Chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một bộ phận quan trọng nằm trong hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho thế hệ trẻ những tình cảm và sự quan tâm sâu sắc. Học giả người Ấn Độ Mô-ham-mat I-xman Mat-Sua đã từng nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ duy nhất luôn luôn quan tâm đến thế hệ trẻ và đánh giá cao vai trò của thanh niên trong sự nghiệp dây dựng và bảo vệ tổ quốc”. Tiếp tục đọc
Thư viện
Thư Trung thu của Bác Hồ viết cho thiếu nhi
Là vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân. Trong đó, Bác dành tình thương yêu đặc biệt đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng – thế hệ tương lại của đất nước. Tình cảm thiêng liêng đó không chỉ được thể hiện sâu sắc khi Người còn sống mà thấm nhuần sâu rộng trong nhân dân khi Bác đã đi xa “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu niên, nhi đồng” (Di chúc).
Bác Hồ vui Tết Trung thu với các cháu thiếu nhi Hà Nội năm 1958.
Ảnh: T.L
Vào những ngày kỷ niệm Quốc tế thiếu nhi, ngày khai trường, Tết Trung thu hay mỗi khi các cháu làm được việc tốt, đạt thành tích xuất sắc, Bác Hồ thường đến thăm hỏi, động viên hoặc gửi thư, tặng quà. Trong số 16 bài thơ Bác dành cho thiếu nhi có tới một nửa được Bác viết vào những dịp Tết Trung thu. Đó là những câu văn, vần thơ rất đỗi giản dị và dễ hiểu, dễ thuộc mà luôn chan chứa tình yêu thương của Người.
Sau những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, năm 1941, Bác trở về Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Nhân dịp Tết Trung thu năm đó, Người viết bài thơ kêu gọi thiếu nhi vào ngày 21/9/1941 thể hiện sự quan tâm của mình đối với các cháu thiếu nhi:
Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan
Chẳng may vận nước gian nan
Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng
Học hành, giáo dục đã thông
Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa…
Những lời thơ viết cho thiếu nhi mà cũng là cho tất cả mọi người. Trẻ em là lớp măng non, là búp trên cành đáng lẽ phải được nâng niu, chăm sóc nhưng chẳng may vận nước gian nan khiến các cháu chịu nhiều thiết thòi, cực khổ. Từ đó, Bác chỉ ra nguyên nhân của nông nỗi ấy là vì giặc Nhật, vì giặc Tây bạo tàn. Người gọi mở, dẫn dắt để mở rộng nhận thức rồi đi đến vận động, giác ngộ các cháu:
Vậy nên trẻ em nước ta
Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh
Người lớn cứu nước đã đành
Trẻ em cũng góp phần mình một tay…
Thực tế là các cháu thiếu niên, nhi đồng đã vâng lời Bác dạy, hưởng ứng lời kêu gọi đó, tham gia các hoạt động yêu nước như: Kim Đồng, Vừ A Dính… góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc cách mạng ThángTám 1945. Ngay mùa Thu độc lập đầu tiên, Bác Hồ đã gửi thư động viên, thể hiện tình thương yêu, sự quan tâm và niềm tin vào các cháu thiếu nhi:
Non sông Việt có trở nên vẻ vang hay không. Dân tộc Việt có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn vào công học tập của các cháu.
Đã hơn nửa thế kỷ nay, những lời động viên, nhắn gửi của Bác luôn được vang vọng trong mỗi ngày khai trường, Tết Trung thu và được trân trọng khắc ghi trên mỗi ngôi trường, tạo niềm xúc động thiêng liêng, là nguồn động lực giúp các thế hệ thiếu nhi Việt Nam ra sức phấn đấu học tập và rèn luyện xứng đáng với niềm mong mỏi của Bác.
Trung thu năm 1946, mặc dù bận rộn với những công việc quan trọng của đất nước nhưng Bác Hồ vẫn không quên làm thơ gửi cho các cháu:
Bác mong các cháu chăm ngoan
Mai sau gìn giữ giang sơn Lạc Hồng
Sao cho nổi tiếng Tiên Rồng
Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam
Vẫn là sự quan tâm và niềm mong mỏi các cháu thiếu nhi chăm học và làm được nhiều việc tốt góp phần xây dựng và giữ gìn nền độc lập còn rất non trẻ của đất nước. Bác nhắc đến những danh từ thiêng liêng như: Lạc Hồng, Tiên Rồng, Việt Nam như muốn gợi lại truyền thống yêu nước bốn nghìn năm của dân tộc gắn liền với tên tuổi của những người anh hùng nhỏ tuổi như: Thánh Gióng, Trần Quốc Toản… Đây là những tấm gương sáng trong lịch sử dân tộc đáng để các cháu noi theo.
Trong suốt cuộc đời chỉ muốn quên mình cho hết thảy (thơ Tố Hữu) của mình, Bác Hồ luôn canh cánh một ước mong, đó là các cháu thiếu nhi được ăn no, mặc ấm và được học hành. Chính vì vậy, trong mọi hoàn cảnh, tình thương yêu của Người dành cho các cháu thiếu nhi vẫn đậm sâu, tha thiết:
Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng
Sau đây Bác viết mấy dòng
Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ thương.
(Thư Trung thu 1951)
Những năm tháng cả dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ đều gửi thư cho các cháu mỗi dịp Trung thu về và khẳng định tình cảm bao la của mình: Ai yêu nhi đồng/bằng Bác Hồ Chí Minh. Lời Bác luôn nhẹ nhàng, trìu miến gắn với việc động viên các cháu tham gia, thực hiện những công việc cụ thể, phù hợp với tình hình cách mạng, phù hợp với tâm lý lứa tuổi của thiếu nhi:
Ai yêu các nhi đồng
Bằng Bác Hồ Chí Minh
Tính các cháu ngoan ngoãn
Mặt các cháu xinh xinh
Mong các cháu cố gắng
Thi đua học và hành
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Tuỳ theo sức của mình…
Các cháu hãy xứng đáng
Cháu Bác Hồ Chí Minh.
(Thư Trung thu ngày 25/9/1952)
Cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn cuối, quân – dân ta trên khắp các chiến trường liên tiếp giành được những thắng lợi quan trọng. Tết Trung thu năm 1953, Bác phấn khởi gửi thư kể tin chiến thắng, chia vui với các cháu thiếu nhi. Trong những chiến thắng đó có sự đóng góp không nhỏ của các cháu:
Khắp nơi Nam, Bắc, Tây, Đông
Được tin thắng trận cờ hồng tung bay
Các cháu vui thay
Bác cũng vui thay
Thu sau so với thu này vui hơn.
Cụm từ vui thay được lặp lại và câu thơ thứ 3 được ngắt thành hai dòng, mỗi dòng có bốn tiếng diễn tả niềm vui dâng trào, khôn xiết của Bác Hồ và của các cháu. Trong bài thơ này, Người đã tiên đoán chính xác, đồng thời khẳng định về sự thắng lợi của cuộc kháng chiến. Thu sau so với thu này vui hơn. Thu sau tức là mùa thu năm 1954 sẽ vui hơn thu này – mùa thu năm 1953. Quả đúng như vậy, ngày 7/5/1954, với chiến thắng Điện Biên Phủ, quân, dân ta đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, trong tư thế của người chiến thắng và mùaThu năm 1954 là mùa Thu mà một nửa đất nước đã sạch bóng quân thù – mùa Thu mà các cháu thiếu nhi thực sự được sống trong độc lập, tự do.
