Thư viện

Ý kiến của Bác Hồ tại phiên họp của Bộ Chính trị

“Ta có họp, có nghị,có quyết rồi giao cho ai phải giao trách nhiệm rõ ràng, ai làm được thì khen, thấy ai làm sai (…) thì cách chức ngay”.

 – Những phát biểu của Bác tại các phiên họp của Bộ Chính trị thường được bút lục trong biên bản lưu trữ. Dưới đây là một vài ý kiến phát biểu của Bác trong các cuộc họp rơi vào ngày 21/3 của một số năm. Tuy tình hình ngày nay đã khác xưa rất nhiều, nhưng những tinh thần cơ bản liên quan đến mục tiêu phát triển và phương thức lãnh đạo vẫn còn nhiều điều gần gũi với ngày hôm nay.

Ngày 21/3/1958, tham dự phiên họp của Bộ Chính trị bàn về kế hoạch nhà nước, trong phát biểu kết luận, Bác nhấn mạnh đến việc Trung ương cần kiên quyết đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chú trọng đến các khâu nước, phân và công cụ. Không nhất thiết đưa ra chỉ tiêu mỗi huyện một hợp tác xã mà tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể có huyện có vài ba, có huyện chưa cần lập, cán bộ hợp tác xã nên dùng người của địa phương.

Về công nghiệp phải chú trọng khâu kiểm tra. Vấn đề thu mua “phải chú trọng tuyên truyền, giáo dục, tổ chức chu đáo thì nông dân mới đồng tình…về giá cả phải định cho phải chăng, không nên hạ”.

Hồ Chí Minh nói chuyện tại Hội nghị tổng kết công tác bình dân học vụ toàn miền Bắc năm 1956Hồ Chí Minh nói chuyện tại Hội nghị tổng kết công tác bình dân học vụ toàn miền Bắc năm 1956

Ngày 21/3/1962, cũng trong một phiên họp Bộ Chính trị bàn về công tác chuẩn bị cho Hội nghị trung ương về công nghiệp, Bác phát biểu: “Phần nói nông nghiệp còn nhẹ quá. Công nghiệp nặng phải có, nhưng 8 năm thiếu gang thép ta vẫn xoay xở được, còn mất mùa một năm thì chúng ta méo mặt, mất mùa thì gang thép cũng không làm được”.

Bác cũng phê bình: “Ta có họp, có nghị, có quyết rồi giao cho ai phải giao trách nhiệm rõ ràng, ai làm đựơc thì khen, thấy ai làm sai không có thái độ rõ ràng, làm không được thì cách chức ngay (tỉnh Thái Bình được thưởng hơn 700 huân chương, huy chương mà không thấy phạt một ai), ý tôi còn nhu nhược với vấn đề này”.

Ngày 21/3/1964, cũng tại trong một lần họp Bộ Chính trị, Bác nêu ý kiến: quân và dân ta rất tốt, thiên thời địa lợi cũng không khó khăn lắm, nhưng công việc không chạy do lãnh đạo có sức ỳ lớn, phối hợp chưa chặt chẽ, chưa tốt, chỉ đạo chưa thống nhất. Bác còn phê bình tình trạng thiếu lương thực, hàng hoá kém phẩm chất, hình thức xấu, giá cả đắt đỏ, thiếu cán bộ cụ thể chịu trách nhiệm và phải coi vấn đề củng cố chi bộ là một trọng tâm.

X&N
kienthuc.net.vn

Advertisement

Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản (1923)

ĐÔNG DƯƠNG, TÓM TẮT

Chính trị

Không có chính đảng: Đất nước bị cai trị theo cách như sau:

Nam Kỳ và Bắc Kỳ bị cai trị trực tiếp bởi các nhà cầm quyền Pháp với những thuộc hạ người bản xứ.

Trung Kỳ và Campuchia có chính phủ bản xứ của mình mà thực tế chỉ là thực hành các mệnh lệnh của các nhà cai trị Pháp.

Kinh tế

Xí nghiệp, đồn điền, hầm mỏ, giao thông vận tải và thương nghiệp lớn, tất cả đều ở trong tay người Pháp. Thương nghiệp hạng vừa có thể nói là người Trung Quốc nắm độc quyền. Người bản xứ chỉ có thương nghiệp địa phương nhỏ.

Xã hội

Dân cư hợp thành xã, những xã hợp thành tổng, những tổng thành huyện, những huyện thành tỉnh.

Dân cư bầu lấy lý trưởng, những lý trưởng bầu lấy chánh tổng. Cuộc bầu cử của nhân dân dừng lại ở đấy.

Những huyện và những tỉnh thì các quan cai trị do chính phủ chỉ định.

Triều đình và quan chức lệ thuộc tuyệt đối vào chính quyền Pháp. Họ bị chủ Pháp của họ khinh bỉ và nhân dân An Nam ghét.

Thiểu số các nhà nho hay là các nhà trí thức là các nhà cách mạng dân tộc chủ nghĩa. Chính họ đã khích động mọi cuộc nổi dậy trong quá khứ.

Công nhân có thể là 2% trong dân số, không được học hành, không được tổ chức. Do vậy họ không có một lực lượng chính trị nào.

Tiểu tư sản không nhiều, là một phần tử bấp bênh. Nó chịu sự chi phối bởi nhiều thứ triết lý, như là nó hướng vào phong trào dân tộc rất vội vã. Nó nhút nhát.

Quần chúng nông dân bị bóc lột nhất và cùng khổ nhất, rất yêu nước.

Tuyên truyền tốt trong nông dân và tổ chức tốt trong công nhân nếu chúng ta làm tới được điều đó thì tương lai thuộc về chúng ta.

CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG

1/ Xuất bản một tờ báo nhỏ tiếng Việt.

2/ Tập hợp những phần tử dân tộc cách mạng.

3/ Cố gắng đưa những thanh niên người bản xứ đi Mátxcơva.

4/ Xây dựng dây liên lạc Mátxcơva – Đông Dương – Pari.

HỢP TÁC

 a/ Điều gì mà Đảng có thể làm thì đã liệt kê trong thư gửi cho nó do Ban phương Đông chuyển.

b/ Tổng công hội thống nhất đã hứa làm hết sức mình để 2 hoặc 3 đồng chí người Pháp có thể sang Đông Dương để tổ chức công nhân.

c/ Thanh niên cộng sản Pháp phải lợi dụng chủ nghĩa quân phiệt để đưa những thành viên chắc chắn nhất đǎng lính vào đội quân thuộc địa để dắt dẫn sự tuyên truyền trong những người bản xứ.

2/ Sự giúp đỡ của Thanh niên cộng sản Trung Quốc là tuyệt đối cần thiết cho sự hoạt động ở Đông Dương.

Một cuộc thảo luận giữa những đại biểu của Đảng, của Tổng công hội thống nhất, của Thanh niên và của Ban phương Đông có thể ló ra nhiều ánh sáng khác.

Tài liệu viết tay, tiếng Pháp,
bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

cpv.org.vn

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân (36) (10-1923)

Nông dân trong các thuộc địa của Pháp bị hai tầng bóc lột: vừa như những người vô sản, vừa như những người bị mất nước. Ở Angiêri, những đất đai màu mỡ được dành cho người Pháp; còn những người nông dân thì bị dồn vào sống trong vùng núi là nơi đất đai cằn cỗi và không thể canh tác được. Ở Đông Dương, hễ người Pháp đến là chính phủ cấp cho anh ta cả nhiều làng trọn vẹn. Nhưng người nông dân, không chỉ bần nông mà cả trung nông đều bị bắt buộc phải rời bỏ quê hương của mình hoặc làm đày tớ cho ông chủ người nước ngoài.

Thưa các đồng chí, khi các đồng chí được tổ chức lại, các đồng chí cần phải nêu gương cho chúng tôi, giúp đỡ chúng tôi, dang rộng cánh tay anh em đón chúng tôi để chúng tôi cũng có thể bước vào gia đình vô sản quốc tế.

Tài liệu tiếng Pháp, bản chụp lưu tại Cục lưu trữ Vǎn phòng Trung ương Đảng.
cpv.org.vn

(36) Quốc tế Nông dân : Một tổ chức cách mạng hoạt động dưới sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản nhằm đoàn kết rộng rãi giai cấp nông dân các nước trên thế giới trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Quốc tế Nông dân họp Hội nghị lần thứ nhất vào tháng 10-1923, tại Mátxcơva. Với tư cách là đại biểu nông dân của các nước thuộc địa, Nguyễn ái Quốc đã tham dự Hội nghị và đã hai lần phát biểu ý kiến. Tại Hội nghị, Người được bầu làm Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Hội đồng Quốc tế Nông dân. Tr.208.

Phát biểu tại phiên họp thứ bảy Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân (13-10-1923)

Thưa các đồng chí,

Tất cả các đồng chí đều đã nói về tình hình của nông dân trong đất nước các đồng chí. Tôi sẽ không làm tròn bổn phận của tôi nếu có được quyền đến đây với các đồng chí mà tôi lại không nói một đôi lời về tình cảnh của nông dân tại đất nước tôi.

Để minh hoạ với các đồng chí tình cảnh của nông dân Đông Dương, tôi phải đưa ra một sự so sánh: một bên là người nông dân Nga và một bên nữa là người nông dân Đông Dương. Nông dân Nga giống như một người ngồi chễm chệ trong chiếc ghế bành, còn nông dân An Nam lại giống như một người bị trói vào một chiếc cột, đầu ngược xuống đất. Nói thế không phải là nói phóng đại đâu, sau đây các đồng chí sẽ thấy rõ.

Khi các đồng chí đi qua Hồng trường, các đồng chí thấy có khắc một dòng chữ “Nhà thờ là thuốc phiện của thế giới”; nhưng chúng tôi, nhờ nền văn minh phương Tây mà chúng tôi có cả Nhà thờ lẫn thuốc phiện.

