Tag Archive | Chuyện kể về Người
Bác Hồ dạy học ở Pắc Bó (Phần II)
Đinh Đăng Định và những năm tháng chụp ảnh Bác Hồ
Nhà báo, NSNA Đinh Đăng Định quê ở Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, làng có nghề dát vàng, bạc nổi tiếng và duy nhất trên bán đảo Đông Dương.
Câu chuyện về chiếc tàu phá thuỷ lôi mang biệt hiệu T5 và tấm lòng của Bác
Bác Hồ dạy học ở Pắc Bó (Phần I)
Ký ức 3 lần gặp Bác của nữ giám thị trại giam
Sống gần hết cuộc đời, bà vẫn tâm niệm một điều: Hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời bà là vinh dự được gặp Bác Hồ 3 lần. Đã hơn 50 năm trôi qua, nhưng khoảnh khắc ấy vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim của nữ giám thị trại giam này.
Chuyện kể người chụp ảnh Bác Tết đầu tiên Việt Nam độc lập
“Bác đón thân nhân cán bộ, chiến sĩ làm việc tại Bắc Bộ Phủ trong bộ kaki màu sữa đã nhạt, ngồi với khách trên tấm chiếu trải dọc lối mòn trong vườn hoa, cạnh mấy rá cơm trắng…”.
Hồ Chí Minh và những câu chuyện ứng xử ngoại giao
(Chinhphu.vn) – Chủ tịch Hồ Chí Minh không câu nệ về “đối đẳng chức vụ”, không bị ràng buộc bởi nghi thức ngoại giao mà luôn chủ động, linh hoạt và hết sức chú trọng đến mục tiêu, hiệu quả của công tác đối ngoại. Đúng như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét: “Sự ứng xử linh hoạt của Hồ Chí Minh trong giao tiếp ngoại giao đã trở thành những câu chuyện huyền thoại”.
Dù người đối thoại là nguyên thủ quốc gia, lãnh tụ Đảng, chính khách, trí thức hay chỉ là người công nhân, nông dân bình thường, Hồ Chí Minh cũng luôn chủ động trong ứng xử. Sự chủ động đó vừa tự nhiên, bình dị, chân thành vừa ân cần tế nhị, được thể hiện hết sức sinh động và phong phú trong tư thế chủ động, với ngôn ngữ giản dị, ngắn gọn và dễ hiểu, với nụ cười luôn đem lại sự bất ngờ làm xóa nhòa mọi khoảng cách, đem lại hiệu quả cao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận hoa từ các em bé trong chuyến thăm Cộng hoà Dân chủ Đức tháng 7/1957
Ông Vũ Đình Huỳnh, nguyên là thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã nhấn mạnh tới điều này khi kể câu chuyện Bác đối phó với tướng Tiêu Văn của quân đội Tưởng Giới Thạch khi chúng âm mưu thực hiện kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” tháng 9/1945: “Bác bước nhanh vào phòng khách của Lãnh sự quán như bước vào chốn quen thuộc đã từng lui tới nhiều lần… Tiêu Văn đang ngồi, vội đứng lên đón Bác. Hình như những bước đi thoải mái, tự nhiên và nụ cười rộng mở, đầy chân tình của Bác, tất cả nói lên nhiệt tình của người chủ hiếu khách, như thể Bác chờ đợi cuộc gặp gỡ này từ lâu, đã làm cho Tiêu Văn có phản ứng bất giác đó”.
Đồng chí Song Tùng, nguyên Phó trưởng ban đối ngoại Trung ương, người được giao nhiệm vụ phiên dịch cho Bác Hồ trong những ngày Bác sang thăm nước Cộng hoà Dân chủ Đức vào tháng 7/1957, kể: Cuộc hội đàm giữa đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta với các vị đại diện nước bạn diễn ra suốt cả ngày 26/7/1957. Do thời gian cách nhau sáu tiếng, 15 giờ chiều ở Berlin thì ở Việt Nam đã 21 giờ đêm, lại phải làm việc căng thẳng nên các đồng chí trong đoàn đại biểu ta ai cũng mệt mỏi và buồn ngủ. Khi phía bạn báo cáo năng suất cao của việc nuôi một loại cá chép lai giống, Bác hỏi: “Các đồng chí có loại cá không có xương không?” “Thưa không. Ở Việt Nam có loại cá không xương hay sao?” Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Otto Grotewohl hỏi với vẻ ngạc nhiên. Bác Hồ của chúng ta nói nghiêm nghị: “Vâng, có” (các thành viên đoàn Việt Nam tỉnh ngủ). “Thưa Chủ tịch, có thể xuất khẩu loại cá ấy cho chúng tôi được không?” Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Otto đề nghị. Bác nghiêm trang trả lời: “Chúng tôi sẵn sàng. Loại cá này ở quê hương đồng chí Song Tùng” rồi Bác kể về câu chuyện “con cá gỗ” của người xứ Nghệ. Các đại biểu được một trận cười thoải mái. Mọi người tỉnh táo hẳn.
