Archive | Tháng Mười Hai 2012

Hồi ức của người Mỹ có mặt tại Hà Nội dưới mưa bom 1972

(VOV) – Barry Romo là thành viên của phái đoàn hòa bình Mỹ tới Việt Nam tháng 12 năm ấy, ông đã chứng kiến những trận bom rải thảm ác liệt.

Phỏng vấn của PV ĐTNVN thường trú tại Mỹ với ông Barry Romo, thành viên của phái đoàn hòa bình Mỹ tới Việt Nam tháng 12/1972 và chứng kiến chiến dịch ném bom rải thảm của không quân Mỹ tại Hà Nội.

– Là người có mặt tại Hà Nội trong chiến dịch ném bom của Mỹ xuống miền Bắc Việt Nam, xin ông cho biết bối cảnh của chuyến thăm Việt Nam khi đó?

Tôi là thành viên trong một phái đoàn hòa bình Mỹ tới Hà Nội với mục đích thúc đẩy tiến trình hòa bình với người Việt Nam. Tôi từng tham gia chiến trường miền Nam Việt Nam trước khi trở thành một cựu binh phản chiến.

Đoàn chúng tôi gồm rất nhiều người với các thành phần khác nhau, trong đó có ca sỹ nổi tiếng thế giới Joan Baez và Trung tướng Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai Telford Taylor.

Khi đó, chúng tôi không thể tin tưởng vào Tổng thống Richard Nixon hay Chính phủ Mỹ trong việc thực thi hòa bình. Ba ngày sau khi chúng tôi đặt chân tới Hà Nội, Richard Nixon tiến hành ném bom miền Bắc Việt Nam.

Barry Romo (trái) trong một buổi lễ của tổ chức cựu chiến binh Mỹ phản đối chiến tranh Việt Nam

Khi Hà Nội bị ném bom, ông có thấy bất ngờ không, phản ứng của ông khi đó như thế nào?

Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là “Chuyện gì đang xảy ra đây?”, vì vào tháng 10/1972, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger đã tuyên bố rằng “Hòa bình trong tầm tay”. Chúng tôi đang kỳ vọng rằng chiến tranh sắp đến hồi kết nhưng không ngờ chiến dịch ném bom lại diễn ra vào đúng thời điểm đó.

Từng tham gia nhiều mặt trận, tôi và tướng Taylor hiểu thế nào là bom đạn, còn những người khác trong đoàn thì chưa từng trải qua cảm giác đó.

Khi máy bay Mỹ không kích Hà Nội, ông có thấy sợ không?  

Khi máy bay B52 trút hàng tấn bom xuống Hà Nội, mặt đất như bị băm nát. Ngoài tiếng bom rơi đạn nổ, tôi còn thực sự cảm thấy mặt đất như trở thành một chiếc máy trộn khổng lồ, gần như một trận động đất và điều này cứ diễn ra liên tục cho đến khi trận bom kết thúc.

Thực sự lúc đó nỗi tức giận đã lấn át cả nỗi sợ hãi trong tôi. Như đã nói, tôi từng trải qua rất nhiều trận chiến nên chỉ cảm thấy cuồng giận khi thấy chính phủ của tôi đang định sát hại cả tôi nữa.

Phái đoàn hòa bình Mỹ tới bệnh viện Bạch Mai sau khi nơi này bị bom B52

Trong những ngày bom đạn đó, ông đã chứng kiến những gì và cảm nhận của ông ra sao?

Trong hành trình tới những địa điểm bị bom Mỹ tàn phá, chúng tôi dừng chân tại một ngôi làng nhỏ gần một nhà ga xe lửa. Nhà ga đã bị phá hủy hoàn toàn, nhưng may mắn là ngôi làng gần như không hề hấn gì.

Khi thấy những người Mỹ đứng trong làng mình, các giáo viên đã đưa toàn bộ học sinh ra ngoài. Các em nhỏ trông thật ngộ nghĩnh, đáng yêu trong những chiếc mũ gắn hình các con vật. Các bé hát một bài ca chào mừng khách đến. Đó là ấn tượng mà chúng tôi khó có thể quên.

Thế nhưng, khi chúng tôi trở lại khu vực đó, ngôi làng đã bị san phẳng trong một trận bom. Dân làng chắc không ai còn sống sót nữa. Lúc đó, Telford, dù là một tướng lĩnh dày dạn kinh nghiệm trận mạc, đã không cầm được nước mắt.

 – Ông lưu trú ở đâu trong những ngày tại Hà Nội?

Chúng tôi ở tại khách sạn Hòa Bình. Một điều nực cười là khách sạn chúng tôi ở mang tên Hòa Bình nhưng lại được “bao bọc” bởi 150 chiếc B52.

Đã từng vào sinh ra tử nên mỗi khi có báo động thì tôi không thể chịu nổi việc phải chui vào hầm trú ẩn. Trong một trận bom, tôi được đề nghị chui vào hầm nhưng vì không chịu được dư chấn nên đã đòi ra ngoài. Sau một hồi bàn luận với cán bộ Việt Nam, tôi trở lại hầm trú ẩn. Dưới hầm có rất nhiều thanh niên, trong đó có một cặp vợ chồng trẻ bế theo một đứa con nhỏ. Dù không thể nói chuyện được với nhau do rào cản ngôn ngữ nhưng chúng tôi đã cùng nhau trải nghiệm trận bom đó, cùng nhau chứng kiến máy bay Mỹ ném bom, chứng kiến máy bay Mỹ bị bắn hạ và chúng tôi trở thành bạn trong thảm cảnh do Mỹ gây ra.

Ông có thể kể lại một kỷ niệm đáng nhớ trong những ngày ở Hà Nội?

Một đêm, khi máy bay Mỹ bắt đầu ném bom Hà Nội, tôi cùng các thành viên trong đoàn và một số nhà báo Pháp đang ở trong khách sạn. Joan Baez hỏi tôi “Có vẻ như anh không muốn xuống hầm trú ẩn phải không?”. Tôi nói “Đúng vậy!”. Thế là tất cả mọi người đều nhất trí không xuống hầm trú ẩn mà ở lại khách sạn.

Joan bước ra ban công và cất giọng hát khi vừa dứt tiếng bom. Lúc đó, ở Hà Nội chỗ nào cũng có những căn hầm nhỏ bằng bê tông để mọi người có thể trú bom trong lúc khẩn cấp. Khi Joan vừa ngừng tiếng hát thì những tiếng vỗ tay lẻ tẻ bỗng vang lên đâu đó từ những hầm trú ẩn xung quanh. Joan tiếp tục hát bài thứ hai, rồi đến bài thứ ba, trong đó có đoạn “Không gì lay chuyển được chúng ta”.

Khi đó, Joan đã chuyển lời bài hát thành “Không gì lay chuyển được Việt Nam”. Bài hát bằng tiếng Anh nhưng trong đó có từ “Việt Nam” nên tất cả mọi người trong hầm trú ẩn đều có thể hiểu được. Giọng hát của Joan tràn ngập các con phố trong mưa bom bão đạn. Khi còi báo yên vang lên, điện sáng trở lại thì cũng là lúc Joan kết thúc bài hát. Mọi người từ các khu vực xung quanh khách sạn ùa tới dưới cửa sổ ban công của Joan, vỗ tay tán thưởng.

Một số thành viên trong đoàn

Theo cảm nhận của ông thì yếu tố nào đã khiến Hà Nội đứng vững trước sức mạnh của cường quốc quân sự số 1 thế giới?  

Khi đó, đầu mối liên lạc của chúng tôi tại Hà Nội là Ủy ban đoàn kết Việt Nam với nhân dân Mỹ. Ngôi nhà của người đứng đầu Ủy ban này bị bom phá hủy hoàn toàn. Khi biết tin đó, chúng tôi rất lo sợ nhưng ông ấy nói rằng “Đừng lo, dù mất nhà nhưng gia đình vẫn bình an vô sự có nghĩa là chúng ta vẫn còn những gì quan trọng nhất”.

Tất cả chúng tôi đều thấy rõ quyết tâm trong mỗi con người Việt Nam. Tướng Telford Taylor nói, quyết tâm của người Việt Nam lớn đến nỗi dù đạn bom có ác liệt đến đâu cũng không bao giờ khuất phục được họ.

– Xin cảm ơn ông!

