Tag Archive | Xuân 75

Thắng lợi của một dân tộc yêu chuộng hòa bình

Chiến thắng lịch sử 30/4:

Những ngày này, cả nước đang sống trong không khí hào hùng của chiến thắng lịch sử 30/4. Chung cảm xúc đó, VIỆN TRƯỞNG (VT) VIỆN LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM VŨ QUANG ĐẠO chia sẻ: chiến thắng lịch sử 30/4 đã lùi xa 38 năm. Và khi có khi có “độ lùi” về thời gian thì sẽ có sự nhìn nhận bình tĩnh hơn, khách quan hơn. Có những sự kiện lịch sử, thời gian sẽ “phủ bụi”, nhưng cũng có những sự kiện càng có “độ lùi” thời gian thì càng “sáng” lên. 30/4 là một trong những sự kiện như vậy…

– Ba mươi tám năm đã trôi qua – đây là khoảng thời gian đủ dài để có thể khẳng định được những giá trị, ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30/4, thưa Viện trưởng?

– VT Vũ Quang Đạo: Chiến thắng 30/4 đã đánh dấu sự thất bại của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong việc xâm lược miền Nam Việt Nam. Sự kiện này cũng đồng nghĩa với việc dân tộc ta đã giành thắng lợi trọn vẹn trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài tới 30 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chính Minh. Chiến thắng đó đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX, một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới của thế kỷ XX. Đối với quân đội Việt Nam, đây là thắng lợi đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, đỉnh cao của sức mạnh quân sự Việt Nam, của nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Bởi vì, chỉ có chiến tranh nhân dân Việt Nam mới huy động được sức mạnh to lớn đến như vậy. Đó cũng là thắng lợi của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, yêu chuộng tự do, với tinh thần không có gì quý hơn độc lập, tự do trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc và đặc biệt là trong thời đại Hồ Chí Minh.

Khát vọng hòa bình, độc lập tự do đã trở thành sức mạnh để dân tộc ta chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, trong đó có đế quốc Mỹ hùng mạnh. Điều đó khẳng định rằng, với ý chí, nghị lực ấy, thắng lợi này là tất yếu chứ không phải ngẫu nhiên. Ở đây, có yếu tố khách quan mang tính thời đại, nhưng tính khách quan, thời đại ấy chỉ được phát huy tác dụng khi có sức mạnh nội lực. Và ở Việt Nam, nhờ có sức mạnh nội lực ấy đã quy tụ được các lực lượng yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên toàn thế giới ủng hộ. Nhờ đó, dân tộc ta có đủ sức mạnh để chiến thắng đế quốc Mỹ, hoàn thành việc giải phóng hoàn toàn đất nước khỏi ách ngoại xâm, đưa đất nước sang kỷ nguyên mới là thống nhất, hòa bình, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đứng trên bình diện quốc tế, chiến thắng này có ý nghĩa hết sức trọng đại. Bởi Mỹ là đế quốc hùng mạnh nhất thế kỷ XX. Cho đến ngày nay Mỹ vẫn là nước đầy sức mạnh, đặc biệt là sức mạnh quân sự và trong lịch sử của nước Mỹ, về cơ bản họ chưa bao giờ thua. Nhưng đến Việt Nam, Mỹ đã phải chấp nhận thất bại. Và nếu tính trong lịch sử, Việt Nam có quyền tự hào với thế giới là dân tộc Việt Nam đã rất nhiều lần trụ vững trước các cường quốc, những kẻ xâm lược hùng mạnh, từ phương Bắc đến phương Tây. Cho nên, với chiến thắng 30/4, sự thất bại của đế quốc Mỹ không phải chỉ là thất bại về mặt quân sự thuần túy. Chính cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert S. McNamara, người được coi là một trong những “kiến trúc sư” cuộc chiến tranh Việt Nam sau này khi nghiên cứu lại đã tự nhận rằng người Mỹ đã không hiểu lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam, cho nên đã có những quyết định hết sức sai lầm.

Thắng lợi của Việt Nam còn là thắng lợi của các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới và ngay tại nước Mỹ đã xuống đường phản đối chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Như cách nói của người Mỹ thì chiến tranh Việt Nam đã xảy ra trên nước Mỹ, và Mỹ đã thua ngay trên đất mình. Có được chiến thắng 30/4, cũng cần phải ghi nhận sự ủng hộ hết sức to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa, mà tiêu biểu là Liên Xô, Trung Quốc và một số nước anh em khác. Nếu không có sự ủng hộ cả về tinh thần và vật chất to lớn ấy thì thắng lợi có thể giành được nhưng sẽ có sự hy sinh nhiều hơn.

Chiến thắng 30/4 tiếp tục khẳng định ý chí và sức mạnh bảo vệ độc lập dân tộc của người Việt Nam và như Lý Thường Kiệt đã từng khẳng định bên bờ sông Như Nguyệt trước kia: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư – nếu như kẻ nào xâm lược Việt Nam thì chắc chắn sẽ chuốc lấy thất bại. Đó là bài học lịch sử, ý nghĩa lớn nhất của sự kiện 30/4.

