Năm 1923, nhà báo Xô viết Osiv Mandelstam đã đưa ra những lời nhận xét rất xác đáng về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người còn đang là chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi Nguyễn Ái Quốc trên hành trình tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc: “Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”(1). Tiếp tục đọc
Thư viện
Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển giá trị văn hóa dân tộc và nhân loại
Bác Hồ và bản sắc văn hóa dân tộc
Nguồn văn hóa Hồ Chí Minh trong văn hóa Việt Nam và việc xây dựng văn hóa
Nét đặc sắc về văn hóa trong phong cách giao tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh và những câu chuyện ứng xử ngoại giao
(Chinhphu.vn) – Chủ tịch Hồ Chí Minh không câu nệ về “đối đẳng chức vụ”, không bị ràng buộc bởi nghi thức ngoại giao mà luôn chủ động, linh hoạt và hết sức chú trọng đến mục tiêu, hiệu quả của công tác đối ngoại. Đúng như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét: “Sự ứng xử linh hoạt của Hồ Chí Minh trong giao tiếp ngoại giao đã trở thành những câu chuyện huyền thoại”.
Dù người đối thoại là nguyên thủ quốc gia, lãnh tụ Đảng, chính khách, trí thức hay chỉ là người công nhân, nông dân bình thường, Hồ Chí Minh cũng luôn chủ động trong ứng xử. Sự chủ động đó vừa tự nhiên, bình dị, chân thành vừa ân cần tế nhị, được thể hiện hết sức sinh động và phong phú trong tư thế chủ động, với ngôn ngữ giản dị, ngắn gọn và dễ hiểu, với nụ cười luôn đem lại sự bất ngờ làm xóa nhòa mọi khoảng cách, đem lại hiệu quả cao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận hoa từ các em bé trong chuyến thăm Cộng hoà Dân chủ Đức tháng 7/1957
Ông Vũ Đình Huỳnh, nguyên là thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã nhấn mạnh tới điều này khi kể câu chuyện Bác đối phó với tướng Tiêu Văn của quân đội Tưởng Giới Thạch khi chúng âm mưu thực hiện kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” tháng 9/1945: “Bác bước nhanh vào phòng khách của Lãnh sự quán như bước vào chốn quen thuộc đã từng lui tới nhiều lần… Tiêu Văn đang ngồi, vội đứng lên đón Bác. Hình như những bước đi thoải mái, tự nhiên và nụ cười rộng mở, đầy chân tình của Bác, tất cả nói lên nhiệt tình của người chủ hiếu khách, như thể Bác chờ đợi cuộc gặp gỡ này từ lâu, đã làm cho Tiêu Văn có phản ứng bất giác đó”.
Đồng chí Song Tùng, nguyên Phó trưởng ban đối ngoại Trung ương, người được giao nhiệm vụ phiên dịch cho Bác Hồ trong những ngày Bác sang thăm nước Cộng hoà Dân chủ Đức vào tháng 7/1957, kể: Cuộc hội đàm giữa đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta với các vị đại diện nước bạn diễn ra suốt cả ngày 26/7/1957. Do thời gian cách nhau sáu tiếng, 15 giờ chiều ở Berlin thì ở Việt Nam đã 21 giờ đêm, lại phải làm việc căng thẳng nên các đồng chí trong đoàn đại biểu ta ai cũng mệt mỏi và buồn ngủ. Khi phía bạn báo cáo năng suất cao của việc nuôi một loại cá chép lai giống, Bác hỏi: “Các đồng chí có loại cá không có xương không?” “Thưa không. Ở Việt Nam có loại cá không xương hay sao?” Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Otto Grotewohl hỏi với vẻ ngạc nhiên. Bác Hồ của chúng ta nói nghiêm nghị: “Vâng, có” (các thành viên đoàn Việt Nam tỉnh ngủ). “Thưa Chủ tịch, có thể xuất khẩu loại cá ấy cho chúng tôi được không?” Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Otto đề nghị. Bác nghiêm trang trả lời: “Chúng tôi sẵn sàng. Loại cá này ở quê hương đồng chí Song Tùng” rồi Bác kể về câu chuyện “con cá gỗ” của người xứ Nghệ. Các đại biểu được một trận cười thoải mái. Mọi người tỉnh táo hẳn.
