Tag Archive | Gia quyến và Di chúc của Người

Di chúc Bác Hồ và trăn trở của Người về quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ

Tài liệu “Tuyệt đối bí mật”- bản Di chúc thiêng liêng, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết lúc 9 giờ sáng ngày 10/5/1965 đúng dịp sinh nhật lần thứ 75 của Người. Từ ngày 10 đến 14/5/1965, mỗi ngày Người dành một giờ đồng hồ để viết. Những năm sau đó, cũng vào dịp tháng 5, Người lại dành thời gian để đọc lại hoặc viết thêm vào tài liệu ấy. 9 giờ sáng ngày 10/5/1968, khi xem lại tài liệu này, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy cần và Người đã viết thêm một số vấn đề nữa. Trong số những vấn đề đó, Người đã viết về phụ nữ như sau: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”

Những lời tâm huyết này trước lúc đi xa, phải chăng là sự đúc kết ngắn gọn của sự trăn trở cả cuộc đời Người về vấn đề giải phóng dân tộc, giải phóng con người và giải phóng phụ nữ – thực hiện quyền bình đẳng cho mỗi dân tộc, mỗi con người và quyền bình đẳng thật sự của phụ nữ so với nam giới.

Từ những năm đầu thế kỷ XX, khi đang còn hoạt động ở nước ngoài (Pháp), Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã nhìn thấy rất rõ nỗi khổ nhục của người phụ nữ Việt Nam và đanh thép tố cáotội ác của thực dân Pháp đối với phụ nữ xứ thuộc địa An Nam lúc đó: “Không một chỗ nào người phụ nữ thoát khỏi những hành động bạo ngược, ngoài phố,trong nhà, giữa chợ, hay ở thôn quê, đâu đâu họ cũng vấp phải những hành động tàn nhẫn của bọn quan lại cai trị, sĩ quan, cảnh binh, nhân viên nhà đoan, nhà ga”. Người đã đưa ra những dẫn chứng rất cụ thể về những hành vi bạo ngược để minh hoạ cho lời tố cáo đó của mình và còn thấy rõ: Cùng với sự áp bức của thực dân Pháp thì lễ giáo phong kiến Việt Nam cũng coi người phụ nữ là những “đàn bà phải quanh quẩn bếp núc”, “trong xã hội và trong gia đình, người phụ nữ bị hạ thấp tột bậc và không được hưởng chút quyền gì”. “Dưới chế độ phong kiến và thực dân, phụ nữ bị áp bức tàn tệ. Ngoài xã hội thì phụ nữ bị xem khinh như nô lệ. Ở gia đình thì họ bị kìm hãm trong xiềng xích “tam tòng”. Trước sự khổ nhục của người phụ nữ An Nam như vậy, Người vẫn có niềm tin vào sức mạnh ở họ. Người đề cao vai trò, vị trí của giới phụ nữ nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng. Người khẳng định:“muốn thế giới cách mệnh thành công thì phải vận động đàn bà con gái công nông các nước…An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”. Từ đó, Người đã động viên, khích lệ, kêu gọi “Hỡi chị em! Vì sao chị em lại phải chịu sự áp bức bất công như vậy”, “… bây giờ hai chữ “nữ quyền” đã rầm rầm khắp thế giới, chị em ta lại gặp cảnh nước suy vi, nỡ lòng nào ngồi yên được! chị em ơi! Mau mau đoàn kết lại!”

Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo năm 1930, Người đã đưa nội dung “Nam nữ bình quyền” thành một mục ngang bằng với các mục “Dân chúng được tự do tổ chức”, “Phổ thông giáo dục theo công nông hoá”…

Năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng, khi sáng lập Mặt trận Việt Minh (5/1941) để tập hợp lực lượng đánh thực dân Pháp giành độc lập dân tộc, Người đã đề ra 10 chính sách của Việt Minh, trong đó có chính sách về phụ nữ: “Đàn bà cũng được tự do, bất phân nam nữ đều cho bình quyền”. Trong Chương trình Việt Minh, Nguời viết: “Sau khi đánh đuổi đế quốc phát xít Nhật, sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà…. Chính phủ nhân dân của nước VNDCCH do Quốc dân đại hội cử lên sẽ thi hành những chính sách Phổ thông đầu phiếu: hễ ai là người Việt Nam, vô luận nam, nữ từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử… Về chính trị: Nam nữ bình quyền. Về các phương diện kinh tế , chính trị,văn hoá: đàn bà đều được bình đẳng với đàn ông”

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, chỉ một ngày sau khi tuyên bố Việt Nam độc lập, ngày 3/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Người đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước VNDCCH. Trong đó, nhiệm vụ thứ ba, Người nêu: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử”[8][9]. Người còn chủ trương: “Trong cuộc tổng tuyển cử hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái, trai… hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”[9][10].Dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập đã giành thắng lợi lớn. Trong số 333 đại biểu Quốc hội, có 10 đại biểu là phụ nữ.

