Thư viện

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ

Cờ Đảng(ĐCSVN) – Ngày 30/8 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Hà Nội, Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị chuyên đề năm 2013 “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương, nâng cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”.

Tiếp tục đọc

Advertisement

Đổi mới và chỉnh đốn Đảng

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn toàn Đảng: “Việc cần trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân” (1).

82 năm, từ khi ra đời cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thành tựu vĩ đại. Sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện quyết định thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tuy nhiên, bên cạnh những cố gắng và kết quả đạt được, Đảng ta đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Đại hội X của Đảng chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, giáo điều, bảo thủ, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức còn diễn ra nghiêm trọng…”(2). Tình trạng ấy gây nên sự bất bình và lo lắng sâu sắc trong xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, ảnh hưởng xấu đến thanh danh của Đảng là nguy cơ lớn ảnh hưởng đến sự sống còn của Đảng, của chế độ ta.

Bác từng dạy: “Làm cách mạng thì có đúng, có sai. Cố nhiên đúng phải là chính, sai là phụ. Có sai thì chúng ta giúp nhau kiên quyết sửa chữa và cùng nhau hăng hái tiến lên”(3). Bác khẳng định: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính…”(4).

Nhận thức sâu sắc xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một trong những vấn đề quan trọng, then chốt để giữ vững chế độ XHCN, Đảng đã thường xuyên đổi mới, chỉnh đốn Đảng. Có rất nhiều văn bản, nghị quyết được ban hành, nhằm củng cố, kiện toàn, chỉnh đốn, đổi mới về nhận thức, tư tưởng, tổ chức nhằm làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ của nhân dân. Mỗi kỳ Đại hội là một lần vấn đề đổi mới, chỉnh đốn, xây dựng Đảng được đặt ra và xác định giải pháp thực hiện. Năm 1986, Đại hội VI của Đảng đã đánh dấu một bước tiến dài của Đảng trong tiến trình đổi mới và phát triển. Nghị quyết Đại hội đề ra những giải pháp nhằm đưa Việt Nam thoát khỏi tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Thế nhưng, sau Đại hội, năm 1987-1988, tình hình kinh tế-xã hội của nước ta vẫn trong tình trạng khủng hoảng trầm trọng, giá cả leo thang, lạm phát ở mức cao (774%), lương thực và hàng tiêu dùng thiếu nghiêm trọng, đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Đảng lại bắt tay vào tìm tòi con đường đổi mới, con đường phát triển. Trong đó, Đảng nhận định cần phải giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là trong hoàn cảnh khó khăn này. Tháng 6-1988, Hội nghị lần thứ năm BCHTƯ khóa VI đã họp và ra Nghị quyết về vấn đề cấp bách xây dựng Đảng. Trong đó, hội nghị đã chỉ rõ hai khuyết điểm nghiêm trọng nhất trong công tác xây dựng đảng là: vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vừa thiếu dân chủ, vừa kém kỷ luật; chậm đổi mới quan điểm và chính sách cán bộ, chậm xây dựng và thực hiện quy hoạch đội ngũ cán bộ chủ chốt, nhất là cán bộ kế cận. Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên trì đường lối đổi mới, tích cực, kiên trì sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm mà Hội nghị đã chỉ ra. Đảng đã có bước trưởng thành mới, có thêm tri thức và kinh nghiệm mới, nhất là về lãnh đạo kinh tế, lãnh đạo Nhà nước. Năm 1989, Việt Nam đã giải quyết thành công vấn đề lương thực và trở thành nước xuất khẩu gạo thứ ba trên thế giới. Năm 1990, hạ lạm phát xuống còn 2 con số (67%)… Đảng và nhân dân tự hào khi: “Lần đầu tiên lương thực đạt tổng sản lượng 21,5 triệu tấn quy thóc, không những đáp ứng nhu cầu của người dân và dự trữ quốc gia mà còn xuất khẩu 1,2 triệu tấn gạo”(5).

Tháng 6-1992, Hội nghị lần thứ 3 BCH TƯ khóa VII đề ra Nghị quyết về “Một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”. Nghị quyết nêu rõ: “Đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đối với vận mệnh của chế độ ta và Đảng ta”(6). Mục tiêu của đổi mới, chỉnh đốn Đảng là nhằm “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phù hợp với yêu cầu khách quan của cách mạng trong tình hình mới, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, bảo đảm thực hiện có kết quả các nhiệm vụ chính trị do Đại hội VII Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra, trong đó trọng tâm là phát triển kinh tế, làm cho dân giàu, nước mạnh, giữ vững ổn định chính trị”(7).

Thực hiện Nghị quyết đã củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng trước những diễn biến phức tạp của thế giới, đặc biệt là sự sụp đổ của các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô. Nền kinh tế Việt Nam giành được nhiều thành tựu mới. Tăng trưởng bình quân hàng năm về tổng sản phẩm trong nước (GDP) là 8,2% (kế hoạch là 5,5 – 6,5%), công nghiệp tăng 13%, nông nghiệp tăng 4,5%, kim ngạch xuất khẩu 20%, từ năm 1989 xuất khẩu gạo bình quân 2 triệu tấn/năm. Lạm phát từ 67,1% năm 1991 giảm xuống còn 12,7% năm 1995. Đời sống của người dân được cải thiện, số hộ giàu tăng lên, số hộ nghèo giảm đi. Hệ thống chính trị có một bước đổi mới quan trọng. Vai trò lãnh đạo của Đảng được củng cố và giữ vững, quyền làm chủ của người dân được phát huy.

Công tác xây dựng đảng cắm cột mốc quan trọng với Nghị quyết về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay được thông qua tại Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII (2-1999). Hội nghị đã khẳng định những thành tựu mà Đảng ta đã đạt được trong suốt bảy thập kỷ qua, cũng như thẳng thắn thừa nhận những vấn đề hạn chế trong Đảng. Nghị quyết đã xác định rõ nhiệm vụ của Đảng cần phải: tăng cường sự thống nhất trong Đảng về nhận thức, ý chí và hành động, kiên trì đẩy lùi bốn nguy cơ; đổi mới công tác giáo dục trong Đảng; tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; tập trung chỉ đạo chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình trong Đảng; củng cố tổ chức, tăng cường sức chiến đấu và năng lực tổ chức trong hệ thống chính trị…

Toàn Đảng tiến hành cuộc vận động “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, thực hiện tự phê bình và phê bình kỷ niệm 30 năm thực hiện Di chúc của Bác và kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng. Công tác đổi mới, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng ở tất cả các cấp và đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu; chống suy thoái về tư tưởng đạo đức, lối sống.

Với nhiệm vụ trọng tâm là tự phê bình và phê bình, cuộc vận động đã góp phần nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, đảng viên, ngăn ngừa suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên, củng cố và kiện toàn thêm một bước bộ máy đảng các cấp. Nhiều vụ việc tiêu cực, nổi cộm đã được phát hiện và xử lý. Góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, góp phần giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng.

Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ra Nghị quyết số 22-NQ/TW về “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên” chủ động khắc phục những biểu hiện xa rời mục tiêu, phai nhạt lý tưởng; chống chủ nghĩa cơ hội, thực dụng, vụ lợi, cá nhân, trung bình chủ nghĩa; kiên quyết đấu tranh với những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, phản động, góp phần làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Nghị quyết xác định: “Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Xây dựng tổ chức cơ sở đảng phải kết hợp chặt chẽ với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, với xây dựng chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở vững mạnh, với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là bí thư đảng bộ, chi bộ, người đứng đầu và các cấp ủy viên”(8).

Đại hội XI của Đảng nhận định: “… công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tăng cường, đạt một số kết quả tích cực. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đạt được một số kết quả bước đầu. Đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, vào công cuộc đổi mới và triển vọng phát triển của đất nước”(9). Tuy nhiên, công tác xây dựng đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Trong đó, vấn đề cấp bách hiện nay là “đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” là trọng tâm, cấp bách nhất, cần tập trung chỉ đạo chặt chẽ và thường xuyên.

Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết yêu cầu các tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở, bắt đầu từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mỗi cấp ủy viên, đảng viên phải dũng cảm tự soi xét lại mình, đơn vị mình, tìm ra được những ưu điểm để phát huy, những sai lầm, yếu kém, khuyết điểm để có kế hoạch, biện pháp sửa chữa.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: “Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi ngày tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”. Bởi vì: “Mục đích của phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm”(10). Trong Di chúc, Bác căn dặn: “Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh thực hiện tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Nghị quyết Trung ương 4 đòi hỏi thực hiện kiên quyết, đồng bộ, bắt đầu từ Trung ương, thực sự hiệu quả, để Đảng ta luôn “là đạo đức, là văn minh”.

———————————-

(1). Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, 2002, tập 11, tr. 373-374.
(2). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H.2006, tr. 48.
(3). Bác Hồ với Đại hội Đảng, Nxb CTQG, 2006.
(4). Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, tập 5, tr. 261.
(5). Đảng Cộng sản Việt Nam chặng đường qua hai thế kỷ, Nxb CTQG, 2006, tr. 473.
(6), (7). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ III BCHTW khóa VII, 6-1992.
(8). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ VI BCHTW khóa X, 2008.
(9). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XI, 2000, tr. 17.
(10). Sửa đổi lối làm việc, X.Y.Z.

Tô Nài Não
xaydungdang.org.vn

Tác phong lãnh đạo

Chủ tịch Hồ Chí Minh tát nước chống hạn với bà con nông dân ở cánh đồng Quai Chảo, xã Đại Thanh, huyện Thường Tín, Hà Đông (12-1-1958) – Ảnh tư liệu

Trong đổi mới tư duy và hoạt động của lãnh đạo, có đổi mới phương pháp công tác và tác phong lãnh đạo. Bác Hồ của chúng ta là một điển hình về tác phong lãnh đạo gần gũi với đời sống của người dân, thân tình với mọi tầng lớp xã hội: Bác lội xuống ruộng cùng nông dân xem từng gié lúa, Bác tát nước chống hạn, Bác ngồi bên bờ ruộng cùng nông dân, ngồi bên cỗ máy với công nhân, trên bãi biển cùng các lão ông ngư dân…

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo giáo dục lý tưởng cách mạng, bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc vai trò to lớn của đạo đức trong đời sống xã hội, nhất là trong nhân cách, tác phong, lối sống của cán bộ, đảng viên. Bằng chính tấm gương của mình và bằng rất nhiều bài nói và viết, Người đã đặt nền móng xây dựng nền đạo đức cách mạng. Tại buổi bế mạc Hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ sáu (Khoá I, ngày 18/1/1949), Người căn dặn cán bộ, đảng viên: Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết của mình trước tiên. Tính nết mà Bác nói, có tác phong, lối sống. Bằng cả cuộc đời, Người nêu gương mẫu mực về đạo đức cách mạng vì nước, vì dân. Người chỉ rõ: Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Người căn dặn cán bộ: Tu dưỡng, rèn luyện, sửa đổi tính nết của mình phải thông qua hoạt động thực tiễn, bền bỉ mọi lúc, mọi nơi, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.

