Tag Archive | Văn hóa Hồ Chí Minh

Nguyên tắc xây dựng đảng – một biểu hiện đặc sắc của văn hóa Hồ Chí Minh

Từ trước đến nay, nhất là từ khi khởi xướng công cuộc đổi mới (1986), trong các đại hội của mình, Đảng ta luôn đặt lên hàng đầu các chủ trương đổi mới, chỉnh đốn và xây dựng Đảng, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tổ chức. Tổ chức là khoa học về con người mà ở đây là sự liên kết những con người tiên tiến, những con người mang trong mình một tinh thần cách mạng và tinh thần khoa học của thời đại. Đó không phải là một sự liên kết bất kỳ, nó phải tuân theo những nguyên tắc khách quan biểu hiện văn hoá của một “Đảng chân chính cách mạng”.

Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Những nguyên tắc xây dựng Đảng mà Người xác định và thực hiện là một biểu hiện đặc sắc của văn hoá chính trị. Sự thăng trầm của lịch sử Đảng, của lịch sử dân tộc do Đảng lãnh đạo từ đầu thế kỷ XX tới nay đã chứng minh hào hùng hệ giá trị văn hóa chính trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, trong đó những nguyên tắc tổ chức là kết tinh rực rỡ và then chốt nhất.

Theo lịch sử thời gian, chúng tôi nhận thấy:

Khi chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930), trong bản Điều lệ tóm tắt (do Người soạn thảo được Hội Nghị nhất trí tán thành), Hồ Chí Minh đã xác định: “Bất cứ vấn đề nào (TQC nhấn mạnh) đảng viên đều phải hết sức thảo luận và phát biểu ý kiến, khi đa số đã nghị quyết thì tất cả phải phục tùng mà thi hành”(1). ở đây, đã biểu hiện một tinh thần dân chủ trong Đảng như là một nguyên tắc bắt buộc và là cơ sở để ra quyết định. Đồng thời, dân chủ vừa là quyền lợi lại vừa là nghĩa vụ của đảng viên.

Cũng trong bản Điều lệ vắn tắt này, một trong những vấn đề quan trọng là kỷ luật đảng viên cũng được quy định một cách dân chủ: Không một cá nhân nào có quyền ra quyết định “xử phạt người có lỗi trong Đảng”. Quyền quyết định đó thuộc về tập thể cấp uỷ. (“Hội Chấp hành uỷ viên” hay “Đại biểu đại hội”).

Tháng 10-1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Trần Phú chủ trì, tuy đã thay “Chính cương sách lược vắn tắt”, “Điều lệ vắn tắt” của Đảng Cộng sản Việt Nam bằng Cương lĩnh chính trị Đảng Cộng sản Đông dương, nhưng trong Điều lệ, về cơ bản, nguyên tắc xây dựng Đảng vẫn thể theo tư tưởng Hồ Chí Minh là: “Đảng Cộng sản Đông Dương… phải tổ chức theo lối dân chủ tập trung”. Đại hội Đảng lần thứ nhất (1935), dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hồng Phong, Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương được Đại hội thông qua cũng đã ghi rõ nguyên tắc xây dựng Đảng là “dân chủ tập trung”.

Trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc” (10-1947), Hồ Chí Minh đã phê bình cách lãnh đạo không được dân chủ, “Đối với cơ quan lãnh đạo, đối với những người lãnh đạo, các đảng viên và các cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình…

Họ không dám nói ra thì họ cứ để trong lòng, rồi sinh ra uất ức, chán nản. Rồi sinh ra thói “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng”, “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm”, sinh ra thói “thậm thà thậm thụt” và “những thói xấu khác”(2).

Lãnh đạo thì phải kiểm soát. “Đó là kiểm soát theo nguyên tắc dân chủ tập trung, phê bình và tự phê bình, những nguyên tắc mà Đảng phải thực hành triệt để”(3).

