Thư viện

Những “lát cắt” đặc biệt về giải phóng phụ nữ trong tư tưởng Hồ Chí Minh

“Nói đến phụ nữ là nói đến một nửa xã hội. Vậy nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người, nếu phụ nữ chưa được giải phóng, thì xã hội chưa được giải phóng, nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Đó là câu nói có tầm ảnh hưởng lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nữ giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ vai trò to lớn và tầm quan trọng của nữ giới trong đời sống xã hội. Dù ở bất kỳ thời đại nào hay một xã hội nào đi nữa, thì trong đấu tranh giải phóng đân tộc, không thể không giải phóng phụ nữ!

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu nữ tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, tháng 9-1960.
Ảnh tư liệu

Quan điểm giải phóng phụ nữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề giải phóng phụ nữ. Người từng nói: “Có người nghĩ rằng Bác không có gia đình, chắc không hiểu gì mấy về vấn đề này. Bác tuy không có gia đình riêng, nhưng Bác có một đại gia đình rất lớn, đó là giai cấp công nhân trên toàn thế giới, là nhân dân Việt Nam. Từ gia đình lớn đó, Bác có thể suy đoán được gia đình nhỏ… Muốn sản xuất nhiều thì phải có nhiều sức lao động. Muốn có nhiều sức lao động thì phải giải phóng sức lao động của phụ nữ…”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ có giá trị nhân văn to lớn và triết lý nhân sinh cao cả. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đặc biệt quan tâm tới phụ nữ. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là cuộc cách mạng giải phóng con người, trong đó, theo Người không thể không giải phóng phụ nữ, không giải phóng một phần nửa xã hội, thì không thể xây dựng và đi lên chủ nghĩa xã hội. Người nói: “Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hàng vạn phụ nữ đã trở thành cán bộ chuyên môn các ngành và cán bộ lãnh đạo… Theo gương các bà, các mẹ và các chị anh hùng, nhiều cháu thiếu niên nhi đồng gái cũng rất ngoan… Như thế là từ xưa đến nay, từ Nam đến Bắc, từ trẻ đến già, phụ nữ Việt Nam ta thật là anh hùng…”.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, trên khắp mọi miền của đất nước Việt Nam, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam khắc lên 8 chữ Vàng “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”, trở thành những “Tượng đài bằng đá” khắc ghi vào ký ức của mỗi người dân Đất Việt. Tượng đài đó đã được tự do, thoát khỏi xiềng xích và áp bức bóc lột, thoát khỏi sự bất bình đẳng, chế độ hà khắc của phong kiến và sự đàn áp của thực dân… Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, hàng triệu người phụ nữ nước Nam giỏi việc nước, đảm việc nhà, đã đứng lên giành chính quyền và đòi độc lập tự do cho dân tộc. Tại Lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ngày 19-10-1966, Người nêu giá trị truyền thống yêu nước của người phụ nữ Việt Nam: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc”.

Với Người, vai trò của người phụ nữ là rất quan trọng, dù họ là người nông dân hay họ là nhà tri thức, khoa học, kỹ sư…, đều bình đẳng như nhau trên mọi lĩnh vực của đời sống; dù công việc nặng hay nhẹ, người phụ nữ đều là chiến sĩ trên mọi mặt trận. Người nói: “Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ. Phụ nữ tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Thế là dưới chế độ tốt đẹp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phụ nữ đã thật sự làm chủ nước nhà”.

Bác Hồ với đại biểu phụ nữ vùng cao. Ảnh tư liệu

Bên cạnh những tuyên dương, Người lại luôn yêu cầu và nhắc nhở chị em phụ nữ cần chú trọng: “Mỗi một người và tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng xã hội chủ nghĩa. Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ phải xóa bỏ tâm lý tự ti và ỷ lại, phải có ý chí tự cường tự lập, phải nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật”. Người đã thấy rõ phụ nữ là một lực lượng căn bản, một nhân tố phát triển của xã hội, việc giải phóng phụ nữ phải trên cả 2 lĩnh vực hoạt động sản xuất xã hội và trong hôn nhân gia đình, cần phải gắn nhiệm vụ với quyền lợi của người phụ nữ, phải bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn, nâng cao trình độ kiến thức cho phụ nữ, cất nhắc, đề bạt họ vào các chức vụ quản lý kinh tế và xã hội….

Với phụ nữ, Người đã dành trọn vẹn tình cảm cho họ. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người đã căn dặn toàn Đảng, toàn dân: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”. Người phụ nữ trong gia đình luôn được coi trọng. Họ là nhân tố chính gây dựng tổ ấm hạnh phúc gia đình – tế báo của xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý đến hạt nhân cho tốt…”.

Phụ nữ Việt Nam giữ một vai trò, vị trí quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Họ có một thiên chức mà không ai có thể thay thế được. Chính vì lẽ đó, giải phóng và phát triển toàn diện phụ nữ là một trong những mục tiêu của cách mạng Việt Nam giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, cũng như giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay. Từ những quan điểm nêu trên, nội dung tư tưởng của Người về phụ nữ có thể phân tích hai lát cắt như sau:

Một là, giải phóng phụ nữ phải gắn liền với giải phóng dân tộc. Muốn giải phóng phụ nữ, theo Người, phải giải quyết ba mặt trong một vấn đề:

Thứ nhất, giải phóng về chính trị: Giải phóng phụ nữ là một bộ phận của giải phóng dân tộc. Giải phóng dân tộc là tiền đề để giải phóng phụ nữ. Giải phóng được phụ nữ là đã giải phóng được một nửa hệ thống chính trị. Dân tộc được giải phóng, chính quyền được giải phóng, thì phụ nữ cũng phải được giải phóng.

Thứ hai, giải phóng về xã hội: Phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong việc tham gia công việc xã hội, đồng thời bình đẳng trong hôn nhân. Người bác bỏ tư tưởng tư sản, trọng nam khinh nữ, đồng thời phải nâng cao vai trò và thiên chức của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Người nói: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ… Muốn có nhiều sức lao động để sản xuất thì phải giải phóng sức lao động phụ nữ…”.

Thứ ba, giải phóng tâm lý con người: Thật sự phải giải phóng được tư tưởng, tình cảm, tâm tư, năng lực để người phụ nữ vươn lên làm chủ chính mình, gia đình và làm chủ xã hội. Họ phải được tôn vinh giá trị to lớn mà tạo hóa cho họ cái gọi là “thiên chức” là người duy trì và phát triển nòi giống.

Hai là, giải phóng phụ nữ phải toàn diện, đồng bộ và triệt để.

Thứ nhất, giải phóng phụ nữ không chỉ là giải phóng thân thể, giải phóng tư duy, mà giải phóng cho họ cái gọi là quyền bình đẳng. Họ có quyền tham gia vào các hoạt động xã hội, phải tạo điều kiện để họ tham gia vào các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… thì mới đảm bảo quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ. Người khuyên giới nữ phải tự đấu tranh với bản thân mình, tự mình phải biết tôn trọng mình mới làm nên mọi việc. “Phụ nữ phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập…”.

Thứ hai, phải tôn trọng phụ nữ, Đảng và Chính phủ cần có những chủ trương, chính sách phù hợp để phụ nữ tham gia vào các công việc của xã hội theo khả năng của mình. Vị trí và vai trò của phụ nữ phải được đặt trong mối quan hệ biện chứng với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đảng ta đánh giá cao khả năng và sự cần thiết tham gia của phụ nữ, coi đó là yếu tố quan trọng bảo đảm sự thành công của cách mạng, sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Thứ ba, quan điểm, đường lối của Đảng phải bảo đảm và phát huy vai trò tham gia của phụ nữ vào mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, bởi các quan điểm và đường lối này là những tuyên bố chính thức làm cơ sở bảo đảm hành lang pháp lý cho sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động của đời sống xã hội. Mặt khác, các quan điểm đó đều khẳng định một cách xuyên suốt nhất quán, phụ nữ có quyền bình đẳng tham gia mọi mặt của đời sống xã hội.

Thứ tư, Đảng và Nhà nước phải đưa ra những chủ trương, chính sách, biện pháp phù hợp để phát huy mọi khả năng, tiềm năng của người phụ nữ trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, làm cho phụ nữ được được sống trong những quan hệ xã hội bình đẳng, tự do, dân chủ và có triển vọng phát triển lâu dài cả về đời sống vật chất, sinh hoạt văn hóa và tinh thần.

Những “Bông hồng vàng” thời hội nhập

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng kỷ niệm chương cho những “Bông hồng Vàng” năm 2010

Ngày nay, xây dựng và phát triển nhân tố phụ nữ trong xã hội tương xứng với vai trò to lớn của họ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược của Ðảng. Phải khẳng định rằng, 82 năm qua, kể từ ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930) đến nay (20/10/2012), Nhà nước đã đặc biệt quan tâm và đánh giá cao sự cống hiến của phụ nữ trong quá trình phát triển xã hội. Phụ nữ đã nhận thức được vai trò trách nhiệm của mình, không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chính trị, năng lực chuyên môn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Họ không chỉ là người mẹ hiền đảm đang giữ gìn hạnh phúc gia đình, mà còn là những nhà khoa học, nhà giáo, nhà lãnh đạo tài năng ở cương vị cao trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Họ là chủ những doanh nghiệp, là những doanh nhân ưu tú, những “Bông hồng vàng” trong vườn hoa khoe sắc. Đúng như lời dạy của Bác về việc nêu gương người tốt việc tốt “Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”.

Trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu hiện nay, với bản năng và đức tích năng động, chịu thương, chịu khó, những “bông hoa” doanh nhân đã luôn tìm tòi sáng tạo để tìm hướng đi và khẳng định vị thế của mình. Nhiều doanh nghiệp do người phụ nữ làm chủ đã thực sự thành công trên thương trường. Đó là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động trên nhiều lĩnh vực như: kinh doanh, thương mại, dịch vụ, sản xuất, chế biến…

Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, hơn bao giờ hết, chúng ta mà đặc biệt là chị em phụ nữ cần vận dụng và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực tiễn và càng phải quán triệt, thực hiện có hiệu quả hơn nữa lời dạy của Người. Đó chính là lời hứa, đồng thời cũng là việc làm có ý nghĩa thiết thực nhất để thực hiện sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về nữ giới trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

ThS. Hoàng Anh Tuấn
dddn.com.vn

Advertisement

Nâng cao vai trò của phụ nữ

Đánh giá cao vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ nữ. Vì vậy, chỉ hơn 8 tháng sau khi Đảng ta ra đời, Hội Phụ nữ chính thức được thành lập.

Là người thực hiện đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, Bác Hồ đã gắn cuộc đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ với cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Người nói: “Phải kính trọng phụ nữ, chúng ta làm cách mạng để tranh lấy quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau”. Người coi sự tiến bộ của xã hội là điều kiện để thực hiện quyền bình đẳng, tự do toàn diện cho phụ nữ. Do đó, bản thân phụ nữ cũng phải cố gắng vươn lên: “Phụ nữ càng cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm. Đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước có quyền bầu cử và ứng cử”.

Trong dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bác khẳng định sự đóng góp của chị em phụ nữ qua các phong trào “năm tốt”, “ba đảm đang” trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là kế tiếp truyền thống của dân tộc: “Hội phụ nữ mới 20 tuổi, nhưng truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam ta đã có gần 2.000 năm… Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta”.

Nhận rõ công lao của phụ nữ, Người luôn dành cho phụ nữ sự quan tâm sâu sắc. Người thường xuyên động viên và chia sẻ cùng chị em những khó khăn, vất vả trong cuộc sống, những đau buồn mất mát trong chiến tranh. Cho đến trước lúc đi xa, Người còn căn dặn: “Phụ nữ ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo”. Tư tưởng đó của Bác chứa đựng cả một định hướng lâu dài về công tác cán bộ nữ của Đảng và Nhà nước ta.

