào đã nuôi dậy các em khôn lớn, làm tổ trưởng Đảng, tổ phó dân phố, tổ trưởng phụ nữ… ở khu dân cư Trương Định, quận Hoàng Mai.

Vào khoảng 22h đêm 26/12/1972, 30 máy bay B52 ném bom rải thảm xuống đường phố Khâm Thiên, con phố đông đúc của trung tâm thành phố. Cả 17 khối phố bị thiệt hại, trong đó khối 44 đến 47 hầu như bị hủy diệt hoàn toàn. Nhà trẻ, mẫu giáo, cửa hàng lương thực, thực phẩm, đình Tương Thuận, di tích lịch sử, rạp hát, nhiều cơ sở sản xuất cùng hàng nghìn nhà dân bị sập đổ.

Trận bom ấy đã làm chết 278 người, trong đó có 91 phụ nữ, 40 cụ già, 55 trẻ em, làm cho 178 cháu trở thành mồ côi và 290 người bị thương. Ngôi nhà số 51 phố Khâm Thiên chi còn là một hố bom, bảy người sống trong ngôi nhà này không còn ai sống sót. Mảnh đất này trở thành một đài tưởng niệm với một tấm bia mang dòng chữ “Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ” và một bức tượng bằng đồng tạc hình một phụ nữ bế trên tay một đứa trẻ đã chết vì bom Mỹ.

Hoàng Thùy
vnexpress.net

“Em bé Hà Nội” và ký ức ám ảnh về năm 1972

(VOV) -Những kỷ niệm về Hà Nội trong 12 ngày đêm hứng chịu bom B52 vẫn sống động trong tâm trí NSND Lan Hương dù khi ấy chị mới gần 10 tuổi.

PVLà nhân vật chính trong phim “Em bé Hà Nội”, cũng đã từng trải qua những ngày tháng Hà Nội bị ném bom B52, chị nhớ gì về những ngày tháng ấy?

NSND Lan Hương: Năm 1972 tôi mới 9 tuổi, đang học lớp 4 trường tiểu học Thụy Khuê. Không biết với đứa trẻ 9 tuổi khác thế nào chứ tôi thì rất sợ hãi. Bà ngoại tôi chỉ có 2 người con là mẹ và bác ruột tôi. Bà đẻ 9 người chết 7 nên cả nhà luôn luôn ko rời  nhau, có một quan điểm chết là chết cùng. Gia đình tôi đi sơ tán rất gần, chỉ ngay qua Hà Đông một tí thôi, có hiện tượng gì là chạy về Hà Nội ngay. Nhưng không được phép ở Hà Nội vì lúc đấy người già, trẻ con ở lại Hà Nội là bị kỷ luật nên nhà nán nán ở HN, thỉnh thoảng lại về quê.

Đêm đầu tiên bị ném bom B52 là cả nhà đang ở Hà Nội, ở 72 Hoàng Hoa Thám. Phải nói là mưa bom chớp giật kinh hoàng, chỉ nghe thấy tiếng rú, tiếng hét xung quanh. Lúc bấy giờ Hà Nội rất nhỏ, chỉ loanh quanh mấy phố, tiếng hét ở đâu cũng có cảm giác nghe thấy rất rõ. Hôm sau, 4h sáng, cả nhà cơm đùm cơm nắm quấn vội mấy cái quần áo chạy về Hà Đông, Bình Đà. Không được chứng kiến cảnh bom đạn ở mấy địa điểm như Khâm Thiên nhưng tôi nghe thấy, nhìn thấy bom trên trời. Lúc bấy giờ ở đấy chỉ có mấy cái hầm cá nhân nhỏ nhỏ, lúc xuống là nhảy bổ vào đầu nhau mà xuống, còn chả kịp kéo nắp hầm lại đâu, cứ người lớn ôm lấy trẻ con như thế.

Bộ phim “Em bé Hà Nội” là viên gạch đầu tiên trong sự nghiệp nghệ thuật của NSND Lan Hương

PVGia đình đi sơ tán gần, lại thường xuyên quay về Hà Nội, chắc là trong 12 ngày đêm Hà Nội bị thả bom chị đều sống trong cảnh nguy hiểm cận kề?

NSND Lan Hương: Trong những ngày đó bom thả liên tục, chỉ ngưng 1,2 ngày gì đó. Hồi đó tôi rất sợ nên thấy người lớn bàn luận gì là ngồi nghe. Tôi không giống những đứa trẻ con khác quên được ngay những chuyện đấy, đi ra chơi đâu. Tôi nghe ông ngoại nói hôm nay không đánh đâu thì hôm đó chỉ nghe thấy ì ì từ xa, mọi người thở phào nhẹ nhõm, coi như thoát được một hôm.