Ảnh: Tư liệu

– VT Vũ Quang Đạo: Đây là vấn đề của lịch sử. Một sự kiện lịch sử diễn ra thì không phải là công lao của riêng một cá nhân nào. Lịch sử là của nhân dân, nếu là lịch sử chiến tranh nhân dân thì đó là lịch sử của những người dân cầm vũ khí, lịch sử của những người giác ngộ trách nhiệm của mình đối với dân tộc. Trong quá trình đó, không phải một người có thể làm nên lịch sử, mà có rất nhiều người cùng tham gia một sự kiện. Tất nhiên, để đánh giá và ghi nhận đúng là một điều hết sức khó khăn. Thực tế cho thấy không ai có đủ khả năng để viết trung thực lịch sử ngay như nó vừa diễn ra. Chính vì vậy, khi sự kiện đã diễn ra rồi thì làm sao để ghi chép, phản ánh trung thực là trách nhiệm của những người nghiên cứu lịch sử nói riêng và nhân dân ta nói chung.

Không phải bao giờ chúng ta cũng có thể ghi nhận được tất cả mọi việc. Có những trường hợp hy sinh được biết đến, nhưng cũng nhiều trường hợp hy sinh hết sức thầm lặng, ngay tên trên bia mộ cũng không xác định được, nói gì đến vinh danh trước toàn thể dân tộc và thế giới. Do vậy, thời gian tới, cần tiếp tục làm rõ những vấn đề của lịch sử, để không có giọt máu nào đổ xuống mà không được ghi nhận, không có một công lao nào, dù là nhỏ nhất được phép lãng quên. Đó là yêu cầu khách quan của lịch sử. Nhưng để có thể làm được điều này cần có thời gian, phải có những điều kiện cần, điều kiện đủ. Cần có sự nhìn nhận một cách bình tâm, để xử lý và có cái nhìn đúng nhất về lịch sử.

– Có ý kiến cho rằng, hiện thế hệ trẻ ngày nay do không có ký ức chiến tranh, cũng không trải qua những ngày tháng khốc liệt của cuộc chiến nên ít cảm nhận được ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30/4. Quan điểm của Viện trưởng về vấn đề này như thế nào?

– VT Vũ Quang Đạo: Thường về mặt tâm lý xã hội, người ta cho rằng, phải trải nghiệm qua thực tiễn thì mới có được sự trải nghiệm của chính mình và có như vậy thì mới có cảm nhận sâu sắc hơn. Điều này hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, muốn có được cảm nhận sâu sắc về chiến tranh mà phải gây chiến, đòi hỏi lớp thanh niên hiện nay phải trải qua chiến tranh là không nên và chúng ta cũng không bao giờ muốn bước vào chiến tranh một lần nữa. Quân sự, quốc phòng hiện nay với mục đích giữ gìn hòa bình lâu dài cho Tổ quốc, tạo nền tảng để xây dựng chũ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước giàu mạnh, chứ không nhằm gây chiến tranh. Đó là tính nhân văn của lịch sử quân sự nước ta.

Để có được ý thức, có được cảm nhận chiến tranh có rất nhiều con đường, một trong những con đường đó là thông qua phục dựng, nghiên cứu, phổ biến lịch sử; đồng thời, bản thân thanh niên cũng phải có ý thức, trách nhiệm đối với lịch sử thông qua học tập, tìm tòi, nghiên cứu để có cái nhìn đúng hơn về lịch sử nói chung và lịch sử chiến tranh nói riêng.

Mặt khác, đây cũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó có cả những cơ quan truyền thông. Bởi nếu không có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục về lịch sử thì dần dần vấn đề lịch sử sẽ trở thành xa lạ đối với thanh niên. Mà bất cứ ai, dù làm bất cứ việc gì, dù muốn hay không muốn thì đến lúc nào đó cũng đều buộc phải nhìn lại lịch sử. Vì vậy, những vấn đề của lịch sử trở thành nền tảng rất cơ bản của nhân cách một con người tạo nên bản sắc của dân tộc. Nếu ai đó coi thường lịch sử thì người đó sẽ không có tương lai. Do vậy, lớp thanh niên hiện nay hãy dành sự chú ý cần thiết, tùy theo công việc mà xem lại kiến thức lịch sử, để có cảm nhận đúng và sâu sắc hơn về những sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc và coi đó là hàng trang của chính mình khi bước vào cuộc sống.

– Và như vậy, đến thời điểm hiện nay, chiến thắng 30/4 vẫn chứa đựng nhiều giá trị quý báu, thưa Viện trưởng?

