Nhân dịp kỷ niệm 66 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2113), sáng ngày 17/7/2013, Đoàn đại biểu Người có công với cách mạng tiêu biểu tỉnh Hà Nam đã ra thăm Thủ đô Hà Nội và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tag Archive | Ngày thương binh liệt sĩ
Đoàn đại biểu Người có công với cách mạng tỉnh Nam Định vào Lăng viếng Bác
Nhân dịp kỷ niệm 66 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2013), sáng ngày 10/7/2013, Đoàn đại biểu Người có công với cách mạng tỉnh Nam Định đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan Khu Di tích lịch sử K9 – Đá Chông.
Tấm lòng của Bác Hồ đối với thương binh, liệt sỹ
Tổ quốc ta suốt chiều dài hơn bốn ngàn năm là lịch sử chống giặc ngoại xâm, trong đó ghi dấu công lao của những người con nước Việt đem xương máu bảo vệ độc lập. Lịch sử đó đã hun đúc nên đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”…
Sáng ngời tư tưởng Hồ Chí Minh về đền ơn đáp nghĩa
(Chinhphu.vn) – Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho thương binh, bệnh binh và thân nhân các liệt sĩ tình cảm và sự quan tâm sâu sắc.
Từ tấm lòng của Bác nghĩ về việc “đền ơn, đáp nghĩa” hôm nay
Kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2012)
QĐND – Mùa hè, Bác Hồ không dùng quạt máy nhiều mà vẫn quen dùng quạt tay (quạt giấy, quạt lá cọ). Đôi khi trời oi ả, thấy Bác làm việc vầng trán lấm tấm mồ hôi, anh em phục vụ bảo nhau quạt cho Bác nhưng Bác bảo Bác tự lo được. Mấy đồng chí bên Bộ Ngoại giao công tác ở nước ngoài gửi biếu Bác chiếc máy điều hòa nhiệt độ. Lúc này ở nước ta chưa cơ quan nào có máy điều hòa nhiệt độ, cán bộ ở Phủ Chủ tịch cũng mới được nghe, nay mới mắt thấy. Ai cũng mừng, từ nay Bác không còn phải phe phẩy cái quạt nữa. Bác đi công tác một tuần nữa mới về, các anh phục vụ quyết định lắp máy điều hòa vào phòng Bác, khi Bác về sẽ xin phép sau. Máy được lắp gọn gàng trong phòng làm việc của Bác, khi chạy thử, cầu dao điện vừa đóng, tiếng máy chạy ro ro. Ít phút sau nhiệt độ giảm dần, trong phòng Bác mát như đã cuối thu. Máy rất hiện đại, trong máy gắn thêm một bình bơm tự động có nước hoa, khi máy vận hành, van mở, nước hoa theo gió tỏa ra, trong phòng lúc nào cũng phảng phất mùi thơm, như hoa lan, hoa huệ vậy. Vắng Bác mấy ngày, anh em phục vụ hưởng cái mát trong phòng kín 24, 25 độ, trong khi bên ngoài 36, 37 độ, mọi người nghĩ rằng từ nay chắc chắn Bác làm việc khỏe hơn, ngủ ngon giấc hơn.
Hôm Bác về, anh em phấp phỏng, hồi hộp chờ đợi ý kiến Bác về máy điều hòa. Ban đầu, Bác thấy nhà mình có mùi lạ quá, mát dịu hẳn khác với ở bên ngoài. Anh em phục vụ xin lỗi Bác rồi trình bày lý do về máy điều hòa nhiệt độ. Không thấy Bác tỏ thái độ gì, anh em phục vụ nhìn nhau có vẻ yên tâm. Đến đầu giờ làm việc buổi chiều, Bác gọi anh Vũ Kỳ đến và ân cần bảo:
– Chiếc máy điều hòa nhiệt độ tốt đấy, các chú đem đến trại điều dưỡng thương binh. Hôm đến thăm thấy thương binh ở nóng lắm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm thương binh hỏng mắt. Ảnh tư liệu.
Bác đến trại điều dưỡng thương binh Hà Nội. Bác đến bất ngờ, không báo trước, đi thẳng vào thăm anh em thương binh nặng nằm bất động, nóng cũng phải chịu vì quạt máy không đủ gió tới mọi nơi trong nhà. Bác vừa hỏi chuyện vừa cầm chiếc quạt giấy của Bác quạt cho anh em. Bác căn dặn các đồng chí lãnh đạo phải khắc phục mọi khó khăn, cố gắng điều trị, chăm lo bồi dưỡng để thương binh sớm phục hồi sức khỏe. Bác cũng dặn anh em thương binh yên tâm điều trị, kiên trì rèn luyện “Tuy là những người tàn mà không phế”. Giờ đây trong căn phòng mát dịu dù ngoài trời nắng chang chang, ai cũng thấy thoải mái, Bác lại chạnh lòng nghĩ đến thương binh. Anh em phục vụ không ngờ Bác lại dành máy cho thương binh, còn Bác lại trở về với cái quạt giấy, quạt lá cọ.
Xin nêu mẩu chuyện trên đây về Bác Hồ đối với thương binh vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7 để thấy Bác lúc nào cũng dành sự chăm sóc cụ thể, thiết thực cho thương binh, gia đình liệt sĩ. Người nước ngoài đến thăm Việt Nam đã có nhận xét: Chỉ ở Việt Nam mới thấy nghĩa trang liệt sĩ tới cấp xã. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai chống phát xít Đức ở châu Âu, gia đình nhiều liệt sĩ nhất là một gia đình ở Liên Xô có 5 liệt sĩ. Còn ở Việt Nam, gia đình mẹ Thứ ở Điện Bàn, Quảng Nam có 9 con và 2 cháu là liệt sĩ, mẹ Rảnh ở Củ Chi, TP Hồ Chí Minh có 8 liệt sĩ. Đó là 2 bà mẹ nông dân nghèo. Ngay trong gia đình ông Nguyễn Xuân Oánh, quyền Thủ tướng chế độ cũ thời Mỹ-Thiệu (1965-1966), cha ông là bác sĩ nha khoa Nguyễn Xuân Bái, lại là cơ sở chí cốt của Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông nhận nhiệm vụ của Thành ủy tập hợp một số trí thức, nhân sĩ công khai đấu tranh đòi Mỹ phải đàm phán với Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông bị địch bắt và chúng giam ông tại khám Chí Hòa khi con ông vẫn là quyền thủ tướng. Mỗi lần cần hoạt động công khai, Thành ủy thường giao trọng trách cho ông và đã xuất hiện công khai là lại bị bắt. Tù đày nhiều, tuổi càng cao, sức yếu nhưng ông vẫn hoạt động vì có uy tín trong trí thức, nhân sĩ Sài Gòn-Chợ Lớn.
Giáo chủ Cao đài Nguyễn Ngọc Tương có hai con trai đều quốc tịch Pháp, là cán bộ cao cấp của Nhà nước ta: Kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích là Phó tư lệnh khu 9 (Nam Bộ) và kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt theo lời kêu gọi của Bác Hồ từ Pháp về nước và được cử phụ trách công binh xưởng, sửa chữa và chế tạo vũ khí, rồi là Ủy viên ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ. Hai ông bị địch bắt, riêng kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt bị địch tra tấn dã man và chúng sẵn sàng tha chết nếu giáo chủ có đơn xin cho con. Giáo chủ trả lời người quyết định là con ông. Pháp đưa vợ kỹ sư Nhựt là một phụ nữ Pháp từ Pa-ri đến phòng giam kỹ sư để vận động ông đầu hàng. Kỹ sư Nhựt vẫn đấu tranh cho đến hơi thở cuối cùng. Bác Hồ và Chính phủ đã truy tặng liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nhựt Huân chương Kháng chiến hạng nhất.