Nhà tôi sơ tán ở đường Bình Đà, chỗ ấy bộ đội đóng rất nhiều: cao xạ pháo, cao xạ tầm cao, kho xăng, quân nhu. Mọi người bảo dại thế đi sơ tán phải tránh xa  nơi quân đội đóng vì rất nguy hiểm nhưng cả nhà bảo thôi cứ gần nhà, đây là quê từ thời xa xưa, đây là một dịp quay trở về quê, cho nên sống chết cứ ở đây.

Hôm ấy nghe nói đánh bom ở chỗ đường này, cả nhà vào nhà họ hàng ở chỗ sông Đáy, cách mặt đường đấy dăm bảy cây. Đi bộ vào đấy tưởng yên tâm, tối hôm đấy nó đánh đúng đê sông Đáy. Thì ra là nó ném bom lệch, định ném bom ở tâm điểm này thì ném vào đúng chỗ mình chạy đến đấy.  Hầm chữ A tốc hết, cây chuối cây xoan phạt ngổn ngang, che kín cả hầm mình. Khói khét mù mịt, tiếng hét, tiếng khóc kinh hoàng.

Mỗi khi vào hầm bà ngoại tôi có cái dây thừng buộc chặt cả 5 người vào với nhau gồm hai ông bà ngoại, 2 anh trai con ông bác ruột và tôi. Khi hết bom, khói còn nghi ngút, mọi người đang nhốn nháo thì cả nhà gỡ dây, chạy về chỗ sơ tán, cách dăm bẩy cây, hai bên là bom nổ chậm, cứ thế là chạy. Tôi không bao giờ quên được nỗi kinh hoàng đấy.

Đôi mắt biết nói là dấu ấn mạnh mẽ nhất trong diễn xuất của “em bé Hà Nội”

PVNhững trải nghiệm đó giúp ích gì cho chị trong quá trình đóng phim “Em bé Hà Nội”?

NSND Lan Hương: Khi đóng phim, chỉ cần đạo diễn bảo nhớ lại những ngày tháng ấy, những lúc Hà Nội bị ném bom thì nỗi sợ hãi và giận dữ sống lại trong tôi, rất thật. Tôi cũng đã trải qua chiến tranh những năm 1965, 1966, khi ấy mới 3,4 tuổi nhưng tôi vẫn nhớ nỗi sợ hãi luôn thường trực. Từ bé tôi đã nghĩ tại sao mình phải trốn, trốn tránh suốt ngày, ngày ngủ đêm thức để chạy như thế.

PV: Bộ phim được quay trong gần 2 năm trời, kỷ niệm nào khiến chị nhớ nhất?

NSND Lan Hương: Đóng phim rất vất vả vì mùa hè nắng gắt mà lại mặc đồ mùa đông vì bối cảnh của phim vào tháng 12 mà. Nhưng mùa hè mới có nắng, quay cảnh ngoài trời mới đẹp, mùa đông chỉ quay nội cảnh. Tôi bệnh phổi, bệnh phế quản, cứ nóng quá, mồ hôi ra là ho. Mấy năm đấy ho liên tục nhưng đi quay thì hết ho, về nhà lại ho. Tinh thần mà, yêu việc diễn lắm, cứ như lên đồng. Ngay từ bé mọi người đã nhận xét bình thường lười lắm, không bao giờ tự làm gì, nhưng trước ống kính bảo ngã là ngã, bảo chạy là chạy. Giờ lên sân khấu cũng thế, diễn như lên đồng, nhưng không lười nữa (cười)

Gần 50 tuổi, NSND Lan Hương vẫn thường được gọi là “em bé Hà Nội”

PV: Có cảnh quay nào ám ảnh chị cho đến bây giờ không?

NSND Lan Hương: Có một cảnh rất xúc động là khi Ngọc Hà năn nỉ người bán hàng đừng gạch tên mẹ và em mình trong sổ tem phiếu. Thực ra lúc ấy bác Hải Ninh bảo khóc thì tôi khóc chứ thực ra chả hiểu lắm, thật tình không hiểu. Bác Hải Ninh cũng giải thích cắt thế này là mẹ chết rồi thì mình bảo chết rồi thì cứ cắt chứ có sao. Thực sự không hiểu lắm, nếu giờ ba hoa là lúc đấy xúc động nọ kia là nói dối. Chỉ hiểu là mẹ Ngọc Hà chết rồi nhưng đừng xóa tên, có cái tên bên cạnh là được rồi. Sau này mới thấu hiểu.

Khi con gái tôi 5 tuổi, tôi gửi cháu đi nước ngoài. Khi ấy tôi rất nghèo nhưng gia đình có thể đi nước ngoài, tôi không đi, chỉ gửi con sang với chồng. Hồi ấy kiểm tra nhân sự, hộ khẩu rất khắt khe nhưng tôi vẫn cố gắng giữ tên con bé ở hộ khẩu cho đến bây giờ, gần 30 năm rồi. Tôi cố giữ vì khi có tên con trong sổ nhà mình, có cảm giác con đang đi đâu xa mấy ngày, chứ không có cảm giác nó đi lâu lâu, mãi không thấy về.