Nhật Quỳnh-Huy Hoàng/VOV-Washington
vov.vn

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm BT chiến thắng B52

(VOV) – Chuyến thăm của Phó Thủ tướng đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”

Chiều 27/12 Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tới thăm bảo tàng chiến thắng B52. Chuyến thăm của Phó Thủ tướng đúng vào dịp toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang ra sức thi đua chào mừng kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tới thăm bảo tàng chiến thắng B52

Tới thăm Bảo tàng, Phó Thủ tướng nhiệt liệt hoan nghênh những thành tích mà quân và dân Thủ đô cùng với lực lượng Phòng không – không quân quốc gia đã vượt qua đau thương, đánh trả mưa bom bão đạn của giặc Mỹ xâm lược, buộc chúng phải ký Hiệp định Paris, làm nên chiến thắng 12 ngày đêm lịch sử Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không.

Đồng thời, Phó Thủ tướng tin tưởng Bảo tàng chiến thắng B52 tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần làm cho ý chí quật cường sáng tạo, bình tĩnh của quân dân Thủ đô trước những thách thức khốc liệt nhất, trở thành tài sản văn hóa của người Việt Nam.

Bảo tàng chiến thắng B52 là một bảo tàng cấp II trong hệ thống bảo tàng toàn quốc có lượng khách tham quan nhiều nhất, nhất là khách nước ngoài. Từ năm 1996 – 2008, hàng năm đón nhận trên 3 vạn khách tham quan, trong đó gần 3.000 khách nước ngoài.

Hiện bảo tàng trưng bày 7.115 hiện vật, 300 ảnh tư liệu, các tác phẩm nghệ thuật được Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá tốt.

Bằng hiện vật, tài liệu Bảo tàng lưu giữ, trưng bày các vũ khí, khí tài lập công trong 12 ngày đêm gồm: hệ thống ra đa tên lửa, cụm pháo phòng không của quân và dân Thủ đô Hà Nội tạo thành lưới lửa phòng không linh hoạt, nhiều tầng, nhiều lớp, xác máy bay B52 của Mỹ bị quân và dân Thủ đô Hà Nội bắn rơi trên đường Hoàng Hoa Thám… hay những hình ảnh về phi công Mỹ bị bắt trong 12 ngày đêm tại Hỏa Lò. Tất cả là những chiến tích lịch sử của thời khắc cam go quyết liệt nhưng anh dũng vô song của quân và dân Thủ đô làm nên chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.

Một số hình ảnh tại Bảo tàng:

Bệ phóng tên lửa Sam 2

Đài điều khiển tên lửa Abuha (Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257 Tên lửa Phòng không sử dụng điều khiển tên lửa bắn rơi 4 máy bay B52 của Mỹ trong 12 ngày đêm tháng 12/1972

Xác các loại máy bay chiến thuật của Mỹ

Một số loại bom quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam từ năm 1964 – 1972

Phần đuôi của xác một chiến máy bay B52

Tủ điều khiển tên lửa

Ống nhòm của đồng chí Trần Xuân Hậu, cán bộ nhà máy dệt kim Đông Xuân dùng quan sát mục tiêu, chỉ huy đơn vị đánh trả máy bay của Mỹ, 12/1972

Mũ rơm, đèn bão của các cháu học sinh bị bom B52 giết hại tháng 12/1972

Súng đại liên K53

Xác máy bay của Mỹ bị quân dân Hà Nội bắn rơi

Ga Hàng Cỏ, ga tàu hỏa lớn nhất Miền Bắc Việt Nam bị bom đạn Mỹ hủy diệt tháng 12/1972

Phi công lái máy bay B52 Mỹ dự liên hoan tại Guam trước giờ đi đánh phá Hà Nội tháng 12/1972

Kim Anh/VOV Online
vov.vn

Không ngừng phát triển nghệ thuật tác chiến để bảo vệ bầu trời Tổ quốc

Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”

QĐND Online – Cách đây 40 năm (12-1972), đế quốc Mỹ đã mở đầu cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh, thành phố lớn trên hậu phương miền Bắc, hòng giành lợi thế trên bàn đàm phán Pa-ri. Song, với ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân, dân miền Bắc, mà nòng cốt là lực lượng PK-KQ, cuộc tập kích chiến lược của Mỹ đã bị thất bại thảm hại.

Phóng viên Báo QĐND Online đã phỏng vấn Trung tướng Phương Minh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ, xoay quanh sự kiện lịch sử này…

Phóng viên (PV): Thưa Trung tướng Phương Minh Hòa, sau 40 năm nhìn lại, đồng chí đánh giá như thế nào về Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”?

Trung tướng Phương Minh Hòa: Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 là biểu tượng rực rỡ về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; là biểu tượng cho sức mạnh chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Có thể khẳng định, đây là một trận quyết chiến chiến lược mang đầy đủ nhân tố của một chiến dịch lớn.

Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, quân sự, ngoại giao; góp phần thúc đẩy cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi “đánh cho Mỹ cút”, tạo cơ sở để chúng ta “đánh cho ngụy nhào”, tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trung tướng Phương Minh Hòa. Ảnh: Hoàng Hà

PV: Có nhiều nhân tố làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, theo đồng chí, đâu là những nhân tố quyết định?

Trung tướng Phương Minh Hòa: Trước hết phải khẳng định, Chiến thắng đó bắt nguồn từ tầm nhìn xa trông rộng và sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiến thắng đó còn là kết quả từ sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.

Để đối phó với cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 của đế quốc Mỹ, quân và dân miền Bắc, mà nòng cốt là Quân chủng PK-KQ đã có bước chuẩn bị sớm, đầy chủ động và sáng tạo. Đây cũng là một trong những nhân tố quyết định đối với Chiến thắng lịch sử này.

Bước vào Chiến dịch, không sợ hy sinh, gian khổ, quân và dân Thủ đô đã sát cánh chiến đấu. Ngoài lực lượng nòng cốt là bộ đội PK-KQ, Chiến dịch còn có sự tham gia tích cực của lực lượng công an nhân dân, dân quân tự vệ, các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, đài phát thanh và nhân dân các địa phương trên toàn miền Bắc…Nhờ đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng suốt như vậy, chúng ta đã làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

PV: Trung tướng có thể nói rõ hơn về công tác chuẩn bị của bộ đội PK-KQ cho Chiến dịch này?

Trung tướng Phương Minh Hòa: Bộ đội PK-KQ đã sớm có “Kế hoạch tác chiến đánh trả cuộc tập kích bằng B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng”; nghiên cứu, biên soạn các tài liệu hướng dẫn cách đánh máy bay B-52, tiêu biểu là cuốn “Cẩm nang bìa đỏ” của Bộ đội Tên lửa.

Công tác chuẩn bị về mọi mặt (tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật) đã được Quân chủng PK-KQ tiến hành hết sức khẩn trương. Quân chủng tập trung điều chỉnh lực lượng, đội hình chiến đấu; triển khai sở chỉ huy dự bị ở các cấp; phán đoán hướng tấn công chủ yếu để bố trí lực lượng phù hợp; nghiên cứu phương pháp dẫn dắt máy bay tiêm kích của ta tiếp cận đội hình B-52 để tiêu diệt; phương pháp tìm kiếm tín hiệu máy bay B-52 trong dải nhiễu, lựa chọn thời cơ, phương pháp bắn và cự ly phóng tên lửa.

Cùng với đó, hoạt động Công tác Đảng, Công tác chính trị tập trung giáo dục, quán triệt cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù và nhiệm vụ của Quân chủng, xây dựng ý chí quyết tâm dám đánh, quyết đánh và quyết thắng.

Bộ đội không quân tổ chức huấn luyện trên máy bay SU-30. Ảnh: Hoàng Hà

PV: Còn sự hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng trong Chiến dịch ra sao, thưa đồng chí?

Trung tướng Phương Minh Hòa: Trong cuộc chiến đấu 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, chúng ta đã rất thành công trong việc xây dựng thế trận cài xen kẽ trong chiến đấu phòng không, hình thành 3 cụm phòng không chiến dịch; chủ động chuyển hóa thế trận, điều chỉnh vị trí chiến đấu của một số đơn vị tên lửa phòng không; thay đổi sân bay cất cánh để không quân ta đánh từ xa, làm cho địch bị động, bất ngờ. Trong Chiến dịch, chúng ta đã phát huy cao độ khả năng tác chiến của lực lượng phòng không 3 thứ quân, tạo nên hệ thống hỏa lực phòng không rộng khắp, dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp, hoạt động nhịp nhàng. Nhờ vậy, ta có thể đánh địch liên tục từ xa đến gần; đánh địch ở mọi độ cao; vừa đánh trực diện, vừa đánh phía sau, bên sườn, bảo đảm chiến đấu thắng lợi suốt toàn bộ Chiến dịch.