Nhưng đế quốc Mỹ và các thế lực tay sai đã lật lọng không thực hiện đúng Hiệp định Giơnevơ về việc hiệp thương thống nhất đất nước – niềm mong ước lớn nhất của Bác, của nhân dân ta lúc bấy giờ. Trong hoàn cảnh đó, Tết Trung thu năm 1956, Bác Hồ đã gửi thư cho các cháu thiếu nhi miền Nam bày tỏ niềm thương nhớ và động viên các cháu tin tưởng đến ngày sum họp, đoàn tụ tại hai miền Bắc, Nam sẽ không còn xa:
Bắc – Nam sẽ sum họp một nhà
Bác cháu ta gặp mặt trẻ già vui chung
Nhớ thương các cháu vô cùng
Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi
Đáp lại lời kêu gọi của Bác Hồ, cùng với thiếu nhi miền Bắc, các cháu thiếu niên, nhi đồng ở miền Nam cũng thi đua lập công như anh hùng Lê Văn Tám, anh hùng Kim Lịch… góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước, Bắc – Nam sum họp một nhà thỏa lòng Bác mong…
Dù Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng hình ảnh của Người vẫn luôn gần gũi với mọi thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam. Tình cảm thiêng liêng của Bác dành cho các cháu thiếu nhi và của các cháu thiếu nhi dành cho Bác mãi mãi sáng soi, dịu hiền như ánh trăng đêm rằm. Đọc lại thư Trung thu của Người, chúng ta lại được tắm mình trong tình thương yêu bao la, mát lành tỏa ra từ một tâm hồn lớn, nhân cách lớn.
Trần Văn Lợi
Theo http://www.baohoabinh.com.vn
Thu Hiền (st)
Những câu chuyện nhỏ về Bác Hồ với thiếu nhi
“Các cháu đi học là học chữ của Bác Hồ”
“Các cháu đi học là học chữ của Bác Hồ, không đi học không phải là con cháu của Bác Hồ” – với câu nói này, cô Hoàng Thị Nga (48 tuổi, xã Lơ Ku, Kbang, Gia Lai) đã khiến cho các em học sinh trong xã đến lớp hàng ngày.
Về nơi Bác Hồ gửi thư cho thiếu nhi
Trong niềm hân hoan mừng Sa Pa giải phóng lần thứ nhất (8/11/1946), thế hệ trẻ Sa Pa có vinh dự lớn: Ngày 19/11/1946, Hồ Chủ tịch gửi thư cho thiếu nhi Sa Pa.
Bác Hồ đến với trẻ em mồ côi
Hội Bảo Anh dùng để nuôi trẻ mồ côi, thời Pháp thuộc gọi là Cô nhi viện Bảo Anh, lúc này đã bỏ hoang, không có ai ở. Chúng tôi, một số thanh niên, sinh viên, giáo viên, y tá, cùng với các bà Tú Dục, gia đình ông Bùi Đình Chiểu, bà Thuận, bà Thi, nữ sĩ Vân Đài ở phố Nhà Thờ, bác sĩ Nguyễn Thúc Mậu đã cùng nhau từng làm việc cứu đói từ đầu năm 1945 – xin cụ Nguyễn Văn Tố cho phép nhận số cháu mất cha mẹ lang thang trên đường phố để tập trung về nuôi ở cơ sở này và vẫn gọi là Hội Bảo Anh, lúc bấy giờ ở phố Hàng Đẫy thuộc địa bàn liên khu III Đống Đa – quận V – Hà Nội (nay là Nguyễn Thái Học).
Cậu bé quân báo Bát Sắt bí mật đưa thư Bác Hồ
“Bác viết lá thư để ngỏ, vẽ một dốc lên, có người đang đi, cạnh đó là dốc xuống. Bác ghi chú thế ta là thế đang đi lên, thế địch đang đi xuống” – ông Trần Vân xúc động kể về lần đưa thư Bác Hồ.
Tình yêu thương con trẻ trong thơ Bác Hồ
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới mà Bác còn là một nhà thơ lớn. Thơ Bác luôn ẩn chứa một thông điệp về tinh thần yêu nước, thương nòi và khát khao giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đối tượng phản ánh trong thơ Bác rất phong phú và trẻ em chiếm một vị trí quan trọng.
Trong bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi” Bác đã thể hiện tình yêu thương vô bờ bến đối với trẻ em nước nhà khi đất nước có xâm lăng phải sống trong cảnh “bạo tàn” của giặc Nhật, giặc Tây. Bác viết “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn, ngủ biết học hành là ngoan”. Hình ảnh “như búp trên cành” đó chính là mầm non của quê hương, đất nước phải được nuôi dưỡng và học hành đến nơi đến chốn, nhưng vì “Chẳng may vận nước gian nan/Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng”. Do nước nhà bị ách cai trị của thực dân nên cái “búp trên cành” cũng phải “Làm tôi tớ người ta bên ngoài”.
Bác viết bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi” như lời hiệu triệu các cháu “góp phần mình một tay” cùng cha ông đánh đuổi giặc ngoại xâm: “Vậy nên trẻ em nước ta/Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh/Người lớn cứu nước đã đành/Trẻ em cũng góp phần mình một tay/Bao giờ đuổi hết Nhật Tây/Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng”. Một lần nữa ta lại thấy được sự uyên bác nhìn xa trông rộng ở Người. Tinh thần đoàn kết cần phải được xây dựng từ thế hệ “búp măng non” và đó là yếu tố quyết định cho sự thắng lợi của cách mạng.
Bác Hồ với thiếu nhi Việt Bắc.
Đọc bài thơ “Trẻ chăn trâu” được Bác viết năm 1942 ta càng hiểu sâu sắc hơn về những sót xa của Người khi nước nhà bị xâm lược, khi đó đối tượng khổ nhất là trẻ em mà trẻ em sống trong cảnh bần hàn thì tương lai nước nhà sẽ ra sao? Những câu hỏi thường trực trong trái tim Người và Bác đã “vạch mặt” kẻ gây ra nỗi khổ đau cho nhân dân Việt Nam nói chung và trẻ em nói riêng là “Ấy là vì Nhật, vì Tây/Ra tay vơ vét, đọa đày chúng ta/Làm cho tan cửa nát nhà/Trẻ em vất vả người già đắng cay”. Vì vậy, tất cả chúng ta phải đoàn kết lại “Cùng nhau đánh đuổi Nhật, Tây/Anh em ta mới có ngày vinh hoa/Nhi đồng cứu quốc hội ta/Ấy là lực lượng ấy là cứu tinh/Ấy là bộ phận Việt Minh/Dân mình khắc cứu dân mình mới xong/Ai nghe mà chẳng động lòng/Khá khen con trẻ mục đồng Việt Nam”. Lời kêu gọi ấy của Bác Hồ có sức lan tỏa mãnh liệt trong thiếu niên nhi đồng cả nước tham gia đánh Tây, đuổi Nhật, giải phóng dân tộc thống nhất nước nhà. Đã có biết bao tấm gương thiếu niên nhi đồng anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc mà tiêu biểu là Kim Đồng, Vừ A Dính…
Cô và trò Trường Mầm non Hưng Thành (TP Tuyên Quang)
chăm sóc cây xanh trong khuôn viên nhà trường
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đập tan ách áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến, trẻ em được sống trong niềm hoan ca, trong tình yêu thương vô bờ bến của Bác. Ngay trong Tết Trung thu đầu tiên khi nước nhà giành độc lập, Bác đã viết thư gửi thiếu niên nhi đồng “Tết Trung thu với nền độc lập” chia sẻ niềm hân hoan cùng các cháu và dạy bảo các cháu rèn luyện, học hành để trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.