Những lời dạy của Bác về công tác cán bộ nữ đã được Đảng và Nhà nước ta quán triệt nghiêm túc, thể hiện trong đường lối lãnh đạo của Đảng, trong công tác phụ vận. Đặc biệt, từ khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, vai trò, vị thế của người phụ nữ ngày càng được nâng cao.

Quang Tuyên
baobinhdinh.com.vn

Kỷ niệm về Bác Hồ: “Các cô có bị chồng đánh không?”

Cụ Mượt, người may mắn được hai lần gặp Bác Hồ vẫn nhớ như in những khoảnh khắc ở bên Bác, những câu hỏi han ân cần và rất đỗi giản dị của Bác: “Các cô có bị chồng đánh không?”

Lần đầu tiên cụ Đỗ Thị Mượt (sinh năm 1941, trú ở thôn An Cư Nam, xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) gặp Bác Hồ là vào tháng 2 năm 1962. Lúc bấy giờ, Bác Hồ về Nam Cường nhân dịp Đại hội “Chiến sỹ thi đua” của tỉnh.

cac co co bi chong danh khong a1
Cô gái Mượt (ngoài cùng bên phải) trong lần được Bác Hồ gắn Huy hiệu
Chiến sỹ thi đua. (Ảnh chụp lại)

Cô Mượt tuổi đôi mươi, lòng đầy nhiệt huyết, chính là người sáng tạo, cải tiến ra nông cụ xe cút kít để thay đôi vai nặng trĩu cho các chàng trai, cô gái, bộ đội gánh bên người.

Bác Hồ mặc bộ quần áo lụa. Trông Bác rất giản dị”, cụ Mượt nhớ lại.

Cụ Mượt còn nhớ rất rõ, ngoài cụ ra đón Bác Hồ còn có Bí thư Tỉnh ủy Ngô Duy Đông, Phó Chủ tịch tỉnh Phạm Văn Tuyên và một số cán bộ chủ chốt khác của tỉnh lúc bấy giờ.

Bản thân cô Mượt đang là Bí thư Chi Đoàn xã Thái Học, Chấp hành Huyện đoàn huyện Thái Thụy, Xã đội phó Dân quân và là thành viên của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa III.

Tại hội trường hôm đó, Bác Hồ đã trò chuyện thân mật với mọi người. Sau cuộc trò chuyện rôm rả,  Bác Hồ  đã làm nhiều người cảm động khi ân cần hỏi mọi người câu hỏi rất đỗi giản dị, đời thường nhưng chan chứa tình yêu thương: “Các cô có bị chồng đánh không? Rồi Bác hỏi thêm: Các chú có đánh vợ không?”. Tất cả mọi người trong hội trường đều đồng thanh đáp lớn rằng: “Không ạ!”

Cũng tại hội trường, cô Mượt là một trong bốn người được Bác Hồ đích thân trao tặng Huy hiệu chiến sỹ thi đua và dặn dò, thăm hỏi. “Các cháu phải cố gắng vì nước, vì dân. Tất cả đều phải vì dân phục vụ. Gánh vác, hoàn thành nhiệm vụ của Đảng giao phó”, cụ Mượt nhớ lại lời dặn dò của Bác.

cac co co bi chong danh khong a2
Cụ Mượt vẫn còn nhớ như in những giây phút được gặp Bác Hồ .

Lần thứ hai, cụ Mượt được gặp Bác ở trường Nguyễn Ái Quốc vào tháng 5 năm 1962, nhân dịp gặp mặt các chiến sỹ thi đua cả nước.

Lần thứ hai được gặp Bác Hồ, có sự tham gia của rất nhiều người. Phần lớn trong đó là những chiến sỹ thi đua, những người có đóng góp và thành tích to lớn trong cuộc kháng chiến trường kỳ.

Đúng 2 giờ chiều hôm đó, trong không khí háo hức của hội trường, Bác Hồ tiến vào phía trong hội trường, trên người mặc bộ quần áo kaki màu trắng. Được nhìn thấy Bác lần thứ hai, cô Mượt cảm thấy hạnh phúc vô cùng.

“Bác dặn dò tất cả các đồng chí, anh em chiến sỹ trong hội trường và nói: Tất cả mọi người hôm nay, có mặt tại đây, đều làm tròn trách nhiệm của Đảng, của dân giao phó”, cụ Mượt kể lại.

Rồi Bác căn dặn: Làm gì cũng phải nghĩ đến dân. Tuyệt đối trung thành với Đảng, với dân. Phải xem dân là gốc. Cuộc kháng chiến trường kỳ còn gian nan, còn vất vả. Tất cả mọi người phải đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.

Đến hôm nay, mặc dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” song cụ Mượt vẫn sống làm việc và học tập theo lời căn dặn của Bác.

Theo Phan Mạnh – Quang Tùng/VCTNews
Kim Yến (st)
bqllang.gov.vn

Lời cǎn dặn chị em phụ nữ Thủ đô (18-10-1958)

Chị em phụ nữ cố gǎng thi đua tǎng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giành thống nhất Tổ quốc. Phụ nữ công nhân cần tích cực tham gia quản lý thật tốt nhà máy, công trường. Phụ nữ nông dân cần hǎng hái tham gia phong trào đổi công, hợp tác, gặt tốt vụ mùa, chuẩn bị tốt vụ chiêm nǎm tới. Các tầng lớp phụ nữ ở thành phố cần chấp hành tốt các chính sách của Đảng và Chính phủ. Chị em làm nghề buôn bán cần giữ đức tính thật thà, đúng đắn, bài trừ tệ “mua rẻ, bán đắt”, tệ “mặc cả, nói thách”. Chị em phụ nữ phải hết sức chǎm lo bảo vệ sức khoẻ của con cái, vì thiếu nhi là tương lai của dân tộc.

—————————

Nói ngày 18-10-1958.
Báo Nhân dân, số 1680, ngày 19-10-1958.
cpv.org.vn

Những nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức đối với Phụ nữ

1 … Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người.

Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa.

… Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh.

Bài nói tại Hội nghị cán bộ thảo luận Luật hôn nhân và gia đình
ngày 10-10-1959, sđd, t.9, tr 523, 524.

2. … Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng, Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội…

Bài nói chuyện tại Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III
ngày 9-3-1961, sđd, t.10, tr. 296.

3. Phụ nữ cũng là người chủ nước nhà. Để xứng đáng là người chủ thì chị em phải ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm…

4. Phụ nữ cần phải xung phong trong việc xây dựng đời sống mới. Ở miền núi đang còn những phong tục không tốt do bọn phong kiến để lại, như: ma chay, cúng bái rất tốn kém. Cưới vợ, gả chồng quá sớm. Vệ sinh phòng bệnh, v.v… còn kém. Đó là những mê tín và hủ tục nên xóa bỏ, để xây dựng mỹ tục thuần phong.

5. Đoàn kết là sức mạnh. Đồng bào miền núi, trước hết là chị em phụ nữ, cần phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Đoàn kết giữa dân tộc mình, đoàn kết giữa các dân tộc. Đoàn kết với đồng bào miền xuôi lên phát triển kinh tế miền núi…

6. Để làm tốt những việc nói trên, chị em phải cố gắng học tập. Học văn hóa, học chính trị, học nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ. Có quyết tâm thì nhất định học được…

Nói chuyện Hội nghị cán bộ phụ nữ miền núi,
ngày 19-3-1964, sđd, t.11, tr. 215.

quangbinh.gov.vn

Tư tưởng và tình cảm của Bác Hồ với phụ nữ

Sinh thời Bác Hồ luôn quan tâm và đánh giá cao vị trí vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Bác từng nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”… ”Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng”… “Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại”.

Cùng với hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc cũng như trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác luôn đặt ra yêu cầu bức thiết phải giải phóng “nửa thế giới” khỏi “xiềng xích nô lệ”, phải cởi trói cho phụ nữ. Dẫn lời C.Mác: Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái, thì biết xã hội tấn bộ ra thế nào? và V.I.Lênin “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công”, Bác khẳng định:“Đàn bà con gái cũng nằm trong nhân dân. Nếu cả dân tộc được tự do, đương nhiên họ cũng được tự do. Ngược lại nếu dân tộc còn trong cảnh nô lệ thì họ và con cái họ cũng sẽ sống trong cảnh nô lệ đó thôi”1Và, “những lời ấy không phải câu nói lông bông. Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia”2.

Cách mạng Tháng Tám thành công, trong Tuyên ngôn độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2-9-1945, Bác trịnh trọng tuyên bố với thế giới và quốc dân đồng bào: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”3. Những quyền ấy được Bác trích trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Song trong xã hội Mỹ chỉ những người đàn ông da trắng, theo đạo Tin Lành có tài sản mới được bầu cử. Còn các giai tầng khác mãi đến đầu thế kỷ 19 và phụ nữ Mỹ (sau 144 năm giành độc lập) – năm 1920 mới giành được quyền đi bầu cử. Đối với người Mỹ da đen thì tới phong trào đòi quyền dân chủ diễn những năm 1960 mới giành được quyền bầu cử đầy đủ và đến 1971 các công dân trẻ tuổi mới được trao quyền bầu cử khi Hoa Kỳ hạ tuổi bầu cử từ 21 xuống 18 tuổi… Song, với Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ thì “tất cả mọi người” Việt Nam đều là những người có quyền đi bầu cử Quốc hội vào ngày 6-1-1946:“Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền bầu cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường”. Và Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà năm 1946“… tuyên bố với thế giới: phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân”4.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác không chỉ quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ mà còn nhìn thấy sức mạnh to lớn của họ đối với cách mạng và Bác cũng là người tiếp thêm sức mạnh cho chị em vùng dậy đấu tranh, giành độc lập dân tộc. Bác nêu ra nhiều tấm gương chiến đấu hy sinh của phụ nữ vì Tổ quốc như Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng từ buổi bình minh của lịch sử và kêu gọi chị em: Như buổi ấy là buổi phong kiến mà đàn bà, con gái còn biết cách mệnh. Huống chi bây giờ hai chữ “nữ quyền” đã rầm rầm khắp thế giới, chị em ta lại gặp cảnh nước suy vi, nỡ lòng nào ngồi yên được! Chị em ơi! Mau mau đoàn kết lại! Từ ngày dân Việt Nam tranh được chính quyền, phụ nữ đều ra sức gánh vác công việc. Nào giúp đỡ chiến sĩ, tăng gia sản xuất. Nào chống nạn mù chữ, tham gia tuyển cử, Tuần lễ vàng, Đời sống mới…, việc gì phụ nữ cũng hăng hái.

