Tag Archive | Tuổi trẻ Online

Kỷ niệm báo Le Paria

Tranh biếm hoạ Nguyễn Ái Quốc vẽ trên báo Người cùng khổ

Một nǎm đã trôi qua kể từ khi báo Le Paria ra đời. Các bạn quan tâm đến số phận của tờ báo ngay từ buổi đầu, nhân dịp kỷ niệm này, cảm ơn tất cả những ai đã can đảm với diễn đàn nhỏ bé này, bảo vệ nhân dân các thuộc địa.

Các bạn mua dài hạn, các bạn quyên góp cho báo đến số gần đây được 645 phrǎng, hãy nhận lấy sự biết ơn chân thành của chúng tôi.

Chúng tôi đã không quá lạc quan đối với những điều dự đoán trước. Chúng tôi hiểu rõ sự nghiệp mà chúng tôi theo đuổi, đặt ra vô vàn khó khǎn. Một mặt, đông đảo dư luận châu Âu chưa được chuẩn bị để theo dõi đầy đủ quan điểm của chúng ta. Mặt khác, những người dân thuộc địa ở Pháp thường chưa quan tâm đến tình hình có quan hệ tới số phận đồng bào họ ở các thuộc địa đang phải đương đầu với mọi sự phiền nhiễu, với bạo lực của nhà cầm quyền ở địa phương, với sự bóc lột tư bản chủ nghĩa của những kẻ đi khai hóa. Cuối cùng, khoảng cách giữa Pari với châu Phi, châu Á, châu Mỹ rất xa. Những cuộc tiếp xúc giữa chúng tôi với nhân dân các thuộc địa mà Le Paria có trách nhiệm bảo vệ lại luôn luôn bị cản trở bởi những kẻ thống trị thuộc địa gây ra.

Nhưng phải thừa nhận rằng, chúng tôi đang đứng trước một điều lo lắng rất lớn. Chúng tôi đã tính trước rằng nhiệm vụ khẩn thiết của một tờ báo như tờ báo của chúng tôi là phải bảo vệ các anh em bản xứ. Việc đón nhận lấy nhiệm vụ đó đã dành cho Le Paria là đúng với điều mong muốn của chúng ta.

Sang nǎm thứ hai, chúng tôi muốn thực hiện những việc làm tốt đẹp hơn. Phải làm cho Le Paria xuất hiện trong một thời kỳ với những kết quả rực rỡ, có nhiều người tìm đến báo, với số lượng bản in tǎng hơn và số trang nhiều hơn trước. Tất cả những điều đó chỉ có thể thành sự thật nếu có được những nguồn dự trữ thích đáng. Vậy mà, không thể đòi hỏi một sự cố gắng cao hơn nữa đối với 5, 6 bạn đã nhận nhiệm vụ ngay từ đầu, đã chịu đựng từ 12 tháng qua. Có thể nói rằng riêng những việc in và gửi đi, giá 3 phrǎng mỗi số trong một nǎm là vừa phải. Để thuận tiện cho việc tuyên truyền cho tờ báo, lúc này chúng tôi thấy rằng không thể nâng giá lên ngay được.

Đối với tất cả những ai đọc báo, muốn báo sống lâu và lớn mạnh, hiểu nhiệm vụ của nó, nên mua dài hạn cho mình và vận động nhiều người mua dài hạn báo Le Paria. Cần phải làm cho trong vòng 2 hay 3 tháng tới đây, chúng ta có trên 1.000 độc giả, trên 1.000 người mua báo dài hạn. Chúng tôi cũng không ngần ngại nói ra việc quyên góp rất khiêm tốn cũng là một sự giúp đỡ rất quý báu đối với chúng tôi. Chúng tôi nói những điểm cuối cùng về các cộng tác viên. Le Paria là tiếng nói của quần chúng bị áp bức. Tất cả đều cung cấp tư liệu cho chúng ta, đều viết về chúng ta.

Các bạn Pháp, các đồng bào ở thuộc địa cư trú trên đất Pháp, các anh em bản xứ ở các thuộc địa, hãy đáp lại lời kêu gọi của chúng tôi.

Hãy làm việc cho Le Paria, cho sự diệt trừ chế độ độc đoán chống lại bọn cá mập thực dân!

Sự nghiệp giải phóng những người bị ngược đãi muôn nǎm!

Sự nghiệp giải phóng nhân dân bản xứ muôn nǎm!

NGUYỄN ÁI QUỐC
Báo Le Paria, số 14, tháng 5-1923.

tuoitre.vn

Advertisement

“Tôi chỉ có một cách báo đáp…” (*)

Đồng bào yêu mến tôi, chúc thọ tôi, tôi biết lấy gì, nói gì để báo đáp lại lòng thân ái ấy? Tôi chỉ có một cách báo đáp là kiên quyết cùng đồng bào chịu cực chịu khổ, quyết cùng đồng bào kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, quyết cùng đồng bào tranh lại thống nhất và độc lập thật sự cho Tổ quốc, quyết cùng đồng bào ra sức làm thế nào cho con cháu chúng ta bây giờ và muôn đời về sau được sung sướng và tự do.

…………………………………………

Tôi rất cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, các đoàn thể, các bộ đội, đồng bào trong nước và kiều bào ở ngoài nước, cùng các cháu nhi đồng, đã chúc thọ tôi một cách vô cùng thân ái.

Nhưng tôi thiết nghĩ rằng tuy tuổi tác chúng ta có kẻ nhiều người ít, nhưng tôi và toàn thể đồng bào có một ngày sinh nhật chung: ngày ấy là ngày cách mệnh giải phóng thành công hồi tháng Tám nǎm 1945.

Xem thế thì dân tộc ta rất trẻ trung, nước nhà ta rất trẻ trung và chúng ta đều trẻ trung. Chúng ta trẻ trung mà chúng ta phải đảm đang hai nhiệm vụ rất vẻ vang, rất to lớn: phá tan những xiềng xích cũ, và xây dựng những tương lai mới.

Chúng ta trẻ trung nhưng chúng ta là những người thừa tự cái truyền thống oanh liệt, quật cường và một cơ đồ gấm vóc của mấy ngàn nǎm tổ tiên ta để lại. Chúng ta trẻ trung nhưng chúng ta giàu về kinh nghiệm, kinh nghiệm đau xót có, kinh nghiệm vẻ vang có. Do đó mà chúng ta đã có một lực lượng cực kỳ to lớn, vững chắc, lực lượng đại đoàn kết của toàn dân. Nhờ truyền thống và lực lượng ấy, thêm vào cái chí khí trẻ trung của chúng ta, chúng ta đã vượt qua nhiều bước gian nan và tranh được nhiều thắng lợi: chúng ta đã đánh tan giặc đói, chúng ta đã đánh tan giặc dốt, chúng ta sẽ đánh tan giặc ngoại xâm.

Song, đường chúng ta còn dài, gánh chúng ta còn nặng, chúng ta cần phải phát triển và nâng cao cái truyền thống oanh liệt, cái lực lượng đoàn kết, và cái chí khí kiên quyết ấy lên nữa, nâng cao lên mãi. Nâng cao bằng cách gì? Bằng cách thi đua ái quốc. Cuộc thi đua ái quốc sẽ đưa chúng ta lên một trình độ cao hơn trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc, nó sẽ đưa chúng ta mau đến chỗ thành công. Vì vậy đồng bào ta bất kỳ già, trẻ, gái, trai, giàu, nghèo, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, mọi người đều phải đưa chí sáng suốt, lực lượng và tài nǎng của mình vào đó, để phụng sự dân tộc, phụng sự Tổ quốc.

Đồng bào yêu mến tôi, chúc thọ tôi, tôi biết lấy gì, nói gì để báo đáp lại lòng thân ái ấy? Tôi chỉ có một cách báo đáp là kiên quyết cùng đồng bào chịu cực chịu khổ, quyết cùng đồng bào kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, quyết cùng đồng bào tranh lại thống nhất và độc lập thật sự cho Tổ quốc, quyết cùng đồng bào ra sức làm thế nào cho con cháu chúng ta bây giờ và muôn đời về sau được sung sướng và tự do.

Chào thân ái và quyết thắng

HỒ CHÍ MINH
Báo Cứu quốc, chi nhánh số 6, số 945, ngày 1-6-1948

Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia 2002

tuoitre.vn

Năm 69 (*)

TT – Khi nhớ lại năm 1969, tâm trí tôi luôn thấy hiện lên một màn mưa trắng trời, một triền sông ngầu đỏ, mênh mông cuộn xiết, nặng nề lao chảy như sắp cuốn phăng đi cả đôi bờ.

Một mùa thu cùng một Hà Nội chưa từng thấy bao giờ trước đó và không bao giờ còn thấy lại nữa, mà bốn chục năm qua rồi không phai mờ trong ký ức.

Các cháu thiếu nhi Hà Nội vào viếng Bác Hồ tại hội trường Ba Đình
Ảnh: HỮU CẤY

1. Mùa thu gian nan, triền miên mưa bão. Năm nào cũng thế, nhưng chừng như càng vào sâu trong cuộc chiến thì lũ sông Hồng càng năm càng lớn thêm lên. Trước rằm tháng bảy đã rất nguy cấp, sau rằm còn nguy cấp hơn. Đến giữa tháng 8 thì thanh niên nam nữ cả phố tôi tất tật không trừ ai được tổng huy động đi hộ đê. Thật ra là toàn bộ thành phố. Đàn ông trai tráng trên mặt đê. Phụ nữ tham gia vận chuyển đất đá lên đê.

Tới ngày Quốc khánh mực nước đã xuống nhiều nhưng chúng tôi vẫn dốc sức tiếp tục tôn cao và đắp dày thêm đoạn đê xung yếu. Đến tảng sáng mồng bốn, đang ngủ thì tôi bị lay dậy để lên xe về nhà…

2. Lúc đó khoảng bảy giờ sáng, xe chúng tôi đang trên cầu Long Biên. Cả hai chiều của cây cầu độc đạo qua sông Hồng đều đông nghịt, chen chúc người và xe, chuyển động chầm chậm từng bước chân, từng vòng bánh. Không tiếng còi xe hơi, không tiếng chuông xe đạp, không một tiếng nói tiếng cười, không cả những tiếng chân bước mặc dù dòng người vẫn đang không ngừng chuyển động.

