Tag Archive | Thơ

Bảy mươi chín mùa Xuân của Bác Hồ

LỜI GIỚI THIỆU

Bản Trường ca viết về Bác Hồ kính yêu của tác giả Trương Văn Mão, do GS,TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Tư vấn Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài – nhân lực, gửi đến.

Đây là những vần thơ mộc mạc, nhưng toát lên tấm lòng chân thành của bác Trương Văn Mão đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn.

Sau đây là Lời giới thiệu của GS,TS Hoàng Chí Bảo về bản Trường ca của bác Trương Văn Mão:

Người viết bản Trường ca “Bảy mươi chín mùa Xuân của Bác” là đồng chí Trương Văn Mão, trên 70 tuổi đời và 40 tuổi Đảng, một cán bộ đã nghỉ hưu, nay sinh hoạt đảng tại Đảng bộ xã Tây Lương, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Tác phẩm này được viết trong dịp kỷ niệm lần thứ 119 Ngày sinh Bác Hồ kính yêu (19/5/1980 – 19/5/2009), cũng đồng thời là kỷ niệm 40 năm toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện Di chúc của Bác. Với tình cảm chân thành và xúc động, tác giả đã viết nên bản trường ca 240 câu thơ gồm 3 chương, thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của mình về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức cao quý của Bác Hồ.

Bản trường ca là tiếng nói tự đáy lòng tác giả, hồn nhiên, giản dị mà sâu lắng, toát lên tình cảm yêu thương, kính trọng và ngưỡng mộ đối với Bác Hồ, lòng mong muốn của mỗi người chúng ta, nguyện sống, học tập, lao động, chiến đấu theo gương Bác Hồ vĩ đại. Vì lẽ đó, những điều tâm huyết của tác giả thể hiện qua bản trường ca này chắc chắn sẽ nhận được nhiều sự đồng cảm, chia sẻ của đông đảo anh em, bạn bè, đồng chí.

Tôi bày tỏ sự trân trọng, quý mến đối với tác giả về việc làm có ý nghĩa này. Có thể nói, đây là một tấm gương tốt, người thật, việc thật về một đồng chí đảng viên cao tuổi đã học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, xứng đáng để mỗi người chúng ta noi theo.

Xin trân trọng giới thiệu trường ca “Bảy mươi chín mùa Xuân của Bác” với các bạn đọc xa gần:

BẢY MƯƠI CHÍN MÙA XUÂN CỦA BÁC HỒ

                                                         Trường ca

                                                                 Trương Văn Mão

Chương I: Quê hương, gia đình và tình thương

Vua Hùng xưa dựng nước non
Nay Bác cùng với cháu con giữ gìn
Bốn nghìn năm, triệu trái tim
Sáng ngời chân lý giữ gìn núi sông

Quê hương xứ Nghệ miền Trung
Địa linh nhân kiệt đã sinh ra Người
Ngay từ khi tuổi thiếu thời
Bác phải sống giữa cuộc đời tối tăm.

Thực dân đế quốc xâm lăng
Nhà tan nước mất lầm than đoạ đày
Thương nòi nước mắt đắng cay
Mơ Tổ quốc chắp cánh bay Tiên Rồng.

Sẵn lòng truyền thống cha ông
Cha Nguyễn Sinh Sắc đồng lòng với con
Mẹ làng Sen – Hoàng Thị Loan
Xe tơ dệt vải nuôi con học hành.

Đời mẹ chẳng được an lành
Ba mươi ba tuổi thoát vòng trần gian
Đau thương lòng Bác ngập tràn
Kính dâng hoa huệ, cung đàn mẹ đi.

Tuổi trẻ cực khổ trăm bề
Hai bàn tay trắng rời quê xuống tàu
Làm thuê, phụ bếp quản đâu
Một viên gạch ấm bạn bầu sớm hôm.

Bác đi tìm ánh thái dương
Cứu dân thoát khỏi con đường khổ đau
Lênh đênh biển Bắc trời Âu
Quê hương hai tiếng khắc sâu lòng Người.

Pari nước Pháp đây rồi
Là nơi Bác đến quyết đòi đấu tranh
Trang vàng với những bút danh
Năm châu bốn biển ngọn ngành tâm can.

Ở đâu nô lệ trần gian
Ở đâu cũng cảnh lầm than gông cùm
Chế độ đế quốc beo hùm
Ghi vào tim Bác nỗi niềm xót xa.

Nơi đây Bác đã tìm ra
Con “Đường cách mạng” đó là đấu tranh
Bác gia nhập, là thành viên
Quốc tế Cộng sản ở miền Á Đông.

Đại hội Tua đã tán đồng
Thời cơ đến, Bác thấy lòng nở hoa
Bác tìm đến đất nước Nga
Lý luận Mácxít – đây là ánh dương.

Chủ nghĩa xã hội thiên đường
Độc lập dân tộc vầng dương sáng ngời
Người dân làm chủ cuộc đời
Quyết tử cho Tổ quốc thời quyết sinh.

Màn đêm rạng ánh bình minh
Con đường cách mạng bóng hình tự do
Lòng vui vô bến vô bờ
Mệnh trời, vận nước bây giờ là đây.