Trong các cuộc kháng chiến thần thành chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhiều chị em đã tham gia kháng chiến và làm tròn trọng trách cách mạng mà Đảng và Nhà nước giao phó. Chị em là cán bộ lãnh đạo, là anh hùng, chiến sĩ thi đua trong lao động và chiến đấu, là dũng sĩ từ tiền tuyến lớn miền Nam có dịp ra thăm miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã được Bác Hồ ân cần đón tiếp, tặng hoa và quà, được ăn cơm hoặc xem văn nghệ cùng Người. Bác Hồ luôn luôn coi lực lượng phụ nữ là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng, một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm mọi thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Vì vậy, ghi nhận những thành tích đóng góp của phụ nữ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, Người tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” và khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Đây chính là sự khẳng định của Bác về vị trí, vai trò không thể thiếu của phụ nữ Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Trong thư gửi Phụ nữ nhân dịp kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Quốc tế Phụ nữ ngày 8-3-1952, Bác khẳng định: Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc ta, phụ nữ ta đang gánh một phần quan trọng… Nhiều bà cụ ngoài bảy tám mươi tuổi, chẳng những đã xung phong đi dân công, mà còn thách thi đua với các cụ ông và con cháu… Những phụ nữ chân yếu tay mềm “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” đã góp phần không nhỏ đem đến thắng lợi “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Bác không chỉ nêu lên vai trò, vị trí của người phụ nữ đối với xã hội mà còn là người đi tiên phong trong phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng nam nữ. Người chỉ rõ: công tác phụ nữ trong xây dựng CNXH, một trong những nội dung quan trọng là phải đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ. “Đảng và Chính phủ ta luôn luôn chú ý nâng cao địa vị của phụ nữ. Hiến pháp định rõ “nam nữ bình đẳng” và luật lấy vợ lấy chồng, v.v. đều nhằm mục đích ấy”. Người nhắc nhở các cấp, các ngành… phải kính trọng phụ nữ, quan tâm đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của nữ giới.

Những lời dạy của Bác thể hiện sự quan tâm sâu sắc, đồng thời cũng tỏ rõ tình cảm của mình giành cho “nửa thế giới”. Người luôn đấu tranh để cho phụ nữ được hưởng quyền bình đẳng với nam giới. Bình đẳng không chỉ về chính trị mà còn từ thực tiễn sinh hoạt của đời sống xã hội và trong gia đình. Bác đã chỉ ra “Chồng đánh chửi vợ, cha mẹ đánh chửi con, là điều rất dã man”5. Bác luôn trân trọng, thương yêu và coi “Phụ nữ Việt Nam là chị em của tôi6Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ. Trong xây dựng CNXH, phụ nữ phải được giải phóng khỏi những tàn dư của hủ tục, định kiến hẹp hòi của tư tưởng phong kiến; vươn lên đóng góp sức mình xây dựng CNXH.

Về thăm và nói chuyện với đồng bào, cán bộ tỉnh Thái Bình năm 1966 – Quê hương của chị Hai Năm tấn, sau khi phân tích tình hình, chỉ rõ nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu, Bác nhấn mạnh: “Một điều nữa Bác cần nói là: phải kính trọng phụ nữ. Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy bình quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau. Lênin dạy chúng ta: phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả. Phụ nữ thì phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ. Nhưng Bác nghe nói vẫn có người đánh chửi vợ! Đó là một điều đáng xấu hổ. Như thế thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng? Như thế là phạm pháp, là cực kỳ dã man. Chi bộ đảng phải giáo dục đảng viên và nhân dân về quyền bình đẳng giữa vợ chồng. Đoàn thể phụ nữ và thanh niên phải bảo ban nhau cách cư xử hoà thuận trong gia đình. Bác mong rằng: từ nay về sau sẽ không còn thói xấu đánh chửi vợ nữa”7.

Bác không chỉ là người đầu tiên đề cập đến vấn đề giải phóng phụ nữ, khẳng định vai trò, vị trí của họ đối với gia đình và xã hội, đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho họ mà còn là luôn động viên, khuyên bảo, nhắc nhở chị em phải tự cố gắng học tập, sáng tạo vươn lên để khẳng định mình chứ không phải chờ Đảng, Chính phủ đề ra các chủ trương, chính sách. Người kêu gọi: Chị em phụ nữ nông thôn thi đua góp sức hoàn thành tốt cải cách ruộng đất và lập những tổ đổi công tốt. Chị em công nhân và công chức thi đua làm tròn nhiệm vụ của mình. Chị em trí thức thi đua góp phần vào việc phát triển văn hoá. Nữ thanh niên tuỳ theo cương vị của mình, thi đua học và hành, xung phong trong mọi công việc. Đồng thời, Bác cũng chỉ rõ một thực trạng: cấp trên có cất nhắc cán bộ phụ nữ nhưng chưa mạnh dạn, tức là còn phần nào chưa coi trọng trí tuệ, tài năng của phụ nữ. Vậy phụ nữ phải làm sao cho người ta thấy phụ nữ giỏi, lúc đó cán bộ không cất nhắc, anh chị em công nhân sẽ cử mình lên.

Trong buổi nói chuyện tại Hội nghị cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình, Người phân tích: Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Quốc tế Phụ nữ, Người khen ngợi phụ nữ Việt Nam ta sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù. Trong kháng chiến, phụ nữ ta từ Bắc đến Nam đều hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước. Nhưng phụ nữ ta cần phải cố gắng nhiều để theo kịp chị em các nước bạn, góp phần nhiều hơn nữa trong việc xây dựng CNXH. Người phê bình: Phụ nữ ta còn một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình; mặt khác, phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn về gia đình, con cái. Muốn giải quyết khó khăn không nên ỷ lại vào Đảng, Chính phủ mà phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng mình, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau để giải quyết mọi khó khăn của phụ nữ trong công tác chính quyền. Người căn dặn: tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng CNXH. Muốn làm trọn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xoá bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hoá, kỹ thuật. Người luôn khuyến khích chị em tự mình cố gắng vươn lên khẳng định mình. Điều đó thể hiện sự quan tâm, thương yêu và đầy tinh thần trách nhiệm của một vị lãnh tụ luôn theo sát, cổ vũ các phong trào của phụ nữ.

Cả cuộc đời 79 mùa xuân, Bác đã giành trọn vẹn cho dân cho nước. Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng để lại cho dân cho nước, Bác căn dặn toàn Đảng, toàn dân “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”8.

Khắc sâu lời dạy và thực hiện tâm nguyện của Bác “một nửa thế giới” cần được giải phóng, bình đẳng về mọi mặt, mục tiêu thiên niên kỷ quốc gia đã ưu tiên phát triển bền vững nguồn lực phụ nữ như: Tăng cường giáo dục, đào tạo, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về mọi mặt, trình độ nghề nghiệp và năng lực quản lý kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường cho phụ nữ; hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế, tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh các chương trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em, cải thiện môi trường sinh hoạt tại từng địa phương; tạo điều kiện để chị em tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới… Cùng với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ưu tiên phát triển nguồn lục phụ nữ, phụ nữ Việt Nam hôm nay luôn cố gắng học tập, công tác, từng bước vươn lên và ngày càng  khẳng định vị thế của mình trong xã hội và trên trường quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

——————————

(1, 2, 4). Hồ Chí Minh toàn tập, t.2, Nxb CTQG, H.2000, tr.112, tr.443, tr.288, tr.974. (3). Sđd, t.4, tr.9. (5, 6). Sđd, t.5, tr.343-344, tr.408. (7). Sđd, t.12, tr.197. (8). Di Chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, H.2010, tr.30

Phạm Thị Nhung
Trường Sĩ quan Lục quân 2 HT: 3cb36 Biên Hoà, Đồng Nai

xaydungdang.org.vn

Chăm lo sự nghiệp giải phóng phụ nữ theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Bác Hồ trò chuyện với đại biểu phụ nữ dân tộc thiểu số tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III (1961)

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặc biệt chăm lo sự nghiệp giải phóng phụ nữ, Người cho rằng làm cách mạng mà không giải phóng phụ nữ thì mới giải phóng một nửa thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặc biệt chăm lo sự nghiệp giải phóng phụ nữ, Người cho rằng làm cách mạng mà không giải phóng phụ nữ thì mới giải phóng một nửa thế giới và chỉ làm cách mạng giải phóng dân tộc để có độc lập dân tộc thì phụ nữ mới được giải phóng.

Trong các văn kiện thành lập Đảng tháng 2-1930, Bác Hồ đã nêu về phương diện xã hội “thực hiện nam nữ bình quyền”. Đây là một điểm trong 4 điểm Chánh cương đề ra trên phương diện xã hội. Điều đó chứng tỏ, ngay từ khi thành lập Đảng, vấn đề giải phóng phụ nữ được Bác Hồ và Đảng ta hết sức coi trọng trong xây dựng đường lối cách mạng, một nội dung trong đường lối cách mạng, giải phóng dân tộc.

Nét đặc biệt trong tư tưởng giải phóng phụ nữ là Hồ Chí Minh đặt vấn đề giải phóng phụ nữ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Quyền của phụ nữ gắn liền quyền dân tộc độc lập, quyền dân tộc tự quyết. Đấu tranh giành quyền độc lập dân tộc thì mới thực hiện được quyền bình đẳng của phụ nữ. Trong cách mạng giải phóng dân tộc phải đem toàn bộ sức mạnh dân tộc (nội lực) để tranh đấu, “đem sức ta mà giải phóng cho ta” thì sự nghiệp giải phóng phụ nữ cũng là đem sức mạnh của đoàn kết dân tộc, của khối đoàn kết phụ nữ mà giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng nam nữ.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ, nổi bật và bao trùm lên tất cả là tính nhân văn của nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, trong hoàn cảnh bị tù đày hay khi là lãnh tụ tối cao của cách mạng, Bác Hồ đặc biệt quan tâm tới phụ nữ. Người cảm nhận sâu sắc thân phận của người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, nhất là trong xã hội còn chịu ảnh hưởng tàn dư của chế độ phong kiến và đô hộ, áp bức của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa theo Hồ Chí Minh là cuộc cách mạng giải phóng con người, do đó nếu không giải phóng phụ nữ, một phần nửa xã hội thì không thể xây dựng được chủ nghĩa xã hội. Và chỉ có chủ nghĩa xã hội mới thật sự đem lại lợi ích, chăm lo lợi ích cho con người, trong đó có phụ nữ được chăm lo, được giải phóng.

Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta luôn chăm lo sự nghiệp giải phóng phụ nữ khỏi mọi áp bức, bóc lột, bất công, bất bình đẳng. Đó cũng là công việc quan trọng trong công cuộc kiến thiết nước nhà, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ là huy động phụ nữ tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo ra nhiều cơ hội cho phụ nữ vươn lên, thật sự bình đẳng với nam giới.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ, nổi bật 3 nội dung lớn:
Một là, giải phóng về chính trị. Giải phóng phụ nữ là một bộ phận của giải phóng dân tộc. Bởi vì nước mất, nhà tan, dân là nô lệ, phụ nữ bị đọa đày đau khổ nhất. Giải phóng dân tộc là tiền đề để giải phóng phụ nữ. Nước có độc lập thì dân mới có tự do. Dân tộc được giải phóng thì phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới trong việc ứng cử và bầu cử vào các cơ quan dân cử, hệ thống chính trị theo Hiến pháp, pháp luật.

Hai là, giải phóng về xã hội. Phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong việc tham gia công việc xã hội. Đồng thời bình đẳng trong hôn nhân với chế độ một vợ một chồng. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng Hiến pháp và Luật Hôn nhân gia đình. Người đã nhiều lần bày tỏ chính kiến trước công luận là phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến và đầu óc gia trưởng, tư tưởng tư sản, trọng nam khinh nữ. Đồng thời phụ nữ phải tự giải phóng, tự vươn lên làm tốt vai trò người phụ nữ trong chế độ mới, chú trọng thiên chức của người phụ nữ trong gia đình.

Ba là, giải phóng tâm lý tự ti, đầu óc phụ thuộc bởi thân phận người phụ nữ trong chế độ cũ, phát huy phẩm chất truyền thống tốt đẹp phụ nữ Việt Nam trong điều kiện xã hội mới, thật sự giải phóng tư tưởng, giải phóng năng lực của phân nửa xã hội để người phụ nữ vươn lên làm chủ bản thân, gia đình, làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội.

Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ, từ giữa thế kỷ XX, trên khắp đất nước Việt Nam, hình ảnh người phụ nữ “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” xuất hiện ngày càng nhiều. Trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp và Mỹ, đã có hàng triệu phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà. Tiêu biểu nhất là các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hàng vạn, hàng nghìn anh hùng, liệt sĩ là nữ mà tên tuổi của họ còn ghi mãi trong sử vàng dân tộc, làm lay động lòng người hôm nay và mãi về sau.

Trong công cuộc xây dựng nước nhà, tiến hành đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, phụ nữ Việt Nam tỏ ra không thua kém nam giới, vươn lên khẳng định vị trí người làm chủ xã hội, thiên nhiên và gia đình, bản thân. Trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, đời sống, xã hội, kinh tế, văn hóa, chính trị, khoa học, kỹ thuật, giáo dục, y tế xây dựng gia đình văn hóa mới đều có và ngày càng nhiều người phụ nữ tiêu biểu cho phẩm chất, năng lực, đạo đức con người mới.

Vì thế, vai trò người phụ nữ ngày càng nâng cao. Trong gần 20 năm qua liên tục có Phó Chủ tịch nước là nữ. Các nhiệm kỳ Đại hội Đảng luôn có nữ là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và nhiều ủy viên Trung ương, Bộ trưởng, Thứ trưởng; tỷ lệ nữ trong Quốc hội chiếm 25%… Trong xây dựng kinh tế, lao động nữ chiếm tỷ lệ hơn 50% trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và nữ tham gia nhiều nghề mới mà trước chỉ dành cho nam giới. Ở lĩnh vực khoa học, công nghệ, nữ tham gia tới gần 40% và tỷ lệ các nhà khoa học nữ đạt hơn 6%. Đặc biệt trong giáo dục, đào tạo và y tế, nữ chiếm tỷ lệ cao và có nhiều người có trình độ cao…

Tiếp tục phát huy vai trò người phụ nữ trong thời kỳ mới, cần quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, chính sách của Đảng để nâng cao hơn nữa vị thế người phụ nữ Việt Nam. Cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong toàn xã hội về vai trò của người phụ nữ trong tiến trình xây dựng xã hội mới, nhất là xây dựng, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam cũng như xây dựng gia đình văn hóa thật sự là tế bào của xã hội văn minh.

Chúng ta cũng cần thật sự chăm lo cho tổ chức của phụ nữ là hệ thống Hội Phụ nữ Việt Nam, nhất là từ cơ sở thật sự là người đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của phụ nữ, chăm lo ngày càng nhiều hơn, tốt hơn cuộc sống vật chất, văn hóa, tinh thần đối với giới nữ, thực hiện bình đẳng giới thật sự cho một nửa số dân, tạo điều kiện để phụ nữ vươn lên làm tốt vai trò trong xã hội.

PHẠM VĂN KHÁNH
Theo Báo Hải Dương online
Huyền Trang (st)

bqllang.gov.vn

Di chúc Bác Hồ và trăn trở của Người về quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ

Tài liệu “Tuyệt đối bí mật”- bản Di chúc thiêng liêng, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết lúc 9 giờ sáng ngày 10/5/1965 đúng dịp sinh nhật lần thứ 75 của Người. Từ ngày 10 đến 14/5/1965, mỗi ngày Người dành một giờ đồng hồ để viết. Những năm sau đó, cũng vào dịp tháng 5, Người lại dành thời gian để đọc lại hoặc viết thêm vào tài liệu ấy. 9 giờ sáng ngày 10/5/1968, khi xem lại tài liệu này, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy cần và Người đã viết thêm một số vấn đề nữa. Trong số những vấn đề đó, Người đã viết về phụ nữ như sau: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”

Những lời tâm huyết này trước lúc đi xa, phải chăng là sự đúc kết ngắn gọn của sự trăn trở cả cuộc đời Người về vấn đề giải phóng dân tộc, giải phóng con người và giải phóng phụ nữ – thực hiện quyền bình đẳng cho mỗi dân tộc, mỗi con người và quyền bình đẳng thật sự của phụ nữ so với nam giới.

Từ những năm đầu thế kỷ XX, khi đang còn hoạt động ở nước ngoài (Pháp), Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã nhìn thấy rất rõ nỗi khổ nhục của người phụ nữ Việt Nam và đanh thép tố cáotội ác của thực dân Pháp đối với phụ nữ xứ thuộc địa An Nam lúc đó: “Không một chỗ nào người phụ nữ thoát khỏi những hành động bạo ngược, ngoài phố,trong nhà, giữa chợ, hay ở thôn quê, đâu đâu họ cũng vấp phải những hành động tàn nhẫn của bọn quan lại cai trị, sĩ quan, cảnh binh, nhân viên nhà đoan, nhà ga”. Người đã đưa ra những dẫn chứng rất cụ thể về những hành vi bạo ngược để minh hoạ cho lời tố cáo đó của mình và còn thấy rõ: Cùng với sự áp bức của thực dân Pháp thì lễ giáo phong kiến Việt Nam cũng coi người phụ nữ là những “đàn bà phải quanh quẩn bếp núc”, “trong xã hội và trong gia đình, người phụ nữ bị hạ thấp tột bậc và không được hưởng chút quyền gì”. “Dưới chế độ phong kiến và thực dân, phụ nữ bị áp bức tàn tệ. Ngoài xã hội thì phụ nữ bị xem khinh như nô lệ. Ở gia đình thì họ bị kìm hãm trong xiềng xích “tam tòng”. Trước sự khổ nhục của người phụ nữ An Nam như vậy, Người vẫn có niềm tin vào sức mạnh ở họ. Người đề cao vai trò, vị trí của giới phụ nữ nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng. Người khẳng định:“muốn thế giới cách mệnh thành công thì phải vận động đàn bà con gái công nông các nước…An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”. Từ đó, Người đã động viên, khích lệ, kêu gọi “Hỡi chị em! Vì sao chị em lại phải chịu sự áp bức bất công như vậy”, “… bây giờ hai chữ “nữ quyền” đã rầm rầm khắp thế giới, chị em ta lại gặp cảnh nước suy vi, nỡ lòng nào ngồi yên được! chị em ơi! Mau mau đoàn kết lại!”

Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo năm 1930, Người đã đưa nội dung “Nam nữ bình quyền” thành một mục ngang bằng với các mục “Dân chúng được tự do tổ chức”, “Phổ thông giáo dục theo công nông hoá”…

Năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng, khi sáng lập Mặt trận Việt Minh (5/1941) để tập hợp lực lượng đánh thực dân Pháp giành độc lập dân tộc, Người đã đề ra 10 chính sách của Việt Minh, trong đó có chính sách về phụ nữ: “Đàn bà cũng được tự do, bất phân nam nữ đều cho bình quyền”. Trong Chương trình Việt Minh, Nguời viết: “Sau khi đánh đuổi đế quốc phát xít Nhật, sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà…. Chính phủ nhân dân của nước VNDCCH do Quốc dân đại hội cử lên sẽ thi hành những chính sách Phổ thông đầu phiếu: hễ ai là người Việt Nam, vô luận nam, nữ từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử… Về chính trị: Nam nữ bình quyền. Về các phương diện kinh tế , chính trị,văn hoá: đàn bà đều được bình đẳng với đàn ông”

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, chỉ một ngày sau khi tuyên bố Việt Nam độc lập, ngày 3/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Người đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước VNDCCH. Trong đó, nhiệm vụ thứ ba, Người nêu: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử”[8][9]. Người còn chủ trương: “Trong cuộc tổng tuyển cử hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái, trai… hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”[9][10].Dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập đã giành thắng lợi lớn. Trong số 333 đại biểu Quốc hội, có 10 đại biểu là phụ nữ.

Là Trưởng ban dự thảo Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa vào bản Hiến pháp đầu tiên (1946) của nước ta những điều luật ngang tầm với nền chính trị tiên tiến của thế giới, trong đó, Điều 9 quy định: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử, người phụ nữ đã được quyền bình đẳng, ngang với đàn ông cả trong quy định pháp lý và cả trên thực tế.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ: Hàng vạn phụ nữ Kinh, Tày, Nùng, Mán, Mèo xung phong tham gia dân công, không quản trèo đèo lội suối, ăn gió nằm sương. Phụ nữ ở xí nghiệp, ở nông thôn, ở cơ quan, kể cả chị em tiểu tư sản đều hăng hái tham gia thi đua yêu nước, thành tích không kém đàn ông. “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Người còn chỉ ra nhiệm vụ chính trị của phụ nữ lúc bấy giờ: “Thắt chặt mối đoàn kết giữa các tầng lớp phụ nữ trong nước, giữa phụ nữ Việt Nam và phụ nữ các nước bạn cùng phụ nữ dân chủ thế giới. – Thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, hăng hái tham gia phong trào chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu.- Hăng hái tham gia chính quyền…

Người cũng nhấn mạnh: Đóng góp của phụ nữ thì to lớn như vậy, nhưng để thực sự nam nữ bình đẳng – bình quyền là “một cuộc cách mạng to và khó”. Bởi vì, “ách áp bức dân tộc và bóc lột giai cấp của bọn thực dân Pháp và tay sai đã gây nên những nỗi đau khổ, cơ cực của người phụ nữ”. Và “vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trongđầu óc của mọi tầng lớp xã hội… phải cách mạng từng người, từng gia đình đến toàn dân dù to và khó nhưng nhất định thành công”. Người chỉ rõ về tầm quan trọng của cuộc cách mạng này: “Nói phụ nữ là nói phần nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội mới một nửa”. Tư tưởng về thực hiện quyền bình đẳng và giải phóng phụ nữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã được ghi trong Hiến pháp năm 1959, tại Điều 24. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trươngxây dựng Luật Hôn nhân và gia đình, và ngày 13/1/1960, Người đã ký Lệnh số 02- LCT công bố đạo Luật này. Luật đã dành các Điều 3;12;13;18 để nói về quyền bình đẳng vợ chồng và phải yêu thương quý trọng nhau.

Trong công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các Bộ, các ngành, các cơ quan, đoàn thể, đơn vị phải chú ý đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện đưa phụ nữ tham gia vào công tác quản lý, lãnh đạo. Có như vậy, phụ nữ mới thực sự bình đẳng. Ngườithường xuyên quan tâm theo dõi từng bước tiến của phụ nữ. Người nhận xét “Thời kỳ thuộc Pháp, phụ nữ ta làm gì đựơc tham gia chính quyền. Nhưng đến nay, số phụ nữ hiện công tác ở các cơ quan Trung ương đã có trên 5.000 người, ở huyện, xã có hơn 16.000 người và các tỉnh có hơn 330 người, đặc biệt trong quốc hội khoá II này có 53 đại biểu phụ nữ”. Người còn động viên chị em noi gương phụ nữ thế giới…; phụ nữ trong nước… như “Phó tổng tư lệnh quân giải phónglà cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”

Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để phụ nữ Việt Nam được hưởng quyền bình đẳng thật sự thì không chỉ làm cách mạng giải phóng họ, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của họ mà còn phải bồi dưỡng, giúp đỡ họ, đưa họ tham gia vào công tác quản lý, lãnh đạo Đảng và chính quyền. Đây là biểu hiện rõ nét nhất về việc thực hiện quyền bình đẳng đối với phụ nữ. Cả cuộc đời Người luôn trăn trở để đem lại quyền bình đẳng thật sự đó.

phunu.hochiminhcity.gov.vn

Quyền bình đẳng của phụ nữ – một vấn đề quan trọng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thạc sĩ, Phó chủ tịch Hội LHPN Hoàng Thị Ái Nhiên

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới là người sớm quan tâm đến vai trò, vị thế của phụ nữ, là một trong những người đi đầu, giương cao tư tưởng chống áp bức và nô dịch phụ nữ.