Tình yêu con trẻ của Bác còn được thể hiện rõ trong những bài thơ chúc Tết Trung thu được Bác viết trong những năm 1951, 1952, 1953, 1954. Đó là những năm tháng cả nước đang bước vào giai đoạn đầy cam go, quyết liệt của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. Vẫn là tình cảm đầy ắp tình yêu thương dành cho con trẻ, vẫn là những lời căn dặn hết sức gần gũi, thân thương nhưng trẻ em như được bồi đắp tinh thần yêu nước, khí phách kiên cường đấu tranh vì nền độc lập của nước nhà. “Trung thu trăng sáng như gương/Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng” và Bác “Mong các cháu cố gắng/Thi đua học và hành/Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình/Để tham gia kháng chiến/Để giữ gìn hòa bình/Các cháu hãy xứng đáng/Cháu Bác Hồ Chí Minh”. Sự gắng sức của các cháu chắc chắn sẽ góp sức mang lại hòa bình cho đất nước “Bao giờ Nam Bắc một nhà/Các cháu xúm xít thì ta vui lòng…”.
Mỗi lần đọc những vần thơ Bác viết cho thiếu nhi, trẻ em như được sống trong tình thương yêu của Bác, như được nghe lời Bác dặn dò nỗ lực học tập, vươn lên trở thành con ngoan trò giỏi, chủ nhân tương lai của quê hương, đất nước.
Thành Thanh
Theo baotuyenquang.com.vn
Kim Yến (st)
Chú bé “lạ” trong bức ảnh chụp với Bác Hồ
Bức ảnh Bác Hồ cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố Tổng Bí thư Trường Chinh với các chiến sĩ Điện Biên trong sinh nhật Bác 19/5/1954 do nhà quay phim Vladimia Isurin chụp đã được đăng trên báo nhiều lần, nhưng rất ít người để ý về một “chú bé lạ”, đứng nép bên Bác Hồ.
Chú bé ấy bây giờ tuổi đã ngoài 60, là Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam và là tác giả cuốn tiểu thuyết đầu tiên về đường ống xăng dầu, bộ đội Trường Sơn vừa được xuất bản…

Thiếu Tướng Hồ Sĩ Hậu, tác giả tiểu thuyết “Dòng sông mang lửa”
Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu kể: “Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ tôi mới lên 8 tuổi, theo cha lên Chiến khu Việt Bắc, trong Cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đoàn làm phim của nhà quay phim nổi tiếng người Nga Roman Cácmen từ mặt trận về Cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng để quay phim về Bác Hồ. Bọn trẻ chúng tôi được may quần áo mới và quàng khăn đỏ mỗi khi ra trước ống kính.
Tôi thì được các cô may cho một bộ quần áo kaki màu tím than mà trước đó tôi chưa bao giờ dám mơ. Chúng tôi được đi mừng sinh nhật Bác Hồ, sau đó thì được mặc quần áo mới để đón các Chiến sĩ ưu tú từ Điện Biên Phủ về báo công mừng sinh nhật Bác.
Hôm đó, khi các bạn tản đi chơi chỗ khác hết rồi, tôi vẫn la cà quanh khu vực Bác Hồ tiếp khách. Trong cơ quan, thỉnh thoảng Bác cho trẻ con lên nhà sàn chơi. Tôi cũng có lần được Bác bế lên ngồi lòng. Qua cửa sổ nhà sàn, tôi thấy dòng suối, nương ngô xanh mướt, thấp thoáng bóng áo chàm có chút gì đó như sương khói.
Phong cảnh của một buổi chiều Việt Bắc cứ đọng lại mãi trong trí nhớ của tôi. Thấy Bác Hồ và các chú, các bác lãnh đạo nói chuyện rất vui vẻ với các chiến sĩ nên tôi đứng cạnh một gốc cây gần đó xem một cách tò mò và thích thú. Bác ân cần hỏi chuyện gia đình từng chiến sĩ rồi gắn Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” cho từng người.”.
Nhớ lại câu chuyện được chụp ảnh với Bác Hồ, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu vẫn còn bồi hồi xúc động. Trong ký ức non nớt của một cậu bé 8 tuổi, hình ảnh Bác tỏa ra một vẻ đẹp diệu kỳ. Bác nghiêm khắc khi chú bé sà vào lòng Bác lúc Bác đang làm việc. Nhưng đến khi xong việc rồi, Bác lại gọi chú bé vào hỏi han, âu yếm, không một chút khó tính.
“Thấy tôi thập thò ở gốc cây hóng chuyện, Bác gọi: “Cháu vào đây với Bác”. Rồi Bác lách tay qua mấy anh bộ đội để dắt tôi vào. Hai tay Bác ôm lên vai tôi, như cách của một người ông hiền từ yêu chiều cháu nhỏ. Tôi đứng nép vào Bác, nghe Bác và các bác lãnh đạo nói chuyện với bộ đội. Tôi không thể ngờ toàn bộ những kỷ niệm trên đều được quay vào những thước phim tư liệu của nhà làm phim Cácmen.
Và ngạc nhiên hơn nữa là thấy mình trong bức ảnh Bác Hồ và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và 6 chiến sĩ Điện Biên. Những bức ảnh này được chụp bởi nhà nhiếp ảnh người Nga Isurin – người đi cùng Đoàn làm phim với đạo diễn Cácmen”.
Sau này một vài bài báo viết về bức ảnh lại cho rằng chú bé đứng cạnh Bác Hồ là TS Đặng Việt Bích, con trai cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Về chi tiết này, khi trò chuyện với phóng viên, “chú bé” trong ảnh, nay là Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu hóm hỉnh: “Tội nghiệp Đặng Việt Bích, cậu ấy trắng trẻo, thư sinh, đẹp trai nữa, lại bị nhầm với thằng bé “nhà quê một cục” như tôi”.
Anh hùng LLVTND Lê Mã Lương, Giám đốc Bảo tàng Quân đội đã “đính chính” lại với mọi người đến xem bảo tàng mỗi khi có ai hỏi về chú bé trong bức ảnh, rằng đó là Hồ Sỹ Hậu, con trai một đồng chí nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng….
Bác Hồ trò chuyện với 6 chiến sĩ Điện Biên Phủ
(chú bé trong bức ảnh nay là Thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu)
Chú bé 8 tuổi đứng nép vào Bác Hồ, và ngồi cạnh bác Trường Chinh trong những bức ảnh lịch sử của hơn nửa thế kỷ về trước, nay đã là một Thiếu tướng quân đội, một nhà văn. Theo truyền thống gia đình, lớn lên, “chú bé” vào bộ đội, là một kỹ sư thiết kế, thi công tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn huyền thoại.
Những năm tháng được sống cùng cha ở Chiến khu Việt Bắc, lại được gần gũi Bác Hồ và các bác, các chú lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đã thôi thúc trong lòng “chú bé” một mong muốn, là phải phấn đấu để có cơ hội gặp lại Bác với tư cách là “một người Anh hùng hay một Chiến sĩ thi đua”.