Về thuốc phiện, tôi sẽ xin chỉ kể lại với các đồng chí rằng mỗi năm chính quyền Pháp ở thuộc địa đã bán cho dân An Nam gồm 20 triệu người, trên 400 triệu đôla (1) thuốc phiện. Và mặt khác, người ta đã tính ra rằng cứ 1.000 ty bán rượu và thuốc phiện thì không có được lấy 10 trường học. Đấy là những sự thật.

Bây giờ, tôi xin nói vắn tắt với các đồng chí về chuyện Nhà thờ.

Tôi đã nói với các đồng chí rằng những tên thực dân đã tước đoạt người An Nam như thế nào. Bây giờ, tôi xin nói để các đồng chí biết Nhà thờ Kitô đã tước đoạt nông dân như thế nào.

Trong cuộc xâm chiếm Đông Dương thì chính những nhà truyền đạo Thiên chúa đã đi do thám để báo cho đội quân chiếm đóng biết những kế hoạch phòng thủ của nước chúng tôi. Cũng chính những nhà truyền đạo đã dẫn đường những đội quân tấn công, cũng chính lại là những nhà truyền đạo đã lợi dụng tình trạng lộn xộn của đất nước để ăn cắp những văn bản chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất của người nông dân này nọ hay của một làng nào đó. Khi hoà bình được lập lại, nông dân trở về thì tất cả ruộng đất đều đã bị các nhà truyền đạo nắm được các văn bản nói trên, chiếm mất. Chính bằng cách đó, mà ở Nam Kỳ những nhà truyền đạo Thiên chúa có được trên một phần tư những đất đai cày cấy được. ở Campuchia, các nhà truyền đạo nắm trên một phần ba ruộng đất; ở Bắc Kỳ, chỉ riêng ở thủ phủ, trong thành phố Hà Nội, các nhà truyền đạo có những bất động sản rộng bao la.

Họ có được của cải và chiếm hữu ruộng đất của nông dân không phải chỉ bằng cách đó. Các đồng chí đều biết rằng trong các nước ven biển, nhất là trong những nước ở Viễn Đông, thường xảy ra giông bão và lụt lội làm cho mùa màng thất bát; các nhà truyền đạo lợi dụng những dịp đó để ứng trước tiền cho nông dân với những tỷ suất lãi rất nặng và một thời hạn rất ngắn. Biết rõ ràng làm như vậy thì nông dân không bao giờ có thể trả nợ được, nên các nhà truyền đạo đòi nông dân phải đem ruộng đất ra bảo đảm. Thế là khi đến thời hạn trả nợ, thì toàn bộ ruộng đất của nông dân đều rơi vào tay các nhà truyền đạo.

Các đồng chí đã thấy bọn thực dân bóc lột nông dân như thế nào và các giáo sĩ tước đoạt nông dân như thế nào.

Bây giờ, còn có những kẻ bóc lột khác nữa, chẳng hạn như Nhà nước. Dù mùa màng có xấu đến mức nào đi nữa, nông dân An Nam vẫn cứ phải đóng thuế; để đóng được thuế, nông dân phải bán mùa màng của mình đi; để khỏi bị bỏ tù (hễ đóng thuế chậm là họ bị bỏ tù), họ phải bán non mùa màng của họ, nghĩa là bán trước khi gặt; họ bán cho bọn lái buôn theo cách ước lượng bằng mắt. Bằng cách đó bọn lái buôn mua được lúa trước khi gặt bằng một giá rất rẻ và sau đó đem bán lại rất đắt. Như vậy là người nông dân An Nam không phải chỉ bị trói vào một chiếc cột như tôi đã trình bày với các đồng chí, mà họ bị đóng đinh câu rút bởi bốn thế lực liên hợp là: Nhà nước, tên thực dân, nhà thờ và tên lái buôn.

Chắc là các đồng chí sẽ hỏi rằng tại sao nông dân An Nam không tổ chức nhau lại, không làm như các đồng chí là thành lập hợp tác xã. Chỉ là vì họ không có thể làm như vậy được.

Tôi phải nói với các đồng chí rằng chúng tôi bị cai trị bởi một chế độ nô lệ. Chúng tôi không được quyền xuất bản báo. Chúng tôi không được quyền tự do đi lại; chẳng hạn như chúng tôi không thể đi từ Mátxcơva đến Pêtơrôgrát được, chúng tôi phải xin được một tờ giấy thông hành, nếu không họ sẽ bắt giữ và ném chúng tôi vào tù. Cũng vậy, chúng tôi không được quyền hội họp nghĩa là chúng tôi không được quyền họp với nhau trên 4 hoặc 5 người nếu không có một giấy phép đặc biệt của cơ quan cai trị Pháp.

Tôi cũng xin nhắc lại rằng các đồng chí đã lên tiếng chống chiến tranh, đòi hoà bình; các đồng chí đã nói đến một chính quyền vô sản và việc lật đổ chủ nghĩa tư bản. Nhưng tất cả những điều các đồng chí nói ở đây sẽ trở thành vô ích, nếu các đồng chí quên mất cái yếu tố quân phiệt thực dân. Các đồng chí đều biết những sự kiện. Trong chiến tranh thế giới, chỉ riêng ở nước Pháp, người ta đã đưa từ các thuộc địa về gần một triệu người bản xứ để tham gia chiến tranh. Trong những năm 1916-1917, người ta đã chở về 2 tỷ tấn ngũ cốc (1) , trong khi những dân bản xứ ở châu Phi và ở Đông Dương đang chết đói.

Thưa các đồng chí, để kết thúc, tôi phải nhắc lại với các đồng chí rằng Quốc tế của các đồng chí chỉ trở thành một Quốc tế thật sự khi mà không những nông dân phương Tây, mà cả nông dân ở phương Đông, nhất là nông dân ở các thuộc địa là những người bị bóc lột và bị áp bức nhiều hơn các đồng chí, đều tham gia Quốc tế của các đồng chí (vỗ tay).

Phát biểu chiều 13-10-1923.
Tài liệu tiếng Pháp, bản chụp lưu tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng

cpv.org.vn

Phát biểu tại phiên họp thứ 8 Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản (23-6-1924) (46)

Ngày 23-6-1924

Tôi đến đây để không ngừng lưu ý Quốc tế Cộng sản đến một sự thật là: Thuộc địa vẫn đang tồn tại, và vạch ra để Quốc tế Cộng sản thấy rằng: Cách mạng, ngoài vấn đề tương lai của các thuộc địa còn có cả nguy cơ của các thuộc địa. Song, tôi thấy rằng hình như, các đồng chí chưa hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng cho rằng vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa. Vì vậy, tôi sẽ tận dụng mọi cơ hội có được, sẽ gợi ra những vấn đề và nếu cần tôi sẽ thức tỉnh các đồng chí về vấn đề thuộc địa.

Hôm nay, tôi cần nhắc lại lời phát biểu tại đây của đồng chí Rôi, chỉ xin đổi những tên riêng, nghĩa là đơn giản thay thế từ nước Anh bằng các từ Pháp, Bỉ, Mỹ, Nhật … Song, vì tôi là người xứ thuộc địa Pháp và vì tôi muốn nói ngắn, nên tôi chỉ nói về chủ nghĩa đế quốc Pháp, về Đảng Pháp của chúng tôi và về các đảng tại các thuộc địa Pháp, giống như đồng chí Rôi đã nói về nước Anh, về đảng anh em của chúng ta và về các đảng ở các thuộc địa của nước Anh.

Các đồng chí thứ lỗi về sự mạnh bạo của tôi, nhưng tôi không thể nói với các đồng chí rằng, sau khi nghe những lời phát biểu của các đồng chí ở chính quốc, tôi có cảm tưởng là các đồng chí ấy muốn đánh chết rắn đằng đuôi. Tất cả các đồng chí đều biết rằng, hiện nay nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa hơn là ở chính quốc. Các thuộc địa cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy; các thuộc địa cung cấp binh lính cho quân đội của chủ nghĩa đế quốc. Các thuộc địa trở thành nền tảng của lực lượng phản cách mạng. Thế mà các đồng chí khi nói về cách mạng, các đồng chí lại khinh thường thuộc địa.

Các đồng chí, khi các đồng chí muốn đập vỡ một quả trứng hay một hòn đá, thì các đồng chí phải nghĩ đến việc tìm kiếm một công cụ mà sức bền của nó tương xứng với sự vững chắc của đối tượng định đập tan. Tại sao các đồng chí không có sự đề phòng như vậy khi các đồng chí muốn đánh đổ chủ nghĩa tư bản ? Tại sao trong những vấn đề của cách mạng các đồng chí không đem ra đối chiếu sách lược, sức mạnh của các đồng chí ? Tại sao không so sánh sức mạnh và sự tuyên truyền của các đồng chí với sức mạnh và sự tuyên truyền của kẻ địch mà các đồng chí muốn chống lại và chiến thắng nó ? Tại sao các đồng chí lại xem thường các thuộc địa trong lúc chủ nghĩa tư bản lại dựa vào nó để tự bảo vệ và chống lại các đồng chí? Tôi xin bổ sung mấy lời để đáp lại bài phát biểu của đồng chí Tơranh. Trong bài phát biểu của mình, đồng chí Tơranh đã nói đến sự xuất hiện một cao trào cách mạng ở Pháp và sự ra đời phong trào phát xít ở đây. Về điểm đầu tiên, tôi hoàn toàn tán thành tinh thần lạc quan của đồng chí Tơranh; còn điểm thứ hai, thì tôi có ý kiến ngược lại. Tôi cho rằng, bọn phản động ở Italia, ở Đức và các nước khác cần đến chủ nghĩa phát xít để bảo vệ mình; trong khi đó bọn phản động Pháp lại không cần đến nó. Chúng có những người bảo vệ khác, những người bảo vệ mạnh hơn nhiều, có tổ chức hơn và có kỷ luật hơn là “bọn áo đen”. Họ có những người lính da đen và da vàng. Có lẽ các đồng chí đã biết là quân đội Pháp hiện nay bao gồm 458.000 thanh niên Pháp và 206.550 người bản xứ ở các thuộc địa. Nhưng chắc chắn là các đồng chí không biết được rằng, nếu tính thời gian phục vụ và huấn luyện cũng như sự dễ dàng làm cho những người bản xứ nổi dậy, thì mỗi người lính bản xứ này có giá trị bằng 2 lính Pháp. Do đó, trên danh nghĩa, tuy số lượng đội quân luôn sẵn sàng tấn công các đồng chí là 664.550 người, mà thực tế lại là 1.000.000 người, hay nói đúng hơn 939.950 người vì số lính Pháp có 251.450 tay súng, đông hơn các trung đoàn người bản xứ thì những người bản xứ này lại phục vụ 431.100 tháng nhiều hơn lính Pháp.