Tác phong lãnh đạo luôn gắn với uy tín, tình cảm của lãnh đạo đối với đồng cấp, thuộc quyền, với quần chúng và cả khi hoạt động, giao lưu đối ngoại. Tác phong được thể hiện từ quan điểm sống, từ lối sống giản dị, lành mạnh, biết tôn trọng con người, không phân biệt thấp, cao, sang, hèn. Trong các hội nghị, tiếp xúc cử tri, gặp gỡ, đối thoại với nhân dân tác phong quan cách, quan trọng hóa chức vụ, vị thế đã vô hình trung tạo ra khoảng cách giữa cấp trên với cấp dưới, giữa lãnh đạo với người dân. Đã có khoảng cách thì trong lượng lời nói và sức thuyết phục chắc chắn bị giảm trước cử tọa, trước dân chúng. Có thể nêu một số tác phong lãnh đạo sau:

Lãnh đạo theo lối “mệnh lệnh”: Là đòi hỏi cấp dưới tuân thủ chấp hành (có khi là ngay tức khắc) mệnh lệnh một cách cứng nhắc, là “mệnh lệnh hóa”, không cho người được giao nhiệm vụ có ý kiến đề xuất, kiến nghị, lệnh là phải làm ngay (điều này ngoại trừ những mệnh lệnh cần thiết của người chỉ huy trong lực lượng vũ trang). Tác phong này có khi được việc nhanh, hiệu quả tức thì, nhưng nhiều khi tai hại vì thiếu dân chủ, nảy sinh lối độc đoán, chuyên quyền. Có khi kết quả thực thi nhiệm vụ không được như mong muốn hoặc ngược lại với ý định lãnh đạo.

Lãnh đạo theo lối “quyết đoán”: Thể hiện tác phong nhanh, dứt điểm. Đa số những người lãnh đạo có tác phong này đều thể hiện năng lực một cách tự chủ, coi trọng nội lực, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Biết tự tin, hiểu cấp dưới, tác nhân trực tiếp của thay đổi lớn. Họ có khả năng nhìn nhận và sử dụng thuộc cấp, huy động được cấp dưới xoay quanh một định hướng chiến lược, có tác dụng làm gương và thu hút sự chú tâm làm nhiệm vụ của cấp dưới. Khi quyết đoán càng hiệu quả thì uy tín của người quyết đoán càng lớn. Tác phong lãnh đạo này thường rất hữu hiệu cho đổi mới, cần một mục tiêu lớn và rõ ràng.

Lãnh đạo theo lối “tình cảm hài hòa”: Tạo ra sự hài hòa cho cấp dưới. Tác phong này thường theo phương pháp nhuần nhị, khéo léo, tỏ ra biết tôn trọng mọi người, “lạt mềm buộc chặt”, lo cho nhân viên trước. Vì thế, họ tạo được trong cơ quan, đơn vị sự thông cảm lớn, không khí cởi mở. Chính vì thế, đoàn kết nội bộ chặt chẽ, rất hữu hiệu trong việc xây dựng một tinh thần gắn bó, động viên trong những lúc khó khăn.

Lãnh đạo theo lối “dân chủ – đồng lòng”: Tác phong này thường là rất được lòng tập thể, cộng đồng, tạo dựng được sự đồng lòng thông qua sự tham gia tích cực của cấp dưới. Người lãnh đạo phát huy dân chủ, luôn luôn thực hành dân chủ rộng rãi. Có việc gì hệ trọng thường hỏi ý kiến: “Mọi người nghĩ thế nào?” trước khi quyết định. Tác phong này thường hội tụ được sức mạnh tổng hợp, tận dụng được thế mạnh hợp lực, hợp tác với cấp dưới, dựa vào sự trao đổi. Vì thế, rất hữu hiệu để cấp dưới mạnh dạn hợp tác tích cực.

Lãnh đạo theo lối “kích động”: Đây là tác phong thể hiện sự gương mẫu và coi trọng xây dựng nhân vật điển hình, tập thể, bộ phận điển hình, làm mẫu để áp dụng cho toàn diện. Người lãnh đạo với tác phong này cũng quyết đoán, ấn định những tiêu chí thành công cao bằng sự tự tin. Tác phong này luôn luôn mang tính chỉ dẫn, khuyến khích: “Hãy làm như tôi, hãy làm như họ”. Người lãnh đạo này thường có ý thức, ham muốn thực hiện, nảy sinh và phát huy được những sáng kiến.

Lãnh đạo theo lối “huấn luyện viên”: Đây là tác phong xây dựng một đội ngũ thuộc quyền có năng lực và tinh thần trách nhiệm “đều tay”. Nó góp phần không nhỏ xây dựng đội ngũ kế cận có năng lực và phát triển nhân tài cho tương lai. Tác phong lãnh đạo theo những phương pháp này rất thuận lợi cho sự phát triển năng lực cấp dưới, cảm thông và ý thức rõ về vai trò lãnh đạo của mình. Rất hữu hiệu để hướng tới tương lai, đội ngũ lãnh đạo kế thừa có chất lượng.

Lãnh đạo theo lối “quan liêu, quan cách, thiếu trách nhiệm”: Đây là tác phong lãnh đạo kém hiệu quả nhất. Nhiều khi do nặng giải quyết “khâu oai”, cá nhân chủ nghĩa, mất dân chủ, không tập hợp được ý kiến, sức mạnh tập thể, dễ mắc khuyết điểm, sai lầm. Tác phong này cũng dễ bị cấp dưới lợi dụng, xu nịnh, làm xao nhãng chức trách. Người lãnh đạo có tác phong này thường cho mình là năng lực giỏi nhất, luôn áp đặt, hoặc khoán trắng cho cấp dưới, chung chung. Lo thu vén cá nhân, ít quan tâm đến người khác. Công việc ở những cơ quan, đơn vị như vậy thường bị trì trệ, hiệu quả thấp, bằng mặt mà không bằng lòng, mất đoàn kết nội bộ.

Tác phong, phương pháp, phong cách hay thuật lãnh đạo đều có nét chung là sự thể hiện rõ nét trình độ, năng lực, kinh nghiệm, đạo đức, nhân cách, cá tình của người lãnh đạo. Tác phong càng giản dị, tự nhiên, biết tôn trọng và gần gũi mọi người, có đầu óc cầu tiến, coi trọng chí tiến thủ thì người lãnh đạo càng được quần chúng tin yêu, cảm phục, uy tín càng sâu rộng. Tác phong lãnh đạo có tác dụng rất lớn đến sự phát triển của “văn hoá lãnh đạo”, đem lại những hiệu quả tùy mức độ khác nhau trong công tác đổi mới tư duy, hành động, đổi mới phương pháp công tác của cán bộ lãnh đạo các cấp.

Theo Bùi Văn Bồng / Tạp chí Xây dựng Đảng
Tâm Trang (st)
bqllang.gov.vn

Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh – giải pháp quan trọng thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng

Xét theo nội dung, cơ sở lý luận và thực tiễn để thực hiện các giải pháp được đề ra trong Nghị quyết Trung ương lần thứ 4, việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Bộ Chính trị có tác động trực tiếp và giúp thực hiện tốt tất cả các nhóm giải pháp nêu trên. Điều ấy được khẳng định bởi chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4 khóa XI đã thảo luận và ra Nghị quyết về công tác xây dựng Đảng. Ngày 16/1/2012, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TƯ: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI về công tác xây dựng Đảng, một nhiệm vụ được xác định là “then chốt” trong công cuộc đổi mới đất nước. Nghị quyết đã chỉ rõ, đây là nhiệm vụ vừa cơ bản, vừa lâu dài, phải thực hiện thường xuyên, có hiệu quả, đồng thời chỉ ra ba vấn đề có tính cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, cần tập trung giải quyết: Một là, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng. Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ba là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Nghị quyết đã nêu 4 nhóm giải pháp chủ yếu để giải quyết những vấn đề cấp bách nêu trên: 1- Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên; 2- Nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng; 3- Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; 4- Nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị được xác định là giải pháp đầu tiên trong nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị tư tưởng.

1- Xét theo nội dung, cơ sở lý luận và thực tiễn để thực hiện các giải pháp được đề ra trong Nghị quyết Trung ương lần thứ 4, việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Bộ Chính trị có tác động trực tiếp và giúp thực hiện tốt tất cả các nhóm giải pháp nêu trên. Điều ấy được khẳng định bởi chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Quán triệt tư tưởng và những lời dạy của Người về xây dựng Đảng, trong đó có nội dung chuyên đề học tập năm 2010 “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh”, các tác phẩm “Đường Kách mệnh”, “Sửa đổi lối làm việc”, “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, “Di chúc” của Bác giúp thực hiện tốt các giải pháp nêu ra trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4.

Thực hiện giải pháp đẩy mạnh tự phê bình, phê bình trong Đảng, quán triệt tư tưởng và lời dạy của Hồ Chí Minh giúp chúng ta thấy rõ hơn vai trò của tự phê bình, phê bình. Hồ Chí Minh coi tự phê bình và phê bình là một trong những nguyên tắc xây dựng Đảng; là quy luật phát triển của Đảng; là công việc thường xuyên, “như người ta rửa mặt hằng ngày”. Người chỉ rõ, mục đích của tự phê bình và phê bình là làm cho phần tốt trong mỗi con người nẩy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi; làm cho các tổ chức Đảng luôn luôn trong sạch, vững mạnh… Phê bình và tự phê bình để tăng cường đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng; để các tổ chức Đảng và đảng viên luôn luôn hoàn thiện mình, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc và nhân dân giao cho. Về phương pháp, Người yêu cầu tự phê bình phải thành khẩn, thành tâm, không “giấu bệnh, sợ thuốc”. Phê bình phải trung thực, “không đặt điều”, “không thêm bớt”; ”không nể nang”, kiên quyết, “ráo riết”; nhưng phải có tính xây dựng, “có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(1). Quán triệt tư tưởng và những lời dạy trên đây của Bác trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Kế hoạch của Bộ Chính trị để đánh giá, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, các mặt còn yếu kém, phức tạp; làm rõ nguyên nhân trở ngại trong việc lãnh đạo thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng, trách nhiệm của các tổ chức đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên, từ các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đến cơ sở, sẽ góp phần làm cho việc tự phê bình, phê bình có kết quả tích cực và hiệu quả cao hơn.