Mặt ướt nước mưa và đang mắt nhắm mắt mở nhưng chỉ trong chốc lát tôi đã nhận ra mọi người, tất cả, hàng ngàn con người, trên suốt dọc chiều dài gần hai cây số của cây cầu ngang qua luồng nước xiết đều đang vừa đi vừa khóc, đúng hơn là lặng khóc, khóc không thành tiếng.

Bởi vì im ắng vô cùng. Người đi bộ dọc hai bên lan can cầu, đi tay không hoặc đang gồng gánh, người đang đạp xe, người đang dắt xe, những người đang đứng trên các thùng xe tải, người ngồi trong các xe chở khách. Những anh bộ đội. Những người dân phố. Những người dân quê. Bước đi và khóc, trong mưa.

Tám đứa chúng tôi trên thùng xe và cả anh tài xế trong cabin đều là những kẻ từ trên trời rơi xuống. Cả tuần liền bám trụ đê, lội bùn đội đất, ngơi tay là lăn ra ngủ, chúng tôi bị mưa lũ cô lập với thế gian. Vậy nhưng chỉ giây lát thôi, nhìn nỗi thương đau nhất loạt cùng lúc của cả một dòng người đông nghịt đang nghẹn ngào bước đi trong mưa, chúng tôi hiểu ngay ra sự thể.

“Bác Hồ…”. Một ai đó trong chúng tôi thảng thốt thì thào, ngập ngừng. Không dám chắc chắn điều mình nghĩ, nhưng chúng tôi đều đã cảm nhận chắc chắn điều đó. Bởi vì đối với chúng tôi, ngay cả trong thời kỳ rất nhiều đau thương ấy thì một nỗi đau lớn lao, nặng nề, sâu thẳm và muôn người như một đến nhường ấy chỉ có thể là do một duyên cớ duy nhất ở trên đời mà thôi.

Đúng lúc đó, một đầu tàu xe lửa không kéo theo toa, một mình chạy không tải qua cầu, từ Hà Nội sang Gia Lâm, khi ngang qua chỗ chúng tôi đã bất thần rúc còi. Có thể nói đầu tàu ấy cất tiếng than. Không phải về sau mường tượng lại mà tôi nói thế, mà thật sự là như thế, đấy là tiếng kêu, như của con người. Lập tức, một chiếc tàu kéo neo đậu đâu đó ở mạn Phà Đen cũng cất lên tiếng còi. Rồi từ phía ga Gia Lâm, nhiều đầu xe lửa khác đồng loạt cất tiếng. Những tiếng còi tàu đớn đau khản đặc vang vọng trong màn mưa.

Phía dưới, bên chiếc xe chở chúng tôi, một phụ nữ đang dắt xe đạp bỗng bật khóc thành tiếng. Cả ngàn người không thể cầm lòng đã không cầm được nước mắt. Tiếng nức nở truyền dọc đoàn người, lan đi trên cầu, ngang qua triền sông…

3. Năm tháng trôi qua, giờ đây nhìn về thời điểm ấy, qua những bức ảnh và thước phim tư liệu, người ta thường thấy một Hà Nội nước mắt. Nhưng những ai từng thật sự trải qua những ngày đó khi nhớ lại đều sẽ nhớ đến một Hà Nội trầm lắng, cương nghị. Cả một thành phố cắn chặt răng lại chịu đựng để trụ vững, vượt qua nỗi đau tột cùng.

Hồ Chủ tịch qua đời, mất mát lớn lao đó đã khiến toàn dân sát cánh bên nhau hơn bao giờ hết, biến nỗi đau thương thành sức mạnh. Nghe những lời đó, ngày nay người ta có thể thấy là văn vẻ và đại ngôn. Song với những ai đã sống trong lòng Hà Nội vào mùa thu năm 1969 thì khi nghe nhắc lại những lời tưởng như là khẩu hiệu ấy sẽ nhìn thấy lại rõ ràng tâm trạng, ý chí, nghị lực, bản lĩnh của chính bản thân mình, gia đình mình, bạn bè, hàng xóm của mình ngày đó.

Với những người ở lứa tuổi chúng tôi, sinh ra trong những năm 1950, 1951, 1952, nhập ngũ từ khoảng năm 1968 trở về sau, nếu được hỏi năm nào là năm ác liệt nhất trong đời bộ đội đều nói là năm 1972, tuy nhiên gian khổ nhất, nguy nan nhất thì hầu hết xác định là năm 1969, 1970. Đấy là thời sau Mậu Thân, mà cũng nhiều người gọi là “thời kỳ đầu sau ngày Bác mất “.

Làm thế nào, nhờ vào đâu nhỉ mà đồng đội mình và chính bản thân mình có thể chịu đựng được, trụ vững được trong những ngày tháng vượt quá xa sức chịu đựng của con người như vậy để rồi vượt qua, gồng mình gượng dậy, vươn dậy; để rồi cuối cùng tiến được tới ngày toàn thắng?

Tháng 9-1969, ngày tập trung tân binh của khu đội Ba Đình lẽ ra là mồng bảy, đã phải lùi tới ngày 15. Một là vì nguyện vọng của anh em chúng tôi muốn được lưu lại Hà Nội trong tuần quốc tang để được xếp hàng cùng mọi người vào hội trường Ba Đình viếng Bác, hai là vì số lượng thanh niên tình nguyện nhập ngũ nhiều lên vô kể trong những ngày ấy. Tình nguyện một cách quyết liệt, mong mỏi được lên đường ngay, không chấp nhận nán chờ đến đợt sau. Tất nhiên không riêng khu Ba Đình, không riêng Hà Nội mà cả nước, địa phương nào cũng thế.

Đợt tân binh mùa thu năm ấy, được gọi là đợt 969, đoàn 969, là một đợt mà trong đó rất nhiều người là con trai cuối cùng hoặc là con trai độc nhất của các bà mẹ, nghĩa là những người vốn không thuộc vào diện được gọi tòng quân nhưng vẫn nhất định dứt áo ra đi lên đường chiến đấu.

Trong tiểu đoàn tân binh chúng tôi hồi đó có cả một số bạn học đã có giấy gọi vào đại học trong nước và cả nước ngoài. Có người đã trên tàu liên vận tới biên giới Việt – Trung rồi, nghe tin Bác mất thì xuống tàu, quay trở về Hà Nội nhập ngũ…

4. Ngày 30-4-1975, khắp cả nước đâu đâu cũng vang dậy bài ca Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Khi đó đang ở Sài Gòn, lần đầu tiên nghe thấy bài hát ấy, trước mắt những lính 969 chúng tôi, tất nhiên, một cách không thể nào khác được, hiện lên cảnh tượng Hà Nội mùa thu năm 1969. Mà với riêng tôi thì cụ thể là khoảnh khắc đó, trên cầu Long Biên, ngang qua giữa sông Hồng sóng xô cuồn cuộn, khoảnh khắc thoạt tiên và bất thần, choáng váng biết tin Hồ Chủ tịch đã qua đời.

Biết tin Bác mất nhưng không phải là do nghe thông báo qua đài phát thanh, mà là nhìn thấy tin đó ở thần sắc và tâm khảm của tất cả mọi người, cảm thấy tin đó từ trong không gian đất trời.

BẢO NINH (nhà văn)

(*) Trích đăng từ báo Văn Nghệ Trẻ.

_________________________

Chúng tôi khóc trong rừng miền Đông

40 năm rồi mà ký ức về những ngày tháng “đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa” vẫn làm trái tim 82 tuổi của nhà văn Sơn Tùng run lên vì xúc động. Ông kể với Tuổi Trẻ về một lễ tang đặc biệt nhất trong cuộc đời mình – lễ tang Bác Hồ trong chiến khu miền Đông Nam bộ tháng 9-1969.

Chúng tôi đóng quân tại trảng Tà Nốt, thượng nguồn sông Vàm Cỏ, sát Tân Biên, Tây Ninh. Ngày ấy tôi là người phụ trách kiêm phóng viên của báo Thanh Niên Giải Phóng. Lãnh đạo cơ quan có anh Đoàn Hồng Đoàn – bí thư trung ương Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng, anh Lê Thiết – phó chủ tịch Hội LHTN Giải phóng (chủ tịch là anh Trần Bạch Đằng lúc đó đang vào nội thành), anh Phan Minh Tánh, anh Mười Thu, nhân viên văn phòng có Hai Trung, Út Nhì, Năm Nhanh, Hồ Hữu Nhật, trạm xá có bác sĩ Bích Nga, phóng viên có Phạm Hậu, Tâm Tâm (Tiền Phong)…

Tôi nhớ từng người như vậy vì chúng tôi đã ngồi quanh chiếc đài để nghe tin tức chiến sự và các hoạt động mừng ngày 2-9. Tối hôm đó, chúng tôi còn tổ chức mừng Quốc khánh bằng một “bữa tiệc” với lạc rang, rượu đế và nước trà. Không có ly chén, chỉ có hai chén, một rót rượu, một rót trà, chúng tôi quay vòng, chuyền tay nhau. Và chờ đợi.

Nhưng suốt cả ngày rồi đến đêm, chiếc đài vẫn nói và Bác vẫn không xuất hiện. Anh em tôi ngồi trong những căn nhà – hầm bán âm bán dương để tránh pháo bầy và bom B52, không khí nặng nề. Hôm sau dường như cũng không chịu nổi, anh Thép Mới ở bên báo Giải Phóng cũng chạy sang, bần thần: “Sơn Phong (bút danh của tôi thời ở chiến khu) ạ, tao vừa sang nhờ bên kỹ thuật điện ra Bắc hỏi sao không thấy Bác, anh em băn khoăn lắm”. Chúng tôi lại chờ đợi. Chúng tôi không ngủ suốt đêm đó.

5g hôm sau, ngày 4-9-1969, giọng nghẹn ngào của phát thanh viên Tuyết Mai từ Đài Tiếng nói VN, vừa mới nghe được nửa câu đầu: “Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ nước VNDCCH…” cả căn hầm đã bật khóc, tiếng khóc nghẹn ngào rồi òa lên nức nở. Cả cơ quan khóc ròng.