Đường về Bác đến Quảng Châu
Đông Dương Cộng sản bước đầu lập ra
Đánh hơi mật thám tìm ra
Bốn tháng Bác ở Nhà tù Quảng Châu

Lạc quan Bác chẳng buồn đâu
Chỉ là thử thách bước đầu đấu tranh
Thân thể tuy bị cực hình
Tinh thần Bác vẫn lung linh sáng ngời.

Ngục trung nhật ký ra đời
Những vần thơ Bác mặt trời dịu êm
Ba mươi năm Bác đi tìm
Dáng hình Tổ quốc tạc lên bản đồ.

Dưới chân tượng thần Tự do
Mà như thấy bóng sao cờ tung bay
Tình yêu với Đảng dâng đầy
Điều chân thiện mỹ đời này tôn vinh.

Ơi! Việt Nam Hồ Chí Minh
Lời ca vang mãi tâm tình nơi nơi
Danh nhân văn hoá trên đời
Là sợi chỉ đỏ sáng ngời đường đi.

Chân lý ấy đẹp diệu kỳ
Tự do độc lập chẳng gì đổi thay
Ba mươi năm Bác về đây
Cao Bằng, Pắc Bó những ngày đầu tiên.

Bác là ông Ké, ông Tiên
Rau măng cháo bẹ dựng lên cơ đồ
Đánh thắng hai đế quốc to
Người dân áo ấm, cơm no, học hành.

Non sông gấm góc đẹp xinh
Bắc Nam một dải hợp thành câu ca
Xây dựng Tổ quốc của ta
Đàng hoàng to đẹp như là Bác mong.

Miền Nam anh dũng Thành đồng
Nở hoa biết mấy chiến công đang chờ
Bác luôn tâm niệm, ước mơ
Vào thăm trong đó đỏ cờ, vàng sao.

Nỗi niềm Bác vẫn khát khao
Thống nhất để Bác được vào miền Nam
Được gặp du khách dân quân
Vai mang súng, quấn khăn rằn nét duyên.

Miền Nam hai tiếng thiêng liêng
Luôn luôn ghi khắc nỗi niềm mến yêu
Quân dân cả nước sớm chiều
Diệt ngụy, đánh Mỹ lập nhiều chiến công.

Thắng trận Bác rất vui lòng
“Miền Nam xứng đáng anh hùng” – Bác khen
Bác là một đoá hoa sen
Ngát hương toả sáng tâm hồn tự do.

Chương II: Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh

Sinh tử Bác chẳng đắn đo
Tự Bác biết được trời cho bằng nào
Bảy mươi tuổi vẫn dồi dào
Tình nghĩa với Đảng chẳng bao phai mờ.

Đó là chân lý, ước mơ
Sao dời vật đổi không hề đổi thay
Với dân như bát nước đầy
Chữ “Dân là gốc” ngày ngày nâng niu.

Lòng ta kính Bác bao nhiêu
Ta càng phải nhớ những điều Bác răn
Chủ nghĩa xã hội nhân văn
Dù cho gian khổ khó khăn quyết giành.

Học tập để rõ ngọn ngành
Đạo đức trong sáng mới thành người ngoan
Đúng, sai phân rõ vẹn toàn
Có tình có lý không hàm cá nhân.

Là người nảy mực cầm cân
Phải luôn sâu sát ân cần không sai
Thi đua học tập thành tài
Không màng danh vọng, xa dời quyền uy.

Các cháu là thanh, thiếu, nhi
Làm chủ đất nước mọi bề mai sau
Lớp trước dìu dắt lớp sau
Xây dựng đất nước đẹp giàu văn minh.

Vì tập thể, gắng sức mình
Làm nhiều nói ít mới thành người hay
Lý luận nắm chắc trong tay
Không gắn thực tiễn – việc này bỏ đi.

Mỗi lời nói phải nghĩ suy
Lợi dân ích nước ắt thì có ta
Chuẩn mực Bác đã đề ra
Cần kiệm liên chính mới là người trung.

Chí công vô tư ghi lòng
Như trời Xuân Hạ Thu Đông bốn mùa
Bốn phương đất chẳng để thừa
Đông Tây Nam Bắc nắng mưa thuận hoà.

Một mùa thiếu chẳng thành trời
Bốn phương thiếu một, đất thời chẳng nguyên
Thiếu một đức – chẳng có hiền
Lời dạy của Bác mọi miền đều hay

Cần – Kiệm – Liêm – Chính chung tay
Công bằng xã hội nghèo giàu chẳng phân
Đảng ta tiến bộ muôn phần
Đất nước thêm mạnh, người dân thêm giàu.

Không nguồn, nước chảy từ đâu?
Lấy dân làm gốc cây mau thêm bền
Cán bộ đầy tớ của dân
Bao dung nhân ái việc cần khắc ghi.

Đúng sai phải rõ từng ly
Kính trên nhường dưới người thì mới hay
Bàn tay có năm ngón tay
Nhỏ to dài ngắn điều này ra sao?

Dù cho tốt xấu thế nào
Năm ngón chụm lại đừng bao chia lìa
Với mình nghiêm khắc tự phê
Với người thẳng thắn chẳng hề đắn đo.

Phê rồi nhớ phải sửa cho
Biết lỗi không sửa, lỗi to hơn nhiều
“Dĩ bất biến” đấy là điều
Ứng với “vạn biến” thêm nhiều chiến công.

Biết rằng rộng biển dài sông
Đổ bao nhiêu nước cũng không bị thừa
Chén nhỏ một giọt cũng thừa
Lời Bác đạo lý ngàn xưa để đời.