Tôi kể lại vài sự việc rất tóm tắt để chứng minh thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách gồm đủ mọi thành phần, giai cấp từ những người cùng khổ, những lao động đủ mọi ngành nghề cho đến những gia đình giàu có, kể cả một số quan chức chóp bu của chính quyền đối phương. Đảng của toàn dân, đúng như Bác Hồ đã nói: “Đảng của dân tộc”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự trường tồn của Nhà nước của dân, do dân, vì dân dựa trên những hy sinh không bờ bến, trên xương máu của mọi người Việt Nam, đông nhất là nông dân.
Ngay sau Đại thắng mùa Xuân 1975, Chính phủ tổ chức một hội nghị rất đặc biệt, chưa từng có: Hội nghị của những gia đình có bốn liệt sĩ trở lên. Hội nghị họp có một nét độc đáo: Đại biểu khá đông là các mẹ nông dân không quen ngồi ghế hàng tiếng đồng hồ, vì vậy rải chiếu để các mẹ ngồi còn ăn trầu. Hầu hết đại biểu có đủ tiêu chuẩn bốn liệt sĩ đến dự hội nghị là nông dân nghèo. Chỉ có ba gia đình chưa đủ tiêu chuẩn vẫn ưu tiên được mời đến dự là: Gia đình Lý Tự Trọng, gia đình Nguyễn Văn Trỗi và gia đình Phan Đăng Lưu, một Ủy viên Trung ương Đảng bị địch xử bắn tại Hóc Môn (Sài Gòn) năm 1940.
Hơn 25 năm đổi mới, thành tích nổi bật của Việt Nam là xóa đói giảm nghèo, hàng triệu hộ nông dân đã thoát nghèo, một số tổ chức quốc tế gợi ý các nước kém phát triển muốn thoát nghèo cần tham khảo kinh nghiệm Việt Nam. Chống đói nghèo ở bất cứ đâu, các gia đình thương binh, liệt sĩ nghèo cũng đứng đầu danh sách được sự giúp đỡ mọi mặt để có điều kiện phát triển sản xuất. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng nhà mới cho người nghèo cũng trước hết quan tâm đến nhà tình nghĩa cho các gia đình thương binh, liệt sĩ.
Kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ năm nay, trong hoàn cảnh nền kinh tế đang phải vật lộn với giá cả đắt đỏ, rất cần bám sát cơ sở để phát hiện những gia đình chính sách thiếu ăn để có biện pháp giúp đỡ.
Người thương binh đầu tiên của nước ta là Hoàng Cầm (sau này là Thượng tướng, Tổng thanh tra Quân đội). Ông tên thật là Đỗ Văn Cầm, sinh năm 1922, quê quán: Cao Sơn, Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông bị thương năm 1947, trong một trận đánh ở Đà Bắc. Khi ấy ông đã là cán bộ tiểu đoàn thuộc bộ đội Tây Tiến. Số thẻ thương binh của ông mang số 001, và sổ phụ cấp thương tật cũng mang số 001, cấp ngày 18-8-1958, do Bộ trưởng Bộ Thương binh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Vũ Đình Tụng ký. S.T. |
Thái Duy
qdnd.vn
Đời đời nhớ ơn các Anh hùng liệt sỹ
Cách mạng Tháng Tám thành công, khi chính quyền cách mạng còn non trẻ, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ, chiến tranh bùng nổ. Trong cuộc chiến đấu này, nhiều chiến sỹ, đồng bào ta đã bị thương, nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường.
Ngày 16/2/1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sỹ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sỹ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc.
Cũng trong thời gian này, tại một cuộc họp ở xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn huyện Đại Từ (Thái Nguyên), đại diện cho Đảng và Nhà nước đã chọn ngày 27 tháng 7 hàng năm là Ngày Thương binh toàn quốc.
Tháng 7 năm 1955, “Ngày Thương binh” được đổi thành “Ngày Thương binh – Liệt sỹ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sỹ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hàng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh – Liệt sỹ” của cả nước.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến thương binh, liệt sỹ.
Bác Hồ viếng nghĩa trang liệt sỹ
Đã 65 năm trôi qua kể từ Ngày Thương binh – Liệt sỹ đầu tiên ấy, mỗi năm cứ đến ngày 27 tháng 7, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước lại tưởng nhớ đến Bác và thêm tự hào về bước phát triển của công tác thương binh, liệt sỹ theo tư tưởng và sự chỉ đạo của Người. Cứ đến những ngày này mỗi người dân Việt Nam lại vô cùng xúc động, tưởng nhớ đến các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh, các mẹ Việt Nam anh hùng, các thươngbinh, bệnh binh đã hy sinh xương máu của mình, tô thắm những trang sử vẻ vang của dân tộc. Trong đó có những người tuổi đời còn rất trẻ đã gạt lại phía sau những hạnh phúc riêng tư, nguyện đem thân mình dâng hiến cho Tổ quốc. Biết bao người đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ, hay để lại một phần thân thể, đã hy sinh máu xương vì lý tưởng cao đẹp, như Anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm đã viết: “Hãy giữ vững tinh thần của người cộng sản, tinh thần trong suốt như pha lê, cứng rắn như kim cương và chói lọi muôn nghìn hào quang của lòng tin tưởng …”.
Nhân dịp này Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã xây dựng Kế hoạch 1037/KH-LĐTBXH, tiếp tục đẩy mạnh công tác đền ơn đáp nghĩa với Người có công và thân nhân của họ, tuyên truyền sâu rộng và tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi Người có công với cách mạng; giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” cho thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các Bộ, Ban , ngành, đoàn thể Trung ương, các cấp ủy chính quyền địa phương; các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội tổ chức thực hiện các hoạt động thiết thực cụ thể để tất cả Người có công và nhân thân của họ đều được quan tâm, chăm sóc, ổn định về vật chất, động viên về tinh thần.
Tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị biểu dương Người có công với cách mạng, tham dự Hội nghị gồm có các cấp lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các vị lão thành cánh mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và gần 400 đại biểu là thương binh, thân nhân liệt sỹ và người có công tiêu biểu đại diện cho gần 8,8 triệu người có công với cách mạng trên cả nước. Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay đối tượng Người có công có khoảng 8,8 triệu người (chiếm gần 10% dân số). Bên cạnh chế độ trợ cấp ưu đãi của Nhà nước, các hoạt động chăm sóc đời sống người có công cũng được duy trì thường xuyên. Hầu hết, người có công và thân nhân của họ đã được hưởng các chế độ ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong giáo dục, đào tạo và dạy nghề, tạo việc làm…Hàng vạn người có công được vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để phát triển sản xuất; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương bệnh binh và người có công, tạo điều kiện cho con, em của họ có việc làm, tăng thu nhập ổn định cuộc sống…Hệ thống cơ sở sự nghiệp phục vụ thương binh, thân nhân liệt sỹ và người có công bao gồm: các cơ sở nuôi dưỡng thương bệnh binh nặng, điều dưỡng luân phiên, các trung tâm chỉnh hình, phục hồi chức năng, sản xuất dụng cụ chỉnh hình đã có những hình thức quản lý hoạt động hiệu quả hơn, năng động hơn. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, đền đài liệt sỹ cũng được Nhà nước và toàn xã hội chăm lo. Cả nước hiện có gần 7.000 các công trình ghi công liệt sỹ, trong đó có 237 Đài tưởng niệm liệt sỹ, 3.540 Nhà bia ghi tên liệt sỹ và 3.077 Nghĩa trang liệt sỹ với tổng số trên 780.000 mộ, trong đó 630.000 mộ có đầy đủ thông tin và khoảng 303.000 mộ còn thiếu thông tin, hơn 208.000 hài cốt liệt sỹ chưa phát hiện, quy tập được. Nhiều công trình ghi công liệt sỹ trở thành công trình lịch sử – văn hóa, như: Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn (là nơi quy tụ hơn 10.333 phần mộ của các liệt sỹ, có tổng diện tích 140.000m2); Nghĩa trang Điện Biên Phủ; Nghĩa trang Đường 9, Đền liệt sỹ Bến Dược, Đài tưởng niệm liệt sỹ Thái Nguyên; Khu di tích kỷ niệm 10 cô gái ở Ngã Ba Đồng Lộc… đặc biệt phải kể đến như Thành cổ Quảng Trị chỉ trong vòng 81 ngày, Mỹ – ngụy đã ném xuống đây gần 330.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945. Riêng ngày 25 tháng 7, chúng xả vào Thành Cổ hơn 5000 quả đại bác. Nhưng với tinh thần chiến đấu kiên cường quân và dân ta đã đánh địch bật ra khỏi Thành Cổ. Nơi đây là nghĩa trang duy nhất của Việt Nam chỉ có một nấm mồ chung, một nấm mồ tượng trưng. Những nơi này đã chở thành một tượng đài kỷ niệm chiến tranh bất diệt,một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước và là điểm thu hút hấp dẫn khách tham quan trong nước và bè bạn quốc tế.
Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của cả nước ngày càng thu hút được đông đảo các tấm lòng hảo tâm quan tâm đóng góp. Chỉ tính riêng từ năm 2007 đến nay, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cả nước đã vận động được 1.263 tỷ đồng (riêng năm 2007, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ, cả nước đã vận động được 242 tỷ đồng), trong đó Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” Trung ương đạt 17,5 tỷ đồng.
Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo trong toàn Đoàn và ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Tuần “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” (từ ngày 20 tháng7 đến ngày 27 tháng 7). Các cấp bộ Đoàn và ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tập trung tổ chức các hoạt động tuyên truyền về ý nghĩa ngày 27 tháng 7; chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; động viên, thăm hỏi, tặng quà, khám sức khỏe thương bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng; tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường, tu sửa, chỉnh trang, tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp tại các nghĩa trang, tượng đài liệt sỹ, các di tích lịch sử văn hóa; tổ chức các hoạt động của tuổi trẻ giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Theo báo cáo đăng ký của các địa phương, tính đến thời điểm này, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức 33.216 hoạt động giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sỹ; tổ chức thắp nến tri ân tại 2.098 nghĩa trang liệt sỹ với trên 800.000 ngôi mộ của các Anh hùng liệt sỹ; tổ chức trên 569.000 ngày công làm đẹp các nghĩa trang và công trình Tổ quốc ghi công các Anh hùng liệt sỹ… thu hút hơn 1 triệu đoàn viên thanh niên, sinh viên tham gia.
Tối ngày 20 tháng 7, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã dâng hương, hoa tại Đài tưởng niệm Trung tâm Thành cổ và làm lễ thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc trong chiến dịch bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị 81 ngày đêm năm 1972. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh và thân nhân các gia đình liệt sỹ.
Thắp hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh Internet
Trong những ngày tháng 7 tri ân này, các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có những hoạt động tích cực hưởng ứng Kế Hoạch 1037/KH-LĐTBXH, tiếp tục đẩy mạnh công tác đền ơn đáp nghĩa với Người có công và thân nhân của họ, tuyên truyền sâu rộng và tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi Người có công với cách mạng; giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” cho các cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ trong đơn vị. Ban Quản lý Lăng đã xây dựng Kế hoạch 1898/KH-TM về phục vụ lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ. Lãnh đạo Ban và tập thể cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ đã có những hoạt động thiết thực như: động viên, thăm hỏi, tặng quà, thương bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng; Tham gia khởi công xây dựng nhà tình nghĩa ở Phú Thọ, Sầm Sơn; Dự lễ cầu siêu các Anh hùng liệt sỹ ở Thành cổ Quảng Trị; ngày 26 tháng 7 Lãnh đạo Ban và tập thể cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Ban Quản lý Lăng đã dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và vào Lăng viếng Bác; Thăm gia đình chính sách ở tỉnh Thái Bình; các đoàn viên thanh niên Đoàn 285 đã đến thăm hỏi và tặng quà Mẹ Việt nam anh hùng trên địa bàn; tập trung trang trí, làm đẹp khu vực Lăng và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ; phục vụ công tác đón tiếp các Đoàn chính sách, Đoàn Người có công của các địa phương, các tổ chức xã hội về báo công dâng Bác và đặt hoa tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ.
65 năm qua, hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách tôn vinh, ưu đãi, chăm sóc người có công ngày càng được hoàn thiện. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; xây dựng, tu bổ nghĩa trang, đền, đài liệt sỹ được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn chăm lo. Hệ thống cơ sở vật chất cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công ngày càng được tăng cường. Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước, diện người có công được mở rộng, chế độ chăm sóc, ưu đãi được nâng lên dần. Đến nay, hầu hết những người có công và thân nhân, con em người có công đã được hưởng các ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục – đào tạo, giải quyết việc làm, cải thiện về nhà ở. Các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa,” chăm sóc người có công đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, hết sức phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hoá trong đời sống xã hội./.
Kim Yến
bqllang.gov.vn
“Luôn luôn tưởng nhớ đến thương binh, liệt sỹ”
Cho đến nay, hàng năm, ngày 27 tháng 7 được coi là “Ngày Thương binh – Liệt sỹ”. Đạo lý tôn thờ những người chết vì nước đã được tôn vinh ngay từ những ngày đầu nước nhà độc lập.
Đầu tháng 11 năm 1945, nhân một số chiến sỹ và đồng bào bị giặc Pháp giết chết, những cuộc Lễ truy điệu đã được tổ chức trọng thể với sự tham dự của nhiều tôn giáo. Lễ tổ chức được kỷ niệm trang trọng tại Nhà Hát Lớn Hà Nội (ảnh 1), có sự tham dự của giới Phật tử (ảnh 2), Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân đến dự Lễ cầu siêu tại Nhà Hát Lớn Hà Nội cùng cố vấn Vĩnh Thụy (cựu hoàng Bảo Đại) (ảnh 3).
Ngày 30/4/1946, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo việc được “Hội giúp binh sỹ bị nạn” tại Huế mời ra làm Chủ tịch Danh dự và các Bộ trưởng làm Hội viên Danh dự và đề nghị Chính phủ nên đáp lại bằng việc ra thông tư cho các địa phương nên có hình thức tỏ lòng biết ơn đối với các chiến sỹ …
Ngày 27/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Ban thường trực của Ban Tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc” nêu rõ: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sỹ mà ngày nay một số đã thành thương binh. Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc…Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy…”.
Thư nhấn mạnh: “Ngày 27 tháng 7 là một dịp để cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh” và đưa ra một số sáng kiến thiết thực trong “Ngày Thương binh”, đồng thời “tôi xin xung phong gửi chiếc áo lót bằng lụa chị em phụ nữ gửi tặng, 1 tháng lương, 1 bữa ăn của tôi cùng 1 bữa ăn của các nhân viên Phủ Chủ tịch cộng lại là 1.127đồng”.
