“Tân binh” làm nên kỳ tích

QĐND-Trước Chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, hai Trung đoàn Tên lửa 261, 257 (Sư đoàn 361) làm nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội đều chưa một lần đối mặt với B-52, nhưng khi chiến dịch này diễn ra, các kíp chiến đấu của họ – những người từng bị coi là “tân binh” của lực lượng phòng không Thủ đô – đã làm nên kỳ tích bắn rơi hơn 20 “siêu pháo đài bay”…

Đại tá Hoàng Bảo, nguyên Trưởng ban Tác huấn Sư đoàn 361 kể: “Trước khi diễn ra Chiến dịch 12 ngày đêm, hai Trung đoàn 261 và 257 đều ở Hà Nội và chưa hề “chạm trán” B-52. Nhưng, sau rất nhiều cuộc tập huấn, thục luyện, sư đoàn đã có những kíp chiến đấu giỏi với những trắc thủ điêu luyện như: Luyến-Ấp-Đức-Hiền; Thuận-Tứ-Linh-Độ; Kiên-Lịch-Thi-Đài…”.

Đêm 18-12-1972, Tiểu đoàn 78 của Trung đoàn 257 phóng quả tên lửa đầu tiên vào đội hình B-52 địch. Máy bay không rơi, nhưng đó là một sự mở đầu nhiều ý nghĩa. Đêm ấy, các trắc thủ đã phát sóng để bắt mục tiêu. Phát sóng, nghĩa là họ sẵn sàng đối mặt với tên lửa sơ-rai lao vào trận địa từ máy bay địch, và các anh đã phát hiện ra dải nhiễu “na ná” hình dải nhiễu mà các đồng đội ở chiến trường Khu 4 gửi ra. Vậy là điểm yếu của “siêu pháo đài bay” đã bộc lộ.

Đại tá Hoàng Bảo (ngoài cùng, bên phải) và các đồng đội Sư đoàn 361. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Đại tá Nguyễn Đình Kiên, nguyên sĩ quan điều khiển Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 261 – kể lại thời điểm kíp chiến đấu của Tiểu đoàn đã lập nên kỳ tích từ những “quả đạn cuối”. Đó là khi phương án tiết kiệm đạn được đặt ra, các thành viên kíp chiến đấu tự nhận thấy: Nếu trắc thủ thao tác tốt, chọn thời cơ phóng thích hợp thì có thể giảm số lượng đạn trong loạt bắn xuống từ 1 đến 2 quả mà vẫn tiêu diệt được mục tiêu. “Tiểu đoàn tôi lúc đó có rất nhiều cán bộ kỹ thuật được đào tạo cơ bản ở các trường đại học và trung cấp kỹ thuật, họ có trình độ và kiến thức khá vững. Trong hơn 3 năm sát cánh, chúng tôi đã hiểu rõ năng lực của nhau nên công tác phối hợp chiến đấu của tiểu đoàn thường tiến hành thuận lợi”.

Được bổ nhiệm là Đại đội phó Đại đội 1 từ tháng 7-1972, nhưng do yêu cầu chiến đấu nên Chuẩn úy Nguyễn Đình Kiên vẫn được cấp trên giao nhiệm vụ sẵn sàng thay thế vị trí sĩ quan điều khiển kíp 1. Cấp trên hiểu rất rõ năng lực của Kiên, một người lính từng gác bút nghiên lên đường nhập ngũ từ giảng đường của Trường Đại học Nông nghiệp 1 và đã có 5 năm đảm nhiệm vị trí sĩ quan điều khiển. “Lần đầu tiên tôi nhìn thấy đồng đội mình đổ máu, đó là buổi trưa ngày 4-9-1972 khi trận địa của tiểu đoàn bị dính tên lửa sơ-rai của địch làm gần chục người có mặt trên xe điều khiển bị thương, riêng Nguyễn Văn Nhận bị thương nặng và hy sinh”, Đại tá Nguyễn Đình Kiên nhớ lại.

Sau sự cố thương vong ngày 4-9-1972, Hạ sĩ, Trắc thủ góc tà Ngô Ngọc Lịch mới tròn 20 tuổi được lựa chọn đưa từ kíp 2 lên kíp 1, anh đã tiếp thu kinh nghiệm của lớp đàn anh và nhanh chóng trưởng thành. Trắc thủ cự ly Mè Văn Thi là một người ít nói nhưng cẩn thận, tỉ mỉ, đức tính khiêm nhường của anh làm mọi người trong kíp đều quý mến. Trong số 3 trắc thủ thì Nguyễn Xuân Đài – Trắc thủ phương vị – là người có kinh nghiệm chiến đấu dày dạn. Từng nhập ngũ cùng năm và chiến đấu nhiều trận với Nguyễn Đình Kiên, Đài rất am hiểu tính tình và cách đánh của người sĩ quan điều khiển. Với Nguyễn Đình Kiên, ở vị trí sĩ quan điều khiển, anh nhận thấy bất kể lúc nào 3 trắc thủ và mình đều phải ăn ý, bốn người như một.

Nhớ lại kỷ niệm sâu đậm trong 12 ngày đêm chiến đấu với B-52, các thành viên kíp chiến đấu Tiểu đoàn 57 đều nhắc nhiều tới hai trận đánh diễn ra vào rạng sáng ngày 21-12 tại trận địa Đại Đồng (Thuận Thành, Bắc Ninh). Đó là những trận chiến đấu lập nên kỷ lục mới của bộ đội tên lửa: Với hai quả đạn cuối cùng, Tiểu đoàn 57 đã lập nên kỳ tích với nhiều cái “nhất”: Hiệu suất chiến đấu cao nhất (10 phút bắn rơi 2 B-52); xác suất diệt mục tiêu lớn nhất (mỗi quả đạn bắn rơi 1 máy bay B-52); đơn vị bắn đạn tiết kiệm nhất… Tiểu đoàn 57 còn trở thành tiểu đoàn tên lửa duy nhất có hai cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, đó là Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt và Sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên.

Đầu tháng 10-2012, các cựu chiến binh thuộc 10 tiểu đoàn tên lửa từng trực tiếp hạ gục B-52 trong Chiến dịch 12 ngày đêm đã có mặt tại Sở chỉ huy Sư đoàn 361 để làm rõ thời gian, địa điểm, danh sách kíp chiến đấu… Một cuốn kỷ yếu nêu rõ thành tích, diễn biến của những trận đánh hạ gục 25 B-52 đã được biên soạn, trở thành “cẩm nang” giúp thế hệ trẻ sư đoàn học tập, rèn luyện.

Ít ai biết rằng, trước khi bước vào Chiến dịch 12 ngày đêm, những kíp chiến đấu ấy vẫn từng bị coi là những “tân binh” trong cuộc chiến với “siêu pháo đài bay”.

VŨ MINH
qdnd.vn

Advertisement