Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử – Tập 2 (Năm 1937)

Tháng 1, sau ngày 17

Nguyễn Ái Quốc (Lin) là một trong 21 người được tuyển chọn vào lớp nghiên cứu sinh do Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa mở cho một số cán bộ, giảng viên, phiên dịch viên của Viện, nhằm đào tạo các giảng viên có trình độ cao cho các khoa kinh tế, lịch sử…

            – Bản chụp tài liệu của Cục Lưu trữ Trung ương, thuộc Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin (Liên Xô trước đây), lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 1, sau ngày 17

Nguyễn Ái Quốc lập Kế hoạch cá nhân của nghiên cứu sinh 1) trong biên chế Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa (thuộc Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản) với một số chỉ tiêu, thời hạn:

1. Họ và tên nghiên cứu sinh: LIN.

2. Thời gian thực hiện kế hoạch này: từ 1-I-1937 đến 31-XII-1937.

3. Công trình nghiên cứu sinh phải hoàn thành, nộp trong thời hạn trên.

I – Kế hoạch học tập năm thứ nhất

1. Triết học hoàn thành:

31-XII

2. Lịch sử cổ đại và trung đại:

1-VII

3. Lịch sử cận đại:

1-I / 31-XII

4. Tiếng Nga:

31-XII

II – Công việc tại phòng (Đông Dương)

1. Tình cảnh của nông dân Đông Dương: 1-IV / 1-VI

2. Lập hồ sơ báo chí: Theo quá trình tích luỹ tư liệu.

Ngoài định mức

Dịch: a/ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản

         b/ Lênin “Bệnh ấu trĩ tả khuynh”

4. Địa chỉ và điện thoại của nghiên cứu sinh:

Phố Bansaia Brônnaia, nhà số 6a, phòng 417.

            – Bản chụp tài liệu của Cục Lưu trữ Trung ương, thuộc Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin (Liên Xô trước đây), lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Khoảng giữa năm

Nguyễn Ái Quốc (Lin) dự kỳ thi học kỳ I năm học 1937-1938 của lớp nghiên cứu sinh Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa.

Các môn duy vật biện chứng, lịch sử cổ đại và lịch sử trung đại đạt trung bình, môn lịch sử hiện đại đạt điểm xuất sắc 2).

            – Bản chụp tài liệu của Cục Lưu trữ Trung ương, thuộc Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin (Liên Xô trước đây), lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Mùa hè

Nguyễn Ái Quốc (Lin) là một trong hai nghiên cứu sinh không đăng ký đi nghỉ hè một tháng theo kế hoạch của Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa dành cho các nghiên cứu sinh.

            – Bản chụp tài liệu của Cục Lưu trữ Trung ương, thuộc Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin (Liên Xô trước đây), lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 10, ngày 12

Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi đồng chí Ăngđrê Mácty 3) thể hiện tình cảm thắm thiết, lòng tiếc thương vô hạn về việc đồng chí Pôn Vayăng Cutuyariê từ trần.

            – Thư tiếng Pháp, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

            – Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 88-89.

Khoảng cuối năm

Được sự giúp đỡ của các giáo sư, Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị tư liệu để bắt tay vào viết bản luận án với đề tài do Người tự chọn: Cách mạng ruộng đất ở Đông Nam Á.

            – Hồng Hà: Bác Hồ trên đất nước Lênin, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2000, tr. 324.

 —————————-

1) Phần cuối kế hoạch này có chữ ký của Trưởng phòng Đông Dương Vaxiliêva và chữ ký của Trưởng ban khoa học đề ngày 10-11-1937, với lời phê  duyệt: “Tôi chuẩn y hoàn toàn kế hoạch cá nhân này” (B.T).

2) Kết quả trên đây được trích từ “Phiếu cá nhân” của nghiên cứu sinh: LIN, kỳ I, năm thứ nhất, năm học 1937-1938 (B.T).

3)a A. Mácty, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản, Uỷ viên Ban Bí thư Quốc tế Cộng sản (nhiệm kỳ Đại hội VII), trực  tiếp phụ trách Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản (B.T).

Nguồn: dangcongsan.vn
Vkyno (st)

Advertisement