Quán triệt nguyên tắc nêu gương trong thực hành đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh giúp thực hiện tốt hơn yêu cầu nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên được đề ra trong Nghị quyết Trung ương lần thứ 4. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi nêu gương là một nguyên tắc trong thực hành đạo đức, một phương pháp lãnh đạo của Đảng. Người viết: “Muốn người ta theo mình thì mình phải làm gương trước”. Theo Người, ai cũng phải nêu gương, nhưng nhấn mạnh người có vị trí cao hơn về chức vụ, nhiều hơn về vị thế, tuổi tác thì phải nêu gương trước, nói đi đôi với làm. Người yêu cầu, đảng viên nêu gương cho quần chúng, lãnh đạo nêu gương cho nhân viên… Phát huy tính tự giác, gương mẫu và thực hiện quy định về sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TƯ để thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ 4 có hiệu quả hơn.

Về giải pháp xây dựng tổ chức và cán bộ nêu trong Nghị quyết Trung ương lần thứ tư, việc quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng nêu trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, một tác phẩm nổi tiếng về xây dựng Đảng của Người đã được giới thiệu và tổ chức học tập trong những năm qua, có ý nghĩa rất tích cực. Trong tác phẩm này, Hồ Chí Minh chỉ rất rõ vai trò và vị trí của cán bộ và công tác cán bộ. Người viết: “Cán bộ là cầu nối giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân”; “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Người yêu cầu, cán bộ cách mạng phải hội đủ các tiêu chuẩn đức và tài, phẩm chất và năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phong cách, phương pháp công tác tốt, trong đó phẩm chất đạo đức phải là yếu tố hàng đầu, là gốc, là nền tảng. Người coi công tác cán bộ là công tác gốc của Đảng; là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp. Thực chất công tác cán bộ là “nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Để thực hiện tốt công tác cán bộ, cần quan tâm đầy đủ đến các mặt: huấn luyện cán bộ; dạy cán bộ và dùng cán bộ; lựa chọn cán bộ; bồi dưỡng cán bộ; thực hiện chính sách đối với cán bộ…

Về phát huy dân chủ trong Đảng, Hồ Chí Minh khẳng định: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do”; “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi”… Người chỉ ra cho chúng ta mục đích và yêu cầu thực hành dân chủ trong Đảng, mở rộng dân chủ “để tất cả mọi đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình”. “Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân… Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân – tức là phục tùng chân lý”(2). Quán triệt tư tưởng trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ tư giúp chúng ta phát huy dân chủ thật sự trong Đảng, thực hiện tốt các giải pháp cụ thể được đề ra, như Quy chế chất vấn trong Đảng; lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá, nhận xét cán bộ; thí điểm bố trí cán bộ chủ chốt ở cấp tỉnh, cấp huyện không phải người địa phương; kê khai tài sản; định kỳ tổ chức để nhân dân góp ý kiến xây dựng Đảng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội…

Về các giải pháp xây dựng cơ chế, chính sách, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ trách nhiệm của Đảng và Chính phủ, khi coi “dân đói”, “dân rét”, “dân ốm” là Đảng, Chính phủ có lỗi để đặt ra yêu cầu phải không ngừng xây dựng, hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế – xã hội, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân. Trong bản “Di chúc” bất hủ, Người yêu cầu: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hóa, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân”. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh để rà soát, loại bỏ các cơ chế, chính sách đã lạc hậu, xây dựng, ban hành đồng bộ các chính sách để đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ; rà soát cơ chế, chính sách và ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quản lý, kiểm soát chặt chẽ vốn và tài sản nhà nước; thực hiện cải cách hành chính nhà nước và cải cách hành chính trong Đảng; đẩy nhanh việc cải cách, thực hiện sớm chế độ tiền lương, nhà ở, chống bình quân, cào bằng; đồng thời chống đặc quyền, đặc lợi; gắn với tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức…, tạo nên sự “không cần”, “không dám”, “không thể” tham ô, tham nhũng, qua đó mà xây dựng đội ngũ cán bộ, để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay.

Trong nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho chúng ta ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung và phương pháp học tập lý luận chính trị. Từ cuốn “Đường Kách mệnh” năm 1927 đến “Sửa đổi lối làm việc” năm 1947, Hồ Chí Minh đã luôn luôn nhấn mạnh vai trò của lý luận, của thực tiễn và quan hệ giữa lý luận với thực tiễn. Người khẳng định, lý luận có vai trò rất to lớn, nó như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế; không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên, phải nâng cao hiểu biết cả về lý luận; “có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”… Theo Hồ Chí Minh, hiểu lý luận là “đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính”.

Về phương pháp học tập lý luận, Người yêu cầu lý luận phải liên hệ chặt chẽ với thực tiễn. Người nói, “lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn, hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách”. Lý luận và thực hành có quan hệ qua lại; lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhìn theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. “Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung cũng như không có tên”.

Về đẩy mạnh học tập lý luận, Người dạy, “phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông”…

Quán triệt tư tưởng và những lời chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, những nội dung đã được thể hiện rõ trong 7 chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh những năm qua và hiện đang là những tài liệu quan trọng để tổ chức thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ, giúp thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn các giải pháp về xây dựng Đảng nêu ra trong Nghị quyết Trung ương 4.

2- Về các giải pháp đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị, đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành công việc thường xuyên quan trọng, gắn với các nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị hiện nay để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, cần thực hiện tốt các hướng dẫn của Trung ương.

Trong năm 2012, thực hiện Hướng dẫn 32-HD/BTGTƯ của Ban Tuyên giáo Trung ương, cần chú ý làm tốt các công việc sau:

Một là, cần tiếp tục quán triệt các chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong 4 năm triển khai cuộc vận động, các tài liệu học tập theo chủ đề hằng năm để tổ chức nghiên cứu, trao đổi, thảo luận tại các chi bộ trong từng tháng, từng quý, gắn với kế hoạch nghiên cứu quán triệt nghị quyết và tổ chức kiểm điểm, liên hệ theo kế hoạch của Bộ Chính trị.

Hai là, xây dựng các chuẩn mực đạo đức cụ thể, sát hợp với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, với tổ chức thực hiện Điều lệ Đảng, quy định các điều đảng viên không được làm, các quy định chung của cơ quan, đơn vị. Các chuẩn mực đạo đức được xây dựng theo tư tưởng, tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải trở thành một trong những cơ sở để mỗi cán bộ, đảng viên đăng ký thực hiện, để liên hệ, kiểm điểm theo Kế hoạch thực hiện nghị quyết Trung ương 4 của Bộ Chính trị và trong sinh hoạt chi bộ, kiểm điểm cuối năm theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.

Ba là, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo các cấp, cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống. Ở các ngành, địa phương, Ban Thường vụ cấp ủy, trực tiếp là Bí thư cấp ủy có trách nhiệm tổ chức việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cơ quan, đơn vị mình và gương mẫu thực hiện các giải pháp đề ra để làm gương cho mọi người noi theo. Căn cứ quy định chung về trách nhiệm nêu gương, các ngành, địa phương cần cụ thể hóa thêm để giúp cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo theo đó tự giác và gương mẫu thực hiện.

Bốn là, để việc triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ trở nên thiết thực hơn, tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, cấp ủy chỉ đạo và lựa chọn một số vấn đề nổi lên, được dư luận quan tâm, đưa ra trao đổi, thảo luận trong đơn vị, bàn giải pháp và tập trung sức giải quyết với những kết quả cụ thể. Điều đó giúp giải quyết các vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng và trong quan hệ với nhân dân ở cơ sở, làm cho việc thực hiện Nghị quyết mang tính thiết thực hơn.

Năm là, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác xây dựng Đảng. Ban Thường vụ cấp ủy tổ chức để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tham gia giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, thực hiện tốt Quy định về đảng viên các cơ quan sinh hoạt hai chiều với nơi cư trú…

Sáu là, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phát hiện, phổ biến, nhân rộng những cách làm hay, những sáng kiến tốt ở cơ sở. Chỉ đạo báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường các hoạt động tuyên truyền về thực hiện Nghị quyết, biểu dương những điển hình người tốt, việc tốt, nhân rộng các điển hình tiên tiến, động viên cán bộ, đảng viên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Quản lý tốt các hoạt động báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, góp phần động viên thực hiện Nghị quyết và hạn chế những mặt tiêu cực trong các lĩnh vực hoạt động này./.

PGS.TS Ngô Văn Thạo
Theo tuyengiao.vn
Thu Hiền (st)

———————

(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, t.2, tr.510
(2). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, H, 1996, t.8, tr. 216.

bqllang.gov.vn

Hồ Chí Minh với sự vận dụng sáng tạo nguyên lý xây dựng Đảng kiểu mới của V.I.Lênin vào thực tiễn của Việt Nam

Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đã gây cho Nguyễn Ái Quốc một ấn tượng đặc biệt sâu sắc, làm chuyển biến lập trường cách mạng của Người, từ một người yêu nước đến chỗ tin tưởng và đi theo chủ nghĩa cộng sản.

Tiếp tục đọc

Những chỉ dẫn cho chúng ta hôm nay

Đảng ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI – một nghị quyết tạo ra không khí chính trị mới, trong đó đề cập một giải pháp rất quan trọng là tự phê bình và phê bình. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, cách đây 90 năm (3-1922), cũng vào mùa xuân, tại Đại hội XI Đảng Cộng sản (b) Nga, V.I.Lê-nin đã đọc Báo cáo chính trị, trong đó nêu rõ sự cấp bách có tính sống còn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản (b) Nga khi thực hiện chính sách kinh tế mới (NEP) với tinh thần tự phê bình, phê bình thẳng thắn, sáng suốt của người cộng sản chân chính.

Sự khắc nghiệt của quy luật thép trong quá trình chuyển từ một xã hội dựa trên nền sản xuất nhỏ, thủ công, lạc hậu, manh mún mà đại bộ phận dân cư là những người tiểu nông – một giai cấp anh em của giai cấp vô sản, một liên minh chiến đấu mà nếu không có họ thì bài ca chiến đấu của những người cộng sản dù ở bất cứ thời kỳ nào cũng chỉ trở thành ai điếu – lên một xã hội hiện đại dựa trên nền sản xuất lớn, những người cộng sản phải giải quyết nhiều vấn đề khó khăn: Đảng lãnh đạo nhà nước, văn hóa lãnh đạo… Đặc biệt là, vấn đề đối xử với giai cấp nông dân như thế nào để họ vui lòng tiến lên sản xuất công nghiệp hóa, hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa mà không bị rơi vào cảnh bần cùng hóa như quá trình công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa. Sau một năm Đảng Cộng sản (b) Nga khắc phục sai lầm về chủ trương muốn tiến thẳng, nhanh chóng lên chủ nghĩa cộng sản bằng cách đề ra và thực thi NEP phù hợp với quy luật quan hệ sản xuất phải tương ứng với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, V.I.Lê-nin đã rút ra một số bài học quý giá.