Trong cuộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì nền độc lập của đất nước, tự do của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao tiếp với nhiều đối thủ. Với các đối tượng này, Người đã ứng xử bằng phong cách của một nhà hoạt động chính trị lão luyện, một nhà ngoại giao từng trải để giành thắng lợi. Nhiều người thường nhắc tới câu chuyện về cách ứng xử của Bác trong lần tới thăm Bộ trưởng Bộ nước Pháp Hải ngoại Marius Moutet năm 1946. Ông ta đi từ trên thang gác xuống đón Bác, Bác đi lên. Moutet giơ tay ra bắt tay, nhưng Bác lại bế bé gái đi cùng ông ta lên đã, âu yếm cháu trong khi vẫn bước lên. Chỉ khi ở bậc thang ngang với Moutet, Bác mới đưa tay ra. Nếu Bác giơ tay đáp lại ngay thì trong tấm ảnh của các nhà báo chụp phút đó Bác sẽ ở vị thế dưới Moutet, là điều mang ý nghĩa tượng trưng không hay cho ta.
Chính vì tinh tế nên Chủ tịch Hồ Chí Minh rất am hiểu các đối tượng giao tiếp và rất uyển chuyển trong cách giao tiếp: Nếu cần làm thơ thì Người sẽ làm thơ, cần viết văn thì Người sẽ viết văn hoặc vận dụng những áng văn thơ điển hình của dân tộc và nhân loại phù hợp với từng hoàn cảnh giao tiếp. Khi đón Tổng thống Guinea Sekou Toure đến thăm Việt Nam tháng 9/1960, Người mượn ý lẩy Kiều để thể hiện tình cảm:
Bây giờ mới gặp nhau đây
Mà lòng đã chắc những ngày thanh niên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông
Sáng ngày 10/5/1963, tại sân bay Gia Lâm, khi đón Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Lưu Thiếu Kỳ và Phó Thủ tướng Trần Nghị sang thăm Việt Nam, Bác cũng đọc thơ và câu thơ khi đó nay đã trở thành câu nói tượng trưng cho quan hệ hai nước: “Mối tình thắm thiết Việt-Hoa, vừa là đồng chí vừa là anh em”.
Tháng 12/1961, đoàn đại biểu quân sự Trung Quốc do Nguyên soái Diệp Kiếm Anh dẫn đầu sang thăm hữu nghị chính thức nước ta. Trong kế hoạch đón tiếp có nội dung đoàn sẽ đến chào Bác ngay sau khi đến Hà Nội. Khi xem kế hoạch, Bác nói: “Hồi trước, khi Bác đi từ Diên An về phương Nam, đồng chí Diệp Kiếm Anh đã từng là đội trưởng và Bác là Bí thư chi bộ. Nay đồng chí ấy đến Việt Nam mà Bác lại đợi đồng chí ấy đến chào chính thức là không thân tình”. Do đó, Bác quyết định là Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ ra đón đoàn tại sân bay, khi về tới Bắc Bộ phủ đã có Bác. Bác sẽ dự bữa cơm thân mật với đoàn nhưng không công bố trên báo, vì như vậy không tiện về mặt lễ tân. Bởi vì lúc đó, Bác là Chủ tịch nước, còn đồng chí Diệp Kiếm Anh chỉ là một trong 10 nguyên soái của Trung Quốc, chưa phải là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhưng là chỗ thân tình từ trước nên Bác sẽ có mặt ở Bắc Bộ phủ. Đó là một cách xử trí rất tinh tế của Bác về mặt ngoại giao, lại có lý có tình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà báo Wilfred Burchett
Trên cương vị Chủ tịch nước bận trăm công nghìn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nghe đài, đọc báo của nước ngoài để nắm vững tình hình, cùng Bộ tham mưu của mình vạch chính sách đối nội, đối ngoại đúng đắn và sáng suốt. Với các nhà báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn là một người bạn lớn. Những nhà báo quốc tế khi đến Việt Nam đều mong muốn được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng những lời lẽ có lý có tình, thông qua báo chí, những thiện chí của Người và nhân dân Việt Nam đã đến được với nhân dân yêu chuộng hòa bình và tín nghĩa trên thế giới, qua đó họ hiểu và đứng lên đấu tranh ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang tiến hành.
Trong chiến khu Việt Bắc, trước ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà báo Australia Wilfred Burchett đã gặp Bác Hồ. Ông viết: “Con người mảnh khảnh với chòm râu dài từ trong cánh rừng bước ra, gậy cầm tay, áo vắt vai, không phải ai khác mà chính là Cụ Hồ Chí Minh truyền thuyết. Được người Pháp đưa tin đã chết đến vài chục lần. Cụ vẫn ở đó tay dang rộng, mảnh dẻ, nhưng không thể nào nhầm được. Không thể nào quên được buổi gặp gỡ đầu tiên đó, với vẻ ấm cúng và thông minh trong đôi mắt nâu thẫm của Người. Đầu tiên, Cụ Hồ Chí Minh ân cần hỏi thăm về sức khoẻ của tôi”.
Phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh thể hiện tầm vóc, trí tuệ lớn lao và tình cảm sâu sắc của Người trong những mối quan hệ hết sức đa dạng, phong phú đối với mọi lớp người ở các cương vị và thuộc các dân tộc khác nhau.
ThS. Vũ Kim Yến
Tin bài liên quan:
Ngôi nhà đơn sơ của một tâm hồn vĩ đại
Nguồn: baodientu.chinhphu.vn
Vkyno (st)
Chuyện giờ mới kể về Bác Hồ
Lần đầu tiên được bảo vệ Bác đi bộ, ông Thưởng được Bác dạy rằng: “Cùng đi thì phải nói chuyện, làm như vậy quãng đường sẽ ngắn lại. Im lặng có thể là dốt hoặc tự kiêu…”.
» Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Bác Hồ
» Tổng Bí thư dâng hoa tưởng niệm Bác Hồ tại London
» Điện Biên Phủ trên không: Dự báo chính xác của Bác Hồ
» Gặp người phi công 9 năm chở Bác Hồ
» Khánh thành tượng đài Hồ Chí Minh ở Argentina
Ông là Lê Minh Thưởng (SN 1940), ở xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Với ông, 10 năm được làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ là quãng thời gian hạnh phúc và thấy mình sống có ích nhất. Ông nói mình đã học được rất nhiều điều hay tốt đẹp từ vị cha già của dân tộc. Ông vẫn luôn tự hào khi kể cho con cháu nghe về công việc một thời gắn bó.
Hạnh phúc cả đời vì được bảo vệ Bác
Ấn tượng đầu tiên khi gặp ông là sự nhanh nhẹn, giọng nói to rõ ràng, phong thái khỏe khoắn, dù đã vào tuổi “xưa nay hiếm”.
Ông Lê Minh Thưởng, người có quãng thời gian 10 năm làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bố là đảng viên, anh trai là liệt sĩ từ thời kháng chiến chống Pháp, học xong cấp 2, năm 1958, chàng thanh niên Lê Minh Thưởng xin đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự nhưng không trúng. Năm 1959 ông được tuyển vào đội công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng). Tháng 4/1959 ông được triệu tập về học ở trường C500.
Tháng 4/1960 ra trường, ông nhận được quyết định về công tác ở Cục cảnh vệ (Cục cảnh vệ lúc đó có mật danh là K10) với nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ và công tác ở đó cho đến ngày Bác qua đời.
Khi được hỏi về thời gian tham gia bảo vệ Bác Hồ, ông Thưởng xua tay bảo: “Công lao gì đâu, tôi là người may mắn và hạnh phúc khi được Đảng và Nhà nước giao cho nhiệm vụ đó. Bảo vệ Bác Hồ là bảo vệ cả Tổ quốc, bảo vệ cả giang sơn đất nước. Được làm công việc đó là hạnh phúc cả đời đối với tôi mà không có gì so sánh được”.
Vừa nói ông vừa dẫn chúng tôi vào gian phòng lưu niệm để giới thiệu về những kỷ vật vô giá mà ông còn cất giữ được. Trên gian tường là tấm hình ông chụp lưu niệm với Bác và các các cán bộ lãnh đạo trung ương nhân dịp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ chiến trường miền Nam ra báo cáo tình hình với Bộ Chính trị và Bác Hồ.
Ông chỉ tay giới thiệu tên từng người trong bức hình, Bác Hồ và Bác Tôn ngồi ở giữa, ông Thưởng bế một cháu bé trong lòng ngồi bên phải Bác Hồ, rồi lần lượt xung quanh là các ông Nguyễn Chí Thanh, Lê Duẩn, Văn Tiến Dũng, Tố Hữu, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Vũ Kỳ, Trần Quốc Hoàn…
Vừa giới thiệu ông Thưởng vừa lấy tấm khăn bông lau tấm hình và nói: “Với tôi tấm hình này là vô giá. Dù có nghèo đói nhưng giả sử có người trả mua cả chục cây vàng tôi cũng không bán đâu”. Rồi ông rưng rưng hai hàng nước mắt như đang được sống lại giây phút được ngồi cạnh Bác để chụp hình.
Bức hình ông Thưởng chụp lưu niệm với Bác và các các cán bộ lãnh đạo trung ương nhân dịp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ chiến trường miền Nam ra báo cáo tình hình với Bộ Chính trị và Bác Hồ mà ông xem là kỷ vật vô giá.
Miền ký ức ùa về, ông Thưởng nhớ lại quãng thời gian 10 năm làm nhiệm vụ bảo vệ Bác. Năm 1960 ông được đưa về cục cảnh vệ, bảo vệ Đại hội Đảng lần thứ 3. Đến tháng 9/1960 ông được điều về bảo vệ Bác Hồ, ban đầu mới chỉ bảo vệ vòng ngoài, dần dần mới được tiếp xúc với Bác nhiều hơn.