Trong cuộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì nền độc lập của đất nước, tự do của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao tiếp với nhiều đối thủ. Với các đối tượng này, Người đã ứng xử bằng phong cách của một nhà hoạt động chính trị lão luyện, một nhà ngoại giao từng trải để giành thắng lợi. Nhiều người thường nhắc tới câu chuyện về cách ứng xử của Bác trong lần tới thăm Bộ trưởng Bộ nước Pháp Hải ngoại Marius Moutet năm 1946. Ông ta đi từ trên thang gác xuống đón Bác, Bác đi lên. Moutet giơ tay ra bắt tay, nhưng Bác lại bế bé gái đi cùng ông ta lên đã, âu yếm cháu trong khi vẫn bước lên. Chỉ khi ở bậc thang ngang với Moutet, Bác mới đưa tay ra. Nếu Bác giơ tay đáp lại ngay thì trong tấm ảnh của các nhà báo chụp phút đó Bác sẽ ở vị thế dưới Moutet, là điều mang ý nghĩa tượng trưng không hay cho ta.
Chính vì tinh tế nên Chủ tịch Hồ Chí Minh rất am hiểu các đối tượng giao tiếp và rất uyển chuyển trong cách giao tiếp: Nếu cần làm thơ thì Người sẽ làm thơ, cần viết văn thì Người sẽ viết văn hoặc vận dụng những áng văn thơ điển hình của dân tộc và nhân loại phù hợp với từng hoàn cảnh giao tiếp. Khi đón Tổng thống Guinea Sekou Toure đến thăm Việt Nam tháng 9/1960, Người mượn ý lẩy Kiều để thể hiện tình cảm:
Bây giờ mới gặp nhau đây
Mà lòng đã chắc những ngày thanh niên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông
Sáng ngày 10/5/1963, tại sân bay Gia Lâm, khi đón Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Lưu Thiếu Kỳ và Phó Thủ tướng Trần Nghị sang thăm Việt Nam, Bác cũng đọc thơ và câu thơ khi đó nay đã trở thành câu nói tượng trưng cho quan hệ hai nước: “Mối tình thắm thiết Việt-Hoa, vừa là đồng chí vừa là anh em”.
Tháng 12/1961, đoàn đại biểu quân sự Trung Quốc do Nguyên soái Diệp Kiếm Anh dẫn đầu sang thăm hữu nghị chính thức nước ta. Trong kế hoạch đón tiếp có nội dung đoàn sẽ đến chào Bác ngay sau khi đến Hà Nội. Khi xem kế hoạch, Bác nói: “Hồi trước, khi Bác đi từ Diên An về phương Nam, đồng chí Diệp Kiếm Anh đã từng là đội trưởng và Bác là Bí thư chi bộ. Nay đồng chí ấy đến Việt Nam mà Bác lại đợi đồng chí ấy đến chào chính thức là không thân tình”. Do đó, Bác quyết định là Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ ra đón đoàn tại sân bay, khi về tới Bắc Bộ phủ đã có Bác. Bác sẽ dự bữa cơm thân mật với đoàn nhưng không công bố trên báo, vì như vậy không tiện về mặt lễ tân. Bởi vì lúc đó, Bác là Chủ tịch nước, còn đồng chí Diệp Kiếm Anh chỉ là một trong 10 nguyên soái của Trung Quốc, chưa phải là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhưng là chỗ thân tình từ trước nên Bác sẽ có mặt ở Bắc Bộ phủ. Đó là một cách xử trí rất tinh tế của Bác về mặt ngoại giao, lại có lý có tình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà báo Wilfred Burchett
Trên cương vị Chủ tịch nước bận trăm công nghìn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nghe đài, đọc báo của nước ngoài để nắm vững tình hình, cùng Bộ tham mưu của mình vạch chính sách đối nội, đối ngoại đúng đắn và sáng suốt. Với các nhà báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn là một người bạn lớn. Những nhà báo quốc tế khi đến Việt Nam đều mong muốn được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng những lời lẽ có lý có tình, thông qua báo chí, những thiện chí của Người và nhân dân Việt Nam đã đến được với nhân dân yêu chuộng hòa bình và tín nghĩa trên thế giới, qua đó họ hiểu và đứng lên đấu tranh ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang tiến hành.
Trong chiến khu Việt Bắc, trước ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà báo Australia Wilfred Burchett đã gặp Bác Hồ. Ông viết: “Con người mảnh khảnh với chòm râu dài từ trong cánh rừng bước ra, gậy cầm tay, áo vắt vai, không phải ai khác mà chính là Cụ Hồ Chí Minh truyền thuyết. Được người Pháp đưa tin đã chết đến vài chục lần. Cụ vẫn ở đó tay dang rộng, mảnh dẻ, nhưng không thể nào nhầm được. Không thể nào quên được buổi gặp gỡ đầu tiên đó, với vẻ ấm cúng và thông minh trong đôi mắt nâu thẫm của Người. Đầu tiên, Cụ Hồ Chí Minh ân cần hỏi thăm về sức khoẻ của tôi”.
Phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh thể hiện tầm vóc, trí tuệ lớn lao và tình cảm sâu sắc của Người trong những mối quan hệ hết sức đa dạng, phong phú đối với mọi lớp người ở các cương vị và thuộc các dân tộc khác nhau.
ThS. Vũ Kim Yến
Tin bài liên quan:
Ngôi nhà đơn sơ của một tâm hồn vĩ đại
Nguồn: baodientu.chinhphu.vn
Vkyno (st)
Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền văn hóa Việt Nam những ngày đầu cách mạng
Văn hóa luôn là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm. Kế tục sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới và quá độ tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng, Nhà nước và Chính phủ phát động toàn dân xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhân dịp đầu xuân 2011, chúng tôi xin giới thiệu bài tường thuật buổi làm việc của Hồ Chủ tịch về văn hóa với đại biểu đoàn văn hóa lâm thời Bắc Bộ đã được đăng trên Tạp chí Tri Tân số 205, tháng 9/1945, trang 4-5.
Tri Tân là tạp chí có khuynh hướng dân tộc, yêu nước chuyên về khảo cứu, số 1 ra ngày 3/6/1941, trụ sở 349 Phố Huế – Hà Nội, do cụ Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng làm chủ nhiệm. Đều đặn ra hằng tuần, Tri Tân đã thu hút được đông đảo các cây bút có uy tín thời đó như Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố (sau là Chủ tịch Quốc hội đầu tiên), Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, Chu Thiên Hoàng Minh Giám (nhà văn, tác giả Bóng nước Hồ Gươm), Biệt Lam Trần Huy Bá, Đặng Thai Mai (nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Giải thưởng Hồ Chí Minh 1996), Vệ Thạch Đào Duy Anh (Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000), Kiều Thanh Quế… đến các cây bút trẻ mới xuất hiện nhưng sớm gây được tiếng vang như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi…
5h chiều 7/9/1945, ban quản trị lâm thời đoàn văn hóa Bắc Bộ đang họp tại nhà văn hóa (hội Khai trí Tiến đức cũ) thì có tin điện thoại của Bộ Ngoại giao cho biết rằng Cụ Hồ Chí Minh – Chủ tịch Chính phủ lâm thời muốn hội đàm với đại biểu đoàn văn hóa khoảng 19h.
Ba anh Trương Tửu, Thượng Sỹ, Nguyễn Đức Quỳnh do anh Nguyễn Hữu Đang hướng dẫn, lên Bắc Bộ phủ để yết kiến Cụ Hồ Chủ tịch.
Biết tiếng Cụ đã lâu, lần đầu được gặp Cụ trong bộ y phục quá giản dị, chúng tôi không giấu nổi sự cảm động. Nét mặt gân guốc, đôi mắt quắc thước, điệu bộ hồn nhiên bộc lộ một tinh thần tranh đấu cương quyết và một tâm hồn nhân đạo, chân thành.
Hồ Chủ tịch với Luật sư Vũ Trọng Khánh – Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Giáo sư Đặng Thai Mai, ông Nguyễn Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại thoái vị), ông Vũ Đình Huỳnh (người đeo kính đen đứng sau ông Vĩnh Thụy) – Bí thư của Hồ Chủ tịch, ông Ngô Quang Châu, ông Trần Huy Liệu – Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền, ông Lưu Văn Lợi, ông Nguyễn Đình Thi (từ trái sang phải).
Sau mấy lời giới thiệu của anh Nguyễn Hữu Đang, anh Trương Tửu nhân danh Chủ tịch Ủy ban Văn hóa lâm thời Bắc Bộ Việt Nam, chào mừng Cụ Hồ, tán thành cuộc cách mạng dân chủ vừa đắc thắng và đặt lòng tín nhiệm vào tài năng sáng suốt của Cụ trong công việc lãnh đạo dân tộc đường giải phóng.
