Tag Archive | Nhớ lời Bác dạy

Khắc ghi lời Bac dạy về đoàn kết, thống nhất trong quân đội

Sức mạ̣nh quân đội nằm trong kỷ luật và đoàn kết thống nhất.

Ngày 22 tháng 12 năm 1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân – tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Đội đã tuyên thệ Mười lời thề danh dự. Trong đó: “Xin thề: hết sức ái hộ các bạn chiến đấu, trong đội cũng như ái hộ bản thân, hết lòng giúp nhau trong lúc thường cũng như lúc ra trận”1.

Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng vũ trang được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện. Đó là quân đội của dân, do dân, vì dân, mang bản chất giai cấp công nhân, có giác ngộ chính trị sâu sắc, có tổ chức chặt chẽ và kỷ luật nghiêm minh. Đoàn kết thống nhất là một phẩm chất, đồng thời còn là một nét đặc sắc trong bản chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp của quân đội ta. Tiếp tục đọc

Advertisement

Xuân về càng thấm thía lời Bác dạy

Những khó khăn trong cuộc sống, những tác động tiêu cực ngoài xã hội những tưởng sẽ làm cho một bộ phận cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân (CAND) dao động và sa ngã. Nhưng những gì đang diễn ra theo chiều tích cực trong toàn lực lượng CAND, chúng ta có thể hoàn toàn đặt niềm tin và hy vọng. Bởi, những cán bộ, chiến sĩ CAND luôn khắc ghi những lời Bác dạy, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để không ngừng trưởng thành.

xuan

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành nhiều tâm trí và tình cảm đối với lực lượng CAND. Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập và trên cương vị Chủ tịch nước, ngoài việc ký ban hành các văn bản pháp lý làm cơ sở để xây dựng, phát triển lực lượng CAND, Người còn có nhiều bài nói, bài viết chỉ dẫn về công tác xây dựng lực lượng, về xây dựng đạo đức, tác phong của người cán bộ, chiến sĩ CAND. Tháng 3 năm 1948, trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an khu XII, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị phải xây dựng cho được đội ngũ cán bộ, chiến sĩ công an vững mạnh đáp ứng yêu cầu của công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Người chỉ rõ phương pháp rèn luyện “Tư cách người công an cách mệnh:

Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính

Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ

Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành

Đối với nhân dân, phải kính trọng lễ phép

Đối với công việc, phải tận tụy

Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.

Lời dạy của Bác ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, đã chỉ rõ nội dung xây dựng đạo đức, tác phong người cán bộ, chiến sĩ CAND. Tư tưởng xuyên suốt trong lời dạy của Người tập trung vào xây dựng con người. Khắc ghi lời dạy của Bác, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ CAND không ngừng trưởng thành, vượt qua mọi khó khăn thách thức, trung thành tuyệt đối, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Trong những năm tháng đầu tiên của một đất nước mới giành được độc lập và trong suốt chặng đường dài của các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trước những gian khổ hy sinh, khó khăn về đời sống vật chất, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ CAND luôn rèn luyện và giữ vững bản chất của người công an cách mệnh. Thực hiện lời dạy của Bác “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính”, “cần, kiệm, liêm, chính là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của thi đua ái quốc…”(1), trong 65 năm qua, hình ảnh những người công an tận tuỵ với nhiệm vụ, nhiều tấm gương của những cán bộ, chiến sĩ CAND đã hy sinh vì cuộc sống bình yên của nhân dân, vì an ninh, ổn định chính trị – xã hội đất nước đã minh chứng cho phẩm chất cách mạng trong sáng của lực lượng CAND.

