Biến “không thể” thành “có thể” và giành chiến thắng

QĐND – “Vượt không” là yêu cầu luyện tập của Bộ đội Không quân Việt Nam nhằm giải quyết các vấn đề về kỹ thuật, biến cái “không thể” thành “có thể” là dùng máy bay Mig-21, do Liên Xô chế tạo, viện trợ để đánh B-52. Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Tuân khẳng định như vậy trong bài tham luận tại Hội thảo khoa học do Học viện Chính trị tổ chức ngày 21-11 vừa qua.

Biến “không thể” thành “có thể”

Mặc dù trước chiến dịch đánh B-52, không quân ta đã mở nhiều mặt trận trên không thắng lợi, càng đánh càng thắng, loại máy bay nào cũng đã từng đánh thắng. Mục tiêu trên không, trên đất, trên biển đều lập công. Tuy nhiên B-52 thì khác. Đây là loại máy bay ném bom chiến lược, bay xa, mang được tới 30 tấn bom đạn, được trang bị các thiết bị tác chiến hiện đại (ném bom qua màn hình ra -đa, có thiết bị chống nhiễu tích cực, nhiễu cản ra -đa trên không và trên mặt đất), có tên lửa “nhử mồi” đánh lạc hướng tên lửa của ta, có cả vũ khí bắn trả máy bay Mic khi vào tấn công chúng… Đây là loại máy bay hiện đại nhất của Mỹ lúc bấy giờ. Chúng lại đánh vào ban đêm để hạn chế tối đa khả năng phát hiện của phi công ta. Hỗ trợ cho B-52 là nhiều tốp máy bay khác bay trước, bay sau, bay hai bên, vừa đánh các sân bay của ta, vừa tiêm kích chặn trên đường khi máy bay ta tiếp cận B-52, vừa gây nhiễu điện tử để bịt mắt dẫn đường của ra -đa và thông tin liên lạc của ta. Trong khi Không quân Việt Nam chỉ có một phi đội đánh đêm với 10 phi công vừa được huấn luyện cấp tốc bên Liên Xô về. Mig-21 tuy tính năng cơ động tốt, nhưng thiết bị tác chiến điện tử, nhất là ra -đa phát hiện mục tiêu trên không kém hơn rất nhiều so với B-52; phương tiện dẫn đường hạn chế, địa hình lại hẹp, sân bay chủ yếu bảo đảm cất được cánh, còn hạ cánh rất khó khăn nguy hiểm, nhất là hạ cánh ban đêm thì vô cùng khó khăn… Tóm lại, xét thuần túy về mặt trang bị kỹ thuật thì máy bay của ta không đánh được B.52. Vậy mà trong 2 đêm 27 và 28-12-1972, Không quân Việt Nam đã tiêu diệt được 2 máy bay B-52. Đêm 28, phi công Vũ Xuân Thiều tiếp cận B-52 bắn rất gần và quả cảm lao cả máy bay vào tiêu diệt B-52 (Đêm 27, đồng chí Phạm Tuân bắn cháy B-52 và trở về mặt đất an toàn – N.V).

“Vượt không”

Đó là kết quả của những đợt luyện tập “có một không hai” của Không quân Việt Nam, nhất là đội ngũ phi công. Thật khó mà kể hết những đợt luyện tập đặc biệt ấy. Chúng tôi nghĩ cần viết lại thành sách thật tỉ mỉ để truyền lại cho con cháu mai sau. ở đây, tôi chỉ xin nêu một số hoàn cảnh luyện tập và một số trận đánh.

Luyện tập bắn B-52 lúc đó với mỗi phi công đều là niềm ao ước được bay nhiều, bay những bài tập khó, mong được trực ban, được xuất kích nhiều để rèn luyện. Chúng tôi bay ở những đường băng ngắn hẹp, cất cánh luyện tập mang cả tên lửa bổ trợ để vào chiến đấu có thể cất cánh ở những bãi đất có cự ly ngắn; tập đánh chặn bằng mắt, không dùng ra -đa, hay bay theo vệt khói máy bay vận tải… tất cả thực hiện trong điều kiện ban đêm. Nhiều bài tập vượt ra ngoài quy chuẩn an toàn quy định cho mỗi loại máy bay, nhưng chúng tôi đã bay, bay tốt và đặc biệt phi đội bay đêm không hề xảy ra tai nạn trong huấn luyện. Ngày 12-4-1972, khi có dấu hiệu B-52 vào Hà Nội, phi công Vũ Đình Rạng đã được lệnh cất cánh trong điều kiện miền Bắc thời tiết rất xấu, mây thấp, tầm nhìn gần như bằng không. Sau khi xuất kích không gặp địch, đồng chí Rạng về sân bay nhiều lần bay xuống nhưng không thấy đường băng, hết dầu phải nhảy dù. Nhiều phi công được giao nhiệm vụ bay vào Bắc Trường Sơn để đánh, đuổi B-52. Có thời gian được giao nhiệm vụ đi sâu vào Tây Trường Sơn, bay hết dầu đành phải nhảy dù ở bất cứ nơi nào.