Là Trưởng ban dự thảo Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa vào bản Hiến pháp đầu tiên (1946) của nước ta những điều luật ngang tầm với nền chính trị tiên tiến của thế giới, trong đó, Điều 9 quy định: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử, người phụ nữ đã được quyền bình đẳng, ngang với đàn ông cả trong quy định pháp lý và cả trên thực tế.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ: Hàng vạn phụ nữ Kinh, Tày, Nùng, Mán, Mèo xung phong tham gia dân công, không quản trèo đèo lội suối, ăn gió nằm sương. Phụ nữ ở xí nghiệp, ở nông thôn, ở cơ quan, kể cả chị em tiểu tư sản đều hăng hái tham gia thi đua yêu nước, thành tích không kém đàn ông. “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Người còn chỉ ra nhiệm vụ chính trị của phụ nữ lúc bấy giờ: “Thắt chặt mối đoàn kết giữa các tầng lớp phụ nữ trong nước, giữa phụ nữ Việt Nam và phụ nữ các nước bạn cùng phụ nữ dân chủ thế giới. – Thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, hăng hái tham gia phong trào chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu.- Hăng hái tham gia chính quyền…

Người cũng nhấn mạnh: Đóng góp của phụ nữ thì to lớn như vậy, nhưng để thực sự nam nữ bình đẳng – bình quyền là “một cuộc cách mạng to và khó”. Bởi vì, “ách áp bức dân tộc và bóc lột giai cấp của bọn thực dân Pháp và tay sai đã gây nên những nỗi đau khổ, cơ cực của người phụ nữ”. Và “vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trongđầu óc của mọi tầng lớp xã hội… phải cách mạng từng người, từng gia đình đến toàn dân dù to và khó nhưng nhất định thành công”. Người chỉ rõ về tầm quan trọng của cuộc cách mạng này: “Nói phụ nữ là nói phần nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội mới một nửa”. Tư tưởng về thực hiện quyền bình đẳng và giải phóng phụ nữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã được ghi trong Hiến pháp năm 1959, tại Điều 24. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trươngxây dựng Luật Hôn nhân và gia đình, và ngày 13/1/1960, Người đã ký Lệnh số 02- LCT công bố đạo Luật này. Luật đã dành các Điều 3;12;13;18 để nói về quyền bình đẳng vợ chồng và phải yêu thương quý trọng nhau.

Trong công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các Bộ, các ngành, các cơ quan, đoàn thể, đơn vị phải chú ý đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện đưa phụ nữ tham gia vào công tác quản lý, lãnh đạo. Có như vậy, phụ nữ mới thực sự bình đẳng. Ngườithường xuyên quan tâm theo dõi từng bước tiến của phụ nữ. Người nhận xét “Thời kỳ thuộc Pháp, phụ nữ ta làm gì đựơc tham gia chính quyền. Nhưng đến nay, số phụ nữ hiện công tác ở các cơ quan Trung ương đã có trên 5.000 người, ở huyện, xã có hơn 16.000 người và các tỉnh có hơn 330 người, đặc biệt trong quốc hội khoá II này có 53 đại biểu phụ nữ”. Người còn động viên chị em noi gương phụ nữ thế giới…; phụ nữ trong nước… như “Phó tổng tư lệnh quân giải phónglà cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”

Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để phụ nữ Việt Nam được hưởng quyền bình đẳng thật sự thì không chỉ làm cách mạng giải phóng họ, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của họ mà còn phải bồi dưỡng, giúp đỡ họ, đưa họ tham gia vào công tác quản lý, lãnh đạo Đảng và chính quyền. Đây là biểu hiện rõ nét nhất về việc thực hiện quyền bình đẳng đối với phụ nữ. Cả cuộc đời Người luôn trăn trở để đem lại quyền bình đẳng thật sự đó.

phunu.hochiminhcity.gov.vn

Advertisement

Quyền bình đẳng của phụ nữ – một vấn đề quan trọng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thạc sĩ, Phó chủ tịch Hội LHPN Hoàng Thị Ái Nhiên

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới là người sớm quan tâm đến vai trò, vị thế của phụ nữ, là một trong những người đi đầu, giương cao tư tưởng chống áp bức và nô dịch phụ nữ.

Trong một bài phát biểu của mình, nhà sử học người Mỹ, bà Giô-xơ-phin Sten-sen đã khẳng định: Trong số những lãnh tụ là nam giới như Tô-mát Giéc-phéc-sơn, Mahatma Găng-đi, Các Mác, Lê-nin, Mao Trạch Đông, Lu-thơ-kinh và Nen-sơn Men-đê-la… Tất cả những lãnh tụ nói trên đều quan tâm sâu sắc đến công lý cho toàn thể xã hội. Song, chỉ có Hồ Chí Minh là đã luôn luôn nói về quyền bình đẳng của phụ nữ…

Còn với chúng ta – những người dân Việt Nam, những người phụ nữ Việt Nam – hơn ai hết, chúng ta hiểu sâu sắc rằng trong suốt quá trình tìm đường cứu nước và lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh cho độc lập tự do, xây dựng chế độ mới, có một tư tưởng xuyên suốt, có một điều luôn thường trực trong tâm khảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu là làm thế nào, làm gì để giải phóng phụ nữ nước ta, để thực hiện nam nữ bình quyền, để quyền lợi của phụ nữ thật sự được tôn trọng, thật sự được bảo đảm.