– VT Vũ Quang Đạo: Ý nghĩa của sự kiện 30/4 đối với đất nước ta hiện nay là nguồn cỗ vũ động viên cho đất nước, con người Việt Nam vững bước, tự tin trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tinh thần yêu nước đã làm nên chiến thắng và các thế hệ đi trước đã làm tròn sứ mệnh lịch sử đối với dân tộc, với đất nước. Vì vậy, thế hệ trẻ hiện nay, hãy bằng suy nghĩ và hành động cụ thể để chứng minh mình là người yêu nước, biến lòng yêu nước đó trở thành nhiệt huyết trong công việc, trong học tập và trong cuộc sống hàng ngày.

– Xin cám ơn Viện trưởng!

Hoa Lê thực hiện
daibieunhandan.vn

Advertisement

Khép chặt vòng vây, tiến về Sài Gòn

Nhiều loại xe quân dụng và các thiết bị của địch bỏ lại trên đường rút chạy.

Trong thời gian này, tại Tây Nguyên các đơn vị chủ lực thừa thắng phát triển tiến công về hướng đồng bằng ven biển Nam Trung bộ theo các trục đường số 19, 7, 21. Với khí thế tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, quân và dân ta tích cực đánh địch trên khắp các tỉnh ven biển miền Trung, liên tiếp giải phóng các tỉnh thuộc vùng 2 ngụy…

Ở mặt trận phía Nam, quân và dân Bình Long tiến công và nổi dậy chiếm thị xã An Lộc, đánh chiếm chi khu quân sự, quận lỵ Chơn Thành, giải phóng toàn bộ tỉnh Bình Long. Quân và dân các tỉnh Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Long An, Long Khánh, Bình Tuy tiến công và nổi dậy tiêu diệt chi khu quân sự, quận lỵ Dầu Tiếng, Định Quán, Hoài Đức và một loạt các căn cứ quân sự… giải phóng một vùng rộng lớn liên hoàn ở phía Bắc và Tây-Bắc Sài Gòn.

Quân và dân ở ĐBSCL tiến công và nổi dậy làm chủ nhiều địa phương mở rộng vùng giải phóng. Trên hướng Kiến Tường- Long An, quân ta tiến công đánh thông hành lang Tây Ninh xuống Đồng Tháp Mười, làm chủ một vùng rộng lớn ở bờ Tây sông Vàm Cỏ Đông cắt đứt đường 4, tạo bàn đạp tấn công Sài Gòn từ hướng Tây.

Như vậy phối hợp với chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế- Đà Nẵng, quân và dân ta đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch khép chặt vòng vây, tạo thế cho các cánh quân tiến công Sài Gòn- Gia Định.

N.T.H.H tổng hợp

SGGP Online

Chiến thắng Đà Nẵng

Bộ binh, xe tăng thuộc Quân đoàn 2 tiến vào Đà Nẵng…

Ngày 24-3, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định tấn công Đà Nẵng. Ngày 28-3, bộ binh và xe tăng 4 hướng tiến công vào Đà Nẵng cùng lúc với pháo binh ta nã đạn vào các căn cứ trọng yếu tại Đà Nẵng.

15 giờ ngày 29-3, trận tiến công căn cứ liên hiệp quân sự Đà Nẵng kết thúc thắng lợi. Ta đã tiêu diệt và làm tan rã Bộ Chỉ huy Quân đoàn 1, Sư đoàn lính thủy đánh bộ, Sư đoàn 3, Liên đoàn Biệt động 15, tàn quân ngụy từ Trị – Thiên – Huế chạy vào, thu và phá hủy 60.000 khẩu súng các loại, 138 xe tăng và xe bọc thép, 115 máy bay.

Đòn tiến công chiến lược Huế – Đà Nẵng đại thắng cùng với chiến dịch Tây Nguyên đã góp phần làm thay đổi thế và lực của ta và địch, tạo sự nhảy vọt về cục diện chiến tranh có lợi cho ta, đập tan ý đồ co cụm chiến lược của địch, tạo điều kiện đẩy mạnh cuộc tổng tấn công chiến lược vào sào huyệt cuối cùng của địch tại Sài Gòn.

N.T.H.H. tổng hợp

SGGP Online

Bao vây Đà Nẵng

Ngày 27-3-1975, đồng chí Lê Duẩn điện cho các đồng chí Võ Chí Công và Chu Huy Mân: “…Chiến thắng oanh liệt ở Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên đã tạo ra thời cơ giải phóng Đà Nẵng. Ta phải tập trung lực lượng từ hai phía, từ Thừa Thiên-Huế đánh vào và từ Nam – Ngãi đánh ra, nhanh chóng tiêu diệt sinh lực địch, không cho chúng rút chạy để co cụm về giữ Sài Gòn. Trong lúc này thời gian là lực lượng. Phải hành động hết sức táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không kịp trở tay”.

Chấp hành chỉ thị này, hầu như cả mặt trận, bất kỳ đơn vị nào cũng tranh thủ thời gian, tìm mọi cách chuyển quân đánh thẳng vào Đà Nẵng nhanh nhất.