1. Đảng Cộng sản cùng với giai cấp nông dân xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Đảng phải nhiều lần chấn chỉnh và tổ chức nền kinh tế ấy như thế nào để kiến lập được sự lãnh đạo của Đảng trong hiện đại hóa công nghiệp và nông nghiệp với công việc hằng ngày của người nông dân. Đó là vấn đề phải suy nghĩ nghiêm chỉnh “chứ không nói chuyện viển vông”. V.I.Lê-nin đặt ra một câu hỏi cho những nhà hoạch định chính sách: “Làm sao mà nói chuyện viển vông được, khi mà họ phải tự cứu vớt lấy mình, mà họ phải lo thoát khỏi nguy cơ trước mắt là chết đói cực kỳ khủng khiếp?”(1). Theo V.I.Lê-nin, những người cộng sản phải liên minh với người nông dân lao động bình thường một cách thận trọng, chắc chắn, không được nôn nóng “phải tiến cực kỳ chậm, vô cùng chậm” hơn mức mà ta mơ tưởng, phải có chính sách để “làm sao tất cả quần chúng nông dân đều thật sự tiến lên cùng với chúng ta”(2).

Về vấn đề này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có chủ trương, nghị quyết đúng nhưng trên thực tế lại mở tràn lan những khu công nghiệp, quy hoạch treo để lãng phí đất đai, tiền của. Việc các tỉnh đua nhau làm sân gôn, việc cho người nước ngoài thuê đất rừng, đất ven biển một cách tự phát ở một số địa phương… đã làm cho vấn đề đất đai, việc làm và đời sống của người nông dân đang là những vấn đề nóng, nhức nhối và là mầm mống của sự bất ổn. Đại bộ phận những vụ khiếu kiện của nông dân thuộc về đất đai, đền bù, tái định cư, điều kiện sinh sống khó khăn sau giải tỏa… Phần thiệt thòi, thậm chí đau khổ thuộc về người nông dân. Có phải đã có không ít “chuyện viển vông” trong những công trình, dự án không có sự tính toán thấu đáo, nếu không muốn nói là vô trách nhiệm, vô cảm trước đau khổ, vất vả của người nông dân, những đồng bào của mình đã vì ruộng đất, yêu Tổ quốc, đi theo Đảng giành độc lập, tự do?

2. Trong cách đối xử với nông dân, theo V.I.Lê-nin, khi tiến hành chính sách kinh tế mới, Đảng Cộng sản phải biết kiểm tra trên quan điểm lợi ích của nền kinh tế quốc dân, phải bằng biện pháp thi đua giữa những xí nghiệp quốc doanh và những xí nghiệp tư bản (công ty nước ngoài, công ty tư nhân, công ty liên doanh…) để so sánh giữa phương thức tư bản chủ nghĩa với phương thức xã hội chủ nghĩa xem phương thức nào đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội thiết thực. V.I.Lê-nin yêu cầu: “Các đồng chí hãy so sánh một cách thực tiễn, phải là sự kiểm tra trên quan điểm của kinh tế quảng đại quần chúng”(3). Theo V.I.Lê-nin, các doanh nghiệp tư bản trong quan hệ kinh tế với nông dân, họ đã biết cung cấp cho dân chúng, nhưng đó là sự cung cấp theo lối ăn cướp, hoạt động theo lối ăn cướp và phá hoại môi trường sống của người nông dân để thu được nhiều lời. Nhưng dù sao thì họ cũng đã biết cung cấp, biết cách làm, còn doanh nghiệp nhà nước – những doanh nghiệp do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý thì lại không biết làm như vậy một cách có lợi cho nông dân. Người dẫn lời người dân nói rằng: Lý tưởng của các anh thì tuyệt diệu, các anh nói như đang ở trên thiên đường, nhưng trong thực tế, các anh không biết cách làm việc! Người chỉ rõ: “Phải kiểm tra, kiểm tra thật sự, chứ không phải theo kiểu của Ban Kiểm tra Trung ương là tiến hành một cuộc điều tra và quyết định một sự khiển trách nào đó và cũng không phải theo kiểu của Ban Chấp hành Trung ương các xô-viết toàn Nga là định ra một sự trừng phạt. Không phải thế, phải có kiểm tra thật sự, đứng trên quan điểm nền kinh tế quốc dân mà kiểm tra”(4).

Phải chăng đã đến lúc Đảng ta cần phải trở lại một cách trung thành với quan điểm của V.I.Lê-nin để chấn chỉnh và thay đổi ngay quan niệm về kết quả và hiệu quả của công tác kiểm tra, thanh tra của Đảng và Nhà nước ta hiện nay đối với các doanh nghiệp nhà nước để xem những người đã nhân danh “chủ nghĩa xã hội” để hưởng đặc quyền, được quyền thua lỗ, thất thoát nhiều tỉ đồng, lãng phí đất đai… mà không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, có chăng chỉ là “kiểm điểm sâu sắc và nghiêm khắc rút kinh nghiệm” – một hình thức chế tài chưa từng có trong hệ thống thuật ngữ luật học. Hãy lưu ý tới lời khuyên sau đây của V.I.Lê-nin – cha đẻ của đổi mới, canh tân trong lịch sử của chủ nghĩa xã hội: “Bây giờ các đồng chí phải chứng tỏ rằng trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, các đồng chí biết giúp đỡ một cách thực tế cho kinh tế của công nhân và của người mu-gich, để cho họ thấy được là các đồng chí đã thắng trong cuộc thi đua”(5).

Trong công tác tổ chức cán bộ, chúng ta cần nghiêm túc kiểm lại các cán bộ đảng được chỉ định phụ trách các doanh nghiệp nhà nước hoặc cử sang làm việc trong các liên doanh với nước ngoài, có phải họ đều là những người cộng sản thành thục về quản lý kinh tế không (ở đây giả định tất cả họ đều là những người trong sáng về đạo đức). Hãy lưu ý tới chỉ dẫn sâu sắc sau đây: “Chúng ta không nên yên trí mà cho rằng, trong các tờ-rớt nhà nước và trong những công ty hợp doanh đều là những người cộng sản rất tốt phụ trách; điều đó không có nghĩa lý gì vì những người cộng sản ấy chưa biết cách làm ăn đâu, và về mặt đó, họ còn tồi hơn một người bán hàng tầm thường của nhà tư bản, là kẻ từng được rèn luyện qua các nhà máy lớn và các tiệm buôn lớn”(6).

3. Khi thực hiện NEP đã bộc lộ sự bất cập của Đảng trong lãnh đạo các cơ quan nhà nước. Theo V.I.Lê-nin, cần phải nghiêm khắc nhìn thẳng vào sự thật xem nhà nước là do Đảng Cộng sản nắm trong tay nhưng về mặt thực hiện chính sách kinh tế thì nhà nước có hoạt động đúng như mong muốn của Đảng và nhân dân không? V.I.Lê-nin đã thẳng thắn trả lời rằng: “Không!”. Thật là trung thực và nghiêm túc mẫu mực tự phê bình chưa từng có, khi chính V.I.Lê-nin là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thừa nhận: “Chúng ta không muốn thú nhận điều này: Nhà nước đã không hoạt động được như chúng ta mong muốn”(7). Người đã miêu tả chính xác sự mập mờ sáng tối thực trạng của tình hình và đã tìm ra đúng nguyên nhân của nó. Người cho rằng Nhà nước Xô-viết như một cỗ xe, rõ ràng về mặt pháp lý là có người lái – do Đảng chọn lựa – đang điều khiển cỗ xe, nhưng xe lại đang chạy không theo hướng đã định mà theo hướng thúc đẩy của kẻ khác, một kẻ bí mật, bất hợp pháp, một kẻ mà người ta không biết từ đâu đến, của bọn đầu cơ hoặc của tư bản tư nhân, hoặc có thể là của cả hai loại đó và do đó, cỗ xe đã chạy hoàn toàn không theo ý của người lái. V.I.Lê-nin cho rằng đó là điểm chủ yếu mà chúng ta cần nhớ khi thực hiện NEP.

Phải chăng hiện tượng “lợi ích nhóm” ở nước ta đã được báo động trong dư luận xã hội và cả trên diễn đàn chính trị cũng là vấn đề làm cho cỗ xe của Nhà nước có nguy cơ đi chệch mục tiêu mà nghị quyết của Đảng đã đề ra? Đã đến lúc những câu hỏi mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra trong Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 vừa qua cần phải được trả lời sáng rõ, trong đó có vấn đề: Nhóm ở đâu? ở lĩnh vực nào? Địa phương, ngành cấp nào? Nhóm là những ai? Nếu không trả lời công khai, minh bạch những câu hỏi ấy thì nguy cơ tồn vong của Đảng và chế độ không chỉ dừng lại ở sự dự báo, cảnh báo.

V.I.Lê-nin đã kể một câu chuyện nhân dân Nga chế giễu những người cộng sản khi lãnh đạo chính quyền thực hiện chính sách kinh tế rằng: năm 1917 một tư lệnh trong chính phủ lâm thời đã thuyết phục binh lính làm theo ý muốn của đế quốc ngoại bang thì có “tư lệnh thuyết phục”; còn ngày nay chính quyền Xô-viết có những nhà quản lý kêu gào, chạy ngược chạy xuôi, năng động nhưng không hiệu quả thậm chí thất thoát, thua lỗ thì đáng gọi họ là “tư lệnh ba hoa”(8). Câu chuyện ấy liệu có gợi cho chúng ta suy nghĩ nghiêm túc khi tiến hành tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4?

4. V.I.Lê-nin với đức tính trung thực và tác phong nhìn thẳng vào sự thật, tự phê bình nghiêm túc, Người đã nói trước Đại hội XI Đảng Cộng sản (b) Nga rằng: Vì quan hệ chức vụ của tôi, thường được nghe nhiều lời “dối trá cộng sản chủ nghĩa” đường mật. Hiện tượng ấy đã bị một số báo nói thẳng: “Các anh đang lăn mình vào vũng bùn tư sản tầm thường, trên đó những lá cờ cộng sản nhỏ xíu sẽ phấp phới với đủ thứ những lời nói hay ho… Tôi tán thành chính quyền Xô-viết ở Nga… vì chính quyền đó đã đi vào một con đường đưa nó đến chính quyền tư sản thông thường”(9). V.I.Lê-nin không những không bực mình mà còn khen những tờ báo ấy nói thẳng, rất bổ ích vì nó không lặp lại những lời dối trá vẫn từng nghe, vì nó nói trắng ra sự thật một cách công khai và thẳng thừng đến thế. Người nói: “Đó là một lời nói rất có ích và theo tôi, cần phải chú trọng đến câu nói ấy… (họ) nói như thế đối với chúng ta còn tốt hơn nhiều so với một số trong bọn họ giả dạng gần như là những người cộng sản…”(10). Sự dối trá đã làm cho Đảng không đủ sáng suốt, dũng cảm, không dám nói ra, không nhận biết được một sự thật đau đớn rằng, những người cộng sản có đủ mọi thứ nhưng đã không có quyền lực thực sự mà cứ nhìn về quá khứ, tự ru ngủ một cách tuyệt vọng. Khi chỉ ra sự “dối trá cộng sản” là “nguy cơ thật sự” hiện tại của chế độ Xô-viết: “Hiện không có ai trực tiếp tấn công chúng ta cả, người ta không đến bóp họng chúng ta. Chúng ta còn chờ xem mai đây sẽ ra sao, nhưng hiện nay người ta không cầm vũ khí để tấn công chúng ta; tuy nhiên cuộc đấu tranh… đã trở nên ác liệt và nguy hiểm hơn gấp trăm lần, vì không phải lúc nào chúng ta cũng thấy được rõ đâu là kẻ thù đang đánh lại ta…”(11), đó là dự báo thiên tài về một nguyên nhân sụp đổ của Liên Xô 50 năm sau.

