Với sự cố gắng của những người làm công tác nghiên cứu – sưu tầm của Viện Bảo tàng Mỹ Thuật, một số tác phẩm mĩ thuật về Bác đã được tập hợp thành một sưu tập khá hệ thống và phong phú. Tiếp tục đọc
Thư viện
Một số bức thư, bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề thi đua yêu nước, trải qua những thăng trầm của lịch sử, thực tiễn cách mạng đã chứng minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người khởi xướng và kiến tạo thành công phong trào thi đua yêu nước Việt Nam. Người đã từng nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, chính quan điểm, tư tưởng tiến bộ đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi hành động cách mạng của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, công nhân viên, chiến sỹ và nhân dân cả nước hăng hái, phấn đấu thi đua lao động, học tập và cống hiến trong công cuộc phát triển đất nước. Trải qua hơn sáu thập kỷ kể từ ngày Người viết “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11-6-1948) cho đến khi đi vào cõi vĩnh hằng, Người đã có rất nhiều bức thư, bài nói, bài viết đề cập đến thi đua yêu nước. Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2013), chúng ta cùng đọc lại một số bài nói, bài viết của Người.
1. Lời kêu gọi thi đua yêu nước (Viết khoảng ngày 1-5-1948. Bản gốc lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh) – (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxbctqg, Xb lần thứ ba, tập 5, tr513).
Lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1948.
(TTLTQG III, P. Phủ Thủ tướng,Hồ sơ 130, tờ 01). Ảnh internet
Cùng toàn thể đồng bào yêu quý,
Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường chẳng kém ai.
Nay muốn tự cấp, tự túc, đi kịp người ta, thì chúng ta phải đi mau.
Vì vậy, sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc Thi đua yêu nước, tức là tăng gia sản xuất.
Như thế thì:
Kháng chiến nhất định thắng lợi,
Kiến quốc nhất định thành công,
Hồ Chí Minh
2. Lời kêu gọi thi đua ái quốc (Viết ngày 11-6-1948, Báo Cứu quốc, chi nhánh số 6, số 968, ngày 24-6-1948) – (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxbctqg, Xb lần thứ ba, tập 5, tr556).
Mục đích thi đua ái quốc là:
Diệt giặc đói,
Diệt giặc dốt,
Diệt giặc ngoại xâm.
Cách làm là dựa vào:
Lực lượng của dân,
Tinh thần của dân, để gây:
Hạnh phúc cho dân.
Vì vậy bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau :
Làm cho mau,
Làm cho tốt,
Làm cho nhiều.
Mỗi người dân Việt Nam , bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá. Thực hiện khẩu hiệu:
Toàn dân kháng chiến,
Toàn diện kháng chiến.
Trong cuộc thi đua ái quốc, chúng ta:
Vừa kháng chiến,
Vừa kiến quốc.
Kết quả đầu tiên của thi đua ái quốc sẽ là:
Toàn dân đủ ăn đủ mặc,
Toàn dân biết đọc, biết viết,
Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới, để diệt ngoại xâm,
Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn.
Thế là chúng ta thực hiện:
Dân tộc độc lập,
Dân quyền tự do,
Dân sinh hạnh phúc,
Ba chủ nghĩa mà nhà đại cách mạng Tôn Văn đã nêu ra.
Để đi đến kết quả tốt đẹp đó, tôi xin:
Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc,
Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn,
Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp,
Đồng bào công nông thi đua sản xuất,
Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh,
Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân,
Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng.
Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Phong trào sôi nổi.
Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng.
Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi.
Hỡi toàn thể đồng bào,
Hỡi toàn thể chiến sĩ,
Tiến lên!
HỒ CHÍ MINH
3. Thư gửi Hội nghị thi đua ái quốc (Bản đánh máy của Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh) – (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxbctqg, Xb lần thứ ba, tập 6, tr134).
Gửi Hội nghị Thi đua ái quốc,
Các vị đại biểu,
Tôi gửi lời thân ái chúc Hội nghị có kết quả tốt. Sau đây là vài ý kiến của tôi đối với phong trào thi đua ái quốc, để giúp cho các đại biểu thảo luận:
Phong trào khá cao và rộng, bộ đội, đoàn thể, cơ quan và nhân dân hăng hái. Nhiều đơn vị đã có kết quả khá. Nhưng:
– Tổ chức và lãnh đạo còn kém, không phát triển được hết sáng kiến và năng lực của quần chúng.
– Cơ quan lãnh đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể, các địa phương thiếu sự phối hợp với nhau, thiếu sự tổng kết kinh nghiệm và trao đổi kinh nghiệm.
Vậy tôi rất mong Hội nghị tìm cách sửa chữa những khuyết điểm ấy, và mỗi một cán bộ, mỗi một đồng bào, mỗi một ngành đều ra sức thiết thực thi đua với tinh thần chuẩn bị tổng phản công. Như vậy, thì thi đua nhất định thành công.
Chào thân ái và quyết thắng
Tháng 6 năm 1949
Hồ CHí MINH
4. Lời kêu gọi thi đua chuẩn bị tổng phản công (Báo Sự thật, số 116, ngày 1-8-1949) – (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxbctqg, Xb lần thứ ba, tập 6, tr167).
Mấy lâu nay, vì bận việc kháng chiến, tôi ít có dịp nói chuyện với đồng bào và chiến sĩ. Vậy hôm nay, lời đầu tiên là tôi thân ái hỏi thăm:
Các vị phụ lão,
Các vị thân sĩ,
Các anh em cán bộ chính trị, hành chính và chuyên môn,
Đồng bào trong nước, ngoài nước, và trong vùng tạm bị chiếm,
Các cháu thanh niên và nhi đồng.
Tôi thân ái hỏi thăm:
Toàn thể tướng sĩ Vệ quốc quân và dân quân du kích,
Các anh chị em công nhân ở các xưởng máy quốc phòng.
Hôm nay là ngày phát động Thi đua ái quốc tiếp theo kỳ trước, cho nên tôi chỉ nói chuyện thi đua.
Từ ngày Cách mạng Tháng Tám, thế giới đã ngạc nhiên và kính phục dân tộc ta vì ba điều:
Điều thứ nhất là ta đã cách mạng thành công, đã phá tan xiềng xích thực dân, đã đánh đổ chế độ phong kiến, đã lập nền dân chủ cộng hoà.
Điều thứ hai là ta chẳng những có sức kháng chiến mà lại chắc chắn kháng chiến thắng lợi.
Điều thứ ba là ta vừa kháng chiến vừa thi đua ái quốc.
Ta bắt đầu thi đua từ tháng 6 năm ngoái. Cuộc thi đua nhằm ba mục đích: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm.
Mặc dầu thiếu phương tiện, thiếu kinh nghiệm và bị giặc Pháp tìm mọi cách để phá hoại, ta vẫn lượm được nhiều kết quả tốt sau một năm thi đua.
– Vì đồng bào ra sức thi đua tăng gia sản xuất, cho nên dân ta dù có chật vật ít nhiều, nhưng vẫn tránh khỏi nạn đói. Trong thời kỳ chiến tranh các nước còn chật vật hơn ta.
– Vì đồng bào hăng hái ủng hộ, và các chiến sĩ bình dân học vụ tận tuỵ, mà đã mấy tỉnh như Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Thái Bình đã diệt xong giặc dốt. Các tỉnh khác thì đang ra sức theo cho kịp các tỉnh trên. Đó là một thành tích vẻ vang, nếu chúng ta nhớ rằng dưới chế độ thực dân, năm 1941 chỉ có non nửa triệu trẻ con ta được đi học.
– Nhờ toàn dân ra sức ủng hộ, và bộ đội cùng dân quân du kích ta dũng cảm và nhờ anh chị em công nhân ta ra sức chế tạo vũ khí, mà từ Nam đến Bắc ta đã thắng nhiều trận vẻ vang. Chính bọn thực dân cũng phải nhận rằng quân đội ta rất tiến bộ và quân đội Pháp không thể nào thắng được ta.
– Ngoài ba việc chính ấy, đồng bào ta còn thi đua nhiều mặt khác và thành tích cũng không kém vẻ vang. Đây tôi chỉ nhắc vài thí dụ:
Các đoàn thể và cá nhân thì thi đua đỡ đầu bộ đội và dân quân. Như tỉnh Hà Tĩnh đã quyên giúp hàng mấy chục triệu.
Các cụ, các bà thì thi đua tham gia Hội mẹ chiến sĩ.
Nhân dân thì thi đua mua công phiếu kháng chiến, thi đua góp đảm phụ kháng chiến và nộp thuế. Riêng chị em phụ nữ cũng thi đua góp phần đảm phụ kháng chiến, dù được Chính phủ miễn góp.
Các đồng bào điền chủ thì thi đua giảm địa tô, có người giảm đến 50 phần 100, và thi đua quyên ruộng, có người quyên từ năm sáu trăm đến hơn 2000 mẫu.
Các cụ phụ lão và chị em phụ nữ thì thi đua tổ chức đội du kích.
Các cháu thanh niên thì thi đua tòng quân.
Cán bộ trong các cơ quan thì thi đua sửa đổi cách làm việc cho hợp lý hơn.
Các cháu nhi đồng thì thi đua học tập và giúp mọi công việc. Có nhiều cháu đã gửi tiền nhờ tôi góp vào quỹ kháng chiến.
Kiều bào ở nước ngoài và đồng bào trong vùng tạm bị chiếm cũng đều tuỳ hoàn cảnh mà thi đua.
Nói tóm lại: Mọi người đều thi đua, mọi việc đều có thi đua, và đều có thành tích. Nhân dịp này tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn và khen ngợi đồng bào và chiến sĩ.
Vì nhiều thành tích cho nên chúng ta càng thấy rõ nhiều khuyết điểm. Tôi nêu ra đây những khuyết điểm chính để chúng ta cùng nhau sửa chữa:
Còn nhiều nơi nhân dân, mà trước hết là cán bộ, chưa hiểu thật rõ ràng ý nghĩa của phong trào Thi đua ái quốc. Do đó mà có những khuyết điểm như sau:
– Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua. Thí dụ: Từ trước đến giờ ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, mặc, ở cho sạch sẽ, cho hợp vệ sinh, cho khỏi đau ốm.
Xưa nay ta vẫn làm ruộng. Nay ta thi đua làm cho đất ruộng tốt hơn, sản xuất nhiều hơn.
Mọi việc đều thi đua như vậy.
– Tưởng lầm rằng thi đua chỉ nhất thời. Thật ra thi đua là phải trường kỳ. Ta phải thi đua để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Nhiều nơi đặt những kế hoạch thi đua không sát với hoàn cảnh, không sát với địa phương.
Nơi thì đặt kế hoạch to quá, rồi làm không nổi.
Nơi thì ban đầu làm quá ồ ạt, đến nỗi ít lâu thì đuối sức đi, không tiếp tục thi đua được.
Nơi thì mỗi một đoàn thể, mỗi một ngành đều có một kế hoạch riêng mà các kế hoạch thì không ăn khớp với nhau. Thành thử “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Nhân dân thì bù đầu, không đủ sức mà theo cả các kế hoạch và không biết nên theo kế hoạch nào.
Nhiều nơi có kinh nghiệm, hoặc kinh nghiệm thành công hoặc kinh nghiệm thất bại, nhưng không biết trao đổi cho nơi khác, để tránh cái dở, học cái hay của nhau.
Nơi thì các ban vận động thi đua chỉ biết làm theo chỉ thị cấp trên. Trung ương gửi chỉ thị thế nào, khu cứ nguyên văn gửi xuống tỉnh, tỉnh cứ nguyên văn gửi xuống huyện, huyện cứ như thế gửi xuống xã. Chứ không biết điều tra kỹ lưỡng, áp dụng thiết thực.
Đó là những khuyết điểm chính mà chúng ta phải sửa chữa và quyết sửa chữa được. Điều cần thiết nhất, là phải giải thích kỹ càng cho mỗi một người dân hiểu rõ rằng: Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình và ích lợi cho làng, cho nước, cho dân tộc thế nào. Mỗi người dân đều hiểu rõ thì tất cả mọi khó khăn đều giải quyết được, tất cả mọi khuyết điểm đều sửa chữa được.
Hiện nay, kháng chiến đã đến thời kỳ đẩy mạnh cuộc cầm cự, chuẩn bị tổng phản công, thì phong trào Thi đua ái quốc cũng phải nhằm vào mục đích ấy. Vì vậy, chương trình thi đua trong giai đoạn này vẫn là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Nhưng tiến lên một bước mạnh hơn.
Về văn hoá, những nơi đã diệt xong nạn mù chữ thì phải thi đua học thêm nữa.
Những nơi khác thì phải thi đua diệt cho xong nạn mù chữ.
Các nhà văn nghệ thì thi đua sáng tác. Các nhà chuyên môn thì thi đua phát minh.
Về kinh tế, thì thi đua làm cho dân và quân đủ ăn, đủ mặc, đủ dùng, để đánh giặc.
Về quân sự, Vệ quốc quân và dân quân du kích thì thi đua rèn luyện cán bộ, chấn chỉnh quân đội. Các công xưởng thì thi đua chế tạo vũ khí cho nhiều, cho mau, cho tốt.
Ngoài ra, tất cả mọi việc ích lợi cho dân sinh quốc kế, quan hệ với kháng chiến kiến quốc, ta đều phải thi đua. Thi đua phải là toàn dân, toàn diện.
Trong các việc thi đua ái quốc, cần phải nêu rõ tinh thần cần, kiệm, liêm, chính.
Khẩu hiệu Thi đua ái quốc, hiện nay là: Tất cả để chiến thắng. Chiến thắng giặc thực dân. Chiến thắng giặc dốt. Chiến thắng giặc đói. Chiến thắng mọi tính xấu trong mình ta.
Tôi chắc rằng với kinh nghiệm thi đua năm vừa qua, với lòng hăng hái của đồng bào và chiến sĩ, với hồng phúc của Tổ quốc, Thi đua ái quốc nhất định thành công to, cũng như trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi to.
Mong toàn thể đồng bào và chiến sĩ cố gắng lên!
Đồng bào và chiến sĩ lại phải nhớ rằng: Trong mùa Xuân vừa qua giặc Pháp bị ta đánh bại nhiều trận. Âm mưu chúng dùng bọn bù nhìn để lừa gạt đồng bào ta cũng thất bại. Cho nên Thu Đông này, chúng ra sức thu góp lực lượng, mở những cuộc tấn công mạo hiểm và bất thình lình; chúng mong dùng quân sự để giải quyết nguy cơ của chúng. Chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trước. Tôi thường nói: Càng gần thắng lợi thì càng nhiều khó khăn. Tôi mong toàn thể đồng bào và chiến sĩ hăng hái thi đua vượt qua mọi sự khó khăn, để mà tranh lấy thắng lợi.
Nước ta sẽ độc lập và thống nhất thật sự.
Dân ta sẽ no ấm và giàu mạnh thật sự.
Chào thân ái và quyết thắng
HỒ CHÍ MINH
5. Lời kêu gọi đồng bào tăng gia sản xuất (Báo Cứu quốc, số 1488, ngày 6-3-1950) – (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxbctqg, Xb lần thứ ba, tập 6, tr324).
Cùng đồng bào toàn quốc,
Năm nay là năm chuyển mạnh sang tổng phản công, bộ đội và nhân dân sẽ cần nhiều lúa thóc, hoa màu, thịt cá, bông vải.
Năm nay cũng là năm mà giặc đánh thua cố phá hoại tài sản mùa màng của ta nhiều hơn.
Vậy trong lúc ở mặt trận, bộ đội và dân quân hăng hái đánh giặc để chuyển mạnh sang tổng phản công, đồng bào ở hậu phương có nhiệm vụ:
1. Thi đua tăng gia sản xuất; chăn nuôi thêm súc vật, giồng thêm nhiều thóc lúa, hoa màu, bông, rau. Trai, gái, già, trẻ, mỗi người đều phải cố gắng, người đã tăng gia sản xuất sẽ tăng gia sản xuất nhiều hơn, người chưa tăng gia sản xuất sẽ phải tăng gia sản xuất. Chúng ta quyết thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân canh tác, bốn mùa canh tác.
2. Thi đua tiết kiệm, tránh xa xỉ, phí phạm, để dành lương thực cho bộ đội hoặc cho những lúc túng thiếu.
Làm hai việc trên là góp sức vào công việc chuyển mạnh sang tổng phản công.
Tôi mong đồng bào cố gắng.
Chào thân ái và quyết thắng
Ngày 1 tháng 3 năm 1950
HỒ CHÍ MINH
6. Thi đua ái quốc, hiện tại và tương lai vẻ vang của nước ta (Báo Nhân Dân, số 15, ngày 5-7-1951) – (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxbctqg, Xb lần thứ ba, tập 7, tr108)
Thi đua ái quốc nhằm ba mục đích chính: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Tức là làm cho nhân dân no, ấm, biết chữ, làm cho Tổ quốc độc lập, tự do.
Muốn đạt mục đích ấy, người người phải thi đua, ngành ngành phải thi đua. Ai làm việc gì, nghề gì cũng thi đua làm cho nhanh, cho tốt, cho nhiều. Chiến sĩ thì thi đua diệt giặc lập công, đồng bào thì thi đua tăng gia sản xuất.
Sau một thời kỳ tìm tòi và chuẩn bị, và mặc dầu gặp nhiều khó khăn, thi đua ái quốc của ta đã có kết quả đầu tiên. Kết quả tuy còn nhỏ, nhưng nó như con én báo hiệu mùa xuân. Nó là cái đà cho kết quả to lớn sau này.
Về bộ đội, thi đua đã đem lại những trận thắng lợi ở Biên giới, ở Trung du, ở Bình Trị Thiên, ở Liên khu III, v.v..
Về nông nghiệp, thi đua đã làm cho đồng bào ta tránh khỏi nạn đói. Ta đã có những chiến sĩ nông nghiệp kiểu mẫu.
Về công nghiệp, thì trong đợt thi đua để chúc thọ Hồ Chủ tịch, mừng Mặt trận Liên – Việt và Đảng Lao động Việt Nam (đợt đầu của phong trào thi đua sản xuất, lập công, đề cao chiến sĩ), anh chị em công nhân đã đạt được nhiều thành tích. Những thành tích đó, xem qua có vẻ khô khan, nhưng xem kỹ thì rất thú vị. Như một cái vườn mênh mông, tươi tốt, mới có một vài nụ hoa chớm nở, song chắc rồi đây vườn sẽ khai hoa kết quả đầy cả góc trời.
Trong 19 xí nghiệp, năng suất chung đã tăng từ 11,35% đến 80%. Riêng từng ban, thì có ban tăng đến 260%. Tính từng người, thì có người tăng đến 290%.
Theo lời anh chị em công nhân, sở dĩ được như vậy là:
– Nhờ có kế hoạch thiết thực và có kiểm điểm hằng ngày, phê bình và bổ khuyết kịp thời.
– Vì cố gắng, biết xếp đặt công việc ngăn nắp, chịu khó tìm tòi, có sáng kiến.
Những điều đó, cố gắng làm thì được, chứ đâu phải như chuyện “đội đá vá trời”. Dưới đây, xin kể vài thí dụ:
Anh Nguyễn Khắc Chỉnh, biết xếp lại nồi hơi, công việc đã dễ dàng hơn, mỗi ngày lại tiết kiệm được 200 cân than.
Anh Hồ Bá Cương, dùng cào sắt thay cào gỗ, mỗi ngày tiết kiệm được 15 cân vôi.
Anh Đỗ Văn Trị, thợ rèn, biết cách sắp đặt, công việc cả ban khi trước phải làm 32 giờ, nay chỉ cần 12 giờ.
Chị Hạnh, thợ giấy, biết hợp lý hoá việc xeo giấy, trước kia 5 động tác, nay chỉ cần 3, trước kia một ngày được 700 tờ, nay được 1.594 tờ.
Xưởng dệt Độc lập, ban mắc, trước kia một ngày được 216 thước, nay được 318 thước.
Ban cắt xưởng quân nhu, nhờ tính toán kỹ lưỡng, dôi được bốn phần trăm vải cho bộ đội.
Nói tóm lại: Vì sự cố gắng của các nam nữ chiến sĩ lao động, mà tiết kiệm được vật liệu, tiết kiệm được thời giờ, đỡ được khó nhọc, đồng thời sản xuất được nhiều lương thực, nhiều súng ống, nhiều vải, nhiều giấy cho bộ đội và nhân dân. Đó chẳng phải là hiện tại và tương lai tốt đẹp ư?
Nếu mọi người đều cố gắng thi đua, thì công việc tiêu diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm sẽ mau đến ngày hoàn toàn thắng lợi.
Trong phong trào thi đua này, anh em công chức, giáo viên, học sinh các nơi như Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Cạn, v.v., đều hăng hái tham gia việc sửa đường, đào kênh và đã có thành tích khá. Thế là trí thức lao động hoá. Đó là một điều đáng khen ngợi và nên khuyến khích cho phát triển thêm.
Trong thành công, ta vẫn thấy còn khuyết điểm. Những khuyết điểm chính là:
Hướng dẫn thiếu thống nhất.
Chương trình còn nhiều nơi chưa sát.
Kế hoạch thiếu chu đáo, tỉ mỉ.
Biết làm nhanh, nhưng chưa biết làm tốt.
Thi đua nơi thì thiếu bền bỉ, nơi thì làm quá sức, nơi thì chưa tự động.
Đó là vì tư tưởng thi đua chưa thấm nhuần, thấu suốt mọi người, vì cán bộ giải thích kém.
Chúng ta phải sửa chữa ngay những khuyết điểm ấy, để đẩy phong trào thi đua lên cao hơn nữa, rộng khắp hơn nữa, và đạt những kết quả to lớn và tốt đẹp hơn nữa.
C.B.
7. Thư gửi thanh niên về thi đua ái quốc (Báo Nhân Dân, số 22, ngày 23-8-1951) – (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxbctqg, Xb lần thứ ba, tập 7, tr145)
Thân ái gửi các cháu thanh niên cả nước,
Từ hôm 19-5 đến nay, Bác liên tiếp nhận được thư của các cháu.
Những thư ấy, hoặc là của từng nhóm như bộ đội, nhà máy, trường học, cơ quan…, hoặc là riêng của từng cháu.
Nếu trả lời riêng cho mỗi nhóm, mỗi cháu, như ý muốn của Bác, mà cũng là ý muốn của các cháu, thì Bác phải có hàng trăm thư ký giúp, và hàng chục tạ giấy! Vì chính sách tiết kiệm nên Bác trả lời các cháu bằng một thư chung này.
Trong thư, các cháu đều báo cáo thành tích thi đua ái quốc. Bác rất vui lòng vì, hoặc nhiều hoặc ít, cháu nào cũng có thành tích. Thí dụ:
Cháu Nguyễn Thị Thành, xưởng X.P. (Công đoàn Lê Hồng Phong), tăng năng suất 330 phần trăm.
Cháu Nguyễn Thị Giao Tiên, xưởng X.B. (Công đoàn Bông Lau), tăng năng suất hơn 200 phần trăm.
Cháu Nguyễn Hữu Bắc, Trung đoàn X., được bầu làm chiến sĩ anh hùng (24 tuổi, bị thương bốn lần, được khen thưởng 6 lần).
Còn nhiều, nhiều cháu có thành tích khác, Bác không thể kể hết. Lại có những thành tích chung, như các cháu học sinh các trường đã thi đua tham gia việc sửa đường, công trái, bình dân học vụ; hoặc như các cháu thanh niên xung phong hăng hái giúp việc các chiến dịch, vận tải, sửa đường, v.v.. Nói tóm lại, các cháu đã thi đua khá. Đó là ưu điểm đáng khen.
Song nói chung, các cháu vẫn còn nhiều khuyết điểm trong thi đua. Để sửa chữa những khuyết điểm ấy, để tranh lấy những thành tích to lớn, Bác giúp các cháu vài ý kiến sau đây:
1. Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững. Nghĩa là phải nâng cao lòng nồng nàn yêu nước và giác ngộ chính trị của mọi người. Yêu nước thì phải thi đua, thi đua tức là yêu nước.
2. Phải có kế hoạch tỉ mỉ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm. Nghĩa là phải sao cho mỗi nhóm, mỗi người tự giác tự động.
3. Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực. Khi đặt kế hoạch phải tuyệt đối tránh sự sơ suất “đại khái”, quá cao, phiền phức, miễn cưỡng.
4. Thi đua không nên thiên về một phía. Phải điều hoà 3 nhiệm vụ với nhau: Tăng gia sản xuất, công việc hằng ngày và học tập (chính trị, văn hoá, tình hình trong nước và thế giới).
5. Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng. Trước khi thi đua phải chuẩn bị đầy đủ (giải thích, cổ động, xét kỹ kế hoạch mỗi nhóm, mỗi người). Trong lúc thi đua, phải thiết thực đôn đốc, giúp đỡ, sửa đổi. Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi.
6. Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm. Và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi. Vì vậy, thật thà tự phê bình và thân ái phê bình là một lực lượng để đẩy mạnh thi đua.
7. Thi đua phải lâu dài và rộng khắp, không phải chỉ trong một thời gian nào (những ngày kỷ niệm là những đợt để lấy đà và để kiểm thảo, chứ không phải qua những ngày ấy rồi lại nghỉ thi đua), không phải chỉ riêng ngành nào, nhóm người nào. Vì vậy, trong thi đua, chúng ta phải đồng thời bồi bổ lực lượng và tinh thần của quần chúng.
Đó là mấy điểm chính. Nếu các cháu làm đúng như vậy, thì chắc các cháu sẽ có thành tích to hơn, nhiều hơn nữa.
Bác mong các cháu nghiên cứu kỹ những điểm đó, rồi báo cáo kết quả cho Bác biết.
Về thanh niên nông dân, phải đặc biệt cố gắng trong vụ mùa thắng lợi. Riêng về thanh niên trong bộ đội, Bác mong các tiểu đoàn, trung đoàn và đại đoàn trực tiếp gửi cho Bác những danh sách các chiến sĩ được bầu làm anh hùng thanh niên (trong 30 tuổi, tên tuổi và công trạng).
Bác hôn các cháu, chúc các cháu vui vẻ thi đua và lượm được nhiều thành tích vẻ vang.
Ngày 1 tháng 8 năm 1951
BÁC HỒ
8. Bài nói tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc (Nói ngày 1-5-1952. Báo Nhân Dân, số 57, ngày 8-5-1952) – (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxbctqg, Xb lần thứ ba, tập 7 tr402)
MỤC ĐÍCH THI ĐUA
Do thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm mà Liên Xô đang xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Do thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm mà các nước dân chủ nhân dân Đông Âu xây dựng chủ nghĩa xã hội, Trung Quốc xây dựng chủ nghĩa dân chủ mới.
Nhân dân ta thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm để cải thiện đời sống tinh thần và vật chất của quân và dân, cung cấp đầy đủ cho kháng chiến, chuẩn bị chuyển sang tổng phản công. Quân đội ta thi đua diệt giặc lập công để tiêu diệt nhiều sinh lực địch, chuẩn bị chuyển sang tổng phản công, để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, hoàn thành dân chủ mới, tiến lên chủ nghĩa xã hội.
TÌNH HÌNH THI ĐUA MẤY NĂM VỪA QUA
Thi đua khởi đầu từ 1948.
– Bộ đội: Thi đua khá, đều khắp, nhất là sau những cuộc chỉnh huấn. Kết quả rõ trong những trận thắng lợi liên tiếp trước mặt và sau lưng địch.
– Công nghệ: Tinh thần, kỷ luật, tổ chức khá, sáng kiến nhiều, năng suất cao. Nhưng không đều, thiếu thường xuyên, liên tiếp. Ngành vận tải tiến chậm. Các xưởng tư thi đua kém.
– Nông nghiệp : Thi đua trong vụ mùa thắng lợi khá. Đã biết thi đua từng đợt, làm tập thể. Một vài nơi đã biết đặt kế hoạch từng gia đình, từng thôn xóm. Nhưng chưa đều, chưa khắp, thiếu liên tiếp.
– Lao động trí óc: Cán bộ chuyên môn thi đua khá. Nhưng còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Thi đua diệt giặc dốt khá. Nhưng nói chung thì ngành văn hoá giáo dục tiến chậm.
– Các cơ quan: Có chương trình, phương hướng, cố gắng. Nhưng chưa đều, chưa có nề nếp, thiếu liên tiếp.
– Thanh niên: Đã xung phong trong bộ đội, dân công và công nghệ (thí dụ những đội thanh niên xung phong lao động). Nhưng ở nông thôn, thanh niên chưa làm nổi bật vai trò xung phong.
– Về mặt lãnh đạo: Quân đội, công đoàn, nông hội khá. Nhưng còn phải cố gắng nhiều nữa. Hội phụ nữ và Đoàn thanh niên chưa đi thật sát với quần chúng.
Nói tóm lại: Thi đua các ngành đều có tiến bộ hoặc ít hoặc nhiều. Nhưng ngoài bộ đội, thì khuyết điểm chung là thiếu liên tiếp, rộng khắp và chưa biết gắn liền với học tập chính trị.
Từ nay, phải phát triển những ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm. Những ngành thi đua đã khá thì phải cố gắng thêm. Những ngành còn kém thì phải cố gắng theo cho kịp phong trào.
NỘI DUNG THI ĐUA
Thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm thì:
– Tăng năng suất: làm mau, làm tốt, làm nhiều.
– Ra sức tiết kiệm: nguyên liệu, vật liệu, sức lao động, thì giờ.
Tiết kiệm để giúp tăng gia. Tăng gia để thực hiện tiết kiệm. Một thí dụ: Nguyễn Đăng Đại làm giây mìn, một tháng tiết kiệm được 50 lít xăng, 14 kilô cánh kiến, 140 thước vải, một số nhân công, mà năng suất vẫn cao hơn, chất lượng vẫn tốt hơn trước.
Thi đua diệt giặc lập công thì:
– Luyện tập giỏi,
– Diệt nhiều địch,
– Khắc phục khó khăn, chấp hành mệnh lệnh, làm tròn nhiệm vụ.
Có người tưởng lầm bộ đội chỉ có nhiệm vụ diệt giặc lập công, không trực tiếp tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Nói thế không đúng. Bộ đội đánh thắng trận, quý trọng chiến lợi phẩm, thế là tăng gia sản xuất. Bộ đội quý trọng của công, quý trọng quân trang quân dụng, thế là tiết kiệm. Còn bộ đội ở hậu phương, các ngành quân nhu, quân giới, quân y, vận tải, v.v., càng phải thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Trong việc sử dụng dân công, càng phải tiết kiệm để đồng bào hậu phương đủ lực lượng và ngày giờ đặng thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm.
CÁCH THI ĐUA
– Trong bộ đội thì phát huy quân sự dân chủ.
– Các ngành thì nâng cao kỹ thuật.
– Gom góp sáng kiến. Rút kinh nghiệm, tổng kết kinh nghiệm, trao đổi và phổ biến kinh nghiệm.
Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung cho cả dân tộc. Chúng ta phải ra sức làm cho nó dồi dào thêm và lan rộng mãi. Đầu thì lan khắp một đơn vị, một nhà máy, một làng, v.v.. Dần dần lan khắp cả quân đội, cả ngành công nghệ, cả nước. Sáng kiến và kinh nghiệm cũng như những con suối nhỏ chảy vào sông to, những sông to chảy vào bể cả. Không biết quý trọng sáng kiến và phổ biến kinh nghiệm tức là lãng phí của dân tộc.