Lời nói thủng thẳng và rành rọt, Cụ Hồ cảm ơn anh em trong giới văn hóa:
– Theo ý riêng của tôi, lời Cụ Hồ nói, trong sự giải phóng dân tộc và kiến thiết một nước Việt Nam mới, nhiệm vụ của các ngài trong giới văn hóa cũng rất là nặng nề quan trọng. Dân tộc chúng ta đã bước sang một giai đoạn mới tất nhiên phải có một chính thể mới và một văn hóa mới. Khi chúng ta còn bị nô lệ thì văn hóa của chúng ta cũng mang nặng những dấu tích nô lệ. Bây giờ độc lập, văn hóa cũng phải có những dấu tích độc lập. Phải độc lập trước đã rồi văn hóa mới phát triển được. Dân tộc còn bị áp chế, hàng triệu đồng bào chúng ta vẫn còn chết đói đầy đường thì các ngài có thể ngồi trong tháp ngà mà sáng tác được không? Tôi mong rằng các ngài trong giới văn hóa nhận thấy rõ nhiệm vụ của các ngài trong lúc này là: Củng cố nền độc lập của Việt Nam, sửa soạn cho đất nước một văn hóa mới và phải làm thế nào cho văn hóa Việt Nam sẽ chiếm được một địa vị trong nền văn hóa thế giới.
– Thưa Cụ, lời anh Trương Tửu đáp lại, toàn thể anh em trong giới văn hóa chúng tôi, bao lâu nay, vẫn sống trong sự áp bức ngột ngạt của chính sách thực dân. Tuy vậy dù cường quyền áp bức đến bực nào, anh em chúng tôi cũng vẫn cố gắng vươn đến một ánh sáng, vươn đến độc lập và tự do. Ngày nay sự giải phóng của dân tộc đã thực hiện một phần rất lớn. Các ánh sáng tự do cần thiết cho sự phát triển của văn hóa mà chúng tôi hằng khao khát đã nhờ sự giải phóng ấy mà bắt đầu tưng bừng, cho nên đối với chúng tôi, tranh đấu cho nền độc lập của nước nhà trong lúc này cũng tức là tranh đấu cho sự giải phóng của nền văn hóa Việt Nam.
Cụ Hồ Chủ tịch gật đầu tỏ ý bằng lòng:
– Bổn phận của các ngài là lãnh đạo tư tưởng của quốc dân, tranh đấu cho nền độc lập và kiến thiết một nền văn hóa mới. Cái văn hóa mới này cần phải có tính cách khoa học, tính cách đại chúng thì mới thuận với trào lưu tiến hóa của tư tưởng hiện đại.
Cụ nói tới đây thì anh Nguyễn Đức Quỳnh xin phép Cụ trình bày một vài ý kiến:
– Thưa Cụ, lời anh Quỳnh nói, Cụ đã nói đến tính cách khoa học của văn hóa mới, chúng tôi xin đề cập đến sự hợp tác của các nhà kỹ thuật, chuyên môn trong công việc kiến thiết quốc gia. Theo chỗ chúng tôi nhận xét, ít lâu nay thì các nhà kỹ thuật chuyên môn trong công việc kiến thiết quốc gia hình như vẫn còn chút ít ngần ngại khi muốn hợp tác với Chính phủ để thi thố tài năng của mình. Họ là những người sống bằng kỹ nghệ và chỉ muốn làm việc cho kỹ thuật. Họ muốn được quyền đứng ngoài những xu hướng chính trị của đảng phái để phụng sự Tổ quốc.
Mắt Cụ Hồ sáng hẳn lên. Cụ với tay cầm quản bút ghi trên một tờ giấy để trước mặt Cụ (chúng tôi thấy Cụ ghi bằng chữ Hán), Cụ đặt quản bút xuống chậm rãi nói:
– Tôi nhờ ngài thanh minh với tất cả những anh em trong giới kỹ thuật chuyên môn rằng: Nước Việt Nam không phải của Việt Minh. Nước Việt Nam là của quốc dân Việt Nam. Chính phủ lâm thời hiện thời này không phải là Việt Minh là của toàn thể quốc dân.
Cụ dừng lại giơ tay phải lên như muốn xua đuổi một điều ngộ nhận của nhiều người đối với Chính phủ, và nói tiếp:
– Đấy ngài xem… Trong Chính phủ lâm thời có cả vua, quan lại cũng có, địa chủ cũng có, nông dân cũng có, công nhân cũng có. Đây là một Chính phủ Liên hiệp quốc gia, không có màu sắc quốc gia nào lấn át cả. Lúc này bất cứ người nào miễn là có tài và đừng phản cách mạng thì có thể phụng sự được quốc gia, toàn quốc. Trong lúc chung quanh mình bao nhiêu người đói khát, mình có thừa thóc gạo, phải đem mà giúp ích cho đồng bào. Nếu có thể mà lúc này không đem tài năng ra phụng sự quốc dân thì không những quốc dân có quyền chê trách mà ngay đến chính anh có tài đó cũng phải chê trách. Chừng như có một ý kiến gì mạnh mẽ mới nảy ra trong óc Cụ, mắt Cụ bỗng trở nên hân hoan và nghiêm trọng. Đôi mắt Cụ như lắng sâu vào trào lưu tiến hóa của lịch sử. Và Cụ hỏi:
– Thật chưa bao giờ dân nước chúng ta có một sự đoàn kết rộng đến thế. Bổn phận chúng ta ngày nay – bổn phận của các ngài là làm sao cho sự đoàn kết rộng ra, càng ngày càng sâu xuống, phải củng cố sự đoàn kết ấy cho nó bắt rễ xuống, cho nó bền chặt mãi.