Lời dạy của Người luôn là mục tiêu, là đích vươn tới của mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND. Trong cuộc đấu tranh hằng ngày, hằng giờ chống lại các loại tội phạm, loại bỏ cái ác, cái xấu, thường xuyên phải tiếp xúc với những tiêu cực, mặt trái của đời sống xã hội, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND hôm nay phải luôn vững vàng trong nhận thức và hành động. Trước những biến động của đời sống xã hội, những âm mưu, thủ đoạn của bọn tội phạm và của các thế lực thù địch, ngày hôm nay với bản lĩnh chính trị vững vàng, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ CAND tiếp tục vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và hoàn thành tốt nhiệm vụ, nỗ lực học tập, rèn luyện và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy. Trong toàn lực lượng CAND đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương cán bộ, chiến sĩ không quản ngại gian khổ, hy sinh, tận tụy công tác, liêm khiết, dũng cảm chiến đấu, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực. Đó là những bông hoa đang nở rực rỡ trong sự tin cậy và yêu mến của nhân dân. Năm 2012, toàn lực lượng CAND có trên 4.000 lượt cán bộ, chiến sĩ được biểu dương, khen ngợi. Họ là những người lính dũng cảm đương đầu với hiểm nguy, kiên quyết truy bắt tội phạm buôn bán ma tuý, buôn người; đấu tranh với các tệ nạn xã hội; ngăn chặn các hoạt động vi phạm an ninh quốc gia, bạo loạn lật đổ do các thế lực thù địch kích động. Lực lượng Cảnh sát giao thông có 1.478 lượt cán bộ, chiến sĩ được biểu dương khen thưởng vì thành tích công tác, được tập thể và quần chúng ghi nhận: Liêm khiết, không nhận hối lộ, thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao(2). Những tấm gương đó là một phần của những kết quả đã đạt được từ phong trào “CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”, là kết quả tự rèn luyện phấn đấu của những cán bộ, chiến sĩ CAND với phương châm “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính”, giữ vững bản chất của người công an cách mạng.

Nhưng bên cạnh những tấm gương tốt vẫn còn những biểu hiện tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, chiến sĩ CAND. Do thiếu tự giác rèn luyện, không vững vàng về tư tưởng chính trị, một số cán bộ, chiến sĩ đã bị cám dỗ, bị kẻ địch và tội phạm lôi kéo, đánh gục, làm xấu đi hình ảnh của người công an cách mạng trong lòng dân. Để làm trong sạch đội ngũ, xây dựng lực lượng CAND ngày càng vững mạnh theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hơn lúc nào hết cần phải tiếp tục quán triệt và đẩy mạnh phong trào học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy CAND trong toàn lực lượng, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm chỉnh 4 nhóm giải pháp trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND phải coi việc học tập và thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; phải tích cực, tự giác trong tu dưỡng, rèn luyện bản thân; thẳng thắn và trung thực trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình.

Xuân về, trong thời khắc giao hoà của đất trời, chúng ta càng thấy thấm thía về ý nghĩa và giá trị những lời dạy của Bác đối với CAND. Mỗi lần đọc lại là một lần hiểu sâu thêm về 6 lời dạy của Người, để tự soi mình, tự giác phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, để xứng đáng là người “Công an cách mệnh”.

——–

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.1996, tập 9, tr.631.

(2) Nguồn: Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, Bộ Công an.

ThS. Lê Văn HạnhVăn phòng Bộ Công an
Tạp chí Xây dựng Đảng

Huyền Trang (st)

bqllang.gov.vn

“Cuộc chiến đấu khổng lồ” sau ngày thống nhất

Hồ Chủ tịch gọi công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh là “cuộc chiến đấu khổng lồ” và “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”!

Tư tưởng đổi mới của Đảng mở đường cho những thành quả to lớn trong xây dựng, phát triển đất nước.Trong ảnh: Hai cựu chiến binh ở quận 1, TP.HCM tự hào ngắm nhìn sự phát triển của TP.HCM qua triển lãm ảnh “40 năm son sắt lời thề” tại Công trường Lam Sơn. Ảnh: HTD

“Tại sao Bác lại “trước tiên nói về Đảng”? Mỗi câu chữ trong Di chúc, Bác cân nhắc rất kỹ, vì vậy khi đặt bút viết như thế thì có nghĩa vấn đề đó là nỗi quan tâm, trăn trở lớn nhất cuối đời Hồ Chủ tịch”. PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc (ảnh), Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Lịch sử Đảng, nói trong cuộc trò chuyện về 40 năm thực hiện Di chúc Hồ Chủ tịch.