Tôi nhớ người đầu tiên chạy đến ôm lấy tôi nấc lên từng đợt là giáo sư Lê Thiết – người bạn thân thiết của luật sư Nguyễn Hữu Thọ và KTS Huỳnh Tấn Phát – bỏ thành lên chiến khu, ngày đêm mong ước hòa bình được ra Hà Nội gặp Bác Hồ. Ông nghẹn giọng: “Tùng ơi, thế là không khi nào mình còn được gặp Bác Hồ nữa rồi”.

Cả cơ quan u ám. Cơm đã dọn ra nhưng không ai ăn, bữa sáng, rồi bữa trưa, bữa tối cũng vậy. Chỉ những ai có việc phải đi công tác thì đi, vừa đi vừa khóc.

Chúng tôi quyết định tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ ngay trong rừng. Bàn thờ Bác được kết băng hoa, chị em đi về hằng ngày luôn thay hoa mới. Chúng tôi đeo những chiếc băng tang nửa đỏ nửa đen. Sáng ra, đều đặn những bát cơm được đặt lên bàn thờ – như ở nhà chúng tôi cúng cha mẹ mình.

Tôi nhớ nhất trong những ngày ấy, có một tờ báo từ Sài Gòn đưa lên có bài của giáo sư Lý Chánh Trung viết về Bác. Trên tờ Đối Diện, từ giữa Sài Gòn, ông viết về Bác Hồ cực kỳ trân trọng và cảm động. Có những câu tôi thuộc lòng đến tận hôm nay.

Cũng chính từ lúc đó, tôi bắt đầu ghi chép những chi tiết về tang lễ và tình cảm của đồng bào, đồng chí với Bác để viết tập Nhớ nguồn: trí thức, sinh viên nội thành, chiến khu, đồng bào trong ấp chiến lược… nhớ Bác, anh em trinh sát ở Tháp Mười còn để tang Bác trong mùa nước nổi không một tấc đất nào nhoi nổi trên mặt nước.

VIỆT HOÀI ghi

tuoitre.vn

Những vần thơ về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Người

TT – Một người không Phật mà rất Phật
Không tắm Hoàng Hà tắm sông Lam

Một người rất Mác mà ngoài Mác
Nghèo như chút nhút ngọt như cam

Một người quốc tế vì dân tộc
Một lòng sau trước nghĩa kết đoàn

Một người hóa thân thành dân nước
Không là thần thánh chẳng vua quan

Một người mang đủ bao khao khát
Như mọi con người ở trần gian

Cuộc đời vạn biến mà không khác
Một người toàn vẹn chỉ Việt Nam.

VIỆT PHƯƠNG (2005)

Ảnh tư liệu

Di chúc của Người

… Bác bình yên viết Di chúc ngay giữa ngày sinh nhật
Khi non sông đang chúc thọ Người
Dẫu ra đi cũng là ngày gieo hạt
Giấu niềm đau dưới một ngày vui.
Di chúc không viết lên đá, khắc lên vàng chói lọi
Mà trên bản tin hằng ngày, lật lại,
Sau bản tin một hôm, Người ký thác chuyện muôn đời.
Người không muốn lúc ra đi làm ta đột ngột
Bảo cái sinh cái tử cũng thường thôi
Câu thơ Đỗ Phủ “cổ lai hi”, Người sẽ nhắc
Bác chẳng muốn ta cau vầng trán nhìn quy luật
Bác không nói tuổi già, Bác bảo tám mươi xuân!
Lời văn trong suốt trong veo như nước mắt,
Cái nỗi đau đã lọc đến trong ngần.

Ôi, muôn vàn tình thương yêu tỏa ra từ lúc ấy
Muôn vàn tình thương yêu tràn lên khắp núi sông
Ngỡ như trên nghìn đỉnh non cao, vạn dòng nước chảy
Có tình thương của Bác bao trùm.

Người sắp xa nhân dân từng yêu suốt một đời
Xa miền Nam nửa thế kỷ rồi chẳng gặp
Xa các cháu nhi đồng, mùa hoa Tổ quốc
Gần Mác, Lênin, nhưng sắp chia tay đồng chí đấy rồi!

Di chúc Người viết cho ta, đâu phải vì Người
Bác sợ khi Bác đi rồi, ta sẽ lạnh
Sợ ta đau, sợ rồi ta lơ đễnh,
Sợ ta quên…
Người gửi lại một niềm tin
Còn như Người, Người đã hóa hương sen,
Trở về cái làng Sen muôn thuở
Mắt rưng lệ, ta đọc Di chúc Người từng câu từng chữ
Ngỡ như trước mắt, trên cao đâu đó, Bác nhìn.

CHẾ LAN VIÊN
(19-3-1976 – trích)

____________________

Thấm trong di chúc

… Quá thương đời và lo nỗi dân đau,
Bác cố tránh nói những lời ly biệt
Mượn câu thơ để khuây lòng thương tiếc.
Ôi lòng Người đo sao hết mông mênh
Nghĩ việc gì Bác cũng nghĩ từ dân
Nói về Đảng cũng vì dân mà nói,
Nước còn giặc, dân còn khi lạnh đói
Bác đắng lòng trong mỗi miếng cơm ăn,
Thắng quân thù dẫu phải mấy mươi năm
Nhưng hạt thóc rụng giữa đồng Bác tiếc.
Nguồn biển lớn uống muôn đời không hết
Vẫn kính nhường từng hạt nước trong sông.
Bác Hồ ơi! Vị muối mặn con ăn
Đã kết đậm bao tình thương của Bác,
Manh áo ấm con mặc khi trở rét
Đã dệt vào trăm mối Bác lo toan.
Phút giã từ trong ánh mắt đăm đăm
Nỗi ưu ái lại trào lên lần chót:
Hãy giữ đức cho trong, giữ lòng cho khiết
Sống kiệm cần, tương kết tương thân…

… Thế kỷ này đâu phải đã bình yên
Trái tim lớn nặng niềm đau mặt đất.
Tình bè bạn, phút ra đi, còn nhắc
Dao cắt lòng nhưng vẫn ngập yêu tin.

Lần đầu tiên Bác nói đến niềm riêng,
Cả nước khóc nghe những lời dặn cuối.
Ôi trời rộng và núi cao vời vợi
Sông biển nào sánh được Bác thương ta!
Bữa cơm ăn vẫn quen nhút quen cà,
Lúc nhắm mắt xin dân đừng tang chế.
Ôi tim Bác sao mà mênh mông thế!
Gương trong ngần cho muôn thuở cùng soi.

Triệu lòng người cùng cất gọi: Bác ơi!
“Muôn vàn tình thương yêu” Bác gửi lại trong lời.

VŨ QUẦN PHƯƠNG
(12-1969 – trích)

Về ba bản Di chúc của Bác Hồ

Di chúc của Bác có ba bản: bản viết năm 1965, bản viết năm 1968 và bản cuối cùng viết năm 1969. Những năm 1966, 1967 Bác chỉ xem chứ không sửa.

Bản di chúc viết năm 1965 gồm ba trang, Bác tự tay đánh máy (ghi rõ nhân dịp mừng 75 tuổi), đây là nội dung cơ bản của Di chúc, tương đối hoàn chỉnh so với những gì chúng ta đã biết.

Bản viết năm 1968 dài sáu trang, Bác viết tay hoàn toàn. Bác đã xem lại bản năm 1965, viết thêm về những việc cần làm của Đảng. Bác viết cả hai mặt giấy, đó là thói quen của Người, hoặc viết trên giấy một mặt, đã là giấy trắng thì bao giờ cũng viết tay trên cả hai mặt.

Bản cuối cùng năm 1969, chỉ có một trang, Bác viết thêm đoạn mở đầu của Di chúc. Đây cũng là bản viết tay, Bác viết trên mặt sau của tờ Tin Nhanh Tham Khảo Đặc Biệt của TTXVN mà ngày nào Bác cũng đọc để nắm tình hình đất nước và thế giới. Bản tin đề ngày 3-5-1969.

Cả ba bản thảo gốc Di chúc của Bác Hồ hiện còn nguyên hiện trạng, chất lượng tốt, được bảo quản tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng. Bản trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh là bản photocopy màu.

Tiến sĩ NGUYỄN THỊ TÌNH
(nguyên giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh)

tuoitre.vn

Người cựu binh và thư viện về Bác

TTO – Suốt gần 50 năm qua, ông Nguyễn Văn Mùi (khu đô thị Nam Cường, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) cất công tìm giữ những tư liệu về Bác Hồ. Thời gian nghỉ hưu, ông tập hợp tư liệu thành những cuốn sách gửi tặng bảo tàng. Nhà ông đã từ lâu trở thành “thư viện” để mọi người tìm đến mỗi khi muốn đọc sách, xem phim, nghe kể chuyện về Bác…

Ông Nguyễn Văn Mùi giới thiệu các cuốn sách viết về Bác Hồ do ông biên soạn

Những kỷ vật cuộc đời

Sinh năm 1940, ông Mùi đã 2 lần tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. “Biết bao anh lính trẻ như tôi hồi ấy chỉ ao ước được gặp Bác một lần”, ông bộc bạch. Những ngày tháng phục vụ trong quân ngũ, hễ thấy tư liệu về  Bác, anh lính Nguyễn Văn Mùi liền ghi chép, cắt dán và cất kĩ trong ba lô, mang đi khắp các chiến trường. Năm 1974, xuất ngũ và được giao nhiệm vụ phụ trách đội lái xe của Cục vận tải, có điều kiện được đọc nhiều sách báo nói về Hồ chủ tịch, ông tiếp tục sưu tầm được thêm nhiều tư liệu quý.

Cuốn tạp chí lí luận Học tập của Đảng Lao động Việt Nam số đặc biệt ra tháng 9-1969 với nội dung: “Vô cùng thương tiếc chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến” đã ố màu được ông Mùi quý nhất, cất giữ rất cẩn thận. Ông tự hào: “Đây là cuốn tạp chí duy nhất tập hợp đầy đủ những thông tin về lễ quốc tang Bác Hồ và 25 điện chia buồn của các quốc gia trên thế giới, hiện không mấy người giữ được”.