Tôi mới vận lại mới hiểu được à, Ngọc Hà bảo không gạch tên mẹ nó, em nó vì nếu còn cái tên thì cảm giác giống như mẹ nó, em nó còn tồn tại bên cạnh mình, vẫn có thể trở về…

PV: Xin cảm ơn NSND Lan Hương về cuộc trò chuyện này./.

Việt Hòa/VOV online
vov.vn


Vkyno hân hạnh giới thiệu tới bạn đọc bộ phim: Em bé Hà nội

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp mặt kíp bắn rơi B52

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, Báo Quân đội Nhân dân Điện tử xin giới thiệu tới bạn đọc video clip về cuộc gặp mặt giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp với kíp bắn rơi máy bay B52 (Tiểu đoàn 72) tại Hà Nội ngày 19-11-1997. Tư liệu do ông Nguyễn Đăng Dụ, cựu chiến binh Trung đoàn tên lửa 283, cung cấp. Biên tập: Duy Minh.

Nguồn: qdnd.vn

‘Giọng nói nổi tiếng nhất thủ đô’ giữa mưa bom B52

“Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội 50 cây số về phía Tây. Đồng bào cần bình tĩnh vào hầm trú ẩn…”, giọng đọc của phát thanh viên Nguyễn Thị Thìn năm 1972, vẫn in sâu trong tâm trí người Hà Nội như một ký ức chiến tranh.

Máy bay B52 suýt ‘tuyệt chủng’ trên bầu trời Hà NộiĐại tướng Võ Nguyên Giáp và câu hỏi bất ngờ

Giám đốc Xí nghiệp Truyền thanh Hà Nội Vũ Văn Viễn kể về những năm tháng hào hùng. Ảnh: Hoàng Thùy.

Mái đầu bạc trắng nhưng đôi mắt ông Vũ Văn Viễn (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn còn tinh anh. 86 tuổi, giọng nói của vị giám đốc xí nghiệp truyền thanh Hà Nội vẫn sâu lắng và đầy đủ âm vực. Trong 8 năm chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, đặc biệt là trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, xí nghiệp truyền thanh Hà Nội đã chuyển tải thông tin mọi mặt của đất nước thường ngày đến nhân dân và phục vụ đắc lực chỉ huy chiến đấu của Bộ Tư lệnh thủ đô.

Trong xí nghiệp truyền thanh, khi nam thanh niên phụ trách đường dây thì những nữ công nhân có nhiệm vụ nhấn nút máy điện tử, kiểm tra đồng hồ chỉ thị của máy, điều khiển nó hoạt động ở chế độ tốt nhất. Công việc nhẹ nhàng, chiến đấu tại chỗ nhưng đòi hỏi các chị phải tập trung cao độ, thao tác kĩ thuật chính xác, huy động thường trực mọi giác quan để bất cứ lúc nào cũng nhận được nhanh chóng mệnh lệnh báo động của Bộ tư lệnh thủ đô, kịp thời phát ra toàn thành phố.

“Dù nhắc nhở người dân ‘hãy xuống hầm trú ẩn’, thế nhưng những nữ công nhân truyền thanh vẫn phải trực bên máy, tập trung điều khiển chính xác để máy phát ra đầy đủ và rõ ràng mệnh lệnh chiến đấu của thành phố”, ông Viễn cho hay.

Vị giám đốc xí nghiệp truyền thanh nhớ lại, ngày đó ông có 4 phát thanh viên gồm hai nam, hai nữ. Trong số đó, giọng nói được xem là “nổi tiếng nhất thủ đô” lúc bấy giờ là Nguyễn Thị Thìn. Trong tâm trí ông Viễn, chị Thìn là người rất tích cực và có trách nhiệm với công việc. Chị có giọng kim, rất thanh nên được chọn là người phát thanh báo động cho nhân dân.

Khi có thông tin từ hầm chỉ huy của Bộ tư lệnh thủ đô là máy bay đến gần Hà Nội, phát thanh viên Nguyễn Thị Thìn lại thông báo: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội … cây số. Các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu. Đồng bào cần bình tĩnh vào hầm trú ẩn…”.

* Clip: Phát thanh viên báo động máy bay B52 gần Hà Nội

Ảnh:

Nữ phát thanh viên đọc lời báo động máy bay B52.