Nguy cơ diễn biến hòa bình và “tự diễn biến” mà Đại hội XI của Đảng đã chỉ ra và Nghị quyết Trung ương 4 mới đây nhấn mạnh cho thấy những người cộng sản Việt Nam hiện nay, nếu ai còn trung thành với lý tưởng cao đẹp của Đảng, với chế độ và lợi ích của dân tộc mà mình đã tuyên thệ khi xin gia nhập Đảng, thì cần coi dự báo nói trên của V.I.Lê-nin như là lời cảnh báo, là chỉ dẫn thiết thực, cấp bách cho chính mình.

5. Theo V.I.Lê-nin, nguy cơ chủ yếu không phải là lực lượng kinh tế của đất nước yếu kém mà: “Rõ ràng, cái còn thiếu chính là trình độ văn hóa của những người cộng sản lãnh đạo…”(12), hãy lấy một số đông đảng viên cộng sản đang phụ trách đối chiếu với bộ máy quan liêu thì thật ra không phải là những người cộng sản lãnh đạo mà chính họ bị lãnh đạo… Người chỉ rõ: “Những người cộng sản đứng đầu các công sở đôi khi bị những kẻ phá hoại ngầm đẩy họ lên địa vị đó một cách khôn khéo có dụng ý, để làm một cái chiêu bài cho chúng. Những người cộng sản đó thường bị người ta đánh lừa. Thú nhận điều đó thật rất khó chịu… Nhưng theo tôi, thì phải thú nhận như thế, vì hiện nay, đó là mấu chốt của vấn đề”(13).

Trên diễn đàn của Đại hội XI Đảng Cộng sản (b) Nga, V.I.Lê-nin đã nêu một câu hỏi, có lẽ không mấy ai đang giữ cương vị lãnh đạo các cấp dám dũng cảm thừa nhận: “Những người cộng sản phụ trách của nước Cộng hòa liên bang XHCN Xô-viết Nga của Đảng Cộng sản Nga có nhận thức được rằng chính họ là những người chưa biết lãnh đạo không? Họ cứ tưởng là mình lãnh đạo người khác, nhưng thật ra, họ có biết chính họ bị người khác lãnh đạo không? Nếu họ hiểu được điều đó, thì chắc chắn họ sẽ học lãnh đạo được, vì có thể học lãnh đạo được. Nhưng muốn thế, phải học tập, mà ở nước ta, người ta lại không chịu học tập. Người ta cứ liên tiếp tung ra những chỉ thị và sắc lệnh, và kết quả lại hoàn toàn không được như ý mình mong muốn”(14). Người đã nhấn mạnh đó là cuộc đấu tranh, cuộc đấu tranh này chưa kết thúc và thẳng thắn thừa nhận: “Ngay cả những cơ quan trung ương ở Mát-xcơ-va, đứng về mặt văn hóa mà xét, cuộc đấu tranh này vẫn chưa được giải quyết”(15). Ít có người đứng đầu đảng và nhà nước trong các nước xã hội chủ nghĩa dám tự phê bình thẳng thắn và quyết liệt như thế.

Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng cho hành động của mình. Do đó, những tư tưởng trên của V.I.Lê-nin là những chỉ dẫn thiết thực soi sáng cho việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 hiện nay.

PGS. Trần Đình Huỳnh
Theo Tạp chí Xây dựng Đảng
Tâm Trang (st)

—————

(1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15) V.I.Lênin toàn tập, NXB Tiến Bộ, M.1978, tập 45, tr.91, tr.94, tr.95, tr.95-96, tr.97, tr.98, tr.103, tr.109, tr.112, tr.112, tr.113, tr.114, tr.115, tr.115, tr.115.

bqllang.gov.vn

“Chống giặc nội xâm” – Bài học về xây dựng Đảng hiện nay

(GD&TĐ) – “Chỉ một năm sau ngày Tết Độc lập 2/9/1945, ngày 27/11/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 223 về việc “Xử phạt đối với tội đưa hối lộ cho công chức, tội công chức nhận hối lộ, biển thủ công quĩ hoặc của công dân”.

Sắc lệnh 223 là Đạo luật chống tham nhũng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ra đời chỉ trước Ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 chưa đầy một tháng.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng chỉnh đốn Đảng chính là gạn đục, khơi trong làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh“Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng chỉnh đốn Đảng chính là gạn đục, khơi trong làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh”

Điều đó nói lên sự cấp bách của vấn nạn chống tham nhũng mà Bác Hồ gọi là “giặc nội xâm” trước nguy cơ giặc ngoại xâm đang rập rình ngay trước cửa. Trong có ấm, ngoài mới êm, nếu nội bộ không trong sạch, không được làm sạch, thì làm sao tập trung toàn lực chống ngoại xâm đi tới thắng lợi? Bài học mà Bác Hồ chỉ ra cho toàn Đảng, toàn chính quyền và toàn dân rất cụ thể, rất rõ ràng: “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng… chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi đến chốn… thành thử có mắt mà không thấu suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững, kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ mà tham ô, lãng phí. Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí.” Những cảnh báo cách đây hơn nửa thế kỷ của Bác Hồ mà cứ như Bác đang nói chuyện ngày hôm nay! Cứ như Bác đang nhìn thấu những chuyện đau lòng xảy ra ngày hôm nay gây ra bởi “quốc nạn” tham nhũng, lãng phí, và bắt đầu từ gốc của nó là bệnh quan liêu, giấy tờ, xa rời dân của các cấp chính quyền, của những người vẫn tự xưng mình là “đầy tớ của nhân dân”.

Cứ mỗi khi chúng ta có dịp nghiền ngẫm những lời căn dặn của Bác, mỗi khi ta thật tình tiếp thu, suy nghĩ về những lời dạy đó, chứ không phải làm qua chuyện “theo phong trào”, ta lại phát hiện ra những điều mới mẻ kỳ lạ từ những lời nói rất dung dị, bình thường của Bác Hồ. Ngay từ khi mới giành được chính quyền, Bác Hồ đã cảnh báo ngay về “nạn giặc nội xâm”- là tham nhũng, quan liêu, lãng phí. Dùng từ “nội xâm” thật đích đáng, và có lẽ ngày càng đích đáng, khi nhiệm vụ của Nhà nước bây giờ không phải là giành chính quyền hay xây dựng chính quyền trong những ngày “trứng nước” như xưa nữa, mà là xây dựng một Nhà nước pháp quyền đủ mạnh, đủ công khai và minh bạch để mọi công dân, dù làm việc gì, dù ở cương vị nào cũng phải tuân thủ pháp luật và hoàn toàn thấy yên tâm, thấy thoải mái trong việc tuân thủ pháp luật. Cứ vào lúc nào và với bất cứ ai tự cho mình cái quyền “đứng trên pháp luật” để hành xử từ việc nhỏ tới việc lớn, thì chừng đó, “giặc nội xâm” không chỉ là hiểm họa, mà thực sự đã thành tai họa nhãn tiền.

“Ai cũng biết vụ tham nhũng của đại tá Trần Dụ Châu trước đây. Khi phát hiện một đại tá tham nhũng, Bác Hồ đã kiên quyết xử lý. Vụ này báo chí không vào cuộc, vì đại tá lúc đó to lắm, nhưng Bác Hồ ra lệnh phải tường thuật trên Báo Cứu Quốc và Đài Tiếng nói Việt Nam đầy đủ, tỉ mỉ về vụ án này. Lúc đó Báo Cứu Quốc đăng 6 kỳ, trong đó 4 kỳ đăng trang nhất kèm xã luận.” Bác muốn người dân phải được biết về vụ việc này. Quyền được thông tin của người dân đã được người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đặc biệt tôn trọng. Bài học về việc chống lại “giặc nội xâm” của Bác Hồ đến lúc này vẫn mang tính thời sự.

Hiện nay, trước tình hình tham nhũng và những tệ nạn xã hội ở nước ta có chiều hướng gia tăng, ôn lại những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, chống tham ô, lãng phí, quan liêu càng thấy rõ ý nghĩa sâu xa, tầm quan trọng và tính thời sự những chỉ dẫn của Người. Tuy chúng ta không bắt gặp những từ “tham nhũng” trong các tác phẩm của Người, nhưng đối chiếu với Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 của Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29-11-2005, có hiệu lực từ ngày 1- 6 -2006 có nêu: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó mà vụ lợi”, cùng những hành vi tham nhũng nêu trong Luật này phù hợp với những nội dung mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là tham ô, lãng phí, quan liêu.

Qua các kỳ Đại hội, Đảng ta đã thẳng thắn kiểm điểm và chỉ rõ một trong bốn nguy cơ, đó là tệ quan liêu và tham nhũng: “Tình trạng tham nhũng và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang cản trở việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, gây bất bình và làm giảm lòng tin trong nhân dân”. Thật vậy, nạn tham nhũng kéo dài, ngày càng diễn biến phức tạp, quy mô ngày càng lớn, tính chất ngày càng nghiêm trọng trong bộ máy của hệ thống chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế là một nguy cơ lớn đe dọa đến sự sống còn của chế độ ta. Điều quan trọng hơn là từ thực tiễn kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta muốn cảnh báo về hậu quả xã hội nguy hại của nó.

Tham nhũng, lãng phí, quan liêu ngoài những tổn thất và thiệt hại to lớn về kinh tế còn gây nên những thiệt hại về chính trị, xã hội khó lường. Điều tệ hại hơn, các tệ nạn này đang làm tha hóa cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền; làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; làm mất đi mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với quần chúng nhân dân; làm cho các chủ trương, chính sách bị sai lệch dẫn đến chệch hướng và làm tiền đề của mọi sự mất ổn định xã hội; là điều kiện thuận lợi cho các thế lực thù địch, gây mất ổn định chính trị, thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Đối với kẻ thù, nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu là cơ sở và mục tiêu để chúng công kích, bôi xấu chế độ ta, làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước ta. Đúng như điều mà Lênin trước đây đã cảnh báo về nguy cơ của một đảng cầm quyền chính là ở chỗ đánh mất mối dây liên hệ với quần chúng, rằng “nếu có cái gì làm tiêu vong chúng ta thì chính là những tệ nạn đó”.