Vì lẽ đó, cho đến trước lúc đi xa, Người vẫn luôn tâm niệm, dành một phần trong bản Di chúc thiêng liêng để nói về một vấn đề quan trọng là quyền bình đẳng của phụ nữ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, phụ nữ có vai trò rất to lớn trong sự nghiệp cách mạng; giải phóng phụ nữ và thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ là một nội dung quan trọng của quyền con người, một nhiệm vụ của cách mạng. Ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong Bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”

Với lực lượng một nửa nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao những đóng góp to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp Cách mạng, Người khẳng định: “Trong lịch sử phát triển của đất nước, ở bất cứ thời kỳ nào, phụ nữ Việt Nam cũng giữ một vai trò rất quan trọng”; “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ!”.

Như vậy, cả về hai mặt pháp lý và đạo đức, quyền bình đẳng của phụ nữ là một nội dung quan trọng của quyền con người. Trong suốt cuộc đời làm cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn canh cánh một nỗi niềm, một nhiệm vụ: Giải phóng phụ nữ và thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ. Người ý thức sâu sắc rằng giải phóng phụ nữ thuộc địa phải gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng con người.

Là một vị lãnh tụ nói và làm luôn đi đôi với nhau, tư tưởng thống nhất với hành động, Chủ tịch Hồ chí Minh thấu hiểu nổi thống khổ và sự ràng buộc xã hội đối với người phụ nữ; qua đó thức tỉnh họ đứng lên tranh đấu để giành lấy sự bình đẳng; trong công tác phụ nữ Người luôn đòi hỏi ở cả hai phía: Tổ chức Đảng và bản thân người phụ nữ.

Thấu hiểu và thông cảm với phụ nữ, Người luôn quan tâm thức tỉnh, xây dựng cho họ lòng tự tin, niềm tự hào. Người chỉ rõ: “Dưới CNXH, CNCS, người phụ nữ dũng cảm có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ của người đàn ông dũng cảm có thể làm, dù nhiệm vụ đó đòi hỏi rất nhiều tài năng và nghị lực”. Là một lãnh tụ nói đi đôi với làm, Người đã biến sức mạnh tiềm tàng to lớn của phụ nữ thành động lực mạnh mẽ, thành mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Theo Người, một vấn đề cực kỳ quan trọng là phụ nữ phải được tham gia bình đẳng vào quá trình xây nền kinh tế mới của xã hội; sự tiến bộ của nền kinh tế, văn hóa, xã hội là tiền đề để đi tới giải phóng phụ nữ triệt để.

Không chỉ quan tâm đến quyền bình đẳng của nữ giới trong mọi quan hệ xã hội mà Bác Hồ còn lo cho hạnh phúc của nữ giới trong quan hệ vợ chồng,Bác khuyên chị em ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình để tự đấu tranh giải phóng mình khỏi những ràng buộc phi lý kiểu “chồng chúa vợ tôi”. Bác phê phán tình trạng chồng đánh vợ và khẳng định đây là tệ nạn về mặt đạo đức và vi phạm pháp luật: “Đàn ông là người công dân, đàn bà cũng là người công dân, dù là vợ chồng, người công dân này đánh người công dân khác tức là phạm pháp”

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng cũng như trong cuộc sống đời thường, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm động viên phụ nữ.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ, suốt 40 năm qua, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã vận dụng và phát triển một cách toàn diện tư tưởng của Người trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; các tầng lớp phụ nữ đã có nhiều cố gắng nỗ lực để hướng tới sự bình đẳng thực chất cho phụ nữ.

Xuyên suốt từ Cương lĩnh chính trị năm 1930 đến Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, vấn đề quyền bình đẳng của phụ nữ tiếp tục được thể chế hoá trong nhiều văn bản Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt Đảng và Nhà nước ta đã ban hành một số văn bản quan trọng về bình đẳng nam nữ và công tác phụ nữ.

Năm 1981, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Ngày 12/7/1993, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ – TW về “Đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới”. Tiếp tục phát triển các quan điểm của Đảng và Bác Hồ, Nghị quyết xác định phụ nữ là “người thầy đầu tiên” của mỗi đời người; phụ nữ có “những đặc điểm riêng…”; để phát huy vai trò của phụ nữ, Đảng ta đã xác định những nhiệm vụ cơ bản: “phát huy trí tuệ phụ nữ”, “tránh khắt khe, hẹp hòi”, cần “thông cảm, giúp đỡ phụ nữ”, “nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ là thật sự thực hiện quyền bình đẳng và nâng cao địa vị xã hội của phụ nữ”… Về phần mình: “phụ nữ cần kết hợp hài hoà công việc gia đình với công tác xã hội”…

Quan điểmấy tiếp tục được thể hiện trong Chỉ thị 37/CT-TW của Ban Bí thư ngày 16/5/1994 về công tác cán bộ nữ; được cụ thể hoá trong “ Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2010” do Chính phủ công bố ngày 4/10/1997.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ cụ thể: “Đối với phụ nữ, nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện bình đẳnggiới. Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp”.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng X, tiếp tục cụ thể hóa quan điểm của Đảng đối với việc thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong thời kỳ mới, Ngày 27/4/2007, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 11/NQ-TW “Về công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

Ngày 29/11/2006 Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật Bình đẳng giới; ngày 21 tháng 11 năm 2007 Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Đây là những văn bản pháp lý có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội, góp phần hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật về bình đẳng giới, là công cụ pháp lý thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình phấn đấu thực hiện mục tiêu bình đẳng giới ở nước ta.