Bàn về khả nǎng và các biện pháp thực hiện cách mạng, đề ra kế hoạch của cuộc chiến đấu sắp tới, các đồng chí Anh và Pháp cũng như các đồng chí ở các đảng khác hoàn toàn bỏ qua luận điểm cực kỳ quan trọng có tính chiến lược này. Chính vì thế, tôi hết sức kêu gọi các đồng chí: Hãy chú ý!

In trong sách Đại hội toàn thế giới lần thứ V
Quốc tế Cộng sản, bản tốc ký, tiếng Nga, phần I,
Nxb. Chính trị quốc gia, Mátxcơva, 1925, tr.218-220.
cpv.org.vn

————————————

(46) Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản : Đại hội họp từ ngày 17-6 đến ngày 8-7-1924 tại Mátxcơva. Đại hội đã tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm về đấu tranh giai cấp từ năm 1918 đến năm 1923 và đề ra chủ trương tăng cường công tác xây dựng các đảng cộng sản để lãnh đạo phong trào đấu tranh thực hiện những mục tiêu lâu dài của cách mạng và quyền lợi hằng ngày của quần chúng. Đại hội cũng chỉ rõ phương hướng, nhiệm vụ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế là phải đấu tranh chống chủ nghĩa cải lương, cơ hội, chống những phần tử phái hữu và trốtxkít.

Nguyễn ái Quốc đã tham dự Đại hội và đã ba lần phát biểu ý kiến về vấn đề dân tộc và thuộc địa và những vấn đề khác. Tr.273.

Phát biểu tại phiên họp thứ 22 Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản (1-7-1924)


Thưa các đồng chí, tôi chỉ xin bổ sung những ý kiến phê bình của đồng chí Manuinxki về chính sách của chúng ta trong vấn đề thuộc địa. Nhưng trước khi đi vào thực chất của vấn đề, tôi thấy nên đưa ra một vài con số thống kê về thuộc địa. Điều này sẽ giúp chúng ta thấy rõ hơn tất cả tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa.

Các nước Chính quốc Thuộc địa
Diện tích (km (2)) Dân số Diện tích (km (2)) Dân số
Anh

151.000

45.500.000

34.910.000

403.600.000

Pháp

536.000

39.000.000

10.250.000

55.600.000

Mỹ

9.420.000

100.000.000

1.850.000

12.000.000

Tây Ban Nha

504.500

20.700.000

371.600

853.000

ý

286.600

38.500.000

1.460.000

1.623.000

Nhật Bản

418.000

57.070.000

288.000

21.249.000

Bỉ

29.500

7.642.000

2.400.000

8.500.000

Bồ Đào Nha

92.000

5.545.000

2.062.000

8.738.000

Hà Lan

83.000

6.700.000

2.046.000

48.030.000

Như vậy, 9 nước với tổng số dân 320.657.000 người và với diện tích 11.407.600 km (2) bóc lột các nước thuộc địa gồm hàng trǎm dân tộc với số dân 560.193.000 người và với diện tích 55.637.000 km(2). Toàn bộ lãnh thổ của các nước thuộc địa rộng gấp 5 lần lãnh thổ của các chính quốc, còn số dân của các chính quốc chưa bằng 3/5 số dân của các nước thuộc địa.

Nếu tính riêng những cường quốc đế quốc lớn nhất, thì những con số này lại càng có sức thuyết phục hơn. Số dân của các thuộc địa Anh đông gấp hơn 8 lần rưỡi số dân nước Anh và đất đai của các thuộc địa Anh rộng gấp gần 252 lần đất đai của nước Anh. Còn nước Pháp thì chiếm một số đất đai rộng gấp 19 lần nước Pháp; và số dân ở các thuộc địa Pháp đông hơn số dân nước Pháp 16.600.000 người.

Vì vậy sẽ không phải là quá đáng nếu nói rằng chừng nào Đảng Pháp và Đảng Anh chúng ta chưa thi hành một chính sách thật tích cực trong vấn đề thuộc địa, thậm chí chưa đề cập đến quần chúng các nước thuộc địa, thì toàn bộ chương trình rộng lớn của hai đảng đó vẫn không có hiệu quả gì. Chương trình ấy sẽ không có hiệu quả gì vì nó trái với chủ nghĩa Lênin. Tôi xin nói rõ ý của tôi. Trong bài nói chuyện về Lênin và vấn đề dân tộc, đồng chí Xtalin đã chỉ rằng bọn cải lương và các lãnh tụ Quốc tế thứ hai đã không dám đặt ngang hàng các dân tộc da trắng và các dân tộc thuộc các màu da khác, rằng Lênin đã bác bỏ sự bất bình đẳng đó và phá tan cái vật chướng ngại ngǎn chia những người nô lệ vǎn minh với những người nô lệ không vǎn minh của chủ nghĩa đế quốc.

Theo Lênin, cách mạng ở phương Tây muốn thắng lợi thì nó phải liên hệ chặt chẽ với phong trào giải phóng chống chủ nghĩa đế quốc ở các nước thuộc địa và các nước bị nô dịch và vấn đề dân tộc, như Lênin đã dạy chúng ta, chỉ là một bộ phận của vấn đề chung về cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản.

Sau đó, đồng chí Xtalin đã nói đến quan điểm phản cách mạng cho rằng không cần liên minh trực tiếp với phong trào giải phóng ở các nước thuộc địa, giai cấp vô sản châu Âu cũng có thể thắng lợi được. Nhưng nếu cǎn cứ vào hành động để xét về mặt lý luận thì tình trạng các đảng lớn của chúng ta, trừ Đảng Nga, không hoạt động gì cả khiến chúng ta có quyền cho rằng ngày nay các đảng đó vẫn còn giữ quan điểm mà đồng chí Xtalin đã nói.

Giai cấp tư sản các nước thực dân đã làm gì để kìm giữ trong vòng áp bức biết bao quần chúng của các dân tộc bị chúng nô dịch? Chúng làm tất cả. Ngoài việc dùng những phương tiện do bộ máy chính quyền Nhà nước đem lại cho nó, nó đồng thời còn tiến hành tuyên truyền hết sức ráo riết. Bằng những bài nói chuyện, bằng điện ảnh, báo chí, triển lãm và mọi phương pháp khác nữa, nó nhồi cho nhân dân các chính quốc cái đầu óc thực dân, nêu lên trước mắt họ cảnh sống dễ dàng, vinh quang và giàu có đang chờ đợi họ ở các nước thuộc địa.

Còn các đảng cộng sản của chúng ta như Đảng Cộng sản Anh, Hà Lan, Bỉ và các đảng cộng sản các nước khác mà giai cấp tư sản ở đấy chiếm giữ thuộc địa, thì đã làm những gì? Các đảng này, từ khi chấp nhận bản luận cương của Lênin, đã làm được những gì để giáo dục cho giai cấp công nhân nước mình tinh thần quốc tế chủ nghĩa chân chính, tinh thần gần gũi với quần chúng lao động các nước thuộc địa? Tất cả những việc mà các đảng của chúng ta đã làm về mặt này, thật hầu như chưa có gì cả. Còn về tôi, là một người sinh trưởng ở một nước hiện nay là thuộc địa của Pháp và là một đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, tôi lấy làm tiếc phải nói rằng Đảng Cộng sản Pháp chúng tôi làm rất và rất ít cho các nước thuộc địa.

Báo chí cộng sản chủ nghĩa có nhiệm vụ làm cho các chiến sĩ của chúng ta hiểu rõ vấn đề thuộc địa, làm thức tỉnh sự đồng tình hưởng ứng của quần chúng lao động ở các nước thuộc địa, tranh thủ họ tham gia sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản. Thử hỏi báo chí đó đã làm được gì? Không được gì hết.

Nếu đem so sánh những chỗ dành cho các vấn đề thuộc địa trên các tờ báo tư sản như Le Temps, Le Figaro, L’ Oeuvre hay những báo thuộc các khuynh hướng khác như: Le Peuple hay Le Libertaire với những chỗ dành cho các vấn đề đó trên báo L’Humanité, cơ quan ngôn luận trung ương của Đảng chúng tôi, thì phải nhận rõ rằng sự so sánh này sẽ hoàn toàn không có lợi cho chúng ta.

Bộ Thuộc địa đã đặt ra kế hoạch biến nhiều vùng ở châu Phi thành những vùng đồn điền rộng lớn của tư nhân, và biến dân bản xứ ở những nước này thành những dân nô lệ thật sự, bị trói buộc vào ruộng đất của những ông chủ mới, thế mà báo chí của chúng ta vẫn im tiếng hoàn toàn về điều này. ở các thuộc địa của Pháp ở Tây Phi, người ta đã áp dụng những biện pháp cưỡng ép chưa từng thấy để bắt lính, thế mà báo chí của chúng ta vẫn không hề lên tiếng. Chính quyền thực dân ở Đông Dương đã biến thành những kẻ buôn nô lệ và bán những người dân Bắc Kỳ cho các chủ đồn điền trên các đảo ở Thái Bình Dương; chúng kéo dài thời hạn đi lính của dân bản xứ từ 2 nǎm lên 4 nǎm; chúng đem nộp phần lớn đất đai thuộc địa cho côngxoócxiom của những bọn tư bản cá mập; thuế má vốn đã quá nặng nề không chịu nổi, thế mà chúng lại còn tǎng lên 30% trong lúc dân bản xứ bị phá sản và chết đói sau trận lụt. Thế mà báo chí chúng ta vẫn cứ im tiếng. Và sau tất cả những điều đó, các đồng chí sẽ ngạc nhiên thấy rằng nhân dân bản xứ đi theo những nhóm dân chủ và tự do như Hội Nhân quyền và các tổ chức tương tự khác là những tổ chức chǎm lo hay làm ra vẻ chǎm lo đến họ.

