Có những giá trị của quá khứ lại đang ở phía trước

Kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”

QĐND-40 năm đã trôi qua kể từ 12 ngày đêm khói lửa chiến đấu với cuộc tấn công điên cuồng của không quân Mỹ vào thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng đang bị phong tỏa bởi thủy lôi. Nhằm hủy diệt không phải chỉ là những gì dưới mặt đất, bằng bom đạn, mà quan trọng hơn là hủy diệt được ý chí chiến đấu và quyết thắng của một dân tộc, buộc đối phương phải chấp nhận những điều kiện như kẻ bại trận trong một Hiệp định Pa-ri đã được hai bên ký tắt.

Đế quốc Mỹ muốn thoát ra khỏi cuộc Chiến tranh Việt Nam trong danh dự và với tư thế của kẻ thắng trận. Cuộc giội bom này là cơ hội để họ thực hiện lời đe dọa “đưa miền Bắc Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá” như những kẻ hiếu chiến và hiếu thắng đã từng tuyên bố ngay từ những ngày đầu tiến hành cuộc Chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc nước ta, sau khi đã mạo dựng “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” (8-1964) để làm cái cớ phát động cuộc chiến. Và với việc huy động những khí tài chiến tranh thuộc loại hiện đại hàng đầu nằm trong lực lượng chiến lược của quân đội Mỹ và với một quy mô có thể nói là lớn nhất sau cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ hai. Tối ngày 18-12-1972, Ních-xơn bất ngờ khởi động Chiến dịch mang mật danh quân sự là Lai-nơ-bếch-cơ 2 (Linebacker II), còn với mọi người lương thiện lấy định vị thời gian thì gọi đó là cuộc giội bom vào Lễ Giáng sinh 1972 để thấy rõ hơn cái dã tâm của những kẻ chủ trương. Người đứng đầu Nhà Trắng là Tổng thống Ních-xơn khi đó hoàn toàn tin vào chiến thắng cuối cùng thuộc về mình vì vừa mới trúng cử thêm một nhiệm kỳ nữa.

Nhưng tất cả những gì đã diễn ra trong hai tuần cuối cùng của năm 1972 ấy đã làm tổn thất không chỉ là số lượng khí tài mà là uy thế quân sự, đặc biệt là của lực lượng không quân chiến lược Mỹ trước con mắt của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới. Hà Nội, Hải Phòng và hậu phương miền Bắc vẫn trụ vững sau trận đánh, khí thế quân dân ta vẫn kiên cường và lạc quan hướng tới chặng đường cuối cùng để thực hiện cái nguyên lý của Bác Hồ đã để lại như một cẩm nang cho chiến thắng: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” đã hoàn thành trọn vẹn chỉ hơn hai năm sau đó (4-1975).

Bác Hồ đến thăm Quân chủng PK-KQ (ngày 19-7-1965). Ảnh: XUÂN MAI.

40 năm đã trôi qua, những người trực tiếp tham chiến của cả hai bên đều đã tổng kết trận đánh. Với Mỹ là chiến dịch tập kích chiến lược bằng B-52, còn với ta là cuộc phòng thủ kiên cường nhưng lại mang tên gọi của một trận công kiên diễn ra 18 năm trước đó: “Điện Biên Phủ” nhưng lại ở “trên không” và ở ngay giữa lòng Thủ đô của đất nước, đúng như lời tiên đoán của Bác Hồ về một trận quyết chiến chiến lược sẽ diễn ra trên bầu trời Hà Nội, cũng như Mỹ sẽ sử dụng B-52.