Bên cạnh những thành tựu về chủ trương, đường lối và luật pháp; về tổ chức bộ máy, lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta có một cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới, có văn bản chính thức giao cho Uỷ Ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội phụ trách về Bình đẳng giới; hằng năm Chính phủ có báo cáo với Quốc Hội về thực hiện các mục tiêu quốc gia về Bình đẳng giới. Những thành tựu đó đã ngày càng tạo điều kiện cho phụ nữ bình đẳng về quyền và cơ hội phát triển; phát huy vai trò, khả năng của lực lượng phụ nữ, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. Cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật của đất nước, sự nghiệp “giải phóng phụ nữ”, “nam, nữ bình quyền”, vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam ngày càng thu được nhiều thành tựu.

Thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, thực hiện lời giáo huấn trong Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu, với lòng biết ơn vô hạn, các tầng lớp phụ nữ trên khắp mọi miền của đất nước đã đoàn kết phấn đấu, năng động, sáng tạo phát huy sức mạnh nội lực, giá trị truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, chủ động, tự tin, đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phầnthực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong vai trò người vợ, người mẹ, với tấm lòng thuỷ chung, nhân hậu, phụ nữ đã cùng nam giới xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Phụ nữ Việt Nam ngày càng trưởng thành về mọi mặt. Trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, địa vị của phụ nữ trong gia đình và xã hội được nâng lên. Quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng được thực hiện đầy đủ hơn. Đời sống vật chất, tinh thần và sức khoẻ của đại bộ phận chị em được cải thiện.

Là tổ chức đại diện, chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam đã giữ vững vai trò nòng cốt trong phong trào phụ nữ. Bám sát chức năng của Hội, nhiệm vụ chính trị của đất nước, các cấp Hội đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt hơn vai trò đại diện quyền làm chủ của phụ nữ; chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành một số chính sách, luật pháp có ý nghĩa chiến lược về công tác phụ nữ, cán bộ nữ và bình đẳng giới. Các cấp Hội đã tích cực vận động phụ nữ và các tầng lớp phụ nữ sôi nổi hưởng ứng thực hiệnphong trào thi đua yêu nước “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc’’. Đặc biệt, đối vớiCuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh”, hơn 2 năm qua cán bộ, hội viên phụ nữ cả nước đã nỗ lực thực hiện không chỉ bằng trách nhiệm mà bằng cả tấm lòng yêu thương và biết ơn vô hạn đối với Bác. Cuộc vận động đã trở thành một đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa, bước đầu đã tạo được những chuyển biến tích cực trong việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức trong cán bộ, hội viên, xây dựng được phong trào “làm theo” tấm gương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí củaBác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quát, quan niệm bất bình đẳng, tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn tồn tại trong xã hội ta dưới nhiều hình thức, ở nhiều nhóm xã hội khác nhau, kể cả đội ngũ cán bộ, công chức, thậm chí cả trong nữ giới. Giữa chủ trương, chính sách và pháp luật với thực tiễn còn khoảng cách lớn, để đạt được sự bình đẳng thực sự giữa nam và nữ còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong thực tế, phụ nữ đang phải đối mặt với đói nghèo, lạc hậu, thiếu việc làm, sự bất cập về trình độ học vấn, chuyên môn chính là những bước cản trở đến sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ. Ngay tại các bộ, ngành và những đơn vị hành chính, kinh tế lớn, vấn đề bình đẳng giới vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Việc bồi dưỡng, phát triển cán bộ nữ còn hạn chế. Tỷ lệ thất nghiệp trong nữ giới có xu hướng cao dần lên trong cả khu vực công và tư; tình trạng bạo lực gia đình mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ vẫn còn cao; tình trạng thất học, bỏ học của các cháu gái ở vùng sâu, vùng xa còn khá phổ biến; khoảng cách giàu nghèo giữa đô thị với nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn khá lớn…

Để tiếp tục thực hiện nội dung quan trọng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền bình đẳng của phụ nữ, đồng thời thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, trong thời gian tới, cần tiếp tục có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức hoạt động trên lĩnh vực xã hội và bình đẳng giới; sự nỗ lực của toàn dân và của phụ nữ.