Thông minh, mưu trí hơn người
Hoà mình, bỏ cái chữ ” tôi” thấp hèn
Cá nhân chủ nghĩa bon chen
Phải xoá, chớ để nhỏ nhen trong lòng.

Lòng Bác cao rộng mênh mông
Với các cháu, Bác là ông Tiên già
Bác thường thăm hỏi từng nhà
Cho trẻ bánh kẹo, người già áo khăn.

Lòng Bác toả sáng nhân văn
Hạn khô, úng lụt, Bác thăm cánh đồng
Thương bộ đội nhớ dân công
Đêm đêm gác đứng trời đông ngoài rừng.

Hũ gạo cứu đói Bác cùng
Nhuận bút viết báo Bác dành em thơ
Đời vui như thể trong mơ
Tấm lòng của Bác bây giờ còn đây.

Chiều chiều Bác cũng đi câu
Được con cá lớn Bác mau đem về
Mọi người được bữa hả hê
Chú bảo vệ cứ mải khoe công mình.

Bác cho chuyện đó thường tình
Hôm sau đánh dấu cá mình đã câu
Bảo vệ hối lỗi xin cầu
Ân cần Bác nhắc lần sau nhớ đừng.

Không được bịa chuyện linh tinh
Sửa ngay kiểu nhận công mình, ba hoa
Đồng chí phải thật chan hoà
Không được xúc phạm kẻo mà tổn thương.

Phải có đức tính khiêm nhường
Sai thì phải sửa kẻo vương lỗi lầm
Với dân phải thật quan tâm
Nói cho dân hiểu, dân tin dân làm.

Bác tới thăm mỗi xóm làng
Tự nhiên Bác cũng chẳng cần đón đưa
Có lần Bác đã hỏi đùa
“Heo này hợp tác chắc vừa mới mua?”.

Bao người đỏ mặt chịu thua
Không giấu được Bác hứa chừa từ nay
Bác dặn: “ Sai phải sửa ngay
Cần kiêm liêm chính điều hay mới về”

Chương III: Lời nguyện ước

Xa Bác bốn chục năm trời
Làm sao viết hết cuộc đời Bác đây
Tôi chưa gặp Bác một ngày
Nhưng hình bóng Bác dâng đầy trong tim.

Bác là Bác Hồ Chí Minh
Cùng Đảng dìu dắt dân mình đi lên
Ba Đình năm ấy không quên
Việt Nam độc lập vang trên toàn cầu.

Đạo đức sáng mãi ngàn sau
Trái tim dân Việt một màu khắc sâu
Gần Bác sáng dạ, sáng đầu
Như tấm gương lớn để mau sửa mình.

Con gọi Bác: Hồ Chí Minh
Tự hào với đất nước mình Việt Nam
Bác ơi hơn bốn mươi năm
Kính Người yên giấc suối vàng ngàn Thu.

Việt Nam đại thắng kẻ thù
Non sông gấm vóc ta thu về rồi
Dân ta tám sáu triệu người
Xây dựng đất nước đẹp tươi huy hoàng.

Dân được, mặc, học hành
Đại đoàn kết xây bức thành núi sông
Đảng dân cùng lập chiến công
Đưa đất nước xứng con Rồng Á Châu.

Cùng với bốn biển năm châu
Cân Dần tiếp bước ngày sau vững vàng
Bác vui ban ánh hào quang
Lá cờ đỏ thắm sao vàng tung bay.

Búa liềm luôn chắc trong tay
Vẫn như có Bác trong ngày hội vui
Cháu con mãi mãi bên Người
Chúng con xin kính dâng lời hát ca.

Bác ơi nay Bác đi xa
Nhưng tình Bác vẫn chan hoà núi sông
Việt Nam con Lạc cháu Hồng
Dân giàu nước mạnh thoả lòng Bác mơ.

19/5/2009 – 3/2/2010
Theo Viện nghiên cứu nhân tài và nhân lực
Tâm Trang (st)

Bài thơ của mối giao cảm đặc biệt

Từ bài thơ “Gửi Nêru” và những lời nói của Bác Hồ về Nêru, ta có thể rút ra một nhận xét: Trên đời này, trong thế giới này, thấu hiểu nhau như Bác Hồ với Nêru là một trong những điển hình của các đại nhân, nó mãi mãi làm đẹp cho nét văn hóa chung của con người, cho toàn thể nhân loại. 

Tiếp tục đọc

Thơ Xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bác Hồ chúc TếtThơ Xuân có một vị trí “đặc biệt” trong thơ chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt bởi lời thơ ngắn gọn, ngôn từ và cách diễn đạt dễ hiểu như lời Người tâm sự: “Mấy lời thân ái nôm na, Vừa là kêu gọi, vừa là mừng Xuân”. Thêm nữa, bên cạnh những cảm xúc đẹp về mùa Xuân, Người còn làm thơ để mừng tuổi đồng bào. Gần 30 năm trời (1942 – 1969), cứ mỗi khi Tết đến Xuân về là đồng bào cả nước lại mong chờ những vần thơ chúc Tết của Bác như một món quà ý nghĩa. Món quà ấy là nguồn động viên, cổ vũ toàn dân tộc cùng nhau đoàn kết một lòng, vững bước tiến lên trong đấu tranh cách mạng, trong lao động và sáng tạo để  dựng xây quê hương, đất nước… Hơn thế, đằng sau thi hứng từ mùa Xuân, đằng sau nỗi niềm dân tộc, tấm lòng với đồng bào, mỗi bài thơ của Hồ Chí Minh còn là một bài học lớn khiến chúng ta phải suy ngẫm, noi theo.