Từ năm 1948 Ngày Thương binh – Liệt sỹ được tổ chức vào ngày 27 tháng 7 và trở thành một cuộc vận động chính trị sâu rộng. Tháng 7 năm ấy, Bác viết thư gửi “Anh em thương và bệnh binh”.
Với anh em thương và bệnh binh, Bác chia sẻ: “Các đồng chí đã hy sinh một phần xương máu vì Tổ quốc… Các đồng chí không khỏi phân vân. Nhưng không, các đồng chí nên một mặt nuôi lại sức khoẻ, một mặt cố gắng học tập. Khi đã khôi phục sức khoẻ, các đồng chí sẽ hăng hái tham gia công tác tăng gia sản xuất, để giúp ích cho Tổ quốc, cũng như các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sỹ kiểu mẫu ngoài mặt trận. Tôi cùng đồng bào luôn luôn nhớ đến các đồng chí”.
Ngày 27/7/1950, tại chiến khu Việt Bắc, Bác lại viết thư gửi Ban Tổ chức Trung ương Ngày Thương binh – Liệt sỹ trong đó có đoạn: “Càng tưởng nhớ đến những người con dũng cảm của Tổ quốc, thì mọi người càng thêm hăng hái thi đua làm trọn nhiệm vụ tổng động viên, để chuẩn bị đầy đủ, để chuyển mạnh sang tổng phản công, để tranh lại độc lập và thống nhất cho Tổ quốc. Mà cũng để trả thù cho thương binh và liệt sỹ ta”.
Ngày 27/7/1952, đúng vào Ngày Thương binh – Liệt sỹ, Bác gửi điện tới Bộ trưởng Bộ Thương binh và Cựu binh nhờ chuyển một tháng lương ủng hộ, nhắc nhở đồng bào nên coi việc giúp đỡ thương binh “là một nghĩa vụ của nhân dân đối với những chiến sỹ bị thương bị bệnh, không nên coi đó là một việc “làm phúc”. Đồng thời cũng khuyên anh em thương binh “phải tránh tâm lý “công thần”, coi thường lao động, coi thường kỷ luật”…
Ngày 28/7/1954, Bác viết thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh biểu dương những sáng kiến và một số tấm gương trong phong trào chăm sóc các đối tượng có công cũng như những thương binh gương mẫu.
Đồng thời, thư cũng khuyên “các thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ thì cần phải biết ơn sự săn sóc của đồng bào; cần phải cố gắng tăng gia sản xuất, tự lực cánh sinh, tuỳ theo khả năng mà tham gia các công tác trong xã, chớ nên yêu cầu quá đáng, ra vẻ “công thần” và như thường lệ gửi một tháng lương của mình để làm quà cho thương bệnh binh.
Ngày 27/7/1956, cũng nhân “Ngày Thương binh – Liệt sỹ”, Bác gửi thư không chỉ động viên toàn xã hội quan tâm mà còn “nhắc nhở anh em thương binh, bệnh binh: Đã là quân nhân cách mạng thì bao giờ cũng phải là chiến sỹ anh dũng. Khi ở Trại thì anh em nên thi đua học tập và công tác. Lúc ra Trại, thì nên hăng hái tham gia công tác sản xuất ở địa phương, ở cơ quan”.
Theo http://bee.net.vn
Thu Hiền (st)
Kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2012)
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8 tháng 7 năm 1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hàng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” của cả nước.
Gần 4 thập niên đã trôi qua kể từ ngày hoà bình thống nhất đất nước song những đau thương mất mát mà chiến tranh để lại vẫn không gì bù đắp được. Chúng ta mãi mãi biết ơn những người đã hy sinh, đã bỏ lại một phần xương máu của mình nơi chiến trường và mang thương tật không thể chữa lành của chiến tranh. Cứ đến ngày 27 tháng 7 hàng năm, đồng bào cả nước có dịp tưởng nhớ những người con của dân tộc đã chiến đấu quên mình vì nền độc lập của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Khi chính quyền cách mạng còn non trẻ, thực dân Pháp âm mưu xâm lược nước ta. Trong cuộc chiến đấu này, nhiều chiến sỹ, đồng bào ta đã bị thương, nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, “không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, quân dân ta đã anh dũng chiến đấu, đánh đuổi bọn xâm lược. Ngày 19/12/1946, Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, chiến tranh bùng nổ, số người bị thương và hy sinh tăng lên. Đời sống của đồng bào và chiến sỹ gặp nhiều khó khăn thiếu thốn. Trong tình hình ấy, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng về công tác thương binh, liệt sĩ, góp phần đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến.
Tháng 6 năm 1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Tổng hội Phụ nữ cứu quốc, Cục chính trị quân đội Quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền một số địa phương đã họp tại Đại Từ – Thái Nguyên. Nội dung cuộc họp là thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ tịch chọn ngày kỷ niệm thương binh, liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh, liệt sĩ, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ”Ngày Thương binh toàn quốc”, là dịp để cán bộ, chiến sỹ và nhân dân cả nước dành những tình cảm thiêng liêng nhất để tưởng nhớ, biết ơn những thương binh, liệt sĩ đã hy sinh xương máu của mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, để cho mỗi chúng ta có được cuộc sống thanh bình và hạnh phúc ngày hôm nay. Ngày 27-7-1947, một cuộc mít tinh quan trọng đã được diễn ra tại Thái Nguyên (có trên 2.000 người tham gia). Tại đây Ban Tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Hồ Chủ tịch. Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Từ năm 1947, ngày Thương binh được tổ chức thường kỳ hàng năm. Năm nào vào dịp này, Hồ Chủ tịch cũng có thư và quà gửi anh chị em thương binh và các gia đình liệt sĩ. Tháng 7 năm 1954 sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đảng và Nhà nước ta càng đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề chiến sỹ, gia đình liệt sĩ và công tác thương binh. Và từ năm 1955, ngày 27-7, Ngày Thương binh được đổi thành ngày Thương binh – Liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sỹ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.
Từ năm 1970, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quyết định lấy ngày 01 tháng 12 hàng năm làm “Ngày Thương binh – Liệt sĩ”. Theo đó, hàng năm đến ngày 01 tháng 12, cùng với việc cử các Đoàn đại biểu đến tặng quà, úy lạo thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đều có thư động viên, thăm hỏi thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và nhắc nhở quân dân các địa phương quan tâm, săn sóc, giúp đỡ anh, chị em. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8 tháng 7 năm 1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hàng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh – Liệt sỹ” của cả nước. Ngày 29/3/1978, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TBXH về cuộc vận động chính trị trong thương binh, gia đình liệt sĩ, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, mãi mãi xứng đáng là “người công dân kiểu mẫu” và “gia đình cách mạng gương mẫu”.
Đã 65 năm trôi qua kể từ Ngày Thương binh – Liệt sĩ đầu tiên ấy, mỗi năm cứ đến ngày 27 tháng 7, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước lại tưởng nhớ đến Bác và thêm tự hào về bước phát triển của công tác Thương binh – Liệt sĩ theo tư tưởng và sự chỉ đạo của Người.
Kim Yến
bqllang.gov.vn
Nơi phát tích Ngày Thương binh toàn quốc
Khu Di tích “ Nơi công bố Ngày Thương binh – Liệt sỹ toàn quốc” tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ có một Cây đa cổ thụ, tốt tươi, được mọi người gọi là “Cây đa 27 tháng 7”.