Từ diễn đàn hội thảo này, chúng tôi mong muốn Đảng và Nhà nước, tiếp tục lãnh đạo, thể chế hoá những quan điểm về bình đẳng giới thông qua các chính sách, pháp luật; tiếp tục hoàn thiện các chính sách có liên quan đến vấn đề bình đẳng giới. Đề ra các giải pháp hữu hiệu để đưa Nghị quyết, chính sách, pháp luật vào cuộc sống; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội về bình đẳng giới; tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ vào bộ máy các cơ quan lãnh đạo các cấp; định kỳ hàng năm kiểm tra việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Về phần mình, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tổ chức các hoạt động thiết thực phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ và nhiệm vụ chính trị được giao. Chú trọng nâng cao năng lực của đội ngữ cán bộ các cấp để thực hiện tốt hơn vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của phụ nữ. Tăng cường tham mưu cho Đảng có những chính sách cụ thể, kịp thời động viên khuyến khích chị em vươn lên đảm nhận trách nhiệm trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhân kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người trong cán bộ, hội viên phụ nữ cả nước; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh” trong cán bộ, hội viên phụ nữ bằng những việc làm cụ thể thiết thực.

Với tất cả lòng thương yêu và biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu, tưởng nhớ Bác, cán bộ, hội viên phụ nữ cả nước quyết tâm đoàn kết, phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đóng góp tài năng, sức lực trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu bình đẳng, phát triển của phụ nữ, xứng đáng với niềm tin yêu và lòng mong muốn của Bác Hồ.

phunu.hochiminhcity.gov.vn

Di chúc Hồ Chí Minh – Vấn đề giải phóng phụ nữ và phát triển bền vững

Vượt lên các nhà cách mạng cùng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người khởi xướng con đường giải phóng phụ nữ ở nước ta. Người đã thức tỉnh phụ nữ giải phóng chính mình, tham gia giải phóng dân tộc. Ngay từ rất sớm Bác luôn cảm thông sâu sắc với nỗi thống khổ của phụ nữ Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai.

Người xác định rõ, bất bình đẳng nam nữ không đơn thuần là bị ảnh hưởng bởi các tư tưởng lạc hậu mà chủ yếu là do chế độ kinh tế xã hội. Cả cuộc đời hoạt động của Người, đi đôi với “nói và làm” Bác kêu gọi và “Thực hiện nam nữ bình quyền”, coi sự nghiệp giải phóng phụ nữ là một mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Trước lúc đi xa, di chúc để lại Bác còn căn dặn toàn Đảng, toàn dân: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ.”(1)

Mỗi lời trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta, cho các Đảng anh em và cả nhân dân thế giới là những lời căn dặn, những tình cảm, niềm tin của Bác đối với mỗi chúng ta ngày nay và các thế hệ mai sau. Di chúc Bác thể hiện toàn diện, nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh; đoạn trích trên chỉ 86 chữ, Bác vừa ghi nhận công lao của phụ nữ trong suốt chặng đường đấu tranh giành độc lập; vừa căn dặn “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực và bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên” đồng thời chỉ rõ “Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

Lịch sử của dân tộc, tuy phải trải qua hơn nghìn năm bị các triều đại phong kiến phương Bắc xâm chiếm, dân tộc ta đã không ngừng đấu tranh: Trước là giành độc lập chủ quyền, sau là bảo vệ truyền thống, không để bị đồng hóa với Hán tộc. Dù ra sức giữ gìn, song sự tiếp cận và giao thoa nền văn hóa chúng ta vẫn khó tránh ảnh hưởng tư tưởng phong kiến của Trung quốc, đặc biệt tư tưởng của Khổng giáo với thuyết Chính danh một học thuyết chủ trương xây dựng chế độ xã hội theo một tôn ti trật tự nghiêm ngặt, với nhiều luật lệ hà khắc, nô dịch, khống chế mọi quyền tự do và bình đẳng của phụ nữ. Người phụ nữ bị ràng buộc suốt đời bởi lễ giáo: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (tại gia đình nghe lời cha, đi lấy chồng theo và nghe chồng, nếu chồng chết thì theo và nghe con); rồi quan niệm nối dõi tông đường, duy trì dòng giống là con trai, “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một con trai xem như có, mười con gái cũng như không). Coi con gái là “nữ sinh ngoại tộc”; Thuyền theo lái, gái theo chồng; sinh con gái, mất cả con và sau này là mất cả họ (con cái mang họ cha). Đạo Khổng coi phụ nữ là “tiểu nhân”, “nan hóa”, khó thể cải đổi, không học chữ được, cho nên nhiều người không cho con gái đi học, họa hoằn có cho thì cũng hạn chế chỉ nhằm mục đích “trang trí” …

Hơn 80 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, chế độ thuộc địa đưa việc học văn minh phương Tây vào cũng chỉ nhằm đào tạo một lớp tay sai phục vụ thực dân, nhãn hiệu “tự do, bình đẳng, bác ái” không mang lại cho phụ nữ sự tiến bộ nào hơn ngoài đẩy một bộ phận phụ nữ Việt Nam phải rời khỏi gia đình gia nhập đội quân lao động ở các xưởng máy hay những đồn điền cao su tăm tối, bị bóc lột, chà đạp nhân phẩm, thậm chí số ít bị tha hóa với sự gia tăng các tệ nạn xã hội.