Nếu đi sâu hơn chút nữa, chúng ta sẽ thấy những việc hoàn toàn không thể tưởng tượng được, làm cho mọi người phải nghĩ rằng Đảng chúng tôi đã coi thường tất cả những gì dính dáng đến các nước thuộc địa. Ví dụ: báo L’Humanité không hề đǎng lời kêu gọi của Quốc tế Nông dân gửi nhân dân các nước thuộc địa, do Quốc tế Cộng sản gửi đến để đǎng trên báo. Trước Đại hội Liông (47) trong mục đǎng các bài tranh luận, đã đǎng hết mọi luận cương, trừ luận cương về vấn đề thuộc địa. Báo L’Humanité đã đǎng nhiều bài về thắng lợi của võ sĩ Xiki xứ Xênêgan, nhưng không hề lên tiếng khi các công nhân bến tàu Đaca, những người đồng nghiệp của Xiki bị bao vây trong khi đang làm việc, bị bắt và bị vứt lên xe ô tô chở về nhà giam và sau đó bị đưa sang trại lính để rồi trở thành những người bảo vệ vǎn minh, nghĩa là trở thành lính. Cơ quan trung ương của Đảng chúng tôi hằng ngày đều báo tin cho các bạn đọc về những chiến công của anh phi công Uadi đã bay từ Pháp sang Đông Dương; nhưng khi chính quyền thực dân cướp bóc nhân dân “nước An Nam cao quý”, lấy ruộng của họ giao cho bọn đầu cơ Pháp, phái máy bay chở bom, rồi ra lệnh cho các phi công phải dạy cho những người dân bản xứ bất hạnh và bị cướp bóc kia phải biết điều, thì cơ quan của Đảng chúng tôi lại không thấy cần thiết báo tin đó cho các bạn đọc biết.

Thưa các đồng chí, qua báo chí của mình, giai cấp tư sản Pháp hiểu rằng vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa không tách rời nhau. Tôi cho rằng Đảng chúng tôi chưa hiểu hết điều đó. Những bài học ở miền Ruya, nơi mà binh lính bản xứ được phái đến trấn an những công nhân Đức bị đói, đã vây chặt những trung đoàn lính Pháp đáng nghi; trường hợp xảy ra trong đội quân phương Đông, trong đó binh lính bản xứ được giao súng máy để “động viên tinh thần” binh lính Pháp đã mệt mỏi vì chiến tranh kéo dài và gian khổ; những sự kiện xảy ra nǎm 1917(48)ở nơi đóng quân của lính Nga ở Pháp; kinh nghiệm cuộc bãi công của công nhân nông nghiệp ở Pyrênê là nơi mà binh lính bản xứ đã buộc phải giữ vai trò nhục nhã của những kẻ phá hoại cuộc bãi công; và cuối cùng là sự có mặt của 207.000 binh lính bản xứ ở ngay nước Pháp, – tất cả những việc trên đây chưa làm cho Đảng chúng tôi phải suy nghĩ, chưa làm cho Đảng chúng tôi thấy cần phải thực hiện một chính sách rõ ràng và tích cực trong vấn đề thuộc địa. Đảng đã bỏ lỡ tất cả những cơ hội tốt để tuyên truyền. Những cơ quan lãnh đạo mới của Đảng đã thừa nhận là Đảng chúng tôi đã bị động trong vấn đề này. Tôi thấy đó là một dấu hiệu đáng mừng vì khi các lãnh tụ của Đảng đã thừa nhận và nhấn mạnh nhược điểm này trong chính sách của Đảng thì việc đó làm cho người ta hy vọng rằng Đảng sẽ cố gắng hết sức để sửa chữa và củng cố về mặt này. Tôi tin chắc rằng Đại hội này sẽ là bước ngoặt về mặt này và sẽ thúc đẩy Đảng sửa chữa được những thiếu sót trước. Mặc dù nhận xét của đồng chí Manuinxki về cuộc vận động bầu cử ở Angiêri rất đúng, song để cho được khách quan, tôi phải nói rằng đúng là Đảng chúng tôi đã bỏ lỡ dịp tốt ở đây, nhưng đã sửa chữa sai lầm, đã đưa đại biểu người bản xứ ra ứng cử ở quận Pari. Tất nhiên như thế còn ít, song bước đầu như vậy là tốt. Tôi sung sướng nhận thấy rằng hiện nay Đảng chúng tôi lại có những ý định tốt đẹp nhất, lại có lòng hǎng hái, cái đó là hoàn toàn mới đối với Đảng chúng tôi; và chỉ cần bằng hành động thực tiễn thì nhất định những cái ấy sẽ đưa Đảng tới một chính sách đúng đắn trong vấn đề thuộc địa.

Vậy phải hành động thực tiễn như thế nào ? Đề ra những luận cương dài dằng dặc và thông qua những nghị quyết rất kêu để sau Đại hội đưa vào viện bảo tàng như từ trước vẫn làm thì chưa đủ. Chúng ta cần có biện pháp cụ thể. Tôi đề nghị mấy điểm dưới đây:

1. Mở trên báo L’Humanité một mục để đǎng đều đặn hằng tuần ít nhất hai cột các bài về vấn đề thuộc địa.

2. Tǎng cường tuyên truyền và tuyển lựa đảng viên của Đảng trong những người bản xứ ở những nước thuộc địa đã có phân bộ cộng sản.

3. Gửi những người bản xứ vào Trường đại học cộng sản của những người lao động phương Đông ở Mátxcơva.

4. Thoả thuận với Tổng Liên đoàn lao động thống nhất (49) để tổ chức những người lao động của các thuộc địa làm việc ở Pháp.

5. Đặt nhiệm vụ cho các đảng viên của Đảng phải quan tâm hơn nữa đến vấn đề thuộc địa.

Theo tôi, những đề nghị này là hợp lý và nếu Quốc tế Cộng sản và các đại biểu của Đảng chúng tôi tán thành thì tôi tin rằng đến Đại hội lần thứ VI, Đảng Cộng sản Pháp chúng tôi sẽ có thể nói rằng mặt trận thống nhất của nhân dân chính quốc và thuộc địa đã trở thành sự thật.

Thưa các đồng chí, vì chúng ta tự coi mình là học trò của Lênin, cho nên chúng ta cần phải tập trung tất cả sức lực và nghị lực để thực hiện trên thực tế những lời di huấn quý báu của Lênin đối với chúng ta về vấn đề thuộc địa cũng như các vấn đề khác.

In trong sách Đại hội toàn thế giới
lần thứ V Quốc tế Cộng sản, bản tốc

ký, tiếng Nga, phần I, Nxb. Chính trị
quốc gia, Mátxcơva, 1925, tr.653-657.
cpv.org.vn

——————————–

46. Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản : Đại hội họp từ ngày 17-6 đến ngày 8-7-1924 tại Mátxcơva. Đại hội đã tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm về đấu tranh giai cấp từ năm 1918 đến năm 1923 và đề ra chủ trương tăng cường công tác xây dựng các đảng cộng sản để lãnh đạo phong trào đấu tranh thực hiện những mục tiêu lâu dài của cách mạng và quyền lợi hằng ngày của quần chúng. Đại hội cũng chỉ rõ phương hướng, nhiệm vụ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế là phải đấu tranh chống chủ nghĩa cải lương, cơ hội, chống những phần tử phái hữu và trốtxkít.

Nguyễn ái Quốc đã tham dự Đại hội và đã ba lần phát biểu ý kiến về vấn đề dân tộc và thuộc địa và những vấn đề khác. Tr.273.

(47) Đại hội Liông : Đại hội lần thứ III Đảng Cộng sản Pháp họp ở Liông (Pháp) tháng 1-1924. Vấn đề chủ yếu của Đại hội là đấu tranh để củng cố Đảng về mặt tổ chức và tư tưởng. Tr.279.
(48) Những sự kiện xảy ra năm 1917: Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Nga hoàng đã phái quân lính sang chiến đấu chống quân Đức ở mặt trận Pháp. Năm 1917, những binh lính này không chịu chiến đấu vì lợi ích của bọn tư bản, đã lập Xôviết và đòi trở về nước. Chính phủ Pháp sợ tư tưởng cách mạng của binh lính Nga lan sang quân đội Pháp, đã dồn họ vào trại tập trung có chăng dây thép gai, và cho quân lính thuộc địa canh giữ. Tr.280.

(49) Tổng Liên đoàn lao động thống nhất : Một tổ chức liên hiệp các công đoàn Pháp tồn tại từ năm 1922 đến năm 1936, do các công đoàn cách mạng lập nên. Tổng Liên đoàn lao động thống nhất kiên quyết chủ trương khôi phục sự thống nhất của công đoàn, bảo vệ lợi ích thiết thân của giai cấp vô sản và đã cùng với Đảng Cộng sản Pháp tham gia đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và chiến tranh. Tr.281.

Phát biểu tại phiên họp thứ 25 Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản (3-7-1924)

Ngày 3-7-1924

Các thuộc địa Pháp chiếm một diện tích rộng 10.211.510 km (2) với số dân là 55.571.000 người ở rải khắp bốn lục địa. Dù có sự khác nhau về chủng tộc, khí hậu, tập quán, truyền thống, về trình độ phát triển kinh tế và xã hội, song có hai điểm chung làm cho các nước thuộc địa giống nhau và sau này có thể đi tới thống nhất để cùng đấu tranh:

1. Tình hình kinh tế: trong tất cả các thuộc địa Pháp, công nghiệp và thương nghiệp phát triển rất yếu ớt và nhân dân hầu hết làm nghề nông, 95% số dân bản xứ là nông dân.

