Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đã gây cho Nguyễn Ái Quốc một ấn tượng đặc biệt sâu sắc, làm chuyển biến lập trường cách mạng của Người, từ một người yêu nước đến chỗ tin tưởng và đi theo chủ nghĩa cộng sản.
Năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, với một niềm tin mạnh mẽ là tìm ra con đường giải phóng dân tộc thoát khỏi ách đọa đày của thực dân Pháp xâm lược. Song, con đường Người đi rất khác với những nhà cách mạng tiền bối đã đi – tìm đường cách mạng ở chính đất nước của kẻ thù xâm lược. Quá trình bôn ba hải ngoại, qua nhiều nơi trên thế giới cho Người thấy rõ một sự thật: Ở đâu người lao động cũng nghèo khổ như nhau, còn bọn tư bản bóc lột đều sống giàu sang trên lưng người lao động. Người rút ra kết luận quan trọng: “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa hai vòi, một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở thuộc địa. Nếu muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi còn lại kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản, con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra”. Và do vậy, cách mạng ở các nước chính quốc phải đoàn kết với cách mạng ở các nước thuộc địa.
Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành sống và hoạt động cách mạng ở Pháp. Trong khoảng thời gian này tình hình chính trị, kinh tế thế giới có những chuyển biến lớn lao, tác động sâu sắc đến lập trường chính trị, tư tưởng của Người: Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917 đã nổ ra và giành thắng lợi toàn diện, lần đầu tiên trên thế giới nhân dân lao động Nga, dưới sự lãnh đạo của chính đảng vô sản, đã đứng lên làm chủ vận mệnh của mình. Sự kiện vĩ đại này, ngay lúc bấy giờ Nguyễn Tất Thành chưa hiểu hết ý nghĩa trọng đại của nó đối với cách mạng Việt Nam, song Người dự cảm thấy sức lôi cuốn kỳ diệu của nó.
Do ý thức được mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng giải phóng người lao động Pháp, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng Xã hội Pháp với tên gọi Nguyễn Ái Quốc. Người nhận thấy ở Pháp lúc bấy giờ chỉ có Đảng Xã hội là tổ chức chính trị bênh vực sự nghiệp cách mạng của các dân tộc thuộc địa, trong đó có cách mạng Việt Nam. Hoạt động trong Đảng Xã hội và phong trào công nhân Pháp giúp Nguyễn Ái Quốc có cơ hội được tiếp cận với lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin và nhiều nhà cách mạng vô sản nổi tiếng.
Tháng 3 năm 1919, theo sáng kiến của Lênin, tại Mát-xcơ-va, Quốc tế Cộng sản III (Đệ tam quốc tế) được thành lập. Cũng tại Thủ đô Mát-xcơ-va của nước Nga, từ ngày 18/7 đến 7/8/1920, đã diễn ra Đại hội lần thứ hai của Quốc tế Cộng sản. Trong các văn kiện trình Đại hội có bản Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Bản Luận cương của Lênin đã gây cho Nguyễn Ái Quốc một ấn tượng đặc biệt sâu sắc, làm chuyển biến lập trường cách mạng của Người, từ một người yêu nước đến chỗ tin tưởng và đi theo chủ nghĩa cộng sản. Cũng trong những năm đó, Đảng Xã hội Pháp có cuộc tranh luận sôi nổi về việc nên hay không nên gia nhập Đệ tam quốc tế. Với niềm tin sâu sắc vào vai trò của Quốc tế Cộng sản trong cuộc đấu tranh giải phóng lao động và giải phóng các dân tộc bị áp bức, Người đã tích cực vận động các đảng viên ủng hộ Đảng Xã hội tham gia Đệ tam quốc tế.
Tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp, ở thành phố Tua ngày 25/12/1920, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Đảng Xã hội Pháp gia nhập Đệ tam Quốc tế và trở thành một trong những đảng viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Đến thời điểm này, sau 10 năm ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã nhận rõ con đường cách mạng Việt Nam và bước vào thời kỳ hoạt động mới, thời kỳ xác lập đường lối và xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam.
Hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc từng bước thấm nhuần đường lối chính trị và những nguyên tắc xây dựng đảng theo quan điểm Đảng kiểu mới của Đệ tam Quốc tế. Không chỉ tiếp thu lý luận sâu sắc, Người còn ra sức vận dụng lý luận vào thực tiễn. Ở Pháp, Người tham gia tổ chức và lãnh đạo Hội liên hiệp thuộc địa tổ chức ở Pa-ri năm 1921; về Trung Quốc Người tham gia trong Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức, tổ chức ở Quảng Châu năm 1925. Đồng thời, để chuẩn bị những tiền đề cần thiết cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này, Người viết sách lý luận, sáng lập tổ chức Hội thanh niên cách mạng Việt Nam (Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội), một tổ chức quá độ nhằm giáo dục, đào tạo cán bộ cho Đảng. Thông qua những khóa học của Hội, Người truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào những thanh niên yêu nước; mặt khác, Người còn gửi những thanh niên ưu tú vào học Trường Quân sự Hoàng Phố ở Quảng Châu – Trung Quốc và Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Nga.
Nói về Đảng và vai trò của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng, Người viết: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công – nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất” và “phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Ở đây Người nói đến một Đảng cách mạng vững bền, theo những nguyên tắc xây dựng Đảng Công nhân dân chủ – xã hội Nga (Đảng Bôn-sê-vích Nga), do Lênin khởi xướng. Để xây dựng một Đảng cách mạng vững bền như vậy, Nguyễn Ái Quốc đã phát triển sáng tạo lý luận xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân quốc tế vào xây dựng Đảng ta trên ba mặt: Chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Về chính trị, Nguyễn Ái Quốc đã vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin về cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới để phác thảo cơ sở lý luận cho Cương lĩnh chính trị tương lai của Đảng: “Cách mệnh Việt Nam bây giờ còn là tư sản dân quyền cách mệnh. Trong công cuộc cách mạng này, thổ địa cách mệnh là một bộ phận rất trọng yếu”. Giai cấp lãnh đạo cuộc cách mạng đó, không có ai khác ngoài giai cấp công nhân: “Cách mạng bây giờ, cũng như về bước sau, vô sản giai cấp phải đứng về địa vị lãnh đạo mới được”. Sau khi thực hiện cách mạng dân chủ tư sản thắng lợi, giai cấp công nhân và nhân dân lao động, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục làm cách mạng xã hội chủ nghĩa để: “Phá tan cái xã hội bất bình hiện tại mà lập ra xã hội ai cũng phải làm, ai cũng đủ dùng, ai cũng tự do, bình đẳng, tức là xã hội cộng sản”.
Người cũng chỉ rõ về sách lược và phương pháp cách mạng, Đảng phải chuẩn bị thời cơ, nắm vững thời cơ lãnh đạo quần chúng đứng lên giành chính quyền về tay: “Khi đại bộ phận dân cày và thợ thuyền đã đoàn kết vững vàng, chắc chắn, khi kinh nghiệm tranh đấu của quần chúng đã già, khi phong trào cách mạng đã lên cao, khi quyền thống trị của đế quốc chủ nghĩa đã gặp bước nguy cơ, khi những bộ phận trung lập trong dân chúng đã theo về phe cách mạng, khi quần chúng đã hăng hái hy sinh, bấy giờ trách nhiệm của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên là phải đem quần chúng đứng dậy đánh đổ quyền thống trị của đế quốc chủ nghĩa”.
Về tư tưởng, Người khẳng định dứt khoát phải xây dựng Đảng trên cơ sở tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Mác – Lênin”.
Về mặt tổ chức, Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh phải “xây dựng một đảng vững bền, chắc chắn cho cách mạng Việt Nam”. Đây là cách diễn đạt đơn giản, dễ hiểu của Người về một nhiệm vụ rất khó khăn là xây dựng Đảng ta thành một đảng cách mạng, chiến đấu, đủ sức dẫn dắt giai cấp và dân tộc trên đường tranh đấu đến thắng lợi cuối cùng.