Ông nói: “Vào làm công việc ở đây không dễ, phải cần cù khiêm tốn, chịu khó và kỷ luật tốt. Bác đã từng nói với tôi rằng biết thì nói, không biết thì hỏi, đừng im lặng giấu dốt. Im lặng có thể là giấu dốt hoặc tự cao tự đại”.
Quãng thời gian 10 năm bảo vệ Bác, ông Thưởng đã có hàng trăm nghìn kỷ niệm và câu chuyện về Bác. Ông nhớ lại, Tết năm 1964 đưa Bác đi chợ Đồng Xuân, Bác gọi ông Hoàng Quốc Thịnh, Bộ trưởng Bộ nội thương đến báo cáo tình hình chuẩn bị nhân dân ăn tết và tình hình kinh tế-lương thực-thực phẩm của cả nước. Sau đó Bác gọi ông Trần Duy Hưng lúc đó là Chủ tịch UBND TP Hà Nội và hỏi “Các chú chuẩn bị ăn tết cho nhân dân thủ đô như thế nào?”.
Công việc xong xuôi, Bác nói mọi người cùng đi chợ Đồng Xuân sắm tết. Để không bị phát hiện, mọi người phải hóa trang cho Bác, và một người nữa giống như Bác, phòng trường hợp xấu có thể xảy ra. Ông Thưởng có nhiệm vụ đi xem đường trước. Hôm đó trời mưa, lúc vào chợ, Bác đi xem quầy lương thực, thực phẩm.
“Lại hàng thực phẩm tự do, Bác hỏi cô bán thịt 1 cân bao nhiêu tiền nhưng lại nói giọng Nghệ An. Cô bán thịt cứ nhìn chằm chằm vào mặt Bác vì nghe giọng nói trầm ấm quen quen. Nếu không có sự nhanh trí của đồng chí Phạm Lệ Ninh (Trưởng phòng bảo vệ Bác) thì chắc chắn Bác sẽ bị lộ, mà nếu biết Bác có mặt ở chợ thì khu chợ sẽ xôn xao lên mất. Lúc đó nhanh như chớp, đồng chí Ninh nhảy vào đứng che mặt Bác, đẩy Bác ra và vào hỏi lại bằng giọng Bắc. Thế là cô bán thịt không để ý nữa, thật là may”.
Ông Thưởng đang chỉ vị trí mình ngồi trong tấm hình chụp cùng Bác và các vị lãnh đạo Trung ương thời ông còn làm nhiệm vụ bảo vệ Bác.
Đặc biệt là lần về Thanh Hóa. Lúc đầu Bác ngồi xe có kính đàng hoàng, nhưng sau Bác lại sang xe CTAL 69 (không có kính) ngồi. Lúc đó dân có mặt rất đông, người dân ùa vào mong được gặp Bác. Các chiến sĩ cảnh vệ có nhiệm vụ bảo vệ Bác phải nỗ lực giải quyết mãi mới được.
Đến khi Bác vào thăm xưởng sản xuất nông cụ Thanh Hóa, những công nhân làm việc tại đây khi biết Bác vào thăm, mặc dù quần áo đang bụi bẩn nhưng vì muốn được tận mắt thấy Bác, được nắm tay Bác nên đã bỏ dụng cụ làm việc chạy ào về phía Bác.
Những người đi theo bảo vệ Bác như ông Thưởng phải vô cùng vất vả mới đưa được Bác ra khỏi nơi ấy. Ông Thưởng còn vinh dự hàng chục lần được đi cùng Bác về các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An … công tác, rồi đi về các vùng nông thôn, cùng bà con tuốt lúa, cấy cày.
Học tập tấm gương của Bác suốt đời
Trong thời gian 10 năm được gần gũi, bảo vệ Bác, những chuyện “quốc gia đại sự” ông không được biết. Nhưng trong đời thường ông đã được Bác dạy nhiều điều hay lẽ phải. Lần đầu tiên được bảo vệ Bác đi bộ, ông Thưởng được Bác dạy rằng: “Cùng đi thì phải nói chuyện, làm như vậy quãng đường sẽ ngắn lại. Việc gì biết thì nói, không biết thì phải hỏi, đừng giấu, im lặng làm thinh. Hiểu cái gì nói cho mọi người nghe. Im lặng có thể là dốt hoặc tự kiêu…”.
Sau khi Bác Hồ mất, ông Thưởng còn ở lại sửa sang mọi thứ ở phủ Chủ Tịch một năm. Sau đó ông được điều về công tác ở Cục Cảnh sát hình sự. Năm 1980, ông chuyển về phòng cảnh sát hình sự Nghệ Tĩnh với chức vụ Đội trưởng đội săn bắt cướp (SBC).
Niềm vui cuối đời của ông Thưởng là đọc báo…
Công tác tại đơn vị này, ông Thưởng đã cùng đồng đội lập rất nhiều chiến công hiển hách, phá nhiều vụ án lớn, bắt những tên cướp nổi tiếng cả trong Nam ngoài Bắc như Phương trọc; Toọng (Trương Hiền), một tội phạm nổi tiếng ở thành Vinh nhiều lần qua mặt được các cơ quan công an; Nguyễn Đức Lợi, Đậu Kim Sơn, hai tên giang hồ khét tiếng; Sáu côi (tên thật là Thành), tên ăn cướp trên tàu hỏa; Công Minh (trú tại Nghi Phú), chuyên ăn cướp đường dài, hoạt động rộng khắp cả nước… .