Trong một bài phát biểu của mình, nhà sử học người Mỹ, bà Giô-xơ-phin Sten-sen đã khẳng định: Trong số những lãnh tụ là nam giới như Tô-mát Giéc-phéc-sơn, Mahatma Găng-đi, Các Mác, Lê-nin, Mao Trạch Đông, Lu-thơ-kinh và Nen-sơn Men-đê-la… Tất cả những lãnh tụ nói trên đều quan tâm sâu sắc đến công lý cho toàn thể xã hội. Song, chỉ có Hồ Chí Minh là đã luôn luôn nói về quyền bình đẳng của phụ nữ…

Còn với chúng ta – những người dân Việt Nam, những người phụ nữ Việt Nam – hơn ai hết, chúng ta hiểu sâu sắc rằng trong suốt quá trình tìm đường cứu nước và lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh cho độc lập tự do, xây dựng chế độ mới, có một tư tưởng xuyên suốt, có một điều luôn thường trực trong tâm khảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu là làm thế nào, làm gì để giải phóng phụ nữ nước ta, để thực hiện nam nữ bình quyền, để quyền lợi của phụ nữ thật sự được tôn trọng, thật sự được bảo đảm.

Vì lẽ đó, cho đến trước lúc đi xa, Người vẫn luôn tâm niệm, dành một phần trong bản Di chúc thiêng liêng để nói về một vấn đề quan trọng là quyền bình đẳng của phụ nữ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, phụ nữ có vai trò rất to lớn trong sự nghiệp cách mạng; giải phóng phụ nữ và thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ là một nội dung quan trọng của quyền con người, một nhiệm vụ của cách mạng. Ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong Bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”

Với lực lượng một nửa nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao những đóng góp to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp Cách mạng, Người khẳng định: “Trong lịch sử phát triển của đất nước, ở bất cứ thời kỳ nào, phụ nữ Việt Nam cũng giữ một vai trò rất quan trọng”; “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ!”.

Như vậy, cả về hai mặt pháp lý và đạo đức, quyền bình đẳng của phụ nữ là một nội dung quan trọng của quyền con người. Trong suốt cuộc đời làm cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn canh cánh một nỗi niềm, một nhiệm vụ: Giải phóng phụ nữ và thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ. Người ý thức sâu sắc rằng giải phóng phụ nữ thuộc địa phải gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng con người.

Là một vị lãnh tụ nói và làm luôn đi đôi với nhau, tư tưởng thống nhất với hành động, Chủ tịch Hồ chí Minh thấu hiểu nổi thống khổ và sự ràng buộc xã hội đối với người phụ nữ; qua đó thức tỉnh họ đứng lên tranh đấu để giành lấy sự bình đẳng; trong công tác phụ nữ Người luôn đòi hỏi ở cả hai phía: Tổ chức Đảng và bản thân người phụ nữ.

Thấu hiểu và thông cảm với phụ nữ, Người luôn quan tâm thức tỉnh, xây dựng cho họ lòng tự tin, niềm tự hào. Người chỉ rõ: “Dưới CNXH, CNCS, người phụ nữ dũng cảm có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ của người đàn ông dũng cảm có thể làm, dù nhiệm vụ đó đòi hỏi rất nhiều tài năng và nghị lực”. Là một lãnh tụ nói đi đôi với làm, Người đã biến sức mạnh tiềm tàng to lớn của phụ nữ thành động lực mạnh mẽ, thành mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Theo Người, một vấn đề cực kỳ quan trọng là phụ nữ phải được tham gia bình đẳng vào quá trình xây nền kinh tế mới của xã hội; sự tiến bộ của nền kinh tế, văn hóa, xã hội là tiền đề để đi tới giải phóng phụ nữ triệt để.

Không chỉ quan tâm đến quyền bình đẳng của nữ giới trong mọi quan hệ xã hội mà Bác Hồ còn lo cho hạnh phúc của nữ giới trong quan hệ vợ chồng,Bác khuyên chị em ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình để tự đấu tranh giải phóng mình khỏi những ràng buộc phi lý kiểu “chồng chúa vợ tôi”. Bác phê phán tình trạng chồng đánh vợ và khẳng định đây là tệ nạn về mặt đạo đức và vi phạm pháp luật: “Đàn ông là người công dân, đàn bà cũng là người công dân, dù là vợ chồng, người công dân này đánh người công dân khác tức là phạm pháp”

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng cũng như trong cuộc sống đời thường, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm động viên phụ nữ.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ, suốt 40 năm qua, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã vận dụng và phát triển một cách toàn diện tư tưởng của Người trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; các tầng lớp phụ nữ đã có nhiều cố gắng nỗ lực để hướng tới sự bình đẳng thực chất cho phụ nữ.

Xuyên suốt từ Cương lĩnh chính trị năm 1930 đến Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, vấn đề quyền bình đẳng của phụ nữ tiếp tục được thể chế hoá trong nhiều văn bản Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt Đảng và Nhà nước ta đã ban hành một số văn bản quan trọng về bình đẳng nam nữ và công tác phụ nữ.

Năm 1981, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Ngày 12/7/1993, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ – TW về “Đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới”. Tiếp tục phát triển các quan điểm của Đảng và Bác Hồ, Nghị quyết xác định phụ nữ là “người thầy đầu tiên” của mỗi đời người; phụ nữ có “những đặc điểm riêng…”; để phát huy vai trò của phụ nữ, Đảng ta đã xác định những nhiệm vụ cơ bản: “phát huy trí tuệ phụ nữ”, “tránh khắt khe, hẹp hòi”, cần “thông cảm, giúp đỡ phụ nữ”, “nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ là thật sự thực hiện quyền bình đẳng và nâng cao địa vị xã hội của phụ nữ”… Về phần mình: “phụ nữ cần kết hợp hài hoà công việc gia đình với công tác xã hội”…

Quan điểmấy tiếp tục được thể hiện trong Chỉ thị 37/CT-TW của Ban Bí thư ngày 16/5/1994 về công tác cán bộ nữ; được cụ thể hoá trong “ Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2010” do Chính phủ công bố ngày 4/10/1997.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ cụ thể: “Đối với phụ nữ, nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện bình đẳnggiới. Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp”.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng X, tiếp tục cụ thể hóa quan điểm của Đảng đối với việc thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong thời kỳ mới, Ngày 27/4/2007, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 11/NQ-TW “Về công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

Ngày 29/11/2006 Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật Bình đẳng giới; ngày 21 tháng 11 năm 2007 Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Đây là những văn bản pháp lý có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội, góp phần hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật về bình đẳng giới, là công cụ pháp lý thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình phấn đấu thực hiện mục tiêu bình đẳng giới ở nước ta.

Bên cạnh những thành tựu về chủ trương, đường lối và luật pháp; về tổ chức bộ máy, lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta có một cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới, có văn bản chính thức giao cho Uỷ Ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội phụ trách về Bình đẳng giới; hằng năm Chính phủ có báo cáo với Quốc Hội về thực hiện các mục tiêu quốc gia về Bình đẳng giới. Những thành tựu đó đã ngày càng tạo điều kiện cho phụ nữ bình đẳng về quyền và cơ hội phát triển; phát huy vai trò, khả năng của lực lượng phụ nữ, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. Cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật của đất nước, sự nghiệp “giải phóng phụ nữ”, “nam, nữ bình quyền”, vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam ngày càng thu được nhiều thành tựu.

Thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, thực hiện lời giáo huấn trong Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu, với lòng biết ơn vô hạn, các tầng lớp phụ nữ trên khắp mọi miền của đất nước đã đoàn kết phấn đấu, năng động, sáng tạo phát huy sức mạnh nội lực, giá trị truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, chủ động, tự tin, đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phầnthực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong vai trò người vợ, người mẹ, với tấm lòng thuỷ chung, nhân hậu, phụ nữ đã cùng nam giới xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Phụ nữ Việt Nam ngày càng trưởng thành về mọi mặt. Trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, địa vị của phụ nữ trong gia đình và xã hội được nâng lên. Quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng được thực hiện đầy đủ hơn. Đời sống vật chất, tinh thần và sức khoẻ của đại bộ phận chị em được cải thiện.

Là tổ chức đại diện, chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam đã giữ vững vai trò nòng cốt trong phong trào phụ nữ. Bám sát chức năng của Hội, nhiệm vụ chính trị của đất nước, các cấp Hội đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt hơn vai trò đại diện quyền làm chủ của phụ nữ; chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành một số chính sách, luật pháp có ý nghĩa chiến lược về công tác phụ nữ, cán bộ nữ và bình đẳng giới. Các cấp Hội đã tích cực vận động phụ nữ và các tầng lớp phụ nữ sôi nổi hưởng ứng thực hiệnphong trào thi đua yêu nước “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc’’. Đặc biệt, đối vớiCuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh”, hơn 2 năm qua cán bộ, hội viên phụ nữ cả nước đã nỗ lực thực hiện không chỉ bằng trách nhiệm mà bằng cả tấm lòng yêu thương và biết ơn vô hạn đối với Bác. Cuộc vận động đã trở thành một đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa, bước đầu đã tạo được những chuyển biến tích cực trong việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức trong cán bộ, hội viên, xây dựng được phong trào “làm theo” tấm gương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí củaBác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quát, quan niệm bất bình đẳng, tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn tồn tại trong xã hội ta dưới nhiều hình thức, ở nhiều nhóm xã hội khác nhau, kể cả đội ngũ cán bộ, công chức, thậm chí cả trong nữ giới. Giữa chủ trương, chính sách và pháp luật với thực tiễn còn khoảng cách lớn, để đạt được sự bình đẳng thực sự giữa nam và nữ còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong thực tế, phụ nữ đang phải đối mặt với đói nghèo, lạc hậu, thiếu việc làm, sự bất cập về trình độ học vấn, chuyên môn chính là những bước cản trở đến sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ. Ngay tại các bộ, ngành và những đơn vị hành chính, kinh tế lớn, vấn đề bình đẳng giới vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Việc bồi dưỡng, phát triển cán bộ nữ còn hạn chế. Tỷ lệ thất nghiệp trong nữ giới có xu hướng cao dần lên trong cả khu vực công và tư; tình trạng bạo lực gia đình mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ vẫn còn cao; tình trạng thất học, bỏ học của các cháu gái ở vùng sâu, vùng xa còn khá phổ biến; khoảng cách giàu nghèo giữa đô thị với nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn khá lớn…

Để tiếp tục thực hiện nội dung quan trọng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền bình đẳng của phụ nữ, đồng thời thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, trong thời gian tới, cần tiếp tục có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức hoạt động trên lĩnh vực xã hội và bình đẳng giới; sự nỗ lực của toàn dân và của phụ nữ.

Từ diễn đàn hội thảo này, chúng tôi mong muốn Đảng và Nhà nước, tiếp tục lãnh đạo, thể chế hoá những quan điểm về bình đẳng giới thông qua các chính sách, pháp luật; tiếp tục hoàn thiện các chính sách có liên quan đến vấn đề bình đẳng giới. Đề ra các giải pháp hữu hiệu để đưa Nghị quyết, chính sách, pháp luật vào cuộc sống; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội về bình đẳng giới; tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ vào bộ máy các cơ quan lãnh đạo các cấp; định kỳ hàng năm kiểm tra việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Về phần mình, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tổ chức các hoạt động thiết thực phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ và nhiệm vụ chính trị được giao. Chú trọng nâng cao năng lực của đội ngữ cán bộ các cấp để thực hiện tốt hơn vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của phụ nữ. Tăng cường tham mưu cho Đảng có những chính sách cụ thể, kịp thời động viên khuyến khích chị em vươn lên đảm nhận trách nhiệm trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhân kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người trong cán bộ, hội viên phụ nữ cả nước; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh” trong cán bộ, hội viên phụ nữ bằng những việc làm cụ thể thiết thực.

