Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm chăm sóc công tác Thương binh-Liệt sĩ(TB-LS).Trong cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp(1945-1954) hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác, rất nhiều thanh niên đã tham gia quân đội. Một số chiến sĩ đã hy sinh anh dũng, một số nữa là thương binh, bệnh binh, đời sống gặp nhiều khó khăn.Tháng 6/1947, Bác đã đề nghị Chính phủ chọn một ngày nào đó trong năm làm “Ngày thương binh” để đồng bào ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh. Ngày 27/7/1947- được chọn làm tưởng niệm các TB-LS-những người đã không tiếc máu xương vì sự nghiệp độc lập thống nhất của Tổ quốc đã ra đời tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Ảnh: Hoàng Long
1. Báo Vệ quốc quân số 11, ra ngày 27 tháng năm 1947 đã đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thường trực Ban tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc” Đầu thư, Người viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù? Đó là những chiến sĩ mà nay một số đã thành ra thương binh”. Bác giải thích: “Thương binh là người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đã chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.Cuối bức thư, Người vận động đồng bào nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ thương binh.Bản thân Người đã xung phong góp chiếc áo lụa, một tháng lương và tiền ăn một bữa của Người và của tất cả các nhân viên của Phủ Chủ Tịch, tổng cộng là một ngàn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127 đồng) để tặng thương binh.
Về một trường hợp cụ thể, ngày 7 tháng 1 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới bác sĩ Vũ Đình Tụng, bức thư viết: “Thưa ngài, tôi được báo cáo rằng: con trai ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, vật chất họ mất nhưng tinh thần họ sẽ luôn luôn sống mãi với non sông Việt Nam.Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ”. Một năm sau đó, ngày 27/7/1948, trong một lá thư dài đầy tình thương yêu, Bác nói: “Nạn ngoại xâm như trận lụt to đe doạ tràn ngập cả non sông Tổ quốc, đe doạ cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con, dân ta. Trong cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào”.Người xót xa viết: “Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Ngày nay, bố mẹ họ mất một người con yêu quý. Vợ trẻ trở nên bà góa. Con dại trở nên mồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sĩ. Tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sĩ sẽ không thể tái sinh”.
2. Ở các địa phương nơi xa, chưa đến được Người biên thư thăm hỏi chiến sĩ bị thương trong các chiến dịch và mặt trận: Lê Hồng Phong, Quang Trung, Đông Khê, Trung Du và Đông Bắc… Trong bức thư đề ngày 23 tháng 9 năm 1949 gửi đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ, miền Nam Trung Bộ – Người viết: “Cuộc kháng chiến oanh liệt ở Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ vừa đúng hai năm.Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ và nhân dân toàn quốc nghiêng mình trước linh hồn các chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh vì tổ quốc. Tôi gửi lời an ủi những chiến sĩ và đồng bào bị thương, bị địch giam cầm hoặc đang bị khổ sở nơi địch chiếm đóng. Tôi gửi lời thân ái khen ngợi toàn thể đồng bào và chiến sĩ đang hăng hái chiến đấu. Đã hai năm nay, chiến sĩ và đồng bào ta hy sinh nhiều tính mạng, tài sản, chịu nhiều cực khổ gian nan, chí dũng cảm ngày càng bền chặt, sức chiến đấu ngày càng tăng gia, chí quyết thắng ngày càng vững chắc.Các bạn là đội xung phong của dân tộc, con yêu của đất nước nhà”..Bác cũng quan tâm giáo dục cán bộ ngành thương binh – những người được giao nhiệm vụ thay mặt và chịu trách nhiệm trước nhân dân và Chính phủ để săn sóc đời sống tinh thần, vật chất cho anh em thương binh, bệnh binh. Trong thư gửi hội nghị cán bộ ngành thương binh, cựu binh tháng 1 năm 1954, Người viết: “Trong công tác, anh chị em đều có tiến bộ. Đó là một điều đáng khen. Nhưng vẫn còn những khuyết điểm cần sửa chữa… Nhiệm vụ của cán bộ và nhân viên trong ngành là phải hết lòng kính mến, thương yêu, chăm sóc thương binh, bệnh binh. Ra sức làm cho họ vui vẻ, lành mạnh, tiến bộ”. Tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Quan tâm chăm sóc giúp đỡ thương binh và gia đình liệt sĩ là nhiệm vụ lâu dài, bền bỉ chứ không phải nhất thời. Mọi người, mọi ngành, mọi cấp đều phải tham gia với tình cảm uống nước nhớ nguồn. Bác Hồ chủ trương chính quyền và các đoàn thể xã hội tổ chức đón thương binh về làng. Người đề ra biện pháp cụ thể: Mỗi xã trích một phần ruộng công hoặc khai hoang thêm diện tích mới đề cày cấy, chăm nom, gặt hái thu hoa lợi để nuôi thương binh. Người động viên thương binh, bệnh binh tàn mà không phế tuỳ theo sức của mình làm những công việc nhẹ như học may, đan lát, hớt tóc hoặc giúp việc phòng giấy, việc bình dân học vụ trong làng…
3. Bác Hồ cũng chính là người đã sớm chủ trương xã hội hóa toàn dân chăm sóc TB-LS và người có công với kháng chiến. Tháng 7 năm 1951, Người kêu gọi: “Với lòng hăng hái và cố gắng của đồng bào, với sự nỗ lực của cán bộ chính quyền và đoàn thể các địa phương, tin chắc rằng công việc đón thương binh về làng sẽ có kết quả tốt đẹp”. Như vậy, tư tưởng xã hội hoá của Chủ tịch Hồ Chí Minh hình thành rất sớm, từ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhiều địa phương còn nhớ mãi những lần quê hương nghe lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch đón thương binh về làng, sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Anh em thương binh, bệnh binh được sống trong tình cảm nồng ấm của gia đình, họ hàng, đoàn thể, chính quyền. Nhân dân tự nguyện giúp đỡ thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ bằng việc làm thiết thực: Gánh nước, kiếm củi, lợp nhà, tát nước, làm cỏ ngô, lúa… Những việc làm đền ơn đáp nghĩa ấy còn quí hơn tiền tử tuất và hưu bổng thương tật. Từ những lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sự cảm thông chia sẻ khuyến khích của bà con làng xóm đã có nhiều cô gái yêu và tự nguyện lấy những anh thương binh và họ đã nỗ lực chia sẻ và vượt qua cuộc sống khó khăn thường nhật để cùng sống hạnh phúc.
Thanh Phúc
daidoanket.vn