Năm 1990, ông Thưởng về nghỉ hưu với hàm Trung tá. Suốt cuộc đời hoạt động ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý như Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương chiến công hạng nhất. Đặc biệt quý giá hơn cả là tấm Huy hiệu Bác Hồ ông được chính tay Bác tặng năm 1968.
… và chăm sóc cây cảnh trong vườn nhà.
Nhưng phần thưởng cao quý nhất đối với ông chính là những bài học mà ông học được ở Bác trong 10 năm được gần Bác. Ông Thưởng cũng nhận ra nhiều thói quen của Bác, ví như trong tiệc tùng Bác không bao giờ uống bia rượu, những lúc tiếp khách Bác cũng nâng ly nhưng không uống. Những lúc đi công tác làm việc ở đâu, Bác không bao giờ cho phép tổ chức tiệc tùng đình đám, tránh lãng phí tiền của nhân dân.
Ông tâm sự: “Người là lãnh tụ, là kho tàng vĩ đại của dân tộc ta. Dù có học suốt đời cũng không thể thấm nhuần hết đạo đức của người”. Chính vì vậy mà dù trong lúc đang công tác hay lúc đã về hưu ông luôn định hướng cho thế hệ trẻ phải luôn học tập và làm theo tấm gương của Bác.
Ngay ở trong gia đình mình, ông cũng luôn định hướng cho các con, cháu học tập những công việc của Bác từ nhỏ. Thời gian rảnh rỗi, ông Thưởng lại gọi con cháu tụ họp lại để kể những câu chuyện những việc làm bình dị của Bác để các con các cháu học tập.
Giờ đây, khi đã tuổi cao sức yếu nhưng ông Thưởng vẫn chăm chỉ làm việc. Thú vui tuổi già của ông là chăm sóc những cây cảnh, đọc báo xem tin tức hàng ngày. Nhìn vườn nhà ông, nhiều người không khỏi trầm trồ khen ngợi, dưới bàn tay của ông, cây cảnh đâm chồi nảy lộc mơn mởn. Đặc biệt là gia đình ông đang sở hữu 5 cây thị di sản được xem là đồ gia bảo của dòng họ.
Tính đến tết Quý Tỵ này, ông Lê Minh Thưởng đã bước qua 73 mùa xuân. Trong quãng thời gian đó, ông có quyền tự hào về mình vì đã cống hiến rất nhiều cho xã hội, đất nước.
Theo Infonet
vtc.vn
Bác học tiếng Thái

Ảnh Tư liệu
“Bác tự học rất đều đặn. Ngày nào bận công tác đoàn thể thì hôm sau Bác kiên quyết học bù cho kì được.”
Khi đất nước ta còn chìm đắm trong vòng nô lệ, Bác phải sang Xiêm (Thái Lan bây giờ) với bí danh là Thầu Chín (Cụ Chín) để hoạt động cách mạng… Cán bộ khác theo Bác sang hoạt động bên đó thường trao đổi với nhau bằng tiếng Việt làm cho dân địa phương không hiểu và tỏ ra khó chịu. Biết vậy, Bác tập hợp cán bộ, bàn nhau cùng học tiếng tiếng Thái dễ hòa mình với dân địa phương. Mọi người nhất trí là sau 3 tháng phải nói thạo tiếng Thái để vừa dễ dân vận vừa dễ tuyên truyền cách mạng.
Người thì đề ra kế hoạch mỗi ngày phải thuộc 50 từ, người thì 40 từ… riêng Bác chỉ nhận mỗi ngày 20 từ. Mọi người nhất trí là sau 3 tháng đạt yêu cầu Bác thưởng, ai không đạt, chịu phạt. Mấy ngày đầu anh em hăm hở học, sau đó số lượng tụt dần dần, từ 50 xuống 40 từ, rồi 30, 20 thậm chí 10 hoặc 5… Có lúc lại học cách buổi, rồi cách tuần. Hôm nào hứng lên lại học ào ào, sôi nổi được vài ba ngày rồi tịt hẳn. Trong khi đó, Bác tự học rất đều đặn. Ngày nào bận công tác đoàn thể thì hôm sau Bác kiên quyết học bù cho kì được.
Sau 3 tháng, Bác đã thuộc gần 2000 từ. Đúng hạn 3 tháng, Bác đã tập hợp anh em lại để xem kết quả. Người thì ấp úng người thì đỏ tai và tất cả đều xin chịu bị phê bình vì chẳng ai học đến đầu đến đũa cả. Bác không phạt mà ôn tồn chỉ ra rằng học tiếng nước ngoài còn dễ hơn làm cách mạng rất nhiều. Học chữ mà còn không xong, thì liệu có kiên trì đeo đuổi nổi sự nghiệp cách mạng hay không?