Trong nhiều năm qua, Đảng ta đã có những chủ trương, phương hướng chỉ đạo nhằm đấu tranh chống tệ nạn này có hiệu quả. Nhà nước cũng ban hành hàng loạt văn bản pháp luật quy định cụ thể về chống tham nhũng, lãng phí, nhưng nhìn chung hiệu quả của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí chưa cao. Nhận thức ra tính chất nguy hại của tệ nạn này, Đảng ta đã có chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cuộc đấu tranh này là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Thiết nghĩ, các cấp ủy và tổ chức Đảng, đặc biệt là cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu các cơ quan đơn vị phải nhận thức sâu sắc tính cấp thiết, lâu dài, phức tạp và khó khăn của cuộc đấu tranh này, có quyết tâm chính trị cao, phải thực sự tiên phong, gương mẫu trong trận chiến với thứ “giặc nội xâm” đấu tranh kiên quyết, kiên trì, liên tục có hiệu quả từ Trung ương đến cơ sở, trong Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng chỉnh đốn Đảng chính là gạn đục, khơi trong làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, “thật sự trong như pha lê, mạnh như thác lũ” như Bác Hồ từng chỉ rõ, để phục vụ nhân dân, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Mọi hoạt động xây dựng Đảng trong mọi thời kỳ cách mạng của Đảng đều không ngoài mục đích trên.

Trần Thông

gdtd.vn

Dũng khí đảng viên

Trong tháng 10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những tác phẩm, bài nói mà 65 năm trôi qua, nay đọc lại vẫn thấy như mới, như Bác nói cho các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI). Riêng cuốn “Sửa đổi lối làm việc” của Bác đã có đầy đủ các nội dung đưa ra bàn thảo, phân tích để ban hành Nghị quyết về chỉnh đốn Đảng ghi dấu ấn của Ban chấp hành Trung ương khóa XI. Đọc và so sánh, cả 3 vấn đề cấp bách và 4 giải pháp để chỉnh đốn Đảng đã được đưa vào Nghi quyết Hội nghị Trung ương 4 đều được Bác chỉ ra rất cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu trong cuốn sách quý ấy. Cuốn sách không dày, có 6 phần, hơn 26.700 chữ (số chữ còn ít hơn Báo cáo chính trị tại Đại hội XI có trên 29.000 chữ), nhưng rất đầy đủ, từ quan điểm chính trị, tư tưởng, đạo đức, tác phong, tư cách, lối sống cho đến trách nhiệm cán bộ, đảng viên, phương pháp công tác, phê bình và tự phê bình sửa chữa khuyết điểm, dạy cả cách viết và nói của cán bộ, đảng viên…

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc gì cũng phải rất thiết thực, cụ thể và đã làm phải nhanh chóng, đến cùng trên cơ sở đã tính toán kỹ. Ở phần 6, khi nói về tật xấu là thói ba hoa của cán bộ, đảng viên, Bác viết rất dân dã như nông dân nói trên bờ ruộng, dễ hiểu và thấu đáo: “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận. Phải nhớ câu tục ngữ: “Chó ba quanh mới nằm. Người ba năm mới nói”.

Một trong những giải pháp để chỉnh đốn Đảng lần này là tự phê bình và phê bình. Đây là khâu mở đầu, mấu chốt, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Phương châm, phương pháp tiến hành là phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt còn yếu kém, không nể nang, né tránh; đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa thiết thực, khả thi…(Chỉ thị số 15-CT/TƯ của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).

Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh ngắn gọn, súc tích nhưng đầy khí phách và thể hiện thái độ dứt khoát: “Một đảng mà không biết sửa chữa khuyết điểm là một đảng hỏng”. Vậy, suy ra, một đảng viên mà che giấu khuyết điểm, bảo thủ cái sai, không tự giác nhận khuyết điểm cũng không còn xứng đáng là đảng viên. Trước hết, trong đợt chỉnh Đảng lần này, các đảng viên phải rất tự giác, cầu thị, phải “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, tự xem lại mình trước trước khi phê bình người khác. Đó là lòng tự trọng cần thiết. Không biết tự trọng đồng nghĩa với tự phỉ báng lương tâm. Chính vì thế, khi nói về phê bình và sửa chữa, Bác đã nhấn mạnh đến chữ “DŨNG”, rất cần dũng khí trong đấu tranh tự phê bình và phê bình. Bác viết: “DŨNG là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát”.

Nói chuyện tại buổi bế mạc lớp bổ túc cán bộ trung cấp về đạo đức cán bộ, đảng viên, Bác nhấn mạnh: “DŨNG là phải mạnh dạn, quả quyết nhưng không phải làm liều. Phải có kế hoạch, rồi kiên quyết làm ngay. Nguy hiểm cũng phải làm. Nghĩa là phải có lòng dũng cảm trong công việc” (Báo Vệ quốc quân, số ra ngày 10-10-1947).

Chữ “gan” rất giản dị mà Bác đã dạy chính là dũng khí. Khi con người có lòng tự trọng và bản lĩnh, có nghị lực thì sẽ có dũng khí. Trên thế giới ta đã thấy không ít những vị lãnh đạo, những chủ doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tuyên bố từ chức. Nhưng ở nước ta thì rất hiếm. Khi một người tuyên bố từ chức, thì điều ghi nhận đầu tiên của mọi người là người đó có lòng tự trọng, có dũng khí. Làm không được việc, hoặc vì lý do nào đó mà chức trách không hoàn thành, việc bị hỏng, gây hậu quả nghiêm trọng, thì mất uy tín. Khi đã mất uy tín, nếu tìm mọi cách cố bấu víu quyền lực, dù có được tại vị sẽ bị người đời coi thường, xử lý công việc kém hiệu quả và luôn ở thế “há miệng mắc quai”. Cách tốt nhất là xin từ chức một cách hợp lý thể hiện văn hóa ứng xử. Như thế, thiên hạ chẳng ai cười, lại còn cho là người tự trọng và được tôn trọng. Theo lẽ thường, từ chức là hành động văn minh. Cán bộ đã mất hết uy tín, không chịu nhận khuyết điểm, không chịu từ chức, thậm chí còn ngoan cố chống chế, bảo thủ, quanh co, đổ trách nhiệm cho người khác, thế là hèn. Tham và hèn là thứ sâu mọt đục phá nhân cách.

Cùng đồng cảm, chia sẻ với quan niệm về từ chức, Tiến sĩ Tô Văn Trường đã viết: “Văn hóa nói chung và văn hóa từ chức nói riêng là không phải tự nhiên mà có, hơn nữa đó lại là thứ văn hóa đặc biệt quý giá. Dân tộc ta có một “nền văn hiến đã lâu” như Nguyễn Trãi đã khẳng định trong Bình Ngô đại cáo. Vậy sao bây giờ “văn hóa từ chức” lại chưa có và khó làm đến thế! Từ chức là một nét văn hóa đẹp, đáng kính trọng, thể hiện sự tự trọng và nhân cách của con người. Thiếu vắng hiện tượng từ chức đích đáng không phải chỉ đáng tiếc mà là đáng buồn và xấu hổ” (trong bài “Từ chức – khó nghe và khó thực hiện”).
Suy cho cùng, có sai thì nhận sai thực sự chân thành để sửa, nếu không thì từ chức – đó là lối ứng xử có văn hóa. Tham lam, ích kỷ, nói điêu, vu khống, né tránh khuyết điểm, ưa nịnh không phải là có văn hóa. Có những cán bộ thời nay vẫn thích khen, che giấu khuyết điểm, sợ bị chê, sợ bị phê bình, thích nghe tâng bốc. Họ coi những kẻ dù vô văn hóa, kém tài, gian xảo nhưng giỏi nịnh là “đệ tử”. Thậm chí chỉ nghe kẻ ton hót xiểm nịnh “tâu” những chuyện người khác chê mình đã nổi cáu, rồi “ghi sổ”, hằm hè, xoi mói, để ý người phê bình mình, thậm chí chèn ép, kìm hãm, trù dập. Đó là ứng xử, đối phó của kẻ hèn mạt, không có dùng khí. Như thế không xứng đáng là đảng viên cộng sản, không có dũng khí. Cho nên, chịu phê bình đã khó, tự phê bình càng khó hơn. Dũng khí đảng viên còn phải được thể hiện ở chỗ không chỉ mạnh dạn tự nói ra cái yếu, cái sai của mình, mà rất cần phải nói thẳng cái sai, cái yếu của đồng chí mình, nhất là của cấp ủy, thường vụ, bí thư. Khi thấy cấp trên sai nhưng ai cũng né tránh, sợ đụng chạm bất lợi cho cá nhân mình cũng là biểu hiện sự hèn kém, cá nhân chủ nghĩa. Ngậm miệng ăn tiền, khi thấy nhiều người nói thì mình mới nói theo, gọi là a dua, không muốn tỏ rõ chính kiến. Cái có lợi cho mình thì hết sức làm, cái có hại cho tập thể, cho người dân, hại cho xã hội thì né tránh không can thiệp cũng là biểu hiện lối sống ích kỷ, vụ lợi, không có dũng khí của cán bộ, đảng viên.

Bác Hồ đã chỉ bảo chí tình, chí lý: “Các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công. Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh”. Trong Báo Sự thật số ra ngày 15-4-1949, Bác đã có bài viết phê phán những cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, mắc sai lầm mà cứ muốn giấu nhẹm đi, ngán ngại khi nghe người khác phê bình, chỉ sợ nói ra bị mất uy tín, mất chức, hết “ghế ngồi”. Những cán bộ như thế, Bác đã thẳng thừng chỉ trích: “Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ”.

Phê bình, tự phê bình không nên chỉ tiến hành trong nội bộ Đảng, mà cần phải đưa ra quần chúng, phải trưng cầu dân ý, phải thỏa chí dân nguyện, tôn trọng dân và cần được nhân dân góp sức trong cuộc đấu tranh này thì mới nhanh chóng có kết quả, triển khai Nghị quyết mới có hiệu lực trong thực tiễn cuộc sống. Cũng là thực hiện lời Bác dạy: “Việc phê bình phải từ trên xuống và từ dưới lên. Cấp trên phê bình, chưa đủ. Đồng chí, đồng sự phê bình, chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa, thì sự phê bình mới hoàn toàn”. Trong thực tế, thường là ích kỷ, tham lam, đầu óc còn cá nhân, thực dụng mới sinh ra hèn nhát, ngại người khác phê bình mình, khó chịu khi nghe dân phê phán, vạch ra những cái sai.