40 năm đã trôi qua, nhiều vị tướng lĩnh trụ cột và những chiến sĩ kỳ cựu tham gia chỉ huy và trực tiếp tham dự trận chiến ấy không còn nữa, những người trẻ đều đã bước vào tuổi lão niên. Nhiều hiện vật đã được đưa vào bảo tàng, nhiều pho sử tổng kết chiến tranh đã được ghi lại. Bên cạnh những con số thống kê như những biểu tượng chiến thắng, như số lượng những chiếc máy bay của địch, đặc biệt là những “pháo đài bay” B-52, loại máy bay mà cho đến nay chưa từng bị bất cứ đối phương nào trên thế giới bắn hạ lại bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội và miền Bắc trong 12 ngày đêm 40 năm trước, cho đến số lượng các phi công Mỹ bị bắt sống và đưa vào giam ở “Hin-tơn Hà Nội”. Còn có cả các tượng đài, bia ký ghi lại những trận đánh hủy diệt cuộc sống của người dân, những con số bộ đội ta hy sinh trong trận chiến đấu đúng với tinh thần truyền thống của Thủ đô từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”…

Nhưng còn những pho sử chỉ là ký ức của những người chứng kiến, những người dân hay người lính có mặt trong những ngày diễn ra trận “Điện Biên Phủ trên không” ấy thì biết bao mà kể. Chỉ lật mấy trang báo của những ngày hào hùng ấy đã thấy biết bao nhiêu sử liệu không kém chất hào hùng: Ngay trong đêm đầu tiên máy bay Mỹ ào vào bắn phá, đêm 18-12-1972, nhà thơ Huy Cận đã làm ngay bài thơ mang tên “Sẵn sàng” rồi mang đến Báo Nhân Dân để sớm 20-12 kịp xuất hiện trên trang báo giữa mùi thuốc súng, khói bom trong trận đánh. Rồi bài xã luận của số báo đó mang tựa đề: “Hà Nội, Thủ đô của phẩm giá con người” có nhắc nhiều chi tiết mang tính thời sự, như câu chuyện một nhân viên phục vụ trong khách sạn Thống Nhất (vốn là Métropole Hà Nội) khi được hỏi “Bom B-52 ném xuống Hà Nội thì ra sao?”. Và câu trả lời khiến nhà báo nước ngoài thán phục và chép lại: “Nhà cửa có thể sập nhưng có một thứ không sập được, đó là ý chí của con người”. Một nhà báo Pháp mô tả về Hà Nội trong những ngày chiến tranh khốc liệt ấy vẫn là “một thành phố luôn sôi động và hài hòa, tài giỏi và bình thản”. Còn Neo Sin-han (Neil Sheenhan) nhà văn Mỹ trong bài tựa cho cuốn sách viết về chiến tranh của không quân Mỹ ở Đông Dương của Đại học Coóc-neo (Corneil) đã đánh giá: “Thắng lợi của người Việt Nam là một thí dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ trước máy móc”…

Trên trang báo số ra ngày 29-12-1972, tức là chỉ vài ngày sau khi Mỹ đã rải thảm xuống Khâm Thiên và Bệnh viện Bạch Mai làm hàng trăm dân thường thiệt mạng đã xuất hiện mẩu phóng sự của nhà văn Nguyễn Tuân “Bên ụ súng Hà Nội một đám cưới pháo thủ” thuật lại lễ kết hôn của hai công nhân Nhà máy cơ khí Hà Nội, chú rể Vũ Đình Hán và cô dâu Lưu Thị Hảo diễn ra trên một không gian giữa 7 ụ súng phòng không tầm cao vừa diễn ra trước đó một ngày (28-12).

Rồi trên trang báo ra trong ngày cuối cùng của năm, 31-12-1972, khi Hà Nội vừa im tiếng súng, Mỹ đã chấm dứt bắn phá và chấp nhận bước vào cuộc họp cuối cùng để ký Hiệp định Pa-ri, lại thấy nhà văn Bùi Hiển xuất hiện với phóng sự ngắn “Khâm Thiên, tội ác và trừng phạt” và cả ông thầy khảo cổ của tôi, Giáo sư Trần Quốc Vượng với bài ký “Tình người Hà Nội ngát hoa lan”.

