Thư viện

Di chúc của Bác là 1 trong 30 bảo vật quốc gia

Bản di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là 1 trong 30 hiện vật, nhóm hiện vật vừa được công nhận là bảo vật quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận bảo vật quốc gia (đợt 1) cho 30 hiện vật, nhóm hiện vật. Bản di chúc, bản thảo “Nhật ký trong tù”, cuốn “Đường kách mệnh”, bản thảo viết tay “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, bản thảo “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” (văn bản Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam sáng ngày 17/7/1966)…là 5 trong số 30 bảo vật quốc gia.

Danh sách 30 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia, gồm:

1. Trống đồng Ngọc Lũ (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

2. Trống đồng Hoàng Hạ (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

3. Thạp đồng Đào Thịnh (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

4. Tượng đồng hai người cõng nhau thổi khèn (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

5. Cây đèn đồng hình người quỳ (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

6. Trống đồng Cảnh Thịnh (thời Tây Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

7. Ấn đồng “Môn Hạ Sảnh ấn” (thời Trần, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

8. Bình gốm hoa lam vẽ Thiên Nga (thời Lê sơ, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

9. Cuốn “Đường Kách mệnh” (tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

10. Tác phẩm “Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) (tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

11. Bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (bản viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

12. Bản thảo “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” (văn bản Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trên đài Tiếng nói Việt Nam sáng ngày 17/7/1966, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh).

13. Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (văn bản gốc Bác Hồ viết từ ngày 10/5/1965 – 19/5/1969, hiện lưu giữ tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng).

Bản di chúc của Bác Hồ có dòng ghi chú “Tuyệt đối bí mật”

14. Tượng Phật Đồng Dương (Văn hóa Chăm Pa, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh).

15. Tượng Nữ Thần Devi (Hương Quế) (Văn hóa Chăm Pa, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh).

16. Tượng Thần Vishnu (Văn hóa Óc Eo, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh).

17. Tượng Phật Lợi Mỹ (Văn hóa Óc Eo, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh).

18. Tượng Thần Surya (Văn hóa Óc Eo, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh).

19. Tượng Bồ tát Tara (Văn hóa Chăm Pa, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, thành phố Đà Nẵng).

20. Đài thờ Mỹ Sơn E1 (Văn hóa Chăm Pa, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, thành phố Đà Nẵng).

21. Đài thờ Trà Kiệu (Văn hóa Chăm Pa, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, thành phố Đà Nẵng).

22. Tượng Phật A Di Đà (thời Lý, hiện lưu giữ tại chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh).

23. Tượng Phật nghìn mắt nghìn tay (thời Lê Trung Hưng, hiện lưu giữ tại chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

24. Bộ Cửu vị thần công (thời Nguyễn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế).

25. Bộ Cửu đỉnh (thời Nguyễn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế)

26. Pháo cao xạ 37mm (súng phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Phòng không – Không quân).

27. Máy bay Míc 21 F96, số hiệu 5121 (máy bay chiến đấu của Không quân nhân dân Việt Nam trong trận “Điện Biên Phủ trên không”, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam).

28. Sổ trực ban “Chiến dịch Hồ Chí Minh” (sổ trực ban chép tay tình hình chiến sự Chiến dịch Hồ Chí Minh từ ngày 25/4 – 1/5/1975, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu 7).

29. Xe tăng T54B, số hiệu 843 (tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam).

30. Xe tăng T59, số hiệu 390 (tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến vào Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30/4/1975, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tăng thiết giáp).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các cấp nơi có bảo vật quốc gia, Thủ trưởng Bộ, ngành, người đứng đầu tổ chức được giao quản lý bảo vật quốc gia trong phạm vi quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý đối với bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa./.

Theo Chinhphu.vn
vov.vn

Advertisement

Tư tưởng nhân văn sâu sắc trong Di chúc của Bác Hồ

Trên thế giới có nhiều nhà lãnh đạo thiên tài, kiệt xuất, nhưng có lẽ ít ai trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng đã để lại bản Di chúc lịch sử cụ thể, chu đáo và cẩn trọng như Bác Hồ. Di chúc của Bác khiến lòng ta xúc động, trước hết vì tư tưởng nhân văn sâu sắc của vị lãnh tụ vô cùng kính yêu mà hình ảnh và sự nghiệp vĩ đại của Người mãi mãi không thể phai mờ trong trái tim của người đương thời cũng như của bao thế hệ nối tiếp. Đó còn là muôn vàn tình thương yêu Bác để lại cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng…

Trên thế giới có nhiều nhà lãnh đạo thiên tài, kiệt xuất, nhưng có lẽ ít ai trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng đã để lại bản Di chúc lịch sử cụ thể, chu đáo và cẩn trọng như Bác Hồ. Di chúc của Bác khiến lòng ta xúc động, trước hết vì tư tưởng nhân văn sâu sắc của vị lãnh tụ vô cùng kính yêu mà hình ảnh và sự nghiệp vĩ đại của Người mãi mãi không thể phai mờ trong trái tim của người đương thời cũng như của bao thế hệ nối tiếp. Đó còn là muôn vàn tình thương yêu Bác để lại cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng…

Trong bản Di chúc, Bác dành tình cảm đặc biệt cho thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công

Ngày 19/5/1968, sau khi tiếp khách đến chúc thọ, Bác Hồ thấy cần phải “viết thêm mấy điểm không đi sâu vào chi tiết” vào Di chúc. Trong mấy điểm ấy, Bác nhấn mạnh: Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con thương binh, liệt sỹ mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét. Những lời căn dặn cuối cùng của Bác đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng thắm đượm sâu sắc truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Đảng vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân

Trong Di chúc, “Trước hết nói về Đảng”, Bác dặn: Việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi Chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Đối với Bác điều tâm nguyện và hệ trọng bậc nhất là việc xây dựng Đảng. Phải giữ gìn khối đoàn kết nhất trí trong Đảng, giữ gìn Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh để xứng đáng “là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Điều căn dặn cốt tử nhất trong Di chúc của Bác là giữ gìn, phát huy truyền thống đoàn kết và tình đồng chí thương yêu lẫn nhau trong Đảng. Bác đòi hỏi ở mọi đảng viên, nghĩa vụ, trách nhiệm và tình thương, vì mục tiêu và lý tưởng cao cả của Đảng.

Bác khẳng định vai trò, vị trí của Đảng trong việc lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Bác muốn củng cố lòng tin của nhân dân ta đối với Đảng. Bác nhấn mạnh: Đảng là người trung thành nhất với lợi ích của giai cấp, nhân dân và Tổ quốc. “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Bác chỉ rõ trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Bác chỉ ra rằng, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, việc phải làm là mau chóng hàn gắn vết thương chiến tranh. Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng,chu đáo để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm. Bác thông cảm và thương yêu vô bờ bến “nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến thực dân áp bức, bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh”. Người ca ngợi: “Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn đi theo Đảng”. “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng củng cố nâng cao đời sống của nhân dân”.

Bác luôn quan tâm đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là nông dân

Bác trăn trở nhiều đến nông dân, Bác nói: “Trong bao năm chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm nhiều phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”. Dân tộc ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ nền độc lập dân tộc. Sau mỗi lần chiến thắng, ông cha ta lại có kế sách để bồi dưỡng sức dân, tăng cường lực lượng. Di chúc của Bác đã kế thừa truyền thống lâu đời đó của dân tộc ta. Tình thương bao la của Bác còn tỏa sáng đến một lớp người của xã hội cũ để lại. Bác dặn chúng ta: Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu… thì Nhà nước vừa dùng giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lương thiện”.

Bác chú trọng đến việc vạch kế hoạch xây dựng lại thành phố, làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng “to đẹp sáng trời Đông”. Theo Bác, phải khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập, nửa ngày lao động… nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Trong muôn vàn tình thương yêu để lại cho toàn dân, toàn Đảng, Bác không bỏ sót một ai. Lòng nhân ái của Bác thật rộng rãi bao la, như một nhà văn đã viết: “Hồ Chí Minh là con Người của chủ nghĩa nhân đạo theo ý nghĩa đầy đủ nhất”.

“Về việc riêng…”, cũng là suốt đời phục vụ nhân dân, đất nước

“Về việc riêng…”, Bác không nói “cá nhân” hay “bản thân”, mà nói riêng, việc riêng. Bởi vì, suốt đời Bác phấn đấu cho hạnh phúc chung của toàn dân. Cái riêng của Bác hòa trong cái chung của dân tộc. Suốt đời Bác vì dân vì Đảng cho nên hầu như không có lúc nào nghĩ đến bản thân mình. Vì thế mà trước lúc đi xa Bác “không có điều gì phải hối hận”. Bác đã phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân hết lòng. Bình sinh cho đến trọn đời, Bác đã không làm bất cứ điều gì để phải ân hận, hối tiếc. Bác chẳng tiếc gì cho bản thân mình, hy sinh tất cả cho dân, cho nước. Chỉ riêng có một điều tiếc duy nhất – một điều thật cơ bản, đáng nói hơn cả, là “không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” cho nhân dân, đất nước.

