Từ tấm lòng của Bác nghĩ về việc “đền ơn, đáp nghĩa” hôm nay

Kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2012)

QĐND – Mùa hè, Bác Hồ không dùng quạt máy nhiều mà vẫn quen dùng quạt tay (quạt giấy, quạt lá cọ). Đôi khi trời oi ả, thấy Bác làm việc vầng trán lấm tấm mồ hôi, anh em phục vụ bảo nhau quạt cho Bác nhưng Bác bảo Bác tự lo được. Mấy đồng chí bên Bộ Ngoại giao công tác ở nước ngoài gửi biếu Bác chiếc máy điều hòa nhiệt độ. Lúc này ở nước ta chưa cơ quan nào có máy điều hòa nhiệt độ, cán bộ ở Phủ Chủ tịch cũng mới được nghe, nay mới mắt thấy. Ai cũng mừng, từ nay Bác không còn phải phe phẩy cái quạt nữa. Bác đi công tác một tuần nữa mới về, các anh phục vụ quyết định lắp máy điều hòa vào phòng Bác, khi Bác về sẽ xin phép sau. Máy được lắp gọn gàng trong phòng làm việc của Bác, khi chạy thử, cầu dao điện vừa đóng, tiếng máy chạy ro ro. Ít phút sau nhiệt độ giảm dần, trong phòng Bác mát như đã cuối thu. Máy rất hiện đại, trong máy gắn thêm một bình bơm tự động có nước hoa, khi máy vận hành, van mở, nước hoa theo gió tỏa ra, trong phòng lúc nào cũng phảng phất mùi thơm, như hoa lan, hoa huệ vậy. Vắng Bác mấy ngày, anh em phục vụ hưởng cái mát trong phòng kín 24, 25 độ, trong khi bên ngoài 36, 37 độ, mọi người nghĩ rằng từ nay chắc chắn Bác làm việc khỏe hơn, ngủ ngon giấc hơn.

Hôm Bác về, anh em phấp phỏng, hồi hộp chờ đợi ý kiến Bác về máy điều hòa. Ban đầu, Bác thấy nhà mình có mùi lạ quá, mát dịu hẳn khác với ở bên ngoài. Anh em phục vụ xin lỗi Bác rồi trình bày lý do về máy điều hòa nhiệt độ. Không thấy Bác tỏ thái độ gì, anh em phục vụ nhìn nhau có vẻ yên tâm. Đến đầu giờ làm việc buổi chiều, Bác gọi anh Vũ Kỳ đến và ân cần bảo:

– Chiếc máy điều hòa nhiệt độ tốt đấy, các chú đem đến trại điều dưỡng thương binh. Hôm đến thăm thấy thương binh ở nóng lắm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm thương binh hỏng mắt. Ảnh tư liệu.

Bác đến trại điều dưỡng thương binh Hà Nội. Bác đến bất ngờ, không báo trước, đi thẳng vào thăm anh em thương binh nặng nằm bất động, nóng cũng phải chịu vì quạt máy không đủ gió tới mọi nơi trong nhà. Bác vừa hỏi chuyện vừa cầm chiếc quạt giấy của Bác quạt cho anh em. Bác căn dặn các đồng chí lãnh đạo phải khắc phục mọi khó khăn, cố gắng điều trị, chăm lo bồi dưỡng để thương binh sớm phục hồi sức khỏe. Bác cũng dặn anh em thương binh yên tâm điều trị, kiên trì rèn luyện “Tuy là những người tàn mà không phế”. Giờ đây trong căn phòng mát dịu dù ngoài trời nắng chang chang, ai cũng thấy thoải mái, Bác lại chạnh lòng nghĩ đến thương binh. Anh em phục vụ không ngờ Bác lại dành máy cho thương binh, còn Bác lại trở về với cái quạt giấy, quạt lá cọ.

Xin nêu mẩu chuyện trên đây về Bác Hồ đối với thương binh vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7 để thấy Bác lúc nào cũng dành sự chăm sóc cụ thể, thiết thực cho thương binh, gia đình liệt sĩ. Người nước ngoài đến thăm Việt Nam đã có nhận xét: Chỉ ở Việt Nam mới thấy nghĩa trang liệt sĩ tới cấp xã. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai chống phát xít Đức ở châu Âu, gia đình nhiều liệt sĩ nhất là một gia đình ở Liên Xô có 5 liệt sĩ. Còn ở Việt Nam, gia đình mẹ Thứ ở Điện Bàn, Quảng Nam có 9 con và 2 cháu là liệt sĩ, mẹ Rảnh ở Củ Chi, TP Hồ Chí Minh có 8 liệt sĩ. Đó là 2 bà mẹ nông dân nghèo. Ngay trong gia đình ông Nguyễn Xuân Oánh, quyền Thủ tướng chế độ cũ thời Mỹ-Thiệu (1965-1966), cha ông là bác sĩ nha khoa Nguyễn Xuân Bái, lại là cơ sở chí cốt của Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông nhận nhiệm vụ của Thành ủy tập hợp một số trí thức, nhân sĩ công khai đấu tranh đòi Mỹ phải đàm phán với Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông bị địch bắt và chúng giam ông tại khám Chí Hòa khi con ông vẫn là quyền thủ tướng. Mỗi lần cần hoạt động công khai, Thành ủy thường giao trọng trách cho ông và đã xuất hiện công khai là lại bị bắt. Tù đày nhiều, tuổi càng cao, sức yếu nhưng ông vẫn hoạt động vì có uy tín trong trí thức, nhân sĩ Sài Gòn-Chợ Lớn.