Khu Di tích 27 tháng 7, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ,
nơi công bố Ngày Thương binh – Liệt sỹ toàn quốc 27/7/1947
Sau khi sáng lập “Hội giúp binh sỹ bị nạn” do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự, Người phát động toàn dân tham gia hưởng ứng phong trào “Mùa đông binh sỹ”. Giữa bộn bề công việc lãnh đạo phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp lên Việt Bắc, tổ chức kháng chiến toàn dân, toàn diện suốt từ Bắc chí Nam… Bác Hồ cùng Trung ương vẫn có chủ trương, chính sách chăm lo đến thương binh, gia đình liệt sỹ. Chính phủ ban hành chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sỹ, “ưu đãi các chiến sỹ bị thương và gia đình liệt sỹ”. Ngày 10/7/1947, cơ quan Thương binh và cựu binh, sau đổi là Bộ Thương binh được thành lập. Tháng 6 năm 1947, từ Phủ Chủ tịch đầu tiên ở “Thủ đô gió ngàn” tại đồi Khau Tý, ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với Chính phủ chọn một ngày trong năm là “Ngày Thương binh”.
Ông Lê Thành Ân, Trưởng ban tổ chức Ngày Thương binh – Liệt sỹ 27-7-1947
Bác Lê Thành Ân, nguyên Phó Phòng Thương binh của Cục Chính trị nhớ lại: Sau khi Ban Vận động tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc được thành lập vào khoảng 7 giờ tối một ngày đầu tháng 7 năm 1947, khoảng hai chục người trong Ban họp tại Phú Minh, xã Phú Thịnh (Đại Từ) do anh Lê Tất Đắc, Cục phó Cục Chính trị chủ trì, dự họp có anh Trần Huy Liệu (Tổng bộ Việt Minh), Hoàng Tuấn (Nha Thông tin), chị Nguyệt Tú (vợ anh Lê Quang Đạo) đại diện Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn có anh Đào Duy Kỳ… Sau khi họp bàn, thống nhất chọn ngày 27/7/1947 báo cáo lên Trung ương và Bác Hồ, anh Lê Tất Đắc cao hứng sáng tác:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Hai bảy, tháng bảy nhớ ngày Thương binh”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Ban Tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”…“Đang khi Tổ Quốc lâm nguy, giang san, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con thân thích, họ hàng ta bị đe dọa; của cải ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập; ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sỹ mà nay một số thành ra thương binh.
Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ Quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ Quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu…
Vì vậy, Tổ Quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy.
Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa, để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống giặc ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp các chiến sỹ bị thương.
Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, và tỏ lòng yêu mến thương binh.
…Luôn luôn tin vào lòng nhường cơm, sẻ áo của đồng bào ta, tôi chắc rằng “Ngày thương binh” sẽ có kết quả mỹ mãn.
Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa mà các em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127đ)
Ngày 27 tháng 7 năm 1947
Hồ Chí Minh
Bác không chỉ khởi xướng, mà còn là vị Chủ tịch – công dân đầu tiên cùng các thành viên chính phủ “tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái, yêu mến” thương binh.
Cứ mỗi độ xuân về dân các làng xã Hùng Sơn lại tụ hội chơi cờ trên sân đất rộng cỡ 1500 m2 ở xóm Bàn Cờ, bên Cây đa cổ thụ. Khoảng sân đó nay vẫn còn rộng rãi, có ba đường từ ba hướng đến sân, bên cạnh là ao và đồng lúa, cách 80 – 150m các quả đồi thoai thoải xanh tốt rất tiện cho việc tập trung bảo vệ, giữ bí mật, lại dễ thoát ra các hướng khi có máy bay giặc Pháp bắn phá. Bên cạnh có nghè Ông, thời Tiến sỹ Đồng Doãn Giai (1736) và nghè Bà, thờ công chúa Mai Hoa. Do địa thế đẹp, xung quanh các quả đồi có đơn vị bộ đội và cơ quan Trung ương đóng nên được chọn là nơi mít tinh công bố Ngày Thương binh – Liệt sỹ toàn quốc.
Lễ mít tinh công bố Ngày Thương binh – Liệt sỹ
Hồi năm 1997, ông Lê Tất Đắc cựu Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh – Xã hội, người chủ trì buổi lễ kể lại: Vào 6 giờ tối bắt đầu mít tinh, có khoảng 300 người dự, tôi thay mặt Ban Tổ chức đọc thư Bác Hồ gửi nhân “Ngày Thương binh – Liệt sỹ toàn quốc”, có đại biểu thương binh, đồng chí Lê Tỵ phát biểu, rồi bà Bá Huy (tức Nguyễn Thị Đích) Bí thư Hội Phụ nữ cứu quốc xã Lục Ba, nơi có Trại An dưỡng đường số 1 thành lập tháng 6 năm 1947 dành cho thương binh, người hăng say vận động phụ nữ giúp đỡ bộ đội, thương binh nói lên tình cảm, trách nhiệm của phụ nữ và nhân dân đối với thương binh. Sau này bà Bá Huy được Bác Hồ gửi thư khen… Buổi mít tinh kết thúc trong tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi”. Ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7/1947 trở thành ngày mà tất cả mọi người dân, cơ quan, đoàn thể trong cả nước bày tỏ tình cảm “Uống nước nhớ nguồn”, “ Đền ơn đáp nghĩa” với thương binh, gia đình liệt sỹ.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng từng “vào sống ra chết” qua các nhà tù đế quốc ở Hồng Kông, của chế độ Tưởng Giới Thạch ở Quảng Tây, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đều vượt qua với một phong thái lạc quan, ung dung tự tại. Nhưng Người bao lần không cầm được nước mắt khi mất Phùng Chí Kiên – Trưởng ban Quân sự của Trung ương, Chỉ huy Trưởng căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai, hy sinh ở Ngân Sơn (Bắc Kạn); đồng chí Hoàng Văn Thụ – Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng bị thực dân Pháp xử bắn năm 1944 ở Trường bắn Tương Mai; rồi Hoàng Văn Lộc, người bảo vệ, giúp việc Bác từ Xiêm (Thái Lan), đầu năm 1941 theo Bác về Pác Bó (Cao Bằng) mất tại Khuôn Tát (Định Hóa) 1948… Người đã biến nỗi đau thương, mất mát khơi dậy thành phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, đẩy mạnh kháng chiến, kiến quốc mau tới thắng lợi.
Bác còn gửi thư cho các cháu thiếu nhi, nhi đồng tổ chức các “Đội Trần Quốc Toản” –“Từ 5 đến 10 cháu tổ chức thành một đội, giúp nhau học hành, khi học rảnh rang, cả đội đem nhau đi giúp đồng bào. Trước thì giúp các nhà chiến sỹ, các thương binh, lần lượt giúp các nhà ít người. Thí dụ: quét nhà, gánh nước, lấy củi, xay lúa, giữ em, dạy chữ quốc ngữ…”
Tháng 7 năm 1948, Bác gửi anh em thương binh và bệnh binh lời nhắn nhủ chí tình:“Các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sỹ kiểu mẫu ngoài mặt trận”…
Vào tháng 7 năm 1953, Bác gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Thương binh, cựu binh:
“…Nhân dịp “Ngày thương binh” tôi xin gửi một tháng lương của tôi và 50 cái khăn tay do đồng bào phụ nữ Thái biếu tôi, nhờ cụ chuyển cho anh em thương binh lời chào thân ái của tôi”.
Người tích cực tham gia, khen thưởng, tổ chức nhân rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” lên tầm cao mới.