Việc phổ biến sáng kiến và kinh nghiệm là phận sự của quân đội, cả đoàn thanh niên, công đoàn và nông hội. Chính quyền cũng phải săn sóc giúp đỡ việc này.
Các báo chí và văn nghệ: phải điều tra tuyên truyền, khen ngợi những ưu điểm và phê bình những khuyết điểm trong việc phổ biến sáng kiến và kinh nghiệm. Đó là một nhiệm vụ vẻ vang của báo chí và văn nghệ thiết thực góp phần vào phong trào thi đua ái quốc.
MỨC THI ĐUA
Mức thi đua phải tiến dần dần và tiến mãi mãi.
Những người và những nhóm hiện nay đã đạt được mức cao, thì phải làm cho chất lượng tốt hơn nữa và phải gắng tiến lên nữa. Giúp đỡ những người và những nhóm còn kém theo cho kịp mức cao hiện nay.
Trí khôn, sáng kiến, học hỏi, tiến bộ và tinh thần hy sinh của người ta không có hạn, nó cứ tiến mãi. Cho nên mức thi đua cũng không có hạn, nó cũng tiến lên mãi.
Ai thi đua với ai ? Thi đua giữa người này với người khác, đơn vị này với đơn vị khác, điều đó ai cũng hiểu. Một điều nên nhắc là: ngành này có thể và nên thi đua với những ngành khác. Thí dụ: một đơn vị nông thôn có thể thi đua với một đơn vị bộ đội và một đơn vị công nghệ. Xã A và nhà máy B ký giao ước với bộ đội C, sẽ tăng gia và tiết kiệm bao nhiêu. Bộ đội C ký giao ước diệt nhiều giặc, cướp nhiều súng. Thế là công nông binh thi đua với nhau, cùng nhau tiến bộ.
Ý NGHĨA THI ĐUA
– Thi đua là đoàn kết: Trong phong trào thi đua, chúng ta thấy đủ các dân tộc: Kinh, Thổ, Mán, Mường, v.v., đủ các tín ngưỡng, lương có, giáo có, đủ các tầng lớp binh, công, nông, sĩ, đủ các hạng người già, trẻ, gái, trai, tất cả đều nhằm vào một mục đích chung: tăng gia sản xuất và diệt giặc lập công.
Trước kia anh em trí thức thì xa lao động chân tay. Công nông binh thì ai chỉ lo việc ấy. Giữa các hạng người, các tầng lớp, cảm tình chưa được thân mật. Nay phong trào thi đua đã làm phát triển tinh thần đoàn kết giữa tất cả các tầng lớp nhân dân. Thí dụ: muốn bộ đội đủ ăn mặc, đủ vũ khí, đánh mạnh, thắng nhiều, thì trí thức thi đua phát minh sáng chế, nông dân thi đua làm nhiều lúa nhiều bông, công nhân thi đua sản xuất nhiều súng đạn. Trong lúc thi đua diệt giặc lập công, thì bộ đội luôn luôn nhớ đến đồng bào và khuyến khích lẫn nhau: diệt sạch giặc đi, để đồng bào được làm ăn yên ổn.
Thế là thi đua tăng cường đoàn kết, mà đoàn kết đẩy mạnh thi đua. Đoàn kết ấy là đoàn kết thật sự và rất chặt chẽ.
Tôi muốn nhắc vài chuyện nho nhỏ, nhưng có ý nghĩa rất to: Bà cụ Năm (Cao Bằng), 83 tuổi, xung phong sửa đường. Cán bộ khuyên bà cụ nghỉ, thì bà cụ nói: “Càng già càng phải giúp kháng chiến. Sửa đường để bộ đội đi cho mau, giết cho nhiều giặc, thắng cho nhiều trận …”. Cháu Nguyễn Thị Giao Tiên (ngành quân dược) khuyến khích chị em: “Chúng ta phải thi đua chuẩn bị thuốc men cho mau và cho cẩn thận, để anh em bộ đội yên tâm đánh giặc …”. Đó là những lời mộc mạc do lòng tương thân tương ái, do tinh thần đoàn kết từ đáy lòng thốt ra. Đó là những đoạn văn chương mới mẻ và tươi sáng do phong trào thi đua và cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta nảy nở ra.
– Thi đua là yêu nước: Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực. Các chiến sĩ thi đua đều tăng năng suất từ gấp rưỡi trở lên. Nếu ta cứ tính đổ đồng mỗi chiến sĩ đều tăng năng suất gấp đôi, nếu tất cả những người lao động nước ta – bộ đội, công, nông, lao động trí óc – đều thi đua và đều tăng năng suất gấp đôi, thì kết quả sẽ thế nào ?
Kết quả là lực lượng của ta về mọi mặt đều tăng gấp đôi. Ta sẽ diệt giặc gấp đôi, thắng lợi gấp đôi. Kết quả là kháng chiến sẽ thắng lợi gấp đôi, kiến quốc sẽ thành công gấp đôi. Kết quả là dân giàu nước mạnh.
Cho nên chúng ta nói: thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất.
– Thi đua là tinh thần quốc tế: Nhân dân Liên Xô, Trung Quốc và các nước bạn khác cho chúng ta nhiều kinh nghiệm thi đua. Chúng ta học nhiều kinh nghiệm thi đua ở các nước bạn, và ta sẽ cố gắng thi đua với các nước bạn để cùng các nước bạn tiến bộ. Đó là tinh thần quốc tế.
Nhân dân và báo chí các nước bạn vui mừng khi họ nghe những thành tích của phong trào thi đua của ta. Cũng như ta vui mừng khi nghe những thắng lợi trong phong trào thi đua của các nước bạn. Đó là tinh thần quốc tế.
Tinh thần quốc tế chân chính ấy tỏ rõ trong những lời nói và việc làm của các chiến sĩ thi đua. Một thí dụ: Một nhóm chiến sĩ trồng bông Trung Quốc đến thăm các chiến sĩ thợ dệt ở một nhà máy vải, rồi họ vui vẻ nói: “Chúng tôi ra sức thi đua trồng cho nhiều bông, các đồng chí thi đua dệt cho nhiều vải. Rồi chúng ta tha hồ cung cấp cho đồng bào Trung Quốc, và tha hồ giúp cho anh em Triều Tiên và Việt Nam tự lực cánh sinh”.
Lại như trong số chiến sĩ thi đua của ta, có những chiến sĩ Hoa kiều. Như đồng chí Voòng Dùng Hính là một lão chiến sĩ gương mẫu, luôn luôn hăng hái thi đua; hăng hái ủng hộ kháng chiến. Đó là tinh thần quốc tế.
Thi đua chẳng những bồi dưỡng tinh thần đoàn kết và tinh thần yêu nước của dân tộc ta, mà lại làm cho nhân dân ta đoàn kết với nhân dân lao động thế giới.
– Thi đua là góp sức giữ gìn hoà bình và dân chủ thế giới. ở các nước đế quốc, không bao giờ có và không thể có phong trào thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Vì nhân dân lao động các nước ấy không dại gì mà làm lợi cho những giai cấp bóc lột họ, áp bức họ. Không thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm mà các nước ấy đã có hàng triệu người bị thất nghiệp. Một nước tự xưng giàu có nhất thế giới như Mỹ, đã có hơn 12 triệu công nhân thất nghiệp. Nếu thi đua thì nhân dân lao động ở các nước ấy sẽ thất nghiệp nhiều hơn nữa.
– Thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm chỉ có ở Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam và các nước dân chủ mới khác. Thi đua diệt giặc lập công chỉ có trong các quân đội cách mạng. Vì ở nước ta và các nước bạn ta, vì trong quân đội cách mạng, nhân dân và quân đội thi đua là lợi ích cho mình, cho cả dân tộc mình. Do thi đua mà phe hoà bình và dân chủ kinh tế ngày càng thịnh vượng, lực lượng ngày càng to lớn, làm cho phe đế quốc gây chiến do Mỹ cầm đầu phải nhụt lại.
Quân và dân ta thi đua để đẩy mạnh kháng chiến chống thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ. Ta tiêu diệt lực lượng đế quốc Pháp và Mỹ, tức là ta thiết thực góp phần vào công cuộc giữ gìn hoà bình và dân chủ thế giới. Đó chính là tinh thần quốc tế của thi đua.
– Thi đua cải tạo con người : Lao động sáng tạo xã hội. Thi đua thì cải tạo con người.
Ngoài những ý nghĩa nói ở trên, càng hăng hái thi đua thì người chiến sĩ càng phải ra sức tìm tòi, học hỏi, cầu tiến bộ. Do sáng kiến và kinh nghiệm trong thi đua mà lao động chân tay nâng cao trình độ kỹ thuật của mình. Do thi đua mà lao động trí óc gần gũi, giúp đỡ, cộng tác và học hỏi những người lao động chân tay, và trở nên những người trí thức hoàn toàn. Thế là phong trào thi đua đã làm cho công nông binh trí thức hoá, và trí thức thì lao động hoá.
Những chiến sĩ thi đua ắt phải là những người giàu tinh thần trách nhiệm. Thường có những người hay kể công lao, hay mặc cả với kháng chiến, với dân tộc. Họ hay suy nghĩ: “Ta đã làm được việc này việc nọ, nhưng kháng chiến và dân tộc đã bù đắp cho ta thế nào ?”. Chiến sĩ thi đua thì không kể công, không mặc cả với kháng chiến, với dân tộc. Họ luôn luôn tự hỏi: “Ta đã tăng năng suất được bao nhiêu, đã làm lợi cho kháng chiến, cho dân tộc như thế nào?”. Chiến sĩ thi đua lại có tinh thần vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Cho nên có thể nói: chiến sĩ thi đua là những người mới, những người luôn luôn cố gắng thực hành cần kiệm liêm chính, là những người tôi trung của nhân dân, con hiếu của Tổ quốc.
Để phát triển phong trào thi đua, chúng ta phải chống bệnh quan liêu, chống nạn tham ô, lãng phí. Vì bệnh quan liêu sẽ ngăn trở phong trào thi đua, làm nó chậm tiến, và nạn tham ô, lãng phí sẽ làm giảm bớt những kết quả của phong trào thi đua.
KẾT LUẬN
Phong trào thi đua là một trong những thắng lợi lớn của nhân dân ta trong mấy năm kháng chiến này. Nó sẽ làm đà cho những thắng lợi to hơn nữa, vẻ vang hơn nữa về quân sự, chính trị, kinh tế, v.v..
Vì vậy, nhiệm vụ của Chính phủ, của Mặt trận và các đoàn thể trong Mặt trận là phải đẩy mạnh phong trào thi đua lên cao hơn nữa và rộng khắp hơn nữa. Hiện nay, ta mới có hàng vạn chiến sĩ thi đua, từ nay chúng ta phải có hàng triệu chiến sĩ thi đua.
Nhiệm vụ của các chiến sĩ thi đua là phải cố gắng mãi, tiến bộ mãi. Phải khiêm tốn và gần gũi quần chúng, phải làm gương mẫu cho quần chúng. Phải học tập chính trị, phải gắn liền tinh thần thi đua với tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế. Tuyệt đối chớ tự kiêu tự mãn, chớ xa rời quần chúng. Phải luôn luôn nhớ rằng: thành tích là thành tích tập thể, anh hùng là anh hùng tập thể, chứ không phải là thành tích và anh hùng cá nhân. Đó là vinh dự chung của dân tộc, chứ không phải là vinh dự riêng của cá nhân.
Năm nay, Chính phủ và đoàn thể đã đặt kế hoạch tăng gia sản xuất và tiết kiệm, về quân sự thì có kế hoạch chỉnh huấn và tác chiến.
Chính phủ, đoàn thể, toàn thể quân và dân ta, nhất là các chiến sĩ thi đua, phải quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để thực hiện cho bằng được kế hoạch ấy. Chúng ta phải cố gắng để trong Đại hội chiến sĩ năm sau, chúng ta sẽ có những thành tích to lớn và vẻ vang hơn nữa và nhiều anh hùng chiến đấu, nhiều anh hùng lao động hơn nữa. Thế là:
Người người thi đua,
Ngành ngành thi đua,
Ta nhất định thắng,
Địch nhất định thua.
9. Điện gửi Đại hội liên hoan Chiến sĩ thi đua Nam Bộ (Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh) – (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxbctqg, Xb lần thứ ba, tập 8, tr525).
“Nhân dịp các chiến sĩ thi đua Nam Bộ họp Đại hội liên hoan, tôi thân ái chúc các đại biểu vui vẻ, mạnh khỏe, và làm việc có kết quả tốt.
Sau đây là vài ý kiến tóm tắt để giúp Đại hội nghiên cứu:
– Mục đích thi đua của mọi người, mọi ngành và mọi cơ quan là: Sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiết kiệm sức người, sức của, nâng cao mức sản xuất – để cải thiện đời sống của bộ đội, của nhân dân và của cán bộ; để đẩy mạnh công việc kháng chiến, kiến quốc.
– Cách thức thi đua – Kế hoạch phải thiết thực. Tổ chức phải hẳn hoi. Lãnh đạo phải chặt chẽ. Phân công phải rõ ràng. Mọi việc phải dân chủ. Thi đua phải bền bỉ.
– Quần chúng thi đua – Thi đua phải là một phong trào quần chúng rộng rãi. Các chiến sĩ phải là người kiểu mẫu, là những đầu tàu để giúp đỡ và lôi kéo những người khác cùng thi đua, cùng tiến lên. Hàng vạn người đều tăng gia sản xuất 10%, thì kết quả chung sẽ to hơn vài trăm chiến sĩ vượt mức 1.000%.
– Kinh nghiệm thi đua – Các cơ quan lãnh đạo phải thiết thực giúp đỡ và bồi dưỡng các chiến sĩ. Phải phổ biến những kinh nghiệm và sáng kiến hay. Phải thiết thực giúp đỡ đôn đốc những người hậu tiến theo kịp những chiến sĩ tiên tiến.
– Đánh thông tư tưởng – Muốn thi đua trở nên một phong trào sâu rộng, mọi người đều hăng hái tham gia, thì cần đánh thông tư tưởng của mọi người. Phải làm cho mọi người đều hiểu rõ thi đua là ích nước lợi nhà, thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua.
Đại hội nên chọn lọc kỹ lưỡng, bầu cử dân chủ những chiến sĩ và những đơn vị xuất sắc nhất trong các ngành, trình lên Chính phủ, Chính phủ sẽ khen thưởng.
Chúc Đại hội thành công.
Chào thân ái và quyết thắng
Tháng 6 năm 1954
HỒ CHÍ MINH
10. Nói chuyện tại Đại hội chiến sĩ thi đua nông nghiệp toàn quốc lần thứ III (Nói ngày 23-5-1958, Báo Nhân Dân, số 1534, ngày 25-5-1958) – (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxbctqg, Xb lần thứ ba, tập 11, tr414).
Dưới ách đế quốc và phong kiến, cuộc sống của nông dân chân lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối, mà đói vẫn hoàn đói, khổ vẫn hoàn khổ. Nay nông dân lao động đã được chia ruộng đất, đã làm chủ nông thôn, đời sống đã được cải thiện, nhưng chưa đủ. Thế thì phải làm thế nào?
Phải tổ chức nhau lại. Có tổ chức để tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, thì của cải chúng ta ngày càng nhiều, đời sống càng được cải thiện. Phải tổ chức để thi đua, thi đua để tăng gia sản xuất và phải biết tiết kiệm, sản xuất mà không tiết kiệm thì như gió vào nhà trống.
Muốn sản xuất tốt, phải chú ý đến: nhất nước, nhì phân, tam cần và tứ là cải tiến kỹ thuật. Trước hết chú ý đến nước là đúng, vì xứ ta hầu như năm nào cũng bị hạn, bị lụt, vì vậy chúng ta phải bắt buộc nước phục vụ nông nghiệp. Việc này chúng ta đã làm có kết quả hơn lúc còn đế quốc phong kiến, nhưng chưa đủ. Muốn chống hạn có kết quả, phải học kinh nghiệm của anh em Trung Quốc. Từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 9 năm nay, Trung Quốc dự định phát triển thuỷ nông cho 6 triệu mẫu tây mà mới đến tháng 3 năm 1958, đã làm được 18 triệu mẫu tây. Tỉnh Hà Nam có đến 87 phần trăm đất núi, ít sông, ít mưa, luôn luôn bị hạn hán mất mùa. Trước ngày giải phóng, đến mùa hè nhân dân ăn cả vỏ cây, rễ cỏ, chết đói hàng vạn, cho nên có câu ca dao:
Núi trọc như đầu bình vôi
Sông không có nước, nước hiếm hoi như vàng,
Hàng năm hạn hán tai hoang
Người người đói rách, làng làng xác xơ.
Hà Nam lại có nhiều khó khăn: thiếu sức người, thiếu kinh nghiệm, thiếu lương ăn. Nhân dân quen chờ trời Phật. Lại còn khó khăn phải đưa nước ngược lên núi.
Đề ra kế hoạch biến đổi tình hình đói khổ này, các cấp bộ Đảng từ tỉnh đến xã đã ra sức tuyên truyền giáo dục nhân dân tin tưởng sức người thắng được trời. Các cán bộ triệt để tin tưởng vào trí khôn và lực lượng của nông dân. Các cấp lãnh đạo lại thường xuyên điều tra nghiên cứu, đúc kết và phổ biến kinh nghiệm. Nhân dân khi đã hiểu rõ và được tổ chức lại, đều ra sức thi đua thực hiện vượt mức kế hoạch.
Về kỹ thuật, chú trọng tiểu thuỷ nông trước, tiến dần đến trung thuỷ nông và đại thuỷ nông. Mọi người góp sức, góp của, góp kinh nghiệm… quyết thực hiện cho kỳ được “chứa nước mưa, trữ nước sông, moi nước dưới đất lên” và “trồng cây trên núi, vỡ ruộng bậc thang, cải biến chất đất”. Nhân dân lại quyết “kéo dài ngày làm việc” bằng cách không lãng phí thì giờ, tranh thủ làm sớm về chậm, làm cả lúc mưa, nắng, rét. Ngày Tết, không phí ngày ăn chơi, nhân dân thực hiện “chúng ta ra ngoài đồng để vừa làm ruộng, vừa chúc Tết nhau cho Tết vui hơn”. Kết quả là một mẫu tây từ chỗ thu 7 tạ rưỡi (1949) lên hơn 14 tạ thóc, tổng thu hoạch từ 2 triệu 30 vạn tấn (1949) lên 5 triệu 5 vạn tấn. Kế hoạch dự định cho thuỷ nông là 61 triệu đồng, sau Chính phủ chỉ xuất 19 triệu, còn bao nhiêu đều do nhân dân tự lực góp sức, góp của. Từ tháng 10 năm 1957 đến tháng 1 năm 1958, nhân dân Hà Nam làm được 34 vạn mẫu tây, vượt kế hoạch năm 1957 đến 4 lần.
Được như thế là do đâu? Do nông dân hăng hái và có tổ chức, do cán bộ lãnh đạo tốt.
Ơn Đảng như mẹ như cha,
Mở mang thuỷ lợi, nhà nhà ấm no.
Ấm no không đợi trời cho,
Người làm ra nước, sức to hơn trời.
Công nhân nông trường quốc doanh Trung Quốc đã quyết không xin thêm tiền và vỡ hoang từ 5 triệu đến 6 triệu rưởi mẫu tây, trong khi kế hoạch của Chính phủ là 2 triệu rưởi mẫu tây. Anh em nông binh đi vỡ vùng đại sa mạc toàn cát sỏi, đã lập được 44 nông trường trồng trọt, 16 khu chăn nuôi và 99 công xưởng. Anh em phục viên quyết biến vùng Bắc Đại Hoàng ở Hắc Long Giang nhiều rừng và đất lầy thành kho thóc lớn của Tổ quốc. Các đồng chí nông binh, phục viên Trung Quốc đã không xin Chính phủ cho thêm máy, thêm tiền và đã bắt buộc rừng rậm, đất lầy, bãi cát thành những vùng giàu có.
Đất ruộng ta không xấu. Năng suất 1 mẫu tây từ 13 tạ thóc đã lên bình quân 18 tạ. Có thửa đột xuất đến 62 tạ. Bình quân 1 mẫu tây của xã Hiệp An là 32 tạ. Có kinh nghiệm của anh em Trung Quốc, có kinh nghiệm của bản thân ta, nhất định chúng ta làm được. Gốc của thắng lợi là tổ chức, trước hết là tổ đổi công cho tốt rồi tiến dần lên hợp tác xã nông nghiệp.
Phải phát triển tốt phong trào đổi công và hợp tác; phải thi đua tăng gia sản xuất thực hành tiết kiệm, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước. Các đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động phải vào tổ đổi công và hợp tác xã, phải là gương mẫu để làm tròn nhiệm vụ của đảng viên và đoàn viên.
Có tổ đổi công và hợp tác xã sẽ nâng cao sản xuất, thì nay có một bát cơm, một cái áo, mai sẽ có hai bát cơm, hai cái áo, như thế là góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nông dân ta đông người nhất, kinh tế nông nghiệp quan trọng nhất; nông dân ta đã anh hùng trong cách mạng, trong kháng chiến, trong cải cách ruộng đất, thì trong cuộc cách mạng biến đổi nông nghiệp từ thấp lên cao này, nông dân ta cũng phải là anh hùng.
Chúng ta phải học kinh nghiệm anh em Trung Quốc, thi đua với anh em Trung Quốc, theo kịp anh em Trung Quốc, tiến kịp anh em Liên Xô. Đã hứa thì phải làm, làm thì nhất định phải được. Nông dân ta phải thật sự tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước. Thêm một tấn thóc là thêm một lực lượng trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà, cho nên nói: Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua.
Cuối cùng, chúc các chiến sĩ vui vẻ, khoẻ mạnh, thực hiện tốt những điều đã hứa hẹn hôm nay, đưa phong trào đổi công và hợp tác xã lên bước tiến mới, lên chủ nghĩa xã hội trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.
11. Lời chào mừng Đại hội Anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ II (Đọc ngày 7-7-1958. Báo Nhân Dân, số 1578, ngày 8-7-1958) – (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxbctqg, Xb lần thứ ba, tập 11, tr494)
Thưa các đồng chí,
Tôi thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ nhiệt liệt chào mừng các anh hùng và chiến sĩ và thân ái gửi lời hỏi thăm những chiến sĩ và những anh chị em lao động chân tay và trí óc các ngành và các nơi đang hăng hái tham gia thi đua yêu nước.
– Ở Đại hội lần thứ nhất có bảy anh hùng, trong đó có bốn Anh hùng quân đội, và 150 Chiến sĩ thi đua. Đại hội lần này, chúng ta có 26 Anh hùng lao động và 69 Anh hùng quân đội và 446 chiến sĩ thay mặt cho hơn 42.700 Chiến sĩ thi đua.
Thế là rất tốt. Con số đó chứng tỏ sự tiến bộ không ngừng của nhân dân ta, quân đội ta, chế độ ta.
– Ở Đại hội này, chúng ta có anh hùng và chiến sĩ lao động chân tay và trí óc đủ các ngành và các dân tộc anh em.
Thế là rất tốt. Nó chứng tỏ sự đoàn kết chặt chẽ và sự cố gắng toàn diện của nhân dân lao động ta.
– Ở Đại hội này, trong số 26 Anh hùng lao động, có 5 phụ nữ.
Thế là rất tốt. Nó chứng tỏ sự cố gắng và tiến bộ của phụ nữ ta và chứng tỏ dưới chế độ ta, nam nữ thật sự bình quyền.
– Ở Đại hội này có 6 Anh hùng và nhiều chiến sĩ là đồng bào miền Nam tập kết.
Thế là rất tốt. Nó chứng tỏ rằng đồng bào và cán bộ miền Nam tập kết ở đây đang ra sức góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững chắc cho sự nghiệp thống nhất nước nhà. Điều này sẽ có ảnh hưởng rất tốt đến đồng bào ta ở miền Nam.
– Trong hàng ngũ vẻ vang các Chiến sĩ thi đua, có nhiều đồng chí bộ đội phục viên, thương binh và gia đình liệt sĩ.
Thế là rất tốt. Nó chứng tỏ rằng anh em thương binh và bộ đội phục viên đã tiếp tục và phát triển truyền thống anh dũng trong thời kỳ kháng chiến vào trong công cuộc xây dựng hoà bình và các gia đình liệt sĩ cũng cố gắng để góp phần vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
– Ở Đại hội này lại có một Anh hùng và nhiều chiến sĩ là người dân các nước anh em lao động ở nước ta.
Thế là rất tốt. Nó chứng tỏ tinh thần quốc tế cao cả của giai cấp lao động.
*
* *
Dưới chế độ tư bản, thực dân và phong kiến quyết không thể có phong trào thi đua yêu nước, vì giai cấp lao động không dại gì mà ra sức thi đua làm giàu thêm cho bọn chủ để rồi lại bị chúng áp bức bóc lột thêm.
Chỉ có dưới chế độ dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa, dưới chế độ mà nhân dân lao động làm chủ nước nhà, thì mới có phong trào thi đua.
Phong trào thi đua yêu nước ở ta ngày càng phát triển vì nhân dân ta đã làm chủ nước nhà, vì nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một thành viên trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa, vì ta được sự giúp đỡ vô tư của các nước anh em, trước hết là Liên Xô và Trung Quốc.
Về thi đua yêu nước, trong khuôn khổ và khả năng của chúng ta, chúng ta phải học tập phong trào thi đua của Trung Quốc, cố gắng tiến kịp Trung Quốc, rồi cố gắng tiến kịp Liên Xô.
Hiện nay, ở Liên Xô hầu hết việc làm công nghiệp và nông nghiệp đều làm bằng máy. ở Trung Quốc thì vừa phát triển máy móc, vừa tận dụng sức người. Vì vậy, tôi muốn nêu lên vài kinh nghiệm thi đua ở Trung Quốc để chúng ta nghiên cứu, học tập.
ở Trung Quốc, tất cả các ngành kinh tế và văn hoá đều đang hăng hái thi đua và đã thực hiện khẩu hiệu “nhiều, nhanh, tốt, rẻ”. Kế hoạch sản xuất công nghiệp do Chính phủ giao xuống, công nhân đều hoàn thành gấp rưỡi, gấp đôi, mà không xin thêm máy, thêm tiền, thêm người. Nhiều xí nghiệp còn giảm bớt số người chuyển sang xí nghiệp mới.
Trong phong trào thi đua, nhiều chiến sĩ đã cải tiến kỹ thuật và tăng năng suất đến mức xưa nay chưa từng có.
Có những tiến bộ nhảy vọt đó, một mặt là vì mọi người lao động đều tư tưởng thông suốt, hăng hái thi đua; một mặt là vì sựlãnh đạo thiết thực và toàn diện.
Ở xí nghiệp thì các cán bộ lãnh đạo của chi bộ, của đoàn thanh niên, của công đoàn và giám đốc đều trực tiếp tham gia sản xuất. ở nông thôn thì các đồng chí đó phải tự tay làm ruộng thí nghiệm và trực tiếp tham gia lao động trong các hợp tác xã nông nghiệp. Như vậy, cán bộ vừa lãnh đạo chính trị, vừa lãnh đạo sản xuất một cách chặt chẽ. Cán bộ và quần chúng hoà thành một khối cho nên mọi vấn đề đều giải quyết tốt và nhanh.
Đó là tóm tắt những kinh nghiệm quý báu mà chúng ta cần học tập và áp dụng.
*
* *
Anh hùng, chiến sĩ thi đua đã là những người tiên phong trong sản xuất, mà cũng là gương mẫu về đạo đức cách mạng. Họ đặt lợi ích chung của dân tộc trên lợi ích riêng của cá nhân. Họ toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân chứ không phải nửa tâm nửa ý. Họ không sợ khó nhọc, ra sức vượt mọi khó khăn để hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao cho họ, chứ họ không suy bì hơn thiệt của cá nhân, không ganh tị về địa vị và hưởng thụ. Họ không giấu nghề, không dìm những anh em chung quanh mình, họ giúp đỡ mọi người cùng tiến bộ. Họ không tự kiêu, tự mãn, tự tư tự lợi.
Đó là những đức tính cách mạng mà chúng ta cần phải học tập các anh hùng, chiến sĩ thi đua.
Các anh hùng, chiến sĩ thi đua thì cần nhận rõ rằng: Thành tích là thành tích chung của tập thể. Tách rời tập thể thì dù tài giỏi mấy, một cá nhân cũng không làm được gì. Cho nên càng có thành tích, thì càng phải cố gắng, càng phải khiêm tốn. Tuyệt đối chớ tự mãn, tự túc. Vì vậy, các anh hùng, chiến sĩ cần phải luôn luôn cố gắng và khiêm tốn.
Các anh hùng và chiến sĩ thi đua cần phải luôn luôn dắt dìu, giúp đỡ những người chung quanh mình cùng tiến bộ. Mọi người đều phải cố gắng tiến kịp các anh hùng, chiến sĩ; anh hùng, chiến sĩ thì cần tiến mãi không ngừng. Như vậy, thì Đại hội lần sau chúng ta sẽ có hàng trăm anh hùng, hàng chục vạn chiến sĩ. Như vậy thì kế hoạch Nhà nước năm nay cũng như kế hoạch 3 năm chắc chắn sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Như vậy, đời sống của nhân dân ta chắc chắn sẽ cải thiện hơn nữa. Như vậy, chúng ta sẽ vững bước tiến dần lên chủ nghĩa xã hội và nhất định thắng lợi trong sự nghiệp thống nhất nước nhà.
Nguồn: bqllang.gov.vn
Huyền Trang (st)
“Vực thẳm thuộc địa”
“Vực thẳm thuộc địa” là tên của một bài báo ký tên Nguyễn Ái Quốc đăng trên tờ “L’ Humanité” số ra ngày 9/1/1923
– “Vực thẳm thuộc địa” là tên của một bài báo ký tên Nguyễn Ái Quốc đăng trên tờ “L’ Humanité” số ra ngày 9/1/1923. Tờ báo là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp và tác giả của bài báo nói trên chính là một trong những người tham gia sáng lập tổ chức chính trị này.
Bài báo tố cáo giới thực dân và trực tiếp là Bộ trưởng Thuộc địa Albert Saraut, người đã từng làm Toàn quyền Đông Dương nhiều năm, một mặt khai thác thuộc địa và bóc lột dân bản xứ một cách thậm tệ để làm giàu không phải chỉ cho nước Pháp mà cho chính bọn chúng.
Trong khi đó, chúng lại yêu cầu chính quốc phải đầu tư nhiều tỷ đồng cho các thuộc địa. Như vậy thực chất là chúng bòn rút chính nhân dân Pháp để phục vụ vào những việc làm lãng phí, xa xỉ, nuôi bộ máy quan liêu và ăn bám.
Quảng cáo cho hội chợ quốc tế và thuộc địa Bordeaux 1937
Tác giả đưa ra nhiều dẫn chứng với những con số thuyết phục trong đó có cuộc Triển lãm Thuộc địa vô cùng tốn kém đang diễn ra ở nước Pháp. Bài báo kết luận: “Đó là số tiền hàng triệu và thậm chí hàng tỷ mà nếu người ta biết cách tìm thì có lẽ người ta sẽ kiếm ra được một cách dễ dàng. Nhưng ngài Bộ trưởng lại cứ muốn gõ vào dân bản xứ”.