2. ở tất cả các nước thuộc địa, nhân dân bản xứ đều bị tư bản đế quốc chủ nghĩa Pháp bóc lột không ngừng.

Tôi không có thì giờ phân tích kỹ lưỡng về tình hình nông dân từng nước thuộc địa. Vì vậy, tôi chỉ lấy một vài thí dụ điển hình để chúng ta có một ý niệm về tình cảnh nông dân các nước thuộc địa.

Tôi xin bắt đầu từ nước tôi, Đông Dương là nước tôi biết rõ hơn cả.

Khi Pháp đánh chiếm thuộc địa này, chiến tranh đã làm cho nông dân phải rời bỏ làng mạc của họ. Sau đó, khi họ trở về thì đã thấy ruộng đất của họ bị bọn chủ đồn điền, theo sau quân đội chiến thắng, chiếm mất. Thậm chí chúng đã chia nhau cả những đất đai mà nông dân bản xứ đã cày cấy từ bao đời nay. Như vậy là nông dân An Nam đã biến thành nông nô và buộc phải cày cấy ruộng đất của chính mình cho bọn chủ nước ngoài.

Nhiều người trong những người xấu số này vì không chịu sống trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt do những kẻ chiếm đoạt đưa ra, nên đã bỏ ruộng đất của mình và lang thang nay đây mai đó khắp nước; người Pháp gọi họ là “giặc cướp” và tìm đủ mọi cách truy nã họ.

Ruộng đất cướp được bằng cách ấy đã được đem chia cho bọn chủ đồn điền. Chỉ cần xin một tiếng là bọn chúng có thể được hưởng những khoảnh đất có khi trên 2 vạn và 2,5 vạn ha.

Những tên chủ đồn điền này không những chiếm không ruộng đất mà còn chiếm không cả mọi thứ cần thiết để khai thác số ruộng đất đó, kể cả sức lao động.

Chính quyền cho phép chúng sử dụng một số tù khổ sai làm không công, hoặc bắt các xã phải cung cấp nhân lực cho các chủ đồn điền.

Bên cạnh chính quyền lang sói đó, cần phải nói tới Nhà chung. Chỉ riêng giáo hội Thiên Chúa đã chiếm 1/4 diện tích cày cấy ở Nam Kỳ. Để chiếm số ruộng đất đó, Nhà chung đã dùng những phương pháp không thể tưởng tượng được là mua chuộc, lừa đảo và cưỡng bức. Đây là một vài thí dụ. Lợi dụng lúc mất mùa, Nhà chung cho nông dân vay tiền nhưng bắt buộc họ phải cầm ruộng. Tiền lãi quá cao làm cho nông dân không sao trả hết nợ, nên buộc phải bán đứt số ruộng cầm trước cho Nhà chung. Bằng mọi thủ đoạn tàn ác, Nhà chung cố tìm ra đủ mọi thứ tài liệu mật có thể gây nguy hại cho những nhà cầm quyền. Lợi dụng những giấy tờ đó làm công cụ đe doạ, Nhà chung đạt được tất cả những gì họ muốn. Nhà chung lập hội với bọn tư bản lớn để khai khẩn những đồn điền chiếm không và những ruộng đất cướp được của nông dân. Bọn tay chân của Nhà chung giữ những chức cao trong chính phủ. Nhà chung cũng bóc lột “con chiên” một cách tàn nhẫn không kém chủ đồn điền. Một thủ đoạn khác của Nhà chung là tập hợp những người ǎn xin, bắt họ khai khẩn đất mới và hứa là sau khi khai khẩn xong sẽ chia cho họ. Nhưng khi ruộng đất mới vừa khai khẩn xong và sắp được gặt, thì Nhà chung tuyên bố là ruộng đất này thuộc về Nhà chung và đuổi những người đã dùng sức lao động của mình làm cho ruộng đất ấy được phì nhiêu. Bị những kẻ “bảo hộ” họ (ở trong tôn giáo hay ở ngoài tôn giáo) cướp bóc, nông dân An Nam thậm chí không thể yên ổn làm ǎn trên phần ruộng đất ít ỏi còn lại của mình. Người ta bắt những người đo đạc phải đo ruộng đất của nông dân không đúng để bắt họ phải đóng thuế khống. Thuế ruộng đất mỗi nǎm một tǎng. Mới đây, khi chiếm hàng nghìn hécta của người An Nam ở miền ngược để giao cho bọn đầu cơ, các nhà cầm quyền đã phái máy bay đến để những nạn nhân bị cướp bóc ở đấy không dám nghĩ đến nổi loạn.

Những người nông dân bị cướp bóc, phá sản và bị đuổi đi nơi khác lại tìm cách khai khẩn đất để làm ruộng. Nhưng khi đất mới vừa khai khẩn xong thì chính quyền lại chiếm lấy và buộc nông dân phải mua lại theo giá do chính quyền định. Ai không đủ sức mua thì bị đuổi đi một cách tàn nhẫn.

Nǎm ngoái, mặc dù đất nước bị nạn lụt tàn phá, thế mà thuế ruộng đất vẫn tǎng ngay một lúc lên 30%.

Ngoài những thứ thuế bất công làm cho nông dân bị phá sản, nông dân còn phải đi phu, đóng thuế thân, thuế muối, đóng công trái cưỡng bức, lạc quyên và v.v..

Chủ nghĩa tư bản Pháp cũng thực hiện chính sách ǎn cướp và bóc lột như vậy ở Angiêri, Tuynidi, Marốc. Tất cả những ruộng đất tốt và được tưới nước thì phải để cho bọn thực dân di cư tới chiếm. Dân bản xứ bị đuổi đi, họ phải tìm nơi nương tựa ở những vùng ven núi hay những nơi ruộng đất khó làm ǎn. Các công ty tài chính, bọn đầu cơ và quan lại cao cấp chia nhau ruộng đất của các thuộc địa.

Do những hoạt động trực tiếp và gián tiếp, các ngân hàng Angiêri và Tuynidi nǎm 1914 đã thu được 12.258.000 phrǎng tiền lời với số vốn là 25 triệu phrǎng.

Ngân hàng Marốc với số vốn là 15.400.000 phrǎng, nǎm 1921 đã thu được 1.753.000 phrǎng tiền lời.

Công ty Pháp – Angiêri chiếm 324.000 ha ruộng đất tốt nhất.

Tổng công ty Angiêri chiếm 10 vạn hécta.

Một công ty tư nhân đã chiếm khoảng 5 vạn hécta rừng, còn công ty phốt phát và đường sắt Cápde thì đã chiếm 5 vạn hécta có nhiều mỏ quặng và lại có quyền ưu tiên đối với 2 vạn ha chung quanh khu vực này.

Một cựu nghị sĩ Pháp đã chiếm một đồn điền 1.125 ha có quặng mỏ, trị giá là 10 triệu phrǎng, thu nhập hằng nǎm là 4 triệu phrǎng. Dân bản xứ, người chủ của những mỏ quặng này, mỗi nǎm chỉ thu hoạch được 1% phrǎng mỗi hécta.

Chính sách thực dân của Pháp đã thủ tiêu quyền chiếm hữu công cộng và thay thế bằng quyền chiếm hữu tư nhân. Nó cũng thủ tiêu quyền chiếm hữu nhỏ, làm lợi cho quyền chiếm hữu đồn điền lớn. Nó đã làm cho nông dân bản xứ mất hơn 5 triệu ha ruộng đất tốt nhất.

Trong 15 nǎm, nông dân ở Cabili bị cướp mất 192.090 ha.

Từ nǎm 1913, mỗi nǎm nông dân Marốc bị cướp mất 12.500 ha ruộng đất cày cấy. Từ khi Pháp thắng trong cuộc chiến tranh “vì công lý”, con số đó tǎng lên tới 14.540 ha.

Hiện nay ở Marốc chỉ có 1.070 người Pháp mà chiếm tới 500.000 ha ruộng đất.

Cũng như những người anh em của họ là nông dân An Nam, nông dân châu Phi phải chịu cảnh cơ cực không thể chịu nổi, phải lao dịch liên miên và phải gánh những thứ thuế má nặng nề. Sự cùng khổ của họ không sao tả xiết. Thiếu lương thực nên họ phải ǎn những thứ rau cỏ dại hay thóc gạo mục nát, vì thế mà bệnh sốt, thương hàn, bệnh lao hoành hành trong nhân dân. Ngay những nǎm được mùa cũng thấy có nông dân đi bới những đống rác ở thành thị, tranh thức ǎn thừa với chó. Còn khi mất mùa thì xác chết nông dân ngổn ngang ngoài đồng và trên đường.

Tình cảnh của nông dân ở miền Tây châu Phi và châu Phi xích đạo thuộc Pháp còn khủng khiếp hơn nữa.

Gần 40 công ty chiếm những thuộc địa này. Họ chiếm tất cả: ruộng đất, tài nguyên thiên nhiên, cả sinh mạng của dân bản xứ nữa. Nhân dân bản xứ thậm chí không có quyền làm việc cho mình. Họ buộc phải làm việc cho các công ty, bao giờ cũng thế và chỉ được làm việc cho các công ty mà thôi. Để bắt họ phải làm không công, các công ty đã dùng thủ đoạn cưỡng bức vượt quá sức tưởng tượng. Tất cả ruộng đất đều bị tịch thu hết. Chỉ có người nào chịu làm công việc do các công ty ấy đòi hỏi thì mới được một phần ruộng nhỏ. Ǎn uống thiếu thốn đã làm cho họ mắc đủ thứ bệnh tật và chết rất nhiều, nhất là trẻ con.