Trong ý định của Bác, việc đầu tiên sau ngày đất nước toàn thắng là đi chúc mừng đồng bào và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão và các cháu thanh, thiếu niên, nhi đồng yêu quý khắp hai miền Nam Bắc. Riêng với miền Nam thương nhớ, kể từ buổi ra đi trên bến cảng Sài Gòn, ròng rã mấy mươi năm, Bác chưa một lần trở lại, thì đây là một cuộc hành hương có một không hai. Bác còn thay mặt nhân dân ta đi thăm các nước anh em, thăm hỏi bạn bè quốc tế đã từng hết lòng giúp đỡ và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Đọc Di chúc, chúng ta ai cũng đau lòng xúc động, vì ao ước đó của Bác đã không kịp thực hiện.

Chan chứa muôn vàn tình thương yêu

Cuối cùng, trong bản Di chúc “Bác để lại muôn vàn tình thương yêu” cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cho các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng… Có lẽ đây là tình cảm lắng động, gây xúc động mạnh nhất. Như trước đây, Bác thường “gửi nhiều cái hôn thân ái” đến chiến sĩ và các cháu nhi đồng, lần này Bác gửi lại, để lại “muôn vàn tình thân yêu”. Và lời này của Bác đã là đề tài phong phú cho văn học nghệ thuật về tấm lòng của bác đối với nhân dân. “Để lại muôn vàn tình thân yêu”, cách nói sao mà nghe thân thuộc, tha thiết, cháy bỏng. Bác ra đi, không đem theo gì cho mình; tất cả, Bác để lại trọn vẹn cho đồng chí, đồng bào, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng: Cuộc sống và tình yêu, lý tưởng và ước nguyện, ham muốn tột bậc đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành…

Học tập và làm theo tư tưởng nhân văn trong Di chúc của Bác

Tư tưởng nhân văn của Bác là chân lý cách mạng của thời đại. Học tập tư tưởng nhân văn của Bác là để giác ngộ cách mạng, trau dồi tính nhân văn xã hội chủ nghĩa. Bác đến với chủ nghĩa Mác – Lênin bắt đầu từ lòng yêu nước, từ tình cảm cách mạng. Ngày nay, nghiên cứu tư tưởng nhân văn của Bác, chúng ta có toàn bộ những lời kêu gọi và những trước tác của Bác, trong đó Di chúc được xem là một kiệt tác tư tưởng nhân văn. Di chúc là sự thể hiện tuyệt vời những tình cảm lớn, tư tưởng lớn của một con Người chỉ có một ham muốn tột bậc là “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Ở đây, tất cả tình cảm, tư tưởng và hoài bão lớn hòa quyện làm một trong Người anh hùng giải phóng dân tộc và chính Người đã làm rạng rỡ non sông ta, đất nước ta.

Từ ngày Bác đi xa đến nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, lấy nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt, kinh tế là trọng tâm với phát triển văn hóa, nền tảng tinh thần xã hội. Qua hơn 25 năm đổi mới, nền kinh tế nước ta đã vượt qua giai đoạn suy giảm tốc độ tăng trưởng, đạt mức tăng trưởng khá cao; chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của một số lĩnh vực và sản phẩm có chuyển biến.

Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) của Đảng đang nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình nhằm xây dựng Đảng trong sạch trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng. Qua thực hiện cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này cho thấy, phần lớn cán bộ, đảng viên đều tin tưởng vào công cuộc đổi mới và sự lãnh đạo của Đảng. Thực hiện Di chúc của Bác, cán bộ, đảng viên chúng ta càng luôn luôn nhớ tới lời Bác căn dặn, phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Đồng thời, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường tư tưởng kiên định và có tầm cao trí tuệ để “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

TS. Chu Thái Thành
Theo Tạp chí Tài nguyên và Môi trường

Thu Hiền (st)
bqllang.gov.vn

Nhân “Ngày Gia đình Việt Nam” (28/6) kể về tình thương yêu cha mẹ và anh chị của Bác Hồ

Hiện nay, qua Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chúng ta đã nhận thấy “Hồ Chí Minh là hiện thân cho tinh hoa của dân tộc lại mang những nét riêng của môi trường quê hương và gia đình đã có ảnh hưởng sâu sắc tới Người từ thuở ấu thơ”(GS Phan Ngọc Liên, Hồ Chí Minh từ nhận thức lịch sử đến hành động cách mạng – NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 1999, trang 37).

Hơn nữa, ngoài gia đình, quê hương và đất nước cũng là những nhân tố quan trọng trong việc hình thành nên con người Hồ Chí Minh. Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh và cũng là người thầy chủ yếu dạy chữ Hán đầu tiên của Nguyễn Tất Thành là người có ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình hình thành tình thương yêu của Bác đối với dân tộc và con người Việt Nam.

Cụ Sắc tin tưởng vào người con hiếu thảo, thông minh, chăm học, lại sớm có ý chí vươn lên làm người qua việc đổi tên con từ Nguyễn Sinh Cung ra Nguyễn Tất Thành (1901). Cuộc sống của người mẹ – bà Hoàng Thị Loan – cũng ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm của Nguyễn Sinh Cung về đức tính nhân hậu, đảm đang, sống chan hòa với mọi người.

Từ đó, mối quan hệ và sự tác động qua lại giữa ba chị em: Nguyễn Thị Thanh (Nguyễn Thị Bạch Liên), Nguyễn Sinh Khiêm (Nguyễn Tất Đạt) và Nguyễn Sinh Cung (Nguyễn Tất Thành) về lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, tình thương yêu của anh chị em, lòng yêu nước, thương nòi…đã hòa quyện vào nhau.

Tình thương yêu cha mẹ và anh chị của Bác Hồ sau 30 – 40 năm xa cách quê nhà vẫn luôn là mối tình gia đình, lòng hiếu thảo tràn đầy và bền vững của Bác. Điều đó được thể hiện qua vài mẩu chuyện sau đây:

Buổi trưa ngày 27/10/1946, giữa lúc tình hình Thủ đô và đất nước trong cơn dầu sôi lửa bỏng trước họa ngoại xâm của thực dân Pháp lần nữa, Bác Hồ chỉ có ít phút nghỉ trưa sau cả buổi sáng làm việc căng thẳng, sức khỏe còn kém nhưng vẫn tiếp chị ruột Nguyễn Thị Thanh từ quê ra Hà Nội thăm.

Bà Thanh vừa gọi vừa ôm lấy Bác: “Cậu, cậu, cậu có khỏe không?” Bác khóc. Bà Thanh hỏi tiếp: “Cậu đi lâu thế có nhớ quê hương không? Còn nhớ chị ngồi ru võng cho cậu ngủ, chị hát ru bài ru non nước không?” Bà Thanh khóc, Bác nói: “Quê hương nghĩa nặng tình sâu, ở nước ngoài, đêm khuya thanh vắng, bỗng chốc nhớ lời ru con của người mình, lòng dạ em thêm nhớ đất nước, quê hương, bà con”.

Một tuần sau, cũng vào giờ nghỉ trưa (ngày 3/11/1946), tại Bắc Bộ Phủ, anh cả Khiêm ôm lấy Bác Hồ: “Chú Cung, chú Cung, chú có khỏe không?”. Chòm râu Bác Hồ rung rung chạm vào má bác cả Khiêm. Bác hỏi thăm sức khỏe anh, chị Thanh. Bác Khiêm trả lời: “Chị Thanh về có nói chuyện lại, bảo chú gầy lắm, công việc bận suốt ngày, bà con ai cũng đến hỏi thăm.”…

Khi anh Nguyễn Sinh Khiêm tạ thế (1888-1950) tại làng Kim Liên ngày 15/10/1950, thọ 62 tuổi, Bác Hồ được tin anh mất, từ Chiến khu Việt Bắc không về được, Người gửi điện cho Ủy ban Hành chính Kháng chiến Liên khu IV  nhờ chuyển cho làng Kim Liên: “Nghe tin anh cả mất lòng tôi rất buồn rầu, vì việc nước nặng nhiều, đường xá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Tôi xin chịu tội bất đệ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người đã hy sinh tình nhà để lo việc nước – Ngày 9/11/1950 – Hồ Chí Minh” (Bác Hồ ở ATK, NXB Hội Nhà văn, 2009, trang 122-123).

Một hôm, theo cụ Nguyễn Sinh Khiêm về nhà thờ họ ngoại, lên động Tranh thắp hương phần mộ thân mẫu Hoàng Thị Loan, nhà báo Sơn Tùng kể được cụ Khiêm thổ lộ: “Ba chị em Bác đều cắt rốn, chôn nhau sau căn nhà ở góc vườn kia, có bờ râm bụt bao quanh, ngăn cách mảnh sân với mảnh vườn đằng trước, lúc em Bác còn ẵm ngửa, mẹ sai chị Thanh hái hoa râm bụt dùng chỉ treo lơ lửng, đong đưa dỗ em…, anh em Bác thơ thẩn bên bờ râm bụt từ bên vườn nhà mình sang bên nhà ông bà ngoại.

Em tôi (Bác Hồ) tách cánh hoa râm bụt dán lên má khoe: Em có má hồng. Ngày vào kinh đô Huế, nhà có vườn rộng, bờ rào râm bụt…anh em Bác dựng tuồng, dùng nhựa cây ruối dán cánh hoa râm bụt vào má, vào trán, vào cằm để hóa trang…Diễn xong, anh em bị ngứa, mẹ Bác bắt hai anh em vào gường nằm để ăn roi mẹ phạt thì Bác thưa: “Mẹ ơi, con được mẹ cho cầm hoa râm bụt chơi, mẹ nói hoa này hiền như Bụt, hoa lòng mẹ thì con mới dán hoa lên mặt…” Mẹ Bác phì cười: “Hoa râm bụt hiền nhưng nhựa cây ruối nó dữ”.