Không nên rập khuôn theo nước ngoài

* Nói về công việc tái thiết đất nước sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bác hai lần nhắc đến chữ “to lớn”, “phức tạp” và Bác gọi nó là “cuộc chiến đấu khổng lồ”. Ông bình luận gì về nội dung này trong Di chúc?

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc

– PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc: Quả thật đó là vấn đề rất lớn lao và phức tạp, được Bác nhìn thấy từ trước. Chúng ta xây dựng CNXH chưa có tiền lệ mà lại rập khuôn mô hình Xô-viết. Ta cũng có nhiều khuyết điểm như duy trì quá lâu cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, các chính sách, chỉ tiêu kinh tế đặt ra chưa phù hợp… Quan trọng là tư duy đổi mới chậm thành ra phát triển kinh tế của mình không những khó khăn mà từ năm 1979 bị lâm vào khủng hoảng (lạm phát, giá cả tăng, hàng hóa thiếu, đời sống nhân dân khó khăn…).

Thật may là Đảng ta đã sớm nhận ra và đến Đại hội VI (1986) thì định ra đường lối đổi mới. Đấy tôi muốn nói là xây dựng đất nước phải từ đường lối chứ đường lối sai là gay go. Trước đó, Bác cũng đã nói phải tổng kết kinh nghiệm của mình chứ không nên rập khuôn theo nước ngoài. Phải tìm ra quy luật riêng của cách mạng Việt Nam. Tôi cho rằng tư tưởng đổi mới đến nay đã đạt được những thành quả to lớn, là thực hiện đúng Di chúc Bác Hồ.

* Để khủng hoảng xảy ra, có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Không ít người nhìn nhận rằng một trong những yếu tố chủ quan là sau cuộc kháng chiến rất vĩ đại, chúng ta đã quá kiêu hãnh nên sinh ra tư tưởng chủ quan, duy ý chí. Ông nghĩ sao?

– Đúng. Bây giờ chúng ta kết luận là đất nước bước vào khủng hoảng từ 1979, đến năm 1996 mới bước ra khỏi khủng hoảng. Nguyên nhân: Về khách quan thì trước hết là hậu quả của 30 năm chiến tranh rất nặng nề mà lúc đầu mình chưa hình dung hết. Khi kết thúc chiến tranh, mình phấn khởi lắm, lúc đầu cứ tưởng sẽ tiến rất nhanh. Nhưng dần dần những hậu quả về kinh tế, xã hội, nhận thức, tư tưởng… mới bộc lộ hết ra. Hai là sự bao vây, cấm vận của Mỹ. Ba là các cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, phía Bắc.

Nhưng trong các loại nguyên nhân, sau này Đảng ta vẫn nhận định chủ quan là chính. Đó là trong đường lối chính sách chúng ta duy trì quá lâu cơ chế cũ không còn phù hợp. Rồi trong tư duy, nhận thức, lý luận lại mắc bệnh chủ quan, duy ý chí, nóng vội. Có cái thì nóng vội, có cái thì trì trệ. Trì trệ trong việc sửa đổi cơ chế, cách thức quản lý nhưng nóng vội trong cải tạo XHCN, muốn quốc doanh, tập thể nhanh, trái với quy luật khách quan.

Năm 1947, Bác đã dùng từ “chỉnh đốn Đảng”

* Nói về tái thiết đất nước sau chiến tranh, Người đề cập “việc trước tiên cần phải làm là chỉnh đốn lại Đảng”. Như vậy, Người coi chỉnh đốn Đảng là tiền đề để phát triển đất nước?

– Đúng thế. Đường lối của Đảng mà sai thì đất nước làm sao phát triển được. Chỉ mới một chặng mà trục trặc một chút thì đất nước đã lâm vào khủng hoảng rồi…

* Thưa, toàn văn Di chúc được công bố năm 1989 bởi Bộ Chính trị Ban Chấp hành TƯ khóa VI, lúc đó mới có đoạn nói về “chỉnh đốn Đảng” và đến năm 1992 thì từ “chỉnh đốn” mới chính thức được viết trong một văn kiện của Đảng. Phải chăng nhận thức của Đảng về vấn đề này chậm hơn so với mong muốn của Bác?