Một phương pháp khác là bắt ông già, phụ nữ và trẻ con làm con tin. Chúng giữ những người này trong những cǎn nhà chật chội, đối xử tàn tệ, hành hạ họ, bắt nhịn đói và nhiều khi giết họ nữa. ở một vài địa phương, số người bị bắt làm con tin thường xuyên lại nhiều bằng số người làm việc để đề phòng mọi mưu toan của những người làm việc tìm cách chạy trốn. Để công việc ở các đồn điền khỏi bị đình trệ, người ta cấm dân bản xứ không được cày cấy ruộng của mình kịp thời. Do đó, nạn đói và bệnh dịch thường xảy ra, tàn phá các thuộc địa.

Nếu một vài bộ lạc trốn vào rừng và tránh được ách bóc lột của bọn chủ đồn điền thì họ phải sống chẳng khác gì thú vật, họ ǎn rễ củ và lá cây, chết vì sốt rét, vì khí hậu. Trong lúc ấy thì bọn chủ da trắng tàn phá đồng ruộng và làng mạc của họ để khủng bố. Sau đây là một đoạn trong cuốn sổ tay công vụ của một sĩ quan tả một cách vắn tắt, rõ ràng và thê thảm sự đàn áp nông dân bản xứ:

Hành binh càn quét làng Côevan.

Hành binh càn quét làng Phanốp Cunô, làng và vườn trại bị tàn phá.

Hành binh càn quét làng Bêcannixơ, làng bị đốt trụi, 3.000 cây chuối bị chặt.

Hành binh càn quét làng Cua, làng bị phá, vườn trại hoàn toàn bị phá trụi.

Hành binh càn quét làng Abimaphan, tất cả nhà cửa đều bị đốt, vườn trại bị phá.

Hành binh càn quét làng Examphami, làng bị phá.

Các làng ven sông Bôm đều bị đốt.

Tại những miền châu Phi thuộc ý, Tây Ban Nha, Anh và Bồ Đào Nha cũng có một chế độ cướp bóc, làm phá sản, giết chóc và tàn phá một cách khủng khiếp như vậy.

ở Cônggô thuộc Bỉ, nǎm 1891 dân số là 25 triệu, thế mà đến nǎm 1911 chỉ còn có 8,5 triệu. Những bộ lạc Hererô và Cama ở thuộc địa cũ của Đức tại châu Phi đã hoàn toàn bị tiêu diệt, 8 vạn người bị giết trong thời gian Đức chiếm đóng và 15.000 người bị giết trong thời kỳ “bình định” nǎm 1914. Cônggô thuộc Pháp nǎm 1894 có 20.000 dân, thế mà đến 1911 chỉ còn có 9.700 người. Trong một vùng, nǎm 1910 có 10.000 dân, sau đó 8 nǎm chỉ còn được 1.080 người. Trong một vùng khác với 4 vạn dân da đen, chỉ trong 2 nǎm đã có 2 vạn người bị giết, nửa nǎm sau 6.000 người nữa lại bị giết và bị thương tật.

Những vùng ven sông trù phú và đông đúc dân cư, chỉ sau 15 nǎm đã biến thành những miền hoang vu. Những mảnh xương tàn đã rải rác trắng khắp các ốc đảo và làng mạc bị tàn phá.

Tình cảnh những người còn sống sót thật khủng khiếp: nông dân bị cướp mất phần ruộng bé nhỏ “để dành” của mình, thợ thủ công mất nghề, còn người chǎn nuôi thì mất súc vật. Dân Matabêle là dân chǎn nuôi nhiều súc vật trước khi người Anh đến, họ có tới 20 vạn súc vật có sừng. Hai nǎm sau chỉ còn 40.900 con. Dân Hererô có 9 vạn súc vật, trong vòng 12 nǎm bọn thực dân Đức đã cướp mất một nửa. Những trường hợp tương tự như vậy, xảy ra rất nhiều trong tất cả các nước da đen đã tiếp xúc với vǎn minh của người da trắng.

Để kết luận, tôi xin lấy một dẫn chứng của một người da đen là Rơnê Marǎng, tác giả cuốn Batuala. Ông ta nói: “Châu Phi vùng xích đạo là nơi dân cư đông đúc, giàu cao su, ở đây có đủ các loại vườn trại trồng cây, gà và dê rất nhiều. Chỉ sau 7 nǎm mọi cái đều bị phá hoại. Làng mạc tan tành, vườn trại hoang tàn, gà và dê bị giết. Nhân dân bản xứ kiệt sức vì phải làm việc nặng nhọc liên miên và không công nên không đủ sức và không còn thời gian, dù là rất ít, để cày cấy ruộng đất. Bệnh tật phát sinh, nạn đói hoành hành, số người chết càng nhiều… Nên biết rằng họ là con cháu của một bộ lạc khoẻ mạnh, thiện chiến, dẻo dai và đã được tôi luyện. ở đây, nền vǎn minh đã tiêu tan…”.

Để bổ sung bức tranh bi thảm này, tôi xin thêm một điểm là chủ nghĩa tư bản Pháp không hề ngần ngại đẩy cả một khu vực vào cảnh đói kém, nếu việc đó có lợi cho nó. Trong nhiều nước thuộc địa, ví dụ như Rêuyniông, Angiêri, Mađagátxca, v.v., người ta không trồng ngũ cốc nữa, mà lại phải trồng những thứ khác cần cho nền công nghiệp của Pháp. Những thứ này có lợi hơn cho chủ đồn điền. Điều đó làm cho đời sống ở thuộc địa rất đắt đỏ và luôn luôn xảy ra nạn đói.

Trong tất cả các thuộc địa của Pháp, nạn nghèo đói đều tǎng, sự phẫn uất ngày càng lên cao. Sự nổi dậy của nông dân bản xứ đã chín muồi. Trong nhiều nước thuộc địa, họ đã vài lần nổi dậy, nhưng lần nào cũng bị dìm trong máu. Nếu hiện nay nông dân vẫn còn ở trong tình trạng tiêu cực, thì nguyên nhân là vì họ còn thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo. Quốc tế Cộng sản cần phải giúp đỡ họ tổ chức lại, cần phải cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng.

In trong sách Đại hội toàn thế giới lần thứ V
Quốc tế Cộng sản, bản tốc ký, tiếng Nga, phần I, Nxb. Chính trị
Quốc gia, Mátxcơva, 1925, tr.758-762.
cpv.org.vn

————————–

(2) Bản Yêu sách của nhân dân An Nam: Năm 1918, Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc. Ngày 18-1-1919, đại biểu các nước đế quốc tham gia chiến tranh họp hội nghị ở Vécxây (Pháp). Hội nghị này (còn gọi là Hội nghị hoà bình Pari) nhằm xác định sự thất bại của Đức và các nước đồng minh của Đức, chia lại thị trường thế giới cho các nước đế quốc thắng trận, chủ yếu là Mỹ, Anh, Pháp.

Nhân danh nhóm người yêu nước Việt Nam, Nguyễn ái Quốc đã gửi đến Hội nghị bản Yêu sách của nhân dân An Nam. Nguyễn ái Quốc còn thuê in thành truyền đơn, đăng trên các báo, gửi đến các nhà hoạt động chính trị có tên tuổi, phân phát trong các buổi hội họp, mít tinh, gửi cho Việt kiều ở Pháp và gửi về nước. Tr.1.

Báo cáo – dự thảo(20-11-1921)

Pari, ngày 20-11-1921

Tiểu ban Đông Dương thuộc Pháp trong Ban nghiên cứu thuộc địa (60) của Đảng Cộng sản được giao trách nhiệm phát biểu ý kiến về hoạt động cần tiến hành ở Viễn Đông nhằm tạo ra và phát triển một phong trào cộng sản cách mạng, xin trình bày:

1. Tiểu ban bác bỏ mọi kiến nghị về kinh tế hoặc chính trị nhằm cải thiện, cải cách hoặc đạt một tiến bộ nào đó, điều này, trong chế độ tư bản, chỉ phục vụ chính quyền hiện nay và giúp vào sự củng cố nó.

2. Nhận thấy rằng các giai cấp thống trị coi các thuộc địa Pháp không chỉ là một kho vô tận nguyên liệu, người bản xứ thuần tuý là những con vật kéo nặng sản xuất ra những thứ đó, mà bọn kẻ thù giai cấp của chúng ta còn coi những nước hải ngoại đó là nguồn cung cấp những đội quân phản cách mạng.

Do đó, công tác tuyên truyền cách mạng và chống quân phiệt cần được tiến hành dưới sự lãnh đạo và đôn đốc của Đảng, trong tất cả các thuộc địa của Pháp và xứ gọi là bảo hộ.

Công tác tuyên truyền này thực hiện:

a) Bằng các báo chí xuất bản ở Pháp.

b) Bằng diễn đàn của các Đại hội của chúng ta và khi cần, bằng diễn đàn của nghị viện.

c) Bằng các hội nghị.

d) Bằng mọi phương thức thích hợp với đối tượng, với trình độ giáo dục và vǎn minh của quần chúng bản xứ ở các thuộc địa.

Bản trình bày sơ lược trên đây chỉ là một thông báo bước đầu. Ban nghiên cứu thuộc địa của phân bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản cho rằng việc nghiên cứu các vấn đề thuộc địa từ nay về sau phải là bộ phận không tách rời các đề cương đưa lên Quốc tế Cộng sản, vì cách mạng cộng sản chủ nghĩa không chỉ có mục đích ở châu Âu mà còn ở toàn thế giới. Vì vậy, không được để một nơi nào trên thế giới, do cẩu thả hoặc không am hiểu vấn đề, lọt ra ngoài những hoạt động có ích cho mục đích cách mạng cộng sản chủ nghĩa.

In trong sách: Hồ Chí Minh,
Những bài viết 1914 – 1969,
do Alain Ruscio biên soạn, Pari, 1990, tr.40 – 41.

cpv.org.vn

Lời kêu gọi của Ban nghiên cứu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp (1-1922)

Chúng tôi hiểu nỗi đau khổ của các bạn, nhưng các bạn chưa hiểu nỗi đau khổ của chúng tôi. Có lẽ các bạn cho rằng tất cả mọi người ở Pháp đều có quyền hành và ai cũng muốn giữ các bạn trong vòng nô lệ.

