Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không: Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam

Đại Tá TS Nguyễn Thành Hữu
Đêm 20 rạng ngày 21/12/1972, đế quốc Mỹ tung hàng loạt máy bay B-52 oanh tạc tàn phá Hà Nội. Với ý chí quyết chiến quyết thắng, ta thắng lớn, bắn rơi 19 máy bay địch, trong đó có 7 chiếc B-52. Chỉ trong 9 phút của đợt đầu, ta đã bắn rơi 3 máy bay B-52, trong đó có 2 chiếc rơi tại chỗ, trong 20 phút của đợt 3 ta đã bắn rơi 4 máy bay B-52, trong đó có 3 chiếc rơi tại chỗ. Pháo đài bay Mỹ hạ gục trước ý chí, trí tuệ của người Hà Nội.

Hẳn nhiều người biết, từ 19h20 ngày 21/12/1972, đế quốc Mỹ tập trung 93 lần chiếc B-52 cùng 151 lần chiếc không quân chiến thuật tổ chức tập kích ba trận vào Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên. Tại Hà Nội, địch đánh các đầu mối giao thông, chân hàng ở Bắc ngoại thành, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, sân bay Nội Bài, Khu tập thể An Dương. Xen kẽ giữa các trận đánh của B-52, địch tăng cường 25 chiếc F-111 hoạt động…

Sau hai đêm, địch thay đổi thủ đoạn và quy luật đánh phá, nhận ra đối thủ chính của chúng là tên lửa. Do đó, trước khi đưa B-52 vào, ngoài việc đánh phá các sân bay của F-111, chúng đưa F4 và F-105 lùng sục các trận địa tên lửa của ta để dọn đường; tăng cường nhiễu các loại; tăng cường sử dụng các tốp B-52 giả.

Bộ đội rada vẫn đĩnh đạc phát hiện và thông báo các tốp B-52 cho chiến dịch. Không quân ta khắc phục khó khăn do các sân bay bị địch đánh phá và khống chế liên tục, sửa chữa không kịp, cất cánh từ đường lăn lên đánh B-52. 19h27, hai tốp MIG cất cánh lên hướng Việt Trì, Phú Thọ và Mộc Châu, Suối Rút.

Từ 19h41 đến 19h55, nhiều tốp B-52 giả vào khu vực hỏa lực. Bộ đội ta nhanh chóng nhận dạng tín hiệu B-52 giả, nên không một tiểu đoàn tên lửa nào đánh nhầm. Đây là một thành công lớn trong cuộc đấu trí với địch. 20h5, 2 tốp B-52 vào đánh khu vực Gia Lâm. Tiểu đoàn 93 Trung đoàn tên lửa 261 Quân chủng Phòng không – Không quân (PKKQ) xử trí nhanh sau khi phóng 2 quả thấy tín hiệu mục tiêu trong nhiễu đã phóng bồi quả thứ 3 diệt một B-52 rơi tại Yên Thượng, Yên Viên cách trung tâm Hà Nội 10km.

Trận đánh thắng đầu tiên trong đêm 20/12 của Tiểu đoàn 93 đã giải tỏa được những căng thẳng sau đêm 19 không bắn rơi tại chỗ được B-52. Các tiểu đoàn khác tiếp tục đánh các tốp B-52 đi sau đội hình.

Xác pháo đài bay B52 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự. Ảnh: Duy Hiển.

20h34, Tiểu đoàn 77 Trung đoàn tên lửa 257 lợi dụng thuận lợi của một trận địa chốt, phát sóng bắn trúng 1 máy bay B-52 rơi xuống xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, Hà Tây. Sau thắng lợi giòn giã ngay từ đợt đầu, khí thế chiến đấu của bộ đội thay đổi hẳn. Kinh nghiệm của các tiểu đoàn 93, 77 Quân chủng PKKQ được nhanh chóng phổ biến đến các đơn vị. Tiếp đó, 20h36, Tiểu đoàn 94 Trung đoàn tên lửa 261 nỗ lực đánh tập trung bắn trúng 1 máy bay B-52 rơi tại biên giới Thái Lan – Lào. Tiểu đoàn 76 Trung đoàn tên lửa 257 cũng vận dụng phương pháp phát sóng gần bắt mục tiêu. Nhưng do thao tác không hợp lý, không đúng thời cơ nên bị tốp hộ tống B-52 phóng tên lửa tự dẫn vào trận địa làm đơn vị tạm thời mất sức chiến đấu. 

Phối hợp chiến đấu, hỏa lực pháo súng phòng không tầng thấp của ta đánh rất mãnh liệt chặn đánh F-111. Lúc 21h, phòng không dân quân tự vệ ở trận địa Vân Đồn đã bắn rơi 1 chiếc F-111.