Ông Vũ Kỳ nhớ lại ngày kháng chiến ở ATK Định Hóa, giờ nghỉ việc Bác cùng chăm sóc vườn rau, bờ râm bụt. Bác tâm sự: “Các cụ ta hay dùng điển tích bên Tàu để tưởng nhớ cha mẹ. Nhưng của ta thiếu gì những cái hay, cái đẹp, giản dị mà sâu sắc, như: Nhìn bờ râm bụt nhớ mẹ cha, nhìn ngọn cây đa nhớ làng xóm.”(Sđd trang 120)

Hoa râm bụt, bờ râm bụt đã đi vào lòng Bác như một thứ tình thương anh chị em, gia đình, quê hương và sự hiếu thảo với cha mẹ. Mẹ của Bác chẳng may qua đời lúc Bác còn bé nhưng đã gieo vào lòng cậu Sinh Cung một nỗi buồn sâu sắc. Còn cha lại qua đời ở trong Nam năm 1929 (nay có Lăng mộ ở thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp) giữa lúc Bác đang hoạt động ở nước ngoài.

Chỉ vài năm sau ở Pháp (1915) ký tên Paul Thành, Bác viết thư cho Toàn quyền Đông Dương nhờ tìm địa chỉ của cha mình, dù biết đó là việc làm cực kỳ nguy hiểm. Câu nói tha thiết chân tình của Bác với đồng bào miền Nam “Miền Nam luôn trong trái tim tôi” chắc chắn trong đó còn ẩn chứa tâm sự: “Miền Nam còn có hài cốt của cha tôi nữa” và có lần Bác còn nhờ Bộ Chính trị sắp xếp cho vào Nam giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang hồi gay go.

Trước đó, vào thời kháng chiến chống Pháp, khi ở lán trên đồi Tỉn Keo (ATK Định Hóa), Bác đã trồng cây hoa râm bụt mà nay đã cao lớn cành lá xum xuê và luôn trổ hoa màu đỏ rực khiến cho khách tham quan đều bồi hồi xúc động nhớ đến Bác, người Anh hùng giải phóng  dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam với một tình yêu bao la về gia đình và đất nước.

Theo Vương Liêm/ubmttq.hochiminhcity.gov.vn
Huyền Trang (st)
bqllang.gov.vn

Ngày chiến thắng nhớ lời Di chúc của Bác

Đã 37 năm (30-4-1975 – 30-4-2012) kể từ đại thắng mùa Xuân năm 1975. Đó là khoảng thời gian không dài đối với một đất nước đã có hơn bốn ngàn năm lịch sử, cũng không quá ngắn để chúng ta hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng đất nước, giữ gìn truyền thống và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…

Năm nay, chúng ta kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước khi nước ta đã có những khởi sắc, đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trên mọi lĩnh vực… Được sống trong cảnh đất nước hòa bình, độc lập mỗi chúng ta không khỏi bùi ngùi, kính nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh – người đã hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng và giải phóng dân tộc, Bác luôn tin tưởng tuyệt đối “ngày toàn thắng về ta”.

Từ năm 1965, khi dự cảm thấy “sức khỏe có kém so với vài năm trước đây”, Bác bắt đầu khởi thảo Di chúc. Bác “để sẵn mấy lời này, phòng khi … sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột”(1). Mở đầu bản Di chúc, bằng lòng tin vào khả năng, sức mạnh của dân tộc, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác khẳng định “… nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ; và góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”(2). Bác biết, công cuộc tái thiết và xây dựng xã hội chủ nghĩa sau chiến tranh sẽ gặp muôn vàn khó khăn, vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng quan trọng nên Bác sáng suốt nhận định: “Trước hết nói về Đảng – Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”(3). Để tiếp tục hoàn thành tốt sứ mệnh lãnh đạo của mình trong hoàn cảnh mới, Bác ân cần căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triễn sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”… “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(4). Đó là nguyên tắc sống còn, là điều kiện quyết định để Đảng ta đứng vững và lãnh đạo đất nước. Thực hiện Di chúc của Người, trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Đảng ta đã chỉ rõ những tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng và đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó nhấn mạnh tự phê bình và phê bình bắt đầu từ Trung ương.

Nhân kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước, chúng ta kính cẩn nghiêng mình ghi nhớ công ơn của những người đã chiến đấu, hi sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Để tỏ lòng biết ơn với cha ông, với Đảng, với Bác Hồ, mỗi chúng ta, trước hết là cán bộ, đảng viên không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu để thực hiện thật tốt mong ước cuối cùng trong Di chúc của Bác: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(6).

————–

(1), (2), (3),(4), (5),(6) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 12, tr. 510, 511, 510, 512.

Nguyễn Thị Ánh Huyền
Trường Mẫu giáo Điện Phương – xã Điện Phương – Điện Bàn – Quảng Nam
xaydungdang.org.vn

Bản di chúc có chữ “Tuyệt đối bí mật” của Bác Hồ

Hồ Chí Minh bắt đầu viết di chúc vào dịp sinh nhật lần thứ 75 của Người vào ngày 10/5/1965 và sửa lại trong dịp sinh tiếp theo. Người mang di chúc ra viết và dặn lại Vũ Kỳ: “Chú cất giữ cẩn thận, sang năm, mồng 10 tháng 5 nhớ đưa lại cho Bác”. Mở đầu Bản Di chúc năm 1965 có đoạn: “Nhân dịp mừng 75 tuổi… Năm nay tôi 75 tuổi, tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn mạnh khỏe. Tuy vậy, tôi cũng là lớp người “xưa nay hiếm”…”.

Bản Di chúc của Bác mang nét độc đáo rất riêng, dù bút tích Người ghi rõ “Tuyệt đối bí mật” nhưng đây lại là tài liệu được công bố rộng rãi nhất, được nhiều thế hệ học tập, noi theo. Di chúc của Hồ Chủ tịch đã được Bộ Chính trị cho xuất bản và công bố cùng ngày tổ chức lễ quốc tang 9/9/1969.

Những bút tích của Người còn lại trong các Bản Di chúc đã cho thấy, đây là văn bản được Người tập trung thời gian suy nghĩ, chỉnh sửa nhiều nhất so với các văn bản bút tích Người để lại. Điều đó, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Người trước sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhưng đó còn là tấm lòng của vị lãnh tụ với tương lai đất nước.

Hồ Chí Minh bắt đầu viết chúc thư mà Người gọi là tài liệu “Tuyệt đối bí mật” vào 9h sáng ngày 10/5/1965, dịp Người tròn 75 tuổi. “Chọn đúng vào một ngày tháng Năm, nhân dịp sinh nhật mình; chọn đúng vào lúc 9h, giờ đẹp nhất của một ngày; chọn đúng vào lúc sức khỏe tốt nhất trong những năm gần đây… để viết về ngày ra đi của mình…” (Bác Hồ viết di chúc như thế nào – Hồi ký của đồng chí Vũ Kỳ). Rồi từ đó, mỗi năm, từ mồng 10 đến 20 tháng 5, mỗi hôm, Người dành trọn 1 tiếng, từ 9h đến 10h để chỉnh sửa Di chúc.

Ngoài những nội dung mang tính độc đáo, Di chúc của Hồ Chủ tịch còn có một quá trình lưu giữ, bảo quản cũng độc đáo không kém. Vì những lý do khách quan, vào năm 1989, toàn văn Di chúc của Hồ Chủ tịch cũng như ngày mất của Người mới được công bố bằng Thông báo của Bộ Chính trị khóa VI.

Thường lúc chuẩn bị về trời, tâm lý con người thể hiện qua di chúc là nghĩ và viết về quá khứ, về cuộc đời đã trải qua, đặc biệt là phải quan tâm đến sự việc quan trọng nhất của đời mình đang xảy ra ở thời điểm viết di chúc. Ấy vậy mà di chúc của Bác, chỉ nói đến tương lai của đất nước, dân tộc. Và nhất là những việc của tương lai cần phải làm.

Bác chỉ viết một câu vừa dự báo, vừa khẳng định: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người nhưng nhất định thắng lợi” (Bản Di chúc ngày 15/5/1965).

Và điều lạ nữa là Bác, trong toàn bộ Di chúc và các bản bổ sung, cụm từ “xã hội chủ nghĩa” chỉ được Bác viết một lần khi nói về thanh niên – “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế, xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”.

Từ “cộng sản” được Bác viết một lần trong phần “về phong trào cộng sản thế giới” nhưng là để nói đến sự “bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em”. Như vậy Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa cộng sản cũng là điều tất yếu như cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhất định thắng lợi như Bác đã dự báo.

Ngày Bác mất cũng trùng với ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Bác khai sinh, ngày 2/9/1945. Di chúc của Bác với những giá trị độc đáo đã trở thành tài sản vô giá của Đảng và dân tộc Việt Nam.