Với tất cả lòng thương yêu và biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu, tưởng nhớ Bác, cán bộ, hội viên phụ nữ cả nước quyết tâm đoàn kết, phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đóng góp tài năng, sức lực trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu bình đẳng, phát triển của phụ nữ, xứng đáng với niềm tin yêu và lòng mong muốn của Bác Hồ.

phunu.hochiminhcity.gov.vn

Những mẩu chuyện về Bác Hồ với phụ nữ

Cẩm Chương
(Ghi theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ)

Bình sinh, Bác Hồ là người luôn quan tâm đến phụ nữ và phong trào phụ nữ. Nhân kỷ niệm 110 nǎm ngày sinh của Người, phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam đã tới gặp bác Vũ Kỳ – thư ký riêng của Bác Hồ nǎm nay đã trên 80 tuổi. Để ghi lại những mẩu chuyện về Bác Hồ với phụ nữ, Bác Hồ với vấn đề phê bình và tự phê bình, vấn đề xây dựng chỉnh đốn Đảng.

Phụ nữ muốn được bình đẳng không phải bảo Đảng và Chính phủ hay nam giới giải quyết mà phải tự đấu tranh phấn đấu giành lấy“.

Thường hay được đi với Bác, đến đâu tôi cũng thấy Bác quan tâm hỏi về phụ nữ. Một lần, tới một hội nghị, nhìn suốt dọc hội trường Bác hỏi: “Này các chú, phụ nữ đâu mà không thấy phụ nữ ngồi hàng đầu?” Rồi Bác lại hỏi tiếp “Các cô gái có đấy không? Có ạ. “Vậy mời lên đây ngồi. Ngay việc ngồi cũng không bình đẳng. Phụ nữ muốn được bình đẳng không phải bảo Đảng và Chính phủ hay nam giới mời lên ngồi mới ngồi mà phải tự đấu tranh phấn đấu giành lấy”. Đó chính là lời cǎn dặn cũng như mong muốn của Bác Hồ đối với phụ nữ bởi đối với phụ nữ bao giờ Bác Hồ cũng dành sự quan tâm nhiều nhất. Thường khi đi tới đâu hoặc làm việc gì Bác Hồ cũng nói đến phụ nữ và phong trào phụ nữ. Bác thường nhắc: lực lượng phụ nữ không nhỏ, có khi số lượng còn đông hơn nam giới vì thế khi giải quyết việc gì trong dân, điều quan trọng là phải làm như thế nào đối với phụ nữ. ở Việt Nam, châu á, châu Phi, sự bất bình đẳng giữa nam và nữ rất rõ rệt. Phụ nữ Việt Nam có hoàn cảnh đặc biệt hai lần bị bóc lột: Đế quốc và ý thức hệ phong kiến với “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” đã đè nặng lên người phụ nữ.

Bác Hồ luôn nhấn mạnh như vậy. Vì thế mọi đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ bao giờ cũng chú ý đến phụ nữ. Trong di chúc của Bác Hồ cũng có những đoạn riêng viết về phụ nữ: “Tháng 5-1968, khi tôi xem lại thư này, tôi thấy cần viết thêm mấy điểm. Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước; phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách nhiều công việc kể cả lãnh đạo. Phụ nữ phải phấn đấu vươn lên, đây là một cuộc cách mạng”.

Thẳng thắn phê bình nhưng vẫn giữ tình đồng chí thương yêu

Bác nhắc đến phụ nữ thường nhắc đền quyền bình đẳng vì vậy hiện nay nếu Bác còn, ngay trong cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, chắc Bác cũng sẽ đặt ra: Giới phụ nữ sẽ phải làm gì? Trách nhiệm ra sao? Bác chú ý đến quyền lợi song cũng chú ý đến trách nhiệm của phụ nữ vì vậy phụ nữ cũng nên tìm lấy cái gì trong cuộc vận động này và nên làm thế nào cho tốt. Khi đi thǎm các nước, Bác thường nói với phụ nữ các nước đó: Phụ nữ Việt Nam làm được nhiều việc cho đất nước, phụ nữ Việt Nam thay thế nam giới thực hiện phục vụ cho chiến đấu, sản xuất. Đặc biệt, khi làm chủ nhiệm hợp tác xã (HTX), phụ nữ làm tốt hơn nam giới, cần cù hơn, không lãng phí, không đánh chén. Có lần tại một hội nghị cấp huyện Bác hỏi: ở đây có Hải Phòng không? Có ạ. Hợp tác xã các chú làm thế nào mà phải sang HTX khác mượn lợn để lừa dối cấp trên? Có không? Có ạ. Vậy không nên làm như thế nữa. Lúc đó, gần tết, Bác hô hào kêu gọi tiết kiệm. Bác nói: “Các chú phải có vǎn hóa không được đánh vần chữ “tiết kiệm” thành “tiết canh”. Phụ nữ người ta làm chủ nhiệm đâu có đánh chén. Chủ nhiệm phụ nữ thật thà, phải đưa nhiều phụ nữ tham gia làm chủ nhiệm. Lúc nào, ở đâu, Bác cũng nhắc, liên hệ đến phụ nữ. Vì vậy trong cuộc vận động này, phụ nữ phải tham gia thúc đẩy làm tốt. Trong di chúc Bác Hồ đã viết: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là phải chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi Đảng viên, mỗi Đoàn viên; mỗi Chi bộ…”. Hiện nay, Đảng ta thực hiện xây dựng chỉnh đốn Đảng là thực hiện di chúc của Bác. Tôi tin phụ nữ cũng sẽ là lực lượng tiên phong thực hiện. Muốn chỉnh đốn Đảng tốt là phải phê bình và tự phê bình. Một lần được ǎn cơm với Bác, tôi có hỏi: Thưa Bác không hiểu tại sao cháu ở với Bác lâu, Bác chưa hề cáu gắt mà cháu lại hay cáu gắt với anh em. Bác trả lời luôn: “Chú ở với Bác lâu, Bác cũng ở với chú lâu nhưng có bao giờ thấy chú gắt với Bác đâu. Sở dĩ chú cáu gắt là vì chú chưa tôn trọng đầy đủ với anh em”.

Đúng là tôi chưa dám cáu gắt với cấp trên bao giờ. Sau đó Bác còn nói thêm: Chú thấy bánh ga tô có ngon không. Dạ rất ngon: Thế mà Bác thấy chú ǎn no, Bác mới mang ra, chú có thấy ngon không? Dạ bớt ngon. Nếu Bác nhét vào mồm chú, chú còn thấy ngon không? Dạ hết ngon. Phê bình cũng vậy, phải đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách thì mới giải quyết được. Bản thân Bác trong lúc làm việc cũng rất lắng nghe, chấp nhận sự góp ý của mọi cộng sự. Cụ thể có lần (nǎm 1968), Ban Tuyên huấn chuẩn bị cho Bác bài báo viết về việc nâng cao đạo đức cách mạng chống chủ nghĩa cá nhân để đǎng trong dịp kỷ niệm. Sau nhiều lần Bác sửa, đến khi chuẩn bị in có ý kiến đề nghị Bác đảo lại tít bài “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng” vì Đảng viên nói chung là tốt, Bác chấp nhận đảo lại tiêu đề mặc dù Bác vẫn hỏi: ở nhà vợ con các chú mua tủ mới, trước khi kê vào phải quét dọn phòng vậy phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân thì đạo đức cách mạng mới đến được chứ. Điều này nếu mang áp dụng vào cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng thật là đúng bởi mỗi Đảng viên phải gạt bỏ được cá nhân của mình thì mới có thể tiến bộ được. Bác nói phải phê và tự phê bình song vẫn khẳng định “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta” và nǎm 1966 Bác còn viết thêm trong di chúc: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” – về việc này phụ nữ thực hiện tốt hơn. Tuy nhiên, Bác cũng nói: phụ nữ ta thường tự ti, có thói quen rụt rè không dám đấu tranh. Phụ nữ là đảng viên cũng mang thói quen đó vào. Bởi thế, trong cuộc vận động này, phụ nữ phải cố gắng để xứng đáng với sự quan tâm, tin yêu mà Bác đã dành cho.

Chúng ta biết Bác là người sáng lập Đảng, rèn luyện Đảng nên vững mạnh. Bác nhắc: “Toàn tâm toàn ý phục vụ Đảng, phục vụ Tổ quốc thì Đảng mới lãnh đạo được, dân mới noi theo. Người dân có câu: “Đảng viên đi trước làng nước theo sau” là như vậy. Nǎm nay là nǎm 2000, là nǎm chúng ta kỷ niệm lần thứ 110 ngày sinh của Người càng nhớ về Người càng phải cố gắng làm theo lời Người dặn, cố gắng làm theo cách Người làm.

Báo Phụ nữ Việt Nam, ngày 15/5/2000

govap.hochiminhcity.gov.vn

Bác Hồ với phong trào phụ nữ “ba đảm đang”

Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá rất cao tinh thần yêu nước và sự đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Từ thân phận người nô lệ, phụ nữ đã vùng lên làm cách mạng, tham gia vào cuộc đấu tranh chung, trở thành người chủ thực sự, có quyền lợi, có trình độ văn hóa và địa vị xã hội. Hòa trong công cuộc cách mạng lớn của dân tộc, phong trào thi đua của phụ nữ việt Nam đã phát triển sâu rộng chưa từng thấy trong công cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ.

Đặc biệt khi đế quốc Mỹ dùng mọi cách phá hoại Hiệp định Giơnevơ, tiến hành chiến tranh xâm lược miền Nam, âm mưu chia cắt lâu dài nước ta, mở rộng chiến tranh, dùng máy bay đánh phá miền Bắc. Người người đều căm giận tội ác tày trời của đế quốc Mỹ đối với nhân dân việt Nam. Phong trào chống Mỹ sục sôi trong cả nước.

Tháng 3 năm 1965 (nhân dịp kỷ niệm lần thứ 15 Ngày toàn quốc chống Mỹ: 3/1950 -3/1965) Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam kêu gọi phụ nữ toàn quốc khắc sâu lòng căm thù đế quốc Mỹ, biến căm thù thành quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, Trung ương Hội đã phát động phong trào “Ba đảm nhiệm” trong phụ nữ toàn miền Bắc với nội dung:

1. Phụ nữ đảm nhiệm sản xuất và công tác thay thế cho chồng con đi chiến đấu.

2. Phụ nữ đảm nhiệm việc gia đình cho chồng, con, anh em tòng quân và phục vụ lâu dài trong quân đội.

3. Phụ nữ đảm nhiệm phục vụ chiến đấu, tham gia dân quân tự vệ, tập luyện quân sự để sẵn sàng chiến đấu; phục vụ bộ đội, công an, dân quân tự vệ khi chiến đấu.

Quan tâm tới phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân, Bác Hồ rất chú ý phong trào của chị em phụ nữ, Người đã chỉ thị sửa từ “Ba đảm nhiệm” thành “Ba đảm đang” đúng với bản chất của người phụ nữ trong gian khó. Lần đầu tiên phong trào “Ba đảm đang” được Bác viết trong văn bản “Lời kêu gọi nhân ngày 20-7-1965”, khuyến khích chị em thực hiện thật tốt phong trào này, để làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng “Chống Mỹ cứu nước”.