Quân khu 2 và một sư của Quân đoàn 1 tiến công theo hai hướng: từ đèo Mũi Trâu theo đường 14 tiến xuống theo hướng Tây Bắc; từ Phú Lộc, theo đường số 1 đánh chiếm Thừa Lưu, Cầu Hai, Lăng Cô, đào Hải Vân áp sát thành phố Đà Nẵng. Sư đoàn 304 áp sát phía Tây Nam.

Cùng thời điểm này, Sư đoàn 2, các lực lượng pháo binh, tăng thiết giáp của Quân khu 5 bỏ qua mục tiêu dọc đường, tiến thẳng về Đà Nẵng. Pháo của ta bắt đầu nã đạn vào hải cảng và sân bay. Do thiếu xe kéo và tình hình diễn biến quá nhanh đến đêm 27-3, lực lượng pháo binh chiến dịch mới tổ chức được trận địa pháo tại Mũi Trâu và Lăng Cô.

Ở hướng Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chỉ mới đưa được hai đại đội pháo ở trận địa Sơn Khánh. Nêu cao tinh thần “chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng” nhiều đơn vị pháo binh đã vượt qua khó khăn do địa hình, thời tiết chuyển pháo lên trận địa chờ giờ xung trận.

N.T.H.H tổng hợp

SGGP Online

Giải phóng thị xã B’Lao

Ngày 24 tháng 3 năm 1975, Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh hành quân chiếm lĩnh trận địa. Ngày 26 tháng 3 năm 1975, các đơn vị bộ đội chủ lực đã triển khai xong đội hình chiến đấu. Sư đoàn 7 thuộc Quân đoàn 4 chia thành 2 mũi. Mũi vu hồi có Trung đoàn 141 từ buôn Da Mích chuyển lên bám sát thị xã B’Lao.

Tiểu đoàn pháo 130mm hành quân theo đường chiến lược mở lên dốc Con Ó (Lộc Bắc), khi có lệnh tấn công sẽ nã pháo vào các trọng điểm: Tòa hành chính tỉnh, sân bay KoHinDặ, bắn yểm trợ cho các mũi khác phối hợp với lực lượng địa phương tấn công vào thị xã B’Lao. Mũi thứ 2, gồm Trung đoàn 209, Tiểu đoàn 4 của Trung đoàn 165 có xe tăng phối hợp, pháo 85mm, pháo cao xạ 37mm hành quân bằng cơ giới, vừa hành quân vừa đánh địch từ MaDaGui lên đến thị xã B’Lao.

Thị xã Bảo Lộc ngày nay

Về phía địa phương, lực lượng vũ trang tỉnh được tổ chức thành hai bộ phận. Một bộ phận do đồng chí Nguyễn Xuân Du (Tám Cảnh) cùng một số đồng chí trong Ban chỉ huy Tỉnh đội phụ trách có trách nhiệm phối hợp với bộ đội chủ lực tấn công thị xã B’Lao. Bộ phận thứ hai do đồng chí Trần Như Khuôn, Bí thư Tỉnh ủy lúc đó trực tiếp chỉ đạo phối hợp với đại đội 5 trinh sát của Trung đoàn 812 và một bộ phận Sư đoàn 7 tấn công giải phóng Di Linh.

Đúng 14 giờ ngày 27 tháng 3 năm 1975, Bộ chỉ huy mặt trận ra lệnh nổ súng tấn công địch trên các hướng.

Để ngăn chặn đường hành tiến của quân cách mạng, Tỉnh trưởng Lâm Đồng của chính quyền Sài Gòn ra lệnh cho pháo binh bắn chặn trên các tọa độ dọc đường 20. Một chiếc xe tăng T.54 đi đầu đội hình tiến công của quân chủ lực bị trúng đạn bốc cháy làm một số chiến sĩ ta bị thương. Một ổ đề kháng của địch ở thôn Tân Dồn (Lộc Châu) dùng hỏa lực bắn chặn, đồng chí Nguyễn Miên – Thị đội trưởng T.29 dẫn đường xe quân sự của ta bị trúng đạn hy sinh.

Mờ sáng ngày 28 tháng 3 năm 1975, các loại pháo của ta được lệnh bắn cấp tập vào Tòa hành chính tỉnh, sân bay KoHinDạ và một số mục tiêu khác trong thị xã. Ngay loạt đạn đầu, đạn pháo của ta đã phá hủy 2 máy bay trực thăng, Tỉnh trưởng Lâm Đồng cùng quân lính tháo chạy hỗn loạn về hướng Di Linh.