Do đó, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu: Mỗi cán bộ, đảng viên rất cần nêu cao tính đảng, tính trung thực, thẳng thắn, cầu thị, trên tinh thần xây dựng vì lợi ích của dân, của đất nước, vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng. Trước hết là các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí Ủy viên Trung ương đều thể hiện rõ phẩm chất và bản lĩnh cộng sản kiên cường, cần có dũng khí tự phê bình và kiên quyết đấu tranh phê bình. Tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén. Vũ khí tuy sắc bén nhưng cũng dễ bị vô hiệu hóa, không còn phát huy tác dụng nếu người sử dụng vũ khí không có dũng khí, không đủ bản lĩnh, lồng động cơ cá nhân, không trung thực. Phê bình, tự phê bình rất cần dũng khí như người lính ra trận mà kẻ thù chính là chủ nghĩa cá nhân./.

Theo Bùi Văn Bồng
Tạp chí Xây dựng Đảng
Huyền Trang (st)

bqllang.gov.vn

Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng theo Tư tưởng Hồ Chí Minh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến việc xây Đảng ta thật sự trong sạch vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Người căn dặn: Đảng phải luôn nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, phải luôn tự chỉnh đốn để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang.

Theo Hồ Chí Minh, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, trước hết phải coi trọng giáo dục Chủ nghĩa Mác-Lênin, xây dựng lập trường, quan điểm giai cấp công nhân cho mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng. Bởi vì, Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt. Đảng mà không có chủ nghĩa làm cốt cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Đối với tổ chức cơ sở đảng, Người yêu cầu: “Phải học tập tinh thần của Chủ nghĩa Mác-Lênin, học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của Chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta”(1). Đồng thời, phải giáo dục, động viên, tổ chức cho nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng. Lãnh đạo nhân dân bằng cách tuyên truyền, cổ động, giáo dục, tổ chức nhân dân, dựa vào nhân dân để thực hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Công việc càng khó khăn thì sự lãnh đạo càng phải liên hợp chặt chẽ với quần chúng, càng phải liên hợp chặt chẽ chính sách chung với chỉ đạo riêng.

Về nâng cao sức chiến đấu của Đảng, Người dạy: “Để lãnh đạo tốt, các cấp ủy phải thật đoàn kết, thật dân chủ, phải thực hành chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”(2). Trong Đảng, thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất. Thực hành dân chủ rộng rãi nghĩa là phải dân chủ thực sự, dân chủ thường xuyên, dân chủ từ Trung ương đến cơ sở. Nhưng, dân chủ phải gắn với tập trung. Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản và cũng là biện pháp tốt nhất để xây dựng Đảng ta. Trước khi đi xa, Người căn dặn: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Chỉ trên cơ sở đoàn kết Đảng mới có sự thống nhất về ý chí và hành động, triệu người như một để chiến thắng bất cứ kẻ thù nào, vượt qua bất cứ khó khăn trở ngại nào.

Thực tiễn hơn 81 năm qua đã khẳng định ý nghĩa to lớn của việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, góp phần quan trọng xây dựng Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh, thực sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.

Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, hầu hết các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên đã thể hiện tốt vai trò lãnh đạo, vững vàng trước những khó khăn, thử thách. Kết quả của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cho thấy những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng đảng, xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu của đảng viên.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít tổ chức cơ sở đảng yếu kém. Năng lực lãnh đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước và cấp ủy cấp trên của nhiều tổ chức cơ sở đảng còn yếu, chưa đủ sức phát hiện, giải quyết những vấn đề phức tạp xảy ra ở cơ sở. Điều đó cho thấy cần phải quán triệt sâu sắc hơn nữa nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng về tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn cách mạng mới.

Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng cần thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:

1. Tăng cường công tác giáo dục lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên. Tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có bản lĩnh vững vàng trước những khó khăn, thách thức; nhạy bén về chính trị, kịp thời phát hiện và kiên quyết đấu tranh với các thủ đoạn, hành động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch; kiên quyết đấu tranh với những nhận thức, quan điểm mơ hồ, lệch lạc, hành vi sai trái; đề cao trách nhiệm chính trị, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, đóng góp sức lực, trí tuệ của mình xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.

2. Nâng cao năng lực vận dụng đúng đắn, sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên vào tình hình thực tiễn của đảng bộ, chi bộ. Xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng, đơn vị đoàn kết, thống nhất. Thường xuyên nêu cao tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những phần tử thoái hóa, biến chất.

3. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị. Dân chủ trong thảo luận, bàn bạc, ra quyết định và tổ chức thực hiện. Thực hiện tốt quy chế lãnh đạo, quy chế làm việc, chế độ thông tin nhanh chóng, chính xác để đảm bảo thực sự dân chủ, quyết định tập thể.

4. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững mạnh; thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên; kết hợp chặt chẽ giữa việc kiện toàn cán bộ chủ trì với kiện toàn cấp ủy đảng. Trong đó: Các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lí, giáo dục, rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, năng lực công tác cho cán bộ, đảng viên; đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải tích cực tự học tập, tự rèn luyện phấn đấu nâng cao trình độ, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Công tác phát triển đảng viên phải được tiến hành đúng phương châm, phương hướng, coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng. Phát triển đảng viên luôn đi đôi với việc củng cố Đảng. Mỗi tổ chức đảng cơ sở phải thường xuyên kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ trì và cấp ủy; làm tốt công tác bồi dưỡng năng lực, kinh nghiệm hoạt động công tác đảng cho đội ngũ cấp ủy viên, cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị, nhất là phương pháp, tác phong công tác và nâng cao chất lượng các khâu trong quá trình lãnh đạo của Đảng.

5. Phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, các tổ chức chính trị – xã hội tham gia tích cực vào công tác xây dựng đảng, nhất là việc góp ý kiến, phê bình cho cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Có quy chế tiếp nhận, xử lí thông tin, chế độ tiếp thu và trả lời ý kiến đóng góp, nguyện vọng hoặc khiếu nại, tố cáo của quần chúng đối với cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng.

——————————–

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 2000, tr.250, 267, 269, 273, 285.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, H. 2000, tr.496.

Theo Tạp chí Xây dựng Đảng

hcmpc.com.vn

Đảng phải trong sạch, vững mạnh

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của Đảng và dân tộc ta đã căn dặn: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”.

Thực tiễn từ ngày thành lập Đảng đến nay cho thấy, vận mệnh của dân tộc ta đã gắn liền với vận mệnh của Đảng. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là điều kiện quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng, của dân tộc đã chứng minh: bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, Đảng liên hệ chặt chẽ với quần chúng, được quần chúng tin tưởng, ủng hộ thì Đảng vững mạnh, lãnh đạo cách mạng thành công; còn nếu xa rời quần chúng, không được quần chúng tin tưởng, ủng hộ thì sẽ suy yếu, giảm sút sức chiến đấu và có khi vấp phải thất bại. Muốn vững mạnh, muốn được quần chúng tin tưởng, ủng hộ, Đảng phải luôn trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân. “Dễ trăm lần, không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Đảng trong sạch để cho dân tin yêu phải gồm những đảng viên trong sạch, có lý tưởng, đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư vì đảng viên chính là cầu nối giữa Đảng với dân. Là “đầy tớ” của nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên phải tận tụy phục vụ nhân dân, một lòng một dạ vì lợi ích của nhân dân.

Để Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, phải kiên quyết đưa những đảng viên thoái hóa, biến chất ra khỏi Đảng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên nhân sâu xa khiến người đảng viên mắc những căn bệnh nguy hiểm như kiêu ngạo, hống hách, tham ô, lãng phí chính là chủ nghĩa cá nhân. “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Đảng phải xây dựng, chỉnh đốn để ngày càng vững mạnh về mọi mặt. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là một trong những vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước.

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đang được thực hiện sâu rộng trong Đảng và trong toàn xã hội sẽ thúc đẩy bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tăng cường sự thống nhất đoàn kết trong Đảng, làm cho Đảng ngày càng vững mạnh và trong sạch, đủ sức lãnh đạo và tổ chức nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa đất nước ngày càng giàu mạnh, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân.

  • Hoàng Liên

baobinhdinh.com.vn

Xây dựng đạo đức là nhiệm vụ hàng đầu

Xây dựng Đảng thật sự trong sạch, “là đạo đức, là văn minh” là chủ đề của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2010. Đây cũng chính là điều mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh – người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, luôn luôn quan tâm sâu sắc.

Trong công tác xây dựng Đảng, một trong những công việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng. Người cho rằng muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Người luôn đòi hỏi mỗi người cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng, phải kết hợp chặt chẽ đức và tài, trong đó đức là gốc. Theo tư tưởng của Người, đạo đức cách mạng là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, bất kỳ khó khăn nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách, nghị quyết của Đảng, làm gương cho quần chúng, hòa mình với quần chúng thành một khối, tin – hiểu – lắng nghe ý kiến của quần chúng, thực hiện “cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”. Người coi đạo đức là cội nguồn của người cách mạng. Người chỉ rõ: Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ, đòi hỏi người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi nâng cao đạo đức cách mạng phải đi đôi với chống chủ nghĩa cá nhân. Người cho rằng chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, “là mẹ đẻ ra mọi tính hư, tật xấu”. Người gọi chủ nghĩa cá nhân là “giặc nội xâm”, “giặc ở trong lòng” và chống chủ nghĩa cá nhân “là một cuộc cách mạng nội bộ”. Do đó “thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân”.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng đã rất chú trọng làm theo lời dạy của Người, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống đã và đang diễn ra là rất nghiêm trọng. Trong đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức trong hệ thống chính trị đã không làm được bốn điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chính đáng. Họ đã gây thiệt hại về kinh tế, xa rời nhân dân, gây phiền hà cho nhân dân, gây mất đoàn kết nội bộ, đặc biệt là làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng và tiến hành đại hội đảng các cấp, chuẩn bị tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay của mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng là “phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư… Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn trong Di chúc.

  • Thảo Trân

baobinhdinh.com.vn

Nguyên tắc xây dựng đảng – một biểu hiện đặc sắc của văn hóa Hồ Chí Minh

Từ trước đến nay, nhất là từ khi khởi xướng công cuộc đổi mới (1986), trong các đại hội của mình, Đảng ta luôn đặt lên hàng đầu các chủ trương đổi mới, chỉnh đốn và xây dựng Đảng, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tổ chức. Tổ chức là khoa học về con người mà ở đây là sự liên kết những con người tiên tiến, những con người mang trong mình một tinh thần cách mạng và tinh thần khoa học của thời đại. Đó không phải là một sự liên kết bất kỳ, nó phải tuân theo những nguyên tắc khách quan biểu hiện văn hoá của một “Đảng chân chính cách mạng”.

Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Những nguyên tắc xây dựng Đảng mà Người xác định và thực hiện là một biểu hiện đặc sắc của văn hoá chính trị. Sự thăng trầm của lịch sử Đảng, của lịch sử dân tộc do Đảng lãnh đạo từ đầu thế kỷ XX tới nay đã chứng minh hào hùng hệ giá trị văn hóa chính trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, trong đó những nguyên tắc tổ chức là kết tinh rực rỡ và then chốt nhất.