Giáo chủ Cao đài Nguyễn Ngọc Tương có hai con trai đều quốc tịch Pháp, là cán bộ cao cấp của Nhà nước ta: Kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích là Phó tư lệnh khu 9 (Nam Bộ) và kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt theo lời kêu gọi của Bác Hồ từ Pháp về nước và được cử phụ trách công binh xưởng, sửa chữa và chế tạo vũ khí, rồi là Ủy viên ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ. Hai ông bị địch bắt, riêng kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt bị địch tra tấn dã man và chúng sẵn sàng tha chết nếu giáo chủ có đơn xin cho con. Giáo chủ trả lời người quyết định là con ông. Pháp đưa vợ kỹ sư Nhựt là một phụ nữ Pháp từ Pa-ri đến phòng giam kỹ sư để vận động ông đầu hàng. Kỹ sư Nhựt vẫn đấu tranh cho đến hơi thở cuối cùng. Bác Hồ và Chính phủ đã truy tặng liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nhựt Huân chương Kháng chiến hạng nhất.

Tôi kể lại vài sự việc rất tóm tắt để chứng minh thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách gồm đủ mọi thành phần, giai cấp từ những người cùng khổ, những lao động đủ mọi ngành nghề cho đến những gia đình giàu có, kể cả một số quan chức chóp bu của chính quyền đối phương. Đảng của toàn dân, đúng như Bác Hồ đã nói: “Đảng của dân tộc”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự trường tồn của Nhà nước của dân, do dân, vì dân dựa trên những hy sinh không bờ bến, trên xương máu của mọi người Việt Nam, đông nhất là nông dân.

Ngay sau Đại thắng mùa Xuân 1975, Chính phủ tổ chức một hội nghị rất đặc biệt, chưa từng có: Hội nghị của những gia đình có bốn liệt sĩ trở lên. Hội nghị họp có một nét độc đáo: Đại biểu khá đông là các mẹ nông dân không quen ngồi ghế hàng tiếng đồng hồ, vì vậy rải chiếu để các mẹ ngồi còn ăn trầu. Hầu hết đại biểu có đủ tiêu chuẩn bốn liệt sĩ đến dự hội nghị là nông dân nghèo. Chỉ có ba gia đình chưa đủ tiêu chuẩn vẫn ưu tiên được mời đến dự là: Gia đình Lý Tự Trọng, gia đình Nguyễn Văn Trỗi và gia đình Phan Đăng Lưu, một Ủy viên Trung ương Đảng bị địch xử bắn tại Hóc Môn (Sài Gòn) năm 1940.

Hơn 25 năm đổi mới, thành tích nổi bật của Việt Nam là xóa đói giảm nghèo, hàng triệu hộ nông dân đã thoát nghèo, một số tổ chức quốc tế gợi ý các nước kém phát triển muốn thoát nghèo cần tham khảo kinh nghiệm Việt Nam. Chống đói nghèo ở bất cứ đâu, các gia đình thương binh, liệt sĩ nghèo cũng đứng đầu danh sách được sự giúp đỡ mọi mặt để có điều kiện phát triển sản xuất. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng nhà mới cho người nghèo cũng trước hết quan tâm đến nhà tình nghĩa cho các gia đình thương binh, liệt sĩ.

Kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ năm nay, trong hoàn cảnh nền kinh tế đang phải vật lộn với giá cả đắt đỏ, rất cần bám sát cơ sở để phát hiện những gia đình chính sách thiếu ăn để có biện pháp giúp đỡ.

Người thương binh đầu tiên của nước ta là Hoàng Cầm (sau này là Thượng tướng, Tổng thanh tra Quân đội). Ông tên thật là Đỗ Văn Cầm, sinh năm 1922, quê quán: Cao Sơn, Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông bị thương năm 1947, trong một trận đánh ở Đà Bắc. Khi ấy ông đã là cán bộ tiểu đoàn thuộc bộ đội Tây Tiến. Số thẻ thương binh của ông mang số 001, và sổ phụ cấp thương tật cũng mang số 001, cấp ngày 18-8-1958, do Bộ trưởng Bộ Thương binh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Vũ Đình Tụng ký. S.T.

Thái Duy
qdnd.vn

 

 

 

Advertisement