Ngày nay du khách đến thăm Khu Di tích “Cây đa 27 tháng 7” có hai, ba nhánh cây cổ thụ tỏa bóng mát rượi một cây đa nhỏ cỡ gần 2 người ôm cách đó 30m vẫn được dân chăm bón, gìn giữ. “Địa điểm công bố Ngày Thương binh – Liệt sỹ toàn quốc 27/7/1947” được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia đúng dịp kỷ niệm 50 năm.
Nhà Lưu niệm mới xây dựng, hòa quyện, nghè Ông, nghè Bà. Tảng đá vân mây trắng hình trụ, bia di tích cao 3m, rộng 3m, nặng gần 7 tấn ghi: “Nơi đây, ngày 27/7/1947, ba trăm cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố bức thư Bác Hồ, ghi nhận sự ra đời Ngày Thương binh – Liệt sỹ ở nước ta”. Ngày Bác Hồ về thăm Hùng Sơn (02/3/1958), Người nhắc đến niềm tự hào của mảnh đất quê hương Ngày Thương binh – Liệt sỹ, phải chăm lo đời sống nhân dân, nhất là gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với nước…
(Trích bài Nơi phát tích Ngày thương binh toàn quốc in trong cuốn Bút ký – Tư liệu ATK in dấu lịch sử của tác giả Đồng Khắc Thọ)
Theo http://www.thainguyen.gov.vn
Thu Hiền (st)
Tấm lòng Bác Hồ đối với thương binh, gia đình liệt sỹ
Luôn dành tình cảm, sự quan tâm sâu sắc đến những người con của các gia đình liệt sỹ, ngay từ tháng 11 năm 1946, giữa bộn bề công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sỹ đã hy sinh, “gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sỹ”, “nhận con các liệt sỹ làm con nuôi”(1), đồng thời đề nghị Ban Hành chính các địa phương toàn quốc phải báo cáo về các trường hợp con liệt sỹ, và sau khi xác định đúng sự thật thì đóng dấu chứng nhận rồi gửi ngay về Văn phòng Chủ tịch ở Hà Nội.
Đối với những thương binh, bệnh binh, Người khẳng định: Lòng yêu nước, chí kiên quyết của các chiến sỹ thật là đáng quý! Họ “thật xứng đáng với Tổ quốc, và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế”… Tuy nhiên, Người cũng căn dặn, chớ nên công thần, ỷ lại và cũng tránh mặc cảm, tự ti để luôn cố gắng vươn lên “tàn mà không phế”. Trên tinh thần đó, Người biểu dương: Đồng chí Trần Chút (ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), dù mất một tay, đã bốn lần liền được bầu làm Chiến sỹ nông nghiệp trong tỉnh, được cử đi dự Đại hội Anh hùng, Chiến sỹ thi đua toàn quốc. Đồng chí Nguyễn Văn Hơn (miền Nam), mất một tay, về sản xuất ở xã Liên Thành đã được bầu làm Chiến sỹ nông nghiệp tỉnh Nghệ An. Đồng chí Phạm Hữu Hoạt, mất một chân, là Chiến sỹ xuất sắc về ngành Chăn nuôi. Đồng chí Phạm Văn Tiêm, ở Nông trường quốc doanh Đông Hiếu, 12 lần được khen thưởng, được bầu làm Chiến sỹ thi đua toàn ngành, v.v. cùng nhiều chiến sỹ gương mẫu khác nữa. Quyết định chọn ngày 27 tháng 7 hàng năm là Ngày Thương binh – Liệt sỹ, “lòng Bác và Chính phủ cùng toàn thể quân đội và nhân dân” đã luôn ở bên cạnh, tiếp sức, chia sẻ với những đau thương mất mát của các thương binh, gia đình liệt sỹ. Người xung phong gửi một chiếc áo lót lụa,… một tháng lương… một bữa ăn của mình và các nhân viên tại Phủ Chủ tịch với tổng cộng là 1.127 đồng để giúp các chiến sỹ bị thương. Người động viên và hoan nghênh đồng bào tùy hoàn cảnh mà gửi thư, tặng quà hoặc quyên giúp quà tặng cho những thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ. Không chỉ “nghiêng mình trước linh hồn các chiến sỹ và các đồng bào đã hy sinh vì Tổ quốc”, mong họ “chí quyết thắng ngày càng vững chắc”, Người còn nhiều lần tặng những món quà, như khăn mặt, áo quần mà đồng bào các nơi đã gửi biếu, hoặc gửi lương của Người, tặng Huy hiệu v.v… đến cho các thương binh, bệnh binh, đồng thời nhờ Bộ trưởng Bộ Thương binh, cựu binh chuyển lời thân ái của Người “an ủi những chiến sỹ và đồng bào hoặc bị thương”, chia sẻ, động viên gia đình thân nhân các liệt sỹ. Nhân ngày Ngày Thương binh – Liệt sỹ năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho Ban Tổ chức chiếc áo lụa mà chị em phụ nữ đã biếu Người để bán đấu giá gây quỹ giúp thương binh. Thể hiện lòng biết ơn đối với thương binh, nhiều tập thể và cá nhân muốn mua chiếc áo ấy. Cuối cùng, Liên hiệp Công đoàn Bắc Kạn đã mua được với giá cao nhất: 46.700 đồng Đông Dương. Trong khi đó, ở Nam Bộ, ông Cao Triều Phát cũng vận động bà con tín đồ đạo Cao Đài mua chiếc áo ấy với giá 100.000 đồng Đông Dương, nhưng do giao thông khó khăn cho nên bức điện của ông đến Ban Tổ chức quá muộn. Nhận được điện do Ban Tổ chức chuyển đến, Liên hiệp Công đoàn tỉnh Bắc Kạn quyết định gửi tặng chiếc áo này cho ông Cao Triều Phát và tín đồ đạo Cao Đài ở Nam Bộ. Sau khi nghe Ban Tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc báo cáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư cho ông Cao Triều Phát. Cùng với bức thư, Người cũng gửi tặng ông tấm ảnh của mình làm kỷ niệm. Tấm ảnh này được in trên giấy ảnh cũ, trên đầu bức ảnh có dòng chữ viết tay mực tím “Tặng ông Cao Triều Phát. Đoàn kết – Kháng chiến – Thống nhất – Độc lập”. Phía dưới bức ảnh ở bên trái có ghi dòng chữ viết tay mực tím “10-47”, bên phải có chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng mực tím ở trên dấu triện vuông của Người. Áo, thư và ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh được giao cho ông Bùi Thái Dương mang vào Nam Bộ trao trực tiếp cho ông Cao Triều Phát. Nhưng lúc đó ông Cao Triều Phát đang bận công tác, nên ông Thái Dương đành viết thư xin cáo lỗi và nhờ Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ chuyển tới ông và quý đạo hữu tín đồ thư và quà tặng của Người. Ông Cao Triều Phát đã giữ gìn chiếc áo, bức thư và tấm ảnh của Người rất trân trọng. Đó là những kỷ vật ông luôn mang theo bên mình như những báu vật trong suốt những năm kháng chiến. Khi tập kết ra Bắc, ông đem theo các kỷ vật đó và sau khi ông qua đời, gia đình đã trao những báu vật ấy cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam lưu giữ. Một lần khác, nhận được bốn chiếc chiếu của thương binh, bệnh binh Trại Dệt chiếu của tỉnh Tuyên Quang, Người rất vui lòng. Xúc động trước tình cảm của các thương binh, Người hỏi thăm cặn kẽ: Học dệt được chiếu cần bao nhiêu ngày tháng? Trung bình, dệt được một chiếc chiếu thường cần mấy giờ, và bao nhiêu vốn? Bán một chiếc được bao nhiêu lời? Với nghề dệt chiếu, có thể đủ ăn đủ mặc không? Sau đó, Người gửi biếu một chiếc áo do chị em phụ nữ tặng để làm “Giải thưởng thi đua trong Trại”. Suốt cuộc đời, Bác Hồ luôn luôn hết lòng yêu thương con người, đặc biệt là đối với những người đã dâng hiến một phần cuộc đời mình cho Tổ quốc và nhân dân. Bác đã gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh, cựu binh “30.600 đồng do một kiều bào ở Trung Quốc gửi tặng và một tháng lương là 45.000 đồng để cụ làm quà cho anh em”, v.v. Đêm giao thừa năm 1956, Người đến thăm Trường Thương binh hỏng mắt Hà Nội, hỏi thăm tình hình sức khỏe, cuộc sống, công việc của các thương binh và căn dặn: “Các chú tàn mà không phế”. Sự khuyến khích, lời động viên của Người đã trở thành khẩu hiệu sống, lao động và học tập của bao thế hệ thương binh, bệnh binh. Trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta (bản thảo viết năm 1968), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành những dòng tâm huyết để căn dặn chúng ta những vấn đề liên quan đến việc quan tâm, chăm sóc những thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, và chính sách đối với những người có công với cách mạng: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sỹ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng Hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.