Đây là bài báo khai bút cho năm 1923 là năm cuối cùng Nguyễn Ái Quốc ở Pháp. Tháng 6 năm đó với tư cách là đảng viên thuộc địa của Đảng cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã lên đường sang Liên Xô học tập. Nhưng ngay thời gian đã sống ở nước Nga, những bài báo của Nguyễn Ái Quốc vẫn thường xuyên xuất hiện trên các ờ báo cánh tả xuất bản ở Pháp, tổng cộng trong năm 1923 đã có trên dưới 30 bài báo được đăng.
Đây cũng chính là những chất liệu để sau này, Nguyễn Ái Quốc cho ra đời tác phẩm “Bản án chế độ thực ân Pháp” (Le Procès de la coloníation Francaise) nổi tiếng (xuất bản ở Pháp vào năm 1925, và được tái bản tại Việt Nam 1946).
Lịch sử nước ta
Việt Minh tuyên truyền Bộ
xuất bản, tháng 2-1942.
Theo bản in của
Việt Minh tuyên truyền Bộ.
LỊCH SỬ NƯỚC TA
Dân ta phải biết sử ta,
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.
Kể năm hơn bốn ngàn năm,
Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hoà.
Hồng Bàng là tổ nước ta.
Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang.
Thiếu niên ta rất vẻ vang,
Trẻ con Phù Đổng tiếng vang muôn đời.
Tuổi tuy chưa đến chín mười,
Ra tay cứu nước dẹp loài vô lương.
An Dương Vương thế Hùng Vương,
Quốc danh Âu Lạc cầm quyền trị dân.
Nước Tàu cậy thế đông người,
Kéo quân áp bức giống nòi Việt Nam,
Quân Tàu nhiều kẻ tham lam.
Dân ta há dễ chịu làm tôi ngươi?
Hai Bà Trưng có đại tài,
Phất cờ khởi nghĩa giết người tà gian,
Ra tay khôi phục giang san,
Tiếng thơm dài tạc đá vàng nước ta.
Tỉnh Thanh Hoá có một bà,
Tên là Triệu ẩu tuổi vừa đôi mươi,
Tài năng dũng cảm hơn người,
Khởi binh cứu nước muôn đời lưu phương.
Phụ nữ ta chẳng tầm thường,
Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời,
Kể gần sáu trăm năm giời,
Ta không đoàn kết bị người tính thôn1*.
Anh hùng thay ông Lý Bôn,
Tài kiêm văn võ, sức hơn muôn người,
Đánh Tàu đuổi sạch ra ngoài.
Lập nên Triều Lý sáu mươi năm liền.
Vì Lý Phật Tử ngu hèn,
Để cho Tàu lại xâm quyền nước ta.
Thương dân cực khổ xót xa,
Ông Mai Hắc Đế đứng ra đánh Tàu,
Vì dân đoàn kết chưa sâu,
Cho nên thất bại trước sau mấy lần.
Ngô Quyền quê ở Đường Lâm,
Cứu dân ra khỏi cát lầm ngàn năm.
Đến hồi Thập nhị sứ quân2*
Bốn phương loạn lạc, muôn dân cơ hàn.
Động Hoa Lư có Tiên Hoàng,
Nổi lên gây dựng triều đàng họ Đinh.
Ra tài kiến thiết kinh dinh,
Đến vua Phế Đế chỉ kinh hai đời.
Lê Đại Hành nối lên ngôi.
Đánh tan quân Tống, đuổi lui Xiêm Thành.
Vì con bạo ngược hoành hành,
Ra đời thì đã tan tành nghiệp vương.
Công Uẩn là kẻ phi thường,
Dựng lên nhà Lý cầm quyền nước ta.
Mở mang văn hoá nước nhà,
Đắp đê để giữ ruộng nhà cho dân.
Lý Thường Kiệt là hiền thần,
Đuổi quân nhà Tống, phá quân Xiêm Thành.
Tuổi già phỉ chí công danh,
Mà lòng yêu nước trung thành không phai.
Họ Lý truyền được chín đời,
Hai trăm mười sáu năm giời thì tan.
Nhà Trần thống trị giang san,
Trị yên trong nước, đánh tan địch ngoài,
Quân Nguyên binh giỏi tướng tài:
Đánh đâu được đấy, dông dài á, Âu,
Tung hoành chiếm nửa Âu châu,
Chiếm Cao Ly, lấy nước Tàu bao la,
Lăm le muốn chiếm nước ta,
Năm mươi vạn lính vượt qua biên thuỳ,
Hải quân theo bể kéo đi,
Hai đường vây kín Bắc Kỳ như nen1)
Dân ta nào có chịu hèn,
Đồng tâm, hợp lực mấy phen đuổi Tàu.
Ông Trần Hưng Đạo cầm đầu,
Dùng mưu du kích đánh Tàu tan hoang,
Mênh mông một giải Bạch Đằng,
Nghìn thu soi rạng giống dòng quang vinh,
Hai lần đại phá Nguyên binh,
Làm cho Tàu phải thất kinh rụng rời.
Quốc Toản là trẻ có tài,
Mới mười sáu tuổi ra oai trận tiền,
Mấy lần đánh thắng quân Nguyên,
Được phong làm tướng cầm quyền binh nhung.
Thật là một đấng anh hùng,
Trẻ con Nam Việt nên cùng noi theo.
Đời Trần văn giỏi võ nhiều,
Ngoài dân thịnh vượng, trong triều hiền minh.
Mười hai đời được hiển vinh,
Đến Trần Phế Đế nước mình suy vi.
Cha con nhà Hồ Quý Ly,
Giết vua tiếm vị một kỳ bảy niên.
Tình hình trong nước không yên,
Tàu qua xâm chiếm giữ quyền mấy lâu,
Bao nhiêu của cải trân châu,
Chúng vơ vét chở về Tàu sạch trơn.
Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn,
Mặc dầu tướng ít binh đơn không nàn.
Mấy phen sông Nhị núi Lam,
Thanh gươm yên ngựa Bắc, Nam ngang tàng.
Kìa Tuý Động nọ Chi Lăng,
Đánh hai mươi vạn quân Minh tan tành.
Mười năm sự nghiệp hoàn thành,
Nước ta thoát khỏi cái vành nguy nan.
Vì dân hăng hái kết đoàn,
Nên khôi phục chóng giang san Lạc Hồng.
Vua hiền có Lê Thánh Tôn,
Mở mang bờ cõi đã khôn lại lành.
Trăm năm truyền đến cung hoàng,
Mạc Đăng Dung đã hoành hành chiếm ngôi
Bấy giờ trong nước lôi thôi,
Lê Nam, Mạc Bắc rạch đôi san hà,
Bảy mươi năm nạn can qua1*
Cuối đời mười sáu2* Mạc đà suy vi.
Từ đời mười sáu2* trở đi,
Vua Lê, Chúa Trịnh chia vì khá lâu3*
Nguyễn Nam, Trịnh Bắc đánh nhau,
Thấy dân cực khổ mà đau đớn lòng.
Dân gian có kẻ anh hùng,
Anh em Nguyễn Nhạc nổi vùng Tây Sơn,
Đóng đô ở đất Quy Nhơn,
Đánh tan Trịnh, Nguyễn, cứu dân đảo huyền4*
Nhà Lê cũng bị mất quyền,
Ba trăm sáu chục năm truyền vị vương.
Nguyễn Huệ là kẻ phi thường,
Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu,
Ông đà chí cả mưu cao,
Dân ta lại biết cùng nhau một lòng.
Cho nên Tàu dẫu làm hung,
Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà.
Tướng Tây Sơn có một bà,
Bùi là nguyên họ, tên là Thị Xuân,
Tay bà thống đốc ba quân,
Đánh hơn mấy trận, địch nhân liệt là.
Gia Long lại dấy can qua,
Bị Tây Sơn đuổi, chạy ra nước ngoài.
Tự mình đã chẳng có tài,
Nhờ Tây qua cứu, tính bài giải vây.
Nay ta mất nước thế này,
Cũng vì vua Nguyễn rước Tây vào nhà,
Khác gì cõng rắn cắn gà,
Rước voi dầy mả, thiệt là ngu si.
Từ năm Tân Hợi trở đi,
Tây đà gây chuyện thị phi1* với mình.
Vậy mà vua chúa triều đình,
Khư khư cứ tưởng là mình khôn ngoan.
Nay ta nước mất nhà tan
Cũng vì những lũ vua quan ngu hèn.
Năm Tự Đức thập nhất niên1),
Nam Kỳ đã lọt dưới quyền giặc Tây.
Hăm lăm năm sau trận này,
Trung Kỳ cũng mất, Bắc Kỳ cũng tan,
Ngàn năm gấm vóc giang san,
Bị vua họ Nguyễn đem hàng cho Tây!
Tội kia càng đắp càng đầy,
Sự tình càng nghĩ càng cay đắng lòng.
Nước ta nhiều kẻ tôi trung,
Tấm lòng tiết nghĩa rạng cùng tuyết sương.
Hoàng Diệu với Nguyễn Tri Phương,
Cùng thành còn mất làm gương để đời.
Nước ta bị Pháp cướp rồi,
Ngọn cờ khởi nghĩa nhiều nơi lẫy lừng;
Trung Kỳ đảng Phan Đình Phùng
Ra tay đánh Pháp, vẫy vùng một phương.
Mấy năm ra sức Cần Vương1*,
Bọn ông Tán Thuật nổi đường Hưng Yên,
Giang san độc lập một miền,
Ông Hoàng Hoa Thám đất Yên tung hoành.
Anh em khố đỏ, khố xanh,
Mưu khởi nghĩa tại Hà thành năm xưa,
Tỉnh Thái Nguyên với Sầm Nưa,
Kế nhau khởi nghĩa rủi chưa được toàn.
Kìa Yên Bái, nọ Nghệ An
Hai lần khởi nghĩa tiếng vang hoàn cầu.
Nam Kỳ im lặng đã lâu,
Năm kia khởi nghĩa đương đầu với Tây.
Bắc Sơn đó, Đô Lương đây!
Kéo cờ khởi nghĩa, đánh Tây bạo tàn.
Xét trong lịch sử Việt Nam,
Dân ta vốn cũng vẻ vang anh hùng.
Nhiều phen đánh bắc dẹp đông,
Oanh oanh liệt liệt con Rồng cháu Tiên.
Ngày nay đến nỗi nghèo hèn,
Vì ta chỉ biết lo yên một mình.
Để người đè nén, xem khinh,
Để người bóc lột ra tình tôi ngươi!
Bây giờ Pháp mất nước rồi,
Không đủ sức, không đủ người trị ta.
Giặc Nhật Bản thì mới qua,
Cái nền thống trị chưa ra mối mành.
Lại cùng Tàu, Mỹ, Hà, Anh,
Khắp nơi có cuộc chiến tranh rầy rà.
ấy là nhịp tốt cho ta,
Nổi lên khôi phục nước nhà tổ tông.
Người chúng ít, người mình đông
Dân ta chỉ cốt đồng lòng là nên.
Hỡi ai con cháu Rồng Tiên!
Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau.
Bất kỳ nam nữ, nghèo giàu,
Bất kỳ già trẻ cùng nhau kết đoàn.
Người giúp sức, kẻ giúp tiền,
Cùng nhau giành lấy chủ quyền của ta.
Trên vì nước, dưới vì nhà,
ấy là sự nghiệp, ấy là công danh.
Chúng ta có hội Việt Minh
Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh
Mai sau sự nghiệp hoàn thành
Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng
Dân ta xin nhớ chữ đồng:
Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh!
NHỮNG NĂM QUAN TRỌNG
Trước Tây lịch
Năm
2879 Hồng Bàng
111 Tàu lấy nước ra lần đầu
Sau Tây lịch
40 Hai Bà Trưng đánh Tàu
248 Bà Triệu ẩu khởi nghĩa
544 Vua Lý đánh Tàu
603 Tàu lấy nước ta.
939 Vua Ngô khởi nghĩa
968 Đời vua Đinh (12 năm)
981 Đời vua Tiền Lê (29 năm)
1010 Đời vua Hậu Lý (215 năm)
1073 Lý Thường Kiệt đánh Tàu
1225 Đời vua Trần (175 năm)
1283 Trần Hưng Đạo đánh Tàu
1407 Tàu lấy nước ta
1427 Vua Lê khởi nghĩa
1543 Đời vua Hậu Lê (360 năm)
1545 Vua Lê Chúa Trịnh
1771 Đời vua Tây Sơn (24 năm)
1789 Vua Nguyễn Huệ đánh Tàu
1794 Gia Long thông với Tây
1847 Tây bắt đầu đánh nước ta
1862 Vua nhà Nguyễn bắt đầu hàng Tây
1889 Ông Đề Thám khởi nghĩa
1893 Ông Phan Đình Phùng khởi nghĩa
1916 Trung Kỳ khởi nghĩa
1917 Thái Nguyên, Sầm Nưa khởi nghĩa
1930 Yên Bái, Nghệ An khởi nghĩa
1940 Bắc Sơn và Đô Lương khởi nghĩa
1941 Nam Kỳ khởi nghĩa
1945 Việt Nam độc lập
——————————–
Tài liệu gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
Sửa đổi lề lối làm việc (Phần 5)
VII. CHỐNG THÓI BA HOA
1. Thói ba hoa là gì?
Chúng ta chống bệnh chủ quan, chống bệnh hẹp hòi, đồng thời cũng phải chống thói ba hoa. Vì thói này cũng hại như hai bệnh kia. Vì ba thứ đó thường đi với nhau. Vì thói ba hoa còn, tức là bệnh chủ quan và bệnh hẹp hòi cũng chưa khỏi hẳn.
Thói ba hoa từ đâu ra?
Vì chúng ta trước kia học chữ Hán, sau này học chữ Pháp, cho nên khi nói khi viết, hay dùng chữ Hán và theo cách Pháp. Thành thử dài dòng mà khó hiểu, khó nghe. Lại cũng vì chủ quan và hẹp hòi.
Thói ba hoa tỏ ra nhiều vẻ.
a) Dài dòng, rỗng tuếch – Nhiều anh em hay viết dài. Viết dòng này qua dòng khác, trang này qua trang khác. Nhưng không có ích cho người xem. Chỉ làm tốn giấy tốn mực, mất công người xem. Khác nào vải băng bó mụn lở, đã thối lại dài.
Viết làm gì dài dòng và rỗng tuếch như thế? Chỉ có một cách trả lời: là quyết không muốn cho quần chúng xem. Vì đã dài lại rỗng, quần chúng trông thấy đã lắc đầu, ai còn dám xem nữa? Kết quả chỉ để cho những ai vô công rồi nghề xem, và người xem cũng mắc phải thói xấu như người viết.
Trong lúc kháng chiến này, chiến sĩ trước mặt trận phải đánh giặc, đồng bào ở hậu phương phải tăng gia sản xuất. Ai có thời giờ đâu mà xem những bài dài quá.
Viết dài mà rỗng, thì không tốt. Viết ngắn mà rỗng, cũng không hay. Chúng ta phải chống tất cả những thói rỗng tuếch. Nhưng trước hết phải chống thói đã rỗng lại dài.
Thế những sách lý luận, hoặc cuốn sách này chẳng hạn, không phải dài sao?
Phải. Nó dài, nhưng mỗi câu, mỗi chữ có một ý nghĩa, có một mục đích, không phải rỗng tuếch.
Tục ngữ nói: “Đo bò làm chuồng, đo người may áo”. Bất kỳ làm việc gì cũng phải có chừng mực. Viết và nói cũng vậy. Chúng ta chống là chống nói dài, viết rỗng. Chứ không phải nhất thiết cái gì cũng phải ngắn mới tốt.
Viết và nói cố nhiên phải vắn tắt. Song trước hết phải có nội dung. Phải chữa cho hết bệnh nói dài, viết rỗng.
b) Có thói “cầu kỳ” – Trên các báo, sách, bức tường, thường có những bức vẽ, những khẩu hiệu, nhiều người xem không ra, đọc không được.
Họ cho thế là “mỹ thuật”. Kỳ thực, họ viết, họ vẽ, để họ xem thôi.
Người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Nếu không vậy, thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem.
Nhiều người tưởng: mình viết gì, nói gì, người khác cũng đều hiểu được cả. Thật ra, hoàn toàn không như thế. Dùng cả đoạn chữ Hán, dùng từng đống danh từ lạ, nói hoặc viết theo cách Tây, mỗi câu dài dằng dặc, thì quần chúng hiểu sao được?
Tục ngữ nói “gẩy đờn tai trâu” là có ý chế người nghe không hiểu. Song những người tuyên truyền mà viết và nói khó hiểu, thì chính người đó là “trâu”.
Muốn làm bạn, phải hiểu nhau. Nếu không hiểu nhau, không thành bạn. Người tuyên truyền không điều tra, không phân tách, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại.
c) Khô khan, lúng túng – Nói đi nói lại, cũng chẳng qua kéo ra những chữ “tích cực, tiêu cực, khách quan, chủ quan”, và một xốc danh từ học thuộc lòng. Thậm chí những danh từ đó dùng cũng không đúng. Chỉ làm cho quần chúng chán và ngủ gật.
Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng, mới nói lọt tai quần chúng.
Tục ngữ có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Nói cũng phải học, mà phải chịu khó học mới được. Vì cách nói của dân chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực, mà lại rất giản đơn. Anh em đi tuyên truyền chưa học được cách nói đó, cho nên khi viết, khi nói, khô khan, cứng nhắc, không hoạt bát, không thiết thực.
Tiếng ta còn thiếu, nên nhiều lúc phải mượn tiếng nước khác, nhất là tiếng Trung Quốc. Nhưng phải có chừng có mực. Tiếng nào ta sẵn có thì dùng tiếng ta.
Có nhiều người có bệnh “dùng chữ Hán”, những tiếng ta sẵn có không dùng mà dùng chữ Hán cho bằng được. Thí dụ: ba tháng không nói ba tháng mà nói “tam cá nguyệt”. Xem xét, không nói xem xét mà nói “quan sát”, v.v..
Nhưng sẽ “tả” quá nếu những chữ Hán đã hoá thành tiếng ta, ai cũng hiểu, mà cố ý không dùng. Thí dụ: Độc lập mà nói “đứng một”, du kích thì nói “đánh chơi”. Thế cũng là tếu.
Chúng ta không chống mượn tiếng ngoại quốc để làm cho tiếng ta đầy đủ thêm. Nhưng chúng ta phải chống cách mượn không phải lối, mượn đến nỗi bỏ cả tiếng ta, đến nỗi quần chúng không hiểu.
Chẳng những các người phụ trách tuyên truyền, những người viết báo, viết sách, những người nghệ sĩ là người tuyên truyền, mà tất cả cán bộ, tất cả đảng viên, hễ những người có tiếp xúc với dân chúng đều là người tuyên truyền của Đảng. Vì vậy, ai cũng phải học nói nhất là học nói cho quần chúng hiểu.
Nhiều người, trước khi nói không sắp sửa kỹ càng. Lúc ra nói hoặc lắp lại những cái người trước đã nói. Hoặc lắp đi lắp lại cái mình đã nói rồi. Lúng túng như gà mắc tóc. Thôi đi thì trẽn. Nói nữa thì chán tai.
d) Báo cáo lông bông – Một là báo cáo giả dối. Thành công ít, thì suýt ra nhiều. Còn khuyết điểm thì giấu đi, không nói đến. Thành thử cấp trên không hiểu rõ tình hình mà đặt chính sách cho đúng. Hoặc báo cáo chậm trễ. Thành thử khi cấp trên nhận được báo cáo, thì việc đã trễ rồi, không đối phó kịp.
Hai là trong báo cáo chỉ thấy 1, 2, 3, 4 hoặc a, b, c, v.v.. Không nêu rõ vấn đề ra. Không phân tách, không đề nghị cách giải quyết các vấn đề. Không nói rõ tán thành hoặc phản đối.
Sao gọi là vấn đề ? Khi việc gì có mâu thuẫn, khi phải tìm cách giải quyết, tức là có vấn đề. Khi đã có vấn đề, ta phải nghiên cứu cho rõ cái gốc mâu thuẫn trong vấn đề đó là gì. Phải điều tra, phải nghiên cứu cái mâu thuẫn đó. Phải phân tách rõ ràng và có hệ thống, phải biết rõ cái nào là mâu thuẫn chính, cái nào là mâu thuẫn phụ. Phải đề ra cách giải quyết.
Gặp mỗi vấn đề, đều phải kinh qua ba bước: đề nó ra, phân tách nó (điều tra, nghiên cứu, sắp đặt), giải quyết nó.
Khi viết một bài hoặc khi diễn thuyết cho khỏi rỗng tuếch, cũng phải như thế.
đ) Lụp chụp cẩu thả – Những tệ kể trên, một phần vì thiếu kinh nghiệm, mà một phần vì tính lụp chụp, cẩu thả.
Một thí dụ rất rõ ràng: mỗi ngày, chúng ta ai cũng rửa mặt. Rửa mặt rồi, thì chải đầu. Nhiều người chải đầu rồi, còn soi gương xem đã sạch, đã mượt chưa. Nếu viết bài và diễn thuyết cũng cẩn thận như thế thì chắc không đến nỗi có nhiều khuyết điểm.
Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn. Khi viết xong một bài báo, một bản báo cáo, hoặc thảo một bài diễn văn, nhất định phải đọc lại vài lần. Mình tự phê bình bài của mình, hỏi ý kiến đồng chí khác. Những câu những chữ thừa, vô ích bỏ đi.
Rửa mặt phải kỳ xát vài ba lần mới sạch. Viết văn, diễn thuyết cũng phải như vậy.
e) Bệnh theo “sáo cũ” – Chẳng những viết, nói, có thói ba hoa, mà huấn luyện, khai hội cũng mắc chứng đó.
Mở lớp huấn luyện là một việc rất tốt, rất cần. Nhưng phải hiểu rằng: học cốt để mà làm. Học mà không làm được, học mấy cũng vô ích.
Vì vậy huấn luyện phải thiết thực, sao cho những người đến học, học rồi, về địa phương họ có thể thực hành ngay. Nhiều đồng chí ta không hiểu cái lẽ rất giản đơn đó. Cho nên họ đã đưa “thặng dư giá trị” nhồi sọ cho thanh niên và phụ nữ nông dân. Họ đã đưa “tân dân chủ chủ nghĩa” nhồi sọ các em nhi đồng. Họ đã đưa “biện chứng pháp” nhồi sọ công nhân đang học quốc ngữ.
Chỉ trong một cuộc khai hội ở địa phương, chúng ta đã có thể thấy rất nhiều khuyết điểm.
1. Kém chuẩn bị – Đảng viên đến chỗ khai hội rồi, mà cũng chưa biết vì việc gì mà khai hội. Đến khi chủ tịch mời mọi người phát biểu ý kiến thì quần chúng ai có sẵn ý kiến mà phát biểu ?
2. Nói mênh mông – Thường thường đại biểu cấp trên đến khai hội với cấp dưới, trong lúc khai hội, chỉ một mình “ông” đại biểu, hay “bà” đại biểu nói, nói hàng hai, ba giờ đồng hồ. Nói mênh mông trời đất. Nói gì cũng có. Nhưng chỉ chừa một điều không nói đến là những việc thiết thực cho địa phương đó, những việc mà dân chúng ở đó cần biết, cần hiểu, cần làm, thì không nói đến!
3. Không đúng giờ – Hẹn khai hội tám giờ thì chín, mười giờ mới đến. Làm mất thời giờ của những người khác. Họ không hiểu rằng: giữ đúng thời giờ là một tính tốt của người cách mạng, nhất là trong lúc kháng chiến này.
4. Giữ nếp cũ – Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, cũng khư khư giữ theo nếp cũ:
1. Tình hình thế giới.
2. Tình hình Đông Dương.
3. Báo cáo công tác.
4. Thảo luận.
5. Phê bình.
6. Giải tán.
Hiểu biết tình hình thế giới và trong nước, cố nhiên là việc hay, việc cần. Nhưng khổ thay! Nếu có đại biểu cấp cao đến, thì ông ấy kéo hàng giờ nào kế hoạch Mácsan, nào xứ Paragoay, nào gì gì, mà bà con không hiểu chi hết ! Nếu chỉ cán bộ cấp xã, thì biết đâu tình hình thế giới mà nói. Thế mà điểm thứ nhất cứ phải là “tình hình thế giới”.
Kết quả là việc thiết thực, việc đáng làm thì không bàn đến.
g) Nói không ai hiểu – Đảng thường kêu gọi khoa học hoá, dân tộc hoá, đại chúng hoá. Khẩu hiệu đó rất đúng. Tiếc vì nhiều cán bộ và đảng viên, có “hoá” gì đâu! Vẫn cứ chứng cũ, nếp cũ đó. Thậm chí, miệng càng hô “đại chúng hoá”, mà trong lúc thực hành thì lại “tiểu chúng hoá”. Vì những lời các ông ấy nói, những bài các ông ấy viết, đại chúng không xem được, không hiểu được. Vì họ không học quần chúng, không hiểu quần chúng.
Nhiều tờ truyền đơn, nhiều bản nghị quyết, nhiều khẩu hiệu của Đảng, mục đích và ý nghĩa rất đúng. Nhưng viết một cách cao xa, mầu mè, đến nỗi chẳng những quần chúng không hiểu, mà cả cán bộ cũng không hiểu.
Thí dụ: vừa rồi đây, đi đến đâu cũng thấy dán những khẩu hiệu:
“Chống cô độc”
“Chống chủ quan”
“Chống địa phương”.
Nhưng khi hỏi kỹ, thì hơn chín phần mười cán bộ cấp dưới không hiểu gì hết. Họ nói: cấp trên bảo dán cứ phải dán, chứ thật ra chúng tôi không hiểu. Thậm chí có người luôn miệng đọc là “chống quan địa phương”.
Than ôi! Khẩu hiệu cách mạng của Đảng mà hoá ra lá bùa của thầy cúng. Lỗi đó tự ai ? Thế mà bảo “đại chúng hoá”, “dân tộc hoá” thì hoá cái gì?
Mỗi khẩu hiệu của Đảng phải là cái ý nguyện và mục đích của hàng ức đảng viên và của hàng triệu dân chúng. Mà muốn như thế, phải làm cho dân chúng đều hiểu, phải học cách nói của dân chúng. Nếu không hàng vạn khẩu hiệu cũng vô ích.
h) Bệnh hay nói chữ – Tiếng ta có thì không dùng, mà cứ ham dùng chữ Hán. Dùng đúng, đã là một cái hại, vì quần chúng không hiểu. Nhiều người biết không rõ, dùng không đúng, mà cũng ham dùng, cái hại lại càng to.
Thí dụ: Pháp và Việt gian bắt buộc đồng bào đi biểu tình, mà một tờ báo nọ của đoàn thể viết là những “cuộc biểu tình tự động”. Dùng quân đội quét một vùng, tiếng Trung Quốc gọi là tảo đãng, mà một tờ báo của đoàn thể viết là “tảo đảm”. Lại có tờ viết là “tảo đảng”!
Tục ngữ nói: “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”. Cái bệnh nói chữ đó đã lây ra, đã làm hại đến quần chúng. Vì vậy, có người đã nói:
“Chúng tôi xin thông phong” (xung phong).
“Các đồng chí phải luyến ái nhau” (thân ái nhau), v.v.. Trong một cuộc khai hội phụ nữ, có chị cán bộ nọ lên nói: “Thưa chị em, tôi xin bá cáo kinh nguyệt của tôi trong tháng này”.
Không, đó không phải là những chuyện cười, đó là những chuyện thật. Những chuyện thật đáng đau lòng, do bệnh hay nói chữ sinh ra hoặc do bệnh dốt sinh ra.
2. Cách chữa thói ba hoa.
Trên đây đã kể qua những chứng ba hoa. Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ đều phải ra sức sửa chữa bệnh đó. Nếu không, sẽ có hại to cho công việc của Đảng.
Sau đây là liều thuốc chữa thói ba hoa. Mọi người phải hiểu, phải nhớ, phải thực hành:
1. Phải học cách nói của quần chúng. Chớ nói như cách giảng sách.
Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng.
2. Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ giản đơn, thiết thực và dễ hiểu.
3. Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Bao giờ cũng phải tự hỏi: “Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe”?
4. Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết.
5. Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận. Phải nhớ câu tục ngữ: “Chó ba quanh mới nằm. Người ba năm mới nói”.
Sau khi viết rồi, phải xem đi xem lại ba, bốn lần. Nếu là một tài liệu quan trọng, phải xem đi xem lại chín, mười lần.
Làm được như thế – đảng viên và cán bộ ta quyết phải làm như thế – thì thói ba hoa sẽ bớt dần dần cho đến khi hoàn toàn hết sạch mà công việc của Đảng, tư cách của cán bộ và đảng viên sẽ do đó mà tăng thêm.
Tháng 10 năm 1947
Ký tên: X.Y.Z.
—————————-
Nxb. Sự thật xuất bản lần đầu tiên năm 1948
Xuất bản lần thứ 7, năm 1959.
Theo sách xuất bản lần thứ 7, năm 1959.
Xem lại: Phần 1
Sửa đổi lề lối làm việc (Phần 4)
VI. CÁCH LÃNH ĐẠO
1. Lãnh đạo và kiểm soát
“Chẳng những phải lãnh đạo quần chúng, mà lại phải học hỏi quần chúng”.
Câu đó nghĩa là gì ?
Nghĩa là: người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu. Sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn. Vì vậy, ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình.
Nghĩa là một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta và dân chúng.
Nghĩa là phải lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người “không quan trọng”.
Lãnh đạo đúng nghĩa là thế nào?
Cố nhiên, không phải cứ ngồi trong phòng giấy mà viết kế hoạch, ra mệnh lệnh.
Lãnh đạo đúng nghĩa là:
1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng. Mà muốn thế thì nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng. Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta.
2. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng. Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong.
3. Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được.
Những người lãnh đạo chỉ trông thấy một mặt của công việc, của sự thay đổi của mọi người: trông từ trên xuống. Vì vậy sự trông thấy có hạn.
Trái lại, dân chúng trông thấy công việc, sự thay đổi của mọi người, một mặt khác: họ trông thấy từ dưới lên. Nên sự trông thấy cũng có hạn.
Vì vậy, muốn giải quyết vấn đề cho đúng, ắt phải họp kinh nghiệm cả hai bên lại.
Muốn như thế, người lãnh đạo ắt phải có mối liên hệ chặt chẽ giữa mình với các tầng lớp người, với dân chúng.
Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi.
Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại.
Chọn người và thay người cũng là một vấn đề quan trọng trong việc lãnh đạo.
Những người mắc phải bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, không làm được việc, phải thải đi. Ngoài ra còn có hai hạng người, cũng phải chú ý:
Một là có những người cậy mình là “công thần cách mạng”, rồi đâm ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thi hành nghị quyết của Đảng và của Chính phủ. Thế là họ kiêu ngạo, họ phá kỷ luật của Đảng, của Chính phủ.
Cần phải mời các ông đó xuống công tác hạ tầng, khép họ vào kỷ luật, để chữa tính kiêu ngạo, thói quan liêu cho họ và để giữ vững kỷ luật của Đảng và của Chính phủ.
Hai là hạng người nói suông. Hạng người này tuy là thật thà, trung thành, nhưng không có năng lực làm việc, chỉ biết nói suông. Một thí dụ: Hôm nọ tôi hỏi một cán bộ L:
– Mùa màng năm nay thế nào ?
L trả lời: Việc đó tôi đã động viên nhân dân rồi.
Hỏi: Rồi sao nữa ?
L trả lời : Tôi đã bày tỏ vấn đề đó một cách rất đầy đủ.