Ngoài những tài liệu từ sách báo, kho tư liệu của ông Mùi còn có 200 cuộn phim, video nói về Đảng, nhà nước, và cuộc đời các đồng chí lãnh đạo, trong số ấy có tới 130 bộ phim nói về cuộc đời Bác. Ông Mùi khóc: “Xem phim “Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ” mà thương Bác lắm! Cả cuộc đời Bác chịu bao khổ cực, đến lúc nhắm mắt mà Người vẫn canh cánh lo đất nước còn chia cắt 2 miền…Con người Bác, đến lúc từ giã cuộc đời, chỉ duy nhất một nỗi niềm dân nước!”

Biên soạn sách về Bác

Ông Mùi tâm sự: “Trong những năm tham gia quân ngũ, ba lô của tôi có thể thiếu khăn mặt, bàn chải đánh răng, thiếu ảnh người thân nhưng không bao giờ thiếu tư liệu về Bác. Với tôi những quyển sách, tấm ảnh, cuộn phim về Bác được xem như kỷ vật quý theo suốt cuộc đời mình”.

Tháng 9-2007, ông đạt giải nhất cuộc thi tháng “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tháng 6-2008, giải xuất sắc cuộc thi chung khảo “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do ban Tuyên giáo Trung ương phát động.

Cách đây 2 năm, ông bị tai nạn liệt nửa người, đi lại bằng xe lăn nhưng hễ nghe tin ở đâu có người cất giữ tư liệu về Bác là ông lại cất công đến tận nơi tìm hiểu. Bất chấp tình hình sức khỏe, những ngày này, ông Mùi vẫn đang biên soạn những trang cuối cùng cho cuốn sách nhân ngày kỉ niệm 40 năm Bác ra đi vào cõi vĩnh hằng.

“Không có gì quý hơn độc lập tự do”, đó là nhan đề tập sách dày hơn 400 trang, đóng bìa cứng mạ đồng xuất bản năm 2006 do ông Mùi kì công sắp xếp, biên tập lại từ những tư liệu mà ông thu thập được. Giải thích về nhan đề cuốn sách ông Mùi cho biết: “Tôi phải mất cả tuần mới nghĩ ra được tiêu đề ý nghĩa ấy. Cả cuộc đời không giây phút nào Bác không nghĩ đến độc lập tự do cho dân tộc!”

Năm 2007, ông Mùi tiếp tục biên soạn cuốn sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta” nói về gia đình, dòng họ của Bác. Cuốn sách dầy hơn 500 trang, đóng bìa vân rất đẹp đã được ông gửi tham dự cuộc thi “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do ban Tuyên giáo Trung ương phát động. Nói về tâm nguyện của ông Mùi, Đại tá Nguyễn Trung Hiếu – nguyên chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hải Dương tâm sự: “Tôi thường xuyên đến “thư viện” của ông bạn già để tìm hiểu nhiều tư liệu quý về Bác mà bây giờ muốn mua, muốn sưu tập cũng không dễ. Có những cuốn sách đọc vài ba lần, những bộ phim xem hàng chục lần vẫn không chán. Thiết nghĩ, những tài liệu này mà được sử dụng trong trường học, công tác đoàn hay trong quân đội thì sẽ trở thành những bài học chân thực và xúc động cho các bạn trẻ”.

Những tài liệu trong cuốn sách đã được ông Mùi lặn lội lên tận Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) kiểm tra độ xác thực thông tin. Ông nhớ lại: “Ban giám đốc bảo tàng lúc ấy đã nhiệt thành đọc, nghiên cứu những tài liệu của tôi. Thật vui vì không có chi tiết sai!”. Sau này, khi cuốn sách chính thức hoàn thành, trình bày và scan ảnh đâu đấy, ông Mùi lên tận Hà Nội, đích thân trao tặng bảo tàng. Lật giở những “trang đời” hoạt động cách mạng của Bác, đôi mắt ông ngấn nước: “Con cháu thế hệ mai sau sẽ đọc, sẽ tìm hiểu về cuộc đời Bác Hồ và những tư tưởng của Người. Phải giáo dục cho thế hệ trẻ lòng tôn kính với lịch sử dân tộc và những con người làm nên lịch sử. Quý lắm, giá trị lắm!…”

Ngoài những cuốn sách do tự tay ông Mùi biên soạn, các tấm ảnh, bài báo cũ về Bác cũng được ông đóng ghim cẩn thận thành từng tập theo những chủ đề riêng, đặt gọn gàng trên giá gỗ để ngoài phòng khách. Mỗi khi có người đến chơi ông lại giới thiệu kỹ càng từng tài liệu, từng chủ đề, ai muốn mượn ông ra điều kiện: phải để lại địa chỉ, số điện thoại và đem trả đúng thời hạn.

THÂN HOÀNG – ANH NGỌC

tuoitre.vn

Họa hình Bác bằng đầu ngón tay

Một chú bộ đội lấy ra trong bóp bức ảnh Bác Hồ đưa cho Tiến vẽ thử. Cậu bé ngắm nghía rồi tò mò hỏi: “Người trong ảnh là ai?”. Chú bộ đội bảo: “Đó là ông tiên, khi nào đất nước hết chiến tranh, cháu sẽ được gặp ông tiên”. Thế là Tiến say sưa vẽ ông tiên ngay trong đêm dưới ánh đèn dầu…

Ký ức thời gian khổ

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo bị chiến tranh tàn phá (xã Phú Đức, huyện Châu Thành, Bến Tre), Đoàn Việt Tiến nhớ mãi hình ảnh cha cõng trên lưng cùng mẹ dìu dắt các anh em vượt sông Tiền sang Mỹ Tho nương náu. Cậu học trò gầy nhom ở xóm chợ Vong Nhỏ thời ấy đã ý thức rất sớm chuyện cơm áo, gạo tiền. Một buổi đi học, một buổi Tiến cùng các anh bán bánh mì, đẩy củi thuê. Tiền kiếm được Tiến dành dụm mua áo quần, dụng cụ học tập và sướng nhất là sắm được các tuýp màu nước.

Tiến mê vẽ từ những năm học vỡ lòng. Buổi chiều khi xong việc, Tiến thường thơ thẩn bên bờ sông Tiền nhìn về quê ngoại Bến Tre. Đau đáu nỗi nhớ nhà, Tiến vẽ dòng sông, con đò và chiến tranh khốc liệt với xe tăng, máy bay, tàu chiến…

Trong lần về quê ngoại, giữa gian nhà nơi ông bà bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng, cậu bé đã gặp được các chú bộ đội. Tiến trổ tài vẽ chân dung chú bộ đội. Ai cũng ngạc nhiên và khen bức ký họa có hồn.

Một chú bộ đội lấy ra trong bóp bức ảnh Bác Hồ đưa cho Tiến vẽ thử. Cậu bé ngắm nghía rồi tò mò hỏi: “Người trong ảnh là ai?”. Chú bộ đội bảo: “Đó là ông tiên, khi nào đất nước hết chiến tranh, cháu sẽ được gặp ông tiên”. Thế là Tiến say sưa vẽ ông tiên ngay trong đêm dưới ánh đèn dầu.

Ngày đất nước thống nhất, anh tiếp tục say sưa vẽ Bác. Chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ, anh cựu học sinh Trường THPT Châu Thành B (Bến Tre) tình nguyện sang Campuchia tham gia chiến đấu tại Sư 330 (Quân khu 9).

Từng ngón đảm nhận mỗi mảng màu sáng tối khác nhau. Riêng móng tay làm nhiệm vụ vét tỉa.

Tranh thủ lúc tạm ngưng tiếng súng, anh lại vẽ ký họa về Bác, về đồng đội và cuộc chiến. Bất cứ chất liệu gì có thể làm nên tranh vẽ đều được anh tận dụng, hết giấy học trò, vải thì dùng vỏ tràm, hết bút mực lại dùng than củi.

Năm 1984, Tiến xuất ngũ. Người thương binh 3/4 lại lao vào vật lộn với cơm áo, gạo tiền. Anh lang thang khắp các chợ từ Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long sang Trà Vinh, Cần Thơ, Đồng Tháp vẽ chân dung, kẻ bảng hiệu quảng cáo. Chợ tan, anh đạp chiếc xe đạp cà tàng len lỏi vào xóm xa nhận phục hồi ảnh thờ cũ.

Bôn ba khắp xứ, thay đổi chỗ ở trên 60 lần, vẽ vời đủ thứ nhưng tiền chỉ đủ trả tiền thuê nhà, cơm ngày hai bữa, túi cứ rỗng không, anh quyết định trở về quê nhà Bến Tre, vì dù sao nơi ấy anh còn có mẹ.

Mười năm khổ luyện ngón tay

Từ rất lâu, trong tim của Đoàn Việt Tiến luôn ấp ủ quyết tâm vẽ bộ sưu tập chân dung Bác Hồ.

Năm 1989, tình cờ sau cơn mưa, nhìn thấy tấm kính bị vỡ trước sân nhà, nắng rọi vào ánh lên sắc màu lung linh, anh nảy ra ý tưởng sao không thử vẽ chân dung Bác lên kính. Vậy là Tiến lao vào thử nghiệm. Cả trăm lần vẽ không thành, dùng cọ vẽ màu lên kính không xong. Đôi lúc quá mệt mỏi, anh lăn ra ngủ luôn tại chỗ.

Lần đầu tiên sau mười năm khổ luyện, bức chân dung Bác Hồ vẽ ngược trên kính khá hoàn chỉnh đã được Tiến trao tặng cho Hội Cựu chiến binh huyện Châu Thành (Bến Tre) nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Bác năm 1999.

Đoàn Việt Tiến dùng đầu ngón tay vẽ ngược chân dung Bác Hồ trên kính.