Được sinh ra trong gia đình Nho học, lớn lên trong hoàn cảnh Tổ quốc bị xâm lược, đồng bào bị đày đọa dưới chế độ thuộc địa nửa phong kiến, lòng nhân ái của Người đã sớm trỗi dậy mãnh liệt, khi chứng kiến cảnh nhân danh những người đi “khai hóa văn minh cho An Nam” bạo tàn đến mức Bác phải thốt lên “Chưa có bao giờ, ở một nước nào mà người ta lại vi phạm mọi quyền làm người một cách dã man, độc ác trắng trợn đến thế, Không phải chỉ có những cuộc khám nhà hàng loạt, liên tục, mà còn có những cuộc khám xét thân thể người bản xứ bất kể ở chỗ nào, bất kể là nam hay nữ. Nhân viên nhà đoan (Sở thuế vụ – NV), vào nhà người bản xứ, bắt đàn bà, con gái cởi hết áo quần trước mặt chúng, và khi họ đã trần truồng như nhộng thì chúng giở trò dâm đãng kỳ quặc đến mức đem cả con dấu nhà đoan đóng lên người họ.” (2)

Với Bác trong cảnh tình “Thưở đất nước đắm chìm trong tăm tối”(3). Cứu nước là tiếng gọi thống thiết của non sông, và từ rất sớm Bác thấy rõ “Đàn bà con gái cũng nằm trong nhân dân. Nếu cả dân tộc được tự do, đương nhiên họ cũng được tự do. Ngược lại nếu dân tộc còn trong cảnh nô lệ thì họ và con cái họ cũng sẽ sống trong cảnh nô lệ đó thôi.” (4)

Khi hoạt động ở hải ngoại, để chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức và phương pháp đấu tranh cách mạng cho đội tiên phong chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam là các lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu (1925-1927), Đường kách mệnh tác phẩm tập hợp các bài giảng của Người đặt cơ sở cho việc hình thành đường lối và phương pháp của cách mạng Việt Nam theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, dẫn lời C.Mác, Bác viết rằng: “Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái, thì biết xã hội tiến bộ ra thế nào?”. Dẫn lời Lê-nin, Bác viết: “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công”; Người không chỉ thấy cần thiết phải giải phóng phụ nữ khỏi bất công mà còn nhìn ra sức mạnh tiềm tàng ở chính trong phụ nữ “Những lời ấy không phải câu nói lông bông. Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia”(5).

Cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân; trong tuyên ngôn độc lập đọc tại Quảng trường Ba đình lịch sử ngày 02/9/1945 Bác đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới, quốc dân và đồng bào “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”(6). Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Bác đã dẫn câu nói đó từ Tuyên ngôn độc lập 1776 của Mỹ.

Nói như vậy đúng nhưng chưa đủ, bởi vì nếu đọc lại Tuyên ngôn độc lập Mỹ 1776(7) và Hiến pháp Mỹ năm 1787 cho thấy “all men” trong tuyên ngôn độc lập Mỹ chỉ là những người đàn ông da trắng, theo đạo Tin Lành có tài sản mới được bầu cử;tiêu chuẩn sở hữu này chấm dứt vào đầu thế kỷ 19 và tới năm 1920 phụ nữ mới giành được quyền bầu cử, tức là sau 144 năm giành độc lập phụ nữ Mỹ mới được quyền đi bầu bởi tu chính hiến pháp lần thứ 19: “Quyền bầu cử của các công dân Hoa Kỳ sẽ không bị phủ nhận hoặc hạn chế bởi Liên bang hoặc bất cứ bang nào với lý do giới tính”. Đối với người Mỹ da đen thì tới phong trào đòi quyền dân chủ diễn ra vào những năm 1960 mới giành được quyền bầu cử đầy đủ và đến 1971 các công dân trẻ tuổi mới được trao quyền bầu cử khi Hoa Kỳ hạ tuổi bầu cử từ 21 xuống 18 tuổi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với phụ nữ các dân tộc.

Trong khi “Tất cả mọi người” mà trên thực tế được thể hiện trong Hiến pháp Việt Nam Dân chủ cộng hoà bao gồm tất cả các công dân không phân biệt giới tính, tôn giáo, sắc tộc hay chính kiến. Đó chính là một sự phát triển sáng tạo khi tiếp thu Tuyên ngôn độc lập Mỹ, và điều đó không chỉ là lời nói mà là bằng chỉ đạo, lãnh đạo và thực tiễn, ngày 06/01/1946 mọi công dân Việt nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt giới tính, tôn giáo, dân tộc đều đã “phổ thông đầu phiếu, trực tiếp và kín” để bầu ra quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, và chính quốc hội này đã soạn thảo, thông qua hiến pháp năm 1946, Bản “Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân”.(8)

Không chỉ bình đẳng về chính trị, mà còn từ thực tiễn sinh hoạt của cuộc sống xã hội, trong tài liệu tuyên truyền thực hành đời sống mới Bác nói “Việc đời không gì khó, chỉ sợ chí không bền”. Bác đã chỉ ra “Chồng đánh chửi vợ, cha mẹ đánh chửi con, là điều rất dã man”(9). Bằng sự trân trọng, thương yêu, Bác xác định “Phụ nữ Việt Nam là chị em của tôi.”(10); Người còn nói “Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ. Hiến pháp và pháp luật của nước ta đã quy định rõ điều đó – Người ví dụ:
Hiến pháp điều 24 nói: Phụ nữ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình…v.v. .”