Hỏi: Rồi sao nữa ?
L trả lời: Công tác xem chừng khá.
Hỏi: Rồi sao nữa ?
L trả lời : Chắc là có tiến bộ.
Hỏi: Nói tóm lại đã cày cấy được mấy mẫu ?
L trả lời : ở vùng chúng tôi, cày cấy hiện nay chưa đâu ra đâu cả!
Trong Đảng ta, có một số người như thế. Chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được. Những người như thế cũng không thể dùng vào công việc thực tế.
Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát.
Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi.
Song, muốn kiểm soát có kết quả tốt, phải có hai điều: một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm. Hai là người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín.
Kiểm soát cách thế nào ?
Cố nhiên, không phải cứ ngồi trong phòng giấy mà chờ người ta báo cáo, mà phải đi tận nơi, xem tận chỗ.
Vì ba điều mà cần phải có kiểm soát như thế:
1. Có kiểm soát như thế mới biết rõ cán bộ và nhân viên tốt hay xấu.
2. Mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các cơ quan.
3. Mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết.
Kiểm soát có hai cách: một cách là từ trên xuống. Tức là người lãnh đạo kiểm soát kết quả những công việc của cán bộ mình.
Một cách nữa là từ dưới lên. Tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sự sai lầm đó. Cách này là cách tốt nhất để kiểm soát các nhân viên.
Còn ở trong Đảng, khi khai hội, các đảng viên nghe những người lãnh đạo báo cáo công việc, các đảng viên phê bình những khuyết điểm, cử hoặc không cử đồng chí nọ hoặc đồng chí kia vào cơ quan lãnh đạo. Đó là kiểm soát theo nguyên tắc dân chủ tập trung, phê bình và tự phê bình, những nguyên tắc mà Đảng phải thực hành triệt để.
ở quần chúng, khai hội, phê bình và bày tỏ ý kiến, bầu cử các uỷ ban, các hội đồng, v.v.; đó là những cách quần chúng kiểm soát những người lãnh đạo.
2. Lãnh đạo thế nào ?
Bất kỳ công việc gì, cũng phải dùng hai cách lãnh đạo sau đây: một là liên hợp chính sách chung với sự chỉ đạo riêng. Hai là liên hợp người lãnh đạo với quần chúng.
Thế nào là liên hợp chính sách chung với chỉ đạo riêng?
Bất kỳ việc gì, nếu không có chính sách chung, kêu gọi chung, không thể động viên khắp quần chúng.
Song, nếu người lãnh đạo chỉ làm chung, làm khắp cả một lúc, mà không trực tiếp nhằm một nơi nào đó, thực hành cho kỳ được, rồi lấy kinh nghiệm nơi đó mà chỉ đạo những nơi khác, thì không thể biết chính sách của mình đúng hay sai. Cũng không thể làm cho nội dung của chính sách đó đầy đủ, thiết thực.
Thí dụ: việc chỉnh đốn Đảng. Ngoài những kế hoạch chung về việc đó, mỗi cơ quan hoặc mỗi bộ đội phải chọn vài ba bộ phận trong cơ quan hay bộ đội mình, nghiên cứu rõ ràng và xem xét kỹ lưỡng
sự phát triển (công việc chỉnh đốn Đảng) trong những bộ phận đó.
Đồng thời, trong vài ba bộ phận đó, người lãnh đạo lại chọn năm, ba người cán bộ kiểu mẫu, nghiên cứu kỹ càng lịch sử của họ, kinh nghiệm, tư tưởng, tính nết của họ, sự học tập và công tác của họ.
Người lãnh đạo phải tự mình chỉ đạo những người phụ trách trong bộ phận đó, giúp họ giải quyết những vấn đề thực tế, để rút kinh nghiệm.
Những người phụ trách trong một cơ quan hoặc một bộ đội, cũng chọn vài ba bộ phận, rồi cũng làm theo cách đó.
Đó là một cách vừa lãnh đạo vừa học tập.
Bất kỳ người lãnh đạo nào, nếu không học tập nổi những việc thiết thực, những người thiết thực và những bộ phận thiết thực của cấp dưới, để rút kinh nghiệm, thì nhất định không biết chỉ đạo chung cho tất cả các bộ phận.
Mỗi cán bộ phụ trách cần phải làm theo cách này cho kỳ được.
Thế nào là liên hợp lãnh đạo với quần chúng ?
Bất kỳ việc gì (thí dụ việc chỉnh đốn Đảng), người lãnh đạo phải có một số người hăng hái làm trung kiên cho sự lãnh đạo. Nhóm trung kiên này phải mật thiết liên hợp với quần chúng, công việc mới thành.
Nếu chỉ có sự hăng hái của nhóm trung kiên, mà không liên hợp với sự hăng hái của quần chúng, nhóm trung kiên sẽ phải chạy suốt ngày mà không kết quả mấy.
Nếu chỉ có sự hăng hái của quần chúng mà không có sự hăng hái của nhóm trung kiên để tổ chức và dìu dắt, thì sự hăng hái của quần chúng sẽ không bền và không thể tiến tới.
Bất kỳ nơi nào có quần chúng, thì nhất định có ba hạng người: hạng hăng hái, hạng vừa vừa, và hạng kém. Mà trong ba hạng đó, hạng vừa vừa, hạng ở giữa, nhiều hơn hết, hạng hăng hái và hạng kém đều ít hơn.
Vì vậy, người lãnh đạo phải dùng hạng hăng hái làm trung kiên
cho sự lãnh đạo, do trung kiên đó mà nâng cao hạng vừa vừa và kéo hạng kém tiến lên.
Nhóm trung kiên đó phải do công tác và tranh đấu trong đám quần chúng mà nảy nở ra, chứ không phải tự ngoài quần chúng, xa cách quần chúng mà có được.
Mỗi cuộc tranh đấu thường có ba giai đoạn, ba bước: bước đầu, bước giữa và bước cuối cùng. Nhóm trung kiên lãnh đạo trong mỗi cuộc tranh đấu, không có thể mà cũng không nên luôn luôn y nguyên như cũ. Trong mỗi giai đoạn, cần phải luôn luôn cất nhắc những người hăng hái trong giai đoạn đó, để thay thế cho những người cũ bị đào thải hoặc vì tài không xứng chức, hoặc hủ hoá.
Những nơi công việc không chạy đều vì không có nhóm lãnh đạo mật thiết liên hợp với quần chúng. Thí dụ: trong một trường học, nếu không có một nhóm thầy giáo, chức viên và học sinh hăng hái nhất trong trường, từ mười người đến vài mươi người, đoàn kết thành nhóm trung kiên lãnh đạo, thì công việc của trường đó nhất định uể oải.
Vì vậy, bất kỳ cơ quan nào, bộ đội nào, cũng cần phải chọn một nhóm người hăng hái, trung thành, có năng lực, giữ kỷ luật, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo.
*****
Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng.
Nghĩa là gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp đặt nó thành những ý kiến có hệ thống. Rồi đem nó tuyên truyền, giải thích cho quần chúng, và làm cho nó thành ý kiến của quần chúng, và làm cho quần chúng giữ vững và thực hành ý kiến đó. Đồng thời nhân lúc quần chúng thực hành, ta xem xét lại, coi ý kiến đó đúng hay không. Rồi lại tập trung ý kiến của quần chúng, phát triển những ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm, tuyên truyền, giải thích, làm cho quần chúng giữ vững và thực hành.
Cứ như thế mãi thì lần sau chắc đúng mực hơn, hoạt bát hơn, đầy đủ hơn lần trước. Đó là cách lãnh đạo cực kỳ tốt.
Vì không biết đoàn kết những phần tử hăng hái, tổ chức họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo, hoặc vì không biết làm cho trung kiên đó mật thiết liên hợp với quần chúng, cho nên sự lãnh đạo xa rời quần chúng mà sinh ra bệnh quan liêu.
Vì không biết gom góp ý kiến của quần chúng, kinh nghiệm của quần chúng, cho nên ý kiến của những người lãnh đạo thành ra lý luận suông, không hợp với thực tế.
Vì không biết liên hợp chính sách chung với sự thiết thực chỉ đạo riêng (như mục 2 đã nói), cho nên chính sách không có kết quả, mà sự lãnh đạo cũng hoá ra quan liêu.
Vì vậy, trong công việc chỉnh đốn Đảng, cũng như trong mọi công việc khác, quyết phải thực hành cách liên hợp sự lãnh đạo với quần chúng và liên hợp chính sách chung với chỉ đạo riêng.
Phải dùng cách “từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”. Gom góp ý kiến và kinh nghiệm trong sự chỉ đạo từng bộ phận, đem làm ý kiến chung. Rồi lại đem ý kiến chung đó để thí nghiệm trong các bộ phận. Rồi lại đem kinh nghiệm chung và mới, đúc thành chỉ thị mới. Cứ như thế mãi. Biết làm như vậy mới thật là biết lãnh đạo.
*****
Bất kỳ công tác gì, chiến tranh, sản xuất, giáo dục, kiểm soát, v.v., cơ quan lãnh đạo cấp trên cần phải kinh qua những người phụ trách chung của cơ quan lãnh đạo cấp dưới, mỗi khi có việc gì liên quan đến một ngành hoạt động nào đó thuộc cấp dưới. Có như thế, mới đạt được mục đích phân công mà thống nhất.
Không nên một bộ phận nào đó thuộc cấp trên chỉ tìm thẳng dọc xuống bộ phận cùng loại thuộc những cơ quan cấp dưới (như ban tổ chức cấp trên chỉ tìm ban tổ chức cấp dưới, ban tuyên truyền cấp trên chỉ tìm ban tuyên truyền cấp dưới, v.v.), để liên lạc chỉ đạo theo hệ thống dọc, thành thử người phụ trách chung thuộc cơ quan cấp dưới, như thư ký, chủ tịch, chủ nhiệm, v.v., không biết đến, hoặc không phụ trách.
Phải cho cả người phụ trách chung và những người phụ trách bộ phận cấp dưới đều biết, đều phụ trách.
Một việc gì do người phụ trách chung chỉ huy, thì nhiều cán bộ hoặc tất cả cán bộ đều ra làm. Như thế tránh được cái tệ cán bộ không phụ trách, mà mọi người đều thành ra cán bộ cho công tác đó.
Đó cũng là một cách: người lãnh đạo liên hợp với quần chúng. Thí dụ: việc kiểm soát cán bộ trong một trường học. Nếu người lãnh đạo động viên số đông hoặc tất cả nhân viên và học sinh trong trường tham gia công việc kiểm soát, mà nhân viên trong ban kiểm tra cấp trên biết chỉ đạo đúng, theo cách “lãnh đạo liên hợp với quần chúng”, thì việc kiểm soát nhất định kết quả tốt.
Bất kỳ địa phương nào, cơ quan nào, thường trong một lúc có nhiều công việc trọng yếu. Trong một thời gian đó, lại có một việc trọng yếu nhất và vài ba việc trọng yếu vừa. Người lãnh đạo trong địa phương hoặc cơ quan đó phải xét kỹ hoàn cảnh mà sắp đặt công việc cho đúng. Việc chính, việc gấp thì làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào, làm việc ấy, thành thử việc nào cũng là việc chính, lộn xộn, không có ngăn nắp.
Đối với mỗi địa phương, mỗi cơ quan, người lãnh đạo cấp trên cần phải xét cho rõ tình hình, hoàn cảnh, và điều kiện cả địa phương hoặc cơ quan đó, mà quyết định việc gì là việc chính của thời kỳ nào. Khi đã quyết định, thì phải thực hành triệt để, cho đạt kết quả đã định.
Đó cũng là cách “lãnh đạo liên hợp với quần chúng”, chính sách chung liên hợp với chỉ đạo riêng. Trên đây là những nguyên tắc lớn trong việc lãnh đạo.
Những cán bộ phụ trách phải theo nguyên tắc đó, đường lối đó mà làm. Đồng thời phải ra sức suy nghĩ, tìm tòi, để tăng thêm sáng kiến của mình.
Công việc càng gay go thì sự lãnh đạo càng phải liên hợp chặt chẽ với quần chúng, càng phải liên hợp chặt chẽ chính sách chung với chỉ đạo riêng, để phá tan cách lãnh đạo lờ mờ, quan liêu, chủ quan, bàn giấy.
3. Học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng
Dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng. Vì vậy, chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng.
Vì vậy, mỗi một khẩu hiệu, mỗi một công tác, mỗi một chính sách của chúng ta, phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng.
Mà muốn hiểu biết, học hỏi dân chúng, thì ắt phải có nhiệt thành, có quyết tâm, phải khiêm tốn, phải chịu khó. Nếu không vậy, thì dân chúng sẽ không tin chúng ta. Biết, họ cũng không nói. Nói, họ cũng không nói hết lời.
Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên. Làm việc với dân chúng có hai cách:
1. Làm việc theo cách quan liêu. Cái gì cũng dùng mệnh lệnh. ép dân chúng làm. Đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo.
Có nhiều cán bộ theo cách đó. Họ còn tự đắc rằng: làm như thế, họ vẫn “làm tròn nhiệm vụ”, làm được mau, lại không rầy rà.
Họ quên rằng: Đảng ta và Chính phủ ta làm việc là làm cho dân chúng. Việc gì, cũng vì lợi ích của dân mà làm. Làm theo cách quan liêu đó, thì dân oán. Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị, là thất bại.
2. Làm theo cách quần chúng. Việc gì cũng hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ. Được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm.
Như thế hơi phiền một chút, phiền cho những người biếng học hỏi và giải thích. Nhưng việc gì cũng nhất định thành công.
Có người nói rằng: mọi việc họ đều phụ trách trước Đảng, trước Chính phủ. Thế là đúng, nhưng chỉ đúng một nửa. Họ phụ trách trước Đảng và Chính phủ, đồng thời họ phải phụ trách trước nhân dân. Mà phụ trách trước nhân dân nhiều hơn phụ trách trước Đảng và Chính phủ, vì Đảng và Chính phủ vì dân mà làm các việc, và cũng phụ trách trước nhân dân. Vì vậy nếu cán bộ không phụ trách trước nhân dân, tức là không phụ trách trước Đảng và Chính phủ, tức là đưa nhân dân đối lập với Đảng và Chính phủ.
Nếu trong những chính sách, những chỉ thị, những khẩu hiệu của cấp trên, có gì khuyết điểm, cán bộ phải có tinh thần phụ trách trước nhân dân mà đề nghị những chỗ nên sửa đổi. Không làm như vậy, tức là cán bộ không phụ trách trước nhân dân, mà cũng không phụ trách trước Đảng và Chính phủ.
Việc gì cũng bàn bạc với nhân dân, giải thích cho nhân dân. Thế là phụ trách trước nhân dân.
Trái lại việc gì cũng dùng cách quan liêu, cũng chỉ ra mệnh lệnh, thế là không phụ trách trước nhân dân. Thế là đem hai chữ “mệnh lệnh” làm thành một bức tường để tách rời Đảng và Chính phủ với nhân dân, tách rời lợi ích của nhân dân với chính sách của Đảng và Chính phủ.
Có nhiều cán bộ không bàn bạc, không giải thích với dân chúng, không để cho dân chúng phát biểu ý kiến, giải quyết các vấn đề, chỉ bắt buộc dân chúng làm theo mệnh lệnh. Thậm chí khi dân chúng đề ra ý kiến và nêu rõ vấn đề, họ cũng tìm cách dìm đi. Họ chỉ làm theo ý kiến của họ. Kết quả làm cho dân chúng nghi ngờ, uất ức, bất mãn.
Làm cách đó, thì dù việc đó có lợi cho dân chúng, nhưng một là vì không có ý kiến và lực lượng của dân chúng giúp đỡ nên làm
không đến nơi đến chốn. Hai là vì dân chúng bị miễn cưỡng, nên không vui lòng. Ba là vì dân chúng không hiểu rõ, nên việc đó không được lâu dài, bền vững.
Vì vậy, việc gì cũng phải hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc, và giải thích cho dân chúng.
Có người thường cho dân là dốt không biết gì, mình là thông thái tài giỏi. Vì vậy, họ không thèm học hỏi dân chúng, không thèm bàn bạc với dân chúng.
Đó là một sự sai lầm nguy hiểm lắm. Ai có sai lầm đó, phải mau mau sửa đổi. Nếu không sẽ luôn luôn thất bại.
Chúng ta phải biết rằng: lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng.
Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra.
Kinh nghiệm các địa phương cho biết: nơi nào công việc kém, là vì cán bộ cách xa dân chúng, không cùng dân chúng bàn bạc, không giải thích. Nơi kha khá, là vì cán bộ biết giải thích, biết cùng dân chúng bàn bạc, nhưng chưa hoàn toàn. Nơi nào khá lắm là vì việc gì to nhỏ, cán bộ cũng biết giải thích, biết cùng dân chúng bàn bạc đến nơi đến chốn, dựa vào dân chúng.
Muốn dân chúng thành thật bày tỏ ý kiến, cán bộ phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi cho họ nói. Do ý kiến và đề nghị lẻ tẻ của dân chúng, ta phải khéo gom góp lại, sắp đặt lại cho có ngăn nắp, thứ tự rồi cùng dân chúng ra sức thi hành. Như vậy, vừa nâng cao trình độ của dân chúng, mà cũng nâng cao kinh nghiệm của mình.
Đặc điểm rõ nhất trong tư tưởng của dân chúng là họ hay so sánh.
Họ so sánh bây giờ và họ so sánh thời kỳ đã qua. Họ so sánh từng việc và họ so sánh toàn bộ phận. Do sự so sánh, họ thấy chỗ
khác nhau, họ thấy mối mâu thuẫn. Rồi lại do đó, họ kết luận, họ đề ra cách giải quyết.
Dân chúng so sánh đúng, giải quyết đúng, là vì tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy.
Vì sự so sánh kỹ càng đó, mà cách giải quyết của dân chúng bao giờ cũng gọn gàng, hợp lý, công bình.
Đối với cán bộ cũng vậy. Cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu, cán bộ nào có lầm lỗi mà có thể sửa đổi, ai làm việc gì hay, việc gì quấy, dân chúng cũng do cách so sánh đó, mà họ biết rõ ràng.
Vì vậy, để cho dân chúng phê bình cán bộ, dựa theo ý kiến họ mà cất nhắc cán bộ, nhất định không xảy ra việc thiên tư, thiên vị, nhất định hợp lý và công bằng. Đồng thời, do sự dùi mài của dân chúng, cán bộ và dân chúng đều tiến bộ, lại do đó, cán bộ và dân chúng đoàn kết chặt chẽ thêm.
Cố nhiên, dân chúng không nhất luật như nhau. Trong dân chúng, có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau. Có lớp tiền tiến, có lớp chừng chừng, có lớp lạc hậu.
Tuy vậy, khi đem vấn đề ra bàn trước dân chúng, họ đem các ý kiến khác nhau so sánh. So đi sánh lại, sẽ lòi ra một ý kiến mà mọi người đều tán thành, hoặc số đông người tán thành. ý kiến đó, lại bị họ so sánh tỉ mỉ từng đoạn, họ thêm điểm hay vào, bỏ điểm dở đi. ý kiến đó trở nên ý kiến đầy đủ, thiết thực.
Sau khi bàn bạc, so sánh, thêm thắt, thành một ý kiến đầy đủ, ý kiến đó tức là cái kích thước nó tỏ rõ sự phát triển trình độ của dân chúng trong nơi đó, trong lúc đó. Theo ý kiến đó mà làm, nhất định thành công. Làm không kịp ý kiến đó, là đầu cơ, nhút nhát. Làm quá ý kiến đó là mạo hiểm, hẹp hòi, “tả”.
Có nhiều cách hỏi ý kiến dân chúng. Nói chuyện với từng người. Nói chuyện với đông người. Khai hội, nói chuyện với tầng lớp này, nói chuyện với tầng lớp khác, với mọi tầng lớp.
Nếu ta chịu khó, chịu suy nghĩ, bất kỳ nói chuyện với ai cũng có ích cho tư tưởng của ta.
Cố nhiên, không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo. Người cán bộ cũng phải dùng cách so sánh của dân chúng mà tự mình so sánh. Nghĩa là đem các ý kiến khác nhau để so sánh kỹ, phân tích kỹ các nội dung của các tầng lớp xã hội có cái ý kiến đó. Tìm ra mối mâu thuẫn trong những ý kiến khác nhau đó. Xem rõ cái nào đúng, cái nào sai. Chọn lấy ý kiến đúng, đưa ra cho dân chúng bàn bạc, lựa chọn lại, để nâng cao dần dần sự giác ngộ của dân chúng. Thế gọi là: Tập trung ý kiến, ra sức thi hành.
So đi sánh lại, phân tích rõ ràng là cách làm việc có khoa học. Mỗi công việc, chúng ta đều phải làm như thế. Làm như thế mới tránh khỏi cái độc đoán, mới tránh khỏi sai lầm.
Nghĩa là: nói chuyện và bàn bạc với cán bộ như thế cũng chưa đủ, còn phải nói chuyện và bàn bạc với những phần tử hăng hái trong quần chúng. Nói chuyện và bàn bạc với những phần tử hăng hái trong quần chúng cũng chưa đủ, còn phải nói chuyện và bàn bạc với nhân dân. Đó là một vấn đề rất trọng yếu cho cách làm việc của Đảng.
Từ trước đến nay, nhiều nơi công việc không chạy, chính vì cán bộ không thực hành theo nguyên tắc đó. Nếu không làm theo nguyên tắc đó, thì dù chính sách hay trăm phần trăm, cũng hoá ra vô dụng. Chúng ta phải kiên quyết bỏ sạch lối quan liêu, lối chật hẹp, lối mệnh lệnh. Chúng ta phải kiên quyết thực hành theo nguyên tắc sau đây:
1. Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng.
2. Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta.
3. Chớ khư khư giữ theo “sáo cũ”. Luôn luôn phải theo tình hình thiết thực của dân chúng nơi đó và lúc đó, theo trình độ giác ngộ của dân chúng, theo sự tình nguyện của dân chúng mà tổ chức họ, tuỳ hoàn cảnh thiết thực trong nơi đó, và lúc đó, đưa ra tranh đấu.
4. Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng. Nhưng phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hoá nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng. Phải đem cách nhân dân so sánh, xem xét, giải quyết các vấn đề, mà hoá nó thành cách chỉ đạo nhân dân.
5. “Phải đưa chính trị vào giữa dân gian”. Trước kia, việc gì cũng từ “trên dội xuống”. Từ nay việc gì cũng phải từ “dưới nhoi lên”. Làm như thế, chính sách, cán bộ và nhân dân sẽ nhất trí, mà Đảng ta sẽ phát triển rất mau chóng và vững vàng.
Xem tiếp: Phần 5
Sửa đổi lề lối làm việc (Phần 3)
D- PHẢI RÈN LUYỆN TINH ĐẢN
Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, cần phải có tính đảng mới làm được việc. Kém tính đảng, thì việc gì cũng không làm nên.
Tính đảng là gì?
Một là: Phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết.
Hai là: Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn.
Phải hiểu rằng: Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng. Mà muốn Đảng hiểu rõ thì đảng viên và cán bộ phải điều tra và báo cáo rõ ràng tình hình từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng khu.
Nếu không biết rõ tình hình mà đặt chính sách thì kết quả là “nồi vuông úp vung tròn”, không ăn khớp gì hết.
Ba là: Lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau.
Vì kém tính đảng mà có những bệnh sau này
Bệnh ba hoa, Bệnh chủ quan, Bệnh địa phương, Bệnh hình thức, Bệnh ham danh vị, Bệnh ích kỷ,
Bệnh thiếu kỷ luật, Bệnh hủ hoá, Bệnh cẩu thả (gặp sao hay vậy), Bệnh thiếu ngăn nắp, Bệnh xa quần chúng, Bệnh lười biếng.
Mắc phải một bệnh trong mười hai bệnh đó tức là hỏng việc. Vì vậy, chúng ta phải ráo riết dùng phê bình và tự phê bình để giúp nhau chữa cho hết những bệnh ấy. Có như thế Đảng mới chóng phát triển.
Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình.
Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình.
Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau. Mục đích là cho mọi người học lẫn ưu điểm của nhau và giúp nhau chữa những khuyết điểm.
Về mặt Đảng thì phải thực hành những điều sau này:
1. Phải nghiêm ngặt kiểm tra, các địa phương phải kiên quyết thực hành những nghị quyết của Đảng. Kiên quyết chống lại cái thói nghị quyết một đường, thi hành một nẻo.
2. Nơi nào sai lầm, ai sai lầm, thì lập tức sửa chữa. Kiên quyết chống thói nể nang và che giấu, chống thói “trước mặt thì nể, kể lể sau lưng”. Phê bình thì phải rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, thành thật – mục đích là cốt sửa chữa, chứ không phải để công kích, cốt giúp nhau tiến bộ, chứ không phải làm cho đồng chí khó chịu, nản lòng.
3. Phải kiên quyết thực hành kỷ luật, tức là cá nhân phải tuyệt đối phục tùng tổ chức, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng trung ương.
4. Phải đòi hỏi mỗi đảng viên, trước hết là mỗi cán bộ, phải thật thà tự phê bình, tự sửa chữa những khuyết điểm của mình. Đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Kiên quyết chống bệnh tự mãn tự túc, tự tư tự lợi, kiêu ngạo, ba hoa. Phải thực hành khẩu hiệu: “Chí công vô tư; cần, kiệm, liêm, chính!”
V. VẤN ĐỀ CÁN BỘ
1. Huấn luyện cán bộ
Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng.
Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc.
Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng.
Đảng có mở những lớp huấn luyện cán bộ. Nhưng đại đa số cán bộ, hoặc bận công việc, hoặc xa xôi quá, chưa được huấn luyện. Đối với những cán bộ đó, Đảng cần phải tìm cách huấn luyện họ (hoặc mở lớp ở địa phương, hoặc gửi sách vở cho họ nghiên cứu, v.v.).
Khuyết điểm trong sự huấn luyện – Đã có nơi mở lớp huấn luyện, thế rất tốt. Song những lớp ấy còn nhiều khuyết điểm. Thí dụ: huấn luyện cho cán bộ trong các cơ quan hành chính mà không đụng đến công việc hành chính.
Còn dạy chính trị thì mênh mông mà không thiết thực, học rồi không dùng được.
Phần đông cán bộ là công nhân và nông dân, văn hoá rất kém. Đảng chưa tìm đủ cách để nâng cao trình độ văn hoá của họ.
Huấn luyện lý luận cho những cán bộ cao cấp, đến nay hoặc chưa làm, hoặc làm không đúng, lý luận và thực tế không ăn khớp với nhau, dạy theo cách học thuộc lòng.
Đó là những điều Đảng nên sửa chữa ngay, theo cách sau đây:
a) Huấn luyện nghề nghiệp
Phải thực hành khẩu hiệu: làm việc gì học việc ấy.
Vô luận ở quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, tổ chức, tuyên truyền, công an, v.v., cán bộ ở môn nào phải học cho thạo công việc ở trong môn ấy.
Những cơ quan lãnh đạo và những người phụ trách phải có kế hoạch dạy cho cán bộ trong môn của mình, do các cấp Đảng giúp vào. Cách học tập gồm có 5 môn:
1. Điều tra: tình hình có quan hệ với công tác của mình. Thí dụ: môn quân sự, thì điều tra, phân tách, nghiên cứu rõ ràng tình hình của địch, của bạn, của ta, chọn những điểm chính làm tài liệu huấn luyện cho cán bộ.
2. Nghiên cứu: những chính sách, chỉ thị, nghị quyết. Thí dụ: cán bộ về môn tài chính, phải hiểu rõ chính sách tài chính và những nghị quyết về tài chính của Chính phủ.
3. Kinh nghiệm : Thí dụ: ban tuyên truyền thì gom góp tất cả những kinh nghiệm thành công hoặc thất bại trong công việc tuyên truyền, chép thành tài liệu huấn luyện, cho cán bộ tuyên truyền học.
4. Lịch sử: Thí dụ: môn kinh tế thì đem những sự thay đổi trong nền kinh tế của nước ta trong thời kỳ gần đây làm tài liệu huấn luyện.
5. Khoa học : Thí dụ: các cán bộ quân sự thì phải nghiên cứu khoa học quân sự, cán bộ y tế phải nghiên cứu y học. Cán bộ môn nào thì nghiên cứu lý luận của môn ấy.
Các cơ quan lãnh đạo của mỗi môn phải gom góp tài liệu, sắp xếp cách dạy và học, kiểm tra kết quả, sao cho cán bộ trong môn mình dần dần đi đến thạo công việc.
b) Huấn luyện chính trị
Có hai thứ: thời sự và chính sách.
Cách huấn luyện thời sự là khuyên gắng và đốc thúc các cán bộ xem báo, thảo luận và giải thích những vấn đề quan trọng, và định kỳ khai hội cán bộ, báo cáo thời sự.
Huấn luyện chính sách là đốc thúc các cán bộ nghiên cứu và thảo luận những nghị quyết, những chương trình, những tuyên ngôn của Đảng, của Chính phủ.
Huấn luyện chính trị, môn nào cũng phải có. Nhưng phải tuỳ theo mỗi môn mà định nhiều hay ít. Thí dụ: cán bộ chuyên môn về y tế, về văn nghệ, v.v. thì ít hơn. Cán bộ về tuyên truyền, tổ chức, v.v., thì phải nghiên cứu chính trị nhiều hơn.
c) Huấn luyện văn hoá
Với những cán bộ còn kém văn hoá, thì việc huấn luyện này rất trọng yếu. Trước hết phải dạy cho họ những thường thức: lịch sử, địa dư, làm tính, khoa học tự nhiên, xã hội, chính trị, cách viết báo cáo, nghĩa vụ và quyền lợi người công dân.
Các bài học do một ban phụ trách sắp xếp.
Lớp học do một hoặc vài ba cơ quan tổ chức với nhau.
Những lớp đó cần phải có giáo viên luôn luôn phụ trách và giáo viên ngoài giúp việc.
Các cán bộ có thể thay phiên nhau mà đi học.
Cần phải ưu đãi các giáo viên và khen thưởng những lớp tổ chức tốt.
Những cán bộ học trong những lớp này, phải theo trình độ văn hoá cao hay thấp mà đặt lớp, chứ không theo cấp bậc cán bộ cao hay thấp.
d) Huấn luyện lý luận
Những cán bộ cao cấp và trung cấp mà có sức nghiên cứu lý luận (trình độ văn hoá khá, ham nghiên cứu), thì ngoài việc học tập chính trị và nghề nghiệp đều cần học thêm lý luận.
Huấn luyện lý luận có hai cách:
Một cách là chỉ đem lý luận khô khan nhét cho đầy óc họ. Rồi bày cho họ viết những chương trình, những hiệu triệu rất kêu. Nhưng đối với việc thực tế, tuyên truyền, vận động, tổ chức, kinh nghiệm chỉ nói qua loa mà thôi. Thế là lý luận suông, vô ích.
Một cách là trong lúc học lý luận, phải nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế. Lúc học rồi, họ có thể tự mình tìm ra phương hướng chính trị có thể làm những công việc thực tế, có thể trở nên người tổ chức và lãnh đạo. Thế là lý luận thiết thực , có ích.
Lý luận do kinh nghiệm cách mạng ở các nước và trong nước ta, do kinh nghiệm từ trước và kinh nghiệm hiện nay gom góp phân tích và kết luận những kinh nghiệm đó thành ra lý luận.