Theo 120 chuyện kể về Bác
Kim Yến (st)
Bác Hồ với ngành giáo dục
Bác rất quan tâm đến con trẻ – Vũ Kỳ kể
Bác Hồ yêu các cháu, hiểu các cháu, tin tưởng các cháu. Vì đó là tương lai của dân tộc. Đó là những mầm, những búp trên cành…
Tình yêu đó thấm đậm chất người.
Một sự tình cờ đầy ý nghĩa – sau Ngày sinh của Bác Hồ là sắp đến Tết Thiếu nhi Quốc tế 1-6.
07 giờ ngày 27.
Bác gọi chị Thu Trà đến hỏi về tình hình có một số cháu học sinh miền Nam nghịch ngợm, quấy phá mà Bác được nghe báo cáo. Việc đó là có thật.
Nhưng Bác hỏi về khía cạnh khác: Các cô, các chú dạy dỗ thế nào? Bởi lúc ba má các cháu gửi ra ngoài Bắc thì các cháu đều ngoan và ba má các cháu đều tin tưởng ở hậu phương.
Bác nhắc phải chú ý đến việc các cháu thiếu tình cảm gia đình, phải tìm cách bù đắp.
Rồi Bác kết luận: Lỗi các cháu một phần thì lỗi của người lớn chúng ta mười phần.
Quả nhiên, sau này đưa các cháu đến với sự chăm sóc của các gia đình cán bộ khác thì các cháu đỡ hẳn chuyện gây gổ, nghịch ngợm. Phần Bác cũng nhận chăm sóc một cháu trai, hai cháu gái, con đồng chí Nguyễn Hữu Thọ
Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam.
Bác luôn luôn coi trẻ em cũng là một nhân cách, một thực thể đáng tôn trọng, chứ không chỉ đáng yêu mến.
Nhớ hồi năm 1957, một hôm Bác hỏi tôi chuyện riêng tư:
– Chú Kỳ này! Có bao giờ chú đánh con không?
Tôi ấp úng vì quả là lúc giận quá tôi cũng có đánh các cháu.
Không dám giấu Bác, tôi thú thật:
– Thưa Bác! Khi nóng giận cũng có lúc tôi đánh dọa vài roi ạ.
Bác vẫn không cao giọng, nhưng nghe thấy nghiêm khắc hơn:
– Thế là dã man đấy, chú ạ.
Tôi suy ngẫm thấy rất đúng.
Bác nhìn nhận khuyết điểm, nhược điểm của con người một cách bình tĩnh như hiểu cái lẽ tự nhiên “bàn tay có ngón dài ngón ngắn vậy”. Tấm lòng Bác mở rộng, bao dung cho tất cả…
Bác không nói trẻ em hư, không nói con người hỏng, mà nhận xét có một số chậm tiến, có một số cụ thể có lúc nào đó, ở chỗ nào đó chưa tốt, chưa hay lắm. Cái chưa hay, chưa tốt ấy cần được uốn nắn một cách chân tình và kịp thời.
(Trích theo sách của Hoàng Giai: Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh, Nxb.Thanh niên, H.1999, tr.134-136)
Bác nhớ các cháu – Đoàn Văn Luyện kể
Tháng chạp năm 1968, các dũng sĩ thiếu niên miền Nam đang học ở Tả ngạn thì có mấy chú đưa xe ô tô đến đón về Hà Nội. Luyện, Thu, Nết, Phổ, Mên, Hoà,… chưa hiểu có chuyện gì. Về thủ đô hôm trước thì năm giờ chiều ngày hôm sau có xe đến đón đi.
Vào đến sân Phủ Chủ tịch mới biết là được vào gặp Bác Hồ.
Vừa bước chân xuống xe, đã nom thấy Bác Hồ và Bác Tôn ngồi ở một cái ghế gỗ dài kê trước cửa nhà, tất cả chạy ào tới chào Bác.
Bác cháu trò chuyện với nhau. Sau đó hai Bác bảo:
– Thôi, các cháu vào ăn cơm với hai Bác!
Bữa cơm không có thịt cá gì nhiều nhưng rất ấm cúng. Các dũng sĩ thiếu niên được ngồi ăn cùng với Bác Hồ và Bác Tôn. Nết, người nhỏ quá, cái đầu chỉ lấp ló cạnh bàn, được Bác gắp thức ăn cho luôn.
Vừa ăn, bác cháu vừa nói chuyện rất vui. Ăn xong, hai Bác cho mỗi cháu một bông hồng, một quả táo, một quả lê và ba quyển sách “Người tốt, việc tốt”. Sau đó, Bác Hồ bảo:
– Các cháu lại cả đây hôn hai Bác rồi ra về.
Các dũng sĩ hôn hai Bác xong, Bác Hồ lại dặn:
– Các cháu về trường cố gắng học tập cho giỏi.
Tất cả đều rất cảm động. Đoàn Văn Luyện lên tiếng thưa với Bác:
– Thưa Bác, chúng cháu cứ tưởng hai Bác gọi các cháu về có việc cần.