Không chỉ hiện nay mà Di chúc của Bác Hồ mãi mãi về sau vẫn là ngọn đuốc soi đường, là kim chỉ nam cho mọi người, mọi thời đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo Hoàng Lâm
Báo Giáo dục Việt Nam
Huyền Trang (St)
cpv.org.vn

Di chúc của Bác Hồ về quyền của trẻ em

(Dân trí) – Trong bản di chúc của mình, Bác Hồ 2 lần nhắc đến nhi đồng. Một lần ở đoạn mở đầu và một lần ở đoạn kết thúc. Bác viết: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp 2 miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”.

Ở đoạn kết thúc Bác lại viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”.

Xưa nay, ở nước ta và ngay cả trên thế giới quả hiếm có vị lãnh tụ nào dành nhiều tình cảm, suy nghĩ và cả thời gian quý báu cho các cháu thiếu niên, nhi đồng như Bác Hồ, cho đến khi sắp từ biệt thế giới này Bác đã hai lần nhắc đến các cháu “Nhi đồng yêu quý của chúng ta”. Suốt một đời chăm lo những việc lớn của đất nước, Bác vẫn là người quan tâm hơn bất cứ ai đến việc chăm sóc con trẻ, đến việc trồng người. Tình yêu trẻ thơ của Bác không đơn giản chỉ là một tình cảm thông thường.

Đó là một tình cảm sâu sắc, rộng lớn xuất phát từ một chủ nghĩa nhân đạo cao cả với ý thức rõ rệt, là cháu sẽ là những người tiếp tục sự nghiệp của cha ông, những người trực tiếp xây dựng xã hội tương lai. Tình yêu đó, sự quan tâm đặc biệt đó còn bắt nguồn từ lý tưởng cao đẹp của Người: suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp vĩ đại: giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Ở Người, quan điểm về bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em đã sớm trở thành một bộ phận của tư tưởng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội văn minh, dân giàu, nước mạnh. Dân tộc không được giải phóng thì trẻ em không được bảo vệ, chăm sóc, không được hưởng các quyền lợi cơ bản của mình. Đất nước không được giàu mạnh thì trẻ em không được ấm no, hạnh phúc.

Thật hết sức xúc động khi đọc bài viết của Bác trước khi từ biệt thế giới này để gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, Bác viết: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy chăm sóc giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ… Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”.

Là một nhà giáo dục vĩ đại, Bác Hồ coi trọng việc giáo dục thế hệ trẻ không chỉ ở nội dung mà cả phương pháp dạy học và giáo dục. Nói chuyện với lớp cán bộ đào tạo mẫu giáo, Bác nhắc nhở: “…làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm thế thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ, chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ như trồng cây non. Trông cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này cháu trở thành người tốt”. “Trong lúc học cẩn phải làm cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, trong trường, trong xã hội chúng đều vui, đều học…”

Về nội dung giáo dục ở các cấp học, Bác nhắc nhở nhiều lần: “Cần chú trọng hơn nữa về mặt đức dục; Dạy cho các cháu đạo đức cách mạng, biết yêu Tổ Quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu khoa học, yêu lao động và người lao động, thật thà,dũng cảm, sẵn sàng tham gia lao động và bảo vệ Tổ Quốc”. Những điều Bác dạy về nhi đồng, về việc chăm sóc và giáo dục thế hệ trẻ toát lên chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.

Thanh Hoàng
Tham khảo Các tư liệu về Hồ Chủ Tịch
cpv.org.vn

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bản di chúc lịch sử

(GD&TĐ) – “Tôi nhớ mãi sáng tháng Năm ấy… Trời cao và trong xanh. Mây trắng lững lờ trôi trên bầu trời Ba Đình. Trong vườn Bác, chim nhảy chuyền cành, gọi nhau ríu rít”.

Đó là những dòng hồi ký đầy xúc động của đồng chí Vũ Kỳ – người “đầy tớ trung thành” thực thụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh gần ba thập kỷ như ông tự nhận – khi kể lại ngày đầu tiên Người đặt bút viết “mấy lời gửi lại” cho đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng. 48 năm về trước, khi bước vào tuổi 75, “với tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn khỏe mạnh”, Bác Hồ bắt đầu tài liệu “Tuyệt đối bí mật” mà ngày nay chúng ta gọi đó là Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản Di chúc được Bác khởi thảo từ ngày 10/5/1965 và Người xem lại lần cuối vào ngày 19/5/1969.

Di chúc của Bác “Trước hết nói về Đảng”, vì Đảng là nhân tố quyết định thành công của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như công cuộc xây dựng lại đất nước sau này. Tháng 5 – 1968, Người đã bổ sung vào Di chúc một điểm chỉ dẫn quan trọng: Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi thì “việc cần phải làm trước hết là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi Đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”. Toàn văn bản viết Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phần xây dựng chỉnh đốn Đảng đã thể hiện sức sống tư tưởng của Người trong khả năng vận dụng sáng tạo những lý luận cơ bản nhất về xây dựng Đảng cầm quyền của Chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng nước ta.

Di chúc được khởi thảo trong khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang đi vào thời kỳ quyết liệt nhất: Mỹ ồ ạt đưa 50 vạn quân vào miền Nam, chuyển chiến lược chiến tranh đặc biệt sang chiến tranh cục bộ. Hơn nữa, ở hậu phương lớn miền Bắc phải tiếp tục chống lại cuộc chiến tranh phá hoại ngày càng ác liệt nhằm biến nơi đây trở về thời kỳ đồ đá của đế quốc Mỹ. Thế nhưng, toàn bộ Di chúc toát lên khí phách, tinh thần lạc quan chiến thắng của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng, luôn tin tưởng vào tương lai tất thắng của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cũng như của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn.

Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to – là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”. Đó là niềm tin, là ý chí, lòng quyết tâm của Bác và của cả dân tộc. Niềm tin đó xuất phát từ đường lối độc lập tự chủ, từ phương pháp và nghệ thuật lãnh đạo cách mạng sáng tạo của Đảng. Niềm tin đó xuất phát từ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từ tinh thần hy sinh anh dũng của bao người Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác. Niềm tin đó còn xuất phát từ sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Nhìn thấy trước một nước Việt Nam thắng lợi hoàn toàn, đồng bào sum họp một nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho Đảng ta và Nhà nước ta những việc cần làm sau chiến tranh rất cụ thể, tỉ mỉ.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho Đảng ta và Nhà nước ta những việc cần làm sau chiến tranh rất cụ thể

Sức sống lớn lao và ánh sáng kỳ diệu tỏa ra trong toàn bộ Di chúc đó là những tư tưởng nhân văn cách mạng ngời sáng và đầy giá trị nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà biểu hiện sinh động nhất chính là tình yêu thương sâu sắc đối với con người. Tư tưởng vì nhân dân, vì con người là điều nổi bật và xuyên suốt cuộc đời Bác mà kết tinh ở đỉnh cao trong bản Di chúc lịch sử.

Có thể nói, điều làm nên giá trị tinh thần lớn lao và ý nghĩa sâu sắc của Di chúc chính là quan điểm vì con người và giải phóng con người thấm đượm chủ nghĩa nhân đạo cao cả. Một chủ nghĩa nhân văn cách mạng sáng ngời lý tưởng cộng sản được kết tinh trong một con người vĩ đại nhất của dân tộc.

Tuy không nói nhiều về nhân dân và cách mạng thế giới, nhưng trong Di chúc, chúng ta vẫn thấy rất rõ tình cảm và tư tưởng của Người về sự gắn bó giữa nhân dân và cách mạng Việt Nam với nhân dân và sự nghiệp cách mạng thế giới nói chung.

Di chúc của Bác đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau như: Chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội… của đời sống mỗi người dân Việt Nam. Nó vạch ra những vấn đề mang tính chất cương lĩnh định hướng cho sự phát triển của đất nước sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta giành được thắng lợi. Vậy mà khác với các văn bản chính luận khác, ẩn chứa bên trong mỗi từ, mỗi câu của bản Di chúc là một chất thơ được kết tụ bởi sự dồn nén cảm xúc, tình yêu thương đối với thiên nhiên, con người và cuộc đời. “Muôn vàn thương yêu” mà Người gửi lại trong Di chúc thiết tha và xúc động đối với triệu triệu trái tim hôm qua và hôm nay. Những dòng chữ như một lời tạ từ, một sự lỗi hẹn vì biết mình không kịp thấy, không kịp làm điều mình ấp ủ của một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn.

Nếu như Tuyên ngôn độc lập là bản anh hùng ca khai sinh ra nước Việt Nam mới, thì Di chúc trở thành ánh sáng tương lai

Lịch sử đã có sự trùng hợp thiêng liêng và kỳ diệu. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 2/9/1969, Người đi vào thế giới Người Hiền tại ngôi nhà sàn đơn sơ cũng thuộc Quảng trường Ba Đình lịch sử với lời nhắn gửi đến toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong bản Di chúc lịch sử. Nếu như Tuyên ngôn độc lập là bản anh hùng ca khai sinh ra nước Việt Nam mới, thì Di chúc là sự thể hiện thành công trọn vẹn bản khai sinh đất nước và trở thành ánh sáng tương lai. Di chúc là một văn kiện có cách viết độc đáo, trong đó tồn tại song song giữa cái vĩ đại và cái bình thường, cái mãnh liệt nồng nàn và cái điềm đạm, sâu lắng vừa trang trọng, vừa gần gũi. Với trách nhiệm trước hậu thế, Người đã cân nhắc từng ý, từng lời, nhưng mỗi ý, mỗi lời đều giản dị, chân thành, trong sáng, tự nhiên như chính cuộc đời mà Người đã sống – một tấm gương để chúng ta suốt đời học tập và làm theo.