Bác lên án những hành vi bạo hành trong gia đình như:

“Ở Lương Yên (Hà Nội) trong 196 gia đình, thì có 26 người chồng thường đánh mắng vợ, có người đánh vợ bị thương. Ở khu Hai Bà Trưng, có người chỉ vì thức ăn không vừa ý, đã hất cả mâm cơm vào mặt vợ. Có người vợ ốm, chồng để mặc, không săn sóc trông nom. Ở xã Quảng Lưu (Thanh Hoá), có người nhét tro vào miệng vợ và đánh vợ què tay. Có người cạo trọc đầu và lột hết áo quần vợ, rồi giong vợ đi bêu khắp thôn xóm…
Những cử chỉ tàn nhẫn dã man như vậy vừa là phạm pháp luật Nhà nước, vừa trái với tình nghĩa vợ chồng..

Để chống bạo hành, ngược đãi, thật sự bảo vệ quyền lợi của phụ nữ Bác vừa bày vẽ vừa hướng dẫn cho các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội:

“- Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên phải phụ trách tuyên truyền và giáo dục một cách rộng khắp và bền bỉ cho mỗi gia đình hiểu rõ pháp luật Nhà nước và thấm nhuần đạo đức xã hội chủ nghĩa về vấn đề ấy.

– Bà con trong làng xóm và trong hàng phố cần phải có trách nhiệm ngăn ngừa, không để những việc phạm pháp như vậy xảy ra.

– Bản thân chị em phụ nữ phải có chí tự cường tự lập, phải đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình”.

Song song tuyên truyền giáo dục, thuyết phục với thái độ kiên quyết, Bác còn chỉ ra: “Đối với những người đã được giáo dục khuyên răn mà vẫn không sửa đổi, thì chính quyền cần phải thi hành kỷ luật một cách nghiêm chỉnh. … “Những hành vi trái với luật này sẽ bị xử lý theo pháp luật”. Nói tóm lại, giáo dục phải đi đôi với kỷ luật.”

Về thăm nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Thái Bình là một tỉnh sản xuất khá giỏi năm 1966, sau khi phân tích tình hình, chỉ rõ nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu Bác nhấn mạnh: “Một điều nữa Bác cần nói là: Phải kính trọng phụ nữ. Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau. Lê-nin dạy chúng ta: Phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả. Phụ nữ thì phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ. Nhưng Bác nghe nói vẫn có người đánh chửi vợ! Đó là một điều đáng xấu hổ. Như thế thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng? Như thế là phạm pháp, là cực kỳ dã man. Chi bộ đảng phải giáo dục đảng viên và nhân dân về quyền bình đẳng giữa vợ chồng. Đoàn thể phụ nữ và thanh niên phải bảo ban nhau cách cư xử hoà thuận trong gia đình. Bác mong rằng: Từ nay về sau sẽ không còn thói xấu đánh chửi vợ nữa”.(11)

Nói về sự thủy chung, phê phán hành vi “được cá quên tôm, được trăng quên đèn”, về sự bội bạc thay đen, đổi trắng “Bác nghe nói có cháu trước khi vào đại học đã có người yêu hoặc đã có vợ, nhưng khi “thành tài” rồi lại chê người cũ. Như thế là không có đạo đức, làm sao trở thành cán bộ tốt được!”(12)

Từ lời dạy và Di chúc của Bác, trong suốt chặng đường đồng hành cùng dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã phát huy cao độ truyền thống vẻ vang dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong quá trình đấu tranh giành chính quyền cũng như trong chiến tranh cách mạng. Hàng triệu những tấm gương kiên trung tô thắm thêm truyền thống phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Đó là những gương trung liệt của Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Chiên, Mạc Thị Bưởi, Trần Thị Lý, Kan Lịch, Nguyễn Thị Út, Hồ Thị Kỷ, Dương Thị Cẩm Vân… và triệu triệu những cô gái, đã cùng các chàng trai cống hiến cả máu của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Đấu tranh quyết liệt với quân thù, phản ánh phong trào phụ nữ vùng tạm chiếm, nhà thơ Viễn Phương còn ghi lại trên văn bia “Đôi tay yếu mẹ đẩy lùi máy chém/ Tấm thân gầy mẹ cản xích xe tăng/ Nước mắt chảy vào tim mẹ tiễn con ra trận/ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” lớp lớp lên đường”(16); trước đó cũng như Bác đã khẳng định trong thư gửi phụ nữ nhân dịp kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Quốc tế Phụ nữ 8/3/1952: “Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc ta, phụ nữ ta đang gánh một phần quan trọng….Nhiều bà cụ ngoài bảy tám mươi tuổi, chẳng những đã xung phong đi dân công, mà còn thách thi đua với các cụ ông và con cháu…

Nói chung là phụ nữ ở vùng tạm bị chiếm, nói riêng là các nữ du kích, không quản khó nhọc nguy hiểm, ra sức giúp đỡ chiến sĩ và cán bộ, hăng hái đấu tranh chống quân thù…”(13)