Cụ dừng lại, cảm động, gian phòng im lặng.
Sợ mất thêm nhiều thì giờ của Cụ, anh Trương Tửu liền tường trình đại cương công việc của đoàn văn hóa Bắc Bộ Việt Nam đang tiến hành:
1. Tổ chức cuộc trưng bày văn hóa.
2. Dự thảo một chương trình của tuần lễ văn hóa.
3. Vận động đại hội nghị toàn quốc văn hóa.
Nghe nói tiếng “toàn quốc”, Cụ Hồ gật đầu:
Đại hội nghị toàn quốc văn hóa… phải, phải làm thế mới được. Từ trước đến giờ, chính sách thực dân Pháp đã chia rẽ chúng ta nhiều lắm rồi. Tôi mong rằng các ngài cố gắng làm được như thế, tổ chức mau chóng cuộc đại hội nghị văn hóa toàn quốc, gây được mối liên lạc mật thiết của quốc dân và văn hóa. Chính phủ sẽ giúp đỡ các ngài những phương tiện để thực hành công việc đó.
Công việc đã kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Ông Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ mở cửa phòng bước vào, rút đồng hồ ở túi ra ghé tai Cụ Hồ báo cáo việc gì đó… Chúng tôi đoán rằng Cụ sắp phải tiếp đoàn đại biểu của giới khác, vội đứng dậy. Anh Trương Tửu thay mặt anh em trong đoàn văn hóa cảm ơn Cụ một lần nữa. Cụ cũng đứng dậy, nhờ chúng tôi chuyển lời chào của Cụ đến tất cả anh em trong đoàn văn hóa, và ngỏ ý mong anh em đoàn kết chặt chẽ với quốc dân để cùng tranh đấu cho sự giải phóng dân tộc.
Sau khi bắt tay Cụ Hồ Chủ tịch, chúng tôi lui về, trong lòng chan chứa cảm tình thành thực và tín nhiệm đối với Cụ Chủ tịch Chính phủ lâm thời.
Đến ngày 24/11/1946, Đại hội nghị văn hóa toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội với sự góp mặt của các đại biểu từ Bắc chí Nam. Đại hội dự kiến họp trong 7 ngày nhưng vì thực dân Pháp ngày càng lộ bộ mặt gây hấn, ngày kháng chiến toàn quốc đã gần kíp, Đại hội chỉ họp trong 1 ngày. Báo Cứu quốc thời đó đưa tin, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự và phát biểu ý kiến trong vòng 40 phút. Nhưng hiện nay, theo nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy bài phát biểu đó của Người
Kiều Mai Sơn
cand.com.vn
Một danh nhân văn hoá có tầm nhân loại
Đã có nhiều cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng tác phẩm “Hồ Chí Minh – danh nhân văn hóa” của Đào Phan (NXB Văn hóa Thông tin, 2005) có vị trí khá đặc biệt, trước hết vì “xuất xứ” của nó. Chính đồng Vũ Kỳ, thư ký riêng của Hồ Chủ tịch, đã tin cậy chọn Đào Phan là người viết công trình “Hồ Chí Minh – Danh nhân văn hóa” để kịp công bố vào dịp UNESCO tổ chức Hội thảo về “Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh” tại Hà Nội. (Theo hồi ký của Phan Bội Hoàn, người bạn đời của Đào Phan).