Cùng với thời gian, những chủ trương, chính sách cụ thể, những phong trào như: Đền ơn đáp nghĩa, Đi tìm đồng đội, Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chính sách đối với những người có công, v.v. của Đảng và Nhà nước, của toàn dân ta ngày càng sôi nổi và phong phú. Trong những năm từ 1997 đến 2003, từ 2005 đến 2008 trong phạm vi cả nước, chúng ta đã trao tặng 231.373 nhà tình nghĩa và 628.927 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho các gia đình chính sách, giúp đỡ các gia đình chính sách phát triển sản xuất, giải quyết nhà ở, học hành, dạy nghề, tạo việc làm, chữa bệnh, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần. Đồng thời với việc đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả giải quyết những chính sách, chế độ sau chiến tranh, Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền đã tăng cường chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ từ Trung ương xuống địa phương với lực lượng vũ trang và nhân dân để tổ chức tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ, tu sửa, nâng cấp, quản lý tốt các Nghĩa trang, Đài tưởng niệm, Bia ghi tên liệt sỹ, v.v… Làm tốt những điều đó, chúng ta không chỉ tri ân những người đã khuất, cổ vũ động viên người còn sống, thấm sâu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, mà còn góp phần xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Cùng nhau ôn lại tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sỹ, cũng là một cách thiết thực để chúng ta thắp nén tâm nhang trước anh linh các liệt sỹ, đồng thời góp phần làm cho tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tỏa sáng trong thực tiễn.
TS Văn Thị Thanh Mai
Theo baomoi.com
Kim Yến (st)
bqllang.gov.vn
Tàn nhưng không phế
Sau hơn ba chục năm bôn ba khắp năm châu tìm đường cứu nước, cho đến ngày Tổng khởi nghĩa thành công, Bác Hồ từ chiến khu lần đầu tiên mới về tới Hà Nội. Đón Tết độc lập đầu tiên ấy, đêm giao thừa thì Bác “vi hành” đi thăm, chúc Tết các gia đình “khá”, gia đình “trung bình” và gia đình nghèo… Nhưng rồi kháng chiến trường kỳ với chiến thắng Điện Biên Phủ, kháng chiến chống Pháp thắng lợi, hòa bình lập lại trên miền Bắc, Bác Hồ từ chiến khu trở về sống và làm việc ở Hà Nội. Đón “Tết hoà bình” đầu tiên ấy, đêm giao thừa Bác Hồ chỉ đi thăm một nơi, đó là đến thăm anh chị em ở Trường Thương binh hỏng mắt ở Hà Nội.
Bác Hồ đến thăm, động viên anh em thương binh ở Trường Thương
binh hỏng mắt Hà Nội
Trường Thương binh hỏng mắt là ngôi trường được thành lập sau ngày đất nước có hoà bình, vào đúng ngày kỷ niệm lần thứ 65 Ngày sinh của Bác 19/5/1955. Trường được thành lập để đón nhận những anh chị em từ các chiến trường, trận địa… cảnh ngộ khác nhau về đây cùng sống, học tập. Đón giao thừa năm ấy, Nhà trường đã chuẩn bị để tổ chức một buổi họp mặt với tất cả các anh chị em học viên để đón Tết – mừng xuân, liên hoan văn nghệ và cùng chờ đón nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ qua làn sóng phát thanh lúc giao thừa. Đêm ấy, giữa lúc mọi người đang vui với các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” thì bỗng có tiếng một người nào đó vang lên: “Bác, Bác Hồ đến thăm anh em ơi!”. Thế là cả hội trường đang ồn ào sôi động bỗng trở nên im lặng, rồi dường như tất cả cùng vỗ tay như sấm dậy reo mừng. Mọi người, nhất là các đồng chí nữ xô ghế, tìm lối đi lên phía trước. Những tiếng hô: “Bác Hồ muôn năm!” như sóng trào lên không dứt…
Giữa không khí náo nhiệt, ồn ào ấy, anh thương binh hỏng mắt Hoàng Văn Vượng, một nghệ sĩ đàn vi-ô-lông trong Ban Văn nghệ của trường, bỗng nghe tiếng nói của Bác Hồ ấm áp bên cạnh:
– Thôi, thôi, các chú, các cô đừng hoan hô nữa! Các cô, các chú ngồi xuống cả đi…
Khi mọi người trong hội trường đã ngồi xuống, yên lặng, thì Bác bắt đầu hỏi thăm sức khỏe và việc chuẩn bị đón Tết của anh chị em thương binh: Tết này có bánh chưng không? Có kẹo, có mứt không? Việc học tập qua chữ nổi có khó lắm không?… Rồi bỗng Bác hỏi nhỏ một đồng chí:
– Các chú đã nhận được con cá trắm các cháu nhi đồng miền Nam tặng Bác chưa?
Một đồng chí trong Ban Giám hiệu nhà trường thưa với Bác là con cá trắm rất to ấy đã được làm thịt nấu ăn bữa chiều nay rất ngon và xin cảm ơn Bác.
Một nữ thương binh học viên đứng dậy xin phép Bác được phát biểu:
– Thưa Bác, hồi này Bác có khỏe không ạ?
Nghe vậy, Bác hiền từ hỏi lại:
– Thế các cô, các chú có muốn Bác khỏe không?