Bác Hồ cười hiền từ và bảo:
– Hai Bác nhớ các cháu cho nên gọi các cháu về để hai Bác gặp hỏi chuyện.
Nghe Bác nói, Luyện và các bạn cảm động, muốn trào nước mắt. Hai Bác tuổi đã cao, trăm nghìn công việc, vậy mà hai Bác vẫn nhớ đến các cháu miền Nam. Luyện nghĩ: “Mình được ở ngoài Bắc mà hai Bác còn lo và thương như vậy, các bạn còn ở trong Nam, hai Bác còn lo và thương biết chừng nào!…”
(Trích trong sách: Bác Hồ kính yêu, Nxb. Kim Đồng, H.1979, tr 151-152.)
Tâm Trang (st)
bqllang.gov.vn
Lời Bác Hồ dạy năm xưa
Năm mươi năm có lẻ đã qua đi nhưng những lời Bác dạy mộc mạc ấy đã làm kim chỉ nam dẫn đường cho chúng tôi đi trong suốt cuộc đời. Làm theo lời Bác từ lúc còn trai trẻ, đến nay đã thuộc lớp người xưa nay hiếm. Chúng tôi tự hào là đã cả cuộc đời học hành. Học ở nhân dân để rồi phục vụ nhân dân. Trong số chúng tôi có người đã trở thành Giáo sư, là chuyên gia đầu ngành như Đặng Anh Đào, Nguyễn Đình Chú, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Nguyễn Hải Hà, Nguyễn Thái Hoà…
Vào một buổi sáng chủ nhật tháng 4 năm 1956 trời mưa. Mưa mỗi lúc một thêm nặng hạt. Đường đi lối lại trong Việt Nam học xá (xưa là Đông Dương học xá – bây giờ là trường Đại học Bách Khoa – phường Bách Khoa – Hà Nội) lầy lội. Sinh viên chúng tôi sau khi tập thể dục lại leo lên giường “tụng niệm”…
Không khí trong các phòng im ắng. Bỗng tiếng loa vang vọng với một tin ngắn gọn: “Tất cả sinh viên tập trung tại tiền sảnh nhà A1 để đón khách Trung ương” (Cả khu Việt Nam học xá lúc ấy có hai nhà cao tầng là nơi ở của sinh viên Việt Nam và hai nhà hai tầng nhỏ là nơi ở của sinh viên Lào – Campuchia thời Pháp thuộc).
– Khách ở Trung ương là ai? Trời lại mưa? Lại vào ngày chủ nhật?
Bọn sinh viên chúng tôi đoán già đoán non. Người thì bảo: Bộ trưởng Bộ đại học Hồ Đắc Di, người thì bảo: Giáo sư – Hiệu trưởng Phạm Huy Thông v v… Cũng có người bảo: Biết đâu khách Trung ương lại là Bác Hồ… Nửa tin nửa ngờ: Cũng có thể… Bọn mình mong gặp Bác nhưng Bác bận trăm ngàn công việc và trong chốc lát chúng tôi đã xếp hàng trước tiền sảnh nhà A1.
Cùng lúc ấy hai ba chiếc xe con màu sơn đã nhạt nhoà từ từ tiến vào Việt Nam học xá rồi dừng lại. Từ xe thứ nhất bước ra là Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, Giám đốc VNHX Hoàng Vi Nam, từ xe thứ hai một cụ già mảnh khảnh bước ra với mái tóc trắng đầy sương tuyết… Người đó là Bác Hồ.
Chúng tôi, chẳng ai bảo ai, tất cả reo to: Bác Hồ! Hồ Chí Minh muôn năm! Miệng hô và chân chạy thật nhanh, tất cả ùa ra đón Bác. Mấy đồng chí cảnh vệ đi theo Bác chẳng làm thế nào ngăn được. Bác đi rất nhanh, giơ tay vẫy chào rồi thoắt một cái Bác đã rẽ ra lối sau của ngôi nhà A1 và bước nhanh lên cầu thang. Bác cùng hai Bộ trưởng thăm hỏi nơi ở của chúng tôi.
Sau ít phút chờ đón Bác ở tiền sảnh, bỗng lại có tiếng reo to: Bác Hồ! Bác Hồ! Theo hướng tay chỉ, chúng tôi quay lại phía cầu thang sau nhà A1, Bác Hồ bước ra tươi cười vẫy chào chúng tôi. Như có một lực hút, tất cả chúng tôi ùa lại vây quanh Bác, ai cũng muốn được gần Bác nhất. Bác dừng lại ngay bên bậc thềm có hệ thống vòi nước dành cho sinh viên tắm giặt. Câu đầu tiên Bác bảo:
– Tri thức là vốn quý của đất nước. Các cháu phải cố gắng học tập. Việc học giống như cái thang không có nấc cuối cùng.
Bác dừng lại hỏi:
– Học có khó lắm không?
Chúng tôi đồng thanh:
– Thưa Bác khó ạ!