Năm sau, nghe báo, đài giới thiệu biệt tài của một họa sĩ vẽ ngược chân dung Bác Hồ trên kính, Bảo tàng Hồ Chí Minh tại TP.HCM cử người về xã Phú Đức mời Tiến về TP thực hiện bộ sưu tập chân dung Bác Hồ. Sau 100 ngày lao động cật lực, anh đã hoàn thành bộ sưu tập 30 ảnh bằng chất liệu màu dầu với ba khổ ảnh 50 x 70 cm, 60 x 90 cm, 80 cm x 1,2 m.

Ngày 3-2-2001 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh tại TP.HCM, triển lãm ra mắt bộ sưu tập chân dung Bác do họa sĩ Đoàn Việt Tiến trao tặng đã thu hút đông đảo người xem. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhận xét: “Để thành công với phong cách mới, chất liệu vẽ mới…, không chỉ tài năng sáng tạo, người vẽ còn phải có một trái tim luôn hướng về Bác mới tạo nên thần sắc trong từng bức vẽ như vậy”.

Không ngơi nghỉ, Tiến tiếp tục vẽ 12 chân dung Bác Tôn tặng cho Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Bức tranh vẽ ngược trên kính với khổ lớn nhất là chân dung thượng tọa Thích Quảng Đức (1,2 x 2,2 m) vẽ tại Tổ đình Quan Thế Âm (quận Phú Nhuận). Sau đó, anh quay về quê vẽ tặng cho Bảo tàng tỉnh Bến Tre 34 bức tranh về Bác Hồ với đời thường.

Chân dung Tiến chọn vẽ đa số là các bậc hiền tài, nhà lãnh đạo cách mạng kiệt xuất. Anh vẽ tặng chân dung nhà lãnh đạo cách mạng Cuba Fidel Castro đến hai lần, ngoài ra còn chân dung Che Guevara, nữ tướng Nguyễn Thị Định.

Tranh và tấm lòng vì người nghèo

Đoàn Việt Tiến cho biết vẽ ngược trên kính có lợi thế là khi những mảng màu bám vào kính sẽ tạo ra bức tranh sắc nét, khó phai theo thời gian. Sau mỗi lần thất bại anh lại rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu. Với mười đầu ngón tay, từng ngón được phân công đảm nhận một mảng màu sáng tối khác nhau. Riêng móng tay giữ nhiệm vụ vét tỉa những đường cong hay nét nhỏ cho ảnh thêm sắc sảo.

Càng tập trung điều khiển ngón tay để vẽ, lắm lúc tay, chân và toàn thân anh tê cứng như người bị bại liệt. Năm 2003, do vẽ liên tục bằng đầu ngón tay ảnh hưởng đến tim và các dây thần kinh, Tiến phải nhập viện điều trị gần một tháng. Anh buồn ủ rũi, lo sợ hai bàn tay không còn uyển chuyển nhả màu. Nhưng vừa khỏi bệnh anh lại lao vào vẽ.

Vẽ chân dung thượng tọa Thích Quảng Đức.

Tiếng lành đồn xa về họa sĩ Việt Nam duy nhất vẽ tranh bằng ngón tay trên kính đã xác lập kỷ lục quốc gia (năm 2005), Tiến được mời sang biểu diễn giao lưu ở nhiều nước (Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Đức, Singapore, Ba Lan). Nhận lời mời của giáo sư viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, từ năm 2007 đến nay anh đã hoàn thành 26 bức tranh trong bộ sưu tập chân dung các nhà vua Việt Nam.

Tranh của Tiến đặc biệt không bán. Anh mang biếu khắp nơi. Khi đã trở thành người nổi tiếng, sau mỗi chuyến xuất ngoại trở về, anh luôn nhận được rủng rỉnh các khoản thù lao, tặng thưởng của kiều bào và khách nước ngoài. Chỉ riêng chuyến đi Ba Lan 30 ngày anh đã nhận được tiền thưởng 20.000 USD. Có tiền, anh bắt đầu suy nghĩ làm từ thiện.

Tiến có rất nhiều mạnh thường quân là những người ngưỡng mộ tài năng của anh. Năm năm qua, chỉ riêng xã nhà Phú Đức anh đã huy động mang về 35 tấn gạo tặng người nghèo, góp trên 300 triệu đồng giúp địa phương xây dựng đền thờ liệt sĩ xã, đình làng cùng 17 ngôi nhà tình nghĩa, tình thương xây tặng cho người nghèo, người neo đơn tại Bến Tre, Tiền Giang.

Đoàn Việt Tiến tâm sự: “Càng tham gia từ thiện, cái tâm của mình càng thanh thản, phấn chấn. Tôi có cảm giác nét vẽ của mình thăng hoa hơn khi trải lòng ra vì mọi người”. Điều anh vui nhất là xây tặng mẹ ngôi nhà khang trang thay cho gian nhà trống trước dột sau để mẹ anh an hưởng tuổi già.

DƯƠNG THANH HUY
Pháp Luật TP.HCM

tuoitre.vn

Học Bác Hồ để mình tốt hơn

TTO – Thuở nhỏ, mỗi lần đọc báo, tạp chí gặp ảnh Bác Hồ là Thọ cắt dán cẩn thận vào quyển sưu tập ảnh Bác của mình. Lớn lên, em vào mạng Internet sưu tập thêm những ảnh Bác Hồ mà mình chưa có được…

Cậu học trò say mê sưu tập ảnh Bác Hồ là Đặng Hữu Thọ, ở xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, học sinh lớp 10 trường THPT Châu Thành B, tỉnh Bến Tre.

Đặng Hữu Thọ và album sưu tập ảnh Bác Hồ

Ông Đặng Hữu Lộc, cha của Thọ, nguyên là bộ đội cụ Hồ, kể: lúc nhỏ, nhìn thấy ảnh chân dung của bác Hồ, Thọ hỏi: “Hình của ai?”, ông nói: “Đó là ông cố Hồ của con”. Từ đấy, tối nào đốt nhang cho ông, bà, Thọ cũng đốt nhang cho ông  “cố Hồ” của mình. Ông “cố Hồ”, trở thành người thân trong lòng Thọ lúc tuổi còn thơ dại.

Thấy con kính trọng ông “cố Hồ”, ông Lộc hay kể những câu chuyện về Bác, đọc thơ về Bác. Bài thơ hai cha con tâm đắc nhất là bài “Bác ơi” của nhà thơ Tố Hữu:

“Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…
Chiều nay con chạy về thăm Bác
Ướt lạnh vườn cau, mấy gốc dừa!

Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.

Ngày ngày, nghe cha kể những câu chuyện về Bác Hồ, tình cảm dành cho Bác trong Thọ cáng thêm sâu sắc. Từ cuối năm học lớp 1, bắt đầu đọc được báo, mỗi lần bắt gặp ảnh Bác Hồ là Thọ cắt dán cẩn thận vào quyển tập của mình. Ngày lại ngày, quyển tập sưu tập ảnh Bác của Thọ càng dày thêm, và đến nay thì Thọ còn có một album sưu tập ảnh Bác Hồ trên mạng Internet.

Hơn 10 năm say mê, Thọ đã có hơn 200 ảnh Bác Hồ. Không chỉ sưu tập ảnh Bác mà Thọ còn vẽ được chân dung Bác Hồ giống như thật. Ngoài sưu tập ảnh, Thọ còn sưu tầm thơ, bài viết của Bác, bài viết về Bác. Thọ tâm đắc: “Qua Bác, em học tập rất nhiều điều, đó là các đức tính: cần, kiệm, liêm, chính, giản dị. Em luôn khắc ghi câu nói của một nhà báo Úc: “Không ai có thể trở thành Hồ Chí Minh. Nhưng ở Hồ Chí Minh, mỗi người có thể học một số điều để làm cho mình tốt hơn”. Em đã học đức tính cần, kiệm, liêm chính của Bác trong học tập, thi cử; ở nhà thì học tập cách sống giản dị của Bác”.

Chân dung thanh niên Nguyễn Tất Thành do Thọ vẽ

Nói về con mình, ông Lộc kể: Biết gia đình nghèo, cha làm thuê, mẹ bán rau, cải ở chợ, nhiều năm qua Thọ vẫn đến trường bằng chiếc xe đạp đầm cũ. Xe đã cũ lắm, nhưng Thọ không đua đòi cha sắm xe Martin hay xe đạp điện như các bạn học cùng trường.

Thọ đã nhiều năm liền là học sinh khá, giỏi. Em vừa đạt giải nhì cuộc thi Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do huyện Châu Thành tổ chức. Nói về ước mơ của mình, Thọ tâm sự: “Em ước mong được một lần ra thủ đô vào lăng viếng Bác, để thấy hình hài thật của Bác, người ông em luôn kính yêu và học tập và làm theo”.

LƯ THẾ NHÃ

tuoitre.vn

Đêm tháng 5 năm ấy

Cuộc đời của Bác đã hy sinh tất cả cho dân cho nước. Đêm đêm một mình, Bác nằm đó lấy tiếng đài làm niềm vui…

Trong thời gian công tác ở Bộ tư lệnh Cảnh vệ, Thiếu tướng Phan Văn Xoàn, nguyên Tư lệnh Cảnh vệ vinh dự nhiều lần được bảo vệ Bác Hồ. Mỗi lần bảo vệ Bác đều để lại trong trái tim vị tướng đất Mũi những kỷ niệm không thể nào quên. Một kỷ niệm sâu sắc nhất cách đây gần nửa thế kỷ nhưng khi hồi tưởng lại, ông cứ ngỡ như mới hôm qua. Ông kể:

– Vào một đêm đầu tháng 5 năm 1962, đến phiên tôi trực ở trụ sở cơ quan tại số 1-Lê Hồng Phong (Hà Nội). Mới tháng 5 mà trời đã oi bức đến lạ. Theo kế hoạch, 21 giờ tôi đi kiểm tra công tác bảo vệ ở các mục tiêu của đơn vị. Sau khi kiểm tra hết các vọng gác ở phố Phan Đình Phùng, tôi rẽ vào cổng Đỏ, đi vào khu Phủ Chủ tịch. Kiểm tra xong các vọng gác ở phía ngoài, đi về phía nhà sàn của Bác, tôi được các đồng chí canh gác ở đây cho biết Bác vừa đi nghỉ.

