Trong cuộc thảo luận về vấn đề đại diện của dân bản xứ các thuộc địa tại Quốc hội Pháp, ông Pôn Tápponniê đã phát biểu ý kiến ở Hạ nghị viện như sau:
“Nước Pháp vốn hào hiệp và đức khoan nhân của nước Pháp được biểu hiện trong mọi trường hợp. Không có gì có thể sánh tầy nền vǎn minh Pháp” . Chúng tôi thành thật cảm ơn ông nghị ấy đã cho chúng tôi dịp tốt kể ra đây một số đức tính bất hủ của nước Pháp – ngoài cái đức tính rất cương quyết khai hoá dân bản xứ bằng đại bác và lưỡi lê.
Lễ độ. – Khuôn phép thực dân muốn rằng bất cứ người dân bản xứ nào – dù địa vị, tuổi tác ra sao, dù nam hay nữ – đều phải cúi đầu kính cẩn chào người Âu. Người ta từng thấy ở Đông Dương, ở Mađagátxca những người dân bản xứ bị ngược đãi, đánh đập và bị bỏ tù, chỉ vì Đã QUÊN Tỏ DấU TÔN KíNH Đó TRƯớC ĐứC UY NGHIÊM CủA CáC Vị ĐI KHAI Hoá. Mới đây thôi, một vị quan cai trị ở Métgiana (Angiêri) đã ra lệnh bắt những người dân bản xứ trong vùng cai trị của mình, vì mải làm không trông thấy quan lớn đi dạo chơi qua, nên đã dám không chào ngài.
Rộng lượng. – ở Đông Dương, thường nhân dịp đi chơi của một ông Giốpphrơ hay sinh nhật một ông Clêmǎngxô chẳng hạn, hoặc khánh thành một đài “liệt sĩ chết vì Tổ quốc” hoặc tiếp đón một phái viên của nền cộng hoà, thì các quan cai trị đều có mở “lạc quyên”. Các quan đã dùng cách như sau: Quan lớn cai trị cứ việc dựa theo dân số và thuế bạ của tỉnh mà quy định số tiền cần thiết cho cuộc lễ, nhân số tiền đó lên gấp 3, gấp 4 hay gấp 5, định ngày nộp, rồi đòi các kỳ hào hương lý đến và nói với họ: “Quan lớn cần tiền, đây là số tiền quan lớn muốn có, đây là kỳ hạn quan lớn định cho các người để nộp cho quan lớn. Hãy liệu lấy đấy. Nếu không thì…”. Để khỏi ngồi tù, các kỳ hào hương lý cứ việc mà “liệu”. Số tiền bị nhân lên của cuộc lạc quyên ép buộc thì dùng để “tỏ lòng tôn kính các bậc đại nhân”, còn số thành của bài tính nhân thì chui vào túi của quan lớn cai trị. Nông dân cứ è cổ đóng các thứ phụ thu luôn luôn như thế.
Lòng hào hiệp. – Tiếp theo châm ngôn “Đã có nước Đức trả” là câu châm ngôn “Đã có các thuộc địa trả”. Nước mẹ đòi hỏi các thuộc địa phải đưa tất cả sức lực của mình, tất cả khả nǎng của mình, tất cả ý chí của mình, tất cả tài nguyên của mình để giúp vào việc phục hưng kinh tế của nước mẹ, trong khi đó thì nước mẹ lại vừa cấm xuất khẩu pôtát của Andátxơ sang thuộc địa, để hoàn toàn dành riêng sản phẩm đó cho nông nghiệp Pháp.
Bình đẳng. – Các công dân Pháp phải làm quân dịch mười tám tháng; dân bản xứ các thuộc địa thì buộc phải phục vụ ba, bốn nǎm dưới ngọn cờ mà… mà… mà rốt cuộc người ta đã nhân danh nó để nhập vào nước họ rượu cồn, thuốc phiện, chế độ lao dịch, chế độ bốc vác nặng nề, chế độ dân bản xứ và sự cướp đoạt. Trong lúc người bản xứ bị tù đày vì những duyên cớ vu vơ, thì bọn thực dân và bọn quan cai trị phạm tội giết người, hối lộ, mua bán chức tước, ǎn cắp, vẫn nhẹ bước thang mây. Tôi không nói đến ngài Đáclơ, uỷ viên Hội đồng quốc gia tư vấn Nam Kỳ, hay ngài Bôđoanh, toàn quyền Đông Dương; chuyện của các vị ấy đã qua ba nǎm nay rồi. Tôi muốn nói đến hai viên chức ở Angiêri hồi tháng 4 vừa rồi, đã bị tố cáo công khai về tội dùng giấy tờ giả mạo, về tội thụt tiền công quỹ cùng các tội nặng khác, nhưng lại được tha bổng. Tôi cũng muốn nói đến mấy vị uỷ viên Hội đồng tư vấn người Âu cũng ở xứ thuộc địa đó, phạm tội giết người hay quả tang đồng lõa giết một dân bản xứ, mà vẫn không bị người ta đụng gì đến.