Phi công Hoàng Biểu một lần bay vào chi viện cho chiến trường, bay về gặp thời tiết xấu, hết dầu phải nhảy dù ở khu vực Yên Thành, Nghệ An. Khi thảo luận về cách đánh B-52, hầu hết các phi công đều thể hiện ý chí quyết tâm, sẵn sàng nhận nhiệm vụ vô điều kiện. Lúc đó, nhiều đồng chí còn thể hiện quyết tâm nếu bắn hết 2 tên lửa được trang bị vẫn không rơi, sẵn sàng đâm máy bay vào làm quả tên lửa thứ 3 để tiêu diệt B-52. Thực tế, phi công Nguyễn Tiến Sâm bắn gần máy bay lao qua điểm nổ bị tắt máy. Anh bình tĩnh mở máy lại, để trở về. Còn đêm 18-12-1972, địch huy động gần 50 lượt /chiếc B-52 đánh phá vào Hà Nội theo nhiều hướng. Trước khi B-52 vào đến mục tiêu, tất cả các sân bay của miền Bắc đều bị F-111 đánh bom, nhiều trạm ra -đa dẫn đường bị chế áp bằng tên lửa không đối đất, phi công ta cất cánh từ 3 sân bay Hòa Lạc, Vĩnh Phúc và Gia Lâm trong điều kiện đường băng đã bị trúng bom của địch. Vượt ra ngoài hỏa lực phòng không Hà Nội, tránh các tốp F-4, phi công phát hiện B-52 qua đèn dạ hàng, khi bật ra -đa tăng lực vào công kích thì lộ mục tiêu, B-52 tắt đèn cơ động để F-4 công kích. Các phi công của ta phải cơ động tránh tên lửa địch, đến khi cạn dầu phải về hạ cánh trong điều kiện sân bay bị đánh bom, không đèn chiếu sáng, không có chỉ huy, cả 3 máy bay đều hỏng. Trong đó 2 chiếc gãy càng, 1 chiếc lật ngửa nhưng may mắn phi công an toàn tiếp tục làm nhiệm vụ chiến đấu. Còn phi công Vũ Xuân Thiều, như trên đã nói, đêm 28-12 đã bay lên bám sát máy bay địch, bắn rất gần, đồng thời đâm vào B-52 để tiêu diệt chúng.

Động lực

Thực ra thời kỳ đó, các phi công chúng tôi còn rất trẻ, đa số là học sinh phổ thông vào Trường Không quân của Liên Xô học, sau 2 năm tốt nghiệp về nước là bước ngay vào chiến đấu, nên hiểu về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về giai cấp, đấu tranh giai cấp… còn rất sơ đẳng.

Nhưng qua mỗi lần học tập, sinh hoạt chính trị về truyền thống đánh giặc của các thế hệ đi trước lại thấm dần vào mỗi người chúng tôi, khơi dậy tinh thần yêu nước, thôi thúc phải quyết tâm chiến đấu để không hổ thẹn với lớp lớp cha anh đi trước. Đặc biệt, chúng tôi được Đảng, Bác Hồ dành cho sự quan tâm lớn lao. Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều lần đến thăm, trực tiếp động viên và giao nhiệm vụ. Lần chúng tôi mới về nước, khi đến thăm Bộ đội Không quân, Bác dặn “cac chú phải mở màn trận trên không thắng lợi”. Lần khác, Bác lại dặn “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-52, B-57 hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”.

Bộ đội Phòng không -Không quân nhớ mãi hình ảnh Bác Hồ đến thăm các đơn vị, gặp gỡ phi công bắn rơi máy bay Mỹ, trao tặng huy hiệu của Người. Thậm chí, Bác còn gọi những phi công có thành tích đến ăn cơm cùng Bác; không ăn cơm thì Bác cho kẹo. Một lần, tại hội trường Quân chủng, Bác bắt tay Anh hùng Nguyễn Văn Cốc (phi công bắn rơi nhiều máy bay Mỹ). Bác nói: “Bác mong cho Không quân có thêm nhiều Cốc hơn nữa”. Phải nói rằng, tình cảm cách mạng, những lời chỉ bảo, dặn dò, những cử chỉ chăm sóc ân cần, chu đáo của Bác là nguồn sức mạnh to lớn giúp chúng tôi vượt lên mọi khó khăn và vững niềm tin chiến thắng.

Chúng tôi hiểu rằng, nếu Bộ đội PK -KQ không bắn rơi B-52 trong chiến dịch quan trọng này thì sự hy sinh, mất mát của Tổ quốc sẽ là rất lớn; nó đe dọa sự mất còn của đất nước, của chế độ; cuộc đấu tranh thống nhất đất nước sẽ phải gian khổ hy sinh hơn nhiều…

Sức mạnh

Có thể nói sức mạnh làm nên chiến thắng của chúng ta, trong đó có Bộ đội Không quân chính là kết tinh của truyền thống Việt Nam, văn hóa Việt Nam, là tinh thần và ý chí của dân tộc Việt Nam được tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh vĩ đại với con người, kết hợp giác ngộ chính trị, tình cảm chính trị và hành vi chính trị sẽ trở nên thông minh và sáng tạo để phản ứng linh hoạt trong những lúc khó khăn, nhất là trong những sự kiện lớn, những bước ngoặt, những thời cơ của đất nước, của xã hội; lại được sự giúp đỡ, chi viện to lớn có hiệu quả của bầu bạn anh em, nhất là Liên Xô và Trung Quốc. Đặc biệt những lời căn dặn, tiên đoán thiên tài của Bác Hồ là động lực to lớn, niềm tin để Không quân nhân dân Việt Nam vượt lên muôn vàn gian khó giành chiến thắng.

Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Tuân (*)

Huy Thiêm (lược ghi)

(*)Nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.
qdnd.vn