Kết thúc Chiến dịch, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 máy B-52 và 5 chiếc F-111. Riêng Quân chủng PK-KQ bắn rơi 53 chiếc, có 32 chiếc B-52 (trong đó có 16 chiếc rơi tại chỗ).

PV: Thưa đồng chí Tư lệnh, Quân chủng PK-KQ đã có những chủ trương, biện pháp gì để xây dựng lực lượng ngày càng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” và đáp ứng tốt yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới?

Trung tướng Phương Minh Hòa: Nhằm xây dựng Quân chủng PK-KQ “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, trong những năm qua, bộ đội PK-KQ tiếp tục được đầu tư mua sắm một số loại vũ khí, trang bị mới, hiện đại; đồng thời cải tiến, hiện đại hóa một số vũ khí, trang bị hiện có. Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục chấn chỉnh tổ chức biên chế, điều chuyển lực lượng; tiếp nhận, huấn luyện chuyển loại, đào tạo, đào tạo lại cán bộ; đầu tư nâng cấp một số công trình sân bay, công trình chiến đấu…

Trong tình hình mới, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc rất nặng nề, phức tạp. Do vậy, trước hết phải xây dựng được nhân tố chính trị tinh thần để mọi cán bộ, chiến sĩ có tinh thần quyết tâm dám đánh, biết đánh và đánh thắng địch trong mọi điều kiện hoàn cảnh. Đặc biệt, trong chiến tranh hiện đại, việc sử dụng vũ khí công nghệ cao sẽ trở nên phổ biến, vì thế việc chuẩn bị trước các nhân tố về chính trị tinh thần, ý chí quyết tâm là việc làm hết sức cần thiết.

Tên lửa S-300 của Quân chủng PK-KQ luyện tập đánh địch đột nhập đường không. Ảnh: Hoàng Hà

Một yêu cầu hết sức quan trọng khác, đó là phải phát triển nghệ thuật tác chiến PK-KQ đáp ứng yêu cầu bảo vệ vùng trời trong điều kiện mới. Nếu chiến tranh xảy ra, kẻ địch sẽ dùng phương thức tiến hành với nhiều âm mưu, thủ đoạn tác chiến mới, đòi hỏi bộ đội PK-KQ phải có cách đánh phù hợp, mưu trí, sáng tạo, tích cực chuẩn bị nhiều biện pháp đối phó với tác chiến điện tử của địch. Phải phát huy mọi lực lượng để đánh từ xa đến gần, tiêu diệt các phương tiện mang phóng vũ khí công nghệ cao của địch và bảo toàn lực lượng của ta.

Cùng với đó, bộ đội PK-KQ phải tiếp tục đẩy mạnh huấn luyện, nhằm sử dụng có hiệu quả vũ khí, trang bị hiện có; cơ động chuyển hóa thế trận linh hoạt, bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài và nâng cao hiệu suất chiến đấu. Quân chủng PK-KQ cũng sẽ tiếp tục trang bị bổ sung, cải tiến, nâng cấp các loại vũ khí có trong biên chế, nhất là các loại tên lửa, máy bay, ra-đa, pháo cao xạ mới…nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

PHẠM HOÀNG HÀ (thực hiện)
qdnd.vn

Viết tiếp bản hùng ca “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”

QĐND Online– 40 năm đã qua kể từ sau Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, bản hùng ca năm nào nay vẫn còn ngân nga, thúc giục những người con của đất nước vững bước đi lên. Có những giá trị của quá khứ vẫn tiếp tục soi sáng cho tương lai và bản hùng ca “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” vẫn đang để dành một phần giấy cho thế hệ trẻ viết tiếp những trang sử vẻ vang cho dân tộc.

Tối 15-12, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Thành ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài TH Kỹ thuật số VTC; Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội; Binh đoàn 15; Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông-Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật “Viết tiếp bản hùng ca”. Chương trình tái hiện lại một thời kỳ máu lửa nhưng đầy hào hùng của dân tộc, đồng thời khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần nỗ lực học tập và rèn luyện xứng đáng với thế hệ cha anh đi trước của thế hệ trẻ.

Tiết mục nghệ thuật trong chương trình Giao lưu nghệ thuật “Viết tiếp bản hùng ca”.

Đến dự chương trình có các đồng chí: Phan Diễn, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Thường trực Ban Bí thư; Trung tướng Mai Quang Phấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Ủy viên Thường trực Ban tổ chức cấp Nhà nước Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”; Trung tướng Trần Hanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân…

Chúng ta dám đánh và biết đánh!

10 giờ 30 phút ngày 17-12-1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn chính thức ra lệnh tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược với tên gọi Chiến dịch “Lai-nơ-bếch-cơ II” vào miền Bắc Việt Nam. Với lực lượng tập kích đường không lớn nhất kể từ sau đại chiến thế giới lần thứ hai, trong đó có “Siêu pháo đài bay B-52”, đế quốc Mỹ âm mưu ném bom hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc nước ta.

Tuy nhiên, sau 12 ngày đêm, với sức mạnh của ý chí, lòng quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ cùng trí tuệ và sức mạnh đoàn kết của quân và dân, chúng ta đã làm nên một “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

Tại buổi giao lưu, khán giả được gặp những nhân chứng sống của thời kỳ lịch sử như: Thượng tá Vũ Đình Rạng, nguyên phi công lái MIG-21, Trung đoàn Không quân 921; Đại tá Đinh Thế Văn, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, f361…

Giao lưu với nhân chứng lịch sử.

Theo Thượng tá Vũ Đình Rạng, nguyên phi công lái MIG-21, nghiên cứu cách đánh B-52 đã được Đảng và Bác Hồ xác định từ khá sớm và bộ đội không quân đã có thời gian tập đánh B-52 ở chiến trường khu 4. Mặc dù trong 12 ngày đêm, không quân Việt Nam không bắn rơi được nhiều máy bay B-52 nhưng đã góp phần quan trọng vào chiến thắng. Bởi lẽ, mỗi khi máy bay B-52 phát hiện thấy MIG-21 trên bầu trời thì đội hình máy bay cũng dãn ra và mức độ gây nhiễu bị giảm đi, tạo điều kiện cho bộ đội tên lửa phòng không tiêu diệt B-52.

Bằng phương pháp bắn nửa góc, Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn Phòng không-Không quân 361 do Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn chỉ huy đã bắn rơi máy bay B-52 tại chỗ trong chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Chia sẻ về phương pháp bắn nửa góc, Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn cho biết: Phương pháp bắn nửa góc đạt xác suất bắn rơi tại chỗ B-52 lên đến 90%. Tuy nhiên, giặc Mỹ đã dùng mọi thủ đoạn để làm cho tên lửa của ta không phát huy được cách đánh này bằng cách gây nhiễu dày đặc. Không chịu khuất phục, những người lính phòng không-không quân Việt Nam đã nghiên cứu kỹ những điểm mạnh, điểm yếu của máy bay B-52, từ đó tìm ra cách đánh bắn nửa góc hiệu quả, hạ rơi B-52 tại chỗ.

Một Hà Nội “nở hoa” trong bom đạn

Trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972, còn có cả một Hà Nội dù trong bom đạn vẫn “nở hoa”.

B-52 của đế quốc Mỹ có thể hủy diệt cả khu phố Khâm Thiên, làm sập Bệnh viện Bạch Mai, nhưng không ngăn được người Hà Nội sống, lao động, chiến đấu bằng bản lĩnh, trí tuệ và văn hóa của một Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Giao lưu với các khách mời.

Chương trình giao lưu nghệ thuật “Viết tiếp bản hùng ca” đã tái hiện lại hình ảnh Hà Nội đêm Giáng sinh vẫn đông nghịt người, chợ hoa vẫn họp và những lễ cưới được tổ chức ngay giữa các ụ pháo qua những thước phim tư liệu quý. Những hình ảnh này chính là minh chứng hùng hồn cho sức sống bất diệt của Thủ đô. Đế quốc Mỹ có thể dùng B-52 hủy diệt các khu phố của Hà Nội nhưng không hủy diệt được sức sống tiềm tàng mãnh liệt của “Trái tim hồng của cả nước”.