Th.S Nguyễn Kim Thành (Bảo tàng cách mạng Việt Nam)
gdtd.vn

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập, Tự do, Hạnh phúc

(Tuyệt đối bí mật)                                                                          Nhân dịp mừng 75 tuổi

Người làm thơ rất nổi tiếng, ở Trung Quốc đời nhà Đường là cụ Đỗ Phủ có câu thơ rằng: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Nghĩa là: Người thọ bảy mươi, xưa nay hiếm.

Nǎm nay, tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn mạnh khoẻ. Tuy vậy, tôi cũng đã là lớp người “xưa nay hiếm”.

Ai đoán biết tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy nǎm mấy tháng nữa?

Vì vậy, tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột.

Trước hết nói về Đảng – Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để

củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.

Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hǎng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.

Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều nǎm chiến tranh.

Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hǎng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng.

Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy nǎm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Còn non, còn nước, còn người,
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!

Dù khó khǎn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng 2 đế quốc to – là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc.

Về phong trào cộng sản thế giới – Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em!

Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình.

Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại.

*

*      *

Về việc riêng – Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân.

Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hoả táng”. Tôi mong rằng cách “hoả táng” dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất. Bao giờ ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn.

Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn. Gần Tam Đảo và Ba Vì như hình có nhiều đồi tốt. Trên mộ, nên xây 1 cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thǎm viếng có chỗ nghỉ ngơi.

Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thǎm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp.

Nếu tôi qua đời trước ngày nước ta được thống nhất, thì nên gửi một ít tro xương cho đồng bào miền Nam.

Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.

Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn, và các cháu thanh niên nhi đồng quốc tế.

Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới./.

Chứng kiến,                                                                  Hà Nội, ngày 15 tháng 5 nǎm 1965
Bí thư thứ nhất                                                                                                Hồ Chí Minh
Ban Chấp hành Trung ương: Lê Duẩn
Hà Nội, ngày 15 tháng 5 nǎm 1965

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập, Tự do, Hạnh phúc

(Tuyệt đối bí mật)

Nǎm nay, tôi vừa 78 tuổi, vào lớp những người “trung thọ”. Tinh thần vẫn sáng suốt tuy sức khoẻ có kém so với vài nǎm trước đây. Người ta đến khi tuổi tác càng cao thì sức khoẻ càng thấp. Đó là một điều bình thường.

Nhưng không ai đoán biết được tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy tháng, mấy nǎm nữa?

Vì vậy, tôi viết sẵn và để lại mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột.

Về việc riêng

Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.

Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.

Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hoả táng”. Tôi mong rằng cách “hoả táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn.

Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam.

Đồng bào mỗi miền nên chọn 1 quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây 1 ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thǎm viếng có chỗ nghỉ ngơi.

Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thǎm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp . Việc sǎn sóc nên giao phó cho các cụ phụ lão.

Tháng 5/1968, khi xem lại thư này tôi thấy cần phải viết thêm mấy điểm không đi sâu vào chi tiết.

Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man. Đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khǎn. Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm. Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khǎn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi.

Đầu tiên là công việc đối với con người.

Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ǎn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.

Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.

Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu

Ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ǎn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.
Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ.

Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu, v.v., thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện.

Trong bao nǎm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khǎn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 nǎm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất.

Ở đây nói về kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa

đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập nửa ngày lao động. Củng cố quốc phòng. Chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc…

Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.

10-5-1969

Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.

Đó là một điều chắc chắn.

Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ, và chiến sĩ anh hùng, thǎm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta.

Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thǎm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp nǎm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

Ông Đỗ Phủ là người làm thơ rất nổi tiếng ở Trung Quốc, đời nhà Đường, có câu rằng “nhân sinh thất thập cổ lai hy” nghĩa là “người thọ 70, xưa nay hiếm”.

Nǎm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là hạng người “xưa nay hiếm” nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khoẻ có kém so với vài nǎm trước đây. Khi người ta đã ngoại 70 xuân, thì tuổi tác càng cao, sức khoẻ càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ.

Nhưng ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa ?

Vì vậy tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột.

DI CHÚC
CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
CÔNG BỐ NĂM 1969

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập, Tự do, Hạnh phúc

Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.

Đó là một điều chắc chắn.

Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam – Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thǎm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta.

Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thǎm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp nǎm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

*

*      *

Ông Đỗ Phủ là người làm thơ rất nổi tiếng ở Trung Quốc đời nhà Đường, có câu rằng “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, nghĩa là “người thọ 70, xưa nay hiếm”.

Nǎm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là lớp người “xưa nay hiếm” nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khoẻ có kém so với vài nǎm trước đây. Khi người ta đã ngoài 70 xuân, thì tuổi tác càng cao, sức khoẻ càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ.

Nhưng ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa ?

Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột.

Trước hết nói về Đảng – Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.

Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân.

Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hǎng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.

Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều nǎm chiến tranh.

Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hǎng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng.

Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Còn non, còn nước, còn người,
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!

Dù khó khǎn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to – là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc.

Về phong trào cộng sản thế giới – Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em!

Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình.

Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại.

*

*      *

Về việc riêng – Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.

Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.

*

*      *

Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.

Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế.

Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Hà Nội, ngày 10 tháng 5 nǎm 1969
HỒ CHÍ MINH

cpv.org.vn

Bản Di chúc bất hủ sáng ngời tính thời sự

Về Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố Thủ tướng PHẠM VĂN ÐỒNG đã viết như sau: “Bản Di chúc tuy rất ngắn gọn song nó chứa đựng biết bao giá trị tư tưởng và tình cảm, là sự kết tinh một đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, đem lại sự đổi đời của dân tộc Việt Nam ta, đồng thời để lại những di sản bất hủ đối với những thế hệ mai sau…”

…Nói đến bản Di chúc thì trước hết phải nói đến người viết ra nó. Ðó là một con người suốt đời phấn đấu vì một lý tưởng cao đẹp bậc nhất trong thời đại ngày nay. Ðó là một chiến sĩ phấn đấu không mệt mỏi trong 60 năm trời vì những mục tiêu cao quý của dân tộc Việt Nam là độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, một nhà hoạt động cách mạng kiên cường, bất khuất, vượt qua mọi khó khăn trở ngại, luôn luôn chủ động và nắm bắt thời cơ, nhằm đúng mục tiêu để tiến đến đích. Nguồn gốc của sức mạnh kỳ diệu này là con người Hồ Chí Minh với những phẩm chất cao quý của mình gắn liền với truyền thống đẹp đẽ của dân tộc, với tinh hoa của loài người mà đỉnh cao là học thuyết Mác – Lê-nin, ánh sáng của thời đại. Nguồn gốc của sức mạnh kỳ diệu này là niềm tin sâu xa vào những khả năng to lớn của dân tộc và của con người Việt Nam. Rút lại, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn luôn xuất phát từ con người và cuối cùng trở về con người với những khả năng thiên biến vạn hóa của nó.

Mọi người chúng ta đều biết rằng mục tiêu phấn đấu của Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, đó là một quá trình đấu tranh cách mạng, trải qua nhiều giai đoạn, nhiều chặng đường. Cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh đã hoàn thành được chặng đường ban đầu là chặng đường rất khó khăn và quan trọng, một bước cực kỳ thiết yếu của sự nghiệp xóa bỏ cái cũ, dựng nên cái mới, nghĩa là còn biết bao nhiêu việc phải làm. Hơn ai hết, Hồ Chí Minh ý thức sâu sắc về điều tôi nói trên đây, vì vậy lúc gần tuổi “cổ lai hy” thì phải nghĩ tới những gì cần căn dặn lại những người sẽ kế tục sự nghiệp của mình. Chắc rằng, Bác Hồ của chúng ta đã suy nghĩ rất nhiều về việc này. Bác đã đi thăm Côn Sơn, đây là một cuộc hành hương đến nơi ở cuối đời của Nguyễn Trãi. Lúc bắt tay vào công việc cực kỳ trọng yếu này, Bác đã trải qua biết bao trăn trở, ôn lại cuộc đời gắn với vận mệnh của nhân dân, của nước, đầy sóng gió nhưng cũng đầy thắng lợi, đồng thời nhìn về tương lai với lòng tin sâu xa vào những thế hệ sắp tới. Bác để ba năm viết bản Di chúc và mỗi năm lại dành thời gian xem lại, sửa chữa và bổ sung, tất cả chỉ trên 1.000 từ với biết bao tình cảm, hoài bão và khí phách…
… Phải nhấn mạnh điều mong muốn tha thiết của Bác: “Toàn Ðảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Bản Di chúc tuy rất ngắn gọn song nó chứa đựng biết bao giá trị tư tưởng và tình cảm, là sự kết tinh một đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, đem lại sự đổi đời của dân tộc Việt Nam ta, đồng thời để lại những di sản bất hủ đối với những thế hệ mai sau…

Ðọc lại những lời nói của Bác trong Di chúc, tôi có nhận thức sâu sắc như Bác đang nói với chúng ta, từ những cơ quan lãnh đạo tối cao đến toàn Ðảng, toàn quân và nhân dân. Chỉ có bằng việc làm đúng với Di huấn của Bác, kiên trì cuộc đấu tranh cách mạng đạt những thắng lợi về nhiều mặt, đưa lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, thì mới xứng đáng với tấm lòng cao đẹp của Bác. Như vậy, Ðảng ta phải ngang tầm với tình hình và nhiệm vụ. Mọi người chúng ta đều nhớ rằng, trong quá khứ, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và của Ðảng, nhân dân ta đã lớn lên như Thánh Gióng đời nay, vượt qua những thử thách tưởng chừng không vượt qua nổi để làm nên thắng lợi chưa từng có trong lịch sử nước ta. Quá khứ như vậy, hiện tại và tương lai nhất định cũng sẽ như vậy. Tất cả tùy thuộc ở Ðảng ta và nhân dân ta vận dụng một cách sáng tạo và có phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh vĩ đại.