– Thực ra xây dựng Đảng là công việc thường xuyên và trước đổi mới cũng có nhiều nghị quyết về xây dựng Đảng. Từ năm 1974, Nghị quyết TƯ 23 khóa III đã nêu rất cụ thể về vấn đề này tuy không dùng từ “chỉnh đốn”.

Nhân đây tôi cũng phải nói từ ngữ một chút là khi dùng từ “xây dựng” thì người ta thấy bình thường hơn. Nhưng dùng chữ “chỉnh đốn” thì lại nghĩ rằng chắc có chuyện gì mới phải “chỉnh đốn”.

* Nhưng Bác đã dùng từ “chỉnh đốn”…

– Đúng vậy. Trước đây mình cứ ngại về câu chữ, cứ sợ người ngoài không hiểu. Thực ra từ năm 1947, trong tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc Bác dùng từ này rồi. Bác còn nói rằng chỉnh đốn sẽ làm cho Đảng đúng đắn, trong sạch, không chệch choạc…

Đến năm 1992, Đảng ta mới dùng từ “đổi mới và chỉnh đốn”. Nhưng sau này có lúc lại ngại từ “đổi mới” nên có giai đoạn lại dùng từ “xây dựng và chỉnh đốn”. Sau đó đến Đại hội X lại dùng từ “đổi mới”. Đó là cả một quá trình nhận thức.

* Và đổi mới là đúng!

– Phải đổi mới Đảng từ công tác tổ chức, cán bộ, công tác lý luận, cả cương lĩnh, đường lối.

“Chưa đạt yêu cầu”

* Nhiều người rất băn khoăn về sự thoái hóa, biến chất trong nội bộ Đảng dường như ngày càng gia tăng, các văn kiện của Đảng cũng cho thấy rằng trước đây là “một bộ phận đảng viên” đến “một bộ phận không nhỏ”, từ “thoái hóa, biến chất” đến “trầm trọng”, thậm chí là “sống còn đối với sự tồn vong của chế độ”… Phải chăng việc chỉnh đốn Đảng chưa làm được như ý nguyện của Bác Hồ?

– Như trên tôi đã nói là Đảng ta đã rất cố gắng. Nhưng nếu chỉ cố gắng theo kiểu hạ quyết tâm thôi thì chưa đủ. Và cần phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn thì mới có hiệu quả hơn.

Vậy nên vừa rồi Đảng ta mới quan tâm đến mấy vấn đề thế này: Một là về lý luận được coi trọng, đặc biệt là lý luận về con đường đi lên CNXH thế nào thì bây giờ nhận thức rõ hơn. Đấy chính là chỉnh đốn chứ nếu lý luận mà sai, mà thấp kém thì cách mạng chệch choạc ngay. Hai là chú ý đến cương lĩnh, năm 1992 đã có cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH.

Sắp tới, Đại hội XI sẽ bổ sung cương lĩnh. Thứ ba là thể chế hóa đường lối của Đảng thành pháp luật, chính sách của nhà nước pháp quyền. Đấy cũng là nội dung cầm quyền của Đảng. Thứ tư là xây dựng cơ cấu, tổ chức của Đảng, như vừa rồi Hội nghị TƯ 4, khóa X đã sắp xếp gọn lại bộ máy của Đảng. Như vậy, về khoa học tổ chức đã có bước tiến. Cạnh đó là công tác cán bộ: đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, luân chuyển… làm bài bản hơn, bước đầu dân chủ hóa công tác này. Tiếp đó là vấn đề đạo đức.

Rất cố gắng như vậy nhưng Đại hội X cũng khẳng định là “chưa đạt yêu cầu”. Tôi tin sắp tới đại hội Đảng các cấp thì mình sẽ có thêm kinh nghiệm mới, khí thế mới.

Đổi mới chính trị là xây dựng nhà nước pháp quyền

* Khi bắt đầu đổi mới, chúng ta khẳng định lấy đổi mới kinh tế làm trung tâm và trước tiên. Sau một quãng thời gian khá dài đổi mới kinh tế và thu được những thành quả nhất định, có nhiều người cho rằng kinh tế vẫn cần phải đổi mới hơn nữa và cùng với đó là đổi mới chính trị. Đã đến lúc chúng ta mạnh dạn nói đến “đổi mới chính trị” và cần phải làm như thế nào, thưa ông?