Năm 1951, trong Báo cáo chính trị đọc tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Hồ Chí Minh viết: “Về tổ chức, Đảng Lao động Việt Nam theo chế độ dân chủ tập trung”. Trong báo cáo này, Người không xếp “phê bình và tự phê bình” vào nguyên tắc tổ chức nhưng Người lại xác định nó là “luật” trong Đảng. Luật ở đây, theo chúng tôi có thể hiểu theo hai nghĩa: “Luật” là quy luật và “luật” là sự bắt buộc phải theo. Người viết “Về luật phát triển, Đảng Lao động Việt Nam dùng lối phê bình và tự phê bình để giáo dục đảng viên, giáo dục quần chúng”(4). Tư tưởng Người đã được thể hiện ở trong Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam (Đại hội II).

Năm 1953, trong sách “Thường thức chính trị” Hồ Chí Minh đã chỉ rõ dân chủ tập trung cũng là nguyên tắc tổ chức của chính quyền Nhà nước các cấp. “Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ.

Các cơ quan chính quyền là thống nhất, tập trung.

Từ Hội đồng nhân dân và ủy ban kháng chiến hành chính xã đến Quốc hội và Chính phủ Trung ương, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương. Thế là vừa dân chủ vừa tập trung.

Chế độ dân chủ tập trung khiến cho toàn thể nhân dân (công, nông, tiểu tư sản, tư sản dân tộc) đều trở nên chủ nhân chân chính của nước nhà, đều đoàn kết để kháng chiến, kiến quốc”(5).

Cũng trong sách này, khi nói về nền tảng tổ chức của Đảng Lao động Việt Nam, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đảng tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung. Nghĩa là: Có đảng chương thống nhất, kỷ luật thống nhất, cơ quan lãnh đạo thống nhất. Cá nhân phải phục tùng đoàn thể, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương”(6).

Người nhấn mạnh: Toàn thể đảng viên, toàn thể các cấp, tổ chức thống nhất lại theo nguyên tắc nhất định. Nguyên tắc ấy tức là dân chủ tập trung. Nghĩa là “Tập trung trên nền tảng dân chủ” và “Dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung”. Người nhấn mạnh: “Để làm cho Đảng mạnh, thì phải mở rộng dân chủ (thật thà tự phê bình và phê bình), thực hành lãnh đạo tập trung, nâng cao tính tổ chức và tính kỷ luật”(7). ở đây, Người không tách phê bình, tự phê bình thành một nguyên tắc riêng nhưng lại coi nó như là nội hàm của dân chủ.

Trong Lời bế mạc Hội nghị lần thứ 9 (mở rộng) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (đọc ngày 24-4-1956) Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến vấn đề dân chủ, phê phán tệ quan liêu, độc đoán chuyên quyền và bệnh sùng bái cá nhân. Người khẳng định: “Phải định rõ chế độ làm việc, đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo cao nhất của Đảng tức là tập thể lãnh đạo”(8), nhưng Người lại lưu ý: “Tập thể lãnh đạo phải đi đôi với cá nhân phụ trách”(9). Đến Hội nghị lần thứ 11 (mở rộng) của Đảng Lao động Việt Nam, trong lời bế mạc, Hồ Chí Minh lại nhấn mạnh: “Cố gắng để tăng cường sự lãnh đạo tập thể của Trung ương, để mở rộng dân chủ trong Đảng”(10). Như vậy, tập thể lãnh đạo, nhất là tập thể lãnh đạo của Trung ương là điều kiện cần để mở rộng dân chủ.

Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (9-1960) tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, trong Điều lệ Đảng đều ghi nguyên tắc xây dựng Đảng là tập trung dân chủ.