Thật ra những người gây ra sự lầm than cho các bạn và giữ các bạn trong cảnh khổ đó để lợi dụng chỉ là một số ít, chúng có quyền hành vì chúng giàu. Chúng tôi là số đông và đang đấu tranh chống lại chúng vì chúng tôi cũng như các bạn là nạn nhân sự tàn bạo của chúng. Các anh em người bản xứ thấy rõ chúng tôi cùng với anh em có chung một kẻ thù là bọn chủ của chúng tôi. Chúng tôi thành lập ở đây một chính đảng lớn đấu tranh để giải phóng những người không có quyền hành ở chính quốc và cũng muốn đấu tranh để giải phóng những người bản xứ ở thuộc địa bị bắt làm nô lệ.

Chúng tôi yêu cầu các bạn giúp đỡ chúng tôi trong nhiệm vụ đó, vì các bạn và chúng tôi, chúng ta cùng chung một lợi ích. Chúng tôi yêu cầu các bạn coi chúng tôi như bạn và anh em của các bạn. Chúng tôi sát cánh với các bạn trong cuộc kháng chiến và đấu tranh của các bạn chống sự tham tàn của bọn thực dân, sự hung bạo của bọn cai trị và binh lính, bọn này có những tên đồng loã là bọn quan lại bản xứ.

Ngày mà chúng ta sẽ được tự do nhờ ở thành công của sự thay đổi mà chúng ta đang chuẩn bị đây, sự lầm than khổ cực của các bạn sẽ chấm dứt. Lúc đó các bạn sẽ có thể tự điều khiển lấy công việc của mình và kết quả lao động của các bạn sẽ thuộc về các bạn. Mối quan hệ giữa chúng tôi với các bạn sẽ là những mối quan hệ đoàn kết và liên minh.

Viết vào tháng 1-1922. Đǎng báo
Nhân dân, số 7.691, ngày 26-5-1975.
cpv.org.vn

Lời kêu gọi tham gia Hội hợp tác xuất bản báo Le Paria (10-2-1922)

Pari, ngày 10 tháng 2 nǎm 1922

Các đồng chí thân mến,

Các đồng chí đã nhận hay sẽ nhận một bản điều lệ Hội hợp tác của báo Le Paria. Hội này đang thành lập sẽ xuất bản một tờ báo như tên đã nêu và đó sẽ là một xuất bản phẩm thật sự của thuộc địa.

Chẳng cần nhấn mạnh đến sự khẩn cấp phải cho ra tờ báo này. Các bạn ta ở chính quốc bắt đầu cảm thấy cần phải thay đổi tình hình hiện nay ở các thuộc địa. Nhưng do chỗ không có tư liệu, họ chờ mãi mãi hoặc hành động chẳng chắc chắn gì. Trong cả hai trường hợp, có nguy cơ họ làm hại phong trào chung để thiết lập lại công lý trong nhân dân các thuộc địa.

Về phía mình, các dân tộc ở thuộc địa tiếp tục tưởng rằng nhân dân Pháp luôn luôn là những viên chức hoạnh họe và chẳng có lòng xót thương này hay là những tên thực dân mà chương trình là bóc lột vật và người ở thuộc địa. Tiếng nói của những cựu chiến binh người bản xứ, đã từng đau khổ bên cạnh những “người lông lá xồm xoàm” ở Pháp, lại càng bất lực để ngǎn họ khỏi tin rằng mọi binh
sĩ cũ của “đại chiến”, – dưới con mắt các vị có chức quyền ở thuộc địa, – là một người đáng ngờ và là một đối tượng phải kiểm soát đặc biệt nghiêm ngặt.

Các bạn ở mẫu quốc, các đồng chí ở thuộc địa, vì lợi ích của công lý, chân lý và tiến bộ, cần phải xoá khoảng cách giả tạo dường như chia rẽ các đồng chí. Tờ Le Paria, là tờ báo đầu tiên nhằm mục đích hoàn thành nhiệm vụ ấy.

Nhiệm vụ này chẳng dễ dàng gì; để đối phó, với hy vọng thắng lợi, chúng tôi kêu gọi sự tận tuỵ của các đồng chí mà tôi biết là vô biên.

Hãy tham gia hội hợp tác của chúng ta, Le Paria, hay đặt mua dài hạn ngay từ bây giờ tờ báo của chúng tôi cùng tên ấy; hoặc, nếu được, các đồng chí hãy làm cả hai điều trên. Sự thành công của chúng ta phụ thuộc vào sự tận tuỵ của đồng chí, và tương lai các thuộc địa lại phụ thuộc vào sự thành công trên; chúng ta dám khẳng định như vậy .

Cố gắng lên một chút, bằng cách giúp đỡ chúng tôi. Các bạn và các đồng chí, sẽ phục vụ sự nghiệp hoà bình và nhân loại.

Rất thân thiết.

Thay mặt Hội đồng quản trị
XTÊPHANY

Thủ quỹ chính
GUTƠNOA ĐƠ TURY

Thủ quỹ phụ
NGUYỄN ÁI QUỐC
cpv.org.vn

Lời kêu gọi (1-4-1922 )

Cách ra báo hằng tháng của chúng tôi nói lên rằng: Le Paria ra mắt bạn đọc trong những điều kiện hết sức hạn chế về phương diện tài chính. Và lời tuyên bố này giúp cho những ai có thể còn phân vân về hành động xuất hiện ở đây lần đầu tiên khỏi phải mất công tìm hiểu vô ích.

Thực vậy, trong lịch sử phong trào quần chúng bản xứ ở các thuộc địa của Pháp, chưa bao giờ có một tờ báo được lập ra để nói lên nỗi đau khổ và tình trạng cùng khốn chung của họ, bất kể là họ thuộc đất nước và giống nòi nào. Le Paria ra đời do sự đồng cảm sâu sắc của các đồng chí ở Bắc Phi, Tây Phi thuộc Pháp, Mađagátxca, Đông Dương, Ǎngtiơ và Guyan. Báo ra đời chính là vì những lời hứa hẹn dối trá về tự do và công lý được đưa ra trong quá trình cuộc chém giết khủng khiếp những nǎm 1914-1918, nhưng hoàn toàn không được thực hiện sau khi cơn giông tố dịu đi. Tờ báo biểu hiện ý thức tập thể của những người vô sản bản xứ hiểu rất rõ rằng: bọn bóc lột lợi nhuận và đặc quyền, đặc lợi, không muốn mất đi, dù là một chút quyền lực và niềm kiêu hãnh của chúng. Bọn cầm quyền vừa mù, vừa điếc, không muốn hiểu chút gì về những biến cố đang thai nghén trên thế giới.

Le Paria tố cáo những sự lạm quyền về chính trị, lối cai trị độc đoán, tình trạng bị bóc lột về kinh tế mà nhân dân các vùng lãnh thổ rộng lớn ở hải ngoại đang là nạn nhân. Báo kêu gọi họ đoàn kết lại, đấu tranh cho tiến bộ về vật chất và tinh thần của chính họ. Báo kêu gọi họ, tổ chức họ, nhằm mục đích giải phóng những người bị áp bức khỏi các lực lượng thống trị, thực hiện tình yêu thương và bác ái.

Và bây giờ, đội ngũ đã sẵn sàng, các bạn da vàng, da trắng và da đen, hãy đặt mua báo của chúng tôi; hãy gửi cho chúng tôi tài liệu; hãy đứng bên cạnh chúng tôi; hãy ra sức ủng hộ chúng tôi, dù cho chúng tôi có gặp phải những luồng bão táp ngược chiều thế nào chǎng nữa.

Le Paria đã sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu, mục đích của báo chắc chắn sẽ đạt được: đó là giải phóng loài người.

LE PARIA

Báo Le Paria, số 1,
ngày 1-4-1922.
cpv.org.vn

Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ (1924)

Mátxcơva, 1924

Cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây.

Về phía người lao động, đó là sự không giác ngộ, sự nhẫn nhục và vô tổ chức. Về phía bọn chủ, không có máy móc, ruộng đồng thuộc sở hữu của những địa chủ hạng trung và hạng nhỏ và những kẻ mà ở đó được coi là đại địa chủ thì chỉ là những tên lùn tịt bên cạnh những người trùng tên với họ ở châu Âu và châu Mỹ; không có tỷ phú người An Nam. Những tên trọc phú ở đó thì ở đây chỉ là những kẻ thực lợi khá giả thôi.

Cho nên, nếu nông dân gần như chẳng có gì thì địa chủ cũng không có vốn liếng gì lớn; nếu nông dân chỉ sống bằng cái tối thiểu cần thiết thì đời sống của địa chủ cũng chẳng có gì là xa hoa; nếu thợ thuyền không biết mình bị bóc lột bao nhiêu thì chủ lại không hề biết công cụ để bóc lột của họ là máy móc; người thì chẳng có công đoàn, kẻ thì chẳng có tơrớt. Người thì nhẫn nhục chịu số phận của mình, kẻ thì vừa phải trong sự tham lam của mình. Sự xung đột về quyền lợi của họ được giảm thiểu. Điều đó, không thể chối cãi được.

Nhưng người ta sẽ bảo: thế là chúng ta ở thời Trung cổ à? ồ! Sẽ là quá đáng nếu so sánh người “nhà quê” (1) với người nông nô. An Nam chưa bao giờ có tǎng lữ và thuế mười phần trǎm. Hoàng đế trị vì nhưng chẳng lo cai trị gì. Tất nhiên là đã có quan lại rồi. Nhưng có thể so sánh họ với chúa phong kiến không? Không. Trước hết quan lại được tuyển lựa theo con đường dân chủ: con đường thi cử, mở rộng cho mọi người và mọi người có thể chuẩn bị thi mà chẳng tốn kém gì. Hơn nữa, quyền lực của quan lại được cân bằng bằng tính tự trị của xã thôn.