Cũng trên những trang báo của những ngày chiến tranh khốc liệt ấy, người ta còn đọc được những mẩu thông báo bằng lời lẽ mộc mạc nhưng có thể các bạn trẻ ngày nay chưa hiểu hết được, tựa như: “Để nhân dân mua lương thực được thuận tiện, Bộ Lương thực và Thực phẩm chủ trương bán lương thực theo sổ “Sơ tán PK (phòng không)”, các cửa hàng phải tổ chức tốt việc bán hàng không để nhân dân đợi lâu… Sơ tán đến đâu mua hàng ở đó. Gia hạn tem phiếu năm 1972”…

Hà Nội 40 năm trước là thế đó. Trong hồi ức của mình, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Trân tự phê bình rằng, lãnh đạo Hà Nội có khuyết điểm là chủ quan nên để đồng bào Hà Nội ở những nơi sơ tán trở về nhân ngày Giáng sinh năm 1972 đông quá. Mất cảnh giác, không lường hết sự tàn bạo của giặc Mỹ ném bom dữ dội, rải thảm B-52 vào khu dân cư trung tâm Hà Nội, chỉ một ngày sau làm mấy trăm con người thiệt mạng… Do vậy, từ ngày 27-12, lệnh sơ tán triệt để được phát ra và đêm hôm ấy, những ai được chứng kiến đều thấy cái hào hùng của dòng người Hà Nội lặng lẽ tỏa đi ra khỏi thành phố trên những phương tiện rất thô sơ của mình, và những chiếc ô tô cũ rích mà chính quyền huy động được. Chừng 50 vạn người trên tổng số 60 vạn cư dân Thủ đô đã hoàn thành việc sơ tán chỉ trong một đêm, một ngày.

Người Hà Nội ra đi nhẹ nhàng, vì nhà cửa và tài sản bên trong có thể giao phó cho những người hàng xóm hay chính quyền có trách nhiệm ở lại; họ có thể giao con cái của mình cho những người không mấy thân thích nhưng cùng cảnh ngộ hay được xã hội phân công; họ đến đâu cũng được những chủ nhà vốn là những người nông dân mộc mạc sẵn sàng nhường những chỗ ở tốt nhất với câu nói cửa miệng không hề khách sáo mà lại chan chứa tình nghĩa: “Các bác vì nước, vì dân, (đôi khi còn nói: Vì thằng Mỹ)… mới phải về đây với chúng em”… Hồi ấy, rất ít thấy nói đến trộm cắp, cướp của, giết người… Phải chăng, khi mọi người cùng chung ý chí, cùng chia sẻ cảnh ngộ, cùng mong đến ngày thắng lợi với ước mơ thanh bình thì xã hội trở nên trong sạch, ngay trong khói đạn của chiến tranh và nghèo khó?…

Mới cách đây không lâu, cả thế giới được chứng kiến với lòng thông cảm đối với nhân dân Nhật Bản đã hứng chịu những thảm họa khủng khiếp của thiên nhiên, như động đất, sóng thần cùng với vụ nổ ở nhà máy điện nguyên tử… và cũng được chứng kiến với lòng thán phục cách ứng xử, đối phó với thử thách của nhân dân Nhật Bản để khắc phục những mất mát to lớn với tinh thần Nhật Bản thể hiện qua ý chí kiên cường, tinh thần kỷ luật, sức chịu đựng và nghĩa đồng bào giúp đỡ lẫn nhau cùng chính phủ vượt qua thử thách…

Chạnh nghĩ, những phẩm chất ấy cũng từng nhiều lần xuất hiện trong đời sống xã hội nước ta qua những thử thách trong quá khứ lịch sử mà những ngày diễn ra “Điện Biên Phủ trên không” là một bằng chứng sống động… Lại chạnh nghĩ, vì sao những phẩm chất ấy dường như đã phai nhạt, thậm chí đang diễn ra trái ngược trong đời sống xã hội trên đất nước ta ngày hôm nay…

Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” với niềm tự hào về quá khứ, không thể không nghĩ đến chuyện khơi lại những truyền thống, những phẩm chất vốn tiềm ẩn trong con người Việt Nam chúng ta, từng phát huy trong quá khứ, vì sao không thể trở lại trong phẩm chất con người Việt Nam ngày hôm nay, và mai sau?!

Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC
qdnd.vn

Advertisement