– Đổi mới kinh tế và chính trị có quan hệ mật thiết với nhau. Nếu anh chỉ nói đổi mới kinh tế mà không nói đổi mới chính trị thì không đúng. Mà xét cho đến cùng là phải đổi mới chính trị. Phải từ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước như thế nào thì nó mới ra các chính sách kinh tế được chứ. Có phải tự nhiên mà có đổi mới kinh tế đâu.

Theo tôi, đổi mới về hệ thống chính trị thì có đổi mới lãnh đạo của Đảng, đổi mới nhà nước mà hay nhất là xây dựng nhà nước pháp quyền. Vấn đề này Bác Hồ đã đề cập đến từ năm 1918 khi tìm đường cứu nước. Đến sau Cách mạng Tháng Tám, nhất là Hiến pháp 1946 thể hiện rõ tinh thần nhà nước pháp quyền…

Tôi nghĩ, thực sự đổi mới thì phải quản lý đất nước bằng pháp luật chứ không phải bằng mệnh lệnh và đạo lý.

LÊ KIÊN thực hiện
Theo Pháp Luật TP.HCM

tuoitre.vn

Bác dạy về vai trò, nhiệm vụ của thanh niên

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ luôn luôn coi trọng vai trò của thanh niên.

Trong thập kỷ thứ hai của thế kỷ 20, khi những cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân ta chống thực dân Pháp đều thất bại, những phong trào cứu nước do các sỹ phu đề xướng đã hiện rõ là những phương pháp ảo tưởng, Bác Hồ đã xuất hiện như một vì sao chói lọi đưa dân tộc ta đi vào con đường đấu tranh đúng đắn để cứu nước, cứu nhà. Khác với các sỹ phu yêu nước trước đó, Bác Hồ đã đặt vấn đề thanh niên lên một vị trí mới, xứng đáng. Bác cho rằng muốn cứu đất nước thì trước hết phải thức tỉnh dân tộc, muốn thức tỉnh được dân tộc thì trước hết phải thức tỉnh được thanh niên. Năm 1925, trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” Bác Hồ đã kêu gọi “Hỡi Đông Dương đáng thương hại người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên sớm già của người không sớm hồi sinh”. Trong xã hội ta, Bác Hồ coi “Thanh niên là một bộ phận quan trọng của Dân tộc”. Ngay từ những buổi ban đầu sơ khai của cách mạng nước ta, Bác đã rất chú trọng đến vai trò của thanh niên. Năm 1925, tại Quảng Châu, Trung Quốc, Bác thành lập tổ chức cách mạng đầu tiên – tiền thân của Đảng cộng sản Việt nam – mang tên “Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội”. Tập hợp dưới ngọn cờ “Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội” đa số là các thanh niên, mang trong lòng mình một khát khao mãnh liệt – giải phóng dân tộc. Tên gọi của tổ chức cách mạng này thể hiện một tư tưởng chiến lược của Bác: Đảng ta phải trẻ như thanh niên, khỏe như thanh niên. Khi nói về Thanh niên trong lòng Dân tộc, trong cuộc cách mạng mà chúng ta tiến hành, Bác đã dùng một cách so sánh không thể nào hay hơn được nữa “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Bất cứ nơi đâu trên trái đất này, mùa xuân cũng đẹp nhất., tràn trề sức sống nhất. Tuổi trẻ chính là giai đoạn của đời người có khả năng cống hiến cho dân tộc mạnh mẽ nhất. Khả năng của tuổi trẻ là vô địch.

Trong chiến tranh, Bác Hồ xem Thanh niên có thể “dời núi và lấp biển”, là “đại biểu cho tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại”. Trong công cuộc xây dựng đất nước Thanh niên cũng là lực lượng tiên phong đi đầu trong mọi phong trào thi đua kiến quốc. Thanh niên có khả năng tiếp thu nhanh kiến thức, “học kỹ thuật – chìa khóa để làm cho dân mạnh, nước giàu”. Bác căn dặn “Sau 80 năm trời nô lệ làm cho nước nhà yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó nước nhà trông mong ở các cháu rất nhiều.”.