Tham gia vào cuộc chiến tranh khốc liệt, đóng góp công sức, trí tuệ cho đường ống xăng dầu Trường Sơn, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu là một nhân chứng sống của lịch sử. Những tư liệu khổng lồ, chân thực về con đường “huyền thoại trong huyền thoại”, là đường ống xăng dầu Trường Sơn đã được ông kể lại trong tiểu thuyết “Dòng sông mang lửa’.
Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của một Thiếu tướng quân đội đã làm ngỡ ngàng bạn đọc, cả về tính chân thực và chất lãng mạn hòa quyện. Cả tuổi trẻ của mình, Hồ Sỹ Hậu đã cống hiến cho cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ông là người đã sống qua mất mát, qua lửa đạn, đối mặt với cái chết nhiều lần, và “nắm giữ” nhiều ký ức sống động về chiến tranh.
Dù việc viết văn đối với ông không phải để nổi tiếng, hay để trở thành một nhà văn, nhưng chỉ bằng cuốn tiểu thuyết đầu tay, viết với mong muốn để tri ân đồng đội này, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu đã có những đóng góp nhất định cho nền văn học.
“Dòng sông mang lửa” là cuốn sách đầu tiên viết về bộ đội xăng dầu. Tác giả đã cung cấp cho bạn đọc những trang tư liệu sống động về quá trình xây dựng đường ống xăng dầu Trường Sơn, con đường quan trọng được ví như mạch máu của quân đội, nhưng có đặc điểm là sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì mọi dấu vết của nó đều được xóa đi, không giống như đường mòn Hồ Chí Minh còn tồn tại đến hôm nay.
Không có cuốn sách của Hồ Sỹ Hậu, không có những trang viết chân thực của một vị tướng đã “nếm mật nằm gai” trên những cung đường để vận chuyển xăng dầu vào chiến trường, phục vụ cho quân đội, thì rất ít người trong chúng ta hôm nay hiểu được thấu đáo những đóng góp quan trọng và to lớn của những người lính xăng dầu cho chiến thắng cuối cùng của dân tộc.
Trong suốt những năm đeo ba lô, cầm súng đi chiến đấu dưới trời bom đạn, người lính Hồ Sỹ Hậu, “chú bé lạ” trong bức ảnh nổi tiếng của các nhà làm phim tài liệu người Nga mà chúng ta vừa nhắc, đã luôn nhớ về hình ảnh vị Cha già dân tộc như một nguồn cổ vũ, động viên lớn lao để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu kể lại: “Bác Hồ từ trần ngày 2/9/1969, khi tôi đang là Trợ lý kỹ thuật đi tiền trạm cho cơ quan tiền phương Trung đoàn đường ống. Vì không có báo đài để biết thông tin, nên đến ngày 5/9 tôi mới biết tin Người đã ra đi. Nhớ đến kỷ niệm năm xưa được chụp ảnh chung với Bác, và lời tự hứa sẽ gặp lại Bác khi mình đã làm được nhiều việc có ích cho Tổ quốc, tôi hiểu rằng mình đã không còn cơ hội để gặp Người.
Đêm ấy ở Trường Sơn tôi đã khóc rất nhiều và hiểu đến tận cùng niềm vinh dự lớn lao về một đoạn đời tuổi thơ tôi được gần gũi Bác. Không có mấy bạn thiếu nhi bằng tuổi tôi ngày đó có được may mắn và vinh dự ấy. Sáng ngày 6/9/1969 và hàng tháng trời sau đó, từng đợt B52 và mọi loại bom đạn của địch càn đi quét lại trên tuyến ống dẫn dầu của bộ đội đường ống Trường Sơn chúng tôi.
Rất nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh, nằm lại trên những cánh rừng. Họ đã biến thành đất đai, cây cỏ. Với sự sáng tạo, lòng dũng cảm, gan dạ, bền chí của những người lính xăng dầu, chúng tôi đã góp phần mình cho ngày đại thắng của dân tộc. Ngày trở về, đứng trước bàn thờ của Bác, tôi đã khấn: “Thưa Bác, cháu nguyện sẽ sống và cống hiến xứng đáng với những kỷ niệm tuổi thơ đã được ở gần Bác và được Bác dạy dỗ, thương yêu”.
Thiếu tướng, nhà văn Hồ Sỹ Hậu hiện đã nghỉ hưu. Ông có nhiều dự định trong những ngày tháng này, mà dự định lớn nhất là viết về bè bạn, những người lính đã cùng ông chia ngọt sẻ bùi trong một phần đời rất quan trọng, là phần đời chiến trận…
Theo Công an Nhân dân
Huyền Trang (st)
Bác Hồ và Đảng ta với công tác thiếu niên nhi đồng
Ngay từ ngày thành lập, Đảng ta đã rất quan tâm đến công tác thiếu niên nhi đồng. Tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ nhất (10/1930) và lần thứ hai (3/1931), Đảng đã có những quyết định quan trọng về công tác thanh niên, về tổ chức Đồng Tử Quân, thiếu niên cách mạng và giao cho Đoàn thanh niên phụ trách thiếu nhi.
Từ đó, nơi nào có chi bộ Đảng và tổ chức Đoàn thanh niên thì nơi đó tổ chức và phong trào đội thiếu nhi phát triển và hoạt động một cách tích cực. Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931 trên quê hương Bác Hồ kính yêu đã có nhiều đội Đồng Tử Quân tham gia đấu tranh thành lập chính quyền Xô Viết. Theo số liệu lưu trữ, trong chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh có 513 đội viên thiếu niên do các chi bộ Đoàn hoặc tự vệ hướng dẫn hoạt động. Không chỉ có vậy, khắp nơi trên đất nước ta, các Đội thiếu nhi Canh đế, Đội thiếu nhi Xích vệ cũng đã tham gia hoạt động cách mạng. Sôi nổi nhất là thiếu nhi vùng Tứ Trưng, Thượng Trủng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phú; đội Đồng Tử Quân tỉnh Thái Bình (mang tên “Trẻ chăn trâu”), nhất là ở huyện Tiền Hải đã theo người lớn đi đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng; Đội thiếu niên Dục Tài gồm con em công nhân, công chức, nhà buôn là người Việt Nam ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, đã không quản ngại gian khổ, cùng với thiếu nhi cả nước nhận nhiệm vụ làm giao thông liên lạc, canh gác, bảo vệ các cuộc họp của Đảng, khi cần theo cha mẹ, anh chị đi đấu tranh…
Bác Hồ chung vui với các cháu trong ngày Quốc tế Thiếu nhi 01/6/1969
Năm 1941, sau 30 năm xa Tổ quốc, Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Cùng với những công việc đại sự, Người còn chú ý ngay đến phong trào thiếu nhi, Bác vừa giáo dục các em theo tinh thần cách mạng, vừa coi các em là một lực lượng cách mạng. Ý Đảng – lòng Bác đã gặp nhau ở một điểm, đó chính là tinh thần của Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 8 (5/1941): … tổ chức ra các đoàn thể cứu quốc như “Nhi đồng cứu vong Đoàn” là đoàn thể cứu quốc của trẻ em và giao cho Đoàn Thanh niên phụ trách. Trên quan điểm đó, ngày 15/5/1941, tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Đội TNTP, Hội Nhi đồng cứu vong được thành lập với 5 đội viên đầu tiên đó là: Nông Văn Dền với bí danh Kim Đồng; Nông Văn Thàn, tức Cao Sơn; Lý Văn Tịnh, tức Thanh Minh; Lý Thị Ni, tức Thủy Tiên và Lý Thị Xậu, tức Thanh Thủy. Nông Văn Dền (tức Kim Đồng) được bầu làm đội trưởng đầu tiên. Các thành viên của Đội đã làm lễ tuyên thệ suốt đời trung thành với Đảng, tuyệt đối giữ bí mật cho dù phải hy sinh đến tính mạng cũng không phản bội lại nhân dân, phản bội lại cách mạng.