Tự do. – Một ngạn ngữ Gôloa nói rằng “Lao động là tự do”. Vậy nên dân bản xứ buộc phải làm lao động khổ sai. Mới đây Thượng nghị viện Pháp lại đã trịnh trọng thông qua bản tường trình của viên Toàn quyền xứ Đông Phi thuộc Pháp. Bản thuyết trình đó nói rằng “cần phải tránh những ảo tưởng cũng như những công thức; rằng sản xuất bông là một vấn đề của Nhà nước; rằng muốn đạt kết quả thì phải bắt buộc dân bản xứ trồng bông…”.
Bằng phương pháp đó, các thuộc địa hằng nǎm tất phải cung cấp được cho nước Pháp 10.000 tấn bông. Phương pháp đó đã từng được dùng ở Tây Phi thuộc Pháp (1) đối với vấn đề ca cao… Người ta cũng đã áp dụng phương phápđó đối với vấn đề bông và nǎm 1916, đã thu được tại vùng Bờ Biển Ngà 600 tấn bông.
Tuy vậy, nước Pháp dĩ nhiên vẫn là kẻ giải phóng cho loài người và là chiến sĩ tiền phong trong công cuộc huỷ bỏ chế độ nô lệ.
Nhân đạo. – Ông Boanớp, nghị sĩ da đen nói: Nước Pháp bảo hộ kẻ yếu và dạy dỗ những người lạc hậu. Misơlê nói: nước Pháp là chiến sĩ tiên phong của vǎn minh và là người đem lại các quyền tự do. Xarô, cựu Thủ hiến và Thủ hiến tương lai của Đông Dương nói: Chính sách thuộc địa của Pháp đầy tính chất nhân đạo và vị tha. Tạp chí Hàng không quân sự một lần nữa vừa cho ta biết rằng ở các thuộc địa người ta hiểu về lòng “nhân đạo” như thế nào. Xem đây: Thống chế Liôtây, toàn quyền Marốc, tổng chỉ huy quân đội T.O.M (2) đã cấm dùng đạn nổ có hơi ngạt và hơi làm chảy nước mắt, bởi vì… Nhưng ta hãy trích dẫn lời tạp chí đó: “Bởi vì mục đích nhằm đạt tới dĩ nhiên không phải là giết cho được nhiều người phiến loạn, mà là nhanh chóng làm cho họ phải phục tùng…”.
Với sự quá ư ân cần chǎm sóc đó, mà từ 1919, nghĩa là sau khi “công lý” và “chính nghĩa” thắng lợi trên thế giới thì ở Marốc, người ta đã giết hại 800 lính Pháp, 5.000 người Môrơ để sáp nhập 72.700 hécta ruộng đất cướp đoạt của người Marốc vào nước Pháp – “nước Pháp rộng 1 triệu mét vuông và 100 triệu dân cư”(1) .
NGUYỄN ÁI QUỐC
Tập san Inprekorr, tiếng Pháp,
số 32, ngày 17-6-1924.
cpv.org.vn
——————————–
(1) Ngay sau khi Nguyễn ái Quốc gửi bản Yêu sách của nhân dân An Nam tới trưởng đoàn các nước dự Hội nghị Vécxây, bọn bồi bút thực dân lồng lộn. Trên tờ Courrier Colonial ra ngày 27-6 có một bài nhan đề Giờ phút nghiêm trọng chỉ trích bản yêu sách : “Làm sao một người dân thuộc địa lại có thể dùng bản yêu sách của nhân dân để công kích Chính phủ Pháp. Thật là quá quắt. Cứ theo đà này thì bọn dân thuộc địa sẽ lên ngang hàng với người Pháp chúng ta và sớm trở thành ông chủ của chúng ta. Không được, phải kìm giữ chúng mãi mãi trong vòng nô lệ”. Nguyễn ái Quốc viết bài này là để trả lời bài báo sặc mùi thực dân trên. Tr. 1.
(2) Bản Yêu sách của nhân dân An Nam: Năm 1918, Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc. Ngày 18-1-1919, đại biểu các nước đế quốc tham gia chiến tranh họp hội nghị ở Vécxây (Pháp). Hội nghị này (còn gọi là Hội nghị hoà bình Pari) nhằm xác định sự thất bại của Đức và các nước đồng minh của Đức, chia lại thị trường thế giới cho các nước đế quốc thắng trận, chủ yếu là Mỹ, Anh, Pháp.
Nhân danh nhóm người yêu nước Việt Nam, Nguyễn ái Quốc đã gửi đến Hội nghị bản Yêu sách của nhân dân An Nam. Nguyễn ái Quốc còn thuê in thành truyền đơn, đăng trên các báo, gửi đến các nhà hoạt động chính trị có tên tuổi, phân phát trong các buổi hội họp, mít tinh, gửi cho Việt kiều ở Pháp và gửi về nước. Tr.1.
Bạn phải đăng nhập để bình luận.