Phạm Văn Đồng
Theo báo Nhân dân ngày 17/5/2006

cpv.org.vn

Tiếp tục thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng mới

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh tinh hoa đạo đức, tâm hồn cao đẹp của Người và những nội dung cơ bản, quan điểm cốt yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh, vạch ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam ngày nay và trong tương lai.

Vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/1990), Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) đã quyết định công bố toàn bộ các bản Di chúc của Người viết.

Di chúc là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng; là công trình lý luận về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền và là tác phẩm bàn về xây dựng xã hội XHCN ở Việt Nam.

Qua 40 năm thực hiện Di chúc của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đó là: Hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chuẩn bị điều kiện đi lên CNXH; từng bước thực hiện lý tưởng XHCN, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường XHCN, kiên định sự lãnh đạo của Đảng – nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam; thực hiện công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng và phát huy tình cảm quốc tế trong sáng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nâng cao vị thế đất nước trong hội nhập quốc tế.

Phục vụ cho công tác tuyên truyền về đợt sinh hoạt chính trị 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương đã biên soạn Đề cương tuyên truyền về 40 năm thực hiện Di chúc của Người ( 2/9/1969 – 2/9/2009).

Đề cương đề cập đến 3 vấn đề lớn: Hoàn cảnh lịch sử, ý nghĩa, giá trị cơ bản của Di chúc; những thành tựu của cách mạng Việt Nam qua 40 năm thực hiện Di chúc và các nhiệm vụ tiếp tục thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng mới.

Đề cương đã nêu những định hướng về các nhiệm vụ tiếp tục thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng mới. Cụ thể là, về công tác xây dựng Đảng: Học tập phẩm chất, đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Về nhiệm vụ bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau: Thực hiện lời Bác dặn về việc chuẩn bị một lực lượng cho sự nghiệp cách mạng, Đảng, Nhà nước, các cấp uỷ Đảng, đoàn thể và cả xã hội có trách nhiệm chăm lo, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để thanh niên đựợc rèn luyện, cống hiến và trưởng thành; được học tập, có việc làm, nâng cao thu nhập, có đời sống văn hoá, tinh thần lành mạnh. Về nhiệm vụ nâng cao đời sống của nhân dân: Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trước tình hình mới để phấn đấu mục tiêu Bác dặn trong Di chúc: “Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Về nhiệm vụ đoàn kết quốc tế: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại “độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển”, chính sách “đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế”, “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế”.

Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các ban ngành Trung ương và địa phương, các đoàn thể chính trị-xã hội… sớm triển khai tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng tới kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Người.

Nguồn: Chinhphudientu

dalat.gov.vn

Chị gái Bác Hồ – Người mẹ xứ Nghệ

Bà Thanh và mẹ

Năm 1949, tôi là nữ chiến sĩ của Đại đội quân y dã chiến thuộc Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, trực tiếp đánh quân Pháp ở chiến trường Liên khu 4. Năm ấy, Tôi mới 21 tuổi, khá xốc vác, hăng hái. Đại đội quân y trung bình 7-8 ngày lại phải hành quân chuyển địa điểm đóng quân để tránh máy bay địch, bảo toàn cán binh cùng phương tiện quân y, thuốc men… Đang tuổi thanh niên, nên tôi đủ sức theo kịp đơn vị.

Đại đội tôi toàn là nam, chỉ có tôi là nữ. Đại đội chỉ có vài y sĩ, y tá, còn toàn là những người mới học cấp tốc nghiệp vụ y tế phục vụ chiến trường. Một lần, đơn vị hành quân suốt đêm, gần 2 giờ sáng thì tới địa phận xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đơn vị quyết định trú quân lại. Tôi được xếp ở nhà bà Nguyễn Thị Thanh. Đại diện địa phương cho Tôi biết đó là nhà chị ruột Hồ Chủ tịch. Thấy tôi còn trẻ các đồng chí dặn thêm vài câu rồi chào bà Thanh, tạm biệt tôi, quầy quả đi nhanh để tiếp tục công việc sắp xếp chỗ ở cho các chiến sĩ.

Đặt ba lô xuống cạnh cột nhà, tôi hỏi thăm sức khỏe bà Thanh. Bà chừng hơn 60 tuổi, mắt sáng, người hơi gầy, giọng nói ấm, thân tình, dễ mến. Nhà bà Thanh chỉ là một ngôi nhà nhỏ, lợp tranh đơn sơ, mộc mạc như bao ngôi nhà của đồng bào miền Trung lúc đó. Trong nhà, mọi thứ được sắp xếp ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng, đồ đạc rất ít, ngoài cái rương nhỏ, có kim, chỉ khâu để trong cái đĩa cũ xếp trên rương. Quần áo mặc hàng ngày mắc trên đinh đóng vào chiếc cột nhà. Chỗ ngủ chỉ có 1 cái chõng tre đã lên nước màu vàng bóng nên tối đến, hai bác cháu phải ngủ chung. Mùa đông năm 1949 rét lạ thường, như cắt da thịt. Hai bác cháu bàn nhau dùng rơm đánh thành 2 chiếc nệm rơm ghép với nhau trải lên chõng. Nằm trên nệm rơm tự tạo, bà còn đắp thêm chiếc chăn dạ cũ đã sờn, còn tôi đắp chiếc chăn trấn thủ của bộ đội và mặc tất cả áo quần vào cho ấm.

Buổi tối, sau một ngày ra Trú xá quân y chăm sóc thương bệnh binh, sinh hoạt như người lính, ăn cơm độn khoai sắn và có khi còn tập văn nghệ đến khản cổ… tôi về nhà thì bà Thanh đã ăn tối xong, ngồi trên võng chờ tôi như người thân.

Chiếc bếp nối với nếp nhà gianh cũng được bà Thanh dọn dẹp tinh tươm: 3 ông đầu rau sạch sẽ, cạnh là 2 chiếc nồi nhỏ, xa một chút có 2 cái bát, 2 thìa, bó đũa con, đôi đũa cả, con dao cau xếp vào cái rổ vừa, trên úp một cái sàng cũ. Đàng sau bếp có bồ cào, cuốc, lưỡi hái, dây thừng… móc lên tường bếp. Ngoài bếp có chiếc bể cạn đựng nước mưa trong vắt.

Buổi tối bà Thanh thường thắp đèn dầu đến chừng 7 giờ rồi tắt đèn. Nằm trên chõng bà hay kể cho tôi nghe chuyện đời một cách giản dị, dí dỏm chứ không theo kiểu răn dạy. Nhờ bà Thanh, tôi biết khá nhiều về phong tục, tập quán, danh lam, thắng cảnh xứ Nghệ; hiểu được cách sống đậm nghĩa tình, đùm bọc nhau của người dân quê bà. Tôi được nghe các làn điệu ví dặm đặc sắc như: “Mùa đông tháng giá. Sang mùa hạ nắng nồng. Em đắp chiếc nằm không…Mùa nào cũng buồn tênh. Bốn mùa cứ buồn tênh. Bao giờ hết buồn tênh?”

Cuối câu chuyện bà hay nhấn mạnh: Ở đời quý nhất là thiện lương, thương người. Làm gì cũng phải nghĩ đến điều đó.

Phía trên cửa sổ gian nhà chính, bà Thanh có treo bức ảnh chụp ông bà thân sinh và mấy anh chị em nhà bà. Bức ảnh chụp rất rõ, trong đó bà Thanh chừng 15 tuổi, ngồi phía trước cùng cậu em Nguyễn Sinh Cung (Bác Hồ sau này). Đôi khi tôi mạnh dạn hỏi về Bác Hồ, bà chỉ xa xăm: chú nớ suốt đời vì việc công, xa quê hương, chòm xóm, người thân…Bà khẽ thở dài.

Biết cha tôi mới mất (Cha tôi là cụ Nguyễn Văn Lanh, một trong những thẩm phán đầu tiên của chính quyền cách mạng, được bổ nhiệm nhận công việc tại châu Văn Chấn- Phú Thọ và ốm, mất trên đường công tác năm 1949), các chị em tôi đều tham gia kháng chiến, mẹ tôi ở xa… nên bà thương tôi lắm.

Hàng ngày tôi ngủ rất say, vì đang tuổi ăn ngủ và thức dậy khoảng 5h 30 sáng, còn bà Thanh thường dậy từ hơn 3 giờ sáng. Bà thức dậy thật nhẹ, rón rén xuống bếp chế biến một trong mấy món: luộc ngô, rang nóng cơm (không có mỡ), luộc khoai. Bà ăn xong thì phần tôi để trong đĩa, đậy bát lên cho nóng rồi đi làm đồng, hoàn toàn giống như các bà con nông dân khác. Tôi thích nhất là mấy củ khoai kèm cà pháo muối vừa chín, dòn tan.