Ở mũi tấn công của lực lượng địa phương, đêm 27 rạng 28 tháng 3 năm 1975 đã đồng loạt đột phá các ấp chiến lược phía Bắc thị xã B’Lao, tiếp tục thọc sâu vào trung tâm thị xã. Tổ chức Đảng và cơ sở cách mạng bên trong phát động nhân dân nổi dậy nhanh chóng chiếm giữ, tổ chức canh gác bảo vệ các công sở, nhà máy, các vị trí chính trị, kinh tế quan trọng vừa chiếm được. Các điểm cứu thương và chăm sóc thương binh cũng được thiết lập nhanh chóng phục vụ chu đáo thương binh.

Đúng 10 giờ sáng ngày 28 tháng 3 năm 1975, quân và dân ta đã làm chủ hoàn toàn thị xã B’Lao, tỉnh lỵ Lâm Đồng cũ (nay là thị xã Bảo Lộc thuộc tỉnh Lâm Đồng).

Y VĂN (tổng hợp tư liệu)

SGGP Online

Địch tháo chạy khỏi Đà Nẵng

Ngày 26-3-1975, phối hợp với quần chúng nổi dậy, quân ta giải phóng hoàn toàn cố đô Huế và tỉnh Thừa Thiên. Thắng lợi nhanh gọn của trận Trị-Thiên-Huế đã làm tan rã Sư đoàn 1, sư đoàn thiện chiến của ngụy; Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến, hai liên đoàn biệt động quân, các chi đoàn, thiết đoàn xe tăng…

Xe tăng của ta tiến vào Đà Nẵng.

Trong số hơn 40 ngàn quân, địch chỉ thoát chạy vào Đà Nẵng khoảng 16 ngàn tên. Thắng trận này, Quân ủy Trung ương quyết định đánh địch tại Đà Nẵng – thành phố lớn thứ hai của ngụy quyền Sài Gòn trong vòng 3 ngày.

Mất Huế, tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu yêu cầu tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân khu 1 cố thủ tại Đà Nẵng. Thay vì lời cam kết, Trưởng đã gửi cho Thiệu một bức điện: “ Trân trọng kính trình tổng thống. Tự nhận thấy đuối sức và bối rối, sợ rằng không hoàn thành trách nhiệm.

Kính thưa tổng thống cho được từ chức”. Khi quân ta nã pháo vào Đà Nẵng, Trưởng cùng đồng bọn bay ngay ra tàu chiến của Mỹ chờ sẵn ngoài khơi và nhanh chân chuồn sang Mỹ sớm nhất trong các tướng lĩnh chóp bu.

Mỹ bắt đầu lập cầu hàng không di tản cơ quan lãnh sự Mỹ và gia đình một số sĩ quan, nhân viên ngụy quyền từ Đà Nẵng vào Sài Gòn. Cũng trong thời điểm này, Mỹ đưa một số tàu chiến đến vùng biển Đà Nẵng nhằm “đe dọa” quân ta, bốc quân ngụy vào Nam và chấn chỉnh tinh thần đang suy sụp của ngụy quân, ngụy quyền.

Địch ở khu vực Đà Nẵng còn đông, khoảng 75.000 tên, gồm 15 tiểu đoàn chủ lực thuộc Sư đoàn 3 bộ binh, sư đoàn lính thủy đánh bộ và tàn quân các Sư đoàn 1, 2, Liên đoàn 12 biệt động quân, 15 tiểu đoàn bảo an… cùng với Sư đoàn 1 không quân (hơn 300 máy bay), 7 tiểu đoàn pháo, một thiết đoàn với hơn 70 xe bọc sắt. Lực lượng địch như trên là khá mạnh, nhưng do đang ở thế thua, bị cô lập, tan rã về tổ chức, mất tinh thần chiến đấu nên chúng chỉ muốn tháo chạy.

Nhận định được tình hình địch, Quân ủy Trung ương chỉ đạo quân ta tiến công Đà Nẵng theo phương án “bỏ qua những mục tiêu dọc đường, đánh thẳng vào Đà Nẵng nhanh nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhất với những lực lượng có thể chuyển tới sớm nhất”.

N.T.H.H tổng hợp

SGGP Online

Giải phóng Quảng Ngãi, tiến vào thành phố Huế

Sau hơn một ngày tấn công, quân và dân tỉnh Quảng Ngãi đồng loạt nổi dậy đánh chiếm các huyện, xã. Đến sáng 25-3-1975, tỉnh Quảng Ngãi hoàn toàn được giải phóng.

LL vũ trang tỉnh Quảng Ngãi diễu hành trong lễ mít tinh kỷ niệm 30 năm giải phóng Quảng Ngãi.

Như vậy sau 5 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, lực lượng vũ trang Quân khu 5 đã đánh tan một bộ phận chủ lực của địch, 2/3 quân địa phương, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh ở các tỉnh phía Nam Quân khu 1 của địch. Tuyến phòng thủ đồng bằng ven biển của địch ở phía Nam Đà Nẵng bị phá vỡ.

Căn cứ quân sự ở Đà Nẵng bị bao vây cô lập từ 3 phía Bắc, Nam và Tây.