Một khán giả khi xem lại những thước phim về Hà Nội đã xúc động nói: “Là một người con của Hà Nội, khi xem lại những hình ảnh của Thủ đô thời kỳ này, tôi không khỏi xúc động và tự hào. Mặc dù phải gánh chịu những nỗi đau mất mát của bom đạn nhưng người dân Hà Nội đã thể hiện một tinh thần sống mãnh liệt giống như những bông hoa nở hoa thơm ngát giữa khói thuốc chiến tranh”.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên khi chia sẻ về những năm tháng không thể nào quên này cũng khẳng định, người Hà Nội đã sống và chiến đấu vô cùng anh dũng. Hà Nội vừa đánh giặc, vừa hát với tâm thế của những người chiến thắng dù cuộc chiến vẫn đang cam go.

Hãy để lớp trẻ viết tiếp bản hùng ca!

Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, những người trực tiếp lập công trong chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” đều ở lứa tuổi 20, còn rất trẻ nhưng đã rất bản lĩnh, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khao khát tiêu diệt được B-52 của Mỹ.

Ngày 21-12-1972, trong bức thư gửi bố mẹ của Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Xuân Thiều, có đoạn viết: “Bố mẹ thân yêu! Qua hai đêm nặng nề, cái nặng nề vì phải đứng nhìn lửa đạn hết đợt này đến đợt khác rải xuống Hà Nội. Con thấy uất ức lắm vì chưa làm được gì. Con nghĩ bây giờ không phải là lúc lo lắng cho ngôi nhà của mình, cũng không có quyền nghĩ đến bản thân..”. Và đến đêm ngày 28-12-1972, người phi công dũng cảm này đã thực hiện được mơ ước của mình khi cùng chiếc MIG-21 thân yêu biến thành quả tên lửa thứ 3 lao vào thiêu cháy B-52 Mỹ.

Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân và ông Phạm Huy Tuyên, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam lên trao học bổng cho các em học sinh.

Những người lính trẻ như Vũ Xuân Thiều là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ Việt Nam noi theo. Bạn Trần Mai, sinh viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ khi được nghe kể về anh hùng Nguyễn Xuân Thiều không giấu được niềm tự hào, chia sẻ: “Mỗi lần tìm hiểu về anh Vũ Xuân Thiều, em lại vô cùng cảm phục. Hành động sẵn sàng hy sinh tuổi trẻ của mình cho đất nước của những người như anh, luôn là nguồn cổ vũ, động viên cho lớp trẻ chúng em ngày nay rèn luyện, phấn đấu”.

Trung úy Đinh Trọng Tuệ, Trưởng xe điều khiển Đại đội 1, Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn Phòng không Hà Nội bày tỏ: “Các bác ấy thời còn trẻ mà đã làm được những điều phi thường như vậy, không có lý do gì mà chúng tôi, thế hệ trẻ ngày hôm nay không hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó”.

40 năm đã qua, Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” đã, đang và sẽ mãi mãi đem lại cho chúng ta những bài học quý giá về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Anh Nguyễn Long Hải, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khẳng định: “Thế hệ trẻ Việt Nam phải luôn luôn rèn luyện, học tập để có bản lĩnh chính trị vững vàng, xây dựng đất nước Việt Nam tươi đẹp”.

Lớp trẻ ngày ấy, những chiến sĩ phòng không-không quân đã viết lên một trang sử vẻ vang, hào hùng để hôm nay thế hệ trẻ viết tiếp những trang sử mới khẳng định sức mạnh của toàn dân tộc Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, 68 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 23 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã trao tặng Báo Quân đội nhân dân 500 triệu đồng học bổng “Vòng tay đồng đội” tặng con em, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân. Số tiền này đã được tặng cho 100 cháu có hoàn cảnh khó khăn và học tập tốt là con em của cán bộ chiến sĩ thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân, Quân chủng Hải quân, Bộ đội Biên phòng và Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

Bài, ảnh: THU THỦY-XUÂN DŨNG
qdnd.vn

Phát hiện sớm, chính xác B-52, hạ quyết tâm kịp thời

Bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam

QĐND – “… Mặc dù địch đã phát huy cao độ sức mạnh quân sự, nhất là trong lĩnh vực tác chiến điện tử và vũ khí công nghệ cao nhưng trong chiến dịch tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972 chúng đã bị thất bại rất nặng nề. Trong chiến dịch này, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ trong đó có 34 chiếc B-52 với 16 chiếc B-52 rơi tại chỗ; 5 chiếc F-111… Góp công lớn trong chiến thắng của chiến dịch này là bộ đội ra-đa phòng không.

Trong chiến dịch này, đế quốc Mỹ đã tập trung toàn bộ các thiết bị gây nhiễu hiện đại hòng “bịt mắt” toàn bộ hệ thống ra-đa phòng không của ta. Nhưng chúng đã lầm, bằng tài trí, sự thông minh, sáng tạo, bộ đội ra-đa phòng không đã phát hiện máy bay địch sớm, xác định chính xác B-52, không để Tổ quốc bị bất ngờ trước đòn tập kích đường không chiến lược của Mỹ và bảo đảm vô điều kiện cho các lực lượng phòng không chiến dịch chiến đấu và giành thắng lợi.

Ra-đa cảnh giới P12 – một phương tiện quan trọng để phát hiện máy bay B-52 từ xa. Ảnh tư liệu

Trong chiến dịch, Bộ tư lệnh Binh chủng Ra-đa cho mở máy 355 lần đại đội với 447 lần đài ra-đa kết hợp với các vọng quan sát mắt đã phát hiện và xác định chính xác B-52, báo động sớm 35 phút cho Hà Nội trong trận đầu và đêm đầu của chiến dịch, các đêm sau từ 50 đến 60 phút. Do được bảo đảm ra-đa tốt, các cấp chỉ huy chiến dịch – chiến lược đã nắm chắc tình hình địch, hạ quyết tâm chiến đấu kịp thời, chính xác; các lực lượng phòng không, không quân được chuyển cấp chiến đấu sớm, chủ động đánh B-52, lập nên kỳ tích có một không hai trong lịch sử tác chiến phòng không trên thế giới. Theo tài liệu “Tổng kết bộ đội ra-đa phục vụ chiến dịch phòng không… năm 1972” thì trong chiến dịch, riêng Trung đoàn Ra-đa 291 đã phát hiện được 151 trên tổng số 165 tốp B-52, đạt 91,6%. Bộ đội Tên lửa phòng không xứng đáng là lực lượng nòng cốt và chủ yếu bắn rơi B-52, tích cực góp phần đánh bại chiến dịch tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ.

Đây là lần đầu tiên trên thế giới, đế quốc Mỹ bị thảm bại trong chiến dịch tập kích đường không chiến lược và bị bắn rơi nhiều B-52 đến thế. Sau cuộc chiến tranh Việt Nam, đã có một số chiến dịch tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52. Mặc dù các nước đó có nhiều vũ khí phòng không hiện đại hơn Việt Nam nhưng chưa có nước nào bắn rơi được máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ. Điều đó càng tôn vinh chiến thắng vĩ đại “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân ta nói chung và bộ đội Phòng không – Không quân nói riêng.

Trong tác chiến phòng không ngày càng hiện đại, khi chiến tranh điện tử và vũ khí công nghệ cao phát triển thì tác chiến điện tử phải được coi là biện pháp tác chiến chiến lược hết sức quan trọng, có tính chất quyết định đến thành bại của tác chiến phòng không. Vì vậy, tôi cho rằng cần quan tâm đầu tư xây dựng và tổ chức thêm lực lượng, phương tiện tác chiến điện tử, nhất là lực lượng và phương tiện phản điện tử của đối phương, nhằm kiện toàn tổ chức và hoàn chỉnh nghệ thuật tác chiến điện tử của Quân chủng Phòng không – Không quân…”.

Đại tá NGHIÊM ĐÌNH TÍCH, DUY HỒNG (lược ghi)
qdnd.vn

Làm chủ cự ly phát sóng

QĐND – Sau mấy chục năm, nhìn lại chiến thắng trong chiến dịch chống tập kích đường không vào Hà Nội, các chuyên gia quân sự Liên Xô trước đây đã tổng kết khá kỹ về đội hình của các tốp B52 vào đánh Hà Nội tháng 12-1972.