Mọi người đồng thanh: “Thưa Bác, có ạ !”. Bác lại nói tiếp:
– Thế thì các cô, các chú phải giữ gìn sức khỏe. Các cô, các chú tàn nhưng không phế…
Anh chị em thương binh đêm ấy nghe Bác nói những lời động viên, lời dạy đầy ân tình ấy của Bác, tất cả đều lặng đi, ai cũng ứa nước mắt sung sướng, xúc động…
Một thương binh đứng dậy, giọng ngắt quãng vì xúc động:
– Thưa Bác, chúng cháu được nghe Bác nói nhưng không nhìn… thấy Bác được. Bác cho phép cháu… nắm tay của Bác ạ…
Từ lúc nghe người học viên thương binh nói như vậy thì đôi mắt của Bác như nhoà đi… Rồi giọng Bác nhẹ nhàng, âu yếm:
– Thế các cô, các chú định giữ Bác ở lại đây đến hết giao thừa hay sao? Phải để cho Bác đi chúc Tết các nơi khác nữa chứ…
Sau khi chúc Tết anh chị em thương binh lần nữa, Bác bước nhanh đi ra. Lên xe, Bác nói ngay với đồng chí bảo vệ: “Về nhà thôi…”. Anh em biết Bác đang rất xúc động, nhìn thấy mắt Bác vẫn nhoè lệ nghẹn ngào… Đêm giao thừa năm ấy, Bác không đi thăm đâu nữa. Cũng từ lời Bác dặn đêm giao thừa ấy, không chỉ anh chị em thương binh hỏng mắt như được Bác đem lại ánh cuộc đời, mà từ ngày ấy anh chị em thương binh luôn thực hiện lời dạy của Bác: “Tàn nhưng không phế…”, sống học tập, lao động có ích tiếp tục góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Mỹ Hạnh
Theo tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh
Tâm Trang (st)
bqllang.gov.vn
Bác Hồ với công tác Thương binh – Liệt sỹ: “Tôi nghiêng mình trước linh hồn các chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh vì tổ quốc”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm chăm sóc công tác Thương binh-Liệt sĩ(TB-LS).Trong cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp(1945-1954) hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác, rất nhiều thanh niên đã tham gia quân đội. Một số chiến sĩ đã hy sinh anh dũng, một số nữa là thương binh, bệnh binh, đời sống gặp nhiều khó khăn.Tháng 6/1947, Bác đã đề nghị Chính phủ chọn một ngày nào đó trong năm làm “Ngày thương binh” để đồng bào ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh. Ngày 27/7/1947- được chọn làm tưởng niệm các TB-LS-những người đã không tiếc máu xương vì sự nghiệp độc lập thống nhất của Tổ quốc đã ra đời tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Ảnh: Hoàng Long
1. Báo Vệ quốc quân số 11, ra ngày 27 tháng năm 1947 đã đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thường trực Ban tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc” Đầu thư, Người viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù? Đó là những chiến sĩ mà nay một số đã thành ra thương binh”. Bác giải thích: “Thương binh là người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đã chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.Cuối bức thư, Người vận động đồng bào nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ thương binh.Bản thân Người đã xung phong góp chiếc áo lụa, một tháng lương và tiền ăn một bữa của Người và của tất cả các nhân viên của Phủ Chủ Tịch, tổng cộng là một ngàn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127 đồng) để tặng thương binh.
Về một trường hợp cụ thể, ngày 7 tháng 1 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới bác sĩ Vũ Đình Tụng, bức thư viết: “Thưa ngài, tôi được báo cáo rằng: con trai ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, vật chất họ mất nhưng tinh thần họ sẽ luôn luôn sống mãi với non sông Việt Nam.Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ”. Một năm sau đó, ngày 27/7/1948, trong một lá thư dài đầy tình thương yêu, Bác nói: “Nạn ngoại xâm như trận lụt to đe doạ tràn ngập cả non sông Tổ quốc, đe doạ cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con, dân ta. Trong cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào”.Người xót xa viết: “Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Ngày nay, bố mẹ họ mất một người con yêu quý. Vợ trẻ trở nên bà góa. Con dại trở nên mồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sĩ. Tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sĩ sẽ không thể tái sinh”.
2. Ở các địa phương nơi xa, chưa đến được Người biên thư thăm hỏi chiến sĩ bị thương trong các chiến dịch và mặt trận: Lê Hồng Phong, Quang Trung, Đông Khê, Trung Du và Đông Bắc… Trong bức thư đề ngày 23 tháng 9 năm 1949 gửi đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ, miền Nam Trung Bộ – Người viết: “Cuộc kháng chiến oanh liệt ở Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ vừa đúng hai năm.Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ và nhân dân toàn quốc nghiêng mình trước linh hồn các chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh vì tổ quốc. Tôi gửi lời an ủi những chiến sĩ và đồng bào bị thương, bị địch giam cầm hoặc đang bị khổ sở nơi địch chiếm đóng. Tôi gửi lời thân ái khen ngợi toàn thể đồng bào và chiến sĩ đang hăng hái chiến đấu. Đã hai năm nay, chiến sĩ và đồng bào ta hy sinh nhiều tính mạng, tài sản, chịu nhiều cực khổ gian nan, chí dũng cảm ngày càng bền chặt, sức chiến đấu ngày càng tăng gia, chí quyết thắng ngày càng vững chắc.Các bạn là đội xung phong của dân tộc, con yêu của đất nước nhà”..Bác cũng quan tâm giáo dục cán bộ ngành thương binh – những người được giao nhiệm vụ thay mặt và chịu trách nhiệm trước nhân dân và Chính phủ để săn sóc đời sống tinh thần, vật chất cho anh em thương binh, bệnh binh. Trong thư gửi hội nghị cán bộ ngành thương binh, cựu binh tháng 1 năm 1954, Người viết: “Trong công tác, anh chị em đều có tiến bộ. Đó là một điều đáng khen. Nhưng vẫn còn những khuyết điểm cần sửa chữa… Nhiệm vụ của cán bộ và nhân viên trong ngành là phải hết lòng kính mến, thương yêu, chăm sóc thương binh, bệnh binh. Ra sức làm cho họ vui vẻ, lành mạnh, tiến bộ”. Tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Quan tâm chăm sóc giúp đỡ thương binh và gia đình liệt sĩ là nhiệm vụ lâu dài, bền bỉ chứ không phải nhất thời. Mọi người, mọi ngành, mọi cấp đều phải tham gia với tình cảm uống nước nhớ nguồn. Bác Hồ chủ trương chính quyền và các đoàn thể xã hội tổ chức đón thương binh về làng. Người đề ra biện pháp cụ thể: Mỗi xã trích một phần ruộng công hoặc khai hoang thêm diện tích mới đề cày cấy, chăm nom, gặt hái thu hoa lợi để nuôi thương binh. Người động viên thương binh, bệnh binh tàn mà không phế tuỳ theo sức của mình làm những công việc nhẹ như học may, đan lát, hớt tóc hoặc giúp việc phòng giấy, việc bình dân học vụ trong làng…
3. Bác Hồ cũng chính là người đã sớm chủ trương xã hội hóa toàn dân chăm sóc TB-LS và người có công với kháng chiến. Tháng 7 năm 1951, Người kêu gọi: “Với lòng hăng hái và cố gắng của đồng bào, với sự nỗ lực của cán bộ chính quyền và đoàn thể các địa phương, tin chắc rằng công việc đón thương binh về làng sẽ có kết quả tốt đẹp”. Như vậy, tư tưởng xã hội hoá của Chủ tịch Hồ Chí Minh hình thành rất sớm, từ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhiều địa phương còn nhớ mãi những lần quê hương nghe lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch đón thương binh về làng, sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Anh em thương binh, bệnh binh được sống trong tình cảm nồng ấm của gia đình, họ hàng, đoàn thể, chính quyền. Nhân dân tự nguyện giúp đỡ thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ bằng việc làm thiết thực: Gánh nước, kiếm củi, lợp nhà, tát nước, làm cỏ ngô, lúa… Những việc làm đền ơn đáp nghĩa ấy còn quí hơn tiền tử tuất và hưu bổng thương tật. Từ những lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sự cảm thông chia sẻ khuyến khích của bà con làng xóm đã có nhiều cô gái yêu và tự nguyện lấy những anh thương binh và họ đã nỗ lực chia sẻ và vượt qua cuộc sống khó khăn thường nhật để cùng sống hạnh phúc.
Thanh Phúc
daidoanket.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.