Sau này có dịp tìm hiểu, tôi mới biết bà Nguyễn Thị Thanh (1884-1954) có hiệu là Bạch Liên nữ sĩ, từng tham gia phong trào chống Pháp trong mạng lưới “Việt Nam Duy tân Hội” của chí sĩ Phan Bội Châu, bà từng bị địch giam cầm tại nhà lao Quảng Ngãi (1918)… Tôi cũng hiểu rằng: bà có cách ứng xử nhân văn, đầy tình người, lại khiêm tốn, giản dị, thân tình, bởi bà am hiểu sử sách, truyền thống quê hương, sớm dấn thân vào con đường đấu tranh vì nghĩa lớn của dân tộc, đi nhiều, tiếp xúc nhiều với thực tiễn, với đồng bào.

Tôi ở nhà bà Thanh khoảng hơn chục hôm rồi lại hành quân đi tiếp. Hôm chia tay thật bịn rịn, ngày thường bà nói năng rành rẽ, có lúc nghiêm trang, nhưng hôm ấy bà ăn trầu nhiều hơn, ân cần hơn, nói ít hơn…Khi tôi chào tạm biệt, bà ôm lấy tôi thật chặt, nước mắt bà chảy ướt cả má tôi, bà âu yếm nói đứt quãng: Gắng lên con nhé. Nhớ giữ ấm, mùa đông khi tắm giặt, nhớ ngậm củ gừng trong miệng để tránh rét, tránh cảm. Hơn sáu mươi năm trôi qua, nhưng tôi còn nhớ mãi bà Thanh, người mẹ xứ Nghệ yêu thương của tôi.

BS. NGUYỄN THỊ THÙY LOAN

vanhien.vn

“Bác đi… Di chúc giục lòng ta”

GS.Song Thành
Trước khi ra đi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân bản Di chúc lịch sử. Lời nhắn nhủ của Người, từng ý, từng lời, từng câu, từng chữ đã thấm sâu và lắng đọng vào trái tim mỗi người dân Việt Nam, giục giã bao thế hệ người Việt Nam sống, chiến đấu, lao động và học tập theo lý tưởng của Người, như nhà thơ Tố Hữu sau này đã viết: “Bác đi… Di chúc giục lòng ta”.

544.jpg
Bút tích “Di chúc” của Bác năm 1965

Bốn mươi năm về trước, đúng vào ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã vĩnh biệt chúng ta! Trong đời sống chính trị – tinh thần của nhân dân Việt Nam, chưa bao giờ không khí đau thương lại trùm lên tất cả mọi người, mọi nhà như những ngày cả nước chịu tang vị lãnh tụ thiên tài, nhà yêu nước vĩ đại, người cha, người bác, người anh đức độ và nhân ái của toàn dân tộc. Cả thế giới nghiêng mình tiếc thương vĩnh biệt một vĩ nhân đã in dấu sâu sắc vào thời đại với những lời ca ngợi chân thành, cao đẹp và sâu sắc nhất.

597.jpg  598.jpgBút tích “Di chúc” của chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1968

Trong đau thương, nhân dân Việt Nam cảm thấy vô cùng tự hào về lãnh tụ vĩ đại, người thầy kính yêu của mình. Đúng như Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta đã viết: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông đất nước ta”.

Trước khi từ biệt thế giới này, Người đã gửi gắm những lời căn dặn thiết tha, những mong muốn, khát khao cháy bỏng vào Di chúc: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Thay mặt toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, trước anh linh của Người, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã long trọng tuyên đọc 5 lời thề, nguyện sẽ kiên quyết phấn đấu đem lá cờ bách chiến, bách thắng của Người tới đích cuối cùng. Bốn mươi năm sau khi Người đi xa, chúng ta kính cẩn báo cáo lên Người những nỗ lực phấn đấu thực hiện 5 lời thề đã long trọng hứa trước anh linh Người.

Quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Ngay trong những ngày tang lễ, hàng vạn lá đơn xin gia nhập Đảng đã được gửi tới các tổ chức cơ sở đảng, bày tỏ nguyện vọng được sống, chiến đấu, lao động, học tập dưới ngọn cờ, theo lý tưởng và tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng vạn thanh niên nô nức tòng quân, lớp lớp lên đường, mang theo Di chúc vào chiến trường, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều sư đoàn mới được thành lập. Binh đoàn vận tải 559 được tăng cường. Tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn, bao gồm cả tuyến xăng dầu, được mở ra. Hàng vạn thanh niên xung phong và dân công hoả tuyến từ miền Bắc đã vào chiến trường… Cả nước rầm rộ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Tháng 12-1972, quân và dân miền Bắc đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân B52 của Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri (tháng 1-1973), chấp nhận rút quân khỏi miền Nam. Trưa ngày 29-3-1973, Bộ Chỉ huy quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam đã lặng lẽ làm lễ cuốn cờ tại căn cứ Tân Sơn Nhất. Cùng ngày, những quân lính chư hầu Nam Triều Tiên, Phi-lip-pin cũng rút khỏi nước ta. Toàn Đảng, toàn dân ta đã hoàn thành mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”.

Ở miền Nam, quân và dân ta biến đau thương thành sức mạnh dồn xuống đầu thù, liên tục tiến công và nổi dậy, làm phá sản kế hoạch “bình định nông thôn” của địch, mở rộng vùng giải phóng. Phong trào đấu tranh ở đô thị phát triển mạnh: công nhân Sài Gòn tổng bãi công; sinh viên, học sinh đồng bào Phật giáo ở Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng,… liên tục xuống đường đấu tranh chống chính quyền Mỹ – Thiệu. Các lực lượng vũ trang của ta phối hợp với quân đội nhân dân Lào và Cam-pu-chia, giành chiến thắng lớn trong chiến dịch Đường 9 Nam Lào, chiến dịch Xnun, cuộc hành quân Chenla II,…giải phóng 7 tỉnh của Cam-pu-chia, tạo ra hậu phương trực tiếp cho cách mạng miền Nam.

Quân ngụy – xương sống của chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ – bị thua nặng ở các chiến trường, đã giảm sút về số lượng, sa sút về tinh thần, lại phải dàn mỏng ra để thay thế quân Mỹ và chư hầu rút về nước, nên thế trận ngày càng sơ hở. Quân dân ta giành quyền chủ động trên chiến trường, liên tiếp mở các cuộc tiến công trên cả 3 hướng chiến lược: Trị Thiên, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, đồng thời phối hợp chiến đấu với quân đội bạn trên chiến trường Lào và Cam-pu-chia, giành được thắng lợi to lớn: giải phóng tỉnh Quảng Trị, phần lớn các tỉnh Kon Tum, Bình Định, Bình Long, Phước Long…, mở ra một vùng giải phóng rộng lớn.

Trên đà thắng lợi, tháng 7-1973, Trung ương Đảng ta họp Hội nghị lần thứ 21, bàn chủ trương, biện pháp đưa cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn. Kế hoạch đó được các hội nghị Bộ Chính trị tiếp theo bổ sung, hoàn chỉnh và đi tới quyết tâm: giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Tháng 3-1975, chiến dịch Tây Nguyên, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, giành thắng lợi to lớn. Địch rơi vào thế rút lui chiến lược. Chiến dịch Huế – Đà Nẵng đã giải phóng hoàn toàn miền Trung. Tháng 4-1975, ta giải phóng các hải đảo và đồng bằng sông Cửu Long. Chiến dịch Hồ Chí Minh, mở màn từ ngày 9-4 đến ngày 30-4-1975, đã hoàn thành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Vào 10 giờ 45 phút, xe tăng của ta tiến vào Dinh Độc Lập. Tổng thống chính quyền Sài Gòn phải chấp nhận đầu hàng không điều kiện. Trong giây phút lịch sử đó, mọi người đều xúc động nhớ tới Bác Hồ, nắm tay nhau hát vang “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”!

Cả nước sung sướng, tự hào đã thực hiện trọn vẹn lời thề với Bác: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”, thống nhất đất nước.

Phấn đấu thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào

620.jpgBút tích “Di chúc” của Bác năm 1969

Những ngày vui thống nhất, Bắc – Nam sum họp trôi qua nhanh chóng, toàn Đảng, toàn dân ta lại đối mặt với những khó khăn của thời hậu chiến. Thực tiễn đòi hỏi phải thay đổi cách làm ăn cho phù hợp với quy luật của cuộc sống.

Tổng kết kinh nghiệm, sáng kiến của nhiều địa phương, Đại hội VI của Đảng (tháng 12 – 1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện với hình thức và bước đi thích hợp. Cả nước chuyển mình, nhiều sáng kiến thi đua tìm tòi cách làm ăn mới, làm giàu cho bản thân và gia đình, cho địa phương và cho đất nước được phát huy. Công cuộc đổi mới từng bước đạt được những kết quả quan trọng: đất nước dần thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội dân chủ hơn, cởi mở hơn, đời sống nhân dân thay đổi nhanh chóng – nhất là ở thành thị, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được tăng lên.