Trong cuốn Hoạt động chiến đấu của bộ đội Phòng không và Không quân Quân đội nhân dân Việt Nam trong tháng 12-1972 (Nhà xuất bản Quân sự Bộ Quốc phòng Liên Xô) còn có cả sơ đồ chi tiết về chiến dịch này. Trong cuốn sách trên đây, các chuyên gia quân sự Liên Xô đã tổng kết trong chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam, các trận địa của bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam đã rất nhiều lần bị tấn công bằng bom và đạn chống ra-đa loại sơ-rai.

Nhưng ngay trong những ngày đầu trực tiếp đối mặt với B52, Đinh Thế Văn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 261 cùng đội ngũ sĩ quan điều khiển, trắc thủ đã nhận ra rất sớm “đặc điểm” đội hình của “không lực” Hoa Kỳ vào đánh Hà Nội, dù họ không có bất cứ sơ đồ hoặc tài liệu nào của đối phương. Họ thực sự cảm nhận bằng những trận đối mặt với B52, thông qua tiêu đồ vẽ đường bay trên xe chiến đấu của họ. Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn tâm đắc nhất về vấn đề làm chủ cự ly phát sóng. Các anh phân tích rất cụ thể. Nếu phát sóng sớm, ta chủ động hơn, khó lỡ thời cơ chiến đấu, nhưng cường độ nhiễu nặng, nhiều khi không “thấy” B52 địch, mà còn bị địch đánh trả bằng tên lửa sơ-rai. Nếu phát sóng muộn, khoảng thời gian thao tác ngắn, gấp gáp, dễ lỡ thời cơ. Nếu chọn phương pháp xạ kích đúng, lại có kíp trắc thủ vững vàng, dày dạn kinh nghiệm, can trường, quả cảm… thì làm chủ cự ly phát sóng sẽ giúp đánh chắc thắng.

Trong lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn đã trình bày rõ với Đại tướng cách phân tích và hành động chiến đấu của kíp chiến đấu Tiểu đoàn 77. Từ phân tích đúng đội hình, dãn cách các tốp, sở trường, sở đoản của từng loại máy bay, cán bộ, trắc thủ Tiểu đoàn 77 biết thời điểm nào từng loại máy bay phát huy tác dụng nhiễu, thời điểm nào địch bộc lộ sơ hở để các anh phát huy cao nhất cách đánh và bắn rơi nhiều B52. Trong 12 ngày đêm chiến dịch, Tiểu đoàn 77 đã chiến đấu với hiệu suất cao chính là nhờ sự sáng tạo, cùng sự thành thục trong xử trí tình huống…

TRẦN VĂN
qdnd.vn

Biến “không thể” thành “có thể” và giành chiến thắng

QĐND – “Vượt không” là yêu cầu luyện tập của Bộ đội Không quân Việt Nam nhằm giải quyết các vấn đề về kỹ thuật, biến cái “không thể” thành “có thể” là dùng máy bay Mig-21, do Liên Xô chế tạo, viện trợ để đánh B-52. Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Tuân khẳng định như vậy trong bài tham luận tại Hội thảo khoa học do Học viện Chính trị tổ chức ngày 21-11 vừa qua.

Biến “không thể” thành “có thể”

Mặc dù trước chiến dịch đánh B-52, không quân ta đã mở nhiều mặt trận trên không thắng lợi, càng đánh càng thắng, loại máy bay nào cũng đã từng đánh thắng. Mục tiêu trên không, trên đất, trên biển đều lập công. Tuy nhiên B-52 thì khác. Đây là loại máy bay ném bom chiến lược, bay xa, mang được tới 30 tấn bom đạn, được trang bị các thiết bị tác chiến hiện đại (ném bom qua màn hình ra -đa, có thiết bị chống nhiễu tích cực, nhiễu cản ra -đa trên không và trên mặt đất), có tên lửa “nhử mồi” đánh lạc hướng tên lửa của ta, có cả vũ khí bắn trả máy bay Mic khi vào tấn công chúng… Đây là loại máy bay hiện đại nhất của Mỹ lúc bấy giờ. Chúng lại đánh vào ban đêm để hạn chế tối đa khả năng phát hiện của phi công ta. Hỗ trợ cho B-52 là nhiều tốp máy bay khác bay trước, bay sau, bay hai bên, vừa đánh các sân bay của ta, vừa tiêm kích chặn trên đường khi máy bay ta tiếp cận B-52, vừa gây nhiễu điện tử để bịt mắt dẫn đường của ra -đa và thông tin liên lạc của ta. Trong khi Không quân Việt Nam chỉ có một phi đội đánh đêm với 10 phi công vừa được huấn luyện cấp tốc bên Liên Xô về. Mig-21 tuy tính năng cơ động tốt, nhưng thiết bị tác chiến điện tử, nhất là ra -đa phát hiện mục tiêu trên không kém hơn rất nhiều so với B-52; phương tiện dẫn đường hạn chế, địa hình lại hẹp, sân bay chủ yếu bảo đảm cất được cánh, còn hạ cánh rất khó khăn nguy hiểm, nhất là hạ cánh ban đêm thì vô cùng khó khăn… Tóm lại, xét thuần túy về mặt trang bị kỹ thuật thì máy bay của ta không đánh được B.52. Vậy mà trong 2 đêm 27 và 28-12-1972, Không quân Việt Nam đã tiêu diệt được 2 máy bay B-52. Đêm 28, phi công Vũ Xuân Thiều tiếp cận B-52 bắn rất gần và quả cảm lao cả máy bay vào tiêu diệt B-52 (Đêm 27, đồng chí Phạm Tuân bắn cháy B-52 và trở về mặt đất an toàn – N.V).

“Vượt không”

Đó là kết quả của những đợt luyện tập “có một không hai” của Không quân Việt Nam, nhất là đội ngũ phi công. Thật khó mà kể hết những đợt luyện tập đặc biệt ấy. Chúng tôi nghĩ cần viết lại thành sách thật tỉ mỉ để truyền lại cho con cháu mai sau. ở đây, tôi chỉ xin nêu một số hoàn cảnh luyện tập và một số trận đánh.

Luyện tập bắn B-52 lúc đó với mỗi phi công đều là niềm ao ước được bay nhiều, bay những bài tập khó, mong được trực ban, được xuất kích nhiều để rèn luyện. Chúng tôi bay ở những đường băng ngắn hẹp, cất cánh luyện tập mang cả tên lửa bổ trợ để vào chiến đấu có thể cất cánh ở những bãi đất có cự ly ngắn; tập đánh chặn bằng mắt, không dùng ra -đa, hay bay theo vệt khói máy bay vận tải… tất cả thực hiện trong điều kiện ban đêm. Nhiều bài tập vượt ra ngoài quy chuẩn an toàn quy định cho mỗi loại máy bay, nhưng chúng tôi đã bay, bay tốt và đặc biệt phi đội bay đêm không hề xảy ra tai nạn trong huấn luyện. Ngày 12-4-1972, khi có dấu hiệu B-52 vào Hà Nội, phi công Vũ Đình Rạng đã được lệnh cất cánh trong điều kiện miền Bắc thời tiết rất xấu, mây thấp, tầm nhìn gần như bằng không. Sau khi xuất kích không gặp địch, đồng chí Rạng về sân bay nhiều lần bay xuống nhưng không thấy đường băng, hết dầu phải nhảy dù. Nhiều phi công được giao nhiệm vụ bay vào Bắc Trường Sơn để đánh, đuổi B-52. Có thời gian được giao nhiệm vụ đi sâu vào Tây Trường Sơn, bay hết dầu đành phải nhảy dù ở bất cứ nơi nào.