Mùa Xuân với sức sống và vẻ đẹp của nó từ bao đời nay đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận của các thi nhân. Là thi sĩ ai lại không có một đôi vần thơ Xuân trong đời? Hồ Chí  Minh cũng vậy. Yêu đời, say mê cuộc sống, tâm hồn dễ xúc cảm trước cái đẹp của con người, thiên nhiên, tạo vật, vì thế, thơ Xuân chiếm một phần không nhỏ trong sự nghiệp sáng tác của Người. Có điều khác là, Xuân trong thơ Hồ Chí Minh không chỉ là mùa Xuân hiện hữu của đất trời mà còn là mùa Xuân chất chứa bao nỗi niềm dân tộc, Xuân bởi lòng người, Xuân của lịch sử và của mong ước tương lai. Đọc thơ Xuân của Hồ Chí Minh, chúng ta thấy có hai mảng: Những bài thơ viết về mùa Xuân và những bài thơ viết nhân dịp mừng Xuân hay chính là thơ chúc mừng năm mới.

1. Thơ viết về mùa xuân

Nói đến thơ Xuân của Bác, chúng ta không thể không nhắc tới một bài thơ được coi là kiệt tác, Người viết ở chiến khu Việt Bắc năm 1948: Nguyên tiêu:

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang, Xuân thuỷ tiếp Xuân thiên.
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

Vẻ đẹp của bài thơ này đã được các nhà nghiên cứu, nhà phê bình và những người yêu thơ Bác viết khá nhiều. Chỉ với bốn câu thơ, Bác đã khơi gợi trước mắt người đọc vẻ đẹp thơ mộng, tràn đầy, viên mãn của mùa Xuân trong không gian và thời gian. Đêm rằm tháng giêng, mặt trăng tròn sáng ngời soi tỏ dòng sông mùa Xuân, làn nước mùa Xuân, bầu trời mùa Xuân. Tưởng như rất quen thuộc nhưng cũng không khỏi bất ngờ bởi góc nhìn tươi mới của thi nhân:

Rằm Xuân lồng lộng trăng soi
Sông Xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

                                                                        (Bản dịch của Xuân Thuỷ)

Vẫn dòng sông ấy, màu nước ấy, vẫn mây trời ấy, dưới ánh trăng rằm, trong một đêm mùa Xuân lại mang một màu sắc mới: Mùa Xuân làm cho trăng thêm đẹp. Và trăng làm cho cảnh vật thêm hữu tình. Ánh trăng, mùa Xuân, sông nước, mây trời quyện hòa, chứa chan vào nhau, tô điểm cho nhau, cùng nhau khơi gợi tâm hồn thi sĩ, soi xuống con thuyền Người đang “đàm quân sự”. Có lần Người đã từng hẹn với trăng: “Việc quân đang bận xin chờ hôm sau”. Bàn xong việc quân trời đã nửa đêm nhưng Người chiến sỹ – thi sỹ ấy không thể lại một lần lỗi hẹn cùng trăng nữa. Trăng Xuân oà vào lòng người, người mở rộng lòng đón trăng, thưởng ngoạn chất Xuân sung mãn với tâm thế sảng khoái và lạc quan. Con thuyền bàn bạc việc quân đã trở thành con thuyền trăng trôi nhẹ trên sông, ẩn hiện trong màn khói sóng. Trăng là biểu tượng cao đẹp, sáng láng của tự do. Con thuyền bát ngát trăng cũng bát ngát niềm vui cao đẹp tin tưởng vào bình minh sáng rỡ của dân tộc. “Nguyên tiêu” là một bức tranh Xuân đẹp được vẽ nên từ những vần thơ đẹp. Viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, “Nguyên tiêu” mang phong vị Đường thi: Một con thuyền, một vầng trăng, có sông Xuân, nước Xuân, trời Xuân, khói sóng, không gian bao la yên tĩnh…Chỉ khác một điều, ở giữa khung cảnh thiên nhiên hữu tình ấy, nhà thơ không có rượu và hoa để thưởng trăng, không đàm đạo thi phú mà “đàm quân sự”. Bài thơ vừa thể hiện tâm hồn, phong thái của một “tao nhân mặc khách” vừa thể hiện trí tuệ, cốt cách thanh cao của vị lãnh tụ thiên tài.

Không chỉ rung động trước vẻ đẹp của mùa Xuân. Xuân còn đi vào trong thơ Bác như là một nguyên cớ, là nguồn cảm hứng để người bày tỏ cái nhìn lạc quan, biện chứng về xu thế vận động, phát triển của lịch sử, của dân tộc. Trong bài Tự khuyên mình Người viết:

Nếu không có cảnh đông tàn
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày Xuân
Nghĩ mình trong bước gian truân
Gian nan rèn luyện tinh thần thêm hăng.