Từ ngày 25-3, pháo ta bắt đầu bắn vào sân bay Đà Nẵng, căn cứ Hòa Khánh, cảng Sơn Trà, Non Nước… khiến thành phố Đà Nẵng hỗn loạn, địch buộc phải bỏ kế hoạch co cụm tại Đà Nẵng, dùng máy bay di tản cố vấn Mỹ và một số sĩ quan ngụy.

Sáng 25-3, quân ta tấn công vào khu cảng Tân Mỹ-Thuận An (Huế) đánh tan các lực lượng địch đang ùn tắc nơi đây.

Vào ngày này, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Hội đồng chi viện miền Nam do đồng chí Phạm Văn Đồng làm chủ tịch với nhiệm vụ động viên và tổ chức sức mạnh to lớn của toàn dân, dốc sức của, sức người của hậu phương miền Bắc chi viện cho miền Nam trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh.

N.T.H.H tổng hợp

SGGP Online

Quân địch giẫm đạp nhau rút chạy

Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi đã tạo ra cục diện mới có lợi cho ta trên chiến trường Trị Thiên. Ngày 5-3-1975, tiếng súng tiến công của quân và dân ta đồng loạt nổ ra trên khắp chiến trường Thừa Thiên – Huế, chính thức mở màn chiến dịch. Bắt đầu từ 8-3, quân và dân Thừa Thiên – Huế đã nổi dậy khắp nơi từ Phú Lộc đến Phong Điền và chỉ trong 2 ngày 8 và 9-3, đã tấn công vào 30 chi khu và phân khu của địch.

Quân địch trên đường tháo chạy.

Từ 21-3, lực lượng vũ trang Quân khu Trị Thiên và Quân đoàn II đã đồng loạt tấn công từ 3 hướng Bắc, Tây và Nam cùng lực lượng vũ trang địa phương cắt đứt hoàn toàn đường số 1, chặn đứng đường rút chạy của địch vào Đà Nẵng, hình thành thế chia cắt, bao vây gọng kìm, đánh thiệt hại nặng Lữ đoàn 147 Thủy quân lục chiến ngụy.

Ngày 24-3, vòng vây của quân giải phóng từ 3 hướng đã chia cắt hoàn toàn quân địch không cho chúng co cụm vào thành phố Huế. Đường bộ bị cắt đứt, đường không bị khống chế, toàn bộ quân địch ở Huế chỉ còn một lối thoát duy nhất là rút chạy về phía cửa biển Thuận An và Tư Hiền.

Tuy nhiên, nắm bắt được ý đồ của địch, quân ta đã phong tỏa cửa biển không cho tàu địch vào ứng cứu đồng thời bắn xối xả vào đội hình rút lui của địch. Địch rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, trở nên hoảng loạn, giẫm đạp lên nhau mà chạy, bắn giết nhau để tìm đường thoát thân. Hàng ngàn xe tăng, xe bọc thép cùng các phương tiện vận tải của địch vứt lại ngổn ngang suốt dọc đường từ Huế xuống cửa biển Thuận An và cảng Tân Mỹ. Cảnh hoảng loạn trước đó vài ngày trên đường số 7, khi địch rút chạy khỏi Tây Nguyên, giờ lại được tái hiện trên đường Huế – Thuận An.

Ngày 25-3, các cánh quân của ta từ nhiều hướng tiến vào giải phóng thành phố Huế. Lúc 11 giờ 30 ngày 25-3, cờ giải phóng được kéo lên cột cờ Phu Vân Lâu, đánh dấu thời khắc lịch sử thành phố Huế hoàn toàn được giải phóng.

NG.H. Tổng hợp

SGGP Online

Chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng

Tại mặt trận Tây Nguyên, sau nhiều ngày truy kích địch và giải phóng các tỉnh, ngày 24-3 được đánh dấu là ngày toàn thắng của chiến dịch Tây Nguyên. Khởi đầu chính thức từ ngày 4-3, bằng ba trận chiến then chốt (tấn công Buôn Ma Thuột; đánh địch phản kích; tiêu diệt địch tháo chạy trên đường số 7) lực lượng ta đã đánh tan Quân đoàn 2, Quân khu 2 ngụy, các lực lượng cơ động chiến lược của quân đội Sài Gòn, giải phóng Tây Nguyên và các tỉnh miền Nam Trung bộ.

Nhiều loại xe quân dụng và các thiết bị của địch bỏ lại trên đường rút chạy.

Tại Quảng Nam, sau hơn một ngày tấn công, ta đã giải phóng thị xã Tam Kỳ vào lúc 10 giờ 30 ngày 24-3-1975. Tại Quảng Ngãi, 7 giờ sáng quân ta tiến đánh thị xã. Sau một ngày chiến đấu, địch bỏ chạy cùng với một đoàn xe trên 200 chiếc chạy theo đường số 1 về hướng Chu Lai.