Quang cảnh khu Phủ Chủ tịch ban đêm thật tĩnh mịch, không gian bao la. Bên bờ ao trước nhà sàn, ánh trăng trong vắt đổ đầy mặt nước. Thỉnh thoảng mấy chú cá ngoi lên đớp mồi làm tan đi mặt trăng non. Tôi đứng nhìn lên phòng làm việc của Bác trên tầng 2, đèn đã tắt. Nhẹ bước lên cầu thang chỉ còn đèn ngủ trên bàn vẫn sáng, Bác đã đi nằm. Chiếc màn tuyn ngả màu đã buông và cài vào mép chiếu cẩn thận. Chiếc ra-đi-ô để đầu giường vẫn mở bình thường.

Vì lòng thương và trân trọng những giờ phút nghỉ ngơi của Bác, tôi rón rén, nhẹ nhàng mở cửa đi vào phòng ngủ và có ý định tắt chiếc ra-đi-ô để Bác được ngon giấc. Khi tôi đi gần đến chiếc ra-đi-ô đưa tay vặn nhỏ công tắc để tắt, thì thật bất ngờ, Bác nói giọng tỉnh táo, ấm áp và thân tình:

– Chú đừng tắt đài, để nó nói có tiếng người trong nhà cho vui.

Tôi vội rụt tay lại và nhè nhẹ lùi dần về phía cửa, đi xuống sân. Từ khi nghe Bác nói, lòng tôi thắt lại, hai hàng lệ cứ lăn dài trên gò má. Tôi bước ra vườn tựa vào hàng cây vú sữa bên cạnh nhà sàn. Lòng nghĩ miên man. Chỉ còn hai tuần nữa là đến ngày sinh lần thứ 72 của Bác.

Tôi gọi thầm trong lòng: Bác ơi, cây vú sữa này là món quà đồng bào miền Nam gửi tặng Bác. Chồi non của nó đã vươn cao trùm lên mái nhà sàn. Câu nói của Bác cứ văng vẳng bên tôi không thể nào quên được. Cuộc đời của Bác đã hy sinh tất cả cho dân cho nước. Đêm đêm một mình, Bác nằm đó lấy tiếng đài làm niềm vui. Sự hy sinh của Bác thật lớn lao vô cùng. Càng nghĩ, tôi càng thấy thương Bác, nước mắt tôi cứ trào ra giàn giụa.

NGUYỄN ĐỨC QUÝ – Báo Quân đội nhân dân
(Theo lời kể của Thiếu tướng Phan Văn Xoàn-nguyên Tư lệnh Bộ tư lệnh Cảnh vệ)

tuoitre.vn

Ứng cử viên Hồ Chí Minh

Bác Hồ với nông dân (từ sách Ánh sáng từ sông Hồng, 1955 - của nhà báo Đức Franz Faber)

TTCT – Ngày 10-12-1945, danh sách ứng cử viên khu vực Hà Nội được niêm yết rộng rãi. Trong danh sách, Bác đứng thứ hai sau cụ Nguyễn Văn Tố. Tất cả 74 ứng cử viên, chọn lấy sáu đại biểu.

>>Vị Chủ tịch với người bạn cũ
>>Tư tưởng Hồ Chí Minh là di sản tinh thần vô giá
>>Hai bộ sưu tập tranh độc đáo về Bác Hồ
>>Chuyên trang mới trên Tuổi Trẻ Online: Theo gương Bác

Một điều bất ngờ với Chủ tịch Hồ Chí Minh trước ngày tổng tuyển cử là: tại thủ đô Hà Nội, 118 chủ tịch các UBND và tất cả đại biểu làng xã tại Hà Nội đã nhất trí công khai một bản kiến nghị.

Nội dung bản kiến nghị là: Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh được miễn phải ứng cử trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới vì Cụ đã được toàn dân suy tôn là Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đáp lại nguyện vọng trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư trả lời đồng bào ngoại thành Hà Nội:

“Tôi rất cảm động được đồng bào quá yêu mà đề nghị: tôi không phải ra ứng cử, đồng bào các nơi khắc cử tôi vào Quốc hội. Nhưng tôi là một công dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của cuộc tổng tuyển cử đã định.

Tôi ra ứng cử ở Hà Nội, nên không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa.

Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới”.

Mặc dù tất cả ứng cử viên đã được đăng tiểu sử kèm theo ảnh trên báo, nhưng cử tri còn muốn được trực tiếp nghe các ứng cử viên nói rõ chương trình hành động của mình. Đó là những cuộc tiếp xúc rộng rãi, diễn ra hết sức sôi nổi ở khắp mọi nơi, trong một khung cảnh thật sự tự do và dân chủ.

Chiều 5-1-1946, Bác đến Khu học xá (nay là Trường đại học Bách Khoa, Hà Nội) cùng các ứng cử viên gặp gỡ cử tri.

Hôm ấy, trước đông đảo quần chúng có mặt, Bác đã nói với các ứng cử viên:

“… Vừa rồi đây, ta vừa giành được độc lập. Một số ít người, chỉ một số ít thôi, đã quên cái công khó nhọc của dân chúng. Ta đã phải hi sinh nhiều mới có cái quyền cầm lá phiếu ngày nay đó. Cụ Phan Đình Phùng, cụ Hoàng Hoa Thám đã khó nhọc vì cái quyền dân chủ ấy lắm. Biết bao người đã bị bắn, bị chém, đã đeo cái tên chính trị phạm và bị nhốt đầy các nhà tù Sơn La, Côn Đảo, Ban Mê Thuật mới đòi được cái quyền dân chủ ngày nay…”.

Bác Hồ còn quay sang phía các ứng cử viên nhắc nhở:

“Làm việc nước bây giờ là hi sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ đến lợi chung…”.

Rồi hướng về các cử tri, Bác căn dặn: “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai, không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy…”.

Sáng 5-1-1946, lời kêu gọi quốc dân đi bầu cử của Chủ tịch Hồ Chí Minh được các báo đều đăng:

“Ngày mai, mồng 6 tháng Giêng năm 1946.

Ngày mai, là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ:

Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình.

Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: về mặt quân sự thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn.

Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước.

Ngày mai, người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu thì ít, lẽ tất nhiên, có người được cử, có người không được cử.

Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thành thực câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng…”.

Đúng 7g sáng 6-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng hàng vạn cử tri thủ đô đi làm nghĩa vụ công dân.

Tư liệu TTXVN

Tết kháng chiến đầu tiên của Bác

Sau lễ trọng đại tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời chưa được bao lâu, cuộc trường kỳ kháng chiến đã bắt đầu.

Bác Hồ lội suối đi công tác

Bác Hồ phải tạm lánh về xã Cần Kiệm thuộc đất Sơn Tây. Chiều 30 Tết Đinh Hợi (21 tháng 1 năm 1947), Hội đồng Chính phủ họp ở phủ Quốc Oai (Sơn Tây). Trời mưa rét, đường trơn như đổ mỡ, các thành viên Chính phủ và Thường vụ Quốc hội đã lặn lội về đông đủ, song vẫn chưa thấy Bác đến. Trời tối dần, nỗi lo bắt đầu lan rộng. 9 giờ tối, trong nỗi thấp thỏm, bồn chồn của các đại biểu, Bác bất ngờ gỡ khăn áo cải trang, bước vào phòng họp. Mọi người thở phào nhẹ nhõm.

Cuộc họp tất niên trong đêm không pháo, không bánh chưng, không rượu, không giò nhưng có hoa đào… Sau lời chúc Tết Chính phủ và Ban Thường vụ Quốc hội của Bác, cụ Bùi Bằng Đoàn thay mặt mọi người cảm ơn và chúc Tết Người. Dưới sự chủ trì của Bác, cuộc họp trong vòng 2 giờ đã bàn những vấn đề cấp bách, phải khẩn trương làm không chờ nghỉ Tết. Gần 12 giờ khuya, ai nấy đều phải trở về ngay nơi làm việc của mình.

Bác lại lên xe, chiếc xe ọc ạch chạy đi theo hướng chùa Trầm. Trong đêm giá lạnh, Bác đi vào trong hang núi, nơi đặt hệ thống phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam để đọc thơ Xuân Đinh Hợi, chúc Tết đồng bào cả nước và kiều bào đang ở nước ngoài.

Bác chúc Tết xong lại lên đường trở về Cần Kiệm giữa đêm khuya. Rời khỏi chùa Thầy, đã qua giờ Sửu, mưa lại thêm nặng hạt; đến lối rẽ vào chùa Tây Phương, cả hai bánh xe bị sa xuống ruộng, rất may chưa bị lật nhào. Mọi người hốt hoảng, còn Bác lại bình tĩnh nói vui: “Ngày đầu năm, chúng ta gặp hoạ, nhưng phúc có ngay trong hoạ, phúc đỡ cho rồi. Thế là điều vui!…”.

Trên đường gió hun hút thổi, người lái ở lại giữ xe, Bác cùng những người giúp việc đi bộ trở về giữa trời mưa, giá rét, đường trơn… Rạng sáng, anh Cả (Nguyễn Lương Bằng), anh Cần (Vũ Kỳ) cùng một số người giúp việc Bác “xuất hành” đi khiêng xe. Bác dậy sớm như thường lệ đi mấy bài quyền. Kể lại những kỷ niệm này, anh Cần mắt rưng rưng lệ, nói nhỏ với tôi: “Chúng tôi khiêng xe lên và mang được đến nơi cần gửi; gia chủ thành tâm mời cùng cả nhà ăn Tết. Ngồi vào mâm cỗ thịnh soạn, chúng tôi ứa nước mắt nhớ Bác ở nhà,… Bác đang cố để viết cho xong cuốn sách”.

Chiều mồng một Tết, một số người đi chúc Tết trong thôn, bà con mời lại ăn cỗ. Ở cơ quan chỉ còn anh Ninh (Trần Đăng Ninh) và anh Cần ngồi ăn cơm nguội, Bác ăn cơm nóng độn sắn với canh rau cải. Anh Cần nói vui: “Bác ơi! Bác ăn canh rau cải phải đi giải nhiều..”. Bác cười hỏi lại: “Chú có nhớ ca dao nói gì không?” Rồi với giọng ôn tồn Bác đọc: Không canh nào bằng canh rau cải /Chẳng đạo ngãi nào bằng nghĩa vợ chồng.

