Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”
QĐND Online – Cách đây 40 năm (12-1972), đế quốc Mỹ đã mở đầu cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh, thành phố lớn trên hậu phương miền Bắc, hòng giành lợi thế trên bàn đàm phán Pa-ri. Song, với ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân, dân miền Bắc, mà nòng cốt là lực lượng PK-KQ, cuộc tập kích chiến lược của Mỹ đã bị thất bại thảm hại.
Phóng viên Báo QĐND Online đã phỏng vấn Trung tướng Phương Minh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ, xoay quanh sự kiện lịch sử này…
Phóng viên (PV): Thưa Trung tướng Phương Minh Hòa, sau 40 năm nhìn lại, đồng chí đánh giá như thế nào về Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”?
Trung tướng Phương Minh Hòa: Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 là biểu tượng rực rỡ về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; là biểu tượng cho sức mạnh chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Có thể khẳng định, đây là một trận quyết chiến chiến lược mang đầy đủ nhân tố của một chiến dịch lớn.
Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, quân sự, ngoại giao; góp phần thúc đẩy cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi “đánh cho Mỹ cút”, tạo cơ sở để chúng ta “đánh cho ngụy nhào”, tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Trung tướng Phương Minh Hòa. Ảnh: Hoàng Hà
PV: Có nhiều nhân tố làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, theo đồng chí, đâu là những nhân tố quyết định?
Trung tướng Phương Minh Hòa: Trước hết phải khẳng định, Chiến thắng đó bắt nguồn từ tầm nhìn xa trông rộng và sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiến thắng đó còn là kết quả từ sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.
Để đối phó với cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 của đế quốc Mỹ, quân và dân miền Bắc, mà nòng cốt là Quân chủng PK-KQ đã có bước chuẩn bị sớm, đầy chủ động và sáng tạo. Đây cũng là một trong những nhân tố quyết định đối với Chiến thắng lịch sử này.
Bước vào Chiến dịch, không sợ hy sinh, gian khổ, quân và dân Thủ đô đã sát cánh chiến đấu. Ngoài lực lượng nòng cốt là bộ đội PK-KQ, Chiến dịch còn có sự tham gia tích cực của lực lượng công an nhân dân, dân quân tự vệ, các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, đài phát thanh và nhân dân các địa phương trên toàn miền Bắc…Nhờ đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng suốt như vậy, chúng ta đã làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.
PV: Trung tướng có thể nói rõ hơn về công tác chuẩn bị của bộ đội PK-KQ cho Chiến dịch này?
Trung tướng Phương Minh Hòa: Bộ đội PK-KQ đã sớm có “Kế hoạch tác chiến đánh trả cuộc tập kích bằng B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng”; nghiên cứu, biên soạn các tài liệu hướng dẫn cách đánh máy bay B-52, tiêu biểu là cuốn “Cẩm nang bìa đỏ” của Bộ đội Tên lửa.
Công tác chuẩn bị về mọi mặt (tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật) đã được Quân chủng PK-KQ tiến hành hết sức khẩn trương. Quân chủng tập trung điều chỉnh lực lượng, đội hình chiến đấu; triển khai sở chỉ huy dự bị ở các cấp; phán đoán hướng tấn công chủ yếu để bố trí lực lượng phù hợp; nghiên cứu phương pháp dẫn dắt máy bay tiêm kích của ta tiếp cận đội hình B-52 để tiêu diệt; phương pháp tìm kiếm tín hiệu máy bay B-52 trong dải nhiễu, lựa chọn thời cơ, phương pháp bắn và cự ly phóng tên lửa.
Cùng với đó, hoạt động Công tác Đảng, Công tác chính trị tập trung giáo dục, quán triệt cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù và nhiệm vụ của Quân chủng, xây dựng ý chí quyết tâm dám đánh, quyết đánh và quyết thắng.
Bộ đội không quân tổ chức huấn luyện trên máy bay SU-30. Ảnh: Hoàng Hà
PV: Còn sự hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng trong Chiến dịch ra sao, thưa đồng chí?
