– Ngày 5/6/1953, Bác viết bài “Chính sách kinh tế của Đảng và Chính phủ” (ký tên là Đ.X) đăng trên tờ “Cứu Quốc” xác định những nguyên lý cho sự phát triển với 4 chính sách cơ bản là:
“1. Công tư đều lợi. Kinh tế quốc doanh là công. Nó là nền tảng và sức lãnh đạo của kinh tế dân chủ mới. Cho nên Đảng, Chính phủ và nhân dân ta phải ra sức phát triển và ủng hộ nó.
Đối với những người phá hoại nó, trộm cắp của công, khai gian lậu thuế, thì phải trừng trị. Tư là những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghệ.
Đó cũng là lực lượng cần thiết cho công cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. Cho nên Chính phủ cần giúp nó phát triển. Nhưng họ phải phục tùng sự lãnh đạo của kinh tế quốc gia, phải hợp với lợi ích của đa số nhân dân.
Tháng 6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công trường xây dựng nhà máy điện Vinh, Nghệ An.
2. Chủ thợ đều lợi. Nhà tư bản thì không khỏi bóc lột nhưng Chính phủ ngăn cấm họ bóc lột công nhân quá tay. Chính phủ phải bảo vệ quyền lợi của công nhân. Đồng thời, vì lợi ích lâu dài, anh chị em thợ cũng để cho chủ được số lợi hợp lý, không yêu cầu quá mức. Chủ và thợ đều tự giác, tự động, tăng gia sản xuất lợi cả đôi bên.
3. Công nông giúp nhau. Công nhân ra sức sản xuất nông cụ và các thứ cần dùng khác để cung cấp cho nông dân. Nông dân thì ra sức tăng gia sản xuất, để cung cấp lương thực và các thứ nguyên liệu cho công nhân. Do đó mà càng thắt chặt liên minh công nông.
4. Lưu thông trong ngoài. Ta ra sức khai thác lâm thổ sản để bán cho nước bạn và để mua những thứ ta cần dùng”.
Đây có thể coi là văn bản đầu tiên, Bác đề cập tới những nguyên lý kinh tế vào thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp để bảo vệ nền độc lập dân tộc đang tiến dần tới đỉnh điểm ác liệt. Con đường phát triển đất nước đang đòi hỏi phải sớm có một lý luận giữa lúc những quan điểm du nhập từ “nước bạn” về con đường xây dựng kinh tế đang từng bước ảnh hưởng vào đội ngũ cán bộ Việt Nam.
X&N
bee.net.vn