Tối mồng một, mưa thêm nặng hạt, gió lọt qua phên liếp, lạnh thấu tận xương…Bác bảo nhóm lửa giữa nhà. Bác, anh Cả, anh Râu Xồm (Trần Đăng Ninh) và những người giúp việc quây quần bên nhau như đêm lửa trại. Trời về khuya, anh Nhân (Trường Chinh), anh Văn (Võ Nguyên Giáp) quần sắn quá gối, chân bê bết bùn đất, hé liếp bước vào. Hỏi ra mới biết, hai anh “xuất hành” đi chúc Tết Bác, định đến sớm để bàn công việc khẩn cấp, nhưng xe đã bị sa lầy ngay từ đầu xã…

Bác cùng  anh Nhân, anh Văn, anh Cả, anh Ninh ngồi quanh bếp lửa họp bàn… những người giúp việc Bác còn lại vội vã đội mưa rét đi cứu xe. Khi đưa được xe lên cũng vừa lúc chuông chùa Tây Phương ngân vang báo sáng. Tiễn  anh Nhân, anh Văn ra về bên thềm lập loè ánh lửa Bác ân cần nói với các anh: “Ngồi bên bếp lửa ấm, ra đi ngay dễ ngộ lạnh, phải dừng lại mấy phút cho quen dần cái rét rồi hai chú hãy đi…”.

Tết ra, Hội đồng Chính phủ họp phiên đầu tiên vào ngày 12 tháng giêng âm lịch (2 tháng 2 năm 1947) cũng ở Quốc Oai. Mở đầu, Bác đề nghị ai có thơ Xuân, câu đối Tết xin đọc làm đà” cho Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi; Thống nhất, Độc lập nhất định thành công (thư chúc Tết của Bác). Sau lời giới thiệu của cụ Bùi (Bùi Bằng Đoàn), Bộ trưởng Phan Anh đọc liền 2 vế đối:

Cha, ông hương khói lạnh, con cháu cỗ bàn suông; khắp ba kỳ còn nếm nỗi gian truân, buồn Tết nhất càng căm thù quân cướp nước;

Tổ quốc bờ cõi yên, non sông Nam Bắc hợp; mấy mươi triệu đồng bào thề quyết thắng, bước vinh quang sẽ hẹn lúc về nhà.

Bộ trưởng dứt lời, Bác ứng khẩu đọc ngay một câu “kiều lẩy”:

Rằng hay thì thật là hay,
Khẩn trương kháng chiến hẹn ngày bình sau.

Cụ Tôn (Tôn Đức Thắng) ghé tai nói nhỏ với cụ Bùi: “Ông ạ! Thánh thật, sống xa đất nước trên 30 năm mà hầu như Cụ không phai nhạt một thứ gì là của Việt Nam”. Cụ Bùi cười mãn ý đáp lời: “Cụ Hồ thuộc về thiên nhân, tuệ giác”.

Sau kỳ họp này, Bác không về Cần Kiệm mà ở lại Sài Sơn. Anh Râu Xồm đã vận động được sư cụ chùa Thầy để Bác ở trên tầng núi lưng chừng của chùa Một Mái. Bác làm việc trong cái vòm đá của Núi Sài. Chùa có sân rộng, vắng vẻ; Bác nhờ anh Văn, anh Cần giúp tập đi xe đạp để lúc cần có thể chủ động đối phó được nhanh, gọn nhẹ.

Thành Ý (ghi theo lời kể của nhà báo Sơn Tùng)

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn (*)

Hồ chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 - Ảnh tư liệu

Trước đó hai mươi năm, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã có “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Nhưng lúc đó, Người mới là đại biểu dân thuộc địa. Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của nước Việt Nam là một mốc lớn quan trọng của dân tộc. Bây giờ, chính Người và cả dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Người sẽ thi hành bản án ấy.

>> Nghe Hồ chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập

……………………………………………

Ngày 27 tháng 8 năm 1945, Thường vụ Trung ương họp. Rồi Hội đồng Chính phủ họp. Bàn nhiều công việc quan trọng, trong đó có việc tổ chức lễ tuyên bố Độc lập vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh phụ trách thảo bảnTuyên ngôn Độc lập.

Mọi việc chuẩn bị ngày lễ Độc lập đều gấp rút, đều quan trọng. Nhưng gấp rút nhất, quan trọng nhất là dự thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Từ Nam quốc sơn hà thế kỷ 11 đời Lý, Bình Ngô đại cáo thế kỷ thứ 15 đời Lê, đến Tuyên ngôn Độc lập thời đại Hồ Chí Minh thế kỷ thứ 20, khoảng cách dài gần 10 thế kỷ, ngót nghìn năm.

Kể từ ngày thứ ba, 28 tháng 8 năm 1945 ấy, tức là ngày 21 tháng 7 Ất Dậu, Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung vào việc soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập.

Trên gác hai nhà 48 Hàng Ngang, trong một căn phòng rộng mà chủ nhà làm phòng ăn, ở giữa kê một cái bàn dài to, quanh bàn có tám ghế tựa đệm mềm là nơi Bác Hồ thường làm việc với các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng. Cuối phòng, sát tường phía sau, kê một chiếc bàn tròn mà Bác cùng chúng tôi thường ăn sáng. Bác hay ngồi suy nghĩ và đánh máy bên chiếc bàn con kê sát tường góc phía trong. Mặt bàn hình vuông, bọc da xanh màu lá mạ, vừa đủ để tập giấy bút và chiếc máy chữ nhỏ mang từ chiến khu về. Bác trầm ngâm suy nghĩ phác thảo Tuyên ngôn Độc lập.

Nửa đêm hôm ấy, tôi chợt thức giấc, thấy Bác vẫn ngồi chăm chú làm việc. Hà Nội sau một ngày sôi động đang đi vào yên tĩnh. Đêm mùa thu, trên căn gác thoáng rộng, không khí mát lành. Tôi trở dậy, bước thật nhẹ ra phía hành lang, nhìn xuống đường. Ban ngày, phố Hàng Ngang náo nhiệt, chật chội. Giờ đây rộng vắng giữa đêm khuya. Hai đường ray tàu điện chạy thành hai vệt thẳng, đen nhánh. Trước mõi căn nhà dọc phố, cờ đỏ sao vàng sẫm lại trong đêm. Một tốp tự vệ mặc quần soóc, đầu đội mũ calô, đang đi tuần dọc phố, bóng dáng hiên ngang.

Chỉ mới cách đó hơn một tuần, Hà Nội còn là một thành phố bảo hộ, mật thám như rươi, thoáng thấy mầu cờ đỏ là cả bộ máy cai trị của kẻ thù lồng len như thú dữ. Thế mà giờ đây cờ đỏ phấp phới bay khắp phố phường. Đêm ấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang ngồi giữa lòng Hà Nội soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập, mở đầu một kỷ nguyên mới cho dân tộc: Kỷ nguyên Độc lập, Tự do. Thật là kỳ diệu. Cách mạng là một sự kỳ diệu. Và chính Người, từ Nguyễn Ái Quốc đến Hồ Chí Minh, đã cùng với toàn dân làm nên điều kỳ diệu đó. Từ buổi nhen nhóm phong trào cách mạng, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ra đời vào năm 1925, do chính Người sáng lập, để năm năm sau, chính đảng đầu tiên của giai cấp Công nhân Việt Nam bước lên vũ đài chính trị.

***

Chiều ngày 31 tháng 8 năm 1945, Bác bảo đưa cho Bác xem sơ đồ địa điểm tổ chức mít tinh và nhắc Ban tổ chức chú ý cả nơi vệ sinh cho đồng bào, và dặn nếu trời mưa thì kết thúc sớm hơn, tránh cho đồng bào bị mưa ướt, nhất là đối với các cụ già và các cháu nhỏ.

Chiều ngày 2 tháng 9 năm 1945, trên quảng trường Ba Đình, một quang cảnh vừa náo nhiệt, vừa xúc động. Khi Cụ Hồ vừa xuất hiện trước máy phóng thanh, thì cả quảng trường âm vang tiếng hô:

– Cụ Hồ Chí Minh muôn năm!

– Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!

Và khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang sảng cất tiếng đọc Tuyên ngôn Độc lập thì cả biển người im phăng phắc lắng nghe:

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…”

Đọc được một đoạn, Cụ Hồ bỗng dừng lại, đưa cặp mắt âu yếm nhìn toàn thể đồng bào, cất tiếng hỏi:

– Đồng bào nghe rõ tiếng tôi không?

Tiếng đáp lại liền ngay như sấm:

– Có!

Người dân và Chủ tịch nước bỗng trở nên gần gũi và vô cùng thân thiết.

Càng về cuối bản Tuyên ngôn Độc lập, giọng Cụ Hồ càng âm vang, như cuốn hút mọi người.

“Chúng tôi tin rằng các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tê-hê-ran và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhân quyền độc lập của dân Việt Nam.

Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!

Vì những lẽ trên, chúng tôi – Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng Tự do, Độc lập và sự thật đã trở thành một nước Tự do, Độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền Tự do, Độc lập ấy!”

Cùng với ngày 2 tháng 9 năm 1945, bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quốc dân đồng bào, là một mốc son chói lọi trên con đường dài đấu tranh dựng nước và giữ nước suốt mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam.

Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của nước Việt Nam cũng là một mốc lớn quan trọng của dân tộc. Đó thực sự là lời tuyên bố đanh thép về sự cáo chung của chế độ thuộc địa dưới mọi hình thức. Đồng thời nó cũng báo hiệu sự mở đầu của một thời đại mới, thời đại trỗi dậy của các dân tộc nhược tiểu đứng lên làm chủ vận mệnh của mình. Trước đó hai mươi năm, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã có “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Nhưng lúc đó, Người mới là đại biểu dân thuộc địa. Bây giờ, chính Người và cả dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Người sẽ thi hành bản án ấy. Và như chúng ta đã biết, bản án đã được thực hiện bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu chín năm sau đó.