Mùa Xuân ở đây được đặt trong mối tương quan đối lập với mùa đông. Đông về, giá lạnh, khắc nghiệt. Xuân tới, ấm áp, tươi vui. Bốn mùa luân chuyển: Hết Đông tất tới Xuân. Cuộc sống con người cũng vậy. Để có được ngày Xuân rạng rỡ, huy hoàng, đừng ngại gian truân, vất vả. Nắm được quy luật tất yếu của lịch sử, của xã hội, Bác luôn nhìn cuộc sống, nhìn cách mạng với một tinh thần lạc quan và lòng tin tưởng sâu sắc vào ngày thắng lợi.

Lấy Xuân để giãi bày, nhân lên niềm vui, niềm phấn khởi tới muôn người con đất Việt, năm 1968, Bác Hồ viết nhiều thơ Xuân nhất. Điều đặc biệt là chùm thơ Xuân ngày ấy (gồm 6 bài) được viết ở những thời khắc khác nhau, với những nội dung và cách biểu đạt khác nhau, nhưng tất cả đều khởi nguồn từ niềm tin và niềm vui chiến thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân năm 1968. Chiến công nối tiếp chiến công. Tin thắng trận từ khắp các chiến trường miền Nam dồn dập báo về chính là nguồn thi hứng dạt dào với Người. Giữa mùa Xuân chiến thắng ấy, Người mượn  cớ đã lâu không làm thơ, đọc cho đồng chí thư ký chép bài thơ “Không đề” gửi một đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng:

Đã lâu chưa làm bài thơ nào,
Đến nay thử làm xem ra sao.
Lục mãi giấy tờ vẫn chưa thấy,
Bỗng nghe vần thắng vút lên cao“.

Nghe như một lời bộc bạch giản dị, thân tình, nhưng chỉ với một “vần thắng” cho thấy cảm hứng mới thật mãnh liệt. Mãnh liệt và truyền cảm, câu thơ ấy đã đem đến niềm xúc động cho bao người, những người chiến sĩ, những đồng bào đang một lòng hướng tới Miền Nam ruột thịt. Với Bác, không có công việc nào trọng đại hơn việc đánh giặc giữ nước và không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui thắng trận. Giữa Xuân này, Bác viết:

“Tháng tư hoa nở một vườn đầy,
Tía tía, hồng hồng đua sắc tươi.
Chim trắng xuống hồ tìm bắt cá,
Hoàng oanh vút tận trời.
Trên trời mây đến rồi đi,
Miền Nam thắng trận báo về tin vui”.

                         Mậu thân Xuân tiết (dịch thơ)

Hoà cùng niềm vui chiến thắng chung của dân tộc, trong mùa Xuân ấy, Bác Hồ cũng góp thêm một “chiến công” thầm lặng của mình. Đó là, khi sức khoẻ của Bác đã suy giảm nhiều so với những năm trước, thấy Người ho nhiều, để giữ gìn sức khoẻ cho Người, các bác sĩ đã đề nghị “hai chớ” (chớ hút thuốc, chớ uống rượu). Nhân dịp này, Bác Hồ đã “tự mình đề thơ làm chứng” về quá trình rèn luyện đó:

Thuốc không, rượu chẳng có mừng Xuân,
Dễ khiến thi nhân hoá tục nhân,
Trong mộng thuốc thơm và rượu ngọt,
Tỉnh ra thêm phấn chấn tinh thần”.

                   Nhị vật (dịch thơ, 1, tr.336)

Từ bỏ một thói quen đã lâu năm mà nỗi nhớ đi cả vào trong mộng thì quả không phải là điều dễ dàng. Nhưng, Người đã quyết tâm và thực hiện thành công. Đó là kết quả của ý chí và sự kiên trì. Và niềm vui phấn chấn tinh thần ấy lại được Người viết tiếp trong bài thơ “Vô đề”:

Thuốc kiêng, rượu cữ đã ba năm,
Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần.
Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn,
Một năm là cả bốn mùa Xuân” .

                                 Không đề (dịch thơ, 1, tr.341)

Cách mạng thành công, đất nước độc lập, nhân dân tự do chính là mùa Xuân tươi đẹp nhất trong trái tim thiêng liêng, ngời sáng của Hồ Chí Minh. “Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”, “Một năm là cả bốn mùa Xuân”, là nỗi niềm, là mong muốn khôn nguôi của Bác. Nỗi niềm riêng, mong muốn riêng cũng là nỗi niềm chung, mong muốn chung của cả dân tộc, là cái đích Đảng ta phấn đấu đạt tới. Đây chính là nét đẹp tột đỉnh của nhân cách, trí tuệ Hồ Chí Minh.

Qua những vần thơ viết về mùa Xuân, chúng ta thấy ở Bác luôn có một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế của một thi nhân cùng với một cốt cách, phong thái ung dung, tự tại của người chiến sĩ cách mạng kiên trung. Xuân khơi nguồn cảm hứng thơ. Thơ lấy Xuân làm nguyên cớ. Xuân tự đất trời và Xuân tự lòng người hòa quyện, tâm hồn thi sĩ và tinh thần chiến sĩ kết tụ, Bác để lại cho đời những vần thơ vừa rung động, tràn ngập sắc Xuân, vừa toát lên tinh thần lạc quan, khoẻ khoắn của một ý chí lớn: Ý chí cách mạng.