Nhưng phải biết khéo lợi dụng kinh nghiệm. Nếu thấy người ta làm thế nào mình cũng một mực bắt chước làm theo thế ấy. Thí dụ: nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng.
Trái lại, kinh nghiệm các nước và ở nước ta đều nói: phải gần gụi dân chúng, vào sâu trong dân chúng. Điều này rất đúng. Ta phải kiên quyết thực hành theo kinh nghiệm đó.
Kinh nghiệm các nước và ở nước ta nói: phải kiên quyết chống bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa. Ta cũng phải kiên quyết chống những bệnh đó vì nhận thấy ta thường mắc phải và các bệnh này rất có hại cho công tác, rất hại cho Đảng.
Học tập – Khuôn khổ học tập, chia ra khoa học chính trị, khoa học kinh tế, khoa học lịch sử, v.v., mà học dần dần.
Học tập thì theo nguyên tắc: kinh nghiệm và thực tế phải đi cùng nhau. Thí dụ: khoa học chính trị dùng sách vở, bài báo bàn về chiến lược, chiến thuật làm tài liệu lý luận; lấy lịch sử và kinh nghiệm tranh đấu của Đảng làm tài liệu thực tế.
Khoa học kinh tế lấy “kinh tế chính trị học” làm tài liệu lý luận, lấy lịch sử kinh tế của nước ta gần 100 năm nay làm tài liệu thực tế.
Các môn khác cũng thế.
Cách học tập: Tổ chức từng ban cao cấp hoặc trung cấp. Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào.
– Sắp xếp thời gian và bài học cho những lớp đó, phải cho khéo, phải có mạch lạc với nhau, mà không xung đột với nhau.
– Vô luận công tác môn nào, lớp huấn luyện nào, đều phải tuyệt đối chống bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa. Các tài liệu huấn luyện phải do cơ quan lãnh đạo xét kỹ.
– Cách huấn luyện này là huấn luyện lâu dài. Cho nên nguyên tắc là: để phát triển nghề nghiệp mà không trở ngại đến nghề nghiệp và sức khoẻ của cán bộ. ở các cơ quan, mỗi ngày ít nhất phải học tập một tiếng đồng hồ. Những nơi vì hoàn cảnh kháng chiến đặc biệt, thời giờ dài hay ngắn, tuỳ theo điều kiện mà định. Những giờ học tập đều tính như những giờ làm việc. Khi cất nhắc cán bộ, phải xem kết quả học tập cũng như kết quả công tác khác mà định.
– Cách kiểm tra, thi khảo, thưởng phạt những lớp đó, do Trung ương định.
– Các cơ quan cần phải rất chú ý đến việc huấn luyện cán bộ. Phải lựa chọn rất cẩn thận những nhân viên phụ trách việc huấn luyện đó. Những người lãnh đạo cần phải tham gia việc dạy. Không nên bủn xỉn về các khoản chi tiêu trong việc huấn luyện.
2. Dạy cán bộ và dùng cán bộ
Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém.
Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta.
Đảng ta là một đoàn thể đấu tranh. Trong cuộc tranh đấu thường hao tổn một số cán bộ quý báu. Vì vậy, chúng ta càng phải quý cán bộ, phải bổ sung cán bộ, phải giữ gìn cán bộ cũ và đào tạo cán bộ mới. Mặt trận dân tộc ngày càng rộng, nảy nở ra hàng ngàn hàng vạn người hăng hái, tham gia vào Đảng ta. Họ hăng hái nhưng lý luận còn thiếu, kinh nghiệm còn ít. Trong công tác, họ thường gặp những vấn đề to tát, họ phải tự giải quyết. Vì vậy chúng ta cần phải đặc biệt chú ý săn sóc những cán bộ đó.
Vì vậy, vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp.
Đối với vấn đề đó, Đảng phải làm thế nào?
1. Phải biết rõ cán bộ – Từ trước đến nay, Đảng ta chưa thực hành cách thường xem xét cán bộ. Đó là một khuyết điểm to. Kinh nghiệm cho ta biết: mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt thì tìm thấy những nhân tài mới, một mặt khác thì những người hủ hoá cũng lòi ra.
2. Phải cất nhắc cán bộ một cách cho đúng. Cất nhắc cán bộ là một công tác cần kíp. Khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gụi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Lại phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc.
Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm, vào những địa vị lãnh đạo. Như thế rất có hại.
3. Phải khéo dùng cán bộ – Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ ưu điểm của họ. Thường chúng ta không biết tuỳ tài mà dùng người. Thí dụ: thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tuỳ tài mà dùng người, thì hai người đều thành công.
4. Phải phân phối cán bộ cho đúng – Thí dụ: Trong một nơi quan trọng ở một thành thị to thì phải phái những cán bộ có quan hệ
khăng khít với quần chúng. Họ là người trong quần chúng mà ra, có sáng kiến, tinh thần, chắc chắn, chí khí vững vàng. Phải dùng người đúng chỗ, đúng việc.
5. Phải giúp cán bộ cho đúng – Phải luôn luôn dùng lòng thân ái mà giúp đỡ, lãnh đạo cán bộ. Giúp họ sửa chữa những chỗ sai lầm. Khen ngợi họ lúc họ làm được việc. Và phải luôn luôn kiểm soát cán bộ.
6. Phải giữ gìn cán bộ – Tại những nơi phải công tác bí mật khi cần thì phải phái cán bộ mới thế cho cán bộ cũ, và phái cán bộ cũ đi nơi khác.
Phải tìm mọi cách để giữ bí mật cho cán bộ.
3. Lựa chọn cán bộ
a) Những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh.
b) Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Như thế, thì dân chúng mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ đó là người lãnh đạo của họ.
c) Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn.
Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo.
Người lãnh đạo đúng đắn cần phải: Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn.
d) Những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật.
Đó là những khuôn khổ để lựa chọn cán bộ, chúng ta phải theo cho đúng.
Trong Đảng ta, có những nơi thường dùng những người văn hay nói khéo, nhưng không làm được việc, không ra tranh đấu. Mà những đồng chí viết không hay nói không thạo nhưng rất trung thành, hăng
hái, rất gần gụi quần chúng, thì bị dìm xuống. Chúng ta phải sửa chữa ngay những điểm đó.
Đã lựa chọn đúng cán bộ còn cần phải dạy bảo lý luận cho cán bộ. Chỉ thực hành mà không có lý luận cũng như có một mắt sáng, một mắt mù
4. Cách đối với cán bộ
Phong trào giải phóng sôi nổi, nảy nở ra rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gụi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước.
Chúng ta phải tẩy sạch các bệnh kiêu ngạo, bệnh hẹp hòi, bệnh bao biện.
Tóm lại, đối với cán bộ có năm cách:
a) Chỉ đạo – Thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ. Nhưng phải luôn luôn tuỳ theo hoàn cảnh mà bày vẽ cho họ về phương hướng công tác, cách thức công tác, để cho họ phát triển năng lực và sáng kiến của họ, đúng với đường lối của Đảng.
b) Nâng cao – Luôn luôn tìm cách cho họ học thêm lý luận và cách làm việc, làm cho tư tưởng, năng lực của họ ngày càng tiến bộ.
c) Kiểm tra – Không phải ngày nào cũng kiểm tra. Nhưng thường thường kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Giao công việc mà không kiểm tra, đến lúc thất bại mới chú ý đến. Thế là không biết yêu dấu cán bộ.
d) Cải tạo – Khi họ sai lầm thì dùng cách “thuyết phục” giúp cho họ sửa chữa. Không phải một sai lầm to lớn, mà đã vội cho họ là “cơ hội chủ nghĩa”, đã “cảnh cáo”, đã “tạm khai trừ”. Những cách quá đáng như thế đều không đúng.
đ) Giúp đỡ – Phải cho họ điều kiện sinh sống đầy đủ mà làm việc. Khi họ đau ốm, phải có thuốc thang. Tuỳ theo hoàn cảnh mà giúp họ giải quyết vấn đề gia đình. Những điều đó rất quan hệ với tinh thần của cán bộ, và sự thân ái đoàn kết trong Đảng.
5. Mấy điểm lớn trong chính sách cán bộ
Đảng ta gồm có hàng triệu người, hàng vạn cán bộ. Trong đó, sĩ, công, nông, thương, binh đều có. Từng lớp xã hội khác nhau, trình độ, văn hoá khác nhau; tính tình cá nhân cũng không giống hệt.
Sao cho đối đãi đúng với mọi người? Đó là một vấn đề rất trọng yếu. Vì vậy, chúng ta cần phải chú ý mấy việc dưới đây:
Hiểu biết cán bộ, Khéo dùng cán bộ, Cất nhắc cán bộ, Thương yêu cán bộ, Phê bình cán bộ.
a) Hiểu biết cán bộ – Biết người, cố nhiên là khó. Tự biết mình, cũng không phải là dễ.
Đã không tự biết mình thì khó mà biết người, vì vậy muốn biết đúng sự phải trái ở người ta, thì trước phải biết đúng sự phải trái của mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu. Người ta thường phạm những chứng bệnh sau này:
1. Tự cao tự đại,
2. Ưa người ta nịnh mình,
3. Do lòng yêu, ghét của mình mà đối với người,
4. Đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau.
Phạm một trong bốn bệnh đó thì cũng như mắt đã mang kính có màu, không bao giờ thấu rõ cái mặt thật của những cái mình trông.
Muốn biết rõ cán bộ, muốn đối đãi một cách đúng đắn các hạng người, trước hết phải sửa những khuyết điểm của mình. Mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng.
Trong thế giới, cái gì cũng biến hoá. Tư tưởng của người cũng biến hoá. Vì vậy cách xem xét cán bộ, quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến hoá. Thí dụ: có người khi trước theo cách mạng mà nay lại phản cách mạng. Có người khi trước không cách mạng mà nay lại tham gia cách mạng. Thậm chí có người nay đang theo cách mạng, nhưng sau này có thể phản cách mạng.
Một người cán bộ khi trước có sai lầm, không phải vì thế mà sai lầm mãi. Cũng có cán bộ đến nay chưa bị sai lầm, nhưng chắc gì sau này không phạm sai lầm? Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau.
Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ. Có người lúc phong trào cách mạng cao, họ vào Đảng, họ làm việc rất hăng. Nhưng lúc phong trào hơi khó khăn thì đâm ra hoang mang. Lúc gặp sự nguy hiểm thậm chí hoá phản cách mạng, làm mật thám. Muốn làm mật thám được việc, thì nó lại công tác hăng hơn ai hết. Nếu ta không xem xét rõ ràng, thì lầm nó là cán bộ tốt.
Vì vậy, nhận xét cán bộ không nên chỉ xét ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc, mà phải xét kỹ cả toàn bộ công việc của cán bộ.
Ai mà hay khoe công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích người khác, hay tự tâng bốc mình, những người như thế, tuy họ làm được việc, cũng không phải cán bộ tốt.
Ai cứ cắm đầu làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế nào, lòng họ cũng không thay đổi, những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt.
Người ở đời, ai cũng có chỗ tốt và chỗ xấu. Ta phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ.
b) Khéo dùng cán bộ – Lúc dùng cán bộ, nhiều người phạm vào những chứng bệnh sau đây:
1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài.
2. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực.
3. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình.
Vì những bệnh đó, kết quả những người kia đã làm bậy, mình cũng cứ bao dung, che chở, bảo hộ, khiến cho chúng càng ngày càng hư hỏng. Đối với những người chính trực thì bới lông tìm vết để trả thù. Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh đạo.
Thế nào là dùng cán bộ đúng?
– Mình phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với cán bộ một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cho cán bộ khỏi bị bỏ rơi.
– Phải có tinh thần rộng rãi, mới có thể gần gụi những người mình không ưa.
– Phải có tính chịu khó dạy bảo, mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ.
– Phải sáng suốt, mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt.
– Phải có thái độ vui vẻ, thân mật, các đồng chí mới vui lòng gần gụi mình.
Mục đích khéo dùng cán bộ, cốt để thực hành đầy đủ chính sách của Đảng và Chính phủ. Nếu cán bộ có ý hoang mang, sợ hãi, buồn rầu, uất ức, hoặc công tác không hợp, chắc không thành công được.
Vì vậy, muốn cán bộ làm được việc, phải khiến cho họ yên tâm
làm việc, vui thú làm việc. Muốn như thế, phải thực hành những điểm này:
1. Khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến. Người lãnh đạo muốn biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu, không gì bằng khuyên cán bộ mình mạnh bạo đề ra ý kiến và phê bình. Như thế, chẳng những không phạm gì đến uy tín của người lãnh đạo mà lại tỏ ra dân chủ thật thà trong Đảng.
Nếu cán bộ không nói năng, không đề ý kiến, không phê bình, thậm chí lại tâng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu. Vì không phải họ không có gì nói, nhưng vì họ không dám nói, họ sợ. Thế là mất hết dân chủ trong Đảng. Thế là nội bộ của Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy, trong lòng uất ức, không dám nói ra, do uất ức mà hoá ra oán ghét, chán nản.
Như thế mà muốn cán bộ công tác cho giỏi thì sao được?
2. Khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc. Cố nhiên việc hay hay dở, một phần do cán bộ đủ năng lực hay không. Nhưng một phần cũng do cách lãnh đạo đúng hay không. Năng lực của người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có mà một phần lớn do công tác, do tập luyện mà có. Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hoá ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hoá ra tài nhỏ.
Khi giao công tác cho cán bộ cần phải chỉ đạo rõ ràng, sắp đặt đầy đủ. Vạch rõ những điểm chính, và những khó khăn có thể xảy ra. Những vấn đề đã quyết định rồi, thả cho họ làm, khuyên gắng họ cứ cả gan mà làm. Cũng như trong quân đội, khi chiến lược chiến thuật và nhiệm vụ đã quyết định rồi, vị Tổng tư lệnh không cần nhúng vào những vấn đề lặt vặt. Phải để cho các cấp chỉ huy có quyền “tuỳ cơ ứng biến”, mới có thể phát triển tài năng của họ. Việc gì cấp trên cũng nhúng vào, cán bộ cũng như một cái máy, việc gì cũng chờ mệnh lệnh, sinh ra ỷ lại, mất hết sáng kiến.
Trước khi trao công tác, cần phải bàn kỹ với cán bộ. Nếu họ gánh không nổi, chớ miễn cưỡng trao việc đó cho họ. Khi đã trao cho họ
phải hoàn toàn tin họ. Không nên sớm ra lệnh này, trưa đổi lệnh khác.
Nếu không tin cán bộ, sợ họ làm không được, rồi việc gì mình cũng nhúng vào. Kết quả thành chứng bao biện, công việc vẫn không xong. Cán bộ thì vơ vẩn cả ngày, buồn rầu, nản chí.
Phải đào tạo một mớ cán bộ phụ trách, có gan làm việc, ham làm việc. Có thế Đảng mới thành công.
Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng.
3. Không nên tự tôn, tự đại, mà phải nghe, phải hỏi ý kiến của cấp dưới.
Nếu ý kiến các đồng chí cấp dưới đúng, ta phải nghe theo, khuyên họ thường đề thêm ý kiến, để nâng tinh thần và sáng kiến của họ.
Nếu ý kiến của họ không đúng, ta nên dùng thái độ thân thiết, giải thích cho họ hiểu. Quyết không nên phùng mang trợn mắt, quở trách, giễu cợt họ.
Nếu họ phê bình ta, ta phải vui vẻ thừa nhận. Không nên tỏ vẻ bất bình, để lần sau họ không dám phê bình nữa.
Nếu có cán bộ không yên tâm làm việc, ta phải xét rõ cái chỗ lãnh đạo không đúng của ta, để thuyết phục và khuyên gắng người đó. Nếu vì công tác không hợp với năng lực của họ, phải tìm công việc thích hợp hơn cho họ làm.
c) Phải có gan cất nhắc cán bộ – Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế, công việc nhất định chạy.
Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế là có tội với Đảng, có tội với đồng bào.
Trước khi cất nhắc cán bộ, phải nhận xét rõ ràng. Chẳng những xem xét công tác của họ, mà còn phải xét cách sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không.
Chẳng những xem xét họ đối với ta thế nào, mà còn phải xem xét họ đối với người khác thế nào. Ta nhận họ tốt, còn phải xét số nhiều đồng chí có nhận họ tốt hay không. Phải biết ưu điểm của họ, mà cũng phải biết khuyết điểm của họ, không nên chỉ xem công việc của họ trong một lúc, mà phải xem cả công việc của họ từ trước đến nay.
Biết rõ ràng cán bộ, mới có thể cất nhắc cán bộ một cách đúng mực.
Cất nhắc cán bộ, không nên làm như “giã gạo”. Nghĩa là trước khi cất nhắc không xem xét kỹ. Khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ. Khi họ sai lầm thì đẩy xuống, chờ lúc họ làm khá, lại cất nhắc lên. Một cán bộ bị nhắc lên thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời. Đối với cán bộ, chẳng những phải xem xét rõ ràng trước khi cất nhắc. Mà sau khi đã cất nhắc phải giúp đỡ họ, khuyên gắng họ, vun trồng lòng tự tin, tự trọng của họ.
Ai cũng có lòng tự trọng, tự tin. Không có lòng tự trọng, tự tin là người vô dụng.
Nhưng khoe khoang, kiêu ngạo không phải là tự trọng. Đó là một chứng bệnh. Vì vậy, người lãnh đạo cần phải tôn trọng lòng tự tin, tự trọng của các đồng chí mình.
Nếu để sai lầm và khuyết điểm trở nên to tát rồi mới đem ra “chỉnh” một lần, thế là “đập” cán bộ. Cán bộ bị “đập”, mất cả lòng tự tin, người hăng hái cũng hoá thành nản chí, từ nản chí đi đến vô dụng.
Vì vậy hễ thấy cán bộ sai lầm, phải lập tức sửa chữa ngay. Nếu không việc to quá, họ làm không nổi, tốt nhất là đổi việc khác cho thích hợp với họ, mà không cần cho họ biết vì họ không làm nổi việc kia. Đó là để giữ lòng hăng hái của họ, để cho họ khỏi nản lòng.
d) Yêu thương cán bộ – Không phải vài ba tháng, hoặc vài ba năm, mà đào tạo được một người cán bộ tốt. Nhưng cần phải công tác, tranh đấu, huấn luyện lâu năm mới được. Trái lại, trong lúc tranh
đấu, rất dễ mất một người cán bộ. Vì vậy, Đảng phải thương yêu cán bộ.
Nhưng thương yêu không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc.
Thương yêu là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm. Là giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn sinh hoạt, ngày thường thì điều kiện dễ chịu, khi đau ốm được chăm nom, gia đình họ khỏi khốn quẫn, v.v..
Thương yêu là luôn luôn chú ý đến công tác của họ, kiểm thảo họ. Hễ thấy khuyết điểm thì giúp cho họ sửa chữa ngay, để vun trồng cái thói có gan phụ trách, cả gan làm việc của họ. Đồng thời, phải nêu rõ những ưu điểm, những thành công của họ. Làm thế không phải là làm cho họ kiêu căng, mà cốt làm cho họ thêm hăng hái, thêm gắng sức. Phải vun đắp chí khí của họ, để đi đến chỗ “bại cũng không nản, thắng cũng không kiêu”. Lúc phê bình họ, ta chớ có thái độ gay gắt. Lúc khen ngợi họ, ta phải cho họ hiểu rằng: năng lực của mỗi người đều có giới hạn, tuy có thành công cũng chớ kiêu ngạo. Kiêu ngạo là bước đầu của thất bại.
đ) Đối những cán bộ sai lầm– Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm.
Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Và càng sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm.
Trừ những người cố ý phá hoại, ngoài ra không ai cố ý sai lầm, sai lầm là vì không hiểu, không biết. Vì vậy, đối với cán bộ bị sai lầm, ta quyết không nên nhận rằng họ muốn như thế, mà công kích họ. Trái lại, ta phải dùng thái độ thân thiết, giúp họ tìm ra cái cớ vì sao mà sai lầm? Sai lầm như thế, sẽ có hại đến công việc thế nào? Làm thế nào mà sửa chữa? Tóm lại, phải phê bình cho đúng.
Muốn họ thành tâm sửa chữa, phải giải thích rõ ràng, làm cho họ tự trông thấy, tự nhận rõ sự sai lầm đó, làm cho họ vui lòng sửa đổi, chứ không phải bị cưỡng bức mà sửa đổi.
Sự sửa đổi khuyết điểm, một phần cố nhiên là trách nhiệm của cán bộ đó. Nhưng một phần cũng là trách nhiệm của người lãnh đạo.
Sửa chữa sai lầm, cố nhiên cần dùng cách giải thích thuyết phục, cảm hoá, dạy bảo. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng.
Vì vậy, cần phải phân tách rõ ràng cái cớ sai lầm, phải xét kỹ lưỡng việc nặng hay nhẹ, phải dùng xử phạt cho đúng.
Cách đối với cán bộ là một điều trọng yếu trong sự tổ chức công việc. Cách đối với cán bộ có khéo, có đúng thì mới thực hiện được nguyên tắc: “Vấn đề cán bộ quyết định mọi việc”.
Phê bình cho đúng, chẳng những không làm giảm thể diện và uy tín của cán bộ, của Đảng. Trái lại, còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn, do đó mà uy tín và thể diện càng tăng thêm.
Xem tiếp: Phần 4
Sửa đổi lề lối làm việc (Phần 2)
IV. TƯ CÁCH VÀ ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG
A. TƯ CÁCH CỦA ĐẢNG CHÂN CHÍNH CÁCH MẠNG
1. Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng.
2. Cán bộ của Đảng phải hiểu biết lý luận cách mạng, và lý luận cùng thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau.
3. Khi đặt ra khẩu hiệu và chỉ thị, luôn luôn phải dựa vào điều kiện thiết thực và kinh nghiệm cách mạng ở các nước, ở trong nước và ở địa phương.
4. Phải luôn luôn do nơi quần chúng mà kiểm soát những khẩu hiệu và chỉ thị đó có đúng hay không.
5. Phải luôn luôn xem xét lại tất cả công tác của Đảng. Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng. Phải đem tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính mà dạy bảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.
6. Mỗi công việc của Đảng phải giữ nguyên tắc và phải liên hợp chặt chẽ với dân chúng. Nếu không vậy, thì chẳng những không lãnh đạo được dân chúng mà cũng không học được dân chúng.Chẳng những không nâng cao được dân chúng, mà cũng không biết ý kiến của dân chúng.
7. Mỗi công việc của Đảng phải giữ vững tính cách mạng của nó, lại phải khéo dùng những cách thức thi hành cho hoạt bát.Nếu không vậy thì không biết nắm vững các cách thức tranh đấu và các cách thức tổ chức, không biết liên hợp lợi ích ngày thường và lợi ích lâu dài của dân chúng.
8. Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên. 9. Đảng phải chọn lựa những người rất trung thành và rất hăng hái, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo.
10. Đảng phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hoá ra ngoài.
11. Đảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới. Kỷ luật này là tư tưởng phải nhất trí, hành động phải nhất trí. Kỷ luật này là do lòng tự giác của đảng viên về nhiệm vụ của họ đối với Đảng.
12. Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hoá ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng.
Muốn cho Đảng được vững bền Mười hai điều đó chớ quên điều nào.
B. PHẬN SỰ CỦA ĐẢNG VIÊN VÀ CÁN BỘ
1. Trọng lợi ích của Đảng hơn hết
Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác. Cho nên Đảng phải ra sức tổ chức nhân dân, lãnh đạo nhân dân để giải phóng nhân dân và để nâng cao sinh hoạt, văn hoá, chính trị của nhân dân. Vì toàn dân được giải phóng, tức là Đảng được giải phóng.
Vì vậy, mỗi người trong Đảng phải hiểu rằng: lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích của toàn thể. Lợi ích tạm thời nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài. Nghĩa là phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, lên trước hết.
Vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc. Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là “tính Đảng”. Nếu gặp khi lợi ích chung của Đảng mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân, thì phải kiên quyết hy sinh lợi ích của cá nhân cho lợi ích của Đảng.
Khi cần đến tính mệnh của mình cũng phải vui lòng hy sinh cho Đảng. Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ phải hiểu rõ, phải thực hành như thế. Vì hiểu rõ và thực hành như thế, cho nên trong Đảng ta đã có những liệt sĩ oanh liệt hy sinh cho Đảng, cho dân tộc, cho Tổ quốc, mà tiếng thơm để muôn đời. Các liệt sĩ đó đã nêu gương anh dũng cho tất cả đảng viên và cán bộ ta bắt chước.
Nhiều khi lợi ích của cá nhân hợp với lợi ích của Đảng. Thí dụ đảng viên và cán bộ cẩn thận giữ gìn sức khoẻ của mình để làm việc. Ham học tập để nâng cao trình độ của mình. Làm đúng cần, kiệm, liêm, chính để cho dân tin, dân phục, dân yêu.
Những lợi ích cá nhân đó rất chính đáng. Đảng mong cho đảng viên và cán bộ như thế. Song ngoài ra, như ham muốn địa vị, tìm cách phát tài, ra mặt anh hùng, tự cao tự đại, v.v.. Đó đều là trái với lợi ích của Đảng.
2. Đạo đức cách mạng
Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà những tính tốt như sau, ngày càng thêm.
Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm có năm điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm.
a) NHÂN là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân. Vì thế mà sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền. Những người đã không ham, không e, không sợ gì thì việc gì là việc phải họ đều làm được.
b) NGHĩA là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng. Ngoài lợi ích của Đảng, không có lợi ích riêng phải lo toan. Lúc Đảng giao cho việc, thì bất kỳ to nhỏ, đều ra sức làm cẩn thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói. Không sợ người ta phê bình mình, mà phê bình người khác cũng luôn luôn đúng đắn.
c) TRÍ vì không có việc tư túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dễ hiểu lý luận. Dễ tìm phương hướng. Biết xem người. Biết xét việc. Vì vậy, mà biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng người gian.
d) DŨNG là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát.
đ) LIÊM là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hoá.
Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ.
Đó là đạo đức cách mạng. Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người. Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân.
Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hoá, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?
3. Phải giữ kỷ luật
Lợi ích của dân tộc, gồm có lợi ích của Đảng. Lợi ích của Đảng, gồm có lợi ích của đảng viên. Vì vậy, sự phát triển và thành công của Đảng, một mặt tức là thành công của dân tộc, một mặt tức là thành công của đảng viên. Vì vậy, chỉ có khi Đảng thành công và thắng lợi, thì đảng viên mới có thể thành công và thắng lợi. Chính vì vậy mà đảng viên cần phải hy sinh lợi ích của mình cho lợi ích chung của Đảng.
Không ai bắt buộc ai vào Đảng làm chiến sĩ xung phong. Đó là do sự “tự giác”, lòng hăng hái của mỗi người mà tình nguyện làm đảng viên, làm chiến sĩ xung phong. Đã vậy, thì mỗi người đảng viên phải cố gắng cho xứng đáng là một người trong những người đại biểu của dân tộc.
Nhất là những người cán bộ và lãnh tụ, càng phải làm cho xứng đáng lòng tin cậy của Đảng, của dân tộc. Càng phải làm gương cho tất cả đảng viên, tất cả quần chúng noi theo.
Cũng vì lợi ích của dân tộc, mà Đảng cần phải khuyến khích và khen thưởng những ưu điểm và tài năng của đảng viên. Cần phải giúp cho họ học hành, giúp cho họ làm việc và tuỳ theo hoàn cảnh mà giúp họ về mặt sinh hoạt, trong lúc ốm đau. Khiến cho họ ham làm việc, vui làm việc. Nói tóm lại: mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải hoàn toàn phục tùng lợi ích của Đảng. Không nên có mục đích cá nhân. Không nên vì cá nhân mà yêu cầu Đảng cái này cái khác, hoặc trách móc Đảng không giúp đỡ mình, không khen thưởng mình.
Đồng thời, bất kỳ ở hoàn cảnh nào, đảng viên và cán bộ cần phải luôn luôn ra sức phấn đấu, ra sức làm việc, cố gắng học tập để nâng cao trình độ văn hoá, trí thức và chính trị của mình. Luôn luôn giữ gìn kỷ luật. Luôn luôn xứng đáng một người cán bộ, một người đảng viên.
4. Đối với các hạng đảng viên
Đảng ta là một đảng cách mạng, một đảng vì dân, vì nước. Song Đảng có rất đông đảng viên. Phần đông cố nhiên đã hiểu biết vì dân, vì nước mà vào Đảng. Nhưng cũng có phần vì lẽ khác mà theo vào Đảng. Thí dụ: có người tưởng vào Đảng thì dễ tìm công ăn việc làm. Có người vào Đảng mong làm chức này, tước nọ. Có người vì anh em bạn hữu kéo vào, v.v.. Những người này không biết rằng: cách mạng là một sự nghiệp gian nan cực khổ, phải có lòng kiên quyết, có chí hy sinh.
Vì vậy khi gặp sự khó khăn, họ không khỏi dao động, hoang mang.
Dù sao, họ tin Đảng ta, họ kính trọng Đảng ta, họ tìm vào Đảng ta, đó cũng là một điều tốt. Trừ những bọn vào Đảng để mong phá hoại, còn những hạng kia chúng ta đều hoan nghênh. Một khi họ đã theo Đảng thì Đảng phải cảm hoá họ, dạy dỗ họ, nâng cao sự hiểu biết và lòng phụ trách của họ lên dần dần. Trong sự huấn luyện và tranh đấu lâu dài, họ rất có thể thành những người chiến sĩ khá.
Đối với những người không chịu nổi khó nhọc, không chịu nổi kỷ luật nghiêm khắc mà xin ra khỏi Đảng, thì Đảng vẫn bằng lòng để họ ra. Đảng chỉ yêu cầu một điều là: họ thề không lộ bí mật của Đảng, không phản Đảng, không phá hoại Đảng. Như thế thì Đảng vẫn giữ cảm tình thân thiện với họ.
Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu. Vì tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó; còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ, sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân.
5. Những khuyết điểm sai lầm
Trong Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ “chí công vô tư”, cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân.
Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm, thí dụ những bệnh sau đây:
a) Bệnh tham lam – Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ “tự tư tự lợi”. Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí làm chợ đen buôn lậu. Không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình.
b) Bệnh lười biếng – Tự cho mình là cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết. Làm biếng học hỏi, làm biếng suy nghĩ. Việc dễ thì tranh lấy cho mình. Việc khó thì đùn cho người khác. Gặp việc nguy hiểm thì tìm cách để trốn tránh.
c) Bệnh kiêu ngạo – Tự cao, tự đại, ham địa vị, hay lên mặt. Ưa người ta tâng bốc mình, khen ngợi mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo, cho ai cũng không bằng mình. Không thèm học hỏi quần chúng, không muốn cho người ta phê bình. Việc gì cũng muốn làm thầy người khác.
d) Bệnh hiếu danh – Tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại. Có khi vì cái tham vọng đó mà việc không đáng làm cũng làm. Đến khi bị công kích, bị phê bình thì tinh thần lung lay. Những người đó chỉ biết lên mà không biết xuống. Chỉ chịu được sướng mà không chịu được khổ. Chỉ ham làm chủ tịch này, uỷ viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực.