VŨ KỲ
Thư ký giúp việc Bác Hồ từ năm 1945 đến 1969
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh

(trích Nhớ mãi những phút giây đầu tiên)

………………………………….

(*): tựa đề do TTO đặt

Tuổi trẻ Online

Ngày bầu cử đầu tiên – Kỳ cuối

Ngày hội của niềm tin

TT – 90% dân mù chữ, khó khăn bủa vây, thế nhưng họ đã tham gia bầu cử với tất cả lòng nhiệt huyết, chân thành và trong sáng. Bởi vì người VN lần đầu tiên có chính quyền nhân dân, lần đầu tiên được tham gia ngày hội về quyền con người: bầu cử.

>> Kỳ 1: Thu phục thù trong giặc ngoài
>> Kỳ 2: Tiếng dân trên báo
>> Kỳ 3: Lá phiếu trong khói lửa
>> Kỳ 4: Bầu cử ở miệt cù lao

Khí thế ngùn ngụt

Đúng 7g sáng 6-1-1946, cả Hà Nội cùng vang dậy tiếng chiêng, trống, chuông…, báo hiệu ngày hội tổng tuyển cử đầu tiên của nước VN độc lập bắt đầu. Giáo sư Lê Mậu Hãn – Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà nghiên cứu lịch sử Quốc hội – kể: Tất cả phố phường đều rợp cờ, apphich, băngrôn. Thủ đô thức dậy cùng những tiếng hô khẩu hiệu, đồng thanh hát những bài ca cách mạng. Các điểm bầu cử đều được tổ chức chu đáo từ lối ra, lối vào; cửa soát thẻ cử tri đến bàn viết phiếu đều trang trọng, lộng lẫy.

Ông Nguyễn Ngọc Liên – nguyên là cử tri của hòm phiếu đặt tại ngã ba Phố Huế – Nhà Rượu (phố Nguyễn Công Trứ ngày nay) – kể rằng lúc đó bà con rất hào hứng đi bầu. Bất cứ ứng cử viên nào là người của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cử tri bỏ phiếu. Ngày bầu cử, nhiều nơi tin yêu Cụ Hồ và các nhà cách mạng như ông Võ Nguyên Giáp, ông Trần Huy Liệu, ông Khuất Duy Tiến… nên dù đã biết những người con cách mạng này không ứng cử ở địa phương mình nhưng họ vẫn cứ bầu!

Hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bầu ở hòm phiếu đặt tại số 10 Hàng Vôi (nay là phố Lý Thái Tổ, Hà Nội) trong tiếng hô vang chào đón không ngớt của cử tri. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ công dân của mình, Cụ Hồ đến thăm một số phòng bỏ phiếu ở các phố Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống, Thụy Khuê, làng Hồ Khẩu (nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ) và Ô Đông Mác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt cảm động khi chứng kiến những cụ già 70, 80 tuổi vẫn được con cháu cõng đi bỏ phiếu, hoặc nhiều người khiếm thị vẫn nhờ người nhà dẫn đến hòm phiếu để tự tay mình làm nhiệm vụ công dân.

Kế hoạch ban đầu sẽ tổng tuyển cử vào ngày 23-12-1945 nhưng sau đó vì muốn mở rộng thời gian để các ứng viên tham gia đông thêm nên đã hoãn đến 6-1-1946. Tuy nhiên, nhiều nơi khác vẫn có thể tổ chức bầu cử từ 23-12-1945. Vậy nên những ngày cuối năm dương lịch ở khắp chốn thôn cùng ngõ hẻm, núi cao rừng sâu trên đất nước đều bừng bừng khí thế ngày hội đổi đời.

Tại Phúc Yên (Mê Linh, Vĩnh Phúc ngày nay), mittinh, cổ động vang trời còn có từng đoàn xe ngựa chạy rầm rập khắp thành phố tung hô tổng tuyển cử. Phố đêm nhà nào cũng thắp đèn nẹp đỏ rực rỡ thâu canh. Tại Thái Nguyên có lễ hội rước đuốc sáng rực núi rừng. Ở Kiến An (nay thuộc Hải Phòng) tổ chức diễn kịch, vở kịch có cảnh đi bỏ phiếu. Tuyên Quang và nhiều nơi khác còn tiến hành bầu cử thử để rút kinh nghiệm và “hâm nóng” không khí đợi ngày chính thức. Nhiều nơi còn treo giải thưởng cho làng nào đi bầu đông đủ nhất, mở cuộc thi dự đoán ai sẽ trúng cử.

Hầu hết các nơi tổ chức bầu cử bình yên, suôn sẻ nhưng tại một số vùng, quân Tưởng và các đảng phái chống đối ra sức chống phá. Tại Phú Thọ, ông Nguyễn Thiện Ngữ (đại biểu Quốc hội khóa 1) nhớ lại: Quân Tưởng và lực lượng Việt Quốc, Việt Cách ngày nào cũng cho quân vác súng sục sạo đe dọa, gây khó dễ cho tổng tuyển cử. Nhiều nơi phải di chuyển điểm bầu cử. Nhưng trước khí thế ngùn ngụt của những con người đòi được quyền làm người, mọi thế lực ngăn cản đều thất bại.

Dân quê bầu cử

Cử tri Hà Nội bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa 1 (6-1-1946) - Ảnh tư liệu

Dù Cách mạng Tháng Tám đã thổi bùng ngọn lửa được sống làm người, nhưng ngôi làng có tới 1/3 dân số chết đói vẫn còn đầy tử khí, thê lương. Đó là làng La Tỉnh, Tứ Kỳ (Hải Dương). Giáo sư Văn Tạo, nguyên viện trưởng Viện Sử học, kể về những ngày bầu cử ở quê mình rằng trên những con đường vỡ sụt lầy lội của làng có từng đoàn thanh niên cầm loa tuyên truyền ngợi ca Hồ Chủ tịch, về quyền con người, độc lập và bầu cử… Tiếng trống chèo kêu bung bung khắp ngõ trên xóm dưới.

Khắp nơi là những khẩu hiệu và vang lên bài ca cách mạng, những băng giấy đỏ viết chữ quốc ngữ: “Cách mạng Tháng Tám muôn năm”, “Quốc hội là đại biểu của dân”, “Mỗi người hãy thực hiện quyền bầu cử của mình”… Cửa đình, quán chợ, gốc cây, cổng chùa… xuất hiện apphich, băngrôn, cáo thị. Thanh niên trí thức và cán bộ Việt Minh chia nhau đến từng nhà các tuần phủ, kỳ hào, chánh tổng, lý trưởng và cả nhà dân để giải thích, tuyên truyền về tổng tuyển cử: Làng ta sẽ đặt hòm phiếu ở đình, người này là Việt Minh đã tham gia Cách mạng Tháng Tám, người này là chí sĩ yêu nước đã chịu lao tù…

Đến ngày 6-1-1946, khi bóng đêm và giá rét còn u ẩn sau lũy tre thì tiếng trống thì thùng đã vọng từ đình làng. Lũ trẻ kéo từng đoàn vừa hát vừa hô khẩu hiệu ngoài ngõ, thúc giục bà con dậy đi bầu cử. Lúc ấy đang bắt đầu vào vụ, làng lại kiêm cả nghề buôn bán nên việc đi bầu khởi sự sớm. Người già, người trẻ, hào phú, nông dân, học sinh, trí thức, cán bộ, đồ nho… lục tục kéo nhau ra đình.

Cổng đình hôm ấy được kết lá cọ có cài hoa dâm bụt đỏ rực và dán hàng chữ giấy điều: Điểm bầu cử làng La Tỉnh. Trong đình có hai cái bàn gỗ, kê hai chiếc ghế dài, ai đến thì được mời ngồi. Bên kia là các thanh niên và cán bộ ủy ban bầu cử phát phiếu bầu cho cử tri. Họ còn có nhiệm vụ viết giúp những người chưa biết chữ và được gọi là “Tiểu ban viết giúp”. Tiểu ban có một người thuộc ban bầu cử và hai người còn lại là do dân làng cử ra. Trước giờ bầu cử, hòm phiếu được kiểm tra. “Tiểu ban viết giúp” đứng dậy tuyên thệ: viết đúng lời người đi bầu và giữ bí mật. Cán bộ ban bầu cử nói thêm: Tiểu ban đã đạt các tiêu chí thật thà, kín đáo, trong sạch, nhanh nhẹn và không gắt gỏng, không cẩu thả, không cả nể. Một người viết, hai người còn lại kiểm tra, giám sát.

Một chiếc hòm nhỏ đặt gần bên để bà con bỏ phiếu. Danh sách ứng cử viên in trên giấy. Giáo sư Văn Tạo nhớ rằng ông nhận được một lá phiếu to bằng 1/4 quyển vở. Trên in tên ba ứng cử viên và con dấu của ủy ban bầu cử; phiếu viết tay, in litô. Phần lớn bà con không hỏi nhiều, họ chỉ biết mình đang bầu cho chính quyền cách mạng, bầu cho Việt Minh. Nhiều người không đọc được chữ nhưng tất cả đều tin cậy và tự nguyện, sốt sắng. Đến trưa thì hòm phiếu chỉ đợi người đi chợ về. Gần chiều thì cả làng đã bỏ phiếu xong. Bà con làng xóm lúc đó hân hoan vì lâu lắm làng quê mới có một ngày hội rộn rã như thế. Người dân tham gia bầu cử sốt sắng là vì tin tưởng vào chính quyền cách mạng, tin tưởng vào Cụ Hồ sẽ đem lại no ấm, tự do cho người nông dân đã bao đời đói khổ lam lũ.

Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu

Sáng 5-1-1946, lời kêu gọi quốc dân đi bầu cử của Chủ tịch Hồ Chí Minh được các báo đều đăng:

“Ngày mai, mồng 6 tháng giêng năm 1946.

Ngày mai, là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ.

Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình.

Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: Về mặt quân sự thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn.

…..

Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước.

Ngày mai, người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu thì ít, lẽ tất nhiên có người được cử, có người không được cử.

Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thành thực câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng.

Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc…”.

(Nguồn: Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính Trị Quốc Gia 2002)

QUANG THIỆN

Tuổi trẻ Online