Thanh niên có vai trò quan trọng không những vì khả năng cách mạng to lớn, mà còn do vị trí thế hệ đặc biệt. Thanh niên là cầu nối giữa thế hệ đi trước và thế hệ mới lớn, đảm bảo tính kế thừa, “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai – tức là các cháu nhi đồng”. Quan niệm xuyên suốt của Bác “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên.”. Tư tưởng này đã được Bác phát biểu lần đầu trong “Thư gửi các thanh niên ngày 17 – 8 – 1947”, và sau đó được Bác khẳng định thường xuyên trong các bài viết, nói chuyện với thanh niên..

Bác đánh giá cao khả năng của thanh niên, đồng thời cũng chỉ cho chúng ta thấy thanh niên có nhiệm vụ to lớn và nặng nề. Không phải tự nhiên mà thanh niên ta có thể đảm đương được vai trò quan trọng của mình, mà “Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc chuẩn bị cái tương lai đó”. Trong các thời kỳ lịch sử khác nhau của đất nước, Bác đề ra cho thanh niên những nhiệm vụ cụ thể khác nhau, nhưng có có một nhiệm vụ mà khi nào Bác cũng nhắc tới đó là “nhiệm vụ chính của thanh niên là học tập. Muốn xứng đáng vai trò người chủ thì phải học tập”. Nền giáo dục nói chung và việc học tập của thanh niên nói riêng phải đảm bảo cho thế hệ trẻ thực sự có đủ nhân cách, kiến thức để “làm người chủ đất nước”.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, hòa bình lập lại ở Miền Bắc, Người dạy chúng ta những nội dung cần học là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu đạo đức. Mục đích của việc học tập là để phụng sự cho nhân dân, cho Tổ quốc. Việc học tập cần phải tiến hành thường xuyên và ở mọi nơi, mọi lúc, “học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân”. Bác nhấn mạnh “không học ở nhân dân là một thiếu sót rất lớn”.

Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, “khi mà quyền lợi dân tộc giải phóng là cao hơn hết” thanh niên phải hành động theo tinh thần“Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.

Trong quan hệ giữa cái riêng và cái chung, giữa quyền lợi cá nhân và tập thể, giữa hưởng thụ và cống hiến…, Bác dạy “nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì? mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà”. Trong hoàn cảnh ngày nay, khi mà tư tưởng tự tư, tự lợi đang làm suy yếu nhiều lĩnh vực trong đời sống và đạo đức, thì lời dạy đó của Bác càng làm cho chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều, và cũng không phải chỉ riêng thanh niên suy nghĩ….

Để đóng góp tốt hơn cho xã hội, thì thanh niên phải hoạt động có tổ chức, có kế hoạch. Hoạt động của phong trào thanh niên cần phải to lớn, mạnh mẽ nhưng thiết thực. Những lời dạy của Bác về cách tổ chức phong trào thật sâu sắc, Bác nói “…chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được…việc gì cũng phải thiết thực…một chương trình nhỏ mà thực hiện được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được”. Bác rất coi trọng yếu tố tổ chức trong trong hoạt động của phong trào thanh niên, mà nòng cốt là tố chức Đoàn. Trong việc xây dựng tổ chức Đoàn, Bác căn dặn “cần phát triển đoàn hơn nữa, nhưng phải chọn lọc cẩn thận, trọng chất lượng hơn số lượng”. Một nhiệm vụ lớn mà Bác trao cho thanh niên là “phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai, tức là các cháu nhi đồng”. Người còn lưu ý thanh niên nội dung và phương pháp dạy các cháu nhi đồng “phải giữ gìn toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng”. Bác luôn lưu ý đến đặc điểm lứa tuổi của thế hệ trẻ khi giáo dục, không chỉ nói đến học tập, công tác mà còn dặn dò phải biết vui chơi, giải trí, đừng để cho thanh niên, nhi đồng biến thành những người “già sớm”.