Chúng ta đều biết một trong những đóng góp lớn của Lênin về xây dựng chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân là đòi hỏi phải xây dựng Đảng Công nhân dân chủ – xã hội Nga thành đội tiền phong chiến đấu, có tổ chức và là tổ chức chặt chẽ nhất của giai cấp. Để bảo đảm tính tổ chức chặt chẽ của Đảng, V.I.Lênin đòi hỏi: “Đảng viên phải tự nguyện gia nhập Đảng, thừa nhận cương lĩnh, điều lệ của Đảng và bắt buộc phải sinh hoạt trong một tổ chức của Đảng; Đảng phải được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ”.
Một nguyên tắc hết sức quan trọng nữa của chính đảng kiểu mới được Nguyễn Ái Quốc quan tâm nghiên cứu và phát triển, đó là nguyên tắc đảng theo chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân. Từ những kinh nghiệm thực tiễn trải qua, kết hợp với nhận thức lý luận, Người nhận thấy cách mạng Việt Nam muốn thành công, tất phải trở thành một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới: “Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả. Đã là đồng chí, thì sung sướng cực khổ phải có nhau”. Và, để đoàn kết với các đảng anh em và các dân tộc bị áp bức Người chỉ rõ: “Đội tiên phong của lao động thuộc địa tiếp xúc mật thiết với giai cấp vô sản phương Tây để dọn đường cho một sự hợp tác thật sự sau này; chỉ có sự hợp tác này mới bảo đảm cho giai cấp công nhân quốc tế giành được thắng lợi cuối cùng”.
Tại Hội nghị thành lập Đảng, ngày 3/2/1930, trong các văn kiện của Hội nghị – Chánh cương vắn tắt; Sách lược vắn tắt; Chương trình tóm tắt của Đảng và Điều lệ tóm tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam – đã thể hiện khá đầy đủ những tư tưởng về Đảng được Người phát triển trước đó. Trong Sách lược vắn tắt của Đảng, tại khoản 1, ghi: “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng”. Về bản chất giai cấp của Đảng, văn kiện chỉ rõ: Đảng phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân và nông dân, không bao giờ hy sinh quyền lợi của hai giai cấp ấy cho các giai cấp khác. Về tôn chỉ, mục đích, Điều lệ vắn tắt của Đảng ghi: “Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức ra để lãnh đạo quần chúng lao khổ làm giai cấp tranh đấu để tiêu trừ tư bản đế quốc chủ nghĩa, làm cho thực hiện xã hội cộng sản”. Đặc biệt, trong Điều lệ vắn tắt của Đảng xác định rất rõ tư cách đảng viên theo tinh thần của chủ nghĩa Lênin: “Lệ vào Đảng: Ai tin theo chủ nghĩa cộng sản, chương trình đảng và Quốc tế Cộng sản, hăng hái đấu tranh và dám hy sinh phục tùng mệnh lệnh Đảng và đóng đảng phí, chịu phấn đấu trong một bộ phận đảng thời được vào Đảng”. Công thức (Nguyên tắc) nổi tiếng của V.I.Lênin về điều kiện trở thành đảng viên của Đảng Công nhân dân chủ – xã hội Nga, ranh giới phân biệt giữa cách mạng và cơ hội trong vấn đề tổ chức của Đảng, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vận dụng sáng tạo vào xây dựng Đảng ta ngay từ khi thành lập.
Có thể nói, vào đêm trước của Hội nghị thành lập Đảng, ngày 3/2/1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị đầy đủ những điều kiện cần thiết cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin chân chính. Người đã đào tạo, giáo dục và rèn luyện được đội ngũ cán bộ lãnh đạo đầu tiên của Đảng thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin, có lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó với phong trào cách mạng trong nước. Đã tổ chức ra Hội Thanh niên cách mạng Việt Nam – tổ chức tiền thân của Đảng. Từ tổ chức đó những hạt giống cách mạng được gieo khắp cả nước để về sau trở thành những lãnh tụ kiên trung của Đảng. Đặc biệt, Người đã vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận về chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân quốc tế cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam; xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; xây nền móng vững chắc cho đường lối cách mạng Việt Nam từ cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa sau này./.
ThS. Phạm Văn Thắng
Theo tuyengiao.vn
Thu Hiền
cpv.org.vn