Tháng 02 năm 1948, dù đang bận trăm công ngàn việc, nhưng Bác Hồ kính yêu vẫn luôn theo sát phong trào thiếu nhi. Người đã có thư để định hướng công tác cần làm cho tuổi nhỏ. Công tác Trần Quốc Toản. Bác căn dặn: “Các cháu tổ chức những đội Trần Quốc Toản… Trước thì giúp những nhà chiến sĩ, nhà thương binh, lần lượt giúp những nhà ít người. Sức các cháu làm được việc gì thì giúp việc ấy. Thí dụ: quét nhà, gánh nước, lấy củi, xay lúa, giữ em, dạy chữ quốc ngữ… Các cháu nên hiểu rắng: giúp đỡ đồng bào tức là tham gia kháng chiến… luyện tập tinh thần siêng năng và bác ái để sau này trở thành công dân tốt…”. Đối với cán bộ phụ trách thiếu nhi, Người định hướng một cách cụ thể: “Với trẻ, dạy trẻ, cần làm cho các em biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Tuy nhiên phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên… không nên làm cho các em “già sớm”. Hơn thế, người phụ trách thiếu nhi cần phải liên lạc mật thiết với cha mẹ và thầy giáo của thiếu nhi. Người nói thật chí tình, chí lý: “Ngày nay chúng là thiếu nhi. Ít năm sau, chúng sẽ là công dân, cán bộ. Vì vậy, Chính phủ, các đoàn thể, và tất cả đồng bào đều có trách nhiệm giúp sức vào việc giáo dục thiếu nhi”. “Giáo dục thiếu nhi là một khoa học” nên người phụ trách phải cố gắng học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, nhất là phải làm kiểu mẫu trong mọi việc. Những định hướng đó của Người cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Chúng tôi, thế hệ thiếu nhi ngày ấy sẽ không sao quên được lời Bác dạy năm nào: “Các cháu phải ghét, ghét cay đắng bọn thực dân Pháp, bọn can thiệp Mỹ, bọn Việt gian, bọn bù nhìn. Vì chúng nó mà ta khổ. Các cháu phải yêu, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu lao động. Các cháu phải gắng, gắng giúp đỡ thương binh và gia đình chiến sĩ, gắng học hành. Các cháu phải đoàn kết, đoàn kết giữa nhi đồng Việt Nam với nhau và đoàn kết với nhi đồng thế giới…”. Và hành trang vào đời, hành trang cùng chúng tôi vượt qua mọi gian nan thử thách để chiến đấu và chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược chính là những lời căn dặn đó của Người.
Cho đến bây giờ, chắc hẳn còn nhiều bạn thiếu nhi, nhiều anh chị phụ trách, nhiều thầy giáo, cô giáo, có thể còn chưa biết xuất xứ của 5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi. Riêng chúng tôi, không sao quên được lần kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội TNTP – ngày 15/5/1961. Ngày ấy chúng tôi được anh chị phụ trách đọc cho nghe thư của Bác gửi thiếu niên, nhi đồng toàn quốc. Trong thư, Bác nhắc đến sự hy sinh của anh Kim Đồng, Lê Văn Tám và nhiều bạn khác. Đặc biệt, Bác Hồ nhắc đến nỗi nhớ của Người với thiếu nhi miền Nam anh hùng đang bị Mỹ – Diệm áp bức đày đọa. Bác căn dặn: “Các cháu cũng tham gia đấu tranh bằng cách thực hiện mấy điều sau đây: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; Học tập tốt, lao động tốt; Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; Giữ gìn vệ sinh thật tốt; Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Mười năm trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bác Hồ và Bác Tôn có gửi cho thiếu nhi miền Nam một bức thư với tình yêu thương và lòng tin tưởng: “Bắc Nam sẽ sum họp một nhà/ Bác cháu ta họp mặt, trẻ già vui chung/ Nhớ thương các cháu vô cùng/ Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi”.
Phát huy tinh thần và ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã và đang rất coi trọng công tác thiếu nhi. Bởi Đảng, Nhà nước ta và mọi người không bao giờ quên lời nhắc nhở của Người trước lúc đi xa: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân (…) Trước hết, các gia đình phải làm thật tốt công việc ấy. Các Đảng ủy đường phố… Ủy ban Thiếu niên, nhi đồng, Đoàn Thanh niên, ngành giáo dục và các ngành các đoàn thể khác cần phải có kế hoạch cụ thể chăm sóc, giáo dục các cháu ngày càng khỏe mạnh và tiến bộ”.
Nguyễn Thị Thọ
Theo Báo Thành phố Hồ Chí Minh
Kim Yến (st)
Nguồn: bqllang.gov.vn
Vkyno (st)
Bài hát hay nhất về đề tài Bác Hồ với tuổi thơ
“Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” là một trong những bài hát thiếu nhi hay nhất viết về đề tài Bác Hồ với tuổi thơ. Bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” của nhạc sĩ Phong Nhã là tình cảm kính yêu của thiếu nhi Việt Nam với Chủ tịch Hồ Chí Minh được tác giả khắc sâu vào trong giai điệu và lời ca chân thành, tha thiết, với hình ảnh Hồ Chủ tịch bình dị và gần gũi.
Phong Nhã tên thật là Nguyễn Văn Tường, sinh năm 1924. Ông đã có nhiều tác phẩm viết về thiếu niên nhi đồng như “Cùng nhau ta đi lên”, “Kim Đồng”, “Nhanh bước nhanh nhi đồng”, “Đi ta đi lên”… nhưng “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” được đánh giá là bài hay nhất viết về Bác Hồ và thiếu nhi của ông.
“Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” (Ảnh tư liệu)
Thời điểm khi sáng tác ca khúc này, Phong Nhã có nhiệm vụ đưa Đội Thiếu niên Tiền phong Nguyễn Thái Học đi đón và tiễn Bác nhân dịp Bác đến Quảng trường Ba Đình đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Lúc đó là đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi Phong Nhã mới 21 tuổi, là thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, cán bộ phụ trách thiếu nhi.
Trong không khí hân hoan, phấn khởi của các em nhi đồng khi được gặp Bác, Phong Nhã đã bị tác động mạnh mẽ, khơi gợi niềm cảm hứng sáng tác. Ông tâm sự: “Thấy đàn cháu đứng reo lên Hồ Chí Minh muôn năm, Bác nhoài người ra vẫy tay bằng cả hai tay, thân thiết như người ông thân yêu của đàn cháu. Giây phút ấy tôi cảm động lắm vì Bác là Chủ tịch nước, một lãnh tụ cách mạng lớn mà đối với các cháu thân mật thương yêu đến như vậy, tôi không thể tưởng tượng được… Từ đó tôi thấy cần phải có một bài hát về Bác”.
“Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” đã ra đời từ ý tưởng đó. Tình cảm kính yêu dành cho Bác Hồ đã thôi thúc cảm hứng sáng tác của Phong Nhã, để rồi ông chỉ mất có một ngày để hoàn thiện tác phẩm: “Trong buổi sinh hoạt đội, anh phụ trách đố các em là: Ai yêu Bác Hồ nhất? Các em nói rằng nhi đồng yêu Bác Hồ nhất rồi cùng nhau hô: Bác Hồ yêu thiếu nhi nhất và thiếu nhi yêu Bác Hồ nhất… Tôi nảy ra ý tứ và cứ thế phát triển”.
Ca từ trong sáng, giản dị nhưng toát lên hình ảnh vị Chủ tịch kính yêu như một người ông, người cha thân thương, gần gũi đến lạ thường. Giai điệu bài hát như theo mãi tuổi thơ mỗi người từng nghe, từng hát, để rồi sau này lớn lên, họ lại hát cho thế hệ sau của mình nghe, truyền lòng kính yêu đối với Bác cho con cái họ, để Bác mãi tồn tại trong lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác.
“Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” nằm trong chùm tác phẩm được trao tặng “Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật” của nhạc sĩ Phong Nhã./.
Mỹ Ngọc/VOV – Trung tâm tin
Theo http://vov.vn
Thu Hiền (st)
Các câu chuyện về Bác Hồ với thiếu niên nhi đồng
1. Đến thăm trường thiếu nhi miền Nam.
Nghe tin Bác đến thăm trường thiếu nhi miền Nam, các cô chú phụ trách trường tíu tít chuẩn bị, trang hoàng hội trường đón Bác.
Khi Bác đến, tất cả mọi người ùa ra đón Bác và đưa Bác đến hội trường đã được chuẩn bị cờ, hoa lộng lẫy. Nhưng Bác đề nghị dẫn Bác đến nhà bếp và phòng ngủ xem các cháu có được ăn no, ngủ ấm và chăm sóc chu đáo không. Sau đó Bác lấy ra một gói kẹo lớn chia đều cho các cháu. Đang nhìn các cháu ăn kẹo, Bác chợt nhận ra có 1 cháu đang đứng ở góc phòng, nét mặt buồn xo. Bác gọi lại hỏi:
– Cháu tên là gì? Vì sao lại đứng ở đây?
– Cháu tên là Tộ. Vì cháu phạm lỗi, tay bẩn không rửa nên các cô chú phạt, không cho nhận kẹo của Bác.
Bác cười bảo bạn Tộ đi rửa tay rồi chia kẹo cho Tộ, sau đó Bác dạy:
– Từ nay, cháu phải luôn giữ gìn đôi tay cho sạch nhé. Bàn tay con người rất đáng quý.
Bạn Tộ rất cảm động trước sự chăm sóc ân cần của Bác. Từ đấy, bạn luôn giữ đôi tay sạch sẽ và rửa tay sạch trước khi ăn.
2. Thiếu nhi Tiệp Khắc với Bác Hồ.
Trong một lần đến thăm nước Tiệp Khắc, Bác Hồ được tiếp một đoàn thiếu nhi Tiệp Khắc đến thăm Bác. Cháu nào cũng muốn đứng cạnh Bác nên đã chen chúc, tranh giành nhau rất dữ. Để ổn định trật tự, Bác đã nẩy ra sáng kiến hỏi các cháu:
– Các cháu thấy Bác gầy hay mập?
Các cháu trả lời:
– Bác gầy lắm ạ.
Bác lại hỏi:
– Vậy các cháu có muốn Bác gầy không?
Các cháu đồng thanh trả lời:
– Không ạ
Bác nói tiếp:
– Vậy các cháu đừng chen nhau hôn Bác nữa. Hãy cử 1 đại biểu đến hôn Bác thôi.
Sau câu nói của Bác, tất cả đều trật tự và cử bạn đội trưởng thay mặt tất cả đến hôn Bác. Bác ôm hôn bạn đội trưởng và cảm ơn các bạn thiếu nhi Tiệp Khắc. Còn các chú bảo vệ thì lại cảm ơn Bác vì Bác đã có sáng kiến duy trì được trật tự mà vẫn giữ được tình cảm yêu quý của thiếu nhi Tiệp Khắc với Bác Hồ.
3. Bể cá vàng dành cho các cháu.
Các bạn đều biết ngôi nhà sàn của Bác ở Phủ Chủ tịch rất đơn sơ nhưng khi thiết kế, Bác đã đề nghị các đồng chí xây cho Bác một hàng ghế ximăng bao quanh để các cháu thiếu nhi đến thăm Bác có chỗ ngồi. Thấy các cháu có chỗ ngồi nhưng lại không có gì để chơi, Bác lại đề nghị kiếm 1 bể cá để nuôi cá vàng cho các cháu đến thăm Bác có cá để xem. Thấy các cháu xúm xít xem cá trong bể, Bác rất vui. Hàng ngày, sau giờ làm việc, Bác thường cho cá vàng ăn. Bác để dành những mẩu bánh mì ăn sáng làm thức ăn nuôi cá. Được Bác chăm sóc, mấy con cá vàng trong bể ngày một lớn và phát triển thành cả một đàn cá. Mùa đông trời lạnh, Bác nhờ mấy chú làm một chiếc nắp đậy bể để bảo đảm độ ấm cho cá.
Mỗi lần đến thăm nhà sàn của Bác, khách thường thích thú ngắm bể cá, nhất là khách thiếu nhi.
4. Hãy để các cháu được làm chủ.
Trong năm 1961, có 1 sự kiện đáng nhớ của các cháu thiếu nhi. Bác Hồ cho 2000 cháu lần lượt đến vui chơi trong Phủ Chủ tịch. Bác dành phòng khách long trọng nhất trong Phủ Chủ tịch làm nơi cho các cháu triển lãm tranh ảnh của mình. Bác cho trang trí vườn hoa và mắc âm thanh tốt nhất cho các cháu ca hát, liên hoan văn nghệ. Các cháu đến Phủ Chủ tịch rất thích, được ca hát nhảy múa, nằm lăn ra bãi cỏ xanh mượt mát rượi.
5. Bác Hồ rất thương trẻ con.
Có lần đang ngủ đến gần sáng, lạnh quá Bác thức dậy. Gió vun vút đập vào cửa kính. Chợt Bác nghe thấy có tiếng trẻ em rao hàng dưới đường, Bác mở cửa ngó xuống nhìn em bé, nhìn mãi cho đến khi em bé đi khuất mới từ từ khép của lại.
Một lần khác, Bác cùng xem phim với cán bộ đồng bào sau Đại hội Chiến sĩ thi đua năm 1952. Buổi chiếu phim tan, mọi người lục đục kéo nhau đứng dậy ra về, Bác vội đứng lên đưa tay ra lệnh trật tự và nói to:
– Xin hãy để các cháu bé ra trước kẻo lộn xộn các cháu sẽ lạc đấy.
Thế là những người lớn lại ngồi xuống chờ các cháu nhỏ ra hết mới đứng lên về.
Có lần Bác bảo đồng chí phục vụ Bác mang cháu nhỏ 5 tuổi đến chơi với Bác.
Đồng chí phục vụ dẫn con đến, lúc ấy Bác bận nên đã bảo đồng chí cho cháu ngồi chơi ăn kẹo. Khi Bác trở vào vẫn thấy 2 cha con ngồi chờ và không dám lấy kẹo ăn. Bác tỏ vẻ không bằng lòng, phê bình đồng chí:
– Ở nhà, cháu là con của cô chú, nhưng đến đây, cháu là khách của Bác. Chú phải có nhiệm vụ giúp Bác đãi khách chứ, ai lại để cháu bé ngồi chơi suông hay sao?