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá nhằm nâng cao đời sống của nhân dân”, Đại hội VII của Đảng đã thảo luận và thông qua “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2000” nhằm bình ổn xã hội, phát triển đất nước, đưa đất nước ra khỏi khó khăn. Chiến lược này đã được các đại hội tiếp theo phát triển, bổ sung đến năm 2020. Kết quả đã làm cho đất nước mỗi ngày một đổi mới. Nhiều công trình thế kỷ đã đi vào sử dụng và phát huy tác dụng như: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, đường dây 500 KV Bắc – Nam, Nhà máy Thuỷ điện Trị An, Yaly, các nhà máy đóng tàu, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, cầu Mỹ Thuận, đường Hồ Chí Minh xuyên Việt,v.v.. Mặc dầu vẫn còn những hạn chế nhưng nhân dân ta đã cố gắng thực hiện mong muốn của Bác Hồ: “Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”!

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, giáo dục, đào tạo được chú trọng phát triển, quy mô đào tạo được mở rộng cả ở đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; trình độ văn hoá của nhân dân được nâng cao thêm một bước. Đặc biệt, ngay sau chiến tranh, Đảng và Nhà nước ta lựa chọn những thanh niên ưu tú nhất, đã qua rèn luyện trong chiến đấu, được ưu tiên đi học nước ngoài và các trường đại học trong nước, và họ đã trở thành những nhà chuyên môn có tài, những cán bộ quản lý đất nước có năng lực, vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Trong đổi mới, đã và đang xuất hiện một thế hệ trẻ đầy tài năng, đi tiên phong trong các phong trào “thanh niên lập thân, lập nghiệp”, đã xuất hiện nhiều tấm gương năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, trong học tập, nghiên cứu khoa học và sáng tạo nghệ thuật… Tuy nhiên, thế hệ thanh niên hiện nay vẫn còn những nhược điểm và yếu kém cần khắc phục. Muốn bồi dưỡng cho đời sau, thế hệ đi trước phải mẫu mực nêu gương về mọi mặt – cả về ý chí và đạo đức cách mạng, trước hết là những người lãnh đạo, có chức, có quyền.

Một trong những thành tựu quan trọng trong quá trình đổi mới là sự đổi mới tư duy về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại. Đây chính là cơ sở tạo ra những thắng lợi hết sức to lớn về ngoại giao và kinh tế: Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 nước, tranh thủ được nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của hơn 50 nước, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của nhiều tập đoàn, công ty của hơn 60 nước và vùng lãnh thổ, chủ động hội nhập kinh tế khu vực (AFTA). Sau hơn 10 năm đàm phán, Việt Nam đã thành công và gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới vào cuối năm 2006, đánh dấu một mốc quan trọng đưa kinh tế Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới. Việt Nam cũng đã được nhất trí bầu là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc khoá 2008 – 2009. Những thành tựu đó đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Giữ gìn đoàn kết trong Đảng, làm hạt nhân cho khối đoàn kết toàn dân

“Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Thực hiện những lời dặn dò trong Di chúc của Người, từ Đại hội IV đến nay, Đảng ta đã mở nhiều cuộc vận động, tiêu biểu là cuộc vận động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được tiến hành từ năm 2006 cho đến Đại hội XI. Theo nhận định của Đảng: Các cuộc vận động này vẫn chưa đạt yêu cầu mong muốn. Tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn ra, pháp luật chưa nghiêm, trừng trị chưa đúng người, đúng tội. Thực tế cho thấy, cuộc đấu tranh đẩy lùi cái xấu, cái hư hỏng, cũ kỹ, như Bác Hồ nói, là một cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ và đòi hỏi phải có quyết tâm rất lớn, sự gương mẫu rất cao, trong đó đề cao vai trò nêu gương của những người lãnh đạo, người có chức, có quyền.

Để thực hiện đại đoàn kết dân tộc, sau Đại thắng mùa xuân 1975, Đảng ta đưa ra chủ trương: lấy độc lập, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng, đồng thời chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc, cùng nhau xoá bỏ định kiến, mặc cảm, hướng tới tương lai, xây dựng tinh thần đoàn kết, cởi mở, tin cậy lẫn nhau. Theo tinh thần đó, nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước, nhiều nhân vật thuộc “lực lượng thứ ba”,…đã được cử vào Ủy ban Trung ương và Đoàn Chủ tịch của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được bầu vào Quốc hội thống nhất, tham gia Chính phủ hoặc giữ các cương vị lãnh đạo ở Thành phố Hồ Chí minh; nhiều kiều bào đã tin tưởng, chuyển vốn đầu tư về trong nước làm ăn; nhiều nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ có tên tuổi đã chuyển về sinh sống ở trong nước…

Trong vấn đề đoàn kết tôn giáo, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng tự do tín ngưỡng. Ở Việt Nam hiện nay, các sinh hoạt tôn giáo như Lễ hội Phật đản, các lễ hội Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, tháng ăn chay Ramadan của Hồi giáo, đặc biệt lễ hội Phật đản VESAK được Unesco thừa nhận, v.v.. đều được tổ chức trang nghiêm, trọng thể, đã trở thành ngày vui chung của văn hóa dân tộc. Ngày nay, các chùa chiền, nhà thờ, thiền viện (như Thiền viện Trúc Lâm Yên tử, Tây Thiên, Sóc Sơn, Đà Lạt,…) được xây dựng mới với quy mô chưa từng có so với bất kỳ thời nào trong lịch sử trước đây.

Phát huy tình cảm quốc tế trong sáng, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hoà bình của nhân dân thế giới

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn giáo dục cán bộ và nhân dân ta về tình nghĩa quốc tế thuỷ chung, về nghĩa vụ góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới, “giúp bạn tức là tự giúp mình”.

Trong kháng chiến chống kẻ thù chung, ba nước Đông Dương Việt Nam – Lào và Cam-pu-chia đã đoàn kết trong một mặt trận, sát cánh bên nhau, giúp đỡ nhau trong đấu tranh và cùng nhau giành thắng lợi vào năm 1975. Trong hòa bình, xây dựng, ba nước đã ký kết nhiều hiệp định hợp tác về kinh tế và văn hoá, hiệp định về biên giới hoà bình, hữu nghị. Việt Nam đã viện trợ và đầu tư giúp Lào mở con đường ra biển, xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng về kinh tế – kỹ thuật; giúp cách mạng Cam-pu-chia loại bỏ chế độ Pôn-pốt diệt chủng, v.v.

Sau khi thống nhất đất nước, thực hiện ước muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc: “sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta”, nhiều đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước ta đã đi thăm nhiều nước ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ để thể hiện lòng biết ơn và tình cảm quốc tế trong sáng này.

Trong bối cảnh hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới không còn tồn tại, Việt Nam vẫn không ngừng thắt chặt quan hệ đoàn kết, hữu nghị với các đảng cộng sản và công nhân trong các nước tư bản; vẫn tiếp tục ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì độc lập dân tộc, dân chủ, hoà bình, công bằng và đạo lý trong các mối quan hệ quốc tế.

Chúng ta tự hào đã trung thành và thực hiện tốt lời thề với Chủ tịch Hồ Chí Minh: luôn luôn phát huy tình cảm quốc tế trong sáng, thuỷ chung, theo đúng tấm gương của Người.

Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc và nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương cao cả, tuyệt vời trong sáng, có sức cổ cũ lớn lao, một nhân tố làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ngay từ Đại hội II (1951), Đảng ta đã nhận thấy sức mạnh to lớn của tấm gương đạo đức vô song này, nên đã sớm có nghị quyết về học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, coi đó là điều kiện tiên quyết để đưa cách mạng đến thành công.

Sau khi Người qua đời, Đảng ta đã liên tục đề ra các cuộc vận động học tập, làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người. Tiến lên một bước, Đại hội VII đã ra nghị quyết: lấy tư tưởng Hồ Chí Minh cùng chủ nghĩa Mác – Lê-nin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng.

Các cuộc vận động này đã khơi dậy ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện cho cán bộ, đảng viên và thanh niên, đã góp phần vào việc bồi dưỡng nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng sống và làm theo tấm gương của Người. Tuy nhiên, trong đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, cũng đã có một số người không vượt lên được, đặc biệt là ở những thời điểm có tính bước ngoặt. Một số người có chức, có quyền đã tha hoá, biến chất, tham nhũng, cửa quyền. Điều đó cho thấy tính chất khó khăn, gian khổ, lâu dài của việc xây dựng con người mới; cho thấy ý nghĩa cấp bách, tầm quan trọng của cuộc vận động giáo dục, làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện nay.

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một quá trình phấn đấu lâu dài của toàn Đảng, toàn dân. Bốn mươi năm qua mới là một chặng đường ngắn ngủi, trong đó có những việc chúng ta đã hoàn thành xuất sắc, có những việc làm chậm, có việc làm chưa tốt. Nhiều nhân tố “mới mẻ, tốt tươi” đã xuất hiện, nhưng cũng còn nhiều cái “cũ kỹ, hư hỏng” vẫn chưa được loại bỏ, đang là điều nhức nhối, phần nào làm giảm niềm tin của nhân dân. Chúng ta hứa với Người rằng, “cuộc chiến đấu khổng lồ” mà Người căn dặn trong Di chúc được chúng ta kiên trì phấn đấu thực hiện, nhằm đạt tới những thắng lợi ngày càng to lớn hơn nữa trên con đường hội nhập và phát triển./.

nhoNguoicha