Với thái độ ân cần, Bác nhắc tới câu ngạn ngữ Trung Quốc: “Học như bơi thuyền ngược nước, không tiến sẽ phải lùi”. Nói đến đây Bác dừng lại trong giây lát và hỏi tiếp:
– Các cháu học ở đâu?
Chúng tôi mỗi người trả lời một cách, một ý. Tỏ ý hài lòng Bác nhắc:
– Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân. Không học ở nhân dân là một thiếu sót lớn, nhưng học phải có phương pháp. Về cách học phải lấy tự học làm cốt, học để hành, hành để học.
Xoay quanh việc học, Bác nhấn mạnh tới việc tự học, bởi theo Bác tự học là con đường để đi tới thành công.
Nhưng điều Bác quan tâm hơn có lẽ là mục đích của sự học. Bác nêu vấn đề:
– Học để làm gì?
Chúng tôi đồng thanh thưa:
– Học để phục vụ nhân dân.
Với đôi mắt sáng, trìu mến Bác nhấn mạnh:
– Học không phải để làm quan. Không có quan cách mạng. Học không phải để làm ông này bà nọ, để một người làm quan cả họ được nhờ, để móc túi dân. Các cháu học để làm thầy, để dạy người nên càng phải trau dồi quan điểm vì dân. Ví như dân thiếu nước thì phải làm gì?
Chúng tôi đồng thanh trả lời: Thưa Bác, phải đào giếng ạ! Tưởng mọi việc đã xong. Nhưng câu trả lời đúng mà chưa đủ nên Bác gặng hỏi:
– Còn phải làm gì nữa?
Bọn chúng ngơ ngác ai nấy nhìn nhau. Trong lúc tất cả còn đang lúng túng thì có tiếng trả lời:
– Thưa Bác phải lọc nước ạ!
Bác lại một lần nữa đưa mắt nhìn khắp lượt chúng tôi rồi nhỏ nhẹ chỉ bảo:
– Có nước sạch rồi phải đưa nước tới tay nhân dân. Nhân dân ta còn nghèo. Nghèo đi với hèn. Nghèo đã khổ, nhưng khổ hơn là bị áp bức. Miền Bắc hạnh phúc hơn là được tự do, độc lập, còn đồng bào Miền Nam…
Nói đến Miền Nam giọng Bác trầm hẳn xuống, Bác nghẹn ngào:
– Miền Bắc phải chuẩn bị cho miền Nam. Các cháu miền Nam tập kết ra Bắc may mắn được học tập dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, đó là một vinh dự. Vinh dự lớn và trách nhiệm thật nặng nề, các cháu có nhiệm vụ tiếp nhận có chọn lọc vốn văn hoá đa chiều trong vùng địch kiểm soát để xây dựng một nền văn hoá Việt Nam mang bản sắc dân tộc.
Một câu trả lời hoà trộn giọng Bắc và giọng Nam lại đồng thanh:
– Dạ! Vâng!
Đôi mắt Bác cười, Bác hỏi:
– Các cháu có hỏi thêm gì không?
Tất cả lại đồng thanh:
– Thưa Bác không ạ!
Câu trả lời của chúng tôi vừa dứt thì Bác giơ tay vẫy và chân đi thoăn thoắt về phía xe ôtô. Chúng tôi chạy theo tiễn Bác đồng thanh hô to:
– Hồ Chí Minh muôn năm! Bác Hồ muôn năm!
Năm mươi năm có lẻ đã qua đi nhưng những lời Bác dạy mộc mạc ấy đã làm kim chỉ nam dẫn đường cho chúng tôi đi trong suốt cuộc đời.
Làm theo lời Bác từ lúc còn trai trẻ, đến nay đã thuộc lớp người xưa nay hiếm. Chúng tôi tự hào là đã cả cuộc đời học hành. Học ở nhân dân để rồi phục vụ nhân dân. Trong số chúng tôi có người đã trở thành Giáo sư, là chuyên gia đầu ngành như Đặng Anh Đào, Nguyễn Đình Chú, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Nguyễn Hải Hà, Nguyễn Thái Hoà…
Họ đã đóng góp đáng kể cho nền văn học Việt Nam và sự nghiệp giáo dục của đất nước. Hơn 100 sinh viên khoa Văn chúng tôi ngày ấy đều đã làm thầy, đã tạo nên biết bao nhân tài cho đất nước… Cũng có nhiều học sinh trưởng thành trên con đường chính trị, họ là các Thứ trưởng, Bộ trưởng, nhiều người đã thành nhà giáo ưu tú và nhiều người đã ngã xuống nơi chiến trường để Bắc Nam xum họp một nhà.
Hạnh phúc của những người làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là học để phục vụ nhân dân một cách tự nguyện, tự giác. Thế hệ chúng tôi đã nói là làm, là có trách nhiệm nên được dân tin dân mến. Đó chẳng phải là hạnh phúc lớn nhất của một con người, một đời người đó chăng?
(Theo GD&TĐ)
Bạn phải đăng nhập để bình luận.