6. Quả táo Bác Hồ.
Năm 1946, Bác sang Pháp để đàm phán với Chính phủ Pháp về những vấn đề có liên quan đến vận mệnh đất nước. Thị trưởng thành phố Pari mở tiệc long trọng thiết đãi Bác Hồ. Khi ra về, Người lấy trên bàn một quả táo bỏ vào túi. Mọi người ngạc nhiên, tò mò trước cử chỉ ấy của Bác.
Ra đến cửa, Bác nhìn thấy rất đông bà con Việt Kiều và người Pháp đứng đón mừng Bác. Trông thấy một bà mẹ bế trên tay một cháu bé, Bác tiến lại gần, giơ tay bế cháu bé. Lúc ấy, Bác rút trong túi ra quả táo đưa cho cháu bé. Mẹ cháu bé và những người cùng đi rất cảm động trước tấm lòng yêu trẻ của Bác Hồ.
7. Bác Hồ với thiếu nhi Việt Nam
Mở đầu lá thư gởi cho nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu năm 1951, Bác Hồ kính yêu đã bộc lộ cảm xúc của mình:
“Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh, nhớ thương nhi đồng” (1)
Không chỉ yêu thương thiếu niên, nhi đồng, Bác Hồ còn khẳng định vai trò quan trọng của thiếu nhi đối với tương lai mai sau của đất nước và xác định trách nhiệm chăm sóc giáo dục các em không phải của riêng ngành nào, tổ chức nào mà là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân. Bác đã viết: “Thiếu niên nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ… Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt” (2). Tất cả các quốc gia dân tộc trên thế giới muốn tồn tại và phát triển bền vững, đều phải quan tâm bảo vệ chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng. Xác định được vai trò quan trọng của lực lượng hậu bị, Bác Hồ thường nhắc nhở các cấp, các ngành, đoàn thể phải làm tốt công tác chăm sóc và giáo dục thiếu nhi.
Với những người trực tiếp tham gia công tác thiếu nhi, Bác Hồ đã hướng dẫn cách giáo dục thiếu niên nhi đồng, trong thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc vào ngày 25-8-1950, Bác đã viết: “Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ hoạt bát, tự nhiên, tự động trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hóa ra già cả… (3).
Trẻ em cần có tâm hồn trong sáng, hồn nhiên, thích gần gũi và biết yêu thiên nhiên, yêu loài vật; các em phải biết kính yêu và tôn trọng mọi người thân quanh mình như cha mẹ, ông bà, bà con chòm xóm và biết yêu Tổ quốc; biết nhận ra và có thái độ yêu ghét đúng đắn với những hiện tượng tốt, xấu quanh mình… Cụ thể hơn, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội thiếu niên Tiền Phong 5-1961, Bác gửi đến lá thư và thiếu nhi cả nước đã đón nhận 5 lời dạy thiêng liêng của Người, xem như đó là mục tiêu để phấn đấu, là tiêu chuẩn để đánh giá đội viên tiêu biểu của Đội như:
Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh
Thật thà dũng cảm
Cũng ngay trong lá thư này, Bác ân cần nhắc nhở thiếu niên nhi đồng: “Mai sau các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” (4).
Hết lòng thương yêu và ân cần dạy bảo thiếu nhi, Bác Hồ rất tin tưởng xác định trách nhiệm trọng đại của thiếu nhi đối với tương lai đất nước. Trong thư gửi học sinh vào tháng 9-1945, Bác đã viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” (5).
Ngày nay, thiếu niên nhi đồng nước ta đã và đang được Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và toàn xã hội quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, đã được thể hiện bằng luật định. Nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi, thiếu nhi nước ta một lần nữa ôn lại lời dạy của Bác Hồ kính yêu trong những câu thơ mà Bác đã gởi cho các em vào tết trung thu năm 1952 thay cho lời kết của bài viết này.
Mong các cháu cố gắng
Thi đua học và hành
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Tùy theo sức của mình…
Các cháu hãy xứng đáng
Cháu Bác Hồ Chí Minh. (6)
8. Những bức thư của Bác Hồ gửi các cháu thiếu nhi nhân ngày 1-6
Bác Hồ là người luôn quan tâm, chăm sóc giáo dục thiếu niên nhi đồng. Những lời dạy và bài viết của Người dành cho lứa tuổi thiếu nhi được xem như là một trong những di sản vô giá của dân tộc và của thế hệ trẻ nước ta. Đó cũng chính là những quan điểm, phương hướng mà Đảng, Nhà nước và các cấp có thẩm quyền đã, đang và sẽ lấy đó làm phương châm để giáo dục và rèn luyện thế hệ măng non của đất nước
Còn nhớ, tháng 7-1926, Bác đã có ý định gửi một số gương mặt thiếu nhi tiêu biểu của nước ta sang đào tạo ở Liên Xô (cũ). Trong một bức thư gửi Ủy ban Trung ương Đội Thiếu niên tiền phong trực thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin, Người đã quan tâm đến một vấn đề rất nhỏ, Người hỏi các bạn Liên Xô rằng “Đến tháng nào thì ở Mátxcơva bắt đầu rét ?”. Chỉ vì lý do là thiếu nhi nước ta đã quen với khí hậu khô nóng. Quả thật, tấm lòng đó của Bác đối với tuổi thơ đã gây những xúc động đặc biệt cho mọi người.
Những năm tháng trước Cách mạng Tháng Tám 1945, trong hoàn cảnh “vận nước gian nan”, Người đã đau lòng trước cảnh “Trẻ em cũng bị bận thân cực lòng/ Học hành, giáo dục đã không/ Nhà nghèo lại phải làm công, cày bừa/ Sức còn yếu, tuổi còn thơ/ Mà đã khó nhọc cũng như người già/ Có khi lìa mẹ, lìa cha/ Đi ăn ở với người ta bên ngoài...”. Và mong muốn lớn của Bác lúc bấy giờ là “Bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây/ Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng” … Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Người cũng có rất nhiều bài viết, ý kiến dưới rất nhiều hình thức đề cập đến tuổi thơ Việt Nam.
Trên báo Sự Thật, số 134 ra ngày 1-6-1950 đã đăng bức thư gửi thiếu nhi toàn quốc nhân ngày 1-6. Bức thư với lời lẽ âu yếm, giản dị, dễ đọc, dễ nhớ, dễ thuộc đã thể hiện được sự quan tâm, thương yêu hết mực của người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta đối với tuổi thơ. Mở đầu bức thư, Người viết : “Các cháu yêu quý! Ngày 1- 6 là ngày của các cháu bé khắp cả các nước trên thế giới. Đáng lẽ tất cả các cháu đều được no ấm, được vui chơi, được học hành như trẻ con ở Liên Xô…”. Và Người đã vạch rõ: “Song ở các nước tư bản, cha mẹ là người lao động bị bóc lột, thì trẻ con cũng bị bóc lột, phải chịu cực khổ”. Người còn nêu ra những dẫn chứng cụ thể: “Ví dụ: Mỹ là một nước nhiều tiền bạc nhất, có những nhà đại phú, ngồi mát ăn bát vàng. Nhưng con nhà lao động thì lên 5, lên 6 tuổi đã phải đi làm thuê, làm mướn. Ở nước Việt Nam ta thì, vì giặc Pháp gây ra chiến tranh, chúng nó đốt nhà, giết người, cướp của. Vì vậy, người lớn phải kháng chiến, trẻ con cũng phải kháng chiến”. Đặc biệt, chúng ta vô cùng cảm động trước tình cảm, lời hứa và trách nhiệm của Người dành cho thiếu nhi: “Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng: đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cùng cố gắng làm cho các cháu cùng được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng…”.