Qua 35 năm thực hiện lời căn dặn của Bác, năm 2004 trong định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam thế kỷ 21, vẫn còn ghi: “Mặc dù đạt nhiều thành tựu trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ, Việt Nam còn phải tiếp tục thực hiện nhiều công việc nhằm đạt được sự bình đẳng về giới, cải thiện điều kiện sống và lao động, nâng cao địa vị chính trị và xã hội của phụ nữ, xóa bỏ triệt để mọi hành động xâm phạm những quyền cơ bản của phụ nữ. Phụ nữ hiện vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi hơn nam giới trong việc có cơ hội học tập, đào tạo nghề nghiệp và nâng cao trình độ, tìm kiếm việc làm, gánh váccác công việc gia đình”(14).

Để tiếp tục tâm huyết của Bác Hồ “Một nửa thế giới” cần được giải phóng bình đẳng về mọi mặt và thực hiện tốt mục tiêu thiên niên kỷ quốc gia, toàn Đảng, toàn dân cần ưu tiên mọi nguồn lực để giúp phụ nữ có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển bền vững như: Tăng cường giáo dục, đào tạo, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về mọi mặt, trình độ nghề nghiệp và năng lực quản lý kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường cho phụ nữ; Hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế, tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh các chương trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em, cải thiện môi trường sinh hoạt tại từng địa phương; tạo điều kiện để chị em tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới…

Từ thực tiễn hoạt động và căn dặn trong di chúc, Bác Hồ đã khẳng định rằng sự tiến bộ của nền kinh tế, văn hóa, xã hội là tiền đề bức thiết để đi tới giải phóng triệt để phụ nữ, điều đó cũng có nghĩa sự nghiệp giải phóng phụ nữ không thể tách rời mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”; đó cũng là thực chất cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đi tới giải phóng xã hội, giải phóng con người dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thực hiện di chúc của Bác về sự nghiệp giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới, mỗi chúng ta chắc chắn sẽ hết sức đau lòng khi biết rằng “Theo báo cáo của Ủy ban Dân số – Gia đình và Trẻ em, 30% số phụ nữ bị đánh đập, lạm dụng cưỡng bức bằng nhiều hình thức do người chồng gây ra,… Và Một cuộc khảo sát ở Hà Nội, Phú Thọ và Thái Bình vào năm 2007 chỉ ra rằng có đến 40% những người phụ nữ được hỏi thừa nhận có bạo lực trong gia đình mình…”(15). Cho nên tiếp tục thực hiện di chúc của Bác, để Luật bình đẳng giới năm 2006, Luật Chống bạo hành gia đình năm 2007 (có hiệu lực từ 01/7/2008) thực sự đi vào cuộc sống, ngoài việc quan tâm của các cấp ủy Đảng, của chính quyền, sự nỗ lực tự thân của chị em Phụ nữ, còn phải rất cần có sự giúp đỡ, sẻ chia của nam giới từ trong từng gia đình rộng ra đến cả cộng đồng để “hai nửa xã hội” cùng phát triển bền vững, để phụ nữ Việt nam luôn luôn và mãi mãi là một hình mẫu mới thật sự “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, làm gương sáng về bình đẳng giới cho cả thế giới tiến bộ noi theo./.

——————-

(1) Trích dẫn và tham khảo: Di chúc Hồ Chí Minh Trang 509, 510 tập 12, Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG Hà Nội 2000.
(2) Bản án chế độ thực dân Pháp Trang 112, HCMTT, tập 2, NXB CTQG Hà Nội 2000.
(3)Văn bia điển Bến Dược Củ Chi, Tp Hồ Chí Minh – Viễn Phương.
(4) Trả lời bạn nữ sinh viên X của chúng ta, tr 443, tập 2 – HCMTT, NXB CTQG Hà Nội 2000.
(5)Đường cách mệnh, Trang 288 Tập 2, HCM TT – NXBCTQG Hà Nội 2000.
(6) Tuyên ngôn độc lập Trang 9, Tập 4 – HCM TT- NXB CTQG Hà Nội 2000.
(7) http://vietsciences2.free.fr/lichsu/lichsu_ngaydoclap_hoaky.htm.
(8) Phát biểu ngày 9-11-1946. Báo Cứu quốc, số 401, ngày 10-11-1946 , Tập 2, tr 974 NXB CTQG Hà Nội 2000.
(9) Đời sống mới, trang 343, 344 Tập 5, Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG – Hà Nội -2000.
(10) Trang 408 tập 5, Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG – Hà Nội -2000.
(11) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG – Hanoi-2000; Tập 12, Trang 197,
(12) Sách Hồ Chí Minh: Về công tác văn hoá văn nghệ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1971, tr.78-93.
(13)Văn bia đền Bến Dược Củ Chi, TP Hồ Chí Minh – Viễn Phương.
(14)Trang 431, tập 6, Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG – Hà nội 2000.
(15) Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam) ban hành theo quyết định 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/08/2004 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản
Phương Thúy (st)

nhoNguoicha