(ĐVO)- Chiều ngày 23/12/1972, phi công Nguyễn Văn Nghĩa là người đã bắn hạ chiếc F-4 đầu tiên của Không quân Mỹ trong chiến dịch. Chiến công này có ý nghĩa khai thông thế bế tắc, giải quyết vấn đề tâm lý cho không quân sau 5 ngày không bắn hạ được chiếc máy bay nào.
Sau sự kiện đó, Không quân Nhân Dân Việt Nam liên tiếp lập được nhiều chiến công bắn hạ nhiều máy bay Mỹ trong đó có 2 chiếc B-52.

Phi công Nguyễn Văn Nghĩa.
Dù đã ở tuổi 66 nhưng người phi công anh hùng năm xưa vẫn còn rất phong độ, trông ông không già đi nhiều so với 40 năm trước. Tuy vậy, phi công Nguyễn Văn Nghĩa vẫn còn nhớ như in những ngày tháng chiến tranh vô cùng ác liệt và đối với những người như ông đó là những năm tháng không thể nào quên.
Kể về trận chiến lịch sử của mình, Đại tá phi công Nguyễn Văn Nghĩa nhớ lại, đêm ngày 18/12/1972 khi Mỹ mở màn chiến dịch Linebacker-II, phi công cất cánh làm nhiệm vụ đánh B-52 đầu tiên là Trần Cung nhưng không phát hiện được B-52. Tiếp đó đến phi công Phạm Tuân, Vũ Đình Rạng lần lượt cất cánh những cũng không tiếp cận được B-52.
Từ ngày 18-22/12/1972 đã 5 ngày trôi qua nhưng không quân không bắn được chiếc máy bay nào của Mỹ lại phải chịu tổn thất 1 máy bay. (Trong cả chiến dịch, Không quân Nhân dân Việt Nam tổn thất 3 máy bay, 2 phi công hy sinh – PV).
“Toàn bộ không quân chúng tôi rất nóng ruột, bộ đội phòng không đã bắn rơi rất nhiều máy bay Mỹ trong khi bộ đội không quân chưa lập được chiến công nào”, phi công Nguyễn Văn Nghĩa chia sẻ cảm xúc lúc đó.
Chớp thời cơ diệt địch
Ngày 23/12/1972, đến lượt ông được lệnh cất cánh, bay ở vị trí phi đội trưởng. Bay cùng có phi công Lê Văn Kiền. Khi đó, đài chỉ huy mặt đất thông báo có 4 tốp F-4 ở xung quanh, khoảng 24 chiếc ở cự ly khoảng 40km.
“Ý định của chúng là muốn dồn các tiêm kích MiG-21 của ta vào ở giữa để tiêu diệt. Tôi nhanh chóng lấy tốc độ và tiếp cận tốp F-4 phía bên phải, phi công số 2 tiếp cận tốp bên trái. Ngay lập tức, tốp F-4 phía sau cũng nhanh chóng ập đến. Trong thâm tâm tôi đã xác định trước tình huống này sẽ rất kịch tính, cả đôi bên đều ở rất gần nhau, ai bóp cò nhanh hơn người đó sẽ thắng”, Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa hồi tưởng.
Bằng kỹ thuật và kinh nghiệm, ông đưa được một chiếc F-4 vào tầm ngắm bằng máy ngắm cơ học. “Thời gian ở đây chỉ có thể tính bằng giây, mình phải vừa chuẩn bị tấn công cũng vừa phải chuẩn bị để phòng thủ”, ông bồi hồi nhớ lại.
Khi ông đưa chiếc F-4 phía trước vào tầm ngắm thì chiếc F-4 phía sau cũng nhanh chóng tiếp cận để ngắm bắn. Do đó, khi chiếc F-4 phía trước ở cự ly khoảng 1.200-1.300 mét, tương đối tốt đối với tên lửa K-13, ông lập tức phóng tên lửa về phía chiếc F-4 thì khoảng vài giây sau đó 2 quả tên lửa từ chiếc F-4 phía sau cũng lao đến.
“Nhanh chóng tôi thực hiện một động tác ngoặt đột ngột để thoát ra khỏi đường ngắm của tên lửa. Phi công số 2 bay cùng tôi hô lớn trên radio “cháy rồi” chiếc F-4 bốc cháy và rơi xuống khu vực Lào Cai”, Đại tá Nghĩa kể lại.
Khi thực hiện động tác ngoặt đột ngột thoát khỏi tầm ngắm tên lửa của F-4, ông cũng ngắm được một chiếc F-4 khác ở phía trước nhưng do ở cự ly quá gần nên không xác định được điểm nổ. Trong khi đó, đài chỉ huy mặt đất ra lệnh “đánh nhanh rút nhanh” nên ông cùng phi công số 2 lập tức thoát khỏi đội hình F-4 và bay về hướng sân bay Đa Phúc.
Hạ cánh an toàn trong “mưa đạn” của F-4
Tuy nhiên, các sân bay xung quanh như Đa Phúc, Gia Lâm, Kép đều bị Không quân Mỹ phong tỏa triệt để. Đài chỉ huy thông báo cho tôi và phi công số 2 bay ra khu vực Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc ở độ cao thấp và thoát ra bằng dù.
Lúc đó trong thâm tâm tôi suy nghĩ, máy bay của mình không bị bắn hay bị trục trặc gì, tại sao mình phải từ bỏ nó? Bên cạnh đó, việc thoát ra bằng dù cũng chưa chắc đã an toàn bởi Mỹ có thể bắn vào dù. (Chính sách vô nhân đạo này của Không quân Mỹ nhằm tiêu hao lực lượng phi công tinh hoa nhưng ít ỏi của Không quân Nhân dân Việt Nam – PV).