đ) Thiếu kỷ luật – Đã mắc bệnh cá nhân thì tư tưởng và hành động cũng đặt cá nhân lên trên. Vì thế mà việc gì cũng không lấy Đảng làm nền tảng. Mình muốn thế nào thì làm thế ấy. Quên cả kỷ luật của Đảng. Phê bình thì cốt công kích những đồng chí mình không ưa. Cất nhắc thì cốt làm ơn với những người mình quen thuộc.
e) óc hẹp hòi – ở trong Đảng thì không biết cất nhắc những người tốt, sợ người ta hơn mình. ở ngoài Đảng thì khinh người, cho ai cũng không cách mạng, không khôn khéo bằng mình. Vì thế mà không biết liên lạc hợp tác với những người có đạo đức tài năng ở ngoài Đảng. Vì thế mà người ta uất ức và mình thành ra cô độc.
g) óc địa phương – Bệnh này tuy không xấu bằng các bệnh kia nhưng kết quả cũng rất tai hại. Miễn là cơ quan mình, bộ phận mình, địa phương mình được việc. Còn các cơ quan, bộ phận, địa phương khác ra sao cũng mặc kệ. Đó là vì cận thị, không xem xét toàn thể. Không hiểu rằng lợi ích nhỏ phải phục tùng ích lợi to, ích lợi bộ phận phải phục tùng ích lợi toàn thể.
h) óc lãnh tụ – Đánh được vài trận, hoặc làm được vài việc gì ở địa phương đã cho mình là tài giỏi lắm rồi, anh hùng lắm rồi, đáng làm lãnh tụ rồi.
Nào có biết so với công cuộc giải phóng cả dân tộc thì những thành công đó chỉ là một chút cỏn con, đã thấm vào đâu! Mà so với những sự nghiệp to tát trong thế giới, càng không thấm vào đâu.
Cố nhiên, Đảng ta mong cho có nhiều anh hùng, nhiều lãnh tụ, được dân tin, dân phục, dân yêu. Những anh hùng và lãnh tụ như thế là của quý của Đảng, của dân tộc. Song, những anh hùng và lãnh tụ như thế đều do tranh đấu và kinh nghiệm rèn luyện ra, đều do dân chúng và đảng viên tin cậy mà cử ra, chứ không phải tự mình muốn làm lãnh tụ, làm anh hùng mà được.
Từ xưa đến nay, quần chúng không bao giờ tin cậy và yêu mến những kẻ tự cao, tự đại, những kẻ có óc lãnh tụ, tự xưng ta đây là anh hùng, lãnh tụ.
Đem so với công việc của cả loài người trong thế giới, thì những người đại anh hùng xưa nay cũng chẳng qua làm tròn một bộ phận mà thôi. Mỗi người chúng ta cố làm đầy đủ những công việc Đảng giao phó cho, thế là ta làm tròn nhiệm vụ, và lòng tự hào đó giúp cho ta tiến bộ mãi.
6. Những bệnh khác
a) Bệnh “hữu danh, vô thực” – Làm việc không thiết thực, không tự chỗ gốc, chỗ chính, không từ dưới làm lên. Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch.
Thí dụ việc tổ chức – Trong báo cáo thì làng nào, huyện nào, tỉnh nào cũng có. Hạng người nào cũng có. Có hàng vạn hàng ức người. Nhưng khi soạn lại cặn kẽ, hỏi lại rõ ràng, nhưng nơi đó có bao nhiêu người, những tổ chức đó đã làm việc gì, cán bộ đã đến đó mấy lần, đã làm gì cho những tổ chức đó, thì chưa có gì thiết thực hết.
Thế là không làm tròn nhiệm vụ của mình. Thế là dối trá với Đảng, có tội với Đảng. Làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà, cũng là một bệnh rất nguy hiểm.
b) Kéo bè kéo cánh lại là một bệnh rất nguy hiểm nữa.
Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống.
Bệnh này rất tai hại cho Đảng. Nó làm hại đến sự thống nhất. Nó làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình. Nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí. Nó gây ra những mối nghi ngờ.
c) Bệnh cận thị – Không trông xa thấy rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc tỉ mỉ. Thí dụ: việc tăng gia sản xuất, việc tiếp tế bộ đội thì không lo đến, mà chỉ lo thế nào để lợi dụng cơm cháy và nước gạo trong các bộ đội.
Những người như vậy, chỉ trông thấy sự lợi hại nhỏ nhen mà không thấy sự lợi hại to lớn.
d) Bệnh “cá nhân”
1. Việc gì không phê bình trước mặt để nói sau lưng. Khi khai hội thì không nói, lúc khai hội rồi mới nói. Không bao giờ đề nghị gì với Đảng. Không theo nguyên tắc sinh hoạt của Đảng. Muốn sao làm vậy.
2. Muốn làm xong việc, ai có ưu điểm cũng không chịu học theo, ai có khuyết điểm cũng không dám phê bình.
3. Không phục tùng mệnh lệnh, không tuân theo kỷ luật. Cứ làm theo ý mình.
4. Khi phê bình ai, không phải vì Đảng, không phải vì tiến bộ, không phải vì công việc, mà chỉ công kích cá nhân, cãi bướng, trả thù, tiểu khí.
5. Nghe những lời bình luận không đúng, cũng làm thinh, không biện bác. Thậm chí nghe những lời phản cách mạng cũng không báo cáo cho cấp trên biết. Ai nói sao, ai làm gì cũng mặc kệ.
6. Gặp dân chúng thì không điều tra, không hỏi han, không tuyên truyền, không giải thích. Xem như dân chúng không có quan hệ gì với mình.
7. Thấy những việc có hại đến dân chúng cũng mặc kệ, không khuyên răn, không ngăn cản, không giải thích.
8. Làm việc không có kế hoạch, gặp sao làm vậy, làm lấy lệ, làm không có ngăn nắp, làm không đến nơi đến chốn.
9. Tự cho mình là “cách mạng già”, “cách mạng cũ”; việc to làm không nổi, việc nhỏ không chịu làm. Làm việc thì lờ mờ, học hành thì biếng nhác.
10. Biết mình có khuyết điểm, nhưng không chịu cố gắng sửa đổi.
Những tật bệnh đó khiến cho Đảng xệch xoạc, ý kiến lung tung, kỷ luật lỏng lẻo, công việc bê trễ. Chính sách không thi hành được triệt để, Đảng xa rời dân chúng.
Mắc phải bệnh đó thì dễ đi đến chỗ để lợi ích cá nhân lên trên, để lợi ích Đảng và dân tộc xuống dưới.
Một người cách mạng bao giờ cũng phải trung thành, hăng hái, xem lợi ích của Đảng và dân tộc quý hơn tính mệnh của mình. Bao giờ cũng quang minh chính trực, ham cách sinh hoạt tập thể, luôn luôn săn sóc dân chúng, giữ gìn kỷ luật, kiên quyết chống lại “bệnh cá nhân”.
đ) Bệnh lười biếng – Khi tiếp được mệnh lệnh hoặc nghị quyết, không chịu nghiên cứu rõ ràng. Không lập tức đưa ngay mệnh lệnh và nghị quyết đó cho cấp dưới, cho đảng viên, cho binh sĩ. Cứ xếp lại đó. Khi thi hành, kềnh kềnh càng càng, không hoạt bát nhanh chóng.
Hoặc thi hành một cách miễn cưỡng, không sốt sắng, không đến nơi đến chốn. Kết quả nhỏ là: nghị quyết đầy túi áo, thông cáo đầy túi quần. Kết quả nặng là: phá hoại tổ chức của Đảng, giảm bớt kỷ luật của Đảng, bỏ mất thời cơ tốt, lúc nên làm thì không làm, khi làm thì trễ rồi. Đó là vì tính lười biếng, chậm chạp. Vì không hiểu rằng: Đảng cũng như thân thể một con người. Mệnh lệnh và nghị quyết cũng như mạch máu. Mạch máu chạy đều khắp thân thể thì người mạnh khoẻ. Mạch máu dừng lại đâu, không chạy thì chỗ đó sẽ tê liệt, sinh bệnh. Mệnh lệnh và nghị quyết đi mau, đi suốt từ trên đến dưới, công tác mau chóng, việc gì cũng xong xuôi. Nó ngừng lại cấp nào, từ cấp đó trở xuống là tê liệt, không biết đường nào mà công tác.
Cách chữa:
– Các cơ quan chỉ đạo phải có cách lãnh đạo cho đúng. Mỗi việc gì đều phải chỉ bảo cách làm.
– Cấp trên phải hiểu rõ tình hình cấp dưới và tình hình quần chúng, để chỉ đạo cho đúng.
– Khi nghị quyết việc gì, phải cẩn thận, rõ ràng. Khi đã nghị quyết thì phải kiên quyết thi hành.
Mỗi nghị quyết phải mau chóng truyền đến các cấp dưới, đến đảng viên, đến dân chúng. Cách tiện nhất là khai hội với các đảng viên, khai hội với dân chúng (hoặc binh sĩ), phái người đến báo cáo, giải thích.
– Các cấp dưới, đảng viên và dân chúng (hoặc binh sĩ) phải thảo luận những mệnh lệnh và nghị quyết đó cho rõ ràng, hiểu thấu ý nghĩa của nó và định cách thi hành cho đúng.
– Cấp dưới cần phải báo cáo. Cấp trên cần phải kiểm soát.
e) Bệnh tị nạnh – Cái gì cũng muốn “bình đẳng”.
Thí dụ: Cấp trên vì công việc phải cưỡi ngựa, đi xe. Cấp dưới cũng muốn cưỡi ngựa, đi xe.
Người phụ trách nhiều việc, cần có nhà rộng. Người không phụ trách nhiều việc, cũng đòi nhà rộng.
Phụ cấp cho thương binh cũng muốn nhất luật, không kể thương nặng hay nhẹ.
Làm việc gì, thì muốn già, trẻ, mạnh, yếu đều làm bằng nhau.
Có việc, một người làm cũng được, nhưng cũng chờ có đủ mọi người mới chịu làm.
Bệnh này sinh ra vì hiểu lầm hai chữ bình đẳng. Không hiểu rằng: người khoẻ gánh nặng, người yếu gánh nhẹ. Người làm việc nặng phải ăn nhiều, người làm việc dễ thì ăn ít. Thế là bình đẳng.
Cách chữa – Giải thích cho họ hiểu: đồng cam cộng khổ là một điều rất hay , rất tốt. Nhất là trong lúc cái gì cũng còn túng thiếu, và mỗi đảng viên, mỗi cán bộ cần phải làm kiểu mẫu trong sự cần lao, tiết kiệm. Nhưng cũng phải tuỳ theo hoàn cảnh. Cái gì thái quá cũng không tốt. Bình đẳng thái quá cũng không tốt. Thí dụ: nếu một chiến sĩ bị thương được đi xe, ăn ngon, các chiến sĩ khác đều đòi đi xe, đòi ăn ngon . Hoặc vì bình đẳng mà bắt buộc một trẻ em cũng ăn nhiều, cũng gánh nặng, như một người lớn. Nếu như thế là bình đẳng, thì bình đẳng đó rất vô lý, rất xấu, chúng ta phải kiên quyết chống lại thứ bình đẳng đó.
Sợ mất oai tín và thể diện mình, không dám tự phê bình.
Lại nói: Nếu phê bình khuyết điểm của mình, của đồng chí mình, của Đảng và Chính phủ, thì địch sẽ lợi dụng mà công kích ta.
Nói vậy là lầm to. Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình, cũng như có bệnh mà giấu bệnh. Không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết “cũng la lết quả dưa”.
Nói về từng người, nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc. Thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm, mà không chữa cho họ. Nể nang mình, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại. Thế thì khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình!
Nói về Đảng, một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính.
Đảng cần phải biết những ưu điểm và khuyết điểm của mình để dạy dỗ đảng viên, dạy dỗ quần chúng. Sợ phê bình, tức là “quan liêu hoá”, tức là tự mãn tự túc, tức là “mèo khen mèo dài đuôi”.
Phê bình không phải để công kích, để nói xấu, để chửi rủa.
g) Bệnh xu nịnh, a dua – Lại có những người trước mặt thì ai cũng tốt, sau lưng thì ai cũng xấu. Thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi. Theo gió bẻ buồm, không có khí khái.
Còn bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, bệnh nóng tính, bệnh lụp chụp, v.v., đã nói qua, đây không nhắc nữa.
7. Những khuyết điểm sai lầm vì sao mà có và tự đâu mà đến?
Khuyết điểm đâu mà nhiều thế?
Đảng ta là một đảng rất to lớn, bao gồm đủ các tầng lớp trong xã hội. Vì vậy có nhiều tính cách rất trung thành, rất kiên quyết, rất vĩ đại. Song cũng không tránh khỏi những tập tục, những tính nết, những khuyết điểm của xã hội bên ngoài, nó lây, ngấm vào trong Đảng.
Nhưng không vì thế mà kinh sợ. Ta đã thấy rõ những bệnh ấy thì ta tìm được cách chữa.
Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ, cần phải thật thà tự xét và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào, thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau. Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình.
Đá đi lâu cũng mòn. Sắt mài lâu cũng sắc. Ta cố gắng sửa chữa thì khuyết điểm ngày càng bớt, ưu điểm ngày càng thêm. Đảng viên và cán bộ ngày càng trở nên người chân chính cách mạng. Đảng ngày càng phát triển.
Mong ai nấy đều phải thiết thực sửa đổi. Đảng ta là một tổ chức rất tiến bộ, đã có những thành tích rất vẻ vang.
Trong Đảng ta, gồm có những người có tài, có đức. Phần đông những người hăng hái nhất, thông minh nhất, yêu nước nhất, kiên quyết, dũng cảm nhất đều ở trong Đảng ta. Chúng ta chắc chắn đi đến thắng lợi và thành công.
Tuy vậy, không phải là người người đều tốt, việc việc đều hay. Trong Đảng ta chưa hoàn toàn tránh khỏi một vài kẻ vu vơ, những việc không chính đáng, như vừa kể trên.
Cũng như một nhà có rể khờ, dâu dại, không thể cấm họ gặp gỡ bà con. Đảng ta dù muốn giấu những người và những việc không tốt kia, cũng không thể giấu. Quần chúng luôn luôn liên lạc với Đảng ta. Những người hăng hái đồng tình với Đảng ta, hoặc tham gia Đảng ta. Họ chẳng những trông thấy những người tốt, việc tốt, mà họ cũng trông thấy những người xấu, việc xấu trong Đảng. Họ sẽ ngơ ngác mà hỏi ” Đảng này là Đảng tốt, đảng viên đều là người tốt, vì sao lại có những người vu vơ, những việc mờ tối như thế nhỉ?”.
Câu hỏi đó làm cho chúng ta càng thêm chú ý, làm cho đảng viên và cán bộ phải cẩn thận giữ mình, và cẩn thận săn sóc, dắt dìu những người cảm tình, những đảng viên mới, chớ để họ bị ảnh hưởng xấu. Đồng thời, chúng ta phải trả lời cho câu hỏi đó cho đúng. Nếu không thì người ta sẽ thất vọng và bi quan.
Trả lời thế nào?
Rất là giản đơn, dễ hiểu:
Đảng ta không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra. Vì vậy, tuy nói chung, thì đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa, v.v.. Những thói xấu đó có đã lâu, nhất là trong 80 năm nô lệ. Những thói xấu đó, họ mang từ xã hội vào Đảng.
Cũng như những người hàng ngày lội bùn, mà trên mình họ có hơi bùn, có vết bùn. Như thế thì có gì là kỳ quái? Vì lội bùn thì nhất định có hơi bùn. Cần phải tắm rửa lâu mới sạch. Trái lại, nếu lội bùn mà không có hơi bùn, mới thật là kỳ quái. Nếu trong Đảng ta, một đảng mới từ trong xã hội cũ bước ra, nếu nó hoàn toàn không có những người xấu, việc xấu như thế mới là kỳ quái chứ! Cố nhiên nói thế không phải là để tự bào chữa.
Đảng một mặt phải làm công việc giải phóng dân tộc, một mặt phải giáo dục đảng viên và cán bộ, kiên quyết cảm hoá những phần tử xấu, sửa chữa những thói xấu còn lại. Phải cố sửa chữa cho tiệt nọc các chứng bệnh, khiến cho Đảng càng mạnh khoẻ, bình an.
8. Cách đối với các khuyết điểm
Vì Đảng rất to, người rất đông; mỗi hạng người lại có thói quen, tính nết, trình độ, tư tưởng, nhận xét khác nhau. Nhất là khi phong trào cách mạng càng sôi nổi, hoàn cảnh càng khó khăn, thì sự khác nhau đó càng rõ rệt, càng trở nên gay go.
Nên giải quyết những mối mâu thuẫn đó thế nào?
Có người thì cho rằng: trong Đảng việc gì cũng tốt, không có khuyết điểm gì đáng lo. Có người lại cho rằng: trong Đảng cái gì cũng kém, đầy những khuyết điểm, vì vậy mà họ bi quan, thất vọng. Hai cách nhận xét đó đều không đúng.
Sự thật là: Đảng ta rất tiền tiến, rất vẻ vang. Nhưng nội bộ vẫn còn những sự sai lầm và khuyết điểm. Đồng thời, chúng ta thấy cái nguồn gốc của những sai lầm khuyết điểm đó, và chắc tìm được cách sửa chữa. Chúng ta quyết tâm công tác thêm, để làm cho Đảng tiến bộ thêm mãi.
Thái độ mỗi người đối với những khuyết điểm của Đảng ta cũng khác nhau.
Bọn phản động thì lợi dụng những khuyết điểm đó và tô vẽ thêm để phá hoại Đảng ta.
Lợi dụng những sai lầm và khuyết điểm đó, để đạt mục đích tự tư tự lợi của họ. Đó là thái độ của đảng viên và cán bộ đầu cơ.
Bọn thứ ba thì sao cũng mặc kệ, sao xong chuyện thì thôi. Không phê bình, không tự phê bình. Đó là thái độ của những đảng viên và cán bộ ươn hèn yếu ớt.
Bọn thứ tư thì đối với những người có khuyết điểm và sai lầm đó, như đối với hổ mang, thuồng luồng. Họ đòi phải đuổi bọn kia ra khỏi Đảng ngay. Nếu Đảng không làm như thế thì họ cho rằng: Thôi, hỏng hết rồi! Do đó, họ đâm ra chán nản, thất vọng. Hoặc họ không làm gì nữa hết. Thậm chí họ bỏ Đảng. Đó là thái độ những người máy móc quá. Đó cũng là bệnh “chủ quan”.
Thái độ thứ năm, là thái độ đúng. Tức là:
a) Phân tách rõ ràng, cái gì đúng, cái gì là sai.
b) Không chịu nổi ảnh hưởng của những chủ trương sai lầm, những phần tử không tốt. Ra sức học tập và nâng cao những kiểu mẫu tốt.
c) Không để mặc kệ. Mà ra sức tranh đấu sửa chữa những khuyết điểm, không để nó phát triển ra, không để nó có hại cho Đảng.
d) Không làm cách máy móc. Nhưng khéo dùng cách phê bình và tự phê bình để giúp đồng chí khác sửa đổi những sai lầm và khuyết điểm, giúp họ tiến bộ.
đ) Đoàn kết Đảng bằng sự tranh đấu nội bộ. Nâng cao kỷ luật và uy tín của Đảng.
Bọn phản động và bọn đầu cơ là địch nhân lọt vào trong Đảng để phá hoại. Vì vậy chúng ta phải ra sức đề phòng. Mỗi khi trong Đảng có khuyết điểm thì chúng ta phải tìm cách chớ để cho ai lợi dụng. Đó là phận sự của mỗi một đảng viên chân chính.
Thái độ thứ ba, ai mặc kệ ai, cố nhiên cũng không đúng. Tuy vậy, trong Đảng, còn có nhiều người giữ thái độ đó, nhất là khi cấp dưới đối với cấp trên. Thái độ đó thường sinh ra thói “không nói trước mặt, hục hặc sau lưng”. Nó gây nên sự uất ức và không đoàn kết trong Đảng. Nó để cho bọn vu vơ có thể chui vào hoạt động trong Đảng. Nó để cho khuyết điểm ngày càng chồng chất lại và phát triển ra.
Nếu theo thái độ thứ tư thì Đảng chỉ còn một nhóm cỏn con, vì số đông sẽ bị khai trừ hết. Mà chính những người có thái độ đó cũng bị khai trừ, vì họ đã phạm cái khuyết điểm hẹp hòi.
Kết luận – Trong công tác, trong tranh đấu, trong huấn luyện, các đảng viên, các cán bộ, cần phải luôn luôn tự hỏi mình, tự kiểm điểm mình và đồng chí mình. Luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình và tự phê bình, thì khuyết điểm nhất định hết dần, ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng ta nhất định thắng lợi.
C. TƯ CÁCH VÀ BỔN PHẬN ĐẢNG VIÊN
1. Tư cách
a) Thừa nhận chính sách của Đảng. Thực hành các nghị quyết của Đảng. Ra sức làm công việc Đảng. Nộp đảng phí.
b) Những người trí thức, công nhân, nông dân, phụ nữ, quân nhân, hăng hái yêu nước, từ 18 tuổi trở lên đều được vào Đảng.
c) Mỗi người muốn vào Đảng phải có hai đảng viên cũ giới thiệu.
– Những người bỏ đảng phái khác mà vào Đảng, phải có ba người giới thiệu, và phải được cấp trên của Đảng chuẩn y.
– Những người rời Đảng đã lâu, mà có người làm chứng rằng, trong thời gian đó không hề làm việc gì có hại cho Đảng, thì được trở lại làm đảng viên.
d) Những người mới vào Đảng phải qua một thời kỳ dự bị. Nông dân và công nhân hai tháng. Quân nhân ba tháng. Trí thức bốn tháng.
đ) Trong thời kỳ dự bị, Đảng phải dạy dỗ cho họ, và trao việc cho họ làm. Đồng thời, Đảng phải xem xét tính nết, công tác và lịch sử của họ.
– Những người giới thiệu phải giúp đỡ họ học tập và công tác.
e) Những người dự bị phải công tác cho Đảng và nộp đảng phí.
Họ có quyền tham gia huấn luyện, đề ra ý kiến, bàn bạc các vấn đề, nhưng không có quyền biểu quyết.
Họ cũng chưa có quyền giữ các trách nhiệm chỉ đạo như làm tổ trưởng, thư ký, v.v.. (Trong những hoàn cảnh đặc biệt, như nơi đó mới bắt đầu có Đảng, hoặc đại đa số đều đảng viên mới, thì không phải theo lệ này).
2. Bổn phận
a) Suốt đời tranh đấu cho dân tộc, cho Tổ quốc.
b) Đặt lợi ích của cách mạng lên trên hết, lên trước hết.
c) Hết sức giữ kỷ luật và giữ bí mật của Đảng.
d) Kiên quyết thi hành những nghị quyết của Đảng.
đ) Cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc.
e) Cố gắng học tập chính trị, quân sự, văn hoá. Phải gần gũi quần chúng, học hỏi quần chúng, cũng như phải lãnh đạo quần chúng.
Xem tiếp: Phần 3
Sửa đổi lề lối làm việc (Phần 1)
I. PHÊ BÌNH VÀ SỬA CHỮA
1. Cán bộ và đảng viên ta, vì bận việc hành chính hoặc quân sự, mà xao nhãng việc học tập. Đó là một khuyết điểm rất to. Khác nào người thầy thuốc chỉ đi chữa người khác, mà bệnh nặng trong mình thì quên chữa. Từ nay, chúng ta cần phải thiết thực học tập, sửa chữa các khuyết điểm. Vì có tẩy sạch khuyết điểm, công việc mới có thể tiến bộ.
2. Trong bức thư trước, Hồ Chủ tịch đã vạch rõ khuyết điểm của chúng ta. Những cán bộ và đảng viên các nơi, hoặc chỉ nghiên cứu qua loa, hoặc nhận thấy khuyết điểm rồi nhưng không cố gắng sửa chữa. Đó là vì nghiên cứu một cách không thiết thực, không có tổ chức.
Từ nay, chúng ta phải làm như sau này:
A- TỔ CHỨC: Mỗi cơ quan, bộ đội, đoàn thể phải tổ chức một uỷ ban học tập, do cán bộ cao cấp lãnh đạo, do các cấp cử đại biểu tham gia. Số uỷ viên nhiều hay ít, tuỳ hoàn cảnh mà định. Uỷ ban này định ra kế hoạch; nghiên cứu, thảo luận, kiểm tra và thực hành.
B- THỜI GIAN HỌC TẬP: từ 2 đến 3 tháng. Mỗi nơi tuỳ hoàn cảnh mà định ngày giờ. Dù sao, phải có ngày giờ nhất định.
D- CÁCH THỨC HỌC TẬP:
1. Nghiên cứu – Mỗi người phải đọc kỹ càng các tài liệu, rồi tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình, có khuyết điểm gì và ưu điểm gì.
2. Thảo luận – Khai hội thảo luận và phê bình. Trong lúc thảo luận, mọi người được hoàn toàn tự do phát biểu ý kiến, dù đúng hoặc không đúng cũng vậy. Song không được nói gàn, nói vòng quanh. Những kết luận trong cuộc thảo luận phải có cấp trên duyệt y mới là chính thức.
Đ- CÁCH PHÊ BÌNH: Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét.
E- KIỂM TRA: Uỷ ban học tập phải có một ban kiểm tra để xem xét việc học tập và sự tiến bộ của mọi người, giúp đỡ người tiến bộ ít, khen ngợi người tiến bộ nhiều.
G- BÁO CÁO: Mỗi tháng phải báo cáo về Trung ương một lần.
H- THỰC HÀNH: Người có ưu điểm thì phải cố gắng thêm, và người khác phải cố gắng bắt chước. Mọi người phải tích cực sửa chữa khuyết điểm của mình và giúp anh em sửa chữa khuyết điểm của họ. Mọi người phải nhớ rằng: cộng nhiều khuyết điểm nhỏ thành một khuyết điểm to, sẽ rất có hại. Cộng nhiều ưu điểm nhỏ thành một ưu điểm lớn, rất lợi cho Đảng và công cuộc kháng chiến.
II. PHẢI SỬA ĐỔI LỐI LÀM VIỆC CỦA ĐẢNG
Đảng ta hy sinh tranh đấu, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân, tranh lại thống nhất và độc lập. Công việc đã có kết quả vẻ vang.
Nhưng, nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa.
Cán bộ và đảng viên làm việc không đúng, không khéo, thì còn nhiều khuyết điểm. Khuyết điểm nhiều thì thành tích ít. Khuyết điểm ít thì thành tích nhiều. Đó là lẽ tất nhiên.
Vì vậy, ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công. Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh.
Khuyết điểm có nhiều thứ. Chúng ta có thể chia tất cả các khuyết điểm vào ba hạng:
– Khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan.
– Khuyết điểm về sự quan hệ trong Đảng với ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi.
– Khuyết điểm về cách nói và cách viết, tức là ba hoa.
Đó là ba chứng bệnh rất nguy hiểm. Nếu không chữa ngay, để nó lây ra, thì có hại vô cùng.
A- BỆNH CHỦ QUAN
Mỗi chứng bệnh sinh ra do nhiều nguyên nhân. Nhưng kết quả nó đều làm cho người ta ốm yếu. Nguyên nhân của bệnh chủ quan là: Kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông.
Trước hết, ta phải hiểu lý luận là gì?
Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính.
Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế.
Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi.
Hiện nay, phong trào cách mạng rất cao. Nhưng thử hỏi cán bộ và đảng viên ta đã mấy người biết rõ lý luận và biết áp dụng vào chính trị, quân sự, kinh tế, và văn hoá? Đã mấy người hiểu “biện chứng” là cái gì?
Vì kém lý luận, cho nên gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo. Không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại.
Đó là chứng kém lý luận trong bệnh chủ quan.
Có những cán bộ, những đảng viên cũ, làm được việc, có kinh nghiệm. Cố nhiên, những anh em đó rất quý báu cho Đảng. Nhưng họ lại mắc phải cái bệnh khinh lý luận. Họ quên rằng: nếu họ đã có kinh nghiệm mà lại biết thêm lý luận thì công việc tốt hơn nhiều. Họ quên rằng: kinh nghiệm của họ tuy tốt, nhưng cũng chẳng qua là từng bộ phận mà thôi, chỉ thiên về một mặt mà thôi.
Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ.
Những anh em đó, cần phải nghiên cứu thêm lý luận, mới thành người cán bộ hoàn toàn.
Có những người xem được sách, xem nhiều sách. Siêng xem sách và xem nhiều sách là một việc đáng quý. Nhưng thế không phải đã là biết lý luận.
Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách.
Xem nhiều sách để mà loè, để làm ra ta đây, thế không phải là biết lý luận.
Những anh em đó cần phải ra sức thực hành mới thành người biết lý luận.
Nói tóm lại, mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông.
Có những người xem được sách, xem nhiều sách. Siêng xem sách và xem nhiều sách là một việc đáng quý. Nhưng thế không phải đã là biết lý luận.
Đây phải nói rõ vấn đề trí thức.
Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều.
Nhưng có đôi người trí thức vì thế mà kiêu ngạo, lên mặt. Chứng kiêu ngạo lên mặt rất có hại cho họ. Nó ngăn trở họ tiến bộ.
Trí thức là gì?
Trí thức là hiểu biết. Trong thế giới chỉ có hai thứ hiểu biết: một là hiểu biết sự tranh đấu sinh sản. Khoa học tự nhiên do đó mà ra. Hai là hiểu biết tranh đấu dân tộc và tranh đấu xã hội. Khoa học xã hội do đó mà ra. Ngoài hai cái đó, không có trí thức nào khác.
Một người học xong đại học, có thể gọi là có trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế.
Vì vậy, những người trí thức đó cần phải biết rõ cái khuyết điểm của mình. Phải khiêm tốn. Chớ kiêu ngạo. Phải ra sức làm các việc thực tế.
Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận.
Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên.
Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem loè thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích.
Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành.
B- BỆNH HẸP HÒI
Bệnh này rất nguy hiểm, mà nhiều cán bộ và đảng viên còn mắc phải.
Trong, thì bệnh này ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết.
Ngoài, thì nó phá hoại sự đoàn kết toàn dân.
Nhiều thứ bệnh, như chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hoá,v.v., đều do bệnh hẹp hòi mà ra!
Có những cán bộ chỉ thấy lợi ích bộ phận của mình, không thấy lợi ích của toàn thể, muốn đem lợi ích của toàn thể phục tùng lợi ích của bộ phận mình. Họ quên hẳn cái chế độ dân chủ tập trung. Họ quên rằng thiểu số phải phục tùng đa số, hạ cấp phải phục tùng thượng cấp, bộ phận phải phục tùng toàn thể.
Chúng ta phải kiên quyết chữa ngay bệnh ấy, mỗi một đảng viên, mỗi một bộ phận, mỗi một lời nói, việc làm, tuyệt đối phải nhằm vào lợi ích của toàn cuộc, lợi ích của toàn Đảng.
Vì ham danh vọng và địa vị, cho nên khi phụ trách một bộ phận nào, thì lôi người này, kéo người khác, ưa ai thì kéo vào, không ưa thì tìm cách tẩy ra. Thế là chỉ biết có mình, chỉ biết có bộ phận mình mà quên cả Đảng. Đó là một thứ bệnh hẹp hòi, trái hẳn với nguyên tắc tập trung và thống nhất của Đảng.
Cũng vì bệnh hẹp hòi đó mà cán bộ cấp trên phái đến và cán bộ địa phương không đoàn kết chặt chẽ.