Một năm sau, vào ngày 29-5-1951, trên báo Cứu Quốc số 1828, Bác lại có “Thư gửi nhi đồng toàn quốc nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi”. Cũng lời lẽ trìu mến, đầm ấm, thiết tha như năm nào, Bác đã gửi lời thân ái đến toàn thể nhi đồng cả nước. Bác nhắc đến ngày 1-5, Ngày của những người lao động thế giới tỏ tình đoàn kết, đấu tranh. Còn ngày 1-6 “là Ngày của các cháu nhi đồng trong thế giới tỏ tình đoàn kết và sức đấu tranh của mình…”. Hình thức đấu tranh của các cháu nhi đồng mà Người đưa ra rất cụ thể, thiết thực. Đó là, các cháu cần phải “Thi đua học tập, thi đua tăng gia sản xuất; thi đua giúp đỡ các gia đình thương binh, tử sĩ. Thế là các cháu đấu tranh”. Bác còn có lời khuyên nhủ chí tình: “Các cháu phải đoàn kết, thương yêu nhau” và là đoàn kết, thương yêu giữa nhi đồng trong nước với nhau, cũng như bạn bè thiếu nhi trên thế giới. Bác gọi “Đó là tinh thần quốc tế”. Mà đã có tinh thần quốc tế thì khi lớn lên, thế giới sẽ không có áp bức, không có chiến tranh, không có xung đột mà chỉ có tình thân ái, giúp đỡ, giữ gìn và hưởng thụ hạnh phúc, hòa bình và dân chủ. Chao ôi, tình của Bác thật dạt dào cao cả, ý của Bác thì vô cùng sâu sắc, nhìn xa, thấy rộng. Cho đến bây giờ, những lời căn dặn, khuyên nhủ, dạy bảo của Bác năm nào cho đến bây giờ vẫn còn nguyên tính thời sự nóng hổi và giá trị thiết thực của nó.
Năm 1952, Bác không có thư cho Ngày Quốc tế Thiếu nhi, nhưng lại có thư Trung thu gửi các cháu thiếu nhi. Vẫn tình cảm vô cùng dạt dào nồng thắm ấm tình người, Bác thổ lộ tâm tình: “Ai yêu các nhi đồng/ Bằng Bác Hồ Chí Minh“; Bác căn dặn các cháu : “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình“, để mãi mãi xứng đáng “Cháu Bác Hồ Chí Minh”. Năm 1953, trên báo Nhân Dân số 115, từ ngày 1 đến 5-6-1953, Bác gửi đăng bức “Thư gửi nhi đồng trong nước và ngoài nước nhân ngày 1-6”. Lần này, Bác lại thể hiện tình thân ái, ân cần, trìu mến và thân thương nhất không chỉ đối với các cháu nhi đồng trong nước mà cả với “nhi đồng các nước bạn và nhi đồng thế giới”. Bác còn đặc biệt “gửi lời khen ngợi các cháu trong vùng bị tạm chiếm đã hăng hái tham gia kháng chiến”.
Ngày 7-5-1954, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta. Đất nước còn bộn bề khó khăn và công việc, Bác và Trung ương vẫn chưa về tiếp quản thủ đô, nhưng Bác vẫn không quên gửi bức thư ngắn cho các cháu nhi đồng toàn quốc nhân ngày 1-6. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Bác vẫn căn dặn các cháu phải ngoan ngoãn, chú ý rèn luyện cả về nhân cách và thể lực để trở thành công dân có sức khoẻ và tiến bộ. Năm 1955, nhân ngày 1- 6, Bác liên tiếp có hai bài viết, một gửi cho các cháu và cán bộ các trường miền Nam (Theo tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh); một đăng trên báo Nhân Dân số 445, ra ngày 1-6-1955. Lần này, Bác lại vẫn nhắc đến vấn đề đoàn kết. Và trong hoàn cảnh cụ thể lúc bấy giờ, Bác nhấn mạnh rằng: “Trước hết, các cháu phải thương yêu giúp đỡ nhau, phải đoàn kết chặt chẽ. Đoàn kết giữa các cháu lớn và các cháu bé… giữa các cháu vùng này với các cháu vùng khác… giữa các cháu và các cô, các chú cán bộ”. Bác nhắc các cháu thiếu nhi các trường miền Nam phải “yêu lao động, giữ kỷ luật. Chớ tự do phóng túng, phải tự lực cánh sinh… thi đua học tập, thi đua trong mọi việc…”. Không những thế, Bác còn căn dặn các cô, các chú cán bộ “phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình” để chăm nom, bồi dưỡng các cháu – những người chủ tương lai của nước nhà”. Bác nhấn mạnh rằng: “Ngày 1-6 nhắc nhủ người lớn (trước hết là bố mẹ, cô giáo, thầy giáo, Đoàn thanh niên) nhiệm vụ của mình đối với nhi đồng”, “Yêu quí các em” là phải lấy “tinh thần dân chủ mới mà giáo dục các em “5 điều yêu”: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu quí của công”, và nuôi dạy các em phát triển sức khỏe, trí óc, “thành trẻ em có “4 tính tốt”: hoạt bát, mạnh dạn, chất phác, thật thà”… và có “tư cách của con người mới: Không sợ khó, không sợ khổ, bạo dạn, bền gan”. Bác nhấn mạnh rằng: “8, 9 năm qua, chúng ta kiên quyết kháng chiến; hiện nay chúng ta kiên quyết đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước – cũng nhằm mục đích xây dựng cho con cháu chúng ta một đời sống sung sướng, vui tươi, thái bình, hạnh phúc. Đồng thời chúng ta phải khéo giáo dục để mai sau nhi đồng trở thành công dân có tài, có đức”, xứng đáng là người chủ của nước nhà.
Ba tháng trước lúc Người đi xa, cũng nhân dịp ngày 1-6, Bác đã có lời căn dặn toàn Đảng, toàn dân cần “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng” (báo Nhân Dân, số 5526, ngày 1-6-1969). Bác khẳng định: “Nói chung trẻ con ta rất tốt”, Bác nhắc đến các cháu thiếu nhi ở hai miền Nam, Bắc thi đua làm nghìn việc tốt như thế nào, thành tích ra sao. Tuy nhiên, “vẫn còn một số ít cháu chậm tiến vì chưa được chăm sóc dạy dỗ đến nơi đến chốn”. Nói thế là Bác muốn nhắc đến vai trò và trách nhiệm của người lớn đối với các em. Người luôn cho rằng: “Chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ…”. Bác kêu gọi mọi người: “Vì tương lai con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”. Chuẩn bị cho ngày đi gặp các cụ Các Mác, Lênin, trong Di chúc của mình, Người lại nói: “…Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Ôi, lời Bác, tình Bác đã, đang và sẽ là hành trang cho bao thế hệ trẻ bước vào đời và đang vĩnh hằng cùng năm tháng…
Nguồn: Báo Đồng Nai
Hoàng Giai tuyển của nhiều tác giả -NXB Thanh niên, 1999.
Theo http://phuly.edu.vn
Thu Hiền (st)
Bạn phải đăng nhập để bình luận.