Tại Hải Phòng, lúc 22h22, Tiểu đoàn 72 Trung đoàn tên lửa 285 bắn rơi 1 máy bay F4; lúc 0h10 ngày 21-12, Tiểu đoàn 83 Trung đoàn tên lửa 238 cùng pháo phòng không khu vực bắn rơi một F4 nữa.

Tại Thái Nguyên, từ 23h30 đến 0h45, B-52 đánh vào Nhà máy Điện Cao Ngạn và Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ.

Tại Hà Nội, máy bay F-111 vào đánh xen kẽ. Các tốp máy bay cường kích chiến thuật săn tìm trận địa tên lửa, bay lởn vởn vòng ngoài hỏa lực làm mồi nhử cho tên lửa đánh để khi B-52 vào thì tên lửa không còn đạn, đồng thời nhử cho ta phát sóng tự bộc lộ đội hình để đánh trả bằng tên lửa tự dẫn. Các tiểu đoàn tên lửa đã dày dạn với thủ đoạn nghi binh của địch nên không bị đánh lừa.

4h10 ngày 21/12, địch lại tổ chức trận tập kích thứ ba vào Hà Nội với 45 lần chiếc B-52. Lúc này, đạn tên lửa ở các trận địa của ta còn rất ít. Tình huống hết sức khó khăn, Bộ Tư lệnh chiến dịch, Quân chủng và Sư đoàn Phòng không Hà Nội chỉ thị các đơn vị tích cực đánh bằng phương pháp hiệu quả nhất, đánh tiết kiệm đạn, đánh chắc thắng, tiếp tục bắn rơi tại chỗ B-52; đồng thời chỉ thị cho Cục Kỹ thuật tìm mọi cách tăng nhanh số lượng đạn ở các tiểu đoàn hỏa lực; các lực lượng pháo cao xạ tích cực đánh bảo vệ trận địa tên lửa…

Cán bộ, chiến sĩ bảo đảm kĩ thuật làm việc liên tục, lắp ráp, vận chuyển tiếp đạn tên lửa với tinh thần tất cả vì chiến thắng, cho đến gần sáng ngày 21, đạn đã được bổ sung tương đối đầy đủ cho các trận địa hỏa lực.

Tên lửa ta sẵn sàng cho trận quyết chiến chiến lược 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972.

Sau các trận đánh tập trung, khi đạn bảo đảm chưa kịp, các đơn vị phải cân nhắc tính toán sử dụng trong từng trận và chọn phương pháp điều khiển thích hợp. Lúc 5h9, Tiểu đoàn 77 bắn trúng một B-52 rơi xuống Phúc Yên, Tiểu đoàn 57 Trung đoàn tên lửa 261 bắn rơi 1 máy bay B-52 khác. Năm phút sau, Tiểu đoàn 79 Trung đoàn tên lửa 257 lại bắn rơi 1 máy bay B-52 tại khu vực Phả Lại. Với cự li đánh và phương pháp điều khiển thích hợp, với trình độ bám sát điêu luyện của kíp chiến đấu, chỉ 13 phút sau, bằng một quả đạn, Tiểu đoàn 57 Trung đoàn tên lửa 261 bắn 1 chiếc B-52 rơi xuống khu vực chợ Thá – Núi Đôi. Đó là trận đánh cuối cùng kết thúc chiến đấu đêm 20 rạng sáng 21/12 và cũng là trận đánh hết sức điển hình về tài nghệ chiến đấu của bộ đội tên lửa.

Trận đánh đêm 20 rạng ngày 21/12 thực sự là một trận đánh then chốt tiêu diệt lớn B-52 của địch trong chiến dịch, làm thay đổi lớn về kế hoạch sử dụng lực lượng và cách đánh cả của địch và của ta. Trận đánh đêm 20 đã phá vỡ kế hoạch ban đầu của cuộc tập kích chiến lược. Níchxơn cho rằng chỉ cần ba ngày cũng đủ làm cho ta phải khuất phục. Nhưng thực tế trong ba ngày, 30 máy bay bị bắn rơi, trong đó có 11 chiếc B-52 kể cả 1 chiếc do tên lửa ta ở Nghệ An bắn rơi, tỉ lệ máy bay B-52 bị bắn rơi ngày càng tăng.

Đối với ta, trận then chốt tiêu diệt lớn B-52 đêm 20 có ý nghĩa lớn về xây dựng quyết tâm và phát triển cách đánh chiến dịch, càng khẳng định vai trò của từng lực lượng trong tác chiến chiến dịch, tạo điều kiện cho cách đánh tập trung của tên lửa có hiệu quả, phát huy được mọi cách đánh của tiểu đoàn hỏa lực tên lửa. Chưa bao giờ truyền thống anh hùng của QĐND Việt Nam được phát huy cao độ trong chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” với niềm tự hào khôn tả

N.T.H.
cand.com.vn

Advertisement