Theo lịch sử thời gian, chúng tôi nhận thấy:

Khi chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930), trong bản Điều lệ tóm tắt (do Người soạn thảo được Hội Nghị nhất trí tán thành), Hồ Chí Minh đã xác định: “Bất cứ vấn đề nào (TQC nhấn mạnh) đảng viên đều phải hết sức thảo luận và phát biểu ý kiến, khi đa số đã nghị quyết thì tất cả phải phục tùng mà thi hành”(1). ở đây, đã biểu hiện một tinh thần dân chủ trong Đảng như là một nguyên tắc bắt buộc và là cơ sở để ra quyết định. Đồng thời, dân chủ vừa là quyền lợi lại vừa là nghĩa vụ của đảng viên.

Cũng trong bản Điều lệ vắn tắt này, một trong những vấn đề quan trọng là kỷ luật đảng viên cũng được quy định một cách dân chủ: Không một cá nhân nào có quyền ra quyết định “xử phạt người có lỗi trong Đảng”. Quyền quyết định đó thuộc về tập thể cấp uỷ. (“Hội Chấp hành uỷ viên” hay “Đại biểu đại hội”).

Tháng 10-1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Trần Phú chủ trì, tuy đã thay “Chính cương sách lược vắn tắt”, “Điều lệ vắn tắt” của Đảng Cộng sản Việt Nam bằng Cương lĩnh chính trị Đảng Cộng sản Đông dương, nhưng trong Điều lệ, về cơ bản, nguyên tắc xây dựng Đảng vẫn thể theo tư tưởng Hồ Chí Minh là: “Đảng Cộng sản Đông Dương… phải tổ chức theo lối dân chủ tập trung”. Đại hội Đảng lần thứ nhất (1935), dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hồng Phong, Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương được Đại hội thông qua cũng đã ghi rõ nguyên tắc xây dựng Đảng là “dân chủ tập trung”.

Trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc” (10-1947), Hồ Chí Minh đã phê bình cách lãnh đạo không được dân chủ, “Đối với cơ quan lãnh đạo, đối với những người lãnh đạo, các đảng viên và các cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình…

Họ không dám nói ra thì họ cứ để trong lòng, rồi sinh ra uất ức, chán nản. Rồi sinh ra thói “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng”, “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm”, sinh ra thói “thậm thà thậm thụt” và “những thói xấu khác”(2).

Lãnh đạo thì phải kiểm soát. “Đó là kiểm soát theo nguyên tắc dân chủ tập trung, phê bình và tự phê bình, những nguyên tắc mà Đảng phải thực hành triệt để”(3).

Năm 1951, trong Báo cáo chính trị đọc tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Hồ Chí Minh viết: “Về tổ chức, Đảng Lao động Việt Nam theo chế độ dân chủ tập trung”. Trong báo cáo này, Người không xếp “phê bình và tự phê bình” vào nguyên tắc tổ chức nhưng Người lại xác định nó là “luật” trong Đảng. Luật ở đây, theo chúng tôi có thể hiểu theo hai nghĩa: “Luật” là quy luật và “luật” là sự bắt buộc phải theo. Người viết “Về luật phát triển, Đảng Lao động Việt Nam dùng lối phê bình và tự phê bình để giáo dục đảng viên, giáo dục quần chúng”(4). Tư tưởng Người đã được thể hiện ở trong Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam (Đại hội II).

Năm 1953, trong sách “Thường thức chính trị” Hồ Chí Minh đã chỉ rõ dân chủ tập trung cũng là nguyên tắc tổ chức của chính quyền Nhà nước các cấp. “Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ.

Các cơ quan chính quyền là thống nhất, tập trung.

Từ Hội đồng nhân dân và ủy ban kháng chiến hành chính xã đến Quốc hội và Chính phủ Trung ương, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương. Thế là vừa dân chủ vừa tập trung.

Chế độ dân chủ tập trung khiến cho toàn thể nhân dân (công, nông, tiểu tư sản, tư sản dân tộc) đều trở nên chủ nhân chân chính của nước nhà, đều đoàn kết để kháng chiến, kiến quốc”(5).

Cũng trong sách này, khi nói về nền tảng tổ chức của Đảng Lao động Việt Nam, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đảng tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung. Nghĩa là: Có đảng chương thống nhất, kỷ luật thống nhất, cơ quan lãnh đạo thống nhất. Cá nhân phải phục tùng đoàn thể, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương”(6).

Người nhấn mạnh: Toàn thể đảng viên, toàn thể các cấp, tổ chức thống nhất lại theo nguyên tắc nhất định. Nguyên tắc ấy tức là dân chủ tập trung. Nghĩa là “Tập trung trên nền tảng dân chủ” và “Dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung”. Người nhấn mạnh: “Để làm cho Đảng mạnh, thì phải mở rộng dân chủ (thật thà tự phê bình và phê bình), thực hành lãnh đạo tập trung, nâng cao tính tổ chức và tính kỷ luật”(7). ở đây, Người không tách phê bình, tự phê bình thành một nguyên tắc riêng nhưng lại coi nó như là nội hàm của dân chủ.

Trong Lời bế mạc Hội nghị lần thứ 9 (mở rộng) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (đọc ngày 24-4-1956) Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến vấn đề dân chủ, phê phán tệ quan liêu, độc đoán chuyên quyền và bệnh sùng bái cá nhân. Người khẳng định: “Phải định rõ chế độ làm việc, đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo cao nhất của Đảng tức là tập thể lãnh đạo”(8), nhưng Người lại lưu ý: “Tập thể lãnh đạo phải đi đôi với cá nhân phụ trách”(9). Đến Hội nghị lần thứ 11 (mở rộng) của Đảng Lao động Việt Nam, trong lời bế mạc, Hồ Chí Minh lại nhấn mạnh: “Cố gắng để tăng cường sự lãnh đạo tập thể của Trung ương, để mở rộng dân chủ trong Đảng”(10). Như vậy, tập thể lãnh đạo, nhất là tập thể lãnh đạo của Trung ương là điều kiện cần để mở rộng dân chủ.

Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (9-1960) tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, trong Điều lệ Đảng đều ghi nguyên tắc xây dựng Đảng là tập trung dân chủ.

Đáng chú ý là năm 1960, Hồ Chí Minh được bầu lại làm Chủ tịch Đảng, tuy trong Điều lệ ghi nguyên tắc xây dựng Đảng là tập trung dân chủ, nhưng nội hàm của nó vẫn thống nhất với những điều Hồ Chí Minh đã từng xác định, và trong tất cả các bài nói và viết của Người cho tới khi Người qua đời, Người vẫn nhất quán nhấn mạnh nội hàm của khái niệm ấy. Ví dụ, năm 1961, khi nói về đảng viên, cán bộ, Người nhắc nhở: “Trong công việc thì phải lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách”(11). Nếu không, sẽ dẫn tới tình trạng “ai cũng phụ trách mà không ai phụ trách”. Đặc biệt, khi nói về sự lãnh đạo của Đảng, các cấp uỷ phải có tinh thần phụ trách. Theo Hồ Chí Minh, “Muốn như thế thì phải nắm vững nguyên tắc: Một là, nguyên tắc đoàn kết nội bộ. Hai là, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Muốn làm tốt việc ấy còn phải… dân chủ nội bộ. Muốn dân chủ nội bộ tốt thì cần… phải phê bình, tự phê bình. Cái này nó dính cái khác”(12). Nhiều lần Người nói: “Nội bộ phải đoàn kết chặt chẽ, mở rộng tự phê bình và phê bình. Tăng cường chế độ lãnh đạo tập thể và cá nhân phụ trách”(13).

Khi Hồ Chí Minh 75 tuổi (1965), trong tài liệu “Tuyệt đối bí mật” (Bản thảo Di chúc) Người viết: “Trước hết nói về Đảng… các đồng chí từ trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con người của mắt mình.

Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng…”(14).

Nếu nhân gian suy tôn Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc thì chính vì Người đã cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh quyền làm chủ của dân tộc ta và của các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Nếu nhân gian suy tôn Hồ Chí Minh là nhà văn hoá kiệt xuất thì chính vì một trong những giá trị văn hoá mà Người đã góp vào dòng chảy chung của văn hoá nhân loại là văn hoá chính trị, là dân chủ.

Nếu nhiều nhà hoạt động chính trị danh tiếng ca ngợi Hồ Chí Minh là “người chiến sỹ lỗi lạc nhất của phong trào cộng sản quốc tế”(15) thì chính vì Người đã nâng quan hệ của những người đồng chí trong nội bộ Đảng Cộng sản lên một tầm văn hoá mà không một tổ chức chính trị nào có được. Đó là thực hành dân chủ rộng rãi, là tình đồng chí thương yêu và giải quyết mọi công việc có lý, có tình, là giúp nhau cùng tiến bộ, là giữ gìn Đảng “thật trong sạch”, luôn luôn “phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(Di chúc).

Để có một Đảng Cộng sản như thế, theo Hồ Chí Minh thì cần phải tổ chức và xây dựng Đảng theo nguyên tắc:

Dân chủ tập trung…

Theo Hồ Chí Minh “dân chủ tập trung” là một khái niệm trong đó dân chủ và tập trung có quan hệ biện chứng với nhau, dân chủ được xác định là nền tảng của tập trung.

Nội hàm của nguyên tắc dân chủ tập trung rất rộng, nó bao gồm được cả 6 điểm như điều 9 trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam do Đại hội IX thông qua.

Thực tiễn của Đảng ta và của các Đảng Cộng sản khi đã trở thành đảng cầm quyền đã minh chứng hùng hồn những nguyên tắc tổ chức xây dựng đảng do Hồ Chí Minh đề ra và thực hành là đúng đắn. Sự đúng đắn ấy đã trở thành một phần trong hệ giá trị văn hoá chính trị Hồ Chí Minh: Văn hoá dân chủ.

______

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2002, tập 3, tr.7. (2) Sđd, tập 5, tr.243. (3) Sđd, tập 5, tr.288. (4) Sđd, tập 6, tr.174. (5) Sđd, tập 7, tr.218-219. (6) Sđd, tập 7, tr. 229. (7) Sđd, tập 7, tr.240-241. (8,9) Sđd, tập 8, tr.157. (10) Sđd, tập 8, tr.274. (11) Sđd, tập 10, tr.285. (12) Sđd, tập 10, tr.443. (13) Sđd, tập 10, tr.452. (14) Sđd, tập 12, tr.497-498. (15) Điện chức mừng 70 năm Ngày sinh Hồ Chí Minh của Chủ tịch Mao Trạch Đông, Uỷ viên trưởng Chu Đức, Thủ tướng Chu Ân Lai.

TRỊNH QUANG CẢNH

xaydungdang.org.vn