Phong trào “Ba đảm đang” từ ngày ấy được phát triển, thực sự là một phong trào cách mạng sâu rộng, đi đến mọi nhà lôi cuốn mọi tầng lớp phụ nữ tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Những giá trị tinh thần, những đóng góp to lớn của phụ nữ trong phong trào “Ba đảm đang” của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ được thể hiện trong chiến đấu, trong lao động và cuộc sống hàng ngày. Một cuộc chiến hết sức gay go quyết liệt với tên đế quốc có tiềm lực kinh tế mạnh nhất thế giới. Trong lịch sử Việt Nam chưa có thời kỳ nào lực lượng phụ nữ lại có cả bà già, phụ nữ có con nhỏ tham gia phong trào chiến đấu, phục vụ chiến đấu đông đảo như cuộc kháng chiến này. Ý thức được nghĩa vụ chống Mỹ cứu nước, ở hậu phương, chị em đều đảm đang việc gia đình, thay thế chồng con sản xuất và trực tiếp chiến đấu. Ban ngày các chị tay cày, tay súng, tối về lo việc nhà, dạy dỗ con thơ. Nhiều tấm gương của chị em đã được cả nước biết đến như các trung đội nữ dân quân bắn rơi máy bay Mỹ ở huyện Hậu Lộc, huyện Tĩnh Gia, huyện Hoằng Hóa, huyện Hà Trung tỉnh Thanh Hóa; huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình…và đã được Bác Hồ gửi thư khen.

Đó là gương chị La Thị Tám – người con gái sông La, tỉnh Hà Tĩnh tham gia bảo vệ an toàn cho những con đường huyết mạch trong tỉnh, trực tiếp quan sát, dũng cảm cắm tiêu hàng trăm quả bom nổ chậm. Chị Nguyễn Thị Thứ, nữ dân quân ở Hậu Lộc, Thanh Hóa cùng chị em bắn rơi ba máy bay Mỹ… Biết bao tấm gương không thể kể hết của các chị từng một mình nuôi mẹ già, chăm sóc con nhỏ để chồng đi chiến đấu xa mà vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các chị xứng đáng là những Anh hùng trong thời đại anh hùng, thể hiện nét đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam đoàn kết, yêu nước, thương nhà.

Trong kháng chiến chống pháp, ngày 8-3-1952 tại chiến khu Việt bắc, Bác Hồ đã kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ Quốc. Tỏ lòng biết ơn các bà mẹ có con trong bộ đội và các bà mẹ cùng vợ con của các liệt sĩ, Người nói: “Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc ta, phụ nữ ta đang gánh một phần quan trọng”. Trong kháng chiến chống Mỹ, phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (19-10-1966), Người đánh giá :“phong trào “Năm tốt” của phụ nữ miền Nam, phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ miền Bắc là phong trào yêu nước nồng nàn và rộng khắp, lôi cuốn đông đảo phụ nữ hai miền thi đua sản xuất, phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu, góp phần to lớn vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân… Như thế là từ xưa đến nay, từ Nam đến Bắc, từ trẻ đến già, phụ nữ Việt Nam ta thật anh hùng”.

Tin tưởng vào khả năng và lòng hy sinh dũng cảm của phụ nữ Việt Nam, Bác luôn động viên chị em phát huy truyền thống yêu nước của Hai Bà Trưng, Bà Triệu để tự hào, noi gương, phấn đấu. Bác gửi thư khen, tặng huy hiệu, tổ chức gặp gỡ các mẹ, các chị, các nữ dân quân, du kích bắn rơi máy bay Mỹ. Có khi Bác trực tiếp, tự tay trao huy hiệu của Người cho phụ nữ có nhiều thành tích trong phong trào “Ba đảm đang” của Thủ đô (2-12-1965). Bác đã trao tặng cho phụ nữ Việt Nam danh hiệu vinh dự “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ cứu nước”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác kính yêu, phát huy sức mạnh tổng hợp, cùng với các phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai” trong công nhân, nông dân; phong trào “Ba sẵn sang” trong thanh niên, phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ… một thời đã góp phần cùng toàn dân đưa sự nghiệp chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

45 năm đã trôi qua, phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ đã được ghi nhận là một mốc son trong lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam, một phong trào đã có tác dụng vận động to lớn trong một giai đoạn lịch sử dân tộc. Ngày nay phát huy phong trào của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước, chị em luôn ghi nhớ lời dạy và sự quan tâm của Bác, chú ý nâng cao trình độ, tham gia công tác xã hội, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tích cực tham gia các phong trào do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động.

Nguyễn Thị Nhi

hoilhpn.org.vn

Di chúc Hồ Chí Minh – Vấn đề giải phóng phụ nữ và phát triển bền vững

Vượt lên các nhà cách mạng cùng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người khởi xướng con đường giải phóng phụ nữ ở nước ta. Người đã thức tỉnh phụ nữ giải phóng chính mình, tham gia giải phóng dân tộc. Ngay từ rất sớm Bác luôn cảm thông sâu sắc với nỗi thống khổ của phụ nữ Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai.

Người xác định rõ, bất bình đẳng nam nữ không đơn thuần là bị ảnh hưởng bởi các tư tưởng lạc hậu mà chủ yếu là do chế độ kinh tế xã hội. Cả cuộc đời hoạt động của Người, đi đôi với “nói và làm” Bác kêu gọi và “Thực hiện nam nữ bình quyền”, coi sự nghiệp giải phóng phụ nữ là một mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Trước lúc đi xa, di chúc để lại Bác còn căn dặn toàn Đảng, toàn dân: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ.”(1)

Mỗi lời trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta, cho các Đảng anh em và cả nhân dân thế giới là những lời căn dặn, những tình cảm, niềm tin của Bác đối với mỗi chúng ta ngày nay và các thế hệ mai sau. Di chúc Bác thể hiện toàn diện, nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh; đoạn trích trên chỉ 86 chữ, Bác vừa ghi nhận công lao của phụ nữ trong suốt chặng đường đấu tranh giành độc lập; vừa căn dặn “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực và bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên” đồng thời chỉ rõ “Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

Lịch sử của dân tộc, tuy phải trải qua hơn nghìn năm bị các triều đại phong kiến phương Bắc xâm chiếm, dân tộc ta đã không ngừng đấu tranh: Trước là giành độc lập chủ quyền, sau là bảo vệ truyền thống, không để bị đồng hóa với Hán tộc. Dù ra sức giữ gìn, song sự tiếp cận và giao thoa nền văn hóa chúng ta vẫn khó tránh ảnh hưởng tư tưởng phong kiến của Trung quốc, đặc biệt tư tưởng của Khổng giáo với thuyết Chính danh một học thuyết chủ trương xây dựng chế độ xã hội theo một tôn ti trật tự nghiêm ngặt, với nhiều luật lệ hà khắc, nô dịch, khống chế mọi quyền tự do và bình đẳng của phụ nữ. Người phụ nữ bị ràng buộc suốt đời bởi lễ giáo: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (tại gia đình nghe lời cha, đi lấy chồng theo và nghe chồng, nếu chồng chết thì theo và nghe con); rồi quan niệm nối dõi tông đường, duy trì dòng giống là con trai, “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một con trai xem như có, mười con gái cũng như không). Coi con gái là “nữ sinh ngoại tộc”; Thuyền theo lái, gái theo chồng; sinh con gái, mất cả con và sau này là mất cả họ (con cái mang họ cha). Đạo Khổng coi phụ nữ là “tiểu nhân”, “nan hóa”, khó thể cải đổi, không học chữ được, cho nên nhiều người không cho con gái đi học, họa hoằn có cho thì cũng hạn chế chỉ nhằm mục đích “trang trí” …

Hơn 80 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, chế độ thuộc địa đưa việc học văn minh phương Tây vào cũng chỉ nhằm đào tạo một lớp tay sai phục vụ thực dân, nhãn hiệu “tự do, bình đẳng, bác ái” không mang lại cho phụ nữ sự tiến bộ nào hơn ngoài đẩy một bộ phận phụ nữ Việt Nam phải rời khỏi gia đình gia nhập đội quân lao động ở các xưởng máy hay những đồn điền cao su tăm tối, bị bóc lột, chà đạp nhân phẩm, thậm chí số ít bị tha hóa với sự gia tăng các tệ nạn xã hội.

Được sinh ra trong gia đình Nho học, lớn lên trong hoàn cảnh Tổ quốc bị xâm lược, đồng bào bị đày đọa dưới chế độ thuộc địa nửa phong kiến, lòng nhân ái của Người đã sớm trỗi dậy mãnh liệt, khi chứng kiến cảnh nhân danh những người đi “khai hóa văn minh cho An Nam” bạo tàn đến mức Bác phải thốt lên “Chưa có bao giờ, ở một nước nào mà người ta lại vi phạm mọi quyền làm người một cách dã man, độc ác trắng trợn đến thế, Không phải chỉ có những cuộc khám nhà hàng loạt, liên tục, mà còn có những cuộc khám xét thân thể người bản xứ bất kể ở chỗ nào, bất kể là nam hay nữ. Nhân viên nhà đoan (Sở thuế vụ – NV), vào nhà người bản xứ, bắt đàn bà, con gái cởi hết áo quần trước mặt chúng, và khi họ đã trần truồng như nhộng thì chúng giở trò dâm đãng kỳ quặc đến mức đem cả con dấu nhà đoan đóng lên người họ.” (2)

Với Bác trong cảnh tình “Thưở đất nước đắm chìm trong tăm tối”(3). Cứu nước là tiếng gọi thống thiết của non sông, và từ rất sớm Bác thấy rõ “Đàn bà con gái cũng nằm trong nhân dân. Nếu cả dân tộc được tự do, đương nhiên họ cũng được tự do. Ngược lại nếu dân tộc còn trong cảnh nô lệ thì họ và con cái họ cũng sẽ sống trong cảnh nô lệ đó thôi.” (4)

Khi hoạt động ở hải ngoại, để chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức và phương pháp đấu tranh cách mạng cho đội tiên phong chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam là các lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu (1925-1927), Đường kách mệnh tác phẩm tập hợp các bài giảng của Người đặt cơ sở cho việc hình thành đường lối và phương pháp của cách mạng Việt Nam theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, dẫn lời C.Mác, Bác viết rằng: “Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái, thì biết xã hội tiến bộ ra thế nào?”. Dẫn lời Lê-nin, Bác viết: “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công”; Người không chỉ thấy cần thiết phải giải phóng phụ nữ khỏi bất công mà còn nhìn ra sức mạnh tiềm tàng ở chính trong phụ nữ “Những lời ấy không phải câu nói lông bông. Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia”(5).

Cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân; trong tuyên ngôn độc lập đọc tại Quảng trường Ba đình lịch sử ngày 02/9/1945 Bác đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới, quốc dân và đồng bào “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”(6). Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Bác đã dẫn câu nói đó từ Tuyên ngôn độc lập 1776 của Mỹ.

Nói như vậy đúng nhưng chưa đủ, bởi vì nếu đọc lại Tuyên ngôn độc lập Mỹ 1776(7) và Hiến pháp Mỹ năm 1787 cho thấy “all men” trong tuyên ngôn độc lập Mỹ chỉ là những người đàn ông da trắng, theo đạo Tin Lành có tài sản mới được bầu cử;tiêu chuẩn sở hữu này chấm dứt vào đầu thế kỷ 19 và tới năm 1920 phụ nữ mới giành được quyền bầu cử, tức là sau 144 năm giành độc lập phụ nữ Mỹ mới được quyền đi bầu bởi tu chính hiến pháp lần thứ 19: “Quyền bầu cử của các công dân Hoa Kỳ sẽ không bị phủ nhận hoặc hạn chế bởi Liên bang hoặc bất cứ bang nào với lý do giới tính”. Đối với người Mỹ da đen thì tới phong trào đòi quyền dân chủ diễn ra vào những năm 1960 mới giành được quyền bầu cử đầy đủ và đến 1971 các công dân trẻ tuổi mới được trao quyền bầu cử khi Hoa Kỳ hạ tuổi bầu cử từ 21 xuống 18 tuổi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với phụ nữ các dân tộc.