Chưa hết, nếu tiếp đất bằng dù an toàn thì cơ hội tiếp tục chiến đấu trong 12 ngày đêm gần như bằng 0, bởi các phi công khi thoát ra ngoài bằng dù đều phải trải qua quá trình phục hồi sức khỏe từ 3-4 tháng.
Khi đó, ông liên lạc về sở chỉ huy và hỏi xem đường lăn của sân bay cũng như ụ chứa máy bay có bị đánh phá hay không, sở chỉ huy thông báo đường lăn không bị đánh phá. Vì vậy, ông quyết định hạ cánh trên đường lăn, một là thành công để tiếp tục được chiến đấu, hai là chấp nhận hy sinh trong trường hợp máy bay gặp sự cố hoặc bị bắn trong quá trình tiếp đất.
“Tôi thông báo trên radio cho sở chỉ huy và cả số 2 của tôi là “số 1 sẽ hạ cánh trên đường lăn”, còn số 2 có hạ cánh theo hay không là tùy thuộc vào đồng chí ấy. Rất may mắn là tôi đã hạ cánh an toàn, máy bay không gặp bất kỳ trục trặc nào”, ông kể lại.
Sau khi hạ cánh hạ cánh thành công, trên đường lăn ông gọi trên radio, “số 1 gọi số 2”, phía bên kia trả lời, “số 2 nghe tốt”. “Nghe tốt” có nghĩa là an toàn. “Trong thâm tâm tôi rất vui sướng, phi công số 2 cũng hạ cánh an toàn trên đường lăn, mặc dù các tốp F-4 phía sau vẫn bắn phá ác liệt bằng pháo 20 mm nhưng cả 2 máy bay đều được đưa về căn cứ an toàn”, Đại tá Nghĩa kể lại..
Chiến công nối tiếp chiến công
Đối với ông đó là một kỷ niệm không thể nào quên, là niềm vinh dự, tự hào lớn nhất trong cuộc đời, đó là đã khai thông được thế bế tắc cho không quân trong 12 ngày đêm. Ngày sau đó, cũng ngày 23/12/1972, phi công Trần Việt – nay là Phó Tư lệnh quân chủng Phòng không -Không quân – cất cánh bắn hạ thêm một chiếc F-4 khác.
Đến ngày 27/12/1972 biên đội bay của phi công Đỗ Bá Lanh và Dương Bá Khá cất cánh bắn hạ thêm một chiếc F-4. Đến đêm 27 rạng sáng ngày 28/12/1972 phi công Phạm Tuân bắn rơi tại chổ một chiếc B-52. Chiều 28/12/1972 biên đội bay Lê Văn Kiều và Hoàng Tam Hùng bắn rơi một chiếc F-4.
Đêm 28/12/1972 phi công Vũ Xuân Thiều bắn rơi thêm một chiếc B-52 khác, đêm 29/12/1972 phi công Bùi Doãn Độ bắn rơi thêm một chiếc F-4 và đây là chiếc cuối cùng do không quân bắn hạ trong 12 ngày đêm.
Trong 12 ngày đêm, Không quân Nhân dân Việt Nam bắn hạ được 7 máy bay, trong đó có 2 chiếc B-52, cùng với bộ đội phòng không và toàn quân, toàn dân ta bẽ gãy cuộc tập kích đường không quy mô lớn nhất của Mỹ từ sau chiến tranh thế giới thứ 2.
Với quy mô chiến dịch lớn như vậy nhưng chỉ kết thúc trong 12 ngày đêm, theo cá nhân tôi đó là một “kỳ tích” của toàn quân và toàn dân ta. Phòng không không quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bắn rơi 81 máy bay các loại trong đó có 34 chiếc B-52.
Phi công Nguyễn Văn Nghĩa và đồng đội (người thứ hai, từ trái qua phải, hàng sau).
Đại tá phi công Nguyễn văn Nghĩa sinh ngày 3/5/1946 tại Quảng Ngãi. Ngày 1/7/1965, ông trúng tuyển phi công tiêm kích. Từ tháng 9/1956-4/1968, ông học lái MiG-21 tại Liên Xô. Sau khi tốt nghiệp, ông về nước nhận nhiệm vụ tại đại đội 2 Trung đoàn tiêm kích 921 đoàn Sao Đỏ. Từ năm 1973-1975 ông là phi đội trưởng các phi đội 3, 9, 11 Trung đoàn tiêm kích 927, đoàn Lam Sơn. Ông là phi công Việt Nam đầu tiên lái máy bay MiG-21 số hiệu 5033 hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng vào năm 1975. Ông cũng là phi công Bắc Việt Nam đầu tiên cất cánh trên tiêm kích F-5 của Mỹ thu được sau chiến tranh, sau đó ông đã huấn luyện cho một số phi công khác sử dụng máy bay F-5 tham gia trong chiến dịch biên giới Tây Nam. Từ năm 198,2 ông chuyển lên làm cán bộ Sư đoàn Không quân 370 với cương vị bí thư Đảng ủy. Từ năm 1992 ông giữ chức Hiệu trưởng Trường Hàng Không Việt Nam, ông là người có công lớn trong việc xây dựng Học viện hàng không Việt Nam và cũng là giám đốc đầu tiên của học viện. Từ tháng 4/2007, ông nghỉ hưu. Tháng 8/2007, ông được bầu giữ chức Chủ tịch Câu lạc bộ Hàng không Việt Nam cho đến nay. |
Quốc Việt
baodatviet.vn