Đáng chú ý là năm 1960, Hồ Chí Minh được bầu lại làm Chủ tịch Đảng, tuy trong Điều lệ ghi nguyên tắc xây dựng Đảng là tập trung dân chủ, nhưng nội hàm của nó vẫn thống nhất với những điều Hồ Chí Minh đã từng xác định, và trong tất cả các bài nói và viết của Người cho tới khi Người qua đời, Người vẫn nhất quán nhấn mạnh nội hàm của khái niệm ấy. Ví dụ, năm 1961, khi nói về đảng viên, cán bộ, Người nhắc nhở: “Trong công việc thì phải lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách”(11). Nếu không, sẽ dẫn tới tình trạng “ai cũng phụ trách mà không ai phụ trách”. Đặc biệt, khi nói về sự lãnh đạo của Đảng, các cấp uỷ phải có tinh thần phụ trách. Theo Hồ Chí Minh, “Muốn như thế thì phải nắm vững nguyên tắc: Một là, nguyên tắc đoàn kết nội bộ. Hai là, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Muốn làm tốt việc ấy còn phải… dân chủ nội bộ. Muốn dân chủ nội bộ tốt thì cần… phải phê bình, tự phê bình. Cái này nó dính cái khác”(12). Nhiều lần Người nói: “Nội bộ phải đoàn kết chặt chẽ, mở rộng tự phê bình và phê bình. Tăng cường chế độ lãnh đạo tập thể và cá nhân phụ trách”(13).

Khi Hồ Chí Minh 75 tuổi (1965), trong tài liệu “Tuyệt đối bí mật” (Bản thảo Di chúc) Người viết: “Trước hết nói về Đảng… các đồng chí từ trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con người của mắt mình.

Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng…”(14).

Nếu nhân gian suy tôn Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc thì chính vì Người đã cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh quyền làm chủ của dân tộc ta và của các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Nếu nhân gian suy tôn Hồ Chí Minh là nhà văn hoá kiệt xuất thì chính vì một trong những giá trị văn hoá mà Người đã góp vào dòng chảy chung của văn hoá nhân loại là văn hoá chính trị, là dân chủ.

Nếu nhiều nhà hoạt động chính trị danh tiếng ca ngợi Hồ Chí Minh là “người chiến sỹ lỗi lạc nhất của phong trào cộng sản quốc tế”(15) thì chính vì Người đã nâng quan hệ của những người đồng chí trong nội bộ Đảng Cộng sản lên một tầm văn hoá mà không một tổ chức chính trị nào có được. Đó là thực hành dân chủ rộng rãi, là tình đồng chí thương yêu và giải quyết mọi công việc có lý, có tình, là giúp nhau cùng tiến bộ, là giữ gìn Đảng “thật trong sạch”, luôn luôn “phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(Di chúc).

Để có một Đảng Cộng sản như thế, theo Hồ Chí Minh thì cần phải tổ chức và xây dựng Đảng theo nguyên tắc:

Dân chủ tập trung…

Theo Hồ Chí Minh “dân chủ tập trung” là một khái niệm trong đó dân chủ và tập trung có quan hệ biện chứng với nhau, dân chủ được xác định là nền tảng của tập trung.

Nội hàm của nguyên tắc dân chủ tập trung rất rộng, nó bao gồm được cả 6 điểm như điều 9 trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam do Đại hội IX thông qua.

Thực tiễn của Đảng ta và của các Đảng Cộng sản khi đã trở thành đảng cầm quyền đã minh chứng hùng hồn những nguyên tắc tổ chức xây dựng đảng do Hồ Chí Minh đề ra và thực hành là đúng đắn. Sự đúng đắn ấy đã trở thành một phần trong hệ giá trị văn hoá chính trị Hồ Chí Minh: Văn hoá dân chủ.

______

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2002, tập 3, tr.7. (2) Sđd, tập 5, tr.243. (3) Sđd, tập 5, tr.288. (4) Sđd, tập 6, tr.174. (5) Sđd, tập 7, tr.218-219. (6) Sđd, tập 7, tr. 229. (7) Sđd, tập 7, tr.240-241. (8,9) Sđd, tập 8, tr.157. (10) Sđd, tập 8, tr.274. (11) Sđd, tập 10, tr.285. (12) Sđd, tập 10, tr.443. (13) Sđd, tập 10, tr.452. (14) Sđd, tập 12, tr.497-498. (15) Điện chức mừng 70 năm Ngày sinh Hồ Chí Minh của Chủ tịch Mao Trạch Đông, Uỷ viên trưởng Chu Đức, Thủ tướng Chu Ân Lai.

TRỊNH QUANG CẢNH

xaydungdang.org.vn

Advertisement