Xã hội ấn Độ – China (1) – và tôi có thể nói: ấn Độ hay Trung Quốc về mặt cấu trúc kinh tế, không giống các xã hội phương Tây thời Trung cổ, cũng như thời cận đại, và đấu tranh giai cấp ở đó không quyết liệt như ở đây.

Mai đây, khi chủ nghĩa tư bản phương Tây làm đổi thay phương Đông thì đấu tranh giai cấp có trở nên quyết liệt không ? Đại thể là có, nếu xét gương của Nhật Bản.

Thật ra là có, vì sự tây phương hoá ngày càng tǎng và tất yếu của phương Đông; – nói cách khác, chủ nghĩa Mác sẽ còn đúng cả ở đó. Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được.

Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại.

Mác cho ta biết rằng sự tiến triển các xã hội trải qua ba giai đoạn: chế độ nô lệ, chế độ nông nô, chế độ tư bản; và trong mỗi giai đoạn ấy, đấu tranh giai cấp có khác nhau. Chúng ta phải coi chừng! Các dân tộc Viễn Đông có trải qua hai giai đoạn đầu không? Từ nhiều thế kỷ nay, họ chẳng hưởng được thái bình hay sao để đến mức làm cho người châu Âu khinh rẻ họ (lười nhác, mê muội hàng nghìn nǎm, v.v.)?

Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông. Đó chính là nhiệm vụ mà các Xôviết đảm nhiệm (ban thuộc địa của chúng tôi vừa nhận được thư mời chúng tôi tham gia công tác này). Và các Xôviết sẽ thành công; vì rằng, đứng lên trên các thành kiến chủng tộc, họ sẽ làm cho thế giới được miễn nghe các lời tầm phào của những Guýtxtavơ Lơbốp và những Hǎngri Coócđiê.

(…)

Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước. Chính nó đã gây nên cuộc nổi dậy chống thuế nǎm 1908, nó dạy cho những người culi biết phản đối, nó làm cho những người “nhà quê” phản đối ngầm trước thuế tạp dịch và thuế muối. Cũng chủ nghĩa dân tộc đã luôn luôn thúc đẩy các nhà buôn An Nam cạnh tranh với người Pháp và người Trung Quốc; nó đã thúc giục thanh niên bãi khoá, làm cho những nhà cách mạng trốn sang Nhật Bản và làm vua Duy Tân mưu tính khởi nghĩa nǎm 1917 (1) .

Chiến tranh đã làm thay đổi chủ nghĩa dân tộc:

1. Chủ nghĩa dân tộc đã hiện đại hoá khi chuyển từ giới thượng lưu này sang giới thượng lưu khác. Chính thanh niên An Nam ngày nay đang chỉ đạo nó.

2. Chủ nghĩa dân tộc ǎn sâu vào quần chúng nhờ sự phát triển của các phần tử thành thị và nhất là nhờ sự tuyển mộ và trở về của “lính tình nguyện”.

3. Trong chủ nghĩa dân tộc có cả lòng cǎm ghét bọn xâm lược Trung Quốc và người ấn Độ sinh cơ lập nghiệp ở trên đất nước này.

4. Nó có xu hướng hợp pháp hoá các hình thức biểu hiện và yêu sách của nó. Một mặt, chính quyền nhượng bộ. Mặt khác, lớp thanh niên từ bỏ phương pháp tiến hành những cuộc nổi dậy bột phát của lớp người đi trước, và ngày nay, người ta thiên về chiến thuật của những nhà cách mạng châu Âu: tuyên truyền, tổ chức và khởi nghĩa quần chúng. Trong khi lớp người già muốn độc lập ngay thì lớp trẻ yêu sách những thiết chế chuẩn bị cho độc lập (tờ La Tribune indigène (62) : cơ quan của phái lập hiến).

(…)

Cương lĩnh của chúng tôi.
Phương hướng chung.

Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản. Khẩu hiệu này, do Mátxcơva tung ra, đánh vào các nhà tư sản như một nghịch lý táo bạo, nhưng thật ra điều đó có nghĩa gì? Một chính sách mang tính hiện thực tuyệt vời. Giờ đây, người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại, và duy nhất của đời sống xã hội của họ. Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi, thì đã lâu lắm rồi, phần lớn thế giới sẽ xôviết hoá và lúc đó, nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế. Trong khi chờ đợi, chủ nghĩa dân tộc sẽ quấy rối chủ nghĩa đế quốc Pháp và bằng việc làm này, Quốc tế Cộng sản sẽ được lợi trực tiếp.

a/ Ở Đông Dương.

Hành động hợp pháp phụ thuộc vào việc nước Pháp thừa nhận các Xôviết. Điều đầu tiên phải làm là sẽ thiết lập các lãnh sự quán Nga ở Sài Gòn, Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng. Những lãnh sự quán này tự nhiên sẽ là những trung tâm tuyên truyền chủ nghĩa bônsêvích và lựa chọn các chiến sĩ bản xứ để gửi sang Nga. Hoạt động bất hợp pháp sẽ là trợ cấp cho một tờ báo, rải truyền đơn và nhất là các bài đả kích bằng tiếng bản xứ và chữ Hán, là tổ chức những hội kín. Nhân viên tuyên truyền gồm có: người bản xứ, người Pháp và người Nga, nếu có thể được thì, biết tiếng nước này, và làm một nghề khiến họ tiếp xúc được với dân bản xứ (nữ hộ sinh, nữ giáo viên, thầy thuốc ở nông thôn, dân đồn điền. Một luật sư cho người bản xứ sẽ được mọi người biết tiếng ngay). Thành lập ra ở Chợ Lớn một phân bộ cộng sản Trung Quốc.

b/ Ở Nhật Bản, ở Trung Quốc và ở Xiêm.

Tiếp xúc với những nhóm người di tản. Thành lập một lãnh sự quán ở Vân Nam phủ, thành phố rất quan trọng nằm ở biên giới Bắc Kỳ, trung tâm tuyên truyền đặt ở vị trí đó rất tuyệt. Tranh thủ làm cho các Xôviết được công nhận ở Xiêm nơi mà Anh, Pháp và Mỹ luôn luôn có mưu đồ. Mỹ có 4 cố vấn trực thuộc Bộ Ngoại giao, Anh và Pháp có hai cố vấn trực thuộc Bộ Tư pháp. Tại sao nước Nga lại không có? Hơn nữa, một lãnh sự quán ở Bǎng Cốc sẽ tìm thấy các ngả đường đi ấn Độ thuộc Anh, Giava thuộc Hà Lan và Đông Dương thuộc Pháp.

c/ Ở Pháp.

Nhóm cộng sản ở Nghị viện sẽ có hai nhiệm vụ quan trọng:

1) Thừa nhận các Xôviết; 2) Xoá chế độ bản xứ. Trong nhiệm kỳ, sẽ yêu cầu bỏ thuốc phiện ở Đông Dương; nó sẽ tố giác các vụ bê bối như vụ bê bối của độc quyền ở Sài Gòn. Từ Pháp đến Đông Dương quá xa cách vì vậy sẽ không có vấn đề Nghị viện đi xem xét như có thể làm đối với Angiêri và Tuynidi.

Ban thuộc địa sẽ lo trước hết việc tổ chức công đoàn. Hội liên hiệp thuộc địa sẽ làm đúng với danh hiệu của mình. Tờ Le Paria sẽ ra mỗi tuần 2 lần.

Hoạt động thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp hẳn là còn yếu kém nhưng chút ít nó làm được thì chẳng có đảng nào làm được, còn nếu nó chưa quan tâm đến người bản xứ, đó là vì người bản xứ chưa đến với nó được mấy. Nhiệm vụ số một của nó là đào tạo những chiến sĩ bản xứ. Đào tạo không chỉ những nhà tuyên truyền mà cả những nhà cách mạng theo kiểu châu Âu.

d/ Ở Nga.

Muốn thế, đưa đến Mátxcơva hay đến các trung tâm khác, các sinh viên An Nam (còn sớm để có thể coi thường người trí thức). Cũng đưa cả những người lao động chân tay vì phải đào tạo những quân nhân, thuỷ thủ cho hồng quân bản xứ và các chi bộ xí nghiệp bản xứ, đủ sức thay thế các kỹ thuật viên của chủ nghĩa tư bản.

(…)

Kết luận: Khả nǎng khởi nghĩa vũ trang ở Đông Dương. Để có cơ thắng lợi, một cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Đông Dương:

1. Phải có tính chất một cuộc khởi nghĩa quần chúng chứ không phải một cuộc nổi loạn. Cuộc khởi nghĩa phải được chuẩn bị trong quần chúng, nổ ra trong thành phố, theo kiểu các cuộc cách mạng ở châu Âu, chứ không phải nổ ra đột ngột ở biên giới Trung Quốc, theo phương pháp của những nhà cách mạng trước đây.

2. Cuộc khởi nghĩa phải được nước Nga ủng hộ. Các Xôviết sẽ cung cấp vũ khí, tiền bạc và các kỹ thuật viên, các binh sĩ, các thuỷ thủ bản xứ được đào tạo trước đó ở Mátxcơva. Ngoài ra, nước Nga sẽ có một hạm đội khá mạnh ở Thái Bình Dương, để ngǎn cản sự can thiệp của một vài cường quốc có thoả thuận với Pháp trong việc chống người bản xứ.

3. Cuộc khởi nghĩa phải trùng hợp với cách mạng vô sản ở Pháp.

4. Sự nghiệp của người bản xứ gắn mật thiết với sự nghiệp của vô sản toàn thế giới; mỗi khi chủ nghĩa cộng sản giành được chút ít thắng lợi trong một nước nào đó, nhất là trong một quốc gia đế quốc chủ nghĩa (nước Đức chẳng hạn) thì đó càng là thắng lợi cả cho người An Nam.

In trong sách Hồ Chí Minh,

Những bài viết 1914-1969
do Alain Ruscio biên soạn,
Pari, 1990, tr.69-74.

cpv.org.vn