Khi máy bay ngừng phá hoại, phát thanh viên lại báo an để nhân dân rời hầm tiếp tục công việc. Loa truyền thanh được lắp vào tận xã, thậm chí tận nhà dân. Đợt cao điểm có đến hơn 1.700 km đường dây khắp nội, ngoại thành và 6 vạn loa trong các gia đình, ngoài ngõ xóm. Thế nên mọi thông tin từ thương nghiệp, mua bán, tem phiếu, báo động, báo an… nhân dân đều được biết kịp thời. Cũng vì thế, giọng nói của cô phát thanh viên Nguyễn Thị Thìn trở nên thân thuộc với người dân Hà Nội.

“Tôi nhớ có hai lần người dân gọi điện đến số máy của xí nghiệp truyền thanh và nói với tôi: Chào bác, tôi cảm ơn bác quá, nếu không có loa truyền thanh thì gia đình nhà tôi không được toàn vẹn như bây giờ”, ông Viễn kể và cho hay, có thời điểm hàng trăm người dân tự đến xí nghiệp xin được mắc loa để nghe phát thanh viên báo động.

Lời nói của chị Thìn có khi được phát trực tiếp, có khi mở băng thu âm bởi khi báo động có càng ít người trực máy càng tốt, tránh trường hợp bị máy bay ném bom. Tuy nhiên, với sự việc bất ngờ thì phát thanh viên phải nói trực tiếp.

Trong hoàn cảnh máy bay ném bom phá hoại liên tục, ông Viễn đã suy nghĩ nhiều cách để đảm bảo truyền thanh thông suốt. Ông sang hầm chỉ huy của bộ tư lệnh thủ đô, nơi bản đồ Hà Nội luôn có người theo dõi. Khi thông báo máy bay địch đi theo hướng nào, nhân viên trực sẽ vẽ theo trên bản đồ. Bản đồ này được chia làm nhiều vòng tròn lấy tâm từ Hà Nội, ứng với mỗi vòng tròn là một khoảng cách tỉ lệ máy bay địch vào Hà Nội theo hướng nào và khoảng cách bao xa, đến vòng nhất định thì phải thông báo báo động đến khắp thành phố.

“Tôi làm hai đường dây ngầm nối liên thông từ Bộ tư lệnh thủ đô đến trung tâm phát thanh của Hà Nội, thiết kế ở 2 đầu dây là các rơ le tự động. Khi bên kia bấm nút báo phát thanh thì bên này sẽ tự động phát thanh ngay”, ông Viễn nói và cho hay, ở bên đài phát thanh, nhân viên trực 24/24.

Máy bay Mỹ trên bầu trời Hà Nội năm 1972. Ảnh tư liệu.

Máy truyền thanh của Liên Xô có đặc thù là khi bật lên phải 3-4 phút sau mới phát được. Do vậy, ông Viễn phải bật máy ở chế độ chờ (bật máy một nửa công suất) hâm nóng máy, để khi có tín hiệu cần báo động là máy có thể phát ngay.

Ngoài phụ trách các đài truyền thanh trong nội thành, xí nghiệp truyền thanh còn phải phụ trách truyền thanh ra bốn huyện ngoại thành (Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Từ Liêm). Tại bốn huyện này hệ thống truyền thanh khép kín do nội thành chỉ huy. Bốn đường dây kết nối với tổng đài ở nội thành bằng bốn rơ le tự động, khi bộ tư lệnh thủ đô ấn út báo động thì đồng thời các đài truyền thanh trong nội thành cũng như ngoại thành được kết nối và truyền thanh ngay lập tức.

Hệ thống truyền thanh lúc này đóng vai trò chính trong việc báo động phòng không, vì còi nhà hát lớn thành phố có khi hỏng đến 8 ngày nhưng hệ thống truyền thanh vẫn hoạt động bình thường.

Có những lúc máy bay B52 trải thảm, hàng nghìn chiếc loa bị hỏng, đường dây bị đứt ở nhiều nơi, nhưng công nhân của xí nghiệp truyền thanh vẫn không ngại mưa bom, bão đạn đi sửa đường dây. Họ tâm niệm phải luôn đảm bảo truyền thanh thông suốt, kịp thời báo động cho dân xuống hầm trú ẩn an toàn. Vì thế, truyền thanh dù không trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng nắm trong tay sinh mạng hàng triệu người dân.

40 năm trôi qua, người có giọng nói nổi tiếng nhất thủ đô giờ đã không còn. Những nữ công nhân nhiệt tình và dũng cảm như Nguyễn Thị Chắt, Đoàn Thị Diên, Trần Thị Tân Minh, Phạm Thị Ngân, Đỗ Thị Ngọc, Vũ Thanh Vân, Nguyễn Thị Thoa, Ngô Thị Thoa, Mai Thị Huệ… cũng người còn người mất. Nhưng ông Viễn tự hào thế hệ của ông đã làm nên hệ thống báo động phòng không được các chuyên gia phương Tây đánh giá là “hoàn hảo”.

Hoàng Thùy
vnexpress.net