Trong khi “Tất cả mọi người” mà trên thực tế được thể hiện trong Hiến pháp Việt Nam Dân chủ cộng hoà bao gồm tất cả các công dân không phân biệt giới tính, tôn giáo, sắc tộc hay chính kiến. Đó chính là một sự phát triển sáng tạo khi tiếp thu Tuyên ngôn độc lập Mỹ, và điều đó không chỉ là lời nói mà là bằng chỉ đạo, lãnh đạo và thực tiễn, ngày 06/01/1946 mọi công dân Việt nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt giới tính, tôn giáo, dân tộc đều đã “phổ thông đầu phiếu, trực tiếp và kín” để bầu ra quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, và chính quốc hội này đã soạn thảo, thông qua hiến pháp năm 1946, Bản “Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân”.(8)

Không chỉ bình đẳng về chính trị, mà còn từ thực tiễn sinh hoạt của cuộc sống xã hội, trong tài liệu tuyên truyền thực hành đời sống mới Bác nói “Việc đời không gì khó, chỉ sợ chí không bền”. Bác đã chỉ ra “Chồng đánh chửi vợ, cha mẹ đánh chửi con, là điều rất dã man”(9). Bằng sự trân trọng, thương yêu, Bác xác định “Phụ nữ Việt Nam là chị em của tôi.”(10); Người còn nói “Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ. Hiến pháp và pháp luật của nước ta đã quy định rõ điều đó – Người ví dụ:
Hiến pháp điều 24 nói: Phụ nữ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình…v.v. .”

Bác lên án những hành vi bạo hành trong gia đình như:

“Ở Lương Yên (Hà Nội) trong 196 gia đình, thì có 26 người chồng thường đánh mắng vợ, có người đánh vợ bị thương. Ở khu Hai Bà Trưng, có người chỉ vì thức ăn không vừa ý, đã hất cả mâm cơm vào mặt vợ. Có người vợ ốm, chồng để mặc, không săn sóc trông nom. Ở xã Quảng Lưu (Thanh Hoá), có người nhét tro vào miệng vợ và đánh vợ què tay. Có người cạo trọc đầu và lột hết áo quần vợ, rồi giong vợ đi bêu khắp thôn xóm…
Những cử chỉ tàn nhẫn dã man như vậy vừa là phạm pháp luật Nhà nước, vừa trái với tình nghĩa vợ chồng..

Để chống bạo hành, ngược đãi, thật sự bảo vệ quyền lợi của phụ nữ Bác vừa bày vẽ vừa hướng dẫn cho các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội:

“- Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên phải phụ trách tuyên truyền và giáo dục một cách rộng khắp và bền bỉ cho mỗi gia đình hiểu rõ pháp luật Nhà nước và thấm nhuần đạo đức xã hội chủ nghĩa về vấn đề ấy.

– Bà con trong làng xóm và trong hàng phố cần phải có trách nhiệm ngăn ngừa, không để những việc phạm pháp như vậy xảy ra.

– Bản thân chị em phụ nữ phải có chí tự cường tự lập, phải đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình”.

Song song tuyên truyền giáo dục, thuyết phục với thái độ kiên quyết, Bác còn chỉ ra: “Đối với những người đã được giáo dục khuyên răn mà vẫn không sửa đổi, thì chính quyền cần phải thi hành kỷ luật một cách nghiêm chỉnh. … “Những hành vi trái với luật này sẽ bị xử lý theo pháp luật”. Nói tóm lại, giáo dục phải đi đôi với kỷ luật.”

Về thăm nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Thái Bình là một tỉnh sản xuất khá giỏi năm 1966, sau khi phân tích tình hình, chỉ rõ nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu Bác nhấn mạnh: “Một điều nữa Bác cần nói là: Phải kính trọng phụ nữ. Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau. Lê-nin dạy chúng ta: Phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả. Phụ nữ thì phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ. Nhưng Bác nghe nói vẫn có người đánh chửi vợ! Đó là một điều đáng xấu hổ. Như thế thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng? Như thế là phạm pháp, là cực kỳ dã man. Chi bộ đảng phải giáo dục đảng viên và nhân dân về quyền bình đẳng giữa vợ chồng. Đoàn thể phụ nữ và thanh niên phải bảo ban nhau cách cư xử hoà thuận trong gia đình. Bác mong rằng: Từ nay về sau sẽ không còn thói xấu đánh chửi vợ nữa”.(11)

Nói về sự thủy chung, phê phán hành vi “được cá quên tôm, được trăng quên đèn”, về sự bội bạc thay đen, đổi trắng “Bác nghe nói có cháu trước khi vào đại học đã có người yêu hoặc đã có vợ, nhưng khi “thành tài” rồi lại chê người cũ. Như thế là không có đạo đức, làm sao trở thành cán bộ tốt được!”(12)

Từ lời dạy và Di chúc của Bác, trong suốt chặng đường đồng hành cùng dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã phát huy cao độ truyền thống vẻ vang dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong quá trình đấu tranh giành chính quyền cũng như trong chiến tranh cách mạng. Hàng triệu những tấm gương kiên trung tô thắm thêm truyền thống phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Đó là những gương trung liệt của Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Chiên, Mạc Thị Bưởi, Trần Thị Lý, Kan Lịch, Nguyễn Thị Út, Hồ Thị Kỷ, Dương Thị Cẩm Vân… và triệu triệu những cô gái, đã cùng các chàng trai cống hiến cả máu của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Đấu tranh quyết liệt với quân thù, phản ánh phong trào phụ nữ vùng tạm chiếm, nhà thơ Viễn Phương còn ghi lại trên văn bia “Đôi tay yếu mẹ đẩy lùi máy chém/ Tấm thân gầy mẹ cản xích xe tăng/ Nước mắt chảy vào tim mẹ tiễn con ra trận/ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” lớp lớp lên đường”(16); trước đó cũng như Bác đã khẳng định trong thư gửi phụ nữ nhân dịp kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Quốc tế Phụ nữ 8/3/1952: “Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc ta, phụ nữ ta đang gánh một phần quan trọng….Nhiều bà cụ ngoài bảy tám mươi tuổi, chẳng những đã xung phong đi dân công, mà còn thách thi đua với các cụ ông và con cháu…

Nói chung là phụ nữ ở vùng tạm bị chiếm, nói riêng là các nữ du kích, không quản khó nhọc nguy hiểm, ra sức giúp đỡ chiến sĩ và cán bộ, hăng hái đấu tranh chống quân thù…”(13)

Qua 35 năm thực hiện lời căn dặn của Bác, năm 2004 trong định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam thế kỷ 21, vẫn còn ghi: “Mặc dù đạt nhiều thành tựu trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ, Việt Nam còn phải tiếp tục thực hiện nhiều công việc nhằm đạt được sự bình đẳng về giới, cải thiện điều kiện sống và lao động, nâng cao địa vị chính trị và xã hội của phụ nữ, xóa bỏ triệt để mọi hành động xâm phạm những quyền cơ bản của phụ nữ. Phụ nữ hiện vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi hơn nam giới trong việc có cơ hội học tập, đào tạo nghề nghiệp và nâng cao trình độ, tìm kiếm việc làm, gánh váccác công việc gia đình”(14).

Để tiếp tục tâm huyết của Bác Hồ “Một nửa thế giới” cần được giải phóng bình đẳng về mọi mặt và thực hiện tốt mục tiêu thiên niên kỷ quốc gia, toàn Đảng, toàn dân cần ưu tiên mọi nguồn lực để giúp phụ nữ có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển bền vững như: Tăng cường giáo dục, đào tạo, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về mọi mặt, trình độ nghề nghiệp và năng lực quản lý kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường cho phụ nữ; Hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế, tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh các chương trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em, cải thiện môi trường sinh hoạt tại từng địa phương; tạo điều kiện để chị em tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới…

Từ thực tiễn hoạt động và căn dặn trong di chúc, Bác Hồ đã khẳng định rằng sự tiến bộ của nền kinh tế, văn hóa, xã hội là tiền đề bức thiết để đi tới giải phóng triệt để phụ nữ, điều đó cũng có nghĩa sự nghiệp giải phóng phụ nữ không thể tách rời mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”; đó cũng là thực chất cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đi tới giải phóng xã hội, giải phóng con người dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thực hiện di chúc của Bác về sự nghiệp giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới, mỗi chúng ta chắc chắn sẽ hết sức đau lòng khi biết rằng “Theo báo cáo của Ủy ban Dân số – Gia đình và Trẻ em, 30% số phụ nữ bị đánh đập, lạm dụng cưỡng bức bằng nhiều hình thức do người chồng gây ra,… Và Một cuộc khảo sát ở Hà Nội, Phú Thọ và Thái Bình vào năm 2007 chỉ ra rằng có đến 40% những người phụ nữ được hỏi thừa nhận có bạo lực trong gia đình mình…”(15). Cho nên tiếp tục thực hiện di chúc của Bác, để Luật bình đẳng giới năm 2006, Luật Chống bạo hành gia đình năm 2007 (có hiệu lực từ 01/7/2008) thực sự đi vào cuộc sống, ngoài việc quan tâm của các cấp ủy Đảng, của chính quyền, sự nỗ lực tự thân của chị em Phụ nữ, còn phải rất cần có sự giúp đỡ, sẻ chia của nam giới từ trong từng gia đình rộng ra đến cả cộng đồng để “hai nửa xã hội” cùng phát triển bền vững, để phụ nữ Việt nam luôn luôn và mãi mãi là một hình mẫu mới thật sự “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, làm gương sáng về bình đẳng giới cho cả thế giới tiến bộ noi theo./.

——————-

(1) Trích dẫn và tham khảo: Di chúc Hồ Chí Minh Trang 509, 510 tập 12, Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG Hà Nội 2000.
(2) Bản án chế độ thực dân Pháp Trang 112, HCMTT, tập 2, NXB CTQG Hà Nội 2000.
(3)Văn bia điển Bến Dược Củ Chi, Tp Hồ Chí Minh – Viễn Phương.
(4) Trả lời bạn nữ sinh viên X của chúng ta, tr 443, tập 2 – HCMTT, NXB CTQG Hà Nội 2000.
(5)Đường cách mệnh, Trang 288 Tập 2, HCM TT – NXBCTQG Hà Nội 2000.
(6) Tuyên ngôn độc lập Trang 9, Tập 4 – HCM TT- NXB CTQG Hà Nội 2000.
(7) http://vietsciences2.free.fr/lichsu/lichsu_ngaydoclap_hoaky.htm.
(8) Phát biểu ngày 9-11-1946. Báo Cứu quốc, số 401, ngày 10-11-1946 , Tập 2, tr 974 NXB CTQG Hà Nội 2000.
(9) Đời sống mới, trang 343, 344 Tập 5, Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG – Hà Nội -2000.
(10) Trang 408 tập 5, Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG – Hà Nội -2000.
(11) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG – Hanoi-2000; Tập 12, Trang 197,
(12) Sách Hồ Chí Minh: Về công tác văn hoá văn nghệ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1971, tr.78-93.
(13)Văn bia đền Bến Dược Củ Chi, TP Hồ Chí Minh – Viễn Phương.
(14)Trang 431, tập 6, Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG – Hà nội 2000.
(15) Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam) ban hành theo quyết định 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/08/2004 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản
Phương Thúy (st)

nhoNguoicha