Phi công Hoàng Biểu một lần bay vào chi viện cho chiến trường, bay về gặp thời tiết xấu, hết dầu phải nhảy dù ở khu vực Yên Thành, Nghệ An. Khi thảo luận về cách đánh B-52, hầu hết các phi công đều thể hiện ý chí quyết tâm, sẵn sàng nhận nhiệm vụ vô điều kiện. Lúc đó, nhiều đồng chí còn thể hiện quyết tâm nếu bắn hết 2 tên lửa được trang bị vẫn không rơi, sẵn sàng đâm máy bay vào làm quả tên lửa thứ 3 để tiêu diệt B-52. Thực tế, phi công Nguyễn Tiến Sâm bắn gần máy bay lao qua điểm nổ bị tắt máy. Anh bình tĩnh mở máy lại, để trở về. Còn đêm 18-12-1972, địch huy động gần 50 lượt /chiếc B-52 đánh phá vào Hà Nội theo nhiều hướng. Trước khi B-52 vào đến mục tiêu, tất cả các sân bay của miền Bắc đều bị F-111 đánh bom, nhiều trạm ra -đa dẫn đường bị chế áp bằng tên lửa không đối đất, phi công ta cất cánh từ 3 sân bay Hòa Lạc, Vĩnh Phúc và Gia Lâm trong điều kiện đường băng đã bị trúng bom của địch. Vượt ra ngoài hỏa lực phòng không Hà Nội, tránh các tốp F-4, phi công phát hiện B-52 qua đèn dạ hàng, khi bật ra -đa tăng lực vào công kích thì lộ mục tiêu, B-52 tắt đèn cơ động để F-4 công kích. Các phi công của ta phải cơ động tránh tên lửa địch, đến khi cạn dầu phải về hạ cánh trong điều kiện sân bay bị đánh bom, không đèn chiếu sáng, không có chỉ huy, cả 3 máy bay đều hỏng. Trong đó 2 chiếc gãy càng, 1 chiếc lật ngửa nhưng may mắn phi công an toàn tiếp tục làm nhiệm vụ chiến đấu. Còn phi công Vũ Xuân Thiều, như trên đã nói, đêm 28-12 đã bay lên bám sát máy bay địch, bắn rất gần, đồng thời đâm vào B-52 để tiêu diệt chúng.

Động lực

Thực ra thời kỳ đó, các phi công chúng tôi còn rất trẻ, đa số là học sinh phổ thông vào Trường Không quân của Liên Xô học, sau 2 năm tốt nghiệp về nước là bước ngay vào chiến đấu, nên hiểu về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về giai cấp, đấu tranh giai cấp… còn rất sơ đẳng.

Nhưng qua mỗi lần học tập, sinh hoạt chính trị về truyền thống đánh giặc của các thế hệ đi trước lại thấm dần vào mỗi người chúng tôi, khơi dậy tinh thần yêu nước, thôi thúc phải quyết tâm chiến đấu để không hổ thẹn với lớp lớp cha anh đi trước. Đặc biệt, chúng tôi được Đảng, Bác Hồ dành cho sự quan tâm lớn lao. Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều lần đến thăm, trực tiếp động viên và giao nhiệm vụ. Lần chúng tôi mới về nước, khi đến thăm Bộ đội Không quân, Bác dặn “cac chú phải mở màn trận trên không thắng lợi”. Lần khác, Bác lại dặn “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-52, B-57 hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”.

Bộ đội Phòng không -Không quân nhớ mãi hình ảnh Bác Hồ đến thăm các đơn vị, gặp gỡ phi công bắn rơi máy bay Mỹ, trao tặng huy hiệu của Người. Thậm chí, Bác còn gọi những phi công có thành tích đến ăn cơm cùng Bác; không ăn cơm thì Bác cho kẹo. Một lần, tại hội trường Quân chủng, Bác bắt tay Anh hùng Nguyễn Văn Cốc (phi công bắn rơi nhiều máy bay Mỹ). Bác nói: “Bác mong cho Không quân có thêm nhiều Cốc hơn nữa”. Phải nói rằng, tình cảm cách mạng, những lời chỉ bảo, dặn dò, những cử chỉ chăm sóc ân cần, chu đáo của Bác là nguồn sức mạnh to lớn giúp chúng tôi vượt lên mọi khó khăn và vững niềm tin chiến thắng.

Chúng tôi hiểu rằng, nếu Bộ đội PK -KQ không bắn rơi B-52 trong chiến dịch quan trọng này thì sự hy sinh, mất mát của Tổ quốc sẽ là rất lớn; nó đe dọa sự mất còn của đất nước, của chế độ; cuộc đấu tranh thống nhất đất nước sẽ phải gian khổ hy sinh hơn nhiều…

Sức mạnh

Có thể nói sức mạnh làm nên chiến thắng của chúng ta, trong đó có Bộ đội Không quân chính là kết tinh của truyền thống Việt Nam, văn hóa Việt Nam, là tinh thần và ý chí của dân tộc Việt Nam được tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh vĩ đại với con người, kết hợp giác ngộ chính trị, tình cảm chính trị và hành vi chính trị sẽ trở nên thông minh và sáng tạo để phản ứng linh hoạt trong những lúc khó khăn, nhất là trong những sự kiện lớn, những bước ngoặt, những thời cơ của đất nước, của xã hội; lại được sự giúp đỡ, chi viện to lớn có hiệu quả của bầu bạn anh em, nhất là Liên Xô và Trung Quốc. Đặc biệt những lời căn dặn, tiên đoán thiên tài của Bác Hồ là động lực to lớn, niềm tin để Không quân nhân dân Việt Nam vượt lên muôn vàn gian khó giành chiến thắng.

Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Tuân (*)

Huy Thiêm (lược ghi)

(*)Nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.
qdnd.vn

Đánh giá kết quả triển khai các hoạt động kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”

QĐND Online – Sáng 3-12, tại Hà Nội, Ban Tổ chức cấp Nhà nước kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Tổ chức. Cùng dự còn có Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức cấp Nhà nước kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.

Tại hội nghị, Ban Tổ chức đã tiến hành xem, thảo luận và cho ý kiến về Màn sử thi Nghệ thuật “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” do Trường Đại học Văn hóa, Nghệ thuật Quân đội và Điện ảnh Quân đội phối hợp thực hiện; Thông qua Kịch bản Chương trình giới thiệu và giao lưu tác giả, tác phẩm âm nhạc viết về Bộ đội Phòng không – Không quân Việt Nam và Thủ đô Hà Nội; Kịch bản Giao lưu với nhân chứng lịch sử “Hà Nội 12 ngày, đêm – khát vọng và vinh quang” do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với một số đơn vị, địa phương thực hiện; Thông qua Kế hoạch tổ chức Lễ kỷ niệm; Kịch bản Chương trình Lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”; Maket trang trí khu vực Lễ kỷ niệm và bộ tranh cổ động, logo, khẩu hiệu tuyên truyền kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”; Bảng ảnh triển lãm chuyên đề và lưu động… Ban Tổ chức cũng tiến hành kiểm điểm đánh giá kết quả bước đầu triển khai các hoạt động kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức, về cơ bản các hoạt động kỷ niệm đã và đang được triển khai đúng tiến độ, đạt được mục đích, ý nghĩa và yêu cầu đề ra. Tại hội nghị, các thành viên Ban Tổ chức cũng chỉ rõ những điểm còn tồn tại, một số công việc triển khai còn chậm và một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các nội dung công việc theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời kiến nghị, đề xuất các biện pháp khắc phục.

Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của các thành viên Ban Tổ chức và các Bộ, ban, ngành, cơ quan chức năng trong phối hợp, hiệp đồng triển khai các hoạt động kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”. Những ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Tổ chức về Màn sử thi; Các chương trình giao lưu nghệ thuật; Kế hoạch và Chương trình Lễ kỷ niệm; Maket trang trí, logo; Tranh cổ động, bảng ảnh triển lãm… Phó thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị được giao đảm nhiệm từng phần việc chủ động nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp, bổ sung, hoàn thiện và triển khai thực hiện. Phó thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành, cơ quan chức năng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các nội dung công việc theo kế hoạch chi tiết thực hiện Đề án đã được xác định để các hoạt động kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” được tổ chức theo đúng tiến độ, đảm bảo trang trọng, chu đáo, thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm.

Phó Thủ tướng đồng ý giao Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng phối hợp với các đơn vị chức năng để sớm đưa toàn bộ những hình ảnh đã được phê duyệt để tuyên truyền rộng rãi về chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” ngay trong tháng 12-2012.

PHÙNG KIM LÂN
qdnd.vn

“Chúng tôi sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Tổ quốc”

QĐND – Chúng tôi đến Trung đoàn Không quân 931, Sư đoàn 371 (Quân chủng PK-KQ) đúng lúc các cán bộ, phi công, nhân viên đang hối hả chuẩn bị cho buổi bay huấn luyện. Đây là những chuyến bay trong đợt thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không của trung đoàn. Tiếng động cơ máy bay, tiếng xe nạp điện và tiếng xe máy, khí tài ầm vang. Bốn mươi năm về trước, đêm 27-12-1972, tại sân bay này, phi công Phạm Tuân đã cất cánh lập công bắn rơi B-52 trên bầu trời, góp phần vào chiến thắng chung trong 12 ngày đêm của quân dân miền Bắc và Hà Nội lúc đó.