2. Thơ chúc mừng năm mới

Thủ tướng Phạm Văn Đồng có lần đã viết “Hồ Chủ tịch là người Việt Nam, Việt Nam hơn người nào hết. Ngót ba mươi năm bôn ba bốn phương trời, Người vẫn giữ thuần tuý phong độ, ngôn ngữ, tính tình của một người Việt Nam. Ngay sau khi về nước, gặp Tết, Người không quên mừng tuổi đồng bào hàng xóm và quà bánh cho trẻ em. Chỉ có mấy đồng xu, nhưng cũng bọc giấy hồng đơn cẩn thận, tươm tất…”. Không chỉ có thế, mỗi dịp Tết đến, Người luôn có một món quà mừng tuổi ý nghĩa có thể gửi tới tất cả đồng bào của mình đó là những bài thơ chúc mừng năm mới. Lấy thơ làm quà “mừng Xuân”, Người cũng mượn thơ để “kêu gọi”, khích lệ đồng bào và khẳng định niềm tin vào một tương lai rạng ngời của dân tộc:

Tháng ngày thấm thoát chóng như thoi,
Nǎm cũ qua rồi, chúc nǎm mới:
Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong !
Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi !
Chúc đồng bào ta đoàn kết mau !
Chúc Việt Minh ta càng tấn tới,
Chúc toàn quốc ta trong nǎm này
Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới!
Nǎm này là nǎm Tết vẻ vang,
Cách mệnh thành công khắp thế giới.

                                  (Thơ chúc Tết Xuân Nhâm Ngọ – 1942, 2, tr.210)

Theo thơ chúc Tết của Bác, chúng ta như được dịp ôn lại lịch sử của dân tộc, được dịp nhìn lại những năm tháng kháng chiến của toàn dân vừa trường kỳ gian khổ vừa thắng lợi vẻ vang. Xuân 1946, Xuân đầu tiên nước nhà được độc lập. Cách mạngTháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên… một loạt các sự kiện ghi dấu son lịch sử đã mang đến cho nhân dân cả nước một mùa Xuân đầy hào khí của bài ca thắng lợi. Vui cái vui của đồng bào, trong cái Tết đặc biệt này, Bác Hồ đã có đến ba bài thơ Xuân chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước: Chúc Tết Bính Tuất – 1946, Mừng Báo Quốc gia, Gửi chị em phụ nữ Xuân Bính Tuất (3, tr.169).

Bác chúc đồng bào cả nước:
Trong nǎm Bính Tuất mới,
Muôn việc đều tiến tới.
Kiến quốc mau thành công,
Kháng chiến mau thắng lợi.

Việt Nam độc lập muôn nǎm!

Đối với Bác, với nhân dân ta, mùa Xuân 1946 này mới thực sự là mùa Xuân dân chủ cộng hoà, Tết này mới thực sự là Tết độc lập, tự do:

Tết này mới thực Tết dân ta
Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia
Độc lập đầy vơi ba chén rượu
Tự do vàng đỏ một rừng hoa
Mọi nhà vui đón Xuân Dân chủ
Cả nước hoan nghênh Phúc Cộng hoà.

Ca bài ca chiến thắng, Bác không quên nhắc nhở mọi người phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng cần, kiệm, liêm, chính để xây dựng đất nước:

Năm mới Bính Tuất
Phụ nữ đồng bào
Phải gắng làm sao
Gây đời sống mới

………….

Cần, kiệm, liêm , chính
Giữ được vẹn mười
Tức là những người
Sống “Đời sống mới”

Từ năm 1945 đến năm 1954, thời kỳ “Toàn dân kháng chiến – toàn diện kháng chiến”, trong mỗi bài thơ chúc Tết của Bác, chúng ta đều như nhìn thấy, nghe thấy diễn biến của cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ. Đó là hào khí của dân tộc:

Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.
Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!
Thống nhất độc lập, nhất định thành công
!

                            (Thơ Chúc năm mới Xuân Đinh Hợi – 1947)

Theo Đỗ Thị Kiều Nga / Tạp chí nghiên cứ văn hóa
Tâm Trang (st)

bqllang.gov.vn

Thơ Bác gọi xuân sang

Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ đã viết: “Từ ngày đất nước có Cụ Hồ làm Chủ tịch, dân tộc Việt Nam có thêm một phong tục mới, mỗi lần Xuân đến. Đó là giao thừa đón nghe lời Bác đọc Thơ Xuân!”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội.Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội.

Từ xưa, trong truyền thống văn hoá của dân tộc mình, mỗi dịp tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới, các cụ ta thường làm thơ khai bút, hoặc viết những bài thơ, những câu đối để mừng Xuân, đón Tết!

Việt Nam là một dân tộc yêu thơ ca. Những đỉnh cao văn hoá của chúng ta cũng là những tác phẩm của các nhà thơ nổi tiếng: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu… Nhà thơ Huy Cận đã viết: “Tháng ngày con mẹ lớn khôn. Yêu thơ, thơ kể lại hồn ông cha”. Thơ ca là tâm hồn dân tộc, và Bác Hồ kính yêu của chúng ta là người đã phát huy truyền thống văn hoá ấy, sáng tạo ra một loại thơ Chúc Tết, sáng tạo ra một phong tục mới đầy thi vị, gắn bó cả dân tộc trong giờ phút đón chào năm mới!