Trung tướng Phương Minh Hòa: Trong cuộc chiến đấu 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, chúng ta đã rất thành công trong việc xây dựng thế trận cài xen kẽ trong chiến đấu phòng không, hình thành 3 cụm phòng không chiến dịch; chủ động chuyển hóa thế trận, điều chỉnh vị trí chiến đấu của một số đơn vị tên lửa phòng không; thay đổi sân bay cất cánh để không quân ta đánh từ xa, làm cho địch bị động, bất ngờ. Trong Chiến dịch, chúng ta đã phát huy cao độ khả năng tác chiến của lực lượng phòng không 3 thứ quân, tạo nên hệ thống hỏa lực phòng không rộng khắp, dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp, hoạt động nhịp nhàng. Nhờ vậy, ta có thể đánh địch liên tục từ xa đến gần; đánh địch ở mọi độ cao; vừa đánh trực diện, vừa đánh phía sau, bên sườn, bảo đảm chiến đấu thắng lợi suốt toàn bộ Chiến dịch.
Kết thúc Chiến dịch, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 máy B-52 và 5 chiếc F-111. Riêng Quân chủng PK-KQ bắn rơi 53 chiếc, có 32 chiếc B-52 (trong đó có 16 chiếc rơi tại chỗ).
PV: Thưa đồng chí Tư lệnh, Quân chủng PK-KQ đã có những chủ trương, biện pháp gì để xây dựng lực lượng ngày càng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” và đáp ứng tốt yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới?
Trung tướng Phương Minh Hòa: Nhằm xây dựng Quân chủng PK-KQ “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, trong những năm qua, bộ đội PK-KQ tiếp tục được đầu tư mua sắm một số loại vũ khí, trang bị mới, hiện đại; đồng thời cải tiến, hiện đại hóa một số vũ khí, trang bị hiện có. Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục chấn chỉnh tổ chức biên chế, điều chuyển lực lượng; tiếp nhận, huấn luyện chuyển loại, đào tạo, đào tạo lại cán bộ; đầu tư nâng cấp một số công trình sân bay, công trình chiến đấu…
Trong tình hình mới, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc rất nặng nề, phức tạp. Do vậy, trước hết phải xây dựng được nhân tố chính trị tinh thần để mọi cán bộ, chiến sĩ có tinh thần quyết tâm dám đánh, biết đánh và đánh thắng địch trong mọi điều kiện hoàn cảnh. Đặc biệt, trong chiến tranh hiện đại, việc sử dụng vũ khí công nghệ cao sẽ trở nên phổ biến, vì thế việc chuẩn bị trước các nhân tố về chính trị tinh thần, ý chí quyết tâm là việc làm hết sức cần thiết.
Tên lửa S-300 của Quân chủng PK-KQ luyện tập đánh địch đột nhập đường không. Ảnh: Hoàng Hà
Một yêu cầu hết sức quan trọng khác, đó là phải phát triển nghệ thuật tác chiến PK-KQ đáp ứng yêu cầu bảo vệ vùng trời trong điều kiện mới. Nếu chiến tranh xảy ra, kẻ địch sẽ dùng phương thức tiến hành với nhiều âm mưu, thủ đoạn tác chiến mới, đòi hỏi bộ đội PK-KQ phải có cách đánh phù hợp, mưu trí, sáng tạo, tích cực chuẩn bị nhiều biện pháp đối phó với tác chiến điện tử của địch. Phải phát huy mọi lực lượng để đánh từ xa đến gần, tiêu diệt các phương tiện mang phóng vũ khí công nghệ cao của địch và bảo toàn lực lượng của ta.
Cùng với đó, bộ đội PK-KQ phải tiếp tục đẩy mạnh huấn luyện, nhằm sử dụng có hiệu quả vũ khí, trang bị hiện có; cơ động chuyển hóa thế trận linh hoạt, bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài và nâng cao hiệu suất chiến đấu. Quân chủng PK-KQ cũng sẽ tiếp tục trang bị bổ sung, cải tiến, nâng cấp các loại vũ khí có trong biên chế, nhất là các loại tên lửa, máy bay, ra-đa, pháo cao xạ mới…nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
PHẠM HOÀNG HÀ (thực hiện)
qdnd.vn