Thư gửi các nguỵ binh (28-9-1951)

Tôi đã nhận được thư 300 nguỵ binh công giáo bị bắt trước mặt trận, xin tha.

Tôi cũng đã nhận được thư của những nhóm nguỵ binh khác, hứa hẹn.

Tôi trả lời như sau:

– Một mặt, vì các người chưa hiểu rằng: giặc Pháp đương mưu mô cướp nước ta, bù nhìn Bảo Đại đang mưu bán nước ta. Kháng chiến là cốt làm cho nước ta được độc lập thực sự, cho nhân dân được tự do, đồng thời cho đồng bào công giáo được tự do thờ Chúa.

– Một mặt khác, các người hoặc bị giặc Pháp và bù nhìn ép buộc, hoặc bị chúng lừa phỉnh mà đi lính cho chúng, chống lại Tổ quốc. Nhưng các người cũng là máu đỏ da vàng, khi đã hiểu thì chắc không ai nỡ lòng làm nanh vuốt cho giặc, chống lại Tổ quốc, để mang tiếng xấu muôn đời.

Tuy các người đã phạm tội nặng là cầm súng chống lại Tổ quốc, song Chính phủ kháng chiến độ lượng khoan hồng, thương hại các người như những đứa con lầm đường, cho nên nặng về giáo dục nhẹ tay xử phạt, để dìu dắt các người bỏ đường tà, theo đường chính.

Vì lẽ đó, đối với những nguỵ binh đã bị bắt và đã biết tội, thì Chính phủ sẽ dần dần tha thứ cho về với cha mẹ, vợ con.

Đối với những nhóm nguỵ binh có thư hứa hẹn, thì tôi có lời khuyên rǎn và dặn dò: anh em phải cẩn thận, sẽ có cán bộ kháng chiến liên lạc và hướng dẫn anh em.

Đối với tất cả nguỵ binh, thì Chính phủ sẽ khoan hồng những người sớm quay về với Tổ quốc, sẽ trọng thưởng những người và những nhóm đái tội lập công lớn (1) .

Nguỵ binh cũng là con dân nước Việt, nhưng vì dại mà đi lầm đường, cho nên tôi và Chính phủ sẵn sàng tha thứ những người sớm biết lỗi và quay về với đại gia đình kháng chiến.

HỒ CHÍ MINH

Báo Cứu quốc, số 1915,
ngày 28-9-1951.
cpv.org.vn

————————-

(1) Cách mạng Tháng Tám: Tháng 8-1945, Chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc. Thực hiện chủ trương Tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng và Lệnh Tổng khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh, hưởng ứng Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước từ Nam đến Bắc nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Từ ngày 14-8 đến ngày 18-8, nhiều xã, huyện ở hầu hết các tỉnh miền Bắc và Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Mỹ Tho, Sa Đéc đã nổi dậy giành chính quyền. Ngày 18-8 các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam giành chính quyền ở tỉnh lỵ.

Ngày 19-8 cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành được thắng lợi ở Thủ đô Hà Nội. Đến ngày 28-8 Tổng khởi nghĩa thắng lợi trong cả nước.

Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân điển hình ở một nước thuộc địa nửa phong kiến do giai cấp công nhân lãnh đạo. Thắng lợi ấy đã đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Đó là thắng lợi của đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, dân chủ của giai cấp công nhân, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến. Đó là thắng lợi của đường lối đoàn kết toàn dân, sử dụng bạo lực cách mạng để lật đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến. Đó là sự tài tình, sáng tạo của Đảng trong việc tạo thời cơ, nắm vững thời cơ, khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Thành công của Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam đã tạo thời cơ cho nhân dân Lào làm Cách mạng Tháng Tám ở Lào thắng lợi, nhân dân Campuchia có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển phong trào cách mạng. Đó cũng là thắng lợi của các lực lượng cách mạng, dân chủ và tiến bộ trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Tr.7.

Advertisement