Phải biết rằng: chỉ có hai hạng cán bộ đó đoàn kết chặt chẽ và chỉ có cán bộ địa phương ngày càng thêm nhiều, thì nền tảng của Đảng mới phát triển và vững vàng. Cán bộ phái đến, trình độ thường cao hơn, kinh nghiệm nhiều hơn. Nhưng cán bộ địa phương lại biết rõ nhân dân, quen thuộc công việc hơn. Hai hạng cán bộ phải giúp đỡ nhau, bồi đắp nhau, thì công việc mới chạy.
Vì bệnh hẹp hòi mà cán bộ phái đến thường kiêu ngạo, khinh rẻ cán bộ địa phương, cho họ là dốt kém. Thành thử không thân mật hợp tác.
Từ nay, hễ có việc lôi thôi như thế nữa, thì cán bộ phái đến phải chịu lỗi nặng hơn, nhất là những cán bộ lãnh đạo.
Hai hạng cán bộ phải kết thành một khối, không phân biệt, không kèn cựa. Phải cùng nhau chữa cho tiệt cái nọc bệnh hẹp hòi.
Cán bộ quân sự với cán bộ địa phương cũng vậy, phải đoàn kết nhất trí, giúp đỡ lẫn nhau.
Cán bộ quân sự trong một địa phương thường giữ địa vị lãnh đạo và có quyền lực trong tay. Vì vậy, nếu từ nay còn có sự không hoà thuận giữa hai bên, thì cán bộ quân sự phải chịu lỗi lớn hơn.
Bộ đội này với bộ đội khác, địa phương này với địa phương khác, cơ quan này với cơ quan khác, đều phải phản đối bệnh ích kỷ, bệnh địa phương. Thí dụ: không muốn cấp trên điều động cán bộ, hoặc khi điều động thì chỉ đùn những cán bộ kém ra. Có vật liệu gì dù mình có thừa, hoặc không cần đến, cũng thu giấu đi, không cho cấp trên biết, không muốn chia sẻ cho nơi khác.
Bệnh địa phương đó, phải tẩy cho sạch.
Lại còn vấn đề cán bộ cũ và cán bộ mới.
Đảng càng phát triển thì cần đến cán bộ mới càng nhiều.
Vả chăng, số cán bộ cũ có ít, không đủ cho Đảng dùng. Đồng thời, theo luật tự nhiên, già thì phải yếu, yếu thì phải chết. Nếu không có cán bộ mới thế vào, thì ai gánh vác công việc của Đảng.
Vì vậy, cán bộ cũ phải hoan nghênh, dạy bảo, dìu dắt, yêu mến cán bộ mới. Cố nhiên cán bộ mới, vì công tác chưa lâu, kinh nghiệm còn ít, có nhiều khuyết điểm. Nhưng họ lại có những ưu điểm hơn cán bộ cũ: họ nhanh nhẹn hơn, thường giàu sáng kiến hơn.
Vì vậy, hai bên phải tôn trọng nhau, giúp đỡ nhau, học lẫn nhau, đoàn kết chặt chẽ với nhau.
Cán bộ cũ thường giữ địa vị lãnh đạo. Vì vậy, nếu từ nay, quan hệ giữa hai hạng cán bộ ấy không ổn thoả, thì cán bộ cũ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn. Như thế mới chữa khỏi bệnh hẹp hòi.
Từ trước đến nay, vì bệnh hẹp hòi mà có những sự lủng củng giữa bộ phận và toàn cuộc, đảng viên với Đảng, cán bộ địa phương và cán bộ phái đến, cán bộ quân sự và cán bộ “mặt trận”, cán bộ mới và cán bộ cũ, cơ quan này và cơ quan khác, bộ đội này và bộ đội khác, địa phương này và địa phương khác.
Vậy từ nay, chúng ta phải tẩy cho sạch cái bệnh nguy hiểm đó, khiến cho Đảng hoàn toàn nhất trí, hoàn toàn đoàn kết.
Bệnh hẹp hòi đối ngoại.
Có nhiều đồng chí có bệnh tự tôn, tự đại, khinh rẻ người ta, không muốn biết, muốn học những ưu điểm của người khác. Biết được vài câu lý luận đã cho mình là giỏi, không xem ai ra gì, tưởng mình là hơn hết. Đó là bệnh hẹp hòi hạng nặng.
Họ quên rằng: chỉ đoàn kết trong Đảng, cách mạng cũng không thành công được, còn phải đoàn kết nhân dân cả nước. Họ quên rằng: so với số nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một người đảng viên. Nếu không có nhân dân giúp sức, thì Đảng không làm được việc gì hết.
Vì vậy ta cần phải hợp tác với những người ngoài Đảng. Ta không được khinh rẻ họ, chê bai họ. Ta phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Không được rời xa dân chúng. Rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại.
Cũng vì bệnh hẹp hòi mà không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm lấy hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên làm không nổi.
Cũng vì bệnh hẹp hòi mà không biết cách xử trí khôn khéo với các hạng đồng bào (như tôn giáo, quốc dân thiểu số, anh em trí thức, các quan lại cũ, v.v.).
Từ nay, mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, phải kiên quyết chữa cái bệnh hẹp hòi đó để thực hành chính sách đại đoàn kết. Chính sách thành công thì kháng chiến mới dễ thắng lợi.
Bệnh chủ quan, bệnh ích kỷ, bệnh hẹp hòi, v.v., mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy, ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa hết những chứng bệnh đó.
Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi:
Vì sao có vấn đề này?
Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao?
Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy.
Để chữa khỏi những bệnh kia, ta phải tự phê bình ráo riết, và phải lấy lòng thân ái, lấy lòng thành thật, mà ráo riết phê bình đồng chí mình. Hai việc đó phải đi đôi với nhau.
Trong lúc phê bình, khuyết điểm phải vạch ra rõ ràng, mà ưu điểm cũng phải nhắc đến. Một mặt là để sửa chữa cho nhau. Một mặt là để khuyến khích nhau, bắt chước nhau.
Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khoẻ vô cùng.
III. MẤY ĐIỀU KINH NGHIỆM
1. Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong
Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định. Sau đây là những kinh nghiệm rõ ràng:
Chính phủ muốn giúp đồng bào làng X. ở thượng du mở mang văn hoá, đã lập ra trường và phái giáo viên đến mấy lần, nhưng không ai đến học. Các giáo viên đều lắc đầu trở về.
Đồng chí A ở Vệ quốc quân, đánh giặc bị thương, gẫy tay, không cầm súng được nữa, xin đi làm giáo viên.
Được phái đến làng X, A liền đi thăm các nhà, nói chuyện với các bậc cha mẹ và trẻ em. Kết quả những cuộc nói chuyện đó là: vì nhà nghèo, thiếu người, trẻ em phải ở nhà giúp việc không đi học được.
A liền tìm cách giải quyết: vừa học vừa làm. Khuyên các trẻ em họp thành tiểu tổ, như tổ chăn trâu, tổ cắt cỏ, tổ đan nón, v.v.. Các trẻ em vừa làm vừa học. Nhờ cách hợp tác, làm lại được nhiều hơn làm riêng ở nhà. Đồng bào trong làng thấy vậy, chẳng những cho các con đã lớn đi học, mà gửi cả con còn bé cho thầy, “học được chữ nào hay chữ ấy”. Rồi người lớn thấy vui cũng đi học.
Nhà trường dột, đồng chí A tự mình lợp lại. Đồng bào thấy vậy, kéo nhau đến giúp.
Đối với các em làm biếng hoặc nghịch ngợm, A không đánh phạt, chỉ dùng cách khuyên dỗ, và bày cho các em khác phê bình. Thành thử dần dần em nào cũng trở nên ngoan ngoãn.
Khi dân làng có việc gì, A cũng ra tay giúp. Khi có ai cãi cọ nhau, thì A lấy tư cách thầy học trong làng đến dàn xếp.
Thành thử dân làng, nhất là những cha mẹ học trò, ai cũng kính trọng và yêu mến đồng chí A. Những nhà gần làng thấy vậy, cũng gửi con đến học.
Đồng chí A chỉ có bằng tiểu học mà đã làm được công việc những ông giáo khác không làm nổi.
Trong các ngành hoạt động của chúng ta, nào chính trị, kinh tế, nào quân sự, văn hoá, chắc không thiếu những người có năng lực, có sáng kiến như A. Nhưng vì cách lãnh đạo của ta còn kém, thói quan liêu còn nồng cho nên có những người như thế cũng bị dìm xuống, không được cất nhắc.
Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo. Thí dụ: bắt buộc cán bộ trong mỗi ngành phải thiết thực báo cáo và cất nhắc nhân tài.
2. Chính sách thì đúng, cách làm thì sai
Chúng ta thường kêu gọi làm làng kiểu mẫu, trại kiểu mẫu, bộ đội kiểu mẫu, nhà máy kiểu mẫu, v.v., khẩu hiệu đó rất đúng. Nhưng đến nay, hoặc chưa làm được, hoặc làm được nửa chừng rồi lại nguội. Vì lẽ gì?
Vì chúng ta quên một lẽ rất giản đơn dễ hiểu: tức là vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả.
Muốn lập làng kiểu mẫu, đội kiểu mẫu, v.v., thì trước phải đào tạo ra những người kiểu mẫu, để làm cán bộ cho làng đó, đội đó. Làm được một làng, một đội rồi lấy đó làm kiểu mẫu, để khuyến khích và cổ động nơi khác.
Từ trước đến nay, chúng ta làm trái ngược lại. Chúng ta nghĩ ra một làng, một đội kiểu mẫu trong tư tưởng, mà không bắt đầu từ một làng, một đội sẵn có, cho nên kế hoạch không ăn khớp với những hoàn cảnh thiết thực (khách quan).
Đó cũng là vì bệnh chủ quan của chúng ta. Cho nên khẩu hiệu tuy đúng, nhưng thực hành không có kết quả mỹ mãn.
Một lẽ nữa, cũng vì cách lãnh đạo và cách làm không đúng. Khi chúng ta muốn lập một làng hoặc một đội kiểu mẫu, chúng ta đem cán bộ ngoài đến, để xung phong, mà không đào tạo cán bộ ngay ở đó. Khi cán bộ xung phong phải điều động đi nơi khác, thì làng kia hoặc đội kia lại xếp. Như cái bong bóng, thổi hơi vào, thì phùng lên, hơi ra hết, thì xẹp xuống.
Vả lại, chúng ta tham lam làm nhiều trong một lúc. Thí dụ: muốn lập một tỉnh kiểu mẫu thì thường hay dàn lực lượng ra làm cả tỉnh, không biết định cho mỗi huyện chọn một tổng làm kiểu mẫu, mỗi tổng chọn một làng làm kiểu mẫu. Thành thử, “ăn nhiều, nuốt không xuống”. Chúng ta không biết tập trung lực lượng, làm xong một nơi, lấy đủ kinh nghiệm, rồi làm nơi khác.
Vì vậy, từ nay bất kỳ việc gì, chúng ta phải bắt đầu từ gốc, dần dần đến ngọn, từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, chớ nên tham mau, tham nhiều trong một lúc.
3. Không biết nghiên cứu kinh nghiệm đến gốc
Trong các cuộc vận động, như tăng gia sản xuất, bình dân học vụ, mùa đông binh sĩ, v.v., chúng ta đã được nhiều thành tích rất khá. Nhưng chúng ta không biết nghiên cứu đến nơi đến chốn, vì sao mà có thành tích khá? Nơi nào thành tích tốt nhất? Ai là những người làm được thành tích đó? v.v., để mà học kinh nghiệm, để mà đặt ra khuôn phép cho công việc khác. Thành thử những cái tốt, cái hay đều không phát triển được. Và công việc xong rồi là thôi, cán bộ không học được kinh nghiệm gì, mà cũng không tiến bộ được mấy.
Đồng thời, chúng ta không ra sức nghiên cứu những sự khó khăn, những chỗ sai lầm, để giải quyết và sửa chữa cho kịp thời.
Thí dụ: nhiều cán bộ lo làm công việc của Đảng, nên phải xao nhãng công việc gia đình của họ, thành thử cha mẹ vợ con họ không vui lòng, mà cũng ảnh hưởng đến quần chúng. (Tuy có đôi nơi có sáng kiến, đề xướng khẩu hiệu: “cách mạng hoá gia đình”, “cả nhà tham gia công việc kháng chiến”, v.v.. Song toàn bộ vấn đề vẫn chưa giải quyết). Vấn đề này không giải quyết một cách hợp lý, rất có ảnh hưởng xấu cho sự tiến tới của cán bộ. Dùng cán bộ không đúng tài năng của họ, cũng là một cớ thất bại. Thí dụ: người viết giỏi nhưng nói kém lại dùng vào những việc cần phải nói. Người nói khéo nhưng viết xoàng lại dùng vào công việc viết lách. Thành thử hai người đều không có thành tích.
Từ nay, công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái thìa khoá phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới. Có như thế thì người mới có tài, tài mới có dụng.
4. Phải nâng cao sáng kiến và lòng hăng hái
Chúng ta thường nêu vấn đề đó. Nhưng đến nay, cán bộ và đảng viên vẫn ít sáng kiến, ít hăng hái. Đó là vì lẽ gì?
Vì nhiều lẽ. Mà trước hết là vì: Cách lãnh đạo của ta không được dân chủ, cách công tác của ta không được tích cực.
Nếu ai nói chúng ta không dân chủ, thì chúng ta khó chịu. Nhưng nếu chúng ta tự xét cho kỹ, thì thật có như thế.
Đối với cơ quan lãnh đạo, đối với những người lãnh đạo, các đảng viên và các cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình.
Thành thử cấp trên với cấp dưới cách biệt nhau. Quần chúng với Đảng rời xa nhau. Trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp. Dưới thì có gì không dám nói ra.
Họ không nói, không phải vì họ không có ý kiến, nhưng vì họ nghĩ nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi lại bị “trù” là khác.
Họ không dám nói ra thì họ cứ để trong lòng, rồi sinh ra uất ức, chán nản. Rồi sinh ra thói “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng”, “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm”, sinh ra thói “thậm thà thậm thụt” và những thói xấu khác.
Kinh nghiệm là: cơ quan nào mà trong lúc khai hội, cấp trên để cho mọi người có gì nói hết, cái đúng thì nghe, cái không đúng thì giải thích, sửa chữa, ở những cơ quan đó mọi người đều hoạt bát mà bệnh “thì thầm thì thào” cũng hết.
Một người mà trong óc đã có uất ức, bất mãn, thì lời hay lẽ phải khó lọt vào bộ óc đó. Để cho họ tháo cái uất ức, bất mãn đó ra, thì lời hay lẽ phải dễ lọt vào óc họ. Đó là một lẽ rất giản đơn. Cấp trên cũng nên thỉnh thoảng trưng cầu ý kiến phê bình của cấp dưới. Có như thế thì cũng khác nào như một người có vết nhọ trên mặt, được người ta đem gương cho soi, mình tự thấy vết nhọ. Lúc đó không cần ai khuyên bảo, cũng tự vội vàng đi rửa mặt.
Ta phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa.
Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái, và người khác cũng học theo. Và trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc, thì những khuyết điểm lặt vặt, cũng tự sửa chữa được nhiều.
Một vấn đề nữa: chúng ta thường nói đến hai chữ sáng kiến một cách mênh mông, không thiết thực. Như là phải có tài giỏi đặc biệt mới có sáng kiến. Nếu ta thử hỏi: sáng kiến là gì? thì chắc nhiều người trả lời không xuôi. Như thế mà mong cán bộ và đảng viên có sáng kiến thì sao mà có được!
Chúng ta phải nhận rõ: bất kỳ việc to việc nhỏ, hễ thêm điều lợi, trừ điều hại cho quần chúng, giúp quần chúng giải quyết vấn đề khó khăn, tăng kết quả của việc làm, tăng sức sản xuất của xã hội, đánh đổ sức áp bức của quân thù, đó đều là sáng kiến.
Cách dạy học của đồng chí A nói trên cũng là sáng kiến.
Sáng kiến không phải cái gì kỳ lạ. Nó chỉ là kết quả của sự nghiên cứu, suy nghĩ trong những hoàn cảnh, trong những điều kiện rất tầm thường, rất phổ thông, rất thiết thực.
Bất kỳ ai, nếu có quyết tâm làm ích lợi cho quần chúng, lại chịu học, chịu hỏi quần chúng, óc chịu khó nghĩ, tay chịu khó làm, thì nhất định có sáng kiến, nhất định làm được những việc có ích cho loài người.
Chúng ta cần phải nâng cao mở rộng dân chủ ra, khuyên gắng cán bộ và đảng viên, bày cho họ suy nghĩ, bày cho họ học hỏi quần chúng, cổ động họ tìm tòi, đề nghị, làm những việc ích lợi cho quần chúng. Khi họ đã có ít nhiều sáng kiến, thì giúp đỡ cho họ phát triển, khen ngợi cho họ thêm hăng hái. Như thế, thì những tính lười, tính “gặp chăng hay chớ” ngày càng bớt, mà sáng kiến và tính hăng hái ngày càng nhiều thêm.
5. Vì ai mà làm? Đối ai phụ trách?
Nếu chúng ta hỏi cán bộ: “Việc đó, làm cho ai? Đối với ai phụ trách?”, chắc số đông cán bộ sẽ trả lời: “Làm cho Chính phủ hoặc Đảng, phụ trách trước cấp trên”.
Câu trả lời đó chỉ đúng một nửa. Nếu chúng ta lại hỏi: “Chính phủ và Đảng vì ai mà làm việc đó? Và phụ trách với ai?” thì e nhiều cán bộ không trả lời được.
Chính phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho nhân dân, vì thế, bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Đó là một lẽ rất giản đơn, rõ ràng. Nhưng nhiều cán bộ chưa hiểu, cho nên trong lúc làm việc, thường sai lầm; đến nỗi chia cán bộ Chính phủ và Đảng ra làm một phía, quần chúng ra một phía.
Chính phủ và Đảng chẳng những làm những việc trực tiếp lợi cho dân, mà cũng có khi làm những việc mới xem qua như là hại đến dân. Thí dụ: quyên tiền, thu thuế, công tác phá hoại, v.v..
Vì cán bộ và đảng viên không hiểu rõ hai lẽ: vì ai mà làm, đối ai phụ trách, khi gặp mỗi công việc không biết tìm đủ cách giải thích cho dân hiểu. Cho nên những việc trực tiếp lợi cho dân, như đắp đê, hộ đê, tăng gia sản xuất, bình dân học vụ, v.v., cán bộ chỉ làm theo cách hạ lệnh, cách cưỡng bức. Kết quả dân không hiểu,dân oán. Thì có gì lạ đâu? Một thí dụ rất tầm thường, dễ hiểu: bánh ngọt là một thứ ngon lành, nhưng đem bánh ngọt bắt người ta ăn, nhét vào miệng người ta, thì ai cũng chán!
Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ. Nhưng trước hết cần phải chịu khó tìm đủ cách giải thích cho họ hiểu rằng: những việc đó là vì ích lợi của họ mà phải làm.
Có khi vì cán bộ không hiểu lẽ đó, vì muốn làm cho được việc, rồi dùng cách hạ mệnh lệnh, cách áp bức, phạm vào thói quan liêu, quân phiệt, đến nỗi Chính phủ hoặc Đảng phải trừng phạt. Đối với những bọn vu vơ, đầu cơ, thì phạt rất đáng. Nhưng với những cán bộ trung thành mà bị phạt, thì Chính phủ và Đảng cũng khổ tâm, mà người bị phạt cũng khổ tâm!
Chẳng những lúc thi hành các mệnh lệnh, cán bộ ta có cái thái độ xa quần chúng như thế, mà đối với cách làm việc, cách tổ chức, cũng có thái độ sai lầm đó.
Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc.
Đằng này cán bộ ta chỉ biết khư khư giữ nếp cũ. Cái không hợp cũng không dám sửa bỏ, cái cần thiết cũng không dám đặt mới. Đó là vì thói không phụ trách “quá hữu”, gặp sao hay vậy.
Song lại có thái độ xa quần chúng, thói không phụ trách “quá tả” là không suy nghĩ chín chắn, so sánh kỹ càng, hôm nay đặt ra cái này, hôm sau sửa lại cái khác, làm cho quần chúng hoang mang. Như tỉnh nọ, bắt đầu kháng chiến, thì bỏ hết Việt Minh các huyện, các xã. Thật là một hành động khờ dại.
6. Sát quần chúng, hợp quần chúng
Cán bộ ta có hai chứng bệnh nữa là:
a) Bệnh khai hội.
Khai hội không có kế hoạch, không sắp sửa kỹ lưỡng, không thiết thực. Khai hội lâu, khai hội nhiều quá.
Cán bộ khu về tỉnh, cán bộ tỉnh về huyện, cán bộ huyện về làng, thì khệnh khạng như “ông quan”. Lúc khai hội thì trăm ngàn lần như một: “Tình hình thế giới, tình hình Đông Dương, thảo luận, phê bình, giải tán”.”Ông cán” làm cho một “tua” hai, ba giờ đồng hồ. Nói gì đâu đâu. Còn công việc thiết thực trong khu, trong tỉnh, trong huyện, trong xã đó, thì không động đến. Lúc “ông cán” nói, người ngáp, kẻ ngủ gục, mọi người mong ông thôi đi, để về nhà cho mau. Có ai hiểu gì đâu mà thảo luận!
Vì vậy, mà quần chúng sợ khai hội. Mỗi lần họ đi khai hội, chẳng khác gì “đi phu”. Đó cũng vì bệnh xa quần chúng, bệnh hình thức, khai hội lấy lệ, khai hội để mà khai hội, chớ nào phải vì lợi ích của quần chúng mà khai hội!
Về việc đặt khẩu hiệu, đặt chương trình làm việc, chương trình tranh đấu, tuyên truyền, làm báo tường, viết báo, cũng như thế. Không chịu khó hỏi quần chúng cần cái gì, muốn nghe muốn biết cái gì, ham chuộng cái gì. Chỉ mấy cán bộ đóng cửa lại mà làm, ngồi ỳ trong phòng giấy mà viết, cứ tưởng những cái mình làm là đúng, mình viết là hay. Nào có biết, cách làm chủ quan đó, kết quả là “đem râu ông nọ, chắp cằm bà kia”, không ăn thua, không thấm thía, không ích lợi gì cả.
Một việc nữa cần nhắc đến là các ban huấn luyện. Huấn luyện là một việc rất cần. Tục ngữ có câu: “Không thầy đố mày làm nên”, và câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”.
Những việc rất dễ dàng còn phải học. Huống chi công việc cách mạng, công việc kháng chiến, không có huấn luyện, thì làm sao xuôi?
Song những tài liệu huấn luyện phải nhằm vào sự cần dùng, cần thiết của quần chúng. Phải hỏi: người đến chịu huấn luyện rồi, có áp dụng được ngay không? Có thực hành được ngay không?
Nếu không thiết thực như thế, thì huấn luyện mấy năm cũng vô ích.
Tiếc thay, nhiều cán bộ huấn luyện của ta chưa hiểu cái lẽ giản đơn đó. Vì vậy mà có cán bộ đem “kinh tế học” huấn luyện cho chị em phụ nữ thôn quê ở thượng du!
Nói tóm lại, cách làm việc, cách tổ chức, nói chuyện, tuyên truyền, khẩu hiệu, viết báo, v.v. của chúng ta, đều phải lấy câu này làm khuôn phép:
“Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”.
Bất cứ việc to việc nhỏ, chúng ta phải xét rõ và làm cho hợp trình độ văn hoá, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng. Do đó mà định cách làm việc, cách tổ chức. Có như thế, mới có thể kéo được quần chúng.
Nếu không vậy, nếu cứ làm theo ý muốn, theo tư tưởng, theo chủ quan của mình, rồi đem cột vào cho quần chúng, thì khác nào “khoét chân cho vừa giầy”. Chân là quần chúng. Giầy là cách tổ chức và làm việc của ta. Ai cũng đóng giầy theo chân. Không ai đóng chân theo giầy.
b) Bệnh nể nang.
Vì họ hàng quen biết, bầu bạn, thân thích, anh em, cho nên lúc họ có sai lầm cũng cứ nể nang không thiết thực phê bình, thiết thực sửa đổi, sợ mất lòng.
Xem tiếp: Phần 2
Người cách mạng mẫu mực
Sự nghiệp cách mạng rộng lớn và khó thực hiện; nó không thể do một người hay một nhà làm mà tốt được. Cách mạng của các nòi giống có mục đích là giải phóng các dân tộc yếu, sau tiến lên là cách mạng thế giới, sẽ giải phóng toàn nhân loại khỏi ách đế quốc chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa.
Để hoàn thành vẻ vang vai trò này, người cách mạng kiểu mẫu phải:
1. Đêm ngày nghĩ đến sự nghiệp cách mạng và cứu độ nhân loại.
2. Hy sinh tiền bạc, thời gian và cả máu vì lợi ích các dân tộc bị áp bức; tóm lại phải vị tha và không ích kỷ, phải tuân thủ theo phương châm “TỔ QUỐC TRÊN HẾT” ở mọi nơi và mọi lúc.
3. Làm việc không mệt mỏi tùy theo phương tiện và năng lực của mình, người giàu góp tiền, người tri thức góp tri thức và thợ thuyền góp sức, không gì ngăn trở được sự nghiệp cách mạng tiến lên.
4. Xem thường cái chết, bất chấp hiểm nguy, vì cách mạng là một cuộc chiến đấu trường kỳ và gian khổ do những người vô sản tiến hành chống lại bọn áp bức họ.
5. Thuận theo hoàn cảnh về thời gian, không gian, không bỏ qua điều gì. Có thể, hoặc gây bãi khóa, và bãi công, hoặc khích động nông dân không đóng thuế và đi phu khổ sai, hoặc giết chết những tên kẻ thù gian ác, hoặc chiếm đồn với nội ứng của lính bản xứ. Người cách mạng phải luôn luôn nói và hành động một cách có ý thức.
6. Suy nghĩ kỹ càng trước khi hành động, vì việc thực hiện một kế hoạch phụ thuộc và công tác chuẩn bị. Chẳng hạn: có hai chiến sĩ, một người đã chín muồi kế hoạch hành động, còn người kia thì làm ẩu, do đó người thứ nhất sẽ thành công và có ích cho Đảng mình, còn người thứ hai sẽ thất bại và làm hại cho sự nghiệp cách mạng.
7. Lãnh đạo nhân dân vì sức mạnh của họ không thể thiếu được đối với sự thành công của sự nghiệp cách mạng. Dân chúng vốn ít học, ngây thơ, khó liều mạng, dễ bị lừa và bị mua chuộc. Vậy người cách mạng mẫu mực phải giáo dục họ, sửa chữa cho họ và chiếm được sự tin cậy của dân chúng để có thể sử dụng sức mạnh của họ đúng lúc.
8. Thành lập thật nhiều những tổ chức hùng mạnh thúc đẩy mau đến thắng lợi của cách mạng.
9. Xem thường danh vị, ngôi thứ và tiền bạc, vì chúng là cội nguồn sinh ra đố kỵ và hận thù và là nguyên nhân của những hành động chỉ điểm, phản bội là tổn hại nghiêm trọng đến sự nghiệp cách mạng.
10. Không cục bộ, bởi vì cách mạng phải vì lợi ích của dân tộc chứ không phải của một cá nhân. Vì vậy, nếu một người cách mạng tìm cách cục bộ thì tham vọng của anh ta sẽ khiến anh ta hành động vì mình chứ không vì mọi người.
11. Không kiêu ngạo. Kẻ kiêu ngạo thì xa lánh nhân tâm quần chúng và tạo cho mình kẻ thù. Người cách mạng mẫu mực phải khiêm tốn, khoan hòa, lượng thứ, can đảm khi sa cơ, bình tĩnh khi thắng thế, không bao giờ được quên rằng cuộc đời mình và sự nghiệp của mình thuộc về toàn nhân loại chứ không thuộc về mình.
12. Kiên trì và nhẫn nại. Sự nghiệp cách mạng là lâu dài, khó khăn và nguy hiểm. Nếu người cách mạng thiếu kiên trì và nhẫn nại, thì những khó khăn sẽ làm cho anh ta thối chí và sẽ đào ngũ giữa trận tiền.
HỒ CHÍ MINH
Bài viết tại Quảng Châu, ngày 18-9-1926, báo “Thanh niên”, số 61
Học tập đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh, NXB Thông tấn, 2004
Lúa và cỏ dại
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù…
Gần một tháng học tập, các cô, các chú đã thấy được cách mạng xã hội chủ nghĩa là vĩ đại. Thấy được như vậy là tiến bộ, nhưng chưa đủ. Các cô, các chú là cán bộ cần phải nhận thức sâu hơn nữa. Phải thấy càng vĩ đại bao nhiêu thì càng gian khổ bấy nhiêu.
Ví dụ: đào một con kênh càng rộng, càng sâu, càng dài thì cần phải bỏ ra nhiều công sức, càng phải vất vả khó nhọc. Đó mới chỉ là việc đào kênh, còn xây dựng chủ nghĩa xã hội là thay đổi cả xã hội, thay đổi cả thiên nhiên, làm cho xã hội không còn người bóc lột người, không còn đói rét, mọi người đều được ấm no và hạnh phúc. Một cuộc thay đổi vĩ đại như vậy tất nhiên phải mất nhiều công sức. Mất nhiều công sức thì nhất định là phải vất vả, gian khổ. Nhưng gian khổ mỗi thời kỳ có khác nhau: hồi hoạt động bí mật gian khổ khác, trong kháng chiến gian khổ khác, bây giờ xây dựng chủ nghĩa xã hội gian khổ khác.
Gian khổ đó ai phải ra sức vượt qua trước? Đó là Đảng, là đảng viên và cán bộ. Phải nhận thức cho rõ điều ấy, chớ không phải vào Đảng để hưởng thụ, để làm quan cách mạng. Và thấy gian khổ là để vượt qua, chớ không phải là để lùi bước.
Nhiệm vụ của công an thì nhiều, nhưng nói tóm tắt là bảo vệ sự nghiệp xã hội chủ nghĩa. Nên nhớ rằng bọn Mỹ – Diệm, bọn phản động không bao giờ muốn cho chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công, công an phải luôn luôn cảnh giác ngăn ngừa những hành động phá hoại của chúng để bảo vệ lợi ích của nhân dân, bảo vệ sự nghiệp cách mạng. Đó là nhiệm vụ nặng nề, gian khổ đồng thời cũng rất vẻ vang. Không phải được đăng báo, được nêu trên đài phát thanh mới là vẻ vang, mà bất kỳ làm công việc gì có ích cho cách mạng, cho nhân dân, cho xã hội đều là vẻ vang cả.
Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa là phải đi đến hoàn toàn không có chủ nghĩa cá nhân. Trong đầu óc mọi người đều có sự đấu tranh giữa cái “thiện” và cái “ác”, hoặc nói theo cách mới là sự đấu tranh giữa tư tưởng cộng sản và tư tưởng cá nhân.
Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ.
Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra nhiều cái xấu, thiên hình vạn trạng. Ví dụ: lười biếng, hủ hóa, suy tính tiền đồ, cho rằng ngành công an gian khổ, vất vả nhiều mà ít được ai biết, ít được huân chương; đòi hỏi đãi ngộ, so bì lương thấp, lương cao; công thần địa vị: cho rằng ở trong Đảng lâu năm mà không được đề bạt bằng người vào Đảng ít năm hơn; không an tâm công tác; ở công an thì muốn sang ngành khác; có quyền hạn một chút là thiếu dân chủ, chỉ tay năm ngón; đối với nội bộ thì suy bì, ganh tị, không đoàn kết với nhau, v.v.. Còn có thể nêu ra nhiều ví dụ nữa, nhưng tóm lại cái gì trái với đạo đức cách mạng đều là chủ nghĩa cá nhân. Muốn thành người cách mạng, thành người cộng sản chân chính thì phải chống chủ nghĩa cá nhân.