Chúc mừng năm mới, có lẽ là phong tục tập quán của nhiều dân tộc. Nhưng chúc mừng năm mới bằng một bài thơ, đó là nét độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong giờ phút giao thừa thiêng liêng, năm cũ đã qua, năm mới đang đến, đất trời giao cảm, muôn vật như ngưng đọng lại trong giây phút, trong lòng mỗi người như cũng đang chờ đón những điều tốt lành, những ước mơ, hy vọng. Ai cũng mong muốn cho gia đình mình, cho đất nước mình, năm mới cố gắng mới, thắng lợi mới, mong muốn cho xuân này hơn hẳn những xuân qua. Thì chính trong cái giờ phút rạo rực, thiêng liêng ấy, nhân dân cả nước ta lại hồi hộp đón chờ và sung sướng lắng nghe lời thơ của Bác chúc Tết đồng bào.

Thơ Chúc Tết của Bác Hồ thường ngắn gọn, súc tích, mang phong vị của thể thơ truyền thống. Bác tổng kết những thắng lợi của năm cũ và nêu lên nhiệm vụ của năm mới, tuy vậy những bài thơ Chúc Tết thường cũng chỉ có từ 4 đến 10 dòng. Bác viết bằng một thứ ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, song vẫn chan chứa những ý thơ và tràn đầy những cảm hứng lớn lao của lịch sử.

Mùa xuân 1941, Bác Hồ trở về Pác Bó trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Và bài thơ “Mừng Xuân 1942” chính là bài thơ mở đầu cho những bài thơ Chúc Tết của Bác Hồ. Dấu ấn lịch sử của một thời còn ghi lại trong những vần thơ, hình ảnh cờ đỏ sao vàng và Việt Minh lần đầu xuất hiện trong thơ Bác: “… Chúc đồng bào ta đoàn kết mau. Chúc Việt Minh ta càng tiến tới. Chúc toàn quốc ta trong năm nay. Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới”.

Đến nay, Bác còn để lại cho chúng ta tất cả 22 bài thơ Chúc Tết. Bài nào Bác cũng chỉ viết từ 4 đến 10 câu. Nhân đón Xuân Quý Tỵ năm 2013, chúng ta cùng nhau đọc lại hai bài thơ Chúc Tết Năm Tỵ của Bác.

 Thơ Chúc Tết  Xuân Quý Tỵ 1953

Mừng năm Thìn vừa qua
Mừng Xuân Tỵ đã tới
Mừng phát động nông dân
Mừng hậu phương phấn khởi
Mừng tiền tuyến toàn quân
Thi đua chiến thắng mới
Mừng toàn dân kết đoàn
Mừng kháng chiến thắng lợi
Mừng năm mới nhiệm vụ mới
Mừng toàn thể chiến sĩ và đồng bào
Mừng phe dân chủ hoà bình thế giới  

                                         Hồ Chí Minh

Thơ Chúc Tết Xuân Ất Tỵ 1965

Chào mừng Ất Tỵ Xuân năm mới
Nhà nước ta vừa tuổi hai mươi
Miền Bắc xây dựng đời sống mới vui tươi
Miền Nam kháng chiến ngày càng tiến tới
Đồng bào hai miền thi đua sôi nổi
Đấu tranh anh dũng cả nước một lòng
Chủ nghĩa xã hội ngày càng thắng lợi
Hoà bình Thống nhất ắt hẳn thành công

                                                   Hồ Chí Minh

Những bài thơ Chúc Tết của Bác là tình cảm của Người gửi đến toàn dân. Đây cũng là những lời dặn dò, những ước mong của Bác trong không khí thiêng liêng của một năm mới đang đến. Và đó cũng chính là phong cách Hồ Chí Minh giản dị mà gần gũi, yêu dân và trọng dân. Người luôn đến với chúng ta trong mỗi căn nhà, trong mỗi trái tim Việt Nam.

Ăng-ghen đã nói: “Lịch sử là một nhà thơ lớn nhất”. Và nếu chúng ta đem xếp thứ tự những bài thơ Chúc Tết của Bác Hồ lại, thì đó cũng chính là một biên niên sử quan trọng nhất của Cách mạng Việt Nam.

Trong bài “Việt Nam mãi mãi có Người”, một nhà báo nước ngoài đã viết: “Tình yêu của nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh sâu xa vô tận, và chúng ta có thể cảm thấy điều đó ở từng người Việt Nam”.

Mối liên hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với đất nước và đồng bào của mình là một mối liên hệ đặc biệt. Đó chính là niềm tin tưởng sắt đá, lòng biết ơn vô hạn, là sự kính trọng… nhưng trên tất cả, Bác Hồ là người Bác, người Ông thân thiết nhất của tất cả chúng ta!.

Nhà thơ Vũ Cao đã viết:

“Cho con ước tự bây giờ
Mỗi năm vào buổi giao thừa mỗi năm
Bác về cùng với nhân dân
Đọc Thơ Tết lấy một lần, hãy đi!”
Giờ phút Giao thừa đã đến!
Mừng năm Thìn vừa qua
Mừng Xuân Tỵ đã tới…

Chúng ta cảm thấy như Bác đang đọc Thơ Chúc mừng Năm Mới của Mùa Xuân này và Người lại đang cùng với nhân dân đi trồng cây làm cho đất nước càng ngày càng Xuân!

Bùi Công Bính
baonamdinh.com.vn

Mùa xuân nhớ Bác

Kính tặng đồng chí Lê Đức Thọ, tác giả bài thơ “Lẽ sống” và đồng chí Hồ Thiện Ngôn, tác giả bài thơ “Đọc thơ anh”.