Có lẽ cũng nên giới thiệu đôi dòng về tác giả cuốn sách. Đào Phan tên thật là Đào Duy Dếnh, sinh ngày 10/7/1920, quê quán Khúc Thuỷ, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Anh ruột của ông là học giả Đào Duy Anh, tham gia Đảng Tân Việt – tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam – đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; chị Đào Thị Quyền, là cơ sở của cách mạng, các đồng chí Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng Bí thư, Trần Đình Tri nguyên Thường trực Quốc Hội… từng được gia đình chị che chở; anh Đào Duy Kỳ vào Đảng Cộng sản từ năm 1936, từng làm việc trực tiếp với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh…, có lúc là Quyền Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ, từng bị tù ở Hoả Lò, Sơn La, Côn Đảo, sau làm Trưởng ban Huấn học Trung ương…; cô em út Đào Thị Đính hoạt động bí mật cùng đồng chí Tố Hữu, từng ngồi tù 5 năm tại Huế, sau 1945 là Thành uỷ viên Huế, rồi Trưởng ban Tổ chức TW Hội Phụ nữ Việt Nam… Từ trước Cách mạng Tháng Tám, lúc 16 tuổi, ông đã tham gia chống Pháp trong phong trào thanh niên, học sinh ở Huế; năm 1937 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam; năm 1941 là Bí thư Hà Nội, từng bị thực dân Pháp bắt và lưu đày tại nhiều nhà tù ở Thừa Thiên, Phan Rang, Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, thoát khỏi ngục tù đế quốc, ông được đồng chí Nguyễn Chí Thanh cử làm Đội trưởng Đội Tuyên truyền xung phong Việt Minh Trung Bộ, tập hợp những thanh niên trí thức đi đến tận những vùng rừng núi, những thôn xóm xa xôi hẻo lánh diễn thuyết, diễn văn nghệ tuyên truyền cho chính phủ Cụ Hồ…Từng viết báo “Suối Reo” – tờ báo của các chiến sĩ cộng sản trong nhà tù Sơn La, năm 1947, ông được Trung ương điều ra phụ trách Nhà xuất bản và báo “Quân du kích” – tiền thân của NXB và báo “Quân đội nhân dân” hôm nay…
Năm 2005, cùng một lúc, cả 3 công trình nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh của ông được xuất bản nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Người. (Ngoài tác phẩm kể trên, là 2 cuốn “Hồ Chí Minh – một nhân cách lớn” – NXB Văn hóa thông tin, 510 trang và “Đạo Khổng trong văn Bác Hồ”, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 375 trang).
Về tác phẩm “Hồ Chí Minh – danh nhân văn hóa” đồng Vũ Kỳ đã trân trọng viết Lời giới thiệu như sau:
“…Cuốn “Hồ Chí Minh – Danh nhân văn hóa” đã được viết bằng công phu nghiên cứu của tác giả trong hai chục năm qua…Là một người phục vụ Bác Hồ lâu năm, tôi càng sung sướng khi thấy cuốn sách đã nêu được những đường nét sống động và chân thật của Người…”
Nhận xét nêu trên đã nói lên phần nào giá trị của công trình. Cuốn sách gồm có 5 chương: Hồi tưởng về một dự báo; Nền văn hoá mới; Triết nhân và nghệ sĩ; Chiến lược con người – nhà giáo dục; Truyền thống và hiện đại. Qua 5 chương sách, với hàng trăm dẫn chứng cụ thể và sinh động – trong đó có ý kiến của nhiều trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng thế giới nhận xét, ca ngợi những phẩm cách đặc biệt về nhiều phương diện của Hồ Chí Minh, từ khi Người còn là chàng trai Nguyễn Ái Quốc đi tìm đường cứu nước đến lúc trở thành vị lãnh tụ tối cao của dân tộc – tác giả đã chứng minh một cách thuyết phục Hồ Chí Minh thật sự là một danh nhân văn hoá có tầm nhân loại. Đạt được điều đó, trước hết là nhờ công phu sưu tầm tài liệu của tác giả, nhưng quan trọng hơn là nhờ tác giả có cách nhìn mới mẻ và đúng đắn, xứng tầm với vĩ nhân, vượt qua được cách nghĩ hạn hẹp, công thức khi nêu gương một nhà cách mạng. Chỉ cần đọc mấy trang đầu, khi tác giả dẫn bài viết của nhà thơ Liên Xô Ô-xíp Man-đen-xtam sau khi gặp Người năm 1923 đủ rõ: “…Cả diện mạo của Nguyễn Ái Quốc toát lên sự lịch thiệp và sự tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc toả ra một nền văn hoá, không như văn hoá châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hoá tương lai…Qua cử chỉ cao thượng và tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy được ngày mai, thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương…”. Tác giả Đào Phan đã nhấn mạnh: Quả rất đáng ngẫm nghĩ khi nhà thơ nước Nga vốn chủ định tới thăm một “Chiến sĩ quốc tế” nhưng“vừa gặp gỡ đã nhận diện được ngay một con người Việt Nam, ở sự giản dị và thanh lịch, chuộng nếp điều độ và ghét thói thái quá…những nét truyền thống văn hoá lâu đời của một diện mạo dân tộc…”
Và gần 10 năm sau, trước sự kiện vị luật sư và bà vợ Tổng đốc nước Anh tư bản ở Hương cảng (Hồng Công) cùng góp sức cứu “Ông Nguyễn”, tác giả đã viết: “…Trong những trường hợp như thế không ai nhìn nhận con người qua những dáng dấp giai cấp. Lòng tin của nhà cách mạng quốc tế đối với một vị luật sư Hoàng gia, và ngược lại, lòng tin của vị luật sư Hoàng gia đối với nhà cách mạng quốc tế, phải chăng đều đã bắt nguồn từ “nhân tính” hoặc “nhân tình”?… Nếu không do những tín hiệu nào đó của nền văn hoá toả ra từ một con người mắc cạn, thì điều gì đã thuyết phục cả người phụ nữ sang trọng ấy có thể dùng ngay chiếc ca-nô của chồng mình để bí mật đưa nhà cách mạng Việt Nam đi thoát khỏi vòng vây của mật thám Đông Dương…”
Một điểm đáng chú ý nữa của tác phẩm là tác giả đã phân tích những giá trị văn hoá, truyền thống tốt đẹp của dân tộc từ Nguyễn Trãi, đến Phan Bội Châu…, cũng như những giá trị văn hoá của nhân loại đã thể hiện trong danh nhân văn hoá Hồ Chí Minh như thế nào; nói cách khác, chính nhờ Người biết tiếp thu và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc và biết thu nhận, kết hợp những tinh hoa văn hoá của nhân loại, chứ không độc tôn thờ một “Ông Thánh” nào, nên mới trở thành “danh nhân văn hoá Hồ Chí Minh”.
Tác giả cũng đã nêu bật được nét đặc sắc của “văn hoá” Hồ Chí Minh là nói đi đôi với làm; bằng những hoạt động và cách cư xử hàng ngày, Người đã nêu một tấm gương cụ thể và sinh động. Chỉ xin dẫn một ví dụ: Nhân Quốc khánh 2/9/1955, một thương binh từ miền Nam ra, được mời dự chiêu đãi tại Phủ Chủ tịch. Tên thật của anh là Nguyễn Trản, bị cụt mất hai tay khi phụ trách một xưởng quân giới rất thô sơ tại Nam Bộ thời chống Pháp, nên còn có bí danh là Vương Nhị Chi. Trong lúc chờ đợi, anh hỏi thăm lối đi tới nhà vệ sinh. Với hai cánh tay cụt, anh đang loay hoay chưa biết tính sao thì bỗng nghe tiếng hỏi nhẹ nhàng sau lưng: “Chú làm sao cởi khuy?…” Anh còn lúng túng chưa biết trả lời ra sao thì một ông già bước tới cởi khuy giúp anh rồi đứng tránh sang một bên, chờ anh tiểu tiện xong rồi lại lặng lẽ đến cài khuy giúp. Ông già ấy là vị Chủ tịch Nước. Thì ra đúng lúc anh hỏi thăm lối vào nhà vệ sinh đã tình cờ gặp Người. Sau khi dẫn anh trở lại phòng lễ tân, Hồ Chủ tịch liền nghiêm khắc quở trách mấy cán bộ hồi nãy “chỉ trỏ” bàn tán khi anh đi vào nhà vệ sinh: “Người ta mất cả hai cánh tay, mà không ai đi theo giúp đỡ…”
Không chỉ nêu gương, Người đã tổ chức, phát động mọi người cùng làm theo, tạo nên diện mạo một nền “văn hoá mới” của đất nước. Vì thế, tuy Người “đi xa” đã mấy chục năm qua, những giá trị văn hoá Người để lại không chỉ hiện diện trên những trang sách của Đào Phan mà còn toả sáng trên mỗi bước đường cách mạng của dân tộc, của đất nước Việt Nam đang không ngừng đổi mới, “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Người đã từng mong đợi.
Nguyễn Khắc Phê
cpv.org.vn
Vãn – Chiều hôm
Vãn xan ngật liễu, nhật tây trầm,
Xứ xứ sơn ca dữ nhạc âm;
U ám Tĩnh Tây cấm bế thất,
Hốt thành mỹ thuật tiểu hàn lâm
CHIỀU HÔM
Cơm chiều xong, mặt trời lặn về tây,
Khắp nơi, rộn tiếng ca dân dã và tiếng nhạc;
Nhà ngục u ám huyện Tĩnh Tây,
Bỗng thành một viện hàn lâm nghệ thuật nhỏ.