Thanh niên không những phải học cái tốt trong sách vở, trong nhân dân mà còn có nhiệm vụ chống cái xấu ngay trong bản thân mình. Bác chỉ rõ những khuyết điểm mà thanh niên thường mắc phải là ham chuộng hình thức, thiếu thực tế, bệnh cá nhân, bệnh anh hùng v.v. chỉ khi nào chúng ta loại bỏ được “kẻ thù” ngay trong chính bản thân mình thì chừng đó chúng ta mới có thể trở thành con người chí công vô tư được.

Những lời dạy của Bác về vai trò, nhiệm vụ của thanh niên rất rộng lớn, từ cuộc sống, từ đạo đức, nhân cách đến tinh thần quốc tế vô sản v.v. Đó là một kho tàng vô giá vì đã được minh chứng bằng chính cuộc sống, bằng chính sự nghiệp của Người. Trong các lời dạy của Bác, chúng ta thấy  truyền thống, văn hóa của dân tộc, tinh hoa văn hóa của nhân loại. Trong các lời dạy của Người chúng ta thấy thực tiễn sinh động của cách mạng nước ta. Những lời dạy của Bác có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, đã qua bao năm tháng nhưng vẫn còn mang tính thời sự, tưởng như Bác mới nói với chúng ta hôm qua, tưởng chừng như Bác mới nói với chúng ta hôm nay! Để làm theo lời Bác dạy, cần phải nghiên cứu tỷ mỷ, công phu, nhưng quan trọng hơn hết là phải biết áp dụng và dám áp dụng vào thực tiễn..

Niềm tin của Bác vào thế hệ trẻ Việt Nam đã truyền lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Chúng ta tin tưởng “tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang” vì có “một thế hệ thanh niên hăng hái kiên cường”. Thanh niên Việt Nam đã, đang và sẽ xứng đáng đáng với lòng tin của Bác.

Huỳnh Nam Yên
Bí thư chi bộ, Phó hiệu trưởng

thptphandangluu.edu.vn

Đoàn kết là sức mạnh

Nhân ngày Quốc tế lao động 1.5.1946, Bác Hồ viết lời kêu gọi nhân dân: “Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”. Đoàn kết cũng là nội dung được Người đặc biệt quan tâm trong suốt sự nghiệp hoạt động cách mạng.

Vấn đề cốt lõi của tinh thần đoàn kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh là xây dựng một khối đoàn kết mạnh mẽ nhưng có tổ chức, cương lĩnh, nguyên tắc; có phương châm hành động đúng đắn, cụ thể và phù hợp với từng giai đoạn cách mạng. Vấn đề đó đã được đặt ra ngay từ khi có Đảng, với những tổ chức đoàn kết các thành phần lao động như: Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Phụ nữ, Thanh niên… Và ngày 18.11.1930, theo Chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng, “Hội Phản đế đồng minh Đông Dương” đã được thành lập, giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc chống lại thực dân Pháp xâm lược và bọn phong kiến tay sai bán nước.

Có thể nói rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, coi sự đoàn kết là sức mạnh vô địch chiến thắng mọi kẻ thù cho dù chúng nham hiểm đến đâu. Giải nghĩa vấn đề “Vì sao phải lấy dân làm gốc”. Người nói thật đơn giản: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Hoặc hình ảnh của sức mạnh đoàn kết được Người thể hiện rất cụ thể, sinh động: Trong một bài thơ kêu gọi đoàn kết, Người ví công việc khó khăn như “hòn đá to, hòn đá nặng”, nếu chỉ một người thì “vác chẳng đặng” nhưng có nhiều người “sẽ vác đặng”. Trong tất cả các bài viết, bài nói của Bác hầu như không có bài nào, trang nào Người không nhắc tới từ “đoàn kết”. Và chính bản thân Người, qua cách sống, làm việc, ứng xử… là tấm gương sáng ngời của tinh thần đoàn kết, khoan dung, nhân hậu, vị tha. Tư tưởng đại đoàn kết của Bác đã được Đảng ta quán triệt sâu sắc trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, đưa nhân dân ta, dân tộc ta đi đến thắng lợi…

Học tập những lời dạy về đại đoàn kết của Bác, chúng ta cùng nhau phấn đấu thực hiện lời Di huấn thiêng liêng của Người trước lúc đi xa: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

  • Tùng Quân

baobinhdinh.com.vn