Chủ nghĩa cá nhân không phải chống lại một lần mà hết được. Trong lớp này, các cô các chú kiểm thảo thành khẩn là điều tốt, tiến bộ. Nhưng không phải kiểm thảo xong là gột rửa hết chủ nghĩa cá nhân. Ví như rửa mặt thì phải rửa hàng ngày. Vì vậy kiểm thảo ở đây không phải là xong, là đủ mà còn phải tiếp tục luôn luôn phê bình, tự phê bình, kiểm thảo trong mọi việc.
Bác nói một điểm nữa là: làm công an thì phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ. Có dựa vào nhân dân thì công an mới hoàn thành được tốt nhiệm vụ của mình. Nhân dân có hàng triệu tai mắt thì kẻ địch khó mà che giấu được. Nếu trong công tác, các cô, các chú được dân ủng hộ, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì nhất định các cô, các chú thành công. Muốn được như vậy cũng phải trau dồi đạo đức cách mạng, cũng phải chống chủ nghĩa cá nhân.
Một điểm nữa là tất cả cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động phải nâng cao tinh thần trách nhiệm. Như Bác đã nói ở trên, nhiệm vụ của các cô, các chú rất nặng nề. Muốn làm tròn nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang đó, phải luôn luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm. Có như vậy mới xứng đáng là người cán bộ được Đảng và nhân dân tín nhiệm.
Tóm lại:
1. Phải trau dồi đạo đức cách mạng,
2. Phải nâng cao tinh thần trách nhiệm.
Muốn vậy phải luôn luôn chống chủ nghĩa cá nhân.
HỒ CHÍ MINH
Bài nói chuyện tạo lớp chỉnh huấn khoá II của Bộ Công An, ngày 16-5-1959
Trích sách Phát huy tinh thần cầu học cầu tiến bộ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1960
Bản án chế độ thực dân Pháp – Chương I
THUẾ MÁU
I- Chiến tranh và “người bản xứ”
Trước năm 1914, họ chỉ là những tên da đen bẩn thỉu, những tên “Annamít” bẩn thỉu, giỏi lắm thì cũng chỉ biết kéo xe tay và ăn đòn của các quan cai trị nhà ta. Ấy thế mà cuộc chiến tranh vui tươi vừa bùng nổ, thì lập tức họ biến thành những đứa “con yêu”, những người “bạn hiền” của các quan cai trị phụ mẫu nhân hậu, thậm chí của cả các quan toàn quyền lớn, toàn quyền bé(2) nữa. Đùng một cái, họ (những người bản xứ) được phong cho cái danh hiệu tối cao là “chiến sĩ bảo vệ công lý và tự do”. Nhưng họ đã phải trả bằng một giá khá đắt cái vinh dự đột ngột ấy, vì để bảo vệ cho cái công lý và tự do mà chính họ không được hưởng một tí nào, họ đã phải đột ngột xa lìa vợ con, rời bỏ mảnh ruộng hoặc đàn cừu của họ, để vượt đại dương, đi phơi thây trên các bãi chiến trường châu Âu. Trong lúc vượt biển, nhiều người bản xứ, sau khi được mời chứng kiến cảnh kỳ diệu của trò biểu diễn khoa học về phóng ngư lôi, đã được xuống tận đáy biển để bảo vệ tổ quốc của các loài thuỷ quái. Một số khác đã bỏ xác tại những miền hoang vu thơ mộng vùng Bancăng, lúc chết còn tự hỏi phải chăng nước mẹ muốn chiếm ngôi nguyên phi trong cung cấm vua Thổ, – chả thế sao lại đem nướng họ ở những miền xa xôi ấy? Một số khác nữa thì đã anh dũng đưa thân cho người ta tàn sát trên bờ sông Mácnơ, hoặc trong bãi lầy miền Sămpanhơ, để lấy máu mình tưới những vòng nguyệt quế của các cấp chỉ huy và lấy xương mình chạm nên những chiếc gậy của các ngài thống chế.
Cuối cùng, ở hậu phương, những người làm kiệt sức trong các xưởng thuốc súng ghê tởm, tuy không phải hít hơi ngạt của bọn “bôsơ”(3), nhưng lại nhiễm phải những luồng khí độc đỏ ối của người Pháp; đằng nào cũng thế thôi, vì những kẻ khốn khổ ấy cũng đã khạc ra từng miếng phổi, chẳng khác gì đã hít phải hơi ngạt vậy.
Tổng cộng có 700.000 người bản xứ đã đặt chân lên đất Pháp; và trong số ấy, 80.000 người không bao giờ còn trông thấy mặt trời trên quê hương đất nước mình nữa!
II- Chế độ lính tình nguyện
Một bạn đồng nghiệp nói với chúng tôi: dân lao khổ bản xứ ở Đông Dương từ bao đời nay bị bóp nặn bằng đủ mọi thứ thuế khoá, sưu sai, tạp dịch, bằng cưỡng bức phải mua rượu và thuốc phiện theo lệnh quan trên, từ 1915-1916 tới nay, lại còn phải chịu thêm cái vạ mộ lính nữa.
Những biến cố trong mấy năm gần đây là cái cớ để người ta tiến hành những cuộc lùng ráp lớn về nhân lực trên toàn cõi Đông Dương. Những người bị bắt đều bị nhốt vào trại lính với đủ thứ tên: lính khố đỏ, lính thợ chuyên nghiệp, lính thợ không chuyên nghiệp, v.v..
Theo ý kiến của tất cả các cơ quan có thẩm quyền không thiên vị được giao cho sử dụng ở châu Âu “vật liệu biết nói” châu Á, thì vật liệu này đã không đưa lại kết quả tương xứng với chi phí rất lớn về chuyên chở và bảo quản.
Sau nữa, việc săn bắt thứ “vật liệu biết nói” đó, mà lúc bấy giờ người ta gọi là “chế độ lính tình nguyện” (danh từ mỉa mai một cách ghê tởm) đã gây ra những vụ nhũng lạm hết sức trắng trợn.
Đây! Chế độ lính tình nguyện ấy được tiến hành như thế này: vị “chúa tỉnh”- mỗi viên công sứ ở Đông Dương quả là một vị “chúa tỉnh”- ra lệnh cho bọn quan lại dưới quyền, trong một thời hạn nhất định phải nộp cho đủ một số người nhất định. Bằng cách nào, điều đó không quan trọng. Các quan cứ liệu mà xoay xở. Mà cái ngón xoay xở kiểu D(4) thì các ông tướng ấy thạo hết chỗ nói, nhất là xoay xở làm tiền.
Thoạt tiên, chúng tóm những người khoẻ mạnh, nghèo khổ, những người này chỉ chịu chết thôi không còn kêu cứu vào đâu được. Sau đó, chúng mới đòi đến con cái nhà giàu. Những ai cứng cổ thì chúng tìm ngay ra dịp để sinh chuyện với họ hoặc với gia đình họ, và nếu cần, thì giam cổ họ lại cho đến khi họ phải dứt khoát chọn lấy một trong hai con đường: “đi lính tình nguyện, hoặc xì tiền ra”.
Những người bị tóm đi như thế còn hào hứng gì nữa với cái nghề cột vào cổ họ. Cho nên, bước chân vào trại lính là họ liền tìm mọi cơ hội để trốn thoát.
Còn những người nào thấy không thể thoát khỏi số phận hẩm hiu, thì tìm cách tự làm cho mình nhiễm phải những bệnh nặng nhất, mà thông thường hơn cả là bệnh đau mắt toét chảy mủ, gây ra bằng cách xát vào mắt nhiều thứ chất độc, từ vôi sống đến mủ bệnh lậu.
*
* *
Ấy thế mà trong một bản bố cáo với những người bị bắt lính, phủ toàn quyền Đông Dương, sau khi hứa hẹn ban phẩm hàm cho những lính sẽ còn sống sót và truy tặng những người sẽ hy sinh “cho Tổ quốc”, đã trịnh trọng tuyên bố rằng:
“Các bạn đã tấp nập đầu quân, các bạn đã không ngần ngại rời bỏ quê hương xiết bao trìu mến để người thì hiến dâng xương máu của mình như lính khố đỏ(5), kẻ thì hiến dâng cánh tay lao động của mình như lính thợ”.
Nếu quả thật người An Nam phấn khởi đi lính đến thế, tại sao lại có cảnh, tốp thì bị xích tay điệu về tỉnh lỵ, tốp thì trước khi xuống tàu, bị nhốt trong một trường trung học ở Sài Gòn, có lính Pháp canh gác, lưỡi lê tuốt trần, đạn lên nòng sẵn? Những cuộc biểu tình đổ máu ở Cao Miên, những vụ bạo động ở Sài Gòn, ở Biên Hoà và ở nhiều nơi khác nữa, phải chăng là những biểu hiện của lòng sốt sắng đầu quân “tấp nập” và “không ngần ngại”?
Những vụ trốn đi lính và đào ngũ (tính ra có đến 50 phần trăm trong hàng ngũ quân dự bị) đều bị đàn áp không gớm tay và những cuộc đàn áp lại gây ra những cuộc binh biến bị dìm trong biển máu(6).
Bản bố cáo của phủ toàn quyền còn cẩn thận nhắc thêm rằng, tất nhiên muốn xứng đáng với “lòng tốt rõ rệt” và “độ lượng lớn lao” của chính phủ thì “các anh (binh lính Đông Dương) cần phải cư xử đúng đắn và không được làm một điều gì cho người ta phải phàn nàn cả”.
Viên chỉ huy tối cao quân đội Đông Dương còn có một lối đề phòng khác: ông ta bắt thích vào lưng hoặc cổ tay của từng người lính mới mộ một con số không thể nào tẩy xoá được bằng một dung dịch nitơrát bạc.
Ở đây cũng giống như ở châu Âu, sự khốn khổ của những người này là nguồn lợi nhuận của những kẻ khác: nào là bọn đeo lon chuyên nghiệp may mắn vớ được công việc tuyển mộ và quản lý lính mới bản xứ mà lánh xa được càng lâu càng tốt những cuộc giao chiến nguy hiểm ở châu Âu; nào là bọn chủ thầu lương thực làm giàu vùn vụt bằng cách bỏ đói những lính mộ khốn khổ; nào là bọn độc quyền tiếp liệu thông đồng với bọn quan chức để gian lận, đầu cơ.
Về chuyện này, cần nói thêm là còn một loại chế độ tình nguyện khác nữa: tình nguyện mua công trái. Biện pháp tiến hành thì cũng như thế. Ai có máu mặt là phải bỏ tiền ra. Kẻ nào khó bảo thì người ta dùng cách dụ dỗ và cưỡng bách đến phải mua mới thôi.
Phần đông những người mua công trái ở Đông Dương không hiểu gì về thể thức tài chính cả; họ coi việc mua công trái cũng như đóng một thứ thuế mới và coi các phiếu công trái không khác gì những biên lai nộp thuế.
*
* *
Bây giờ thử xem chế độ mộ lính tình nguyện đã được tổ chức ở các thuộc địa khác như thế nào.
Lấy Tây Phi làm thí dụ:
Ở đây, bọn chỉ huy quân đội kéo quân đến từng làng bắt bọn hào mục phải nộp ngay lập tức đầy đủ số người chúng muốn tuyển mộ. Để buộc những thanh niên Xênêgan bỏ trốn phải ra nhận đội mũ lính, chẳng phải một viên chỉ huy đã tra tấn, hành hạ các thân nhân của họ, và cho rằng làm như thế là tài giỏi đó sao? Chính hắn đã bắt các ông bà già, đàn bà có thai, con gái, đem lột trần truồng, rồi đốt hết quần áo trước mặt họ. Những nạn nhân khốn khổ đó mình trần như nhộng, tay trói cánh khuỷu buộc phải chạy khắp các thôn xã dưới làn roi vọt, để “nêu gương”! Một người đàn bà cõng con phải van xin mãi mới được cởi trói một tay để đỡ đứa bé. Trong khi chạy, hai cụ già đã ngã chết ngất đi; nhiều em gái khiếp sợ trước những hành vi bạo ngược đó, đã hành kinh trước tuổi; một người đàn bà truỵ thai, một chị khác đẻ một đứa con mù.
*
* *
Có rất nhiều thủ đoạn bắt lính.
Thủ đoạn sau đây đã tỏ ra nhanh và tiện nhất:
Lấy dây chăng ngang hai đầu con đường chính trong làng lại. Thế là tất cả những người da đen ở vào giữa đều coi như chính thức phải tòng quân.
Một nhân chứng đã viết cho chúng tôi như sau: “Giữa trưa ngày 3 tháng 3 năm 1923, bọn hiến binh vây ráp các bến cảng Ruyphixcơ và Đaca(7) rồi tóm tất cả những người bản xứ làm việc ở đó. Những anh chàng này vì không tỏ vẻ sốt sắng đi bảo vệ văn minh ngay, nên người ta rước họ lên ô tô cam nhông mời về nhà lao. Ở đấy, sau khi họ có đủ thì giờ để thay đổi ý kiến rồi, người ta mới đưa họ sang trại lính.
“Ở trại lính, sau những nghi lễ biểu dương tinh thần yêu nước, 29 lính tình nguyện được tuyên dương có thể trở nên anh hùng của cuộc chiến tranh cuối cùng nay mai… Bây giờ thì tất cả đều nóng lòng muốn lấy lại miền Ruya(8) cho nước mẹ.
Nhưng theo tướng Mănggianh(9), người hiểu rõ họ nhất, thì đó chỉ là những đội quân để đem nướng trước mùa đông”.
Chúng tôi hiện có trong tay bức thư của một người Đahômây, vốn là cựu binh, đã từng làm “nghĩa vụ” trong cuộc chiến tranh “vì công lý”. Một vài đoạn trích trong bức thư sẽ vạch rõ cho các bạn thấy người “Batuala”(10) đã được bảo vệ như thế nào và các quan cai trị thuộc địa nhà ta đã nặn ra lòng trung thành của người bản xứ như thế nào để tô điểm cho tất cả những bài diễn văn của các nhà cầm quyền và làm đề tài cho tất cả những bài báo của bọn Rêgixmăngxê và Hôde(11) thuộc đủ cỡ.
Bức thư viết: “Năm 1915, khi ông M.Nuphla, thống đốc Đahômây, ra lệnh bắt lính, thì làng tôi bị bọn cảnh sát cùng lính cơ cướp phá và đốt sạch. Tất cả tài sản của tôi đều bị mất hết trong các cuộc đốt phá đó. Tuy thế, tôi vẫn bị cưỡng bách nhập ngũ, và mặc dầu là nạn nhân của việc xúc phạm bỉ ổi đó, tôi đã làm nghĩa vụ của tôi ở mặt trận bên Pháp. Tôi bị thương ở trận Exnơ.
“Ngày nay, chiến tranh đã chấm dứt, tôi sắp trở về nước, nhưng không còn nhà cửa, của cải gì cả.
“Người ta đã cướp của tôi:
1000 phrăng tiền mặt;
12 con lợn;
15 – cừu;
10 – dê;
60 – gà;
8 tấm vải quấn mình;
5 áo mặc ngoài;
10 quần;
7 mũ;
1 dây chuyền bằng bạc;
2 hòm đồ vặt.
“Đây là tên những bạn cùng ở một xóm đã bị cưỡng bách nhập ngũ cùng ngày với tôi, và nhà cửa cũng đã bị cướp phá và đốt sạch. (Ghi tiếp theo tên bảy người).
“Còn nhiều nạn nhân nữa của những chiến công kiểu ấy của ngài thống đốc Nuphla, nhưng tôi không biết rõ tên những người đó để gửi cho các anh hôm nay…”.
Chắc bọn “bôsơ” của vua Ghiôm cũng không làm được hơn thế.
III- Kết quả của sự hy sinh
Khi đại bác đã ngấy thịt đen, thịt vàng rồi, thì những lời tuyên bố tình tứ của các ngài cầm quyền nhà ta bỗng dưng im bặt như có phép lạ, và cả người Nêgrô (12)lẫn người “Annamít” mặc nhiên trở lại “giống người bẩn thỉu”.
Để ghi nhớ công lao người lính An Nam, chẳng phải người ta đã lột hết tất cả của cải của họ, từ chiếc đồng hồ, bộ quần áo mới toanh mà họ bỏ tiền túi ra mua, đến các vật kỷ niệm đủ thứ, v.v. trước khi đưa họ đến Mácxây xuống tàu về nước, đó sao? Chẳng phải người ta đã giao họ cho bọn súc sinh kiểm soát và đánh đập họ vô cớ đó sao? Chẳng phải người ta đã cho họ ăn như cho lợn ăn và xếp họ như xếp lợn dưới hầm tàu ẩm ướt, không giường nằm, không ánh sáng, thiếu không khí đó sao? Về đến xứ sở, chẳng phải họ đã được một quan cai trị biết ơn đón chào nồng nhiệt bằng một bài diễn văn yêu nước. “Các anh đã bảo vệ Tổ quốc, thế là tốt. Bây giờ, chúng tôi không cần đến các anh nữa, cút đi!”, đó sao?
Thế là những “cựu binh” – đúng hơn là cái xác còn lại – sau khi đã dũng cảm bảo vệ chính nghĩa và công lý nay tay không trở về với chế độ bản xứ của họ, một chế độ không biết gì đến chính nghĩa và công lý cả.
*
* *
Theo báo chí Đông Dương thì thương binh người Pháp bị mất một phần thân thể và vợ của tử sĩ người Pháp đều được cấp môn bài bán lẻ thuốc phiện.
Như thế là trong một việc mà chính quyền thuộc địa đã phạm tới hai tội ác đối với nhân loại. Một mặt, họ vẫn chưa thoả khi tự tay làm cái việc bỉ ổi của người đầu độc, mà còn muốn lôi kéo vào đây cả những nạn nhân đáng thương hại của cuộc huynh đệ tương tàn nữa. Mặt khác, họ coi rẻ tính mạng và xương máu của những kẻ đã bị họ lừa bịp, đến nỗi tưởng rằng chỉ cần quẳng cho những người này khúc xương thối ấy là đủ đền bù được một phần của cánh tay bị mất hoặc mạng của một người chồng.
Chúng tôi chắc rằng thương binh và quả phụ chiến tranh sẽ đá văng món quà nhơ nhớp ấy và nhổ vào mặt kẻ tặng quà. Chúng tôi cũng tin chắc rằng thế giới văn minh và người Pháp lương thiện sẽ đứng về phía chúng tôi để lên án bọn cá mập thực dân đang không ngần ngại đầu độc cả một dân tộc để vơ vét cho đầy túi.
*
* *
Theo tục lệ An Nam, khi trong làng có người chết thì những người xay lúa, giã gạo phải tỏ lòng kính trọng vong linh người chết và thông cảm nỗi đau buồn của tang gia bằng cách im lặng không hát hò trong khi xay giã như họ vẫn thường làm. Nhưng nền văn minh hiện đại được đưa vào nước chúng tôi bằng bạo lực có cần gì phải tế nhị đến như thế. Xin đọc câu chuyện sau đây đăng trên một tờ báo ở Nam Kỳ:
Những ngày hội ở Biên Hoà
“Để lấy tiền bỏ vào quỹ xây dựng đài kỷ niệm người An Nam trận vong của tỉnh Biên Hoà, ban tổ chức ngày hội đang tích cực chuẩn bị một chương trình tuyệt diệu.
“Người ta bàn tán sẽ có nào là yến tiệc giữa vườn(13), nào là chợ phiên, nào là khiêu vũ ngoài trời, v.v., tóm lại, sẽ có nhiều và đủ thứ trò chơi để ai ai cũng có thể góp phần làm việc nghĩa một cách thú vị nhất đời.
“Quý ông phi công ở sân bay Biên Hoà có nhã ý sẽ góp phần vào cuộc vui, và ngay từ bây giờ ban tổ chức đã có thể khẳng định rằng sự có mặt của các quan chức cao cấp nhất ở Sài Gòn sẽ làm cho ngày hội thêm phần rực rỡ.
“Xin tin thêm cho các bạn nam nữ ở Sài Gòn lên dự hội biết rằng, các bạn sẽ không cần phải bỏ dở cuộc vui để về nhà dùng cơm, vì ngay tại chỗ, sẽ có phòng ăn tổ chức cực kỳ chu đáo và đặc biệt đầy đủ, các bạn sành ăn uống nhất cũng sẽ được hài lòng.
“Ngày 21 tháng 1 tới, tất cả chúng ta hãy đi Biên Hoà, chúng ta sẽ vừa được dự những hội hè linh đình vui tươi, vừa được dịp tỏ cho những gia đình tử sĩ An Nam ở Biên Hoà thấy rằng chúng ta biết tưởng nhớ đến sự hy sinh của con em họ”.
Thật là thời đại khác, phong tục khác.
Nhưng phong tục kỳ quái làm sao!
Người ta còn cho chúng tôi xem bức thư sau đây nữa:
Sài Gòn, ngày…
“Nếu trên đời này mà có một việc quái gở vừa thương tâm lại vừa lố bịch, thì đó hẳn là việc bắt một dân tộc vẫn đang chịu đựng đủ mọi thứ bất công và không có bất cứ thứ quyền nào phải làm lễ mừng cuộc chiến thắng của “công lý” và “chính nghĩa”. Ấy thế mà ở bên này chúng tôi đã làm như thế đấy. Tôi tưởng không cần thuật lại cho anh nghe về những hội hè và “trò vui công cộng” trong thành phố này ngày 11 tháng 11 làm gì. Ở đâu và bao giờ cũng thế thôi, rước đèn, đốt pháo bông, duyệt binh, khiêu vũ ở dinh thống đốc, đua xe hoa, mở lạc quyên vì nước, quảng cáo, diễn văn, tiệc tùng, v.v.. Trong tất cả những trò hề đó, tôi chỉ còn nhớ lại một việc đáng chú ý về phương diện tâm lý như sau: cũng như công chúng ở tất cả các nước, công chúng Sài Gòn rất thích xi nê. Vì thế, một đám người dày đặc đã tụ tập trước khách sạn Palaxơ để xem phim, nào hề Sáclô, nào bọn cao bồi, nào những người “lính quang vinh” lần lượt diễn trên màn ảnh. Công chúng tràn ngập cả đại lộ, đứng chật cả mặt đường và hè phố. Lúc bấy giờ ông chủ khách sạn Sài Gòn – Palaxơ không muốn cho người ta đứng đông trên vỉa hè trước cửa tiệm của ông ta, ông ta liền vung roi mây quất túi bụi. Bà chủ cũng ra giúp một tay và đánh bừa vào đám đông. Mấy chú trẻ ranh mãnh không biết làm thế nào mà lại “cướp” được ngọn roi của bà, làm cho mọi người vỗ tay cười ầm lên. Ông chủ điên tiết chạy lại tiếp viện cho bà chủ. Lần này, ông cầm một cái ba toong và hùng dũng phang tới tấp xuống đầu người ta, cứ mỏi tay này thì đổi tay khác. Những người “nhà quê” phải chạy dồn xuống đường; nhưng vì say sưa với “chiến thắng” của mình, ông người Pháp quý hoá ấy liền hùng hổ vượt qua đường và cứ tiếp tục vụt túi bụi cái gậy to tướng xuống đầu, xuống vai, xuống lưng những người dân bản xứ đáng thương ấy. Một em bé bị ông túm lấy và “đả” cho một trận nên thân”…
IV- Hành vi quân phiệt tiếp diễn
Bước chân đến Cadablanca(1), thống chế Liôtây gửi cho binh sĩ của đạo quân chiếm đóng Marốc một bản nhật lệnh như sau:
“Bản chức có vinh dự được Chính phủ nước Pháp cộng hoà phong quân hàm cao nhất là nhờ, trong chín năm nay, các người đã hiến dâng lòng trung thành và máu xương của các người mà không hề tính toán.
“Chúng ta sắp mở một chiến dịch để hoàn thành công cuộc bình định xứ Marốc, vì lợi ích chung của dân chúng trung thực trên đất nước này, cũng như vì lợi ích của quốc gia(2) bảo hộ, v.v.”.
Nhưng, cũng trong ngày ấy (ngày 14 tháng 4), lại có bản thông cáo sau đây:
“Trong một cuộc giao chiến với bọn Bơni Bude(3) ở Báp en Hácbe, bên ta đã có 29 binh sĩ hy sinh và 11 bị thương”.
Khi người ta nhớ rằng đã phải tốn xương máu của một triệu rưởi người lao động mới tạo nên được sáu chiếc gậy thống chế, thì cái chết của 29 kẻ khốn khổ chưa đủ để hoan hô bài diễn văn hùng hồn của ngài thống chế – khâm sứ! Nhưng như vậy thì cái quyền dân tộc tự quyết, mà vì nó trong suốt bốn năm trời, người ta đã chém giết lẫn nhau, cái quyền ấy, các ngài để đâu mất rồi? Thật là một cách khai hoá kỳ khôi: để dạy mọi người sống cho ra sống, người ta bắt đầu bằng việc giết họ đi đã!
*
* *
Ở đây (Hải Phòng), cũng có những cuộc bãi công của thuỷ thủ. Chẳng hạn như hôm thứ năm (ngày 15 tháng 8) là ngày mà hai chiếc tàu phải nhổ neo để chở một số lớn lính khố đỏ An Nam đi Xyri.
Nhưng thuỷ thủ không chịu đi, vì người ta không chịu phát lương cho họ bằng tiền Đông Dương. Theo giá thị trường, thì một đồng Đông Dương ăn khoảng mười phrăng chứ không phải 2 phrăng 50, thế mà các công ty hàng hải lại làm một việc hà lạm trắng trợn là định trả lương cho thuỷ thủ bằng phrăng chứ không trả bằng tiền Đông Dương như đã trả cho công chức.
Thế là người ta liền xua tất cả mọi người ở dưới tàu lên, rồi lập tức bắt hết các thuỷ thủ.
Rõ ràng là thuỷ thủ Hoàng Hải chẳng có gì phải so bì với thuỷ thủ Hắc Hải.
Chúng tôi cực lực phản đối việc đưa lính An Nam sang Xyri. Phải chăng các nhà cầm quyền cấp cao cho rằng bao nhiêu anh em da vàng xấu số của chúng tôi bị giết hại trên các chiến trường từ năm 1914 đến năm 1918, trong cuộc “chiến tranh vì văn minh và công lý”, vẫn còn chưa đủ hay sao?
*
* *
Các ngài chiến thắng quang vinh của chúng ta thường quen thói “giáo dục” người bản xứ bằng đá đít hoặc roi vọt.
Anh Nahông đáng thương hại đã bị ám sát đến hai lần. Lần thứ nhất bởi tay tên đại uý Vida, lần thứ hai bởi tay tên lang băm đóng lon quân nhân coi việc phẫu nghiệm xác chết. Tên này đã đánh cắp và giấu biệt bộ óc người chết để phi tang, đặng cứu hung thủ là bạn của hắn. Nhưng than ôi! Anh Nahông không phải là nạn nhân duy nhất của bọn quân phiệt thuộc địa! Một bạn đồng nghiệp của chúng tôi ở thuộc địa đã thuật chuyện một nạn nhân khác như sau:
“Lần này, sự việc xảy ra trong trung đoàn lính khố đỏ thứ 5 ở Medông – Carê (4). Nạn nhân là một người lính trẻ tuổi tên là Terie quê ở Tênét(5) thuộc lớp quân dịch năm 1921.
“Anh chết trong trường hợp rất thương tâm. Ngày 5 tháng 8, anh lính trẻ Terie đến bệnh xá của trung đoàn để xin thuốc tẩy. Người ta đưa thuốc tẩy cho anh, nói đúng hơn là đưa cho anh một thứ thuốc mà anh tưởng là thuốc tẩy. Anh uống và vài giờ sau anh đau bụng quằn quại, rồi lăn đùng ra chết.
“Cụ thân sinh ra Terie nhận được một bức điện báo tin rằng người con độc nhất của cụ đã chết và sáng hôm sau, chủ nhật, sẽ đưa đám. Bức điện không có đến nửa lời an ủi hay giải thích.
“Đau xót đến cực độ, cụ Terie đến ngay Angiê, tìm trung đoàn lính khố đỏ thứ 5 ở Medông- Carê. Ở đấy cụ được biết xác con đang để ở bệnh viện Maiô. (Mà làm sao xác Terie lại chở đến đây được nhỉ? Phải chăng để tránh việc khám nghiệm mà luật lệ đã quy định là bắt buộc đối với mọi trường hợp chết ở trạm y tế, người ta đã chở xác anh ta đến bệnh viện làm ra vẻ như bệnh nhân đã chết ở dọc đường?)
“Đến bệnh viện, người cha đau khổ xin thăm xác con; người ta bảo hãy chờ đã.
“Mãi sau, một quan tư thầy thuốc mới đến báo cho cụ biết là việc phẫu nghiệm không phát hiện dấu vết gì khả nghi cả. Nói xong hắn bỏ mặc cụ đứng đó, không cho phép cụ vào thăm xác con.
“Theo tin cuối cùng thì hình như cụ thân sinh ra Terie đã đến hỏi viên đại tá chỉ huy trung đoàn lính khố đỏ thứ 5 về nguyên do cái chết của Terie và đã được trả lời là con ông chết vì ngộ độc!”.
Chú thích
(1)Bản in năm 1925 có lời giới thiệu của Nguyễn Thế Truyền
(2) Nguyên văn: nous gouverneurs plus ou moins généraux
(3)Boches: Từ có nghĩa xấu chỉ quân Đức
(4) Nguyên văn: Système D, D chữ đầu của từ Débrouillard, có nghĩa lá xoay xở, tháo vát.
(5) Bản tiếng Pháp: “Les tirailleurs”.
(6) Bản tiếng Pháp: qui ont été étouffées dans le sang, có nghĩa “bị dìm trong máu.”
(7) Rufisque et Dakar: Các hải cảng của nước Xênêgan.
(8) Ruhr: Vùng công nghiệp của Đức, sau thế chiến thứ nhất được cắt giao cho Pháp từ năm 1921 đến năm 1925.
(9) Mangin: Tướng Pháp (1866-1925): tham gia chiến thắng Vecdoong, tổng chỉ huy đội quân xâm lược Xuđăng, Bắc Kỳ, Marôc.
(10) Batouala: Tên một bộ lạc ở xích đạo châu Phi.
(11) Régismanset et Hauser: tên những người viết báo tay sai, có nghĩa như những tên bồi bút.
(12) Negro: từ chỉ người da đen.
(13) Nguyên văn: Garden – Party.
(14) Casablanca. Hải cảng lớn của nước Marôc.
15() Bản tiếng Pháp: “nation protectrice”.
(16) Beni – Bouzert. Quân khởi nghĩa do Áptlen Crim, lãnh tụ phong trào chống Pháp của Marốc, lãnh đạo.
(17) Maison- Carée. Một thị xã thuộc tỉnh Angiê ở Angiêri.
(18) Ténès. Hải cảng của Angiêri.
Hết: CHƯƠNG I , xem tiếp: CHƯƠNG II
Đánh máy: HuyTran
VnthuquanNguồn: HuyTran
Vnthuquan – Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 27 tháng 11 năm 2006
Bạn phải đăng nhập để bình luận.