Trước đó, lực lượng ta đã tiến công các vị trí phòng thủ của liên đoàn 11 biệt động quân, cắt đường số 1, đoạn từ Sơn Tịnh đi Bình Sơn, chặn đường rút về Chu Lai của địch. Địch lọt vào trận địa phục kích của ta đã thiệt hại nặng nề: 550 tên bị diệt, 3.500 tên bị bắt sống, 206 xe quân sự bị phá hủy.

Nhờ đó, ta đã uy hiếp thế phòng thủ của địch tại phía Nam Đà Nẵng. Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu lại phải kêu gọi “tử thủ Đà Nẵng”. Nếu không giữ được Đà Nẵng thì phải cầm cự 1-2 tháng để bố trí lại thế phòng thủ chiến lược và di tản một triệu dân hòng gây tác động chính trị xấu cho ta, đẩy mạnh hoạt động ngoại giao ép buộc ta ngừng tấn công.

Vào ngày này, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp và khẳng định thời cơ chiến lược lớn đã đến. Bộ Chính trị quyết định: Hành động nhanh chóng, táo bạo bất ngờ đánh địch, giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa.

N.T.H.H tổng hợp

SGGP Online

Đánh chặn địch tại cửa Thuận An, cửa Tư Hiền

Ngày 23-3, pháo binh của Quân đoàn 2 và Quân khu Trị – Thiên bắn tập trung vào các căn cứ của Sư đoàn 1, Sư đoàn thủy quân lục chiến, sân bay Phú Bài… và bắn chặn các con đường rút chạy của địch. Nhiều tàu chiến địch từ Đà Nẵng vào cứu thoát quân ngụy ở cửa Thuận An, cửa Tư Hiền bị hỏa lực pháo binh ta bắn chặn, có chiếc bị bắn chìm, có nhiều chiếc phải quay ra biển.

Hai trung đoàn của Sư đoàn 324 bao vây tiêu diệt và bắt sống hàng ngàn tên thuộc Sư đoàn 1 ngụy ở Phú Thứ. Trung đoàn 1 vượt phá Tam Giang, tiến theo dải đất hẹp sát biển đánh chiếm Kẻ Sung, Cự Lại cắt đường rút chạy của địch từ phía Nam ra hướng cửa Tư Hiền, diệt bọn lính thủy đánh bộ đang án ngữ nơi đây.

Một bộ phận khác của trung đoàn chiếm cảng Tân Mỹ và bờ Nam cửa Thuận An, cùng lúc với bộ đội Quảng Trị đánh chiếm bờ Bắc cửa Thuận An. Trung đoàn 2 từ bờ tây phá Tam Giang đánh thẳng ra phía đông Huế, phối hợp với các đơn vị khác bịt chặt cửa Thuận An.

Tại mặt trận khu 5, nhận định được thời cơ thuận lợi, Thường vụ khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định tập trung toàn bộ lực lượng, đẩy mạnh tốc độ tiến công, tiêu diệt Sư đoàn 2 ngụy, giải phóng Tam Kỳ (Quảng Nam) và tỉnh Quảng Ngãi, thực hiện chia cắt chiến lược, tạo bàn đạp tiến công vào Đà Nẵng.

Sau khi nhận được thư của Tổng thống Mỹ Gerald Ford, mặc dù chán nản và thất vọng với những lời lẽ trong thư, tối 23-3, Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu vẫn gửi đi một lời kêu cứu: “Tôi trân trọng khẩn cầu Chính phủ Hoa Kỳ hãy thực hiện lời hứa…

Một là hạ lệnh tiến hành một cuộc oanh tạc ngắn hạn bằng máy bay B52 tập trung vào những điểm đóng quân và căn cứ hậu cần của kẻ thù trong khu vực Nam Việt Nam. Hai là, khẩn cấp viện trợ những phương tiện cần thiết để ngăn chặn và đẩy lùi cuộc tấn công…

Một lần nữa, tôi xin khẩn cầu ngài, khẩn cầu chữ tín trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ và đặc biệt khẩn cầu lương tâm nước Mỹ…”. Tuy nhiên những lời khẩn cầu của người đứng đầu chế độ Sài Gòn đã bị rơi vào sự im lặng.

N.T.H.H tổng hợp

SGGP Online

Địch rút chạy khỏi Huế

Ngày 22-3-1975, ở phía Nam thành phố Huế, Sư đoàn 325 tiến ra cắt đường số 1 đoạn từ Bái Sơn đến Bạch Mã (dài 3km). Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 lệnh cho đoàn 324 không đánh địch ở núi Bông, núi Nghệ như dự kiến mà thay đổi hướng đánh tiến ra đường số 1, phối hợp với sư đoàn 325 chia cắt địch.