————————-
Cơm xong, bóng đã xuống trầm trầm,
Vang tiếng đàn ca, rộn tiếng ngâm;
Nhà ngục Tĩnh Tây mờ mịt tối,
Bỗng thành nhạc quán viện hàn lâm.
NAM TRÂN dịch
cpv.org.vn
Tảo tình – Nắng sớm
Triêu dương xuyên quá lung toàn bộ,
Thiêu tận u yên dữ ám mai;
Sinh khí đốn thì sung vũ trụ,
Phạm nhân cá cá tiếu nhan khai.
NẮNG SỚM
Nắng sớm xuyên suốt nhà lao,
Thiêu đốt sạch những làn khói mù u ám
còn sót lại;
Sinh khí bỗng chốc tràn đầy vũ trụ,
Tù phạm ai nấy vẻ mặt tươi cười.
————————
Nắng sớm xuyên qua nơi ngục thất,
Đốt tan khói đặc với sương dày;
Đất trời phút chốc tràn sinh khí,
Tù phạm cười tươi nở mặt mày.
HUỆ CHI dịch
cpv.org.vn
Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch – Bốn tháng sang Pháp (XXXIX)
Cụ Chủ tịch đi thǎm ông Moutet và tướng Pellet –
Báo “Nhân loại” thường đǎng bài ủng hộ ta – ký giả báo ấy đến thǎm cụ Chủ Tịch.
10 giờ rưỡi, Cụ Chủ tịch đi thǎm ông Bộ trưởng Moutet và gặp Trung tướng Pellet.
Tướng Pellet ngày trước có ở bên ta, nay làm việc ở phái bộ Hải ngoại, rất đồng tình với ta. Ông có một người con gái viết báo giỏi, thường đǎng những bài ủng hộ Việt Nam độc lập.
1 giờ trưa, ông Coutade đến thǎm Cụ Chủ tịch. Ông là ký giả của báo “Nhân loại”. Nǎm nay ông chừng 30 tuổi, rất thạo về tình hình chính trị thế giới. Vǎn chương của ông hoạt bát và sâu sắc. Ông cũng thường viết bài ủng hộ cuộc độc lập của nước ta.
4 giờ, ông Bộ trưởng Moutet mời Cụ đến nói chuyện.
5 giờ, ông nghị Lussy đến thǎm cụ.
Đ.H
Thư gửi cán bộ và chiến sĩ nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1958)
Nhân dịp kỷ niệm thành lập quân đội, tôi thay mặt Đảng và Chính phủ thân ái gửi lời hỏi thǎm toàn thể cán bộ và chiến sĩ, các đồng chí công nhân và nhân viên quốc phòng, khen ngợi những thành tích to lớn của quân đội ta trong học tập, công tác, cũng như trong lao động sản xuất.
Hiện nay, miền Bắc chúng ta đang tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế và vǎn hoá. Trong lúc đó thì ở miền Nam, đế quốc Mỹ và bọn tay sai vẫn tǎng cường binh bị, âm mưu gây chiến, chia cắt đất nước, áp bức nhân dân.
Chúng ta phải ra sức xây dựng quân đội ta thành một quân đội nhân dân hùng mạnh, một quân đội cách mạng tiến lên chính quy và hiện đại, để giữ gìn hoà bình, bảo vệ Tổ quốc.
Toàn thể cán bộ và chiến sĩ ta phải giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của quân đội nhân dân, nâng cao chí khí chiến đấu và cảnh giác cách mạng, ra sức học tập quân sự và chính trị, tǎng cường đoàn kết giữa cán bộ và chiến sĩ, giữa quân đội và nhân dân, tích cực tham gia lao động sản xuất, giúp đỡ nhân dân trong mọi công tác. Phải trau dồi đạo đức cách mạng, tiết kiệm, cần cù, khiêm tốn, giản dị.
Hiện nay phong trào thi đua “tiến nhanh vượt mức kế hoạch” trong quân đội đang phát triển tốt. Chúng ta cần nâng cao hơn nữa tinh thần yêu nước, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, luôn luôn cố gắng tiến lên.
Tôi chúc tất cả các đồng chí mạnh khoẻ, phấn khởi, đoàn kết, tiến bộ.
Chào thân ái
Ngày 22 tháng 12 nǎm 1958
HỒ CHÍ MINH
—————————-
Báo Nhân dân, số 1744, ngày 22-12-1958.
cpv.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.