Hình nền

Mùa xuân về nhớ Bác khôn nguôi
Tiếng pháo giao thừa nhớ ngày xuân Bác còn chúc Tết

Vần thơ thân thiết
Ấm áp lòng người
Bác đã đi xa rồi
Để lại chúng con bao nỗi nhớ
Người cha đã đi xa.

Các anh ơi, Mùa xuân về đọc thơ xuân các anh trên báo Đảng
Lòng càng nhớ Bác nhiều hơn
Làm sao có thể quên
Mỗi lần gặp Bác
Bác bắt nhịp bài ca đoàn kết
Người thường nhắc nhở:
Yêu nước, thương dân
Dẫu thân mình có phải hy sinh
Cũng chỉ vì trường xuân cho đất Việt.

Mùa xuân về đọc thơ xuân các anh
Tuổi trẻ chúng tôi thấy lòng mình day dứt
Day dứt vì mình chưa làm được
Những điều hằng ước mơ
Những điều chúng tôi thề
Dưới cờ Đoàn trong giờ kết nạp,
Tuổi trẻ chúng tôi tha thiết
Được Đảng chăm lo
Được cống hiến cho quê hương nhiều nhất

Nhưng tuổi trẻ chúng tôi
Không ít người đang lỡ thì, mai một.

Theo năm tháng cuộc đời
Ngoảnh lại nhìn, mình chưa làm được bao nhiêu
Bởi một lẽ chịu hẹp hòi, ích kỷ
Thanh niên chúng tôi thường nghĩ:
Bỏ công gieo cấy, ai quên gặt mùa màng

Mỗi vụ gieo trồng
Có phải đâu là lép cả?

Tuổi trẻ chúng tôi vẫn tự hào
Những trang sử vẻ vang dân tộc
Chúng tôi được học
Được thử thách nhiều trong chiến tranh

Chúng tôi nghĩ: Nguyễn Huệ – Quang Trung
Lứa tuổi hai mươi lập nên nhiều chiến công hiển hách.
Lẽ nào tuổi trẻ hôm nay thua thiệt
Có học hành, lại phải sống cầu an
Phải thu mình, xin hai chữ “bình yên”
Bởi lẽ đấu tranh – tránh đâu cho được?

Đồng chí không bằng đồng tiền
Bằng lòng vẫn hơn bằng cấp
Có ai thấu chăng
Và ai phải sửa?
Mỗi xuân về con càng thêm nhớ Bác

Lòng vẫn thầm mơ ước
Bác Hồ được sống đến hôm nay
Làm nắng mặt trời xua tan hết mây
Trừ những thói đời làm dân oán trách

Có mắt giả mù, có tai giả điếc
Thích nghe nịnh hót, ghét bỏ lời trung
Trấn áp đấu tranh, dập vùi khốn khổ

Cùng chí hướng sao bầy mưu chia rẽ?
Tham quyền cố vị
Sợ trẻ hơn già

Quên mất lời người xưa:
“Con hơn cha là nhà có phúc”
Thời buổi này,
Không thiếu người xông pha thuở trước
Nay say sưa trong cảnh giàu sang
Thoái hóa, bê tha khi dân nước gian nan?

Mùa xuân đất nước
Nhớ mãi Bác Hồ
Ta vẫn hằng mong lý tưởng của Người

Cho đất nước khải hoàn, mùa xuân mãi mãi.

Phạm Thị Xuân Khải – Xuân Bính Dần

Theo nguồn Báo Tiền Phong 
Kim Yến (st)

bqllang.gov.vn

Mừng báo Quốc gia

Tết này mới thật Tết dân ta,
Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia.
Độc lập đầy vơi ba cốc rượu,
Tự do vàng đỏ một rừng hoa.
Muôn nhà chào đón xuân dân chủ,
Cả nước vui chung phúc cộng hoà.
Ta chúc nhau rồi ta nhớ chúc,
Những người chiến sĩ ở phương xa.

Hà Nội – Tết Độc lập Bính Tuất, 1946
Hồ Chí Minh

Báo Nhân dân, số 9459, ngày 7-5-1980.
cpv.org.vn

Thư gửi phụ nữ Việt Nam nhân dịp Xuân Bính Tuất (1946)

Nǎm mới Bính Tuất
Phụ nữ đồng bào
Phải gắng làm sao
Gây “Đời sống mới”
Việc thành là bởi
Chúng ta siêng mần
Vậy nên chữ cần
Ta thực hành trước
Lại phải kiệm ước
Bỏ thói xa hoa
Tiền của dư ra
Đem làm việc nghĩa
Thấy của bất nghĩa
Ta chớ tham thàn
Thế tức là liêm
Đã liêm thì khiết
Giữ mình làm việc
Quảng đại công bình
Vì nước quên mình
Thế tức là chính
Cần, kiệm, liêm, chính
Giữ được vẹn mười
Tức là những người
Sống “Đời sống mới”.

Hồ Chí Minh

Báo Tiếng gọi phụ nữ,
số Xuân Bính Tuất, nǎm 1946.
cpv.org.vn

Thơ tặng các cháu nhi đồng

Bác mong các cháu “cho ngoan”,
Mai sau gìn giữ giang san Lạc – Hồng.
Sao cho nổi tiếng Tiên – Rồng,
Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam.

Ngày 10 tháng 4 nǎm 1946

Báo Cứu quốc, số 239, ngày 14-5-1946.
cpv.org.vn