Trung đoàn 84 pháo binh đưa pháo lên dãy núi Lưỡi Hái cao 700m bắn trực tiếp xuống đường số 1, thực hiện chia cắt bằng hỏa lực và chi viện cho bộ binh. Trung đoàn 4 chủ lực Quân khu Trị-Thiên tiến công các vị trí phòng thủ của lính thủy đánh bộ ngụy, phát triển về hướng Ngã ba Sình. Bộ đội địa phương các huyện Phong Điền, Quảng Điền diệt một số đồn bảo an, dân vệ, chiếm quận lỵ Phò Trạch, hỗ trợ nhân dân nổi dậy giải phóng nhiều thôn xã.

Quân giải phóng tiến vào cầu Tràng Tiền.

Bị bao vây, Bộ Tư lệnh tiền phương quân đoàn 1 ngụy bỏ chạy về Đà Nẵng bằng máy bay. Mất chỉ huy và trước áp lực tiến công của ta, quân địch ở Huế rối loạn. Lực lượng địch lúc ấy còn đông với 8 trung đoàn bộ binh, 3 thiết đoàn và 7 tiểu đoàn pháo, nhưng không còn ý chí chiến đấu chỉ lo rút chạy.

Theo dõi sát tình hình, Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo Quân đoàn 2 và Quân khu Trị-Thiên chuyển sang truy kích, chặn đường biển, con đường rút chạy duy nhất còn lại của địch lúc này, tiêu diệt Sư đoàn 1 và lực lượng còn lại của địch, giải phóng thành phố Huế.

Vào thời điểm này, Tổng thống Mỹ Gerald Ford viết thư cho Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu với lời an ủi chung chung, mơ hồ. Bức thư cho biết Mỹ cũng không kém phần khó khăn khi giúp đỡ chính quyền Sài Gòn và hứa sẽ thực hiện những gì pháp luật cho phép.

Trong lúc dầu sôi lửa bỏng, cụm từ “pháp luật cho phép” như dội một gáo nước lạnh vào chính quyền Thiệu vì ai cũng biết mối quan hệ giữa tổng thống Mỹ và quốc hội về cuộc chiến Việt Nam không được suôn sẻ. Sau khi đã không tán thành tăng viện trợ để cứu quân đội ngụy, quốc hội Mỹ lại càng không thể đồng ý cho tổng thống tùy tiện thực hiện các hành động can thiệp quân sự vào miền Nam Việt Nam trong lúc này.

Như vậy bức thư đề ngày 22-3-1975 đã là bức thư cuối cùng của tổng thống Mỹ cho Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu. Tác dụng của nó chỉ là một liều thuốc an thần không tác dụng với con bệnh – chính quyền Sài Gòn – đang thoi thóp chết

N.T.H.H tổng hợp

SGGP Online

Chiến dịch Quảng Ngãi

Ngày 13-3-1975 theo lệnh của Bộ chỉ huy tiền phương quân khu, chiến dịch tổng hợp Xuân Hè năm 1975 trên chiến trường Quảng Ngãi đã nổ súng. Ngày 17-3, ta đã cài được thế chiến dịch ở thị xã Quảng Ngãi, cô lập địch ở phía Tây, cắt đứt quân địch ứng viện bằng đường bộ giữa phía Bắc và phía Nam thị xã.

Xe tăng tiến vào giải phóng thị xã Quảng Ngãi.

Trước sự uy hiếp ngày càng tăng của ta, bọn địch ở Quảng Ngãi kêu cứu. Bộ Tổng tham mưu quân nguỵ Sài Gòn tức tốc điều Tiểu đoàn 70 biệt động đang huấn luyện ở Dục Đức (Khánh Hòa) chi viện cho Quảng Ngãi. Ngày 20-3, huyện Trà Bồng sạch bóng quân thù.

Ngày 23-3, Trung đoàn 94 và Đại đội 31 huyện Bình Sơn đánh cắt đoạn đường số 1 từ cầu Ô Sông đến Thế Long dài 7km. Cùng ngày, miền Tây Quảng Ngãi được hoàn toàn giải phóng.

1 giờ ngày 24-3-1975, lệnh tấn công thị xã Quảng Ngãi được phát ra. Pháo binh ta dồn dập trút đạn vào các mục tiêu. Xe tăng từ Hòn Bà tiến thẳng xuống Tây thị xã.

Tiểu đoàn 403 đánh chiếm các điểm Mũi Né, đèo Bình Trung. Địch ở Đồng Thanh, Núi Ép rút chạy… 12 giờ trưa ngày 24, chuẩn tướng Trần Văn Nhật và bọn chỉ huy ở tiểu khu Quảng Ngãi tháo chạy bằng trực thăng.

Cùng thời gian đó, bộ đội ta từ các hướng tiến vào thị xã, lần lượt chiếm các vị trí quân sự, cơ quan chính quyền tỉnh. Quần chúng bên trong thị xã nổi dậy phối hợp trong khí thế cách mạng sôi sục…

Sau hơn 30 ngày đêm chiến đấu, ngày 24-3-1975, tỉnh Quảng Ngãi – quê hương của khởi nghĩa Ba Tơ được hoàn toàn giải phóng.

HÀ MINH
(Tổng hợp)

SGGP Online