Các phi công Trung đoàn 931 đang chuẩn bị chuyến bay.

Hướng về kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, Trung đoàn Không quân 931 đã có buổi sinh hoạt, tọa đàm sôi nổi và bổ ích. Các ý kiến đều khẳng định, 40 năm trước, chúng ta đánh thắng B-52 bằng “ý chí thép”, bằng óc sáng tạo, tinh thần quyết chiến quyết thắng. Đối với bộ đội không quân, trong điều kiện lực lượng còn mỏng; các sân bay của ta lúc đó đều bị không quân địch đánh phá ác liệt, Máy bay MIG 21 tuy cơ động nhanh, nhưng thiết bị tác chiến điện tử, nhất là ra đa phát hiện mục tiêu trên không kém hơn nhiều so với B-52; các phương tiện dẫn đường hạn chế. Cất, hạ cánh khó khăn, nhất là hạ cánh về ban đêm. Vậy mà các thế hệ đi trước đã biến cái tưởng như “không thể” thành “có thể”. Trung tá Vũ Hồng Long, phi công cấp 2, Phi đội trưởng Phi đội 1 khẳng định: Ngày nay bộ đội không quân đã được trang bị hiện đại, đội ngũ phi công được học tập, huấn luyện thuận lợi hơn lớp cha anh đi trước, nhất định sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ bầu trời của Tổ quốc, quyết không để bị bất ngờ từ các tình huống trên không. Đại úy Nguyễn Văn Bình một phi công trẻ quê đất Xứ Đoài cho biết, muốn làm chủ bầu trời thì các phi công trẻ cần phải làm chủ được phương tiện, kỹ thuật bay; thực hành huấn luyện tốt cả ban ngày lẫn ban đêm. Còn Đại úy Nguyễn Hữu Cường, phi công phi đội 2 đặt ra mục tiêu, cần bảo đảm nhiều giờ bay, tích lũy kinh nghiệm; sẵn sàng chuyển loại máy bay theo yêu cầu nhiệm vụ.

Đóng quân trên một địa bàn mà điều kiện thời tiết thường không ổn định, có thời gian khí tượng xấu kéo dài nhưng Trung đoàn vẫn tích cực chủ động tổ chức huấn luyện theo tiến độ và kế hoạch, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Trao đổi với chúng tôi, Đại tá, Trung đoàn trưởng Tạ Quang Thảo, Phi công cấp 2 cho biết: Trong huấn luyện bay, trung đoàn luôn bảo đảm đúng điều lệ giáo trình, thực hiện nghiêm các quy định trong 3 giai đoạn bay (chuẩn bị bay, thực hành bay và giảng bình bay). Tính đến nay, trung đoàn đã tổ chức bay được 29 ban bảo đảm an toàn tuyệt đối. Các nhiệm vụ khoa mục, bài bay theo kế hoạch năm cơ bản hoàn thành, trình độ, giãn cách bay và trình độ bay của phi công không ngừng được nâng lên. Công tác bảo đảm kỹ thuật hàng không thường xuyên bảo đảm đủ số lượng và chất lượng máy bay, vũ khí, trang bị kỹ thuật hàng không cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, bảo đảm an toàn bay của trung đoàn.

Bài và ảnh: HOÀNG LÂN
qdnd.vn

Truyền thống là điểm tựa

QĐND Online – “Bệ phóng tên lửa này đã lập nên kỳ tích 10 phút bắn rơi tại chỗ 2 máy bay B-52 trong chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Đây niềm tự hào của lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn tên lửa 261 trong suốt những năm qua, là động lực để chúng ta phấn đấu học, rèn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”. Đó là lời mở đầu buổi nói chuyện về lịch sử, truyền thống cho những chiến sĩ trẻ ngay tại phòng trưng bày hiện vật của đơn vị, do Thượng tá Lê Thành Đức, Chính ủy Trung đoàn 261 giới thiệu. Tại đây, khá nhiều hiện vật trong chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ bầu trời Hà Nội vẫn được lưu giữ nguyên vẹn. Anh Đức cho biết:

– Kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, chúng tôi đang đẩy mạnh các hoạt động phòng truyền thống và bố trí nhân viên hướng dẫn trong thời gian một tháng cao điểm để mọi cán bộ, chiến sĩ đều được tham quan, tìm hiểu lịch sử như một giờ học ngoại khóa. Ngoài ra, theo thông lệ, mỗi đợt chuẩn bị kết thúc huấn luyện chiến sĩ mới chúng tôi lại tổ chức một buổi nói chuyện truyền thống, dâng hương tại nhà tưởng niệm các liệt sĩ của trung đoàn đã anh dũng hy sinh để giáo dục lòng yêu nước, nhân lên niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ.

Một buổi tham quan, giới thiệu truyền thống ở Trung đoàn 261.

Ngay sau khi nghe giới thiệu về truyền thống trung đoàn, các chiến sĩ trẻ được tham quan những hiện vật bổ trợ cho nội dung vừa giới thiệu. Mỗi hiện vật gắn với một sự kiện, một chiến công hay một tấm gương chiến đấu cụ thể được các cán bộ đơn vị sưu tầm, biên soạn, giới thiệu tỷ mỷ nhằm “truyền lửa” cho lớp trẻ hôm nay. Quan sát hiện vật là mảnh xác máy bay B-52G, chiến sĩ Nguyễn Quốc Ân, Đại đội 2, Tiểu đoàn 59, bày tỏ:

– Câu chuyện về kíp trắc thủ của Tiểu đoàn 59 bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay B-52 đầu tiên trong chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” khiến chúng em vô cùng xúc động và tự hào về tinh thần chiến đấu mưu trí, sáng tạo, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể của thế hệ cha anh. Chính họ đã viết nên trang sử vàng mà ngày nay chúng em phải có trách nhiệm tô thắm thêm truyền thống ấy bằng những việc làm thiết thực.

Còn trắc thủ Nguyễn Thanh Tuấn, Tiểu đoàn 57, tâm sự:

– Em rất tâm đắc với chiến công của các chú, các bác, chỉ bằng 2 quả tên lửa đã bắn rơi tại chỗ 2 máy bay B-52 trong thời gian 10 phút. Đây thực sự là kỷ lục của bộ đội tên lửa Việt Nam. Càng tự hào về truyền thống của đơn vị, chúng em càng nỗ lực học, rèn cho thật thành thạo kỹ năng chuyên môn, rút ngắn thời gian thao tác. Đây cũng là một cách để phát huy truyền thống đơn vị anh hùng.

Ngoài giới thiệu lịch sử, tham quan nhà truyền thống, Trung đoàn 261 còn tổ chức thi tìm hiểu về các liệt sĩ của trung đoàn trong chiến tranh giữ nước. Nhiều bài viết cảm động sâu sắc của chiến sĩ đã được phát trên loa truyền thanh nội bộ. Trung tá Nguyễn Văn Chinh, Chủ nhiệm Chính trị trung đoàn chia sẻ:

– Những bài viết do chính chiến sĩ cảm nhận, dù còn mộc mạc nhưng đó là tình cảm chân thực của anh em trước sự hy sinh anh dũng của thế hệ cha anh. Qua những bài viết ấy chúng tôi đánh giá được chất lượng giáo dục chính trị của đơn vị có hiệu quả hay không để điều chỉnh nội dung, phương pháp cho phù hợp.

Có lẽ, chính nhờ cách giáo dục trực quan được minh chứng bằng những sự việc, con người, hiện vật cụ thể, gắn lịch sử với thực tiễn mà truyền thống anh hùng của Trung đoàn tên lửa 261 đã trở thành “điểm tựa” cho thành tích nhiều năm liền đạt “Đơn vị huấn luyện giỏi”, kỷ luật nghiêm; 100% cán bộ, chiến sĩ vững về tư tưởng, xác định tốt quyết tâm, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH
qdnd.vn

Giao lưu truyền thống: “Âm vang 40 năm Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”

Học viện Phòng không-Không quân:

QĐND Online-Ngày 13-12, Học viện Phòng không-Không quân tổ chức buổi giao lưu với các nhân chứng lịch sử đã trực tiếp tham gia chiến đấu trong chiến dịch Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không (từ ngày 18 đến 29-12-1972).

Các đại biểu tham gia giao lưu.

Trong buổi giao lưu, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại những diễn biến chính của các trận đánh, đặc biệt là trận chiến đấu đêm ngày 20, rạng sáng ngày 21-12-1972 của Tiểu đoàn 57 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt chỉ huy, trong thời gian 2 phút đã bắn rơi 2 chiếc máy bay B-52, trong đó có 1 chiếc rơi tại chỗ.

Các đại biểu khẳng định: Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” là chiến thắng của tầm cao trí tuệ bản lĩnh Việt Nam, là chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần của toàn dân tộc, là ý chí quyết đánh, dám đánh và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” là biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất, bản lĩnh, trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Từ đây, nhiều bài học kinh nghiệm qúy báu đã được đúc kết để vận dụng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Tin, ảnh: TRƯƠNG ĐỨC SÁNG
qdnd.vn

Cải tiến tên lửa phòng không đánh máy bay B-52

QĐND – Trong chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, có sự đóng góp thầm lặng của lực lượng kỹ thuật. Họ là những chuyên gia, cán bộ, chiến sĩ ngày đêm nghiên cứu thủ đoạn đánh phá của địch, cải tiến vũ khí, khí tài đưa vào ứng dụng, góp phần nâng cao hiệu quả chiến đấu của các lực lượng phòng không, trong đó có chiến công đánh thắng “siêu pháo đài bay” B-52 của không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc và các thành phố Hà Nội, Hải Phòng…

Từ đầu năm 1965, Liên Xô viện trợ, trang bị cho nước ta loại tên lửa S-75 Dvina, có ký hiệu CA-75 (phương Tây gọi là SAM-2). Đây là tên lửa phòng không thế hệ 2, có tính năng hiện đại so với thời điểm bấy giờ. Hệ thống tên lửa S-75 Dvina bao gồm tên lửa và bệ phóng dài 10,6m; đạn tên lửa loại V-750V; hệ thống ra-đa điều khiển sử dụng an-ten dẫn theo 2 mặt phẳng tọa độ và cự ly. Tên lửa S-75 Dvina có tầm hoạt động hiệu quả ở cự ly tới 30km, tầm hoạt động tối thiểu 8km, độ cao đánh chặn trong khoảng từ 450m đến 25km. Với tầm bắn này, tên lửa S-75 Dvina hoàn toàn bắn hạ máy bay B-52 có tầm hoạt động ở độ cao đến 15km.

Bộ đội tên lửa thao tác đưa tên lửa phòng không S-75 Dvina, hỏa lực chủ yếu tiêu diệt “Pháo đài bay” B-52 vào bệ phóng. Ảnh tư liệu

Đạn tên lửa V-750V của hệ thống S-75 được dẫn đường bằng sóng vô tuyến điện, chấp hành lệnh điều khiển từ xe điều khiển trên mặt đất, theo nguyên lý điều khiển, điều chỉnh sai số liên tục. Đầu đạn tên lửa V-750V là loại tạo mảnh, chứa 200kg thuốc nổ, có tốc độ bay đạt 3M (3.675km/giờ). Bán kính tiêu diệt mục tiêu của đầu đạn tên lửa V-750V khoảng 65m (ở độ cao lớn, khí quyển loãng, bán kính tiêu diệt mục tiêu có thể lên đến 250m). Các đầu nổ của đạn tên lửa được lắp hai hệ thống ngòi nổ: Hệ thống ngòi nổ sát thương và hệ thống ngòi nổ tự hủy. Khi cách mục tiêu khoảng 60m, hiệu ứng vô tuyến sẽ kín mạch kích ngòi nổ sát thương bùng nổ văng mảnh về phía trước diệt máy bay. Trong thời gian viện trợ trang bị cho nước ta, Liên Xô đã cải tiến nhiều lần tính năng kỹ thuật tên lửa S-75, như việc tăng số mảnh đạn sát thương thêm hàng nghìn mảnh; cải tiến hệ thống chống nhiễu cho đạn…

Việc cải tiến chống nhiễu cho hệ thống tên lửa S-75 triển khai từ cuối năm 1967 khi không quân Mỹ đã sử dụng máy phát nhiễu ALQ-71 gây nhiễu toàn bộ rãnh sóng điều khiển đạn và rãnh sóng xung trả lời của đạn (gọi chung là nhiễu rãnh đạn). Ngày 15-12-1967, không quân Mỹ tiến hành 44 lần chiếc máy bay cường kích đánh phá cầu Đuống, Hà Nội. Các tiểu đoàn tên lửa bảo vệ Hà Nội của ta phóng lên 8 quả đạn S-75 đều không điều khiển được; đạn hoặc rơi xuống đất, hoặc vượt mục tiêu tự hủy, hoặc đạn không thể rời bệ phóng do không bắt được tín hiệu điều khiển. Theo Trung tướng Phan Thu, nguyên Đội trưởng Đội Nghiên cứu nhiễu Quân chủng Phòng không-Không quân, máy bay Mỹ sử dụng máy gây nhiễu ALQ-71 mở rộng tần số gây nhiễu sóng 10cm trùm qua rãnh đạn tên lửa, làm cho đạn tên lửa của ta mất điều khiển. Sau khi nghiên cứu máy gây nhiễu ALQ-71 còn khá nguyên vẹn mà ta thu được từ một chiếc máy bay F-4C, bằng các biện pháp kỹ thuật, ta đã phát hiện ra dải tần số và cường độ của loại nhiễu này. Từ kết quả nghiên cứu nhiễu máy ALQ-71, các nhà khoa học-kỹ thuật quân đội ta và các chuyên gia Liên Xô đề ra giải pháp cải tiến tần số điều khiển tên lửa S-75, như vừa điều chỉnh lệch tần số, vừa nâng cao công suất đèn phát tín hiệu trả lời của đạn về đài điều khiển. Nhờ vậy, tín hiệu trả lời của đạn vượt lớn hơn tín hiệu nhiễu, khiến máy gây nhiễu của Mỹ không thể rượt đuổi theo được do bị hạn chế về công suất phát. Từ đó, tất cả đạn tên lửa của ta đều được thay máy phát tín hiệu trả lời có công suất lớn hơn nhiều, bảo đảm khắc phục nhiễu rãnh đạn. Cũng từ kết quả nghiên cứu, cải tiến trên, các tên lửa phòng không của ta còn tránh được các thủ đoạn gây nhiễu của các loại máy gây nhiễu có công suất lớn hơn như ALQ-101, ALQ-107 và nhiều loại máy gây nhiễu lắp trên máy bay B-52 của Mỹ.

Trong thực tế chiến đấu, Bộ đội tên lửa phòng không còn sáng tạo nhiều giải pháp kỹ thuật và vận dụng các hình thức chiến thuật linh hoạt như cơ động tên lửa; bố trí trận địa giả, nghi binh đánh lừa máy bay địch. Đặc biệt, theo thiết kế thì mỗi tiểu đoàn tên lửa S-75 Dvina (kể cả loại S-75B Volkhov) đều phải triển khai đủ 6 bệ phóng và đầy đủ bộ khí tài kèm theo. Song khi vận dụng thực tế, nhiều tiểu đoàn tên lửa của ta chỉ triển khai 3 bệ, 2 bệ, thậm chí một bệ vẫn chiến đấu. Trong chiến dịch phòng không tháng 12-1972, một số tiểu đoàn đã mạnh dạn chia số lượng bệ phóng ra từ 2 đến 3 trận địa, trên đó đã lắp sẵn đạn. Khi đánh xong ở một trận địa, kíp chiến đấu lập tức kéo khí tài ra trận địa mới, đấu nối với các bệ phóng đã sẵn sàng và có thể chiến đấu được ngay. Trong suốt hai cuộc chiến tranh chống phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ tại miền Bắc Việt Nam từ năm 1965 đến năm 1968 và năm 1972, hệ thống ra-đa của tên lửa S-75 Dvina đã được cải tiến 4 lần với 40 nội dung kỹ thuật để theo kịp cuộc chiến tranh điện tử của không lực Hoa Kỳ, bảo đảm an toàn trong sử dụng và nâng cao độ chính xác khi chiến đấu.

ĐÌNH XUÂN
qdnd.vn